Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

TẠI SAO CÓ NHỮNG BÀI BÁO TỰ BÔI Y HỌC NƯỚC NHÀ? - Điều quan trọng nhất về giáo dục – Einstein

TẠI SAO CÓ NHỮNG BÀI BÁO TỰ BÔI Y HỌC NƯỚC NHÀ?

Hôm nay tôi đọc bài báo Hóa trị - Không có gì đáng sợ trên trang báo điện tử Vietnamnet, mà thấy buồn. Buồn vì nhà báo viết vì thương mại, mà viết một bài viết không hiểu biết về chuyên môn, lại tự đi bôi nhọ ngành Y nước mình. Buồn vì cơ chế chính trị đã làm ngành Y của Việt Nam thực chất là tốt hơn mọi quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về mặt chuyên môn - theo hiểu biết của tôi, một người đã lăn lộn trong nghề bằng chuyên môn thực sự hơn 30 năm qua. Buồn vì sự hiểu biết của dân mình về chuyên môn Y khoa nước Việt không được đúng chỉ vì hệ thống truyền thông của đảng chỉ nhìn phần nhiều ở góc tối, mà không nhìn ở góc sáng, không nhìn ở cái gốc, mà chỉ nhìn ở cái ngọn của vấn đề.
Tất cả những nỗi buồn trên bắt đầu từ nguyên nhân cơ chế chính trị nước ta gây ra, mà hậu quả để lại rất nhiều hệ lụy. 
Hệ lụy thứ nhất và to lớn nhất làm nên tất cả các hệ lụy khác là do cơ chế chính trị làm ra. Cái sai lầm đầu tiên là phân tuyến điều trị tuyến trung ương, tuyến địa phương, tuyến cơ sở, và việc đầu tư về chuyên môn cũng như trang thiết bị y tế không đồng bộ. Cũng cơ chế chính trị quy định mức lương quy định cho ngành Y tế quá thấp, không đủ để nuôi sống ngay cả chính bản thân người thầy thuốc, không thể nói đến nuôi con cái và gia đình.
Hệ lụy thứ hai kéo theo từ hệ lụy thứ nhất làm ra là người bệnh không tin tưởng ở các tuyến địa phương và cơ sở, dẫn đến quá tải ở tuyến trung ương, mà tuyến cơ sở có nơi thì không có bệnh nhân.
Hệ lụy thứ ba kéo theo từ cái hệ lụy thứ nhất và thứ hai - quá tải bệnh viện và đồng lương rẻ mạt - trong khi làm việc như trâu cày, ngựa kéo là, tha hóa một số lớn các thầy thuốc ở các tuyến bệnh viện có điều kiện để kiếm ăn bằng phong bì của người bệnh, còn cơ quan hành chánh của ngành Y tế nước ta thì kiếm phong bì khi đi kiểm tra, cấp phép Y Dược
Hệ lụy thứ ba này còn góp chủ yếu làm đội giá thành của thuốc điều trị cho bệnh nhân khi xin visa nhập thuốc cũng phải có tình trạng lót tay, thầy thuốc thì lấy hoa hồng các công ty dược khi kê toa, mà dân trong ngành ai cũng biết, nhưng ai cũng vì chén cơm manh áo, nên không ai dám nói ra, không ai dám khiếu kiện. Nó trở thành luật bất thành văn. Rất có nhiều chuyện để nói về những bất cập do chính trị gây ra ở hệ lụy này. Ví dụ, trong khi cũng thì loại thuốc ấy, chất lượng ấy nhưng chỉ cấp visa có 1 năm, năm sau nhập nữa phải xin lại phép.
Hệ lụy thứ tư cũng do cơ chế chính trị quy định đảng lãnh đạo, nên hầu hết những thế hệ lãnh đạo ngành Y tế trong 68 năm qua của miền Bắc, và 38 năm qua ở miền Nam là những người hồng hơn chuyên. Chữ chuyên ở đây là quản lý bệnh viện như quản lý một xã hội. Môi trường bệnh viện là môi trường phục vụ cho con người ở tất cả các giai tầng trong xã hội. 
Thế giới có riêng một ngành đào tạo về quản lý bệnh viện, để đào tạo ra những người có nghề chuyên về quản lý bệnh viện, mà không phải bác sỹ là người quản lý. Trong khi ở ta, lấy bác sỹ chuyên môn đôn lên làm quản lý sau khi xét duyệt lý lịch tốt với đảng cầm quyền, và qua một vài khóa học cao cấp, trung cấp chính trị, sau đó bồi dưỡng về quản lý bệnh viện rất sơ sài, trong một cơ chế tạo điều kiện tha hóa mà ông thủ tướng vừa phát biểu trong thông điệp đầu năm 2014, là phải cải cách và hoàn thiện thể chế.
Hệ lụy thứ năm là, vì có chuyện cơ chế lỏng lẻo, nên thực phẩm chức năng cũng được gọi là thuốc được các đại diện bán hàng đa cấp móc nối với bác sỹ tha hóa kê toa tràn lan. Với cái gọi là nhà thuốc chất lượng cao theo chuẩn quốc tế cũng chỉ là một giải pháp tình huống, cuối cùng nó lại tạo điều kiện cho cán bộ tha hóa cấp phép khống hàng trăm nhà thuốc GPP ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà báo chí nêu ra, cũng không ít các quan chức trong sạch vì đấu tranh với tham nhũng việc này mà phải thuyên chuyển công tác, dân trong ngành ai cũng rõ.
Nhưng dù có bị đội giá thuốc do các bất cập cơ chế chính trị gây ra, thì giá thuốc và giá điều trị của người bệnh Việt Nam hiện nay vẫn là rẻ hàng đầu thế giới. Vì tiền dịch vụ chăm sóc sức khỏe quá rẻ mạt, và đồng lương nhân viên y tế không xứng để chăm sóc bệnh cho con người, mà chỉ xứng để chăm sóc một con vật! Gần đây, báo chí lên tiếng tăng giá viện phí là quá sức với người bệnh Việt Nam là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Vì câu chuyện có 100 con gà, nhưng 1% người Việt ăn 99%, còn 99% người còn lại chỉ ăn 1 con. Tầng lớp 1% vẫn dư tiền đi Singapore hay Thái Lan để đốt tiền ngu hơn là tiền khôn. Vì với số tiền đó, ở Việt Nam đâu thiếu nơi điều trị tốt hơn và dịch vụ không thua Singapore?. Đây là sự mất cân bằng thu nhập cá nhân, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, bất công ngày càng quá lớn do cơ chế chính trị gây ra, không phải lỗi của ngành y tế.
Tất cả những cái hệ lụy trên làm mất uy tín ngành Y Việt Nam cũng từ cơ chế chính trị không có đối lập, kiểm tra, giám sát. Từ đó dân cứ nghĩ y khoa Việt Nam tệ hại hơn khu vực. Nhưng là một người làm trong ngành y bằng chuyên môn thực sự mà, không vì kinh doanh hay vì phong bì từ khi còn làm trong nhà nước, đến cách đây 12 năm ra làm tư nhân, tôi xin khẳng định y khoa Việt Nam về chuyên môn hơn các nước trong khu vực. Mọi cái xấu không phải do chuyên môn, mà do chính trị gây ra. Đơn cử về phẫu thuật nội soi ổ bụng, thì Pháp làm đầu tiên năm 1987 do bác sỹ Philipe Mouret ở Lyon cắt túi mật qua nội soi ổ bụng, Hoa Kỳ thực hiện đầu tiên năm 1989, thì tại Việt Nam ngày 23/9/1992 đã thành công cho bệnh nhân đầu tiên do PGS TS Nguyễn Tấn Cường thực hiện tại khoa Ngoại Tổng Quát Bệnh Viện Chợ Rẫy, từ kỹ thuật mang về của  Hoa Kỳ.
Từ điều trên đây cho thấy y học Việt Nam luôn cập nhật kịp thời, nhưng cơ chế chính trị đã kiềm hãm cho nghiên cứu y học nước nhà không thể tiến nhanh, vì người nghiên cứu còng lưng ra nghiên cứu, báo cáo chỉ để được cái danh hảo, còn tiền nghiên cứu rót từ trung ương xuống cơ sở nó biến đi đâu, mà hầu như không hoặc một phần rất nhỏ đến tay người thực sự nghiên cứu, số tiền này không đủ để mua cà phê uống thức đêm làm số liệu, chưa nói đến chuyện có sống để mà nghiên cứu. Việc này, tôi, người viết bài này đã từng "hưởng" cái "ân huệ" này trong nhiều năm. Cuối cùng, có còn ai tha thiết đến nghiên cứu và làm việc. Nên phải bỏ ra khỏi nhà nước mà tự kiếm sống cho riêng mình. Vì suy cho cùng, xã hội muốn tốt, thì từng thành viên trong xã hội phải là người tốt. Lấy đâu có người tốt, khi cái ăn không lo đủ?
Cuối cùng là, dù làm y khoa ở đâu cũng vậy, bệnh nhân là thầy của thầy thuốc, không có bệnh nhân làm sao thầy thuốc giỏi được, ngoại trừ mớ lý thuyết suông? Làm sao Singapore có chuyên môn tốt hơn Việt Nam về y khoa được khi họ không có bệnh nhân? Các quốc gia trong khu vực hơn y tế Việt Nam ở dịch vụ chăm sóc sức khỏe chứ không bằng về chuyên môn được. Họ hơn dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì họ ít bệnh, họ không quá tải, lương họ cao dư sống để chuyên tâm cho hành nghề và nghiên cứu. Báo chí nếu có viết thì cũng nên hiểu biết, và đừng quá vì thương mại mà tự bôi nhọ và xổ toẹt những gì mọi cố gắng của dân và các người làm nghề y nước Việt như bài báo mà tôi đọc trên đây.
Kết thúc bài viết này, tôi xin kết thúc một điều chủ yếu là, không chỉ có ngành Y Việt Nam bị chê bai, dè bỉu là xấu, mất lòng tin người dân, mà hầu hết tất cả các ngành từ kinh tế, đến văn hóa, giáo dục, v.v... đều nhục như khi cán bộ đi công cán nước ngoài bị khinh rẻ mà ông thủ tướng đã nói vừa qua, có một nguyên nhân cốt lõi là nền chính trị độc quyền cai trị, không có đối lập thực sự để sửa sai trước khi các nghị quyết, nghị định, công văn, thông tư, thông cáo được phát ra.
Những hệ lụy ngành y mà tôi viết trên đây cũng chỉ là nhắc lại một phần rất nhỏ của 7 bài viết: Ngành Y Việt Nam cần thay đổi gì?, mà tôi đã viết 4 năm trước, vì một mong muốn cho y học nước nhà có thể tự hào với thế giới. Nhưng nó chưa được quan tâm đúng với cái nó cần có, chỉ vì chế độ chính trị Việt Nam đã tạo ra những cái rễ tư hữu và quyền lực đi đôi với lợi ích cá nhân những người có quyền quyết định tốt cho nước nhà. Giờ để mọi cái tốt trở lại, cần phải có một cuộc siêu phẫu bằng chính trị chứ không phải chỉ là đại phẫu, và cần phải mất ít nhất 30 năm, nếu thực tâm chuyển đổi. Nếu nửa vời như 28 năm qua, e rằng mất nước và có thể đi đến diệt vong.

Đừng chê bai đạo đức và chuyên môn của ngành y Việt Nam, vì nếu muốn biết đạo đức và chuyên môn ngành y Việt Nam tốt hay xấu, thì hãy cho các bác sỹ và nhân viên y tế các quốc gia đến làm việc ở các bệnh viện quá tải của Việt Nam, với điều kiện "ưu đãi" của chế độ chính sách do chính trị Việt Nam tạo ra hiện nay chỉ cần 6 tháng, thì đạo đức và chuyên của họ có còn không?

Công bằng là điều xa xỉ?

Trẻ em là một tờ giấy trắng, mọi sự cố gắng vẽ lên những nét mực đẹp đẽ và đều đặn càng làm nâng cao giá trị và có khi đó là cả một nghệ thuật, tuy nhiên sự vô tình đánh rơi hoặc cố tình để lại những vết mực không cần thiết đều là tội lỗi.
Vào một sáng đầu năm, tôi đưa con đến trường tiểu học ở quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ. Vào đến cổng trường là 7g02. Khi nhìn thấy hai bạn cờ đỏ (chắc khoảng lớp 3, lớp 4) đứng ghi tên những em đi trễ, con tôi bỗng rơi nước mắt: Hôm nay con bị ghi tên vì đi trễ rồi cha ơi! Tôi dỗ dành con: Sáng mai con phải thức sớm hơn để không bị ghi tên nữa, đây là lần đầu, cô giáo con sẽ nhắc nhở và tha thứ cho con. Không hiểu sao, con tôi vẫn tỏ ra ngùng ngoằng khó chịu.
Đưa con lên lớp, tôi quay xuống, đã 7g10, vẫn còn không ít phụ huynh tất tả dẫn con vào trường. Có một chị phụ huynh lại chỗ hai em cờ đỏ đang đứng ghi tên và yêu cầu xoá tên con mình. Nể người lớn, hai em vui vẻ nhận lời. Còn những phụ huynh chỉ đưa con đến cổng, các em tự vào thì bị hai em cờ đỏ ghi tên và hỏi với vẻ nghiêm trang: Bạn cho hỏi tên gì? Học lớp nào? (đối với những em mặc áo khoác bên ngoài không thấy tên, lớp). Các em tự nguyện vạch áo ra cho hai em cờ đỏ ghi tên, mặt ra vẻ sợ sệt. Sau đó tôi còn thấy hai em ngồi xuống và thoả thuận xóa tên một số bạn quen biết...
Khi được người lớn năn nỉ bỏ qua, hai em đã hình thành một tư duy là bản thân mình có quyền nào đó, có thể ban phát quyền đó cho người quen, người thân của mình. Tư duy xin cho đã gieo vào đầu các em từ khi còn rất bé. Tại sao nhà trường khi đưa ra những quy định cho đội cờ đỏ, không ai giám sát cách hành xử của các em để nhắc nhở và uốn nắn?
Ra về, trong đầu tôi cứ nuối tiếc: Tại sao mình không lại xin cho con mình nhỉ? Bởi thực tế như vậy thì làm gì có công bằng? Nếu bạn là tôi, bạn nghĩ thế nào, bạn sẽ ứng xử ra sao?
Vũ Phụng (Cần Thơ)

Điều quan trọng nhất về giáo dục – Einstein, Lý Lan (lược dịch)

Albert Einstein là một khoa học gia và triết gia của thế kỷ 20. Trong thế kỷ đó tên ông đồng nghĩa với thiên tài. Sinh thời ông cũng từng là giáo sư đại học, thể hiện mối quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ qua nhiều bài viết và diễn văn. Trong quyển Ideas and Opinions, Ý tưởng và Quan điểm, tập hợp những suy nghĩ của Albert Einstein về nhiều khía cạnh cuộc sống từ khoa học, xã hội, chính trị đến văn học, nghệ thuật, có một phần về giáo dục. Đương nhiên thế giới chúng ta đang sống đã chuyển sang thế kỷ 21 với vô vàn thay đổi nhanh chóng trong mọi mặt đời sống xã hội, mà nói đến giáo dục là nói đến tương lai tính bằng thập kỷ – mười mấy hai ba bốn chục năm nữa. Có thể có người coi quan điểm giáo dục cách nay sáu bảy chục năm đã lỗi thời. Nhưng vì tôi đồng quan điểm với Einstein nên tôi xin trích dẫn ý kiến của ông.
Động cơ quan trọng nhất đối với lao động trong nhà trường và trong cuộc đời là niềm vui trong công việc, niềm vui trong kết quả của lao động đó, và hiểu biết về giá trị của kết quả đó đối với cộng đồng. Tôi nhận ra nhiệm vụ quan trọng nhất được nhà trường giao phó khi đánh thức và củng cố sức mạnh tâm lý của một chàng trai trẻ. Chỉ riêng một nền tảng tâm lý như thế đủ dẫn tới niềm khao khát hân hoan đối với của cải cao quí nhất của con người, là tri thức và kỹ năng bậc nghệ sĩ”.
Einstein đã phát biểu như trên nhân lễ kỷ niệm 300 năm giáo dục đại học tổ chức ở Albany, New York, ngày 15 tháng 10, 1936, trong một bài diễn văn có tiêu đề “On Education”, bàn về giáo dục. Trong phần mở đầu, rồi lập lại ở phần kết, ông khiêm tốn coi mình là người không hẳn có chuyên môn về sư phạm, mà chỉ có kinh nghiệm riêng và niềm tin cá nhân, với tư cách một người học và một người dạy. Ông nói nếu là vấn đề khoa học thì người không chuyên môn và thiếu căn cứ chỉ nên im lặng. “Tuy nhiên, với những việc liên quan đến con người thiết thực thì khác. Ở đây hiểu biết về chân lý mà thôi thì không đủ; ngược lại hiểu biết này phải được liên tục làm mới lại bằng sự cố gắng không ngừng, nếu không kiến thức sẽ mất đi. Giống như một bức tượng cẩm thạch đứng trong sa mạc và luôn bị nguy cơ vùi lấp trong gió cát. Những bàn tay chăm chút phải luôn hoạt động để giữ cho bức tượng tiếp tục tồn tại trong ánh thái dương. Tôi xin góp tay vào công việc đó”.
Khi mời Einstein phát biểu người ta không đặt cho ông vấn đề đại học nên chú trọng ngành tài chính ngân hàng hay khoa học kỹ thuật, nhưng hẳn là người ta trông mong ông có ý kiến về việc đào tạo thế hệ tương lai cái gì và như thế nào. Sau khi dành 5/6 trang nói về ý nghĩa và tinh thần của một nền giáo dục có giá trị, Einstein nói: “Tôi đã nói đầy đủ về việc thanh niên nên, theo quan điểm của tôi, được giáo dục trong tinh thần như thế nào. Nhưng tôi chưa nói gì về việc lựa chọn ngành học, hay phương pháp dạy học. Nên chú trọng ngôn ngữ hay giáo dục kỹ thuật trong khoa học?
Câu trả lời của tôi là: Tất cả những điều đó đều có tầm quan trọng bậc hai. Nếu một thanh niên rèn luyện cơ bắp và thể lực dẻo dai bằng thể dục và đi bộ, thì sau này anh ta thích hợp với mọi lao động chân tay. Điều này cũng tương tự như rèn luyện trí tuệ và thể dục tinh thần và thủ thuật. Cho nên định nghĩa của bậc thông thái về giáo dục không sai: “Giáo dục là cái còn lại, nếu người ta lỡ quên hết mọi thứ đã học ở trường.” Vì lý do này tôi không hào hứng đứng hẳn về một phe nào trong cuộc tranh chấp giữa những người chủ trương một nền giáo dục lịch sử triết học cổ điển hay một nền giáo dục trọng tâm là khoa học tự nhiên.
Mặt khác, tôi muốn phản đối ý kiến cho rằng trường học cần dạy trực tiếp kiến thức chuyên môn và những thành tựu mà người ta có thể sử dụng trực tiếp trong đời sống. Nhu cầu cuộc sống nhiêu khê đến nỗi sự huấn luyện chuyên môn trong nhà trường không có vẻ khả thi. Ngoài ra, hơn thế, tôi thấy rất khó chịu khi đối xử với một cá nhân như một công cụ vô hồn. Nhà trường nên luôn đặt mục tiêu là thanh niên tốt nghiệp với một nhân cách hài hòa, chứ không chỉ là một chuyên gia. Quan điểm này của tôi cũng áp dụng cho cả những trường kỹ thuật, nơi sinh viên chuyên chú theo đuổi một nghề chuyên môn nhất định.
Điều quan trọng bậc nhất là phát triển khả năng tư duy và phán đoán độc lập, chứ không phải có được kiến thức chuyên môn. Nếu một người am hiểu tường tận nền tảng môn học của mình và học được cách suy nghĩ và làm việc độc lập, anh ta chắc chắn tìm ra con đường cho mình, và hơn nữa sẽ có thể điều chỉnh bản thân mình cho thích nghi với sự tiến bộ và những thay đổi, tốt hơn hẳn so với những người được đào tạo chuyên môn với kiến thức cụ thể chi tiết”.
Mười sáu năm sau, trong bài Nền giáo dục cho tư duy độc lập đăng trên New York Times số 5 tháng 10, 1952, Einstein lại viết:
“Đào tạo một người một ngành chuyên môn thì không đủ. Được đào tạo như vậy người đó có thể trở thành một cái máy hữu dụng chứ không phải một nhân cách phát triển hài hòa. Điều thiết yếu là sinh viên đạt được hiểu biết và cảm nhận sinh động các giá trị. Anh ta phải có một nhận thức sâu sắc về những điều đẹp và tử tế. Nếu không, anh ta – với kiến thức chuyên môn – sẽ gần giống với một con chó được huấn luyện giỏi hơn là một con người phát triển hài hòa. Sinh viên phải học để hiểu những động lực sống của nhân loại, những ảo tưởng và những khổ đau của họ để có được mối quan hệ đúng với từng cá thể đồng loại và với cộng đồng nhân loại.
Những điều cao quí này được truyền giao cho thế hệ trẻ thông qua tiếp xúc trực tiếp với người dạy – hoặc chí ít cũng là chủ yếu – chứ không phải thông qua sách vỡ. Chính điều này tạo lập và bảo tồn văn hóa một cách căn cơ. Tôi nghĩ đến điều này khi khuyến cáo “nhân văn” là ngành học quan trọng, chứ không phải kiến thức chuyên môn khô khan trong các môn sử và triết.
Quá nhấn mạnh vào hệ thống cạnh tranh và chuyên môn hóa chưa thuần thục ở mức độ hữu dụng tức thì, bao gồm cả kiến thức chuyên môn hóa, giết chết tâm hồn mà toàn bộ đời sống văn hóa phụ thuộc vào.
Một điều cũng rất quan trọng đối với một nền giáo dục có giá trị đó là phát triển tư duy phê phán độc lập ở những người trẻ, một sự phát triển bị tác hại lớn do chồng chất lên sinh viên quá nhiều kiến thức và môn học quá khác biệt (hệ thống điểm). Quá tải tất yếu dẫn tới nông cạn. Dạy học nên là một hoạt động mà điều được truyền giao được tiếp nhận như món quà quí giá chứ không phải như một bổn phận nhọc nhằn”.
Đó là bài viết cuối cùng của Einstein đề cập đến giáo dục. Ông mất 3 năm sau đó. Có thể coi đây là di ngôn giáo dục của ông.
Lý Lan trích dịch từ quyển Ideas and Opinions, NXB The Modern Library, New York, 1994.
Nguồn: https://danluan.org/tin-tuc/20131226/ly-lan-dieu-quan-trong-nhat-ve-giao-duc


Nhân tiện chúng tôi xin trích dẫn thêm những câu nói nổi tiếng về giáo dục của Albert Einstein:
– “Trí tưởng tượng quan trọng hơn cả kiến thức”, (“Imagination is more important than knowledge”).
– “Nghệ thuật tối thượng của người thầy là đánh thức niềm vui trong sự diễn đạt và tri thức sáng tạo”, (“It is the supreme art of the teacher to awaken joy in creative expression and knowledge”).
– “Nhà trường phải luôn luôn tạo cho học trò một cá tính cân đối chứ không nên biến chúng thành một nhà chuyên môn”.
Một bài luận – bình giảng câu nói của Einstein, “Tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức.”
Einstein là nhà vật lý danh tiếng vào thế kỷ 20. Ông còn là người vận động cho hòa bình, chống lại vũ khí nguyên tử và đẩy mạnh giáo dục. Một trong những câu nói để đời của ông là “Tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức.” Ta sẽ từ từ mổ xẻ câu nói này, để xem đâu là quan trọng hay không quan trọng, và hy vọng đưa ra một bài học thiết thực cho các bạn học sinh thời nay.
Tưởng là liên tưởng, tượng là hình tượng, tưởng tượng là liên tưởng đến hình ảnh nào đó làm ta vui thích hoặc dẫn đến hành động tốt. Quan trọng có nghĩa là nặng ký, là cần thiết cho đời sống, không có thì chưa đủ. Còn kiến thức là những điều học hỏi được, trên ghế nhà trường hay ngoài trường đời. Như vậy, tưởng tượng là đi ra, là phong phú; kiến thức là thu vào, là giới hạn. Chính Einstein đã nói, tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức, vì nhờ tưởng tượng mà ta có thể bay bổng lên trời (without limit).
Rất nhiều người đồng ý với câu nói này của Einstein. Chúng ta có thể thiếu học, thất học, nhưng chúng ta không thể sống mà không có tưởng tượng. Khi xa nhà, thường thường người ta liên tưởng đến cha mẹ, vợ chồng, con cái. Nhờ đó, họ có đủ nghị lực để sống còn. Tưởng tượng cho ta hy vọng là thế. Tôn giáo cũng cho người ta hy vọng, dựa theo những điều có thể tưởng tượng được. Không ai biết được đời sau thế nào, nhưng hy vọng làm cho họ sống tốt hơn và phục vụ đắc lực hơn. Tưởng tượng là nhìn thấy trước. Vì thế, tưởng tượng cho ta niềm tin, tin vào sức mạnh của bàn tay, tin vào năng lực của ý chí. Niềm tin cho ta sự kiên trì để tiến đến thành công, to believe is to achieve. Tưởng tượng quan trọng vì đã để lại biết bao những tác phẩm văn chương quý giá, cũng như biết bao những khám phá khoa học lớn lao. Không chừng, nhờ tưởng tượng mà Einstein đã tìm ra được thuyết Tương đối chăng?
Tuy câu nói của Einstein là vậy, nhưng tưởng tượng cũng có phần tiêu cực của nó. Thí dụ, ta nghĩ là cuộc tranh chấp không thể nào hòa giải, hay một tội nhân không thể nào được cải hóa, hay cái tôi phải được ưu đãi hơn mọi người. Ta gọi đó là những ảo tưởng. Một tưởng tượng tiêu cực khác là bệnh không tưởng. Có nghĩa là, cứ tưởng tượng mà không bao giờ đưa đến hành động. Muốn yêu mà không bao giờ tỏ lộ, không bao giờ đối xử tốt với người yêu. Muốn trở thành nhà thơ, họa sĩ, mà không bao giờ bắt đầu. Rồi có một thứ tưởng tượng khác, có thể gọi là ác tưởng. Tức là, nghĩ ra những cách để chiếm đoạt, đầu độc, hoặc làm hại người khác.
Tóm lại, tưởng tượng là tốt đẹp, là quan trọng hơn kiến thức, nếu, hoặc khi tưởng tượng đó là một đức tính, một sự tích cực, nhưng nếu tưởng tượng là một tật xấu, một mưu đồ, thì sự tưởng tượng đó thật đáng kinh tởm.
Như vậy, các bạn học sinh, các bạn cần có tưởng tượng, nhưng phải tưởng tượng thế nào? Thưa, phải tưởng tượng tích cực và hướng thiện. Hãy tự hỏi, tưởng tượng này có làm bạn vui thích và người khác vui thích không? Tưởng tượng này có đưa bạn đến hành động tốt đẹp và cụ thể không? Nếu có, thì bạn nên ấp ủ điều bạn đang tưởng tượng, hãy tiếp tục mơ mộng đi, vì đó chính là đôi cánh đưa bạn vào một chân trời mới lạ hay một cảnh giới vô biên.

Nghiên cứu: Không gian xanh làm người ta hạnh phúc hơn


Trở lại với thiên nhiên là điều tốt cho sức khỏe tâm thần của bạn, theo cuộc khảo cứu mới. Những người ủng hộ công viên đô thị lại có thêm một lý do nữa để quảng bá cho giá trị của không gian xanh.

Gần 80 phần trăm dân số tại các quốc gia có thu nhập cao và trung bình sống trong các thành phố, nơi bệnh trầm cảm là một mối lo ngại lớn về y tế công cộng. Các công viên, các vườn cây, và các không gian thiên nhiên không phải lúc nào cũng kề cận.

Một số cuộc khảo cứu gợi ý rằng có một liên hệ giữa không gian xanh và hạnh phúc, nhưng các nhà khảo cứu chưa thiết lập được mối liên hệ nhân quả. Vì vậy, ông Mathew P. White và các đồng nghiệp thuộc University of Exeter đã quyết định tìm hiểu mối quan hệ đó.

Các nhà khảo cứu đã so sánh sức khỏe tâm thần của hàng trăm người Anh, những người đã dời nhà đi từ một khu ít cây cối của thành phố tới một khu xanh hơn, với những người di chuyển theo chiều hướng ngược lại.

Theo dõi các dữ liệu trong khoảng thời gian 5 năm, các nhà kháo cứu tìm thấy rằng những người chuyển tới khu vực xanh hơn thì hạnh phúc hơn - và duy trì được niềm hạnh phúc- sau khi họ chuyển nhà . Theo một báo cáo trong trong tạp chí Environmental Science & Technology, các nhà khảo cứu kết luận, “các chính sách môi trường gia tăng không gian xanh có thể đem lại lợi ích về y tế công cộng lâu bền.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét