Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Ngày 10/1/2014 - Kết luận thanh tra: Hàng loạt sai phạm tại EVN - Vạn Thịnh Phát xin rút, không tham gia dự án Cảng Sài Gòn

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Công ty Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan giàu cỡ nào?

Mặc dù sở hữu khối tài sản kếch xù nhưng có thể thấy nữ đại gia bất động sản Trương Mỹ Lan khá kín tiếng và ít tiếp xúc với giới truyền thông.
Công ty Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan giàu cỡ nào?
Dự án “khủng” Times Square có mặt tiền ở đường Nguyễn Huệ.
Theo giới thiệu của công ty, kể từ khi ra đời vào năm 1992 do Bà Trương Mỹ Lan thành lập với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn, Công ty đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Đến nay, Công ty đã lần lượt khai trương nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ , trong đó có hai công trình lớn là Khách sạn Thương mại An Đông – Windsor Plaza Hotel và Cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence. Ngoài ra, Công ty còn triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu nghỉ dưỡng-du lịch…trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Năm 2007 Công ty Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập các công ty cổ phần có vốn đầu tư lớn là Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản.
Vạn Thịnh Phát được giới thiệu là một trong những tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam trong lãnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, với vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng.
Dưới đây là một số dự án bất động sản của Vạn Thịnh Phát và công ty có liên quan tới bà Trương Mỹ Lan.

Khách sạn Thương mại An Đông – Windsor Plaza Hotel một trong những công trình lớn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nơi bà Lan làm chủ tịch.


Tòa tháp Vincom Centre A, tọa lạc ở những mặt tiền đắt nhất Sài thành là Đồng Khởi -Nguyễn Huệ cũng được cho là nằm trong khối tài sản công ty của bà Lan.

Cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence nằm trên đường Pasteur.

Hiện dự án Times Square vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành.


Là một công trình nổi bật tọa lạc ở vị trí đắc địa, cao ốc phức hợp 39 tầng này bao gồm các chức năng thương mại, khách sạn, văn phòng và căn hộ với quy mô rất cao cấp và sang trọng. Dự án “khủng” Times Square có mặt tiền ở đường Nguyễn Huệ.


Khu dân cư L’amour Villas của Vạn Thịnh Phát. Dự án tọa lạc tại khu 5.2 – Đô thị mới Nam thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM với diện tích 4,7 ha. Đây là khu dân cư ven sông bao gồm các biệt thự cao cấp, nhà liên kế vườn, khách sạn quốc tế và nhà trẻ. (Nguồn: Vạn Thịnh Phát).


Khu công viên mũi đèn đỏ và nhà ở đô thị Sài gòn Peninsula tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM có diện tích 1.177.881 m2. Đây là một khu đô thị hiện đại bao gồm công viên chuyên đề, cụm dân cư (biệt thự cao cấp và cao ốc căn hộ), các tòa nhà văn phòng, khách sạn sang trọng, trung tâm mua sắm, quảng trường, bến tàu khách du lịch quốc tế và nhiều công trình tiện ích công cộng. (Nguồn: Vạn Thịnh Phát).


Cao ốc căn hộ Elegance Residence tọa lạc tại số 8 đường Hưng Long, quận 10, TP.HCM, với diện tích 1.814 m2, quy mô 15 tầng. (Nguồn: Vạn Thịnh Phát).

Khu phức hợp An Đông 2 tọa lạc tại 100 đường Hùng Vương, quận 5, TP.HCM, với diện tích 7.798 m2.


Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence tọa lạc tại 220-220A đường Pasteur, quận 3, TP.HCM với diện tích 2.523,4 m2. Cao ốc căn hộ cao cấp 16 tầng tọa lạc tại khu cư trú của ngoại giao đoàn.
THEO BIZLIVE

Bà Lan IM LẶNG trước lời khai của Dương Chí Dũng


Để làm rõ thêm về thông tin nghi vấn liên quan tới bà Trương Mỹ Lan, PV đã đến văn phòng đại diện Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Vụ án Dương Chí Dũng hiện tại đang lộ ra một số “dây mơ rễ má” liên quan đến một doanh nhân nổi tiếng là Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM). Lời khai tại phiên tòa vào ngày 7/1 của ông Dũng cũng mở ra một số nghi vấn mới, khiến nhiều doanh nhân tại TP.HCM hoang mang.
Cụ thể, theo tường thuật nguyên văn của báo Tuổi Trẻ Online đăng ngày 7/1/2014, tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và các đồng phạm, ông Dương Chí Dũng cho biết: “Vấn đề anh Ngọ nhận tiền, ngoài 500.000 USD thì còn khoản nữa. Liên quan đến việc đầu tư làm ăn nên tôi và bà Lan (công ty Vạn Thịnh Phát ở TP.HCM -PV) còn đưa cho anh Ngọ 1 triệu USD. Hôm đưa tiền tôi gọi cho anh Ngọ, anh nói 5g về đến nhà. Tôi mang túi vào phòng anh rồi để luôn hai cái túi ở phía bên trong nhà”.
Trong lời khai của ông Dũng có nhắc đến tên của bà Lan. Theo thông tin phóng viên (PV) tìm hiểu trong hệ thống doanh nghiệp tại TP.HCM có Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan đang là Chủ tịch HĐQT. Trong giới kinh doanh, bà Lan là một thương nhân thành đạt và khá kín tiếng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thương hiệu công ty và tên tuổi bà cũng đã được báo chí nhắc đến nhiều sau đám cưới của cô cháu gái Trương Huệ Vân với nhạc sĩ Thanh Bùi. Hiện Vạn Thịnh Phát là một trong những tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, với vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng.
Theo lời khai từ ông Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử diễn ra vào ngày 7/1, bà Trương Mỹ Lan bị nghi là có liên quan đến việc đưa tiền cho ông Phạm Quý Ngọ – Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Trưởng Ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines. Để làm rõ thông tin này, PV đã trực tiếp liên hệ với bà Lan, nhằm xác định cụ thể từ lời khai ông Dũng ở tòa là vụ việc có dính líu đến bà Lan, đây có phải là sự thật hay không? Và thêm nghi vấn khác được đặt ra rằng: Liệu rằng bà Lan có quan hệ làm ăn như thế nào với ông Dũng?
Bà Lan ‘im lặng’ trước lời khai của Dương Chí Dũng
Để làm rõ thêm về thông tin nghi vấn liên quan tới bà Trương Mỹ Lan, PV Báo Bảo vệ Pháp luật đã đến văn phòng đại diện Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại địa chỉ 193-203 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP.HCM nằm trên tầng 5 của Tòa nhà Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng vẫn không gặp được bà. Nhân viên tại công ty cho biết, hiện tại bà Lan vắng mặt do “bận công tác”. Liên lạc qua số điện thoại 0903968xxx của doanh nhân Trương Mỹ Lan thì máy bị từ chối cuộc gọi nên PV không thể xác minh được thông tin.
Được biết, doanh nhân Trương Mỹ Lan có chồng là người nước ngoài, thường xuyên công tác ngoài nước. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Bà Lan cũng có mối quan hệ mật thiết với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – đơn vị hợp nhất từ 3 ngân hàng là Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) – Ngân hàng Sài Gòn (SCB) – Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank). Đồng thời, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của SCB và Tập đoàn VIPD – đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại tòa tháp Vincom Centre A vào tháng 6 vừa qua.
THEO BẢO VỆ PHÁP LUẬT

Vạn Thịnh Phát xin rút, không tham gia dự án Cảng Sài Gòn


Phía Cảng Sài Gòn nhấn mạnh, lời khai của Dương Chí Dũng về mối quan hệ với bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội chỉ là mối quan hệ cá nhân, hoàn toàn không liên quan, không ảnh hưởng đến việc lựa chọn đối tác tham gia dự án của Cảng Sài Gòn.
Liên quan đến lời khai của Dương Chí Dũng về việc “lót tay” 20 tỷ đồng cho một cán bộ cao cấp để thực hiện chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chiều 9/1, trong thông báo gửi cho các cơ quan báo chí, Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) cho biết, việc di dời, chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (thuộc Cảng Sài Gòn) được thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, ngày 24/6/2010, Thủ tướng ban hành quyết định 46, cho phép doanh nghiệp di dời được liên doanh với nhà đầu tư khác thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí cũ.

Cảng Sài Gòn, Vạn Thịnh Phát, Dương Chí Dũng
Khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội thuộc Cảng Sài Gòn

Trong thời gian này, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – một trong những nhà đầu tư BĐS lớn tại TP.HCM đã đến tìm hiểu, đặt vấn đề.
Việc này đã được Cảng Sài Gòn báo cáo lên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, sau đó Tổng công ty đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.
Ngày 29/12/2011, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 2471/TTg-KTN đồng ý cho phép Cảng Sài Gòn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội.
Ngày 20/3/2012, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam giao Hội đồng thành viên Cảng Sài Gòn làm đầu mối tìm kiếm đối tác, lập dự án đầu tư và báo cáo Tổng công ty (thời điểm này Dương Chí Dũng – đã thôi chức Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, chuyển sang công tác tại Cục Hàng hải Việt Nam từ 6/2/2012).
Tuy nhiên trong quá trình đàm phán với các đối tác có nguyện vọng tham gia dự án chuyển đổi công năng tại Cảng Sài Gòn, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xin rút, không tham gia.
Tháng 6/2013, phương án thành lập pháp nhân thực hiện đầu tư dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội đã được Cảng Sài Gòn trình Bộ GTVT và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
Đến nay, dự án chuyển đổi công năng tại khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội đã hoàn tất, trong đó không có sự tham gia của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Phía Cảng Sài Gòn nhấn mạnh, lời khai của Dương Chí Dũng về mối quan hệ với bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội chỉ là mối quan hệ cá nhân, hoàn toàn không liên quan, không ảnh hưởng đến việc lựa chọn đối tác tham gia dự án của Cảng Sài Gòn.
THEO VIETNAMNET

Kết luận thanh tra: Hàng loạt sai phạm tại EVN


Trên cơ sở kết luận thanh tra ngày 2-10-2013 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và văn bản ngày 9-12-2013 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về xử lý sau thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 9-1, Tổng TTCP đã có thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN.

Đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ trên 45.000 tỷ đồng

Về nội dung liên quan đến EVN, công ty mẹ đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (DN) số tiền gần 122.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có gần 77.000 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ trên 45.000 tỷ đồng là chưa thực hiện đúng quy định; đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền gần 2.000 tỷ đồng vượt tỷ lệ quy định; việc đầu tư vốn ra ngoài DN chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2011, hệ số giữa nợ phải trả và vốn điều lệ của công ty mẹ EVN là gần 2,8 lần, hệ số giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty mẹ EVN là trên 3,2 lần. Công ty mẹ EVN chưa cân đối được nguồn vốn để trả các khoản nợ quá hạn thanh toán, các chỉ số trên tương đối cao gây khó khăn cho công ty trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay trong những năm tiếp theo.
Tại thời điểm thanh tra, công ty mẹ EVN và các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN chưa nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng TƯ và địa phương chi phí dịch vụ môi trường rừng số tiền trên 533 tỷ đồng. Công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí cho sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án gần 224 tỷ đồng. Công ty mẹ EVN chưa xây dựng được quy định về việc trả lương, phụ cấp, tiền thưởng và chế độ khác cho người đại diện; phê duyệt định biên lao động chưa chính xác, còn có sự chênh lệch lớn giữa lao động kế hoạch và lao động thực tế sử dụng nhưng chậm sửa đổi. Từ năm 2005 đến tháng 12-2012, EVN triển khai 20/42 dự án chậm tiến độ dẫn đến việc thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư cho dự án…
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm tại các đơn vị thành viên của EVN, trong đó Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi trên 7 tỷ đồng để chi cho cán bộ công nhân viên, đến nay chưa có nguồn để bù đắp; EVN HCM đầu tư 141 tỷ đồng ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính (kinh doanh bất động sản), chậm tiến độ 66/113 dự án làm phát sinh các chi phí liên quan. Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư trên 52 tỷ đồng ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính…

Các bộ, ngành chưa làm hết trách nhiệm

Liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, TTCP chỉ rõ Bộ Công thương chưa ban hành khung giá phát điện và khung giá bán buôn điện. Việc thực hiện điều hành, quản lý thị trường điện của Bộ Công thương, EVN có thể phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhưng không phù hợp với các quy định hiện hành. Bộ Công thương cũng phê duyệt chi phí “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nhưng thực tế là nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có các cơ sở hạ tầng đi kèm như bể bơi, sân tennis… phục vụ mục đích sinh hoạt cho cán bộ nhân viên với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện, là chưa đúng quy định. Bộ này cũng đã xác định chi phí sản xuất điện của các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN lớn hơn giá bán lẻ điện bình quân năm 2011 (nhà máy thủy điện Đồng Nai, Sông Tranh, Đại Ninh và Tuyên Quang).
Trong khi đó, Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn ghi tăng tài sản và trích khấu hao, trình tự thực hiện việc tiếp nhận lưới điện theo hình thức không phải hoàn trả vốn đầu tư của các tổ chức kinh tế như việc bàn giao tài sản lưới điện giữa EVN HCM và Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước. Bộ Công thương và Bộ Tài chính chưa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc EVN không thực hiện khoanh khoản nợ tiền điện với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mà phát hành trái phiếu DN có bảo lãnh của Chính phủ để trả nợ PVN, là chưa bảo đảm cơ sở về mặt pháp lý. Bộ LĐTB-XH thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của EVN trong năm 2010 trên 3 tỷ đồng chưa đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. UBND tỉnh Đồng Nai thẩm định và cấp phép cho 4 dự án nhà máy thép hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thép, quy hoạch phát triển ngành điện dẫn đến việc EVN và EVN SPC không cân đối được nguồn điện để cung cấp cho 4 nhà máy điện này nếu các nhà máy cùng đi vào hoạt động…
TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương kiểm điểm rút kinh nghiệm về một số tồn tại, khuyết điểm nêu trên. Cụ thể, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện (trong đó có 6 dự án nguồn điện nêu trong kết luận thanh tra) cũng như đối với các nhà máy, khu công nghiệp khác, có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2-2014… Bộ Công thương cần khẩn trương ban hành khung giá phát điện và khung giá bán buôn điện. Chỉ đạo EVN đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ khi bàn giao của các đơn vị thành viên. Xem xét đề xuất giá bán lẻ điện đối với các DN sản xuất sắt thép, xi măng và giá bán buôn điện cho các tổ chức dịch vụ bán lẻ điện năng ngoài EVN nhằm bảo đảm lợi ích DN kinh doanh điện với các DN kinh doanh sắt thép, xi măng.
TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng giao EVN thực hiện lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên, cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoái vốn, không sơ hở để một số đối tượng lợi dụng; hạch toán đúng quy định pháp luật đối với 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động. EVN cũng phải đề xuất xử lý số tiền trên 107 tỷ đồng (gần 1,9 tỷ đồng là chi phí cho dự án 90 Lý Thường Kiệt nhưng EVN HCM lại hạch toán vào giá thành điện không đúng quy định, gần 97 tỷ đồng do chi vượt định mức tiêu hao hợp lý và trên 5,4 tỷ đồng do EVN SPC dừng đầu tư 7 dự án gây lãng phí vốn đầu tư…). EVN cũng cần tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến những vi phạm mà kết luận thanh tra đã chỉ ra…
THEO SGGP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét