Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Những ngày đáng lo ngại năm 2014 - Ý đồ xấu của Nguyễn Như Phong - Khởi tố Thứ trưởng Công an: Vấn đề là có quyết liệt hay không?

Người Buôn Gió - Những ngày đáng lo ngại năm 2014


1) Lo ngại Thái Nguyên

Vụ bạo động Thái Nguyên cho thấy mầm mống bức xúc, nóng giận tích tụ trong đám đông dân chúng Việt Nam rất cao. Nguyên nhân của sự bức xúc này không chỉ phải là vụ việc xô xát giữa bảo vệ và một công nhân. Mà sự bức xúc khiến người dân cáu giận nổi cơn như vậy còn do nhiều thứ tích sẵn trong người,  chẳng hạn như giá cả leo thang, bất công giàu nghèo, pháp luật thiếu minh bạch..thậm chí là cả tình trạng tắc đường, những nhiễu hành chính.... Những thứ này theo ngày tháng sống cứ tích tụ lại trong người dân thành những phẫn uất và bùng nổ thành bạo động có khi chỉ một lý do vu vơ.

Hẳn ai trong chúng ta đều không lạ gì những câu chửi thề thốt ra khi ai đó xem ti vi, báo chí hay chứng kiến cảnh nào đó diễn ra trước mắt, hoặc nghe kể lại. Sự bực bội đập vào mắt, vào thần kinh mỗi người dân hàng ngày, hàng giờ ở đủ mọi nơi. Từ bếp ăn cho đến nhà trường, công sở, ngoài đường..

Công an như thường lệ vào cuộc điều tra khởi tố vụ án '' gây rối trật tự công cộng ''. Thường ở nước ta , vấn đề thường hay giải quyết phần ngọn như vậy. Cho nên hết đám đông này đốt xe, phá nhà máy, ủy ban, chặn đường, khiếu kiện, chở quan tài....cứ xảy ra liên miên. Cho dù sẽ tìm ra được thủ phạm trong vụ này,có đưa ra xét xử làm gương, làm điểm gì đi chăng nữa . Thì sự cảnh cáo của bản án trong vụ này cũng chẳng khiến được những vụ khác xảy ra, bởi như đã nói. Nguyên nhân của cơn nóng giận nó thâm nhập vào người dân qua quá nhiều ngả. Có khi người dân Việt Nam không những được xếp hạng hạnh phúc nhất nhì thế giới, mà còn đáng được xếp hạng nóng tính nhất nhì thế giới.

Một điều thật đáng buồn hay đáng lo ngại nữa ở vụ việc này. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư, phải khó khăn lắm mới kéo được một nhà đầu tư lớn như Samsung vào VN để đầu tư ngành công nghệ cao như điện thoại. Sự việc xảy ra này chắc sẽ để trong đầu những nhà đầu tư mối lo ngại về tình trạng bất ổn có thể bùng phát bạo động bất cứ lúc nào. Không ai dám đầu tư vào vùng đất mà người dân không thuần tính , dễ nổi nóng như vậy. Thông tin về sự việc, số người chết, bị thương, tài sản bị phá có thể được nói cách khác cho dân chúng yên tâm. Nhưng với người đầu tư là chủ nhà máy, khu công nghiệp thì không thể nói họ không có thông tin trung thực. Thử hỏi sự hấp dẫn về nhân công giá rẻ, cần cù, chịu khó...có làm át mỗi lo ngại về một đám đông sẵn sàng nổi khùng đập phá hết, tấn công hết mọi thứ bất cứ lúc nào, bất cứ lý do gì. ?

Bài toán giải đáp để không tái diễn cảnh này không phải chỉ xử tù người gây rối là xong. Án tù cho người gây rối cũng không thể làm yên lòng những nhà đầu tư nước ngoài, cũng như những người có lương tri, tấm huyết thực sự với tiền đồ đất nước.

2) Lo ngại ngân hàng

Vụ án nhân viên ngân hàng Huyền Như lấy hàng ngàn tỷ đồng. Ngân hàng Viettinbank phủi tay chịu trách nhiệm. Tòa án mở phiên tòa xét Huyền Như lừa của người gửi tiền, người gửi tiền cho ngân hàng phải gánh chịu hậu quả.

Nếu thế thì sẽ còn ai dám đến ngân hàng gửi tiền. Một người dân bước vào ngân hàng, gặp nhân viên ngân hàng để làm thủ tục gửi số tiền tiết kiệm. Nhân viên ngân hàng đưa giấy chứng nhận giả, có con dấu giả và thu tiền tại quầy giao dịch ngân hàng. Sau đó nhân viên đó cuỗm tiền biến mất, ngân hàng bảo chưa thấy tiền vào ngân hàng nên không chịu trách nhiệm, đi tìm nhân viên đó mà đòi. Nếu việc này được xử cho Viettinbank vô trách nhiệm thì người dân nào dám mang sổ đỏ đến ủy ban làm công chứng, mang giấy tờ, mang vàng đến ngân hàng để hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ mới đây.? Làm sao người dân biết được vàng, tiền, sổ đỏ của mình đã nhập vào trong số tài khoản của ngân hàng, ủy ban....? Có cấp trên thông báo à, cấp trên cũng té nốt thì sao, có giấy chứng nhận của xyz à, giấy chứng nhận cũng giả nốt thì sao.?

Bài toán nào để lấy được lòng tin của những người đến ngân hàng giao dịch sau vụ Viettinbank chối phắt trách nhiệm của mình.?

Mất niềm tin là một nguyên nhân lớn dẫn đến phẫn uất. Một xã hội ở đâu cũng thấy không có niềm tin thì chắc hẳn ở đâu cũng có sự phẫn uất là điều đương nhiên. Và con người không thể hiền lành, thuần chất trong một bối cảnh mà mọi sự trắng đen , điên đảo không biết đâu mà lần, mà xác định.

3) Lo ngại pháp luật.

Cứ ngỡ rằng vụ án Dương Chí Dũng tố Phạm Quý Ngọ báo tin để trốn thoát. Lời khai rành rọt tại tòa. Tất nhiên đúng sai thì còn phải điều tra. Nhưng việc tòa thấy đủ dấu hiệu căn cứ để khởi tố là đương nhiên đúng luật. Và khi nào có lệnh khởi tố, có quá trình điều tra, có kết luận điều tra thì mới rõ Phạm Quý Ngọ có tội hay không.?  Thế nhưng lời đề nghị khởi tố vụ án này mới được đưa ra đã gặp những phản ứng không hề đúng luật từ phía báo chí, cơ quan an ninh điều tra.

Niềm tin của người dân đang lên bỗng nhiên khựng lại. Khi báo CAND vào cuộc đăng lời ông quyền thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra trung tướng Hoàng Công Tư. Ông Tư khẳng định quá trình điều tra trước đó mà cơ quan ông phụ trách phối hợp vụ án cho thấy Dương Chí Dũng khai không đúng về ông Ngọ.

Ông Hoàng Công Tư như thế đã làm lộ bị mật điều tra chưa.? Đã làm lộ bí mật những vụ án do Ban Nội Chính, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trương ương thụ lý chưa.? Vụ án đang được đề nghị khởi tố, đúng sai phải để xác minh. Ông Tư dựa vào điều nào của luật tố tụng hình sự mà bỗng dưng kể quá trình Dương Chí Dũng khai tại cơ quan ông thế nào, ông đã xác minh điện thoại gọi đi gọi lại ra sao.?

Hay luật có khoản nào quy định cho ông Hoàng Công Tư tiết lộ điều tra như vậy. Có vụ án đã khởi tố , đã điều tra, đã đưa ra tòa. Nhưng tòa bác bỏ hồ sơ, đề nghị điều tra lại, những vụ án như thế là thường. Đã có vụ án nào mà bên điều tra nhảy lên mặt báo cự nự rằng quá trình điều tra trước đó thấy kẻ này có tội, người kia không có tội chưa.? Cự nự kiểu đó thì còn gì là tòa án, còn gì là pháp luật nghiêm minh nữa.?

4) Lo ngại truyền thông.

Tiếp đến ông nhà báo Nguyễn Như Phong. Bài báo mới đây của ông Nguyễn Như Phong có nhan đề '' Suy ngẫm lời khai của Dương Chí Dũng về cho tướng  Phạm Quý Ngọ'' đã lên tiếng bênh vực cho ông Ngọ khi mà vụ án còn đang chưa có điều tra. Nhờ bài báo này đã lộ ra một Nguyễn Như Phong thực sự.

Nếu ai tinh ý, đọc phong cách viết bài báo này, sẽ thấy nó trùng lặp với phong cách của các trang mạng điện tử có tên NTD và một vài trang Dư Luận Viên khác. Một thói quen cầm đèn định hướng ô tô, coi mình là đỉnh cao của pháp luật vẫn thường thấy đầy trịch thượng y hệt nhau. Chính những trang này và những bài viết dạng định hướng áp tội cho người khác trong các vụ án của những nhà đấu tranh dân chủ như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân . Và trong vụ án này, vẫn giọng văn đấy, vẫn lối viết ấy, kiểu áp đặp , định hướng tòa án ấy. Khác cái là bênh vực Phạm Quý Ngọ vô tội.

Có lẽ sự việc Dương Chí Dũng khiến Nguyễn Như Phong mất bình tĩnh. Bộc lộ dấu vết  ngòi bút của mình.

Qua đó người dân cảm nhận được ai là kẻ đứng đầu đám dư luận viên hay áp tội cho những người yêu nước , trước khi phiên tòa xảy ra. Cảm nhận được những bài viết đả kích, kết tội người đấu tranh yêu nước do kẻ nào chấp bút , kẻ nào chỉ đạo, phong cách viết của ai.

Lời khai của Dương Chí Dũng để lộ ra tướng Phạm Quý Ngọ báo tin, nhận tiền. Tướng Phạm Quý Ngọ có tội hay không còn phải điều tra, điều tra có lộ ra gì nữa không là điều còn phải chờ đợi. Thế nhưng mới chỉ lời đề nghị khởi tố vụ án. Ít nhất đã có hai người mất bình tĩnh để lộ mình. Người thứ nhất là ông trung tướng Hoàng Công Tư , người thứ hai là nhà báo đại tá Nguyễn Như Phong.

Có thể một vài bản tin thời sự tối nữa, Trần Bình Minh sẽ vào cuộc.

Một điều rất lạ, đang trong lúc dư luận trong ngoài, cả các thế lực mà nhà nước ta hay gọi là ''phản động '' thu hút vào vụ đại án Dương Chí Dũng, Huyền Như. Thì đột ngột im ắng lâu ngày, ông Đinh Thế Huynh UVBCT đột ngột xuất hiện nói về đề tài mà dường như dư luận đã quên . Đề tài gì đó về hiến pháp, chống xuyên tạc và gì gì đó. Một đề tài rất lạc lõng trong lúc cả dư luận đang hướng về phía khác.

Tại sao ông Đinh Thế Huynh xuất hiện thời điểm này. Các dư luận viên sẽ nói là đó là chuyện bình thường, việc ông ấy vẫn làm. Chỉ được cái suy diễn lung tung.

Một UVBCT, một người lõi đời làm truyền thông, tuyên huấn như ông Đinh Thế Huynh xuất hiện vào lúc này không phải là điều bình thường tí nào. Mà ông muốn nhân cơ hội này để đưa thông điệp cá nhân mình. Cho dư luận nhớ tới trong lúc truyền thông hỗn chiến gay gắt này, ông là người quản lý đấy. Và giữa một bên đang định khởi tố vụ án '' mật báo tin '' và một bên phản bác (nghe như phản bác 258 hay diễn đàn XHDS ý nhở) ....bên nào có ông Huynh bên đó sẽ nắm được dư luận.

Đó chẳng phải là điều đáng lo ngại nữa hay sao.?
Người Buôn Gió 
 (Yêu quê hương Việt Nam) 

Ý đồ xấu của Nguyễn Như Phong

Ngay sau khi nhân chứng Dương Chí Dũng khai Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ là người gọi điện báo “hung tin” cho Dương Chí Dũng và khuyên nên lánh đi, báo PetroTimes của Đại tá-Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong đã ngay lập tức có một loạt bài bày tỏ sự thông cảm, nuối tiếc và thương xót đối với Thượng tướng công an Phạm Quý Ngọ (Cựu đại tá Công an Dương Tự Trọng): “Vẫn còn là Dương Tự Trọng!”, “18 năm sau, còn ai nhớ đến Dương Tự Trọng”, và sự bênh vực ra mặt thể hiện ở bài thứ ba “Suy ngẫm về lời khai của Dương Chí Dũng cho Tướng Phạm Quý Ngọ”.
 
Ông Nguyễn Như Phong, tổng biên tập Năng lượng mới
Đầy mùi ngụy biện
Ba bài tràn ngập những lỗi ngụy biện vốn thường thấy trong các bài báo “tuyên truyền”, “định hướng dư luận” của ngành công an. Chẳng hạn, đó là chiêu đánh vào tình cảm (appeal to emotion): “Người ta vẫn nói người sống nặng tình thường hay chịu khổ. Và quả thật, ở tuổi 52, đến nửa bên kia cuộc đời, Dương Tự Trọng mới thấm thía được... Ít ai biết, ngoài tài đánh án, Dương Tự Trọng còn đam mê nghệ thuật và thích làm thơ...”. 
Độc giả chẳng biết thế nào, nhưng cứ nghe giọng văn sến mượt mà của các nhà báo khoác áo công an – hay là công an khoác áo nhà báo – là dễ mủi lòng lắm, vì nói chung người đọc Việt Nam vốn nặng tình, ít duy lý, lại thiếu thông tin đa chiều từ lâu nay. Họ không biết đến, hoặc sẽ nhanh chóng quên đi, rằng Dương Tự Trọng có mặt và đã trực tiếp cầm loa chỉ huy “trận đánh đẹp” đầm Tiên Lãng ngày 5/1/2012. Họ sẽ nhanh chóng quên đi việc Dương Tự Trọng đã bỏ ra hàng núi tiền để giúp anh mình thoát tội, mà tiền đó, nếu chỉ dựa vào mức lương thưởng của một viên công an, mười kiếp nữa Dương Tự Trọng cũng không kiếm ra được. Họ sẽ nhanh chóng quên đi việc Dương Tự Trọng dung nạp cả tội phạm làm đệ tử. Họ sẽ chỉ còn thấy một đại tá công an anh hùng, oai phong, nghĩa hiệp, trong công việc thì anh xả thân tận tụy, trong tình cảm thì anh cao cả, trong đời thường thì anh bay bổng lãng mạn và nhiều ưu tư như một nghệ sĩ v.v. 
 
Đó là chiêu viện dẫn quyền lực (appeal to authority): “Việc ông Ngọ vẫn được Chủ tịch nước phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho việc ông không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng”. Chủ tịch nước không phải là người có thẩm quyền (authority) chính đáng để nói rằng công dân X. là kẻ tham nhũng còn công dân Y. thì không. Áp dụng đúng cái lập luận tạm gọi là “ngụy biện Như Phong” này thì có thể tuyên bố: “Việc ông Dương Chí Dũng vẫn được phong Cục trưởng là minh chứng rõ nhất cho việc ông là một cán bộ có năng lực”.
Song, bỏ qua tất cả những ngụy biện trắng trợn của Petrotimes và đặc biệt là của Đại tá-Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong, cái cần nói ở đây là một ý đồ nguy hiểm của Nguyễn Như Phong trong việc dùng phương tiện truyền thông “nhà trồng được” để quật lại phe đối thủ. Ít nhất thì, căn cứ bài viết Suy ngẫm về lời khai của Dương Chí Dũng cho Tướng Phạm Quý Ngọ, cũng có thể nói rằng ông Như Phong có ý đồ xấu đối với các đồng nghiệp báo chí của ông.
 
Đe dọa báo chí?
Nguyễn Như Phong viết: “Đã có những tờ báo giật tít với giọng điệu hả hê, khoái chí khi thấy có một lãnh đạo cao cấp của lực lượng công an "dính chàm". Người ta đang chờ đợi Tòa sẽ xử lý ra sao trước những thông tin này”. Sau câu đá đồng nghiệp (như vẫn thường làm thế), ông ta vạch đường chỉ lối luôn: “Như vậy, bước tiếp theo là Tòa sẽ chuyển hết hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát. Cơ quan này sẽ nghiên cứu hồ sơ, củng cố chứng cứ và sẽ có quyết định: Hoặc là kháng nghị quyết định khởi tố điều tra vụ án của Tòa, hoặc giao cho một cơ quan điều tra tiến hành điều tra… Nói tóm lại là “còn tốn thời gian lắm”.
Sao Như Phong lại đưa khả năng Viện Kiểm sát kháng nghị quyết định khởi tố điều tra vụ án của Tòa (tức là bác bỏ quan điểm của Tòa) lên trước, coi như một khả năng cao? Trong khi trên thực tế, chuyện cơ quan công tố bác kháng nghị của tòa, cũng đồng nghĩa với phủ nhận toàn bộ quá trình điều tra, là gần như không xảy ra. Đặt một chuyện gần như không xảy ra vào vị trí “khả năng cao”, ông định dọa các nhà báo đã đưa tin “chống lại đại ca Ngọ” hay sao, ông Nguyễn Như Phong?
Hàm ý đe dọa còn lộ liễu hơn ở vế sau: “hoặc giao cho một cơ quan điều tra tiến hành điều tra... Nói tóm lại là “còn tốn thời gian lắm”. Ý ông Nguyễn Như Phong hẳn là vụ việc này trước sau cũng thuộc thẩm quyền của Bộ Công an (cơ quan đang cần bị/được điều tra thì lại trở thành cơ quan điều tra) và thời gian sẽ còn kéo dài...
Cũng trong bài viết này, Đại tá Nguyễn Như Phong phân tích (nghe có vẻ rất hợp lý):

“Ngay khi bị bắt ở Campuchia, Dương Chí Dũng đã khai ra việc biếu ông Ngọ 500.000 đô la. Khi đưa Dương Chí Dũng về tới TP Hồ Chí Minh, Dũng vẫn khai như vậy. Nhưng rồi ít ngày sau, Dương Chí Dũng đã viết bản khai lại và xin lỗi ông Ngọ vì đã vu oan cho ông. Nguyên nhân tại sao lại vu oan cho ông Ngọ thì được Dương Chí Dũng nói trong bản khai ấy rằng do hoảng loạn tâm thần và căm tức ông Ngọ về việc chỉ huy quân lùng bắt Dương Chí Dũng ở khắp nơi. (Chẳng hiểu vì sao trước Tòa, khi Dương Chí Dũng khai ra việc này mà Tòa lại không đưa lời khai và lời xin lỗi của Dũng trước đó ra?)”.
Vậy, ông Nguyễn Như Phong sao lại lờ đi chi tiết là, Dương Chí Dũng đã khai tại tòa rằng trong quá trình điều tra bị ép cung, lo sợ bị giết hại nên Dương Chí Dũng mới phải làm theo lời điều tra viên – viết thư xin lỗi ông Ngọ.
 
Ý đồ nhằm vào Chủ tịch nước
Mới đọc qua, phép ngụy biện “Và việc ông Ngọ vẫn được Chủ tịch nước phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho việc ông không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng” có thể chi cho ta thấy dụng ý xu nịnh của Nguyễn Như Phong. Nhưng thật ra ngụy biện Như Phong này có một dụng ý thâm hiểm hơn thế chứ không chỉ đơn giản là xu nịnh: Đại tá đang khéo léo đổ trách nhiệm sang cho Chủ tịch nước, người được cho là thuộc “phe tấn công” trong vụ án này.
 
Có một chi tiết (mà độc giả đã biết qua báo chí nhưng chưa kiểm chứng được), là Chủ tịch nước trước đây đã từ chối gặp Dương Chí Dũng. Nghĩa là dù thế nào, trước mắt công chúng, ông cũng ít nhiều thể hiện mình là người kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Cái cách “lôi Chủ tịch nước vào cuộc” của Nguyễn Như Phong chỉ là sự chia rẽ, phân hóa nội bộ “phe tấn công”, tách Chủ tịch nước ra khỏi những người ủng hộ ông, hay nói đúng hơn, khỏi những người đang muốn chống tham nhũng. 
 
 
Ra sức bao biện cho đồng nghiệp công an...
Nguyễn Như Phong phán xét độc giả - người ngoài: “Nhưng họ không hiểu rằng, ông Phạm Quý Ngọ khi ấy là Trưởng ban Chuyên án Vinalines, là người đề xuất các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt để giám sát Dương Chí Dũng, đảm bảo nhất cử nhất động của Dũng đều được biết. Không đời nào ông lại dại dột dùng điện thoại của mình hoặc mượn điện thoại ai đó gọi cho Dương Chí Dũng. Và chính ông là người ký lệnh bắt Dương Chí Dũng, rồi cũng chính ông chỉ huy việc lùng bắt”. 
 
Việc ông Phạm Quý Ngọ là Trưởng ban Chuyên án không phải là chứng cớ ngoại phạm để chứng tỏ ông Ngọ không báo tin cho Dương Chí Dũng. Tương tự, coi việc ông Ngọ ký lệnh bắt và chỉ huy lùng bắt Dương Chí Dũng là bằng chứng bảo đảm ông này “không đời nào” cấu kết bảo vệ Dương Chí Dũng, là một lập luận thật ngây thơ... không thể có ở công an!
 
Còn “ngây thơ cụ” hơn nữa là lập luận “xách một túi tiền nặng 5kg không phải là chuyện đùa”. Một người đàn ông khỏe mạnh hồng hào như Dương Chí Dũng nhấc một chiếc valy (cặp công tác) nặng 5k, có gì buồn cười và trinh thám không? 
 
Cuối bài viết bênh vực đại ca ra mặt, ông Nguyễn Như Phong nhận định: “Từ xưa đến nay, chuyện bị cáo ra Tòa khai vấy theo kiểu "trâu lấm vẩy bùn" cho người khác là không hiếm. Còn trong nghề công an, chuyện trinh sát bị đối tượng cho “leo cây”, cũng là chuyện chẳng hiếm. Chỉ có điều rằng nếu chỉ căn cứ theo những lời khai ấy mà suy diễn, rồi đặt ra những dấu hỏi rằng thế này, rằng thế khác thì xem ra chưa phải là công tâm!”. Rồi ông kết luận: “Rất mong các cơ quan tố tụng khẩn trương vào cuộc, điều tra cho ra sự thực”.
 
Là người trong ngành, ông Nguyễn Như Phong tất nhiên biết rõ những chuyện bị cáo ra tòa khai lung tung, đổ vấy tội cho người này người khác. Đó là chuyện có thật. Nhưng ông muốn “các cơ quan tố tụng khẩn trương vào cuộc điều tra”, là các cơ quan nào? Nói cách khác, ai sẽ là người điều tra khi chính cơ quan điều tra phạm pháp? Ông không định cùng các đồng nghiệp công an của ông – dưới trướng Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ – đứng ra “thầu” vụ này đấy chứ? Cái đó người ta gọi là “xung đột lợi ích” ông ạ, không được đâu.
 
Nếu có những lời khai cho rằng cả Bộ trưởng Trần Đại Quang lẫn Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ – nghĩa là hai quan chức đầu ngành của Bộ Công an, riêng Trần Đại Quang còn là ủy viên Bộ Chính trị – đều có liên quan đến chạy án, tham nhũng, làm lộ bí mật công tác, v.v., thì cơ quan nào có thể đứng ra khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử Bộ trưởng Công an? Câu trả lời, trong điều kiện lý tưởng, là Quốc hội sớm lập Ủy ban Điều tra Lâm thời độc lập. Kết quả điều tra và những người tiến hành sẽ ra điều trần trước Quốc hội trong một phiên công khai cho bàn dân thiên hạ cùng xem xét.
 
… và chơi xấu đồng nghiệp báo chí

Bài viết của Nguyễn Như Phong, ngoài lời lẽ bênh vực ra mặt cho Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, bất chấp tính khách quan – độc lập của báo chí, còn gửi thông điệp đe dọa đến các nhà báo, các tờ báo đã cả gan đưa tin và “hả hê, khoái chí” khi thấy đại ca Ngọ dính chàm.
 
Cho đến nay, các nhà báo trong mảng nội chính chắc chưa ai quên được vụ PMU 18 và việc “phe bị đánh” đã phản đòn ngoạn mục và tàn bạo như thế nào. Vụ án Dương Chí Dũng-Dương Tự Trọng là một vụ án động chạm đến toàn ngành công an, vì vậy, chuyện phe này quật lại là hoàn toàn có thể. Hiện tại, có dấu hiệu cho thấy phe công an đang phản công, khi mà cả CAND, Petrotimes, trandaiquang.net, nguyentandung.net... đều đang đầu tư công sức, ngày đêm khẩn trương viết bài bảo vệ ngành, bảo vệ nhân quyền của các đồng chí đã và chưa bị lộ. Còn tệ hơn thế nữa là khả năng thỏa hiệp giữa các phe phái... 
Chỉ còn biết mong các nhà báo (Một Thế Giới, Pháp luật TP.HCM, Thanh Niên, Tuổi Trẻ...) hãy cẩn thận, và độc giả hãy tỉnh táo...
Nguyễn Anh Tuấn – Trịnh Hữu Long – Phạm Đoan Trang
(Blog Phạm Đoan Trang ) 

Khởi tố Thứ trưởng Công an: Vấn đề là có quyết liệt hay không?

Phiên tòa 7/1/2014, Dương Chí Dũng khai Phạm Quý Ngọ là người đã mật báo cho Dũng bỏ trốn và Dũng đã đưa cho Ngọ hơn 500 ngàn USD ….Trả lời các báo Ngọ phủ nhận tất cả, đại ý “Dũng khai là chuyện của Dũng, vấn đề là phải có chứng cứ chứng minh về việc này. Tôi không biết, không liên quan. Chấm hết”. Sau đó Tòa đã khởi tố vụ án này để tiếp tục xử lý. Dư luân sướng rêm nhưng ….không dễ à nha (?)


“Không dễ” là vì  ngay khi bị bắt,  Dũng đã khai ra Ngọ. Nhưng sau đó, Dũng được hướng dẫn phải đổi lời khai, thậm chí có đơn xin lỗi Ngọ. Theo Dũng, Dũng buộc phải làm như vậy vì lời hứa sẽ được “ giải cứu thần chết” nhưng  kết quả vẫn bị tử hình. Nay đành phải huỵch toẹt .

Với diễn biến này, dễ dàng suy ra ván cờ “Dũng - Ngọ”đang ở thế giằng co. Nếu Dũng thắng thế ( lời tố cáo là đúng) , thì cơ quan chức năng đã “bóp mũi” Ngọ lâu rồi. Đâu cần chờ đến hôm nay ? Rất có thể thời điểm đó, thế cờ Ngọ đang thắng nên ….Nay mượn dư luận ồn ào, “gió sẽ đổi chiều” chăng?  Kết quả đành phải chờ, nhưng khả năng thế cờ tàn ….và tỉ số hòa cả làng là rất cao. ( Trong thực tế, khởi tố và sau đó “đình chỉ” là chuyện thường ngày ở huyện của VN).

Trở lại câu chuyện “phủ nhận” của Ngọ. OK, quả không sai, vậy mới xứng là “thứ trưởng”, bởi hơn ai hết Ngọ hiểu rằng “làm quái gì có chứng cứ, phen này thì đã làm gì được nhau ? Không biên nhận giao tiền, không nhân chứng? Không hình ảnh, không video, không ghi âm? Không danh sách  điện thoại thể hiện hai người gọi cho nhau?....Tất cả đều không .Botay.com thôi ?!

Xin thưa, vẫn có cách, cuộc đời không thể giản đơn như thế. Vấn đề là các “sếp trên”có quyết liệt hay không?

 Hãy truy lùng ngay về tất cả số tài sản của Ngọ và người thân  đang có (vợ , con, cha, mẹ, anh chị em, bà con thân thích, bạn bè tâm giao…. ) Sau khi xác minh được số tài sản đó do ai đang nắm giữ, buộc họ chứng minh nguồn gốc số tiền ở đâu ra ? Nếu Ngọ đứng tên số tài sản đó ( không lẻ ngu đến thế sao? ) thì sau khi “cân – đo- đong –đếm” mức lương của thứ trưởng thì đến vài kiếp sau Ngọ mới đủ số tiền đó. Nếu người thân đứng tên thì cũng phương pháp tương tự, đặc biết chú ý thời điểm  phát sinh số tiền khổng lồ đó có trùng với thời điểm Dũng đưa cho Ngọ ?

Giả sử, những người đang giữ giùm số tiền trên ngoan cố không khai của Ngọ. Họ nói rằng, do trúng số, hoặc lượm được. OK, cũng có thể, nhưng nếu trúng số thì phải có chứng từ của công ty trả thưởng, làm sao có ? Còn lượm được thì theo luật, buộc họ phải thông báo với chính quyền địa phương, để trả lại cho người mất, họ có làm động thái này không ? Nếu không thì xử lý hình sự luôn về tội “chiếm giữ tài sản trái phép” (Điều 141 Bộ luật hình sự) Truy một hồi thì sẽ ra hết thôi.
Chuyện khó mà dễ, dễ mà khó. Phải vậy không ?
  Luật sư  Trương Sỏi 
  (Quê choa) 

Ban Nội chính giám sát điều tra vụ tham nhũng phức tạp

Năm 2014, Ban Nội chính TƯ sẽ lập các đoàn công tác của BCĐ TƯ phòng chống tham nhũng giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp.

ban nội chính, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Bá Thanh, tham nhũng, Dương Chí Dũng
Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: TTXVN
Phát biểu sáng 9/1 tại hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ 2014 của Ban Nội chính TƯ, Trưởng Ban Nguyễn Bá Thanh nhận định sau gần 1 năm tái lập, Ban đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng lên một bước phát triển mới..
Ban Nội chính TƯ đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc tiến trình tố tụng từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án trọng điểm được dư luận quan tâm trong thời gian qua; khắc phục tình trạng áp dụng án treo tùy tiện tại các địa phương trong xét xử các vụ án có các tội danh tham nhũng.
Tuy nhiên, các mặt hoạt động của Ban chưa đồng đều; chưa chủ động, kịp thời phát hiện, đề xuất BCĐ TƯ phòng chống tham nhũng xem xét, theo dõi, giám sát những vụ việc mới có dấu hiệu tham nhũng; chưa kịp thời cập nhật những khó khăn, vướng mắc trong việc theo dõi, đôn đốc các vụ án trọng điểm.
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng đề nghị Ban Nội chính TƯ rà soát việc xây dựng, thực thi pháp luật để tìm hiểu những tồn tại, “kẽ hở” của pháp luật là cơ hội phát sinh hành vi tham nhũng để tham mưu cho các cơ quan chức năng kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục, ngăn ngừa, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng.
Tập thể Ban cũng cần tăng cường đoàn kết nội bộ, tích cực tuyển dụng cán bộ có đầy đủ năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức để bổ sung vào đội ngũ cán bộ của Ban, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nhấn mạnh đến những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị Ban cần làm tốt vai trò cơ quan thường trực BCĐ; Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng thể chế về phòng chống tham nhũng, nhất là việc rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng phù hợp với Hiến pháp mới..
Năm 2014, Ban sẽ tham mưu, thành lập và phục vụ các đoàn công tác của BCĐ kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo Kế hoạch 08-KH/TW của Bộ Chính trị.
Ban cũng sẽ khảo sát tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hoạt động của một số tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng tại một số ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần.
Năm 2013, Ban Nội chính TƯ đã theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xử lý 8 vụ án, 2 vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II; Vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm; Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm; Vũ Việt Hùng và đồng phạm; Vụ án Dương Thanh Cường; Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm; Vụ án Phạm Thị Bích Lương cùng đồng phạm; Vụ án Lâm Ngọc Khuân; Vụ việc sai phạm tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần xăng dầu Petrolimex (PG Bank); Vụ việc sai phạm tại Công ty dịch vụ Ngân hàng Agribank. Đến nay tòa án đã xét xử 3 vụ.
Theo TTXVN
 

Đang làm rõ số tiền 20 tỉ đồng bà Lan - Vạn Thịnh Phát đưa cho Thứ trưởng Ngọ

http://static.ringring.vn/news/0/0/45/46962.jpg

Chủ tọa Trương Việt Toàn, người ký quyết định khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật của Nhà nước nhận định việc có người báo tin để Dương Chí Dũng trốn trước khi có quyết định khởi tố vụ án 1 ngày đã gây khó khăn cho công tác điều tra, gây sự hoài nghi, ảnh hưởng rất lớn trong dư luận nhân dân.
Yêu cầu Viện Kiểm sát làm rõ số tiền chạy án

Bản án của Toà án Nhân dân TP Hà Nội ghi nhận: "Về lời khai của Dương Chí Dũng, tại phiên tòa anh khẳng định một lần nữa số tiền đã đưa cho đồng chí Phạm Quý Ngọ là 510.000 USD, đồng chí Thanh - Cục trưởng Cục C48 Bộ Công an 20.000 USD, đồng chí Sơn - Phó phòng C48 10.000 USD. Đồng thời, Dũng khai thêm trước đó đã đưa cho đồng chí Phạm Quý Ngọ 20 tỉ đồng để công ty Vạn Thịnh Phát do bà Lan làm chủ tịch được thực hiện dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn".

Tại phiên tòa, Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đề nghị hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi làm lộ bí mật công tác. Đồng thời đề nghị hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ số tiền Dương Chí Dũng khai đã đưa cho những người nêu trên, nếu có căn cứ thì xử lý theo pháp luật.
Bị cáo Dương Tự Trọng tươi cười rời tòa.

Theo Hội đồng xét xử, xét lời khai của anh Dương Chí Dũng về các tình tiết liên quan đến vụ án này thấy rằng, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa ngày hôm nay, Dương Chí Dũng một lần nữa khẳng định có nhận được thông tin sẽ bị khởi tố và sẽ bị bắt tạm giam đồng thời nghe lời khuyên lánh đi một thời gian nên Dũng đã bỏ trốn đúng vào thời điểm nhận thông báo.

Lời khai đó phù hợp với cuốn nhật ký mà Dũng đã ghi trong sổ theo dõi hành trình bỏ trốn, phù hợp với lời khai của Vũ Tiến Sơn tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa rằng "Dương Tự Trọng đã nói với bị cáo là: “Có sếp to trên bộ Công an bảo lánh đi”.

"Xét lời khai và diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy đây là chuyên án được cơ quan có thẩm quyền đang xem xét điều tra, khởi tố, thuộc loại thông tin tuyệt mật của Nhà nước nhưng đã có sự lộ thông tin để Dương Chí Dũng trốn khỏi Việt Nam. Thực tế, Dương Chí Dũng đã trốn trước khi có quyết định khởi tố vụ án một ngày, gây khó khăn cho công tác điều tra, gây sự hoài nghi, ảnh hưởng rất lớn trong dư luận nhân dân", Hội đồng xét xử nhận định.

Mặt khác, Hội đồng xét xử đề nghị khởi tố vụ án của VKS là có căn cứ. Hội đồng xét xử thấy có dấu hiệu và cần thiết khởi tố vụ án hình sự về hành vi làm lộ bí mật của nhà nước theo điều 263 Bộ Luật hình sự và giao cho Viện Kiểm sát Hà Nội tổ chức, báo cáo với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào các quy định và kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử yêu cầu Viểm sát điều tra làm rõ hành vi nhận 510.000 USD để chạy tội cho Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines, hành vi nhận 20 tỉ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của công ty Vạn Thịnh Phát và dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Nếu có căn cứ vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật. 

Gây khó khăn cho công tác chống tham nhũng

Về yêu yêu cầu của luật sư cho rằng Dương Tự Trọng không phải là người chủ mưu và yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung, Hội đồng xét xử thấy rằng giữa hành vi của người tiết lộ thông tin của người tiết lộ thông tin để Dũng bỏ trốn và hành vi tổ chức cho Dũng trốn ra nước ngoài của Dương Tự Trọng là hai mối quan hệ hoàn toàn khác nhau. 

Căn cứ vào các lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa và các tài liệu trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở kết luận Dương Tự Trọng là người chủ mưu cầm đầu các bị cáo trong vụ án giúp đỡ anh trai của mình trốn khỏi Việt Nam. Các hành vi phạm tội đã thể hiện đầy đủ trong hồ sơ nên không cần thiết phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Do đó, quan điểm của luật sư bào chữa cho Dương Tự Trọng không có căn cứ nên không được chấp nhận.

Hội đồng xét xử cho rằng việc Dương Chí Dũng trốn trót lọt sang Campuchia không những gây khó khăn cho công tác điều tra mà còn gây khó khăn cho công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, gây dư luận hoài nghi trong nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. 

Nếu như không bắt được Dương Chí Dũng thì những khoản tiền tham ô và tiền thất thoát sẽ không thu hồi được cho nhà nước. Đồng thời gây tốn kém không ít tiền của, sức lực của cơ quan điều tra trong việc tổ chức bắt lại Dương Chí Dũng nên hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi tuyên xong bản án, chủ tọa Trương Việt Toàn đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi cố ý làm lộ bí mật của nhà nước. Quyết định này cũng được Viện Kiểm sát cung cấp theo đúng trình tự của pháp luật. 
Thanh Lưu
(Một thế giới)

‘Sự thối nát không thể tưởng tượng nổi’ ở Việt Nam

1
Ông Dương Chí Dũng tố cáo thứ trưởng công an lộ tin mật

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà bình luận ở Hà Nội, nói lời khai của ông Dương Chí Dũng cho thấy ‘sự thối nát không thể tưởng tượng nổi’ ở Việt Nam.

Nhưng ông cũng nói đó là điều tất yếu khi mà Đảng Cộng sản có đường lối như hiện nay mà một trong những ưu tiên của họ là phát triển kinh tế nhà nước.

Ông Quang A nói với BBC hôm 8/1:

“Lời khai của ông Dũng tại tòa có thể nói sẽ là một bước đầy kịch tính và sẽ làm cho rất nhiều người đau đầu.

“Nó bộc lộ ra một sự thối nát không thể tưởng tượng được trong đội ngũ quan chức của Việt Nam hiện nay.

“Từ chuyện những người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước ăn cắp, ăn trộm tiền, rồi đi hối lộ, đút lót để chạy án, cho đến chuyện lập âm mưu để chạy trốn.

“Những tình tiết đấy thực sự dư luận đã biết cũng khá lâu rồi, trước cả khi ông [Phạm Quý] Ngọ lên Thượng tướng.

“Những người nghe được thông tin đồn đoán … và thấy khi mà ông ấy lên Thượng tướng cách đây hơn 5, 6 tháng thôi thì thấy có thể vụ này đã được dàn xếp mọi thứ rồi.

“Nhưng mà đến lời khai của ông Dũng trước tòa thì có thể những tính toán đấy sẽ vỡ và thực sự người dân sẽ được chứng kiến một màn kịch rất là gay cấn.”

Mặc dù vậy ông Quang A cũng nói trong hệ thống tư pháp “không minh bạch” ở Việt Nam khó biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

“Nếu người ta muốn làm, nếu người ta muốn điều tra cặn kẽ thì có thể tìm ra vô vàn bằng chứng.”

Vị Tiến sỹ nói các công ty viễn thông có thể có những dữ liệu về các cuộc gọi kể cả khi gọi bằng ‘sim rác’ và có thể có các nhân chứng khác nữa.

Nhưng ông Quang A nói thêm một người từng đứng đầu cơ quan điều tra sẽ là “bậc thầy” về xóa mọi dấu vết.

‘Trâu bò húc nhau’


Dù không nói cụ thể nhưng ông Quang A cho rằng các phiên tòa như phiên xử anh em ông Dương Chí Dũng liên quan tới cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị ở Việt Nam:

“Trong trường hợp này thì trâu bò húc nhau không phải là ruồi muỗi mà có thể là nhặng cũng chết.”

Vị tiến sỹ cũng cho rằng sự xuất hiện những nhân vật như Dương Chí Dũng hay Dương Tự Trọng là không tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam.

Ông nói: “Tôi đã nhiều lần nói rằng loại trừ ông Dương Chí Dũng này thì sẽ có dăm ba ông Dương Chí Dũng khác bởi vì cái cơ chế nó đẻ ra các ông Dương Chí Dũng như vậy.

“Cho nên là nếu Việt Nam có muốn học Tập Cận Bình để ‘đả cả hổ lẫn đả cả ruồi’ thì có đả đến đâu đi nữa nó vẫn sinh ra cả hổ và ruồi.

“…Nếu không đặt kinh tế nhà nước làm chủ đạo, mà chính vì chủ đạo nên mới phải có những ‘quả đấm sắt’ [các tổng công ty lớn] mà biến thành những bọc rẻ như Vinashin, Vinalines thì sẽ không có Phạm Thanh Bình của Vinashin và Dương Chí Dũng của Vinalines.

“Nếu mà muốn truy như thế, tất nhiên là không thể truy cứu trách nhiệm hình sự của những người ra đường lối, nhưng mà thực sự những người đấy là những người sinh ra nguồn gốc của tất cả những cái này.”

Ông Quang A nói Đảng Cộng sản cần chấm dứt chính sách có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước và thậm chí sửa lại Hiến pháp một lần nữa để đi đúng hướng:

“… Chỉ có một cách giải quyết tận gốc rễ là đến năm 2016 này Đảng Cộng sản Việt Nam có đại hội và nếu họ khôn thì họ thay đổi đường lối của họ.”

Ông Quang A nói “hoàn toàn có khả năng” lại sửa đổi Hiến pháp một lần nữa sau kỳ đại hội tới của Đảng.

—–

Dưới đây là phần bóc tiếng toàn bộ cuộc phỏng vấn, do DĐXHDS thực hiện:

TS Nguyễn Quang A (NQA): Lời khai của ông Dũng tại tòa có thể nói sẽ là một cái bước đầy kịch tính và sẽ làm cho rất nhiều người đau đầu. Nó bộc lộ ra một cái sự thối nát không thể tưởng tượng được trong cái đội ngũ quan chức của Việt Nam hiện nay. Từ cái chuyện là những người lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước ăn cắp, ăn trộm tiền rồi đi hối lộ đút lót để chạy án cho đến những cái chuyện lập ra cái âm mưu để chạy trốn. Những tình tiết đấy thực sự dư luận đã biết cũng khá lâu lâu rồi. Trước cả khi mà ông Ngọ được lên thượng tướng và những người mà nghe được thông tin đồn đoán các thứ này khác và thấy khi mà ông ý lên thượng tướng cách đây độ khoảng hơn 5-6 tháng thôi đấy thì thấy rằng có thể cái vụ này nó đã được dàn xếp mọi thứ rồi. Nhưng mà đến cái lúc mà lời khai của ông Dũng trước tòa thì có thể những cái tính toán đấy sẽ vỡ và thực sự người dân sẽ được chứng kiến một cái màn kịch rất là gay cấn.

PV: Theo thông tin mới nhất mà tôi có đọc trên báo Công an nhân dân thì Trung tướng Hoàng Kông Tư, tức là người cao nhất về mặt điều tra của ngành công an thì vừa mới nói rằng là ông Dương Chí Dũng cũng có khai như vậy trong quá trình điều tra thế nhưng mà Bộ công an rồi những cơ quan điều tra thì lại không tìm thấy bằng chứng nào cả, tức là cũng giống như ông Phạm Quý Ngọ ông nói ngày hôm qua tức là không có một cái bằng chứng cụ thể nào, chẳng hạn như không có một cái cuộc điện thoại nào gọi đến những cái danh sách mà ông Dương Chí Dũng ông ý đưa ra chẳng hạn. Thì liệu phải chăng là những cái chuyện mà người dân nghĩ rằng là có thể sẽ có một cái gay cấn nào đó thì có quá sớm không ạ?

NQA: Tôi nghĩ rằng là cũng có thể quá sớm bởi vì trong hệ thống tư pháp của Việt Nam mà rất là không minh bạch này thì không có thể dự đoán được cái gì cả. Tôi nói ví dụ là… tất nhiên là người ta phải nói không có bằng chứng nào cả. Nhưng mà tôi nghĩ nếu mà người ta muốn làm, nếu người ta muốn điều tra cặn kẽ thì có thể tìm ra vô vàn bằng chứng. Còn người ta không muốn làm thì hiển nhiên tức là gì, ông Dũng nói rằng gọi vào giờ đấy bằng một cái sim rác chẳng hạn tức là đấy một sim điện thoại mà không phải mang tên của chính chủ người đấy. Nhưng mà tôi nghĩ rằng với những dữ liệu mà các nhà mạng cung cấp viễn thông thì vẫn có thể lần ra được những bằng chứng thuyết phục để mà luận xem là có cái chuyện như vậy xảy ra hay không! Rồi nhân chứng, tất nhiên đi như thế thì luôn luôn phải có cái ông lái xe chẳng hạn, có những người này người kia biết chẳng hạn thì tôi nghĩ rằng là nếu mà khớp tất cả những cái bằng chứng có thể là bằng chứng rồi tìm cách để lấy cái đấy làm cái việc chứng minh thì tôi nghĩ rằng chắc không thiếu bằng chứng nếu người ta muốn làm. Còn người ta không muốn làm thì nói rất là dễ không có bằng chứng nào cả. Và như thế là như vậy ông Dũng Vinalines còn phạm thêm một cái tội nữa là vu khống đấy chẳng hạn, thì cũng không biết thế nào cả.

PV: Khi mà nghe tin ông Dương Chí Dũng ông ý khai đấy, tức là thứ trưởng Phạm Quý Ngọ chính là người báo tin thế rồi lại còn nhận hơn 500 ngàn đô la từ ông Dương Chí Dũng. Mặc dù cho tới giờ phút này thì ông Ngọ kiên quyết bác bỏ những cáo buộc đó và nói rằng là nó không có cơ sở gì cả. Thì cái độ ngạc nhiên của ông tới đâu khi mà ông nghe thấy cái số tiền như vậy và một quan chức gọi là đã từng đứng đầu cái cơ quan điều tra của cả một ngành công an ạ?

NQA: Đối với tôi thì tôi không ngạc nhiên nhiều lắm bởi vì những cái chuyện như thế là những cái chuyện cơm bữa ở Việt Nam còn có bằng chứng lôi ra được cụ thể một trường hợp như thế nào thì cũng không phải là dễ bởi vì như vậy đấy là trường hợp chính những người gọi là chịu trách nhiệm về toàn bộ bộ máy điều tra xét hỏi như thế thì họ có rất nhiều kinh nghiệm, đầy đủ các kinh nghiệm nghiệp vụ để làm phá bỏ mọi các cái dấu hiệu bằng chứng hoặc là bằng chứng hoặc là… họ là chuyên gia, là bậc thầy trong cái chuyện này mà.

PV: Ở đây thì theo ông mọi chuyện nó sẽ dừng lại ở đâu, chẳng hạn như là trong cái quá trình điều tra ông… chẳng hạn như bây giờ giả sử có cái cuộc điều tra ông thứ trưởng Phạm Quý Ngọ chẳng hạn thì ông có nghĩ rằng nó sẽ còn liên quan tới những người khác thậm chí ở những cái cấp cao hơn. Chẳng hạn như bên Trung Quốc họ sờ tới cả Ủy viên Bộ Chính trị, tức là một trong mười mấy người quyền lực nhất cả nước thì ở Việt Nam liệu có thể xảy ra tình huống đó không ạ?

NQA: Tôi không dám dự đoán cái gì cả nhưng mà rõ ràng ở trong trường hợp này tôi suy đoán trâu bò húc nhau thì không phải là ruồi muỗi mà có thể là nhặng cũng chết.

PV: Khi mà theo dõi vụ án này ý thì tôi cũng một cái câu hỏi của một người phóng viên thôi, tức là giả sử như không có một người nào đó, bây giờ chưa thể khẳng định là ai làm lộ cái tin là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp nhận khởi tố và bắt giam ông Dương Chí Dũng thì sẽ không có vụ án mà họ vừa xử 2 ngày qua là Dương Tự Trọng đúng không ạ, tức là không có chuyện bỏ trốn mà sẽ bị bắt luôn (NQA: Chắc chắn! Chắc chắn!). Thế mà bây giờ nếu mà lần ngược trở lại các cái diễn biến ở Việt Nam thì tôi cũng đặt câu hỏi là nếu như mà không có một cái chủ trương thành lập các cái đại công ty như vậy, trong đó có Vinalines thì liệu ông Dương Chí Dũng có bị lâm vào cái tình trạng như hiện nay không ạ? Đặt một cái chữ “nếu” như vậy thì ông nghĩ sao?

NQA: Không, không… chắc chắn là không. Tôi đã nói nhiều lần rằng trừ ông Dương Chí Dũng này thì sẽ có dăm ba ông Dương Chí Dũng khác bởi vì cái cơ chế nó đẻ ra những Dương Chí Dũng như vậy. Cho nên là vấn đề, nếu mà Việt Nam có muốn học Tập Cận Bình để mà đả cả hổ lẫn đả cả ruồi thì có đả đến đâu chăng nữa thì nó vẫn sinh ra hổ và sinh ra ruồi. Vấn đề của nó chính là ở chỗ đó! Nếu mà không có cái chuyện mà đặt gọi là “khu vực kinh tế – nhà nước làm chủ đạo”, vì chính vì cái chủ đạo đó mà phải có những cái quả đấm sắt mà biến thành gọi là những bọc giẻ như là Vinashine, Vinalines thì sẽ không có ông Phạm Thanh Bình của Vinashine, cũng không có ông Dương Chí Dũng của Vinalines. Và cái đấy nếu mà muốn truy như thế tất nhiên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự của những người ra đường lối cả, nhưng mà thực sự những người đấy là những người sinh ra nguồn gốc của tất cả những cái này.

PV: Tức là ông nói rằng chính những cái chính sách kinh tế của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì mang lại những cái hậu quả, những cái hệ lụy mà các cái nhân vật như là Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng phải gánh chịu?

NQA: Đường lối đấy là của ĐCSVN, không phải là một mình ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một người thi hành cái đường lối đấy mà thôi, cho nên phải truy lên đến tận đó.

PV: Thế nhưng mà khi nói về ĐCS tức là mọi thứ nó lại mù mờ bởi vì đảng nó không có một cái khuôn mặt rõ ràng nào cả, đúng không ạ?

NQA: Xin lỗi, có một khuôn mặt là mười mấy ông trong Bộ Chính trị chứ, và có khuôn mặt là ông Tổng Bí thư chứ. Cái người mà gọi là kiên quyết giữ vững cái đường lối đấy phải là ông Tổng Bí thư chứ.

PV: Thế nhưng mà chính ông Tổng Bí thư và các tùy tùng của ông đó trong đó có cái chuyện ông lập ra Ban Nội chính thì lại có vẻ như được dư luận xem là đang thúc đẩy những vụ án như thế này thì phải chăng nó cũng có những cái mâu thuẫn?

NQA: Tôi nghĩ rằng dư luận, người dân cũng phải tìm cách học, cũng phải tìm cách hiệu chỉnh và cũng phải hiểu thấu đáo vấn đề chứ không phải như vậy là theo cảm tính. Và như vậy mình đang ghét tham nhũng chẳng hạn, thấy làm mạnh chống tham nhũng thì lúc đấy ủng hộ. Nhiều khi vì cái ngộ nhận của chúng ta, chúng ta ủng hộ những cái hết sức là dở. Nếu mà cái chủ trương chống tham nhũng đấy mà lại đưa đến một cái chuyện hành xử coi thường cái hệ thống tư pháp, có một người ra lệnh “hốt”, “nhốt” bất kể ai. Tôi nghĩ chẳng hạn như vậy có cái … ông Ngọ chẳng hạn, dẫu sao cái đấy cũng là một cái lời mà Viện kiểm sát có thể khởi tố nhưng mà phải để cho ông ý cái quyền để ông ý chứng minh. Ông ấy buộc cơ quan điều tra phải … ông ấy phản đối lại, v..v… chứ không thể theo một kiểu là có một ý chí của ông nào đấy, quyết thế này, tất cả mọi thứ đều là những cái phiên tòa trình diễn cả thì đấy lại là một bước đi hoàn toàn là ngược.

PV: Nếu như mà như ông nói thì tình hình trong những cái thời gian tới nó sẽ ra sao bởi vì cái Hiến pháp đó thì nó đã lại khẳng định một lần nữa doanh nghiệp nhà nước thì vẫn cứ là chủ đạo và các cái vấn đề đất đai vẫn y như cũ cả thì cái đó theo ông trong thời gian tới liệu nó lại có xuất hiện thêm những nhân vật như vừa bị xét xử hay không ạ?

NQA: Chắc chắn là sẽ xuất hiện và chỉ có một cách giải quyết tận gốc rễ là đến năm 2016 này, ĐCSVN có một cái Đại hội và nếu mà họ khôn thì họ thay đổi cái đường lối của họ và cũng rất may là cái Hiến pháp vừa rồi được coi là một cái sự sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thôi chứ thực sự nó vẫn được gọi là “Hiến pháp năm 1992 sửa đổi” cho nên cũng hoàn toàn có khả năng vì là giữa 2016 hay là 2017 chẳng hạn thì lại sửa lại lần nữa.

PV: Qua theo dõi diễn biến mấy phiên tòa gần đây đấy thì ông có thấy nó có cái gì khác đi so với cái hồi mà chuyện chống tham nhũng nó còn thuộc quyền của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng so với bây giờ nó thuộc quyền của Bộ Chính trị, tức là của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những cái người mà người ta gọi là ở phe của ĐCS?

NQA: Nó chỉ phản ánh mỗi một cái… về cơ bản là không có gì khác. Nó chỉ khác mỗi cái là cái phe nào, cái người nào là thúc đẩy đứng đằng sau và tạo ra một cái động cơ để mà làm thôi chứ còn nó không thay đổi bởi vì trước… về cơ bản là nó cũng như thế.

PV: Dạ, và như cái ý của ông nói mà tôi có thể hiểu được là nếu như cơ chế vẫn cứ như hiện nay thì những cái nhân vật như là Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng sẽ vẫn cứ tồn tại và có thể mọc ra ở đâu đó trong cả cái hệ thống đó.

NQA: Hoàn toàn chính xác!
  (Diễn đàn XHDS)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét