Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Tham nhũng Việt Nam từ chuẩn triệu đô - Diệt mối tận gốc - Ngọn gió lành đầu năm mang lại hy vọng cho dân chủ ở Việt Nam

Tham nhũng Việt Nam từ chuẩn triệu đô

Dư luận Việt Nam hiện đang bị hút vào vụ đại án kép Dương Chí Dũng-Dương Tự Trọng.

Cho đến thời điểm sau ngày tòa án Hà Nội tuyên án, guồng máy thông tin quốc doanh và cả những trang mạng lề trái vẫn tiếp tục giật tin nóng về hậu trường xử án cũng như dự đoán chuyện bắt bớ, thanh toán nhau ở trung tâm quyền lực chế độ.

Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ, người dính nghi án nhận 510 ngàn đôla của Dương Chí Dũng và 1 triệu đôla của bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Hình: VNE)

Với người bình dân Sài Gòn, họ quan tâm gì. Một ông xe ôm đậu ở góc Trần Quốc Thảo-Ngô Thời Nhiệm đưa ra nhận xét rất gọn. “Vụ này, số lượng tiền Dương Chí Dũng hối lộ, chạy án chỗ ‘ông anh’ Phạm Quý Ngọ tui nghe khá lọt lỗ tai. Mấy cái vali trị giá năm trăm ngàn đô, triệu đô đó ít ra cũng cho thấy đúng giá mua cán bộ cao cấp.”

Từ cột mốc đại án tham nhũng trước Tết con Ngựa có liên can đến trung tâm quyền lực của đế chế công an trị Hà Nội, một định mức tiền tham nhũng mà giới cán bộ cao cấp ra giá được người bình dân Sài Gòn biết tới là: Một triệu đôla.

Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhờ Dương Chí Dũng lót tay số tiền một triệu đôla cho thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ để hốt khu đất béo bở Cảng Sài Gòn-Bến Nhà Rồng, và vì ông thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ chỉ là con sói tầm tầm trong bấy sói lớn và hổ báo, nên hẳn nhiên ai cũng biết đã có nhiều triệu đô khác hối lộ cho cán bộ cấp cao khác để giành dự án đất vàng bậc nhất Sài Gòn.

Nếu ông công an Ngọ được phần một triệu đô thì những ông to hơn ông Ngọ thì hẳn phải được triệu triệu đô. Ở Việt Nam hiện nay đâu chỉ có mỗi bà cả đỏ Trương Mỹ Lan và cũng đâu chỉ có mỗi một dự án đất vàng Cảng Sài Gòn-Bến Nhà Rồng. Tư bản đỏ cỡ bà Lan và những nhóm lợi ích đỏ sẵn sàng chi đúng giá mua cán bộ cấp cao lúc nào mà chẳng xếp hàng chờ tới lượt.

Ông Trần, người sáng sáng ngồi đọc báo ở quán cà phê sân sau dinh Ðộc Lập đưa ra một phép so sánh “Mấy chú công an giao thông hễ huýt còi là có chuẩn tiền hối lộ tối thiểu một trăm ngàn đút túi. Mấy mợ cán bộ ở ủy ban phường cứ kiếm chuyện bắt nạt dân đen là tối thiểu cũng hốt liền một trăm.”

“Ðể phân biệt cán bộ Việt cộng thời đại mới không cần phải dựa theo quân hàm hay chức vụ gì hết; dân đen chỉ cần biết là chuẩn tối thiểu hối lộ tham nhũng của họ là tiền trăm Việt Nam đồng hay một triệu đôla Mỹ là lòi ra hết.”

Khi mức lương căn bản của hàng triệu người lao động Việt Nam hiện nay chỉ khoảng trên dưới một trăm ngàn đồng một ngày thì những diễn biến từ phiên tòa này cho thấy thể chế công an trị chế độ đã triệt để khai thác nguồn lợi tham nhũng như thế nào.

Một sinh viên luật đưa ra nhận xét. “Em bất ngờ trước cái giá mười ngàn, hai mươi ngàn đôla chi cho các công an thụ lý vụ án này; thử hỏi trong cả nước hiện nay có biết bao là chuyên án.”

Trở lại chuyện đại án kép Dương Chí Dũng-Dương Tự Trọng và tình tiết khai giữa tòa rằng Dương Chí Dũng đã cầm giúp tiền tham nhũng của bà Trương Mỹ Lan đưa cho thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ; một ông tập thể dục sáng ở Tao Ðàn nhận định hóm hỉnh: “Báo giấy, báo mạng cứ ồn ào chuyện Dương Chí Dũng khui ra là nhằm đánh ông to này ông bự kia. Hí hửng để chúng gạt hoài mà cũng không tỉnh được ra chút nào sao. Theo tui, chuyện Dương Chí Dũng đưa bà Lan ra giữa tòa là có ý công bố với quốc dân rằng ở khắp Việt Nam hiện nay và tương lai, hễ là đất vàng nếu không là của tập đoàn Trương Mỹ Lan, thì cũng là của Phạm Nhật Vượng hay của Nguyễn Thanh Phượng...”

Ở tình tiết khai ra chuyện bà Lan đút lót triệu đô, nhiều bà con Việt kiều thật thà ở hải ngoại hẳn sẽ bớt thắc mắc là vì sao ở Việt Nam hiện nay có lắm kẻ giàu ghê gớm. Chuyện chơi xe siêu sang, nhà hoành tráng, máy bay riêng, du thuyền... mà bà con nghe thấy chỉ là chuyện nhỏ so với khối tài sản bất minh của hệ thống cấu kết biến hóa như ma trận giữa cán bộ cộng sản cấp cao và các tập đoàn tư sản đỏ.
  Khai Phong
  (Người Việt)

Diệt mối tận gốc

Nhất Phương

Mấy ngày nay vở kịch Vinalines được đưa ra công diễn sau nhiều lần tập dượt điều chỉnh kịch bản với Dương Chí Dũng (DCD) là diễn viên chính. Tuy thừa biết đây chủ yếu là chuyện tranh giành nội bộ của giới chóp bu ĐCS, người dân vẫn được mua vui vài trống canh, nhưng rồi chợt thắc mắc khi diệt bọn DCD này rồi thì bọn DCD khác lại xuất hiện, vì cái guồng máy sinh ra chúng vẫn còn nguyên.
Chuyện này tương tự như chuyện diệt mối. Nhà ai đã bị mối xông mới thấy đó là lũ khốn nạn và vô cùng khó chịu – gần với từ của ông Tổng “ngứa ghẻ”. Chúng đục rỗng cửa nhà đến mức có thể sập. Những kẻ phá hoại đất nước này hệt như bọn mối chuyên đục khoét, nhưng chúng ngênh ngang, trắng trợn và ngạo mạn hơn bọn mối đất, vì chúng đều là những đảng viên ĐCSVN đầy quyền lực. Nếu không bị “trắng phớ” ra như vậy do nội bộ đánh nhau thì nếu người dân ai bảo họ tham nhũng ắt sẽ  được nhận ngay những cái mũ “phản động”, “thù địch”, … chụp vào đến tận mắt.
Tuy nhiên, DCD và những kẻ tương tự vẫn chỉ là những con mối thợ. Diệt được con nào hay con ấy, nhưng diệt đến bao nhiêu cho xuể khi con mối chúa vẫn còn sống? Con mối chúa ấy chính là cái bộ máy sinh ra những DCD, Phạm Quý Ngọ, … Nếu con mối chúa ấy còn, nó sẽ tiếp tục sinh ra những đoàn mối thợ khác đi đục khoét. Mối chúa chính là cái thể chế và bộ máy chính trị độc tài, độc đoán toàn trị, đẻ ra quốc nạn tham nhũng này.
Người dân cũng không ngây thơ cho rằng chỉ có Dũng hay Ngọ tham nhũng. Không tham nhũng, không trộm cắp của dân thì bọn chúng lấy đâu ra biệt thự triệu đô, lấy đâu ra tiền cho con đi học ở xứ sở của “CNTB giãy chết”? Vì lương Thủ tướng mới được trên 10 triệu!
“Không tham nhũng lấy đâu ra tiền chạy chức?” ông CT Quốc hội đã bảo rồi.
Diệt mối không diệt tận gốc thì chỉ là trò đùa mị dân.
N.P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN 

Mặt thật

Kông Kông (Danlambao) - Mấy ngày nay báo chí trong nước và bên ngoài đều thỏa mãn được đôi chút tò mò từ lâu về sự giàu có của giới chức đang cầm quyền chế độ CHXHCNVN do đảng CSVN lãnh đạo. Nay mới có cơ hội thấy rõ hơn được phần nào hệ thống độc quyền tham nhũng và cũng chỉ biết thêm chút ít về thế giới bí ẩn đó mà thôi! Nên chắc chắn đây không phải là cái gì quá to tát hay ngạc nhiên đến độ ngoài dự đoán!
Chi tiết về lời khai của tử tù Dương Chí Dũng về tình trạng liên kết tham ô của giới chức quyền lực cũng không có gì lạ lắm, chỉ có cái lạ là lượng tiền mặt đô la chứa đầy trong bao tải! Cứ hình dung ông Dương Chí Dũng phải ôm cả bao 500.000 đô la đến nhà ông Thượng tướng Thứ trưởng công an, Ủy viên Trung ương đảng, Trưởng ban chuyên án, Phạm Quý Ngọ đã thấy rất buồn cười! Chưa thể hình dung được là với 500.000 đô la tiền mặt nặng cỡ bao nhiêu nhưng một người ôm một túi tiền như thế ắt hẳn không thể đi thẳng lưng(!) Như vậy dù muốn hay không ông Dương Chí Dũng cũng phải cong lưng (còn cong nhiều hay ít là chuyện khác!) giao nộp cho ông Phạm Quý Ngọ, hình ảnh nầy không thấy vui thì là gì nữa? Ấy thế mà ông Phạm Quý Ngọ dám ăn quỵt ngoài việc chỉ thông báo “nên tránh đi một thời gian” còn chẳng giúp được gì khác hơn thì trách chi việc ông Dương Chí Dũng ôm hận nên phải tìm mọi cách để khai ra tất cả sự thật trong vai trò nhân chứng?
Rồi hình dung lúc ông Dương Chí Dũng còn tại chức đang ngồi ở văn phòng “hoành tráng” mà trên tường chắc có không ít bảng ghi công trạng hay khen thưởng cấp nhà nước và những hình ảnh ông rạng rỡ chụp chung với các lãnh tụ cao cấp nhất, lại có cả tượng ông Hồ Chí Minh bên trên nữa! Lúc đó ông chỉ khẻ cau đôi mày ngài thì những người đang khúm núm vào trình diện ông phải hồn phi phách tán, lại càng vui hơn! 
Bây giờ cũng những hình ảnh tương tự như vậy với ông Thứ trưởng công an, đặc trách chuyên án Phạm Quý Ngọ! Ông Thứ trưởng cũng đang ôm bao tiền đô la khác, chắc phải nặng gấp mấy lần bao tiền của ông Dương Chí Dũng nộp trước kia, lại khúm núm đến nhà ai đó, ở đâu đó và... cứ thế, cứ thế... là đủ thấy hết chuyện vui rất thời sự trong thời đại chế độ XHCNVN! 
Cho nên nếu các ông/bà cao nhất nước có cả tỉ đô la tiền mặt trong nhà chắc không còn là chuyện lạ nữa! Vì tiền nhiều quá không biết cất giấu ở đâu mà cũng không dám đem gửi thêm tại các ngân hàng nước ngoài vì sợ bị lộ! 
Bây giờ đến cảnh nghi can Dương Chí Dũng với chấp pháp.
Bao nhiêu hoạt cảnh “trốn mà không thoát” sau 4 tháng đào tẩu, ông Dương Chí Dũng phải vò đầu bóp trán suy nghĩ để đối chất với người khảo cung. Khi ông bị tóm và dẫn độ từ Campuchia về hẳn ông đã biết thân phận ra sao rồi và tại sao cấp trên làm ngơ! Bây giờ ông phải khai như thế nào để bảo toàn được mạng sống là ưu tiên số một, chứ chưa nói đến chuyện phải đối diện với pháp luật! Nếu ông khai không khéo thì chuyện “nghi can vì ân hận nên tự tử” tại nhà giam là điều rất dễ xảy ra, vì chuyện nầy đã trở thành “chuyện thường này ở huyện” trên cả nước! Nên trước hết ông Dương Chí Dũng phải thoát được cảnh “tự tử vì ân hận” để chờ dịp tố cáo trước công luận và nhờ công luận bảo vệ mạng sống! Vì thế hôm tòa xử vụ án của ông, khuôn mặt ông có vẻ như bình thường! Nhưng mới đây, khi ra tòa với tư cách nhân chứng trong vụ án xử em ông, cựu Đại tá Phó giám đốc công an Hải Phòng, Dương Tự Trọng, ông mới khai ra hết vì “tử tù thì chẳng còn gì để sợ mà giấu giếm nên phải nói ra tất cả sự thật” (!) Và ông đã nói! Bây giờ thì ông Dương Chí Dũng có thể yên tâm được đôi chút khỏi sợ bị “tự tử vì ân hận” trong nhà giam! 
Toàn cảnh cho thấy ngay trong giới chóp bu quyền lực cũng chẳng còn ai tin ai! Mỗi người đều đang ngồi trên cả núi tiền mặt và có cùng tâm trạng như nhau, là nơm nớp lo sợ “không biết bao giờ đến lượt mình”?
Hết ông Dương Chí Dũng bây giờ đến phiên ông Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ ngồi trên chão lửa mà chỉ cách đây mấy hôm ngôn ngữ của ông vẫn là loại ngôn ngữ của kẻ đang cầm chịch! Với lời khai thẳng thừng của ông Dương Chí Dũng như thế thì liệu ông Phạm Quý Ngọ sẽ nói gì? 
Dĩ nhiên, chối bay chối biến là điều trước tiên! [1]
Và ông nào đã được ông Phạm Quý Ngọ thăm viếng gần đây cũng phải thấp thỏm dây chuyền! [2] 
Cứ như thế không mấy chốc các ông/bà chóp bu của chế độ đều cùng nhau bơi trong chão nước… sôi!
Cũng không thể làm ngơ, trước khi xử 2 vụ án nầy ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban nội chính Trung ương đảng, đã đi Bắc Kinh! Và Bắc Kinh cũng đang xử tham nhũng qua câu nói của Chủ tịch Tập Cận Bình “bắt cả hổ lẫn ruồi’!
Như vậy ông Nguyễn Bá Thanh qua đó không thể không có lý do!
Chỉ biết, ngay trong phiên xử vụ án Ụ nổi 83M Dương Chí Dũng, ông Nguyễn Bá Thanh, một mình, thình lình xuất hiện tại tòa! Còn vụ xử Phó giám đốc công an Hải Phòng Dương Tự Trọng về tội “tổ chức cho người trốn ra nước ngoài” thì báo chí cho biết là ông Trưởng ban nội chính trung ương đảng ngồi một mình xem qua TV! Điều nầy quan tòa đang ngồi xử không thể không biết!
Có thể võ đoán là chính ông Nguyễn Bá Thanh đã biết là các cán bộ cỡ các ông Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, dù chỉ ở cấp trung trong triều đình đảng CSVN, nhưng cũng đã thuộc quyền chỉ đạo từ Bắc Kinh nên trước khi đem xử phải sang thỉnh ý! Và đã được Bắc Kinh bật đèn xanh!
Với Bắc Kinh thì xử mấy “chú ruồi” trong 2 vụ án nầy chỉ là lời nhắn khéo đến các “chú hổ” trong nội bộ VN là: “Ngộ đang nắm bằng chứng trong tay nên các nị liệu hồn đấy!”
Như vậy thì bảng Thông điệp đầu năm của ông Thủ tướng mà dư luận đang còn râm ran sẽ đi về đâu? [3]
Còn nhớ trong thời điểm uy tín của ông Nguyễn Tấn Dũng xuống thấp nhất và chiếc ghế Thủ tướng đang lung lay dữ dội thì nhân cơ hội tham dự Hội chợ Thương mại tại Trung Quốc, ông Nguyễn Tấn Dũng đã tìm gặp và nhận được cái bắt tay “lịch sử” của ông Tập Cận Bình, lúc đó ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị nhận chức lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, nên mới giữ lại được chiếc ghế Thủ tướng!
Vì thế vận mạng chính trị của chế độ CSVN không phải do chính đảng CSVN tự quyết định mà phải ở một tầng cao hơn, xa hơn rất nhiều!
Rất tiếc là thân phận của người VN, của đất nước VN lại bị nằm trong vòng xoáy nghiệt ngã của cơn thác lũ đó! Hoa Kỳ trong chiến lược quay lại Biển Đông, và là người đã bỏ rơi “đồng minh” VNCH chỉ vì quyền lợi của chính nước Mỹ, còn Tàu cộng thì đang chủ trương xé lẻ khối Asian để bẻ gãy từng chiếc đũa thì cho dù Thái Bình dương đang dậy sóng, trông rất dữ dội, nhưng chính những cơn sóng ngầm từ đáy đại dương kia của các siêu cường xúm lại trong khu vực, mới quyết định dòng chuyển lịch sử! 
Trong hoàn cảnh như vậy mà chế độ vong thân CSVN chỉ lo phe cánh, thối nát, tham nhũng, không đặt nền tảng tổ quốc dân tộc là tất yếu, đoàn kết người VN thành một khối hòng tạo sức mạnh để đối phó với biến động lớn tại biển Đông thì tương lai VN sẽ về đâu?
Và liệu khối tài sản các quan chức CSVN đang thâu tóm, có thể giữ được không? Rất mong các ông/bà đảng viên nhớ lại hình ảnh cha con ông Saddam Hussein của xứ Iraq trong những ngày cuối cùng! 
Trên đường chạy thoát thân, tiền đô la đã vung vãi, bay tứ tán như giấy vụn và cuối cùng mạng sống cũng không còn!
(Jan 8th, 2014)
_______________________________
Chú thích:

Nguyễn Bá Thanh ở 'hậu trường vụ Án'

            
Ông Nguyễn Bá Thanh rời trụ sở TAND TP Hà Nội chiều 8/1

* XUÂN HẢI
Sau khi phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm phạm tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" kết thúc khoảng 15 phút, ông Nguyễn Bá Thanh đã lặng lẽ rời khỏi trụ sở TAND TP Hà Nội.
Chiều qua 8/1, sau khi phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm kết thúc khoảng 15 phút, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng lặng lẽ ra xe ô tô rời khỏi phiên tòa.
Trong buổi chiều ngày 7/1, khi tòa xét xử vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, ông Nguyễn Bá Thanh cũng có mặt để theo dõi phiên tòa tại phòng khách dành cho cán bộ tòa án theo dõi phiên xử qua màn hình.
Trước đó trong phiên tòa xét xử anh trai cựu Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng và các đồng phạm tại Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng ngày ngày một mình đến tòa Hà Nội tham dự.
Sau 2 ngày xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” vào lúc 16g 20 chiều 8/1, Chủ tọa Trương Việt Toàn đã thay mặt Hội đồng xét xử công bố quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự.
Theo ông Toàn, căn cứ vào lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, Dương Chí Dũng và các tài liệu khác của vụ án tổ chức cho người trốn đi nước ngoài trái phép, kết quả xét hỏi tại phiên tòa, đề nghị của đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy có dấu hiệu của tội làm lộ bí mật nhà nước. “Quyết định khởi tố vụ án sẽ được gửi tới VKSND TP Hà Nội”- ông Toàn nói.
HĐXX cũng tuyên Dương Tự Trọng 18 năm tù; Vũ Tiến Sơn 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng 5 năm tù; Đồng Xuân Phong 7 năm tù; Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”) 8 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh 6 năm tù và Phạm Minh Tuấn 5 năm tù.
Ngoài ra Hội đồng xét xử còn đề nghị VKSND TP Hà Nội có yêu cầu đề nghị đối với VKSND Tối cao điều tra hành vi nhận 500.000 USD và 20 tỉ đồng của một cán bộ cấp cao để thực hiện dự án chuyển đổi công năng của Cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát (TPHCM); nếu đủ căn cứ phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
X.H (Infonet)
Nặc danh 07:34 Ngày 10 tháng 01 năm 2014
Đơn kiện:
Kính thưa ông Bá Thanh. Chúng tôi là những Chiến sỹ CSGT đang bị ngồi tù mỗi người 2 năm rưỡi đến 3 năm rưỡi , phải trả lại tiền cho người đưa hối lộ để khắc phục hậu quả. Chỉ vì nhận hối lộ 5 triệu VNĐ của 1 chủ hàng buôn lậu gỗ . Nếu vụ thượng tướng Phạm Quý Ngọ ăn hối lộ 35 tỷ đồng = 1 triệu rưỡi đô la Mỹ.(hai con số mày vênh nhau quá lớn, một bên đi tù tổng thời gian công lại cho 3 người là 9 năm tù giam, so với ông Ngọ ăn 35 tỷ VNĐ khác chi con voi và con kiến. Nếu ông Ngọ không bị khởi tố, không bị bỏ tù thì quá bất công ...Nói cho cùng thì 3 chú CSGT thanh Hóa cũng làm gì có bằng chứng rõ rằng mà cơ quan Điều tra bộ công an chỉ căn cứ vào đơn tố cáo và thông tin báo chí để kết luận điều tra chuyển viện KSND truy tố về tội hối lộ. (Vụ này ông Phạm Quý Ngọ biết rõ) vì ông là ban chỉ đạo vụ án. Ta hãy nhớ lại câu "Không có lửa làm sao có khói" hay "Bỗng dưng ai nỡ đặt điều cho ai" việc ông Dương Chí Dũng khai trước tòa đã đưa hối lộ cho ông Ngọ 3 lần với tổng số tiền là 1.51 triêụ đô la là hoàn toàn có cơ sở và LOGIC.
Rõ là :
Con hùm cõng lơn không sao
Con mèo ăn vụng thì tao bóp hầu
Công bằng, công lý ở đâu.?
Để cho tướng cướp mọt sâu kết bè...
Chúng tôi và toàn dân đang mong chờ sự ra tay của Ông Bá Thanh và Ban Nội chính trung ương kịp thời chấn áp trừng trị các tướng tá như ông Tự Trọng và ông Quý Ngọ để dân được nhờ, cũng vì những lãnh đạo như mấy ông đó mà chúng tôi mới phải ép người dân.
Ông là khắc tinh của các tướng CA bất lương tham nhũng. ông hày làm với ông Phạm Quý Ngọ cũng như từng làm với thiếu tướng Trần Văn Thanh (nguyên giám đốc CA TP Đà Nẵng, nguyên chánh Thanh Tra Bộ CA) để thực hiện Luật pháp bất vị thân , mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Như các ông vẫn thường nói, Luật pháp không có vùng cấm.
Những người lính CSGT đang bị tù đày. 

Nhà Dương Chí Dũng quyết bán hết để cứu anh cả

Em gái cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng cho biết, vợ ông Dũng và người trong gia đình thống nhất "dù có bán nhà, cầm cố tất cả tài sản cũng phải cứu anh ấy".

Tối 1/1, trò chuyện qua điện thoại, bà Dương Thị Băng Tâm (em gái Dương Chí Dũng) cho biết: “Đọc được thông tin về Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cho thấy tội phạm bị tuyên án tử hình hoàn toàn có thể được giảm xuống chung thân hoặc giam giữ có thời hạn nếu tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả. Thông tin này khiến tôi cũng như nhiều người thân khác trong gia đình bớt đi sự lo sợ về bản án tử hình dành cho anh Dũng tới đây”.

Cuộc trò chuyện liên tục bị đứt quãng vì tiếng nấc và nước mắt của bà Tâm khi nhắc đến quá trình rơi vào vòng lao lý của người anh trai mà bà đã đặt trọn niềm tin.

Theo lời bà, ông Dũng sống tình cảm, hiếu thảo với bố mẹ và luôn nhường nhịn em gái. “Sau khi tòa tuyên án tử hình đối với anh Dũng, gia đình tôi phải giấu bố vì sợ ông sốc quá mà đột tử. Còn mẹ tôi, ban ngày thì viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng xin xem xét công – tội để dành cho con trai bà một đặc ân, tối đến bà lại khóc gọi tên con, chẳng màng chuyện ăn uống. Phận con cái chúng tôi nhìn thấy cảnh này cũng không cầm được nước mắt”, bà Tâm khóc nghẹn.

Cũng theo lời bà Tâm, sau khi bà và nhiều thành viên trong gia đình đọc được thông tin đầy đủ về Nghị quyết 01/2001 của TAND Tối cao thì như có thêm niềm tin vào vào đặc ân của pháp luật dành cho ông Dũng.

“Cám ơn mọi người đã chia sẻ với gia đình tôi lúc khó khăn hoạn nạn. Nói thật là có bệnh vái tứ phương, tôi cũng từng nghe nói về việc bồi thường để xin ân giảm nhưng không dám tin là anh mình có may mắn đó. Nay báo chí đã đăng tải rõ ràng nghị quyết này, gia đình cũng có thêm chút niềm tin”

Trả lời về việc gia đình có bồi thường thiệt hại để được xem xét ân giảm hay không, bà Tâm cho biết: “Hiện nay, chị Phạm Thị Mai Phương, vợ anh Dũng đang lâm vào tình trạng khó khăn, kinh tế kiệt quệ. Đến tiền thuê luật sư bào chữa cho anh Dũng chị ấy cũng phải đi vay mượn của nhiều người”.

Bà Tâm cho hay, trong những ngày tới gia đình sẽ họp bàn về việc khắc phục hậu quả trong vụ án Vinalines như Nghị quyết 01/2001 đã nêu. "Trước mắt phải cứu anh Dũng thoát bản án tử hình để anh có cơ hội được chứng minh phải trái cũng như khắc phục sai lầm. Tôi cũng đã nói chuyện với vợ anh Dũng và mọi người đều thống nhất: Dù có bán nhà, cầm cố tất cả tài sản chúng tôi cũng phải cứu anh ấy. Chúng tôi tin và có niềm hy vọng vào đặc ân của luật pháp", bà chia sẻ. 

Dương-Chí-Dũng,  mẹ-đẻ,  kết-án,  điều-tra,  Dương-Tự-Trọng,  tập-đoàn,  hàng-hải,  tinh-thân,  vào-tù,  trốn-chạy,  bồ-nhí
Gia đình muốn bồi thường để cứu Dương Chí Dũng
Do chủ mưu giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài, bị can Dương Tự Trọng (bên trái, em ông Dũng) sẽ bị xét xử vào ngày 7/1.

Bà Tâm năm nay 47 tuổi, trú tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Bà là con thứ ba trong gia đình họ Dương nổi tiếng đất Cảng. Bố bà là thiếu tướng, cựu giám đốc Công an Hải Phòng.

Theo chia sẻ của bà Băng Tâm, gia đình bà đang trong cơn bĩ cực, đau đớn và ảm đạm. Nếu chỉ mới hơn một năm về trước, nhà họ Dương vẫn còn được coi một “danh gia vọng tộc” nhất nhì đất Cảng thì nay mọi thứ đã sụp đổ một cách chóng vánh.

Khi ông Dũng vừa được bổ nhiệm là Cục trưởng Hàng hải Việt Nam thì lúc này người em là đại tá Dương Tự Trọng đang giữ chức Phó giám đốc Công an Hải Phòng, rồi làm Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an). Em rể ông Dũng là Nguyễn Bình Kiên (chồng bà Băng Tâm) - Phó giám đốc Công an Hải Phòng. Mới đây, ông Kiên cũng đã bị khai trừ khỏi Đảng do vi phạm quy định công tác và mất chức.

Ngày 16/12/2013, ông Dũng bị TAND Hà Nội tuyên án tử hình do tham ô 10 tỷ đồng, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng hợp hình phạt cho 2 tội là tử hình.
Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP của TAND Tối cao
... Khi áp dụng điểm a khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội Tham ô tài sản cần chú ý:
4.1. Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với giá trị tài sản bị chiếm đoạt như sau:
a. Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ;
b. Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng đến dưới ba tỷ đồng;
c. Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.
4.2. Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 4.1 Mục 4 này như sau:
a. Xử phạt tù từ mười lăm năm đến dưới hai mươi năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS);
b. Xử phạt hai mươi năm tù nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng đến dưới ba tỷ đồng;
c. Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ ba tỷ đồng trở lên.
4.3. Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 4.1 Mục 4 này như sau:
a. Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;
b. Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ đồng trở lên.
4.4. Trong trường hợp theo hướng dẫn tại các tiểu mục 4.1 và 4.3 Mục 4 này thì người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:
a. Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt;
b. Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).
Theo Petrotimes

Giáo sư Tương Lai : Ngọn gió lành đầu năm mang lại hy vọng cho dân chủ ở Việt Nam

Năm mới 2014 bắt đầu với nhiều sự kiện dồn dập, từ thông điệp đầu năm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được đón nhận với nhiều ý kiến khác nhau, cho đến vụ án Dương Chí Dũng, và việc rục rịch kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa. Những dấu hiệu này nói lên điều gì ? RFI Việt ngữ đã trao đổi với giáo sư Tương Lai ở Thành phố Hồ Chí Minh về những vấn đề trên.

Biểu tình tại Hà Nội chống các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

RFI : Kính chào giáo sư Tương Lai, trước hết xin rất cám ơn giáo sư đã nhận trả lời phỏng vấn. Cách đây một tuần, chính xác là ngày 2 tháng Giêng, giáo sư đã cho rằng thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là « một ngọn gió lành ». Vì sao giáo sư có nhận xét này ?

Giáo sư Tương Lai : Phải nói là tuần vừa qua mở đầu cho năm 2014 dồn dập rất nhiều sự kiện lớn. Cứ như một đợt sóng trào, mà những con sóng dội lên trên bề mặt thực ra do sự vận động ngầm của sức nước ở bên dưới. Những điều bộc lộ trên bề mặt cuộc sống, thì tôi cứ suy nghĩ, tôi cảm thấy rằng nó cũng thể hiện được một cách khá cô đọng những vấn đề ấp ủ trong lòng xã hội Việt Nam suốt thời gian vừa qua.

Những vấn đề bức xúc mà tôi chỉ muốn nói thông qua lăng kính của một người giàu suy tư về vận nước. Tôi cảm nhận được rằng mở đầu năm 2014, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một ý nghĩa động viên rất lớn, như một ngọn gió lành.

Vì sao tôi nói như thế ? Vì ở thông điệp này nói lên được những điều bức xúc nhất, khát vọng mạnh mẽ nhất mà xã hội ấp ủ bấy lâu nay, bây giờ người đứng đầu chính phủ nói ra. Đương nhiên là trong thông điệp, ông ta không thể nói hết tất cả các vấn đề được. Nhưng những vấn đề ông đã nói, thì trong suy nghĩ của tôi, đó là những vấn đề cốt lõi nhất.

Và một tuần trôi qua, phải nói rằng dư luận cũng có rất nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau, chứ không phải như nhận định của tôi đâu. Nhưng cho dù có bất cứ tranh cãi gì đi chăng nữa, sau một tuần lễ suy ngẫm, tôi vẫn khẳng định điều đã nói. Vẫn khẳng định rằng thông điệp này có một ý nghĩa rất lớn.

Vì ở đây ông ấy đặt vấn đề là nguồn động lực tạo nên sự khởi sắc của sự nghiệp đổi mới, và từ đó đẩy tới những vấn đề về kinh tế, xã hội, thì đến bây giờ gần như đã cạn kiệt rồi. Ông ấy dùng từ « không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển », tôi thì tôi nói mạnh hơn - nó cạn kiệt rồi.

Bây giờ phải tạo nên nguồn động lực mới. Cách đặt vấn đề của ông Thủ tướng, tôi cho đó là cách đặt vấn đề trúng, và đúng. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà, mà nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy dân chủ. Ông nhắc lại dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.

RFI : Bên cạnh đó, là vấn đề Nhà nước pháp quyền…

Điều cần chú ý hơn nữa, là ông nói rằng dân chủ gắn với Nhà nước pháp quyền. Ông cho rằng dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại.

Đây là một tuyên bố rất dứt khoát và mạnh mẽ. Trước đó tôi chưa hề thấy. Trước đó, tôi chưa nghe !

Từ lâu người ta cũng đã nói nhiều, nhưng khi viết về Nhà nước pháp quyền, thì báo chí thế nào cũng thêm cái đuôi « Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ». Trong nhận thức của tôi, đã là Nhà nước pháp quyền thì phải mang ý nghĩa đích thực của nó. Không cần mang cái đuôi » xã hội chủ nghĩa » làm gì cả.

Nhưng trong một thời gian dài người ta không thể chịu nổi điều đó, có nghĩa là người ta không chịu đựng nổi Nhà nước pháp quyền. Cho nên ông Tổng bí thư nói thẳng : Chúng ta không chấp nhận tam quyền phân lập. Mang cái đuôi « Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa », có nghĩa là không có tam quyền phân lập. Mà đã không tam quyền phân lập thì vừa đá bóng vừa thổi còi, không có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Một khi quyền lực không được kiểm soát, thì làm sao tránh khỏi chuyện làm bậy được. Vì xu hướng chung là quyền lực đẻ ra quyền lực. Người đang nắm được quyền lực luôn muốn mở ra vô hạn độ, và quyền lực thì gắn liền với tham nhũng. Quyền lực có xu hướng tham nhũng, và quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối.

Cho nên cứ hô hào chống tham nhũng, xem đó là một món võ để động viên nhân dân - và các cụ, nhất là các cụ lão thành khi nghe nói điều này là đáp trúng ý của các cụ lắm. Nhưng căn nguyên của tham nhũng ở chỗ nào ? Chính là thể chế - thể chế chính trị độc quyền toàn trị.

Vì vậy bây giờ muốn tạo nên một nguồn động lực thì phải đổi mới thể chế và phát huy dân chủ ; gắn cái ý này với cái ý « dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh của một thể chế chính trị hiện đại ». Tôi cho rằng đấy là ý tưởng lớn nhất, quan trọng nhất cho sự phát triển hiện nay. Chỉ cần nhấn vào một điểm nút ấy thì sẽ bật lên như là một nút khởi động, cả một bộ máy sẽ chuyển động theo.

Sở dĩ tôi cho là ngọn gió lành, chính là vì ông Thủ tướng nói được điểm này. Đây là điểm cơ bản nhất mà từ trước đến nay tôi chưa nghe nói.

RFI : Như vậy theo giáo sư thông điệp lần này đã đi vào căn nguyên của vấn đề. Nhưng cũng có những ý kiến ngờ vực, vì lâu nay Thủ tướng Việt Nam vẫn thường bị chỉ trích về tham nhũng, nên có thể chỉ là một tuyên bố mị dân ?

Cũng có người hỏi tôi, thì tôi trả lời thế này. Giữa mị dân và thân dân là một lằn ranh rất mỏng manh, và lằn ranh đó tùy thuộc vào tầm nhìn, cách nhìn để phát hiện ra lúc nào là mị dân, lúc nào là thân dân. Nếu chỉ căn cứ vào lời nói, và cảm tính thì rất dễ đi đến quy kết không có cơ sở. Phải dựa vào thực tế.

Ở đây, những vấn đề mà ông nêu lên, trước hết chúng ta phải xem đó có phải là những nguyện vọng bức xúc nhất của người dân hiện nay không. Nếu ông nêu đúng bức xúc của dân, thì trước hết người dân lấy đó làm gậy chống đi đường.

Để xem lời ông nói có đi đôi với việc ông làm hay không, thì người dân phải kiểm tra. Trong thông điệp ông đã nói rất rõ, mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng, và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…Người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, và sử dụng pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Và mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.

Rồi đây người dân phải nắm lấy quyền này để mà đòi thực thi. Ví dụ quyền tự do lập hội, tự do báo chí, quyền được biểu tình…đã được ghi trong Hiến pháp nhưng thực tế lâu nay bị treo vì người ta không ban hành những luật cụ thể kèm theo.

Ông ấy nói rất rõ là phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp. Có nghĩa là bằng dân chủ trực tiếp, người dân phải thực thi quyền làm chủ của mình. Quyền này phải đấu tranh mà giành lấy, chứ đừng có tưởng cứ ngồi đấy mà xin được. Bất cứ chính quyền nào cũng đều muốn có lợi về phía mình.

Phải cố « hoàn thiện thể chế, tăng cường dân chủ », thì đây là điều người dân có thể bám vào đó để đấu tranh. « Hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội », « tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Đấy là những điều mà rồi đây người dân phải tự nâng cao trình độ và nhận thức của mình lên để tham gia vào.

Nhất là một ý hết sức quan trọng mà lần đầu tiên trong bản thông điệp này đặt vấn đề, là phải « kiến tạo phát triển ». Tức là Nhà nước tạo điều kiện để mọi người dân tham gia, và xã hội thực hiện những chức năng mà xã hội có thể làm tốt hơn Nhà nước. « Kiến tạo phát triển » theo tôi là một khái niệm mới, mở đường cho hoạt động của xã hội dân sự mà lâu nay người ta kiêng kỵ.

Đấy là những vấn đề khá cụ thể, và đi vào những vấn đề cụ thể đó thì mới thấy được đó là mị dân hay thân dân. Chứ còn chỉ căn cứ vào lời nói, thì hiện nay có tình trạng cảm nhận của mỗi người có khác nhau. Khi đã nói cảm nhận tức là nhìn nhận một cách cảm tính, yêu ghét, thích ông A hay ông B, ông X hay ông Y.

Dưới con mắt của tôi, tôi không quan tâm đây là ông A, B, C hay X,Y,Z. Không ! Tôi quan tâm tư tưởng của ông ấy, đề xuất của ông ấy, cái chính sách mà ông nêu lên, chủ trương ông đề ra, giải pháp ông kiến tạo có tiến bộ không, có thúc đẩy phát triển không.

Nhưng có một số người – đó là quyền của người ta thôi – theo cảm tính. Khi đã có định kiến rồi, n thì gười đó nói có hay mấy cũng có thể bảo, không, nó bịp đấy ! Chuyện đó dễ hiểu thôi. Rồi đây phải quay trở lại với một nguyên lý có tính chất sơ đẳng : thực tiễn sẽ là tiêu chuẩn. Thực tiễn sẽ là thước đo đúng sai của một chính sách, một giải pháp. Nếu nói ngôn từ văn vẻ : Thực tiễn là thước đo của chân lý !

Trong thông điệp ông Thủ tướng, tôi nghĩ có những điều người dân đang rất trông đợi. Ví dụ năm hết Tết đến, thì hãy bắt chước một nước đang có bước phát triển ngoạn mục : thay đổi luật bầu cử, thay đổi Hiến pháp để cho bà Aung San Suu Kyi là người trước đây đã bị quản thúc gần hai chục năm, bây giờ có thể tham gia ứng cử tổng thống. Rồi họ thả tù chính trị hàng loạt.

Dân đang chờ xem những người vì bất đồng chính kiến - người ta chỉ phát biểu ý tưởng thôi, một cách hòa bình, bất bạo động nhưng bị tống giam – thì bây giờ nên thả họ ra. Đương nhiên về vĩ mô, trong một thông điệp chỉ có thể nói những vấn đề cơ bản lớn. Nhưng một ví dụ cụ thể như tôi vừa nói, tuy rất nhỏ nhưng mang tính biểu tượng rất lớn. Thế thì căn cứ vào đó mà chúng ta đo, chứ không thể nói đúng sai theo lối cảm tính được.

RFI : Nếu đây là một chuyển biến thực sự về hướng dân chủ và Nhà nước pháp quyền thì rất đáng mừng. Theo giáo sư, nguyên nhân của sự thay đổi này từ đâu, và liệu có thể thực hiện được không dù có muốn cải cách ?

Đây cũng là một câu hỏi rất cụ thể, đòi hỏi một đáp số rõ ràng. Trong vụ xử Dương Chí Dũng, ông ta đã khai ra những nhân vật cộm cán cấp rất to, thì bây giờ phải làm thế nào công khai và minh bạch như Thủ tướng đã nói. Cho nên tôi mới nói trong chỉ một tuần lễ đầu năm 2014 thôi, mà đã nổi lên rất nhiều đợt sóng mạnh.

Điểm thứ ba là vụ Hoàng Sa và Trường Sa. Vừa qua đã có kỷ niệm chiến tranh biên giới tây nam, như thế là một bước khẳng định trở lại đường lối, và vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc. Sắp tới đây kỷ niệm ngày mà Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Hiện nay Nhà nước đã có chủ trương chuẩn bị kỷ niệm sự kiện đó, và Đài truyền hình Đồng Nai đã truyền đi bộ phim « Hải chiến Hoàng Sa » do Việt Nam Cộng Hòa quay trước 1975.

Đấy là những động thái theo tôi có ý nghĩa cực kỳ lớn. Vì nếu làm sáng tỏ những điều này ra, thì như tôi đã trả lời, phải gắn kết vấn đề dân chủ với động lực lòng yêu nước chống kẻ thù xâm lược. Khi hai yếu tố này gắn kết lại với nhau, sẽ tạo nên nguồn động lực rất lớn, không gì có thể ngăn cản được.

Về Hoàng Sa, khi ông Thủ tướng tuyên bố lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật, phải đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa, tôi cho đó là một thái độ rất rành rọt, rõ ràng. Để xem rồi đây thực hiện như thế nào. Nếu làm được điều này, sẽ chứng tỏ chúng ta có một bước tiến rất mới trong thái độ đối với bọn xâm lược.

Không phải vì đấu tranh ngoại giao mà lại bẻ queo sự thật đi được, như lâu nay vẫn làm. Đó là một đường lối sai lầm, không thể chấp nhận được. Vì vậy nếu bây giờ gắn yêu nước với dân chủ thì rất hay.

Như vậy chỉ trong bảy ngày đầu tháng Giêng của năm mới, có ba sự kiện lớn như tôi vừa nói, và ba sự kiện này quy tụ lại những vấn đề khá cơ bản trong đời sống Việt Nam thời gian qua.

RFI : Vừa rồi báo chí Việt Nam có những cái tựa đáng kinh ngạc, chẳng hạn « Địch đông ta ít, Việt Nam Cộng Hòa thay đổi kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa » thì trên mạng người ta bình luận bây giờ Việt Nam Cộng Hòa cũng là « ta » rồi. Và như giáo sư vừa nói, gần đây đã nhắc đến chuyện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, kỷ niệm tử sĩ Hoàng Sa…Những chuyển biến này có liên quan gì đến việc gần đây Trung Quốc liên tục gây hấn với Việt Nam ở Biển Đông hay không ?

Rõ ràng với thời gian trôi qua, có những vấn đề của lịch sử sẽ được nhìn nhận trở lại một cách đúng đắn hơn. Phải nói rằng dân đi trước Nhà nước, đi trước Đảng nhiều lắm trong việc hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Vấn đề này đã đặt ra từ lâu rồi, và người đầu tiên đặt vấn đề một cách trực diện là ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ông nói trong những ngày kỷ niệm, có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn. Ông nói, nếu không làm lành những vết thương đó, thì đừng có khoét sâu thêm nữa – nhưng chưa được thực hiện.

Về phía dân, cũng đã làm được nhiều – tôi không nói sâu vì không được biết nhiều. Nhưng riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27/07/2011, chúng tôi có tổ chức một buổi kỷ niệm, trong đó nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nói rõ về vấn đề chiến tranh và Hoàng Sa.

Còn tôi có nói cái ý : đã đến lúc phải có một thái độ đúng đắn tuyên dương những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, và dũng cảm hy sinh tại Hoàng Sa. Tôi có dẫn ra cái câu của Phật nói rằng, tất cả nước mắt đều có vị mặn, tất cả máu đều có màu đỏ. Máu Việt Nam không phân biệt ở bên này hay bên kia giới tuyến. Đã đến lúc phải có một chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, mới có thể tạo nên động lực mới để xây dựng đất nước.

Như vậy cách đây ba năm, vấn đề đó được chính thức công khai trong buổi mít-tinh do chúng tôi tự tổ chức lấy với nhau tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình ở đường Nguyễn Thông, Thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ sau ba năm, Nhà nước mới đặt lại vấn đề Hoàng Sa. Nhà nước đi sau dân, và như vậy là đáp ứng một nguyện vọng đã chín muồi lắm rồi trong nhân dân.

Trước đây liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, thì kiêng dè khi nói về thực thể Việt Nam Cộng Hòa. Dù muốn hay không, đó là một trong bốn bên ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris, làm sao mà vứt bỏ thực thể ấy được. Và nếu dùng thực thể đó mà đấu tranh thì mới nói rằng Hoàng Sa là của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược.

Gần đây người ta mới bạch hóa vấn đề công hàm của Phạm Văn Đồng, báo chí đã có đưa lên. Khi công nhận hồi ấy nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có trách nhiệm pháp lý nào để nói về Hoàng Sa cả, vì theo Hiệp định Genève thì Hoàng Sa nằm ở bên kia vĩ tuyến 17, thuộc về Việt Nam Cộng Hòa. Do hồi ấy tránh nhắc lại điều đó, mà chúng ta gặp khó khăn trong việc lập luận, đấu tranh vạch mặt Trung Quốc xâm lược để giành lấy chủ quyền Hoàng Sa. Bây giờ vấn đề ấy rõ rồi thì phải nói lại.

Đài truyền hình Đồng Nai đã đưa tin – người ta chưa dám cho làm trên Đài Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng thôi thì cứ bắt đầu ở Đồng Nai cũng được, rồi từ đó tiến dần lên. Thế mà không phải mọi việc đã ổn đâu. Báo chí đưa lên rồi nhưng sau đó có chỉ thị phải gỡ xuống !

Nhiều thế lực đan xen vào nhau trong những vấn đề về đường lối chính sách, cũng như trong việc nhìn nhận thông điệp của Thủ tướng, có nhiều luồng ý kiến đánh giá rất khác nhau. Đó là một thực tế, và là một nỗi đau của dân tộc!

Một nỗi đau của đất nước, khi không tạo được đồng thuận giữa những người lãnh đạo. Chừng nào chưa gạt bỏ những mắc mứu cá nhân, gạt bỏ vấn đề ý thức hệ một cách khiên cưỡng và sai lầm để đặt lợi ích của dân tộc, Tổ quốc trên hết, thì chừng ấy chưa thể rảnh tay đối phó với kẻ thù được. Đấy là chưa nói lại còn có khi mượn kẻ thù tiếp tay để mà đấu lẫn nhau, để mà thanh toán lẫn nhau nhân danh ý thức hệ.

Vì vậy nguyện vọng của người dân lúc này là tạo nên đồng thuận để mọi người cùng chung sức xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.

RFI : Chúng tôi xin chân thành cảm ơn giáo sư Tương Lai ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ.
(Thụy My)

Trung Quốc 'soán ngôi' Mỹ về thương mại

Bên cạnh xuất khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc cũng đã tăng cao nhờ nhu cầu nội địa

Trung Quốc cho biết nước này "rất có thể" đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia có tổng kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới.
Theo thống kê mới nhất, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc đã tăng 7,6% trong năm ngoái, đạt 4,16 nghìn tỷ đôla.

Hoa Kỳ chưa công bố thống kê kinh tế cho cả năm 2013, nhưng tổng kim ngạch thương mại của nước này trong 11 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 3,5 nghìn tỷ đôla.

Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2009. Tổng giá trị nhập khẩu của nước này cũng đã tăng mạnh trong những năm qua nhờ kinh tế phát triển.

"Rất có thể Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia giao thương lớn nhất thế giới," người phát ngôn của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, ông Trịnh Dược Thanh, cho biết.

Thống kê kinh tế cho cả năm 2013 sẽ được Hoa Kỳ công bố vào tháng Hai.
Quan ngại về số liệu

Tuy nhiên, cũng đã có quan ngại trong những tháng qua về độ chính xác trong thống kê xuất khẩu của Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng nhiều nhà xuất khẩu của nước này đã nâng khống tổng giá trị hàng xuất để luồn lách quy định về ngoại hối.

Về phía mình, chính quyền Trung Quốc cũng đã có nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề này.

Hồi tháng 5 năm ngoái, Cơ quan quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cho biết sẽ thắt chặt công tác quản lý hóa đơn xuất khẩu và phạt nặng tay những doanh nghiệp cung cấp số liệu sai lệch.

Sun Junwei, một kinh tế gia tại ngân hàng HSBC ở Bắc Kinh, nói "những biện pháp gần đây có thể giúp giảm bớt các hoạt động giao thương trá hình."

"Chúng tôi nghĩ rằng những hoạt động này sẽ bị hạn chế đáng kể trong năm nay so với năm ngoái," bà nói.

Một số nhà phân tích cho rằng bất kể thống kê của Trung Quốc có bị thổi phồng đi chăng nữa, nước này cũng vẫn sẽ soán ngôi Hoa Kỳ.

"Khoảng cách về tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể đã lên đến 250 tỷ đôla trong năm 2013," ông Rajiv Biswas, kinh tế gia tại hãng IHS, nói với BBC.

"Đây là một khoản khá lớn và khó có khả năng bất kỳ sự điều chỉnh về số liệu nào có thể thay đổi vị trí của hai nước."

Ông Biswas cũng nói thêm rằng khoảng cách thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có khả năng sẽ gia tăng trong năm nay.

Trong cả năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng 7,9%, trong khi nhập khẩu tăng 7,3%.
 
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét