Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Ngày 11/12/2013 - Không khởi tố tham ô là… “góp phần ổn định chính trị địa phương” (?!) & Lập luận khó hiểu để Bộ GTVT tăng phí đường gấp đôi

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Việt Nam: Phải làm gì để tội ác không ‘chìm xuồng’?


Tấm biển chỉ đường của ý thức hệ
Đến giờ phút này, giới lương tâm ở Việt Nam hầu như có thể khẳng định về một khả năng “chìm xuồng” rất lớn đối với các tội ác xã hội do các nhóm lợi ích vô đạo đức gây ra.
Ít nhất, những tội ác đó gắn bó không thể bền vững hơn với vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa và cơn đại hồng thủy xả lũ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên – được hiện thực hóa không hề thiếu sinh động và tàn nhẫn bởi các nhà máy thủy điện.
Nicotex Thanh Thái đã trở thành một cái tên đáng được ghi vào sách giáo khoa lịch sử Việt Nam.Cái quái thai có cái tên thanh lịch trên đã gây ra vài chục người chết vì ung thư và hàng trăm trẻ dị tật ở những làng mạc xung quanh.
Cũng chưa bao giờ trong lịch sử chế độ cầm quyền ở Việt Nam, cơn  bạo bệnh quái thai lại được nhân danh hành động xả lũ thủy điện đến thế. Gần năm chục mạng dân nghèo đã bị giết  trong cơn lũ cực kỳ vô trách nhiệm và vô liêm sỉ.
Hai hành động trên lại chỉ xảy ra không bao lâu trước một hành động khác mang tính “đồng thuận” rất cao: Quốc hội Việt Nam thông qua bản Hiến pháp năm 2013 với 98% đại biểu cúi đầu bấm nút.
Hiến pháp 2013 lại là một đặc trưng lịch sử cho quan điểm “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” và nhóm người “còn đảng còn mình”.
Không có và cũng đã chẳng có bất kỳ nội dung quan trọng nào trong Hiến pháp năm 2013 được điều chỉnh so với Hiến pháp năm 1992, bất chấp rất nhiều ý kiến và kiến nghị từ các nhân sĩ, trí thức và người dân Việt Nam. Trong một hành động vinh danh sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nêu ra một kết luận mang tính mặc định “bản Hiến pháp mới đã nói lên tiếng nói của 90 triệu đồng bào”. Dù rằng trước đó, kết quả cuộc khảo sát chỉ số công lý 2012 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho thấy có đến 42,4% dân chúng Việt Nam không biết gì về hiến pháp, hoặc chưa bao giờ nghe nói đến hiến pháp!
Vô tình hay hữu ý, từ sau khi bản Hiến pháp mới được thông qua, tiến trình điều tra vụ chôn thuốc trừ sâu vào lòng đất của Công ty Nicotex Thanh Thái cũng lẩn nhanh vào bóng tối. Thậm chí Trung tá Trần Văn Thực – Chánh Văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa – còn tuyên bố  rằng cơ quan này đã đánh giá lại quá trình xử lý vụ việc và xác nhận “chưa thể xử lý gì đối với họ cả”.
Như thường lệ và điều được coi là lề thói nội bộ, không thiếu lý do và nguyên nhân chậm trễ được “họ” nại ra. Một quan chức được xem là chịu trách nhiệm gián tiếp về nhiều cái chết của dân chúng do hành động xả lũ “đúng quy trình” là ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Công thương, đã “đi công tác nước ngoài” ngay trong thời gian những cái chết bi thiết như thế xảy ra. Nhưng kết quả của cuộc họp với ngành thủy điện do vị bộ trưởng này chủ trì đã không làm sáng tỏ được bất cứ nguyên nhân trực tiếp nào dẫn đến thảm họa của người dân, trừ điều được báo chí mỉa mai “dân chết… đúng quy trình”.
Trách nhiệm của những kẻ thủ ác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng vì thế đã được vinh tôn hơn bao giờ hết.
Một trì độn lớn phải dẫn đến những tệ nạn nhỏ. Nói cách khác, thói vô cảm và vô trách nhiệm của giới quan chức đã kết tinh trong mọi hành động từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao và ngược lại. Tất cả đều cho thấy đang và sẽ khó có một đột biến nào về não trạng và hành vi đạo đức trong giới này.
“Dắt tay nhau dưới tấm biển chỉ đường của ý thức hệ” – như một bức tranh mà ẩn sĩ Hà Sỹ Phu đã phác thảo về tâm can giới đảng viên trước đây hai chục năm, nay đã minh họa một cách không thể hiện thực hơn về vệt tương lai tất cả cùng kéo nhau xuống hố.
Làm gì?
Trong tình cảnh đẫm lệ trên xác người như thế, với những người dân vùng rốn lũ và những đứa trẻ còn đeo khăn tang cha mẹ, sẽ chẳng còn hy vọng mỏng manh nào để trông mong vào mảnh ghép công tâm còn lại của một chính quyền luôn tuyên xưng cho “một xã hội công bằng và văn minh”.
Trái lại, xã hội Việt Nam đang bước vào thời kỳ mà hầu hết những kẻ giàu có đều có thể mua vé qua cổng thiên đường, còn công bằng là một giá trị quá xa xỉ. Giờ đây, thứ công bằng ít ỏi còn lại chỉ phụ thuộc duy nhất vào dân chúng, vào chính sự quyết đoán của những người dân nghèo khổ và các nạn nhân. Nếu không có người vợ mười năm đằng đẵng tìm mọi cách minh oan cho chồng, ông Nguyễn Thanh Chấn hẳn đã còn phải chịu cảnh oan sai không chỉ một thập kỷ tù đày.
Hiện tình, đáng lẽ những tội ác tày đình của Nicotex Thanh Thái và các nhà máy thủy điện xả lũ giết dân ít ra phải bị các nạn nhân đưa ra trước vành móng ngựa. Và tối thiểu, một tòa án dân sự phải được thiết lập để phán quyết về chuyện các hung thủ phải đền bù cho người dân chịu nạn.
Song điều cay đắng bất nhẫn là cho tới nay đã không có bất cứ hứa hẹn nào về khả năng bồi thường, dù chỉ tượng trưng, của Nicotex Thanh Thái và các nhà máy thủy điện cho nạn nhân. Một sự thật cay đắng không kém trong xã hội đóng kín là cũng chưa có bất kỳ tín hiệu nào, dù chỉ manh nha, về một lá đơn khiếu nại của nạn nhân đối với những kẻ thủ ác, đối với những vụ việc cần bị xem là trọng án nhưng đang nhanh chóng được cho “chìm xuồng”.
Mọi thứ đã vượt quá mọi giới hạn. Tỷ lệ phiếu thuận tuyệt đối cho Hiến pháp 2013 cũng là giới hạn tốt nhất từ trước tới nay mà giới nghị sĩ dân bầu có thể phủ quyết những quyền lợi chính đáng như cơ chế không thu hồi đất đối với nhân dân.
Thế nhưng dường như sức chịu đựng của người dân Việt Nam vẫn nằm trong một hệ thống tiêu chí cam chịu bất thành văn. Cũng như thói quen im lặng mãn tính đã di căn diện rộng trong giới đảng viên, tâm lý sợ hãi cái hệ thống đó vẫn ngấm ngầm lan tỏa và phát huy tác dụng. Đến lượt mình, cái tác dụng này lại khiến cho những nạn nhân của nó không đủ sức gắn bó với nhau để chung sức phá tan hệ thống tâm lý đáng sợ đó.
Nếu những tội ác dã man nhất cũng không còn đọng lại nơi vùng đáy lương tâm của hệ thống tư pháp, hiển nhiên cái hố phân hóa giai cấp sẽ ngoác rộng trong một tương lai hoàn toàn thiếu thiện chí. Đó là sự đối đầu không thể tránh khỏi, không thể cứu vãn giữa khối dân chúng với nhà nước.
Ở một chiều kích lệch pha ngày càng lớn với chính thể, số đông dân chúng và giới trí thức có lương tâm càng nhận ra rằng xã hội dân sự là cần thiết biết bao vào lúc này. Đơn giản là nếu có, dù chỉ là một phong trào dân sự về bảo vệ dân sinh và môi trường ở Việt  Nam, tiếng nói của phong trào này sẽ lập tức gắn quyện với những người chịu rủi ro và sẽ khiến các cấp chính quyền phải miễn cưỡng dịu bớt sắc diện vô cảm cùng vô liêm sỉ của họ.
Trong thế cùng đường của ngày càng nhiều người dân, có lẽ một hoặc vài ba phong trào như thế sẽ tự nhiên xuất hiện trong vài ba năm nữa. Chỉ có điều, nếu một vài xung khắc xã hội và giai cấp được giải quyết, ý nghĩa về kết quả của nó sẽ thuộc về những người của xã hội dân sự chứ không thể mang tính tô hồng trong các báo cáo của chính quyền địa phương.
THEO VOA BLOG

Không khởi tố tham ô là… “góp phần ổn định chính trị địa phương” (?!)

Đó là “phán quyết” Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh Hà Giang đưa ra sau khi cân nhắc: Nên hay không khởi tố hình sự các đối tượng ăn chặn hơn 181 triệu đồng của Nhà nước hỗ trợ cho trẻ tàn tật!
Trước đó như đã đưa tin, qua xác minh đơn tố cáo công dân, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, chức vụ công an tỉnh Hà Giang phát hiện trong hai năm 2012, 2013, các đối tượng Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cùng hai “cộng sự” Nguyễn Thị Lan Anh, kế toán, Trịnh Thu Hương, thủ quỹ đã “ăn bớt” của trẻ khuyết tật hơn 181 triệu đồng.
Cụ thể tại hồ sơ, cơ quan điều tra đã làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng như, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trịnh Thu Hương không phát hết số tiền hỗ trợ cho trẻ khuyết tật đến khám sàng lọc năm 2012, 2013 và giữ lại số tiền gần 151 triệu đồng. Tiếp đó, đã chỉ đạo những người liên quan lập chứng từ khống để quyết toán chiếm hưởng số tiền nói trên.
Cạnh đó, trong hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế năm 2012 từ nguồn ngân sách tỉnh cấp, ông Thành đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Lan Anh nâng khống giá trị các trang thiết bị để hưởng chênh lệnh với số tiền hơn 31 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, ông Thành, bà Nguyễn Thị Lan Anh đã sử dụng tiêu xài vào mục đích cá nhân.
Với số hồ sơ đã được làm rõ, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hà Giang xác định: “đây là vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản”, gồm các tình tiết tăng nặng như “phạm tội có tổ chức”, “số tiền chi sai và chiếm hưởng với số lượng lớn lên đến 181.950.000 đồng”.
Tuy nhiên theo ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang thì sau khi nắm được sai phạm của cán bộ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang ngày 4-10-2013 đã có công văn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đề nghị “không khởi tố vụ án hình sự đối với các cá nhân sai phạm liên quan đến vụ việc nêu trên và chuyển hồ sơ để Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xử lý cán bộ theo thẩm quyền”.
Về công văn này, ông Thái giải thích, “Hà Giang là tỉnh nghèo, có rất nhiều trẻ em tàn tật cần được hỗ trợ. Nếu cơ quan điều tra khởi tố hình sự, tôi sợ các tổ chức, cá nhân sẽ biết chuyện, không hỗ trợ cho nữa”. Và “để góp phần ổn định chính trị tại địa phương, Sở đã có văn bản đề nghị cơ quan điều tra không khởi tố hình sự các đối tượng nói trên”, ông Thái nói.
Và không giống quyết tâm đẩy lùi nạn tham ô, tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện, ông Thái khẳng định: “Những người đó có tội thì rõ rồi. Nhưng vì…đại cục, vì cái to lớn hơn nên hai ngành kiểm sát, công an đã họp, thống nhất không khởi tố hình sự như chúng tôi đã đề nghị. Đồng thời họ cũng đã có văn bản trả lời, bàn giao hồ sơ để chúng tôi có biện pháp xử lý hành chính đối với những người sai phạm”.

Sẽ xử lý kỷ luật người tố cáo

Mặc dù đã có cử chỉ “rộng lượng” đối với những đối tượng ăn chặn tiền hỗ trợ trẻ tàn tật, nhưng ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang lại có thái độ khá nghiêm khắc đối với người tố cáo. Bởi như ông Thái nói, thì lãnh đạo Sở đã xác định được “tác giả” của lá đơn tố cáo. “Đây là một cán bộ từng công tác tại Trung tâm này, nhưng sau đã được chuyển sang làm phó ở một đơn vị khác. Người này gửi đơn tố cáo đến Công an, Thanh tra tỉnh chứ không gửi qua Sở. Nếu gửi qua Sở, chúng tôi đã xử lý chứ không để đến mức thế này. Sau khi xử lý ba cán bộ sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý cô này vì vi phạm điều đảng viên không được làm”, ông Thái nói.
THEO NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Công dân VN lại bị từ chối nhập cảnh


Ông Điệp từng có bài viết trên những trang bị Việt Nam liệt vào danh sách 'chống đối'

Ông Phạm Văn Điệp, doanh nhân 45 tuổi mang quốc tịch Việt Nam, cáo buộc rằng ông bị từ chối cho nhập cảnh khi về nước vì đã "ủng hộ cho tiếng nói dân chủ".

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 10/12, ông Điệp cho biết đã đáp chuyến bay về Việt Nam từ Moscow, nơi ông đang thường trú, hôm 7/12.

Tuy nhiên khi đến sân bay Nội Bài vào ngày 8/12, ông bị an ninh cửa khẩu lập biên bản 'không hoan nghênh' và bị yêu cầu trở lại Nga.

"Họ nói đây là vì lý do chính trị nên họ không xử theo luật hình sự mà chỉ không cho nhập cảnh," ông nói.

Phía Việt Nam sau đó đã bắt ông phải trở về Nga trên chuyến bay sớm nhất, ông cho biết thêm.

"Ngày 8/12 không có chuyến bay sang Nga nên họ định đưa tôi sang Đức và từ đó sang Nga."

"Nhưng sang tới Đức, cảnh sát Đức nói Việt Nam đã làm không đúng và không chịu tiếp nhận tôi mà lại yêu cầu Hãng hàng không Việt Nam phải chở tôi về Việt Nam".

Ông Điệp cho biết đến khi trở lại Việt Nam hôm 9/12, ông vẫn không được cho phép nhập cảnh.

Vào thời điểm trả lời phỏng vấn BBC, tức 10 giờ sáng ngày 10/12, giờ Việt Nam, ông Điệp nói sẽ đáp chuyến bay thẳng sang Nga trong một tiếng nữa.

'Hạn chế tiếng nói dân chủ'

Mặc dù không được an ninh cửa khẩu Việt Nam giải thích cụ thể về điều mà cơ quan này gọi là 'lý do chính trị', ông Điệp cho rằng việc ông không được cho phép nhập cảnh hai lần liên tiếp trong năm nay là do có những hoạt động ủng hộ phong trào dân chủ và nhân quyền trong nước.

"Theo ý kiến cá nhân của tôi , họ không muốn những tiếng nói về dân chủ, về quyền của con người được nói một cách mạnh dạn ở Việt Nam," ông nói.

"Trong khi đó, tôi cũng lại là một trong những người ủng hộ cho những tiếng nói trung thực thẳng thắng về nhân quyền, về quyền tự do."
"Họ không muốn có những tiếng nói đó, họ muốn hạn chế càng nhiều càng tốt."
"Theo ý kiến cá nhân của tôi , họ không muốn những tiếng nói về dân chủ, về quyền của con người được nói một cách mạnh dạn ở Việt Nam."
Doanh nhân Phạm Văn Điệp
"Họ yêu cầu tôi về Nga, mặc dù tôi là công dân Việt Nam, nói tiếng Việt Nam và thiết tha được ở Việt Nam," ông nói.

Hồi cuối tháng Tư năm nay, ông Điệp cũng đã bị từ chối nhập cảnh ở sân bay quốc tế Nội Bài.

Vào lúc đó, ông Điệp nói với BBC rằng cán bộ xuất nhập cảnh cáo buộc ông đã hoạt động "chống phá Nhà nước".

"Tôi cho rằng nguyên nhân họ làm như vậy là vì tôi từng tham gia đảng Dân chủ Việt Nam từ thời ở trong nước, khi ông Hoàng Minh Chính phục hoạt đảng này," ông Điệp nói trong cuộc phỏng vấn ngày 1/5.

Ông Điệp cũng là người viết nhiều bài về tình hình xã hội - chính trị Việt Nam, đăng trên các website ở hải ngoại mà Việt Nam cho là 'chống đối' như Đàn Chim Việt hay Dân Luận; cũng như trên blog cá nhân của mình.

Quê quán ở Thanh Hóa, ông Điệp sang Nga từ 1992 và làm công việc kinh doanh.
(BBC)

Các ÔNG LỚN phát đạt, người dân được gì?


Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước đang sản xuất kinh doanh các sản phẩm – dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế có doanh thu và lợi nhuận lớn trong năm nay. Vậy người dân được gì khi các ông lớn này làm ăn phát đạt?
Đứng đầu bảng là Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas) với mức lợi nhuận năm nay tăng đột biến.
Chỉ hết quý 3, PV Gas đã bỏ túi hơn 10.000 tỉ đồng lãi và chiếm lĩnh 70% thị trường gas. Đó là phần của PV Gas. “Phần” của người dân là sau 6 lần tăng, giá gas năm 2013 đã tăng tổng cộng 130.000 đồng/bình trong khi đó chỉ giảm 85.000 đồng, người dân gánh thêm 45.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, gas lãi lớn và người dân phải mua gas với giá kỷ lục, gần 500.000 đồng/bình.
“Ông lớn” trong ngành xăng dầu Petrolimex năm nay cũng làm ăn phát đạt với mức lợi nhuận trong 9 tháng gần 1.600 tỉ đồng. Cả năm, lợi nhuận của Petrolimex chắc còn khủng hơn khi mới đây, nghi án họ thu thêm một “món hời” ngoài dự kiến từ việc Bộ Tài chính nhanh tay trích quỹ bình ổn sớm (9 ngày thay vì 10 ngày theo quy định) để bình ổn giá xăng đã được đặt ra. Nên nhớ quỹ bình ổn là do người dân đóng. Và cái họ được là xăng vẫn tăng gần 600 đồng/lít trong năm nay dù số lần tăng – giảm tương đương, cùng là 4 lần. Điều đáng nói là trước mỗi lần tăng giá, ngành xăng thường kêu lỗ để gây áp lực. “Chiêu” này cũ nhưng vẫn rất hiệu nghiệm. Họ bỏ túi hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận còn người dân “được” mua xăng với giá đắt hơn.
Tập đoàn điện lực VN (EVN) tiếp tục một năm làm ăn thuận lợi với doanh thu từ bán điện 11 tháng năm nay ước đạt trên 7,4 tỉ USD, tăng 21% so với năm trước. Có được sự tăng trưởng mạnh, theo Bộ Công thương là do thuận lợi về thủy điện. Thủy điện thuận lợi cũng giúp EVN có lãi trong năm trước. Nhưng đó là phần của EVN. Còn với người dân, thủy điện năm nay là cơn ác mộng khi xả lũ ồ ạt ngay trong mùa mưa bão, gây vỡ đập và hiểm họa luôn rình rập. EVN doanh thu “tỉ đô” còn người dân thì vừa gánh giá điện tăng, gánh luôn cả chi phí xây biệt thự, sân tennis, mua xe sang như phanh phui của Thanh tra Chính phủ.
Điểm chung của các DN này là đều giữ vị thế độc quyền trên thị trường, phương pháp kinh doanh chủ yếu là tăng giá và kết quả là đều có doanh thu lớn, lãi lớn.
Với những mặt hàng nhà nước quản lý giá, người dân cũng chịu cảnh tương tự. Giá nước năm nay đã tăng trung bình từ 400 – 1.700 đồng/m3; sữa nhập tăng giá 6 lần, giá dịch vụ y tế, giáo dục đều tăng mạnh…
Tăng giá với một số sản phẩm – dịch vụ là điều không thể tránh khỏi nhưng tăng dồn dập, tăng ngay trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã khiến áp lực với mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp ngày càng nặng nề hơn.
Giá tăng thì chất lượng cuộc sống giảm. Cái giảm ngay trước mắt là thưởng tết cho người lao động. Rất nhiều doanh nghiệp đã thông báo giảm và cắt thưởng.
Khảo sát mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết 72% người tiêu dùng VN ưu tiên hàng đầu cho việc tiết kiệm số tiền thừa còn lại sau khi đã trang trải các sinh hoạt phí thiết yếu. Những khoản bị cắt giảm nhiều nhất gồm thời trang và giải trí ngoài gia đình, điển hình như tỷ lệ giảm mua quần áo mới tại VN là 62%. “Thắt lưng buộc bụng” là giải pháp mà hàng triệu gia đình đang lựa chọn trong cơn bão giá, bão phí nói trên khi thu nhập ngày càng teo lại.
DNNN hoạt động bằng vốn ngân sách, do người dân đóng thuế. Lỗ thì nhà nước chịu, lãi thì họ hưởng, còn người dân, cái “được” là gánh nặng giá sản phẩm – dịch vụ thiết yếu chỉ tăng chứ không giảm.
THEO THANH NIÊN
 

Kinh tế VN: ‘GDP tăng, dân vẫn chật vật’

Tại Diễn Đàn Kinh Doanh Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố mức GDP của Việt Nam trong năm qua đã đạt ngưỡng 176 tỉ đô la, đưa mức thu nhập bình quân đầu người lên đến 1960 đô la/năm.
“Kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn và đang trên đường tiến tới tăng trưởng cao hơn trong tương lai,” Thủ tướng Dũng được dẫn lời phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, với nhiều người thì con số tăng GDP như vậy không tác động gì nhiều đến mức sống của người dân.
“Người ta chỉ thích các con số mà không biết đàng sau những con số đó ý nghĩa thực của nó như thế nào. Thí dụ cái gọi là tăng trưởng GDP, con số đó có thể có nhiều ý nghĩa nhưng xét về thu nhập của người dân lấy GDP hàng năm chia cho 90 triệu người dân để ra con số thu nhập đầu người một nghìn mấy (1960 USD) thì nó không thực sự là người dân được hưởng.” ông Nguyễn Quang A, chuyên gia kinh tế và là nguyên viện trưởng viện nghiên Cứu Phát triển (IDS), cho biết trên RFA.
Theo l‎ý thuyết kinh tế, GDP là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong lãnh thổ một quốc gia, bao gồm cả phần đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài.
  Doanh nghiệp vốn nước ngoài là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Ông Quang A đưa ví dụ, sản phẩm của tập đoàn Samsung chiếm đến 20% hàng xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên lợi nhuận đạt được thì chuyển ra nước ngoài chứ không giữ lại ở trong nước. Con số này vẫn được tính vào GDP, nhưng không tác động nhiều đến thu nhập của người Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, nguyên viện trưởng viện Quản L‎ý Kinh Tế Trung Ương  Lê Đăng Doanh cho biết hiện các doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 65-68% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, và chỉ có các doanh nghiệp này là hoạt động hiệu quả trong môi trường hiện nay.
Xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài tăng tới 23% trong năm nay, đạt mốc 81.2 tỉ đô la, trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng có 3%,  Tổng Cục Thống Kê cho biết.
Thêm nữa, lạm phát ở Việt Nam dù đã được kiềm chế dưới 10% trong 2 năm qua vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP.
Điều đó có nghĩa dù trên hình thức, người dân có thể cầm trên tay nhiều tiền hơn, nhưng sức mua thực tế lại giảm đi.
Trong hoàn cảnh đó, tính chính xác của các số liệu thống kê trong nước cũng bị đặt dấu hỏi. Ông Quang A từng tỏ ra ‎ nghi ngờ số liệu thống kê GDP của Việt Nam đã được “ tô son trát phấn.”
“Kết quả lại sai lệch có thể dẫn đến những chính sách tồi hơn, và nó lại khuyến khích người ta phải tô son trát phấn để cho số liệu nó đẹp. Vòng luẩn quẩn cứ thế là một mối nguy hiểm cho đất nước,” ông cho biết trên BBC.
Tiêu dùng vẫn giảm?
  Lạm phát trong những năm gần đây làm ảnh hưởng hàng triệu người tại VN.

Một nhân tố rất quan trọng trong việc tính toán GDP là chi tiêu của người dân lại ít được đưa ra thảo luận. Tiêu dùng được ước tính chiếm đến 70% GDP của Việt Nam.
Trong báo cáo Kinh tế Vĩ mô 2013 của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội, các nhà nghiên cứu cho rằng tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, nhân tố quyết định đến chất lượng sống của người dân, đã giảm mạnh trong năm 2012, và vẫn tiếp tục xu hướng đó trong năm 2013.
“Tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế trong đó, tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình (chiếm khoảng 90% tổng tiêu dùng cuối cùng) giảm tốc là chủ yếu, phản ánh sức mua của đại bộ phận người dân đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Tích lũy tài sản mặc dù không suy giảm như năm 2011 nhưng tốc độ tăng là rất khiêm tốn, hàng tồn kho tăng cao cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm sút rõ rệt.”
Một số chuyên gia cho rằng khi thu nhập quốc dân (GNI), vốn xác định thu nhập của người Việt Nam, không tăng cùng nhịp độ với GDP thì con số GDP tăng cao không tác động nhiều đến mức sống người dân.
Theo Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), GNI đầu người của Việt Nam trong năm 2012 là 1400 đô la, trong khi GDP đầu người là 1596 đô la, tức chênh lệch lên tới gần 200 đô la.
Bất bình đẳng gia tăng
“Việt Nam đã giảm được đáng kể nghèo đói trong vòng 20 năm qua, nhưng số liệu cho thấy còn 19 triệu người Việt vẫn sống ở mức nghèo, trong đó 75% là người dân tộc thiểu số”
Victoria Kwakwa, Giám đốc World Bank Việt Nam
Trong khi đó, World Bank vừa cảnh báo rằng tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
“Việt Nam đã giảm được đáng kể nghèo đói trong vòng 20 năm qua, nhưng số liệu cho thấy còn 19 triệu người Việt vẫn sống ở mức nghèo, trong đó 75% là người dân tộc thiểu số.
Trong khi thu nhập nhìn chung đã tăng từ năm 2004 tới 2010, thu nhập bình quân của nhóm 20% người giàu so với nhóm 20% người nghèo đã tăng từ 7 lên 8.5 lần,” Bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia của World Bank Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn Kinh Doanh Việt Nam.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, tính chung mười một tháng năm nay, Việt Nam có 417 nghìn lượt hộ gia đình thiếu đói, tương ứng với 1,75 triệu lượt người thiếu đói.
Khác biệt về thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị đang rất lớn. Theo ngân hàng HSBC, 70% lực lượng lao động Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn chỉ có mức thu nhập 60 USD/ tháng, chỉ bằng hơn một nửa so với các lao động thành thị.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) từng cảnh báo các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam về điều mà giới kinh tế gia gọi là bẫy thu nhập trung bình theo đó các nước tăng trưởng kinh tế để thoát nghèo quá nhanh nhưng rồi lại trì trệ.
THEO BBC

Lập luận khó hiểu để Bộ GTVT tăng phí đường gấp đôi


Sau khi Thủ tướng Chính phủ vừa báo cáo trước Quốc hội và đưa ra con số lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất cho đến nay, thì Thứ trưởng Bộ GTVT lại chỉ rõ lí do phải tăng mức thu phí đường bộ gấp đôi là do trượt giá. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra quan điểm của mình về hai lý lẽ trái ngược này.

Thu nhập tăng đâu mà tăng?

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, con số trong báo cáo của Chính phủ và việc tăng giá phí để bù trượt giá của Bộ GTVT không phải là hoàn toàn mâu thuẫn hay việc này bác bỏ việc kia, mà là do lạm phát tích tụ lại từ nhiều năm trước và bây giờ chúng ta vẫn đang phải trả giá.
Ông Doanh phân tích: “Việc lạm phát về thấp trong năm nay, điều này hoàn toàn xác nhận được. Còn việc Bộ GTVT lấy cớ nâng giá phí BOT, mức phí này ổn định từ nhiều năm nay rồi, bây giờ anh lại cộng mức lạm phát từ những năm trước vào, đề nghị này về một phần nào đó thì có lý nếu theo cách tính của ngành GTVT”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này chỉ rõ điểm chưa đúng trong hai lập luận của Bộ GTVT (tăng phí để bù trượt giá và tăng phí vì thu nhập của người dân đã tăng lên nhiều – PV).
Ông Doanh nói: “Bộ GTVT dựa vào con số thu nhập GDP lên tới 1.960 USD như Thủ tướng công bố. Mức đó do Tổng cục Thống kê tính trên giá hiện hành, dựa trên mức lạm phát, như vậy có nghĩa lạm phát càng nhiều thì GDP tính theo đầu người của Việt Nam càng cao.  Điều đấy là phi lý”.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): “Tăng phí là phù hợp? Sao nói như vậy được?! Người dân thu nhập tăng cao đâu mà tăng?
Thu nhập bình quân đầu người của nước ta là 1.960 đô/người/năm, Thủ tướng đã có con số cụ thể khi báo cáo Chính phủ, nó tăng cao hơn năm 2012 là 20%, nhưng đấy mới chỉ là trong báo cáo còn cơ sở tính toán thì phải xem xét lại.
Không những vậy, so với các nước, Việt Nam vẫn được xếp vào nước có thu nhập trung bình thấp, thế nên thu phí thì phải xứng với chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng và nhiều yếu tố khác nữa”, ông Long cho biết thêm.

Hoàn toàn bất hợp lý

Chuyên gia Ngô Trí Long phân tích thêm: “Với mức tăng phí này, Bộ GTVT không chỉ tính mức trượt giá trong năm nay mà trong nhiều năm, cả những năm tới nữa, như vậy là bất hợp lý”.
Đặt vào bối cảnh, các doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn, đời sống người dân kém, thu nhập thấp, ông Long một lần nữa nhấn mạnh: “Tăng phí như thế này hoàn toàn bất cập”.
“Ngành giao thông cái gì cũng đòi tăng phí lên trong khi đó, đầu tư của ngành lại không có hiệu quả, chất lượng phục vụ không tốt. Chưa kể Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư đã nói, hàng năm nguồn vốn nhà nước đổ vào trong ngành giao thông là lớn nhất, thế mà cuối cùng đòi tăng phí như vậy là không hợp lý” – vị chuyên gia kinh tế nói thêm.
Ngoài ra, theo ông Long, tính phí BOT là phải tính thời gian thu hồi vốn, tính khả năng sức chịu đựng của nền kinh tế chứ nếu trượt giá bao nhiêu mà tính bấy nhiêu.
“Vì khi đầu tư vào, họ sẽ tính thời gian thu hồi vốn là bao lâu, với thời gian như vậy thì mức phí rơi vào bao nhiêu. Bây giờ ngành giao thông lại ăn nhằm với cái CPI (trượt giá) thì nó chỉ là một cơ sở, một căn cứ thôi” – ông Long phân tích.
Nhắc đến độ chính xác, minh bạch của số liệu thống kế trong báo cáo, ông Long lo ngại: “Số liệu thống kê từ trước đến nay đưa ra, rất nhiều người cảm thấy không tin kể cả lãnh đạo.
Thí dụ, biểu hiện rõ nhất là tồn kho, nợ xấu con số hoàn toàn khác nhau, cho nên tốc độ tăng trưởng một số chỉ tiêu hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Đây là điều hoàn toàn bất cập.
Một khi số liệu thống kê không chính xác sẽ dẫn đến những hệ lụy cực kỳ nguy hiểm là đưa ra những hoạch định đường lối hoàn toàn không có tác dụng. Mà đa số hiện nay, các số liệu thống kê của nước ta chưa phản ánh đúng được thực trạng của một vấn đề nào đó, sai lệch rất nhiều”.
THEO ĐẤT VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét