Tướng Phạm Quý Ngọ: Sự “bất thường” ở một cái chết bình thường
Vụ Dương Chí Dũng sẽ ra sao? Sao ông ấy ra đi vào thời điểm
này? Đình chỉ vụ án “làm lộ bí mật Nhà nước” không?… Những câu hỏi không
phải tự dưng xuất hiện
Nhiều người biết tướng Phạm Quý Ngọ mang trọng bệnh từ lâu. Những
chuyến xuất ngoại điều trị, những nỗ lực hết mình của bác sĩ trong nước
cuối cùng cũng không cứu được ông. Đôi mắt vị tướng sinh năm 1954 của
ngành Công an nhắm lại giữa một buổi tối Hà Nội tê tái, ẩm mưa phùn và
ào ào gió.
Chuyến đi của ông tới miền vô cực cũng là lẽ thường tình của
sinh-lão-bệnh-tử. Nhưng, chỉ vài phút sau khoảnh khắc tiễn biệt ở A11
Bệnh viện 108, các diễn đàn mạng, báo điện tử tràn ngập thông tin về
ông. Dường như có một sự bất thường về cái chết không đường đột ấy.
Ông có uy tín lớn trong ngành, là lãnh đạo của một bộ quan trọng, là
ủy viên Trung ương Đảng… nhưng chắc chắn không đủ khiến dư luận xôn xao
bởi một chuyến rời xa cõi tạm.
Cái chết bình thường của tướng Ngọ bỗng trở nên bất thường với hàng
tá những câu hỏi. Vụ Dương Chí Dũng rồi sẽ sao đây? Sao ông ấy lại ra đi
vào thời điểm này? Đình chỉ vụ án “làm lộ bí mật Nhà nước” không?…
Những câu hỏi ấy không phải tự dưng xuất hiện.
Vụ Vinalines – nơi ông làm trưởng ban chuyên án – như là một định
mệnh, bước ngoặt lớn cuối đời vị tướng Công an. Lời khai của Dương Chí
Dũng cuốn ông và cả xã hội vào một cuộc khủng hoảng niềm tin. Người tin
vào tố cáo của cựu chủ tịch Vinalines thì mất niềm tin trầm trọng ở
tướng Ngọ nói riêng và công cuộc chống tham nhũng nói chung. Người tin
vào sự trong sạch của ông lại nhìn thấy một âm mưu ẩn nấp đằng sau lời
khai chấn động từ Dương Chí Dũng.
Còn mỗi người dân, họ không biết ai đúng ai sai, không biết tin vào
đâu giữa ngồn ngộn những ý kiến, quan điểm, giữa cả núi thông tin chính
thức và cực đoan. Ông ra đi trong bối cảnh ấy, khi những ngờ vực về lời
khai của Dương Chí Dũng còn bỏ ngỏ. Tất cả đã tạo nên một sự bất thường ở
một cái chết rất bình thường.
Ai đã có lỗi, ai đã gây nên bất thường ấy? Dĩ nhiên, không phải những
công nhân đang nhễ nhại dầu mỡ trong xưởng máy, không phải nông dân
đang cứng ngắc đôi chân dưới ruộng sâu lạnh buốt, không phải những chiếc
lưng còng miệt mài bên bàn phím công sở…
Oan khuất của ông đã không kịp minh chứng. Ông chẳng còn cơ hội tự
làm điều đó cho mình. Tội của ông, nếu có, cũng chẳng kịp trả cho sòng
phẳng với đời, trước lúc xuôi tay nhắm mắt.
THEO GDVN
Sao Thủ tướng lại nhu nhơ và dễ dãi đáng ngờ với EVN như vậy ?
Vậy là sau nhiều lần sửa đổi, giải trình, tiếp thu, cuối cùng thì
thanh tra chính phủ cũng đã hoàn tất kết luận thanh tra tại EVN. Thủ
tướng đã đồng ý với phiên bản kết luận sau cùng của TTCP. (
http://danviet.vn/kinh-te/thu-tuong-dong-y-voi-ket-luan-thanh-tra-evn/20140110040246444p1c25.htm).
Theo đó, so với phiên bản đầu tiên TTCP báo cáo Thủ tướng thì hơn 6.000
tỷ đồng sai phạm đã được hoá giải và bốc hơi, theo cách nói của dân
gian. Chỉ trang giấy A4 mà hiệu nghiệm hơn mọi đũa thần. EVN cũng đã
ngay lập tức nương vào đấy để chuẩn bị các bước cần thiết cho chu trình
tăng giá điện mới. Dư luận và chính các thành viên của đoàn thanh tra
bức xúc đến phẫn uất vì với hàng loạt sai phạm cực kỳ nghiêm trọng,
thiệt hại hàng chục ngàn tỷ nhưng được các cơ quan chức năng tìm mọi
cách để EVN lọt lưới pháp luật ngoạn mục. Vì sao Thủ tướng lại có thể
nhu nhơ và dễ dãi với EVN như vậy ?
Trước hết, nói về sai phạm EVN nhận bảo lãnh để Nhiệt điện Phả Lại
vay 7.000 tỷ vốn ODA với lãi suất ưu đãi 1,8 – 2% (Thực chất là EVN nhận
vốn vay ODA từ Chính phủ), rồi lại đứng ra vay lại nguồn vốn mà thực
chất là của mình. Điều đáng nói là EVN vay lại của Nhiệt điện Phả lại
(NĐPL) với lãi suất bình quân lên tới 17%. Chỉ riêng phi vụ này, mỗi
năm, khách hàng dùng điện phải trả thêm ít nhất 300 tỷ đồng hoàn toàn
phi lý. Theo lý giải của EVN thì do Bộ tài chính không đồng ý cho NĐPL
vay trực tiếp mà yêu cầu EVN phải đứng ra bảo lãnh, NĐPL mới có thể vay
được. Nhưng đến khi cần vay lại thì EVN lại cho rằng lúc này NĐPL đã cổ
phần hoá nên quyền sử dụng vốn nhàn rỗi lại là của NĐPL, EVN buộc phải
vay theo giá thị trường. Câu hỏi đặt ra là EVN nắm giữ cổ phần chi phối
tại Nhiệt điện Phả lại, sao không báo cáo Chính phủ để dùng quyền đó sử
dụng nguồn vốn vay ODA mà họ chưa sử dụng, theo đúng lãi suất mà NĐPL
đang được thụ hưởng. Đây rõ ràng là hành vi cố ý làm trái, chu chuyển
lòng vòng, gây thiệt hại nghiệm trọng cho EVN tức là gây thiệt hại cho
người dùng điện. Nếu đúng là Bộ Tài chính đồng tình với cách biện luận
của EVN thì tức là Bộ Tài chính đang tiếp tay cho sai phạm. Bộ trưởng
nào, Thứ trưởng nào của Bộ Tài chính đồng tình như vậy phải chịu trách
nhiệm trước pháp luật và khoản thụ hưởng trái phép của NĐPL do chênh
lệch lãi suất phải được loại khỏi giá thành ngành điện.
Không chỉ như vậy, một điểm cần đặc biệt lưu ý là Luật Doanh nghiệp
do Quốc hội ban hành, khẳng định việc NĐPL cho EVN vay 2.350 tỷ với lãi
suất bình quân 17 % là hoàn toàn phi pháp, đơn giản NĐPL không phải là
tổ chức tín dụng và không có chức năng cho vay. Không thể nào chấp nhận
cách giải thích là EVN sử dụng nội lực như cách nói vu vơ, chà đạp công
lý của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Nội lực sao không áp
lãi suất ưu đãi 2% ? Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ có biết một
trong những đại án tham nhũng mà nhân dân đang đặc biệt chú ý xảy ra tại
Công ty ALC II không ? Công ty ALC II chỉ có chức năng cho thuê tài
chính, không được thực hiện nghĩa vụ cho vay. Tuy nhiên các Bị cáo đã ký
hợp đồng cho thuê tài chính núp bóng cho vay, gây thiệt hại 500 tỷ mà
toà vừa tuyên 2 án tử hình. Sai phạm của EVN trong phi vụ này, mỗi năm
nhân dân thiệt chừng 300 tỷ, mà chỉ phải giải trình chung chung, thử hỏi
công lý ở đâu, hay mọi luật pháp không được áp dụng với EVN, với tư
cách là doanh nghiệp độc quyền ? Theo cách hiểu của người viết, Thủ
tướng, trong phạm vi quyền hạn của mình cũng chỉ có thể du di, vận dụng
những quy định thuộc tầm Nghị định, thông tư mà thôi, sao Thủ tướng lại
đồng ý với những hành vi ngồi xổm trên cả luật như thế ?
Vụ việc đầu tư ngoài ngành (EVN telecom) của EVN làm cho EVN lỗ 3.000
tỷ (mất luôn cả vốn), xứng đáng phải coi là đại án và phải có người
chịu trách nhiệm chứ. Chẳng lẽ, EVN làm mà giờ đây bắt dân đóng tiền
điện cao để EVN xoá khoản lỗ này. Theo những gì mà báo chí có thì vấn đề
của EVN Telecom không chỉ giản đơn là lựa chọn công nghệ lạc hậu. Dư
luận có quyền nghi vấn, để che dấu khuất tất này, EVN lại phải lấy của
dân (thông qua giá điện) hàng chục triệu đô la khác để bôi trơn. Dư luận
mong mỏi Ban Nội chính Trung ương và cơ quan điều tra nhanh chóng vào
cuộc kiểm đếm, đánh giá hàng trăm trạm tiếp sóng, hàng tấn thiết bị được
EVN nhắm mắt nhập về, 30% trong số đó coi như lãng phí vì lắp đặt xong
nhưng không sử dụng. Có những lô hàng hàng chục triệu USD, được khẩn
trương nhập về khi đã biết chủ trương chuyển giao EVN Telecom sang
Viettel, và đương nhiên là vô dụng. Mức độ liều lĩnh của EVN trong
thương vụ EVN Telecom không hề thua kém Dương Chí Dũng của Vinalines. Dư
luận cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm ai, cơ quan
nào để EVN bỏ qua 10.000 tỷ tiền biếu không Viettel thuê cột điện, đường
chuyền. Rõ ràng 10.000 tỷ đồng này (tương đương 354 tỷ/năm) đang làm
người dùng điện thiệt hại còn làm cho Viettel hưởng lợi một cách vô lý.
EVN làm như vậy với động cơ gì, phải chăng để Viettel giúp che dấu những
bê bối của EVN telecom ? Số tiền mà Viettel đang thụ hưởng trái pháp
luật này có nên bị loại khỏi giá thành điện không? Thủ tướng nói sao nếu
lần tăng giá điện mới đây vụ việc này không được đưa ra xem xét minh
bạch, sòng phẳng ?
Nhân dân và dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết EVN hạch toán cả
biệt thự, bể bơi, sân tenis (gần 600 tỷ) vào giá thành điện năng. Đáng
trách hơn, khi bị phát hiện EVN đã không thành thật giải trình. Khi thì
nói là cần thiết và nhân văn, khi thì nói là không hề hạch toán, đến lúc
không thể chối cãi mới thủng thẳng trả lời rằng trong số gần 600 tỷ thì
thực chất mới hạch toán 50 tỷ ?! Rất khó nói không có hành vi cố ý làm
trái ở đây. Chính phủ cũng như các Bộ, ngành không hề cho phép mà vẫn cứ
làm thì còn giải thích lòng vòng gì nữa. Trên quan điểm bảo vệ pháp
luật, hành vi phạm tội của EVN coi như đã hoàn thành. Bằng chứng là nếu
không có thanh tra thì nhân dân lại nai lưng ra gánh nốt khoản tiền 600
tỷ đồng này.
Việc đầu tư ra ngoài công ty mẹ vượt vốn điều lệ 45.000 tỷ đồng cũng
là sai phạm nghiêm trọng. Đáng lẽ nếu có nhu cầu cần thiết và có lợi cho
sự phát triển của EVN, nếu EVN trung thực, nghiêm chỉnh chấp hành các
quy định về quản lý kinh tế của nhà nước thì trước khi định làm gì mà
biết nó đang trái với các quy định hiện hành, nhất thiết phải báo cáo,
xin phép các cơ quan quản lý có thẩm quyền và chỉ triển khai nếu được
chấp thuận. Đằng này EVN cứ cho mình quyền muốn làm gì thì làm. Thử hỏi
nền kinh tế mà có 1 – 2 ‘Ông” như EVN thì làm sao mà ổn định kinh tế vĩ
mô, các công cụ tài khoá, tiền tệ làm sao phát huy tác dụng…Xin được so
sánh sai phạm này với sai phạm uỷ thác đầu tư của đại án Nguyễn Đức Kiên
sắp được đưa ra xét xử, cái nào nghiêm trọng hơn ? Cái nào ảnh hưởng
đến nền kinh tế và cuộc sống người dân nhiều hơn. Đang trong lúc cần
xiết chặt kỷ cương, bảo đảm môi trường minh bạch, bình đẳng giữa các
doanh nghiệp, sao Thủ tướng lại dễ dãi với EVN đến vậy.
Còn nữa, mua xe sang tại EVN. Bất chấp mọi quy định của Đảng, của
Quốc hội và của chính Chính phủ về phòng chống lãng phí, EVN vẫn mua xe
gấp 2 – 3 lần quy định. Đây là “cái tát vào mặt” những cá nhân, cơ quan,
tổ chức đang ngày đêm tìm cách khắc chế quốc nạn lãng phí mà sự tàn phá
của nó hết sức khủng khiếp. Mua xe công quá tiêu chuẩn để mình đi tại
một doanh nghiệp nhà nước đã là tội lớn, tội lớn hơn nhiều nếu điều đó
xẩy ra tại doanh nghiệp nhà nước độc quyền như EVN. Kỳ lạ thay, sai phạm
này đã không được Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm khắc, lại còn được
hướng dẫn phần đúng quy định thì hạch toán vào giá thành còn phần vượt
(2 – 3 lần quy định) thì đưa vào lợi nhuận sau thuế. Mua 2 xe đã vượt 3
tỷ, kỳ thực thanh tra chính phủ không phát hiện được, hay không muốn đưa
vào kết luận thanh tra là khoảng 300 – 400 xe khác cũng quá tiêu chuẩn
như vậy. Báo chí biết thì chắc thanh tra cũng phải biết. Vậy là nếu
không có thanh tra thì nhân dân lại oan ức thêm chừng 500 tỷ nữa để lãnh
đạo EVN có điều kiện xài sang. Cứ đà này, sẽ đến lúc các quan của EVN
sẽ mua máy bay riêng để thăm thú, chơi bời và thuyết giảng về làm sao để
phòng chống tham nhũng, lãng phí và làm sao học tập theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh. Sao lại không, bởi nếu chẳng may bị phát hiện thì cũng
chỉ kiểm điểm qua loa thôi mà.
Rất nhiều, rất nhiều những sai phạm nghiêm trọng khác. Chẳng hạn chi
hàng trăm tỷ (tiền học phí, tiền lương và chi phí khác) cho 164 cán bộ
chủ chốt đi học thạc sỹ chui ở Đại học Quốc gia, liên kết với đại học
Griggs, cái trường mà cho đến nay, có rất nhiều lùm xùm, sai phạm. Bộ
Giáo dục và Đào tạo đã không công nhận tính hợp pháp của những tấm bằng
này. Học thạc sỹ cũng lấy tiền dân thì đúng là chỉ có EVN. Rồi lương
thưởng trái chỉ đạo của Thủ tướng, giá mua bán điện, giá mua bán truyền
tải điện không theo quy định của Bộ Công thương, gây sai sót hàng ngàn
tỷ đồng. Nhân dân mong những khoản chi bất hợp pháp này không được đưa
vào giá thành và đòi hỏi những người làm sai phải bồi thường.
Chỉ cần phép tính nhẩm đơn giản, và chỉ cần biết mỗi lần tăng giá
điện 5%, EVN thu về khoảng 3.500 tỷ thì mới giật mình rằng, nếu các cơ
quan, tổ chức, cá nhân làm đúng bổn phận, quy rõ trách nhiệm của EVN và
các Bộ ngành liên quan trong việc để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng
nói trên tại EVN và kiên quyết thu hồi số tiền sai phạm, nhân dân hoàn
toàn có thể tránh được 3 – 4 lần tăng giá điện. Nền kinh tế đỡ lao sâu
vào vùng xoáy khủng hoảng; dân nghèo đỡ bần cùng hơn.
Điều dư luận khó hiểu là Thủ tướng nêu thông điệp đầu năm 2014 nức
lòng nhân dân gần như đồng thời với ký văn bản đồng ý kết luận thanh tra
EVN. Đâu rồi tầm quan trọng của thể chế, đâu rồi tinh thần thượng tôn
pháp luật và …”mọi Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt
động theo cơ chế thị trường. Xoá bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp,
và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất
là trong tiếp cận các nguồn lực”. Và “Thực hiện công khai minh bạch kết
quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. Xử
lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật…” ? Người viết chưa dám nghĩ Thủ
tướng đang nói một đằng làm một nẻo trong trường hợp này nhưng đúng là
đã có sự khác nhau. Phải chăng là đang có sự giằng co, cả nể làm xuất
hiện 2 cách giải quyết cùng một vấn đề trong suy nghĩ của Thủ tướng. Hay
trong bạt ngàn đội ngũ tham mưu cho Thủ tướng chia làm 2 phe, phe Thiện
và phe Ác. Phe Thiện là những công bộc đứng chung hàng ngũ của Thủ
tướng khi làm nên thông điệp đầu năm, trăn trở nặng lòng với những thách
thức mà đất nước đang đối mặt và dứt khoát tìm giải pháp đưa đất nước
tiến lên. Còn phe Ác là phần còn lại, tham mưu để Thủ tướng đồng ý với
những kết luận thanh tra EVN vừa công bố. Vẫn biết, Thủ tướng trăm công
nghìn việc nhưng xin được chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tấn Dũng, vì
sao một cuộc thanh tra mà ngày 30/11/2012, tại Văn bản số 2024/VPCP-V1,
nói Thủ tướng đồng ý với dự thảo kết luận thanh tra 2835/TTCP-V1 do Phó
Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Sản ký, để rồi sau đó 11 tháng, Thủ tướng lại
đồng ý với kết luận khác làm bay biến hơn 6.000 tỷ đồng sai phạm tại
EVN?. Nhân dân và công luận hy vọng Thủ tướng nghiêm khắc, có biện pháp
xem lại kết luận này một cách tường minh trên tinh thần thông điệp đầu
năm để chứng tỏ Chính phủ đương nhiệm kiên quyết nói đi đôi với làm.
TÁC GIẢ NHẬT LỆ
ĐÚNG LÀ KHÔNG CÓ AI HẠI DÂN, HẠI NƯỚC NHƯ …EVN
Trả lời báo chí thời gian gần đây, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh đã
đố các nhà báo: “Tìm đâu ra một doanh nghiệp gánh trên vai hơn 90 triệu
dân (như EVN). Một doanh nghiệp luôn phải thực hiện nhiệm vụ to lớn,
khó khăn như vậy. Lỗ cũng phải làm vì nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quốc
gia…” và để tiếp tục bao biện cho hành vi cố ý làm trái quy định của nhà
nước về quản lý kinh tế khi công ty mẹ Tập đoàn EVN cho vay ra bên
ngoài vượt quy định 45.000 tỷ đồng, Ổng lại nói: việc EVN liên tiếp đứng
ra đi vay vốn rồi đem cho các đơn vị thành viên vay lại là một việc bắt
buộc nhưng hoàn toàn không có chuyện rủi ro. Hiện tài chính của các
doanh nghiệp thành viên đó chưa lành mạnh nên các định chế tài chính
không cho vay, buộc EVN phải đứng ra vay rồi cho các Tổng công ty này
vay lại, nên nợ đó được ghi cho EVN.
“Đó là những đứa con của mình thì mình phải lo.
Còn
rủi ro thì không có, bởi nói là Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng bản
chất chính là Chính phủ Việt Nam. Nếu EVN vỡ nợ thì sẽ thế nào? Các anh
chị có thể tìm được trên thế giới xem có tập đoàn điện lực quốc gia nào
phá sản không, có tập đoàn điện lực nào được phép vỡ nợ không”, ông Thanh nói.
Đây là phát ngôn gây sốc không kém phát ngôn cách đây chưa lâu: Ổng
đau lòng, khi lương ngành điện chỉ 7,3 triệu, không đủ sống. Bất chấp
thu nhập bình quân hàng triệu người khác, cùng thời điểm (kể cả bây giờ)
chỉ 2 – 3 triệu đồng/tháng. Phát ngôn này thể hiện não trạng của các
Ông lớn Độc quyền và những ai đang muốn ôm DNNN, gắn cho nó cái mác chủ
đạo, chỉ có điều, chưa biết chủ đạo để kéo kinh tế đất nước đi lên hay
chủ đạo để xả lũ, để lỗ và dìm chết cả dân tộc này. Lần đầu tiên có ông
lãnh đạo DNNN thật thà, thẳng thắn coi bản chất của mình chính là chính
phủ, vừa trấn an những người cho vay, vừa đe doạ những ai định đụng vào
“việc tăng giá vô tội vạ của Ổng”. Nó phơi bày sự thối nát, kém hiệu quả
không cách gì gỡ được của Kinh tế nhà nước. Nó cũng đồng thời nói lên
vì đâu EVN yếu kém, vì đâu EVN dám đối lập lợi ích của 90 triệu dân và
cả nền kinh tế với chính lợi ích của EVN. Thái độ vô cảm, trâng tráo,
thách thức sự kiên nhẫn, chịu đựng của nhân dân. Thì ra, mọi cố gắng của
cả hệ thống, xây dựng luật doanh nghiệp 2005 thay thế luật DNNN trước
đó, với mục đích tạo môi trường bình đẳng để các thành phần kinh tế, các
loại hình doanh nghiệp cùng phát triển, đã bị EVN xé toạc. Nếu người
viết không nhầm thì Phạm Thanh Bình của Vinashine, Dương Chí Dũng của
Vinalines cũng đã từng dương dương tự đắc như vậy. Một DN coi thường
pháp luật như thế, một vị lãnh đạo phát biểu ấm ớ hội tề như thế nhưng
vẫn được tuyên xưng là tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí
Minh.
Mỗi lần tiếp xúc với báo chí, các nhà báo chắc mẫm thể nào ông Phạm
Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN cũng sẽ ngô nghê “nổ”. Tính ông vậy. Nhưng
khi nghe ổng nói ổng làm Tổng Giám đốc, gánh trên vai 90 triệu dân, thì
thấy ông xúc phạm dân mình quá đáng. Ai đang gánh ai, ai đang bỏ tiền ra
để bù lỗ cho 3.000 tỷ đồng EVN kinh doanh viễn thông thua lỗ ? Trong
3.000 tỷ đồng này, nghìn tỷ nào đã bị tham ô tham nhũng, nghìn tỷ đồng
nào bị lãng phí để trót lọt hành vi tham ô và nghìn tỷ đồng nào để mua
hàng đống thiết bị vừa lạc hậu về công nghệ vừa kém cỏi về công năng,
giờ chỉ còn là rác thải chẳng khác gì “ụ nổi” của Vinalines? Ai cũng
biết, Phạm Lê Thanh là một trong hai người phải chịu trách nhiệm chính
trong 3.000 tỷ thua lỗ này.
Bao năm nay, EVN dẫm đạp lên luật pháp, sản xuất kinh doanh kém hiệu
quả dẫn đến thua lỗ hàng nghìn tỷ, rồi cứ thế, đều đặn mỗi năm vài lần
tăng giá bán, đổ khó khăn lên đầu 90 triệu nhân dân. Làm được như thế
bởi: nói là Tập đoàn điện lực Việt Nam nhưng bản chất là Chính phủ Việt
Nam ?
Khi nói, EVN phải đi vay, rồi cho các đơn vị con của EVN vay lại là
không có rủi ro, thì thật ra ông lãnh đạo này đang nói thẳng với dư luận
rằng: Cốt lõi trong quản lý sản xuất kinh doanh tại EVN là lời thì EVN
hưởng, còn lỗ thì nhân dân chịu.
EVN đã đúng khi thách đố các nhà báo: tìm đâu ra trên thế giới này
tập đoàn điện lực quốc gia bị vỡ nợ, bị phá sản ? Đúng là không có.
Nhưng mặt khác, có thể khẳng định, tuyệt đối không đâu trên trái đất này
có tập đoàn điện lực quốc gia bất chấp mọi quy định về quản lý kinh tế
của nhà nước, kinh doanh vì lợi ích của chính mình như EVN. Sướng vui
trên sự bần cùng của đồng loại, hạnh phúc trên sự mất mát, chết chóc của
nhân dân. Thật là khó kiếm vị lãnh đạo nào với những phát biểu ngông
cuồng nhưng lại thiếu hiểu biết đến như vậy. Hãy xem kết luận thanh tra
EVN rồi ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về điều này.
Để chống lãng phí, Quốc hội, Chính phủ quy định tiêu chuẩn xe công
chỉ trên dưới 1 tỷ đồng, nhưng vì tiêu tiền dân, EVN tự cho mình hưởng
bằng 250% quy định. Luôn luôn nói mình đặc thù để thụ hưởng dịch vụ trái
với quy định của nhà nước bắt dân nghèo chịu trận như đưa cả sân tenis,
biệt thự, bể bơi vào giá điện. Phù phép vốn vay ưu đãi lãi suất thấp,
vay mượn lòng vòng rồi đưa vào giá điện gấp gần 10 lần lãi suất ưu đãi.
Rồi thì cố tình hạch toán sai, biến lãi thành chi phí, lấy tiền dân học
thạc sỹ chui; rồi thì đầu tư ngoài ngành, mất toi cả vốn, đầu tư ra
ngoài Công ty mẹ vượt vốn điều lệ nhiều chục nghìn tỷ đồng…Hàng mấy chục
sai phạm, sai phạm nào cũng để lại hậu quả, ít thì vài tỷ, vài chục tỷ,
nhiều thì vài trăm, vài nghìn tỷ. Ấy vậy mà cũng chỉ cần kiểm điểm qua
loa cho xong chuyện.
Đúng là không thể có Doanh nghiệp nào, ở bất cứ đâu ngày ngày ngang
nhiên hoành hành trục lợi trên đầu 90 triệu người dân Việt và cả nền
kinh tế như EVN. Không có ai giỏi vô hiệu hoá các quy định về quản lý
kinh tế như EVN. Không có ai hại nước, hại dân như EVN. Nói cách khác,
không ai huỷ hoại niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự
quản lý của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội nhiều và nghiêm trọng
như EVN. Cần gì phải Nghị định này, nghị định nọ, cần gì phải nói điều
đao to búa lớn như tái cơ cấu hay ổn định chính sách nọ kia…Hãy dựa vào
cái đang có, xử lý dứt điểm, nghiêm túc từng vấn đề, quy rõ trách nhiệm
cá nhân, đó mới là những việc cần làm ngay.
TÁC GIẢ QUANG TUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét