Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Ngày 26/2/2014 - Hiện tượng xuống cấp và nhu cầu cải cách giáo dục VN hiện nay

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Phiếu đấu tố


ptgtp-305.jpg
Phiếu tố giác tội phạm do Ban chỉ huy công an Quận 4 vừa phân phối đến từng gia đình.
Citizen photo
Ban chỉ huy công an Quận 4 vừa phân phối đến từng gia đình một phiếu mang tên phiếu tố giác tội phạm trong đó có nhiều mục vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Mặc Lâm tìm hiểu câu chuyện qua ý kiến của những người từng liên quan đến các mục trong phiếu tố giác này.
Biểu hiện nghi vấn?

Phản ứng đến từ nhiều người, nhiều thành phần xã hội và có lẽ hầu hết những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ hay dân oan đều cho rằng tấm phiếu mà công an gọi là phiếu tố giác tội phạm ấy thực chất chỉ là một cách đấu tố công khai và rộng khắp đối với những người mà công an cho là đang phá hoại sự ổn định của chế độ.

Một bản photo của phiếu này cho thấy việc chỉ dẫn người dân đánh vào ô vuông trước mỗi mục được gọi là “Những biểu hiện hành vi nghi vấn”.  Có hai hạng mục quan trọng là An ninh chính trị và Trật tự xã hội.

Trong mục An ninh chính trị công an Quận 4 yêu cầu người dân chú ý và báo cho công an nếu thấy những biểu hiện: kích động nói xấu chế độ, vận động khiếu kiện tập thể, tung tin đồn nhảm, tổ chức hội họp trái phép.

Bốn điều này là cơ sở để kết tội những người dấn thân tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ hay khiếu kiện đòi công lý của người dân hiện nay.

Sau khi phiếu này ra đời thì một bài viết nghiêm túc, viện dẫn những sai trái của chế độ hay một status dí dỏm của ai đó trên trang facebook cá nhân có thể sẽ bị chính bạn bè của nạn nhân mang ra đấu tố là nói xấu chế độ vì động cơ ghen ghét hay hiềm thù cá nhân. Người dân Dương Nội, Phụng Công của Văn Giang rồi đây sẽ bị đồng loạt đấu tố vì dám cùng nhau hơn trăm gia đình kéo về khiếu kiện tập thể tại Hà Nội.

Bất cứ ai cũng có thể bị công an mời lên làm việc sau khi ngồi tại quán cà phê bàn chuyện Phạm Quý Ngọ bị ám sát chứ không phải ung thư, công an sẽ đặt ra cho người bị tố giác tại sao tung tin đồn nhảm và do ai kích động?

Người dân từ lâu vẫn tự hỏi không biết hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có cho phép công an giam lỏng người dân trong chính căn nhà của họ qua tờ hộ khẩu hay không khi khách đến nhà phải xin phép công an qua mỹ từ trình báo để khỏi mang tội hội họp trái phép. Ông Huỳnh Anh Tú một người vừa ra khỏi trại giam đã cùng 20 người khác xuống Lấp Vò thăm gia đình anh Nguyễn Bắc Truyển nói về cáo buộc hội họp bất hợp pháp như sau:

Chúng tôi không hội họp bất hợp pháp do tình thân với anh Nguyễn Bắc Truyển, là bạn tù của tôi khi nghe anh ấy bị đánh đập bắt bớ trái phép, phá nhà phá cửa ảnh thì lương tâm một người Việt nam khi nghe thì phải có một cái gì đó thì chính cái chỗ động lòng nên tôi xuống thăm anh ấy thôi chứ có gì đâu gọi là hội họp?
Ông Nguyễn Bắc Truyển tham gia phản đối điều 258 (năm 2013)
Ông Nguyễn Bắc Truyển tham gia phản đối điều 258 (năm 2013)
Trong mục trật tự xã hội có hai điểm đáng chú ý là “Tụ tập gây rối trong khu phố”, và “không nghề nghiệp đi lại bất minh” cũng như nhiều loại tội phạm khác trong bộ luật tố tụng hình sự kể cả trốn thuế.

Tụ tập gây rối là việc xảy ra trước mắt mọi người, công an khu vực ở đâu mà phải để người dân điền vào phiếu tố giác mới biết và khi biết rồi thì người tụ tập có còn đâu mà xử lý?

Không nghề nghiệp và đi lại bất minh được định nghĩa như thế nào? Một người từ nhà quê lên thành phố lang thang tìm việc, trong tay không có bất cứ một nghề nghiệp gì và dĩ nhiên chỗ ở cũng không họ chỉ trông cậy vào bạn bè, hay người hảo tâm cho ăn nhờ ở đậu. Vậy họ có bất minh hay không?

Ông Huỳnh Anh Tú vừa ra khỏi trại giam sau 14 năm tù, không có nghề nghiệp và chẳng còn đâu để nương thân, bức xúc khi nghe cái phiếu tố giác này, ông nói:

Theo tôi nghĩ cái phiếu đó rất là phi lý. Còn nói về bản thân hai anh tôi họ nói chúng tôi đi đây đó là bất minh vậy chớ bất minh là như thế nào? Nhà cửa không có, nơi nương tựa không xong thì buộc lòng tới nhà bạn bè để mà tá túc như thế là bất minh sao? Án tù 14 năm anh em tôi cũng đã trả xong rối. Tôi là con người Việt Nam, trên đất nước Việt Nam tôi có quyền đi đứng chứ tại sao lại gọi là bất minh? Tôi nghĩ là hai chữ bất minh ấy chỉ là gán ghép và chụp mũ cho anh em tôi thôi.
Thông tin cảm tính

Về những điều mà công an Quận 4 gợi ra có liên quan đến trốn thuế thì rõ ràng là không hiệu quả. Thuế má phải do cơ quan chuyên nghiệp quản lý vì tính chất phức tạp của nó. Dựa vào đâu một người dân bình thường lại có thể biết người này hay người kia trốn thuế. Khi bị tố giác công an có xâm phạm thời giờ tiền bạc hoạt động làm ăn của người dân khi mời họ về cơ quan điều tra với những thông tin rất cảm tính?

Điều này làm người ta liên tưởng tới các vụ án trốn thuế khác sẽ diễn ra sau khi đem Điếu Cày và LS Lê Quốc Quân ra làm thí điểm.
Không cần phải ra cái phiếu đó. Nhà cầm quyền cộng sản vẫn dùng chính sách con tố cha, cha tố con vợ tố chồng điều đó đã xảy ra mấy chục năm nay rồi.  -Nguyễn Bắc Truyển
Phiếu tố giác tội phạm cũng gây liên tưởng tới việc tố giác địa chủ của những năm 50 khi miền Bắc học tập Mao Trạch Đông lập những Tòa án Nhân Dân lưu động đấu tố và giết chết hàng chục ngàn người. Lúc ấy đội cải cách tới từng nhà bị cho là địa chủ mặc dù chỉ có vài sào đất, mớm lời hay ép buộc những người giúp việc, phu phen, thậm chí khai thác xung đột cá nhân trong gia đình để đấu tố nạn nhân.

Ông Nguyễn Bắc Truyển một tù nhân lương tâm khác cho biết kinh nghiệm về việc đấu tố này:

Không cần phải ra cái phiếu đó. Nhà cầm quyền cộng sản vẫn dùng chính sách con tố cha, cha tố con vợ tố chồng điều đó đã xảy ra mấy chục năm nay rồi. Những nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam thì họ không ngại gì chuyện đó đâu bởi vì nếu họ làm những cái phiếu đó tố cáo nhà đấu tranh thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải đưa ra chứng cớ chứ không thể dùng chung chung những lời buộc tội được.

Ngoài ra mặc dù mình là công dân nước Việt Nam nhưng đồng thời cùng là công dân của Liên hiệp quốc. Chúng ta báo thông tin đến các tồ chức nhân quyển để cho Hội đồng nhân quyển và cả Liên hiệp quốc cho họ biết đây là tình trạng khủng bố tinh thần, một sách nhiễu mới mà nhà nước Việt Nam đang đẻ ra nhắm tới những nhà đấu tranh trong nước.

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đưa ra ý kiến của ông về quyết định được ông gọi là xúi bẫy người dân theo dõi lẫn nhau như một cái cớ để dễ cho công an ghép tội người bất đồng chính kiến:

Bây giờ nhân dân thành lập các tổ chức xã hội dân sự rất nhiều và phê phán đảng rất nhiều mà bây giờ họ phát giấy tố giác tội phạm đến từng gia đình thì chả có cái chính phủ nào làm như thế cả. 90 triệu người mà phát động phong trào nghi vấn lẫn nhau, cứ ghét nhau thì bảo gia đình kia có câu chuyện như thế... hoặc giả công an muốn trị ai thì lấy một địa chỉ nào đó đặt nghi vấn là người ta có tội. Vậy là 90 triệu người trở thành trận địa nội bộ đánh lẫn nhau.

Truyền thống người Việt hàng ngàn năm nay không tố cáo người khác nếu họ chẳng gây hại tới mình ngoại trừ tranh chấp hay có thù hằn cá nhân. Nhà nước sẽ không nhận được phiếu tố giác nào có giá trị và vì vậy không còn cách nào khác là phải thu nhận thêm dư luận viên để họ làm điều này.

Nhiều người trên mạng xã hội đưa ra ý kiến rằng: yếu tố thuận lợi để công an yên tâm thuê dư luận viên đó là những người trong đội cải cách trong phong trào cải cách ruộng đất năm xưa đã bị kiểm điểm nặng nề và nếu bây giờ xuất hiện trở lại với căn cước “dư luận viên”, tức là không ai cả, chỉ là dư luận nói chung cho nên khi xảy ra hậu quả sẽ không ai chịu trách nhiệm cụ thể như hồi cải cách ruộng đất.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-02-25  

Hiện tượng xuống cấp và nhu cầu cải cách giáo dục VN hiện nay

Ảnh thày trò đánh nhau (cắt từ video clip)
Ảnh thày trò đánh nhau (cắt từ video clip)
Khi nói đến giáo dục, phải nói đến cả hai yếu tố tương tác quan trọng: Kiến thức và đạo đức. Có kiến thức mà thiếu đạo đức, nhà trường sẽ biến thành “chợ chữ”. Khi nhà trường thành nơi mua văn bán chữ thì quan hệ thầy trò sẽ trở thành quan hệ con buôn và khách hàng. Trong một hoàn cảnh như thế thì chữ nghĩa và kiến thức sẽ trở thành mặt hàng trao đổi và đạo đức học đường sẽ vắng bóng.

Là một người đã trực tiếp làm công việc giảng dạy tại các trường trung học ở Việt Nam trước và sau năm 1975; cũng như giảng dạy tại các đại học Mỹ, tôi có cơ hội tiếp cận nhà trường, học sinh và sinh viên trong cả ba môi trường giáo dục có nội dung lẫn hình thức khác nhau. Thật không đơn giản và dễ dàng để nói đến sự thăng tiến hay suy đồi của một nền giáo dục thông qua cảm tính và hiện tượng. Tuy nhiên, người ta có thể nhìn thấy những hình ảnh trở thành quá phổ biến của thanh niên trong độ tuổi lao động la cà ở quán nhậu, tiệm cà-phê trong giờ làm việc hay tuổi đi học lêu lổng ngoài đường trong giờ học tập ở trường hoặc quan hệ thô bạo, phi giáo dục của thầy trò trong lớp… để làm “chỉ dấu” hé mở bước đầu cho sự quan sát, tìm hiểu, phân tích về một quá trình xã hội và giáo dục đang trên đà tiếp diễn.

Theo các nhà giáo dục có tên tuổi trong nuớc thì nền giáo dục Việt Nam trong gần 40 năm qua có khuynh hướng đi theo một vòng tròn xoáy trôn ốc mà đỉnh nằm ngược chiều xuống dưới. Tình trạng tham nhũng, hối lộ, tôn sùng giá trị vật chất của xã hội đã làm nhiễm độc môi trường giáo dục: Lương y không còn là từ mẫu, quan chức không còn phát huy vai trò biểu tượng là cha mẹ dân và thiên chức nhà giáo bị xô giạt vào nếp sinh hoạt thực dụng, bon chen cộng với sự áp đặt tư tưởng chính trị một chiều là nguyên nhân trực tiếp cho khuynh hướng thoái trào của chương trình giáo dục Việt Nam trong gần bốn thập niên qua. Sự đổ vỡ về mục đích đào tạo nhân tài và uốn nắn thế hệ trẻ thành người tốt cho tương lai đất nước đang trên đà thoái hóa. Sinh hoạt học đường và quan hệ thầy trò; mối liên lạc giữa trường học gia đình và xã hội xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.

Sáng hôm nay, 19-2-2014, tôi vừa được xem một màn “hỗn chiến” giữa thầy và trò tại một trường trung học ở Bình Định trên mạng lưới Youtube. Thầy là một giáo viên trẻ và học trò là học sinh lớp 11A2. Trong đoạn phim ngắn, có lẽ thu bằng I-phone ngay trong lớp, lý do không rõ nhưng người thầy giáo đã đánh một học sinh nam ngay trên bục giảng, trước mặt lớp học gồm cả nam nữ học sinh. Cách đánh của người thầy giáo quá tàn nhẫn và thô bạo bằng những cú tát dồn dập, đấm thẳng vào mặt học trò với tiếng bốp chát thu trong máy nghe rõ mồn một, làm vênh cả đầu và mặt người học trò. Nạn nhân và bạn trong lớp phản ứng, dồn thầy giáo vào góc tường với hai tay đưa ra trong thế chống đỡ. Tuy đoạn phim ngắn không đủ nêu lên toàn cảnh diễn tiến nhưng cách trừng phạt của thầy giáo đối với học trò bằng hành động vũ lực như thế là hoàn toàn phi giáo dục và cách phản ứng đánh lại thầy giáo là hành động thiếu luân lý. Nói tóm lại là cả thầy lẫn trò trong trường hợp nêu dẫn đều hành động sai trái và biến lớp học thành đất hè phố của giới đầu khấu, lâu la.

Quan hệ thầy trò đã bị chao đảo vì áp lực của quyền thế, kinh tế, xã hội và đây không phải là trường hợp cá biệt loạn động lần đầu xảy ra trong nhà trường Việt Nam.

Theo truyền thống giáo dục mọi thời và mọi nơi, thầy giáo là người truyền đạt và học trò là kẻ tiếp thu kiến thức. Dẫu cho ở thời nào, khung cảnh xã hội nào và bối cảnh nhân văn nào thì quan hệ thầy trò là một quan hệ giáo dưỡng. Người xưa coi thầy trọng hơn cha. Ngày nay tuy có khác nhưng không thể nào đặt quan hệ thầy trò theo mô thức “cá đối bằng đầu” được. Thầy cần có ân và có uy. Trò cần có kính và có lễ. Dẫu cho trong khung cảnh cổ xưa, cụ đồ nho có phạt học trò cũng dùng cái ân của kẻ bề trên và cái uy của bậc cha mẹ mà ra roi hay xuống lệnh chứ không thể nào sử dụng kiểu đánh đập tùy tiện, nói lời dung tục và phản ứng “mày bằng ao, tao bằng giếng” của phường vô học, bất tri lý, đá cá lăn dưa như thế được.

Nếu quan tâm theo dõi tình hình sinh hoạt cụ thể trong nhà trường Việt Nam các cấp trong ba bốn thập niên qua sẽ thấy được phần nào sự chuyển động của một tiến trình giáo dục theo hướng thoái trào.

Việt Nam đã thông báo về sự bắt đầu chuyển động của một cuộc “Cách tân giáo dục để đáp ứng với những yêu cầu của thời đại mới.” Dẫu cho có muộn còn hơn không nhưng sự thành bại còn tùy thuộc vào việc làm cụ thể của giới cầm quyền có trách nhiệm. Những hình thức diễn văn và khẩu hiệu để trang hoàng không thật với chính mình, dối trá nhau và lừa mỵ quần chúng cần phải phân định rõ ràng với thực tâm, thực chất và nhu cầu đổi mới.

Sau đây là một vài ý kiến mà tôi đã viết trên báo Xuân Lao Động năm 2014.

Trong đợt nghiên cứu và thăm dò của PEW, một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Mỹ tại Washington DC, trong mùa Xuân 2013 về tình hình cải cách giáo dục toàn cầu trong thời đại mới thì đã có 127 trên tổng số 195 quốc gia tiến hành cải cách giáo dục trong thập niên đầu thế kỷ 21. Động cơ và lý do của nhu cầu cải cách và canh tân giáo dục rất đơn giản và hiển nhiên: Thời đại mới có những nhu cầu và thách thức mới. Trong lúc giáo dục là phương tiện cốt lõi để đào tạo con người trong thế hệ mới nên phải chuyển mình theo hướng tiến phù hợp với tình hình mới là điều kiện tất yếu.

Ba mươi tám năm (1975-2013), thời gian trung bình của một thế hệ, vấn đề cải cách giáo dục Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chuyển động. Nhận định và viễn kiến có thể khác nhau, nhưng nỗi ưu tư và lòng mong muốn thì thật tương đồng:

Mối ưu tư chung là chương trình giáo dục và đào tạo Việt Nam chưa phát huy tác dụng cụ thể và thiết thực. Nền giáo dục Việt Nam, cả hình thức lẫn nội dung, quá nặng về tính chất “biểu kiến”, nghĩa là dày bề mặt mà mỏng chiều sâu nên không đáp ứng nhạy bén được nhu cầu phát triển và ứng dụng tri thức vào những vấn đề quốc kế dân sinh của toàn đất nước trong thời đại kinh tế thị trường và toàn cầu hóa hiện nay. Những nguyên lý giáo dục đề ra để đối trị cấp thời với hoàn cảnh chiến tranh và tình trạng sản xuất tập thể, kinh tế bao cấp trong quá khứ – vô hình chung – vẫn còn năng lực quán tính tạo ra sức cản nặng nề. Do đó, chức năng sáng tạo và chủ động là xương sống của tinh thần giáo dục lành mạnh không có điều kiện phát huy. Hệ quả khó tránh khỏi là hiện tượng học từ chương, suy tôn bằng cấp, trí thức theo đuôi và tốt nghiệp thiếu khả năng ứng dụng nên không được sử dụng đúng mức.

Mong muốn chung là cần có một cuộc cách tân giáo dục nghiêm cẩn và toàn diện.

Duyệt xét và cải cách chương trình giáo dục cũ. Áp dụng một chương trình giáo dục mới phù hợp với nhu cầu văn hóa, xã hội và giáo dục hiện đại. Tái huấn luyện và đào tạo lực lượng giảng dạy. Cần xây dựng và phát huy một không gian nghiệp vụ lành mạnh với sự giảm thiểu hay tách rời ảnh hưởng và sức ép chính trị trực tiếp trên giáo dục.

Thiết lập quan hệ với các đại học nước ngoài. Mời giáo sư và chuyên viên ưu tú giảng dạy và tăng cường chương trình trao đổi sinh viên quốc tế.

Giới hạn và chỉ đạo chặt chẽ hay hủy bỏ các chương trình học chuyên tu, tại chức. Thành lập những hội đồng giám khảo các ngành chuyên môn ở tầm mức quốc gia để duyệt xét các tiểu luận tốt nghiệp thạc sĩ và luận án tiến sĩ để tránh tình trạng tiêu cực lạm phát bằng cấp và hạ thấp giá trị học vị.

Cách tân giáo dục là cải cách hệ thống giáo dục, có can đảm loại bỏ và sửa đổi tất cả những gì còn vướng mắc để giải quyết nhằm khắc phục những ưu tư và canh tân để đề ra những phương thức đúng đắn nhằm đạt những mong muốn rất cơ bản như đã trình bày ở phần trên. Khuynh hướng cách tân giáo dục Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết của đất nước trước những thách thức thời đại và yêu cầu chính đáng mang tính quyết định cho tương lai dân tộc. Vấn đề quá hiển nhiên và đã chín muồi nên im lặng là buông xuôi và đầu hàng, phó mặc cho thói quen và định kiến đóng vai trò quyết định. Đại chúng ao ước từ lâu đã đành, nhưng giới lãnh đạo cũng bắt đầu lên tiếng. Ngày 31-7-2013, tại hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục tại Hà Nội, bà Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng rằng “khâu quản lý thi cử và quản lý chất lượng người thầy đã bị buông lỏng cần được chấn chỉnh”. Ngày 19-9-2013, thứ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển đã thông báo việc hoàn thành sửa dổi dự thảo Đế án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Điểm then chốt cần nghi nhận ở dây là lá bùa “Định hướng Xã hội chủ nghĩa.” Đó là một cụm từ tối tăm, mơ hồ, sáo mòn mang tính bùa chú nặng nề kinh điển hơn là thực dụng. Nếu càng đi sâu vào sự phân tích chi li, càng nhận ra ảo tưởng xa vời của nó. “Định hướng” mà không có chỗ dựa và cũng chẳng có một nội hàm tri thức nào có giá trị thực tiễn làm căn bản cho bước tiến giáo dục trong thời đại mới là một sự lệch hướng hay mất phương hướng mà thôi.

Bản chất của giáo dục nói chung là một hệ thống phương tiện đào tạo và huấn luyện thế hệ trẻ thành những người công dân có năng lực phục vụ, sinh tồn, phát huy và lãnh đạo xã hội trong một môi trường văn hóa, chính trị và kinh tế cụ thể nào đó. Bởi thế, mỗi hình thái chính trị xã hội có một nguyên lý giáo dục riêng.

Dạy học ở nhà trường Mỹ, tôi không hề nghe ai hô hào cải cách, nhưng chương trình, nội dung và phương tiện giáo dục thay đổi nhanh chóng từng năm học; thậm chí, thay đổi từng học kỳ, học khóa. Nếu có một sự xuống cấp, một hiện tượng thoái trào trong nội dung giáo dục ở cấp thành phố, hay tiểu bang xảy tới là tức thời được đưa ra công luận mổ xẻ và sửa sai ngay. Có lẽ nhờ vậy mà dòng lịch sử trẻ trung của Mỹ đã đưa chất lượng giáo dục lên hàng ưu thế với 2683 trường đại học năm 2013. Cụ thể là trong số 20 trường đại học được xếp loại hàng đầu thế giới, Mỹ chiếm 17 trường, Anh chiếm 2 trường (Oxford và Cambridge), Thụy Sĩ chiếm 1 trường (Zurich).

Khi còn đứng trên bục giảng ở trong nước, nhất là sau năm 1975 khi cả thầy trò đều phải lao đao với miếng cơm manh áo, hễ nghe nói đến trí thức nước ngoài, từ Mỹ, từ Pháp, Liên Xô, Nhật Bản, Đại Hàn… về nước, mình vẫn có cái mặc cảm tự ti thua kém.

Nhưng đến khi có cơ hội chen vai thích cánh bình đẳng với cộng đồng thế giới, cả khi ngồi trong lớp học và lúc đứng trên bục giảng, đã bao lần tôi xúc động với lòng tự hào dân tộc là dân Việt mình không hề thua kém trí thông minh, óc nhạy bén và nghệ thuật sống còn khéo léo, phản ứng quyền biến linh động trong mọi hoàn cảnh so với các dân tộc khác. Tuy nhiên, trong một số lớp học tôi phụ trách có sinh viên Việt Nam mới qua Mỹ du học đều có một khuyết điểm rất lớn là tính thụ động. Các em học hành rất siêng năng, chăm chỉ, làm bài tập ở nhà cũng như ở lớp nghiêm túc nhưng rất hiếm khi có em nào tham gia vào các sinh hoạt kể cả nội khóa và ngoại khóa. Nội khóa thì âm thầm ôm sách học gạo đạt điểm cao chứ không tham gia sinh hoạt của lớp. Ngoại khóa thì các em không có khả năng chơi thể thao, âm nhạc, sinh hoạt dã ngoại. Lúc đầu tôi cứ nghĩ sinh viện Việt Nam thụ động là do trở ngại về ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng sau khi trao đổi, chia sẻ và phân tích với các em, tôi mới thấy rõ đó là do hậu quả của một chương trình giáo dục còn nhiều khiếm khuyết từ trong nước. Trong đó, sự áp đặt và khống chế của những nguyên tắc chính trị lỗi thời, ảo tưởng đã kéo lùi bước tiến của tri thức, giáo dục.

Năm 2011, bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam cho biết là có hơn 100.000 sinh viên Việt Nam từ trong nước đi du học tại 49 nước trên thế giới. Tại Mỹ có 14.888 sinh viên Việt và 90 phần trăm trong số đó là du học tự túc. Con số nầy đang trên đà tăng nhanh. Xin đừng biến đây thành một cuộc “tỵ nạn giáo dục” ồ ạt của thế hệ con em thuộc gia đình quan chức, đại gia tham nhũng, gian thương sống phè phỡn… trên đầu trên cổ người dân lương thiện đang còn chịu khó khăn thiếu thốn trăm bề.

Hơn ba mươi năm qua đến hiện tại, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam luôn luôn định vị hướng đi của nền giáo dục nước nhà phải gắn liền với “định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Với con số 90 phần trăm du học tự túc trong hoàn cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, có vẻ như đây là chỉ dấu của một hiện tượng phát triển nghịch lý và ngược chiều giữa “định hướng Xã hội Chủ nghĩa” và thực tế xã hội (?!).

Thế hệ Chiến tranh Việt Nam của giới đàn anh đang lụi tàn. Thế hệ đàn em hậu chiến đang vươn lên thay thế từng bước trách nhiệm xây dựng và vai trò lãnh đạo đất nước. Nhưng vấn đề cách tân giáo dục cũng chỉ mới ở mức độ một câu hỏi đặt vấn đề hơn là một câu trả lời có nội dung ứng dụng được. Đã đến lúc cần chấm dứt tình trạng nhìn thực tế qua ảo tưởng rồi đem ảo tưởng làm thực tế. Sử dụng mà không tiếm dụng, ứng dụng mà không vô dụng, thực dụng mà không lạm dụng là nguyên tắc dùng người và dùng phương tiện trong giáo dục ngày nay.
Sacramento, mùa Xuân năm 2014
© Trần Kiêm Đoàn
© Đàn Chim Việt
 

Phương Tây cần hỗ trợ Ukraina hướng tới nền dân chủ ổn định

Đặng Khương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Ulrich Speck, The New York Times
BRUSSELS –  Trong vài ngày vừa qua, chúng ta đã chứng kiến Ukraina mở thêm một trang sử mới với sự kiện Tổng thống Viktor Yanukovych rút chạy khỏi thủ đô Kiev và Quốc hội nước này quyết định tổ chức bầu cử mới vào tháng Năm tới đây. Tất cả một phần nhờ vào những nỗ lực phối hợp của Đức, Ba Lan, Pháp và Hoa Kỳ để đưa đến những thay đổi không thể đảo ngược tại Ukraina.

Nhưng các cường quốc phương Tây vẫn còn nhiều việc khẩn cấp cần phải làm. Ukraina có thể rơi vào sự hỗn loạn hoặc có thể tìm đường hướng tới một nền dân chủ mới và ổn định. Các cường quốc châu Âu và Hoa Kỳ cần cung cấp tất cả những điều có thể để hỗ trợ nước này trong những ngày tới.
Bước đầu tiên và cấp bách nhất đối với các nhà lãnh đạo phương Tây là gửi thông điệp rõ ràng tới Moscow rằng bất kỳ sự hỗ trợ nào của Nga dành cho khu vực phía nam và phía đông của Ukraina trong chiến lược tách khu vực này ra khỏi chính quyền trung ương sẽ được đáp trả gay gắt, và kết quả là phương Tây sẽ xem xét lại tất cả các mối quan hệ với Nga.
Song song, các nước phương Tây phải đảm bảo rằng các nguồn lực, kể cả các tổ chức Liên minh châu Âu tại Brussels, sẽ phải sẵn sàng hỗ trợ cho các nhà lãnh đạo chính trị ở Kiev trong quá trình chuyển đổi sang một chế độ mới.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraina không chỉ là chính trị: Đất nước này đang phải đối mặt với một nền kinh tế đầy bất ổn mà không có sự hỗ trợ nào từ phía bên ngoài. Lâu nay họ đã dựa vào Nga để nhận sự trợ giúp, và bây giờ châu Âu và Hoa Kỳ cần phải nhanh chóng làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để cung cấp các nguồn tài chính cho Kiev và chuẩn bị các chương trình kinh tế hỗ trợ dài hạn.
Chỉ đơn giản bằng cách thông báo sự sẵn sàng cam kết các bước này, các nước phương Tây đã giúp rất nhiều cho các lực lượng ở Ukraina.
Bên cạnh việc sóng sót trong những ngày và tuần đầu tiên, có hai rủi ro chính trị lớn mà phương Tây cần phải giúp Ukraina giải quyết. Một là các nỗ lực không thể tránh khỏi trong việc tuân thủ những chỉ thị của chế độ mới. Phong trào phản đối và biểu tình bắt đầu hồi cuối tháng Mười một, tập trung tại Quảng trường Độc lập ở Kiev, và phe đối lập đã giành chiến thắng. Nhưng điều có thể xảy ra là các lượng lượng ở phía đông và phía nam Ukraina – những người ủng hộ ông Yanukovych – sẽ chống lại các lệnh mới này.
Và một điểm đáng chú ý khác là liệu Điện Kremlin có chấp nhận rằng Nga mất đi phần ảnh hưởng của họ ở Ukraina hay không. Ông Putin đã từng hy vọng thúc đẩy Ukraina trở thành một những đồng minh quan trọng trong kế hoạch Liên minh Á-Âu của Nga. Ông có thể cho rằng ông Yanukovych không đáng tin cậy như một đồng minh thân cận nhưng điều đó không có nghĩa là ông Putin sẽ chấp nhận một cuộc cách mạng chống lại ông Yanukovych. (Ông Yanukovych – người đã chạy trốn sang phía đông thành phố Kharkiv nơi gần biên giới với Nga – cho biết ông đã bị buộc phải rời khỏi thủ đô vì một “cuộc đảo chính” bất hợp pháp.)
Nguy cơ thứ hai là chế độ mới sẽ giống như chế độ sau cuộc Cách mạng Cam năm 2004: nhiều năm bế tắc, các tổ chức chính trị ngăn chặn nhau, đấu đá nội bộ thường xuyên diễn ra và không tách biệt rõ ràng giữa quyền lực chính trị và kinh tế.
Đây sẽ do quyết tâm của người Ukraina trong việc đưa đất nước tương đối trẻ này vào một con đường mới. Nhiều người đã chứng minh sự dũng cảm đáng kinh ngạc của họ trong vài tuần qua. Nhưng một nước Ukraina hậu Yanukovych vẫn sẽ là một nhà nước mong manh dễ vỡ với các tổ chức chính trị yếu kém.
Kể từ khi tuyên bố độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Ukraine đã sống không thoải mái giữa Liên minh châu Âu và Nga. Mặc dù nước này đã đạt được một số tiến bộ đáng kể nhưng Ukraina vẫn không thể xây dựng được các tổ chức chính trị ổn định và đáng tin cậy. Đó là lý do tại sao rất nhiều người đã đặt hy vọng vào Liên minh châu Âu. Những người Ukraina thấy các nước láng giềng của họ đã gia nhập Liên minh châu Âu – như Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia – và các nước này đang tiến triển rất tốt. Các cuộc đàm phán giữa khối Liên minh châu Âu và Ukraina hồi năm ngoái chỉ ngừng lại việc “liên kết” và các thỏa thuận thương mại tự do mà không bao gồm các lời hứa để Ukraina trở thành thành viên chính thức.
Vì lời đề nghị quá yếu nên cơ hội đã mở ra để ông Putin phá hoại nó và ông Yanukovych từ chối ký kết. Giờ đây thì Liên minh châu Âu cần phải trở lại Ukraina với lời đề nghị tốt hơn – không chỉ liên kết mà là dành quyền thành thành cho nước này.
Làm như vậy sẽ mở ra các hướng đầy năng động mới. Nó sẽ khuyến khích những lãnh đạo mới ở Kiev cũng như cung cấp cho họ đủ thẩm quyền để thúc đẩy các bước cải cách kinh tế cần thiết mà nước này đang trải qua. Quá trình chuyển đổi sẽ bắt đầu. Đầu tư nước ngoài sẽ vội vàng đổ vào. Đây sẽ là dấu hiệu để người dân tại Ukraina thấy rằng đất nước đang hướng đến một tương lai tốt hơn ở phía trước.
Chìa khóa của phương pháp này nằm ở Berlin. Trong những năm 1990, Helmut Kohl – cố vấn của bà Angela Merkel, người đã thúc đẩy việc mở rộng Liên minh châu Âu để bao gồm các cựu thành viên của khối Xô Viết cũ như một cách nhằm ổn định tình hình ở khu vực Đông Đức.
Người kế nhiệm ông, và người tiền nhiệm của bà Merkel – ông Gerhard Schröder – đã tiếp tục mục tiêu đó. Nhưng kể từ năm 2005 khi bà Merkel lên nắm quyền thì dường như bà đã không tiếp tục thúc đẩy chiến lược này. Cảnh giác với nước Nga đối lập và không muốn nhấn mạnh các chính sách đối ngoại mang tính chủ động hơn, trong những năm gần đây Berlin đã miễn cưỡng trong việc bước lên phía trước để lãnh đạo khu vực Đông Âu.
Bà Merkel giờ đầy cần phải thể hiện lòng can đảm và khả năng chiến lược. Nếu Đông Âu trở nên bất ổn thì Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng – và sâu sắc nữa là khác. Chỉ có Berlin mới có đủ trọng lượng cần thiết và kết nối các bên chủ chốt để mang lại những thay đổi đáng kể.
Cho đến nay, nhiều người vẫn xem Đức là nước quyền lực hàng đầu trong khối Liên minh châu Âu, nên Đức có thể mang Pháp vào các cuộc thương lượng, một điều kiện cần thiết để các nước còn lại trong khối ủng hộ Ukraina gia nhập. Hơn nữa, Berlin có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Moscow và có thể giữ cho mối quan hệ giữa phương Tây và Moscow tiếp tục đi đúng hướng. Và Berlin có đủ trọng lượng để kéo Washington vào cuộc và lên kế hoạch cho chiến lược xuyên Đại Tây Dương.
Trong tuần qua tại Ukraina, chúng ta đã chứng kiến những diễn biến có thể trở nên xấu đi rất nhanh chóng ở khu vực Đông Âu. Đức và Liên minh châu Âu cần phải đẩy mạnh sự tham gia của họ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Nếu Berlin không vươn lên dẫn đầu thì không ai khác sẽ làm.
_________
Ulrich Speck – một chuyên gia về chính sách đối ngoại – hiện là học giả thỉnh giảng tại Carnegie Europe, European Center of the Carnegie Endowment for International Peace.
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 

Chuyên gia nghi ngờ chất lượng cầu treo sập

TPO - Các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân ốc neo tăng đơ cầu treo Chu Va ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu bị vỡ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, có thể do thiết kế, thi công hoặc vật liệu không đảm bảo.
 

Tải trọng chỉ một phần?

“Khối lượng vượt không nhiều, trong khi thông thường trọng tải dự phòng của cầu treo rất lớn, để đảm bảo an toàn. Khối lượng vượt như vậy không đáng kể, nên không thể nói hoàn toàn do quá tải”, chuyên gia này nhận định.

Theo vị chuyên gia trên, cầu sập do vỡ ốc neo tăng-đơ nên lỗi có thể xảy ra trong quá trình thiết kế, chất lượng chốt néo không đảm bảo, quy cách thi công không đúng. Nên khi tải trọng tăng lên chút ít đã xảy ra sự cố. Thậm chí, trọng tải dự trữ không đảm bảo. “Cầu mới đưa vào sử dụng hơn một năm, lại vừa hết bảo hành, nên không thể do rỉ sắt”, ông khẳng định.

Về trách nhiệm, theo chuyên gia, trước tiên thuộc chủ đầu tư (quản lý xuyên suốt quá trình thi công, nghiệm thu, khai thác). Ngoài ra, hiện thiếu hướng dẫn cho người dân sử dụng cầu treo sao cho đảm bảo. Theo quản lý, ngành giao thông phải có trách nhiệm ban hành để các địa phương thực hiện.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, quy định đã đầy đủ, nhưng việc hướng dẫn sao cho người dân hiểu và thực hiện chưa có, đặc biệt với bà con dân tộc thiểu số.

“Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để tuyên truyền hiệu quả hơn, bằng những dẫn dụ cụ thể cho người dân hiểu”, ông Hiệp khẳng định. Tuy vậy, theo ông, câu chuyện tuyên truyền này đã nói nhiều, nhưng chuyển biến ở các địa phương không bao nhiêu.

Về trách nhiệm, theo ông Hiệp, trước nhất là của Ban quản lý dự án huyện Tam Đường – chủ đầu tư cầu. Bộ GTVT đã lập đơn vị kiểm tra độc lập, sẽ có kết luận về nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan.

Chỉ mình huyện có lỗi?

Chiều 25/2, ông Nguyễn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, nguyên nhân sự cố vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ. “Về trách nhiệm của nhân, tổ chức liên quan phải khi nào có kết luận kiểm tra mới nói được. Tuy nhiên, trách nhiệm theo phân cấp là do huyện quản lý”, ông Chương nói.

Theo ông Chương, cầu treo trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên được kiểm tra, sự cố vừa qua chỉ là hy hữu. “Nhưng đây là bài học không chỉ với địa phương mà cả Bộ GTVT trong hướng dẫn quản lý công trình giao thông. Cần rà soát lại toàn bộ những vấn đề này”, ông Chương nói thêm.

Ông Hoàng Thọ Trung, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết, cầu treo Chu Va vừa hết bảo hành [1 năm] hồi tháng 12/2013. Khi hết bảo hành, huyện đã nghiệm thu và đảm bảo chất lượng, nên giao cho Phòng Công thương huyện phối hợp với xã quản lý, kiểm tra. “Ốc neo tăng-đơ bị vỡ không phải do rỉ sắt, không phải do quá trình bảo dưỡng”, ông Trung khẳng định.

Về trách nhiệm, ông Trung cũng nói, phải chờ kết quả kiểm tra, lỗi do khâu nào. “Nhìn bằng mắt thường, sự cố do cường lực đột ngột. Thế nên trách nhiệm của huyện (chủ đầu tư – PV) chưa nói hết được”, ông Trung nói, vì còn liên quan tới thiết kế, vật liệu và một phần ý thức người dân khi không chấp hành về giới hạn tải trọng. Tuy vậy, ông vẫn thừa nhận: “Một phần trách nhiệm thuộc chủ đầu tư quản lý điều hành”.

Cũng theo lãnh đạo huyện Tam Đường, hiện chưa có tuyên truyền riêng về việc vận hành cầu treo, cũng không có văn bản nào về những hướng dẫn đó. Tuy vậu, sau sự việc này, phải thay đổi cách tuyên truyền. “Trước giới hạn tải trọng ghi là 1,5t (1,5 tấn) bà con không hiểu, không ước lượng được. Nhưng tới sẽ giới hạn cụ thể bao nhiêu người, bao nhiêu xe”, ông Trung khẳng định.

Tới cuối giờ chiều 25/2, trong số 38 người bị thương, có 28 trường hợp bị nặng điều trị tại bệnh viện tỉnh Lai Châu, 10 trường hợp điều trị tại bênh viện huyện Tam Đường (2 trường hợp đã xuất viện).

Chiều cùng ngày, đoàn bác sĩ từ bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức đã lên tới nơi và bắt tay ngay vào công việc.

Trong 28 người bị thương nặng, có 11 người (bị dập gan, phổi…) đã được bệnh viện tỉnh Lai Châu mổ thành công, sức khỏe đang tiến triển tốt. 16 người còn lại bị gãy xương, cột sống… các bác sĩ bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đang tiến hành mổ.

Riêng 1 trường hợp bị đa chấn thương, ảnh hưởng não các bác sĩ đang theo dõi, có thể chuyển về bênh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhưng cũng không loại trừ khả năng trả về gia đình.

Được biết, trong ngày mai (26/2) sẽ xong đường tạm cho người dân đi qua suối. Sau khi cơ quan chức năng thu thập xong số liệu, chứng cứ vụ việc sẽ khắc phục lại cầu cũ để người dân đi lại. Kinh phí trước mặt do huyện Tam Đường chi trả. 
(Tiền phong)

Việt kiều kêu gọi thủ tướng hành động cho đất nước

Gia Minh, biên tập viên RFA


Cũng như nhiều nhân sĩ- trí thức và một số người dân trong nước, hồi ngày 21 tháng 4 vừa qua, thêm một người Việt sinh sống tại nước ngòai là ông Bằng Phong Đặng Văn Âu từ California lại viết thư cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi hãy hành động để thay đổi đất nước.
Gia Minh có cuộc nói chuyện với ông Đặng Văn Âu về sự việc đó, và trước hết ông Âu cho biết:

Ông Bằng Phong Đặng Văn Âu: Tôi là người ở hải ngoại chắc không làm được gì cho đất nước, chỉ có người trong nước họ mới giải quyết được vấn đề trong nước. Theo như tôi thấy quần chúng Việt Nam chưa đủ sức để làm một cuộc cách mạng như Ukraina, chỉ có người đang cầm quyền thay đổi thì mới giải quyết được vấn đề đất nước. Và theo nhận định của tôi thì ông Nguyễn Tấn Dũng là người có đủ quyền lực để làm. Trước đây tôi có viết cho ông Nguyễn Tấn Dũng hai lá thư với tư cách một người già nói với một người trẻ là ‘chuyện đất nước chỉ có ông mới làm được’. Chứ còn tôi thấy những người khác không có đủ lực để làm.
Nay tôi nghe trong bài nói chuyện đầu năm của ông Nguyễn Tấn Dũng, trong đó ông nói rằng ‘Việt Nam cần phải thay đổi thể chế’. Rồi mới đây vào ngày 19 tháng 2, ông nói thẳng ‘chúng ta, người Việt Nam luôn có truyền thống chống quân xâm lược, và những người chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, chúng ta cần phải ghi ơn’.  Qua lời tuyên bố của ông Dũng, tôi tin rằng ông là người muốn bảo vệ chủ quyền của quốc gia, vì vậy tôi viết lá thư vừa rồi. Tức là nếu ông Nguyễn Tấn Dũng làm được chuyện cho đất nước, thì ông sẽ trở thành một vị thánh. Còn nếu ông vẫn giữ đường lối cai trị như hiện giờ, từ trước đến nay, ông sẽ bị nhân dân nguyền rủa.
Quan điểm của tôi là con người sống ở đời tới một thời gian nào cũng chết thôi, tiền bạc, của cải, danh vọng gì rồi cũng hết, điều quan trọng nhất là làm được gì cho dân, cho nước. Chẳng hạn các vị anh hùng dân tộc như ông Trần Hưng Đạo đã mất rồi nhưng uy danh của ông vẫn còn với đất nước, đó là sống mãi trong lòng của người dân Việt Nam.
Gia Minh: Thưa ông, ở Việt Nam Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước với Bộ Chính Trị, chứ một mình ông Nguyễn Tấn Dũng có làm được điều gì không?
Ông Bằng Phong Đặng Văn Âu: Theo nhận định của tôi ông Nguyễn Tấn Dũng có thực quyền hơn cả ông Võ Văn Kiệt ngày xưa, tất cả những tướng lĩnh công an đều do ông Nguyễn Tấn Dũng cắt đặt đưa lên. Trong đại hội đảng, ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trương Tấn Sang đều muốn hạ bệ ông Dũng, nhưng không hạ bệ được mà rốt cục còn sợ ông Dũng nữa, bằng chứng là chỉ gọi ‘đồng chí X’ chứ không dám nêu đích danh ông Dũng. Như vậy những thế lực kia, ông Dũng coi cũng chẳng ra gì, kể cả Bộ Chính trị.
Trong thư của tôi có nói, nếu ông Dũng bằng lòng làm một cuộc cách mạng cho dân tộc để tên tuổi của ông sống mãi với ngàn năm thì xin ông một là công khai mời tôi về trong nước để chỉ cho ông phương thức để làm, hoặc ông gửi một người thân tín của ông như ông tướng Võ Viết Thanh chẳng hạn, sang gặp tôi, tôi sẽ nói. Bởi vì chuyện đó tôi chỉ nói cho ông Dũng hoặc người thân tín của ông Dũng thôi. Do tôi có cách, và cách của tôi bảo đảm hữu hiệu đến 90%, 10% còn lại nếu ông Dũng không làm được mà chết đi thì uy danh của ông vẫn là một ‘bậc thánh’, vì ông muốn làm cho đất nước chứ không phải làm cho các nhân hay gia đình ông.
Tôi không phải là người tự phụ, nhưng tôi biết cách và nếu tôi có quyền như ông Dũng, tôi sẽ làm; nhưng tôi không thể tiết lộ ra công khai sẽ làm gì.

Không thể nói dối được nữa…

Gia Minh: Ngay ở trong nước cũng có những phát biểu tỏ ra nghi ngờ về những phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng, không phải phát biểu mới đây mà cả những phát biểu trước đây. Họ nói mỗi khi ông Nguyễn Tấn Dũng gặp bế tắc trong điều hành đất nước thì lại đưa ra phát biểu mang tính dân tộc để lấy lòng người dân. Trước đây, ông tổng thống VNCH cũng nói ‘đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm’. Vậy mức độ tin tưởng của ông đối với những điều ông Nguyễn Tấn Dũng nói ra sao? Ông Bằng Phong Đặng Văn Âu: Tôi không phải là người ngây thơ, ngờ nghệch đâu. Bởi vì trong quá khứ ông Dũng đã từng, khi mới lên cầm quyền nói rằng ‘tôi ghét nhất sự dối trá và tôi yêu nhất sự chân thật’; nhưng rồi ông nói một đường, ông làm một nẻo. Rồi ông lại cam kết ‘nếu ông không diệt trừ được tham nhũng, thì ông sẽ từ chức’; rồi ông không diệt trừ được tham nhũng, và cũng không (từ chức).
Thế nhưng ở thời điểm này là thời điểm ông Dũng không thể nói dối được nữa. Bởi vì ông có nói dối ông cũng sẽ không còn tồn tại, ông không thể im lặng được nữa. Vì những cuộc cách mạng như Cách mạng Hoa Lài, Cách mạng Ukraina thì người dân thông qua được thông tin từ các đài phát thanh trên thế giới, mà trong đó RFA đóng một vai trò rất quan trọng, ông không thể bịt mắt nhân dân được nữa. Nhất là truyền thống chống ngoại xâm nằm trong máu của người dân Việt Nam, cho nên ông không thể dùng sức mạnh nào để đàn áp truyền thống đó được. Ngày xưa họ đưa chiêu bài ‘độc lập- tự do- hạnh phúc, chống ngoại xâm’ mà người dân chưa biết nên đã xả thân chiến đấu.
Chẳng hạn họ bảo ‘chống quân xâm lược Mỹ’, nhiều người đã chết vì yêu đất nước Việt Nam chống quân xâm lược. Nhưng thực tế đó không phải là một cuộc chiến tranh giải phóng mà là một cuộc chiến tranh xâm lược miền nam. Vì vậy những chiến sĩ từng chiến đấu trong cuộc đấu tranh xâm lược miền nam, nay họ tỉnh ngộ và họ ca tụng Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Cộng Hòa đúng là lý tưởng của người tự do, yêu dân chủ. Nhưng thất bại vì vị thế của thế giới, của lòng dân chưa sáng tỏ lúc bấy giờ. Bây giờ hơn lúc nào hết, người dân hiểu được giá trị tự do của Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi không phải dại dột, ngờ nghệch viết điều đó đâu, mà đẩy cho ông Dũng tới chỗ hoặc là thành thánh hoặc là tội đồ của dân tộc.
Gia Minh: Suốt gần 40 năm qua, những người từ phía Việt Nam Cộng Hòa và những người thuộc miền bắc có lúc nói đến chuyện hòa hợp, hòa giải, nhưng dường như chuyện đó ‘bế tắc’. Ông vừa nói rằng có người ở miền bắc thấy được lý tưởng bảo vệ đất nước chân chính của miền nam, ông thấy điều đó có manh nha cho một cái gì tốt đẹp sắp đến?
Ông Bằng Phong Đặng Văn Âu: Chính một cựu chiến binh ( miền bắc) từng tuyên bố trên đài RFA bây giờ họ nhìn ra Việt Nam Cộng Hòa đúng là một chính thể mà toàn dân phải noi theo.
Tôi xin chứng minh Việt Nam Cộng Hòa là một nền dân chủ rất nhân bản: nếu không nhân bản làm sao nhạc của Trịnh Công Sơn phổ biến được! Làm sao nhạc của Phạm Duy nói đến một người chiến binh ‘anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về có khi nằm trong hòm gỗ…’ mà Việt Nam Cộng Hòa vẫn cho phép. Vì vậy mà người lính Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu để bảo vệ giá trị đó, chứ không phải chiến đấu cho Mỹ, ngụy nào hết. Bây giờ rõ ràng họ thấy rồi, như anh Ngụy Văn Thà chiến đấu cho lãnh thổ Hoàng Sa của Việt Nam. Thành thử ra qua thời gian, người cộng sản không thể nào nói rằng họ giải phóng miền Nam mà rõ ràng họ xâm lược một nước Việt nam Cộng Hòa. Cho nên khi người dân thức tỉnh thì nhà cầm quyền không thể nào mãi mãi dối trá được. Bởi vì sức mạnh của quần chúng ghê gớm lắm mà người cầm quyền không ý thức được thì sẽ đi đến cái chết như Ceausescu ở Rumani thôi.

Cần sức mạnh lòng dân

Gia Minh: Ông đã viết thư cho thủ tướng Việt Nam với mong muốn thúc đẩy thủ tướng Việt Nam phải có hành động. Đó là một cá nhân, dù có quyền lực để có thể tiến hành thay đổi. Ngoài ra còn đối với các tổ chức dân sự và người dân, họ còn phải làm gì nữa để giúp cho đất nước đi đến dân chủ thực sự và phồn vinh? Ông Bằng Phong Đặng Văn Âu: Anh có thấy rằng đất nước Việt Nam như có một ‘phép lạ’; mặc dù bị cai trị rất hà khắc, mặc dù bị đưa vào một nền giáo dục dối trá; thế mà những người trẻ Việt Nam họ không bị nhồi sọ, họ nhìn thấy đất nước suy vi và họ liều thân để ra đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam. Tôi coi những người như Phương Uyên, như Huỳnh Thục Vy, như Nguyên Kha … không phải là người thường. Họ là ‘thánh’ từ trời cao đưa xuống.
Vậy thì những người đã chiến đấu trong hàng ngũ cộng sản, gọi là ‘lão thành cách mạng’, dù muốn dù không cũng đã góp tay vào một chủ nghĩa xấu, bây giờ họ phải thức tỉnh và không cần phải làm gì ghê gớm. Họ chỉ cần xác minh rằng trong cuộc chiến đấu xưa vì yêu nước, họ bị lừa. Bây giờ họ đừng ca tụng người lừa  họ nữa. Đáng lý ra họ phải hận thù người lừa họ, nay họ vẫn còn ca tụng. Tôi lấy ví dụ cụ Nguyễn Trọng Vĩnh vẫn ca tụng ông Hồ, thì làm cản bước những người trẻ yêu nước.
Người yêu nước cần chính nghĩa ghê gớm lắm, họ yêu tự do. Những người lão thành cách mạng không cần làm gì hết. Nếu già quá không đi nổi thì đi xe lăn ra chỗ mà anh em đòi hỏi tự do. Người còn khỏe mạnh thì chống gậy đi. Những người đó làm một cuộc cách mạng chứ không ai khác hết. Bởi vì họ đang ở vị thế ‘cha, chú’ của những người đang cầm quyền chứ không phải ‘dân đen, dân thường’. Mà ở địa vị ‘cha, chú’ thì phải nói rõ ‘các chú ơi, các anh đây đã đi theo Bác Hồ và sai lầm đường rồi, bây giờ các chú hãy trả lại quyền tự do cho dân đi, đừng bắt nạt dân nữa, bởi vì nước muốn tồn tại phải có sức dân mạnh mới được. Ngày xưa tổ tiên ta đâu cần chủ nghĩa cộng sản gì đâu mà vẫn chống được ngoại xâm’.
Thành thử ra phải nói thẳng, nói thật vì cuộc chiến đấu này là một cuộc chiến đấu giữa sự thật và sự dối trá, cuộc chiến đấu giữa lương tâm và lương tri. Anh không thể nào dùng sự dối trá để bào chữa cho quá khứ đã nhúng tay vào tội ác mà không hối hận, không sám hối. Dân tộc Việt Nam, cả người lính Việt Nam Cộng Hòa cũng sám hối bởi vì trong việc giữ nước đã không giữ nước được, tức mình cũng có tội. Bản thân tôi ngày nào tôi cũng xin Trời- Phật tha tội cho tôi vì đã không giữ được miền nam, mặc dù tôi chỉ là một anh lính quèn thôi, không phải ở địa vị lãnh đạo đất nước. Nhưng tôi cũng cảm thấy tôi là người có tội đối với đất nước. Bây giờ tôi đã 75 tuổi rồi, nhưng vẫn còn lên tiếng cho đến hơi thở cuối cùng cho dân tộc Việt Nam.
Gia Minh: Cám ơn ông về những chia sẻ vừa rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét