Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Phát triển trước, dân chủ sau - Chiến dịch “đánh lên” bất động sản: Thây ma biết đi và tầng cuối địa ngục

Chiến dịch “đánh lên” bất động sản: Thây ma biết đi và tầng cuối địa ngục


Hồi sinh xác chết

Từ tháng Giêng năm 2014, một chiến dịch “đánh lên” bất động sản lại được khởi động đồng loạt ở ba thủ phủ lớn trên phạm vi quốc gia là Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn, sau vài lần phải nhận lấy thất bại chua chát trong hai năm 2012 và 2013.

Một trong những phương cách hết sức cổ điển mà các nhóm đầu cơ bất động sản và ngân hàng sử dụng lần này vẫn là truyền thông. Không quá khó khăn để công luận nhận ra số lượng bài viết theo cách “thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu phục hồi”, “giá nhà đất bắt đầu tăng”… xuất hiện tràn lan và không cần giấu vẻ trơ trẽn trên nhiều tờ báo in và trang mạng.

Hà Nội – một trung tâm không chỉ về kinh tế mà ngày càng dồn dập biến động về xã hội và chính trị – trở nên sôi động và trơ trẽn hơn cả. Chiếm gần phân nửa số hàng tồn kho của cả nước về căn hộ cao cấp và trung cấp, thủ đô này có thể cảm nhận tâm trạng của các đại gia nơi đây đang bén ngọt đến thế nào nếu năm con Ngựa không thể phi mã tống táng hàng tồn và do vậy không thể thanh lý nợ xấu cho giới chủ ngân hàng luôn cầm dao đằng chuôi.

Như một đặc trưng thời thượng của làng báo chí Việt Nam, một đội ngũ viết thuê đã hình thành từ Bắc vào Nam. Nếu trước đây giới PR bất động sản này sinh sống chủ yếu trên các tờ báo thương mại, kinh tế, thì nay đã chen chân vào cả những tờ báo đảng loại 1 nhưng rất khó bán như Nhân Dân, Hà Nội Mới, Đại Đoàn Kết…

Thây ma biết đi

Tình thế nền tài chính và tín dụng quốc gia đang trở nên xấu chưa từng thấy vào đầu năm 2014, đặc biệt khi Moody’s – một hãng xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới – lần đầu tiên tung ra số liệu đến 15% nợ xấu trên tổng tài sản của nền kinh tế Việt Nam. Bất chấp hành động của Ngân hàng nhà nước cải chính “báo cáo của Moody’s chỉ có ý nghĩa tham khảo”, một tỷ lệ mới vể nợ xấu cũng lần đầu tiên phải được thừa nhận bởi cơ quan Việt Nam quá nhiều tai tiếng này: 9%.

Quy luật biện chứng lịch sử cực kỳ thời thượng là không thể giải quyết được nợ và nợ xấu nếu không xử lý được núi tồn kho khổng lồ bất động sản, và ngược lại như một định lý đảo. Cặp bài trùng này đã hiện hình từ giữa năm 2011, khi một hãng xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới là Fitch Ratings tuyên bố tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng thương mại Việt Nam là 13%, tức gấp đến 4 lần con số chỉ hơn 3% do Ngân hàng nhà nước công bố vào cùng thời điểm.

Đến kỳ họp quốc hội gần giữa năm 2012, Ngân hàng nhà nước bất ngờ thừa nhận tỷ lệ nợ xấu lên đến 10%, tức chỉ số này đã tăng đến 3 lần chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Ngay vào lúc đó, thị trường bất động sản đã trở nên nguy ngập với độ trơ lì đầy kiên định của nó là vô phương cứu chữa.

Không ai có thể hiểu được cơ quan điều hành tài chính - tín dụng và tiền tệ cao nhất quốc gia, nếu bản thân họ cũng không ý thức được những gì đã và đang làm. Trong tâm thế luẩn quẩn đối phó với sức ép của công luận, chỉ một thời gian ngắn sau tỷ lệ nợ xấu lại được Ngân hàng nhà nước kéo xuống 8%, rồi còn 6%. Nhưng với tất cả các đại biểu Quốc hội nặng thói quen đọc báo cáo do người khác cung cấp, vẫn không có gì đáng ngạc nhiên khi toàn bộ số liệu của Ngân hàng nhà nước đã không cần kèm thuyết minh hoặc một cơ sở tối thiểu nào cho hai chiều lên - xuống về tỷ lệ nợ xấu. Hiểu ẩn ý hơn, có lẽ đây là một trong những cơ quan có biệt tài giấu diếm đến tận cùng hoạt động số liệu, cùng lúc đẩy Việt Nam vào một trong những vị trí tồi tệ nhất trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế.

Ngay cả con số đầy bất ngờ về tỷ lệ nợ xấu lên đến 35-37% do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia – một trong những cơ quan tư vấn của Chính phủ – đột ngột công bố vào giữa năm 2013, cũng không thể làm tình trạng minh bạch sáng sủa hơn. Nhưng đến lúc này, hiện thực nguy hiểm đã tỏ rõ thế nan nguy cận kề của nó: với độ chênh đến 6 lần giữa báo cáo của hai cơ quan cùng hệ thống nhà nước, người ta có thể mường tượng một cuộc khủng hoảng tài chính - tín dụng và cả mối xung đột phe nhóm có thể nổ ra ở Việt Nam trong những ngày tháng không quá xa xôi, tái hiện hình ảnh cuộc khủng hoảng tương tự ở Thái Lan vào năm 1997.

Cần nhắc lại, nếu trước cuộc khủng hoảng tài chính 1997, tỷ lệ nợ xấu chỉ được người Thái báo cáo có 5%, thì sau khi khủng hoảng bùng phát, giới quan sát đã kinh ngạc trước tỷ lệ nợ xấu thực ở quốc gia này lên đến 50%, tức gấp chẵn 10 lần!

Với trường hợp Việt Nam, mặc dù vẫn còn trong giai đoạn cố gắng che giấu sự thật, nhưng một sự thật khác không thể phủ nhận là trong suốt ba năm qua đã không thể giải quyết khúc xương lớn nhất thuộc về thị trường nhà đất. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là một ví dụ rất tiêu biểu, khi qua 9 tháng khuyến dụ mới giải ngân được vỏn vẹn 3%.

Trong khi đó, dấu hiệu sức mua cạn kiệt vào tết nguyên đán 2014 lại như một điềm báo rất xấu đối với sức tiêu thụ nhà đất. Giảm đến 40-50% so với tết năm ngoái, lực cầu thị trường tiêu dùng đang làm nên một cơn chấn động về thiểu phát và có thể cả giảm phát. Tình hình đó chắc chắn đang phản ánh trạng thái “trơ” của không chỉ thị trường hàng hóa nói chung mà còn với cả thị trường bất động sản đang quá thiểu năng trí tuệ này.

Làm thế nào có thể tiêu thụ ít nhất 100.000 căn hộ trung cấp và cao cấp đang oằn mình trong nắng gió ở Hà Nội và Sài Gòn? Làm thế nào để vào giữa năm 2014 hoặc cùng lắm đến đầu năm 2015, các con nợ đại gia bất động sản có thể đẩy được hàng, dù chỉ một phần, để trả nợ cho các ngân hàng chủ nợ, để các ngân hàng mới có thể “phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro” như một đòi hỏi theo tinh thần “sống chết mặc bay” của Ngân hàng nhà nước?

Tầng cuối địa ngục

Trong thế tuyệt vọng, nhóm lợi ích ngân hàng ôm tài sản thế chấp bất động sản đang cố tung ra con bài cuối cùng vào năm nay. Chiến dịch “đánh lên” bất động sản thậm chí còn được khoa trương bởi một thông tin sốt dẻo úp mở mới được tung ra vào những ngày gần đây: sẽ có gói kích cầu lên đến 100.000 tỷ đồng dành cho thị trường này!

100.000 tỷ nào? Và tiền ở đâu ra? Hẳn giới đầu tư luôn bị thất vọng ở Việt Nam vẫn không quên sự kiện là vào cuối năm 2012 và sang nửa đầu năm 2013, những quan chức có tầm cỡ của Bộ Xây dựng như Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, cùng một dàn “chuyên gia lợi ích” đã liên tục “tiết lộ” về gói kích cầu lên đến 180.000 - 200.000 tỷ đồng cho bất động sản. Tuy thế cuối cùng thị trường khốn quẫn này vẫn không nhận ra bóng dáng của bất kỳ gói kích thích nào. Thậm chí, ngay cả vốn lưu động mà Ngân hàng nhà nước thường rót cho các ngân hàng thương mại vào dịp tết cũng gần như biến mất vào tết nguyên đán năm 2014.

Cô kiệt về nguồn vốn mới đang là tình thế thảm thương mà nhóm lợi ích ngân hàng không làm cách nào lay động được độ trơ của thị trường bất động sản. Núi tiền mặt vẫn dày ngộn trong két sắt Ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng dấu chấm bi đát cùng tắc biến là nó lại không thể biến hóa vào thị trường lưu thông theo bất kỳ ý nghĩa sinh lợi nào. Tình hình đó càng lộ rõ triển vọng tắc nghẹn khi một chuyên gia PR tiết lộ một cách trần trụi: toàn bộ con số 100.000 tỷ đồng của “gói kích cầu” bất động sản không hề là “tiền tươi thóc thật” như giới đầu tư và tiêu dùng mong ngóng, mà chỉ là tiền được tạo ra bởi trái phiếu đặc biệt của Chính phủ.

Sẽ không có gì để bàn cãi về tính tác dụng của trào lưu phát hành trái phiếu, nếu tự thân nó không hàm chứa những thất bại hiển nhiên đã được thực chứng. Vào giữa năm 2013, kế hoạch phát hành 600 triệu USD trái phiếu chính phủ để cứu tập đoàn Vinashin đã không thể chứng nhận được bất cứ một nguồn tiêu thụ nào. Vậy với một thị trường bất động sản và cả hệ thống ngân hàng đã quá suy mòn niềm tin chính sách và cả niềm tin chính thể, làm sao có thể tống táng trái phiếu để lấy tiền cứu giới tồn kho?

2014. Kịch bản “phục hồi kinh tế” đang cố gắng được lặp lại những gì của năm 2009, tức cho thị trường chứng khoán sôi trào và kích thích tâm lý phục hồi giả dối đối với người dân và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khác hẳn với năm 2009 là lúc mà ngân sách nhà nước còn đủ 8,5 tỷ USD đổ ra cho một gói kích thích, trong hai năm 2012 và 2013 đã hoàn toàn chẳng có một định dạng nào cho gói kích cầu. Cũng bởi thế và cùng với độ trơ hiện hữu của thị trường bất động sản, cho dù chỉ số chứng khoán Việt Nam đang cố tình được đẩy lên gấp đôi độ tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, vẫn quá khó có hy vọng là thị trường này sẽ tạo ra được hiệu ứng “bình thông nhau” với lực cầu trên thị trường bất động sản.

Thậm chí với thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc tính vô cùng không minh bạch của nó cộng với thói quen “cờ bạc quen tay” của không ít kẻ chỉ muốn móc tiền từ túi người khác càng biến thị trường này thành một cơn chao đảo nóng lạnh cực kỳ bất thường. Không còn là tâm điểm để giải quyết hàng tồn kho, chứng khoán và cổ phiếu chỉ là liệu pháp cuối cùng để các nhóm lợi ích ngân hàng và bất động sản dùng để kích động tâm lý và sức mua đối với thị trường nhà đất. Bởi vậy nhiều khả năng là nếu độ trơ của thị trường bất động sản vẫn hoàn toàn lì lợm trong nửa đầu năm 2014, người ta sẽ chứng kiến một cú bổ nhào cay đắng của các chỉ số chứng khoán.

Dùng thị trường đầu cơ để tạo ra những ảo ảnh về phục hồi nền kinh tế – đó là cơn bĩ cực khôn nguôi của một nền kinh tế bị nạn cờ bạc và tham nhũng ăn vào tận xương tủy trong suốt hơn hai chục năm qua.

Toàn thể cơn bĩ cực như thế thuộc về “thành tích điều hành” của Chính phủ. Nhưng đáng phẫn nộ hơn, nó đổ lên đầu người dân toàn bộ đống rác thải của một thứ chủ nghĩa tư bản dã man trong nền kinh tế thị trường độc quyền “định hướng xã hội chủ nghĩa” theo ngôn ngữ và sở thích độc trị của Đảng.
Phạm Chí Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

BỤT ĂN BA MA ĂN BẢY!

http://ttxcc6.files.wordpress.com/2014/02/00e06-thamnhung1.jpgBuivanbong

   *  MINH DIỆN
               Một giọng hát dân ca nỉ non của chương trình “Ngày mai tươi sáng” hoặc “Lá rách, lá lành ” đưa  tới một làng quê hẻo lánh nào đó ở miền Nam, miền Trung, miền Bắc, và ống kính Camera chĩa vào những mái nhà lụp xụp, những xó bếp lạnh tanh, những mâm cơm không một mẩu thịt, cá , những cảnh đời lam lũ làm thuê làm mướn, bắt ốc mò cua sống lay lắt , phiêu dạt ngay  trên chính nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cảnh nghèo đói như một bức tranh toàn những gam màu  xám xịt gây xúc động  lòng người ngày nào cũng hiện lên trên  màn ảnh nhỏ.
Rồi như một kịch bản viết sẵn, những cuộc vận động hướng về người nghèo được phát động, nhân danh  hội này, hội nọ đứng ra  tổ chức  quyên góp tiền bạc. Người ta  sục vào  trụ sở doang nghiệp,  nhả riêng doanh nhân  vận động đóng góp.  Với lợi thế của mình, nhiều  nhà báo trở thành cộng tác  viên tiếp thị  hiệu quả.  Những trang báo  lăng-xê nhà tài trợ , đặc  biệt TV trở thành một sân chơi hấp dẫn mời gọi  các đại gia mở  “tấm lòng vàng”. Những buổi truyền hình trực tiếp với sự  xuất hiện của các vị  lãnh đạo cấp cao , đại gia nối gót nhau lên sân khấu rót tiền vào “Qũy xóa đói giảm nghèo” như nước.  Có những vị chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước  trương tấm bảng ủng hộ cả chục tỷ, trăm tỷ dù   đang làm ăn thua lỗ, có những công ty tư nhân  ủng hộ vài trăm triệu trong khi  nợ đầm đìa .  Mỗi lần  thiên tai bão lụt sảy ra  không biết bao nhiêu cuộc quyên góp  mang chủ đề “lá lành đùm lá rách” xoáy vào lòng trắc ẩn của mọi người.  Theo số liệu đăng tải trên báo chí, chỉ riêng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam , từ  năm 2006-2012  đã thu được hàng chục ngàn tỷ đồng cho quỹ xóa đói giảm nghèo.
 
                 Nhưng số  tiền đó so với tiền  Nhà nước đã bỏ ra để  thực hiện chính sách nhân đạo  ấy thì chẳng thấm vào đâu.    Nhân ngày  “ Thế giới chống đói nghèo”  Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền  phát  biểu trên TV : “ Dù kinh tế khó khăn, nhiều chính sách phải cắt giảm , nhưng riêng nguồn lực cho xóa đói , giảm nghèo không giảm mà còn tăng.  Cụ thể nếu tính bình quân giai đoạn 2008-2012 nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 90.000 tỷ đồng/năm ,  thì  sau Đại hội XI của Đảng , tức từ năm 2011-2013,  nguồn lực dành cho hộ nghèo tăng lên  120.000 tỷ đồng /năm” .  Cụ thể hơn, theo  số liệu của   Bộ tài chính ,  từ năm 2005 đến 2012, chi  từ ngân sách  cho xóa đói giảm nghèo  là 734.000 tỷ đồng.   Nếu   tính cả  nguồn vốn  cho vay ưu đãi lãi suất bằng 0, mỗi năm 20.000 tỷ,  thì trong vòng 7 năm kể trên,  Nhà nước còn phải bủ lỗ  thêm 50.000 tỷ đồng,  tổng cộng  784.000 tỷ đồng , chiếm  hơn 12% tổng ngân sách .    Ứơc tính cả hai khoản tiền  từ ngân sách nhà nước và   “ xã hội hóa” dành cho  xóa đói giảm nghèo  lên tới  gần 6 tỷ đô la mỗi năm.
                Nhẽ ra với  khoản kinh phí  khổng lồ đó,Việt Nam   xóa  sạch đói nghèo lâu rồi, nhưng  oái oăn thay,  nghèo vẫn hoàn nghèo.  Trong bài “ Chính sách xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số :Thực trạng và giải pháp”,  đăng trên Tạp chí cộng sản ngày 27-11-2013, tác giả  Minh Nhật thừa nhận :  38 %  người dân tộc thiểu số vẫn thuộc diện đói nghèo.  Còn cả nước , theo báo TuầnVietnam net ,  hiện có từ  500 ngàn đến 3 triệu hộ nghèo đói.
                 Vậy tiền xóa đói giảm nghèo đi đâu ?  Hỏi ai, hỏi chỗ nào trong   hàng chục nhóm chính sách , hàng trăm  chương trình  xóa đói giảm nghèo , như  “Nhóm  chính sách giảm nghèo toàn diện”, “Nhóm  chính sách nâng  cao đời sống nhân dân mang tầm quốc gia”, “Nhóm  chính sách theo vùng” , “Chương trình 135”, “ Chương trình giảm nghèo nhanh”, “Chương trình giảm nghèo bền vững” v.v . Hỏi  ai, hỏi chỗ nào   khi  mỗi  nhóm chính sách, mỗi chương trình  ấy lại đẻ ra những  nhóm đề tài nghiên cứu và mỗi  nhóm đề tài lại đẻ ra  những dự án  to nhỏ rút tiền từ Quỹ xóa đói giảm nghèo?
                   Trả lời phỏng vấn của báo Đại đoàn kết ngày 29-9-2013, ông Đỗ Mạnh Hùng , Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội , cho  biết trước năm 2011, số tiền bình quân  chi cho mỗi hộ nghèo  một  năm  là 180 triệu  đồng  chia từ nguồn quỹ  90 ngàn  tỷ đồng /năm , từ   năm 2011 đến nay, đã tăng lên 240 triệu  đồng.   Thế có  nghĩa  là  mỗi tháng một hộ nghèo được  từ 15 triệu   đến   20 triệu  đồng ,  và  nếu bình quân mỗi hộ 4 khẩu,  thì riêng  khoản  hỗ trợ của  nhà nước đã  có thu nhập từ  3,7 triệu   đến 5 triệu  đồng,  bằng  3,2 đến 4  lần lương tối thiểu cán bộ công nhân viên   và  gấp từ  7  đến 10 lần mức chuẩn nghèo ở thành thị.  Nhưng thực tế không phải như vậy.  Bộ máy quản lý các chương trình , dự án xóa đói giảm nghèo  đã ngốn gần hết tiền  dành cho người  nghèo mất rồi.  Trên báo Tuần Việt Nan net , nhà  báo Lê Nguyễn Huy Hậu  dẫn lời Thứ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư Đặng Huy Đông :  “Mỗi năm người nghèo tiếp cận chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/hộ.  Có nghĩa, cứ  mỗi 1 đồng  người  nghèo được nhận thì 10 đồng được trả cho bộ máy quản lý”.  Cũng theo thứ trưởng Đặng Huy Đông, tỷ  lệ chi cho hành chính sự nghiệp  chiếm hơn 63% tổng số tiền  giảm nghèo huy động được , còn mức đầu tư phát triển chỉ chiếm 36%,  cụ thể số tiền chi phí để vận hành bộ máy xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam hiện ở mức 75. 600 tỷ đồng/ năm tương đương 3,5 tỷ đô la.   Nhà báo Lê Nguyễn Huy Hậu đã ví von một cách hài hước : Bộ máy xóa đói giảm nghèo mỗi năm  ngốn  hết 77 cái sân vận động Mỹ Đình , Hà Nội! (Tổng chi phí xây dựng sân Mỹ Đình 63 triệu đô la)
 
             Qũy xóa đói giảm nghèo  được sử  dụng đầu tư rất  quy mô,  nào là phát triển vùng, phát triển nông nghiệp, phát triển việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, xuất khẩu lao động, bệnh viện, trường học v.v.  Người ta bảo phải trao  cho người nghèo “cái cần câu chứ không cho con cá”.  Rất hợp lý, đúng nguyên tắc.  Chỉ có điều “ cần câu” nhiều  nhưng quá đắt và  người nghèo lại không câu được cá.  Muốn được  chọn là hộ nghèo có khi người nghèo phải hối lộ bộ máy quản lý,  muốn học nghề phải trả học phí, và nếu muốn đi xuất khẩu lao động  phải thế chân hàng ngàn đô la.  Thực tế  người  nghèo chỉ tiếp cận được từ 4% đến 6 % số tiền từ quỹ xóa đói giảm nghèo ,  lại phải gánh các khoản  chi phí cho việc đào tạo, cấp vốn, hỗ trợ việc làm, giáo dục… thì thử hỏi  vác sao nổi “chiếc cần câu” mà câu cá?  “Người ta xắm “cần câu” là để “câu những con cá bự trong ao nhà nước” chứ đâu phải để  trao cho người nghèo”. Đại biểu Quốc hội Ksor Phước đã từng nói thẳng với báo chí như vậy.
 
                Bộ máy quản lý chương trình xóa đói giảm nghèo phình ra bao nhiêu bụng người nghèo tóp lại bấy nhiêu. Có  địa phương  còn sử dụng  Quỹ  xóa đói giảm nghèo vào những chương trình khác như  dự  án nông nghiệp, nông thôn mới, nước sạch, cơ sở hạ tầng,  khi những  chương trình  này  đã được chi tiền từ  nguồn ngân sách khác .   Đại biểu Qước hội Nguyễn Lâm Thành  của tỉnh Lạng Sơn đã  ví von chuyện đó như trong  một bàn tiệc 4-5 người ăn một con gà,  nhưng một con gà  đó lại được viết hóa đơn  thanh toán thành 4-5 con gà (Báo Đầu tư).
              Phương ngôn có câu : “Bụt ăm ba ma ăn bảy!” Phải chăng việc xóa đói giảm nghèo ở nước ta nó cũng tương tự như câu phương ngôn ấy, nên dù tiền bạc đổ ra như nước mà vẫn không xóa được đói nghèo?   Đáng buồn hơn là ngay cả thới  bao cấp  hình ảnh  đói nghèo cũng không   phơi ra như hiện nay.  Người nghèo lang thang bàn vé số dạo, lượm ve chai, đi ăn xin nhan nhản khắp phố chợ, tệ nạn trộm cướp tăng vọt một phần do đói nghèo.  Không biết bạn suy nghĩ thế nào, bản thân tôi cảm thấy vô cùng nhức nhối mỗi khi thấy trên TV xuất hiện cái chương trình “Lục lặc vàng”, hoặc “ Vượt lên chính mình”.  Hảng trăm người dân  nghèo  xác xơ đứng phơi nắng , phơi rét hò hét, vỗ tay reo đề cổ vũ cho người cùng cảnh thực hiện những kịch bản thô thiển không một chút nhân văn. Họ đâu biết một cặp bò, hoặc vài triệu bạc  mà một số ít người nghèo may mắn nhận được chỉ bằng một phần trăm, phần ngàn số tiền người ta bỏ ra làm chương trình quảng cáo đó ? Và không ít kẻ làm giàu từ việc phơi bày cảnh ngộ nghèo khó của nhân dân như vậy.
                 Tờ báo TuânVietnam.net viết : “Có lẽ đã đến lúc Quốc hội cần mở một cuộc điều tra cụ thể và toàn diện về hiệu quả và tính hợp lý của chương trình xóa đói giảm nghèo .  Ngay cả khi Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một trong những quốc gia có tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, thì cũng không thể biện minh cho sự lãng phí và thiếu hiệu quả quá lớn nguồn vốn như hiện nay. Bời vì để đạt được thành tích đó, có vẻ như Việt Nam đang đánh đổi cả sự phát triển về kinh tế lẫn ổn định chính trị, khi chỉ số nợ công cùa Việt Nam theo nhiều dự báo đã lên đến 95% GDP”.
              Điều tra ai, điều tra thế nào khi “Tiêu cực, tham nhũng nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào chỗ nào cũng có” ( Lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng). Điều tra ai, điều tra thế nào khi những kẻ có chức quyền  “Ăn của dân không từ một cái gì, từ tiền Bảo hiểm y tế  của thương binh đến liều vắcxin  của trẻ con”? (Lời Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan)  Và ai là người có bàn tay sạch để phanh phui 94%  nguồn vốn dành xóa đói giảm nghèo rơi vào  đâu? nguyên Tổng thanh tra Chính phủ  Trần Văn Truyền chăng?
 M D
 

Cánh Cò - Ông Truyền nuôi vịt


Cựu Tổng thống Viktor Yanukovych có lẽ khó ngờ được ngày hôm nay lại trở thành kẻ đào tẩu, khi trước đây chỉ vài tuần vẫn còn nghĩ rằng chiếc ghế tổng thống của ông đáng ra phải nạm vàng thay vì chỉ bọc nhung nằm trong dinh tiếp khách.
Đâu đó trong một ngôi nhà tồi tàn tạm trú trên đường chạy trốn, tay vặn vòi nước làm bằng inox lạnh lẽo ông Viktor Yanukovych làm sao quên chỉ vài ngày trước thôi ông còn vặn vòi nước bằng vàng ròng trong nhà, cũng như thưởng thức những thứ xa hoa khác mà một đời tổng thống ông “dành dụm” được, để giờ đây bị người khác sung công mặc dù họ trầm trồ thán phục. Và sự trầm trồ có thật ấy đi liền với lời kết án nặng nề mà bất cứ nhà độc tài nào cũng phải nhận lãnh khi quyền lực bị nhân dân đạp đổ.
Sở thích chung của tất cả các nhà độc tài kim cổ là ao ước sống trong một cung điện càng nguy nga càng thích thú. Sự xa hoa ấy vô giới hạn tùy vào trí tượng của họ hay các tay cố vấn cộng với số tài sản ăn cắp từ người dân nhiều lên tới mức nào. Càng ao ước xa hoa, càng phải tìm thêm nguồn tiền để tích lũy. Tiền tích lũy càng cao lòng oán hận của người dân càng nặng. Cuối cùng thì cái vòng tròn ấy luôn luôn kết thúc bằng thảm kịch của kẻ ham mê quyền lực và nhiều khi cái chết của cả gia đình tùy vào sự bóc lột dân chúng của đương sự tàn nhẫn đến đâu.
Những đồng tiền dính đầy máu tự nó có tiếng rên xiết dù đã biến thành vàng, thành những chiếc xe hơi đắt giá hay thành những chiếc du thuyền cực kỳ chói sáng. Với số lương 100 ngàn USD một năm, không biết trong khi Viktor Yanukovych cầm quyền báo chí của Ukraine có bài viết nào ca tụng sự thanh liêm của ông như người ta thường thấy trong thể giới độc tài toàn trị hay không, nhưng theo truyển thông quốc tế thì sau khi ông bỏ chạy người dân phát hiện hàng đống giấy tờ trôi sông gần dinh thự của ông ta cho thấy những khoản tiền chi thu bất chính cùng một tấm chi phiếu 12 triệu đô la chưa kịp rút ra. Số tiền này có thể được ký từ những nhóm lợi ích của Ukraine, những tỷ phú khuynh loát nước này từ khi tổng thống Viktor Yanukovych cầm quyền.
Ông Viktor Yanukovych tuy ở Ukraine xa xôi nhưng hoàn toàn có thể yên tâm rằng ông không phải là kẻ cô đơn, ít nhất tại đất nước mà ông đã từng có cơ hội trông thấy vào năm 2011, và cũng ít nhất đang có một người giống ông, bị báo chí lật qua lật lại để tìm hiểu xem tại sao lại có người lương thì ít mà bổng thì nhiều đến nỗi xây hẳn một biệt dinh xa hoa tuy không bằng dinh thự của Viktor Yanukovych nhưng cũng có thể làm cho cả đất nước Việt Nam mắt chữ O mồm chữ A.
Người ấy là một bao công của “thời đại Hồ Chí Minh”, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng thanh tra Chính phủ: ông Trần Văn Truyền.
Cách đây 3 năm, ngày 2 tháng Hai năm 2011 tờ Thời báo kinh tế Việt Nam có bài phỏng vấn ông Tồng thanh tra Chính phủ này với nội dung xoay quanh những khó khăn mà ở cương vị Tổng thanh tra ông gặp phải đó là vấn đề đút lót, cả nể, hay cơ chế khó khăn mà ông gặp trong khi nhận chức vụ này.
Trong câu mở đầu người phóng viên đã viết “Ở cương vị phải giữ mình đến mức gần như là “ép xác”, gương mặt lúc nào cũng phảng phất buồn, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bộc bạch dù thế nào, ông vẫn là con người bằng xương bằng thịt chứ đâu phải là gỗ đá”.
Cứ thế bài báo dẫn người đọc một mạch xông vào những ngóc nghách mà một thanh tra chính phủ phải đối đầu, phải tự hành xác mình để tranh đấu trước những cám dỗ khó quay lưng. “ép xác” và “phảng phất buồn” là hai cụm từ miêu tả được chân dung của ông Truyền: một đại tài tử chuyên đóng phim khoa học viễn tưởng.
Ngày 21 tháng 2 năm 2014 ba năm sau khi bài tụng ca ông Truyền xuất hiện, báo Người Cao Tuổi đưa hình ảnh và chi tiết về tài sản ông Tổng thanh tra làm người đọc ngẩn ngơ. Tuy không phải là bom tấn nhưng không thua gì mìn tự tạo của các tay đánh bom tự sát Al Qaeda.
Sức công phá của nó tuy gói gọn trong phạm vi một thanh tra chính phủ nhưng có sức chấn động âm ỉ và câu hỏi về tính minh bạch của đảng cộng sản một lần nữa được đặt lên bàn cân. Sở dĩ dư luận cân cái gọi là minh bạch ấy vì nhiểu lý do, mà lý do lớn nhất là trong cương vị một thanh tra, đại diện cho cả chính phủ, với đồng lương không thể mua nổi một chiếc xe hơi đời mới sau khi về hưu nhưng lại tậu được dinh cơ hàng trăm tỷ bạc với kiến trúc nội thất xa hoa trên cái nền đất vẫn còn nghi vấn do tham ô cấp tỉnh mới có được. Bài báo chi tiết đến chiếc giường hàng chục tỷ của ông Truyền cùng những căn nhà vệ tinh khắp nơi đã khiến báo chí nhảy vào cuộc.
Dù muốn hay không ông Truyển cũng phải trả lời về những cáo buộc ấy. Và ông trả lời như không trả lời gì cả: “báo Người Cao Tuổi nói quá lời”.
Ơ hay, báo này đã cao tuổi và vì vậy phải biết hậu quả nếu quá lời đối với một Thanh tra chính phủ dù đã về hưu thì hậu quả sẽ như thế nào chứ? Ông Truyền không phải là Chủ tịch nước, hay Thủ tướng hoặc Tổng bí thư nên cơ ngơi của ông không thể sánh với tổng thống Ukraine. Tuy nhiên tính toán trên cơ sở lương tiền và tất cả bổng lộc công khai hợp pháp của ông thì cả trăm năm sau cũng không thể làm chủ một biệt dinh cùng hàng chục căn nhà khắp nơi như thế.
Hết Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre nơi ông có căn biệt dinh ấy cho tới con gái ông nói về nguồn tiền mà ông có do người em kết nghĩa hảo tâm nào đó biếu tặng. Cán bộ dưới quyền ông tại Bến Tre đang hết lòng trả ơn do ông “tha” không “trảm” họ trong quá khứ. Đó là luật chơi của thế giới cộng sản và luật này luôn luôn thắng bởi không có một bên thứ ba nào chứng minh sự thật ấy có tồn tại hay không.
Con gái ông nói ông có người em kết nghĩa cho tiền để cất nhà vì thấy ông quá nghèo. Phát biểu này chấp nhận được vì ai thấy nghèo mà không thương? Cho tiền ông cất nhà là biểu hiện cái tình thương ấy mà thôi. Nhưng quan trọng là cái sự thương ấy có khác với cái thương của ông cán bộ Bến Tre hay không. Người em kết nghĩa “thương” đột xuất này làm gì đủ giàu để có thể cho ông Truyền cả một biệt dinh như vậy và cái giàu ấy có liên quan gì đến chức năng của một ông Tổng thanh tra Chính phủ đối với mối thân tình được gọi là kết nghĩa hay không?
Là một Tổng thanh tra Chính phủ trong hoàn cảnh đất đai bị cướp bóc mọi nơi nhưng ông Truyền không điều tra ra được một vụ án tham nhũng đất đai tầm cỡ nào và vì vậy dân oan không ai đem biếu cho ông dù chỉ một bó hoa để cám ơn. Thế nhưng rất nhiều người không phải là nông dân nhưng đất đai không tính hết đã biếu hoa cho ông. Những bó hoa được quy ra tiền. Và quy rất “chênh lệch”.
Có lẽ những đồng tiền chênh lệch ấy là những viên gạch xây biệt dinh cho ông Truyền chăng? hay ông còn làm thêm nghề gì khác ngoài Tổng thanh tra?
Có anh phóng viên ghi rằng mọi sự chú ý quá mức vào cái giàu của Ông Truyền là không công bằng. Nhà báo nhận xét: “Người viết bài này đã có dịp rong ruổi từ Nam chí Bắc, chiêm ngưỡng những dinh thự hoành tráng gấp nhiều lần căn biệt thự của ông Truyền, ngắm những chiếc siêu xe vài triệu USD mà đôi khi chủ nhân chỉ là một chủ đầm tôm hay một “trùm nuôi vịt” xuất sắc".
Thật là một so sánh tinh vi và không kém phần hài hước. Ông Truyền không nuôi tôm nhưng ông đích thị là một trùm nuôi vịt xuất sắc: ông nuôi… vịt trời để khi có ai hỏi thì ông nói vịt đã bay về nơi vô định.
Biệt dinh của ông Truyền rồi sẽ chỉ là một câu chuyện sớm trở thành cổ tích như nhiều câu chuyện tương tự trước đây. Vụ việc của ông Truyền không may nổ ra cùng lúc với sự việc Tổng thống Ukraine bị lật đổ. Báo chí lấy ông Truyền làm cái cớ để cảnh báo với những người khác cao hơn ông về chức vụ, giàu hơn ông về tài sản, và chắc chắn là tội ác cũng cao hơn ông về mức độ hành hạ dân chúng.
Chỉ mong sáng mai sau khi thức dậy không thấy báo chí quốc tế đưa hình ảnh ông cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền quỳ gối trước dân oan như cảnh sát Ukraine quỳ gối xin lỗi trước người dân nước họ.
Mọi cái quỳ gối muộn màng đều có kết quả bi đát.
Cánh Cò
(RFA Blog's) 

Độ giàu có của đại gia Đông Âu Hồ Hùng Anh

Với việc nắm lượng vốn lớn tại Techcombank và đặc biệt là tại "ông lớn" Masan, ông Hồ Hùng Anh đang là một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Gia đình ông Hồ Hùng Anh đang nắm bao nhiêu vốn Techcombank, Masan?
Hồ Hùng Anh - một trong những cái tên nổi bật trong giới ngân hàng nhiều năm qua khi là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Ông Hùng Anh hiện cũng là một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam khi nắm lượng lớn cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan - một trong những công ty có vốn hóa cao nhất thị trường.

Tỷ phú, Đông-Au, giàu, siêu-giàu, Techcombank, Masan, cổ-phiếu, Hồ-Hùng-Anh, MSN,
Ông Hồ Hùng Anh
Vậy ông Hồ Hùng Anh và gia đình hiện đang nắm bao nhiêu vốn 2 công ty lớn này?
Với Techcombank, theo báo cáo quản trị 2013 của ngân hàng này, Chủ tịch Hồ Hùng Anh hiện đang nắm hơn 11,93 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1,34% vốn Techcombank.
Vợ ông Hùng Anh là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nắm lượng cổ phiếu Techcombank "khủng", lên tới gần 27,69 triệu cổ phiếu, tương đương gần 3,12% vốn.
Ngoài ra, 2 thành viên khác trong gia đình ông Hùng Anh là ông Hồ Anh Ngọc, em trai ông Hùng Anh, và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - mẹ ông Hùng Anh - cũng đang nắm lần lượt hơn 8,88 triệu cổ phiếu và 80.158 cổ phiếu Techcombank.
Như vậy, hiện tại gia đình ông Hồ Hùng Anh đang nắm gần 48,59 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 5,47% vốn Techcombank. Nếu tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, giá trị tài sản gia đình ông Hùng Anh đang nắm là gần 486 tỷ đồng.
Tại Masan, ông Hồ Hùng Anh đang giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo báo cáo quản trị 2013, ông Hùng Anh đang nắm hơn 15,77 triệu cổ phiếu Masan, tương đương 2,15% vốn.
Tính theo giá chốt phiên hôm qua (25/2/2014) của cổ phiếu MSN là 100.000 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phiếu Masan ông Hùng Anh đang nắm giữ lên tới gần 1.577 tỷ đồng.
Người nhà ông Hùng Anh không nắm cổ phiếu Masan nào.
Liên quan đến các cổ đông của Techcombank, Masan hiện chính là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này với hơn 19,5% vốn, tương đương hơn 173,15 triệu cổ phiếu. Tiếp đến là HSBC với hơn 19,41% vốn, tương đương hơn 172,35 triệu cổ phiếu.
Một cổ đông khác có liên quan đến cả Masan và Techcombank là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Masan, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng quản trị Techcombank.
Ông Đăng Quang hiện chỉ nắm 10 cổ phiếu MSN của Masan, nhưng vợ ông là bà Nguyễn Hoàng Yến nắm tới 21,78 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 2,96% vốn Masan. Bà Yến hiện cũng là Thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn này.
Với việc nắm lượng lớn cổ phiếu MSN, bà Nguyễn Hoàng Yến cũng là một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với gần 2.178 tỷ đồng.
Tại Techcombank, ông Đăng Quang đang nắm hơn 2,85 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 0,32% vốn. Bà Hoàng Yến nắm hơn 6,94 triệu cổ phiếu tương đương 0,782% vốn Techcombank.
(BizLIVE)
 

Nguyễn Hưng Quốc - Phát triển trước, dân chủ sau


Để trì hoãn dân chủ và cũng để biện minh cho chế độ độc tài độc đảng tại Việt Nam, ngoài hai lý do chính đã nêu trong bài “Ai kiềm hãm dân chủ?”: trình độ dân trí thấp và lòng thù hận còn ngùn ngụt giữa những người Việt với nhau, giới tuyên huấn Việt Nam còn nêu thêm một lý do khác: Điều Việt Nam cần nhất hiện nay là giàu mạnh; muốn giàu mạnh cần có sự tập trung lực lượng, ý chí và chính sách; nghĩa là, nói cách khác, cần độc tài. Hai tấm gương người ta đưa ra nhiều nhất là Trung Quốc và Singapore. Người ta hứa hẹn: khi ở Việt Nam, mọi người không những no cơm ấm áo mà còn được giáo dục tốt, hơn nữa, có đủ mọi thứ tiện nghi xa xỉ khác, dân chúng tha hồ bỏ điều 4 trong Hiến pháp và thay đổi thể chế. Lúc ấy, muốn tự do hay muốn lập bao nhiêu đảng cũng được.
 
Để củng cố cho các quan điểm của mình, một số người nêu một số lý do: Một, dưới chế độ độc tài, mọi quyết định của giới lãnh đạo dễ dàng hơn, do đó, dễ có hiệu quả hơn; hai, độc tài duy trì trật tự và nuôi dưỡng tinh thần kỷ luật; ba, độc tài tiết kiệm được nhiều chi phí hành chính “vô ích” như bầu cử hay lương hướng cho phe đối lập; và bốn, độc tài tạo nên ổn định xã hội (khi nói ý này, họ chỉ tay về phía Thái Lan: “Thấy chưa? Ở Thái Lan dân chủ quá nên dân chúng cứ biểu tình hoài, vừa gây rối trật tự giao thông vừa khó khăn cho việc làm ăn buôn bán của mọi người!); v.v..
 
Nghe, ngỡ chừng có lý, nhưng ở đây lại có nhiều vấn đề.
 
Thứ nhất, không phải chế độ độc tài nào cũng có khả năng làm cho đất nước phát triển giàu mạnh. Có. Nhưng hiếm hoi. Đầu thập niên 1970, kinh tế Brazil phát triển mạnh dưới một chế độ quân phiệt; trong thập niên 1980, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đều biến thành những con hổ trong lãnh vực kinh tế dù vẫn sống dưới chế độ độc tài. Trong thập niên 1990, đó là hiện tượng Trung Quốc. 
 
Nhưng tất cả những nước vừa nêu chỉ là những ngoại lệ. Điều kiện chính để các ngoại lệ ấy trở thành ngoại lệ là quyết tâm và tài năng của người lãnh đạo: Ở Trung Quốc, đó là Đặng Tiểu Bình và ở Singapore, là Lý Quang Diệu. Ở tất cả các nước khác, độc tài chỉ dẫn đến sự kiệt quệ về kinh tế, sự lạc hậu về kỹ thuật và sự suy đồi về văn hóa. Bằng chứng? Nhiều vô cùng. Tất cả các nước cộng sản trước đây đều độc tài và tất cả đều tệ hại trong mọi phương diện. Ở châu Phi, tất cả các quốc gia độc tài đều là những quốc gia nghèo đói triền miên và nợ nần thì chống chất. Hiện nay, hai nước cộng sản độc tài nhất cũng là hai nước bần cùng nhất: Bắc Hàn và Cuba. Các nhà độc tài Francois Duvalier (thường được gọi là Cha/Bố Doc) ở Haiti, Saparmurat Niyazov ở Turkmenistan, Rafael Trujillo ở Dominican Republic, Muammar Gaddafi ở Libya, Mobutu ở Congo, Francisco Macias Nguema ở Equatorial Guinea, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật và Kim Chính Ân ở Bắc Hàn, Saddam Hussein ở Iraq, Mohamed Siad Barre ở Somalia, Mengistu Haile Mariam ở Ethiopia, Daniel arap Moi ở Kenya, Robert Mugabe ở Zimabwe, Hosni Mubarak ở Ai Cập, Ibrahim Babangida và Sani Abacha ở Nigeria, Paul Kagame ở Rwanda, v.v. chỉ có “công” duy nhất là làm cho đất nước của họ ngày càng trở nên cô lập và bần cùng. Ở Việt Nam, độc tài đã ngự trị trong phạm vi cả nước đã gần 40 năm: Giới lãnh đạo đã có toàn quyền để làm bất cứ những gì họ muốn, không những không bị phản đối mà còn không bị cả phản biện nữa, nhưng kết quả ra sao?
 
Thứ hai, độc tài tự nó không dẫn đến phát triển, hơn nữa, còn đối lập với phát triển. Để phát triển, ngoài tài nguyên và nhân công, người ta cần những chính sách sáng suốt; để có các chính sách sáng suốt ấy, người ta cần có trí tuệ. Trí tuệ, liên quan đến chính sách, đến từ hai nguồn: Một, từ các nhà lãnh đạo; và hai, từ tập thể. Để có trí tuệ tập thể, hai điều kiện cần nhất là: Một, người ta phải có khả năng suy nghĩ một cách có phê phán; và hai, người ta có đủ tự do để phát biểu những điều mình suy nghĩ. Nhưng hai điều kiện ấy lại không thể nảy nở dưới các chế độ độc tài. Thiếu hai điều kiện ấy, những cái gọi là trí tuệ tập thể chỉ là những sáo ngữ. Ngay cả trí tuệ thiên tài của một cá nhân cũng có nguy cơ vấp sai lầm, và vì nguy cơ ấy, cần được phản biện và kiểm tra. Đối lập tồn tại là để đóng vai trò phản biện và kiểm tra ấy.
 
Trong bài “Can China Innovate Without Dissent?” đăng trên The New York Times ngày 21/1/2014, giáo sư Stephen L. Sass, người từng được mời giảng dạy tại Trung Quốc trong nhiều năm, nhận xét: Mặc dù trong mấy thập niên vừa qua, Trung Quốc phát triển vượt bậc, nhưng ông không tin là họ có thể vượt qua được Mỹ. Từ góc độ văn hóa đến góc độ thiết chế và chính trị, Trung Quốc không hề khuyến khích óc phê phán và sự tự do trong tư tưởng, do đó, không hy vọng gì có thể cách tân thực sự trong lãnh vực khoa học kỹ thuật.

Thứ ba, phát triển, tự nó, không dẫn đến dân chủ. Singapore, chẳng hạn, vốn được xem là một quốc gia phát triển với thu nhập bình quân trên đầu người trên 60.000 Mỹ kim, thuộc loại cao nhất trên thế giới, thế nhưng, cho đến nay, nước này vẫn bị xếp vào loại “tự do một phần” (partly free). Phần lớn các quốc gia ở Trung Đông, nhờ các tài nguyên thiên nhiên, chủ yếu là dầu và khí đốt, đều giàu có với thu nhập bình quân trên đầu người rất cao, có khi, phải nói là cực cao, như ở Qatar là trên 100.000 Mỹ kim; ở Kuwait là trên 40.000; ở United Arab Emirates cũng trên 40.000; ở Oman, Bahrain, và Saudi Arabia, đều trên 20.000, v.v.. Nhờ giàu có, họ cũng rất phát triển. Vậy mà hầu như không có nước nào có tự do cả. Hiện nay, Nga cũng là một nước phát triển, được xếp vào nền kinh tế lớn hàng thứ 8 trên thế giới, với thu nhập bình quân trên đầu người khoảng gần 15.000 Mỹ kim, nhưng dưới quyền cai trị của Vladimir Putin, dân chúng vẫn không hề có tự do.
 
Thứ tư, khái niệm phát triển không nên chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế; và trong phạm vi kinh tế, giới hạn trong chuyện thu nhập. Đó chỉ là một khía cạnh. Trong ý niệm phát triển, còn ít nhất ba khía cạnh khác quan trọng không kém: một là y tế tốt để tuổi thọ được kéo dài; hai là giáo dục tốt để trình độ dân trí càng ngày càng cao; và ba là nhân quyền được tôn trọng để mọi người được sống như những con người thực sự. Dân chúng giàu có bao nhiêu nhưng nếu họ không được giáo dục và quyền làm người của họ không được tôn trọng, không thể nói là phát triển được. Hiểu theo nghĩa rộng như vậy, phát triển đồng nghĩa với tự do: Cả hai đồng hành với nhau. Do đó, nói phát triển trước rồi sau đó mới cho phép tự do là nói một điều mâu thuẫn. Trong chính trị, mâu thuẫn thường là một sự dối trá.
 
Thứ năm, ngoài việc độc tài không bảo đảm phát triển và phát triển không bảo đảm cho dân chủ, luận điệu trên còn còn quên một khía cạnh khác: Trong các chế độ chính trị, độc tài hàm chứa nhiều nguy cơ tham nhũng nhất. Cần nhấn mạnh là: do gắn liền với lòng tham của con người và tính chất không thể hoàn hảo được của mọi bộ máy công quyền, tham nhũng xuất hiện ở mọi thời và mọi nơi. Không có nơi nào, ngay cả trong các tôn giáo, tránh được tham nhũng. Vấn đề là ở mức độ. Và về mức độ, không thể phủ nhận được sự thật này: trên thế giới, trừ Singapore, nước càng dân chủ bao nhiêu càng ít tham nhũng bấy nhiêu. Lý do rất dễ hiểu: Dân chủ, trong đó, quan trọng nhất là quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận, tự bản chất, là những biện pháp hữu hiệu nhất để chống tham nhũng.
 
Bất chấp những lý lẽ trên, Việt Nam vẫn muốn làm một con hổ trước khi dân chủ hóa.
 
Tưởng tượng một con hổ vồ một người. Thấy người đó than khóc lạy lục thảm thiết quá, con hổ bèn an ủi: Không sao đâu, mày cứ nằm yên để tao ăn thịt mày; khi no rồi, tao sẽ đi bắt vài con bò Kobe về để mày làm…beefsteak nhậu!
Nguyễn Hưng Quốc
(Diễn đàn Thế kỷ) 

QUÁ ĐỐN MẠT!

Nguyễn tường Thụy

Chỉ có thể dùng 3 từ này để nói về 2 ngày trời lặn lội từ Vũng Tàu về Cao Lãnh xong lại xuống huyện Lấp Vò- Đồng Tháp để làm việc với trại giam An Bình và công an huyện Lấp Vò.
Ngày Thứ Nhất, Trại tạm giam An Bình- Đồng Tháp.
Ngày 24-02-2014, ngày thứ 13 mẹ tôi bị bắt giữ, sau khi nghe được thông tin người nhà cô Thúy Quỳnh đã được thăm nuôi gặp mặt, tôi lập tức về trại giam An Bình Tp. Cao Lãnh – Đồng Tháp với hi vọng cũng sẽ được gặp mẹ.
Đến được trại giam cũng đã là đầu giờ làm việc buổi chiều. Xin được gặp trực ban và tiếp tôi ngày hôm đó là: thiếu tá Nguyễn Tấn Dũng- số hiệu 430-310 đã tiếp tôi. Tôi đặt ngay vấn đề thứ nhất về việc được thăm nuôi gặp mặt mẹ tôi, nhưng cũng như lần trước họ từ chối tôi việc đó. Tôi đặt ngay vấn đề vì sao gia đình cô Thúy Quỳnh được gặp mặt mà tại sao gia đình tôi không được gặp? Ông Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời tôi như sau:
- Việc cho thân nhân gia đình gặp mặt là do bên cơ quan thụ lý hồ sơ, là phòng điều tra bên Lấp Vò cho phép trong nghiệp vụ điều tra để làm rõ vụ án.
(Như vậy hóa ra chỉ cần lấy cớ là đang làm nghiệp vụ điều tra thích cho ai gặp là gặp đấy à? )
Tôi hỏi ông trực ban ấy:
- Mẹ cháu hôm nay đã bị giam giữ quá hạn 4 ngày rồi, nhưng chưa có thông báo chính thức bằng văn bản nào của công an điều tra. Vậy chú có thể cho cháu biết lệnh tạm giam đã được tống đạt về trại giam này chưa? Vì nếu không có lệnh tạm giam thì Trại giam không được quyền giữ người thêm nữa.
Ông ta trả lời:
- Đã có lệnh tạm giam rồi, nếu không có lệnh tạm giam chúng tôi đã thả người.
Tôi có hỏi:
- Vậy chú có thể cho cháu biết được là trong lệnh tạm giam ghi mẹ cháu phạm lỗi gì, tội gì? Và lệnh tạm giam có thời hạn bao nhiêu tháng?
- Cái này, giờ mới chỉ là tạm giam làm rõ hành vi phạm tội chứ chưa phải là chính thức, với lại lệnh tạm giam có thể 2 tháng 3 tháng 4 tháng không biết được.- Ông ta trả lời
- Chú xem dùm cháu, cháu biết chú định nói gì? Bên Trại giam chỉ giữ người, còn mọi giấy tờ liên quan hay thắc mắc về bên cơ quan thụ lý hồ sơ đúng không? Cái này cháu biết nhưng lệnh tạm giam cũng phải được chuyển đến cho trại giam để tống đạt cho đương sự, vì vậy chú có thể cho cháu biết trong lệnh tạm giam ghi giam giữ vì hành vi gì?
-Cái này chỉ là lệnh tạm giam thôi, chưa phải kết luận chính thức. Sau này khi điều tra xong sẽ có bản kết luận rồi cáo trạng này nọ….. (Ông này hình như bị mắc bệnh thuộc lòng, lôi quy định ra nói chuyện nên tóm tắt lại ý chính vậy)
- Những cái đó cháu biết hết rồi, chú không cần giải thích. Cháu chỉ hỏi mẹ cháu đã có lệnh tạm giam, vậy lệnh tạm giam ghi mẹ cháu phạm tội gì? Chú xem dùm cháu được không? Đường xá đi lại xa xôi, đã đến trại giam rồi thì cháu hỏi chú luôn đỡ phải đi xuống Lấp Vò! Cháu nghĩ cái này trong khả năng thẩm quyền của chú mà!
Ông giám thị kia im lặng một lúc sau đó nói tôi: “Chờ chút” rồi đi vào văn phòng.
Một lúc sau ông ta ra trả lời:
- Trong lệnh ghi là mẹ của anh bị tạm giam để làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng nhé. Còn những việc khác thì lên công an huyện Lấp Vò để hỏi đi nhé.
Đã quá quen thuộc với câu nói này nên tôi chán nản ra căng tin trại mua ít bánh, sữa gửi vào. Và tại đây đã hiểu lý do vì sao những thực phẩm như bánh. sữa nước ngọt lại không được gửi vào. Tôi mua gửi vào cho mẹ tôi: 4 hộp cà phê hòa tan, 1 lốc trà xanh không độ, 1 hộp bánh, 2 lốc sữa milo (loại sữa uống như hộp cô gái hà lan). Thanh toán tiền 482.000. (Thảo nào tuy chỉ là trực trại giam, nhưng từ thằng trực cổng cũng đã dùng iphone 5s, mình thèm rỏ dãi mà còn chưa được sờ vào).
Gửi thêm cho mẹ ít tiền rồi thất vọng ra về như những lần trước, vì biết khi chúng nó đã nói chuyện bằng quy định và đùn đẩy hết trách nhiệm qua Lấp Vò hết như vậy thì cũng chả đòi hỏi gì thêm cả, ở lại vừa mất thời gian lại không được việc gì. Để hơi ngày hôm sau chiến bọn Lấp Vò.
Quay lại ráng nhìn vào khu nhà giam, im ắng, lụp xụp, bốn bề bí bách. ĐÚNG LÀ TÙ!! Không biết mẹ đang ở góc nhỏ nào? Hét lên không biết mẹ có nghe được không?
15h03, có đi xe ôm gấp cũng chả về kịp huyện Lấp Vò trước 17h. Đành ngủ lại một đêm sáng hôm sau làm việc sớm.
Ngày làm việc thứ 2- công an huyện Lấp Vò- Đồng Tháp
 
Sáng ngày 25-02-2014, tôi có mặt tại công an huyện Lấp Vò- Đồng Tháp lúc 9h.Tôi cùng chị Diễm Thúy vợ anh Nguyễn Văn Minh (người bị bắt giam cùng mẹ tôi đến nay). Tiếp tục vào cổng xin được gặp mặt phó thủ trưởng phòng CSĐT( cảnh sát điều tra) ông Lê Hoàng Dũng, nhưng một lần nữa và như mọi lần trước anh công an trực cổng khi biết tôi là con trai bà Bùi Thị Minh Hằng đã không cho tôi vào. Tôi nói với anh ta:
- Em hôm nay đến đây là do 4 ngày trước, một anh cán bộ ở đây nói với em đang làm thủ tục bắt giam và khởi tố sẽ làm thông báo đến chính quyền địa phương để thông báo đến gia đình, nhưng em về nhà chờ đã 4 ngày rồi nhưng đến hôm nay vẫn chưa nhận được bất cứ một thông báo nào cả, vì vậy em muốn gặp chú Dũng để hỏi về giấy thông báo bắt giam và khởi tố mẹ em.
Anh ta nói:
- Giấy đã được làm và chuyển về, anh cứ về chờ đi”
- Chờ đến bao giờ nữa, hôm nay đã là ngày thứ 4, ngày thứ 4 rồi đó anh. Lần trước anh kia bảo em về chờ, em đã chờ nhưng hôm nay không chờ được nữa. Em qua trại giam An Bình, họ đã đùn đẩy trách nhiệm này qua bên các anh. Vì vậy, các anh không thể né tránh em mãi được, phải cho em một thông báo chính thức bằng văn bản.
Anh ta đuối lý nên quay sang hỏi:
- Thế anh có giấy mời không?
Tôi trả lời:
- Không
Anh ta nói:
- Không có giấy mời thì không được vào, khi nào có giấy mời thì anh mới được vào làm việc!
Quá bức xúc trước câu nói của anh trực trại, tôi không còn bình tĩnh được nữa:
- Để em nói cho anh nghe nè, cơ quan công an không những chỉ có quyền bắt giam ai đó để điều tra, mà còn phải có trách nhiệm giải đáp và trả lời những yêu cầu của người dân, đó là trách nhiệm “Tiếp Dân”, trong luật có quy định rõ ràng anh có biết không?
Anh ta không trả lời lại tôi và nói:
- Anh đứng sang bên để tôi gọi điện vào xin lệnh.
- Anh cứ gọi điện thông báo đi. Hôm nay tôi sẽ chờ ở đây đến khi được làm việc mới về, anh nhắn nguyên văn lại cho tôi. Và hôm nay tôi sẽ không chấp nhận làm việc ngoài cổng và không mặc sắc phục như lần trước nữa. Đây là cơ quan chính quyền chứ không phải cái chợ.
Cùng lúc đó, anh Nguyễn Hồng Nguyên người đã làm việc lần trước với tôi ở trước cổng và thông báo về việc đang làm thủ tục khởi tố mẹ tôi cho tôi bước từ ngoài bước vào. Cơ hội không có lần thứ 2, tôi chụp lấy anh ta và nói:
- Anh ơi, lần trước anh bảo với em đang làm thủ tục khởi tố mẹ em và sẽ thông báo về gia đình, vậy sao em chờ 4 ngày rồi không thấy gì, chính quyền địa phương cũng trả lời không nhận được bất kỳ thông báo nào từ công an huyện Lấp Vò.
Anh Nguyễn Hồng Nguyên nói tôi vào trong và chỉ thị một anh lính gác đưa tôi vào tổ điều tra gặp ông Luật thủ trưởng cơ quan điều tra. Tại đây một lần nữa họ bắt tôi và chị Thúy ngồi chờ, trong lúc họ cầm hồ sơ đi lại giữa phòng điều tra và phòng đánh máy. (Có lẽ thông báo tôi nhận được sau đó đến giờ phút đó mới được họ mang đi đánh máy và in ra)
Một lúc sau, họ mời chị Thúy vào làm việc trước, sau đó mới cho tôi vào. Tại đây tôi gặp một người thiếu tá, nhưng không đeo bảng tên mà sau này tôi mới được biết ông ta là Phạm Văn Tiền- ĐTV (điều tra viên) thuộc phòng CSĐT. Trước khi mời tôi ngồi, ông ta bắt tôi lôi hết điện thoại và bắt tôi cởi áo để xét xem có máy ghi âm không. Ông ta nói:
- Mày bỏ hết máy điện thoại ra và máy ghi âm ra đi, tao biết có (Ông ta xưng mày tao với tôi, đây có phải thái độ một người cảnh sát nhân dân tiếp dân không?). Sau đó ông ta tiếp tục bảo tôi cởi áo. Tôi chất vấn vì sao phải bỏ điện thoại ra ngoài cho ông ta kiểm tra và vì sao bắt tôi cởi áo ông ta trả lời:
- Ở đây là nơi làm việc, không cho sử dụng điện thoại. Không được ghi âm.( Nếu làm đúng luật tại sao sợ tôi ghi âm đến vậy). Tôi có hỏi ông ta bắt tôi cởi áo để khám người tôi không cho ghi âm đúng không. Ông ta quanh co một hồi rồi cũng bảo: “Đúng, không cho mày ghi âm”.
Sau khi đã xét người xong và cho người tắt hết 2 máy điện thoại của tôi, ông ta đưa tôi một bản thông báo về việc bắt giam mẹ tôi. Tôi đọc bản thông báo xong, tôi hỏi:
- Trong bản thông báo này, căn cứ vào đâu, dựa vào đâu để gán ghép mẹ cháu đánh người thi hành công vụ? Căn cứ vào đâu bảo mẹ cháu cản trở giao thông nghiêm trọng?
- Cái này thuộc về thẩm quyền điều tra, mày không được hỏi?
- Vậy đây mới chỉ là thông báo tạm giam, vậy biên bản khởi tố đã có chưa? Và nếu có gia đình có được quyền biết và nhận hay không?
- Đã khởi tố rồi, không biết đọc chữ à?
- Cháu đã đọc hết rồi, không có nêu vấn đề khởi tố nào cả?
- Trong đó có ghi đó có biết đọc không? Đã khởi tố rồi mới tạm giam chứ.
- Cháu đã đọc rồi, trong đây không ghi. Vì vậy cháu mới hỏi là biên bản khởi tố đã có chưa? Chú coi lại đi trong này không hề ghi 1 câu nào nhắc đến từ “khởi tố” cả?
Ông ta giằng lấy bản thông báo đọc lại xong, tôi nói:” thấy chưa? trong này không hề có 1 chữ “khởi tố” nào.
Ông ta trả lời tôi:” Đã bắt giam là khởi tố rồi, nãy giờ thông báo mấy lần rồi. (Xin thưa là thông báo bằng mồm không hề có văn bản, vậy ông ta bảo tôi đọc lại làm cái gì khi trong thông báo bắt giam không hề ghi rõ đã khởi tố??)
Tôi nói:
- Cháu hỏi chú vấn đề này, vì công an phải có trách nhiệm trả lời giải đáp rõ mọi thắc mắc của người dân. Đã có biên bản khởi tố theo như chú nói vậy gia đình có được quyền nhận thông báo hay lệnh khởi tố đó không?
- Không!! ông ta trả lời:
- Vậy tại sao nãy giờ cháu chỉ hỏi như vậy mà chú cứ trả lời vòng vo làm chi vậy, cháu chỉ cần biết như thế thôi mà chú cứ dắt cháu đi đâu thế!
Sau đó ông ta lập một biên bản về việc tôi nhận giấy thông báo tạm giam do ông ta đưa, chắc sợ sau này tôi lật lọng nói chưa đưa.(Cái này có thể nói là suy bụng ta ra bụng người được không ta?)
Sau khi lập biên bản xong ông ta nói:” Vậy là xong rồi kết thúc”. Tôi nói với ông ta:
- Hôm nay cháu đến đây ngoài yêu cầu được biết về thông báo tạm giam và khởi tố mẹ cháu. Cháu còn muốn biết về…. ( tại sao công an Lấp Vò cho người nhà cô Thúy Quỳnh được gặp nhưng lại không cho gia đình cháu được gặp mặt, có thông tin nói ông Lê Hoàng Dũng là người đã đánh mẹ cháu lúc mẹ cháu bị còng trên xe yêu cầu được làm rõ vụ việc này) nhưng đã bị chặn họng ngày từ đầu “…”.
Ông ta liến thoắng:
- Hôm nay buổi làm việc chỉ đến đây thôi, không làm việc gì thêm nữa. Đã đưa thông báo cho mày rồi, còn mấy cái khác không biết, không trả lời đâu.Mời về!
Quá bức xúc trước thái độ vô trách nhiệm và bất hợp tác của ông ta, tôi nói:
- Những gì cháu thắc mắc chú chưa giải đáp hết cho cháu, giờ làm việc thì chưa kết thúc mà chú đã nói không làm việc nữa. Thái độ làm việc của chú như vậy đấy à?
Ông ta bỏ ra ngoài cửa, và nói với mấy anh công an đang đứng ngoài đó (Xin được nhấn mạnh là trong suốt buổi làm việc, bao quanh tôi và ông ta là ít nhất 3-5 người công an khác kè kè sau lưng tôi):
- Tao đã mời nó về rồi đó, mày vào tống nó ra đi.
Tôi nghe được câu nói đó của ông ta. Nên đứng dậy bước ra khỏi phòng. Trước khi ra cổng công an huyện, vì không giữ được bình tĩnh với thái độ BẤT HỢP TÁC, VÔ TRÁCH NHIỆM, VÔ NHÂN của công an huyện Lấp Vò nên tôi đã to tiếng ngay trong sân công an huyện. Nhưng thật ngạc nhiên tất cả bọn họ đều im lặng và lảng đi sang các phòng khác, chỗ khác. (Hôm nay hiền đột xuất. May quá, tưởng bị đánh bị đạp như đã làm với mẹ mình và các cô chú :v)
Cầm tờ giấy thông báo vô căn cứ của họ bước ra cổng, ngay lập tức có ngay một số người đi xe máy chạy ra theo tôi. Lúc đó đi cùng tôi chỉ toàn phụ nữ, lo sẽ có chuyện không hay xảy ra ngoài đường (với lại mình cũng nhát lắm, sợ bị các anh ấy đánh chả biết kêu ai :v) lập tức quay về thành phố.
* Qua 3 lần làm việc, đi đi về về giữa Vũng Tàu- Sài Gòn- Đồng Tháp, trải qua 10 ngày (tình từ lần đầu tiên xuống công an huyện), nay tôi không còn hi vọng gì để nói chuyện tử tế với họ ( những người mặc sắc phục công an lên người, những người đại diện cho luật pháp bảo vệ công lý) khi mà họ đã chà đạp lên luật pháp, coi thường người dân, dựa vào quyền lực và luật pháp họ đang nắm giữ để đổi trắng thay đen, vu oan cho người vô tội. Vì vậy, một lần nữa, tôi khẳng định sẽ không để bị hút vào lối mòn đi-về làm việc với họ nữa vì: KHÔNG BAO GIỜ CÓ KẾT QUẢ!
Tôi sẽ ra Hà Nội, mang theo hình ảnh của MẸ TÔI. Tôi sẽ gửi đơn thư khiếu nại lên các cấp trung ương, mang lời kêu cứu đến dư luận quốc tế, tất cả những người quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Đây là một trường hợp công an Đồng Tháp và có thể còn cao hơn COI THƯỜNG NHÂN QUYỀN!
Xin mọi người, những người bạn đã đồng hành sát cánh cùng với Mẹ Tôi trong những cuộc biểu tình đòi Dân Chủ, những người bạn quan tâm và ủng hộ mẹ Tôi giúp đỡ và hướng dẫn tôi khi tôi ở Hà Nội.
XIN HÃY GIÚP ĐỠ TÔI VÀ GIA ĐÌNH TRONG VIỆC TÌM LẠI TỰ DO CHO MẸ TÔI, GIÀNH LẠI QUYỀN LỢI CHO MẸ TÔI! VÌ MẸ TÔI….
Trần Bùi Trung
(Con trai chị Bùi Thị Minh Hằng)

Thêm một đảng viên kỳ cựu bỏ đảng CSVN

Ông Tống Văn Công, một đảng viên đảng CSVN có hơn 55 tuổi đảng vừa công bố quyết định từ bỏ đảng vì thấy nó đi ngược lại lý tưởng mà ông đã “bỏ cả đời để phục vụ”.
Ông Tống Văn Công, nguyên tổng biên tập các báo Lao Động Mới, Người Lao Động và Lao Động, một đảng viên đảng CSVN kỳ cựu với hơn 55 tuổi đảng vừa loan báo bỏ đảng. (Hình: Lao Động)

“Là một đảng viên hơn 55 năm đứng trong hàng ngũ Đảng, sống thanh bạch, 82 tuổi còn làm việc hợp đồng, lúc nào cũng nghĩ về vận nước và sự suy thoái của Đảng, tôi nghĩ rằng, tôi không phải thuộc số không nhỏ đảng viên thoái hóa chính trị mà chính những người bảo thủ, giáo điều không sáng suốt chấp nhận đổi mới chính trị, khiến cho một Đảng cách mạng, anh hùng trong sự nghiệp giải phóng, nay trở thành một Đảng độc đoán, tham nhũng mới đúng là những kẻ suy thoái chính trị. Do đó tôi không thể nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào có tên là suy thoái tư tưởng chính trị.”

Ông Tống Văn Công viết như vậy trong bản “tự kiểm điểm” mà đảng ủy địa phương tại Sài Gòn buộc ông phải viết lại với lý do “chưa đạt yêu cầu”. Đảng ủy địa phương viết trong lá thư đề ngày 24/2/2014 nhắc nhở ông “nghiêm túc viết lại bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật”. Đồng thời văn thư gợi ý kiến về 3 trường hợp bị khai trừ là “Có quan điểm ủng hộ hoặc tán thành đa nguyên chính trị, đa đảng; công khai phê phán bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.”

Trong bài viết “Lời chia tay với đảng CSVN” được phổ biến trên một số diễn đàn thông tin như Bauxite Việt Nam, Blog Huỳnh Ngọc Chênh, báo Dân Quyền của Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, ông cho hay “thời gian qua, tôi hết sức tự kiềm chế, cố gắng tiếp tục đứng trong hàng ngũ Đảng để cùng với các đảng viên chân chính trực tiếp đấu tranh, góp ý xây dựng Đảng, hi vọng những người lãnh đạo nhận ra sai lầm,vứt bỏ ý thức hệ lạc hậu, tiến tới một Đại hội Đảng đổi mới lần 2: Đổi mới chính trị, thực hiện nhà nước pháp quyền đúng như các thể chế chính trị hiện đại. Từ đó mà vực dậy niềm tin đang cùng kiệt của nhân dân, tiếp tục sứ mệnh mà đảng viên và nhân dân giao cho. Hôm nay, con đường ấy đã bị chặn lại. Đau lòng lắm, nhưng phải đành vậy thôi! Từ giờ phút này, từ ngày hôm nay, 25-2-2014, tôi xin nói lời chia tay với Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Ông Tống Văn Công từng là tổng biên tập của 3 tờ báo thuộc hệ thống công đoàn , cơ quan ngoại vi của đảng CSVN, là Lao Động Mới, Người Lao Động và Lao Động suốt một thời gian dài khoảng 30 năm trước khi nghỉ hưu.

Từ năm 2009 đến nay, người ta thấy xuất hiện trên một số diễn đàn thông tin “lề dân” các bài tham luận thời sự ký tên Tống Văn Công, phê phán các chính sách của nhà cầm quyền CSVN là đi ngược lại quyền lợi của quốc gia dân tộc. Ông đả kích những kẻ cầm đầu đảng CSVN chỉ biết phục vụ quyền lợi bản thân và phe nhóm.

“Càng tự hào về lý tưởng cao cả mà mình đã bỏ cả đời để phục vụ, tôi càng day dứt, xấu hổ vì sự thoái hóa, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ những người trong guồng máy lãnh đạo, khiến Đảng cầm quyền phạm nhiều sai lầm, làm mất hết niềm tin của nhân dân, làm khoảng cách tụt hậu của đất nước càng ngày càng xa so với các nước khu vực. Những người lúc nào cũng hô hào kiên trì ý thức hệ lỗi thời, cấm không được tự diễn biến, thực ra, họ chỉ nhằm duy trì quyền lực, khai thác “lợi ích nhóm”, làm giàu cho bản thân, bất chấp thiệt hại của nhân dân lao động và đất nước.” Ông Tống Văn Công lên án đám chóp bu cầu đầu đảng CSVN trong “Lời chia tay với đảng CSVN”.

Qua những bài viết phê phán chế độ từ đàn áp nông dân ở Văn Giang đến khai thác bauxite ở Tây nguyên hay chỉ chống tham nhũng hình thức, chống Trung quốc bá quyền bành trướng, ông Tống Văn Công đã bị đảng CSVN bắt làm “kiểm điểm” 15 lần vì các bài viết của ông “đưa lên mạng gây tác động xấu, bị buộc kiểm điểm mà “không sửa chữa”, “phê phán xuyên tạc “tư tưởng Hồ Chí Minh”, “tự diễn biến hòa bình, suy thoái chính trị”...

Cuối năm ngoái, trước khi qua đời ngày 22/1/2014 vừa qua vì bệnh ung thư, đảng viên kỳ cựu Lê Hiếu Đằng đã loan báo từ bỏ đảng và kêu gọi bỏ đảng tập thể vì thấy cái đảng CSVN đi ngược lại quyền lợi nhân dân và đất nước. Nếu có chuyện từ bỏ đảng CSVN tập thể hay ít nhất bỏ không tham dự các sinh hoạt đảng tại các địa phương, thì tin tức này cũng không thể kiểm chứng. Đảng và nhà nước CSVN kiểm soát toàn bộ guồng máy truyền thông chính thống.

Những người đảng viên nổi tiếng như Tống Văn Công, Lê Hiếu Đằng loan báo bỏ đảng không thể không tác động đến sự suy nghĩ của hàng ngũ đảng viên đảng CSVN, nhất là những biến chuyển thời sự chính trị dồn dập ở Ukraine đập vào não bộ của họ hàng ngày.
(Người Việt) 

Lời khai chấn động vụ 'cảnh sát trấn tiền gái mại dâm'

TP - Khai trước tòa, bị cáo Hoàng Công Trường nói: “Ngày ấy, có một “suất” phó giám đốc công an tỉnh, thấy thủ trưởng đơn vị tôi có nhiều khả năng “tranh cử”, nên họ đã dựng lên vụ việc này để “hạ bệ”. Và chúng tôi trở thành nạn nhân của màn kịch đó”
Sau nhiều lần hoãn tòa, hôm qua, TAND TP Lạng Sơn tiếp tục đưa ra xét xử vụ án “cưỡng đoạt tài sản” đối với các bị cáo cựu cảnh sát TP Lạng Sơn. Họ bị cáo buộc trấn tiền, vàng gái mại dâm và lái xe tại bến xe phía Bắc Lạng Sơn.
Quang cảnh phiên tòa ngày 26/2
Quang cảnh phiên tòa ngày 26/2
Nhân chứng, bị hại: Sự việc đúng sự thật
Ra toà ngày 26/1, các bị cáo là cựu công an TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) không nhận đã gài bẫy trấn lột tiền, vàng gái mại dâm, cho rằng bị lừa “trong màn kịch chính trị”. Còn các bị cáo, bị hại và một số nhân chứng đồng ý với cáo trạng của VKS.
HĐXX do thẩm phán Chu Thị Nguyễn Phin làm chủ tọa đã yêu cầu cách ly các bị cáo để thẩm vấn. Bị cáo Hứa Viết Tú khai nhận, bản thân là người có tiền án và người quen biết, nên từ tháng 3 đến cuối tháng 4/2012, được Nguỵ Ngọc Hùng, Triệu Văn Hiếu, Hoàng Công Trường dùng nghiệp vụ sai khiến, dụ gái mại dâm “vào tròng”, sau đó cưỡng đoạt 9,3 triệu đồng, 2,5 chỉ vàng. Tú cũng khai rõ hành vi “bắt bạc”, trấn lột bốn triệu đồng của các lái xe miền Nam tại Bến xe phía Bắc TP Lạng Sơn (Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh).
Chiều qua, đại diện Viện KSND TP Lạng Sơn giữ quyền công tố tại toà giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị mức án dành cho các bị cáo: Hoàng Công Trường từ 24 đến 30 tháng tù giam, Triệu Văn Hiếu và Hứa Viết Tú mỗi bị cáo từ 18 đến 24 tháng tù giam.
Các bị hại Vy Thị N. cùng nhiều nhân chứng có mặt tại tòa đều nhất trí với nội dung với bản cáo trạng của Viện KSND TP Lạng Sơn. Họ khẳng định, tuy thời gian đã lâu, kéo dài hàng năm trời, nhưng sự việc xảy ra là có thật, lời khai của họ tại cơ quan điều tra là đúng sự thật.
Ngược lại, các bị cáo Triệu Văn Hiếu, Hoàng Công Trường (cựu cán bộ Công an TP Lạng Sơn) đều một mực kêu oan, không nhận tội và vẫn cho rằng, bị đồng đội ở công an tỉnh Lạng Sơn…lừa.
Những lời khai chấn động
Bị cáo Trường và Hiếu cùng cho rằng, họ bị lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) - Công an tỉnh Lạng Sơn dụ dỗ, cho chép lời khai của nhau; do họ học không đúng chuyên ngành điều tra nên mắc vào vòng lao lý, nay mới dịp tố cáo trước tòa.
“Ngày ấy, có một “suất” phó giám đốc công an tỉnh, thấy thủ trưởng đơn vị tôi có nhiều khả năng “tranh cử”, nên họ đã dựng lên vụ việc này để “hạ bệ”. Và chúng tôi trở thành nạn nhân của màn kịch đó” - bị cáo Hoàng Công Trường khai trước toà(?!).
Khi HĐXX đưa ra dẫn chứng những lời khai của bị cáo Hứa Viết Tú và Vy Thị N. (bị hại) thừa nhận vụ việc, Trường và Hiếu cho rằng, đó là những “diễn viên”, là người của cơ quan điều tra, nhằm hãm hại hai người.
Ngay cả bị cáo Nguỵ Ngọc Hùng, ra tòa lần này với cương vị là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (tòa phúc thẩm chấp nhận mức án 12 tháng, cho hưởng án treo mà tòa sơ thẩm đã tuyên và đã chấp hành xong bản án- PV), cũng một mực kêu oan; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại lên cấp trung ương.
Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi căn cứ về những lời khai trên, các bị cáo cựu công an đều không đưa ra được chứng cứ cụ thể,và cho rằng đó là suy nghĩ chủ quan của bản thân! Hôm nay, phiên tòa bước sang phần tranh tụng và tuyên án.
(Tiền phong)

Những bí mật chưa tiết lộ về bùa ngải

Pháp sư phù phép “yểm bùa”
Bùa ngải ở nước ta không phải là một khái niệm quá xa lạ. Hầu hết mọi người đều từng nghe đến việc dùng bùa ngải để mưu cầu điều tốt cho mình hoặc để ám hại người khác. Vậy bùa chú có thật sự mang công dụng vô biên hay không?
Bùa ngải có nhiều dòng phái nhưng tựu trung lại là dùng phương pháp làm phép “gửi lệnh” điều khiển âm lực vào một vật cụ thể nào đó để trấn yểm, phục vụ mục đích người dùng. Việc khai triển bùa ngải vì vậy phải thông qua thầy bùa hay còn gọi là pháp sư. Pháp sư có pháp lực càng cao thì “thương hiệu” càng lớn và dĩ nhiên được nhiều người tin tưởng thỉnh bùa.
Bùa yêu có rất nhiều loại và rất "thịnh hành" trong giới bùa chú hiện nay
Mất nhiều tháng thuyết phục, người viết bài mới được diện kiến ông T., một pháp sư có tiếng ở Sài Gòn và được ông chia sẻ những sự thật về bùa ngải.
Nhà pháp sư T. nằm ở mặt tiền đường trên địa bàn Q.Bình Thạnh. Căn nhà rất rộng nhưng cửa đóng then cài quanh năm, chỉ một mình ông ở. Cả gia đình ông đều định cư ở nước ngoài, riêng ông vẫn ở lại. Ông năm nay 40 tuổi, từng tốt nghiệp cử nhân luật nhưng 20 năm qua ông chỉ chuyên tâm nghiên cứu bùa ngải.
Phải thuyết phục lắm, chúng tôi mới được ông T. cho phép vào tham quan căn phòng nơi ông nghiên cứu và thực hành bùa pháp. Căn phòng nhỏ đốt nhang trầm nghi ngút. Ở chính giữa là bàn làm việc có mực tàu và giấy vẽ bùa. Xung quanh bốn bức tường là 8.000 đầu sách đủ thứ tiếng chuyên về bùa ngải. Trên các bức tường treo nhiều ảnh mà theo ông là cao tổ của các trường phái bùa ngải. Tất cả đều là người Trung Quốc, Thái Lan hoặc Ấn Độ. Theo lời ông, bùa ngải chỉ là một trong những hình thức khai triển huyền thuật, ngoài ra còn có trù ếm, thần thông, thôi miên…
Huyền thuật có lịch sử ít nhất đã 8.000 năm, bất cứ tôn giáo nào, dân tộc nào cũng có huyền thuật. Ở nước ta, có rất nhiều loại huyền thuật tự sinh hoặc du nhập. Cơ bản nhất vẫn có thể kể đến các dòng Nam Tông (Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia…), dòng Tiên Đạo (Trung Quốc, Tây Tạng…) hay huyền thuật của các dân tộc (như người Mường)… Mỗi dòng đều có thế mạnh thế yếu nhưng trước đây dùng để chữa bệnh, trừ ma diệt quỷ chứ không dùng hại nhau như bây giờ.
Pháp sư phù phép “yểm bùa”
Bùa ngải dùng đủ thứ chất liệu từ cây cỏ đến vật dụng, tùy phép yểm và mục đích. Lá bùa có loại nhỏ bằng ngón tay, có loại to như mặt bàn. Loại chôn, loại đốt, loại uống (trực tiếp hoặc đốt), cũng có loại vô hình vô trạng… Ở miền Nam, huyền thuật chủ yếu thịnh hành dòng Nam Tông, đặc biệt là bùa chú của Thái hoặc Miên (Campuchia).
Trong đó, phương pháp “trù ếm” được sử dụng nhiều nhất với “hình nộm thế thân”. Chiêu thức vô cùng tàn độc nhắm đến người bị sát hại (đâm, cắt, bẻ gãy, dìm nước…). Rất nhiều người bị hại không chỉ tán gia bại sản mà tinh thần, thể xác còn bị tổn hại ghê gớm. Huyền thuật tôn chỉ là điều chỉnh quan hệ giữa con người với cõi siêu nhiên. Vì vậy, xuất phát điểm của bùa ngải đơn thuần là vì mục đích tốt.
Dòng huyền thuật nào cũng có “bùa hại”. “Bùa hại” từ sơ khởi cũng đã có nhưng chỉ mang tính chất để răn đe, trừng phạt những người xấu và giúp họ quay đầu chuyển ý. Dần dà, nhiều người tà tâm đã khuếch đại, phát triển bùa hại lên tầm cao mới. “Từ lâu, việc dùng bùa phép ám hại nhau là có thật, dù nhiều người chưa tin” - ông T. khẳng định.
Trường Tiến
(Một thế giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét