Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Việt Nam đã 'mất chủ quyền' trong vụ đấu súng ở biên giới - Ôi Tân Cương! - Quản trị Nhà nước: phải đo lường được để cải thiện

Việt Nam đã 'mất chủ quyền' trong vụ đấu súng ở biên giới

QUẢNG NINH 19-4 - Bảy người chết ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh tỉnh Quảng Ninh là hậu quả của một vụ vượt biên tỵ nạn chính trị bất thành của nhóm người Hồi Giáo gốc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương?

Tấm hình này trên tờ Tiền Phong được chú thích: "Bộ đội Biên phòng Việt Nam bàn giao nhóm đối tượng cho phía Trung Quốc" hiện đã bị lấy xuống. Các người phụ nữ che mặt và trang phục thường thấy của người Hồi giáo. (Hình: Tiền Phong)

Đây là nghi vấn được một số bloggers ở Việt Nam nêu ra và cũng là nhận xét của báo New York Times khi viết về vụ nổ súng xảy ra tại cửa khẩu nói trên của Việt Nam với Trung Quốc vào trưa 18 tháng Tư, 2014, gây sửng sốt dư luận.


Báo chí nhà nước tại Việt Nam đăng tải tin tức và hình ảnh nói rằng 16 người quốc tịch Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam bất hợp pháp, gồm 10 đàn ông, 4 phụ nữ và 2 trẻ em. Phía Trung Quốc thông báo cho biên phòng Việt Nam về nhóm người này từ 5 giờ 30 phút sáng, theo tờ Thanh Niên, và họ đã bị lực lượng biên phòng Việt Nam bắt đưa về đồn, chuẩn bị thủ tục trao trả cho Trung Quốc. Tuy nhiên, TTXVN thuật lời viên chức tỉnh Quảng Ninh nói rằng lực lượng biên phòng đã thấy những người đó xâm nhập khoảng một giờ trước đó.

Những người tị nạn chính trị Ngô Duy Nhĩ (Uighurs) bị bọn CSVN tay sai của Trung cộng bắn chết trong khi tay vẫn còn bi trói.
“Khoảng 12 giờ cùng ngày, trong khi đang chờ làm thủ tục để bàn giao cho phía Trung Quốc, bất ngờ vài người đàn ông trong nhóm trên cướp súng của một chiến sỹ biên phòng xả đạn vào lực lượng biên phòng Việt Nam, khiến 1 chiến sỹ hy sinh tại chỗ. Lập tức, lực lượng Biên phòng Việt Nam buộc phải bắn chỉ thiên nhưng các đối tượng vẫn lao vào tấn công và khống chế văn phòng làm việc tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh.” Báo Tiền Phong tường thuật, và cho hay rằng “Mặc dù lực lượng chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc kêu gọi, thuyết phục các đối tượng giao nộp vũ khí và đầu hàng nhưng các đối tượng vẫn quyết cố thủ, đập phá trụ sở. Lực lượng chức năng phải dùng các biện pháp nghiệp vụ tiếp cận, khống chế và bắt giữ. Các đối tượng đã chống trả lực lượng biên phòng, đồng thời tự gây sát thương, một số tự sát và nhảy lầu tự tử.”

Hệ quả của vụ đấu súng là 7 người thiệt mạng, gồm có 2 sĩ quan Biên phòng CSVN, 5 người đàn ông Trung Quốc và nhiều người bị thương, trong đó có 4 lính Biên phòng Việt Nam. Không thấy nói 5 người đàn ông Trung Quốc còn sống có bị thương không và có bị còng hay không. Báo chí Việt Nam cho hay tất cả 5 thi hài và 11 người còn sống đều được giao trả cho phía Trung Quốc ngay trong buổi chiều 18 tháng Tư.

Tuy nhiên, nhìn tấm hình của tờ Tiền Phong về trao trả người “vượt biên trái phép” cho Trung Quốc, người ta chỉ thấy có 4 phụ nữ và 2 trẻ em. Bốn người phụ nữ đều có mạng che mặt và mặc trang phục quen thuộc của người Hồi Giáo. Tất cả đều được hướng dẫn di chuyển thong thả và không bị còng. Hiện tấm hình này đã bị lấy xuống. Chỉ còn trên internet tấm hình trên báo điện tử VNExpress cảnh trao trả người cho phía Trung Quốc mà người ta chỉ nhìn thấy từ phía sau lưng các người phụ nữ.

Sau sau vụ việc xảy ra, ông Đặng Duy Hậu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vội vã lên tiếng cho hay “Vụ gây mất an ninh trật tự ở khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, Quảng Ninh vào trưa cùng ngày không phải là vụ tấn công khủng bố mà chỉ là phản ứng manh động của các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam,” TTXVN tường thuật.

Không có thông tin chắc chắn, nhưng nhìn những tấm hình của hai tờ Tiền Phong và VNExpress, nhiều người tin rằng nhóm người “vượt biên trái phép” nói trên là người tìm đường tị nạn chính trị thuộc sắc tộc Uighurs (Duy Ngô Nhĩ) ở khu vực Tân Cương (Xinjiang) bị người Hán Trung Quốc cướp đất và đang tiến hành kế hoạch đồng hóa diệt chủng.

Các phụ nữ có vẻ là dân Ngô Duy Nhĩ (Uighurs), được Biên phòng CSVN vội vã trả cho Trung quốc sau vụ nổ súng, chỉ nhìn thấy từ phía sau lưng hiện còn trên báo điện tử VNExpress. (Hình: VNExpress)
Người Uighurs theo đạo Hồi hệ phái Sunny và nói ngôn ngữ giống người Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Tân Cương, những năm gần đây xảy ra rất nhiều cuộc đụng độ đẫm máu giữa người Hán nắm giữ quyền cai trị và người Uighurs, hậu quả của chính sách cai trị hà khắc của Bắc Kinh. Còn người Hán di cư tới đây cũng ra sức chèn ép, khủng bố, kỳ thị người Uighurs làm cho xung đột chủng tộc ngày càng leo thang.

Các nỗ lực vùng vẫy của người Uighurs chống áp bức, bất công bị nhà cầm quyền Bắc Kinh gọi là “khủng bố” và ra lệnh đàn áp thẳng tay. Một số người Uighurs cảnh cáo rằng các thành phần cực đoan sẽ hành động nếu như nhà cầm Trung quốc không thay đổi chính sách kìm kẹp người Uighurs.

Những biến cố gần đây khiến người Hán cảm thấy bất an. Đầu Tháng Ba vừa qua, một nhóm người cầm dao đã sát hại ít nhất 29 người và làm bị thương khoảng 150 người khác tại một trạm xe lửa ở thành phố Côn Minh tỉnh Vân Nam. Báo chí chính thức của Trung Quốc nói 9 người đã bị bắt và gọi đó là những phần tử “khủng bố” dù khong chính thức nói đó là người Uighurs.

Nhiều nhóm người Uighurs đông đảo đã tìm cách đi khỏi Tân Cương và Trung Quốc. Các đường bộ tới một số quốc gia Đông Nam Á là một lộ trình ngày càng có nhiều nhóm người này tìm cách vượt biên. Trong Tháng Ba vừa qua, một nhóm khoảng hơn 400 người di dân bất hợp pháp bị bắt giữ tại một đồn điền cao su của miền nam Thái Lan mà người ta tin họ là người Uighurs. Tin tức cho hay nhóm người này tìm cách đến Malaysia, xứ có nhiều người Hồi giáo, rồi từ đó tìm cách đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bản thông cáo công bố hôm 26/03/2014, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch lên tiếng tố cáo Cambodia đã câu lưu rồi trục xuất qua Thái Lan một nhóm 15 người Uighurs. Đây chính là số người bị Thái Lan bắt giữ sáng Chủ nhật 23/03 tại tỉnh Sakaeo sát biên giới Cambodia.

Việc nhà chức trách Việt Nam bàn giao cho phía Trung Quốc mà không thông qua điều tra, xét xử, có thể đã bỏ qua một các nguyên tắc về 'độc lập chủ quyền quốc gia', 'tôn trọng nhân quyền' và 'nhân đạo', theo luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội CSVN nói với đài BBC trong cuộc phỏng vấn.

"Trao trả một cách gấp gáp như thế, tôi nghĩ cũng là một vấn đề phải suy nghĩ, bởi vì phải coi những người đó lý do tại sao họ sang Việt Nam, lý do là gì, bởi vì trong Hiến pháp của Việt Nam cũng nói rằng những người tị nạn chính trị vì lý do này khác, đôi khi cũng có thể xem xét, chứ không phải là tất cả những người nước ngoài chạy vào Việt Nam thì mình (Việt Nam) bắt và mình trao trả liền.” Ông Thuận nói.

Bản tin Tân Hoa Xã tường thuật vắn tắt biến cố tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh và cho hay Bộ Ngoại Giao Trung Quốc “đang kiểm chứng” sự việc. Ông Trần Quốc Thuận chỉ trích hành động giao trả người vội vã cho Trung quốc là “không đúng quy trình, không đúng thủ tục về hoạt động tư pháp. Nghĩa là “không phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam”.

Một số bloggers tại Việt Nam tỏ vẻ ngạc nhiên trước cách hành sử của nhà cầm quyền Việt Nam. Nhà báo Huy Đức viết trên mạng xã hội facebook: "Sẽ không có 7 người chết (trong đó có 2 bộ đội biên phòng Việt Nam) và nhiều người khác bị thương nếu những người (có thể là) Duy Ngô Nhĩ "vượt biên trái phép" đó được giữ lại điều tra và trước khi trao trả, chính quyền hai bên đàm phán các điều kiện đảm bảo an toàn cho họ”.

Ông Huy Đức viết tiếp rằng “Đành rằng, vẫn biết Hà Nội và Bắc Kinh là hai nhà nước có thể "chia sẻ" với nhau cách đối xử với những người bất đồng với chính quyền. Đành rằng, tiêu diệt một nhóm người có vũ trang thì không ai trách cứ được mình. Nhưng, nếu 16 người vượt biên (có 4 phụ nữ và 2 trẻ em) này không bị đối xử quá lạnh lùng thì người Việt đã không phải đổ máu và bàn tay người Việt đã không phải dính máu người Duy Ngô Nhĩ." (TN)
Theo Người Việt

Lương Kháu Lão - Ôi Tân Cương!

Tác giả gửi đến Dân Luận
 
Người dân tộc ở Tân Cương trong đó có người Duy Ngô Nhĩ bị người Hán đè nén áp bức
 
Tôi từng mơ có một lần đặt chân đến Tân Cương, nơi có những thành quách đền đài hoành tráng, nơi có những thảo nguyên bao la, những cánh đồng cỏ rộng tít tắp phía chân trời, nơi những người dân du mục chăn thả những đàn cừu đàn ngựa và cất cao tiếng hát ngợi ca quê hương tươi đẹp, nơi có những cô giái Duy Ngô Nhĩ có dáng người châu Á nhưng lại có đôi mắt đẹp sâu thẳm và huyền bí của người châu Âu, những cô gái mà ngày đã lâu lắm rồi, khi còn bé, tôi đã chen chân đi xem đoàn ca múa Duy Ngô Nhĩ sang Việt Nam biểu diễn và tôi còn nhớ mãi động tác lắc cổ điển hình của họ, những chiếc cổ trắng ngần lắc qua lắc lại mềm mại như không có xương.

Nhưng tôi chưa có dịp đến Tân Cương vì nghe nói nơi đó đang không yên ổn. Người dân tộc ở Tân Cương trong đó có người Duy Ngô Nhĩ bị người Hán đè nén áp bức đồng hóa từ đời này sang đời khác, đến đời cộng sản thì càng ngày càng khắc nghiệt và cuộc vùng dậy của họ cũng ngày càng mạnh mẽ. Những tin tức về những cuộc nổi dậy, những cuộc đàn áp chết nhiều người từ Tân Cương dội về làm cả thế giới lo ngại.
Ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh, ông tổ của chủ nghĩa Mác đã "dạy" như vậy và người dân Tân Cương đã thực hiện đúng như vậy và họ đã bị đàn áp và tàn sát dã man. Họ phải rời bỏ quê hương dắt díu nhau hàng ngàn cây số để tìm đất sống cho dù sự sống phải đổi bằng cái chết. Sự việc vừa xảy ra ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh tỉnh Quảng Ninh chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện bi thương của dân tộc Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc rất yêu tự do và phóng khoáng, một dân tộc rất hiền lành đã bị biến thành hung dữ và khi hết đường lui, họ chỉ có con đường tự sát. Khốn nạn thay! Một dân tộc đang bị xóa sổ bởi những người đồng loại cùng một Tổ quốc.
 
Ôi! Đã sang thế kỉ thứ 21 rồi mà sao con người còn đối xử với nhau như loài cầm thú vậy. Chúng ta hãy thử đặt địa vị của mình là một người Duy Ngô Nhĩ, mình sẽ sống ra sao khi bị khinh rẻ, bị ruồng bỏ, bị đàn áp, bị đánh đập, bị giết chết như giết một con chó. Hãy xem những tấm hình các xác chết đặt trên các xe ba gác ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh trước khi bàn giao cho phía Trung Quốc thì thấy họ ăn mặc rách rưới đói khát đã bao ngày nay để lê được bước chân tha hương đến đất Việt Nam thì có thể hiểu được họ ở cuối con đường sống rồi. và nếu còn sống mà bị trả về Trung Quốc họ sẽ bị tra tấn cho đến chết vì thế có thể giải thích vì sao họ sẵn sàng tự sát sau khi manh động không thành.
Vấn đề sắc tộc luôn là vấn đề nóng của thế giới. Chủ nghĩa khủng bố cực đoan đang làm đau đầu các nhà cầm quyền từ Mỹ, Nga đến Trung Quốc. Chủ nghĩa li khai đang là những thùng thuốc súng luôn sẵn sàng bùng nổ ở khắp nơi trên hành tinh này. Đức chúa Jesu, Đức Phật Thích Ca Mầu Ni, Thánh A La đều dăn dạy con người điều thiện, sống trong vòng tay thương yêu của đấng tối cao nhưng sao con người luôn lấy đạo giáo làm vũ khí để giết nhau. Từ hàng ngàn năm nay đã thế và hôm nay vẫn thế

Sau vụ nổ súng: 21 người Trung Quốc lại định vượt biên vào Việt Nam

(NLĐO) - Một nhóm gồm 21 người Trung Quốc bị bắt khi đang định vượt biên vào Việt Nam qua đường biển ở Móng Cái (Quảng Ninh) vào đêm ngày 18-4, ngày nhóm 16 người Trung Quốc gây ra vụ nổ súng tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, làm 7 người thiệt mạng.


Bộ đội biên phòng đồn biên phòng Trà Cổ (Quảng Ninh) tuần tra giữ vững an ninh vùng biển. Ảnh: VOV
Bộ đội biên phòng đồn biên phòng Trà Cổ (Quảng Ninh) tuần tra giữ vững an ninh vùng biển. Ảnh: VOV

Chiều 19-4, tin từ Đồn biên phòng số 3 Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cho biết đêm 18-4, đơn vị đã kịp thời phát hiện ngăn chặn và bắt giữ một nhóm người Trung Quốc xâm nhập trái phép vào Việt Nam, nghi có liên quan đến nhóm 16 đối tượng gây ra vụ nổ súng tại của khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, Quảng Ninh vào trưa 18-4, khiến 2 sĩ quan biên phòng Việt Nam hi sinh và 5 người Trung Quốc thiệt mạng..
Theo đó, vào khoảng 22 giờ ngày 18-4, trinh sát Đồn biên phòng số 3 đã nhận được thông tin từ biên phòng Trung Quốc về việc có một nhóm đối tượng người Trung Quốc đang có biểu hiện nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thông qua đường biển.
Ngay sau đó, lực lượng biên phòng cửa khẩu Móng Cái đã tổ chức phối hợp với cơ quan chức năng Trung Quốc tuần tra, kiểm soát khu vực nghi các đối tượng trên có thể xâm nhập.
Sau nhiều giờ tổ chức lực lượng cảnh giới, Đồn biên phòng số 3 Trà Cổ đã chặn đứng âm mưu nhập cảnh trái phép của nhóm đối tượng này. Cùng với đó, 21 người Trung Quốc đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ
Nhóm 21 người Trung Quốc âm mưu vượt biên trái phép vào Việt Nam ngay trong đêm diễn ra vụ nổ súng tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào trưa 18-4, trong khi làm nhiệm vụ tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Quảng Đức (huyện Hải Hà) đã phát hiện, bắt giữ nhóm người Trung Quốc gồm 16 người vượt biên trái phép, xâm nhập vào Việt Nam để trốn đi nước thứ ba.
Trong khi chờ làm các thủ tục bàn giao trao trả cho phía cơ quan chức năng Trung Quốc, các đối tượng đã manh động, đánh và cướp súng của chiến sĩ biên phòng, lấy chân bàn ghế tấn công các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Sự manh động của các đối tượng người Trung Quốc đã khiến 7 người thiệt mạng, trong đó 2 sĩ quan biên phòng Việt Nam hi sinh là Thiếu tá Nguyễn Minh Đãi và Thiếu úy Lê Vũ Việt Khánh.
Ngoài ra, một số người bị thương, trong đó có 4 chiến sĩ biên phòng Việt Nam.

Trọng Đức
 **********************
 
  • Hoài Nam
    67Thích  
    20/04/2014 00:04
    @Lê tấn hòa: Thương họ rồi ai thương cho dân mình hả bạn. Không có dân tộc nào trên thế giới muốn quốc gia mình thành trại tị nạn đâu. Con người cũng là sinh vật, cũng xâm thực bản địa và xâm hại tài nguyên. Nếu 100 người Trung Quốc qua được thì 1000 người qua được. 1 người TQ qua là 1 người VN mất việc. Bạn cứ nghĩ vậy đi :)
  • Thành phát
    2Thích  
    20/04/2014 00:01
    Hộ chiếu có đường chín đoạn là loại mới của TQ ký hiệu đầu tiên trong số HC là E, hộ chiếu cũ là G, loại E vẫn được Việt nam cấp visa bình thường nhưng cấp loại thị thực rời vì ta không chấp nhận đường lưỡi bò của TQ, tôi nghĩ những đối tượng này cũng đang bị cơ quan chức năng TQ cấm xuất cảnh nên mới vậy. Thành phát.
  • Lê tấn hòa
    71Thích  
    19/04/2014 22:42
    Những người này vượt biên vì không chịu nổi bên trung quốc. Hảy thương họ. Chúng ta trả ngay họ về tức là dfưa họ vào tù, họ đi có vợ có con mà.
  • Huy Nguyen
    24Thích  
    19/04/2014 22:42
    Đây rõ ràng là hành động xâm phạm bất hợp pháp. Rất có thể nhóm người này chịu không nổi cuộc sống sở tại nên lén lút qua VN để sinh sống. Rất mong các lực lượng tiếp tục ngăn chặn tình trạng này. Xin chia buồn với các chiến sĩ đã hy sinh trong vụ việc đáng tiếc vừa qua.
  • Người Dân Việt
    114Thích  
    19/04/2014 22:42
    Động cơ, mục đích tốp 16 người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Việt Nam sáng 18/4 là gì chưa thấy nhà chức trách Việt Nam đề cập nhưng chắc là có uẩn khúc chúng ta không được biết. Vì thế nên khi bị biên phòng ta đẩy trả lại TQ(đúng quy chế biên phòng 2 nước)họ thất vọng và đã phản ứng rất manh động gây hậu quả đáng tiếc.Nhưng đêm 18/4 tốp 21 người khác lại có ý đồ vượt biên bằng đường biển sang ta trái phép chứng tỏ vấn đề không đơn giản chút nào.Rất mong các lực lượng bảo vệ biên cương ta hết sức cảnh giác vì sự bình yên biên giới quốc gia.
  • Hữu Trí
    67Thích  
    19/04/2014 22:41
    Mỗi ngày vài chục, mươi ngày vài trăm, trăm ngày vài ngàn... Ý đồ gì đây???
  • Trần Sơn
    104Thích  
    19/04/2014 21:56
    Sao không đi qua cửa khẩu đàng hoàng mà cứ phải lén lút vượt biên? Hay là do hộ chiếu có đường chín đoạn nên không dám trình.
     

Trung Quốc theo sách bản đồ Mỹ năm 1820

Dịch giả gửi tới Dân Luận
Lời người dịch: Hôm 28/3 thủ tướng Đức Angela Merkel có tặng chủ tịch TQ Tập Cận Bình bản đồ Trung Hoa ‘thuần tuý’ (China Proper) của nhà bản đồ Pháp Jean Baptiste d’Anville in năm 1735. Bản đồ này cho thấy phần lãnh thổ thuần tuý của Trung Quốc (với dân cư chủ yếu là người tộc Hán) không bao gồm Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ lẫn Mãn Châu, còn đảo Đài Loan và đảo Hải Nam được vẽ với đường biên khác màu.

Nhân dịp này xin giới thiệu bản đồ có tên ‘Trung Quốc và vương quốc triều cống Triều Tiên’ (China and the Tributary Kingdom of Corea) in sau hơn 80 năm cũng cho thấy lãnh thổ Trung quốc ‘thuần tuý’ không khác mấy bản đồ của Anville. Bản đồ này nằm trong tập bản đồ “A Complete Genealogical, Historical, Chronological, And Geographical Atlas”, do M. Carey & Son. J. Yeager, Sc. xuất bản năm, 1820, dựa theo bản in ở London năm 1817 và có sửa chữa và bổ sung. Kèm theo bản đồ này có những ghi chú về địa lí, lịch sử, niên đại… được soạn dựa trên thông tin chính thức của TQ và những hiểu biết của phương Tây lúc đó. Các ghi chú này cho thấy hết sức rõ ràng Trung Quốc ‘thuần tuý’ không bao gồm Mông Cổ, phần lớn Mãn Châu (trong bản đồ ghi là Hoa phiên [Chinese Tartary]), Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan, Hải Nam (TQ thuần tuý cũng phân biệt rạch ròi với Triều Tiên, Việt Nam (miền Bắc Việt Nam trong bản đồ ghi là vương quốc Bắc Kì [kingdom of Tonkin]) và do đó không thể có Hoàng Sa, Trường Sa. Cũng như bản đồ Anville, bản đồ này chỉ là của bên thứ ba (không phải là bản đồ kèm theo hiệp ước của các bên có liên quan) nên không thể dùng làm bằng chứng chính về chủ quyền lãnh thổ trước toà án quốc tế. Tuy nhiên, do tính khách quan của chúng các toà án có thể xem xét như là chứng cứ phụ giúp củng cố cho các chứng cứ chính, nếu có. Trong tinh thần đó, chúng tôi xin lược dịch phần ghi chú kèm theo bản đồ này giới thiệu thêm cho các bạn đọc.
(Một phiên bản của bài dịch này đã đăng trên Tia Sáng ngày 15/4/2014)
VỊ TRÍ, RANH GIỚI, VÀ KÍCH THƯỚC
Trung Hoa ‘thuần tuý’ (China Proper)1 , nằm giữa 20° và 42° vĩ Bắc, và giữa 98° và 123° kinh Đông 2, được bao bọc ở phía Bắc bởi các nước Hoa Phiên (Chinese Tartary) 3 - phân cách bằng một bức tường thành to lớn (Vạn lí Trường Thành- ND) dài 500 league (1league ~ 5,556km); ở phía Đông bởi Thái Bình Dương - ngăn cách với Bắc Mĩ; phía Nam bởi (vương quốc) Bắc Kì 4 và biển [Nam] Trung Hoa; và ở phía Tây bởi vương quốc Tây Tạng và sa mạc Gobi. Trung Hoa có chiều dài là 1 450 dậm, và chiều rộng là 1 240 dậm, toàn bộ chiếm một diện tích 1 298 000 dặm vuông.
PHÂN BỐ DÂN CƯ, DIỆN TÍCH
Stt Tỉnh Thủ phủ Dân số Diện tích
(dậm vuông)
1 Bắc Trực Lệ (Hà Bắc) Bắc Kinh 38 000 000 58 950
2 Thiểm Tây Tây An 30 000 000 154 008
3 Sơn Tây Thái Nguyên 27 000 000 55 268
4 Sơn Đông Tế Nam 24 000 000 65 104
5 Hà Nam Khai Phong 25 000 000 65 104
6 Giang Nam (Giang Tô) Nam Kinh 32 000 000 92 961
7 Tứ Xuyên Thành Đô 27 000 000 166 800
8 Hồ Quảng (Hồ Bắc) Vũ Hán 27 000 000 144 770
9 Triết Giang Hàng Châu 21 000 000 39 150
10 Giang Tây Nam Xương 19 000 000 72 176
11 Vân Nam Vân Nam 8 000 000 107 969
12 Quý Châu Quý Dương 9 000 000 64 554
13 Quảng Tây Nam Ninh 10 000 000 78 250
14 Quảng Đông Quảng Châu 21 000 000 79 456
15 Phúc Kiến Phúc Châu 15 000 000 53 480
Tổng cộng

333 000 000 1 298 000
Bảng kê trên được lấy từ báo cáo của phái bộ ngoại giao dưới quyền Bá tước Macartney 5, do Sir George Staunton biên soạn vào năm 1793, theo yêu cầu của ông, số liệu này được Chow-to-Zhin, một quan Trung Hoa cung cấp, và được lập dưa trên các tài liệu xác thực, lấy từ các công sở ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo số liệu chính thức thu được năm 1761 thì dân số TQ chỉ là 98.214.553 người, nên rất khó tin trong khoảng thời gian 32 năm dân số đã tăng lên gần 135 triệu. Toàn bộ dân số người Hoa thuần tuý và Hoa phiên có lẽ vào khoảng 300 triệu người.
(Bạn đọc có thể truy cập bản đồ tỉ lệ cao hơn và các ghi chú kèm theo ở:
http://www.davidrumsey.com/luna/servlet/detail/RUMSEY~8~1~35482~1200401:Geographical-and-Statistical-Map-of?sort=Pub_List_No_InitialSort%2CPub_Date%2CPub_List_No%2CSeries_No&qvq=w4s:/where/China; q:China; sort:Pub_List_No_InitialSort%2CPub_Date%2CPub_List_No%2CSeries_No; lc:RUMSEY~8~1&mi=78&trs=218)
Phan Văn Song dịch
_____________________________
1China Proper là phần lãnh thổ Trung Quốc không tính các nước phiên thuộc (chư hầu phải triều cống) xung quanh mà theo quan niệm “Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ” (Nơi nào trên thế giới đều là đát của vua) của họ đều thuộc TQ, tạm dịch là Trung Hoa ‘thuần tuý’ (có tác giả dịch là Trung Quốc ‘đích thực’ hay Trung Quốc ‘chuẩn’ – có vẽ hai từ ‘đích thực’/’chuẩn’ chưa phản ánh đúng ý nghĩa của từ tiếng Anh ‘Proper’ như vừa trình bày).
2Vị trí địa lí cho thấy rõ TQ ‘thuần tuý’ không thể bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa (ở phía Nam vĩ tuyến 17° Bắc) của VN và cũng không chứa quần đảo Senkaku (ở phía Đông kinh tuyến 123°28’ Đông) mà Nhật đang kiểm soát.
3Theo bản đồ và văn cảnh toàn bài thì Chinese Tartary có lẽ gồm Tân Cương, Mông Cổ và Mãn Châu, tạm dịch là Hoa Phiên.
4Nguyên bản tiếng Anh là kingdom of Tonquin chỉ Bắc bộ Việt Nam (gọi theo một tên cũ của Hà Nội là Đông Kinh)
5Phái bộ này đến TQ trong thời gian 1792-1794 nhằm thuyết phục vua Càn Long nhà Thanh nới rộng giao thương giữa Anh và TQ.

Thăm tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi và gia đình tù nhân Đỗ Văn Hoa (Phóng sự hình)

Nguyễn tường Thụy
















Tường Thụy

Số phận Dương Chí Dũng ra sao sau khi Tướng Ngọ qua đời?

Liệu số phận Dương Chí Dũng được định đoạt ra sao phiên toà phúc thẩm theo lịch sẽ diễn ra vào ngày 22/4 tới, khi mà sau phiên toà xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm với lời khai chấn động của Dương Chí Dũng, đã xảy ra một số sự kiện gây chú ý dư luận. Theo lịch, ngày 22/4 tới đây, tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tại Hà Nội sẽ tiến hành xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm theo trình tự phúc thẩm. Trước đó, “cựu chủ tịch” Vinalines cùng đồng phạm bị truy tố 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.
Theo bản án của TAND TP. Hà Nội, trong vụ án này, Dương Chí Dũng có vai trò chủ mưu trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại 367 tỷ đồng và tham ô 1,666 triệu USD. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) được chia mỗi người 10 tỷ đồng. HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Dương Chí Dũng án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; tổng hợp hình phạt là tử hình. Mai Văn Phúc cũng bị tuyên án tử hình cho cả 2 tội trên.
Lời khai mang tính “chiến thuật”?
Có thể thấy, tại phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng liên tục kêu oan. Dù đứng trước mức án cao như vậy nhưng ông Dũng tỏ ra rất bình tĩnh và thái độ không giống với những bị cáo bị tuyên án tử hình. Một số ý kiến cho rằng, liệu điều đó có phải là do sự tỉnh táo hay khôn ngoan đối đáp trước cơ quan pháp luật của vị “cựu chủ tịch”? Liệu việc khai báo có mang tính “chiến thuật”, trước phiên tòa xét xử mình thì không khai việc “chạy tội”, chờ bản án, rồi đến phiên tòa xét xử em trai Dương Tự Trọng thì khai rất nhiều, liên quan đến việc đưa tiền cho một cán bộ cao cấp ở Bộ Công an để lo lót “chạy tội”?
Trước ngày xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đình Triển (một trong ba luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng). Luật sư Triển cho biết: “Trong buổi làm việc gần đây, thân chủ của tôi vẫn bày tỏ những quan điểm giống như từ trước đến nay về vấn đề mà anh Dũng khai về việc người “mật báo” cho anh biết và đề nghị anh trốn đi một thời gian. Việc này anh Dũng cũng đã khai lại với cơ quan có thẩm quyền trong các buổi làm việc sau khi tham dự phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm”.
Những lời khai của Dương Chí Dũng trước phiên tòa rất nhạy cảm, rất nghiêm trọng nhưng lại không nhất quán, thay đổi nhiều lần. Vì vậy, dư luận cho rằng, cần xem xét lại lời khai, điều tra triệt để những lời khai trên để làm rõ đúng – sai, lý do hay động cơ gì mà Dương Chí Dũng lại thay đổi? Vì sao ông Dũng phải chờ đến phiên tòa xét xử em trai mình mới khai ra nhiều điều “bí mật” như thế, liệu có dụng ý gì không? Theo một chuyên gia pháp lý, tuy đó là vụ án khác nhưng ông Dũng hoàn toàn có thể tố giác ngay trong vụ án của mình. Vấn đề “đưa tiền” liên quan trực tiếp đến việc “chạy tội” chứ không liên quan trực tiếp đến việc bỏ trốn, tại sao ông Dũng không khai ở thời điểm diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử mình? Liệu ông Dũng có “chiến thuật” hay “trông chờ” gì không?
Đến thời điểm này, cả bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, vẫn không thừa nhận hành vi tham ô. Đồng thời, hai bị cáo này tiếp tục đề nghị được làm rõ về lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines, thành viên Đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Nga, về việc đưa cho Dũng và Phúc mỗi người 10 tỷ đồng khoản “lại quả” sau khi Vinalines mua ụ nổi 83M với giá 9 triệu USD.
Trước án tử của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, nhiều ý kiến luật sư cho rằng, căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các bị cáo hoặc gia đình bị cáo bồi thường cho Nhà nước một phần khoản tiền mà Nhà nước bị thiệt hại, đồng thời phải thành khẩn nhận tội thì “có thể không xử phạt tử hình”.
Về thông tin này, luật sư Trần Đình Triển đã nói rõ trên báo Đất Việt: “Nghị định 01 cũng nằm trong Điều 46 của Bộ luật Hình sự, có nghĩa nếu họ khắc phục hậu quả thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Nhưng ở đây giảm nhẹ cái gì, ông Dũng có xin giảm nhẹ đâu, vì ông Dũng khẳng định mình không phạm tội tham ô, trong khi đó tội tham ô là mức án tử hình”. Ông Triển nhấn mạnh rất nhiều lần rằng: ông Dũng khẳng định mình không phạm tội thì bồi thường cái gì? Dựa vào điều đó làm gì?.
Còn theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Ủy viên Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nghị quyết 01/2001 của Tòa án Tối cao về việc bồi thường thiệt hại đến nay vẫn có giá trị thực hiện. Do vậy, việc áp dụng theo Nghị quyết này đối với vụ án Dương chí Dũng cũng hoàn toàn hợp lý.
Luật sư Tiến cũng chỉ rõ rằng, việc gia đình ông Dương Chí Dũng cũng như bản thân ông Dũng cần phải nhận thấy cái sai của mình và tích cực thực hiện việc bồi thường ngân sách đã tham ô của Nhà nước. Theo đó, căn cứ vào Nghị quyết 01/2001 của Tòa án Tối cao và Điểm b Khoản 1 của Điều 46 Bộ luật hình sự thì đương nhiên Dương Chí Dũng phải được giảm mức án tử hình của tội tham ô xuống mức chung thân.
Sẽ có một phiên toà đầy kịch tích?
Vẫn tại cuộc trao đổi giữa PV báo Đời sống và Pháp luật với luật sư Trần Đình Triển, ông Triển cho biết: “Về hành vi liên quan đến tham ô, anh Dũng cũng đề nghị ông Goh (Goh Hoon Seow, Giám đốc công ty AP, Nga – PV) cũng phải có ý kiến. Ngay bản thân ông Goh cũng không thừa nhận là có liên hệ với anh Dũng. Điều nữa là, phải làm rõ việc phía Nga, ai là người thương thảo liên quan đến 1,666 triệu USD. Anh Dũng cho rằng anh ấy không hề biết về số tiền 1,666 triệu USD và không được hưởng phần nào trong số tiền này. Tòa cần làm rõ lời khai của ông Sơn bởi, trong lời khai của ông này có rất nhiều mâu thuẫn trong việc nhận tiền và đưa tiền. Tại tòa, ông Sơn khai không có liên lạc gì với phía Nga và ông Goh, nhưng trên thực tế, đã có nhiều cuộc gặp thông qua người phiên dịch là ông Quang. Cần làm rõ việc gặp đó, nội dung thỏa thuận những gì…”.
Trước đó, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trần Hải Sơn khai, Sơn là người được “uỷ quyền” đứng ra nhận số tiền “lại quả” 1,666 triệu USD từ việc mua ụ nổi M83. Số tiền này đã được chuyển về Việt Nam thông qua tài khoản của Công ty Phú Hà (do em gái Sơn làm chủ). Sau khi nhận được tiền, Sơn đã chuyển cho bị cáo Dũng và Phúc mỗi người 10 tỷ đồng, đưa cho Trần Hữu Chiều, Phó Tổng Giám đốc Vinalines 340 triệu đồng… Sơn cho biết đã đưa tiền cho bị cáo Dũng 2 lần, tổng cộng 10 tỷ đồng. Đối với bị cáo Phúc, Sơn khai đưa ba lần, tổng cộng 10 tỉ đồng; trong đó có lần Sơn đưa 2,5 tỷ tại nhà của Phúc tại huyện An Dương, Hải Phòng.
Theo luật sư Trần Đình Triển, tại phiên toà xét xử sơ thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm, toà mới chỉ căn cứ vào các lời khai của các cấp dưới của ông Dũng. Tại sao tòa không thực hiện thu thập chứng cứ ở các đối tác của Vinalines ở Nga và Singapore. Việt Nam với Nga, với Singapore đều đã ký văn bản tương trợ tư pháp về mặt hình sự. Phải có trả lời từ các đối tác của Vinalines ở nước ngoài thì mới đủ bằng chứng để xử nghiêm minh và đúng người đúng tội.
Theo tin tức trên báo Pháp luật Việt Nam, trước phiên tòa phúc thẩm, bà Ngô Thị Vân, vợ bị cáo Mai Văn Phúc, đồng thời là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đã có đơn gửi đến Tòa và một số cơ quan “xin cứu xét” cho chồng. Bà Vân cho rằng, việc quy kết bị cáo Phúc nhận 10 tỷ chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo Sơn và lời khai của anh chị em Sơn là chưa thỏa đáng và cần xem xét lại động cơ khai báo này.
Về chi tiết Sơn khai “mang va ly đựng 5 tỷ đến nhà bị cáo Phúc nhưng Phúc không có nhà, chỉ có một người phụ nữ ra mở cửa. Sơn ngồi đợi ở phòng khách khoảng 45 phút thì Phúc về cùng một người khách…”, bà Vân đã “xin cho đối chất” với bị cáo Sơn và đề nghị làm rõ “người phụ nữ ấy là ai”.
Ngoài ra, bà Vân còn khẳng định, dịp gần Tết âm lịch 2008, nhà bà không có giỗ hay sinh nhật nào cả. Trong khi đó, theo lời khai của bị cáo Sơn thì hôm Sơn mang 2,5 tỷ đến nhà bị cáo Phúc tại xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng thì nhà Phúc có rất đông người, có thể đó là đám giỗ hoặc mừng thọ.
Theo thông tin PV cập nhật được, phần còn lại liên quan đến sai phạm của Dương Chí Dũng đối với dự án đóng tàu trong việc mua ụ nổi, còn một mảng nữa là mảng chi cho các nhà môi giới khoản tiền rất lớn, hơn 4,3 triệu USD. Hoặc các vấn đề khác tại Vinalines chưa được điều tra, làm rõ trong vụ án này như quản lý, khai thác cảng biển, đầu tư ngoài… Cơ quan điều tra của Bộ Công an vẫn tiếp tục xác minh, khi có đủ căn cứ sẽ khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
THEO ĐSPL

Quản trị Nhà nước: phải đo lường được để cải thiện

Thể chế nhà nước hiện đại cần dựa vào thông tin, dữ liệu đầy đủ và kịp thời để vận hành.
Câu nói của James Harington, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực quản trị tổ chức, hoàn toàn có thể áp dụng cho lĩnh vực quản trị nhà nước: “Cái gì mà không đo được thì không hiểu được, không hiểu được thì không kiểm soát được, không kiểm soát được thì không cải thiện được”.
Lý do gì khiến một số quốc gia thịnh vượng và phát triển, trong khi các quốc gia khác giậm chân tại chỗ trong sự nghèo khổ? Có phải là vấn đề địa lý: những quốc gia nhiệt đới thì luôn phải chống chọi với dịch bệnh, hạn hán, bão lũ, làm cho năng suất nông nghiệp yếu kém và do đó không thể phát triển bằng những vùng ôn đới mưa thuận gió hòa? Hay văn hóa là yếu tố quyết định?
Liệu có những dân tộc sinh ra để thành công, như người Do Thái giỏi kinh doanh và phát minh, hay người Nhật có khả năng tổ chức và đặc biệt kỷ luật? Hay sự ưu tú của những người lãnh đạo, các minh chủ sẽ là điều đưa một quốc gia đi lên?
“Dung hợp” hay “chiếm đoạt”?
Trong khoảng hai thập kỷ gần đây, các nhà kinh tế học, giới nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực phát triển, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc dần đi tới một quan điểm: hệ thống quản trị nhà nước là một trong những yếu tố chính để dẫn đến sự thành công hay thất bại của một quốc gia.
Quản trị nhà nước, theo định nghĩa của WB, là “cách thức chính quyền nắm quyền lực và thực thi thẩm quyền để tạo ra các chính sách công, cũng như cung cấp các dịch vụ và sản phẩm công”. Theo Daniel Kaufmann và Aart Kraay – hai nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này, quản trị nhà nước là “tập hợp các quy trình để chọn, giám sát và thay thế chính quyền, năng lực của chính quyền trong việc vạch ra và thực hiện những chính sách; và khung quản lý các tương tác giữa người dân và nhà nước”.
Nói tóm lại, nó chính là “cái thể chế” mà chúng ta hay nói tới.
Gần đây nhất, quan điểm này được chia sẻ trong cuốn Vì sao các quốc gia thất bại? của hai nhà kinh tế học hàng đầu Daron Acemoglu (Viện Công nghệ Massachusetts) và James Robinson (Đại học Harvard). Hai tác giả đã điểm lại lịch sử phát triển kinh tế của các quốc gia khác nhau để chứng minh rằng quản trị nhà nước là lý do chủ đạo quyết định con đường phát triển của một quốc gia.
Cụ thể hơn, nó phải là một hệ thống quản trị dung hợp (inclusive) chứ không phải là chiếm đoạt (extrative).
Một hệ thống quản trị dung hợp hoạt động trên nền tảng thượng tôn pháp luật, bảo đảm an toàn cho tài sản của người dân, tạo ra một sân chơi công bằng cho các hoạt động của thị trường tự do. Nó cũng tạo điều kiện cho đa số người dân tiếp cận với giáo dục và dịch vụ y tế có chất lượng. Hơn nữa, nó cho phép công dân tham gia rộng rãi các quy trình chính trị, ràng buộc và kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các cơ chế giải trình.
Nhà nước đủ mạnh để thực thi luật pháp và thiết lập trật tự nhưng không quá tập trung để có thể trở thành chuyên chế. Còn một hệ thống quản trị chiếm đoạt là những gì ngược lại. Theo các tác giả, nếu không có tính dung hợp, quốc gia vẫn có thể tạo ra tăng trưởng trong một thời gian nhất định nhưng không bền vững, và sẽ chạm ngưỡng nếu như hệ thống quản trị không được thay đổi.
Hệ thống các chỉ số đánh giá
Nhưng làm thế nào để biết được chất lượng của thể chế đang ở đâu, hiệu quả của hệ thống quản trị có tiến bộ hay bị thụt lùi? Nếu như tình trạng sức khỏe của một cơ thể được thể hiện qua các thông số khác nhau như nhiệt độ, huyết áp, tỉ lệ hồng cầu… thì sức khỏe của một thể chế cũng có thể được xác định nếu ta có một hệ thống các chỉ số thích hợp.
Trên thế giới đã có khá nhiều cố gắng đo lường các khía cạnh khác nhau của chất lượng thể chế. Một công trình dài hơi và có tiếng nhất là Bộ chỉ số quản trị thế giới (World Governance Indicators) của WB, từ năm 1996 tới nay theo dõi và so sánh (nhưng không xếp hạng) các quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong sáu lĩnh vực, từ sự ổn định chính trị, tiếng nói của người dân tới chất lượng của ngành lập pháp…
Một dự án khác là Chỉ số cảm nhận tham nhũng, do Tổ chức Minh bạch thế giới thực hiện hằng năm, cho điểm và xếp hạng mức độ tham nhũng ở các quốc gia. Chỉ số này cũng đã được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam. Năm 2013, chúng ta chỉ được 31 trên tối đa 100 điểm, xếp vào nhóm một phần ba các quốc gia tham nhũng nhất thế giới.
Tuy có ưu điểm cơ bản là cho ta thấy tương quan quốc tế, điểm yếu chung của các chỉ số trên là chúng chỉ đánh giá ở tầm quốc gia chứ không ở mức địa phương. Hơn nữa, do được thiết kế để áp dụng ở nhiều nước và phải thỏa mãn yêu cầu so sánh liên quốc gia, chúng không thể đi vào các ngữ cảnh cụ thể của Việt Nam.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (gọi tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) ra đời nhằm khắc phục những vấn đề này, với mục tiêu phản ánh những cố gắng đặc thù của Việt Nam trong quá trình cải cách hành chính cũng như định lượng hóa sự dịch chuyển của từng địa phương, trao cho chính quyền cấp tỉnh một công cụ quản lý, tạo động lực để họ nâng cao hiệu quả quản trị và cung ứng dịch vụ ngày càng tốt hơn.
Được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện, đây là năm thứ ba PAPI được triển khai trên phạm vi toàn quốc, dựa trên trải nghiệm của gần 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên, đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng trên cả nước.
Tính từ năm đầu triển khai thí điểm (2009) cho tới nay, gần 50.000 người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã tham gia trả lời phỏng vấn trực tiếp và riêng lẻ, chia sẻ trải nghiệm của mình về chính quyền địa phương, cụ thể trong sáu lĩnh vực: sự tham gia của người dân, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng, các thủ tục hành chính và các dịch vụ công.
Đây là một trong những dự án xã hội học lớn nhất từ trước tới nay do các tổ chức ngoài nhà nước triển khai.
Việc lấy người dân làm trọng tài để đánh giá chất lượng của bộ máy công quyền là một điểm mới trong môi trường tư duy của Việt Nam.
Trong những năm đầu, những phản hồi đặc trưng mà ban dự án hay nhận được từ đại diện các tỉnh thường là “Tỉnh của chúng tôi chủ yếu là người nghèo, do đó họ khó tính hơn bình thường”, hoặc “Tỉnh chúng tôi có mức thu nhập cao, do đó họ khó tính hơn bình thường”, thậm chí “Một ý tưởng rất hay, nhưng đề nghị không hỏi người dân mà phải hỏi cán bộ nhà nước mới tin tưởng được”.
Kiên trì giải thích và thuyết phục về tính khoa học, độ tin cậy của các kết quả, tới nay PAPI đã khẳng định được vị trí là một trong những công cụ theo dõi, giám sát hiệu quả quản trị và hành chính công trong nước và quốc tế.
Ở cấp quốc gia, PAPI đã trở thành nguồn dữ liệu và thông tin phục vụ các đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Trong khuôn khổ hợp tác với Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), kết quả nghiên cứu PAPI 2012 đã được giới thiệu và trao đổi với đại biểu Quốc hội tại hội thảo trong dịp kỳ họp Quốc hội tháng 5-2013, và sau đó với đại biểu hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố thông qua các cuộc hội thảo ở ba miền trên toàn quốc đầu tháng 7-2013, trước đợt lấy phiếu tín nhiệm các vị trí dân bầu ở cấp địa phương.
Kết quả của chỉ số PAPI đã và đang được giới thiệu tại các lớp thuộc chương trình đào tạo lãnh đạo nguồn cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Cho đến nay, khoảng 22 tỉnh và thành phố trên cả nước đã quan tâm phân tích hoặc yêu cầu các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch hành động nhằm cải thiện chỉ số PAPI, phát huy mặt mạnh, khắc phục điểm yếu để nâng cao hiệu quả quản trị của địa phương mình.
Tại hội nghị toàn cầu về “Quản lý hiệu quả bộ máy chính quyền” tổ chức ở Ấn Độ tháng 11-2013, PAPI được đánh giá là 1 trong 12 sáng kiến hay trên thế giới về theo dõi và đánh giá hiệu quả của bộ máy chính quyền. Bên cạnh đó, dữ liệu và kết quả nghiên cứu của PAPI ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sử dụng trong các công trình xuất bản trên các tạp chí học thuật quốc tế.
Sự quan tâm đặc biệt của báo chí, người dân, các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức quốc tế tới kết quả của PAPI năm 2013, được công bố vào ngày 2-4, là một minh chứng cho sự hữu ích của công cụ này.
Thể chế nhà nước hiện đại cần dựa vào thông tin, dữ liệu đầy đủ và kịp thời để vận hành. Câu nói của James Harington, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực quản trị tổ chức, hoàn toàn có thể áp dụng cho lĩnh vực quản trị nhà nước: “Cái gì mà không đo được thì không hiểu được, không hiểu được thì không kiểm soát được, không kiểm soát được thì không cải thiện được”.
THEO TUỔI TRẺ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét