Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Bầu Kiên là con dao sắc nằm trong tay kẻ côn đồ

Bầu Kiên là con dao sắc nằm trong tay kẻ côn đồ


Nhiều năm trước đây tôi đã từng làm cho một công ty đầu tư tài chính có Bầu Kiên góp vốn. Tôi đã tham dự nhiều buổi họp quyết định đầu tư những dự án hàng triệu đô la, nhiều buổi họp Bầu Kiên đã làm cho các thành viên hội đồng quản trị phải sững người vì những lập luận sắc xảo và vứt bỏ luôn nhiều dự án vốn được chuẩn bị báo cáo công phu vào sọt rác. Chuyện Bầu Kiên và Huyền Như chỉ là cú sẩy chân vớ vẩn mà cơ quan an ninh điều tra tóm được.

Hồi đó không chỉ ACB mà hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần khác huy động rất nhiều tiền gửi tiết kiệm trong dân, thừa vốn không cho vay được, trong khi lãi suất qua đêm liên ngân hàng thường ở mức 25 - 30%... nhưng ác cái là theo luật tổ chức tín dụng thì không được phép mang tiền từ ngân hàng này ném sang ngân hàng khác để lấy lãi. ACB và một số ngân hàng khác mới chơi chiêu dùng trung gian (kiểu như Huyền Như) rút tiền mặt (để xóa dấu vết tài chính) ra đem gửi vào ngân hàng khác dưới danh nghĩa cá nhân để ăn lãi suất qua đêm. Nếu chỉ vài tỷ bọ thì đối với ngân hàng là muỗi, nhưng thực sự hồi đó họ gửi mỗi đêm hàng trăm tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ, xe tiền chạy nườm nượp khắp đường cuối buổi chiều. Điều này có rủi ro cực lớn vì tiền chuyển cho một cá nhân mà chẳng có thế chấp gì về tài sản.

Giờ vụ này đổ bể, như các bạn thấy Vietinbank phủi tay thì ACB còn khốn nạn không biết đến bao giờ... Có điều lạ là tại sao chỉ ACB bị mà một loạt các ngân hàng thương mại khác không bị dính chưởng như vậy? Chỉ có những ông lớn chơi nhau thì mới nên chuyện này... Bầu Kiên là một nạn nhân phải đem thí trong ván cờ chính trị chứ không phải là kinh tế, kinh tế chỉ là cái cớ. Tôi rất tiếc cho cá nhân ông Kiên, ông Lý Xuân Hải... toàn những người tài năng mà nếu họ sống trong một môi trường tự do dân chủ thực sự thì có lẽ tên tuổi của họ sẽ vượt xa rất nhiều. Tòa đang hoãn xử, chưa biết rồi chuyện này đi đến đâu... nhưng tôi tin có ngày chuyện Bầu Kiên sẽ được những người am hiểu ngành tài chính giải mã, đừng vội ném đá. Những gì bạn thấy trên truyền thông bấy lâu nay chỉ là một nửa sự thực, chưa phải là sự thực. Thấy tiếc cho một tài năng lỡ sinh nhầm thời!

Xem thêm cái này để biết Bầu Kiên rắn cỡ nào: http://bongda24h.vn/aff-cup-2012/nguyen-van-bai-phat-bieu-mang-vff-cua-bau-kien-168-41004.html
Nguyễn Lân Thắng
(FB Nguyễn Lân Thắng)

Lý Xuân Hải và Tai Nạn Nghề Nghiệp tại Việt Nam

Hình ảnh tiều tụy và một bài báo nhiều thiên kiến từ Vietnamnet khiến tôi suy nghĩ thêm về “bị can” Lý Xuân Hải.

Có vài điều cần nói rõ. Trước hết, tôi không phải là bạn thân của anh Hải, chỉ gặp anh vài lần cùng là diễn giả trong vài hội thảo và ăn tối với anh 2, 3 lần gì đó chung với những người bạn trong giới ngân hàng.

Ông Lý Xuân Hải ngày làm tổng giám đốc ACB
 Tôi cũng xin thưa là không biết gì nhiều, qua báo chí hay qua thông tin hậu trường, về những rắc rối của ACB hay Bầu Kiên; và lại càng không biết gì về khía cạnh pháp lý của vụ án. Sau cùng, dù chúng tôi có bàn qua dự định hợp tác giữa ACB với một ngân hàng Mỹ, tôi và anh Hải hay ACB không có một liên hệ gì trong việc kinh doanh.

Nhưng tôi xin chia sẻ ý kiến cá nhân và chủ quan của mình: Anh Lý Xuân Hải là một người “tử tế” nhất trong giới làm ăn mà tôi quen biết ở Việt Nam.
Anh Hải tạo nơi tôi 3 ấn tượng: một, anh là một người quản lý có đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong ngành ngân hàng; hai, anh là một người cẩn trọng, kín đáo, tháo vát và chăm chỉ trong công việc; và ba, anh là một “nhân viên” đi lên bằng khả năng và thành tựu thay vì quan hệ và PR.

Có thể nói trong các vị quản lý ngân hàng Việt, anh Hải sẽ là một trong những người tôi tin cậy nhất để ủy thác tiền.

Tin anh bị bắt làm tôi hụt hẫng. Tôi cố tìm hồ sơ buộc tội để coi anh Hải có những mặt trái nào mà tôi không biết. Theo cáo trạng, tội lớn nhất và có lẽ, duy nhất là anh Hải đã ký giấy cho nhân viên đem tiền của ACB đi tái đầu tư vào các ngân hàng và định chế tài chánh khác để hưởng lợi dư cho ACB (giới tài chánh gọi là arbitrage).

Như đã nói, tôi không biết gì về luật lệ ngân hàng ở Việt Nam. Nhưng nếu luật này đem áp dụng tại Âu Mỹ thì chắc chắn có hơn 90% các nhà quản lý ngân hàng và quỹ đầu tư sẽ bị bắt như anh Hải. Arbitrage là một công cụ lợi dụng lợi thế của dòng tiền rẻ (tạo được nhờ uy tín, khả năng và tiếp thị) để kiếm lời từ các định chế yếu kém hơn. Nếu việc tái đầu tư không kèm theo một lợi ích cá nhân nào cho người quản lý thì quyết định đầu tư hoàn toàn thuộc phạm trù kinh doanh: lời ăn lỗ chịu.

Nếu theo đúng thủ tục (đã làm due diligence và có đồng thuận từ Ban Quản Trị) nhưng sai trong quyết định khiến doanh nghiệp lỗ lả, thì tệ lắm, người quản lý chỉ bị đuổi việc là cùng. Tôi tin chắc rằng nếu đây là một tội hình sự, thì khoảng 60% các nhà quản lý doanh nghiệp sẽ phải ra tòa, 90% những quản trị viên ngân hàng và quỹ đầu tư phải ở tù;  và 100% các chính trị gia trên thế giới đáng bị nhốt.

Trở lại với anh Hải. Tôi có dùng cơm tối với anh và vài người bạn khoảng 10 ngày trước khi anh bị bắt. Không biết anh có biết trước không, nhưng hôm đó, anh bần thần và xao lãng. Tôi mời anh làm diễn giả trong một hội thảo về đầu tư. Anh gật đầu theo cách phản xạ. Tôi hỏi bạn sau đó, “hôm nay, Hải bị gì thế?”. Ông bạn cười,” chắc chuyện tình ái lăng nhăng đang rối rắm”.

Tôi đã từng “gần chết” vì những chuyện ái tình, chưa bao giờ vì nghề nghiệp. Riêng tại Việt Nam, nhìn lại gương anh Hải, tôi thấy tai nạn nghề nghiệp là một rủi ro không quản lý được. Tôi có anh bạn nhờ tôi tổ chức một lớp huấn luyện về “risk management” cho các nhân viên cấp cao của vài ngân hàng ở Việt Nam. Tôi phải từ chối vì nghĩ rằng sẽ không sao tìm ra một textbook về những tai nạn kỳ lạ này.
Alan Phan
Giấc mộng tàn của Lý Xuân Hải
Huấn Tú
Ông Lý Xuân Hải ngày ra tòa
Từng là một CEO thành công và nổi tiếng nhất ngân hàng Việt Nam, trên cương vị TGĐ lâu năm, Lý Xuân Hải đã từng có nhiều ước mơ xa và đẹp cho cả ACB và riêng mình. Nhưng tất cả đã là giấc mộng tàn khi sa chân vào tù rồi ra trước vành móng ngựa.
Con đường từ huy hoàng tới trước vành móng ngựa dường như quá ngắn mà vị CEO tài năng một thời không thể lường tới.
Huy hoàng vụt tắt
Xuất hiện sau gần hai năm trong tù, trước vành móng ngực, Lý Xuân Hải không còn vẻ hào hoa, phong độ ngày nào, trông tiều tụy, suy sụp, gầy đi rất nhiều.
Điểm còn lại dễ nhận ra ở CEO từng là “Lãnh đạo NH xuất sắc nhất Việt Nam” 2007 và 2010 là mái tóc rẽ ngôi giữa và chiếc kính trên gương mặt vốn điển trai, tươi sáng nay tái nhợt, ưu sầu.
Không chỉ biết đến với quyền lực ở ACB, Lý Xuân Hải còn là doanh nhân có triết lý sống mạnh mẽ và rõ ràng. Giới kinh doanh còn nể phục ông Hải không chỉ bởi trình độ học vấn rất cao với bằng thạc sĩ Kinh tế Đại học Paris Dauphine, Tiến sĩ Toán – Lý – Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus mà còn ở năng lực thực tế.
Ông Hải được coi là người rất nhạy bén, quyết đoán, một diễn giả giỏi. Làm TGĐ từ 2005, ông Hải đã dẫn dắt ACB đạt nhiều thành công, lớn mạnh trở thành một trong những NHCP hàng đầu tại Việt Nam. Ông là một trong những trụ cột ở trong NH này cùng với: Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn.
Nhưng, cuộc đời khó học được chữ ngờ, chính sự thành công vượt trên cả khó khăn chung của hệ thống đã khiến ACB rơi vào dư thừa tiền và đây có lẽ là áp lực dẫn tới bước ngoặt đen tối trong cuộc đời của ông Hải.
Theo cáo trạng, tháng 3/2010, Thường trực HĐQT ACB triệu tập cuộc họp bàn cách sử dụng nguồn vốn chưa đầu tư. Giải pháp được ông Trần Mộng Hùng – Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB đưa ra là, giảm lãi suất huy động để giảm áp lực lỗ trong bối cảnh ACB nhận nhiều tiền tiết kiệm mà bí ở đầu ra.
Trong bối cảnh rất nhiều NH khác đang đối mặt tình trạng thanh khoản thấp và dưới áp lực của bầu Kiên – Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, ông Hải phải chấp nhận phương án “không được làm giảm tổng tài sản của ACB”.
Điều này cũng có nghĩa là không được giảm lượng tiền huy động. Theo đó, ông Hải đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền của ACB đi gửi vào NH để nhận lãi suất tiền gửi và hưởng thêm hoa hồng, khuyến mại của các NH khác.
Ông Hải sau đó đã được giao nhiệm vụ kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng lớn với tổng số gần 38 nghìn tỷ đồng và hơn 71 triệu USD ủy thác gửi tiền vào 29 TCTD (từ 3/2010-9/2011).
Vì thế, ông Hải bị truy tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng”.
Không quản trị nổi bản thân?
Là một doanh nhân nổi tiếng nên ông Hải cũng như triết lý sống của ông được biết đến rộng rãi. 
Quan điểm của ông trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ rất rõ ràng, giống như nhiều NĐT chứng khoán vĩ đại khác, đó là biết sợ và tham lam một cách hợp lý. Điều này giúp NĐT có thể chế ngự được lòng tham và sự sợ hãi, giúp cho DN có thể vững bước đi lên.
Thực tế, ông Hải đã nhiều lần làm được điều này. Dưới “triều đại” của ông, ACB đã phát triển mạnh về quy mô và gia tăng về chất lượng, vững vàng ở vị trí dần đầu các NH cổ phần.
Thời kỳ đó, giới CEO ngân hàng không mấy ai có được vị ngọt thành công như ông Hải. Tuy nhiên, bài học kinh điểm do ông tự răn mình đã nhanh chóng bị lãng quên khi cả ông và ACB trên đỉnh cao. Có thể, bài học vẫn còn nhớ nhưng “sự sợ hãi và tham lam” thường được lý giải như một vận đen khó tránh đã đẩy vị CEO tài ba vào một ngã rẽ đen tối.
Câu chuyện của ông Hải một lần nữa cho thấy một thực tế, người biết bơi vẫn có thể chết đuối, người hiểu biết pháp luật vẫn có thể phạm luật và những người có nguyên tắc sống đúng nhưng cũng có lúc mắc sai lầm.
Việc quản trị mình cũng như quản trị DN, quản trị một hệ thống nếu không sát sao và tự soi xét lại mình thì có thể sẽ nhanh chóng vướng sai lầm.
Thực tế, tham vọng quá cao và để thực hiện được những điều như vậy khó tránh khỏi mắc sai phạm. Trong “vụ bầu Kiên”, điều khiến giới đầu tư day dứt là tại sao cả một dàn lãnh đạo toàn những người có trình độ và năng lực rất cao như vậy lại cùng nhau “lạc đường”, gây tổn thất cho NH và cho chính họ?
Câu trả lời đã phần nào có trong cáo trạng và những lời khai của ông Trần Xuân Giá và Lý Xuân Hải là do ảnh hưởng của cổ đông lớn Nguyễn Đức Kiên. Nhưng cũng có thắc mắc rằng, cũng là cổ đông lớn, cũng là những người lèo lái DN, tại sao có quá nhiều người bị át vía bởi bầu Kiên đến vậy. Ông Lý Xuân Hải rơi vào thế yếu bởi làm CEO nhưng vẫn là người làm thuê, chỉ là một phần của “cỗ máy” ACB nhưng còn nhiều cổ đông và thành viên HĐQT khác?
Thực tế cho thấy, cầm lái một cỗ máy chắc chắn sẽ thuận lợi cho tài xế. Tuy nhiên, xe tốt thì khó tránh khỏi đi nhanh nhưng nếu có biến cố xảy ra thì thảm họa vô cùng lớn. Mọi quyết định đều có rủi ro. Vấn đề quan trọng có lẽ là sự lựa chọn của mỗi người. Lý Xuân Hải có nhiều lựa chọn đúng và thực hành một quản trị tốt nhưng đối với mình ông đã phạm mọt sai lầm quản trị bản thân không thể sửa chữa.
  (Blog Alanphan)

Nguyễn Văn Thạnh - Những sáng kiến chống tha hoá xã hội và làm thăng tiến nền dân chủ

Theo tôi, vấn đề chúng ta mắc phải hôm nay không phải là câu chuyện con người tốt-con người xấu mà là vấn đề tha hóa hệ thống. Trong hệ thống tha hóa, người tốt rất khó tồn tại:

http://www.thanhblog.org/2014/04/tranh-au-trong-mot-xa-hoi-tha-hoa.html

Nguyên nhân gây ra tha hóa hệ thống có nhiều nhưng tôi thấy có hai nguyên nhân: thông tin thiếu minh bạch và lợi ích được phân bổ sai.

Dựa trên góc nhìn trên, tôi xin đưa ra một số sáng kiến có thể chống sự tha hóa hệ thống; tăng cường nền dân chủ.
A. Sáng kiến trong nước: 

1. Thương hiệu cho những công trình công

Chúng ta thấy những sản phẩm có nhãn mác, có thương hiệu luôn luôn có chất lượng, an toàn hơn những sản phẩm trôi nổi vô danh. Những công trình công cộng cũng vậy. Hiện nay gần như những công trình công cộng như: đường xá, bến cảng, trường lớp,... đều rất khó xác định những thông tin như: ai quyết định, ai xây, ai giám sát,... Ngay cả quốc hội cũng thừa nhận là thất thoát trong xây dựng cơ bản là rất lớn. Những thất thoát này có đích đến là túi những quan tham, những nhà thầu phe cánh,..Trong khi người chịu thiệt hại là dân. Dân là người chi tiền (qua thuế) nhưng lại thụ hưởng những sản phẩm kém chất lượng với giá thành đắt đỏ.

Những thất thoát trong xây dựng cơ bản không chỉ gây thiệt hại kinh tế, làm nghèo đất nước mà chính nó góp phần thúc đẩy sự tha hóa xã hội.

Từ những thực tế trên, tôi đưa ra sáng kiến: chúng ta cần yêu cầu quốc hội thông qua luật minh bạch các công trình xây dưng công. Tại mọi công trình sau khi hoàn thành phải gắn bản thông tin đầy đủ các thông số: ngày khởi công, ngày hoàn thành, người quyết làm, người thi công, người giám sát, số tiền đầu tư, tuổi thọ công trình,... Cần có một cổng thông tin để mọi người có thể truy cập.

Tôi cho rằng nếu sáng kiến này được cộng đồng ủng hộ, thúc đẩy thực hiện thì sẽ góp phần rất lớn trong việc chống tha hóa xã hội cũng như thúc đẩy nền dân chủ trong trật tự.

Sáng kiến này còn góp phần giải quyết hai vấn nạn nhức nhối hiện nay là tham nhũng và tai nạn giao thông (những con đường có thương hiệu chắc chắn sẽ có chất lượng và an toàn hơn).
2. Minh bạch thông tin trong hỗ trợ người nghèo.

Tôi biết, chính phủ chi một lượng tiền rất lớn để hỗ trợ người nghèo thông qua đủ loại dự án. Và tôi biết số tiền đến tay người nghèo rất ít (số tiền rơi rớt trên đường do chi nuôi bộ máy cồng kềnh, do tham nhũng ăn chặn,...). Có một thực tế là có nhiều người được hưởng lại không thuộc đối tượng xứng đáng mà là do quen biết nên chạy chọt hợp thức hóa giấy tờ: rất nhiều chung cư, nhà ở xã hội không đến tay người nghèo mà đến tầng lớp biết chạy.

Để giải quyết điều này, chúng ta cần vận động quốc hội ra luật minh bạch: qui định tất cả những ai được hưởng hỗ trợ từ nhà nước phải có tên tuổi, số tiền hưởng,... công khai minh bạch. Lập một cổng thông tin để mọi người có thể tiện theo dõi, giám sát. Người dân có quyền biết vì tiền dùng để cứu trợ là tiền của dân đóng góp.
B. Sáng kiến có tầm quốc tế: 

1. Minh bạch các khoản viện trợ, vay mượn:

Những nước nghèo như nước ta, hàng năm nhận viện trợ cũng như vay mượn các nước một khoản tiền rất lớn. Chính người dân là người sau này phải trả những khoản nợ đó nhưng họ lại không biết gì. Đây là một nguy cơ nuôi dưỡng tham nhũng, làm tha hóa xã hội.

Trong một thể chế mà nền dân chủ còn yếu thì tranh đấu cho sự minh bạch sẽ rất khó khăn, do vậy chúng ta cần dùng ngoại lực bên ngoài. Chúng ta cần yêu cầu những nước viện trợ, cho chúng ta vay phải minh bạch tất cả các khoản đề người dân dễ dàng biết và giám sát. Tôi nghĩ nếu chúng ta làm được điều này sẽ rất hữu ích trong việc thúc đẩy nền dân chủ đất nước.
2. Chương trình giáo dục nền tảng toàn cầu.

Tôi thật sự giật mình khi biết rằng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời năm 1948, Việt Nam tham gia ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1982 nhưng tôi thấy rất nhiều người dân gần như không biết gì về vấn đề này. Có một thực tế là các chính phủ độc tài thường bưng bít thông tin, ngăn chặn bước tiến dân chủ. Các nước càng độc tài độc đoán thì ngoài việc ngăn chặn thông tin, họ còn tuyên truyền tẩy não khủng khiếp.

Thực tế trên không chỉ làm thế giới trở nên bất ổn mà còn làm cho các nước nghèo lạc hậu chậm tiến đến văn minh, người dân hứng chịu nhiều đau khổ.

Để giải quyết vấn đề trên, chúng ta cần vận động thúc đẩy sáng kiến thiết lập một nền giáo dục nền tảng cho toàn cầu; ở đó những giá trị phổ quát như nhân quyền, kinh tế tự do,... được truyền dạy bắt buộc cho mọi người.

Tôi cho rằng sáng kiến này vô cùng hữu ích không chỉ thúc đẩy nền dân ở các nước nghèo, độc tài như nước ta mà còn làm cho nền dân chủ thăng tiến trên toàn cầu. Dân chủ đồng nghĩa với sự thịnh vượng và chống sự tha hóa xã hội.

Rất mong nhận được sự quan tâm bàn luận và thúc đẩy những sáng kiến trên
Đà Nẵng 8h20/19.4.2014
Trân trọng
Nguyễn Văn Thạnh
Dân luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét