Bằng tiến sĩ Việt Nam: Hàng mã
Ngày 6 Tháng Ba năm 2014, tờ “m.vietnam.net” đăng bài “24.000 tiến sĩ
Việt Nam đang làm gì?” cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ
Giáo Dục và Ðào Tạo (GD & ÐT), tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là
giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường
đại học” rồi đặt câu hỏi “Vậy 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở những đâu?”
Bằng tiến sĩ ở Việt Nam là cả một câu chuyện khôi hài và khá dài dòng.
Cho đến thập niên 90, do chất lượng và trình độ chuyên môn kém của các
trường đại học Việt Nam nên tiến sĩ của miền Bắc Việt Nam được công nhận
ở nước ngoài qua đường nghiên cứu sinh, chủ yếu ở các nước trong phe xã
hội chủ nghĩa.
Ði nghiên cứu sinh là một việc ưu đãi, phải có lý lịch tốt, là cán bộ
của các viện hay giảng viên trường đại học, nhưng nhiều khi cũng phải lo
lót chạy chọt. Ra tới nước ngoài rồi thì đa số dành thời gian cho học
và nghiên cứu thì ít, mà cho đi buôn thì nhiều. Không hiếm nghiên cứu
sinh đến thời gian nộp luận án (thông thường sau 3 năm, trừ thời gian
học tiếng) phải nhờ các sinh viên năm cuối viết giúp, học thuộc lòng và
chạy tới giáo sư cố vấn (promotor) để tìm sự hỗ trợ. Khi bảo vệ luận án
thì lúng túng, thiếu tự tin, nhưng rốt cuộc cũng đạt điểm trung bình nhờ
sự đồng cảm và “hữu nghị”.
Tôi là người đã chứng kiến những cuộc bảo vệ như thế ở Ba Lan, nên đây
là sự thật. Chính vì thế mà Giáo Sư Nguyễn Văn Hiệu, cựu viện trưởng
Viện Khoa Học Việt Nam, nói một câu nổi tiếng “cứ dắt một con bò sang
Nga thì trở về là có một phó tiến sĩ”.
Ông Nguyễn Văn Hiệu là một trong số những nghiên cứu sinh hiếm hoi, có
nhiều công trình khoa học ở Viện Nghiên Cứu Nguyên Tử Dupna, được Liên
Xô (cũ) phong hàm giáo sư khi mới 30 tuổi. Nhưng khi ông về nước, được
cơ cấu vào Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, thực hiện đúng đường lối tận
dụng trí thức của đảng. Lo việc đảng, lãng chuyên môn, điều kiện nghiên
cứu bằng không, rốt cuộc ông cũng trở thành một “con bò”.
Ðùng một cái vào đầu thế kỷ 21, Việt Nam bỏ luôn chữ “phó”, tất cả phó
tiến sĩ ngủ dậy sau một đêm bỗng dưng trở thành tiến sĩ. Ðồng thời, các
trường đại học Việt Nam cũng làm luôn việc nghiên cứu sinh và tự cấp
bằng tiến sĩ, đồng loạt, như một phong trào. Trường Nguyễn Ái Quốc, cái
nôi đào tạo cán bộ chính trị cho đảng cộng sản Việt Nam (ÐCSVN), nơi
giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lenin đã bị vứt vào sọt rác lịch sử, cũng cấp
bằng tiến sĩ. Văn bằng tiến sĩ từ đây được sản xuất nhanh chóng, đâu đâu
cũng thấy, trở thành một đề tài cho công chúng đàm tiếu, khinh thường,
chẳng có một chút giá trị nào trên học đường quốc tế.
Cần phải lưu ý rằng, học vị tiến sĩ là văn bằng cao nhất trong hệ thống
đại học phương Tây, do đó hệ thống đào tạo tiến sĩ của họ được thiết lập
rất chặt chẽ và nghiêm chỉnh.
Chương trình đào tạo tiến sĩ là để cung cấp cho xã hội những nhà khoa
học chuyên nghiệp và giáo sư đại học tương lai, những người am hiểu
chuyên sâu một lĩnh vực nào đó, có khả năng phát hiện, thiết kế thí
nghiệm hay nghiên cứu giải quyết vấn đề, có khả năng phân tích và diễn
giải kết quả nghiên cứu, có khả năng truyền đạt kết quả nghiên cứu đến
đồng nghiệp trong chuyên ngành và công chúng.
Trong khi ở Việt Nam, các vị lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh
nghiệp trên các tấm danh thiếp đều có hai chữ “tiến sĩ”. Chưa có quốc
gia nào trên thế giới khi xuất hiện trên báo chí học vị “tiến sĩ” được
gắn kèm với các nhà lãnh đạo nhiều như ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất Ðông Nam Á
nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất của khu vực,
không có một trường đại học nào của Việt Nam nào được đứng trong bảng
xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Ông Nguyễn Khắc Hùng, cựu
chuyên viên đối ngoại, Học Viện Hành Chính Quốc Gia từng nói số người
có bằng tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản.
Dốt hay phô trương. Mặc cảm dốt nát và thua thiệt về văn hóa, các quan
chức phải lấy cái mác “tiến sĩ” gắn vào cho mình, như là một thứ bùa hộ
mệnh.
Ngoài sự khoe khoang, háo danh, sĩ diện, bằng cấp cũng là chiếc giấy
thông hành trên con đường lọt vào các cơ quan nhà nước và leo lên các
bậc thang quyền chức. Cho nên trào lưu “chạy” bằng giả lan tràn, trở
thành phổ biến trong xã hội Việt Nam.
Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch Hà Nội, học kém, chật vật kiếm được cái bằng
kiến trúc sư ở Ba Lan, nhưng khi có chức, có quyền phải kiếm bằng được
bằng “tiến sĩ” của trường... Nguyễn Ái Quốc. Kiếm bằng cách nào chỉ có
trời biết! Ðây là một trong vô vàn ví dụ, trong chính sách chiến lược lạ
lùng của Hà Nội, đến năm 2020, 100% công chức diện thành phố quản lý
(cấp chi cục trưởng và chi cục phó) có bằng tiến sĩ!
Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch tỉnh Phú Thọ đã
có học vị tiến sĩ với đề tài “vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển
kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ” từ trường đại học Nam Thái Bình Dương của
Mỹ. Trong khi đó ông Ân không hề biết tiếng Anh, chỉ có bằng cử nhân tại
chức kinh tế-quốc dân khóa 24 (lớp học được tổ chức tại thành phố Việt
Trì)!
Nguyễn Văn Ngọc, thời điểm còn là Phó bí thư tỉnh ủy Yên Bái, chỉ trong
vòng 6 tháng đã “dùi mài kinh sử” với 17 ngàn USD, cũng trở thành “tiến
sĩ” của đại học Nam Thái Bình Dương.
Trong khi đó, trường đại học Online này không được thừa nhận về tiêu
chuẩn (unaccredited), bị báo chí phanh phui từ nhiều năm qua.
Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Vinalines, người vừa nhận
án tử hình vì tội tham nhũng, đi xuất khẩu lao động ở Cộng Hòa Dân Chủ
Ðức, về Việt Nam và làm cán bộ bình thường, đi học lớp tại chức tại đại
học hàng hải, rất nhanh sau đó lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ kinh tế.
Tiến sĩ kinh tế này đã làm Vinalines nợ nần, thất thoát hàng tỷ đô la.
Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch UƯy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, sử dụng
bằng “tiến sĩ” tài chính qua chương trình đào tạo từ xa của La Salle
(khác với đại học La Salle tại Pennsylvania), cũng là một trường “rởm” ở
Mỹ.
Ông Phạm Minh Hạc, giáo sư của Bộ GD & ÐT đã từng nói trong bài “Cán bộ xài bằng giả để kiếm cái ghế” (bee.net.vn):
“Tôi còn nhớ năm 2001, Bộ GD & ÐT phát động phong trào thanh tra
bằng giả, đưa nó thành chủ trương của ngành. Ðến năm 2005, sau 4 năm, đã
phát hiện được 10 ngàn bằng giả. Số bằng giả này chủ yếu tập trung ở
công chức nhà nước trong đó có cả cán bộ cấp cơ quan trung ương”.
Trong bài “Bằng giả: Sờ đâu dính đó!”, ngày 06 Tháng Mười, 2012, tờ Người Lao Ðộng viết:
“Năm 2003, Ban Chỉ Ðạo Kiểm Tra Văn Bằng, Chứng Chỉ tỉnh Cà Mau phát
hiện tỉnh này có trên 600 trường hợp cán bộ sử dụng bằng cấp có vấn đề.
Trong đó, nhiều cán bộ đảm nhiệm những chức vụ quan trọng đã bị xử lý kỷ
luật. Tuy nhiên, đa số những người này vẫn cứ thăng quan tiến chức.”
Tại phiên họp ngày 25 Tháng Hai năm 2014 của Hội Ðồng Quốc Gia Về Giáo
Dục và Phát Triển Nhân Lực giai đoạn 2011-2015, Bộ Trưởng Bộ GD & ÐT
Phạm Vũ Luận nói “thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng
chất lượng giả chỉ có thể ‘chui’ vào hệ thống công chức nhà nước, chứ
không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”.
Ðương nhiên, các công ty tư nhân là những doanh nghiệp lời ăn, lỗ chịu,
họ phải thận trọng kỹ càng trong việc tuyển dụng, mà đối với họ, không
quá coi trọng bằng cấp, chủ yếu là năng lực chuyên môn, tay nghề.
Cho nên, nếu quay lại câu hỏi “15.000 tiến sĩ đang làm việc ở những
đâu?”, quá dễ dàng để thấy rằng, những tiến sĩ hữu danh, vô thực đang
nằm trong bộ máy cầm quyền, ăn tục nói phét, sáng cắp ô đi, tối cắp về.
Lực lượng “trí thức” rởm này là biểu tượng của lối sống tự sướng, kiêu
ngạo, giả dối, lưu manh của cả hệ thống.
Con đường xã hội chủ nghĩa mà “đến hết thế kỷ này chưa chắc đã thấy”
(lời của Tổng Bí Thư ÐCSVN Nguyễn Phú Trọng) được hô hào bằng những mỹ
từ trên các băng rôn, áp phích đỏ chót, giăng khắp nơi để lừa bịp xã
hội, lấp liếm sự ảo tưởng và giả tạo, y chang những cái bằng tiến sĩ vô
giá trị, một thứ hàng mã không hơn không kém.
Lê Diễn Đức
Theo báo Người Việt
Việt Nam và TPP cùng vượt qua thử thách
Mười
hai quốc gia đàm phán giệp định TPP bao gồm: Hoa Kỳ, Việt Nam, Nhật Bản,
Malaysia, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand, Canada, Mexico,
Chile và Peru. Các quốc gia này trải rộng trên ba châu lục, chiếm khoảng
40 phần trăm GDP toàn cầu và khoảng 30 phần trăm mậu dịch thế giới .
Như một phần trong chính sách “Trục châu Á –Thái Bình Dương” của Washington, Tổng thống Obama đã thực hiện các bước nhằm cố gắng tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng như với các nước khác ở châu Á. Đối với Hoa Kỳ, TPP được xem như là cách để tiếp tục củng cố mối quan hệ với châu Á và để đối trọng lại với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong khu vực của Trung Quốc. Tất nhiên, như với hầu hết các kế hoạch lớn, con đường phía trước không phải lúc nào cũng dễ đi.
Nếu TPP được ký kết thành công, thuế quan sẽ được gỡ bỏ đối với khoảng hơn 2 nghìn tỷ USD hàng hóa và giao dịch giữa các quốc gia ký kết hiệp định.
Theo tờ New York Times, TPP sẽ yêu cầu các nước ký kết “duy trì chế độ pháp lý tương thích, tạo thuận lợi cho các giao dịch tài chính của công ty, thiết lập các luật bảo vệ bằng sáng chế và bản quyền để quản lý quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài”.
Những cơ hội tốt ở phía trước
Việt Nam tin rằng TPP sẽ cho phép nước này tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới và duy trì thị trường truyền thống vốn đã có sẵn.
Trong vài năm trước, 50 phần trăm dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đến từ các nước thành viên TPP. Số tiền này dự kiến sẽ tăng sau khi thỏa thuận được hoàn tất.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Việt Nam, “dòng chảy vốn đầu tư để hỗ trợ các ngành công nghiệp, các dịch vụ giá trị gia tăng và các lĩnh vực công nghệ sẽ thuận lợi hơn cho việc thu hút đầu tư nhờ vào các quy định đầu tư do quy định của thỏa thuận TPP. Tái đầu tư vào các lĩnh vực truyền thông, tài chính, ngân hàng, giao thông cũng sẽ thực hiện dễ dàng hơn”.
Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Thông tin Gia Định, dự đoán rằng sản phẩm may mặc của Việt Nam, giày dép và đồ gỗ nội thất có thể sẽ đi vào các thị trường xuất khẩu mới một khi TPP giảm thuế nhập khẩu xuống mức không phần trăm.
TPP dự kiến sẽ giúp nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam. Ví dụ , hiệp định sẽ tăng số lượng các lợi thế thuế quan cho ngành công nghiệp đồ gỗ vì các đối tác xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam hầu hết đều tham gia ký kết TPP. Điều này sẽ làm cho các sản phẩm Việt Nam trở nên cạnh tranh như sản phẩm của Trung Quốc vì Trung Quốc không phải là thành viên trong TPP .
Hơn nữa, có dự đoán rằng TPP sẽ giúp Việt Nam tạo ra môi trường pháp lý minh bạch hơn. Để chuẩn bị cho TPP và thu hút các nhà đầu tư, cả nước đã và đang xây dựng chương trình sửa đổi luật đầu tư, đất đai, đấu thầu. Ngoài ra, TPP dự kiến sẽ tăng cường vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có thể giúp cải thiện công nghệ của Việt Nam cũng như các kỹ năng quản lý và phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng.
Sự ưu ái nằm ở đâu?
Tuy nhiên, đó không phải là con đường dễ đi đối với Việt Nam. TPP có thể gây nên một số hậu quả tiêu cực cho nước này, đặc biệt là việc cạnh tranh sẽ bắt đầu gia tăng gay gắt từ các quốc gia khác có thể dẫn đến sự thất bại của một số doanh nghiệp Việt Nam có công tác quản lý yếu kém. Hơn nữa, trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như các sản phẩm nông nghiệp thì nước naỳ sẽ không thể tận dụng lợi thế của việc cắt giảm thuế quan.
Thậm chí ngay ở Hoa Kỳ, TPP không phải lúc nào cũng được ưa chuộng. Hiện có cuộc chiến giữa khu vực được tổ chức tốt (có nghiệp đoàn) với các công ty đa quốc gia vốn hưởng lợi chủ yếu từ TPP. Những người phản đối gọi thỏa thuận này là “lén lút, phi dân chủ và giết chết việc làm”.
Dẫu vậy, khi chúng ta xem các thỏa thuận mậu dịch tự do khác từng có trong lịch sử, có thể biện luận rằng lợi ích kinh tế được xem nặng hơn so với các chi phí phát sinh từ thỏa thuận như TPP.
Đạo luật nông nghiệp của Hoa Kỳ vừa được thông qua đã tạo ra nhiều tranh cãi cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt là luật Dán nhãn Nguồn gốc Xuất xứ (COOL) đã tăng chi phí trong việc nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm nước ngoài.
Làm phức tạp thêm vấn đề, dự luật nông nghiệp có một điều khoản dành cho chương trình thanh tra cá da trơn do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) quản lý. Việt Nam thấy rằng chương trình này là một rào cản bảo hộ thương mại. Chương trình yêu cầu cá của các đại lý cá da trơn phải được kiểm tra bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nếu loại cá này đến từ những nơi như Việt Nam. Ngoài ra, các quốc gia xuất khẩu cá da trơn phải thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trong quốc gia của họ trước khi gửi sản phẩm của họ đến Hoa Kỳ, do đó làm tăng chi phí và thời gian liên quan đến việc sử dụng cá bên ngoài Hoa Kỳ.
Những người ủng hộ chương trình thanh tra nói rằng việc này giúp gia tăng an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, ngay cả Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ của Hoa Kỳ cũng cho rằng chương trình này là “lãng phí và không cần thiết”. Việt Nam đang cân nhắc động thái trả đũa để có thể bảo vệ ngành công nghiệp cá tra địa phương. Nhiều nhà phân tích cho rằng nước này có thể đưa vấn đề này ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nếu như vậy thì khả năng hoàn tất ký kết TPP có thể sẽ bị trì hoãn.
Tổng nhập khẩu trung bình cá tra hiện nay khoảng 19 triệu bảng Anh mỗi tháng. Các nhà xuất khẩu chính là Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Bangladesh và Brazil.
Mặc thương mại giữa hai nước vẫn còn một số vấn đề chưa giải quyết nhưng riêng trong năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 21,3% so với năm trước với tổng số lên đến 23,87 tỷ USD. Con số này chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Những mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Việt Nam đối với Hoa Kỳ trong năm 2013 là:
– Hàng dệt và may mặc (8,61 tỉ USD, tăng 15,5%)
– Giày da (2,63 tỉ USD, tăng 17,3%)
– Đồ gỗ (1,98 tỉ USD, tăng 12,2%)
– Máy tính, đồ điện tử (1,47 tỉ USD, tăng 57,6%)
– Thủy sản (1,46 tỉ USD, tăng 25,5%)
– Máy móc, công cụ, phụ kiện (1,01 tỉ USD, tăng 7,3%)
Riêng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ sang Việt Nam trong năm 2013 tăng 8,3% so với năm 2012, lên 5,23 tỷ USD.
Hãy để mọi thứ bắt đầu
Cả Việt Nam và Nhật Bản đều kêu gọi Hoa Kỳ hoàn tất thỏa thuận khung TPP trước chuyến thăm của Tổng thống Obama sang châu Á vào tháng Tư năm nay. Cả hai nước lo ngại rằng nếu Hoa Kỳ càng cần thêm nhiều thời gian để hoàn tất thì quá trình này lại càng có thêm khả năng Hoa Kỳ sẽ đưa ra thêm các thay đổi đối với bản thỏa thuận.
Trong khi đó, theo tờ báo Japan Times thì cả hai nước đều mạnh mẽ ủng hộ Hoa Kỳ trong vai trò tại châu Á và xem Washington “có ảnh hưởng nhất định nhằm ổn định tình hình khu vực hiện có nhiều vấn đề tranh chấp lãnh thổ”.
Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Edward Barbour-Lacey, Asia Briefing
Edward Barbour-Lacey hiện là Biên tập viên cấp cao của Asia Briefing
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC
Thư cầu xin cho ông nội cháu được tha tù
Trần Phan Yến Nhi - An Minh Bắc, ngày 09 tháng 3 năm 2014
Thư cầu xin cho ông nội cháu được tha tù
Kính gửi: - Ông: Trương Tấn Sang; Chủ tịch nước.
Cháu tên là: Trần Phan Yến Nhi; sinh
năm 1999 hiện cháu đang ở ấp An Hòa, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng
– tỉnh Kiên Giang. Cháu là cháu nội của Ông Nguyễn Hữu Cầu; sinh năm
1947. Người đã ở tù tổng cộng lên đến 39 năm hiện Ông cháu đang ở tù và
bị giam ở khu giam riêng, trại giam Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai.
Cháu thưa Ông Chủ tịch nước! Cháu gửi
Ông bức thư cầu xin cho Ông cháu được thả này là bức thư thứ 4 khi cháu
đi thăm Ông nội của cháu lần đầu tiên ngày 04/6/2013. Trước đó, Bà Cố;
Ông Nội; Cô và Cha của cháu đã viết hơn 500 lá đơn cùng thư kêu oan gửi
đi nhiều cơ quan xin được thả Ông Nội cháu, nhưng đơn cùng thư được gửi
đi không bao giờ có kết quả.
Chỉ tội cho cho linh hồn người kêu oan
cho Ông Nội cháu là Bà Cố của cháu đã ra đi mãi mãi nhưng Bà Cố cháu vẫn
chưa biết được những lá đơn của Bà đã đi đến đâu? và có kết quả gì?
Thật tội nghiệp cho Bà Cố. Cháu xin hứa trước linh hồn Bà là cháu sẽ
tiếp tục viết thư gửi đến Ông Chủ tịch nước để kêu cứu cho người con
trai duy nhất của Bà cũng là Ông Nội vô vàn kính mến của Cháu. Cháu cầu
nguyện Bà độ cho cháu được như ý nguyện Ông Nội cháu: Người tù “thâm
niên” sẽ được thả.
Cháu kính thưa Ông Chủ tịch nước!
Ông
Nội của cháu hiện mang rất nhiều bệnh tật, cụ thể như: Máu không lên
não thường hay bị xỉu, đau dạ dày thường xuyên, mắt trái bị mù, mắt phải
đã lòa, răng chỉ còn 1 cái lại bị suy tim khi nói chuyện phải dùng một
tay đỡ lấy ngực. Với bao nhiêu bệnh tật như thế mà Ông nội cháu tuổi đã
cao, sức đã kiệt cháu rất lo sợ là Ông của cháu sẽ để lại nắm xương tàn ở
chốn lao tù.
Cháu không biết Ông Nội của cháu mang tội gì nhưng bản án của Ông cháu là rất nặng, nặng hơn chữ “nặng”. Cũng vì bản án này mà:
Bà nội của cháu đi lấy chồng khác làm
cho gia đình ly tán vì không nuôi nổi 2 con là Cha và Cô cháu. Cũng vì
bản án này mà Bà Cố cháu trông con mòn mỏi để rồi lại ra đi mãi mãi.
Cũng vì bản án này mà Ông của cháu đánh mất tuổi thanh xuân. Cũng vì bản
án này mà làm cho gia đình cội nguồn của cháu ly tán 30 năm. Đúng 30
năm Cha của cháu mới biết được Ông của cháu đang ở tù và Cô ruột của
cháu đang sống ở xa do sự giấu diếm của Bà Nội cháu. Cũng vì bản án này
mà làm cho những giọt máu của Ông lại mất đi cội nguồn. Ông Nội ruột họ
Nguyễn, con trai ruột, hai cháu nội ruột lại mang họ Trần…đau và thật
đau khi nghĩ đến cuộc đời Ông. Ông nội an tâm cháu rất tự hào về Ông Nội
của Cháu.
Cháu thưa Ông Chủ tịch nước! Lúc cháu
đi thăm Ông Nội của cháu, ông cháu có nói là: có mấy lần trại giam kêu
Ông viết đơn nhận tội sẽ thả Ông nhưng Ông nói là Ông không có tội thì
làm sao mà viết đơn nhận tội và kêu cháu về viết đơn kêu oan tiếp tục
cho Ông Nội của cháu. Cháu xin Ông Chủ tịch nước xem xét việc này giúp
cho Ông Nội cháu.
Lúc gần tết ngày 14/1/2014 có hai Bác
công an gặp cháu và bảo Ông Nội cháu sẽ được thả trước tết ăn tết cùng
gia đình, thế rồi cũng không.. và cháu cũng chẳng thấy Ông Nội cháu được
thả.
Bao nhiêu thư kêu oan cùng đơn xin được
thả Ông Nội của cháu trải qua nhiều thế hệ nhưng thư và đơn có đi nhưng
không bao giờ có trở lại…
Vậy nay cháu viết thư này cầu xin Ông
Chủ tịch nước xem xét và cứu giúp cho Ông Nội của cháu một người tù
“thâm niên” lại mang rất nhiều bệnh tật được tự do trong khoảng thời
gian còn lại ngắn ngủi của cuộc đời Ông Nội cháu.
Nếu cháu được quyền hoán đổi cháu sẽ thực hiện giúp cho Ông Nội cháu hai việc sau:
Thứ nhất: Ông thả Ông Nội của cháu,
cháu sẽ ở tù thay cho Ông Nội cháu vì cháu còn trẻ làm được việc cho nhà
tù chứ Ông của cháu già rồi không còn đủ sức lực để làm việc nữa.
Thứ hai: Ông thả ông nội của cháu. Ông
Nội của cháu sống được bao nhiêu năm thì cháu sẽ chịu giảm tuổi thọ của
cháu bấy nhiêu năm.
Cuối thư cháu chúc Ông Chủ tịch nước thật nhiều sức khỏe và cháu hy vọng là lá thư này sẽ được đến tận tay Ông Chủ tịch nước./.
Cháu chào Ông
Cháu
Trần Phan Yến Nhi
*
Và cũng bức thư này cháu cầu xin quý
Ông/ Bà cộng đồng người Việt ở trong nước và ở nước ngoài cùng các quý
Tổ Chức Nhân Quyền lên tiếng tiếp thêm cho cháu để cứu giúp cho Ông Nội
của cháu thoát khỏi chốn lao tù. Cháu vạn lần cảm ơn quý Ông/ Bà.
Cháu chào Quý Ông/ Bà
Cháu
(Địa chỉ email của cha cháu: demlangthang20071973@gmail.com)
Khi Trung Quốc nắm yết hầu ngành gạo
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Hôm nay, họp riêng về việc lấy phiếu tín nhiệm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên trong năm 2013 đã được cử tri đánh giá cao, tạo sự tin tưởng trong nhân dân và cơ bản đã đạt được mục đích yêu cầu đề ra - Ảnh: Minh Thăng. |
Như VnEconomy đã đưa tin, trong phiên họp thứ 26 diễn ra từ ngày 10 đến
14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung
Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín
nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc
phê chuẩn.
Tại thông cáo báo chí phát đi sáng 11/3, trung tâm báo chí đã đề nghị
các cơ quan thông tấn báo chí không tham dự và đưa tin về nội dung nói
trên, sẽ diễn ra từ 14h - 15h30 chiều cùng ngày.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, ở phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết sẽ có văn bản xin
các đại biểu Quốc hội chấp thuận việc dừng lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp
tới.
Thông tin này đã nhận được nhiều ý kiến từ chính các vị đại biểu Quốc
hội. Trong đó, một số vị cho rằng việc tạm dừng hay tiếp tục sẽ do Quốc
hội quyết định, sau khi đã thảo luận tại phiên họp toàn thể vào kỳ họp
thứ bảy tới đây.
Ngày 7/3/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi văn bản đến tất cả các vị đại biểu Quốc hội về việc sửa Nghị quyết 35.
Tại đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, kết quả lấy phiếu tín
nhiệm lần đầu tiên trong năm 2013 đã được cử tri đánh giá cao, tạo sự
tin tưởng trong nhân dân và cơ bản đã đạt được mục đích yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội nhận được ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, kiến nghị
của thường trực hội đồng nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung
ương và một số cơ quan hữu quan về phạm vi đối tượng lấy phiếu, hình
thức mức độ tín nhiệm, cách thức tiến hành và công bố thông tin tín
nhiệm về thời gian lấy phiếu….
“Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu hoàn thiện, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội xin phép các vị đại biểu Quốc hội giao cho Ủy ban nghiên cứu
các ý kiến đóng góp nêu trên, sơ kết việc tổ chức thực hiện để sửa đổi
bổ sung hoàn thiện nghj quyết 35 trình Quốc hội vào kỳ họp thứ bảy. Việc
tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong thời gian tiếp theo sẽ do Quốc hội
quyết định khi tiến hành sửa đổi bổ sung nghị quyết số 35”, văn bản nêu
rõ.
Sau khi nhận được văn bản, một số vị đại biểu nói với VnEconomy rằng,
việc sửa đổi nên theo hướng chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm chứ không nên lấy
phiếu đại trà như vừa qua.
(VnEconomy)
Tô Văn Trường – Khổ nhất là khi định hướng sai
Hình:internet
Có một người mù hỏi thánh Anthony: “Trí
tuệ mẫn tiệp như ngài có phải chịu khổ điều gì không?” Người đáp:“Nhiều
chứ. Đó là những lúc ta định hướng sai!”
Đất nước Việt Nam có vị trí địa chính
trị rất đặc biệt, chịu tác động rất sớm ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung
Quốc cũng như tiếp xúc sớm với các nước phương Tây như Hà Lan, Pháp, Mỹ.
Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam có đặc thù đậm nét mang bản sắc dân tộc đó
là “tam vị nhất thể” gồm có: Nhà (từng gia đình); Làng (đơn vị cơ sở) và
Nước (cả dân tộc). Tất cả tam vị này hòa quyện làm một, tạo thành hồn
nước. Người yêu nước, nhất là ở cương vị lãnh đạo càng cần phải biết làm
cho cuộc sống bản thân trong… tam vị nhất thể.
Nhìn chung, trên thế giới, một trong
các yếu tố thành công nhất để đất nước phát triển là nhờ có người đứng
đầu là bậc hiền tài, giầu tài năng và đức độ, có tổ chức và cơ chế thuận
lợi để phát huy hết tài năng và đức độ làm giầu, làm đẹp, giữ vững và
mở mang đất nước, có định hướng đúng đắn phát triển bền vững của đất
nước.
Lịch sử nước VN cũng không thiếu những
bậc minh quân đã được ghi danh hiển hách với non sông đất nước. Tuy
nhiên, nếu đặt câu hỏi, Việt Nam vì sao đến giờ này vẫn còn định hướng
đi lên CNXH và vài thập niên gần đây có không, những bậc “anh tài” trong
thiên hạ, khiến dân chúng “tâm phục, khẩu phục”, liệu có những câu trả
lời? Hay chí ít, có không những quan chức, lãnh đạo được dân nể, dân
trọng, dân tin?
Chỉ riêng trong lĩnh vực chính sách
thôi, người ta đã thống kê vài năm trở lại đây, hàng loạt văn bản luật
của các cơ quan quản lý nhà nước, thường gặp phải phản ứng mạnh của dư
luận do tính thiếu khả thi trong thực tiễn. Hoặc không ít những phát
ngôn của các quan chức, bộc lộ tính ngô nghê, hời hợt, thậm chí xa lạ
với đời sống dân chúng. Nguyên nhân chủ yếu của vấn nạn này là do bất
cập của cơ chế tuyển chọn nhân sự và nguyên tắc ‘tập trung dân chủ’ bao
trùm lên xã hội ta đã gây nên.
Chúng ta đang sống trong cái xã hội mà
quốc nạn tham nhũng, nhóm lợi ích, sự vô cảm, thói quan liêu, xa rời
cuộc sống của nhân dân nó quá quen thuộc, nên gần như trở thành phải
chấp nhận mà sống. Những người tâm huyết luôn trăn trở với vận nước
thường hay bị sốc, và đau đớn, vì những gì mình chứng kiến, theo thời
gian cũng bình thản hơn rất nhiều. Vì hiểu đó là quy luật tất yếu của
một đời sống ‘chính trị hóa’ nặng nề toàn bộ đời sống xã hội theo kiểu
áp đặt. Giờ là lúc nó bộc lộ hết những hệ lụy của một chủ ý, một học
thuyết ấu trĩ, một ý thức hệ tư tưởng ngộ nhận mà cứ tưởng ta là thầy
thiên hạ.
Với sự phát triển của công nghệ thông
tin, dân trí xã hội ngày càng được nâng cao, càng đòi hỏi tầng lớp lãnh
đạo nâng cao trình độ, có tư duy sáng suốt và có trách nhiệm trước công
chúng, khi phát ngôn trước báo chí, khi huấn thị, hoặc phát biểu trước
các phương tiện thông tin đại chúng. Họ cần rất thận trọng, chuẩn bị chu
đáo khi gửi đi thông điệp.
Người dân cứ tưởng câu chuyện lãnh đạo
đi các địa phương thường chỉ đọc bài soạn sẵn và điệp khúc chán phèo
‘nuôi con gì, trồng cây gì’ đã trở thành dĩ vãng. Thì cách đây ít lâu,
cả một bộ sậu rất bề thế đi làm việc ở Sơn La, phát biểu trước truyền
hình ý kiến ‘chỉ đạo’, đã cho những câu vàng ngọc, đại ý: “Tôi đi thăm
Điện Biên thấy họ làm thế này, cho dân đóng góp vào việc xây dựng công
trình này, thế là nhà nước và nhân dân cùng làm, làm như thế là tốt đấy,
Sơn La nên học tập cũng làm như thế là tốt đấy!”…Nghe xong, mà buồn
miên man. Mình đã ngồi đáy giếng đến mức ấy rồi, lại còn bảo đứa kia
cũng ngồi đáy giếng phải làm giống con ếch ở… cái giếng bên cạnh!
Chúng ta có biết bao nhiêu chuyên gia
tâm huyết, những điều họ chỉ ra đã không được ai nghe, thậm chí còn bị
trù dập. Nhiều người, biết nhiều về hiện tình đất nước, họ cũng biết
nhiều về thế giới, nhưng họ khác những vị quan chức đang lãnh đạo ở chỗ,
họ biết phải trau dồi bản thân, họ biết phải học hỏi, phải tích lũy vốn
sống và nhận thức, họ biết tiếp cận với kiến thức chung của nhân loại,
họ thiết tha với dân và họ biết lắng nghe và họ biết là họ đang nói gì.
Ngược lại, có những quan chức đang ở vị
trí dạy bảo thiên hạ lại không biết nghe, nói về định hướng cho cả dân
tộc mà không nghĩ đến hậu quả nhãn tiền, nói mà không biết điều mình nói
có ý nghĩa gì cho ai hay không, toàn nói ‘dông dài’ như là để câu giờ
khi phải đứng trên cái bục phát biểu. Điều này, có một hệ lụy nữa là có
những vị đang ấn con cái và bồ bịch vào những vị trí như thế. Vì họ thấy
làm ‘cha thiên hạ’ không phải là khó, nói nhăng nói cuội thế nào cũng
xong. Con cái nhà nào đang làm gì, bồ những ai đang ở đâu, thiên hạ biết
cả, được vạch mặt chỉ tên hết cả, nhưng họ vẫn thản nhiên ‘làm duyên’
trước xã hội, và vẫn cứ tiếp tục ‘dấn thân’ và thăng tiến.
Nhân nói về tư duy làm chính sách và
định hướng của lãnh đạo, người dân có thiện cảm, ấn tượng nhất với Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh vì dám công khai nói
thẳng, nói thật những suy nghĩ của mình trong bài báo nói về ‘lấy đá ghè
vào chân mình’ kể cả lúc phát biểu thảo luận ở Quốc hội.
Chia sẻ với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh về
đầu tư công chính là mảnh đất màu mỡ của lãng phí, tham nhũng ở nước
ta. Tuy nhiên, ông Vinh phải thuyết trình với Quốc hội nó khác gì luật
ngân sách mà đầu tư công lại là một bộ phận quan trọng? Luật ngân sách
đã có mà không thực hiện nghiêm chỉnh thì bầy ra luật đầu tư công để làm
gì?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Nguồn hình: vietnamnet
Thí dụ ở Mỹ, tiền công quĩ (public
funds) của liên bang, tiểu bang, thành phố…là tài chính công thì chỉ
được đầu tư dưới dạng bỏ tiền vào ngân hàng, được quĩ bảo hiểm Liên bang
bảo hiểm, mua trái phiếu công chứ không được đầu tư vào trái phiếu, cổ
phiếu tư nhân. Còn đầu tư vào hạ tầng cơ sở hay công sở thì phải do bên
hành pháp thực hiện với sự đồng ý của Hội đồng nhân dân quyết định.
Lập luận của ông Bộ trưởng Bùi Quang Vinh về luật đầu tư công dễ tạo ra ảo tưởng bởi vì vấn đề cơ bản ở Việt Nam là:
Thứ nhất: Không phân biệt rõ ràng ngân
sách giữa địa phương và trung ương, do vậy mới có chuyện địa phương
quyết định đầu tư vào làm đường xá mà không có tiền, rồi lại cầu xin
trung ương cho tiền trả. Cần nhớ rằng về nguyên tắc, anh chỉ được thu
theo luật cho phép, và chi theo qui định của cơ quan chính quyền liên
quan quyết định, không thể chi cái mình không có.
Thứ hai: Đầu tư mà không thật sự cần sự
đồng ý của các cơ quan đại diện nhân dân như Quốc hội, Hội đồng nhân
dân. Điển hình là sự tự tung, tự tác của Chính phủ, hàng năm chi tiêu
vượt quá ngân sách Quốc hội cho phép từ 30-60%. Quyết định của Quốc hội
như thế khác gì tờ giấy lộn!
Thứ ba: Các doanh nghiệp nhà nước là
độc lập với ngân sách, không thể được quyền giữ lại thuế phải đóng về tự
đầu tư và cũng không thể hàng năm nhận tiền từ ngân sách để đầu tư. Anh
tăng vốn đầu tư thì anh phải bán trái phiếu công ty trên thị trường, và
phải chịu sự đánh giá trước khi được phép bán. Một doanh nghiệp nhà
nước cũng không thể tự tung, tự tác lập các công ty con như hiện nay…
Thật ra, luật đầu tư công là thừa vì
nước ta không thiếu luật chứ không phải vì một luật như thế là sai. Song
vì cái cơ chế hiện hành, nên luật thừa mà vẫn thiếu luật. Cái sai của
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh không phải ở chỗ ông đề xuất luật đầu tư công,
mà ở chỗ trong cơ chế của hệ thống chính trị hiện tại, có đề ra bao
nhiêu luật mới nữa cũng không đủ, vì nó thiếu hẳn một cơ chế cưỡng bách
thi hành luật. Hiến pháp còn phải đặt dưới cương lĩnh của đảng cầm quyền
(thực ra là đảng nắm quyền) thì còn luật nào được thực thi theo đúng
nghĩa của nó?
Chúng ta đang sống trong ‘thời loạn’.
Xã hội chúng ta đang mất kiểm soát. Thế hệ đang lớn lên không có chỗ dựa
về mặt niềm tin và mất phương hướng. Chúng ta làm băng hoại vị thế của
văn hóa ‘chân- thiện-mỹ’ trong xã hội, làm người lương thiện luôn sống
cảm thấy bất an, bất ổn, nhưng cũng không ít kẻ không biết sợ ‘lẽ phải’,
không biết sợ đạo lý, không cần những giá trị chuẩn mực, và không sợ bị
trừng phạt, bởi họ coi thường mọi thang bậc giá trị. Gia đình thì lỏng
lẻo, giáo dục kém, xã hội không có chỗ dựa nên sự tử tế bị xói mòn và
hiếm hoi, cái ác ngự trị, cái thiện bị coi là ngu, là dại.
Đạo đức xã hội phải dựa trên rất nhiều
nền tảng của xã hội văn minh đó là truyền thống về mọi mặt cả về tư duy
triết học, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, tôn giáo và rất nhiều phương
diện khác nữa. Trong khi đó, chúng ta gói hết lại dồn vào mớ lý thuyết
suông về đạo đức XHCN, nên chúng ta mới phải chứng kiến cái mớ hổ lốn
gọi là xã hội thời nay.
Để kết luận bài viết này, xin mượn lời
của bà Merkel Thủ tướng Đức, người từng sống dưới chế độ Xã hội chủ
nghĩa đã có nhận định chua chát về tính trung thực và dối trá trong cái
xã hội này đại ý:”Nếu không có thần kinh vững thì sẽ phát điên vì đi đâu
cũng gặp sự giả dối”.
Việt Nam cũng không khác lắm khi vẫn đi
theo lối mòn mà ngay cả người dẫn dắt đã phải công khai thừa nhận con
đường chúng ta đang đi đến cuối thế kỷ này không biết đã hoàn thiện
chưa?” Thật cay đắng. Chợt nhớ tới đối thoại giữa một người mù hỏi thánh
Anthony:”Có thể còn điều nào khổ hơn là bị mù không?” Ông thánh trả
lời: “Có, đó chính là lúc ngươi mất phương hướng!”
Người mù suy ngẫm một lúc rồi hỏi lại
thánh Anthony: “Trí tuệ mẫn tiệp như ngài có phải chịu khổ điều gì
không?”. Đáp: “Nhiều chứ. Đó là những lúc ta định hướng sai!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét