Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Thị trường và dân chủ - Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam "vô tình" thừa nhận tham nhũng

Thị trường và dân chủ

Triết lý của thị trường là kẻ mạnh phải thắng. Triết lý của dân chủ là kẻ yếu phải có cơ hội. Thị trường là một cơ chế chọn lọc tự nhiên. Thiếu cơ chế này, tất cả các doanh nghiệp được thành lập đều trở thành bất tử. Các doanh nghiệp ăn nên, làm ra bất tử đã đành.

Nhưng các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ cũng “không chịu chết”. Và rủi ro là những doanh nghiệp “không chịu chết” lại ngày càng trở nên trùng trùng điệp điệp. Điều này làm cho “những tế bào ung thư” tích tụ lại quá nhiều trong nền kinh tế. Sự di căn tất yếu sẽ xảy ra. Ngoài ra, một nền kinh tế không được thay máu thường xuyên sẽ rất nhanh chóng trở nên trì trệ, già cỗi và sụp đổ trước những biến động lớn của thời cuộc.


Nền kinh tế của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu trước đây đã sụp đổ một phần cũng vì sự trì trệ. Với tư cách là cơ chế chọn lọc tư nhiên, thị trường sẽ bảo đảm cho nền kinh tế có được “những cá thể” giàu sức sống và năng động, “những cá thể” có thể chiếm lĩnh không gian kinh tế ngày càng rộng lớn hơn.

Tất nhiên, thị trường là cạnh tranh. Những doanh nghiệp mạnh hơn sẽ chiến thắng. Để tiếp tục chiến thắng, tất cả các doanh nghiệp đều phải duy trì được sức sống mãnh liệt của mình, nghĩa là phải thường xuyên thay đổi để thích nghi với thời cuộc.

Vẫn có những doanh nghiệp sẽ không thích nghi được. Và điều gì sẽ xảy ra thì chắc chúng ta đều đoán được. Nếu sự tuyệt chủng có thể xảy ra được với loài khủng long hùng mạnh thì tại sao lại không thể xảy ra được với những doanh nghiệp yếu kém? Điều này thật là tàn nhẫn.

Tuy nhiên, áp lực liên tục về sự bắt buộc phải biến đổi để thích nghi thì vẫn nhân đạo hơn là sự yên bình giả tạo trước ngày “thảm họa băng hà” xảy ra. Dẫu sao chăng nữa, trong thế giới mà chúng ta đang sống, mọi sự bất tử đều trái với quy luật của tự nhiên.

Khác với loài khủng long, con người sống thành xã hội. Và các quy luật xã hội chi phối hành vi của con người. Dân chủ là một quy luật và một thành tựu của phát triển. Từ góc độ kinh tế chính trị học, đây là cơ chế bảo đảm được sự công bằng về lợi ích.

Về mặt lý thuyết, mọi công dân đều có quyền lực chính trị như nhau: Mỗi người một lá phiếu. Người dân có thể tác động lên chính sách, lên sự tái phân phối thu nhập thông qua lá phiếu của mình. Công bằng không có nghĩa là chia đều của cải, mà có nghĩa là chia đều cơ hội. Ai cũng có quyền trở nên giàu có là một chuyện. Ai cũng có cơ hội để trở nên giàu có là một chuyện khác.

Và ai cũng có năng lực để trở nên giàu có lại là một chuyện khác nữa. Công bằng đòi hỏi chúng ta phải bảo đảm được hai chuyện đầu trong ba câu chuyện nói trên. Đồng thời, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục và y tế. Vì đây là những lĩnh vực có thể tác động sâu sắc đến câu chuyện thứ ba. Mà cụ thể là: Tạo ra được sự công bằng nhiều hơn về năng lực.

Cơ hội cho những người nghèo là một vấn đề rất lớn của mọi chính sách phát triển. Sự bao cấp về kinh tế và điều kiện vật chất, không thay thế được cơ hội tham gia vào đời sống kinh tế và chính trị của đất nước. Một sự tham gia tích cực không chỉ làm cho những người nghèo trưởng thành hơn mà còn làm cho chính sách được đề ra đúng đắn hơn.

Thị trường có thể làm cho kinh tế phát triển, nhưng dân chủ mới có thể làm cho sự phát triển đó trở nên bền vững.
Ts Nguyễn Sĩ Dũng 
 
(Blog Kim Dung)

Trực Ngôn - Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam "vô tình" thừa nhận tham nhũng

Trước hàng loạt chứng cứ sai phạm của lãnh đạo Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (LHHVN) được đăng trên trang Dân Luận trong 5 bài báo liên tiếp, toàn bộ lãnh đạo LHHVN cứng họng, không cãi vào đâu được, nên rất điên rồ, lồng lộn… Họ đang ra sức tuyên truyền với cán bộ trong cơ quan rằng: Dân Luận là trang mạng phản động, những người xem và phát tán, gửi đường link sẽ bị công an ghi sổ đen… Thật hài hước, giữa thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay mà họ vẫn dùng phương thức tuyên truyền từ giữa thế kỷ trước. Cán bộ trong cơ quan toàn người có học cả, đâu dễ bị lừa. Ông cựu Ủy viên Trung ương đảng Đặng Vũ Minh xem chừng vẫn thích chụp cho người ta cái mũ “thế lực thù địch”, cứ đuối lý, không cãi lại được sự thật thì quy tất vào là bọn chống đối, phá hoại sự nghiệp tham nhũng của các ông.

Bên cạnh việc đe nẹt nhân viên trong cơ quan, mặt khác họ cho đăng đàn “phản pháo” trên các báo của chính hệ thống LHHVN như Tầm nhìn, Khoa học và đời sống… hay trang mạng lèo tèo mỗi ngày trên dưới 100 lượt người truy cập vusta.vn… Chúng tôi ghi cụ thể tên báo để bạn đọc có thể mở xem, giúp họ có thêm lượng người truy cập chút. Trên chính những trang này, với lời hùng hồn của ông Tổng thư ký Phạm Văn Tân, ông Phó Tổng thư ký Phạm Bích San và ông Đặng Vũ Cảnh Linh (cháu của ông Chủ tịch Đặng Vũ Minh) đã chính xác hoá số liệu đã công bố trên Dân Luận. Ví dụ: chúng tôi đưa thông tin “Trong 6 năm qua Ban Thông tin và Phổ biến kiến thức tiêu hết 13.860 triệu đồng ngân sách KH&CN”, thì trên trang vusta.vn của chính mình, Đặng Vũ Cảnh Linh khai: “Mỗi năm Ban Thông tin và Phổ biến kiến thức được cấp trên 3 tỷ đồng”; Dân Luận đăng: “trong 6 năm qua 26 tỷ đồng cho công tác tư vấn phản biện” thì ông Phạm Bích San – Phó Tổng thư ký LHHVN khẳng định trong bài phỏng vấn báo KH&ĐS: “mỗi năm chúng tôi được cấp từ 5-6 tỷ đồng cho công tác tư vấn phản biện”. Vậy bạn đọc thấy con số chúng tôi đưa ra còn “khiêm tốn” hơn sự thật. Con số chúng tôi được rút ra từ những tài liệu phát trong các cuộc họp khác nhau. Còn số liệu trên những trang báo mà lãnh đạo LHHVN cho đăng những ngày này là số liệu “khoe tiêu tiền” như một thành tích làm việc. Những số liệu của LHHVN luôn luôn được cấy, như những thầy cô giáo cấy điểm khống cho học sinh vậy. Những ngày này, họ đưa con số tiêu được rất nhiều, nhiều tiền… để chứng minh họ đang làm được rất, rất nhiều việc… “rửa tiền”, “tham nhũng”. Chúng tôi khẳng định họ tham nhũng, chỉ vẽ việc vô bổ để rút tiền nhà nước vì bạn đọc có thể kiểm chứng, không hề có công trình tư vấn phản biện nào có chút tác dụng cho xã hội dưới thời ông Đặng Vũ Minh lãnh đạo LHHVN!

Trở lại thời kỳ những lãnh đạo trước, trong giới khoa học còn nhắc đến vai trò của các bậc tiền bối như hai vị cố Chủ tịch là: GS.TS Hà Học Trạc, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng. Ngoài ra còn các nhà khoa học tâm huyết giúp việc như PGS.TS Tô Bá Trọng, TS. Nguyễn Trọng Khanh, TS. Nguyễn Mạnh Đôn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong việc phản biện dự án Thuỷ điện Sơn La. Công trình phản biện này được làm bởi những nhà khoa học tài năng, tâm huyết, có ý nghĩa xã hội cao, được Chính phủ chấp thuận… cũng vì thế mà Thủ tướng ban hành Quyết định số 22/2002/QĐ/TTg giao công tác tư vấn phản biện (TVPB) cho LHHVN. Thời kỳ đó, chưa có những kẻ chỉ nhắm vào xôi với thịt này làm lãnh đạo cơ quan. Trong QĐ 22/2002/QĐ/TTg nêu rõ chỉ TVPB những “chương trình, đề tài, dự án có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm và đa ngành, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH quốc gia”. Sau thời GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, thì sự biến tướng đã xảy ra. Mấy ông lãnh đạo ngày nay có tài “đánh tráo khái niệm”, các ông tự sản, tự tiêu hàng chục cái gọi là đề án “nghiên cứu tư vấn, phản biện” và hàng chục “Hội thảo tư vấn, phản biện”…không mang lại chút lợi ích dân sinh nào. Bạn đọc ai biết hãy chỉ ra cho chúng tôi rõ, trong 5 năm gần đây, có cái phản biện nào có giá trị xã hội như phản biện về phương án xây dựng Thuỷ điện Sơn La không?, hoặc có tác dụng trực tiếp giúp người nông dân như việc xử lý dịch cúm gia cầm ở vùng dịch không?

Tư vấn phản biện về nguyên tắc là được đặt hàng, được trả tiền. Nhưng hiện nay hầu hết tư vấn phản biện ở LHHVN là “vẽ” ra để rút tiền ngân sách chia nhau. Không nơi đặt hàng, không nơi ứng dụng, chỉ có tiền ngân sách đã được hợp thức hoá bằng những đề tài và những hội thảo làm ít sít ra nhiều. Tham nhũng qua kênh tư vấn này “ngon ăn” nên lãnh đạo LHHVN ngày càng đổ nhiều tiền vào mảng này, ngân sách chi tăng đột biến, khiến cho LHHVN ngày nay chẳng còn có hoạt động khoa học và kỹ thuật nữa, mà chỉ tư vấn và phản biện thôi (không ai nghe, chẳng ai ứng dụng). Thời kỳ làm hiệu quả như trước thì chỉ chi hết 2-3 tỷ/năm; còn bây giờ thì sao: năm 2013 không có nổi một cái tư vấn phản biện nào được xã hội biết đến nhưng ngân sách chi cho khoản này gần 6 tỷ, năm 2014 số liệu duyệt cho phép là 6,2 tỷ. Có tiền rồi thì họ vận động cho ra cơ chế, thế là cái Quyết định 22/2002/QĐ/TTg từ năm 2014 được thay thế bằng Quyết định 14/QĐ-TTg để chính thức hoá khoản chi ngân sách từ cho khoa học công nghệ thành cho tư vấn phản biện, từ nay tha hồ mà phá tiền.

Vi phạm pháp luật trong quản lý tài chính và hạch toán kế toán:

Đứng về cơ chế chính sách tài chính đều có điều khoản rõ ràng, mà như dân kế toán bảo nhau thì đồng mua mắm, đồng mua tương là khác nhau.

Trong trường hợp chi hạch toán sai, thì dù có không có dấu hiệu tham ô, số tiền chi sai mục đích cũng bị xuất toán. Vậy mà ở LHHVN thì sao:

Bộ Tài chính có thông tư số 27/TT-BTC ngày 1/4/2003 về cơ chế chi tiêu kinh phí cho tư vấn, phản biện, nhưng những đề tài, dự án TVPB ở LHHVN lại áp dụng theo thông tư 45/TTLT-KH&CN-TC về chi cho nghiên cứu khoa học. Sự khác biệt ở đây là gì? Đó là lập lờ đánh lận con đen của cả một bộ máy nhằm biển thủ hàng chục tỷ bỏ túi. Cơ chế chi cho TVPB được định mức thấp hơn so với chi cho nghiên cứu khoa học. Chính do vậy họ “sáng tạo” theo kiểu treo đầu dê, bán thịt chó. Đảo tráo tài khoản của các mục chi để hợp thức hoá theo cả một quy trình hệ thống do lãnh đạo chỉ đạo kế toán thực thi. Để dễ bề chi tiêu, che mắt thiên hạ, ông Phạm Văn Tân xúc tiến thực hiện đánh bóng cái gọi là “Chương trình tuyên truyền, phổ biến thông tin về TVPB trên hệ thống báo chí của LHHVN”.

Đồng tiền làm mờ mắt, họ trà đạp tất, kể cả Nghị quyết của Bộ chính trị:

Ngày 16 tháng 4 năm 2010, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42/CT/TW quy định hoạt động TVPB của LHHVN chỉ trong lĩnh vực KH&CN, giáo dục - đào tạo, nhưng lãnh đạo ở LHHVN tự “vẽ rắn thêm chân”, nghĩ ra đủ thứ đề án, đề tài không thuộc các lĩnh vực trên để nuốt trôi hàng chục tỷ trong những năm qua.

Những dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý tài chính này rất dễ kiểm chứng khi có một cơ quan kiểm toán độc lập, hoặc Thanh tra chính phủ vào điều tra.

Đất nước ta còn nghèo, người dân còn đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nếu những đồng tiền ngân sách được chi tiêu đúng mục đích thì 44 tỷ/năm của LHHVN đã cho ra đời rất nhiều ứng dụng thực tế để cải thiện nâng cao năng suất cây trồng, những công nghệ sau thu hoạch để tăng giá trị sản phẩm, những cải tiến kỹ thuật để không phải nhập máy móc từ nước ngoài với giá “cắt cổ”… Mà thôi, dù chẳng làm được gì, thì để xây trường lớp cho học sinh vùng sâu, vùng xa không còn cảnh học trong nhà tranh vách liếp nữa cũng tốt hơn vạn lần để lũ lãnh đạo vô sỷ của cái cơ quan xôi thịt có tên là LHHVN này tư lợi. Trực Ngôn tôi kính nhờ bạn đọc nào quen biết các cơ quan kiểm toán, thanh tra, hãy thông báo cho họ biết loạt bài này để họ đến làm việc.

LHHVN còn nhiều những việc tham ô, tham nhũng, trà đạp luật pháp, mua quan bán chức, Trực Ngôn hẹn bạn đọc ở những bài viết tiếp theo.

Chúng tôi cũng xin tiết lộ thêm, mặc dù bị lãnh đạo LHHVN đe nẹt cũng như tuyên truyền láo, nhưng những người cung cấp thông tin cho chúng tôi không hề nao núng, ngày càng có thêm người liên lạc với chúng tôi để tố cáo sai phạm của lãnh đạo LHHVN, mới đây nhất là cán bộ của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - một cơ quan trực thuộc LHHVN.
Trực Ngôn
(Dân luận)

Báo Nhân dân lại “đánh” tiếp hàng loạt trí thức lớn

Theo Chép sử Việt

Hơi mất thì giờ và mệt vì phải đọc và bình phẩm về thứ ngôn ngữ kỳ quái trên những bài thuộc chuyên mục “Bình luận – Phê phán” của tờ báo đầu đảng gọi là “Nhân dân”, nên chỉ xin ghi chú, trích dẫn (*) bài viết dưới đây, giúp độc giả dễ nhận ra các bài cùng những người được “đánh”, mà không đi vào bình về cách “tham lam” trong bài, khi tác giả xông vào phê phán, chỉ trích bừa bãi hàng loạt bài viết, trả lời phỏng vấn của những nhà văn, trí thức có tiếng.

Có điều buồn cười nho nhỏ là một tác giả có thể tạm gọi là “vô danh tiểu tốt” vì dùng “bí danh”, “ẩn danh” đúng kiểu báo đảng (chứ chẳng phải bút danh của một cây viết tiếng tăm nào cả), thế mà dám lớn giọng bàn chuyện học thuật rất ghê, chê trách, chụp mũ “lập trường quan điểm” của những “cây đa cây đề” trong làng văn hóa. Có lẽ không dám để tên thật, mặc dù có đảng và lực lượng “còn đảng còn mình” đầy quyền sinh sát chở che, chính là sợ thiên hạ chê cười cái lối “táo gan” (vì nhờ nấp đóng … đảng) kiểu này.

Và xin nhắc lại một nghi vấn mà ở bài trước - Báo Nhân dân “đánh” các nhà văn Võ Thị Hảo và Nguyễn Bình Phương đã nêu, là “Phải chăng đây sẽ là một khởi đầu cho chiến dịch tấn công những nhà văn đã và có thể sẽ tham gia vào Văn đoàn độc lập Việt Nam, mà mới cách đây ít ngày đã ra đời Ban vận động thành lập, do Nhà văn Nguyên Ngọc đứng đầu?” Bởi vì trong số các nhân vật được “đánh” lần này, cũng có tên 2 vị trong danh sách vận động “Văn đoàn độc lập VN”.

Báo Nhân dân

Thứ hai, 10/03/2014 – 10:32 PM (GMT+7)
“Xét lại lịch sử” như vậy để làm gì?

Xét lại lịch sử để rút ra bài học cho hiện tại, đó là một trong những biểu hiện của sự trưởng thành của ý thức dân tộc trong khi tự đánh giá về mình, để qua đó phát huy các giá trị tích cực, khắc phục các hạn chế.

Nhưng xét lại lịch sử để đề cao một số nhân vật, triều đại vốn không được khẳng định với ý nghĩa tích cực, thậm chí khơi dậy một số xu hướng tinh thần trong quá khứ để phủ nhận hiện tại là hiện tượng cần phải xem xét, bởi nếu không sẽ đưa tới sự ngộ nhận…

Hơn 60 năm về trước, trên khu đất cạnh đền Bà Kiệu (Hà Nội) có đặt tấm bia liên quan tới A. de Rhodes (Ðắc Lộ) – nhà truyền giáo người Pháp, đã được một số người xác định là “có công chế tác chữ Quốc ngữ”. Về sau, tấm bia không còn và cũng không thấy ai nhắc tới. Vậy mà năm trước, tấm bia cùng “công ơn” của A. de Rhodes đã trở lại. Có người còn yêu cầu phải tạc tượng, đặt tên đường mang tên A. de Rhodes. Thậm chí có người coi tấm bia thất lạc là “do tư tưởng hẹp hòi không phù hợp với đạo đức của dân ta”, và “vào thập niên 80 trên vị trí này đã dựng tượng đài Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh và người ta cũng quên luôn nhà bia đó”!

(1) Một số tác giả đã cố chứng minh, khẳng định “công lao” A. de Rhodes, nhưng hầu như không ai nhắc tới vai trò của những người đi trước ông này. Thí dụ, dù là tham khảo thì vẫn nên lưu ý mục từ A. de Rhodes trên Wikipedia cho biết vào năm 1961, trên nguyệt san MISSI của các linh mục dòng Tên người Pháp từng viết: “Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng mình cha Ðắc Lộ khởi xướng ra chữ Quốc ngữ. Trước đó, các cha thừa sai dòng Tên người Bồ Ðào Nha ở Ma Cao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng các mẫu tự la-tinh rồi”, và A. de Rhodes cũng đã thừa nhận: “Khi tôi vừa đến Nam Kỳ và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế… Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi”. Nghĩa là trước A. de Rhodes đã có người phương Tây hiểu và nói được tiếng Việt.

Các nhà nghiên cứu có thể còn bàn thảo về việc chữ Quốc ngữ hình thành thế nào, phát triển ra sao,… nhưng dù vậy khó có thể bác bỏ điều nhà báo Phan Quang đã viết trong bài Quá trình hình thành chữ quốc ngữ: “Tuyệt đại bộ phận các nhà nghiên cứu phương Tây cũng như Việt Nam từ trước tới nay không ai quy công đầu cho một tác giả đơn nhất mà đều khẳng định chữ quốc ngữ là sáng tạo tập thể, mỗi người góp phần một ít; những vị đi trước mở đường, những người kế tiếp hoàn thiện, nâng cao. Hình thành chữ quốc ngữ là một quá trình. Hoàn thiện nó cũng là một quá trình chỉ có thể tạm ngừng chứ không kết thúc, vì nó là một cơ thể sống đang phát triển”.

Thời gian gần đây việc “đánh giá lại” một số người vốn không được đề cao trong lịch sử đang được một số tác giả quan tâm như kết quả của “nhận thức mới”!? Ðề cập việc đánh giá một triều đại chỉ trong hơn thế kỷ từng xảy ra hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân, một nhà sử học đã cho rằng “chưa thỏa đáng, chưa khách quan” vì đó là “thời kỳ mà nền sử học Mác-xít đang hình thành nên sự ấu trĩ, giáo điều, công thức buổi đầu là không tránh khỏi” (2). Ðánh giá như thế, phải chăng ông đã quên các câu nói lưu truyền hằng trăm năm nay về việc “mãi quốc, khi dân”, “Vạn niên là Vạn niên nào”,… mà các câu nói đó đâu phải là kết quả nghiên cứu của nền sử học “đang hình thành nên sự ấu trĩ, giáo điều, công thức”? Hơn nữa nói như vậy, chẳng lẽ mấy năm trước, một số nhà nghiên cứu chỉ dựa vào một cuốn sách không có tác giả, không rõ niên đại để khẳng định lai lịch một ngôi đền ở Hà Nội, hay một nhà sử học lên vô tuyến truyền hình nói như đinh đóng cột rằng: “Trần Hưng Ðạo là một trong tứ bất tử của văn hóa truyền thống Việt Nam”(!) (3) cũng là kết quả nghiên cứu của nền sử học “đang hình thành”? Nhưng có lẽ nổi trội trong xu hướng “xét lại lịch sử” là việc một vài người sử dụng thủ pháp hiện đại hóa quá khứ để làm sống lại vấn đề “khai dân trí, trấn dân khí, hậu dân sinh”, rồi khẳng định “vấn đề lãnh thổ, khôi phục lãnh thổ quốc gia, tức vấn đề độc lập, được coi như là một bộ phận cần thiết nhưng không phải là cứu cánh của chương trình dài hạn rộng lớn, cơ bản hơn nhiều” (4) ! Và lập tức có tác giả hùa theo, như năm 2010, PGS, TS PVC (5) nói: “Tôi từng phát biểu ngay trong lễ trao giải Phan Chu Trinh: “Khẩu hiệu của chúng ta là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”; phương châm ấy thua xa các cụ ngày xưa đã chủ trương là “khai dân trí, trấn dân khí, hậu dân sinh”. Dân sinh là vấn đề cuối cùng, tuy rất quan trọng nhưng vẫn phải đặt khai dân trí, trấn dân khí lên hàng đầu, rồi hậu dân sinh sẽ đến như hệ quả tự nhiên. Còn dân giàu đâu phải là giá trị tự thân, nước mạnh cũng không phải là giá trị tự thân. Nếu lấy tiêu chí đó làm đầu thì ta suốt đời thua thiệt, chạy đuổi nước khác cũng không lại. Mà mạnh thì mạnh đến đâu, phải

bằng Mỹ, Nhật, Pháp hay Trung Quốc? Mà mạnh làm gì? Không những thế, ta lại đặt những ba tiêu chí: công bằng, dân chủ, văn minh trên một mặt bằng xã hội là bất khả thi. Chúng ta cần phải tìm những giá trị cao nhất, nhưng giá trị ấy là gì, ở đâu?… Ðã đến lúc cần sắp xếp lại hệ giá trị, dân giàu nước mạnh là những phương tiện, nhưng không phải là mục đích”!

Ý kiến trên đây không phải là kết quả của suy nghĩ chín chắn, thấu đáo. “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là hệ thống yếu tố được xác định là mục tiêu mà nước Việt Nam hiện tại cần vươn tới, còn “khai dân trí, trấn dân khí, hậu dân sinh” là các biện pháp Phan Châu Trinh đề ra ở đầu thế kỷ 20 với hy vọng qua đó có thể chấn hưng dân tộc. Với phương pháp khoa học và nhãn quan tỉnh táo, không ai so sánh mục tiêu cụ thể mà một xã hội xác định cần phấn đấu đạt tới với các biện pháp có tính cách là giả định của một xu hướng tinh thần. Là hệ thống yếu tố nên mục tiêu có tính đồng bộ, toàn diện, không xác định mục tiêu nào phải đạt trước, mục tiêu nào sẽ đạt sau. Còn biện pháp của Phan Châu Trinh, vì chữ “hậu” của nó, mới đặt vấn đề việc gì làm trước, việc gì làm sau. Không phân biệt sự khác nhau nên vị PGS, TS đã đi xa hơn người khởi xướng, từ đó phủ nhận các mục tiêu mà cả dân tộc Việt Nam đang phấn đấu vươn tới. Nên PGS, TS mới không muốn “nước mạnh, dân giàu”, vì theo ông “mạnh làm gì?”, và ông coi “dân sinh là vấn đề cuối cùng… sẽ đến như hệ quả tự nhiên” của “dân trí, dân khí”! Nói cách khác, ông không quan tâm tới việc đồng bào có cơm ăn, áo mặc, được học hành hay không, ông coi có “dân trí, dân khí” là sẽ có tất cả! Thử hỏi với tinh thần duy thức luận duy tâm chủ quan như vậy, ông PGS, TS muốn đưa đất nước này đi đến đâu. Phải chăng theo ông Nhà nước không cần phải triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo, không cần phải hỗ trợ kinh tế cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn,… chỉ cần “khai dân trí, trấn dân khí” là có cuộc sống ấm no?! Lịch sử nhân loại cho thấy từ xưa đến nay chưa có một đất nước, dân tộc nào bị cướp đoạt chủ quyền, bị nước ngoài đô hộ, lại có thể tự phát triển, giành lại độc lập qua việc “khai dân trí, trấn dân khí”. Các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân đô hộ chỉ có thể phát triển sau khi tự mình đấu tranh giành độc lập hay được trao trả độc lập vào lúc chủ nghĩa thực dân đã không thể đương đầu với phong trào giải phóng dân tộc. Từ lịch sử của đất nước có thể nói “dân trí, dân khí” có vai trò rất quan trọng, và ngày nay, trước rất nhiều thách thức, trước sự tha hóa một số giá trị văn hóa, cần phải tiếp tục nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, nhưng không thể vì thế mà xao nhãng chăm lo phát triển đời sống mọi mặt của toàn xã hội. Mặt khác, trong một thế giới đã có rất nhiều thay đổi, việc Nhà nước chủ động kết hợp đồng bộ những biện pháp cụ thể để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hợp tác với các quốc gia, dân tộc khác cùng phát triển,… không chỉ là kết quả của quá trình tự ý thức, mà còn là một biểu thị cụ thể cho tư cách làm chủ một đất nước độc lập, có chủ quyền.

Xem xét lại quá khứ, đánh giá lại quá khứ là nhu cầu chính đáng của mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc, vì đó là một trong các yếu tố giúp con người và cộng đồng có suy nghĩ, hành động đúng đắn hơn trong hiện tại, tương lai. Tuy nhiên, việc một số người nhân danh “nhận thức mới” nhưng bỏ qua quan điểm lịch sử – cụ thể để đánh giá một số cá nhân và triều đại đã đưa tới sự hồ nghi về động cơ, mục đích thật sự của sự xem xét? Bởi không ngẫu nhiên gần đây, một blogger đã công bố entry Khi nghề xuyên tạc lịch sử lên ngôi để cảnh báo. Ðánh giá nghiêm túc về hiện tượng này là thái độ đối với quá khứ – thái độ khách quan, khoa học và công bằng.

 CẨM KHÊ



* Mời xem:

1- PGS Hà Đình Đức: Nên dựng lại nhà bia Alexandre de Rhodes trên vị trí cũ bên Hồ Gươm (Hà Nội mới, 9/5/2004). “Không biết ai đã phá bỏ nhà bia này? Tấm bia đã từng làm đe ghè của mấy anh thợ khoá rồi làm bàn của bà bán nước chè chén, rồi lang thang phiêu bạt ra tận bờ sông Hồng. Vào thập niên 80 trên vị trí này đã dựng tượng đài: “Cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh” và người ta cũng quên luôn nhà bia đó.”

2- Giáo sư Tương Lai : Lựa chọn văn hóa, giải quyết “bi kịch” sử (Tuần VN/THVL, 19/6/2008). “Nguyên nhân của bi kịch ấy có nhiều, song đúng như phân tích của GS Phan Huy Lê “về sử học thuần túy, đó là thời kỳ mà nền sử học Mác-xít đang hình thành, nên sự ấu trĩ, giáo điều, công thức buổi đầu là không tránh khỏi”.Bàn thêm về tính trung thực của lịch sử  (Báo điện tử ĐCSVN, 13/11/2008).

3- Nhà phê bình Nguyễn Hòa: Văn hóa học góp phần phát triển xã hội, con người (Nhân dân, 19/8/2013). “… biên tập viên một đài truyền hình ở Trung ương thản nhiên khẳng định trên màn hình: Trần Hưng Ðạo là một trong “tứ bất tử” của văn hóa truyền thống Việt Nam!”  - Nhà phê bình Nguyễn Hòa: Cẩn trọng trong việc truyền bá tri thức  (Nhân dân, 21/10/2013). “Cách đây không lâu, người xem truyền hình đã rất ngạc nhiên khi thấy biên tập viên một đài truyền hình nói rằng, Trần Hưng Ðạo là một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian (!) “

4- Nguyên Ngọc: Xây dựng con người tự chủ, để dân tộc tự chủ, chương trình vĩ đại bị dở dang của Phan Châu Trinh (BauxiteVN, 27/3/2011). “Và như vậy, vấn đề lãnh thổ, khôi phục lãnh thổ quốc gia, tức vấn đề độc lập, được coi như là một bộ phận cần thiết nhưng không phải là cứu cánh của chương trình dài hạn rộng lớn, cơ bản hơn nhiều, mà ông biết và chủ trương phải tiến hành từng bước.”

5- Phỏng vấn PGS-TS Phạm Vĩnh Cư: “Còn giá trị nào cao hơn độc lập dân tộc?” (Tuần Việt Nam, 11/8/2011). “Tôi rất tâm đắc khẩu hiệu mà các cụ ngày xưa đã chủ trương là ‘khai dân trí, trấn dân khí, hậu dân sinh’. Dân sinh là vấn đề cuối cùng, tuy rất quan trọng nhưng vẫn phải đặt khai dân trí, chấn dân khí lên hàng đầu, rồi hậu dân sinh sẽ đến như hệ quả tự nhiên.

Còn như mục tiêu của chúng ta hiện nay: dân giàu đâu phải là giá trị tự thân, nước mạnh cũng không phải là giá trị tự thân. Nếu lấy tiêu chí đó làm đầu thì ta suốt đời thua thiệt, chạy đuổi nước khác cũng không lại. Mà mạnh thì mạnh đến đâu? phải bằng Mỹ, Nhật, Pháp hay Trung Quốc? Mà mạnh làm gì?”

Lần ra dấu vết máy bay trên radar tới Eo biển Malacca

Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức quân đội Malaysia cho biết họ tin rằng đã lần ra dấu vết chiếc máy bay trên radar tới Eo biển Malacca, rất xa kể từ nơi máy bay có liên lạc lần cuối với cơ quan kiểm soát không lưu dân sự ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.
Eo biển Malacca, một trong những kênh hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, chạy dọc đường bờ biển phía tây của Malaysia. Hôm 8/3, Malaysia Airlines cho hay chiếc máy bay chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn có liên lạc lần cuối ở phía thị trấn Kota Bharu thuộc bờ đông.

"Nó đã thay đổi đường bay sau khi tới Kota Bharu và bay với độ cao thấp hơn. Máy bay đã bay vào Eo biển Strait," quan chức quân đội kể trên cho biết sau khi thông báo vắnn tắt về quá trình điều tra.
Chuyến bay MH370 rời Kuala Lumpur đi Bắc Kinh sáng sớm 8/3, sau đó mất tích khỏi màn hình radar khoảng 1 tiếng kể từ khi cất cánh trên vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam. Nhà chức trách càng rối trí hơn khi radar quân sự của Malaysia cho thấy có thể chiếc máy bay đã quay vòng trở lại so với lộ trình ban đầu.
Không hề có dấu hiệu nào và cũng không có liên lạc radio nào cho thấy nó bị sự cố, và do không tìm thấy mảnh vỡ cũng như không có các dữ liệu chuyến bay, cảnh sát đã phải lần tìm qua danh sách hành khách và phi hành đoàn để tìm manh mối.
"Có thể có ai đó trên chuyến bay đã mua một hợp đồng bảo hiểm lớn, và muốn gia đình người đó được thụ hưởng, hoặc có ai đó nợ nần quá nhiều tiền, quý vị biết đấy, chúng tôi đang tìm hiểu mọi khả năng có thể xảy ra," giám đốc cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar nói tại một cuộc họp báo.
"Chúng tôi đang kiểm tra kỹ các hình video an ninh tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, chúng tôi đang tìm hiểu cách hành xử của mọi hành khách," ông nói.
(TTXVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét