Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Myanmar quyết tâm sửa đổi hiến pháp - Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ

TS Lê Đăng Doanh: Kinh tế VN năm 2013 tuy có tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước ASEAN

Năm 2013 đã kết thúc. Nhìn lại thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm qua có nhiều cách đánh giá khác nhau.

Từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Trần Quang Thành về kinh tế Việt Nam năm 2013 như sau:


Nhà báo Trần Quang Thành (TQT): Thưa TS Lê Đăng Doanh, những ngày đầu mới 2014 đã bắt đầu. Trong năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như nhiều quan chức chính phủ Việt Nam đánh giá khá lạc quan về tình hình kinh tế xã hội năm 2013 về tăng trưởng kinh tế. Nhưng dư luận xã hội có những nhận xét hơi khác biệt. TS Lê Đăng Doanh có nhận xét gì về tình trạng kinh tế của đất nước ta trong năm qua ạ, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (LĐD): Trong năm 2013 thì nền kinh tế Việt Nam đã có một số tiến bộ đáng ghi nhận. Đáng ghi nhận thứ nhất tức là nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng 5,42%, như vậy cao hơn mức tăng trưởng 5,24% của năm 2012 như là Tổng cục Thống kê đã có công bố, trước đây thì có công bố là 5,03%, bây giờ mới có điều chỉnh lại là 5,24%. Tuy là tăng trưởng cao như vậy nhưng mà so với các nước ASEAN khác thì đây là một mức tăng trưởng thấp bởi vì cả Lào và Campuchia thì năm 2012 Lào tăng trưởng 7,9% và Campuchia tăng trưởng 7,2%. Và so với Indonesia và Malaysia thì họ cũng tăng trưởng cao hơn Việt Nam.

Cái thành tựu thứ hai đáng kể tức là kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát được công bố là 6,04% là mức thấp nhất từ 10 năm nay. Tuy vậy thì cái mức 6,04% này cũng vẫn còn là cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Thành tựu đáng kể thứ ba tức là Việt Nam đã có mức xuất khẩu cao là đạt đến 132 tỷ đô la, tăng 15,2% so với năm trước. Đấy là một mức tăng trưởng xuất khẩu rất cao ở trong các nước ASEAN. Có lẽ là đấy là mức tăng trưởng cao nhất ở trong các nước ASEAN trong năm nay. Và Việt Nam cũng thu hút được đến 21 tỷ đô la đầu tư nước ngoài, đấy cũng là một cái mức tăng trưởng cao và là một cái thành tựu đáng ghi nhận. Tuy vậy thì Việt Nam thực hiện cái vốn đầu tư cũng chỉ có 11,4 tỷ đô la, và như vậy cũng vẫn là cái mức không được cao lắm bởi vì cái mức này đã nằm ở cái mức 10,5 cho đến 11 tỷ đô la từ nhiều năm nay rồi. Cho nên mặc dầu là vốn đăng ký thì tăng lên nhưng vốn thực hiện thì không tăng lên được.

Một cái điều nữa cũng đáng ghi nhận tức là cùng với lại lạm phát của Việt Nam giảm thì lãi suất của ngân hàng cũng đã giảm thấp, giảm còn có tương đương với mức năm 2005, 2006 tức là vào khoảng 11% đến 9% một năm. Và đấy cũng là mức cao, rất cao so với các nước ASEAN khác.

Và cuối cùng thì tỷ giá của Việt Nam giữ được tương đối ổn định và so với đồng đô la chỉ có tăng khoảng 2%, tức là thấp hơn nhiều so với mức tăng lạm phát trong nền kinh tế ở trong nước. Và do là lãi suất và tỷ giá được giữ ổn định như vậy cho nên cái tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam có thể coi như đã được tương đối ổn định. Và cũng có thể coi trong năm 2013 thì Việt Nam đã vượt qua được đáy của tăng trưởng thấp, tức là cái đáy của Việt Nam đã xuất hiện năm 2012, còn từ năm 2013 trở đi thì Việt Nam hy vọng là có thể tăng trưởng cao hơn.

TQT: Thưa TS Lê Đăng Doanh, bên cạnh những điều đáng ghi nhận như vậy ông thấy bức tranh kinh tế xã hội Việt Nam 2013 có biểu hiện gì đáng lo ngại không thưa ông?

LĐD: Cái tăng trưởng của kinh tế Việt Nam dựa chủ yếu vào tăng trưởng của đầu tư nước ngoài là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động có hiệu quả. Trong khi đó xuất khẩu tăng trưởng cao như vậy cũng chủ yếu do đầu tư nước ngoài, thí dụ như là điện thoại di động Galaxy do Samsung lắp ráp ở Việt Nam thì đã được xuất khẩu đạt cái mức là 23 tỷ đô la. Đấy là một cái mức rất là cao so với tổng mức xuất khẩu của Việt Nam là 132 tỷ đô la trong năm nay. Và tổng cái tỷ lệ, tỷ trọng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong toàn bộ xuất khẩu Việt Nam chiếm lên đến 65%, đấy là cái điều đáng chú ý. Và mặc dầu là tăng trưởng cao như vậy nhưng mà ngân sách của Việt Nam thì gặp khó khăn chưa từng thấy và các doanh nghiệp Việt Nam bị thua lỗ, bị phá sản vẫn tiếp tục tăng lên. Số doanh nghiệp bị phá sản và đóng cửa tăng 8,4% so với năm 2012, và như vậy là một mức tăng rất là cao. Mặc dầu Việt Nam có ghi nhận là có một số doanh nghiệp tư nhân đã có đăng ký trở lại nhưng số doanh nghiệp tư nhân đăng ký trở lại này thì chắc chắn không thể hoạt động được ngay và chưa đóng góp được ngay vào sản xuất.

Điều đáng chú ý mà tôi gọi là tình trạng “trầm cảm” của nền kinh tế Việt Nam là mặc dầu lãi suất tín dụng ngân hàng đã có giảm đáng kể so với trước đây là 21% thì nay chỉ còn có 11% đến 9%, nhưng mà tín dụng ngân hàng không tăng lên. Tín dụng ngân hàng theo thông báo mới nhất ngày hôm nay của ông Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình thì cũng vẫn chỉ có tăng 11%. Và như vậy là một mức tăng tương đối là thấp. Và điều đó có thể nói rằng là hiện nay Việt Nam là người dân ít đầu tư và tiền thì là bị giam hãm trong ngân hàng. Ngân hàng có tiền gửi tiết kiệm nhưng họ cũng không cho vay được. Và doanh nghiệp có muốn vay thì cũng phải được ngân hàng xem xét về các cái khoản nợ còn có nợ xấu hay không. Cho nên nền kinh tế Việt Nam chậm có sự chuyển biến trong khu vực kinh tế ở các khu vực kinh tế dân doanh. Khu vực kinh tế nhà nước trong năm thì báo cáo là lỗ và như vậy điện thì tăng giá, xăng dầu cũng tăng giá liên tục theo giá của thế giới. Nhưng đến cuối năm lại thấy công bố các tập đoàn kinh tế của nhà nước đều lãi to, báo chí đưa tin là lãi khủng và điều ấy làm cho thông tin giữa trong năm và cuối năm nó không được nhất quán với nhau. Điều đáng quý hơn cả là các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam đã được phát hiện từ lâu như là nợ xấu, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, như là sự đình trệ của hệ thống BĐS thì trong năm qua không tiến triển được cũng như là tái cấu trúc của các tập đoàn kinh tế của nhà nước Việt Nam cũng đang tiến triển rất chậm.

TQT: Thưa TS Nguyễn Đăng Doanh, khi đến dự Hội nghị tổng kết công tác của ngành ngân hàng 2013 cũng như là xu hướng phát triển năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nêu lên một vấn đề là khẳng định nhà nước vẫn tiếp tục độc quyền vàng và sẽ chỉ đạo cương quyết về vấn đề này. Thì như chúng ta đã gia nhập WTO, giờ chúng ta độc quyền như vậy thì có điều gì trái với những điều mà chúng ta đã ký kết không thưa tiến sĩ?

LĐD: Cái việc độc quyền vàng thì trong năm vừa qua thì được nhà nước đánh giá đã có đóng góp đáng kể vào cái việc chấm dứt tình trạng các ngân hàng huy động bằng vàng, rồi chấm dứt tình trạng người dân chạy theo vàng, mua vàng mỗi khi có biến động tỷ giá thì làm cho nền kinh tế ổn định hơn. Tuy vậy theo hội đồng vàng thế giới thì từ năm 1993 cho đến nay Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1000 tấn vàng. Và nếu trừ đi cái số vàng đã xuất khẩu thì ở trong dân Việt Nam hiện nay đang có khoảng từ 400 cho đến 500 tấn vàng, tương đương 22 đến 24 tỷ đô la tùy theo giá vàng ở trên thế giới biến động như thế nào. Và đó là một số tài sản rất là lớn. Như chúng ta đều biết Việt Nam là một nước có nhiều chiến tranh, có trải qua rất nhiều biến động thì tâm lý của người dân là muốn giữ vàng. Và khi nào còn lạm phát thì người dân cũng yên tâm giữ vàng hơn là giữ tiền. Cho nên ở Việt Nam dẫu có nghèo đi chăng nữa nhưng một cô dâu đi lấy chồng thì bố mẹ cũng cố gắng cho cô dâu 1 – 2 chỉ vàng làm của hồi môn, đó là truyền thống của người Việt Nam. Thế thì cái số vàng đó nếu như nhà nước độc quyền thì sẽ không huy động được ở trong dân và cái việc ông Thủ tướng có nói quả quyết rằng tiếp tục độc quyền xuất khẩu vàng, nhập khẩu vàng và độc quyền thị trường vàng, điều ấy làm cho nhà nước không thể huy động cái số 400 đến 500 tấn vàng ở trong dân. Và điều ấy cũng là một cái điều rất không bình thường vì Việt Nam đã cam kết sẽ thiết lập nền kinh tế thị trường và theo cơ chế thị trường. Nhưng cái việc độc quyền này thì nó không giống gì nền kinh tế thị trường khác.

TQT: Thưa TS Lê Đăng Doanh, năm 2014 đã bắt đầu, tiến sĩ đánh giá thế nào về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014?

LĐD: Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 thì được dự kiến sẽ tiếp tục coi trọng cái việc ổn định kinh tế vĩ mô. Và lạm phát thì dự kiến sẽ khoảng dưới 4% và dự báo tăng trưởng kinh tế có thể khá hơn so với năm 2013 một chút tức là vẫn ở dưới mức 6%, có thể vào khoảng 5,6% hay 5,8% gì đó. Điều quan trọng không phải rằng là năm 2013 hay năm 2014 mà điều quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam là có biện pháp gì để tái cấu trúc nền kinh tế, có biện pháp gì để cải cách nền kinh tế một cách mạnh mẽ và có hiệu lực hay không? Nếu như mà Việt Nam không cải cách nền kinh tế một cách mạnh mẽ, không tái cấu trúc, là hệ thống ngân hàng không giải quyết vấn đề nợ xấu, không giải quyết hệ thống BĐS thì những các cái thắt cổ chai đó sẽ vẫn còn tiếp tục làm tắc nghẽn mạch tăng trưởng, làm tắc nghẽn cái đồng vốn ở Việt Nam. Và vì vậy cho nên Việt Nam sẽ không thể tăng trưởng được.

Có cái điều tích cực, tức là Việt Nam hiện nay đang đàm phán vào tổ chức ký hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương và với viễn cảnh là sẽ vào được tổ chức đó thì Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi nhiều. Vì vậy cho nên hiện nay cái đầu tư nước ngoài có tăng lên đáng kể để đón nhận cơ hội Việt Nam có thể xuất khẩu sang các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản với lãi suất bằng 0. Và đó là lý do mà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm tới cũng được dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.

TQT: Xin cám ơn TS Lê Đăng Doanh về cuộc trò chuyện.

LĐD: Dạ, xin cám ơn nhà báo!
(Diễn đàn XHDS) 

Khó khăn và hy vọng cho kinh tế Việt Nam

Kinh tế Việt Nam trong năm 2014 sẽ vẫn là một giai đoạn mang tính chất 'trung chuyển' và 'cầm cự' là chủ yếu, theo ý kiến của một chuyên gia về chính sách công từ Hà Nội.

Với điều chỉnh giảm, xóa độc quyền, kinh tế VN được kỳ vọng tiến bộ hơn
Một số chỉ tiêu được công bố vẫn mang tính chất 'tuyên truyền' là chính, trong khi nhiều vấn đề kinh tế khác từ tái cấu trúc nền kinh tế, kinh tế nhà nước, khu vực ngân hàng, các thị trường vốn, bất động sản, đầu tư nước ngoài lẫn thị trường lao động vẫn còn ngổn ngang, chưa có câu trả lời.

Tuy nhiên, với những điều chỉnh vĩ mô như xóa bó độc quyền, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sẽ xuất hiện hy vọng nền kinh tế ít nhiều đi vào ổn định hơn, nếu được quản lý tốt hơn.

Trao đổi với BBC vào thời điểm Việt Nam chuyển sang năm 2014 và từ biệt năm cũ 2013, tiến sỹ Phạm Quý Thọ từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhận định chung về bức tranh kinh tế năm mới:

"Sẽ có rất nhiều biến động về chính sách, bởi vì năm 2013 người ta vẫn nói là kinh tế tranh tối, tranh sáng, các vấn đề xã hội có vẻ đã được đưa ra công khai hơn như chống tham nhũng, rồi các vấn đề về xóa đói giảm nghèo...

"Có vẻ người dân và xã hội vẫn chưa yên tâm lắm, niềm tin cũng chưa được cao, cho nên năm 2014 chắc sẽ có nhiều biến động."




Người ta vẫn nói lạm phát năm nay là thấp nhất trong vòng 10 năm, cái đó thực ra nói như vậy có tính chất tuyên truyền thôi..., về kích cầu cũng không lo lạm phát lắm, nhưng các chuyên gia vẫn nói là có những nguy cơ lạm phát, về tài chính cũng thế"

PGS. TS Phạm Quý Thọ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nhìn vào một số vấn đề như tổng cầu của nền kinh tế, điều chỉnh đầu tư công ông Thọ nêu quan điểm:

"Người ta hy vọng một cú hích sẽ làm cho tăng trưởng và làm cho công ăn việc làm ở khu vực đó có thể kéo theo một ít tác động lan tỏa sang một số khu vực khác, nhưng có lẽ không nhiều lắm...

"Người ta hy vọng cú hích... sẽ làm cho tổng cầu vốn yếu ở năm 2013, năm 2014 có thể được tăng thêm, làm cho tổng cầu mạnh thêm và hy vọng cái đó hỗ trợ cho tăng trưởng," ông nói.
Từ khó khăn kinh tế

Về vấn đề lạm phát và các chính sách điều tiết tài chính vĩ mô, chuyên gia chính sách công nói:

"Người ta vẫn nói lạm phát năm nay là thấp nhất trong vòng 10 năm, cái đó thực ra nói như vậy có tính chất tuyên truyền thôi..., về kích cầu cũng không lo lạm phát lắm, nhưng các chuyên gia vẫn nói là có những nguy cơ lạm phát, về tài chính cũng thế."

Về khả năng thực tế của nguồn thu cho ngân sách, ông Thọ cho rằng lĩnh vực này vẫn sẽ tiếp tục trải nghiệm những 'khó khăn', ông nói:




Tôi nghĩ thông điệp đó phần nào có thể giải thích và đỡ đi cái ấn tượng trong Hiến pháp mới đưa ra là kinh tế nhà nước là chủ đạo và có thể từ đấy bị diễn giải ra thành doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, rồi giữ lại cung cách như từ trước tới nay đối với doanh nghiệp nhà nước"

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký VCCI
"Về tải chính, nguồn thu ngân sách... vẫn còn những khó khăn bởi vì nếu các doanh nghiệp không phục hồi được, xuất khẩu không đạt được các chỉ tiêu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có xuất khẩu về nông, lâm nghiệp, thủy hải sản không đạt được, thì nguồn thu cũng sẽ khó khăn,

"Các doanh nghiệp nếu không phát triển lớn, không phát triển ổn định và tăng trưởng đều thì nguồn thu cũng sẽ còn khó khăn".

Hôm 01/1/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã xuất hiện trên truyền thông với một thông điệp đầu năm mới với nhiều vấn đề được đặt ra về kinh tế, chính trị, xã hội.

Riêng về mặt kinh tế, bình luận về thông điệp này, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Phan Văn Khải cho rằng thông điệp đã đưa ra một số vấn đề 'thẳng thắn'.

Bà nói: "Về doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng cũng đưa ra thông điệp rất thẳng thắn là chính phủ cũng phải tập trung vào việc làm sao kiểm soát được độc quyền, không để cho bất cứ doanh nghiệp độc quyền nào có thể làm khó cho nền kinh tế."

Theo bà Phạm Chi Lan, thông điệp cũng đưa ra một điểm mới liên quan tới điều chỉnh, sắp xếp lại khu vực nhà nước khi đã nêu rõ yêu cầu về cải cách doanh nghiệp nhà nước, trong đó công cụ đầu tiên được nêu ra là cổ phần hóa, và cũng nói rõ là cổ phần hóa kể cả các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

Tới gỡ bỏ độc quyền

Bấm vào để nghe bài tường thuật
Ngoài ra, vẫn theo bà, thông điệp cũng thu hút sự chú ý khi nói rõ phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sẽ tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế và an ninh quốc phòng.

"Tôi nghĩ thông điệp đó phần nào có thể giải thích và đỡ đi cái ấn tượng trong Hiến pháp mới đưa ra là kinh tế nhà nước là chủ đạo và có thể từ đấy bị diễn giải ra thành doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, rồi giữ lại cung cách như từ trước tới nay đối với doanh nghiệp nhà nước," bà Phạm Chi Lan nói.

Bình luận thêm về hướng điều chỉnh tái cấu trúc nền kinh tế trong năm mới và thông điệp của Thủ tướng Dũng, hôm thứ Năm từ Sài Gòn, tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng nêu quan điểm:

"Các tập đoàn kinh tế của nhả nước cũng đã đánh hơi thấy chủ trương giảm hoặc xóa độc quyền của chính phủ và do đó họ đã chuyển dần vốn sang các công ty con để cho an toàn hơn và bản thân họ cũng nắm cổ phần ở những công ty đó."

Theo ông Phạm Chí Dũng tới đây với việc Việt Nam có thể tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì xử lý vấn đề độc quyền từ năm 2014 sẽ là một động thái bắt buộc.

"Có thể xác định việc giảm độc quyền hoặc xóa độc quyền sẽ làm một trong những điều kiện tiên quyết để đất nước này có thể được coi là một nền kinh tế thị trường và hơn nữa là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh," ông Dũng nói với BBC.

Và nhìn vào thực lực




Các tập đoàn kinh tế của nhả nước cũng đã đánh hơi thấy chủ trương giảm hoặc xóa độc quyền của chính phủ và do đó họ đã chuyển dần vốn sang các công ty con để cho an toàn hơn và bản thân họ cũng nắm cổ phần ở những công ty đó"

Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng
Về phần mình, ông Phạm Quý Thọ cho rằng cùng với các động thái về tái cấu trúc vĩ mô nền kinh tế và các điều chỉnh về chính sách công, nền kinh tế năm 2014 của Việt nam có thể xuất hiện hy vọng về việc dần dần đi vào ổn định.

Ông nói: "Hy vọng là những chính sách mà người ta làm, những chính sách lấy lại lòng tin và đẩy mạnh tái cơ cấu, khả năng hy vọng nền kinh tế dần dần ổn định và đi vào quỹ đạo hơn...

"Còn hy vọng có những đột biến thì không có, và người ta cũng thấy những chỉ tiêu chính về tăng trưởng, lạm phát và một số chỉ tiêu khác na ná năm 2013, nhưng về chất, có thể trong tái cấu trúc do nhiều sức ép nội tại và bên ngoài, buộc phải tái cấu trúc thì dần dần đi vào quỹ đạo hơn."

Riêng về hàm lượng công nghệ trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong năm vừa qua mà tổng giá trị bề ngoài được công bố là trên hai mươi tỷ USD, ông Thọ lưu ý:

"Xuất khẩu cũng không phải là thành tích nổi trội lắm bởi vì xuất khẩu thực ra người ta đã nghiên cứu hơn 20 tỷ đô-la xuất ấy chủ yếu là xuất hộ khối doanh nghiệp nước ngoài, cũng không phải là bức tranh sáng, mà trong đó đặc biệt là Samsung chiếm phần lớn, chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu về điện thoại,

"Thế thì nhìn nền kinh tế thực của Việt Nam, hiện nay đang nổi lên một vấn đề là phải đánh giá nền kinh tế thực của Việt Nam, chứ không phải chỉ là qua các con số đó," nhà nghiên cứu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Theo BBC

Đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của dân


Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ – Thủ tướng gửi đi thông điệp đầu năm 2014.

Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết nhân dịp năm mới 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Trong năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường có bước tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều thành tựu. Chính trị – xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội năm 2014. Trong đó xác định tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế (1).

Mặc dù kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi; kinh tế – xã hội nước ta chuyển biến tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2014. Đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trung và dài hạn nhằm tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xem xét cẩn trọng mọi hạn chế quyền tự do của công dân

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Báo cáo thường niên của nhiều tổ chức quốc tế đều xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế. Đây là chỉ báo tham khảo quan trọng về vị trí của từng quốc gia trong cuộc ganh đua toàn cầu. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.

Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại.

Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng.

Đột phá trong quản lý nông nghiệp bắt đầu từ Khoán 10 đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Mở rộng mạnh mẽ quyền tự do kinh doanh với việc ban hành Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật đầu tư nước ngoài… đã đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi trì trệ, phát triển năng động với tốc độ cao. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra không gian phát triển mới, rộng mở hơn.

Những quyết sách đổi mới phù hợp của Đảng và Nhà nước ta đã đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình và công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt thành tựu ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.

Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ rõ Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến và từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là những bước tiến dài về dân chủ. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, đặc biệt là công nghệ thông tin, thế hệ trẻ nước ta được trang bị kiến thức ngày càng cao và phần lớn thường xuyên truy cập internet để giao lưu, học hỏi, khám phá và chiêm nghiệm thực tế. Thế hệ này đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước. Đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế.

Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Người viết “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.

Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng, minh bạch, dân chủ, nhà nước pháp quyền, hiến pháp, độc quyền doanh nghiệp, đổi mới thể chế

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không một quốc gia nào có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp cũng như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu quả. Vì vậy, phải đặt mối quan hệ giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong tổng thể các giải pháp bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Phải mở rộng dân chủ trực tiếp và hoàn thiện cơ chế bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Sớm thực hiện thí điểm Nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách.

Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Chỉ khi dân giàu thì nước mới mạnh. Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Và chỉ như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản. Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật.

Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước.

Nhà nước phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển. Phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.

Phải tăng cường tương tác giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và giữa bộ máy nhà nước với các tổ chức Chính trị – xã hội. Mở rộng đối thoại với người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để Nhà nước, cán bộ, công chức gần dân hơn và chủ trương, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn. Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập theo chức năng được phân công và yêu cầu kiểm soát lẫn nhau, bổ trợ cho nhau theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phát huy chủ động, sáng tạo của cấp dưới, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất của cả hệ thống. Thường xuyên tăng cường ổn định chính trị – xã hội.

Trên tinh thần đó, năm 2014 phải tập trung sức cao nhất xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp. Đồng thời rà soát bổ sung thể chế – cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật, kỷ luật kỷ cương, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm của tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Xóa độc quyền doanh nghiệp

Trong những năm qua, chúng ta đã có bước tiến dài về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Đây cũng là một đột phá chiến lược đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Thời gian tới phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt đột phá chiến lược nêu trên, trong đó tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau là thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.

Phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá và kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.

Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng và nâng cao được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế.

Tái cơ cấu nông nghiệp

Thực hiện đường lối Đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, phải thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế đặc biệt là đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế và cũng là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải tập trung thực hiện đồng thời việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhà nước có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông – công nghiệp – dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững.

Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Quan tâm bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam.

Khẩn trương sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Cơ hội thúc đẩy Đổi mới

Ba năm qua, kể từ Đại hội Đảng lần thứ XI, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã dành nhiều công sức, nguồn lực để giải quyết những vấn đề trước mắt và đạt được những kết quả quan trọng. Đồng thời cũng đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ trung và dài hạn nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tiễn cho thấy nếu không giải quyết tốt những nhiệm vụ này thì sẽ không bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, không khai thác có hiệu quả được tiềm năng của đất nước và cơ hội trong hội nhập quốc tế và cũng không tạo lập được nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.

Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Khó khăn, thách thức là rất lớn. Nhưng đây là cơ hội để thúc đẩy Đổi mới mạnh mẽ hơn. Đòi hỏi phải có quyết tâm và bản lĩnh chính trị rất cao. Bản lĩnh của Đảng và Nhân dân ta đã tỏa sáng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Bản lĩnh đó cũng đã tỏa sáng khi đất nước ta đối mặt với khủng hoảng kinh tế – xã hội những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước để hình thành đường lối Đổi mới.

Ngày nay, thế và lực của chúng ta đã mạnh hơn nhiều. Nhất định bản lĩnh đó sẽ lại tỏa sáng để Đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lên tầm cao mới vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa – dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Tấn Dũng
(ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ)


Tiêu đề và tiêu đề phụ do VietNamNet đặt

(1): Với các chỉ tiêu chủ yếu như sau:
Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.100 USD; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 20%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15,5%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22,5 giường. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 80%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,5%.
Theo VietnamNet

Ý kiến trái chiều về thông điệp của Thủ tướng Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 1/1 đã phát đi thông điệp đầu năm, trong đó nhấn mạnh rằng nguồn động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững xuất phát từ việc ‘đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân’.

Đây được coi là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra đánh giá về năm cũ và nêu những hoạch định cho năm mới đúng ngày đầu năm, giống như các nhà lãnh đạo khác trên thế giới vẫn thường làm.

Bài phát biểu này sau đó đã được đưa ra ‘mổ xẻ’ trên các trang mạng xã hội.

Đây được coi là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra đánh giá về năm cũ và nêu những hoạch định cho năm mới đúng ngày đầu năm.
Đây được coi là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra đánh giá về năm cũ và nêu những hoạch định cho năm mới đúng ngày đầu năm.
Nhà hoạt động xã hội Lã Việt Dũng nói với VOA Việt Ngữ rằng bài diễn văn mang ‘tính hình thức nhiều hơn thực tiễn’.

Ông Nguyễn Tấn Dũng là một trong những người có khả năng phát biểu, thuyết trình và ra những văn bản mà nghe thì có vẻ như là rất là đổi mới nhưng mà thực tế thì còn phải kiểm nghiệm nhiều.
Ông Dũng nói: “Theo tôi đánh giá, ông Nguyễn Tấn Dũng là một trong những người có khả năng phát biểu, thuyết trình và ra những văn bản mà nghe thì có vẻ như là rất là đổi mới nhưng mà thực tế thì còn phải kiểm nghiệm nhiều. Trước đây, vụ Tiên Lãng, vụ Đoàn Văn Vươn, gần như ngay lập tức, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có những văn bản chỉ đạo, xử lý nghiêm túc và đúng người đúng tội trong vụ này. Nhân dân, nhiều người rất hồ hởi, người ta nghĩ rằng là gia đình ông Vươn có thể được tuyên bố là vô tội. Nhưng chính quyền Hải Phòng vẫn xử một bản án tương đối là nặng. Thứ hai, ông Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố trước quốc hội rằng phải sớm có luật biểu tình, nhưng tới giờ vẫn chưa ra được luật đó”.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng thông điệp đầu năm của ông Dũng ‘nêu ra những vấn đề rất là quan trọng của đất nước’ và ‘nếu chính phủ hoặc thủ tướng hiểu đúng các vấn đề đó và cương quyết làm những vấn đề nêu ra thì đó là một điều tốt cho đất nước này’.

Các nhà quan sát cho rằng điểm đáng chú ý là ông Dũng đã nêu ra các vấn đề như dân chủ, pháp quyền và quyền làm chủ của người dân, trong bối cảnh Việt Nam vẫn bị chỉ trích vì thiếu những điều đó.

Ông A cho VOA Việt Ngữ hay rằng phát biểu của Thủ tướng Việt Nam về các vấn đề đó ‘không có gì bất ngờ’.
Tôi chỉ lưu ý một điểm là, người ta nói luôn một cái gọi là xã hội chủ nghĩa đi sau, tức là dân chủ xã hội chủ nghĩa, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cái sự mơ hồ, đó chính là cụm từ xã hội chủ nghĩa ở đằng sau.
Ông nói: “Từ trước tới nay người ta vẫn nói như thế. Cái gọi là quyền làm chủ tập thể của nhân dân là từ thời ông Lê Duẩn, tức là cách đây 3 – 4 chục năm rồi, chứ không phải bây giờ. Làm chủ rồi dân chủ, người ta đã nói cách đây cả 5 – 6  chục năm rồi, không phải là cái gì mới cả. Pháp quyền cũng như thế. Tôi chỉ lưu ý một điểm là, người ta nói luôn một cái gọi là xã hội chủ nghĩa đi sau, tức là dân chủ xã hội chủ nghĩa, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cái sự mơ hồ, đó chính là cụm từ xã hội chủ nghĩa ở đằng sau. Cho nên, nếu người ta hiểu tất cả những điều đó như tuyệt đại bộ phận nhân dân thế giới hiểu thì đi một nhẽ, còn hiểu theo kiểu của các ông ấy từ trước tới nay, thì nó lại đi một nhẽ”.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Việt Nam nói: “Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ”.

Ông A cho rằng cần phải ‘cẩn trọng’ đối với các ngôn từ như vậy vì ‘họ có thể dùng những từ ngữ mang những ý nghĩa hoàn toàn khác’.

Theo chuyên gia từng nhiều lần lên tiếng về các vấn đề nổi cộm ở Việt Nam, người Việt ‘đã nghe quá nhiều những thông điệp rất là hay, rất là kêu rồi, nhưng mà thực chất nó không phải như vậy’.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng một người dân thường có thể cảm thấy ‘phấn khởi và tin tưởng’ khi đọc phát biểu của ông Dũng.

Ông A nói: “Có lẽ một thông điệp nào của một lãnh đạo nào cũng muốn gieo một niềm tin như thế vào trong dân chúng. Nhưng mà cái đó nó chỉ thực sự có hiệu quả và nó không phải là cái gậy ông lại đập lưng ông nếu mà cái đấy nó là thực chất, tức là nó được thể hiện.  Từ ngày 1/1/2014 trở đi, một tháng sau, hai tháng sau, sáu tháng sau, chúng ta có thể thấy những ý tưởng đó được thực hiện từ từ, dần dần, tức là có thể nhìn thấy những cải thiện thực sự thì chúng ta mới có thể đánh giá được cái tầm quan trọng, thực chất của thông điệp này như thế nào”.
Từ ngày 1/1/2014 trở đi, một tháng sau, hai tháng sau, sáu tháng sau, chúng ta có thể thấy những ý tưởng đó được thực hiện từ từ, dần dần, tức là có thể nhìn thấy những cải thiện thực sự thì chúng ta mới có thể đánh giá được cái tầm quan trọng, thực chất của thông điệp này như thế nào.
Thủ tướng Việt Nam cũng nêu ra việc ‘thế hệ trẻ nước ta được trang bị kiến thức ngày càng cao và phần lớn thường truy cập Internet để giao lưu và học hỏi, khám phá và chiêm nghiệm thực tế’.

Ông Dũng cho rằng thế hệ này ‘đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước’. Người đứng đầu chính phủ ở Hà Nội cũng nói ‘đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế’.

Tiến sĩ Quang A cho rằng đó có thể là ‘một thông điệp nội bộ, gửi cho một nhóm nào đó mà muốn cản trở Internet chẳng hạn, và cũng có thể có một khả năng là cũng có thể nói như thế để lấy lòng dân mà thôi’.

Theo nhà nghiên cứu này, không ai có thể biết được là khả năng nào là sự thật, và ‘chỉ có chính người nói ra mới có thể hiểu được’.

Ông A cho biết ông ‘không rõ có nhắm tới các nhóm [xã hội dân sự] đó không, nhưng ông nghĩ rằng  ‘các nhóm như thế nên tận dụng cái tuyên bố này của ông thủ tướng để đấu tranh với các lực lượng cũng lại của chính phủ của ông ấy mà cản trở điều này’.

Trong khi đó, kỹ sư Lã Việt Dũng nói rằng việc phát triển Internet nhanh chóng ở Việt Nam là một thực tế ‘khó mà chối bỏ được’.

Ông nói: “Hiện nay nếu muốn phát triển, Việt Nam bắt buộc phải mở rộng thông tin và mở rộng Internet. Họ đã từng chặn Internet, từng chặn Facebook nhưng cuối cùng việc chặn đó gần như là bất lực. Giới trẻ, đặc biệt là những người sử dụng công nghệ thông tin thành thạo, có nhu cầu trao đổi, giao lưu cao thì họ sẽ tiếp cận được và sẽ chiêm nghiệm những vấn đề mặt trái khác của xã hội mà ngày xưa, chính quyền, qua hệ thống tuyên truyền của mình, đã bưng bít”.

Về quyền làm chủ của nhân dân, Thủ tướng Dũng nói rằng ‘nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển’.

Trong khi đó, nhà hoạt động xã hội Lã Việt Dũng nói rằng anh ‘không có niềm tin’ vào những cải thiện dẫn tới các đổi mới thực sự trong năm 2014.

Con ông cháu cha làm sếp bự ngân hàng lớn

Nhiều "sếp" giữ ghế chủ chốt trong các ngân hàng còn rất trẻ tuổi, họ cũng gây chú ý bởi là "cậu ấm cô chiêu" của lãnh đạo cao cấp của chính ngân hàng đó...

Loạt sếp “bự” trẻ tuổi ở Vietinbank
Nhiều lãnh đạo trẻ của Vietinbank được đặt vào những vị trí chủ chốt trong bộ máy.
Bà Phạm Minh Khanh, ái nữ cả của Chủ tịch HĐQT Vietinbank hiện đang giữ chức Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Vietinbank. Đây là Công ty TNHH MTV được thành lập từ tháng 9/2010 theo quyết định của HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Công ty Vàng bạc đá quý VietinBank xếp hạng 567 trong Bảng xếp hạng 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam năm 2012.
ngân-hàng, gia-đình-trị, lợi-nhuận, sếp, đình-đám
Ủy viên HĐQT VietinBank Phạm Huy Thông trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Chi nhánh Đống Đa cho ông Nguyễn Như Dương.
Ái nữ thứ 2 của Chủ tịch Vietinbank là bà Phạm Vân Anh. Bà Vân Anh sinh năm 1989, hiện đang giữ chức vụ Phó Tổng GĐ Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Capital) từ tháng 4/2013. Nữ Phó tổng giám đốc xấp xỉ 9X này đã học qua Quản trị Kinh doanh - tại Mỹ và Marketing tại Úc.
2 con rể chủ tịch HĐQT Vietinbank là ông Vũ Trung Thành, được bổ nhiệm giám đốc chi nhánh Vietinbank TP. Hà Nội ngày 5/12. Trước khi có quyết định bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh Hà Nội, ông Thành là Giám đốc Vietinbank chi nhánh Đống Đa.
Con rể thứ của Chủ tịch Vietinbank là ông Nguyễn Như Dương hiện đang giữ chức vụ Giám đốc chi nhánh Đống Đa. Cùng thời điểm ông anh "cọc chèo" Vũ Trung Thành từ chi nhánh Đống Đa về làm sếp chi nhánh Hà Nội, ông Nguyễn Như Dương nhận quyết định điều chuyển từ vị trí Phó giám đốc chi nhánh Vietinbank Hà Nội về làm Giám đốc chi nhánh Vietinbank Đống Đa.
Ông Nguyễn Như Dương, sinh năm 1984, từng nắm nhiều chức vụ tại Vietinbank: Phó phòng; Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Công ty Quản lý Quỹ, Phó Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Hà Nội.
Ngoài ra, một người trẻ khác, ông Phạm Huy Thông sinh năm 1979, có chân trong HĐQT và trong ban điều hành ngân hàng này-Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank cũng là người có quan hệ họ hàng gần gũi với Chủ tịch HĐQT. Ông Phạm Huy Thông được bầu bổ sung vào HĐQT ngày 13/4/2013.
Vietinbank là ngân hàng thương mại cổ phần đã IPO lần đầu năm 2008, tại thời điểm vốn điều lệ trên 11 ngàn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay VietinBank đã tăng vốn điều lệ lên trên 37 ngàn tỷ đồng. Cổ đông chiến lược của Vietinbank là Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ nắm giữ khoảng 19,73% vốn, tương đương 7.346,15 tỷ đồng; Cổ đông khác là 15,81% tương đương 5.886,10 tỷ đồng.
Ngày 23/12, Vietinbank đã công bố điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2013, theo đó, các chỉ tiêu về lợi nhuận trước thuế còn 7500 tỷ đồng (giảm 1100 tỷ, từ mức 8600 tỷ ban đầu), tổng dư nợ tín dụng và đầu tư 503 ngàn tỷ đồng (ban đầu 524.000 tỷ đồng), dư nợ tín dụng 438 ngàn tỷ đồng (thấp hơn 12.000 tỷ), tỉ lệ chia cổ tức giảm còn 10% so với 12% trước đó.
Nam Á bank: Thành viên gia đình nắm ghế chủ chốt
Bà Trần Thị Hường (Tư Hường) cùng gia đình đã gây dựng lên khá nhiều tên tuổi nổi tiếng như DNcó quy mô vốn 6.000 tỷ đồng Hoàn Cầu là đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Thế giới - Miss Universe 2008, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Ngân hàng Nam Á, khu nghỉ dưỡng Diamond Bay.
DN nhà bà Tư Hường đã phát triển rất mạnh mẽ cùng với sự đổi mới của đất nước với sự hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, trồng rừng, khu đô thị, du lịch, cao ốc, văn phòng, khách sạn, resort, khu thương mại...
ngân-hàng, gia-đình-trị, lợi-nhuận, sếp, đình-đám
Dù bà Tư Hường không có mặt trong HĐQT nhưng những thành viên trong gia đình bà Hường đảm nhận các vị trí chủ chốt tại NamABank


Các ghế Chủ tịch HĐQT và Phó Chủ tịch HĐQT hiện do bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Nguyễn Quốc Mỹ là các con của bà Hường giữ.
Ông Huỳnh Thành Chung (chồng bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc, con rể bà Hường) cũng giữ ghế thành viên HĐQT Nam Á bank.
Năm 2013, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, nhà băng này đạt hơn 51 tỷ đồng so với con số cùng kỳ năm ngoài (đạt gần 144 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế). Lãnh đạo của NamA Bank cho rằng, nếu nhìn vào tỷ lệ tăng trưởng thì mức tăng trưởng 26,5% tín dụng của NamA Bank 9 tháng đầu năm được cho là cao. Nhưng nếu xét về con số tuyệt đối, hiện tổng dư nợ cho vay khác hàng của NamA Bank còn rất nhỏ, mới đạt 8.664 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2013, chỉ ngang bằng với một chi nhánh của nhà băng lớn.
Nhiều lãnh đạo “con dòng cháu giống”
Trước đó, tại Sacombank, ông Đặng Văn Thành làm Chủ tịch HĐQT cũng có đồng thời con trai là Đặng Hồng Anh làm chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín.
Tại ACB, Chủ tịch HĐQT trẻ tuổi sinh năm 1978 Trần Hùng Huy cũng là "con dòng cháu giống", là con ruột của nguyên Chủ tịch HĐQT ACB Trần Mộng Hùng- người đồng sáng lập nên ngân hàng. Gia đình sở hữu một số lượng cổ phiếu rất cao trong ngân hàng. Theo đó, có thời điểm, cả ông Trần Mộng Hùng, bà Đặng Thu Thủy (mẹ ông Huy) và các anh chị em ông Huy như Trần Đặng Thu Thảo, Trần Minh Hoàng nắm giữ lớn cổ phiếu của ngân hàng này.
Trao đổi với PV Infonet, một cựu lãnh đạo ngân hàng TMCP nói rằng, việc những người thân trong gia đình cùng nắm những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong ngân hàng nếu đó là những người có thực tài thì cũng là điều tốt đối với tổ chức tín dụng, tuy nhiên, về tâm lý thì các nhân sự khác trong cùng bộ máy vẫn ít nhiều nảy sinh suy nghĩ, định kiến trong công việc. Nếu ở ngân hàng cổ phần tư nhân thì "tiền ai nấy giữ", trong khi với ngân hàng thương mại do nhà nước nắm vốn chi phối thì việc tuyển dụng và bổ nhiệm các vị trí chủ chốt phải tuân thủ các quy định song cũng khó loại trừ hoàn toàn yếu tố "nhất thân nhì quen" và những quan hệ gửi gắm.
“Nếu là người giỏi thực sự thì đi đâu chả được trọng dụng, không nhất thiết phải làm việc ở môi trường, đơn vị có người thân mới hiểu và dụng được tài của họ", vị này nói.
Theo Infonet

Myanmar quyết tâm sửa đổi hiến pháp

Tổng thống Thein Sein và đảng cầm quyền ở Myanmar đã nhất trí sửa đổi bản hiến pháp mở đường cho bà Aung San Suu Kyi tranh quyền lãnh đạo. 
 
Tù nhân chính trị Myanmar được trả tự do ngày 31.12.2013 - Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu trên radio và được đăng lại trên trang nhất báo tiếng Anh New Light of Myanmar ngày 2.1, Tổng thống Thein Sein nói: “Tôi tin rằng một bản hiến pháp lành mạnh thi thoảng phải được chỉnh sửa để đáp ứng các nhu cầu quốc gia, kinh tế và xã hội của chúng ta”.

Hiến pháp Myanmar ra đời có phần vội vã vào năm 2008 và bị chỉ trích ở nhiều điểm. Đặc biệt là khoản f điều 59, không cho phép những công dân có người thân mang quốc tịch nước ngoài tranh cử tổng thống. Điều khoản này được tin là nhằm “trói chân” nữ chính trị gia có uy tín Aung San Suu Kyi, khi đó đang bị quản thúc tại gia và chỉ được trả tự do hồi tháng 11.2010. Bà Suu Kyi, con gái của anh hùng giải phóng dân tộc Aung San, kết hôn với một người Anh và có con trai mang quốc tịch của bố. Ngoài ra, nhiều phần trong hiến pháp cũng trao cho quân đội các quyền lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp đáng kể, với 25% ghế quốc hội mặc nhiên vào tay các tướng lĩnh mà không qua bầu cử.

Với những lời lẽ đầy hòa hiếu, vị tổng thống cải cách cho rằng Myanmar “cần nâng cao sức sống chính trị bằng cách cải thiện sự tham gia và các quyền chính trị của công dân”. “Tôi không muốn có những hạn chế quyền trở thành lãnh đạo đất nước của bất kỳ công dân nào”, ông Thein Sein nói.

Ngày 30.12.2013, đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) cầm quyền sau cuộc họp 3 ngày đã thông qua bản kiến nghị 94 điểm sửa đổi và xóa bỏ trong bản hiến pháp 2008, trong đó có khoản f điều 59. Kiến nghị của USDP và các đảng chính trị, tổ chức dân sự khác sẽ phải thông qua Ủy ban Nghiên cứu và sửa đổi hiến pháp trước khi được thảo luận tại quốc hội. Quy trình sửa hiến pháp sẽ mất nhiều tháng và chưa chắc giới quân sự sẽ ủng hộ sửa khoản f điều 59 trước khi cuộc tổng tuyển cử 2015 diễn ra. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, quyết tâm của Tổng thống Thein Sein và kiến nghị của USDP sẽ “có sức nặng đáng kể”.

Trong khi đó, đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi ngày 28.12.2013 tuyên bố sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử 2015 kể cả khi khoản f điều 59 không được sửa đổi. NLD cũng vừa đưa bản kiến nghị sửa đổi 150 điểm, kể cả khoản f điều 59, trong hiến pháp. Bản thân bà Suu Kyi được biết là đã tạo dựng được quan hệ tốt đẹp hơn với giới quân đội và đang âm thầm liên minh với vị tướng đầy quyền lực Thura Shwe Mann, Chủ tịch USDP và là Chủ tịch quốc hội. “Trong trường hợp không được tranh cử tổng thống, bà Suu Kyi có thể ủng hộ ông Shwe Mann”, một nhà phân tích ở Yangon nói với báo Straits Times.

Trở lại chuyện cải cách, ngày 30.12.2013, chính phủ Myanmar tuyên bố phóng thích hết các tù nhân chính trị theo cam kết của Tổng thống Thein Sein trước cộng đồng quốc tế. Vai trò Chủ tịch ASEAN 2014 của Myanmar coi như được bắt đầu với một hình ảnh tốt đẹp. Ông Thein Sein trong phát biểu đầu năm cũng nói rằng ông cố gắng tạo dựng sự hòa hợp trong nước ngày nào ông còn nắm quyền.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
(Thanh niên)

Năm Mới Năm Me…


Người giàu và quyền thế nghĩ rằng đất nước này thuộc về họ; mặc dù họ chưa bao giờ đóng góp gì để có quyền hưởng thụ đó. The rich think this land is theirs though they have never earned the right to call it theirs.” ― Maaza Mengiste
Trong một xã hội đa dạng, hành xử của từng cá nhân luôn khác nhau, dù hoàn cảnh có tương tự. Nhờ vậy, chúng ta mới có được một bức tranh đẹp (hoặc xấu) với nhiều mầu sắc để thưởng ngoạn. Tôi nhớ những ngày qua Trung Quốc vào đầu 1976, tôi chưa bao giờ thấy một môi trường “xám xịt”, như một cỗ máy chạy mệt mỏi dưới hầm những nhà máy cũ, sắp phế thải. Từ áo quần người dân, kiểu tóc, âm thanh ngoài phố…cho đến những thể hiện lo âu, chán nản…hiện lên qua những ánh mắt gần như không còn sức sống của một đạo quân zombies, Trung Quốc thực sự nằm ngoài hành tinh.  Ở mặt khác, xã hội càng năng động, thay đổi, thì xử trí tương tác lại phức tạp, khó đoán.
Những ngày cuối năm tại Việt Nam, người thì lo tổ chức tiệc tùng ăn nhậu để tạm biệt năm cũ, có lẽ họ ăn nhậu chưa đủ trong 2013 nên phải làm thêm vài cú chót. Người thì lo kết toán sổ sách coi năm vừa rồi tài sản bốc hơi bao nhiêu; hay lộc trời bất ngờ cho thêm ít nhiều (thực ra họ biết rất rõ, vì lương thì họ không quan tâm, nhưng “lậu” thì dự đoán chính xác từng xu). Người thì suy tư về một năm mới sẽ đem lại những hy vọng gì, hay cũng cũng nhiều thất vọng như năm cũ. Người thì vô tư, vẫn lên Net đều đặn xem có siêu mẫu hay chân dài nào có lỡ làm đứt nút áo nút quần để còn load hình lên Facebook. Các bà cô tiền bạc rủng rỉnh  thì có thêm lý do để shop vì cuối năm hàng sale nhiều quá.
Riêng các phóng viên thì ráo riết săn đuổi phỏng vấn ông già Alan vì cha này có nhiều suy nghĩ ngược đời có thể câu khách được. Tựu trung, đáng lẽ là những ngày thư giãn toàn diện để thu thêm năng lượng cho năm mới thì mọi người lại tất bật làm việc nhiều hơn lệ thường.
Nghị quyết và hy vọng mới
Nhưng dù thế nào ai cũng đều có những “nghị quyết” rất hoành tráng (các chính trị gia thì có tuyên ngôn, thông điệp) để lên một kế hoạch thật tươi đẹp cho mọi vấn đề trong năm mới. Tôi nhớ một thống kê đâu đó là 42% dân số trưởng thành của Mỹ thích lập ra những “resolutions” vào ngày đầu năm cho mình và gia đình, xác định những mục tiêu phải đạt về tiền bạc, nghề nghiệp, học vấn, sức khoẻ, giải trí…Tuy nhiên, đến cuối tháng giêng, thì 97% các nghị quyết này đều cuốn theo chiều gió. Thói quen vẫn là một lực quán tính khó thay đổi.
Các bạn phóng viên thường nhờ tôi bình luận về các “nghị quyết” của chánh phủ, quan chức và doanh nghiệp vì họ cho đây là một đề tài có thể ảnh hưởng rất lớn đến tương lai kinh tế, chính trị, xã hội hay văn hoá của cả một dân tộc. Câu trả lời đầu môi của tôi là các bạn hãy thư giãn. Mọi việc thường xẩy ra như “chiếc lá giữa dòng sông lớn” mặc cho cả trăm ngàn nghị quyết đầu năm. Họ hỏi về nợ xấu, nợ công, DNNN, ngân sách, tỷ giá, vàng, BDS, FDI, TPP… Đề tài khác nhau; nhưng thực ra cái nhìn tổng thể của tôi luôn dựa trên những nguyên lý tự nhiên của đời sống, suy nghĩ khoa học, logic…nên dễ đoán biết. Nó không có gì bí ẩn hay phức tạp như các chuyên gia thích thêu dệt.
Những nguyên lý ảnh hưởng đến sự vận hành của một cá nhân hay xã hội đều rất giống nhau:
1.      Đừng hoang tưởng về “bất chiến tự nhiên thành”
Trong kỳ bí của luân sinh vũ trụ, có những tình cờ xẩy ra trong tình huống, sự kiện mà có lẽ chỉ những nhân vật huyền thoại của lịch sử (nhất là chuyện cồ Tàu) mới điều khiển và giải thích được. Hiện nay, nhân loại phần lớn bị chi phối bởi một nền khoa học hợp lý và các định luật của thiên nhiên. Nguyên lý ai cũng phải đồng ý là nếu mình cứ tiếp tục làm các việc đang làm, thì trong tương lai, xa hay gần, chúng ta sẽ thâu lượm những kết quả tương tự như chúng ta đang nhận. Phép mầu chỉ hiện thực vài ba lần trong đời người và cái khoa học gọi là “con thiên nga đen”; các ngài bói toán gọi là “vận số tốt”.
Khi lên kế hoạch cho cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng hay xã hội, chúng ta thích mơ tưởng về những giúp đỡ của thần linh, thánh gióng.. thay vì các con số, kỹ năng, thực tế của môi trường và các cơ hội rủi ro tiếm ẩn. Tôi thực sự lo ngại khi các đại gia, quan chức…thích tham gia các cúng bái đền chùa, lên đồng hay tin vào tư vấn của các nhà ngoại cảm hơn là “xăn tay áo và hành động”.
2.      Nói dễ hơn làm. Nghe nói, nhưng chỉ vỗ tay khi hành động đi theo như lời nói.
Đó cũng là lý do chính đa số chúng ta thích (và hay khuyên con) làm giáo sư, quan chức, chính trị gia, chuyên viên bán nước bọt từ các phi vụ chạy áp-phe, dự án, giấy tờ thủ tục…trong đủ mọi ngành nghề của nền kinh tế. Nhìn số lượng quán cà phê, quán nhậu, văn phòng chánh phủ…tại Việt Nam so với các quốc gia khác, có lẽ chúng ta chiếm “top ten” trên thế giới về chém gió.
Các doanh nhân, những chuyên viên kỹ thuật hay mọi người thợ tại các xưởng, thành công hay chưa, đều phải làm. Hỏi bất cứ ai, họ đều chia sẻ về những thử thách và khó khăn phải đối diện hàng ngày. Thất vọng và thất bại luôn đe doạ. Ngoài cái giá phải trả về sức khoẻ, tinh thần, hạnh phúc gia đình, danh tiếng, tiền bạc…cái giá lớn nhất là thời gian. Rất ít người thành công “overnight” (trừ khi trúng số độc đắc). Ngay cả khi ca tụng sự thành công nhanh chóng của Facebook, ít ai nhận ra rằng quy trình để đến IPO phải tốn Zuckerberg cả 8 năm vất vả.
3.      Muốn có giải pháp, phải hiểu rõ vấn đề
Có hai khó khăn lớn khi đưa ra giải pháp cho các vấn đề quan trọng của kinh tế Việt Nam như nợ xấu, nợ công, DNNN, BDS, tỷ giá, FDI, TPP…hay ngay cả ngân sách, việc tái cấu trúc, thay đổi cơ chế, nhân sự quản lý. Một là các số liệu. dữ kiện thường mâu thuẫn vì lợi ích cùa các phe nhóm khác nhau. Họ là những người nắm giữ những tài liệu này; và chuyện dấu diếm là bình thường. Hai là chúng ta không được phân tích qua mọi góc nhìn, dù khách quan hay chủ quan, vì những vùng cấm kỵ, nhậy cảm…đã được pháp luật rào lại.
Thử tưởng tượng, một bác sĩ chuẩn bệnh cho bệnh nhân nhận 3, 4 kết quả khác nhau về các thử nghiệm; rồi lại bị cấm đụng đến gần như 80% các phần thân thể. Chỉ một kết luận: bỏ nghề đi làm …thầy bói.
4.      Mọi sửa đổi phải bắt đầu từ nội tại
Trước hết là tư duy và bản thân của người đang nắm giữ quyền lực của việc thay đổi. Sau đó đến sự đồng ý của mọi phe nhóm đang ủng hộ mình. Đây thường là một sứ mệnh bất khả thi, nhất là tại các tổ chức phức tạp và lâu đời.
Cách đây sáu tháng, Tập Cận Bình có “quyết liệt” đổi mới cơ chế của kinh tế Trung Quốc theo các quy luật thị trường để cạnh tranh hữu hiệu hơn trên toàn cầu. Sau một loạt các nghị quyết hành chánh rất ấn tượng, mọi việc đã im lặng như cũ. Ông ta đã thất bại trong việc “hành” vì không lấy được đồng thuận của các nhóm lợi ích trong phe nhóm. Hiện tượng này còn có tên là “bứt giây động rừng” trong dân gian.
Năm 1977, Đặng Tiểu Bình, dù chưa chắc đã giỏi hơn, đã thực hiện được một cách mạng đổi mới cơ chế kinh tế của Trung Quốc. Lý do đơn giản là họ Đặng không phải đối đầu với các nhóm lợi ích nhiều quyền lực. Kinh tế Trung Quốc lúc đó còn quá nghèo, GDP thua cả những xứ nhỏ hơn như Đài Loan, Hồng Kông…
Một thí dụ gần đây là sự kiểm soát quyền lực của Kim Ủn Ỉn xứ Bắc Triều Tiên. Sau khi hành quyết ông dượng Jang, các nhóm lợi ích gần như biến mất (hoặc bị xử tử hoặc đào thoát ra nước ngoài).
5.      Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Một doanh gia Mỹ có nói, ‘bạn cho tôi biết 10 người bạn thân thiết quanh bạn, tôi sẽ mô tả chính xác đến 80% bản thân, cá tính và hoàn cảnh của bạn”. Suốt ngày cứ tụ tập với bọn du thử du thực thì khó mà tưởng tượng bạn có thể là người đang quản lý một doanh nghiệp tầm cỡ, chính thống. Các bạn bè bà con của bạn toàn là dân khố rách áo áo ôm, thì không ai hình dung bạn là một đại gia hay người thành công về tài chính.
Các quốc gia khôn ngoan cũng biết chọn bạn mà chơi. Sau những đổ nát tiêu điều trong Thế Chiến Thứ Hai, Nhật và Âu Châu đã đi theo đàn anh Mỹ để 25 năm sau, tạo dựng những nền kinh tế siêu cường. Bài học đó được Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore..sao y để tạo những thành quả tương tự. Gần đây, Nga và các nước Đông Âu cũng bắt đầu quy trình.
Còn chúng ta quá bận rộn giữ gìn thành trì của XHCN, cùng với Cuba, Bắc Triều Tiên…nên chắc rồi sẽ “thành công” như họ thôi.
Đổi mới nào cũng sẽ gây những phiền toái và thử thách. Trong lịch sử thế giới hay các kinh nghiệm cá nhân qua sách vở, nhiều suy sụp và đổ vỡ đã xẩy ra khi nội bộ quá thoải mái với hiện tại hay quá khứ, mà bỏ quên tương lai. Có lẽ chúng ta cũng không nhiều lựa chọn, nhưng đôi khi con người và tập thể thích bám víu vào “lá số tử vi” thay vì hành xử theo kế hoạch khoa học.
THEO GÓC NHÌN ALAN

Duy trì quyền lực của nước Nga: Putin đã qua mặt phương Tây ra sao

Năm nay tổng thống Nga Vladimir Putin đã thắng nhiều ván cờ ngoại giao. Ví dụ gần đây nhất là ông đã dùng trò chèn ép chính trị và tống tiền để buộc Ukraine quay lưng với Liên hiệp Châu Âu và trở lại nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga. Điều này đã dẫn đến những cuộc biểu tình gần đây của người dân Ukraine. Vậy bí quyết của Putin là gì?

Xem thêm: Duy trì quyền lực của nước Nga: Putin đã qua mặt phương Tây ra sao (I)


Gây sức ép ở Kiev



OLY2014-RUS-TORCH

Cuộc chiến thương mại của Nga được tiến hành cùng với một chiến dịch tuyên truyền vô tiền khoáng hậu. Tổng thống Putin cử cố vấn kinh tế của mình Sergei Glazyev, người có quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan, sang Ukraine. Ông vẽ ra một kịch bản thảm họa cho Ukraine nếu họ ký hiệp định với Liên hiệp Châu Âu. Glazyev nói rằng Ukraine sẽ cần ít nhất 130 tỉ euro để tuân thủ theo luật lệ của Liên hiệp Châu Âu. Theo ông, điều này sẽ khiến đồng tiền của Ukraine sụt giá mạnh, nên Kiev sẽ không thể trả nợ, người dân sẽ không được sưởi ấm, và đất nước rốt cuộc sẽ khánh tận.

Ông hỏi: “Tại sao giới lãnh đạo Ukraine lại muốn đẩy đất nước vào cảnh tự sát kinh tế?” Trái lại, Glazyev nhận xét, Ukraine sẽ thu thêm được 10 tỉ Mỹ kim nếu tham gia liên hiệp thuế quan do Nga đứng đầu.

Glazyev được vinh danh là “Nhân vật tiêu biểu trong năm 2013” của Nga tại một buổi lễ ở Nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Moscow vào ngày 28/11, ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU ở Vilnius, với Ukraine không chịu ký hiệp định đã dự trù. Theo giới chức trách, Glazyev nhận được giải thưởng này nhờ những đóng góp vào việc “đưa Ukraine quay lại tham gia liên hiệp với Nga.”

Một số người có thể ngạc nhiên về những nỗ lực trắng trợn của Nga nhằm gâp sức ép với Kiev. Nhưng Ukraine, với tên lấy từ tiếng Đông Slavic Cổ nghĩa là “vùng biên giới”, là nước lớn thứ nhì Châu Âu, và Putin cần quốc gia này nếu ông hy vọng xây dựng đế chế kinh tế Âu-Á như ông dự định. Kiev cũng là cái nôi lịch sử của dân tộc Nga, và lãnh địa Đông Slavic đầu tiên được thành lập ở đó vào thế kỷ 19. Trong những bài phát biểu của mình, Glazyev nhiều lần lặp lại “truyền thống tri thức và lịch sử chung của chúng ta”

Đồng thời, cả người Nga lẫn người Ukraine đều khinh bỉ lẫn nhau. Ở Moscow, người Ukraine bị gọi là “Chochly”, từ dùng để chỉ kiểu mũ lạ thường của người Cossack dọc sông Dnieper thời trung cổ. Dân Kiev gọi người Nga là “Moskali”, cũng là một từ miệt thị. Người Nga “đã xem chúng ta là một phần tài sản của họ trong 350 năm qua”; Leonid Kravchuk, tổng thống đầu tiên của nước Ukraine độc lập đã nói như vậy.

Putin và Yanukovych cũng không hòa thuận với nhau. Việc tổng thống Nga rốt cuộc chèn ép Yanukovych cũng là do tâm tính của tổng thống Ukraine. Yanukovych là người chẳng bao giờ dốc lòng vì chuyện gì và luôn để ngỏ cửa hậu đâu đó. Putin đã không tin rằng Yanukovych sẽ thực sự ký hiệp định với Brussels. Nhưng khi tình hình trong mùa hè dường như tiến triển theo chiều hướng ông sẵn sàng ký kết, Moscow phải ra tay.

Ngay cả Putin xưa nay cũng không thích dùng những thủ đoạn xấu xa như vậy. Nga không “mưu cầu vị thế siêu cường quốc hay cố giành bá quyền toàn cầu hay trong khu vực”; Putin phát biểu như vậy hôm thứ Năm 12/12 trong bài diễn văn hiện trạng đất nước hàng năm. Tuy nhiên, tổng thống Nga vẫn muốn các nước như Ukraine vẫn nằm trong quỹ đạo của Moscow.

‘Lãnh tụ thế giới mới của phe Bảo thủ’

Sau các vụ Snowden, Syria, Iran và những cú lật ngược thế cờ ngoại giao khác, Putin hiện nay tự xem mình đảm nhận một vai trò mà ông thấy mãn nguyện không kém: “trọng tài của chính trị toàn cầu”.

Một nhà ngoại giao cao cấp của Nga nói: “Với Putin, chỉ cần 20 phút nói chuyện với Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở St. Petersburg là đủ để ngăn chặn một cuộc oanh tạc Syria và đặt nền tảng đưa ra giải pháp cho vấn đề vũ khí hóa học của Syria.”

Theo một báo cáo dày 44 trang không công bố của Viện Nghiên cứu Chiến lược, cơ quan nghiên cứu hùng mạnh nhất của Điện Kremlin, mà báo Der Spiegel được tiếp cận, uy quyền của Putin hiện nay “mạnh đến nỗi ông thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu về Syria tại Quốc hội Mỹ”. Báo cáo này ca ngợi Putin là “lãnh tụ thế giới mới của phe bảo thủ”.

Các tác giả của báo cáo này viết rằng thời khắc của phe bảo thủ đã đến trên toàn thế giới vì “chủ nghĩa dân túy ý thức hệ của phái tả” – ám chỉ những người như Obama và tổng thống Pháp François Hollande – “đang phân hóa xã hội.”

Theo báo cáo, người dân cầu mong an ninh trong một thế giới biến đổi nhanh chóng và hỗn loạn, và đại đa số muốn ổn định hơn là các thử nghiệm về ý thức hệ, chuộng các giá trị gia đình kinh điển hơn là hôn nhân đồng tính, và thích nhà nước dân tộc hơn là có di dân. Các tác giả này viết rằng Putin cổ xúy các giá trị truyền thống này, trong khi các chính sách đối nội của các nền dân chủ truyền thống bị gò bó do cần phải thỏa hiệp. Tuần trước, chính Putin phát biểu rằng mục tiêu của chủ nghĩa bảo thủ của ông là “để ngăn chặn bước thụt lùi và rơi vào cảnh hỗn loạn tăm tối”.

Các nhận xét này về sự thay đổi về tâm trạng của công chúng có thể đúng, nhưng ai muốn xem Nga là tấm gương điển hình? Những người biểu tình trên Quảng trường Độc lập của Kiev hẳn là không.

Nước Nga của Putin là một quốc gia tổ chức kém, với sức mạnh dựa vào giá dầu ở mức trên 100 Mỹ kim/thùng. Quốc gia khổng lồ ở phương Đông, với vũ khí hạt nhân, tài nguyên khoáng sản và dự trữ ngoại tệ 515 tỉ Mỹ kim, giống như người khổng lồ giả trong truyện thiếu nhi Jim Button và người lái tàu Luke của tác giả người Đức Michael Ende: Càng đến gần hắn, ta thấy hắn càng nhỏ.

Nga trông rất sang trên giấy tờ, với ngân sách gần như cân bằng trong nhiều năm và tỉ số nợ trên GDP là 14% (so với 80% của Đức). Nhưng tỉ lệ tăng trưởng từ 6% trở lên là chuyện quá khứ. Điện Kremlin dự kiến tỉ lệ tăng trưởng chỉ là 1,3% trong năm nay, quá thấp nếu xét theo nhu cầu cấp bách của Nga về hiện đại hóa.

Trong bài phát biểu với quốc dân, Putin thừa nhận rằng nạn quan liêu hành chính và tham nhũng tràn lan đang bóp nghẹt sự đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh ở Nga.

Để cải thiện hình ảnh này và đồng thời kháng cự lại việc báo chí phương Tây đưa tin viết bài chỉ trích Nga, hồi tuần trước, Putin thành lập công ty truyền thông “Nước Nga Ngày Nay”, một cỗ máy tuyên truyền thông hiện đại nhằm đánh bóng hình ảnh của đất nước ở hải ngoại. Ông cũng ban hành sắc lệnh “giải thể” hãng thông tấn RIA Novosti có truyền thống lâu đời, có lẽ vì các bỉnh bút của hãng này có ý thức hệ quá dựa vào những quan điểm phương Tây.

Dmitry Kiselyov, tổng giám đốc mới của Nước Nga Ngày Nay, gây xôn xao khi ông phát biểu trên một chương trình nói chuyện chuyên đề rằng người đồng tính nên bị cấm hiến máu hay tinh trùng. Kiselyov còn nói: “Và trong trường hợp họ chết trong tai nạn xe, tim của họ nên được chôn hoặc thiêu vì không phù hợp để kéo dài sự sống cho bất cứ ai khác.” Ông cũng so sánh việc Liên hiệp Châu Âu bảo lãnh giải cứu các ngân hàng đảo quốc Cyprus với việc Hitler chiếm đoạt của người Do Thái. Tại cuộc họp công ty đầu tiên của Nước Nga Ngày Nay, Kiselyov nói rằng đặc điểm quan trọng nhất của nhân viên làm việc cho công ty quốc doanh mới này không phải là tính khách quan, mà là “tình yêu dành cho nước Nga”.

Sự vươn lên của một ‘đế chế phi tự do’

Một thập niên đã trôi qua kể từ khi Anatoly Chubais, kiến trúc sư của quá trình tư hữu hóa nền kinh tế Nga và vẫn là một nhân vật trung gian vận động chính trị có ảnh hướng lớn trong giới chóp bu của Điện Kremlin, viết tiểu luận kêu gọi xây dựng một “đế chế tự do”. Ông lập luận rằng Nga nên đưa những quốc gia đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ trở lại phạm vi ảnh hưởng của Nga bằng cách tăng sức hấp dẫn của chính mình thông qua dân chủ, tự do, và chế độ pháp trị. Điều này cũng đúng với Ukraine.

Vladimir Frolov, nhà chính trị học ở Moscow, nói: “Ngày nay Liên hiệp Châu Âu là đế chế tự do.” Theo ông, “Putin đưa ra mô hình khác: một đế chế phi tự do”, một đế chế có sức hấp dẫn đối với những nhà cai trị chuyên quyền như tổng thống Belarusia Alexander Lukashenko và tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, mà quốc gia của họ, giống như Armenian và Kyrgyzstan, dự định tham gia liên hiệp thuế quan Âu-Á của Putin.

Trong mô hình của Putin, chỉ có một lãnh tụ biết điều gì tốt nhất cho nhân dân của mình. Ông Frolov nhận xét: “Đế chế phi tự do giúp lý giải tại sao Nga quay lưng lại với Châu Âu bằng cách viện dẫn các giá trị Châu Âu có tính chất lật đổ, và để cho Điện Kremlin bám víu vào ảo tưởng là Nga đang sánh ngang với Mỹ, Trung Quốc, và Liên hiệp Châu Âu.”

Không có công cuộc nào của Putin thể hiện rõ ảo tưởng này bằng Thế vận hội Mùa đông 2014 ở Sochi. Sự kiện này đặc trưng cho cả giấc mơ của Putin muốn vươn đến tầm vĩ đại mới lẫn nhược điểm của ông. Thủ lĩnh Điện Kremlin cho xây dựng các xa lộ, đường hầm và đường sắt ở vùng Caucasus, cũng như một nhà ga tàu hỏa tân tiến và hai khu du lịch mùa đông. Tham nhũng và nạn gia đình trị là một phần nguyên nhân khiến chi phí tăng vọt – từ ước tính ban đầu 9 tỉ euro lên đến hơn 37 tỉ euro. Và chỉ có một vị lãnh đạo quốc gia với tham vọng của Putin, và chỉ có một quốc gia với khuynh hướng hoang tưởng tự đại mới có thể nảy ra ý tưởng tổ chức thế vận hội mùa đông ở một thành phố du lịch vùng Biển Đen với khí hậu cận nhiệt đới.

Nga có chủ định dùng Thế vận hội để giới thiệu những đặc điểm độc nhất vô nhị của mình để thế giới kinh ngạc. Đó là lý do tại sao Điện Kremlin cho 14.000 người rước đuốc Thế vận hội qua chặng đường dài 65.000 km trên khắp nước Nga – cả hai đều là con số kỷ lục. Đương nhiên việc rước đuốc bắt đầu trên Quảng trường Đỏ và hẳn nhiên buổi lễ diễn ra trùng ngày với sinh nhật của Putin. Điện Kremlin cho một thợ lặn đưa đuốc xuống đáy Hồ Baikal, hồ nước ngọt sâu nhất thế giới. Các phi hành gia mang đuốc trên một hỏa tiễn đưa vào vũ trụ, những người cưỡi lạc đà mang đuốc băng ngang các thảo nguyên miền nam nước Nga, những chú chó kéo xe trượt tuyết đưa đuốc đi ngang Bắc Cực và một tàu phá băng chuyển đuốc đến Cực bắc.

Bắc Băng Dương là một nơi khác mà Điện Kremlin muốn khiến thế giới thán phục. Để giành được quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản ẩn dưới đáy biển, mà hiện nay Nga đang cạnh tranh với các nước khác tiếp giáp với đại dương này, hồi tuần trước Putin chỉ thị cho bộ trưởng quốc phòng của mình “mở rộng sự hiện diện quân sự của Nga ở Bắc Cực”. Như vậy có nghĩa là tái thiết 10 căn cứ từ thời Xô Viết ở Vòng Bắc Cực và tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga tại Bắc Cực.

Liên hiệp Châu Âu đã đánh giá sai Putin và Ukraine ra sao

Sức mạnh của Putin chỉ mang tính tương đối vì nó khai thác điểm yếu của phương Tây. Chính sách của Châu Âu đối với Ukraine là một ví dụ hoàn hảo.

Đức và Liên hiệp Châu Âu từ lâu đã tin rằng nếu họ có thể thuyết phục Kiev ký kết vài chục luật có tính tự do, thì ngay cả một chính khách khó tin cậy như Yanukovych cũng không thể chất vấn việc Ukraine ngày càng cùng chí hướng với phương Tây. Thay vì ngỏ ý tài trợ nhiều hơn và hứa hẹn triển vọng rõ ràng hơn về việc Ukraine gia nhập Liên hiệp Châu Âu, vào giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán, họ lại yêu cầu Ukraine thả cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko đang bị cầm tù.

Với cách tiếp cận này, Liên hiệp Châu Âu không hiểu sâu sắc những điều nhạy cảm của Ukraine. Tymoshenko không có đủ tư chất để thành người hy sinh vì nghĩa lớn, và người dân Ukraine chỉ thông cảm chút ít dành cho bà. Nhiều người nhớ lại sự nghiệp trùm tư sản quả đầu của bà trong thập niên 1990 và phương pháp dân túy khi bà làm thủ tướng. Thực tình họ chẳng thấy có gì khác biệt giữa Tymoshenko và Yanukovych.

Nhưng lối suy nghĩ của Yanukovych cũng giống như của Putin – vì thế hoàn toàn không giống lối suy nghĩ của Liên hiệp Châu Âu. Ông không quan tâm đến các giá trị như công bằng, cân đối giữa các lợi ích và tự do cho cá nhân. Giống như Putin, Yanukovych lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, trong đó điều quan trọng là phải mạnh hơn người khác, và có khả năng tháu cáy và hồi phục nhanh chóng.

Với Yanukovych, việc nối lại quan hệ với Liên hiệp Châu Âu theo dự trù chỉ là câu hỏi ông được lợi gì từ đó. Ông muốn tái đắc cử vào năm 2015, và có hai người cụ thể có thể cản đường ông: Tymoshenko và quán quân quyền Anh hạng nặng Vitali Klitschko.

Đức đã phủi tay, lánh như lánh hủi với Tymoshenko, và hiện nay Đức đang tập trung chú ý vào người được xem là lãnh tụ duy nhất của phe đối lập. Mục tiêu của họ là xây dựng Klitschko thành một đối thủ của Yanukovych. Nhưng họ phớt lờ thực tế là có đến ba lãnh tụ đối lập ở Ukraine.

Họ cũng không nhận thấy rằng phe đối lập không phải lãnh tụ thực sự của các cuộc biểu tình trên Quảng trường Độc lập ở Kiev, và nhiều người Ukraine thực tình xem các lãnh tụ đảng của họ, trong đó có Klitschko, là người cộng tác với giới chóp bu cầm quyền. Theo một cuộc thăm dò dư luận, chỉ có 5% người biểu tình trên Quảng trường Độc lập có mặt vì các lãnh tụ đối lập kêu gọi họ tham gia. Phần lớn có mặt trên quảng trường này với lý do riêng của mình.

Chừng nào phương Tây còn tô hồng thực tế ở Đông Âu, Putin sẽ vẫn còn nắm át chủ bài. Ông hiểu rõ tình hình hơn, và có vị thế thuận lợi hơn để gây ảnh hưởng lên các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Ông cũng chẳng đắn đo khi cần phải dùng đến các thủ đoạn tàn nhẫn.

Lấp liếm và huênh hoang

Hôm thứ Tư 11/12, chúng tôi gặp ăn trưa với một trong những cố vấn hàng đầu của Putin ở một nhà hàng Ý sang trọng gần bộ ngoại giao ở Moscow. Ở Kiev, những người biểu tình đang dựng các công sự cao hơn trong một trận bão tuyết nặng.

Mắt của vị quan chức Kremlin này đỏ ngàu. Những đêm dài tại các cuộc họp thượng đỉnh và 19 chuyến công du nước ngoài với Putin trong năm qua đã để lại dấu vết trên đôi mắt. Vị quan chức này mang theo một thông điệp của Putin. Vừa dùng bữa với món mực giầm chua và xúc xích Ý, ông vừa giải thích rằng sếp của mình là người “mà ta có thể đạt thỏa thuận miễn là ta chịu nói chuyện với ông”. Nhưng theo ông, nói chuyện với Putin là điều phương Tây “hiếm khi làm”. Ông nói những chính khách cao cấp như Ngoại trưởng Đức Westerwelle không nên kết giao với phe đối lập ở Kiev, và những lần xuất hiện trên Quảng trường Độc lập là “không đúng, nói một cách ngoại giao”. Ông nhắc rằng dù sao đi nữa, chẳng có bộ trưởng Nga nào có mặt ở đó.

Vị quan chức này quả là có tài thuyết khách. Theo ông, các bộ trưởng Nga không cần vội vã sang Kiev vì bản thân tổng thống Ukraine được triệu hồi đến Moscow gần như hàng tuần. Tuy nhiên, lần này có thể Putin đã tính toán sai về vấn đề Ukraine.

Khi Kiev dựng công sự lần đầu tiên vào năm 2004 và Cách mạng Cam bắt đầu, người Ukraine biểu tình phản đối gian lận bầu cử. Moscow chẳng màng ai lãnh đạo Ukraine, bất luận đó là cựu tổng thống Viktor Yushchenko, Tymoshenko hay Yanukovych. Họ đều đại diện cho các phe phái khác nhau đấu đá lẫn nhau để giành quyền lãnh đạo đất nước – và họ đều là những người mà Moscow ít nhiều có thể bắt tay được.

Nhưng hiện nay tham gia biểu tình trên trên Quảng trường Độc lập là những người cảm thấy bị tước mất hy vọng về những mối quan hệ khắng khít hơn với Liên hiệp Châu Âu vì giới lãnh đạo đất nước họ tự để cho Nga mua chuộc. Đối với họ, Châu Âu đồng nghĩa với dân chủ, tính tự quyết và lòng trung thực, đồng nghĩa với chấm dứt chế độ chuyên quyền và tham nhũng.

Nhà chính trị học người Nga Vladislav Inozemtsev nhận định rằng nỗ lực vụng về của Moscow nhằm gây sức ép với Kiev đã thay đổi tình hình. Theo ông, xã hội Ukraine chẳng mấy quan tâm về việc ai trong giới chóp bu hiện đang cầm quyền; họ quan tâm nhiều hơn về hướng đi của đất nước. Ông Inozemtsev nói rằng số người Ukraine thân Liên hiệp Châu Âu đã tăng đáng kể trong mùa thu năm nay.

Yanukovych cảm nhận được điều này. Hôm thứ Năm 12/12, ông đổi ý và thông báo rằng quả thực có lúc ông có ý định ký hiệp định EU. Nhưng đây có vẻ lại là một trò khác của ông với mục đích rốt cuộc thuyết phục người biểu tình về nhà.

Ông đã tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn vào chiều thứ Sáu 13/12, nhưng cuộc thảo luận này đã kết thúc đầy thất vọng khi Yanukovych không nhượng bộ trước bất cứ yêu sách nào của phe đối lập. Thay vì thế, ông bảo nhân viên của mình chuẩn bị cho một cuộc mít-tinh rầm rộ của những người ủng hộ ông. Tuy nhiên, thủ tướng của ông nhắc đến khả năng từ chức, còn cựu tổng thống Leonid Kuchma mô tả tình cảnh của Ukraine là “khánh tận”.

Cuộc cờ gồm các bên Kiev, Moscow và Liên hiệp Châu Âu chưa vãn hồi. Tuy nhiên đã rõ là Putin đã làm hại Ukraine bằng sự can thiệp của mình và biến Yanukovych thành bù nhìn. Nhà chính trị học người Nga Inozemtsev nghĩ rằng cơ hội thắng cử của Yanukovych trong kỳ bầu cử sắp tới rất mỏng manh. “Trong năm 2015 khó mà có cơ hội thắng cử tổng thống cho ai một lần nữa sẵn sàng đánh đổi Châu Âu để lấy khí đốt giá rẻ của Nga.”


Christian Neef và Matthias Schepp, Der Spiegel

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

  Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bản dịch, ký tên Khương An, đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 18 & 25/12/2013.)

Phẫn nộ dân Đồng Nai hết "hôi bia" giờ lại "hôi ngô"

(ĐSPL) - Câu chuyện hôi bia còn chưa lắng xuống lại xảy ra một vụ hôi của khác của một bộ phận người dân kém ý thức tại Đồng Nai ngày đầu xuân.
Ngay sau khi thông tin được đăng tải, cư dân mạng kịch liệt lên án hành động thiếu ý thức của người dân Đồng Nai, đồng thời cảm thương cho anh tài xế không may mắn.

Độc  giả nick name Long Nguyễn lắc đầu: “Thật là một hành động vô ý thức. Sau vụ hôi bia chẳng nhẽ không có bài học gì được rút ra hay sao. Đúng là một việc làm xấu mặt dân Đồng Nai chúng ta quá”.
Độc giả nick name Răng đen tâm sự: “Có lẽ nạn hôi của sẽ vẫn còn tiếp diễn. Không chỉ ở Đồng Nai mà còn nhiều nơi khác nữa. Là con người ai cũng thích miễn phí mà.”
Theo thông tin ban đầu thì vụ hôi của xảy ra vào đúng ngày đầu năm mới 1/1/2014 trên quốc lộ 51 đoạn ngang qua ấp 1 (xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Chiếc xe tải mang biển số 61L – 0399 chở 15 tấn bắp hạt do tài xế Nguyễn Đình Công Tuấn điều khiển đi trên quốc lộ 51, do chằng buộc không kỹ nên khoảng 1 tấn ngô đổ tung tóe trên đoạn đường dài khoảng 500m.
Phẫn nộ dân Đồng Nai hết
Do va chạm 15 tấn bắp đã bị đổ ra đường
Thấy vậy người dân ở gần đó đã giúp tài xế gom ngô để lưu thông đường tránh tai nạn. Nhưng cũng không ít người thấy ngô đổ xuống đường đã lao vào hốt ngô cho vào bao, thùng, chậu… xách mang về nhà. Có người đã lấy được 2 bao tải, cho lên xe chở đi mặc cho anh tài xế van xin thảm thiết.
Phẫn nộ dân Đồng Nai hết

Người dân lấy xô chậu mang bắp về nhà mình

Phẫn nộ dân Đồng Nai hết
Người dân này mặc kệ tài xế van xin thảm thiết, vẫn mang về


Cách đây một tháng, tại vòng xoay ngã tư Tam Hiệp (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cũng đã xảy ra vụ "hôi" bia làm dư luận bất bình. Giờ đây lại đến hành động “hôi bắp” của một số người dân ở huyện Long Thành. Đây là một hành động đáng lên án.
Chương Tương

Vương Trí Nhàn - Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ


Nhiều thanh niên học hành không ra gì nhưng muốn kiếm nhiều tiền và chê những công việc bẩn thỉu, khó nhọc.

Nhìn vào các nghề thủ công, nhiều người có tuổi và kỹ tính một chút thường nhận ngay ra rằng nếu so với một người thợ ngày xưa thì thợ bây giờ non tay hơn nhiều. Những ngôi đình ngôi chùa nổi tiếng, giá bảo bây giờ dựng lại không sao dựng nổi. Thử đặt những cái chuông cũ trước cánh thợ đúc, những pho tượng trước cánh thợ mộc… Có cho tiền tỉ các vị cũng lắc đầu không dám nhận làm.

Nói tới thợ thủ công là phải nói sự tinh tế, cái hoa tay. Thợ bây giờ hơn hẳn người xưa ở các phương tiện hiện đại trợ giúp. Nhưng máy móc, trong khi giúp con người đỡ vất vả, lại làm thui chột đi năng khiếu mà chỉ con người mới có.

Nhân nhà có việc cần, tôi đi mua một cái cuốc. Lưỡi cuốc nhập từ Trung Quốc, không nói làm gì. Nhìn vào cái cán. Xưa chỉ cán tre, nay có cán gỗ. Chết nỗi, gỗ chỉ được đẽo gọt qua loa. Chưa bao giờ tôi thấy có một cái cán cuốc nham nhở như vậy.

Đã nhiều ý kiến ghi nhận con người thời nay suy thoái so với ngày xưa. Dối trá lừa lọc làm bậy bất chấp luật pháp… Còn một khía cạnh khác đơn giản hơn: Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ con người với công việc. Sự kém cỏi trong chất lượng công việc mà họ hoàn thành.

Có lẽ không nước nào như ở nhiều cơ sở sản xuất nước ta, hàng hóa chỉ được những mẻ đầu, càng về sau càng hỏng.

Nhiều con đường mới làm đã nứt vỡ toe toét.

Đình chùa được tu bổ ngày một lai căng xa lạ.

Trong nghề viết văn viết báo, văn chương chữ nghĩa chưa bao giờ bị rẻ rúng như bây giờ. Người viết viết bừa viết ẩu, người duyệt bài cứ ký đại đi cho in - chỉ cốt không sai chính trị còn tội lỗi gì cũng tha bổng hết.

Xảy ra tình trạng lộn xộn không chỉ do sự dễ dãi thiếu chuẩn mực cùng sự kém cỏi của những người cầm trịch mà còn do sự tha hóa của bản thân người lao động. Nhiều người thiếu hẳn sự tha thiết với công việc hàng ngày vốn là lẽ sống của mình. Cứ ngong ngóng những chuyện đâu đâu trong khi chính nghề nghiệp bị thả nổi.

Ở Hà Nội những năm sau 1954 có một tình trạng khá kỳ quặc. Chủ nghĩa bình quân bộc lộ ra thành những biến tướng kỳ lạ. Những người lao động đơn giản được tôn lên vị trí rất cao trong khi người trí thức thì lại luôn luôn bị đặt thành vấn đề. Trước mắt là phải cải tạo họ bằng những thứ lao động đơn giản, người ta bảo vậy!

Ở nhiều cơ quan, người dọn dẹp vệ sinh (lúc ấy gọi là lao công) được bố trí đi học văn hóa ngay trong giờ làm việc, còn các nhân viên khác thì phải bỏ việc của mình đi làm những việc như lau nhà lau cửa, dọn dẹp vệ sinh. Công thức tóm lại là “Người quét rác đi học văn hóa, các nhà khoa học lo đi quét rác”. Từ đây đẻ ra cái tình trạng nhấp nhổm, chả ai yên tâm làm việc gì.

Trong các cuốn lịch sử nghệ thuật Nhật Bản, tôi đọc thấy họ hay nói là có những người theo nghề một cách hết lòng tới mức có những cô gái tự nguyện không lấy chồng để yên tâm cống hiến cả đời cho nghề.

Ở ta thì lâu lắm tôi không nghe thấy nói có ai “điên” kiểu ấy. Kiểu sống hết mình với một niềm tin nào đó được coi là lập dị và không chấp nhận được. Khi chuyển hóa vào trong cách ứng xử người lao động, nó hiện ra thành sự coi thường những việc nhỏ mọn.

Trong điều kiện một nước mới chuyển từ nông nghiệp lên hiện đại, xưa phố xá đi đâu cũng gặp những người thợ chữa những thứ lặt vặt như chữa khóa chữa giày. Nay thì nghề này ngày càng ít người làm.

Thằng cháu con đứa em tôi đang ở bên Đức thỉnh thoảng về chơi. Nó kể thời học đại học, mùa hè nó đi vác lợn trong lò sát sinh rồi lái xe chở lợn đến các cửa hàng. Nghe chuyện, hàng xóm bảo nhau: Ở Việt Nam không ai làm thế. Thanh thiếu niên có nghèo mấy nhưng bảo đi làm những việc có vẻ bẩn thỉu một chút là lảng xa. Nhiều gia đình ngấm ngầm khuyến khích con cái khôn ranh lừa lọc hơn là lặng lẽ trau dồi nghề nghiệp.

Sự hư hỏng công nhiên phô phang ra và biến thành sự trơ tráo không biết từ lúc nào. Những tiền đề tạo nên sự vô cảm, bạo lực ngày một tích tụ. Những nghề phục vụ ăn chơi đàng điếm chưa bao giờ phát triển nhiều như bây giờ, tuy ngó vào thì thấy cả ở đây nữa, người ta chỉ có một trình độ nghề nghiệp loàng xoàng.

Vương Trí Nhàn

(Blog Vương Trí Nhàn)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét