Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Bản thông điệp đầu năm sặc mùi... "tự diễn biến" - Chính phủ yêu cầu huy động vàng trong dân

Bản thông điệp đầu năm sặc mùi... "tự diễn biến"

- Trải qua 69 năm sống và làm việc dưới sự lãnh đạo chẳng mấy tài tình, chẳng mấy sáng suốt của mấy ông lãnh tụ cộng sản tới hôm nay,

- Được và bị nghe hàng ngàn bài nói chuyện, bài viết,… của mấy ổng toàn là những ý, những từ, cụm từ cứng nhắc nhai đi nhai lại không biết chán, không sao tìm ra một câu nói nào đáng suy nghĩ, đáng được ghi vào sổ tay, trừ những câu nói… “hố” công khai của mấy ông to nhất nước như kiểu ông Tổng Lú vừa qua…(1)
- Được và bị nghe một bài nói/viết sặc mùi tự diễn biến thứ thiệt (cần bị xử lý!) ngày đầu năm của chú Ba đã làm mình phải tỉnh cả người, tìm nghe, tìm đọc, đọc đi đọc lại để mà ngạc nhiên quá trời...
- Mặc cho rất nhiều bạn trẻ, bạn già đến thăm mình nhân dịp năm mới và chúc mừng mình lần thứ 3 thoát khỏi lưỡi hái của Tử Thần tỏ ra nghi ngờ… Nào là:
+ Lại một trò bịp dân nữa thôi!…
+ Hãy chờ xem ông ta làm được cái gì nếu không phải là mị dân “nói dzậy mà không phải dzậy”!... kiểu “tôi sẽ từ chức nếu không dẹp được tham nhũng…” ngày mới lên ngôi mà thôi v.v... và v.v...
Mình vẫn mang từng câu, từng đoạn bài viết “rất mới” này ra để phân tích,… Dù có bị “lừa” một lần nữa thì cũng tự sướng được ít ngày…
Này nhé! Không tự diễn biến, không có sự sự tán đồng của một số nào đó, không có sức mạnh của một “lực lượng chuyên chính” sát khí đằng đằng dàn hàng ngang đứng sau lưng do hàng trăm tướng, tá do chính chú Ba ký sắc phong cho, liệu chú có dám ra cái bản thông điệp đầu năm sặc mùi… “tự diễn biến” mà gần như tất cả các báo, đài đều đồng loạt đưa ra công khai toàn văn những điều (cực mới với cung đình nhưng chẳng là cái đinh gì với lương dân chúng tôi) như sau không?
Giấy trắng mực đen đây nhé:
“Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”.
Cái này mới là… lạ chứ:
Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại.
Hơn một lần chú ấy nói đến chất lượng thể chế (system) và cần ĐỔI MỚI THỂ CHẾ? Ý nghĩa của nó liệu có giống chút nào với “chủ nghĩa cộng sản không thể sửa chữa mà chỉ có xóa bỏ mà thôi” của B. Eltsine không?)
Còn về quyền con người, quyền công dân thì …các ông Thein Seein, Hunxen hãy mở to mắt vềnh cao tai mà nghe nè:
“Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch”
và rằng:
đất nước đang cần có thêm động lực để phát triển mà “Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”.
“Đổi mới thể chế”! Chỉ 4 chữ này đàng hoàng phát ra từ chính miệng chú Ba đã làm đề tài bình luận từ nước trong đến nước ngoài! Nhiều bài viết đều đi đến những kết luận thống nhất: Tức là: thể chế cũ hiện tồn tại không có những yếu tố cần thiết để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo ra động lực mới cho phát triển đất nước”, Vậy thì chỉ còn thiếu mỗi 1 việc: Hãy xóa sạch nó đi!

Tuy nhiên, không ít các nhà lý luận dù có khen chú Ba đã “tự diễn biến” kha khá nhưng vẫn còn băn khoăn khi thấy chú, tuy ra thông điệp đầu năm chỉ dưới một lá cờ nước, không có cờ Đảng, không hình lãnh tụ, (y hệt Tập Cận Bình)! Tuy không đả động gì đến 2 ông Mác-Lê nhưng chú chưa dám như ông Tập là phớt lờ luôn cái chủ nghĩa xã hội, cái tên Mao, tên Đặng mà chỉ nói đi nói lại về “giấc mơ Trung Quốc” thôi!
Chú thì vẫn phải tiếp tục ngợi ca chủ nghĩa xã hội (mà theo chú tổng Trọng thì đến hết thế kỷ này cũng chưa chắc đã thấy nó ra sao)… làm cho nhiều nhà lý luận danh tiếng nghi ngờ…
Điển hình là giáo sư Tương Lai đã trả lời BBC:
"Bây giờ đòi hỏi thông điệp của ông ấy phải hủy bỏ luôn xã hội chủ nghĩa thì tôi chắc rằng ông ấy không thể tồn tại trên ghế thủ tướng được."
 "Nhưng khi ông ấy nói rằng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng phải là xã hội gắn với dân chủ và Đảng phải nắm lấy ngọn cờ dân chủ thì tôi thấy nói như vậy, trong bối cảnh hiện nay, thì có thể chấp nhận được."

"... Đó là nội dung mà chúng ta mong muốn, còn đặt tên cho nó là gì thì có thể tính sau. Cái tôi cần, là nội dung cốt lõi của nó, chứ đừng mượn ngôn từ bịp bợm để lừa dối nhân dân."
Còn theo ý kiến của lão già này thì: Biết đâu đấy chú ấy cũng phải chơi cái chiến thuật “Perestroika để có… nhiều chủ nghĩa xã hội hơn” của Gorbachov thì sao?
Bây giờ hãy nhìn vào những gi chú ấy làm cái đã:
Chỉ một mẩu tin trên VNN này thôi, cũng thấy, chú Ba đang hơi… dân chủ quá trớn với mấy chú khác trong Bờ Chờ Trờ làm mấy chú có tâm hồn “không ăn ở hai lòng” với ông bạn 4 tốt bắt đầu phá thủ tướng! Hãy đọc nhé:
Thông tin về buổi làm việc của TT Nguyễn Tấn Dũng với Hội Khoa học Lịch sử VN, trong đó ông chỉ đạo các cơ quan ngoại giao, giáo dục … chuẩn bị nội dung đưa vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa vào Sách giáo khoa các cấp học phổ thông.
Thế nhưng, sau khi bài được VNN đăng, một số báo như Dân trí, Pháp luật TPHCM, An ninh Hải Phòng… đã đăng lại, thì đột nhiên đồng loạt bị gỡ bỏ (2).
Không những chỉ chú Ba tự diễn biến, hàng chục tiến sỹ giáo sư hàng trăm blogger, facebooker không kể cả các cây viết trước kia thường nói không hay về chú ấy đã theo chú ấy đổi “tông” không ít thì nhiều. Các cựu lãnh đạo, các vị não thành, cựu chán binh cũng lên tiếng, đòi hỏi thay đổi, thôi lừa dối dân mà điển hình là bài của ông nguyên Bộ Trưởng 4T Nguyễn Doãn Hợp:
2014: Khởi đầu cao trào nói thật
 Tuần Vietnam - Từ năm 2014 trở đi cần phát động cao trào nói thật, báo cáo đúng. Mọi báo cáo của địa phương, cơ sở, doanh nghiệp đều phải thẩm định, ai báo cáo sai phải xử lý nghiêm túc.

Tại diễn đàn những kỳ họp Quốc hội gần đây, các đại biểu, các cơ quan và quan chức có trách nhiệm đã công khai phê phán chất lượng, tính logic và độ chính xác của các báo cáo thống kê về kinh tế xã hội và nghi ngờ các số liệu đưa ra không sát với thực tế. Thực trạng này đang trở thành một mối lo của nhiều người, trở thành căn bệnh kéo dài ngày càng nặng hơn. 

Nguyên nhân:

Bệnh thành tích luôn đẩy số liệu lên cao để được khen thưởng, cân nhắc, đề bạt. Như bệnh tăng trưởng GDP, hộ giàu, thu nhập bình quân đầu người...

Cơ chế xin và cho lại hạ thấp số liệu phù hợp các tiêu chí để được xin và cho dễ dàng, như số hộ đói nghèo, nợ xấu, thiệt hại do hỏa hoạn, thiên tai…

V.v... và v.v... Đọc xong ta thấy cứ như là của mấy anh “suy thoái cần xử lý” vậy!
Tưởng rằng đã chẳng còn một tí ti tin tưởng nào vào câu nói của De Gaulle “Chỉ có người cộng sản mới có thể diệt nổi người cộng sản” trở thành sự thực ở cái xứ sở “đỏ vỏ xanh lòng” này...
Nhưng hôm nay, bỗng thấy vui vui vì có ông to bỗng dưng nói ra những điều mình ĐÃ NÓI NHƯNG BỊ COI LÀ THOÁI HÓA… Cho nên hứng chí lên viết thêm mấy dòng này:

VÀI ĐIỀU GÓP Ý CHÂN THÀNH VỚI CHÚ BA VÀ NHỮNG AI ỦNG HỘ CHÚ

Hãy biến tất cả những nhận thức “rất mới” đó của chú thành hành động cụ thể bằng cách:
1- Dựa vào tình hình thực hiện “hiến pháp mới”, ra lệnh hủy tất cả các nghị định, chỉ thị, nghị quyết nào đã cấm, đã bỏ tù người dân vì những điều “đáng lẽ ra không được cấm” vì phản hiến pháp như nghị định 72, luật 258 gì gì nữa ấy…
2- Trả tự do ngay cho tất cả những tù nhân lương tâm đã bị xét xử hoặc chưa xét xử chỉ vì bất đồng chính kiến với thiểu số đảng cộng sản.
3- Sớm ký ngay 3 đạo luật bộ mặt cho một thể chế dân chủ văn minh trong xã hội loài người thế kỷ XXI. Đó là: Luật Biểu Tình, luật Tự Do Báo Chí và Xuất Bản… luật Tự Do Lập Hội
Chưa nói gì đến những to lớn hơn như chuyện an ninh tổ quốc, kinh tế, an sinh xã hội...
Chỉ với mấy cái hành động cụ thể đó thôi tôi tin chắc rằng:
Nhân dân sẽ quên hết những gì ”không hay” của chú trong quá khứ mà tôn chú lên là “Góocba Đất Việt” và khi thực thi luật biểu tình tôi sẽ ngồi xe lăn theo chân quần chúng đi hoan hô công việc ĐỔI MỚI THỂ CHẾ của chú như một anh hùng thứ thiệt!
Tuy nhiên cũng phải nhắc chú một điều: Luôn cảnh giác đề phòng những kẻ thù của Đổi Mới thật sự! Cuộc chiến để bảo vệ quyền và lợi của bọn chúng sẽ rất gian manh hiểm độc và tàn nhẫn! Đừng để rơi vào hoàn cảnh Lưu Thiếu Kỳ, Trần Nghị, Lâm Bưu… hoặc may mắn lắm thì cũng như Trần Xuân Bách, Trần Độ…
Thẳng tiến thôi! Chú Ba Dũng!
TB: Còn nếu đúng như cái gì g/s Tương Lai đã nói trước khi ngừng lời thì… xin lỗi… Sau này người ta có đối xử với chú như chú Ủn bên Triều Tiên đối xử với dượng hắn (cho chó đói ăn sống nuốt tươi) thì em cũng xin nhắm mắt giơ tay… đồng ý!
Nhạc sĩ Tô Hải

------------------
(1) Ngày 23/10/2013 vừa rồi, ông Tổng Trọng đã tuyên bố trước Quốc Hội cuội của VN xã nghĩa 1 câu xanh rờn: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”
Câu nói của ông Trọng đã gây nên rộng khắp một làn sóng dư luận đầy phẫn nộ và chua chát...
(Blog Nhạc sĩ Tô Hải

Chu Hảo - Thông điệp lạ của Thủ tướng

Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ có đôi điều mới và lạ.

Lạ là bởi vì xưa nay các vị lãnh đạo nước nhà thường viết thư hoặc làm thơ động viên gửi đồng bào vào dịp Tết Âm lịch, chứ hình như chưa ai gửi thông điệp vào đầu năm Dương lịch. Thông điệp trong tiếng Việt thường được dùng để chỉ các phát biểu chứa các nội dung quan trọng của đại diện nước này với nước khác, hoặc với quốc hội và nhân dân nước mình.


Ở nhiều nước, ngoài Thông điệp đầu năm thường là văn kiện công bố lời cam kết thực hiện chính sách mới và chương trình hành động trong năm tới của người đứng đầu cơ quan hành pháp đối với toàn dân. Thông điệp này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng rõ nét tương tự như vậy. Ban đầu có vẻ hơi lạ, nhưng trước lạ sau quen, hy vọng đây sẽ là một tiền lệ tốt: Đầu năm dân nghe Thủ tướng nói gì để cuối năm xem Thủ tướng làm được những gì theo tinh thần "dân biết, dân bàn, dân cùng làm và dân kiểm tra".

Tuy Thông điệp chỉ đề cập đến những vấn đề mà Thủ tướng coi là cấp thiết phải công bố trong dịp này; còn các vấn đề cũng hết sức quan trọng như bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo, giáo dục, y tế và tệ nạn tham nhũng…chưa được nói tới  nhưng chúng ta hy vọng Thủ tướng cũng sẽ tỏ ra quyết liệt về những vấn đề đó trong các dịp khác.

Những ý tưởng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện đổi mới nền nông nghiệp nước nhà đã được Thủ tướng nhấn mạnh ở nhiều bài phát biếu khác và hoàn toàn khả thi.

Những điểm mới nằm ở trong phần đầu của Thông điệp, đoạn nói về thể chế và mở rộng dân chủ. Chỉ trong vài trang giấy mà đã nhắc lại cụm từ “dân chủ” gần 20 lần và cụm từ “quyền làm chủ của nhân dân” suýt soát 10 lần. Hiếm thấy có một văn kiện chính trị nào mà các cụm từ này lại được nhắc đi nhắc lại một cách rốt ráo như vậy. 
Thủ tướng đã thấy chỉ rõ rằng: “Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”. Đó là chương trình hành động, là cam kết của người đứng đầu cơ quan hành pháp nước nhà.  

Trong đoạn này những giá trị cốt lõi và phổ quát của nền dân chủ hiện đại đều được Thủ tướng nhắc đến với sự đoan chắc phải được thực hiện, nhưng thực hiện thế nào là điều không mấy dễ dàng.

Đây cũng là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan hành pháp nước nhà  tuyên bố với toàn dân tinh thần cót lõi của pháp luật “Người dân có quyền được làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”
Pháp luật không thể ngăn cấm những gì đã được ghi trong Hiến Pháp. Vậy thì người dân phải được thực thi ngay các quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội… mà không làm bất ổn chính trị xã hội và an ninh quốc gia, không phải đợi các luật cứ bị “treo” mãi nữa. 
Đồng thời người dân cũng sẽ có ý thức hơn trong việc vượt qua nỗi sợ hãi tố cáo người của công quyền làm trái quy định của luật pháp.

Ngoài ra Thông điệp của Thủ tướng cũng cam kết những điều hệ trọng khác như: thực thi các quyền dân chủ trực tiếp để đảm bào hiệu quả của dân chủ đại diện, hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, Xây dựng, sửa đổi các luật để thực hiện Hiến pháp v.v… Toàn là những điều nhân dân khát khao chờ đợi thực thi, nhưng cũng biết là chẳng mấy dễ dàng. Có cảm tưởng như Thủ tướng đang dũng cảm "lấy đá ghè vào chân mình"!
Lạ rồi sẽ trở thành quen, chúng ta mong năm nào Thủ tướng cũng có những thông điệp mới mẻ và cam kết thực hiện đến toàn dân như thế!

Chu Hảo
(Một thế giới)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nơi nào có xã hội đen, trung ương đều biết cả

Vẫn chưa có lối ra cho việc xử lý con nghiện trong thời điểm giao thoa.

“Đầu năm mới nên tôi không nói cụ thể nhưng tôi nhắc các đồng chí là nơi nào có tội phạm lộng hành, nơi nào có xã hội đen thì trung ương đều biết cả và các đồng chí phải có biện pháp để xử lý” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo

138/CP, nhấn mạnh như trên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014 của Ban Chỉ đạo 138/CP tổ chức tại Hà Nội ngày 3-1.

Mỗi ngày 150 vụ xâm phạm trật tự và ma túy

Trước con số trung bình mỗi ngày có 150 vụ xâm phạm về trật tự xã hội (TTXH) và ma túy trên cả nước, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM Dương Văn An cảm thán: “Tình hình về tệ nạn ma túy và tội phạm như vậy là quá nhiều, phải nói là cấp bách và đáng lo ngại”.

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 138, cũng cho hay tình hình xâm phạm TTXH tăng 5,03% so với năm trước. Ngoài ra, các loại tội phạm về giết người, ma túy, buôn bán người, kinh tế và công nghệ cao... đều có biểu hiện phức tạp và có chiều hướng gia tăng. “Trong năm đã xảy ra nhiều vụ án dã man tàn bạo, thể hiện trạng thái tâm lý xã hội không bình thường. Trong đó nhiều vụ giết người do ảo giác tâm thần vì sử dụng ma túy, game gây bức xúc dư luận” - ông Vương nói.

Bày tỏ lo ngại trước tình hình tệ nạn ma túy ngày càng gia tăng phức tạp, nhất là ma túy tổng hợp, ma túy đá hiện chưa có giải pháp điều trị nghiện, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm nêu băn khoăn về việc đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo luật này, từ 1-1-2014, việc đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện được chuyển giao sang tòa án cấp huyện quyết định nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện đều chưa có khiến tòa án lúng túng (báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trên số báo ra ngày 2-1). Cùng chung mối băn khoăn trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 cần sớm phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn về biện pháp đối với người nghiện ma túy, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương.

Trả lời PV về khoảng trống pháp luật nêu trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP, cũng tỏ ra lúng túng: “Cũng khó nói lắm. Vận dụng thế nào đó phù hợp với điều kiện cụ thể, sắp tới đây cũng sẽ có một văn bản hướng dẫn”. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, các loại tội phạm về giết người, ma túy, buôn bán người... đều có biểu hiện phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trong ảnh: Xét xử vụ án vận chuyển trái phép hơn 5.000 bánh heroin và hàng ngàn viên ma túy các loại đối với 89 bị cáo ngày 3-1-2014 tại TAND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN


Vì sao quyết liệt nhưng tội phạm không giảm?

Theo Bộ Công an, hiện có 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm TTXH và có 10 tỉnh, thành có tội phạm có tổ chức. Trong năm đã có tám địa phương chưa có dấu hiệu chuyển biến về tình hình tội phạm.

Lý giải cho việc vì sao làm quyết liệt nhưng tội phạm không giảm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngoài các nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là do vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, địa phương. Việc nắm tình hình, điều tra tại một số địa phương chưa sâu, hiệu quả giải quyết tội phạm chưa cao, một số nơi chưa nghiêm dẫn đến vi phạm pháp luật, đặc biệt là một số vụ tội phạm lộng hành xảy ra trong thời gian dài. “Để tội phạm lộng hành tại địa phương là do tinh thần trách nhiệm của một số đơn vị cá nhân chưa cao, năng lực cán bộ trong việc báo cáo xử lý kịp thời có vấn đề, phối hợp các ngành chưa tốt” - ông nêu rõ.

Trước tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở: “Nhân dân ngó chúng ta không phải chỉ phát triển kinh tế-xã hội mà phải lo bình yên cuộc sống của nhân dân. Dân chúng ta có thể nghèo một tí nhưng cuộc sống không có tệ nạn xã hội. Còn hơn là cuộc sống tuy có khá giả hơn mà cứ lo nơm nớp chuyện này chuyện kia”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh:  “Nơi nào để tội phạm lộng hành thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo quy định. Đầu tiên là nhắc nhở kiểm điểm nghiêm túc, từ đó mới rút ra những hình thức xử lý phù hợp”.

Năm tỉnh bị phê bình vì lãnh đạo vắng họp
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình năm tỉnh Yên Bái, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Thừa Thiên-Huế và Đồng Tháp vì lãnh đạo không có mặt. “Các đồng chí quan niệm việc đó là của công an nên lãnh đạo không có mặt phải không?” - Phó Thủ tướng gay gắt. Theo ông, “phải nhận thức rằng hệ thống chính trị phải vào cuộc thì mới ngăn chặn có hiệu quả tội phạm”.
Con đường hòa nhập chông gai lắm
Theo Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM Dương Văn An, tình hình thanh niên vi phạm pháp luật và phạm tội ngày càng gia tăng, trẻ hóa và tính chất ngày càng nghiêm trọng. “Tôi nhận thức là có trách nhiệm của Đoàn TNCS HCM. Nếu Đoàn làm tốt hơn, đoàn kết nhiều thanh niên hơn, tiếp cận nhiều hơn với các đối tượng có nguy cơ cao, thanh thiếu niên hư hỏng thì sẽ góp phần ngăn được tội phạm” - ông An nói.
Tuy nhiên, ông An cho rằng con đường tái hòa nhập cộng đồng của người lầm lỗi còn khó lắm. Người đã chịu hình phạt tù phải mở được những cánh cửa đầy khó khăn. Một là cánh cửa trại giam và một là “cánh cửa” - sự chấp nhận của cộng đồng. “Những người đã lầm lỡ rất khó vay được vốn, rất khó xin việc làm nên rất dễ quay lại con đường phạm tội” - ông An nêu.
NGUYỄN DÂN
(PLOnline)

Dương Đình Giao - Lại nói về chuyện thi

Bộ Giáo dục vừa công bố dự kiến hai phương án thi và công nhận tốt nghiệp PTTH để lấy ý kiến dư luận xã hội. Với thái độ khẩn trương, Bộ cũng để ngỏ khả năng một trong hai phương án có thể được thực hiện ngay trong năm học này.

Trước hết, xin hoan nghênh Bộ Giáo dục đã không thờ ơ với những chỉ trích rất nặng nề của công luận về các kỳ thi tốt nghiệp PTTH hiện nay. Nó vừa gây lãng phí, vừa tạo sức ép không đáng có cho học sinh và cha mẹ họ, vừa phản giáo dục vì dối trá đã hoành hành không một chút e ngại. Bộ đã tìm một giải pháp có tính chất trung dung, không bỏ kỳ thi này (vì chẳng lẽ không có nổi một kỳ thi thì đánh giá suốt 12 năm học trong cuộc đời con người), mà cũng không đưa nó này trở về với quỹ đạo nghiêm túc của một kỳ thi mang tầm quốc gia (vì chẳng ai có thể làm được khi giáo dục hình như cũng đang chạm đáy trong hoàn cảnh hiện nay).


Trong 2 phương án Bộ đưa ra, tôi nghĩ, chúng ta nên theo phương án 1, vì bớt đi một môn thi, nghĩa là sự lãng phí, sức ép và thói dối trá sẽ giảm bớt. Trong các nhà trường hiện nay, chắc những cái xấu xa sẽ bộc lộ tỷ lệ thuận với số môn thi. Chẳng hay ho gì khi thêm một môn thi nữa.

Nhân đây, xin nói một chút về môn Ngoại ngữ. Có lẽ trong sự thất bại của giáo dục Việt Nam hơn nửa thế kỷ nay (tôi không nói tới giáo dục ở Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp và giáo dục ở miền Nam trước 1975), không đâu thể hiện rõ hơn ở môn học này. Học ngoại ngữ suốt 7 năm, thậm chí 10 năm (với số học sinh được học từ lớp 3), trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam thật đáng buồn. Thời Pháp thuộc, không có những phương tiện nghe nhìn hiện đại như ngày nay, không có điều kiện giao tiếp như hiện nay, học sinh chỉ cần học hết Trung học cơ sở (thậm chí Tiểu học) cũng đã có thể sử dụng tiếng Pháp trong giao tiếp thông thường.

Nam Cao có kể lại trong một truyện ngắn, khi ông tới nhà dây thép (bưu điện) ở huyện quê ông thuộc tỉnh Hà Nam quê ông, nhận tiền nhuận bút do nhà xuất bản gửi về, nhân viên bưu điện thấy ông ăn vận xuềnh xoàng đã có những lời nói khiếm nhã. Nam Cao đã dùng tiếng Pháp chấn chỉnh thái độ của anh ta. Những lời nói bằng tiếng Pháp đã đủ nhắc nhở viên chức kia phải nói lời xin lỗi và thay đổi cách cư xử. Khi ấy, Nam Cao chỉ là một giáo viên tiểu học, còn người nhân viên bưu điện kia chắc cũng chưa học hết Trung học cơ sở. Câu chuyện nhỏ này cho ta biết phần nào chất lượng giảng dạy và học ngoại ngữ trước đây.

Còn các dịch giả nổi tiếng của nước ta mà nay khó đã có ai theo kịp như nhóm Lê Quý Đôn dịch tiếng Pháp, các ông Bùi Phụng, Bùi Ý, Đặng Thế Bính, Vũ Cận (dịch tiếng Anh)… chưa ai có trình độ đại học. Trong khi ngay các thầy cô dạy Ngoai ngữ ở các trường Phổ thông trung học (tức là đã có thêm 4, 5 năm chuyên Ngoại ngữ sau khi học xong 10 năm môn này ở trường Phổ thông), không biết có được bao nhiêu người sau khi tốt nghiệp đã từng đọc hết một cuốn sách bằng thứ tiếng ấy (không cần tính số trang, vẫn cũng không nói tới hiểu được bao nhiêu phần trăm cuốn sách)? Còn ở Phổ thông cơ sở và Tiểu học thì… không biết nói thế nào!

Cho nên, Bộ Giáo dục nên nhân lần đổi mới giáo dục này xem lại việc giảng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Bộ chỉ nên dạy Ngoại ngữ cho học sinh khi có giáo viên đủ trình độ để việc dạy có kết quả ít nhất cũng được như trước đây, vừa tránh lãng phí, vừa gây tâm lý coi thường chuyện học hành của học sinh.

Ta vẫn chê nền giáo dục thực dân là vong bản. Nhưng không hiểu vì sao, các vị lão thành cách mạng của chúng ta đều hầu hết đã ngồi trên ghế nhà trường thực dân ấy?

Ta vẫn chê nền giáo dục thực dân là nhồi sọ. Nhưng không hiểu vì sao chỉ nói riêng môn Ngoại ngữ, họ có thể đạt được những kết quả mà sau hơn nửa thế kỷ với những điều kiện hơn hẳn, ta vẫn chỉ có thể mơ ước?

Dương Đình Giao
(FB. Duong Dinh Giao

Chính phủ yêu cầu huy động vàng trong dân

Chính phủ yêu cầu huy động vàng trong dân
“Huy động” ở đây có thể hiểu là khác với nghiệp vụ huy động và cho vay thông thường như với các nguồn vốn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.
Ngày 2/1/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Về chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Cùng với yêu cầu quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng, tiếp tục củng cố kết quả chống vàng hóa, kiên quyết đẩy nhanh chống đô la hóa, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính đối với thị trường tiền tệ.
Trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Với định hướng trên, Chính phủ đã chính thức đưa ra yêu cầu có các biện pháp để huy động nguồn lực từ vàng, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014 vừa qua.
Tuy nhiên, “huy động” ở đây có thể hiểu là khác với nghiệp vụ huy động và cho vay thông thường như với các nguồn vốn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, mà làm sao có các giải pháp kích thích nguồn vốn “chôn” ở vàng chuyển đổi để đi vào sản xuất kinh doanh.
(VnEconomy)

Đảng 'cấm tặng quà Tết cho cấp trên'

Tết Nguyên đán thường là dịp biếu xén quà cáp nhiều nhất trong năm

Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu cơ quan Đảng các cấp không tổ chức để lãnh đạo Đảng, Nhà nước “đi thăm, chúc Tết các địa phương” vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Đây là một phần trong công văn mới nhất về “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” do Thường trực Ban Bí thư Trung ương Lê Hồng Anh ký ban hành.

Trong nội dung Công văn 178-CV/TW, Ban Bí thư "nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên".

Bấm Chủ trương trên từng được Đảng Cộng sản đưa ra từ cuối năm 2012, ngay trước dịp Tết Nguyên Đán năm ngoái.

Cũng giống như chỉ thị trước, văn bản năm nay của Ban Bí thư gắn liền việc tổ chức đón Tết Giáp Ngọ 2014 với hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Đảng, 3/2, năm nay rơi vào ngày 4 Tết.

Vài nội dung chính trong công văn
  • Tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao mừng Xuân và sinh nhật Đảng tiết kiệm, chống tiêu cực trong các hoạt động văn hóa lễ hội;
  • Không tổ chức để lãnh đạo đi thăm chúc Tết địa phương;
  • Không đón khách tại trụ sở đảng trong dịp 3/2;
  • Không tặng quà Tết cho cấp trên;Không dùng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định trong dịp Tết;
Cụ thể, Ban Bí thư yêu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan "hướng dẫn tổ chức các hoạt động mừng Xuân Giáp Ngọ và kỷ niệm 84 năm thành lập Đảng".

Năm nay, trong số những nội dung bổ sung có thêm phần "không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trong dịp Tết trái quy định".

Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trong Tết trước, nay một số người đặt câu hỏi về tính khả thi của công văn mới, khi mà không có cơ chế giám sát, kỷ luật nếu có vi phạm.

Công văn mới cũng đưa ra "yêu cầu" đối với "Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân", tuy các thành viên của các tổ chức này không nhất thiết phải là đảng viên.

Phản ứng về công văn này, một độc giả BBC tiếng Việt bình luận trên Bấm Facebook: 'Ơ, thế mọi năm cấp dưới vẫn phải biếu xén đút lót cấp trên à? Chết thật, chả nhẽ bầy sâu bọ là có thật?'

Một người khác viết: 'Đề nghị chuyển từ quà Tết sang phong bì, nhớ kẹp trong bánh mì nếu gửi cho CSGT'
(BBC)

Tàu ngầm Kilo là 'mốc lớn' về phòng thủ

Tàu biển Rolldock mang theo tàu ngầm kilo về Cam Ranh hôm 1/1
Nhà nghiên cứu Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer nói việc nhận tàu ngầm Kilo đầu tiên đã cải thiện khả năng tự vệ của Việt Nam.
Một trong sáu chiếc tàu ngầm kilo mà Việt Nam đặt hàng từ Nga, có tên Hà Nội, đã về tới cảng Cam Ranh trong ngày đầu năm 2014.
Nhận định về sự kiện này, Giáo sư Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nói:
"Việc đón nhận tàu đầu tiên trong số sáu tàu ngầm hạng Kilo cải tiến về cảng Cam Ranh đánh dấu một mốc lớn trong sự phát triển khả năng phòng thủ quốc gia của Việt Nam.
"Việt Nam giờ là thành viên của nhóm đi đầu trong số các quốc gia Đông Nam Á có tàu ngầm bao gồm Indonesia, Singapore và Malaysia.
"Quân đội Việt Nam giờ có thể hoạt động trong bốn không gian - trên bộ, trên không, trên biển và dưới biển."
Ông Thayer nói tàu ngầm Kilo nổi tiếng với khả năng tránh bị phát hiện và có do vậy nhóm tàu mà Việt Nam đặt hàng là trở ngại đáng kể cho nước nào muốn xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Sáu tàu ngầm Kilo mà Việt Nam mua được cho là hiện đại hơn 12 chiếc hạng kilo mà Trung Quốc có cho dù Bắc Kinh cũng được cho là sở hữu hai tàu ngầm hạt nhân.
'Chống thâm nhập'
Giáo sư Thayer nhận định: "Khi toàn bộ sáu tàu ngầm đi vào hoạt động chúng sẽ tăng cường đáng kể khả năng nâng cao năng lực chống thâm nhập/bảo vệ cục bộ đối với bất cứ nước nào toan vào vùng biển của Việt Nam để gây hấn.
"Ngoài ra các tàu ngầm Kilo cũng sẽ tăng cường khả năng tấn công mãnh liệt nếu được trang bị tên lửa chống tàu và tên lửa tuần dương nhắm vào đất liền.
Tàu ngầm kilo
Tàu ngầm kilo của Việt Nam thuộc thế hệ mới hơn tàu trong ảnh
"Nếu xung đột xảy ra, chẳng hạn như [ với Trung Quốc], Việt Nam có thể đáp trả sự tấn công của Trung Quốc bằng cách đánh vào các căn cứ hải quân của họ ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hay thậm chí Căn cứ Hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam.
Mặc dù vậy ông Thayer nói Việt Nam còn nhiều việc phải làm để có thể phát huy khả năng của tàu ngầm Kilo.
Hà Nội sẽ cần phải phát triển chiến lược sử dụng tàu ngầm, tuyển thủy thủ điều khiển tàu cũng như hấp thụ công nghệ quân sự mới để bảo trì và sử dụng tàu ngầm.
Vị giáo sư cũng nói Việt Nam sẽ còn cần sự trợ giúp của Nga trong lĩnh vực tàu ngầm trong vòng 10 năm tới hoặc lâu hơn.
Một số chuyên gia ước tính giá của mỗi chiếc tàu ngầm kilo ở mức khoảng 200-250 triệu đô la một chiếc và có khả năng hoạt động hữu hiệu chừng 30 năm do bị nước biển bào mòn và công nghệ lạc hậu so với các đời tàu ngầm mới hơn.
Việt Nam không công khai chi phí trọn gói cho mua tàu ngầm cùng các dịch vụ kèm theo từ Nga.
(BBC)

Vũ Thư Hiên - Sương xuân và hoa đào

31756125.jpg
Ảnh Ngọc Viên Nguyễn
Tôi bao giờ cũng hình dung Tết gắn liền với đất Bắc, nơi đi trước mùa xuân phải có một mùa đông. Mùa đông ở nơi này mỗi năm mỗi khác, nó có thể lạnh nhiều hay lạnh ít, độ ẩm có thể cao hay thấp, nhưng nhất thiết không thể không có gió bấc và mưa phùn. Không khí se lạnh làm cho con người phải co ro một chút, rùng mình một chút, chính là sự chuẩn bị không thể nào thiếu được để cho ta bước vào một cái mốc thời gian mới đối với mỗi người mỗi nhà. Thành thử ở Sài Gòn trùng vào những dịp xuân sang tôi vẫn không thấy lòng mình rung động cảm giác về cái Tết ruột rà, cái Tết đích thực. Xin các bạn Sài Gòn tha lỗi cho tôi nếu trong những lời của tôi có gì làm các bạn phật ý, nhưng mãi tới nay, sau nhiều Tết Sài Gòn, tôi vẫn chưa quen được với một ngày đầu năm phải phơi đầu dưới cái nắng chói chang và trầm mình trong cái nóng hầm hập, làm cho con người phải tìm đến với trái dưa hấu mọng nước trước khi ngồi vào mâm cỗ Tết có đủ thịt mỡ và dưa hành, bánh chưng và giò thủ. Ở mỗi nhà vẫn nghi ngút trầm hương thật đấy, ngoài đường xác pháo toàn hồng vẫn tràn ngập lối đi thật đấy, nhưng cái Tết dường như vẫn còn lạc bước nẻo nào, nó chưa hẳn là Tết, chưa đủ là Tết. Đành phải viện hai câu thơ mà nhiều người vốn không yêu thơ cũng thuộc, để giải thích nỗi nhớ về đất Bắc, để biện hộ cho cái cảm xúc không phải đạo của mình trước đất Sài Gòn cũng đã trở thành không kém thân thương:

Tự thuở mang gươm đi mở cõi,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.

(Huỳnh Văn Nghệ)

Dương Chí Dũng có thể thoát án tử hình?

Ông Dương Chí Dũng được báo trong nước nói là "rất bình tĩnh" khi nghe tuyên án
Những ngày qua, nhiều báo trong nước đã dẫn một nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao để cho rằng các cựu lãnh đạo Vinalines, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, có thể bồi thường bằng tiền để tránh án tử hình.
Điểm 4 của Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP được đưa ra hồi năm 2001 để hướng dẫn Điều 278 Bộ Luật hình sự về tội tham ô tài sản có một tiểu mục trong đó quy định các bị cáo bị xử phạt tử hình do chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên có thể được giảm án xuống tù chung thân hoặc có thời hạn nếu:
"Người pham tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt ... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội".
Chi tiết "bồi thường đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt" được quy định là:
  • "Đã bồi thường được ít nhất 1/2 giá trị tài sản bị chiếm đoạt"
  • "Bồi thường từ 1/3 đến dưới 1/2 giá trị tài sản bị chiếm đoạt" nhưng có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội hoặc gia đình đã "thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt".
Nhận tội mới được phép bồi thường?
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 3/1, luật sư Hoàng Văn Hướng, thuộc văn phòng luật sư Hoàng Hưng, nói cả hai bị cáo không thể bồi thường vì vẫn chưa nhận tội.

Theo ông Hướng, việc bồi thường, dù là do gia đình tự nguyện hay do cá nhân các bị cáo chủ động, thì đều là "tình tiết khắc phục hậu quả".

"Nhưng cơ bản là họ có nhận tội đâu mà khắc phục hậu quả?" ông nói.

"Theo tôi hiểu, nếu căn cứ vào Điều 278 thì các ông ấy bị đưa vào Khoản 4, tức là tội đặc biệt nghiêm trọng và hình phạt cao nhất là tử hình thì tòa đã áp dụng rồi."

"Hiện nay nếu họ nhận tội theo như cáo trạng quy kết tại án sơ thẩm thì vấn đề bồi thường mới có thể được đề ra."

Luật sư Hướng cho biết một khi các bị cáo nhận tội thì sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là "thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải".

Sau khi đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ này và thêm vào việc gia đình các bị cáo khắc phục tuyệt đối hậu quả hoặc quá nửa thiệt hai do hành vi chiếm đoạt gây ra thì sẽ giúp các bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ, ông cho biết thêm.

"Lúc đó thì hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ xem xét".

"Chứ còn dựa vào Nghị quyết 01 để khẳng định là ông ấy nộp 5 tỷ rồi được xóa bỏ án tử hình thì tôi thấy không khả thi lắm."
'Phải xem xét mức độ'
Ông Hướng cũng cho rằng "ngoài vấn đề nghị quyết hướng dẫn ra, nó còn phải căn cứ vào tính chất, mức độ."

"Vụ án của Dương Chí Dũng và Mai văn Phúc là một đại án, ảnh hưởng rất nghiêm trọng," ông nói.

"Tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay thì Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, trong đó có xem xét quá trình xét xử, áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ để đưa các vụ án ra xét xử theo đúng quy định pháp luật."

"Có thể nói vụ án này là một vụ án điểm, cả nước tập trung vào. Mà hành vi bỏ trốn của ông Dương Chí Dũng càng làm người ta tập trung vào."

"Cũng cần nói thêm nghị quyết 01 chỉ là nghị quyết để xem xét và hướng dẫn xét xử thôi, chứ không thể thay thế các điều luật và hội đồng xét xử có thể xem xét để áp dụng, chứ không bị bắt buộc áp dụng."
(BBC) 

Giật mình: Dương Chí Dũng sẽ thoát án tử hình?

(PetroTimes) - Giới luật sư đã gây chấn động khi viện dẫn một nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao do Thẩm phán Trịnh Hồng Dương ký trước đây có thể “cứu” cho Dương Chí Dũng khỏi tội chết.
Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP có thể cứu Dương Chí Dũng khỏi tội chết.

Theo nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, tội phạm bị tuyên án tử hình hoàn toàn có thể được giảm xuống chung thân hoặc giam giữ có thời hạn nếu tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả.

Đây là nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự năm 1999. Cho đến nay, nghị quyết này vẫn còn hiệu lực.

Trong bản án chiều ngày 16/12, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt Dương Chí Dũng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tử hình về tội “Tham ô tài sản”.

“Bản án nêu rõ: Thông qua việc cố ý làm trái làm trái, Dương Chí Dũng và một số đồng phạm đã tham ô hơn 28,2 tỉ đồng - cá nhân bị cáo đã tham ô 10 tỉ đồng.”

Bản tuyên án Dương Chí Dũng áp dụng điểm a , điểm b khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết 01 nêu rõ: Ở tội danh “Tham ô tài sản” theo điểm a , điểm b khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự:

- Người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.

Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:

a. Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt;

b. Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).
Dương Chí Dũng khi còn là Chủ tịch Vinalines.

Trước phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng đã không thừa nhận tội trạng của mình. HĐXX xác định “Dương Chí Dũng phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quá trình điều tra và xét xử tại phiên tòa, Dương Chí Dũng không ăn năn, hối cải, khai báo quanh co, chối tội, không có tình tiết giảm nhẹ”.

Với nhận định này, thì chỉ cần tham ô số tiền 1 tỷ đồng, cựu Chủ tịch Vinalines cũng đã có thể lãnh án tử hình.

Tuy nhiên, trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ hay không, Nghị quyết 01 vẫn có thể cứu Dương Chí Dũng nếu người nhà của bị cáo tự giác bồi thường số tiền tham ô (10 tỷ đồng).

Nếu bồi thường được 1 nửa (5 tỷ đồng) mức án sẽ là Chung thân.

Nếu bồi thường được toàn bộ (10 tỷ đồng) mức án có thể được giảm xuống án tù có thời hạn.

Khả năng xảy ra tình huống này rất cao. Mặc dù Dương Chí Dũng không nhận tội nhưng gia đình ông vẫn có thể tự giác mang tiền đến cơ quan chức năng nộp để khắc phục hậu quả. Với khối tài sản có được trong những năm làm Chủ tịch Vinalines, số tiền 5 tỷ hay 10 tỷ đồng có lẽ không phải là điều gì đó quá khó.

Đấy là chưa kể đến tài sản đã kê biên của Dương Chí Dũng hoàn toàn vượt quá số tiền này (1 căn nhà của vợ và 2 căn hộ mua tặng bồ).

Dương Chí Dũng đã kháng cáo và phiên tòa phúc thẩm sẽ quyết định điều này.

Có một nguyên tắc mà bạn đọc cần biết là:

Dương Chí Dũng ngoài mức án tử hình còn chịu án 18 năm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Giả sử, Dương Chí Dũng được giảm án xuống Chung thân thì mức án bị cáo này phải chịu sẽ là mức án cao nhất: Chung thân. Sẽ không có chuyện cộng án: Chung thân + án 18 năm = án tử hình.
 

Hun Sen có phải sang nương náu tại Việt Nam lần 2?

Thủ tướng Campuchia Hun Sen thăm chính thức Việt Nam từ ngày 26-28/12/2013, cùng đi có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong người cách đây hơn 1 năm từng nhiệt liệt ủng hộ đường lưỡi bò Trung Quốc trên biển Đông, lúc đó Hun Sen giả vờ câm điếc. Tại Hà Nội, sau nhiều năm “hương lạnh, khói tàn”, Hun Sen đột ngột đến tận nhà riêng thăm thủ trưởng Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh, sau đó ông cùng bộ sậu dành 1 tiếng ở Hội trường 37 (thuộc VP Chính phủ) để gặp gỡ và cho tiền 700 cố vấn, cán bộ cao cấp từng chiến đấu tại Campuchia. Mỗi cố vấn, chuyên gia, cán bộ có mặt trong cuộc gặp được Hun Sen phát cho 200 USD (bằng gần 3 tháng lương của 1 công nhân Campuchia) với danh nghĩa cá nhân. Giữa lúc này, hàng trăm nghìn người dân Campuchia đang biểu tình rầm rộ tại Phnom Penh, cáo buộc Hun Sen tham nhũng và gian lận bầu cử.
Workers are detained by riot police officers after clashes broke out during a protest in Phnom Penh
Trung tâm Thủ đô Phnom Penh sáng 3/1/2014
Tại Campuchia, người thân của Hun Sen nắm toàn bộ các tập đoàn kinh tế hàng đầu quốc gia, trong đó có nhiều tập đoàn dệt may, khai thác khoáng sản, vận tải, chế biến, khai thác gỗ, ngân hàng. Hun Sen cũng đang cấy con trai và con gái vào các vị trí chủ chốt trong quân đội, cảnh sát và chính quyền. Ông còn từng thề sẽ tìm mọi cách giữ ghế Thủ tướng đến năm 80 tuổi (kiểu như cống hiến đến hơi thở cuối cùng).

Sau chuyến thăm Việt Nam, Hun Sen cử con rối Hor Namhong đi ngay Bắc Kinh kịp diễn vở khác. Gần đây, Trung Quốc rất hài lòng với quan điểm của Campuchia về đường 9 đoạn và hào phóng cấp cho nước này nhiều khoản vay. Ngày 2/1/2014, Lý Khắc Cường đã tiếp, khen ngợi về đóng góp của cá nhân Hor đối với Trung Quốc. Trước đây, Hor đã từng phục vụ Pol Pot một thời gian và có công giết hại nhiều người. Với cương vị Bộ trưởng Ngoại giao của chế độ Hun Sen, Hor đã kịp đưa 2 con của mình ra nước ngoài làm đại sứ: Hor Nambora làm đại  sứ tại Anh quốc và Hor Monirath làm đại sứ tại Nhật Bản.

Hun Sen từ Hà Nội về thì biểu tình chống Thủ tướng bùng phát dữ dội ở Thủ đô của Campuchia. Khi Phó Thủ tướng Hor còn đang ở Bắc Kinh thì sáng nay 3/1/2014, cảnh sát đã bắn trực tiếp vào đoàn biểu tình của công nhân dệt may làm 3 người chết tại chỗ (có thông tin nói 4 người chết). Ngay chiều nay, hàng trăm nghìn người đã biểu tình rầm rộ tại Thủ đô Phnom Penh kêu gọi để tang nhiều ngày 3 người bị cảnh sát giết hại. Quốc vương Sihamoni bối rối. Thủ đô của Cambodia gần như tê liệt, các tuyến đường chính bị phong tỏa. Người biểu tình còn kêu gọi bầu cử lại do kết quả bị Hun Sen gian lận, và điều tra các cáo buộc tham nhũng liên quan Thủ tướng Hun Sen, các quan chức thân cận và gia đình lên đến hàng chục tỉ USD. Nhiều biểu ngữ công khai yêu cầu Hun Sen phải từ chức. Trên thực tế, ngày càng nhiều người dân Cambodia chán ngán chế độ gia đình trị của Hun Sen và muốn ông này ra đi, đảng của ông này nhường quyền cho đảng khác trong một tiến trình dân chủ, hợp hiến.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin lại tất tả sang “thăm” Việt Nam từ 4/1/2014 dưới danh nghĩa dự kỷ niệm trọng thể 35 năm ngày giải phóng Campuchia 7/1/1979 – 7/1/2014. Câu chuyện nghe đã rất không bình thường. Lẽ ra lễ kỷ niệm này phải được Campuchia tổ chức trọng thể tại Phnom Penh và mời các “thủ trưởng” Việt Nam tham dự mới đúng. Thực tế này cho thấy, tình hình Campuchia đã rất nguy ngập đối với chế độ gia đình trị Hun Sen. Một số nhà quan sát lo ngại Hun Sen có thể sẽ trở thành một Mubarak, Gadafi nữa. Các “chuyến thăm” của nhiều quan chức hàng đầu Campuchia (tới Việt Nam và Trung Quốc) dày đặc gần đây càng chứng tỏ điều đó và khả năng Hun Sen lại phải chạy sang Việt Nam nương thân lần 2 (Hun Sen chạy sang Việt Nam lần 1 năm 1977) có thể xảy ra. Tuy nhiên, liệu Việt Nam còn dám chứa chấp Hun Sen lần nữa hay không thì lại là một câu chuyện khác.
.
HorNamHong_Phieu
Hun Sen tại nhà riêng Lê Khả Phiêu
Hunsen_Anh_Son
Hun Sen tại nhà riêng Lê Đức Anh (Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TTTT, nguyên thư ký của Lê Đức Anh) cùng có mặt.
(Cầu Nhật Tân)

Minh Tự - Thư ngỏ gửi Cục Xuất bản

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2013

THƯ NGỎ
Kính gửi: CỤC XUẤT BẢN – BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG NHÀ XUẤT BẢN – HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
(V/v in và phát hành tập thơ những mẩu quặng dọc đường của Nguyễn Thanh Giang)

Là một người yêu thơ, thích đọc thơ và thơ và thường xuyên sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ của Phường. Giữa tháng 11/2013 vừa qua một người bạn trong CLB đã cho tôi mượn tập thơ “Những mẩu quặng dọc đường” của Nguyễn Thanh Giang. Tôi đọc say sưa, yêu thích và rất tâm đắc với những vần thơ mang đậm tình người, yêu tổ quốc, yêu nhiên nhiên, yêu nghề - trong bối cảnh công việc của một nhà khoa học địa chất đầy gian khó. Có thể nói thơ của Nguyễn Thanh Giang đã len lỏi cùng ông tới những nơi xa xôi, hẻo lánh, đầu đội mây, chân đạp núi để động viên, khích lệ và chắp cánh cho ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhà khoa học địa chất xã hội XHCN: Đi tìm tài nguyên khoáng sản cho đất nước. Ông là thành viên Viện Hàn Lâm Khoa học NewYork, hội viên Hội Địa Vật lý thăm dò Hoa Kỳ. Thơ trong mẩu quặng dọc đường của Nguyễn Thanh Giang có “Chất thép” và tác giả cũng đã xung phong trên mặt trận chống xâm lược phương Bắc. Đêm Đường Lâm ông đã mong ước phải có cọc nhọn Bạch Đằng ở Biển Đông. Khi nghĩ đến cái lưỡi bò đã ngoạm đứt Hoàng Sa thân yêu của tổ quốc và đang gặm nhắm biển đông, thềm lục địa … ông đã mãnh liệt đòi cắt bỏ cái lưỡi của con rắn độc phương Bắc. Tất cả đều là thơ, là văn chương. Thơ hay và đẹp như thế tại sao lại có sự can thiệp, cấm đoán từ cơ quan quản lý xuất bản của Nhà nước. Ô hay, tại sao lại đòi đình chỉ phát hành, đòi sửa đổi bản thảo và hạch sách in nhiều, in ít, sao lại căn vặn có văn xuôi trong tập thơ…?

Thưa các anh Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam.

Tôi đã đọc kỹ, soi từng câu thơ, từng dòng văn xuôi của 6 bài bình luận trong tập thơ “Những mẩu quặng dọc đường”, tuyệt nhiên tôi không thấy một câu, một chữ nào dù ẩn ý, ẩn dụ hay bóng gió vi phạm điều 4 hiến pháp, điều 258 luật hình sự. Hơn thế nữa tập thơ đã được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn với tư cách cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp xem xét kỹ càng và có giấy phép xuất bản. Vậy thì căn cớ gì mà Cục xuất bản có chủ trương đình chỉ phát hành? Chả nhẽ trình độ Nhà xuất bản Hội Nhà văn kém, hay cơ quan cấp giấy phép sai? Hay vì thơ Thanh Giang đã “Thắp nén nhang trước linh cữu (tướng Trần Độ) cuồn cuộn bay ngọn cờ dân chủ” là vi Hiến? hay đòi cắt cái lưỡi bò vi phạm đường lối đối ngoại của Đảng và Chính phủ?

Đã bước vào thập niên thứ 2 của thiên niên kỷ III, vậy mà còn những cái đầu tư duy công việc kiểu tùy tiện, vô lối xuất phát từ định kiến nhỏ nhen, không đàng hoàng, không xứng tầm với một cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản của một quốc gia. Cái cách hành xử ỷ vào quyền năng, duy ý chí, lấy thịt đè người, bất chấp pháp luật, khét lẹt mùi vị độc tôn, độc tài kiểu Trương - Chính trong thế kỷ XX dã lỗi thời không còn ai có thể chấp nhận được.

Vậy xin kính đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản hãy trở lại với nguyên tắc chính thống về quản lý Nhà nước bằng luật xuất bản báo chí đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, chứ không phải bằng cái đầu thiếu hiểu biết thời cuộc của quý vị.
Kính thư
Minh Tự - CLB Thơ CN

Báo Mỹ: Kim Jong un không xử chú bằng 120 chó đói

Có quá nhiều chi tiết mà chỉ cần suy nghĩ thêm một chút người ta sẽ nhận thấy tin “Kim Jong-un giết chú bằng 120 con chó đói” là một thứ tin vịt không hơn không kém. Nhưng tại sao nhiều người vẫn tin?Trùng trùng những sự vô lý
Nếu là một người hay đọc báo mạng, chắc hẳn những ngày gần đây bạn sẽ đọc được tin trong đó nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hành quyết người chú dượng của mình bằng hình phạt “lột hết quần áo rồi cho 120 con chó đói xé xác”. Thực tế, câu chuyện hoang đường này xuất phát từ một tờ báo lá cải phát hành ở Hong Kong hôm 12/12/2013 và mãi đến ngày 24/12/2013 nó mới được một tờ báo khác của Singapore trích dẫn lại và lập tức lan nhanh như vũ bão trên khắp thế giới.
Tin này cùng với sự bất ngờ và tò mò của thế giới khi hồi tháng trước, tình báo Hàn Quốc tiết lộ rằng Kim Jong-un đã xử tử người chú dượng của mình vì tội “phản bội” và vài ngày sau chính hãng thông tấn nhà nước của Triều Tiên cũng xác nhận thông tin này.
Theo bình luận của tờ Washington Post, công bằng mà nói, đây không phải là lần đầu tiên những tin tức “rất sốc” liên quan đến chính phủ Triều Tiên được lan truyền và có vẻ như đó là lý do khiến giới truyền thông thế giới trong đó có cả truyền thông Mỹ dễ dàng chấp nhận câu chuyện này.

Hình ảnh Jang Song Thaek bị bắt và áp giải ra ngoài ngay trong một cuộc họp do hãng thông tấn Triều Tiên KCNA phát đi.

Nhưng thực tế, có ít nhất 5 dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy đây là một tin bịa đặt và vô lý.

Đầu tiên, hãy xem lại nguồn tin đầu tiên của câu chuyện “120 con chó đói”. Tờ Wen Wei Po phát hành tại Hong Kong là nơi khởi nguồn của câu chuyện này và đáng nực cười là nó cũng chỉ tồn tại dưới dạng “nghe nói thế” hay thậm chí là chẳng có nguồn tin nào đáng kể. Ngoại trừ một vài tờ báo nghiêm túc có tiếng, giới báo chí Hong Kong vốn đã có tiếng là thường xuyên đăng tải những câu chuyện rất nhảm nhí, lá cải và hiếm khi nào là sự thật.

Điều đáng nực cười hơn nữa là trong một “mặt bằng báo chí” thấp đến như thế mà tờ Wen Wei Po vẫn còn bị độc giả Hong Kong đánh giá là tờ báo “không đáng tin nhất”. Một nghiên cứu gần đây còn cho biết, trong số 21 tờ báo đang tồn tại ở Hong Kong thì tờ Wen Wei Po bị xếp thứ 19 về mức độ tin cậy.

Thứ hai, hãy lật giở lại câu chuyện và đặt câu hỏi: Tại sao một tin tức có vẻ như rất “kinh khủng”  như vậy mà truyền thông Trung Quốc lại không hề có chữ nào trong suốt cả tháng qua? Một số người thậm chí còn nại ra rằng về bản chất và lịch sử, tờ Wen Wei Po là một tờ “thân chính phủ Trung Quốc” và nếu có ai đó biết rõ mọi chuyện ở Bình Nhưỡng thì đó phải là Bắc Kinh nên Wen Wei Po “chắc là” có nguồn tin đáng tin cậy.

Có điều, chỉ mỗi mình Wen Wei Po đưa tin ông chú dượng bị hành quyết bằng 120 con chó đói còn các tờ khác thân thiết với chính phủ Bắc Kinh hơn rất nhiều như Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo hay thậm chí là Thời báo Hoàn cầu… lại chỉ khẳng định Jang Song Thaek bị xử tử bằng súng máy hay cùng lắm là súng phòng không. Rõ ràng là trong vụ thanh trừng nội bộ này của Triều Tiên, Bắc Kinh đã bày tỏ sự khó chịu vậy thì chẳng có lý do gì họ phải giấu tin “120 con chó đói” với các tờ báo khác của mình.

Thứ ba, Giới truyền thông Hàn Quốc cũng tỏ ra hoàn toàn không biết gì về tin này. "Câu chuyện này, nếu có thực, khó mà thoát khỏi tay giới truyền thông Hàn Quốc vì họ có nhiều lý do để đưa nó hơn cả”, Chad O'Carroll, người đang điều hành trang tin NKNews.org (trang chuyên về tin tức liên quan đến tình hình Triều Tiên) nói, "Có một lý do khác là những tin đồn kiểu này đã có từ rất lâu rồi nhưng chẳng có ai thèm để ý vì nó quá hoang đường”. 
 
Jang Song Thaek bị bắt và bị còng tay ngay khi vừa ra khỏi phòng họp.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, giới truyền thông Hàn Quốc có một nguồn thông tin vô cùng độc đáo đó là khai thác từ những người đào tẩu khỏi Triều Tiên và hiện tại thì tình báo Hàn Quốc cũng vẫn có một đội ngũ người cung cấp tin rất đông đảo ở ngay trong nội bộ Triều Tiên. Có lẽ đâu, một tin tức “quý báu” như thế, một “cơ hội vàng” để rêu rao, nói xấu đối thủ như thế mà Hàn Quốc và tất cả các tờ báo lớn, nhỏ nước này lại bỏ qua? Nói cách khác, nếu câu chuyện là có thực thì Wen Wei Po chả đến lượt đưa tin về nó.
Thứ tư, câu chuyện kiểu này đã “lang thang khắp nơi” suốt cả tháng mà vẫn không hề có một nguồn nào xác tín hay khẳng định. Điều này còn chưa đáng ngạc nhiên rằng tại sao gần như toàn bộ giới truyền thông châu Á, chẳng có ai thèm kiểm chứng hay mảy may nghi ngờ rằng nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Thứ năm, cứ giả sử như câu chuyện 120 con chó đói là có thật thì cũng phải hiểu một điều rằng vụ hành quyết không thể thực hiện một cách bí mật trong bóng tối vì nó sẽ mất “tính răn đe” – cái đích mà Kim Jong-un hướng tới khi loại bỏ vị công thần này. Và không có nguồn tin nào nói rằng Jang Song Thaek bị hành quyết bằng chó mà chỉ có những nguồn tin rất đáng tin cậy cho biết ông ta bị xử bắn bằng súng máy.
"Ông ta bị đưa ra tòa án binh, và điều logic hơn cả là ông ta bị hành quyết bằng súng”, O'Carroll nói và khẳng định các nguồn tin tình báo Hàn Quốc cũng xác nhận việc này.
Thứ sáu, như nhà văn châm biếm Karl Sharro đặt nghi vấn: "Nếu có chuyện 120 con chó thật thì liệu trong hoàn cảnh man rợ ấy, ai còn đủ dũng cảm và có khả năng đứng đếm số chó?” 
Ai là người có lỗi?
Trở lại câu chuyện này, tờ Washington Post nêu vấn đề, tại sao không chỉ giới truyền thông châu Á mà đến giới báo chí Mỹ cũng dễ dàng tin vào một nguồn tin không có thật như vậy? 
Vấn đề là do Triều Tiên là một đất nước quá khép kín và quá bí ẩn. Đất nước này bí ẩn đến nối mà có lần nhà báo Isaac Stone Fish hiện nay đang làm cho tờ Foreign Policy có lần đã nói đùa rằng các nhà báo Mỹ có thể viết bất cứ thứ gì họ muốn về Triều Tiên mà chẳng cần nguồn tin vì độc giả chỉ có một cách duy nhất là chấp nhận nó. Về sau, giới báo chí Mỹ gọi đó là “Thuyết bảo đảm của Stone Fish” khi viết về Triều Tiên.

Nhưng đó không phải là điều đảm bảo cho câu chuyện “120 chó đói” lan đi xa đến vậy. “Bạn biết rồi đấy, tất cả các câu chuyện về Triều Tiên thường có lượng truy cập cực lớn và đó là lý do vì sao các biên tập viên dễ dàng cho những bài báo này đi qua cửa của họ”, O'Carroll lý giải, “ Tôi đoán là các biên tập viên sẽ bấm bút xuất bản bài báo và ngả người ra ghế mỉm cười nghĩ rằng: Vô lý ư? Ai mà kiểm chứng được nó chứ?”.
Với độc giả Mỹ, chính vì sự thiếu hiểu biết một cách cơ bản về cách thức vận hành của chính quyền Bình Nhưỡng nên họ cũng dễ dàng tin theo mà không buồn nghi vấn. Hồi năm 2012, chính người Mỹ cũng đã tin rằng Kim Jong-un bị ám sát ở Bắc Kinh và những hình ảnh tồi tệ về đất nước này đã tiếp sức cho trí tưởng tượng của độc giả bay cao đến mức họ sẵn sàng tin tất cả mọi thứ báo chí viết về Triều Tiên.
Cũng theo O'Carroll, người điều hành NKNews, một phần lỗi nữa trong câu chuyện này là do chính giới tuyên truyền của Triều Tiên. Đã không ít lần đài truyền hình nước này hoặc hãng thông tấn KCNA phát đi những đoạn phim trong đó quân đội Triều Tiên thả những con chó đói ra cắn xé hình nộm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, hay Tổng thống Mỹ Barack Obama. 
Chính họ đã tuyền truyền thế thì cũng khó trách ai đó tin rằng vào một ngày nào đó câu chuyện này sẽ thành sự thật và cũng khó trách các biên tập viên. “Bạn sẽ bảo các biên tập viên phải làm gì? Bỏ qua câu chuyện hút khách như thế này chỉ vì ‘cảm thấy nó vô lý’ để rồi không lâu sau đó nó lại trở thành sự thật ư?”, O'Carroll kết luận. 
Lê Trí
(Infonet)
 

Bắt một ông trùm buôn lậu ở Thanh Hóa

Ông Nguyễn Trường Sơn, 60 tuổi, ngụ ở Thanh Hóa, vừa bị khởi tố về tội buôn lậu. Trong nhiều năm qua, ông Sơn vẫn được xem như một ông trùm chuyên buôn lậu hàng Trung Quốc.
Hệ thống sang chiết dầu lậu trên tàu An Bình 126. (Hình: Báo Hải Quan)

Theo Công an Thanh Hóa, ngoài ông Sơn, họ còn khởi tố bốn người khác cũng về tội buôn lậu. Đó là: bà Nguyễn Thanh Phương, vợ ông Sơn, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn. Ông Nguyễn Ngọc Châu, thủ kho xăng dầu của Công ty An Bình. Ông Nguyễn Văn Tha, thuyền trưởng tàu An Bình 126. Ông Hoàng Kiếm Bình, Giám đốc Công ty An Bình.

Vụ buôn lậu gần nhất, được xem là lý do dẫn tới chuyện khởi tố ông trùm buôn lậu hàng Trung Quốc xảy ra vào  sáng 17 tháng 12 năm 2013.

Hôm đó, Tổng cục An ninh nội địa của  Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, theo dõi và phát giác tàu An Bình 126 hút 1,800 khối dầu lậu từ một con tàu của Trung Quốc trên vùng biển gần bờ huyện Hoằng Hoá tỉnh Thanh Hoá, rồi bơm dầu vào các con tàu nhỏ hơn để những con tàu này vận chuyển dầu vào bờ.

Các nghi can cho biết, ông Sơn và bà Phương đã đặt mua 2,600 khối dầu DO của một thương nhân Trung Quốc và đã đặt cọc 26 tỉ đồng. Ngày 17 tháng 12 năm ngoái, do biển động nên chỉ có tàu An Bình 126 cập mạn tàu Trung Quốc để nhận trước 1,800 khối dầu. Dầu DO nhập lậu từ Trung Quốc với giá 20,000 đồng/lít. Khi đưa vào nội địa Việt Nam được bán ra với giá 21.000 đồng/lít.

Công ty Hoàng Sơn là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khoáng sản, xăng dầu. Công ty này là một trong những doanh nghiệp có năng lực vận tải biển lớn nhất của Việt Nam, sở hữu nhiều con tàu trọng tải lớn. Công ty An Bình liên quan trong vụ buôn lậu này cũng được xác định là của vợ chồng ông Sơn thành lập rồi thuê ông Hoàng Kiếm Bình làm giám đốc.

Đây là lần đầu tiên công an và hải quan Việt Nam điều tra – khởi tố một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, sử dụng các phương tiện vận tải biển để buôn lậu với thương nhân Trung Quốc.

Trong vài năm gần đây, hoạt động buôn lậu giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân Trung Quốc đã chuyển sang lĩnh vực khoáng sản. Đây cũng là lý do khiến thăm dò, khai thác, buôn lậu khoáng sản tại Việt Nam càng ngày càng trầm trọng và đã được xác định là có sự thao túng của các thế lực ngầm.

Trong vụ Công ty Hoàng Sơn buôn lậu như vừa kể, chưa rõ, công an Việt Nam có điều tra sâu hơn về những hoạt động liên quan tới khai thác, bán lậu khoáng sản của Việt Nam cho Trung Quốc hay không.        
Hồi tháng 8 năm ngoái, lần đầu tiên, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường của Việt Nam chính thức thừa nhận, hơn 50% giấy phép đã được cấp để thăm dò, khai thác khoảng sản, vi phạm những qui định hiện hành.

Lúc đó, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường CSVN cho biết, sau khi kiểm tra việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên phạm vi toàn quốc, bộ này phát giác, 57 trong số 63 nhà cầm quyền tỉnh, thành phố đã cấp 957 giấy phép liên quan tới khoáng sản. Bao gồm 275 giấy phép thăm dò khoáng sản và 682 giấy phép khai thác khoáng sản.

Hơn 50% số giấy phép này vi phạm hàng loạt qui định hiện hành: Cấp giấy phép sai thẩm quyền, cấp giấy phép khi chưa có quy hoạch khoáng sản, cấp giấy phép khi chưa có quyết định phê duyệt trữ lượng khoảng sản, cấp giấy phép khi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có cam kết bảo vệ môi trường, cấp giấy phép khi ngành nghề trong hồ sơ kinh doanh không phù hợp, cấp giấy phép cấp khi hồ sơ không có giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép khi hồ sơ không có quyết định phê duyệt dự án đầu tư khai thác khoáng sản, cấp giấy phép thăm dò ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản...

Cũng theo viên Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường của Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hơn 50% số giấy phép đã cấp vi phạm hàng loạt qui định hiện hành là vì “những người trong cuộc” tìm đủ mọi lý do để lách luật!

Việt Nam hiện có hơn 5,000 mỏ đang khai thác khoảng 60 loại khoáng sản thuộc nhiều nhóm khác nhau: Nhóm khoáng sản nhiên liệu (dầu khí, than), nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, chromite, titan, manganese), nhóm khoáng sản kim loại màu (bauxite, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimony, molypden), nhóm khoáng sản quý (vàng, đá quý), nhóm khoáng sản hóa chất công nghiệp (apatite, cao lanh, cát thủy tinh), nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát).

Một nghiên cứu của Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản cho biết, trong mười năm gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản đã tăng cả về loại khoáng sản, lẫn quy mô, tính chất, mức độ vi phạm. Điểm đáng lưu ý là trong khi nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thiếu nguyên liệu để sản xuất nên chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa thì sau khi khai thác, khoáng sản thô lại ùn ùn chảy sang Trung Quốc.

Do nhiều cá nhân có quyền, nhiều nơi có trách nhiệm nên quặng lậu có nhiều “lỗ thủng” để chảy ra khỏi Việt Nam. Xuất cảng lậu khóang sản, kích thích thăm dò, khai thác khoáng sản hủy diệt môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, từng nhận định, tình trạng khoáng sản của Việt Nam bị xuất lậu sang Trung Quốc kéo dài nhiều năm vì có sự móc ngoặc giữa các doanh nghiệp xuất cảng với những lực lượng có trách nhiệm kiểm soát.

Xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc vừa lãng phí tài nguyên, vừa thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu nhưng không thể ngăn chặn vì theo ông Sơn là “được làm ngơ từ lâu rồi”. Ông Sơn bảo, lâu lâu, các lực lượng kiểm soát loan báo bắt được, vụ này, vụ kia, xuất lậu quặng này, quặng kia sang Trung Quốc chỉ là làm cho “có thành tích”.
(Người Việt)
Chuyện đó chẳng có gì lạ. Người Việt phương Nam nào mà chẳng có một cái quê còn nhớ hay đã quên, có biết hay không biết, nằm ở phía ngoài kia.

Người xông nhà chúng tôi rất sớm, khi còn tối đất, sáng mồng Một năm Đinh Tỵ (1977), là nhà văn Nguyễn Tuân.

Người xông nhà, theo sự mê tín từ xưa, là một nhân vật rất quan trọng đối với vận mệnh gia chủ. Tùy theo người xông nhà là ai, năm đó ngôi nhà sẽ có nhiều may mắn hoặc xui xẻo. Những người cẩn thận thường phải tính chuyện mời ai đến xông nhà mình từ lâu trước khi Tết đến. Người xông nhà nhất thiết phải là người đang làm ăn phát đạt, con cháu đầy đàn mà hòa thuận, hoặc một bậc lão niên tài cao đức trọng, chuyện này còn tùy thuộc ở kỳ vọng của gia chủ mong muốn điều gì.

Bác Nguyễn, nổi tiếng về tính kỳ quặc của mình, chắc hẳn chọn nhà tôi để đến xông đất đầu năm vì biết chắc chúng tôi không kiêng kỵ, nếu năm đó có chuyện gì không hay xảy đến cho chúng tôi thì ông cũng không bị trách. Kể ra được (hay bị) một nhà văn đến xông nhà thì, theo lệ thường, chẳng hay ho gì. Xét về danh giá, theo truyền thống hiếu học và trọng kẻ sĩ của đất Bắc, nhà văn hẳn là bậc đáng trọng rồi. Nhưng xét về mặt tài lộc thì bất kỳ nhà văn nào cũng nằm ở hạng bét trong thứ bậc giàu nghèo. Tất nhiên, không kể những quan chức bổng nhiều lộc lắm, lại rảnh việc, cũng rửng mỡ xông vào làng văn mà viết sách in thơ.

Bố tôi rất quý Nguyễn Tuân. Ông coi Nguyễn Tuân hơn là một người bạn thời thanh niên. Trong cái nhìn của ông, Nguyễn Tuân là một trong những đại diện cuối cùng cho lớp kẻ sĩ Bắc hà mỗi ngày một hiếm, những người cho tới lúc ấy còn biết coi tiền bạc như của phù vân, không cúi đầu vâng dạ trước quyền lực. Riêng đặc điểm sau Nguyễn Tuân phủ nhận. Ông luôn phô rằng mình biết sợ, hơn thế, chẳng những ông sợ vừa mà còn sợ lắm lắm. Cái sự phô ấy làm cho người ta lầm tưởng rằng ông không sợ.

Ông đến xông nhà chúng tôi trong chiếc áo choàng màu cứt ngựa. Bỏ nó ra, bên trong vẫn là bộ áo cánh đen thường nhật. Trời rét ngọt, ông mặc thêm áo len và quàng khăn, đội mũ bê-rê. Bộ áo cánh đen là cách diện của ông, của Nguyễn Tuân, bao giờ cũng phải khác người. Tôi mở cửa đón ông, hơi ngỡ ngàng một chút. Tôi không chờ đợi một người xông nhà không phải người trong gia tộc, những năm ấy người ngoài ít dám tới nhà chúng tôi lắm. Lại càng không chờ đợi Nguyễn Tuân với sự sợ hãi của ông. Nhưng không ai đi hỏi người đến xông nhà rằng tại sao ông đến. Với bất cứ người xông nhà nào ta chỉ có thể vồn vã chào đón và đem bánh pháo đầu tiên của ngày mồng Một ra đốt. Nguyễn Tuân đoán ra câu hỏi câm lặng của tôi. Ông ý nhị nói:

- Nói thực, mình đến đây sớm vì chẳng biết đi đâu. Mà lại rất thèm đi dạo một lúc trước khi bình minh ló rạng trong cái ngày đầu năm này. Lang thang mãi rồi mình thấy mình đến đây. Không sao chứ?

Bố tôi nghe léo xéo bước ra, tươi cười ôm lấy bạn dìu vào nhà. Ông sai tôi rót rượu, châm hỏa lò than để nướng mấy con mực. Bố tôi biết Nguyễn Tuân không ưa đồ ngọt, khay mứt trên bàn chắc chắn sẽ không được ông đụng đến. Ông ngồi xuống chiếu, xếp bằng tròn, giơ đôi tay cóng sưởi trên hỏa lò. Lửa than làm vầng trán hói của ông bóng lên trong căn phòng nhỏ của bố tôi. Bố tôi thường tiếp bạn thân trong căn phòng ấy chứ không phải ngoài phòng khách. Hai người bạn già thân tình nhìn vào mắt nhau, chạm ly trong im lặng. Cả Nguyễn Tuân, cả bố tôi đều không thích những lời ồn ào.

- Ngon tuyệt - NguyễnTuân nhắp vài nhắp rượu trong vắt với vẻ thích thú rồi ngửa cổ cạn ly.

- Làng Vân chính hiệu đấy!

Bố tôi nói, nét hài lòng hiện lên mặt. Ông thích được chiều bạn và khi bạn vui, ông còn sướng hơn chính ông được vui.

- Tuyệt!

- Mình phải đặt loại đặc biệt cho cái Tết đoàn viên này.

Đúng vậy, đây là cái Tết đầu tiên gia đình tôi đủ mặt. Không thiếu ai. Những Tết trước gia đình tôi tan tác. Tôi ở trong tù. Cha tôi bị lưu đầy ở Nam Định.

- Hơn hẳn anh Trương Xá. Vào đến cổ họng là biết ngay! - Nguyễn Tuân xác nhận.

Phận con cháu, tôi được phép ngồi bên cạnh các cụ làm chân điếu đóm. Tôi thích nghe bác Nguyễn nói chuyện. Trong câu chuyện của ông bao giờ cũng có một cái gì mới, một cái gì ngồ ngộ, độc đáo mà không người nào khác có. Về đời sống cũng như trong văn chương, ông là người uyên bác.

Tính về họ hàng theo đàng mẹ, tôi phải gọi ông bằng bác. Nhưng ông rỉ tai tôi, một lần ở chỗ đông người: "Họ xa rồi, cùng cánh văn chương với nhau, gọi thế nó mất đi cái sự bình đẳng, gia trưởng lắm". Tuy miệng vâng dạ, tôi vẫn kính cẩn gọi bác xưng cháu với ông. Mẹ tôi là người nghiêm khắc trong chuyện xưng hô lắm.

Chuyện vãn một lát, lại chuyện làng văn làng họa, ai mới viết cái gì hay, bức hoạ cuối cùng của ai độc đáo, là đề tài yêu thích của ông, Nguyễn Tuân hỉ hả ra về. Ông nói ông còn phải đến chơi với Văn Cao ("bà Băng bà ấy kiêng. Mình phải đến muộn muộn một tý!"), đến Nguyễn Sáng ("Tết nhất mà nó có một mình, buồn muốn chết!")

Ra khỏi cổng, Nguyễn Tuân dừng lại hồi lâu trên hè, nhìn phố Hai Bà Trưng thưa thớt người đi lại vào sáng sớm tinh sương, ông nghiêng đầu nói khẽ với tôi:

- Anh có thấy Hà Nội buổi sáng mồng Một này thiếu cái gì không?

Tôi không cần động não để tìm câu trả lời. Câu hỏi được đặt ra chỉ là cái cớ cho câu trả lời đã có sẵn, chắc chắn là sẽ rất Nguyễn Tuân.

- Thiếu sương! - Nguyễn Tuân, mắt vẫn nhìn chung quanh, thở dài.- Anh không nhận ra cái sự thiếu ấy, tôi không trách. Anh còn quá trẻ. Ngày trước, sáng mồng Một bao giờ cũng có sương nhè nhẹ, không nhiều, một chút gọi là có, nhưng đích thực là sương. Nó bay là là, thoang thoảng, như có mà như không. Rét ngọt. Chỉ có trên các lá cây mới có sương hiển hiện, lâu lâu đọng thành giọt, rơi xuống mặt mình, có khi lọt cả vào cổ áo mình, rất là Tết. Đã mấy năm nay, vào ngày Tết mình cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó mà không biết là cái gì. Bây giờ mới hiểu ra: đúng là thiếu nó, thiếu sương.

Tôi bàng hoàng trước nhận xét của ông. Tôi nhớ đến những năm xa xưa khi tôi còn rất nhỏ. Đúng là Hà Nội những ngày đầu năm ấy sương la đà trên mặt đường, lẩn khuất trong những bãi cỏ, bụi cây.

- Thưa bác, có lẽ tại Hà Nội đông dân thêm, nhiều nhà máy nhiều xe cộ, thành thử cái tiểu khí hậu địa phương thay đổi, nhiệt độ do đó mà cao hơn trước!

- Đốt anh đi! Các anh bây giờ, đụng đến cái gì cũng vội vã chỉ ra nguyên nhân rồi dài dòng giải thích, cứ như chung quanh mình toàn một lũ thất học vậy. Các anh làm văn kia mà - không nhìn tôi, ông nhăn mặt cằn nhằn - Tôi là tôi đang nói cái có, tôi nói cái hiện hữu, nói cái cảm xúc mà cái hiện hữu ấy gây ra. Còn cái chuyện đi tìm cội nguồn của hiện tượng là việc của người khác.

- Thế là mất đứt cái anh sương xuân bảng lảng. Tiếc quá đi mất! - Nguyễn Tuân lại thở dài. Ông buồn thật sự - Thiếu nó, Tết Việt Nam nghèo đi, mà không chỉ nghèo đi một chút đâu nhá, anh hiểu không? Đành vậy, sang năm phải tìm cách đón giao thừa ở ngoại thành, may chăng còn có thể gặp lại nó.

Rồi đột ngột ông quay sang chuyện khác:

- Này, năm nay giáp Tết mưa thuận gió hòa, hoa đẹp lắm. Sao mấy hôm rồi không thấy anh đi chợ hoa?

Đã thành cái lệ, năm nào bố tôi và Nguyễn Tuân cũng rủ nhau đi thưởng hoa ở Cống Chéo Hàng Lược. Có những buổi hai ông la đà từ trưa tới tối mịt mới về đến nhà.

- Thưa bác, mấy hôm rồi cháu lại mắc bận.

Tôi nói dối. Thực ra tôi không đi vì tôi không thích chợ hoa. Cái mẩu phố hẹp có tên là Cống Chéo Hàng Lược ngày thường đầy rác rưởi trong những ngày giáp Tết bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường. Trên là trời, dưới là hoa. Và người đi xem hoa, mua hoa. Những cây quất trĩu quả vàng chen lẫn với các cành đào được cầm trên tay, các sọt đan đựng đủ mọi loại cúc, loại hồng, lay-ơn, thược dược... Ở đây ồn ào quá, nhiều trai thanh gái lịch quá. Nhiều gương mặt hãnh tiến quá. Tôi còn sợ nhìn cái cảnh chợ chiều ba mươi Tết, khi những người bán hoa co ro trong manh áo mỏng, cành đào trong tay, mặt ngơ ngác, lo âu chờ khách. Trong cái bầu không khí vui vẻ quá nhân tạo ấy, bông hoa nào, cành hoa nào, chậu hoa nào cũng có vẻ tội nghiệp bởi cái thân phận hàng hóa của chúng.

- Đào năm nay được mùa. Chợ nhan nhản những đào là đào, giá lại hạ, nhà nghèo nhất năm nay cũng có đào Tết. Thế mà đố có tìm ở Cống Chéo Hàng Lược được một cành nào như cành đào của bố anh. Tuyệt! Không chê vào đâu được. Năm nào cành đào của ông ấy cũng làm tôi mê man, cũng làm tôi sửng sốt: "Thằng cha giỏi thật, sao mà nó khéo chọn đào đến thế!" Thôi, tôi về. Còn phải đến mấy nhà nữa, mà mình thì thích cuốc bộ. Hôm nay tôi đến là để chúc mừng gia đình anh đoàn tụ. Mai có khi tôi còn đến đây nữa. Để ngắm cành đào của bố anh.

Ngày hôm sau ông lại đến thật. Và đúng là chỉ để ngắm có một cành đào mà thôi.

Bố tôi không phải là nghệ sĩ. Ông, nói của đáng tội, đã từng là nhà báo. Mặc dầu cũng động tới chữ nghĩa, nhưng nhà báo vẫn có cái gì nó khác với nhà văn (tất nhiên không kể những người có hai nghề nhập một). Nhà báo không có tính lập dị thường gặp ở các nhà văn và các văn nghệ sĩ, hay là tính cách kỳ quặc nào đó ở họ mà người đời quy cho là lập dị. Có điều, như một người thuộc lớp nho sĩ cuối cùng còn rớt lại, mặc dầu có Tây học, ông thích cuộc sống thanh đạm và rất yêu hoa. Trong nhà tôi, kể cả những lúc khó khăn nhất, bao giờ cũng có hoa. Trước khi ông đi tù ở nhà tôi là một vườn phong lan đủ loại, nổi tiếng trong những vườn phong lan ở Hà Nội.

Tết nào ông cũng cầu kỳ chơi hai thứ hoa: thuỷ tiên và và đào.


Thủy tiên là thứ hoa không bình dân. Nó không thèm nở nếu chẳng may rơi vào tay người không biết thưởng thức. Để cho thủy tiên nở, phải biết nghệ thuật trổ thủy tiên. Con dao dùng để trổ thủy tiên không phải là con dao bài bất kỳ, mà là một con dao dùng riêng cho nó. Bố tôi mua củ thủy tiên về, giá rất đắt, hình như là phải nhập khẩu chứ nước ta thời ấy chưa có cơ sở gây trồng. Thuỷ tiên có bề ngoài giống một củ hành tây lớn, rất tầm thường, chẳng hứa hẹn một hương sắc nào. Chuẩn bị cho việc gọt thủy tiên, bố tôi hì hục mài dao cho tới khi nó bén đến mức đặt sợi tóc lên lưỡi dao mà thổi phù một cái thì sợi tóc lập tức bị đứt đôi, và đầu nhọn của nó thì chỉ vô ý chạm ngón tay vào là máu ứa ra liền. Rồi ông còn phải ngắm nghía hồi lâu cái củ hành nọ, cho tới khi quyết định đặt nhát cắt đầu tiên lên mình nó. Những nhát cắt, nhát trổ chính xác được ông cân nhắc từng tý, cho tới khi hài lòng đặt nó vào cái bát thủy tinh, cũng lại thứ dành riêng cho nó.

Mẹ tôi chăm chú theo dõi bàn tay khéo léo của bố tôi xoay quanh củ thủy tiên. Bà cũng là người khéo tay, nhưng khéo tay ở những việc khác, chứ trổ thủy tiên thì bà chịu. Những Tết bố tôi vắng nhà, trên bàn thờ ông bà ông vải chỉ có hoa huệ, thủy tiên thì hoàn toàn vắng bóng. Hoa thủy tiên bắt đầu trổ những cánh xanh mập mạp cũng chẳng khác lá hành là mấy, nhưng chúng nhỏ nhắn, ngắn và không vươn quá thành bát đựng. Người gọt khéo có thể chỉ định đúng ngày hoa nở, khéo hơn nữa có thể đúng đến cả giờ.

Thuỷ tiên do bố tôi gọt bao giờ cũng nở hết số hoa nó chứa trong mình vào đúng giao thừa, chính xác vào cái giờ khắc thiêng liêng nhất của sự giao hòa giữa người thuộc cõi âm và người thuộc cõi dương, giữa tổ tiên và con cháu. Bố tôi đứng lặng trước ban thờ ông bà, đầu hơi cúi. Mẹ tôi đứng sau ông thì thầm khấn vái. Hương trầm ngát trong nhà. Rồi pháo của một nhà nào đó nổ vang, kéo theo sau nó cả một đợt sóng triều tiếng pháo râm ran.

Tôi không bao giờ thấy được hương thủy tiên vào lúc thủy tiên nở hết hoa của nó trong hương trầm và khói pháo. Sáng sớm mồng Một, rất sớm, khi trời đất đã lặng đi mọi tiếng động của sự đón Xuân, lúc ấy mới thấy được hương thủy tiên thoang thoảng. Đó là một hương thầm ẩn náu, thoang thoảng mà kiêu sa. Nó không để lại trong tôi một ấn tượng rõ rệt nào. Tôi cũng không cảm nhận được cái đẹp của hoa thủy tiên. Mà cũng có thể đó là do ảnh hưởng câu chuyện chàng Narkisoss trong thần thoại Hy Lạp mải mê ngắm sắc đẹp của chính mình trong nước suối, mải mê đến nỗi ngã xuống mà chết đuối, trở thành loài hoa nọ. Tôi không thích những người say mê chính mình.

Sau khi bố tôi qua đời, chẳng bao giờ trong nhà tôi còn có hoa thủy tiên nữa. Nhưng hoa đào thì không bao giờ vắng bóng trong những ngày Tết gia đình, với cách thưởng thức truyền thống mà những thế hệ đi trước để lại.

Trước Tết một tháng, bố tôi, thường có tôi đi theo, đạp xe lên vùng Quảng Bá, Nhật Tân, Nghi Tàm, nơi có những nhà trồng hoa cha truyền con nối. Cùng với một chủ vườn nào đó đã trở thành người quen, bố tôi đi thăm vườn và xem xét kỹ từng gốc đào để rồi cuối cùng chọn lấy một cành thấp, ưng ý nhất. Tiền đặt mua cành đào được trao ngay cho chủ vườn. Giá thường rất rẻ, lúc ấy chưa có ai mua đào. Ông chủ vườn rút con dao nhíp trong túi ra, đánh dấu cành đào dành cho bố tôi. Chắc chắn nó sẽ không bị bán vào tay ai khác. Bố con tôi hài lòng ra về. Tôi biết, trong óc bố tôi đã hiện lên cành đào trong tương lai sẽ được đặt ở đâu, trong cái bình nào ở nhà mình trong ngày Tết.

Khoảng hai bảy, hai tám tháng Chạp, bố tôi mới lên vườn nhận cành đào về. Ông chủ vườn trao cành đào cho bố tôi với vẻ tiếc rẻ, không ngớt lời khen bố tôi có con mắt tinh đời. Nhưng đó là cách đánh giá của hai người biết chơi hoa với nhau. Người thường sẽ không mua cành đào này. Nó xù xì ở phần gốc, có mấy cành đua dài và gân guốc, trên đó chỉ thấp thoáng một số nụ.

Sau đó là phần sửa soạn cho cái đẹp của cành đào. Bố tôi còn ngắm nó chán chê rồi mới lấy dao cắt bỏ một số cành con, đem thui phần gốc, rồi trịnh trọng đặt cành đào vào trong lọ độc bình. Đó là một cái lọ lớn, thường là lọ sành, nhưng phải thấp, miệng rộng, rất bình dị, đến nỗi khi cành đào đã ngự trong đó thì không còn nhìn thấy cái lọ đâu nữa. Cành đào được đặt trong góc nhà. Những cành đua của nó hướng về phía cửa, khách vào có thể nhìn thấy những cánh tay của nó vươn ra chào đón.

Cũng như thủy tiên, cành đào sẽ nở rộ vào đêm trừ tịch.

- Chơi hoa là cách con người tìm niềm vui, tìm tâm trạng thư thái trong mối giao hòa với thiên nhiên - bố tôi tâm sự trước cành đào

- Người ta chỉ có thể đón thiên nhiên vào nhà mình, chứ không thể mua thiên nhiên đem về hoặc tệ hơn, áp giải nó về với mình. Vì vậy mà cái bình phải khiêm tốn để tôn vẻ đẹp của cành đào, của mùa xuân. Cành đào đẹp trước hết là ở cái dáng, cái thế của nó: phần gốc xù xì cho ta cảm giác về sự vững bền của nền tảng, những cành đua không nên nhiều quá để tạo ra cảm xúc thanh thoáng, khoáng đạt.

Bố tôi không thích đào rực rỡ quá, khoe khoang quá, hợm hĩnh quá.

- Đào như thế này đẹp hơn nhiều, cánh của nó chỉ phơn phớt một màu hồng nhạt, vừa có duyên, vừa thầm kín. - bố tôi dạy - Người Nhật thích màu hồng của hoa sakura - anh đào, có dễ cũng vì lẽ đó. Tín đồ của Thần đạo không chịu nổi những hương sắc quá thế tục. Thêm nữa: trên cành đào Tết không nên có quá nhiều hoa. Lá xanh bên cạnh hoa làm tăng vẻ đẹp của hoa lên. Tất nhiên, mỗi người một ý, nhưng ông nội con và bố đều không ưa những cành đào đầy ắp hoa, cành nào cành ấy đều đặn, trông xa như một cái nơm. Đã thế có người lại còn cắm cái nơm đào ấy vào cái lọ độc bình cổ cao, bằng sứ, với đủ mọi hình vẽ cầu kỳ sặc sỡ, rồi đặt nó ngất nghểu trên bàn thờ ông vải nữa chứ. Không, chỗ của đào không phải ở đó. Bố thích đặt nó ở đây dưới đất, ngang tầm với mình.

Tôi kể cho Nguyễn Tuân nghe cách bố tôi nhìn vẻ đẹp của cành đào. Ông tủm tỉm cười:

- Về đại thể, bố anh đúng. Nhưng ông ấy cũng có mắc một chút bệnh giải thích. Cái đẹp, theo tôi, là cái không giải thích được. Chỉ có thể cảm nhận được nó mà thôi. Bố anh cũng chẳng giải thích nổi tại sao ông đã cắt đi một cành con này mà không phải một cành con khác, tại sao ông giữ cành đua này mà lại bỏ cành đua kia, cái cành được để lại ấy gợi nên trong lòng ông cảm xúc gì. Còn về phần màu xanh của lá trên cành đào thì ông ấy đúng hoàn toàn. Hay gì một cành đào chi chít hoa? Nó làm ta phát ngán. Mùa xuân thì phải có màu xanh của lá, của sự đâm chồi nảy lộc, mới là xuân!

Bây giờ, cả bác Nguyễn Tuân, cả bố tôi, đều đã khuất núi.

Chỉ còn lại cái đẹp của hoa xuân mà hai ông tâm đắc ở trong tôi. Và nỗi bùi ngùi mỗi lần Xuân đến.

24/12/2002

Vũ Thư Hiên(FB Vũ Thư Hiên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét