Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Giáo dục công dân, ngoại ngữ và 'Giá trị Việt Nam' - Nỗi đau trẻ nhỏ giữa vòng vây hàng Tàu nhiễm độc

Giáo dục công dân, ngoại ngữ và 'Giá trị Việt Nam'


(Thethaovanhoa.vn) - 1. Việc thi và công nhận tốt nghiệp THPT sẽ có sự thay đổi. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Ngoại ngữ rồi sẽ là môn bắt buộc, hướng tới học để biết, để giao tiếp chứ không phải để thi.

Ngoài ra, Bộ dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Có thể cộng điểm thưởng cho những học sinh là tấm gương điển hình về đạo đức, lối sống...


Sự thay đổi nhằm tới 2 vấn đề, nhắm thẳng vào 2 môn trong nhà trường: Ngoại ngữ và Giáo dục công dân. Xin được phép lạm bàn về 2 điều này.


2. Cùng nhìn sang Singapore, một mảnh đất hiếm tài nguyên, khan hiếm ngay cả nước ngọt, có trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới được không, nếu ở đó không có cái tên Lý Quang Diệu, nhà kiến tạo với triết lý nổi tiếng: “Công nghệ phương Tây, văn hóa Phương Đông, giá trị Singapore”.


Lý Quang Diệu quyết định chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Mã Lai, tiếng Trung Hoa và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Trường học đều sử dụng tiếng Anh như là chuyển ngữ cho học tập, mặc dù tiếng mẹ đẻ vẫn được dạy trong trường học. Ông khuyến khích người dân ngưng sử dụng các phương ngữ của tiếng Hoa.


Thập kỷ 1970, sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Nanyang nói tiếng Hoa khó xin việc làm, đặc biệt là trong khu vực công vì không thông thạo tiếng Anh. Lý Quang Diệu đã có một quyết định triệt để: sáp nhập Đại học Nanyang vào Đại học Singapore trở thành Đại học Quốc gia Singapore.


Việc này gây ảnh hưởng lớn, ngay các giáo sư nổi tiếng nói tiếng Hoa cũng buộc phải học để dạy bằng tiếng Anh. Những người có công xây dựng Đại học Nanyang cũng lên tiếng chống đối mạnh mẽ.


Nhưng Lý Quang Diệu đã đúng. Qua ba thập kỷ nhiệm quyền, Singapore đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên nghèo nàn.


Hiện đại và truyền thống tạo nên giá trị quốc gia.


Chuyện học Ngoại ngữ ở Singapore đã từ cách đây nhiều thập kỷ. Còn Việt Nam, đây có phải là bài học?


3. Đã có rất nhiều lo ngại về vấn đề đạo đức học đường. Giáo sư Hoàng Xuân Sính, một trong những chuyên gia hàng đầu về giáo dục cho rằng, trong 12 năm học từ tiểu học đến hết THPT, các trường chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho học sinh. Còn trang bị những đức tính con người hầu như bị bỏ ngỏ.


Thực tế, rất nhiều trẻ con Việt Nam hiện nay mất dần những đức tính rất đơn giản nhưng lại rất quan trọng trong hình thành nhân cách con người. Đó là sự khuyết thiếu của “Giáo dục công dân”.


Nói đến môn Giáo dục công dân, chúng ta cần nhìn sang “giá trị Nhật Bản”.


Nước Nhật được thế giới khâm phục vì sự phát triển kinh tế thần kỳ. Là nước công nghiệp nhưng Nhật đã và đang thực hiện một chương trình Giáo dục đạo đức dưới sự quản lý nghiêm ngặt của nhà nước. Mục đích giáo dục của Nhật là nhằm bảo tồn “Giá trị xã hội” truyền chúng lại cho thế hệ sau.


Theo nghiên cứu của nhà giáo Nhà giáo Ưu tú Châu An, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, Nhật đề ra cụ thể 6 mục tiêu và 3 trọng điểm rõ ràng.


6 mục tiêu được ghi trong khung chương trình quốc gia nhằm đào luyện con người có: Tinh thần tôn trọng nhân phẩm và lòng yêu quý cuộc sống; Tinh thần kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống và sáng tạo văn hóa giàu tính cá nhân; Tinh thần nỗ lực hình thành và phát triển một xã hội và đất nước dân chủ; Có đóng góp cho sự phát triển một thế giới hòa bình; Có thể tự quyết định một cách độc lập; Có ý thức đạo đức: Kỷ luật, tự kiềm chế, tinh thần tập thể....


Ba trọng điểm gồm: Lòng tôn trọng cuộc sống - Quan hệ cá nhân và cộng đồng - Ý thức về trật tự dọc (Kỷ luật xã hội). Ý thức về trật tự dọc là tôn ti xã hội nghiêm ngặt và là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của quốc gia Nhật Bản.


Theo nhà giáo Châu An, nguyên nhân chủ yếu khiến giáo dục Nhật Bản thành công là do chính trật tự dọc này. Nó đã chuyển hóa vào các đơn vị cơ sở của xã hội, bao gồm cả trường học. Trật tự dọc bắt nguồn từ gia đình, từ trường học, đến các cộng đồng… các thành viên thuộc nhiều thế hệ gắn kết với nhau bởi tình cảm tự nhiên hơn là bởi mục đích khác. Tập thể mới tạo nên sức mạnh. Điều đó góp phần tạo nên Giá trị Nhật Bản.


Trong giáo dục cần những người thầy. Chúng ta có thể coi người Singapore hay người Nhật là thầy mình, ít nhất là trong cách tiếp cận môn Ngoại ngữ và Giáo dục công dân.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Nỗi đau trẻ nhỏ giữa vòng vây hàng Tàu nhiễm độc

Người dân không mấy bất ngờ trước thông tin bóng hơi và búp bê đầu trái cây Trung Quốc tại Việt Nam nhiễm độc. Lý do, lâu nay, hàng trẻ em như đồ chơi, sữa, quần áo... xuất xứ từ nước này khiến cả thế giới phát sợ bởi những scandal liên quan đến chất lượng.
Khi thế giới cảnh báo, Việt Nam mới kiểm tra
Kết quả kiểm nghiệm của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), cho thấy búp bê đầu trái cây và bóng hơi chứa chất độc phthalate vượt mức cho phép, trong đó bóng hơi chứa chất này vượt mức cho phép 400 lần, tương đương 400.000 mg/kg so với quy định hàm lượng tối đa là 1.000 mg/kg tại một số quốc gia Âu, Mỹ. Tất cả đều do Trung Quốc sản xuất.
Tại Hà Nội và TP.HCM, các sản phẩm trên được bày bán rất nhiều. Cơ quan chức năng ngay lập tức tổ chức các đợt kiểm tra, thu hồi đồ chơi trẻ em độc hại. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng các loại búp bê, bóng hơi nêu trên.
Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã phát hiện bốn sản phẩm đồ chơi trẻ em có chứa chất phthalate vượt chuẩn, gồm: thú nhún, xe đồ chơi điều khiển dùng pin MH9996M, búp bê đầu trái cây và bóng hơi. Ngoài ra, đèn lồng nhựa Trung Quốc cũng có hàm lượng cadimi - kim loại độc hại nhất với cơ thể người.

Búp-bê-trái-cây, bóng-hơi, đồ-chơi, bà-mẹ, trẻ-em, Trung-quốc, thế-giới, Mỹ, EU, sữa, melamine, quần-áo, nhiễm-độc, phthalate
Búp bên trái cây Trung Quốc được bày bán la liệt tại các chợ ở TP.HCM (ảnh Tuổi trẻ)

Đây không phải là lần đầu tiên phát hiện đồ chơi Trung Quốc bị nhiễm độc. Cách đây 6-7 năm, khi các nước châu Âu và Mỹ đồng loạt nói không với đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc thì tại Việt Nam, chúng vẫn tràn ngập. Đơn giản, những quy định ở Việt Nam về mức độ độc hại trong sản phẩm hoặc ở ngưỡng thấp, hoặc còn thiếu (như với chất phthalate), và hầu hết chỉ khi thế giới cảnh báo thì tại Việt Nam mới tiến hành kiểm tra, xét nghiệm. Thế nên, các loại đồ chơi độc hại vẫn được bày bán la liệt. Người lớn vẫn mua và trẻ em vẫn chơi mà không thể lường hết được nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe. Chưa kể, còn bao nhiêu loại đồ chơi có chứa chất độc khác mà Việt Nam chưa phát hiện ra.
Đến thời điểm này, khi Việt Nam cảnh báo các bà mẹ không nên mua đồ chơi có chất độc hại xuất xứ từ Trung Quốc cho con thì tại Mỹ, nhà chức trách nước này đã tịch thu hơn 200.000 búp bê Tàu có chứa hàm lượng cao chất phthalate. Năm ngoái, cơ quan chức năng nước này cũng tịch thu hơn 1,1 triệu sản phẩm đồ chơi không an toàn tại các hải cảng ở Mỹ.
Trước đó, tháng 8/2007, tập đoàn đồ chơi lớn nhất thế giới Mattel (Mỹ) cũng thu hồi trên toàn thế giới tới 18,2 triệu sản phẩm đồ chơi mà trẻ em rất thích như búp bê Barbie, Polly Pocket, hình ghép người dơi và ôtô Sarge... sản xuất tại Trung Quốc do ô tô thì có sơn chứa chì vô cùng độc hại; còn búp bê, hình ghép người dơi và một số sản phẩm khác gắn nhiều loại nam châm nhỏ rất dễ rơi ra ngoài và bị trẻ em nuốt phải.
Liên minh châu Âu (EU) tháng 10/2012 vừa qua cũng ra tối hậu thư về cấm đồ chơi Trung Quốc, nếu các sản phẩm này không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn. Nói là làm, bởi EU đã từng ra lệnh thu hồi 15 mặt hàng đồ chơi và trang phục trẻ em có xuất xứ Tàu do chúng chứa nhiều thành phần gây hại cho sức khỏe trẻ em. Thậm chí, giày dép trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc cũng có hàm lượng chrome vượt quá sáu lần mức cho phép, bị xếp vào hàng “nguy hiểm” đối với trẻ em và bị cấm tiêu thụ tại thị trường châu Âu.
Trẻ em ăn, mặc, chơi gì cho khỏi độc?
Ngoài đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc có chất độc, thì quần áo trẻ em do nước này sản xuất cũng bị cáo buộc có độc tố.
Nếu như năm 2009, gần một nửa mặt hàng quần áo và một phần ba số đồ dùng cho trẻ được sản xuất tại Quảng Đông, Trung Quốc bị phát hiện không an toàn vì chứa hóa chất formaldehye, một tác nhân gây ung thư thì tới cuối tháng 2/2013, tại nước này lại phát hiện chất aromatic amine có trong đồng phục học sinh cũng gây ung thư.
Các tiểu thương thường sang Quảng Châu (Trung Quốc) đánh hàng quần áo trẻ em về bán, chưa kể Việt Nam không kiểm soát nổi hàng nhập lậu các cửa khẩu nên sản phẩm này có xuất xứ Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường.
Đến tháng 12/2013, một báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh Đông Á công bố cho biết hàng may mặc trẻ em sản xuất tại hai thành phố ở Trung Quốc có chứa chất gây rối loạn hormone và hóa chất độc hại đối với hệ sinh sản, hệ nội tiết, có thể làm trẻ ngớ ngẩn.
Điều đáng nói, quần áo trẻ em mà tổ chức này điều tra được bán tại 98% các thành phố ở Trung Quốc và khắp thế giới. Tại Việt Nam, quần áo trẻ em hầu hết nhập từ nước này. Tại Hà Nội cũng đã phát hiện thấy chất formadehyde gây hại cho da trong quần áo Trung Quốc bày bán tại thị trường Hà Nội.
Mấy năm gần đây, hàng Việt Nam mới nhiều hơn nhờ các nhà may trong nước chú trọng đến đối tượng trẻ em, tuy nhiên, nếu so với hàng Trung Quốc thì giá vẫn cao gấp 3-4 lần và hầu hết mới bán tại các thành phố lớn.
Còn về đồ ăn, hẳn các bà mẹ chưa quên vụ sữa Trung Quốc nhiễm chất độc melamine rúng động toàn thế giới năm 2008. Pha loãng sữa để tăng thể tích bán ra, người ta đã cho thêm melamine vào sữa nhằm tạo cảm giác sữa có nhiều protein hơn để vượt qua các cuộc kiểm tra chất lượng. Trẻ uống sữa trộn melamine kéo dài sẽ bị thiếu dinh dưỡng, nhưng tệ hại hơn là chất độc melamine sẽ tích tụ qua từng ngày, lắng cặn lại và gây hại cho cơ thể.
Tại Việt Nam, theo danh sách do Bộ Y tế công bố, có tới gần 30 sản phẩm là sữa và các sản phẩm làm từ sữa như bánh quy, cà phê... bị phát hiện nhiễm chất độc này do các công ty thực phẩm trong nước nhập sữa bột nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vụ việc đã làm các bà mẹ Việt hoang mang và đổ xô đi tìm sữa nội, sữa ngoại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho con.
Ăn uống thì vớ phải sữa có melamine tạo cảm giác nhiều protein hơn, quần áo mặc gây dị ứng, nguy cơ ung thư và ngớ ngẩn... , đồ chơi cũng chứa đầy chất độc, các bà mẹ biết làm gì để bảo vệ sức khỏe trẻ em? Tại Việt Nam, khi mà phần lớn quần áo và đồ chơi vẫn đang nhập khẩu và bị thẩm lậu từ Trung Quốc, thì nguy cơ trẻ phải tiếp xúc với các nguồn nhiễm độc ngày càng lớn. Có lẽ, ngoài lời khuyên các bà mẹ Việt tỉnh táo khi chọn đồ cho con thì chỉ còn cách kêu gọi nhà sản xuất Trung Quốc có lương tri và trông đợi vào công cụ luật pháp hữu hiệu để chặn đứng những hành vi vô đạo trên.
Ngọc Hà
(VEF)

Thôn xà xẻo tiền, quà của Chủ tịch nước

Tiền, quà của Chủ tịch nước trao tặng người dân vùng rốn lũ Đại Lộc bị thôn xà xẻo, không trao cho dân.
Hơn nửa tháng từ khi Chủ tịch nước về trao tặng 10 con bò cùng 100 suất quà (gồm 900.000 đồng tiền mặt và hiện vật/suất) cho các hộ dân vùng rốn lũ bị thiệt hại nặng ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam nhưng nhiều người dân vẫn chưa nhận được vì tiền, quà này bị thôn xà xẻo, chi sai mục đích.
Bán quà tặng lấy tiền lập quỹ

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 15-12-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về địa phương này tặng quà cho bà con bị thiệt hại. “Khi Chủ tịch nước về thăm, chúng tôi có đến dự. Do không đủ thời gian nên Chủ tịch nước nói không thể trao hết tận tay từng phần quà cho người dân được mà nhờ chính quyền huyện, xã thực hiện. Chủ tịch nước còn dặn dò phải trao quà, tiền cho đúng đối tượng hộ nghèo, gặp thiệt hại nặng sau lũ. Chúng tôi còn nhớ như in lời Chủ tịch nước căn dặn. Thế nhưng dân nghèo chúng tôi vẫn chưa nhận được tấm lòng của Chủ tịch nước. Tiền này không đến tay người nghèo mà chảy thẳng vào quỹ của thôn một cách hết sức vô lý” - chị Lê Thị H. (43 tuổi, thôn Đại Mỹ) bức xúc nói.

Theo người dân, trong 100 suất quà thì thôn Đại Mỹ được phân bổ 13 suất. Sau khi nhận quà về, cán bộ thôn, tổ không họp dân bình xét để trao quà mà tự ý quyết định giữ lại toàn bộ số tiền mặt. Còn phần quà tặng bằng hiện vật gồm nước mắm, dầu ăn, sữa, bánh thì thôn đem bán cho dân với giá 95.000 đồng/phần.

 
Ngày 15-12-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) về xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc trao tiền và quà cho bà con nhưng bị thôn xà xẻo, không trao cho người dân. Ảnh: LÊ PHI


“Cán bộ thôn đã tự ý chia bảy suất tiền về cho bảy tổ để trả tiền điện thắp sáng dịp tết và chi tiêu cho ngày hội đại đoàn kết. Riêng sáu suất tiền còn lại thì giữ làm quỹ thôn và tổ chức cắm trại kỷ niệm 10 năm thành lập xã. Chúng tôi bảo quà của Chủ tịch nước thì cứ phát cho dân còn tiền điện, tổ chức cắm trại thì kêu gọi dân đóng góp nhưng họ không chịu. Rốt cuộc người nghèo trong thôn bị thiệt hại do lũ không ai nhận được một đồng nào, một tí quà nào mà Chủ tịch nước trao tặng” - một người dân phản ánh.

Một chị cho biết thấy ý nghĩa phần quà tặng bằng hiện vật của Chủ tịch nước rất thiêng liêng nên khi thôn đem bán, chị đã đến mua. “Tôi đến mua một phần quà bị thiếu phần bánh nên họ chỉ bán 80.000 đồng, còn các phần quà khác họ bán 95.000 đồng” - chị này nói.

Trước việc làm này, người dân đã đến xã Đại Hưng gặp lãnh đạo nhờ can thiệp giải quyết nhưng 10 ngày trôi qua sự việc trên bị “chìm xuồng”.

Dùng tiền trao tặng để cho vay!

Chị Nguyễn Thị Tuyết N. (45 tuổi, thôn An Điềm) bức xúc: “Tôi có con là nạn nhân da cam, nhà nghèo lại gặp thiệt hại nặng sau bão lũ nhưng họ không xét để trao quà của Chủ tịch nước. Các hộ khác có danh sách trước khi đi nhận quà thì thôn bảo phải ký xác nhận và khi nhận về rồi thì mang trả cho thôn”.

Theo chị N., thôn An Điềm được xã phân bổ bốn suất quà và tiền của Chủ tịch nước và thôn trao tặng một phần cho một cụ già đơn thân. Ba suất còn lại thì hai suất thôn chi vào việc cắm trại, một suất thì mang cho vay… lấy lãi! Riêng những người có tên trong danh sách khi đến xã nhận quà của Chủ tịch nước thì thôn chỉ… trả công bằng quà!

“Sao không trao quà cho người dân? Đó là quà của Chủ tịch nước, nó rất ý nghĩa đối với người dân không chỉ về giá trị tiền bạc. Chúng tôi phản ánh thế này rồi họ sẽ trù dập đủ đường cho xem” - chị N. nói.

Chiều 3-1, gặp chị Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, tổ 2, thôn An Điềm) thuộc diện hộ nghèo, mang bệnh, nằm trong danh sách được nhận quà của Chủ tịch nước. Chị Hoa kể: “Tui nghèo lại bị đau ốm và có tên trong danh sách nhận quà của Chủ tịch nước. Sau khi nhận quà và tiền về, họ lấy lại bỏ vào tổ đoàn kết, mang đi cho vay. Tôi không dám giữ lại tiền đó vì sợ phải trả lãi. Không biết vì sao họ lại làm vậy, đáng lý số tiền bác Chủ tịch nước trao tặng là của tôi chứ?”.

Gặp người vay số tiền trên, chị này cho biết: Thôn họp ban dân chính và quyết định cho tôi vay suất tiền 900.000 đồng của Chủ tịch nước. Theo cam kết, đến năm sau khi xã tổ chức ngày hội đại đoàn kết, tôi sẽ trả lãi 200.000 đồng!

Theo người dân, ngoài thôn Đại Mỹ, An Điềm thì còn nhiều thôn khác cũng rơi vào cảnh tương tự và chuyện xén tiền quà hỗ trợ không phải là lần đầu.

Về chuyện xén tiền, quà của Chủ tịch nước nêu trên, ông Văn Bá Lý, Bí thư thôn Đại Mỹ, thừa nhận và lý giải: Quỹ hoạt động của thôn không được cấp đồng nào nên thôn thống nhất lấy số tiền trên làm quỹ, chi cho các hoạt động… Ngoài ra, lũ cũng qua rồi nên số tiền đó nên bỏ vào quỹ của thôn cũng hợp lý (!?).
Sai phạm nghiêm trọng
Về việc quà của Chủ tịch nước bị xà xẻo, ông Phạm Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng nói: “Xã chưa nhận được thông tin này. Chúng tôi sẽ làm việc và xử lý ngay”.
Theo ông Thịnh, việc tổ chức mít-tinh, kỷ niệm 10 năm thành lập xã đã có kinh phí của xã, không yêu cầu các thôn thực hiện. Ngoài ra, khi quà cứu trợ lũ lụt đến thì xã ưu tiên những hộ thiệt hại nặng trước, đến khi người dân nhận hết phần quà rồi thì cán bộ mới được nhận. “Những cán bộ nào làm sai thì sẽ bị kiểm điểm, kỷ luật. Trước khi làm chúng tôi đã quán triệt không để trường hợp này xảy ra. Bây giờ việc đầu tiên là yêu cầu các thôn trả lại tiền cho người dân, còn cán bộ vi phạm ở mức độ nào sẽ bị xử lý ở mức độ ấy” - ông Thịnh cho hay.
___________________________________________
Việc này là quá sai phạm. Tiền, quà của Chủ tịch nước trao cho ai thì người đó nhận chứ không thể làm như thế được. Tôi sẽ gọi điện thoại cho huyện Đại Lộc, xã Đại Hưng xử lý ngay vấn đề này.
Ông TRƯƠNG VĂN MƯỜI, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ
tỉnh Quảng Nam
Tôi chưa nhận được thông tin trên nhưng tôi khẳng định việc này là sai. Quà và tiền của Chủ tịch nước phải trao cho dân chứ sao lại đưa vào quỹ như vậy được.
Ông NGUYỄN NGỌC TRUYỀN, Chánh Văn phòng |
UBND tỉnh Quảng Nam

LÊ PHI
 
(PLTP)

Khát tình, nữ tỉ phú lấy tiền mua quan tài của mẹ cho bồ

Mê muội vì yêu, người phụ nữ trẻ đã "trút" tất cả gia sản một đời phấn đấu để cung phụng cho người chồng "hờ" luống tuổi. Khi tiền hết, tình cũng tan, người đàn ông sau khi “giúp” chị thành kẻ không nhà liền cao chạy xa bay.
Nữ tỉ phú khao khát tình yêu
Lấy chồng từ thuở đôi mươi, cô gái Phan Thị Tố Na (33 tuổi, ngụ đường Hoàng Diệu, phường Tây Lộc, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cứ nghĩ cuộc đời từ đây sẽ luôn mỉm cười khi cô tìm được bến đỗ bình yên. Đứa con gái chào đời, cứ tưởng hạnh phúc sẽ được nhân đôi, vậy mà những mâu thuẫn nhỏ nhặt của cuộc sống vợ chồng đã phá nát tổ ấm gia đình một cách chóng vánh.
Cô ôm con về nhà mẹ với đôi bàn tay trắng. Hơn mười năm tất bật, tranh đua giữa thương trường, kinh qua đủ các lĩnh vực kinh doanh, cuối cùng Na cũng khẳng định được vị trí của mình giữa đất Cố đô với chuỗi những shop thời trang cao cấp.
Trong những ngày đi học lái xe, Na quen biết với một người đàn ông và hai người nhanh chóng trở thành bạn bè thân thiết. Dù có hơi luống tuổi, nhưng với vẻ ngoài điển trai, phong độ… y như “Việt Kiều”, người đàn ông nhanh chóng đánh gục Na và cả người thân của cô. 
Nhưng oái oăm thay, trong khi Na không bị ràng buộc về hôn nhân thì anh lại cho rằng không thể ly hôn với vợ dù cả hai đã sống ly thân từ lâu, trái với “phong tục” nhà anh nên chỉ có thể sống chung với “vợ” ngoài giá thú.
“Mẹ anh ấy bị bệnh tim nên không thể để bà ấy xúc động mạnh. Anh ấy hứa đợi khi mẹ… qua đời, anh ấy sẽ ly hôn và cho tôi một danh phận rõ ràng”, Na chia sẻ, “nhưng ngặt nỗi mẹ anh ấy còn trẻ lắm và rất khỏe, nên tôi cũng chẳng mong chờ nhiều”. Cũng vì thế mà cả hai chính thức yêu đương và sống cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng” khi anh vẫn đang có vợ chính thức. 
Khát tình, nữ tỉ phú lấy tiền mua quan tài của mẹ cho bồ - Ảnh 1
Vì khao khát tình yêu, nữ tỉ phú lấy tiền mua quan tài của mẹ cho tình nhân
Tuy chỉ là “chồng hờ”, “vợ hờ” nhưng gia đình Na lại coi anh như rể con trong nhà. Hành trình thay đổi cách xưng hô, từ chỗ gọi mẹ Na bằng “chị”, sang bằng “mẹ” của người đàn ông luống tuổi cũng chẳng mấy khó khăn, ngượng ngùng. Mẹ Na cũng nhanh chóng “hòa nhập” với thực tế, chấp nhận người con rể "hờ" chỉ chênh mình dăm tuổi. Với tấm lòng của người mẹ, chỉ cần con hạnh phúc là bà cảm thấy mãn nguyện trong lòng.
Mượn cả tiền mua quan tài của mẹ đưa cho người tình
Vốn ý thức được mình chưa phải là dâu con của “nhà người ta” nên Na hầu như không bao giờ sang nhà của người yêu. Trong khi đó, anh lại thường sang thăm hỏi gia đình Na vào những dịp cuối tuần hoặc lễ tết.
Lạ lùng hơn, sau này mẹ anh còn “thay đổi thái độ”, nhiều lần cùng chị gái anh sang nhà Na chơi. Mỗi lần như thế, mẹ và chị gái anh đều công nhận miệng Na là dâu con trong nhà, dù cả hai chẳng cưới hỏi gì. Có lẽ chính vì những khẳng định chắc nịch của người thân bên “nhà chồng” đã giúp Na sống hết mình, trải hết lòng và trải cả tiền để “vun đắp” tình cảm cùng anh.
Sau một thời gian ngắn “góp gạo thổi cơm chung”, Na mới biết được anh đang lâm vào cảnh bi đát, nợ nần chồng chất. Vốn tình cảm đã mặn mà, lại thương người lúc sa cơ lỡ vận nên nữ "đại gia" xứ Huế quyết định đứng ra gánh nợ giúp người tình.
Bao nhiêu tiền kiếm được, Na đều giấm dúi đưa cho người tình. Na còn thay mặt anh đứng ra vay mượn tiền của những người thân trong gia đình.
Ngay cả số tiền mẹ cô dành dụm cả đời cũng được con gái mượn để tiêu tốn cho người tình. “Số tiền ấy bà chắt chiu mấy chục năm nay để dưỡng già và để mua cái quan tài lúc về với tổ tiên, không ngờ vì thương con nên cũng mất sạch”, giọng người phụ nữ nghèn nghẹn khi nói đến người mẹ.
Khát tình, nữ tỉ phú lấy tiền mua quan tài của mẹ cho bồ - Ảnh 2
Để rồi cuối cùng trở thành người "trắng tay"

Cuối cùng, Na mang căn nhà đang ở ra thế chấp ngân hàng để giúp anh thoát một phần cơn hoạn nạn.

Tiền mặt cạn kiệt, nhà đã mang cầm cố, những người quen mặt bên “vợ” cũng đã mượn đến đồng xu cuối cùng, lúc này, người đàn ông phong độ bắt đầu nhắm đến đồ đạc nhà vợ. Đầu tiên là chiếc Honda SH của Na, sau khi mượn đi, anh đã mang thẳng vào tiệm cầm đồ để cầm cố. Dù vô cùng tức giận, nhưng khi nghe những câu nói ân hận, những lời vỗ về, Na lại xuôi lòng tha thứ.

Thấy ngày ngày, ông chồng hờ phải đi lại bằng xe ôm cũng xót, Na lại đưa chiếc xe Honda SH khác trong nhà để anh thuận tiện đi lại. Cũng chỉ được 4 ngày, anh lại mang vào tiệm cầm cố. Cũng như lần trước, khi nghe những câu nói đầy ân hận của người tình cùng với sự “thành khẩn” vô bờ bến, lòng Na lại yếu đuối và xí xóa mọi lỗi lầm.

Có lẽ biết được điểm yếu của người yêu, nên sau mỗi lần “phạm tội”, anh cũng đều ra sức dỗ ngọt người tình. Kịch bản cũ tiếp tục lập lại với hai chiếc xe Vespa hiệu LX và Liberti trong nhà Na.

Sau khi tài sản cuối cùng của Na đã theo chân anh "đội nón" ra đi, ngay cả số tiền 10 triệu đồng cuối cùng còn lại trong ví dùng để mua thức ăn cũng bị người đàn ông này móc sạch. Từ đây, “người đàn ông phong độ” ngày nào cũng lặn mất dấu.

Khi điện thoại không liên lạc được, tìm đến nhà cũng không ai biết anh đã đi đâu, người phụ nữ này mới nhận ra bấy lâu nay mình chung sống với kẻ "đào mỏ" thứ thiệt mà không hay biết.

Vác đơn đi kiện chồng "hờ"

Trắng tay. Không dưng lại phải gánh thêm một đống nợ mà mình từng đứng ra vay mượn giúp người tình, giờ đã đến lúc phải trả, hoảng loạn, bế tắc, Na đành phải sang các tiệm thời trang cho chủ khác lấy tiền trả nợ và để có tiền sống cầm hơi qua ngày. Đang sống trong cảnh sung túc, bỗng chốc thành kẻ không nhà ra ở trọ, ngay cả chiếc xe để đi lại cũng không có, Na như rơi thẳng xuống địa ngục.

Trong một đêm mưa gió, sau khi mệt mỏi vì tìm kiếm gã chồng "hờ" trong điên dại, Na đã ra con sông gần nhà với ý định trầm mình để giải thoát. Nhưng đứng trước dòng sông cuộn cuộn chảy, Na chợt tỉnh ngộ. Trốn tránh có ích gì, khi đẩy gánh nặng sang vai người thân. Nếu không có cô thì mẹ già, em dại và đứa con thơ ai sẽ lo?. Ý nghĩ về gia đình đã cứu cô thoát khỏi lòng sông trong đêm mưa gió ấy.

Gom chút sức tàn, Na đã lê từng bước về nhà. Sau 4 tháng nhốt mình trong phòng tự dằng xé bản thân, cuối cùng cô cũng thoát ra được khỏi vỏ ốc và vạch kế hoạch để “đòi” lại tiền, dẫu biết là rất khó khăn, bởi dân gian vẫn nói “bắc thang lên hỏi ông trời…”.

Na cho biết, sau khi lục tung cả thành phố Huế, mới biết anh đã vào Nam, nhưng chẳng biết chính xác là ở đâu. Người “chị chồng” trước nay vẫn coi cô như là người em dâu trong gia đình giờ cũng tỏ ra lạnh nhạt. Na quyết định gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Đến lúc này, bà chị chồng mới “mời” Na sang “nói chuyện”. Sau khi vuốt ve, dỗ dành rút đơn kiện không thành, bà chị này liền giở giọng đe nẹt, dọa nạt, thách thức “cứ ngon thì gửi đơn kiện, xem có làm gì được, hay lại thêm nhục”.

Trong khi bà chị tỏ ra mạnh miệng thì anh có vẻ cũng sợ công an “sờ gáy”. Ít ngày sau khi Na đâm đơn kiện, anh liền nối ngay liên lạc với gia đình cô. Không gọi cho người tình để vỗ về an ủi hoặc van xin tha thứ, anh lại gọi cho mẹ Na nhờ bà khuyên giải con gái. Anh cũng không còn gọi “mẹ” xưng “con” ngọt ngào như trước mà chuyển sang một “chị”, hai “em”. Anh nhờ mẹ Na khuyên nhủ con gái rút đơn kiện lại và một mực khẳng định mình “không hề chạy trốn, chỉ là đi xa để  thu xếp công việc, sẽ quay về để trả nợ”.

Dù rất giận gã con rể "hụt", nhưng biết con gái vẫn còn chút lo lắng cho người yêu, nên mẹ Na yêu cầu anh gọi cho Na. Anh thẳng thừng bảo là không nhớ số của “vợ” nên không gọi được, sau đó người đàn ông này cúp máy và tiếp tục biệt vô âm tín. Sau khi nghe chính mẹ kể lại sự “nhẫn tâm” của người yêu, Na mới thật sự tỉnh mộng hoàn toàn.

Trong căn nhà nhỏ lụp xụp gia đình Na vừa chuyển về ở trọ, khác với bức ảnh trên tường với khuôn mặt xinh tươi và nụ cười quyến rũ của người đàn bà mới qua tuổi 30, người phụ nữ ấy giờ gầy guộc, đôi mắt sâu hun hút vì thiếu ngủ, trên trán và khóe mắt cũng hằn lên nhiều vết nhăn do suy nghĩ nhiều. Có lẽ, giờ đây khi trắng tay, cô mới thấm thía hết sự u mê vì tình của bản thân. Và hẳn, chị sẽ nghĩ mãi về câu nói “giá như…”, “giá như…”.

Thông tin từ cơ quan điều tra cho biết, vụ việc đang trong quá trình điều tra làm rõ.

Theo tin tức báo Pháp luật xã hội

Không theo TQ chống Nhật, Nhân Dân nhật báo “chửi” cả Đông Nam Á

http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Khong-theo-TQ-chong-Nhat-Nhan-Dan-nhat-bao-chui-ca-Dong-Nam-A-post136729.gd

Hồng Thủy

(GDVN) – Nhân Dân nhật báo gọi đó là “thâm thù đại hận”, theo Bắc Kinh thì các nước Đông Nam Á phải nghiến răng nghiến lợi chỉ trích Nhật Bản, đằng này không ai nghe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đi viếng đền Yasukuni.

Tờ Nhân Dân nhật báo bản hải ngoại ngày 4/1 có bài xã luận chỉ trích gay gắt cả Đông Nam Á vì không chịu nghe theo Bắc Kinh lên án Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đi viếng đền Yasukuni hôm 26/12/2013.
Động thái này đã dấy lên làng sóng phản đối từ Trung Quốc, Hàn Quốc và có thêm sự “thất vọng” từ Washington và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, tuy nhiên các nước Đông Nam Á cũng từng là nạn nhân của chủ nghĩa phát xít Nhật trước đây thì hoàn toàn im lặng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khi trả lời câu hỏi của NHK News qua văn bản đã bày tỏ, Việt Nam hy vọng Nhật Bản xử lý thỏa đáng các vấn để để đảm bảo hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực. Tờ báo nhà nước Trung Quốc cho rằng phản ứng như vậy là “mơ hồ”?!
Nhân Dân nhật báo chỉ trích các nước Đông Nam Á đã để “tiền làm mờ mắt, nghĩa khí khó tìm” chỉ vì không theo Bắc Kinh lên án mạnh mẽ và phản đối việc làm của Thủ tướng Nhật Bản.
Nhằm kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi và chia rẽ mối quan hệ quốc tế chỉ vì chuyện ông Shinzo Abe viếng đền Yasukuni để bày tỏ lòng tôn kính với hàng ngàn người Nhật Bản chết trong chiến tranh mà 14 người bị xếp vào nhóm tội phạm chiến tranh hạng A được thờ chung trong đó chỉ là thiểu số, Nhân Dân nhật báo lại xới lại lịch sử thời kỳ chủ nghĩa phát xít Nhật.

Chính truyền thông Trung Quốc đã kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan làm dấy lên các cuộc biểu tình chống Nhật trên toàn Trung Quốc gây thiệt hại lớn về kinh tế cuối năm 2012. Năm 2013 Bắc Kinh thay chước mới, định mượn tay các nước khác để gây áp lực với Nhật Bản.
Liệt kê những con số thương vong, tổn thất do chủ nghĩa quân phiệt Nhật gây ra với châu Á trước đây, tờ Nhân Dân nhật báo gọi đó là “thâm thù đại hận”, theo Bắc Kinh thì các nước Đông Nam Á phải nghiến răng nghiến lợi chỉ trích Nhật Bản, đằng này không ai nghe theo.
Cao Hồng, một chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc chụp mũ các nước Đông Nam Á đã “vì lợi quên nghĩa” và đặc biệt nhắm tới Philippines.
Nhân Dân nhật báo thậm chí còn dẫn lời “chuyên gia giấu tên” mỉa mai miệt thị các nước Đông Nam Á “nước nhỏ dân ít”, bị phương Tây đô hộ sau đó lại bị Nhật Bản chiếm đóng, “do thời gian Nhật Bản chiếm đóng tương đối ngắn nên người ta tưởng người Nhật là quân giải phóng.”?!
Lật lại lịch sử và lợi dụng lịch sử là chiêu bài thường dùng của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc để kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi nhằm phục vụ cho những mưu đồ chính trị sẽ chỉ đẩy khu vực chìm vào vòng xoáy căng thẳng không có lối thoát.
Trên vũ đài chính trị quốc tế, ai đúng ai sai dư luận tự có nhận định và phản ứng phù hợp, đâu cứ phải gân cố nghiến răng gào lên như truyền thông Bắc Kinh mới chứng tỏ được mình là người “yêu nước”, xem trọng lịch sử?
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét