Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Xã luận đầu năm - Hải chiến Hoàng Sa, 40 năm nhìn lại

Phạm Thị Hoài - Xã luận đầu năm

Những thông điệp đầu năm của các nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ trên toàn thế giới đều có chung một điểm: chúng chẳng ăn nhằm gì đến thực tế chính sách trị quốc mà các nhà cầm quyền này hoạch định. Chúng đơn giản là một nghi thức của văn hóa chính trị. Song cái văn hóa ấy ở mỗi nơi một khác.


Ở Đức, thông điệp đầu năm của Thủ tướng là hình thức diễn văn trang trọng nhất ở bậc cao nhất, bậc thượng đỉnh quốc gia. Hiển nhiên diễn giả phải tuân thủ yêu cầu nội dung bắt buộc của thể loại này là nhìn lại năm cũ, hướng đến năm mới, trong không quá mười phút – khả năng người nghe ngủ gật, chuyển kênh khác, chạy ra bếp khui bia hay tắt tivi ở phút thứ mười một là rất cao. Song những thứ đó thực ra khá vô nghĩa: chẳng ai muốn dành tai này cho những điều đã biết đến chán ngấy hoặc nghe chuyện cổ tích về 365 ngày vừa trôi qua và dành nốt tai kia cho một phác họa viễn tưởng về 365 ngày còn chưa đến. Diễn văn quốc gia đầu năm tự bản thân nó không có cả giá trị thông tin lẫn giá trị giải trí, trừ trường hợp diễn giả quá vụng về. Nhưng nó có thể có một giá trị văn hóa, nếu diễn giả biết sử dụng một ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp với đối tượng và phù hợp với phong cách của bản thân mình; biết pha trộn đúng tỉ lệ giữa nghị luận, hùng biện, suy tư, tâm tình và hài hước; biết để lại ấn tượng bằng ít nhất một khái niệm hay tốt hơn cả là một câu bập ngay vào tâm khảm người nghe; biết mở ra và khép lại với một sợi chỉ đỏ xuyên suốt; biết cấu trúc hợp lí, dẫn dắt khéo léo, thiết kế cao trào và kết thúc với dư âm… Đó là chưa kể diễn văn ấy phải được trình bày tự nhiên, trôi chảy, giầu cảm xúc, đúng nhịp điệu và chân thực. Đó là chưa kể đầu tóc, quần áo, ngôn ngữ cơ thể và chất giọng. Tóm lại, diễn văn đầu năm là một thách thức văn hóa chứ không phải thách thức chính trị cho các chính khách ở phương Tây. Đã vô nghĩa thì ít nhất hãy vô nghĩa cho có thẩm mĩ.

Phần lớn các diễn văn đầu năm của những Thủ tướng Đức mà tôi từng nghe đều có thể bị đánh trượt hay chỉ đạt điểm trung bình về tổng thể hay về một phương diện. Hiếm có một kiệt tác nào trong số đó đáng đưa vào bảo tàng văn hóa Đức đương đại. Điều ít thấy nhất ở đó là sự nồng nhiệt, diện mạo cá nhân và sự hài hước, những yếu tố lôi cuốn dễ gặp hơn ở cách chính khách Hoa Kỳ vốn thuần thục hơn với nghệ thuật chinh phục đám đông và cũng phụ thuộc vào đó hơn. Song dù hay dở thế nào, tất cả đều đạt điểm chuẩn ở một phương diện: đúng đối tượng – người dân. Những diễn văn phát vào đêm giao thừa từ tám năm nay và sắp thêm bốn năm nữa của bà Merkel không có gì sâu xa xuất sắc, dù có năm bà mở đầu bằng tác phẩm hài kinh điển Dinner for One và kết thúc bằng triết gia Hi Lạp Democritos. Năm nay cũng không thú vị hơn. Không chứa đựng những tín hiệu giữa hai hàng chữ để các chuyên gia phân tích phải dò mìn phỏng đoán nước Đức sẽ đi về đâu – ở một số nước Nam Âu, người ta thậm chí đang lo nước Đức lại lăm le nuốt chửng các láng giềng, lần này không bằng xe tăng mà bằng xe hơi Audi, BMW, Mercedes và Volkswagen. Không một lời về chính sách đường lối, về quyết tâm tới lui, về vai trò sứ mệnh ầm ĩ của chính phủ. Trong vỏn vẹn 6 phút đồng hồ, bằng những lời trang trọng nhưng giản dị và khá thân tình – bà Thủ tướng thổ lộ dự định năm tới là sẽ dành nhiều thời gian đi hít thở không khí trong lành ngoài trời hơn -, trực tiếp nhắm đến địa chỉ là người dân, bà chủ yếu dành lời khen ngợi những thành tích và nỗ lực cụ thể của người dân – chứ không phải của chính phủ Đức – trong năm qua và kêu gọi họ tiếp tục đồng lòng dấn bước trong năm tới, rồi cuối cùng tất nhiên kết thúc bằng lời chúc sức khỏe, viên mãn và phước lành của Chúa – chứ không phải của Đảng Dân chủ Thiên chúa mà bà thống lĩnh – cho mọi gia đình.

Các thông điệp đầu năm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dựa trên một văn hóa chính trị hoàn toàn khác. Mỗi năm là một bài đăng báo dài dằng dặc chứ không phải một diễn văn trước ống kính. Chúng ta hãy thưởng thức một đoạn trong thông điệp đầu năm nay (2014):

Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Quan tâm bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam.

Khẩn trương sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.”

hay một đoạn của thông điệp đầu năm ngoái (2013):

Cùng với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong năm 2012 phải tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo trong kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11 của Chính phủ, tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, thậm chí có nguy cơ rơi vào vòng suy thoái mới, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc của các ngành, các cấp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò mở đường, tạo cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện nhưng kết quả phải được phản ánh trên từng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp phải là chủ thể, có vai trò quyết định.”

hoặc một đoạn của thông điệp đầu năm kia (2012):

Điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư. Nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu nhất, đồng thời đẩy mạnh huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường.”

và một đoạn của thông điệp đầu năm kìa (2011):

Tái cấu trúc các ngành sản xuất và dịch vụ, trọng tâm là phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, phải xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với công nghệ cao nhằm tăng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất; gắn kết chặt chẽ giữa áp dụng khoa học công nghệ với tổ chức sản xuất; giữa sản xuất, chế biến với phân phối trong một chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị đó; giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.”

Đó đơn giản là những bài xã luận với văn phong muôn thuở của khẩu hiệu, nghị quyết và báo cáo, dùng tốt cho bất kì một thời điểm nào trong năm, dùng tốt cho bất kì năm nào, dùng tốt cho bất kì dịp nào: Ngôn ngữ chính trị là thứ duy nhất ở đất nước này có phẩm chất ổn định. Không có bóng dáng nào của người dân trong đó. Không ai có thể cam đoan là được thấy Thủ tướng đang nói với mình. Đối tượng gửi gắm của cái gọi là “thông điệp đầu năm” đó cũng phi diện mạo như tác giả của nó. Tôi không rõ người ta có thể dò thấy quả mìn nào chờ nổ trong những văn bản mà chỉ cần đọc một câu đã tiêu hết dự trữ hứng thú trong ngày ấy. Ông Thủ tướng, hay nói đúng hơn là những người soạn xã luận đứng tên ông, chỉ lặp lại, với mỗi năm một chút xê dịch, tất cả những gì mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã công bố trong Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 từ nhiều năm trước. Rất có thể nhóm ghostwriter của ông Thủ tướng cũng chính là nhóm soạn Dự thảo đó.

Chất lượng sống có thể bị nhìn lệch qua lăng kính của chỉ số tăng trưởng kinh tế, nhưng bao giờ cũng được phản ảnh trung thực qua những điều tưởng chừng rất nhỏ. Mỗi đầu năm một bài xã luận tra tấn của người đứng đầu chính phủ như nghi thức bất biến của văn hóa chính trị Việt Nam, theo tôi, không phải là chất lượng sống đáng ước ao.
Phạm Thị Hoài
© 2014 pro&contra

Hải chiến Hoàng Sa, 40 năm nhìn lại

hai-chien-1-305
Chiến hạm VNCH và Trung Quốc giao tranh ở Hoàng Sa năm 1974.
File photo
Sau trận hải chiến Hoàng Sa 1974 mà hậu quả là quần đảo này rơi vào tay Trung Quốc, 40 năm sau vẫn không thể nói điều gì khác hơn rằng vấn đề Hoàng Sa phải được ghi lại một cách trung thực trên từng chi tiết vào lịch sử và trên các bộ sách giáo khoa, trong đó có sự chiến đấu dũng cảm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.
TQ vi phạm hiến chương LHQ

Thạc sĩ Đinh Kim Phúc, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông, tác giả quyền sách “Biển Đông: Luận Cứ Và Sự Kiện” phát hành năm 2011, khẳng định như vậy trong bài trao đổi do Thanh Trúc thực hiện sau đây:

Đinh Kim Phúc: Như đã biết, Việt Nam chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý về lịch sử chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hay nói một cách khác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử muộn nhất là từ thế kỷ XVII đã thực thi chủ quyền ở hai quần đảo này khi nó chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội Việt Nam thuộc Pháp để bắt đầu tham vọng tràn xuống phương Nam của mình, mà khởi đầu là sự kiện vào năm 1909.

Năm 1909, vì cho rằng quần đảo Hoàng Sa là vùng đất vô chủ, và sợ Nhật Bản đánh chiếm, lần đầu tiên chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) đã lập một ủy ban quản lý vùng và lệnh cho đô đốc Lý Chuẩn tiến hành cho khảo sát Hoàng Sa. Sự vô lý về hành động của Lý Chuẩn như một tờ báo của Pháp đã mỉa mai là: “…vẽ một bản đồ tổng quát về các đảo mà ông đã khám phá và 15 bản đồ riêng của cùng những đảo đó “chỉ trong vài giờ !”.

Có thể nói rằng, quá trình tranh chấp biển Đông của Trung Quốc đã bắt đầu từ đây.

Thứ hai, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận trong Chiến tranh Thái Bình Dương, năm 1946 chính quyền Tưởng Giới Thạch đã đưa lực lượng ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa và ra yêu sách “chủ quyền”, nhưng yêu sách đó đã không thành hiện thực khi Tưởng thua trận chạy khỏi đại lục vào năm 1949.

Thứ ba, năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp thua trận và rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneve 1954 và trong khi chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo như thỏa thuận của hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa.

Và đỉnh điểm của những tham vọng đó, tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm nhóm đảo phía Tây và hoàn thành việc chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Với những hành động này, Trung Quốc đã vi phạm Điều 2 khoảng 4 của Hiến chương LHQ. Có nghĩa là gì? Dùng vũ lực xâm lược lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Đây là hành động xâm lược!

Thanh Trúc: Thưa ông Đinh Kim Phúc, đến lúc này Việt Nam phải làm gì khi mà Hoàng Sa đã về tay Trung Quốc 40 năm nay, chưa kể là từ 1988 Trung Quốc cũng đã chiếm đóng trái phép một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam?

Đinh Kim Phúc: Việt Nam không chủ trương tiến hành chiến tranh vì chiến tranh không phải trò đùa. Theo quy định của Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển của LHQ (UNCLOS) năm 1982, các bên tranh chấp có thể lựa chọn một hoặc một số phương pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp. Nhưng từ lâu, quan điểm của Trung Quốc là không bàn về vấn đề Hoàng Sa.

Như tôi đã trình bày, đối với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý về lịch sử chủ quyền của Việt Nam, chính vì vậy Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa Án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ). Nhưng nhiều lần Trung Quốc lên tiếng cho rằng vấn đề Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, họ phản đối bất cứ phân xử nào của các tổ chức quốc tế.

Cho dù Trung Quốc không đồng ý, nhưng Việt Nam vẫn phải kiện Trung Quốc để duy trì tính liên tục trong việc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Mặc khác, hồ sơ pháp lý của Việt Nam sẽ đánh động dư luận quốc tế về tính phi nghĩa của Trung Quốc trong chính sách bành trướng của họ.

Về quần đảo Trường Sa, chính vì hiện nay quần đảo Trường Sa đang bị nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng trái phép Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei, theo tôi, trước mắt Việt Nam nên tuân thủ quan điểm giữ nguyên hiện trạng, không gây phức tạp thêm tình trạng chiếm đóng và tìm biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, trước mắt là trong nội bộ các nước ASEAN.

001_GR308262-250.jpg
Bản đồ hình lưỡi bò do TQ tự công bố
Riêng đối với Trung Quốc, với yêu sách của họ trên Biển Đông thể hiện bằng tấm bản đồ hình lưỡi bò chiếm 80% diện tích Biển Đông mà họ chính thức tuyên bố vào tháng 5/2009, trước mắt Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của Philippines là khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS. Nội dung khởi kiện là yêu cầu Tòa Trọng tài giải thích việc Trung Quốc đưa ra bản đồ đường lưỡi bò có phụ hợp với UNCLOS hay không? Chắc chắn rằng công lý không đứng về phía Trung Quốc.

Thanh Trúc: Là một nhà nghiên cứu lịch sử, ông đã rút ra được những bài học lịch sử gì khi nghiên cứu về Biển Đông?

Đinh Kim Phúc: Thứ nhất, tại Hội nghị Hòa bình San Francisco 1951, Liên Xô đã đề nghị công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại sao? Vì từ năm 1950, Hoa Kỳ bắt đầu can dự vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Liên Xô sợ Mỹ sẽ kiểm soát hai quần đảo này và khống chế Biển Đông.

Thứ hai, vì sao Hoa Kỳ làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào tháng 1/1974 từ tay Việt Nam Cộng Hòa, một đồng minh của Hoa Kỳ?

Sau Hiệp định Paris về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam 1973, Hoa Kỳ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, và họ tin rằng cách mạng Việt Nam sẽ thắng lợi, ảnh hưởng của Liên Xô sẽ không ngừng phát triển ở Đông Dương. Dùng lá bài Trung Quốc thời hậu chiến ở Đông Dương là chính sách tối ưu đối với Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Quan hệ quốc tế giữa các cường quốc bao giờ cũng là tai họa cho các nước nhỏ. Bài học cảnh giác trong lịch sử Việt Nam không bao giờ thừa!

Thanh Trúc: Thưa thạc sĩ Đinh Kim Phúc, hiện đang có dự dịnh của nhà nước và Bộ Giáo Dục Đào Tạo đưa vấn đề Hoàng Sa Trường Sa vào sách giáo khoa. Ông có muốn nói thêm điều gì nữa không?

Đinh Kim Phúc: Đã là người Việt Nam, nếu không có hành động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước thì cũng đừng nên có hành động “cõng rắn cắn gà nhà” như một số quan chức của Bộ Giáo Dục và Đào tạo trong vụ sách giáo khoa có in bản đồ đường lưỡi bò vừa qua.

Và trong thời đại ngày nay, trong thời kỳ toàn cầu hóa mà tất cả các dân tộc, các quốc gia trên thế giới đều phấn đấu để giữ vững nền hòa bình tự do của mình thì những hành động của Trung Quốc như thế đã làm cho thế giới thấy rõ bộ mặt thật của họ: miệng thì nói hòa bình, tay thì chuẩn bị chiến tranh.

Một ý khác nữa, sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian vừa qua, cũng những gì họ diễn ta trên vùng biển Hoa Đông, là những dữ liệu thức tỉnh cho những ai còn nuôi ảo tưởng về con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc. Một lần nữa cảnh giác trước chính sách bành trướng của Trung Quốc không bao giờ thừa đối với các nước láng giềng của Trung Quốc tức các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn thạc sĩ Đinh Kim Phúc.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-01-04

Nhân chứng Mỹ duy nhất kể về hải chiến Hoàng Sa

Đăng Bởi -
Trong trận hải chiến Hoàng Sa, chỉ có duy nhất một người Mỹ được tận mắt chứng kiến. Ông Gerald E.Kosh, một viên chức Hoa Kỳ đã bị bắt trong cuộc chiến và phải sống một thời gian trong nhà tù Trung Quốc. Sau cuộc chiến, ông có một bài viết chỉ ra rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị rất kĩ  cho tham vọng cướp đảo trong khi chính quyền Sài Gòn lại rất lơ là.
Trung Quốc lên kế hoạch chiếm đảo rất kĩ
Theo Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, trước khi thực hiện chuyến thăm Hoàng Sa, ông hoàn toàn không hề biết rằng có một cuộc chiến bảo vệ chủ quyền sắp diễn ra.
Sau khi trở về từ trại giam của Trung Quốc (ông Kosh bị bắt cùng các quân nhân khác của hải quân VNCH), ông đã tường thuật lại những gì mà quan sát được.
Lúc 10 giờ 30 sáng, 2 tàu đánh cá tiến vào hướng Đông và giữ lấy vị trí cách bãi đá ngầm không xa lắm.
Một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị TQ đánh chiếm trái phép
Đây là loại tàu đánh cá và có ít nhất là một chiếc mang số hiệu số 407.
Cũng theo Kosh, ông đã tận mắt thấy chiếc tàu đánh cá số 407 cố tình ép Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ4 vào vùng đá ngầm.
Lính Trung Quốc sau đó hạ bè và đưa người xuống một cách nhanh chóng. Điều này chứng tỏ họ đã được tập luyện rất kỹ càng.
Thêm vào đó, họ chèo bè rất nhịp nhàng và giữ rất đúng đội hình.
Theo ông Kosh, lực lượng tấn công của Trung Quốc tổng cộng khoảng từ 200 đến 240 người, được bố trí trên 30 bè.
Lực lượng tấn công vẫn giữ vững đội hình chặt chẽ cho đến khi hầu hết các bè đã vượt qua khỏi vùng đá ngầm.
Không có sự tổn thất nào được ghi nhận về phía Trung Quốc.
Trong khi đó, trong số 48 quân nhân VN phòng thủ đảo chỉ có 20 lính địa phương quân được là trang bị vũ khí (súng trường M16) và hoàn toàn không có sẵn vị trí hay kế hoạch phòng thủ.
Vào khoảng đầu giờ trưa, các chiến hạm Trung Quốc bắt đầu pháo kích lên đảo Hoàng Sa theo đúng như cách thức đã tấn công đảo Cam Tuyền.
Khoảng 15 phút sau, khi chấm dứt đợt tác xạ dọn đường, lính Trung Quốc đổ bộ tấn công lên đảo Hoàng Sa.
Các toán kiểm soát nội bộ hay liên lạc với nhau bằng thủ và khẩu lệnh, và họ thường dùng thủ lệnh hơn.
Kosh đã bị bắt bởi một toán 7 người và được đưa vào nhốt  chung với những tù nhân khác.
Mỹ từ chối mọi lời đề nghị
Ngoài việc từ chối đề nghị can dự, phía Mỹ còn từ chối luôn việc cứu các binh sĩ VNCH gặp nạn. Và bản báo cáo sau đó của các bên liên quan đã nói rõ điều đó.
Ngày 18.01.1974 , Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH biết rõ hàng không mẫu hạm USS Enterprise của Hạm đội 7 đang có mặt trong vùng gần Hoàng Sa.
Hàng không mẫu hạm USS Interprise từ chối mọi trợ giúp
Phó đề đốc Diệp Quang Thuỷ, tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân đã hỏi Đại Tá Kussan, tùy viên quân sự Mỹ tại Bộ Tư lệnh Hải quân rằng, phi cơ chiến đấu của Việt Nam khi đi tác chiến tại Hoàng Sa có thể hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm USS Enterprise để xin tiếp liệu được không?
Lý do mà Phó Đề đốc Thủy đưa ra là do Ðà Nẵng cách Hoàng Sa trên 150 hải lý nên phi cơ chiến đấu sẽ không đủ nhiên liệu để có thể vừa đi vừa về.
Còn nếu muốn đủ nhiên liệu để đi và về thì phải mang theo hai bình xăng, nếu điều này xảy ra thì phi cơ không thể tác chiến được .
Sau khi trao đổi với Tòa Ðại sứ Mỹ ở Sài Gòn, Đại tá Kussan đã trả lời cho Phó Đề đốc Diệp Quang Thuỷ như sau : Các chiến hạm Mỹ không thể tiếp tế cho Quân lực Việt Nam cộng hòa vì hai lý do sau đây:
Lý do thứ nhất, Hiệp Ðịnh Paris cấm Hoa Kỳ không được tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam (điều 4 ) .
Lý do thứ hai, Luật War Power Act ngày 02.09.1973 cấm Hoa Kỳ sử dụng lực lượng quân sự ở Ðông Dương.
Vì thế, các chiến hạm Hoa Kỳ không thể tiếp tế nhiên liệu cho các chiến đấu cơ VNCH được. Các chiến hạm Hoa Kỳ chỉ có thể cứu giúp quân đội Việt Nam cộng hòa khi bị các tai nạn mà thôi.
Tuy nhiên, đó phải là các tai nạn bình thường, còn các tai nạn do chiến đấu, các chiến hạm Hoa Kỳ cũng không thể cứu giúp được .
Từ những báo cáo trên cho thấy, tham vọng của phía Trung Quốc trong việc chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam được chuẩn bị khá kĩ trong khi chính quyền Sài Gòn lại quá lơ là trong công tác phòng thủ. Điều này cộng với việc đồng minh Hoa Kỳ từ chối giúp đỡ khiến cho quần đảo Hoàng Sa nhanh chóng rơi vào tay Trung Quốc.
Nguyễn Minh – Vũ Kiều (tổng hợp)

Nếu Cụ Hồ còn sống…

Bài viết hưởng ứng “Cuộc vận động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Bài viết dưới đây đã đăng cách đây mấy năm. Hôm nay đọc được tin nhân vật chính vừa bị đề nghị tước danh hiệu anh hùng vì tội khai man thành tích nên chủ blog xin đăng lại dưới đây để ăn theo dòng thời sự  
Có những chuyện mà chúng ta không bao giờ nghĩ  có thể xảy ra ở trên đời mặc dù chúng lại là sự thật 100%.

Chẳng hạn như câu chuyện dưới đây xảy ra cách đây đã hơn 4 năm mà mình mới chỉ vừa được biết qua blog Quê Choa.
Trong câu chuyện cũ này mà báo  Lao Động thời gian đó đã đăng thì nhân vật chính là 1 vị quan đầu tỉnh vừa mới được tuyên dương là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “học tập tấm gương đạo đức HCM”
Chuyện kể rằng:
“… một bữa trưa đẹp trời, “quan” lớn cùng một số “quan” nhỏ vào ăn trưa ở một nhà hàng ở ven đô. Một nữ tiếp viên trẻ, mới đến làm việc của nhà hàng, như lệ thường, đến đon đả mở bia, tiếp đá cho các “quan”. Và (có lẽ cũng như thường lệ), “quan” lớn nhất đã không cầm lòng trước nhan sắc của cô tiếp viên chỉ đáng tuổi con mình nên đã… ghì đầu cô ta lại rồi hôn đánh chụt một cái vào má, trước sự chứng kiến của quan khách có mặt trong nhà hàng hôm đó! Quá bất ngờ và cảm thấy nhục nhã bởi hành vi của vị “quan” đáng kính mà lâu nay cô chỉ thỉnh thoảng được thấy mặt và nghe nói toàn lời hay, ý đẹp trên ti-vi, cô tiếp viên đã đáp trả ngay lập tức bằng một cái tát như trời giáng vào mặt “quan”!
Cát tát làm cả nhà hàng “chết lặng” như… sóng thần xuất hiện!
Chuyện đến đây chưa hẳn đã có đoạn kết tệ hại, nếu  “quan” hành xử như một người có văn hoá (lỡ có tí bia rượu), chẳng hạn nói một lời xin lỗi. Đàng này, sau một lúc bỏ đi vào nhà vệ sinh, “quan” quay trở ra, mặt hầm hầm chỉ tay, lớn tiếng: “Đuổi, đuổi ngay cô tiếp viên không biết làm việc kia!”. Tất nhiên chủ quán thanh toán tiền công và cho cô nghỉ việc ngay sau đó. Chưa hết, “quan” còn doạ sẽ cho đóng cửa, không chỉ nhà hàng này mà còn cả… các nhà hàng bên cạnh! …”
 
Chắc nhiều người sẽ đoán ra ngay nhân vật chính trong câu chuyện này chính là vị quan đầu tỉnh của đất Cố Đô
Đã có những nhận xét khá nặng nề về hành vi và thái độ của ông “đầy tớ” lớn nọ.
Riêng mình cứ muốn nghĩ rằng có thể ông bí thư ấy thành thực coi cô bé ấy như con cháu và nghĩ rằng ở Huế thì ai mà chẳng biết ông, nên nếu ông có ôm (mà báo Lao Động bảo là “ghì”) lấy đầu cô bé ấy mà dịu dàng hôn lên má (mà báo Lao Động tả là “đánh chụt 1 cái”) thì cũng chỉ là 1 cách thể hiện tình cảm như bậc cha chú đối với con cháu trong nhà. Chuyện các lãnh tụ cách mạng trong nước và thế giới ôm hôn các cháu thiến niên nhi đồng đâu phải là lạ!
Nhưng có lẽ cô bé ấy chưa bao giờ được người lạ “âu yếm” như thế, có thể lại chưa biết ông bí thư là ai, mà lại trong 1 tình huống bất ngờ, nên mới phản ứng mạnh theo bản năng tự vệ như vậy.
Mình muốn nghĩ như thế cho nó lành.
Nhưng giá mà ông bí thư lúc ấy chỉ cười xòa rồi nói rằng cái con này ghê thật, dám đánh cả bác, bác coi mày như con gái bác mà sao mày làm dữ thế, thôi cho bác xin nhé… như là 1 cách chữa “quê” thì chắc cũng chỉ hơi “quê” 1 tí rồi thôi.
Vì thế mình thấy hành động đáng tiếc nhất của ông bí thư là nổi nóng quát nạt rồi ra lệnh cho nhà hàng đuổi cô bé. Cách cư xử như thế không đàng hoàng và không xứng tầm là một viên chức chính trị, chưa nói là 1 nhà lãnh đạo, đó là chưa kể thái độ đe dọa đóng cửa các nhà hàng đang hoạt động kinh doanh hợp pháp của ông bí thư là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, là lạm dụng chức vụ mà hậu quả nghiêm trọng của nó là làm giảm uy tín của tổ chức mà ông là người đại diện.
Các nhà lãnh đạo chính quyền, các chính khách nói chung, nếu không phải là người quân tử thì cũng cần phải biết… giả vờ là người quân tử trong những tình huống như thế.
Có lẽ trước khi phải qua các lớp chính trị trung cao cấp như quy định hiện hành của nước ta, các nhà lãnh đạo của chúng ta cũng nên được tập huấn về những cách ứng xử tối thiểu của một chính khách nơi công cộng. Những ví dụ đáng được đưa vào những bài giảng như thế không thiếu, chẳng hạn như cách xử thế của Giáo Hoàng khi bị 1 người đàn bà xô ngã, của Thủ tướng Ý khi bị một người đàn ông đấm gãy răng, của Tổng thống Mỹ khi bị 1 phóng viên ở Iraq ném giày vào mặt, hay của Ngoại trưởng Bỉ khi bị tiếp viên hàng không Việt Nam “đuổi” xuống ngồi ghế hạng thường trong khi ông đã mua vé hạng thương gia trên chuyến bay HN-HCM năm nào…
Đằng này khó mà có thể nói rằng cô bé người Huế nọ tại cái nhà hàng hôm ấy là người có lỗi!
Mình vẫn còn nhớ câu chuyện hồi còn ở Pắc Bó, Cụ Hồ đã cho người sỹ quan cận vệ gần gũi của mình 1 cái bạt tai về tội ông này đã hống hách và đánh dân. Câu chuyện này đã được chính người sỹ quan cận vệ đó – chính là tướng  Phùng  Thế Tài-  kể lại trong hồi ký của mình như là 1 bài học đáng nhớ trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.
Vì thế mà mình đoán nếu Cụ Hồ còn sống, chắc Cụ sẽ cho ông bí thư này vài cái tát nữa, giống như Cụ đã từng tát tướng Tài năm xưa vì tội hách dịch với dân.
Và biết đâu nếu  Cụ Hồ còn sống, Cụ đã chẳng trao tặng huy hiệu mang tên Cụ cho cô bé người  Huế nọ đã dũng cảm dạy cho ông “đầy tớ” dân kia 1 bài học cần thiết, như Cụ đã từng trao những huy hiệu như thế cho những tấm gương “Người tốt, Việc tốt” những năm tháng đã xa…

Hà Hiển
(Blog Hà Hiển)

Trung Quốc dùng Binh pháp Tôn Tử để chinh phục châu Âu

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường - Reuters
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường - Reuters

Thanh Phương
Trung Quốc tấn công vùng Trung Âu, đó là tựa đề bài phân tích của thông tín viên tờ Le Monde tại Bucarest trong số báo đề ngày hôm nay, 04/01/2014. Mở đầu bài báo, tác giả nhắc lại rằng cách đây 2500 năm, Tôn Tử, tác giả cuốn Tôn Tử Binh pháp nổi tiếng, đã từng viết : "Chiến lược thắng lợi trọn vẹn là không cần đánh mà khuất phục được kẻ địch".

Theo thông tín viên tờ Le Monde, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dường như đã học được bài học đó. Lên nắm quyền từ tháng 03/2013, ông đã đến Bucarest vào tháng 11 năm ngoái để dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Đông Âu lần thứ 3. Tháp tùng ông là một phái đoàn hùng hậu gồm khoảng 200 chủ công ty Trung Quốc.
Sau khi đã đổ vào châu Phi hàng tỷ đôla, nay Trung Quốc vung tiền sang Trung Đông Âu. Tại thượng đỉnh Bucarest, ông Lý Khắc Cường đã loan báo Bắc Kinh sẵn sàng cấp 10 tỷ euro tín dụng cho các nước Đông Âu. Rumani, quốc gia đã đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2013, hy vọng sẽ nhận được hơn phân nửa khoản tín dụng đó. Bộ trưởng Giao thông Rumani cho biết các nguồn tài trợ của châu Âu không đủ cho các dự án cơ sở hạ tầng, cho nên nước này phải tìm thêm các nguồn tín dụng khác.
Nhưng theo thông tín viên tờ Le Monde, khi chinh phục Trung Đông Âu, Trung Quốc muốn nhắm đến mục tiêu xa hơn, đó là thâm nhập các thị trường của Liên hiệp châu Âu. Trung Quốc muốn lợi dụng thế yếu của Liên hiệp châu Âu để tiến về phía Tây.
Cuộc họp thượng đỉnh ở Bucarest là nằm trong kế sách « chia để trị ». Trong một châu Âu có hai vận tốc, với một bên các nước Cộng sản cũ thuộc khối Đông Âu nghèo và các nước Tây Âu giàu có, Trung Quốc đã tìm thấy một mảnh đất mầu mỡ để đầu tư hàng tỷ euro và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn.
Cũng theo thông tín viên tờ Le Monde, thế hệ trẻ ở Đông Âu nay rất thất vọng trước một châu Âu già cỗi đang bị quyến rũ bởi những luận điệu bài ngoại. Trung Quốc đã hiểu điều đó và ông Lý Khắc Cường nay muốn « không cần đánh mà vẫn khuất phục được kẻ địch ».
Ngày tàn của Chu Vĩnh Khang
Cũng về Trung Quốc, tờ Le Monde hôm nay quan tâm đến sự thất sủng của Chu Vĩnh Khang, nhân vật mà cho đến tháng 11/2012 còn là một trong 9 ủy viên ban thường vụ Bộ Chính trị, tức là những nhân vật lãnh đạo cao nhất trong chế độ Bắc Kinh.
Le Monde nhắc lại thông tin của Tân Hoa Xã ngày 02/01 loan báo vụ bắt giữ ông Lý Sùng Hy, một nhân vật thân cận với cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc.
Cho tới nay, theo thông lệ, trong các vụ thanh toán chính trị tại Trung Quốc, không bao giờ các uỷ viên ban thường vụ Bộ Chính trị bị cáo buộc công khai. Nhưng chủ tịch Tập Cận Bình đã cho thấy là ông không ngần ngại làm theo cách của ông. Trong cuộc chiến chống tham nhũng nhằm phục hồi uy tín của Đảng cũng như nhằm củng cố quyền lực cá nhân, họ Tập đã hứa là không chừa một ai, từ hàng « ruồi muỗi » cho đến « cọp beo ».
Theo nhận định của Le Monde, đánh vào Chu Vĩnh Khang là một cách để Tập Cận Bình thanh toán di sản của thế hệ lãnh đạo cũ, thế hệ của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo. Đó là thời kỳ mà mặc dù chính quyền vẫn rêu rao quyết tâm chống tham nhũng và xây dựng một xã hội hài hòa, nhưng giới lãnh đạo vẫn bất lực và xung đột xã hội ngày càng trầm trọng.
Cam Bốt : Bất mãn xã hội ngày càng lớn 

Vụ đàn áp biểu tình đẫm máu tại Cam Bốt ngày 03/01 cũng thu hút sự chú ý của các nhật báo Pháp hôm nay, qua hàng tựa của Le Figaro : « Tại Cam Bốt, công nhân dệt may thách thức chính quyền ».
Tờ báo cho biết, theo các nhà quan sát, nỗi bất mãn của người dân Cam Bốt với Hun Sen ngày càng tăng. Những vụ vi phạm nhân quyền, nạn tham nhũng và vơ vét tài nguyên (đất, gỗ, khoáng sản, dầu khí) thường xuyên được nêu lên, nhưng chẳng làm cộng đồng quốc tế quan tâm.
Tờ báo Aujourd’hui en France thì báo động là bùng nổ xã hội từ các nhà máy dệt may có nguy cơ lan rộng ra toàn Cam Bốt, một đất nước vừa nghèo vừa tham nhũng thối nát, dưới sự lãnh đạo của Hun Sen cầm quyền suốt từ năm 1985 đến nay.
Vụ hành hung phóng viên độc lập Ukraina
Về thời sự châu Âu, tờ Libération hôm nay trở lại sự kiện một nữ phóng viên đối lập Ukraina, Tetiana Tchornovol, bị hành hung dã man trong đêm Noel vừa qua. Các nhà hoạt động nghĩ rằng đây là một hành động trả đũa từ phía chính quyền Kiev.
Tờ báo nhắc lại là trước ngày bị hành hung, Tetiana vừa đăng trên trang blog của cô nhiều bức ảnh chụp dinh thự nguy nga của bộ trưởng Quốc phòng Urkaina với hàng tựa « Đây là nơi một tên đồ tễ đang sống ».
Vụ tấn công nhà báo nói trên đã gây chấn động dư luận Ukraina, vào lúc mà phong trào biểu tình chống chính phủ bước vào tuần thứ sáu. Từng ra ứng cử nhưng đã thất cử trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 10 năm ngoái, Tetiana còn tham gia rất tích cực vào phong trào biểu tình và đã vài lần trực tiếp xung đột với cảnh sát. Nhà báo độc lập Nataliya Goumenyouk lo ngại là sẽ có nhiều phóng viên điều tra khác bị tấn công như Tetiana.
Nhân dịp này, Libération đăng bài phỏng vấn cựu tổng thống Viktor Iouchtchenko. Cựu lãnh đạo Ukraina cho rằng những người biểu tình hiện đang đấu tranh cho một định hướng chính trị mới, đó là con đường hội nhập châu Âu.
Theo ông Iouchtchenko, Ukraina chỉ có hai con đường : xích gần lại châu Âu, tức là con đường hiện đại hóa, đối lại với con đường thân Nga. Ông cảnh báo rằng, nếu không có sự yểm trợ của châu Âu, Urkaina sẽ khó mà cưỡng lại sức hút của nước Nga, mà theo nước Nga thì « chẳng khác gì đi vào nhà tù ».
Trang nhất các báo Pháp
Các nhật báo Pháp hôm nay đưa tựa lớn trên trang nhất về những đề tài rất khác nhau. Tờ Le Monde báo động về việc « Quân đội Pháp kẹt giữa gọng kềm ở Bangui ( thủ đô Trung Phi ) ». Tờ Le Figaro chú trọng đến hiện trạng « Châu Âu bất lực trước làm sóng nhập cư trái phép ». Nhật báo Công giáo la Croix thì quy trở lại Thế chiến thứ nhâấ 1914, nhân dịp kỷ niệm 100 năm khởi đầu cuộc chiến tàn khốc này.
Báo Libération thì đăng lời kêu gọi của nhà sử học Pierre Rosanvallon mời người dân Pháp kể chuyện đời thường trên giấy hoặc trên mạng, để có thể hiểu được xã hội Pháp hiện nay. Nhật báo bình dân Aujourd’hui en France loan tin ngay trên trang nhất là tại Paris sắp có một khách sạn dành riêng cho... mèo và các dịch vụ chăm sóc loài thú này đang mọc lên như nấm.
Khách sạn dành cho các chú .... mèo
Ai cũng biết rằng dân Pháp rất cưng chó mèo, sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để chăm sóc những con thú cưng này, thậm chí mướn khách sạn cho chúng. Theo tờ Aujourd’hui en France, một khách sạn dành riêng cho mèo sắp mở cửa tại Paris.
Tờ báo cho biết giá phòng của khách sạn mang tên Aristide là 25 euro một đêm, 50 euro cho cuối tuần và 150 euro cho cả tuần. Mỗi « phòng » rộng khoảng 4 thước vuông để các chú mèo có thể vui chơi thoải mái. Khách sạn có thể đón tiếp cùng lúc 25 vị khách bốn chân. Chưa gì đã có 150 khách giữ chỗ trước.
Từ tháng 10 năm ngoái tại Pháp cũng đã có một trang web mang tên Bibulun, nay quy tụ đến 2000 thành viên, gồm những người sẵn sàng giữ giùm chó mèo cho những người khác với tiền công.
Nhưng theo tờ Aujourd’hui en France, vào thời điểm khủng hoảng như hiện nay, những dịch vụ nói trên gây bất bình cho nhiều người vì đang có biết bao người đang cần trợ giúp. Tại thủ đô Berlin của Đức, hiện cũng đã có một cửa hàng thức ăn dành riêng cho chó mèo và báo chí Đức cũng đã đồng thanh phản đối.
Con vua vẫn làm vua ... người giàu lại giàu thêm  
Sẵn nói về chuyện giàu nghèo, cũng xin điểm qua một bài trên tờ Libération hôm nay, theo đó, trong năm 2013, 300 người giàu nhất thế giới lại còn giàu thêm, với lợi nhuận tổng cộng 524 tỷ đôla.
Như vậy là kể từ nay họ nắm giữ tổng cộng 3.700 tỷ đôla, tức là gần gấp một rưỡi GDP của nước Pháp hay gấp 1000 lần GDP của Burkina Faso. Chỉ với món tiền 524 tỷ đôla là đủ để giúp 1,2 tỷ người trên thế giới thoát ra khỏi tình trạng nghèo khó cùng cực.
Trong số 200 tỷ phú giàu nhất toàn cầu, nhiều nhất là Mỹ với 66 người. Trong số này chỉ có 9 người Pháp. Còn số nhà tỷ phú Trung Quốc (16) cao gấp đôi so với Ấn Độ (8).
Cũng theo Libération, xu hướng đã giàu lại còn giàu thêm sẽ tiếp diễn trong năm nay, bởi vì các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục cho vay tiền gần như miễn phí. Do các lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp, các thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng điểm và kinh tế sẽ tăng ít nhất là 2%.
Phần điểm báo hôm nay xin kết thúc bằng một tin vui cho những người đầu hói. Theo tờ Le Figaro, các nhà nghiên cứu Anh và Mỹ vừa lập được một kỳ công, đó là nuôi lớn trong phòng thí nghiệm những nhóm nhỏ tế bào có thể sản sinh ra những sợi tóc. Tiến bộ khoa học này mang lại hy vọng là một ngày nào đó chúng ta có thể tái tạo cả một mái tóc bồng bềnh từ một vài chân tóc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét