Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Ngày 26/1/2014 - Hiểu nhầm TPP - Tập đoàn cả năm kêu khó, tết lãi lớn chia tiền - Không kiểm soát được TQ mượn danh người Việt khai khoáng

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI


Tập đoàn cả năm kêu khó, tết lãi lớn chia tiền


Sau một năm ròng rã kêu khó, xin giảm thuế, tăng giá, những ngày cuối năm Quý Tỵ, “bỗng” nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước báo lãi to và tính chuyện chia thưởng lớn.
Lãi lớn nhờ giá tăng
Lần đầu tiên, các ngành hàng thuộc diện “nhạy cảm, chiến lược, còn do Nhà nước điều tiết” là xăng dầu, điện và than đều đồng loạt báo lãi.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mặc dù lượng điện thương phẩm cả năm 2013 của EVN chỉ tăng 9,1% so với năm trước, nhưng tổng doanh thu đã tăng tới 19,85% so với năm 2012, nghĩa là gần gấp đôi tốc độ tăng sản lượng.
Năm thứ 2 liên tiếp, EVN có lãi với con số ước còn khiêm tốn là 120 tỷ đồng. Trước đó, Năm 2012, lợi nhuận của EVN công bố là hơn 4.000 tỷ đồng.
Cũng như ngành điện, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng báo lãi khủng.
Năm 2013, tổng doanh thu của Petrolimex đạt hơn 196 nghìn tỷ, giảm 2% so với năm 2012 nhưng tổng lợi nhuận trước thuế của Petrolimex đạt 1.929 tỷ đồng, tăng tới 97%.
Trong đó, xăng dầu đã lội ngược dòng, chuyển từ lỗ 126 tỷ đồng năm 2012 thành lãi trước thuế 768 tỷ đồng. Như vậy, riêng lãi xăng dầu đã chiếm 39% tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn này.
Nếu tính lợi nhuận sau thuế, con số toàn Tập đoàn là 1.533 tỷ đồng, tăng tới 99% so với năm trước.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc petrolimex hồ hởi chia sẻ, tỷ suất lợi nhuận đạt 10%. Trung bình mỗi lít xăng dầu, Petrolimex lãi khoảng 96 đồng.
Tập đoàn Than – Khoáng sản (Vinacomin) cũng thắng to, khi mới đây công bố, lợi nhuận đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 20% so với kế hoạch và cũng tăng 20% so với năm 2012.
Trong số lợi nhuận trên, Vinacomin cũng gặt hái 200 tỷ đồng lợi nhuận kinh doanh điện. Nhờ tăng giá than cho điện ngang với giá thành nên Tập đoàn này không còn lo phải bù lỗ giá than cho điện nữa.
Đáng chú ý, lương trung bình của ngành than cũng đã tăng lên đáng kể, đạt mức 7,76 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,5% so với năm 2012. Trong đó, khu vực sản xuất than, lương trung bình đạt 8,1 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài 3 ông lớn trên, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cũng cho biết, kết quả kinh doanh đạt khá, lợi nhuận và tiền lương đều tăng như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tổng công ty khí Việt Nam…
Dựa hơi chính sách?
Một năm được cho là cực kỳ khó khăn thì hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty thuộc các ngành đặc biệt vẫn kinh doanh lãi tốt, đó hẳn nhiên là tín hiệu tích cực đáng mừng. Bức tranh trên gần như đối lập với gam màu ảm đạm với lỗ, nợ… trong các báo cáo chung về tình hình DNNN của Bộ Tài chính.
Thế nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, lãi của những đại gia trên có được là do tài năng quản trị, điều hành doanh nghiệp hay do hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước lại là hai vấn đề khác nhau.
Có thể thấy, điểm chung của ba ngành điện, than, xăng dầu là lãi hầu như nhờ vào việc tăng giá do Nhà nước điều tiết.
Cụ thể, năm vừa qua, giá điện đã tăng tiếp 5% từ 1/8/2013. Giá bán điện bình quân thực tế của EVN đạt 1.498,8 đồng/kWh, tăng tới 134,5 đồng/kWh so với năm 2012. Tương lai đến năm 2015, EVN vẫn còn dư địa cho giá điện được tăng theo thị trường lên tới 22% theo Quyết định của Thủ tướng trong khi đó, công suất hệ thống điện lại đang thuận lợi, dư thừa.
Đây cũng là năm mà mặt hàng xăng dầu đã có tới 11 lần điều chỉnh giá, 4 lần thay đổi thuế và 12 lần điều chỉnh việc trích xả Quỹ bình ổn. Và trong đó, mức độ tăng giá vẫn luôn lớn hơn mức độ giảm giá.
Giá xăng bán lẻ hiện nay đang ở mức 24.210 đồng/lít, tăng 4% so với giá tại thời điểm tháng 12/2012. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá thành phẩm xăng dầu bình quân thực chất là giảm từ 3-4% so với bình quân năm 2012. Chi phí kinh doanh định mức được tăng thêm 260 đồng/lít, từ 600 đồng/lít lên 860 đồng/lít.
Với ngành than, Vinacomin đã miệt mài xin giảm thuế xuất khẩu và các ưu đãi cho 2 dự án bauxite. Kết quả là thuế xuất khẩu than giảm từ 13% xuống 10%.
Điều đáng nói là hầu như các quyết định tăng giá, giảm thuế này đều bắt nguồn từ việc các Tập đoàn đề xuất lên, kêu khó, nguy cơ lỗ lớn. Chính sự tiền hậu bất nhất trong các đánh giá kết quả kinh doanh đã khiến người tiêu dùng luôn băn khoăn về tính minh bạch của các ông lớn, đặc biệt là khi còn nắm vị trí thống lĩnh thị trường, hoặc còn độc quyền.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, trong nền kinh tế, “ông tiêu dùng” và “ông sản xuất” luôn luôn mâu thuẫn với nhau. Mặc dù, về nguyên tắc, hai bên phải dựa vào nhau mà sống. Hai “ông” này suốt đời cãi nhau, như thế mới phát triển.
TS Thiên cho rằng, giá cả mà hỏng thì sẽ có bên lợi, bên thiệt. Việc định giá như thế nào, ai chịu trách nhiệm thế nào thì phải làm rõ. Nhưng rõ ràng, chừng nào giá cả còn chưa thị trường, do Nhà nước quy định thì sẽ còn có chuyện ông sản xuất lén lút đưa vào giá những chi phí không đúng, như vụ EVN vừa rồi bị nghi ngờ tính cả sân gofl, tennis vào giá điện”.
Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị tổng kết của EVN cũng đánh giá, với tỷ suất chỉ 1-2%, EVN sẽ không thể… làm được gì, không thể vay ngân hàng được. “Nếu EVN vận hành trong tình trạng lỗ ổn định, lỗ kế hoạch thì tất cả chuẩn mực đều bị giảm. Nó sói mòn chất lượng công tác quản lý và sản xuất kinh doanh”.
Cùng đó, tại hội nghị tổng kết ngành công thương, giá điện, xăng dầu, than luôn được Thủ tướng nhấn mạnh phải minh bạch và nhất quán kiên quyết theo thị trường.
Những thông điệp này chắc chắn báo hiệu một mặt bằng giá cả mới theo thị trường sẽ được hình thành trong năm 2014. Kéo theo đó, những tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên sẽ không có lý do gì để kêu lỗ. Nhưng câu hỏi về tính minh bạch và một cấu trúc cạnh tranh thực sự, điều kiện để tiến tới hình thành thị trường cạnh tranh thì vẫn còn bỏ ngỏ.
THEO CAFEF

Hiểu nhầm TPP

Không biết từ đâu ra, đã tồn tại một hiểu nhầm dai dẳng về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) rằng TPP là món quà Mỹ và các nước phát triển trao cho Việt Nam và các nước đang phát triển cho nên họ có quyền dùng nó để mặc cả một số đổi chác nào đó (!).
Đúng là trong phân công lao động theo kiểu toàn cầu hóa thì Việt Nam không có nhiều lợi thế bằng Mỹ khi so sánh cơ hội và phải cạnh tranh với nhiều nước khác để có thể xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ. Cho nên nếu tham gia TPP (cũng như trước đó ký BTA) thì đỡ phải cạnh tranh với các nước không tham gia như Bangladesh trong lãnh vực may mặc.
Nhưng điều đó không làm giảm nguyên tắc quan trọng đầu tiên của các hiệp định thương mại tự do: đàm phán trên tư cách bình đẳng, hai bên cùng có lợi chứ không hề có chuyện bên nào “ban ơn” cho bên nào. Vì thế trên bàn đàm phán, đưa vấn đề nào nào ra để thương thảo, chọn vấn đề nào để nhượng bộ, vấn đề nào đẩy tới là một sự cân nhắc toàn diện. Có thể ở phía Mỹ, sự cân nhắc đó chịu tác động từ các hoạt động vận động hành lang của các tập đoàn, các hiệp hội doanh nghiệp, từ Quốc hội Mỹ với những lợi ích khác nhau, từ những nhóm lợi ích mà mỗi nơi có một “chương trình nghị sự” hoàn toàn riêng biệt. Chẳng lạ gì khi đôi lúc chúng ta thấy một nghị sĩ đòi đưa chuyện này chuyện kia vào nội dung đàm phán như một đòn bẩy, như một cân nhắc. Vấn đề là không thể xem “chuyện này, chuyện kia” là “cây gậy” hay “củ cà rốt” vì bản chất chúng không phải là sự trừng phạt hay ban ơn như đã nói ở trên.
Đừng xem chuyện họ đòi môi trường làm việc tốt hơn cho công nhân Việt Nam như một cách mặc cả việc họ mở cửa rộng hơn thị trường nhập khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Không phải, hoàn toàn không phải vì họ lo cho quyền lợi của công nhân Việt Nam! Đó chỉ vì họ muốn đặt ra những điều kiện mang tính gây khó để công nhân Mỹ không phải cạnh tranh mà không có lợi thế gì so với công nhân nước khác. Doanh nghiệp Mỹ tốn tiền lo cho công nhân nước họ như thế nào (vì luật bắt phải như thế) thì họ cũng đòi doanh nghiệp Việt Nam phải tốn kém tương đương (phải đổi luật lệ để mới ép được).
Chỉ khi các đòi hỏi đó đến từ các tập đoàn, chúng ta mới thấy vấn đề rõ hơn: ví dụ, các tập đoàn thuốc lá ráo riết vận động để Mỹ đưa vào điều khoản cấm các nước đặt ra những rào cản kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm độc hại như thuốc lá nhưng dưới danh nghĩa tự do kinh doanh. Tiếng nói của họ lại được sự tư vấn của đội ngũ truyền thông lành nghề nên khi nào nghe cũng hay ho.
Về phía Việt Nam, bởi chúng ta có ít đòn bẩy để mặc cả hơn nên càng rất cần cân nhắc cái quá trình “chọn vấn đề nào để nhượng bộ, vấn đề nào đẩy tới “. Đừng để chúng ta phải ép chuyện không đáng, chuyện mang tính hình thức rồi phải mặc cả chuyện liên quan đến sinh kế của hàng triệu nông dân hay mức sống của hàng triệu công nhân. Lấy ví dụ chuyện môi trường. Trong khi ai cũng thấy Mỹ không mặn mà gì lắm với các hiệp ước bảo vệ môi trường như Hiệp ước Kyoto thế nhưng các bên vận động hành lang từ phía Mỹ đều muốn đưa những điều khoản ràng buộc về môi trường vào TPP, không phải vì họ muốn bảo vệ môi trường của nước sở tại mà chỉ vì muốn nước sở tại cũng tốn kém cho môi trường như họ vậy.
Cho nên quá trình mặc cả có thể dẫn đến kết quả cả hai bên bỏ quên chuyện môi trường vì lợi ích của giới doanh nghiệp mà có hại đến môi trường sinh sống của cư dân nói chung. Đó mới chính là những điểm nhạy cảm cần lên tiếng.
BLOG SAIGONTIMES

Hiện Tượng FDI Đổ Vào Việt Nam

Tại sao các tập đoàn như Intel, Samsung lại quay sang Việt Nam, NTNN đã đi tìm câu trả lời trong cuộc phỏng vấn tiến sĩ Alan Phan.
LTS: Năm 2010, Tập đoàn Intel của Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử lớn nhất của họ ở Việt Nam với trị giá 1 tỷ USD. Ba năm sau đó, nhiều công ty khác đã nối đuôi Intel, đáng kể nhất là Tập đoàn Hàn Quốc Samsung, đang xây dựng nhà máy thứ 3 ở tỉnh Thái Nguyên. Tại sao các tập đoàn này lại quay sang Việt Nam, NTNN đã đi tìm câu trả lời trong cuộc phỏng vấn tiến sĩ Alan Phan.
Thưa tiến sĩ, trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến của hiện tượng tái di dời sản xuất. Nhiều tập đoàn đa quốc gia như Intel, Nokia, Samsung đã rút vốn từ Trung Quốc để chuyển sang đầu tư tại Việt Nam. Xin tiến sĩ cho biết nguyên nhân nào đã tạo nên trào lưu này?
- Có rất nhiều nguyên nhân để tạo ra trào lưu này tùy vào phán xét của các tập đoàn đa quốc gia. Như các doanh nhân Hàn Quốc và Nhật Bản, hiện họ cũng xem xét trong mối tương quan chung giữa quan hệ chính trị, kinh tế của nước họ với Trung Quốc để quyết định có tiếp tục đầu tư ở thị trường Trung Quốc nữa hay không. Ngoài ra, giá cả sản xuất ở Trung Quốc bắt đầu lên cao, lạm phát cũng bước vào thời kỳ cao và lương ở Trung Quốc cũng bắt đầu tăng lên… là những nguyên nhân khiến Trung Quốc không còn hấp dẫn như trước.
Trước đây, những tập đoàn đa quốc gia này đã từng kỳ vọng ở các thị trường mới như Lào, Myanmar, song thủ tục đầu tư không mấy thuận lợi. Họ nhìn thấy ở Việt Nam có những triển vọng phát triển hơn nên đã đầu tư sang Việt Nam.
Nhưng nguyên nhân lớn nhất là Việt Nam đang có chính sách khuyến mại để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bù vào phần suy thoái kinh tế. Nhà nước mình rộng rãi về phúc lợi cho các công ty FDI, chẳng hạn như Samsung, lợi nhuận của họ có thể đạt được 6 tỷ USD theo phép tính, nhưng đóng thuế của họ chỉ mất 50 triệu USD. Phải nói rằng, Samsung khó mà tìm được nơi nào mà tiền họ thu về cao mà đóng thuế lại thấp như ở Việt Nam.
Ngoài ra, rất quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài họ nhìn thấy được tiềm năng ở thị trường Việt Nam.
Yếu tố Việt Nam có lao động nhân công giá rẻ và tay nghề cao không được tính vào chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia này hay sao, thưa ông?
- Thực tế không có chuyện đó đâu! Trong vấn đề lao động thì tiền nào của nấy. Nếu họ muốn có tay nghề cao thì phải mất thời gian huấn luyện cho nhân công Việt Nam, chứ tay nghề của lao động Việt Nam chưa phải là cao so với mặt bằng của các nước trong khu vực. Làm trong nghề tôi biết, chi phí cho nhân công không chiếm nhiều trong chi phí sản xuất của các doanh nghiệp nên nhân công giá rẻ không phải là yếu tố quan trọng. Quan trọng là vấn đề thị trường, thuế quan ưu đãi.
Một lý do nữa là địa thế của Việt Nam: Mặt hướng ra biển rất dài với nhiều hải cảng trang bị khá tốt, rất thuận lợi cho xuất khẩu. Bất cứ chiến lược đầu tư nào của các công ty đa quốc gia, thậm chí có những công ty đầu tư chỉ có vốn 80 triệu USD thôi, nhưng tài liệu phân tích thị trường của họ cũng lên đến mấy trăm trang. Nên việc các tập đoàn đa quốc gia này đã quay sang đầu tư vào Việt Nam, cũng phải hiểu rằng, họ đã phân tích thị trường Việt Nam đến mọi ngóc ngách.
Trở lại câu chuyện của Tập đoàn Sam Sung, họ đã tuyên bố tháng 3.2014, Samsung sẽ khai trương nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên thế giới tại tỉnh Thái Nguyên, liệu đây có phải là kế hoạch để biến Việt Nam thành một người khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại di động như truyền thông nước ngoài dự báo hay không, thưa tiến sĩ?
- Người khổng lồ ở đây là Samsung chứ không phải Việt Nam. Bởi thực tế, chúng ta chỉ là gia công, còn công nghệ và thương hiệu sản phẩm vẫn là của Samsung. Khi sản phẩm của Samsung trở nên nổi tiếng thì sản phẩm sản xuất ở Việt Nam cũng sẽ có một hiệu ứng nhỏ, nhưng bản chất vẫn là họ thu tiền về, chứ chúng ta không thu tiền từ những sản phẩm này. Có chăng, từ việc thành công của Samsung, sẽ có các nhà suất điện thoại khác sẽ tìm đến với Việt Nam để hợp tác làm ăn.
Theo tiến sĩ, liệu có hệ lụy nào đối với Việt Nam khi có sự đầu tư ồ ạt như vậy?
Và trái với những gì đã xảy ra trong khoảng 10 hay 15 năm trước đây, các tập đoàn đa quốc gia không chỉ thuộc các lĩnh vực lao động chi phí thấp, như dệt may và giày dép, mà còn thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các lĩnh vực điện tử và công nghệ thông tin.
- Hệ lụy lớn nhất là khi FDI thống trị nền kinh tế thì kinh tế của chúng ta sẽ phụ thuộc vào nước ngoài và mình mất quyền chủ đạo. Nói như vậy cũng có nghĩa, những chính sách của chúng ta phải luôn tạo ra ưu ái cho họ, nếu làm “phật ý” thì họ lại rời bỏ chúng ta, chúng ta sẽ bị chới với ngay. Điều này phần nào cũng sẽ mâu thuẫn với chính sách của Chính phủ là Nhà nước chỉ đạo nền kinh tế. Thêm nữa, nếu các doanh nghiệp ngoại ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, trong lúc các doanh nghiệp nội chưa đủ sức chống chọi sẽ ngày càng tăng áp lực đè nặng lên doanh nghiệp nội.
Tuy vậy, cái lợi cũng rất nhiều. FDI sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân, bất động sản sẽ tăng giá, người dân sẽ có tiền, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam mua nhà…
Dự kiến cuối năm nay, Hiệp định Tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ở Mỹ, Úc, New Zealand sẽ tìm đến đầu tư ở Việt Nam. Nhưng cú hích mạnh nhất là từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…với chủ trương đón đầu các lợi điểm về thuế quan do TPP mang lại. Riêng Trung Quốc, có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ núp bóng qua các thoả hiệp ngầm với những công ty nội. Ngoài con số chánh thức không ấn tượng, nhiều chuyên gia nghĩ rằng hiện nay, Trung Quốc là nhà đầu tư ngoại lớn nhất của Việt Nam.
Mọi người đang nói đến “sân chơi” TPP với rất nhiều sự dè dặt. Theo tiến sĩ, liệu có phản ứng phụ nào sau “liều thuốc TPP” này hay không?
- Tất nhiên sẽ không có cái gì là 100% có lợi và 100% có hại. Nói về TPP, mọi cuộc đàm phán đang diễn ra và tất nhiên những thương lượng thiệt hơn cũng đã đề cập đến trong quá trình đàm phán. Theo đánh giá của cá nhân tôi, vài năm sau khi có TPP, sẽ có vài “phản ứng phụ”. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tính cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Có những sản phẩm của Việt Nam sẽ đi ra nước ngoài dễ dàng hơn, nhưng cũng có những loại nông sản thế mạnh của nước ngoài tràn vào Việt Nam và cạnh tranh với hàng nội, sức ép này sẽ đè nặng lên nông dân, nếu họ không nâng cao tính cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, sẽ có những mặt hàng được lợi như may mặc, giầy dép…
Với TPP, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dạy cho doanh nghiệp Việt Nam cách thức cạnh tranh, đào tạo được kỹ năng làm việc, có nhiều cơ hội giao lưu với thế giới bên ngoài. Nhưng vấn đề chính ở đây là ký TPP là để tránh suy thoái.
Xin cảm ơn ông!
THEO GÓC NHÌN ALAN

Không kiểm soát được TQ mượn danh người Việt khai khoáng


Không khẳng định có chuyện bán giấy phép khai khoáng cho doanh nghiệp TQ, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, khoáng sản (Bộ TNMT) cho biết: “việc doanh nghiệp TQ mượn danh người Việt Nam đứng tên rồi đầu tư tiền điều hành khai khoáng thì pháp luật không thể kiểm soát được”.
PV: – Báo chí có dẫn lời ông tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp liên quan tới cấp phép khai thác khoảng sản tổ chức ở Đà Nẵng cho biết: “nhiều doanh nghiệp TQ gần như đứng sau khai thác khoáng sản của VN”, xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thuấn: – Tại Hội nghị đối thoại DN liên quan tới nghị định 203 của Thủ tướng về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nhằm ngăn chặn việc cấp phép khai khoáng tràn lan, đảm bảo khai thác hiệu quả, tiết kiệm hơn.
Tôi có nêu ví dụ, năm 2010, theo thống kê cho thấy cả nước có đến 5.000 giấy phép khai khoáng được cấp cho hơn 2.000 doanh nghiệp, thì có tới 60% doanh nghiệp có dấu hiệu liên quan với các doanh nghiệp của TQ trong hoạt động khai thác khoáng sản. Cụ thể như thăm dò, khai thác, chế biến và tiêu thụ khoáng sản.
Tôi cho rằng, đó là một rong những mối nguy lớn không thể kiểm soát được mục tiêu khai thác khoáng sản của cả nước. Do đó, cần phải sửa đổi Luật khoáng sản.
Về phía thông tin báo chí đưa, có nhiều thông tin không chính xác. Chưa thể khẳng định có chuyện bán giấy phép cho doanh nghiệp TQ vì về mặt luật pháp chúng ta không cho phép. Ở đây, tôi chỉ nói tới dấu hiệu có sự tham gia của các doanh nghiệp TQ đã đứng đằng sau đầu tư tiền, mua bán trao đổi, kinh doanh khoáng sản với doanh nghiệp VN.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp TQ mượn danh người Việt Nam đứng tên rồi đầu tư tiền vào thì pháp luật không thể kiểm soát được. Từ những dấu hiệu như vậy nên mới có chuyện doanh nghiệp chuyển quặng ra ngoài biên giới, xuất lậu rất nhiều.
PV:- Vậy con số “có dấu hiệu liên quan tới doanh nghiệp TQ” mà ông nói tới chiếm tỉ lệ là bao nhiêu? Theo ông, tại sao lại tồn tại thực trạng này, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thuấn: – Theo số liệu của tôi, chỉ riêng với khu vực phía Bắc là trên 50% (bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ lẻ). Tuy nhiên, hiện tại không còn tình trạng này nữa do công tác quản lý đã được siết chặt tại các cửa khẩu, còn những giấy phép được cấp trong nước đều đã hết hạn.
Lý do khiến việc khai khoáng trong suốt một thời gian dài không kiểm soát được là do địa phương cấp phép bừa bãi. Chuyện này sẽ chấm dứt vì theo quy định mới việc cấp phép sẽ do Tổng Cục Địa chất, khoáng sản khoanh định, cấp phép chứ không còn tình trạng địa phương thích là cấp như trước kia nữa .
PV: – Như ông đã nói, từ những “dấu hiệu” này nên mới có tình trạng xuất lậu than, khoáng sản qua biên giới. Vậy theo ông, cụ thể mối liên hệ giữa hai thực trạng này phải được hiểu như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thuấn: – Tôi không thể khẳng định mối liên hệ đó thế nào, muốn biết chính xác có mối liên hệ gì thì phải có điều tra cụ thể.
PV: – Có ý kiến cho rằng, 60% giấy phép khai thác khoáng sản bán cho TQ là còn khiêm tốn. Theo ông, liệu có thể dẫn tới việc TQ khống chế ngành khai khoáng của VN không, nếu vậy Việt Nam sẽ chịu hậu quả là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thuấn: – Hiện tại sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp TQ đứng đằng sau rót tiền để đầu tư khai khoáng nữa, vì họ không còn thấy lợi.
Trước đây, TQ đứng đằng sau rót tiền đầu tư để điều hành, khai thác khoáng sản thô mang về nước chế biến thu lợi lớn. Nhưng theo Luật khoáng sản mới mọi quy định xuất khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ, không cho xuất khẩu khoáng sản thô; giấy phép cũ không được ra hạn, dù có khai thác được khoáng sản cũng không thể vận chuyển được qua biên giới. Như vậy họ không còn cơ hội kiếm lợi, họ sẽ không làm nữa.
PV: – Có chuyên gia đã ví câu chuyện này như với boxit Tây Nguyên, doanh nghiệp TQ cũng đứng ra rót vốn, điều hành và khai thác nhằm khống chế ngành công nghiệp chế biến nhôm của Việt Nam, ông giải thích thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thuấn:- Tôi khẳng định, không có chuyện TQ đầu tư vào boxit mà toàn bộ là TKV đầu tư. TQ chỉ tham gia đấu thầu, nhận xây dựng nhà máy khi công trình hoàn thành họ cũng rút về, toàn bộ việc điều hành, khai thác là TKV điều hành.
PV: – Nói về tình trạng khai thác, xuất lậu khoáng sản Thứ trưởng tài nguyên môi trường nói là có lợi ích nhóm trong khai thác khoáng sản. Theo ông, đây có phải là một biểu hiện của lợi ích nhóm không? Và liệu còn có vấn đề nào khác nữa, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thuấn: – Không thể tránh khỏi được tình trạng xuất lậu than khoáng sản, mới đây cơ quan chức năng cũng có phát hiện và bắt giữ một vài vụ.
Nhưng đối với khoáng sản tôi khẳng định đã được kiểm soát rất chặt chẽ.
Xin cảm ơn ông!
THEO ĐẤT VIỆT

Hà Nội kiểm tra 700 dự án: Ném đá ao… địa ốc?


Dự án Chung cư cao cấp của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam – Booyoung Vina (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) tại Khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông)

UBND TP. Hà Nội công bố kế hoạch kiểm tra hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố. Trong số này, có những dự án đã được kiểm tra nhiều lần, nhưng vẫn “bất động”.
UBND TP. Hà Nội vừa công bố Kế hoạch số 12/KH-UBND về việc tiến hành kiểm tra 727 dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố từ ngày 10/1/2014 đến ngày 31/5/2014. Trong số này, có những dự án chậm tiến độ đã được kiểm tra, rà soát nhiều lần, nhưng sau đó, dự án vẫn không có chuyển biến gì.
Điển hình là Dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông do Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) làm chủ đầu tư. Dự án này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6/2008, với diện tích 16,7 ha trên địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Sau khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội, ngày 29/9/2011, UBND Thành phố đã có Văn bản số 8295/UBND-XD chấp thuận cho phép lập điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tháng 4/2012, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có văn bản yêu cầu kiểm tra tiến độ thực hiện dự án này (Kế hoạch số 52/KH-UBND), nhưng đến nay, dự án vẫn án binh bất động.
Việc dự án trễ tiến độ, cơ quan quản lý nhắc nhở và đề nghị xử phạt nhiều lần, nhưng chủ đầu tư vẫn “bình an vô sự” có thể tìm thấy ở nhiều dự án khác tại Hà Nội. Điển hình cho sự lỏng lẻo trong việc thực thi pháp luật về đầu tư này có thể kể đến Dự án Chung cư cao cấp của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam – Booyoung Vina (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) tại Khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông).
Dù được bàn giao mặt bằng từ lâu và tổ chức khởi công hoành tráng từ đầu năm 2007, nhưng đến nay, Dự án vẫn bất động. Thậm chí, qua 5 lần điều chỉnh giấy phép đầu tư, hơn 4,3 ha đất sạch có hạ tầng đã giao cho Công ty Booyoung hiện vẫn là những khu đất để cỏ mọc hoang. Tuy nhiên, trong kế hoạch kiểm tra của UBND TP. Hà Nội lần này, không có tên Booyoung Vina.
Danh sách các công ty có dự án chậm tiến độ một cách “có hệ thống” còn phải kể đến Công ty TNHH TSQ Việt Nam. Dự án “Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây” do TSQ làm chủ đầu tư tại phường Yết Kiêu (quận Hà Đông, Hà Nội) có quy mô 2 toà tháp cao 45 tầng và 4 tầng hầm, với tổng vốn đầu tư 37,6 triệu USD, được cấp phép từ tháng 11/2006 đến nay vẫn là bãi đất hoang. Trong đợt kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài năm 2013, UBND TP. Hà Nội cũng đã kiểm tra dự án này, nhưng đến nay, Dự án vẫn không hề nhúc nhích.
Ví dụ khác là Dự án Twin Towers số 1152 – 1154, đường Láng (quận Đống Đa), do Công ty Tân Phú Long (cổ đông chính là Tổng công ty bảo hiểm Quân đội – Mic và Công ty Handico 6) làm chủ đầu tư được UBND TP. Hà Nội cho thuê đất từ ngày 4/3/2010. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, công trình này gồm tòa tháp với 2 đơn nguyên, cao 30 tầng với 4 tầng hầm, 2 tầng thương mại và 28 tầng chung cư. Chủ đầu tư cũng đã thông báo mở bán căn hộ Twin Towers, với giá 28 – 30 triệu đồng/m2 vào tháng 3/3012. Dự án được giới thiệu là sẽ hoàn thành vào quý IV/2014, nhưng nay vẫn là chỗ để xe ô tô, cỏ mọc…
Hàng loạt dự án bất động sản khác cũng nằm trong danh sách kiểm tra, rà soát đợt này, như D’.San Raffles số 22 – 24 Hàng Bài, do Công ty cổ phần Thời đại mới T&T thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư; Dự án Tổ hợp công trình tại khu tập thể X1-26 Liễu Giai (quận Ba Đình) của Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU); Dự án 97-Láng Hạ (Tòa nhà Petrowaco) do Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí làm chủ đầu tư…
Câu hỏi được dư luận đặt ra là, với hơn 700 dự án “có vấn đề” trên khắp địa bàn, UBND TP. Hà Nội sẽ làm gì để buộc các chủ đầu tư thay đổi tiến độ thực hiện hay chỉ đơn giản là câu chuyện “ném đá ao bèo”?
Theo Đầu tư

Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam: Trần Quang Phụng có lừa đảo?



Trong khi có bao con em Thái Bình xa xứ hướng về quê hương góp của, góp công chung tay “xây dựng nông thôn mới” lại nảy nòi một “đại gia” từng có tiếng ở Sài thành hướng về quê lừa bịp “cuỗm” đi hàng chục tỉ đồng, để lại hệ lụy khôn lường cho bao gia đình nhẹ dạ, cả tin. Đó là, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam Trần Quang Phụng (có tên là Phụng Muối), địa chỉ tại 173 Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Nguyên quán tại xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình…

Nước mắt cá sấu “thương quê” bằng chiêu lừa ngoạn mục

Đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thuyết, có địa chỉ tại 46b, tổ 41, phường Quang Trung, TP Thái Bình cùng lời trình bày của một số nạn nhân cho biết: Cuối năm 2006, ông Trần Quang Phụng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Muối miền Nam về thăm quê, có thăm một số doanh nghiệp từng quen biết qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu ở Hội đồng hương tỉnh Thái Bình tại TP Hồ Chí Minh. Ông Phụng tỏ ra chia sẻ với các doanh nghiệp ở Thái Bình làm ăn vất vả, kham khó và tỏ bày sẵn sàng giang tay “nối vòng tay lớn” cưu mang, giúp các doanh nghiệp ở quê làm ăn phát đạt. Tới thăm dinh gia bề thế của ông Phụng tại 70 Trương Quốc Dung, phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh và từng được chứng kiến mối quan hệ thân thiết với một số quan chức chủ chốt ở Thái Bình, bà Nguyễn Thị Thuyết cùng một số chủ doanh nghiệp mới thực sự tin tưởng vào thịnh tình “quý báu” ấy.
Ngày 1/12/2009 bà Nguyễn Thị Thuyết đứng tên thay cho một số doanh nghiệp ở Thái Bình kí một hợp đồng đặt cọc thỏa thuận mua bán nhà đất tại Dự án Khu đô thị Tân Phú, quận Thủ Đức với ông Trần Quang Phụng, làm chủ đầu tư. Trong hợp đồng, ông Phụng chấp nhận nhượng bán lại cho bà Thuyết là người đại diện 10.000m2 tại dự án trên với đơn giá 2,4 triệu đồng/m2 đất. Hai bên cam kết, nếu bà Thuyết không lấy đất phải thông báo cho ông Phụng trước 20 ngày và được thanh toán cả gốc và lãi suất 2% /tháng. Từ ngày 27/11 đến 29/12/2009, bà Thuyết cùng một số chủ doanh nghiệp đã thế chấp tài sản của gia đình, huy động vốn góp của bạn bè, chuyển khoản cho ông Phụng 9 đợt, tổng số tiền là 24 tỉ đồng. Mặc dù, bà Thuyết đã chuyển xong số tiền theo hợp đồng, nhưng thủ tục pháp lí không được ông Phụng cung cấp. Sau nhiều lần bà Thuyết yêu cầu, ông Phụng mới đưa ra công văn số 2427/UBND -QLĐT ngày 5/11/2009 của UBND quận Thủ Đức, gửi cho Công ty CP Đầu tư Địa ốc Phương Đông, thông báo hướng dẫn về quy trình, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khu vực đất đai này. Qua Công văn, bà Thuyết phát hiện ông Phụng không phải là chủ đầu tư của dự án mà lại dám đứng ra bán cho bà Thuyết 10.000m2 đất của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Phương Đông? Từ đó bộc lộ hành vi lừa đảo, cố tình làm trái pháp luật của ông Trần Quang Phụng chiếm dụng của bà 24 tỉ đồng. Vì thế, bà Thuyết cùng một số chủ doanh nghiệp ở Thái Bình quyết định đòi lại tiền, đến ngày 29/11/2010 ông Phụng mới trả cho bà Thuyết 4 tỉ đồng.

Trụ sở Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trụ sở Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam ở thành phố Hồ Chí Minh.

Sau nhiều lần bà Thuyết gửi văn bản yêu cầu ông Phụng trả nốt số tiền 20 tỉ đồng còn nợ, nhưng ông Phụng không trả, buộc ngày 21/10/2011, bà Thuyết cùng một số chủ doanh nghiệp ở Thái Bình tới Văn phòng Công ty CP Tập đoàn Muối miền Nam để giải quyết dứt điểm. Tại cuộc gặp mặt, ông Phụng viết giấy cam kết hẹn lần cuối chậm nhất vào ngày 20/12/2011 sẽ trả toàn bộ cả gốc và lãi phát sinh số tiền còn lại cho bà Thuyết, nếu sai ông Phụng hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, trước sự chứng kiến của phóng viên Báo Người cao tuổi.
Tiếc thay, đến ngày 20/12/2011 ông Trần Quang Phụng đã không trả tiền theo cam kết?
Sau đó, ông Phụng gửi bà Thuyết 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND quận Thủ Đức cấp, thể hiện lại không thuộc quyền sở hữu của ông Phụng, nên bà Thuyết nhiều lần vào TP Hồ Chí Minh yêu cầu ông Phụng trả lại cho bà cùng một số doanh nghiệp ở Thái Bình, số tiền cả gốc và lãi đến nay đã lên tới 53.565.687.661 đồng. Chẳng những không trả lại tiền, ông Phụng còn tỏ thái độ xấc xược, thách đố, ngạo mạn theo kiểu “xã hội đen”, ngang ngược tuyên bố: “Có tiền cũng không trả, muốn làm gì thì làm” và thả cả đàn chó để xua đuổi bà. Rõ ràng, ông Trần Quang Phụng lộ diện công khai hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân, để lại hệ lụy khôn lường cho hàng chục gia đình ở Thái Bình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Bằng cái vỏ bọc Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc hào nhoáng, ông Trần Quang Phụng nghênh ngang đứng ngoài vòng pháp luật, tiếp tục chiêu lừa thiên hạ, làm giàu bất chính. Ông còn trắng trợn tuyên bố “không có một thế lực nào làm gì được ông, bởi ông đã “đổ bê-tông” cứng các cơ quan công quyền ở TP Hồ Chí Minh bằng những đồng tiền nhơ nhuốc ấy”?

Bao giờ ông Phụng hầu tòa?

Bản cam kết của ông Trần Quang Phụng hẹn hạn cuối cùng 21/10/2011 hoàn trả đủ số tiền cho bà Thuyết.
Bản cam kết của ông Trần Quang Phụng hẹn hạn cuối cùng 21/10/2011 hoàn trả đủ số tiền cho bà Thuyết.

Vụ việc vỡ lở, nhiều quan chức trọng trách ở Thái Bình đều ngỡ ngàng, không tin đó là sự thật. Bởi, với danh giá khi ông Trần Quang Phụng về Thái Bình, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đều tiếp đón trọng thị. Nghiệm lại, ông Phụng cũng chưa hề giúp quê hương Thái Bình được gì. Đến xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư quê ông kham khổ là thế và tổ tiên ông còn ở đó, nhưng ông cũng chưa phát tâm công đức đầu tư cho bất kì công trình phúc lợi nào? Thế mà, ở Sài Gòn ông là người danh giá, rộng rãi đến nỗi nhiều con em Thái Bình làm ăn phát đạt, uy tín, có tên tuổi ở đó cũng không theo kịp. Nhiều người cho biết, ông có một khối tài sản khá đồ sộ. Dinh gia nơi ông ở rộng gần 10.000m2 đất trong nội đô TP Hồ Chí Minh. Rượu ngâm thành vò xếp từ cổng vào nhà và dành hẳn một căn nhà để nuôi chó. Riêng chi phí nuôi đàn chó cũng gấp 10 lần lương của một viên chức Nhà nước. Thế mà, ông vẫn về quê “cuỗm” trọn của bà Thuyết và một số doanh nghiệp 20 tỉ đồng từ năm 2009 tới nay? Nhiều người cho biết, ông Phụng còn lừa cả một số người khác ở Thái Bình với tổng số tiền 54 tỉ đồng, đến nay cũng trây ì không trả. Ban liên lạc đồng hương tỉnh Thái Bình tại TP Hồ Chí Minh đều biết và chứng kiến, nhiều lần khuyên giải ông lo liệu trả. Chẳng những không trả, ông Phụng còn tỏ thái độ suồng sã, cắt luôn mối quan hệ.
Chỉ đáng thương thay cho bà Nguyễn Thị Thuyết cùng một số doanh nghiệp ở Thái Bình vất vả bao lần lận đận bay vào TP Hồ Chí Minh để đòi nợ. Riêng tiền chi phí đi về cho các cuộc đi đòi nợ đã lên tới mấy trăm triệu đồng.
“Nợ có chủ, cá có đầu”, đó là quy luật bất biến! Hành vi lừa đảo trắng trợn của ông Trần Quang Phụng buộc bà Nguyễn Thị Thuyết đã có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh, đề nghị làm rõ và xử lí nghiêm minh theo pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân
THEO NGƯỜI CAO TUỔI

Thu tiền tỷ để “chống trượt” đầu vào cao học

Mong muốn thi đỗ lớp cao học, 40 học viên ở Thanh Hóa đã nộp hơn 1 tỷ đồng cho cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh nhờ lo lót đầu vào. Sự việc vỡ lở khi mục đích ‘chống trượt’ không thành.
Tháng 10/2013, một số học viên ở Thanh Hóa gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị làm rõ dấu hiệu tiêu cực trong hoạt động thi cử của một lớp ôn thi cao học chuyên ngành Thạc sĩ Quản lý kinh tế thuộc Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo phản ánh, đầu tháng 6/2013, nghe thông tin tuyển sinh lớp Thạc sĩ Quản lý kinh tế của Đại học Kinh tế từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa, hơn 50 học viên đã nộp đơn tham gia.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đại học Kinh tế tổ chức cho các học viên học một số chuyên đề chuyển đổi kiến thức để họ có đủ điều kiện đăng ký dự thi.
Trung tâm giao nhiệm vụ cho phòng Quản lý đào tạo theo dõi học viên và thu tiền của người học theo hợp đồng. Đến ngày 20/8/2013, hợp đồng học chuyển đổi kiến thức đã được hai đơn vị này thanh lý.
Theo phản ánh của học viên, học xong phần chuyển đổi kiến thức, một số cán bộ phòng Quản lý đào tạo đã thông báo, những ai có nhu cầu thi đỗ lớp Thạc sĩ Kinh tế sắp tới thì ngoài số tiền ôn thi cho Trường Đại học Kinh tế theo dự trù thì phải nộp thêm 28 triệu đồng để được giúp “chống trượt” đầu vào.
Tổng cộng, có 40 học viên nộp số tiền hơn 1 tỷ đồng để lo lót cho kỳ thi được tổ chức vào trung tuần tháng 9/2013 tại Hà Nội.
Tuy nhiên, sự việc sau đó vỡ lở khi 3 người bị đuổi khỏi phòng thi, tiếp đến là kết quả chỉ có 7/49 học viên trúng tuyển vào lớp Cao học Quản lý kinh tế của Đại học Kinh tế.
Nhận được phản ánh về sự việc trên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa đã thành lập tổ công tác xác minh. Kết quả cho thấy, việc thu tiền tỷ chống trượt đầu vào là có thật. Ba cán bộ tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh đứng ra thu tiền của học viên gồm các ông Bùi Sỹ Hồng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Lê Trọng Sơn, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo phụ trách lớp và Lê Thị Liên, cán bộ phòng Quản lý đào tạo.
Nhóm này thông qua cán sự lớp đã tổ chức thu của 40 học viên mỗi người 28 triệu đồng, tổng thu là 1.080.000.000 đồng. Trong đó, 40 triệu được chi cho Ban cán sự lớp hoạt động, số tiền còn lại, nhóm giáo viên này nhận để lo đầu vào cho học viên như cam kết.
Ngày 22/1, trao đổi với VnExpress, ông Đào Phan Thắng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa cho biết, trung tâm đã yêu cầu các cá nhân liên quan làm tường trình và hoàn trả số tiền thu trái quy định cho các học viên. “Hiện học viên đã nhận đủ số tiền nộp trước đó và không còn khiếu nại gì”, ông Thắng cho hay.
Hội đồng kỷ luật trung tâm đã tổ chức họp kiểm điểm cán bộ, giáo viên và đưa ra hình thức kỷ luật. Theo đó, ông Bùi Sỹ Hồng, bà Lê Thị Liên bị kỷ luật cảnh cáo, ông Lê Trọng Sơn bị khiển trách.
Theo ông Thắng, lãnh đạo Trung tâm không có chủ trương hay chỉ đạo nào về việc lo lót đầu vào cho học viên. Đây là việc làm cá nhân của những cán bộ nêu trên. “Tuy nhiên, việc các cán bộ trung tâm đứng ra thu tiền, liên hệ giúp cho học viên là việc làm sai trái, có dấu hiệu môi giới hối lộ, tiếp tay cho tiêu cực trong thi cử, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của trung tâm nên cần phải xử lý nghiêm khắc”, ông Thắng nói.
Người đứng đầu Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, cơ quan điều tra, Công an TP Thanh Hóa đang vào cuộc để làm rõ số tiền được đưa cho ai và có hay không đường dây môi giới hối lộ trong tuyển sinh cao học.
Theo xác minh của VnExpress, rất nhiều học viên đăng ký dự thi lớp Thạc sĩ Quản lý kinh tế thuộc Đại học Kinh tế vừa qua là cán bộ chủ chốt hoặc cán bộ nguồn tại các huyện, thị hay cơ quan cấp sở ở tỉnh Thanh Hóa như Sở Công Thương, Huyện ủy Quảng Xương, Bệnh viện mắt tỉnh Thanh Hóa…
Theo VnExpress

CON ÔNG CHÁU CHA ở Trung Quốc làm giàu bằng cách nào?

Họ hàng của các quan chức đứng đầu Trung Quốc hiện đang nắm giữ nhiều công ty nước ngoài bí mật tại các “thiên đường thuế”, giúp che đậy tài sản của nhiều lãnh đạo Trung Quốc, một tài liệu mật vừa bị rò rỉ cho biết.
Tài liệu tối mật này bao gồm chi tiết các công ty bất động sản thuộc sở hữu của anh rể chủ tịch và nhiều công ty tại British Virgin Islands (BVI) do con trai cựu thủ tướng Trung Quốc và con rể ông thành lập.
Một danh sách 22.000 khách hàng ngoại quốc với địa chỉ tại Trung Hoa đại lục và Hongkong đã được Liên hiệp Nhà báo Điều tra Quốc tế ICIJ thu thập.
Trong số này có nhiều nhân vật quyền lực của Trung Quốc – bao gồm ít nhất 15 người giàu nhất Trung Quốc, thành viên quốc hội và ban lãnh đạo trong các công ty vướng vào bê bối tham nhũng.


Quần đảo British Virgin Islands ở Carribea, Anh Quốc.

PricewaterhouseCoopers, UBS và nhiều ngân hàng, công ty kiểm toán châu Âu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Trung Quốc thành lập công ty tại BVI, Samoa và các địa điểm khác tại nước ngoài.
Ví dụ, ông lớn tín dụng Thụy Sỹ Credit Suisse đã giúp con trai một cựu thủ tướng Trung Quốc thành lập công ty tại BVI trong lúc ông này còn tại vị.
Tài liệu này được hai tổ chức nước ngoài là Portcullis TrustNet là Singapore và Commonwealth Trust Limited đóng trụ sở tại BVI cung cấp.
Đây là một phần của 2,5 triệu files tài liệu rò rỉ mà ICIJ chọn lọc dưới sự giúp đỡ của hơn 50 đối tác khắp châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và các khu vực khác.
Tài liệu của ICIJ cho thấy họ hàng của ít nhất năm thành viên hoặc cựu thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc sở hữu các công ty tại Cook Islands hoặc BVI.
Tài liệu rò rỉ bao gồm chi tiết công ty Excellence Effort Property Development tại BVI thuộc 50% sở hữu của ông Đặng Gia Huy, em rể chủ tịch Trung Quốc.
Ông này là chồng của chị ruột chủ tịch Trung Quốc và là một tỷ phú bất động sản và kim loại sử dụng trong điện thoại di động cùng các thiết bị điện tử khác.
Ghi chép cho thấy một nửa còn lại của công ty Excellence Effort Property Development lại thuộc về một công ty BVI khác nằm trong tay Li Wa và Li Xiaoping – hai tỷ phú địa ốc đã thắng thầu trị giá 2 tỷ USD tại Thâm Quyến vào tháng 7.
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã phát động phong trào đấu tranh chống tham nhũng, không bỏ sót bất cứ ai, bất kể đó là “hổ báo hay ruồi muỗi”, tức là đấu tranh chống tham nhũng ở bất cứ cấp bậc nào.
Trước đó, ông Ôn Gia Bảo, người thôi giữ chức Thủ tướng vào năm 2013 sau 10 năm cầm quyền, cũng từng xây dựng hình ảnh của mình như một nhà cải cách và không ngừng quan tâm tới dân nghèo Trung Quốc.
ICIJ tiết lộ con trai ông này, Ôn Vân Tùng đã thành lập công ty Trend Gold Consultants tại BVI dưới sự trợ giúp của Credit Suisse trong năm 2006.
Ôn Vân Tùng là giám đốc và cổ đông duy nhất của công ty tan rã vào 2008.
ICIJ đã nhiều lần tìm cách tiếp cận ông Ôn Vân Tùng nhưng không nhận được phản hồi, đồng thời phát ngôn viên của Credit Suisse cũng cho biết ngân hàng “không được quyền bình luận về vấn đề này”.
Tài liệu của ICIJ cùng đề cập tới con gái ông Ôn – bà Wen Ruchun – tên nước ngoài là Lily Chang.
Mới tháng 11 năm ngoái, tờ New York Times đưa tin rằng công ty Fullmark Consultants do bà điều hành đã nhận 1,8 triệu USD từ tập đoàn JPMorgan của Mỹ.
Vụ này đã khiến nhà chức trách Mỹ tổ chức điều tra xem việc lợi dụng con cái của nhân vật nổi tiếng để gây ảnh hưởng của JPMorgan tại Trung Quốc có thật hay không.
Mối liên hệ giữa Wen Ruchun và Fullmark Consultants là rất mờ ảo. Tên của bà không xuất hiện trong các tài liệu doanh nghiệp, và cái tên Lily Chang chỉ được CC một lần trong bức thư phản hồi của công ty năm 2009.
Chồng của bà – Liu Chunhang – là cựu nhân viên tài chính kỳ cựu tại Morgan Stanley, đã thành lập Fullmark Consultants tại BVI năm 2004 và là nhà điều hành và cổ đông duy nhất của công ty đến năm 2006, cùng thời điểm ông nhận nhiệm vụ giám sát hệ thống ngân hàng tại chính phủ.
Ông Liu chuyển quyền giám sát công ty sang cho một người bạn của gia đình ông Ôn – Zhang Yuhong – nữ doanh nhân giàu có và là đồng nghiệp của anh trai Ôn Gia Bảo.
Thời báo Times tiết lộ bà Zhang cũng giúp kiểm soát nhiều tài sản gia đình ông Ôn bao gồm chuỗi công ty kinh doanh nữ trang kim cương.
ICIJ tiết lộ Portcullis TrustNet đã lót tay UBS để xếp hạng cao cho Fullmark Consultants vào tháng 10/2005, cho thấy có mối quan hệ giữa Fullmark và ngân hàng Thụy Sỹ.
Khi ICIJ tiếp cận UBS và ông Liu bà Zhang, UBS gửi về một thông cáo trong đó khẳng định chính sách đãi ngộ với những khách hàng có quan hệ chính trị nhạy cảm của ngân hàng là một trong những “chính sách chặt chẽ nhất toàn ngành”, còn ông Liu bà Zhang đã từ chối bình luận.

Nguồn gốc của câu chuyện

Câu chuyện người Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài bắt đầu từ chính sách cải cách kinh tế của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đầu những năm 90.
Chính sách đầu tư ra nước ngoài liên quan tới rất nhiều doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc chứ không phải những doanh nghiệp sáng tạo kiểu như Apple, ông Don Clarke, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại trường luật George Washington University Law School nhận định.
Rất nhiều người Trung Quốc đã bay sang Hongkong, từ đó đi Anh Quốc để thiết lập công ty. BVI trở thành điểm đến lý tưởng cho người Trung Quốc muốn chuyển tiền và tài sản ra nước ngoài.
Trung Quốc có chính sách thuế khuyến khích đầu tư nước ngoài, góp phần đẩy mạnh làn sóng đầu tư vào BVI và các khu vực ngoài nước.
Nhiều nhà sản xuất nước này đã lợi dụng kẽ hở để giảm thuế bằng cách chuyển giá, quay vòng sản phẩm với giá thấp ra công ty đặt tại nước ngoài và xuất ngược lại về Trung Quốc.
Hiện nay, tới 40% các công ty ngoại quốc tại BVI đang thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, thông tin từ chính quyền BVI cho hay.
Nhưng dư luận vẫn đánh giá đây là một vùng đất tai tiếng bởi phương châm hoạt động của họ là “không hỏi han” đối với các thương vụ ngầm khi đầu tư tại khu vực này.
Mạng lưới Thuế minh bạch – một nhóm các nhà hoạt động cho biết nhiều đơn vị tại BVI liên tục dính tới bê bối do chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp họ “che giấu mọi tội trạng và sự lạm dụng.”
Trong số quan chức Trung Quốc tung tiền ra nước ngoài những năm 90 còn có Phó Lượng – con trai của Bành Chân, một trong “Tám bô lão” từng lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Phó đã đầu tư vào câu lạc bộ du thuyền và sân golf trong đại lục, nắm trong tay ít nhất 5 công ty nước ngoài tại BVI từ 1997 đến 2000. Ông dùng một trong số đó để mua lại khách sạn Philippines vào năm 2000.

Lợi nhuận và tham nhũng

Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đã thay da đổi thịt từ thời kỳ nước này mở rộng giao thương quốc tế.
Đất nước này thu về nhiều nguồn lợi và các trung tâm ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc quay vòng nguồn vốn mà còn làm cầu nối ra thị trường đối với sắt thép, khoáng sản…
Tuy nhiên, cũng có những minh chứng cho thấy nhiều cá nhân và tổ chức Trung Quốc đã lợi dụng công ty nước ngoài để kiếm lợi bất chính.
Trong tháng 12, bà Zhang Shuguang – vợ cựu lãnh đạo cấp cao ngành đường sắt nước này đã bị kết án hình sự đối với cáo buộc lén lút chuyển 2,8 tỷ USD ra tài khoản nước ngoài.
Một báo cáo soát xét nội bộ chính phủ được Bank of China tiến hành tiết lộ các quan chức cấp cao – bao gồm lãnh đạo các công ty nhà nước – đã biển thủ hơn 120 tỷ USD ra khỏi Trung Quốc từ giữa những năm 1980, một phần được tuồn qua nhờ BVI.
Ngành dầu khí Trung Quốc – phân khúc từng dính các cuộc điều tra dẫn đến việc ngã ngựa của nhiều quan chức – sở hữu rất nhiều tài sản tại nước ngoài.
Ba công ty dầu lớn nhất Trung Quốc cũng như trên thế giới có ràng buộc với hàng chục công ty BVI xuất hiện trong tài liệu của ICIJ .
Cựu lãnh đạo PetroChina – Li Hualin – người bị bãi chức vào tháng Tám sau khi nhận tội danh “lạm dụng chức vụ quyền hạn”, cách gọi hoa mỹ của tham nhũng, nắm trong tay 2 công ty BVI.
Theo một số ước tính, lượng tài sản trị giá khoảng từ 1 nghìn tỷ tới 4 nghìn tỷ USD đã bị tuồn ra khỏi Trung Quốc từ năm 2000.

“Ra tay” với làn sóng phản đối

Trong bối cảnh khối tài sản của quan chức chính phủ ngày càng lớn, nhiều người dân dũng cảm đã lên tiếng về nạn tham nhũng.
Một nhóm nhân quyền có tên New Citizens Movement đã dùng mạng Internet và các cuộc biểu tình quy mô nhỏ đòi hòi một sự minh bạch hơn.
“Làm sao các người có thể đấu tranh chống tham nhũng nếu các người không cả dám công khai tài sản cá nhân?” lãnh đạo nhóm biểu tình Xu Zhiyong khẳng định.
Đáp lại lời kêu gọi này, chính phủ đã bắt giam Xu cùng hơn 20 thành viên khác của nhóm, kết tội họ “gây rối trật tự công cộng” và “tụ tập bất hợp pháp”, tội danh vẫn được áp cho thành viên những phe phản đối.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng ra tay với các phương tiện truyền thông nước ngoài từng đưa tin về mức chênh lệch giàu nghèo tại Trung Quốc.
Sau khi thời báo The New York Times và Bloomberg tiết lộ lượng tài sản của giới con ông cháu cha Trung Hoa Đại lục, chính phủ đã chặn trang mạng các báo này và ngừng cấp visa cho phóng viên của họ.
Cụ thể, vào tháng 10/2012, báo New York Times đã đăng bài cáo buộc gia đình ông Ôn Gia Bảo tích lũy tài sản lên tới 2,7 tỷ USD trong thời gian ông cầm quyền.
Trong một phản ứng gần đây, ông Ôn viết tâm thư bất thường gửi báo chí, việc trước giờ ông chưa từng làm.
Trong bức thư, ông khẳng định: “Tôi chưa bao và sẽ không bao giờ liên quan tới việc lạm dụng quyền lực nhằm thu lợi cá nhân vì hành vi này đi ngược lại mọi thứ tôi vẫn tin tưởng.”
“Tôi muốn đi đoạn đường cuối cùng trên thế gian này một cách đàng hoàng. Tôi sinh ra với hai bàn tay trắng và tôi muốn sau này ra đi một cách trong sạch.”
THEO BIZLIVE/Tổng hợp từ ICIJ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét