Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Huyền thoại: chất dinh dưỡng của độc tài - LHQ rốt cuộc cũng xử lý tình trạng vi phạm nhân quyền ở Châu Á -Viên chức Bộ Ngoại Giao tuyên bố bỏ đảng và lên tiếng về nhân quyền

Trái khoáy chuyện trồng lúa ở Việt Nam

Lê anh Hùng

Người nông dân Việt Nam đang canh tác thứ cây trồng không còn mang lại lợi nhuận
Hanoi & Chau Doc | The Economist | 18.1.2014
Người dịch: Lê Anh Hùng
Tiềm năng của núi Sam (một ngọn núi ở đồng bằng sông Cửu Long) quả là vô hạn định. Những cánh đồng lúa xanh rờn. Những con kênh tưới tiêu lấp loáng ánh mặt trời. Cứ mỗi năm ba lần, những người nông dân ở các thị tứ xung quanh lại mang ủng cao su cấy lúa trên những thửa ruộng thấp trũng. Vài tháng sau, họ lại bán các bao tải lúa cho tư thương, những người sẽ mang đến các nhà máy ven sông để xay xát. Về cơ bản, hoạt động này cũng diễn ra vô hạn định.
Trồng lúa là hoạt động đã ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt. Tháng 9.1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập với người Pháp, Hồ Chí Minh đã phát biểu với nội các của mình rằng ứng phó với vụ mất mùa trên diện rộng là nhiệm vụ ưu tiên của chính phủ. Sau đấy, ông tiến hành tập thể hoá các cánh đồng lúa. Trong thập niên 1980, những người kế tục ông đã thúc đẩy các giống lúa lai và hệ thống tưới tiêu hiện đại. Ngày nay, 4 tỷ USD gạo xuất khẩu (xem đồ thị) của Việt Nam chiếm hơn 20% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.
Các quan chức lãnh đạo đảng vẫn đắc ý với chính sách nông nghiệp dành ưu tiên cho lúa gạo của mình. Tuy nhiên, nông dân thì ngày càng bị tụt hậu. Một phần của vấn đề nằm ở chỗ các giống lúa của Việt Nam thường có chất lượng trung bình hoặc thấp – tương phản với một loạt giống lúa thượng hạng được gieo trồng ở Thái Lan. Chi phí nhiên liệu, phân bón và thuốc trừ sâu đang tăng lên. Trong khi đó lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam lại chịu sự chi phối của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cùng các quan chức tham nhũng. Một số nông dân, đặc biệt là ở miền Bắc, nhận thấy là ruộng đất để hoang hoá còn có lợi hơn.
Ở An Giang, một tỉnh nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, một gia đình bình quân kiếm được 100USD mỗi tháng từ trồng lúa, tức khoảng 1/5 thu nhập của người trồng cà phê ở Tây Nguyên – Oxfam (một tổ chức cứu trợ) cho biết. Trần Văn Nghĩa, một người trồng lúa gần núi Sam, nói rằng những người trẻ ở quanh khu vực của ông kiếm thêm thu nhập ngoài đồng ruộng bằng cách khuân vác ở khách sạn hay làm công nhân xây dựng ở Tp Hồ Chí Minh và các trung tâm đô thị khác.
Những khó khăn của ngành lúa gạo Việt Nam rất có thể sẽ còn tồi tệ thêm. Myanmar, vốn là vựa lúa gạo của Đông Nam Á trước kia, lại đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu. Phần lớn lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam được bán trực tiếp cho chính phủ các nước, nhưng một số những khách hàng lớn nhất của họ, kể cả Indonesia và Philippines, lại đang thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Arup Gupta, một thương nhân ở Tp Hồ Chí Minh, bổ sung thêm rằng, như một hệ quả của chính sách trợ cấp cho nông dân trồng lúa (một chính sách ngược đời và đắt đỏ) ở Thái Lan, Việt Nam đang bị bán phá giá khi Thái Lan giải phóng các kho gạo với giá rẻ.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất khoảng một nửa sản lượng lúa gạo của Việt Nam, đang cho thấy những dấu hiệu của áp lực về môi trường. Những con đê vốn được đắp để ngăn lũ cho các cánh đồng lúa lại ngăn những cơn lũ chứa đầy phù sa của sông Mê Kông bổ sung dưỡng chất cho đồng bằng.
Võ Tòng Xuân, một chuyên gia về lúa gạo và từng cố vấn cho chính phủ về chính sách nông nghiệp, tính toán rằng nhiều thửa ruộng ở các khu vực trồng lúa của Việt Nam hiện bạc màu tới mức người ta không thể ngay lập tức chuyển chúng sang mục đích sử dụng khác, chẳng hạn như trồng ngô. Những vấn đề khác, ông nói, bao gồm cả tình trạng thiếu đại diện của người nông dân trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam, vốn đầy quyền sinh quyền sát, cũng như sự chống đối cải cách của các DNNN chuyên xuất khẩu lúa gạo, bởi cải cách đồng nghĩa với việc giảm bớt lợi nhuận của họ. Hiến pháp mới của Việt Nam, vốn được thông qua vào cuối tháng 11.2013 và quy định khối DNNN giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế, đã không cải thiện được gì.
Phần lớn ruộng đất ở nông thôn bị phân thành những thửa nhỏ. Một nông dân Việt Nam bình quân canh tác chừng hơn 0,5 ha chút ít, trong khi kích thước thửa ruộng lý tưởng là từ 2-3 ha.
Dù vậy, Luật Đất đai mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng Bảy sẽ đem lại cho nhiều nông dân quyền sử dụng ruộng đất trong 50 năm, một bước tiến lớn so với thời hạn 20 năm hiện hành. Thời hạn sử dụng đất dài hơn có thể giúp tạo ra những cánh đồng lớn hơn chuyên canh những thứ cây trồng khác ngoài lúa. Tuy nhiên, chính phủ lại vẫn cứng nhắc duy trì chính sách đảm bảo khoảng 90% đất trồng lúa hiện tại cho chuyên canh lúa.
Điều này có thể hiểu được nếu Việt Nam vẫn phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, như đã từng xẩy ra vào đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, 1/3 sản lượng lúa gạo của Việt Nam lại được xuất khẩu – thậm chí còn nhiều hơn thế nếu người ta tính cả giá trị xuất khẩu không chính ngạch sang Trung Quốc. Trong khi đó, gạo lại đang giảm tỷ lệ trong khẩu phần ăn của cả nước; tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy bắt đầu làm quen với sở thích thịt và bánh mì. Tháng tới tại Tp Hồ Chí Minh, con rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ khai trương cửa hàng McDonald’s đầu tiên ở Việt Nam. Đối thủ cạnh tranh nội địa của nó, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh với sản phẩm chính là “VietMac” (một loại bánh burger từ gạo), đang phải đối mặt với nhiều khó khăn./.

Human Rights Watch: LHQ rốt cuộc cũng xử lý tình trạng vi phạm nhân quyền ở Châu Á

Human Rights Watch cảnh báo rằng tình trạng lạm dụng và truy bức nhân quyền vẫn diễn ra tràn lan

Steve Finch| UCANews | 22.1.2014
Người dịch: Lê Anh Hùng
Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) cuối cùng cũng đã bắt đầu đương đầu với những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất Châu Á, kể cả Bắc Triều Tiên và Sri Lanka – đó là nhận định của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch trong bản báo cáo thường niên mới phát hành hôm thứ Ba vừa rồi.
Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu cho thấy các chế độ hay vi phạm nhân quyền có thể bị buộc phải giải trình, năm vừa qua tình hình vẫn xấu đi ở một số nước, trong đó có Việt Nam và Campuchia, Human Rights Watch nói. Tình trạng truy bức tôn giáo vẫn đang tiếp diễn trong khu vực, mà thường là không bị trừng phạt.
Các tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch (HRW), từng chỉ trích mạnh mẽ UNHRC một thời gian sau khi cơ quan này ra đời năm 2006.
Thời gian sau đó, thiết chế nhân quyền cao nhất của LHQ đã “đi đến chỗ được thừa nhận”, giúp củng cố các mạng lưới để chống lại tình trạng vi phạm nhân quyền đồng thời tạo ra những tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là ở Châu Á, như nhận định của Giám đốc Điều hành HRW Kenneth Roth.
“Kết quả tích cực thể hiện rõ nét nhất là ở Sri Lanka”, ông nói.
UNHRC đã gia tăng áp lực lên Tổng thống Mahinda Rajapaksa để buộc ông ta tiến hành điều tra nhiều tội ác, kể cả cái chết của khoảng 40.000 dân thường trong những ngày cuối cùng trước khi quân đội Sri Lanka đập tan phiến quân Những Con hổ Giải phóng Tamil (Tamil Tigers) năm 2009.
“Chúng tôi đặt niềm tin vào LHQ về vấn đề trách nhiệm giải trình ở Sri Lanka”, Anantha Sasitharan – nhà hoạt động nhân quyền ở Tamil và là uỷ viên Hội đồng Tỉnh Miền Bắc – chia sẻ.
“Các nạn nhân [của tình trạng vi phạm nhân quyền] đã khiếu nại đến một số uỷ ban của Tổng thống, nhưng chẳng ích gì. Tôi không hy vọng vào các cuộc điều tra ở trong nước.”
Để xử lý vấn đề Bắc Triều Tiên, tháng Ba vừa qua, UNHRC đã thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ là phái đến đây một uỷ ban điều tra các vụ vi phạm bị tố cáo – kể cả các trại tù lao động cưỡng bức – trong một năm vừa kết thúc bằng vụ Kim Jong-un xử tử Jang Song Thaek vì tội phản quốc.
Theo Phil Robertson, Phó Giám đốc Á Châu Vụ của HRW: “Niềm tin mơ hồ rằng Kim Jong-un có thể ôn hoà hơn theo cách nào đấy nhờ được giáo dục ở Thuỵ Sỹ đã bị phủi bỏ bởi sự tàn bạo kéo dài của cái chính quyền mà ông ta đang lãnh đạo.”
Bản báo cáo của HRW cũng kịch liệt chỉ trích Campuchia, nơi Thủ tướng Hun Sen vừa chỉ đạo một vụ đàn áp đẫm máu nhằm vào phe đối lập sau cuộc bầu cử gian lận hồi tháng Bảy, và Việt Nam, nơi Đảng Cộng sản đã thông qua bản hiến pháp mới trong tháng 11 giữa lúc diễn ra các vụ bắt bớ nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động.
Việt Nam hiện nắm giữ “danh hiệu” tai tiếng là nhà tù lớn nhất của tù nhân chính trị ở Đông Nam Á sau các vụ ân xá hàng loạt tại Myanmar, theo số liệu mới nhất của HRW.
“Thay vì tống giam những người chỉ trích, chính phủ Việt Nam cần nắm bắt và xử lý các ý tưởng của họ, đồng thời phải chấp nhận thực tế rằng nhà nước độc đảng cần bị vứt vào sọt rác của lịch sử”, Brad Adams, Giám đốc Châu Á Vụ của HRW, bày tỏ.
Ở Bangladesh, Uỷ ban Nhân quyền Quốc gia, một cơ quan độc lập trên danh nghĩa, đã cáo buộc HRW là “thiên vị và thổi phồng” trong bản đánh giá rất tiêu cực mà HRW dành cho quốc gia này.
HRW cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina đã tiêu diệt và bịt miệng các đối thủ, kể cả Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) – đảng tẩy chay cuộc bỏ phiếu trong tháng này, và Jamaat-e-Islami – đảng bị cấm tranh cử trong năm tiền bầu cử hỗn loạn 2013.
“Giống như trước đây, HRW lại một lần nữa nhân danh nhân quyền để đứng về phía những kẻ khủng bố”, Chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền Quốc gia Mizanur Rahman nói.
Không nêu đích danh Jamaat hay BNP, Rahman cáo buộc cả hai đảng đối lập đều giết hại người vô tội cũng như những người thực thi pháp luật trong bối cảnh cuộc xung đột chính trị kéo dài bởi bên nào cũng muốn giành quyền lực.
Bản đánh giá cả tích cực lẫn tiêu cực mà HRW dành cho chương trình cải cách đang diễn ra ở Myanmar đã ghi nhận những tiến bộ sau các vụ đặc xá chính trị – chỉ còn 34 người bị giam giữ – trong khi lại chỉ trích lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi về thái độ im lặng của bà trước tình trạng vi phạm nhân quyền nhằm vào những người Rohingya thiểu số theo Hồi giáo.
Chủ nhân của giải Nobel Hoà bình này bị cáo buộc là chạy theo những đòi hỏi của giới quân sự trong khi họ đang xem xét liệu bà có thể tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2015 hay không.
“Thế giới rõ ràng là đã nhầm lẫn khi cho rằng, với tư cách một nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền được kính trọng, bà cũng sẽ là một người bảo vệ nhân quyền có nguyên tắc”, Roth nói.
Tuy nhiên, Han Thar Myint, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương thuộc Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Suu Kyi, lại phủ nhận cáo buộc rằng Suu Kyi đã đặt chính trị lên trên lập trường nguyên tắc về nhân quyền.
“NLD chưa thay đổi lập trường của mình về quyền con người cơ bản của nhân dân Myanmar, song chúng tôi cũng không thể hiện lập trường thiên vị khi lên án tình trạng bạo lực tôn giáo ở bang Rakhine, bởi Rakhine còn là một sắc dân thiểu số”, ông bày tỏ.
Việc sát hại người Rohingya ở đất nước mà phật tử chiếm đa số này vẫn tiếp tục diễn ra tuần trước với các báo cáo cho biết tới 60 người có thể đã chết ở Maungdaw, một thị trấn của người Rahingya tại bang Rakhine (phía Tây Myanmar).
David Mathieson, chuyên gia nghiên cứu Myanmar kỳ cựu của HRW, phát biểu sau một chuyến thăm gần đây rằng tình trạng hạn chế ra vào khu vực đã khiến người ta không thể xác định được mức độ của vụ bạo lực mới nhất này.
Một số quốc gia trong khu vực cũng chứng kiến tình trạng truy bức tôn giáo đáng chú ý trong năm 2013, với Trung Quốc nằm trong số quốc gia vi phạm nhiều nhất.
Bản báo cáo ghi nhận tình trạng bất khoan dung tôn giáo tiếp tục diễn ra ở Indonesia (nơi người Công giáo và các giáo phái Hồi giáo thiểu số phải đối mặt với sự phân biệt đối xử của các nhóm Hồi giáo Sunni hung hãn) và ở Ấn Độ (trong bối cảnh các cuộc xung đột leo thang giữa người Hindu đa số, người Hồi giáo và người Công giáo trước cuộc bầu cử vào tháng Năm tới đây).
Ở Papua New Guinea, việc chính phủ thay đổi luật pháp năm ngoái đã giúp chống lại các vụ hành hung tàn bạo nhằm vào những phụ nữ bị coi là “phù thuỷ”, nhờ đó những vụ việc như thế sẽ bị coi là giết người.
Tuy nhiên, HRW lại cảnh báo rằng một quyết định mở rộng phạm vi chịu án tử hình đã làm suy yếu tiến bộ đạt được: “Việc trở lại với các vụ xử tử sẽ là một bước thụt lùi nghiêm trọng”, Adams nói.
 

Huyền thoại: chất dinh dưỡng của độc tài

Viết bài “Sự mù quáng vô tận”, tôi không nhắm đến mục tiêu phê phán người dân Trung Quốc. Tôi chỉ muốn chứng minh hai điều:

Một, dù có nhiều điểm tương đồng, giữa độc tài phát-xít và độc tài Mác-xít vẫn có một điểm khác biệt lớn: Trong khi chủ nghĩa phát-xít dựa trên một số niềm tin gắn liền với một số thành kiến về chủng tộc và với một thứ chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, chủ nghĩa Mác-xít lại dựa trên một nền tảng triết học có vẻ rất đồ sộ và nguy nga, nhờ thế, một mặt, nó dễ dàng thuyết phục được giới trí thức, và mặt khác, cũng rất dễ được huyền thoại hóa.

Hai, vì yếu tố huyền thoại ấy, độc tài Mác-xít sống dai dẳng hơn hẳn độc tài phát-xít. Chủ nghĩa phát-xít, lúc còn mạnh, không làm dấy lên một phong trào văn học nghệ thuật tương ứng nào, và khi bị sụp đổ, là sụp đổ hoàn toàn, cả trong hiện thực lẫn trong ký ức. Chủ nghĩa Mác-xít, ngược lại, ngay từ đầu, đã gắn liền với cả một phong trào văn nghệ rộng lớn dưới nhãn hiệu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, qua đó, thấm nhiễm sâu sắc vào đáy sâu tâm thức của từng người; hậu quả là, ngay cả khi chủ nghĩa cộng sản, với tư cách một thể chế và một ý thức hệ, đã bị phá sản, dư âm của nó vẫn còn lại. Sự kéo dài của dư âm ấy cũng đồng thời là sự kéo dài của họa độc tài.


Sự sùng bái của nhiều người dân Trung Quốc hiện nay đối với thần tượng Mao Trạch Đông của họ chính là một minh chứng hùng hồn cho sự kéo dài ấy.

Hiện tượng ấy lại cho thấy sự khó khăn và gập ghềnh trong tiến trình dân chủ hóa ở khắp nơi, đặc biệt, ở các nước độc tài từng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác.

Liên quan đến vấn đề dân chủ hóa, nói chung, có mấy đặc điểm chính: Một, đó là một xu hướng chung của thế giới. Giới nghiên cứu - đi tiên phong và tiêu biểu nhất là Samuel Huntington - chia tiến trình dân chủ hóa ấy thành từng đợt, giống như đợt sóng, hết đợt thứ nhất (từ khoảng 1810 đến khoảng 1922) đến đợt thứ hai (khoảng 1944-1957), thứ ba (khoảng từ 1974 đến đầu thập niên 1990), và gần đây, với sự sụp đổ của nhiều chế độ độc tài ở Trung Đông và châu Phi, nhiều người lại nói đến đợt sóng dân chủ thứ tư. Hai, tuy nhìn chung, các đợt sóng dân chủ hóa ấy có sức mạnh mãnh liệt, hết càn quét chế độ độc tài ở nước này lại càn quét chế độ độc tài ở nước khác, tiến trình dân chủ hóa vẫn có những thoái trào nhất định: thay vì phát triển theo đường thẳng, nó lại chạy lòng vòng hoặc theo những đường cong đầy khúc khuỷu, như những gì chúng ta đang nhìn thấy ở các nước Hồi giáo Trung Đông và Bắc Phi. Ba, trong sự phát triển của dân chủ, có một số nơi dường như may mắn, ở đó, dân chủ một khi đã xuất hiện cứ ngày một nảy nở xum xuê; ở một số nơi khác, ngược lại, nó cứ còi cọc, quặt quẹo, lúc nào cũng có nguy cơ bị chết héo.

Đặc điểm thứ ba vừa nêu thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu. Họ đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao dân chủ có thể phát triển dễ dàng ở nơi này hơn ở nơi khác? Tại sao, trên lý thuyết, dân chủ nhắm đến việc phát huy quyền tự do của mỗi người, đáng lẽ mọi người phải hân hoan đón nhận, thế nhưng, ngược lại, nhiều người, rất nhiều người, kể cả những người thiếu tự do nhất, lại dửng dưng, thậm chí, run sợ, muốn quay mặt đi? Tại sao?

Tất cả những câu hỏi tại sao ấy lại dẫn đến một câu hỏi khác: Vậy, điều kiện, hoặc những điều kiện chính của dân chủ là gì?

Câu hỏi này sẽ dẫn đến một câu hỏi khác có tính thực dụng và thực tiễn hơn: Để xây dựng một chế độ dân chủ thực sự, yếu tố nào cần được xây dựng trước?

Trong cuốn Người Đông Á quan niệm về dân chủ như thế nào (How East Asians View Democracy) do Columbia University Press xuất bản năm 2010, các nhà biên tập, Yun-han Chu, Larry Diamond, Andrew J. Nathan và Doh Chull Shin, trong lời giới thiệu, đã chia cuộc hành trình nhận thức về dân chủ thành ba giai đoạn chính:

Thứ nhất, giai đoạn đầu, từ thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, các lý thuyết gia cho rằng có nhiều yếu tố tác động đến quá trình tiến hóa của dân chủ, trong đó, có yếu tố văn hóa chính trị. Đi tiên phong trong giai đoạn này là Dankwart Rustow, người cho rằng cuộc dân chủ hóa nào cũng bắt đầu, trước hết, bằng sự thống nhất của quốc gia, sau đó, bằng việc tranh đấu để chấm dứt sự bất bình đẳng về các phương diện chính trị, kinh tế và xã hội, sau đó, là quyết định xây dựng các thiết chế cần thiết cho dân chủ; và cuối cùng, mọi người, từ trí thức đến bình dân, dần dần làm quen với dân chủ để ứng xử theo các nguyên tắc dân chủ.

Thứ hai, suốt thập niên 1970 và thập niên 1980, không hiểu sao giới nghiên cứu lại xao nhãng yếu tố văn hóa chính trị. Mọi người đều chỉ tập trung vào cấu trúc xã hội, những thay đổi trong giới trí thức và các thiết chế chính trị.

Thứ ba, từ thập niên 1990 đến nay, người ta lại chú ý đến văn hóa chính trị, hơn nữa, xem văn hóa chính trị như là yếu tố trung tâm trong tiến trình dân chủ hóa. Trong cái gọi là văn hóa chính trị ấy, người ta không những chỉ tập trung vào giới trí thức mà còn cả giới bình dân, nếu không muốn nói, đặc biệt là giới bình dân: Chính niềm tin và thái độ của giới bình dân là một trong những yếu tố quyết định vận mệnh của dân chủ.

Nói một cách tóm tắt, hiện nay, phần lớn giới nghiên cứu về chính trị học đều tin là, để có dân chủ, người ta cần có nhiều thứ, ví dụ, một, sự thức tỉnh và dấn thân của giới trí thức; hai, sự phát triển của kinh tế phải đến một mức độ nào đó, để, một mặt, có một tầng lớp trung lưu tương đối mạnh, mặt khác, để mọi người không còn chỉ biết hùng hục lo cho miếng cơm manh áo, những nhu cầu sơ đẳng và nhỏ nhặt hằng ngày; ba, một môi trường quốc tế thích hợp và có tác động tích cực đến xu hướng dân chủ hóa; và bốn, quan trọng nhất, là thái độ của quần chúng.

Nhìn vào tình hình chính trị ở châu Á những năm gầy đây, các nhà nghiên cứu cho rằng hầu hết các nền dân chủ non trẻ ở đây đều gặp thử thách nghiêm trọng. Không kể Trung Quốc, nơi chưa có dân chủ, từ Hong Kong đến Đài Loan, từ Thái Lan đến Mông Cổ, từ Hàn Quốc đến Nhật Bản, ở đâu cũng có những đợt khủng hoảng, với những mức độ khác nhau, về dân chủ.

Lý do chính, theo các tác giả của cuốn Người Đông Á quan niệm về dân chủ như thế nào là vì nền tảng của tính chính đáng của dân chủ ở đó còn rất yếu ớt và mong manh. Một mặt, nhiều người dân vẫn nuối tiếc cái thời độc tài đã qua. Tự do gắn liền với cạnh tranh; cạnh tranh cần sự quyết liệt và có sự hơn thua rõ ràng: Những người thua cuộc, nhất là trong cuộc chạy đua về kinh tế và quyền lực, dễ có tâm lý bất mãn. Tâm lý này, thật ra, cũng rất dễ nhìn thấy ở Nga và Đông Âu hiện nay: người ta thấy cuộc sống dưới chế độ độc tài cộng sản trước đây có vẻ dễ dàng hơn, ở đó, ai an phận nấy, cứ đến tháng lại cầm sổ lương thực đi mua thịt mua cá, không phải tính toán hay cố gắng gì nhiều, dù với cái giá người ta phải trả là mất tự do. Mặt khác, người ta vẫn chưa quen với trò chơi dân chủ, chưa phục tùng quyết định của đa số, vẫn muốn dùng sức mạnh, hoặc bằng bạo lực hoặc của đám đông qua các cuộc xuống đường biểu tình để xóa bỏ kết quả của các cuộc bầu cử.

Điều cuối cùng vừa nêu thấy rõ nhất là ở Thái Lan. Cứ bất mãn chính phủ điều gì là người ta lại xuống đường biểu tình để đòi thay chính phủ, bất chấp sự kiện chính phủ ấy đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu trước đó. Xin lưu ý là ở các quốc gia có truyền thống dân chủ lâu dài và vững chắc ở Tây phương, người ta cũng thường xuống đường biểu tình nhưng mục tiêu của các cuộc biểu tình ấy là nhằm để gây sức ép làm thay đổi một số chính sách nào đó chứ không phải là thay đổi bản thân chính phủ. Việc thay đổi chính phủ, người ta để các lá phiếu quyết định.

Ở đây, chúng ta thấy có sự khác biệt quan trọng trong nội dung của văn hóa chính trị ở các nước đã có dân chủ, dù là dân chủ non trẻ và ở các nước chưa có dân chủ. Điều kiện để nuôi dưỡng dân chủ, ở các nước đã ít nhiều có dân chủ, là sự tin tưởng vào thể chế và giới hạn mục tiêu tranh đấu vào lãnh vực chính sách, trong khi đó, ở các nước chưa có dân chủ, điều kiện thiết yếu là sự bất tín nhiệm đối với thể chế hiện hữu và nhắm đến mục tiêu thay đổi thể chế.

Trong trường hợp thứ hai, tiến trình dân chủ hóa ở các nước chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác gặp nhiều khó khăn hơn, chủ yếu, vì áp lực của các huyền thoại giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp vốn được hệ thống tuyên truyền của nhà nước nuôi dưỡng quá lâu. Với các huyền thoại ấy, người ta hoặc vẫn tiếp tục có ảo tưởng vào một tương lai tươi sáng nào đó hoặc đâm ra dễ dàng tha thứ cho các tội ác trong hiện tại, xem chúng như những cái giá cần phải trả cho một thiên đường mai hậu. Đó là chưa kể, vì sống quá lâu dưới ách độc tài, chỉ cần một lời hứa hẹn hoặc một sự thay đổi nho nhỏ, người ta đã thấy thỏa mãn.

Chính sự thỏa mãn ấy là dưỡng khí cần thiết của các chế độ độc tài.
Nguyễn Hưng Quốc
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA) 

Viên chức Bộ Ngoại Giao tuyên bố bỏ đảng và lên tiếng về nhân quyền

“…Tôi quan tâm không nhiều đến nội dung các bạn trình bày trong Phiên báo cáo kiểm điểm định kỳ toàn cầu lần này. Tôi biết các bạn là những người Việt Nam giỏi nhất trong việc viết báo cáo loại này và các bạn đã được cấp trên phê duyệt tỉ mỉ trước khi các bạn lên đường. Các bạn không thể nói khác được.…” 

Đặng Xương Hùng cựu Vụ phó Bộ Ngoại giao Việt Nam
Thư ngỏ gửi các bạn đồng nghiệp

Thư ngỏ gửi các bạn tham dự Phiên họp Kiểm điểm định kỳ toàn cầu về nhân quyền ở Việt Nam diễn ra vào ngày 5/2/2014 tại Genève - Thụy sĩ.

Các bạn thân mến,

Tôi tên là Đặng Xương Hùng. Tôi từng là Vụ phó Bộ Ngoại giao Việt Nam, từng là Lãnh sự Việt Nam tại Genève - Thụy sĩ (2008-2012). Tháng 10/2013, tôi từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam để bắt đầu cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Điều đầu tiên tôi xin bày tỏ cùng các bạn: tôi đứng lên chống lại đảng cộng sản Việt Nam, không có nghĩa là tôi chống lại các bạn. Tôi rất thông cảm với các bạn. Tôi đã cùng các bạn và tôi tin một ngày bạn cũng sẽ cùng tôi. Chúng ta, những người dân Việt Nam, đều là nạn nhân của đảng cộng sản Việt Nam.

Tôi hiểu các bạn đều đang tâm niệm mang lại những điều tốt lành nhất cho dân tộc Việt Nam. Nhưng do những trói buộc vô hình khiến các bạn đôi khi phải hành động không như mình mong muốn. Mỗi hành động và lời nói của các bạn đều phải tuân theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Tôi và các bạn đã cùng nằm trong hoàn cảnh như vậy.

Hiện nay, đảng cộng sản Việt Nam đã chọn con đường đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam. Họ quyết tâm duy trì chế độ đảng trị, phớt lờ những đòi hỏi dân chủ và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.

Tôi quan tâm không nhiều đến nội dung các bạn trình bày trong Phiên báo cáo kiểm điểm định kỳ toàn cầu lần này. Tôi biết các bạn là những người Việt Nam giỏi nhất trong việc viết báo cáo loại này và các bạn đã được cấp trên phê duyệt tỉ mỉ trước khi các bạn lên đường. Các bạn không thể nói khác được.

Những bằng chứng về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam luôn luôn thừa thãi, mà chính các bạn là người nắm đầy đủ nhất. Điều mọi người quan tâm nhất là thái độ của các bạn tại Phiên họp lần này.

Cái tâm nằm trong con tim và khối óc nhưng muốn có được cái tâm trong sáng, cần được thể hiện ra ngoài bằng thái độ và hành động.

Các bạn đã có tấm lòng thương yêu nhân dân và dân tộc Việt Nam, các bạn nên biểu hiện bằng hành động. Đó là các bạn nên chăm chú lắng nghe, ghi chép đầy đủ và báo cáo trung thực tất cả những gì mà bên ngoài nói về nhân quyền ở Việt Nam. Các bạn nên làm những điều này với sự chân thành và cầu thị nhất.

Genève, ngày 19/1/2014,
Các bạn đừng nên chú ý vào những hành động nhỏ nhen mà các bạn vẫn làm lâu nay, như là cử người đi xếp hàng sớm để lấy chỗ đăng ký cho các tham luận của một số nước bao che cho Việt Nam như Lào, Cu Ba. Tước đi cơ hội của những nước quan tâm, mong muốn góp ý về nhân quyền cho Việt Nam tại Phiên họp. Các bạn đừng nên đi thu nhặt hết những tài liệu phân phát của các đoàn, như của đoàn ông Võ Văn Ái, rồi về vứt vào sọt rác cơ quan, tước đi quyền được tiếp cận thông tin của tất cả mọi người. Các bạn đừng cử người gây cản trở hoặc gây sự mất chú ý đến các hoạt động của các đoàn đại biều trong và ngoài nước đến đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam.

Những hành động như vậy chưa chắc có sự chỉ đạo trong nước mà là tự “sáng kiến” của các bạn, với mong muốn được “ghi công” trong “thành tích” bảo vệ nhân quyền cho Việt Nam. Tôi thiết nghĩ, khi thời thế thay đổi, thì chính các bạn lại thành người bị phê phán.

Tôi rất mong tại Phiên họp lần này các bạn sẽ hành động theo đúng lương tâm của mình. Các bạn nhất định sẽ được hoan nghênh.

Con người là quý giá nhất trên hành tinh chúng ta. Nhân loại đang vươn tới mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền của mọi con người. Hội đồng nhân quyền đưa ra sáng kiến Kiểm điểm định kỳ toàn cầu về nhân quyền cũng là nằm trong mục tiêu này.

Chúng ta là công dân Việt Nam, đồng thời cũng là công dân toàn cầu. Vai trò của các bạn là rất lớn cho tương lai của dân tộc Việt Nam. Nhất là khi Việt Nam được bầu là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Một lần nói thật, ta sẽ không còn phải mất công bao bọc sự giả dối.

Tôi biết các bạn đã “mất” Tết để chuẩn bị cho Phiên họp này. Nhân dịp Tết Giáp Ngọ, tôi xin chúc các bạn một năm mới sức khỏe dồi dào, hạnh phúc tràn đầy và có tấm lòng trong sáng vì một cuộc đổi mới toàn diện cho đất nước Việt Nam chúng ta.
Đặng Xương Hùng
Genève, Thụy sĩ
Nguồn: ethongluan.org 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét