Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam : Ai sẽ bị chế tài ? - Nguyễn Văn Linh trong cuốn Bên Thắng Cuộc

Nguyễn Văn Linh trong cuốn Bên Thắng Cuộc

Thấy báo chí dạo này bắt đầu nhắc đến ông NVL – Nguyễn Văn Linh. Căn cứ vào cách làm việc của mấy bác trong ban tuyên giáo và Bộ 4T tôi nghĩ chắc là những bài về bác NVL là nằm trong kế hoạch tuyên truyền cả. Nói đến bác này, tôi nghĩ đại đa số người dân đều nghĩ đến bác ấy như là người khởi sướng “Đổi mới”, người cởi trói cho văn nghệ. Nhưng đọc Bên Thắng Cuộc thì thấy bác này là người rất bảo thủ và hình như chẳng nắm rõ tình hình thế giới nên khi ra ngoài có những động thái cười ra nước mắt.

Trong Chương 14 (Quyển II – Quyền bính) kể rằng bác NVL này không ưa bác Võ Văn Kiệt:
[trích] Ông Bùi Văn Giao kể: “Vừa nghe ông Linh nói chọn ông Mười, tôi thắc mắc ngay ‘Sao không chọn ông Kiệt?’. Ông Linh kể một loạt cái xấu của ông Kiệt rồi nói: ‘Khi tôi mất Bộ Chính trị, về Sài Gòn, Sáu Dân không bao giờ gặp tôi’. Anh Linh tốt nhưng thành kiến ai thì chết người đó”. [hết trích]

Đoạn viết về ông NVL đi thăm Đông Đức mới là sống động. Đọc đoạn này mới thấy mấy người trong khối XHCN họ cư xử với nhau không đẹp mấy. Đoạn này còn cho thấy vai trò nhỏ bé của VN và những ý kiến của phía VN (thật ra là của ông NVL) làm cho mấy tay trùm như Gorbachev và Honecker xem thường bác ấy lắm. Họ thậm chí nói móc, nói xỏ lá nữa chứ (chú ý câu chào của Gorbachev). Tôi nghĩ nếu tôi là ông NVL tôi sẽ đáp trả một vài câu thích đáng, nhưng không thấy Huy Đức cho biết ông NVL có nói gì trước lời chào “xỏ lá” của Gorbachev.

[Trích] Tháng 10-1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tới Berlin dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập Nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Theo ông Lê Đăng Doanh: “Quyết địng đi dự 40 năm Quốc Khánh CHDC Đức là quyết định trực tiếp của cá nhân anh Linh. Anh Linh đã bàn với Bộ Chính trị về việc phải triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội. Anh sang Berlin là để gặp các đồng chí để bàn về việc ấy và gặp Gorbachev. Trong một cuộc họp, anh Linh nhận xét: Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.

Ngày 4-10-1989, từ Hà Nội, hãng Interflug của Cộng hoà Dân chủ Đức dành cho ông Linh một ghế hạng thương gia, các thành viên cao cấp khác – Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Trợ lý Tổng bí thư Lê Xuân Tùng, Phó Ban Đối ngoại Trịnh Ngọc Thái, Đại sứ Tạ Hữu Canh và thư ký Lê Đăng Doanh – chỉ ngồi khoang hành khách thường.

Một lễ đón đơn giản được tổ chức tại sân bay Berlin-Schronefeld rồi sau đó đoàn về khách sạn. Năm giờ chiều ngày 6- 9-1989, cuộc mit-tin lớn bắt đầu, trên lễ đài: Honecker ngồi giữa, một bên là Gorbachev, một bên là một phó thủ tướng, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – Honecker muốn thể hiện chính sách đề cao Trung Quốc làm đối trọng với Gorbachev; Ông Nguyễn Văn Linh được ngồi hàng đầu nhưng ghế thứ hai từ ngoài vào, bên cạnh ghế hàng đầu cuối cùng của Phó Thủ tướng Lào. Trong suốt chuyến thăm chính thức ấy, phía CHDC Đức không thu xếp cho ông Linh một buổi gặp chính thức nào với Honecker hay một nhà lãnh đạo khác. Thế nhưng, điều đó đã không làm ông Nguyễn Văn Linh từ bỏ ý đồ đóng vai trò trung tâm cứu nguy chủ nghĩa xã hội.

Trong ngày 6-10-1989, giữa Berlin rét mướt, ông Nguyễn Văn Linh đã tìm gặp các nhà lãnh đạo cộng sản đến dự lễ quốc khánh để thảo luận về một sáng kiến mà ông đưa ra: triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Ông Linh nói: “Phe ta đang diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, đòi hỏi quốc tế vô sản phải siết chặt hàng ngũ. Đảng Cộng sản Việt Nam thấy nên có một hội nghị để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tình đoàn kết”.

Đa số các đảng cộng sản làm ngơ đề nghị của ông Linh, chỉ có Batmunkho Tổng bí thư Mông Cổ, Phó Thủ tướng Hernandez của Cuba, Tổng bí thư Ceaucescu của Rumania, Tổng bí thư Đảng vừa thất cử của Ba Lan Jaruzelski, Chủ tịch Đảng Cộng Sản Tây Đức (DKP) Herbert Mies là chấp nhận gặp. Chỉ có Helbert Mies, lãnh tụ của một đảng không cầm quyền và Phó thủ tướng Cuba Hernandez là tự tới nơi ông Linh ở. Theo ông Lê Đăng Doanh, những người khác chỉ tiếp ông Nguyễn Văn Linh tại phòng riêng của họ.

Đến nơi ở của các nhà lãnh đạo khác mới thấy cách đối xử của Erich Honecker với ông Nguyễn Văn Linh. Theo ông Lê Đăng Doanh: Trong khi ông Linh chỉ được xếp một phòng đôi lớn hơn phòng các thành viên khác trong đoàn một chút thì chỗ ở của Ceausesscu là một khu vực gồm nhiều phòng. Ông Linh và tuỳ tùng phải đi qua một sảnh lớn nơi có một đội cận vệ 12 người bồng tiểu liên AK báng gập đứng chào. Ceaucesscu đã để ông Linh phải ngồi chờ rất lâu. Ông Linh nói: “Mày liên hệ thế nào mà giờ không thấy nó”. Tôi bảo: “Tính thằng này nó hình thức thế”. Một lúc sau thì Ceausesscu ra, chính ông ta lại là người tỏ ra hăng hái ủng hộ sáng kiến của ông Nguyễn Văn Linh nhất. Ceausesscu thậm chí còn đòi để Rumani đăng cai. Tuy nhiên, cả Ceausesscu và các nhà lãnh đạo cộng sản khác đều nói với ông Linh: “Vấn đề là ông kia, nếu ông ấy không đồng ý thì rất khó”. “Ông kia” đề cập ở đây là Gorbachev.

Trước khi ông Nguyễn Văn Linh rời Hà Nội, Ban Đối Ngoại đã liên lạc với phái viên Liên Xô và được Gorbachev đồng ý sẽ có cuộc gặp vào ngày 8-10-1989, hai bên đều mang theo phiên dịch Nga-Việt và Việt-Nga cho cuộc gặp. Hôm đó, ông Linh đang đau rất nặng. Từ 19 đến 21 giờ tối 6-10-1989, sau phần đọc diễn văn, cuộc mit-tin được chuyển từ trong một lâu đài ra một lễ đài ngoài trời duyệt quần chúng, thanh niên rước đuốc. Ông Lê Đăng Doanh kể: Đám thanh niên tuần hành sôi lên sùng sục kêu tên Gorbachev, “Gorby! Gorby!”. Anh Linh chỉ mặc bộ complet, tối nhiệt độ xuống khoảng 8 C, cận vệ quên mang áo lạnh, ông Nguyễn Văn Linh đứng run bần bật, kêu tôi: “Tao lạnh quá”. Tôi phải nói với một viên tướng Đức đứng cạnh đấy: “Tổng bí thư của tôi quên mang áo ấm”. Viên tướng cho mượn tạm tấm áo choàng của ông ta.

Sáng hôm sau, 7-10-1989, theo lịch trình, mười giờ sẽ có duyệt binh, nhưng tám giờ, ông Nguyễn Văn Linh triệu tập họp Chi bộ Đảng thông báo tình hình sức khỏe: “Mình thấy có gì đó không bình thường, không nhắm được mắt, miệng cứng, không ăn được”. Về sau bác sỹ xác định đó là triệu chứng liệt dây thần kinh số 7. Mọi người đề nghị ông Linh không ra lễ đài, ông Nguyễn Khánh thay ông Linh dự duyệt binh rồi báo với “bạn”. Phía CHDC Đức mời ông Linh ở lại khám chữa bệnh và khuyên ông không nên về trong lúc này. Tuy bệnh tình càng ngày càng nặng, nước mắt chảy ra nhiều, miệng có biểu hiện bị méo và nói bắt đầu khó khăn, ông Nguyễn Văn Linh vẫn hy vọng rất nhiều vào cuộc gặp với Gorbachev.

Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê Đăng Doanh: Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một ngụm nước mới nuốt được.

Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một toà lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp Tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: “Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh”.

Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: “Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế”. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: “Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!”. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: “Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước”.

Cuối cùng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến truyền thống viện trợ của Liên xô và khi ông đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế hoạch 5 năm 1990-1995 của Việt Nam thì Gorbachev xua tay. Không còn xã giao, lịch sự như phần trên nữa, Gorbachev nói: “Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Theo ông Lê Đăng Doanh: Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong “tình hữu nghị thắm thiết”.

Tối 8-10-1989, từ lâu đài của Gorbachev trở về, ông Nguyễn Văn Linh không dự chiêu đãi của Honecker mà đi thẳng vào bệnh viện Chính phủ ở Berlin-Buch. Ông được điều trị tại “Station 7” – nơi dành riêng cho Bộ Chính trị của CHDC Đức – mỗi khu cho một bệnh nhân có nhiều phòng cạnh nhau cho tuỳ tùng đi theo cùng ở. Trong “Station 7” được trang bị truyền hình có thể bắt được các kênh phát đi từ Tây Đức. Thời gian đó, hàng trăm nghìn người dân Đông Đức đã đổ xuống đường phố Leipzig và Đông Berlin đòi phế truất Honecker.

Sau lễ mừng Quốc khánh, Honecker cũng phải vào “Station 7”, nơi ông ta có một biệt thự riêng ở đó. Honecker cầu cứu Gorbachev nhưng cũng như với Nguyễn Văn Linh, Gorbachev lại lịch sự từ chối. Ông Lê Đăng Doanh kể: “Tôi dịch cho ông Linh những thông tin trên truyền hình: Cảnh sát và người biểu tình đụng độ nhau ở khắp nơi. Cộng hoà Dân chủ Đức nói đã có 160 cảnh sát bị thương”.

Nhưng cảnh sát không thể ngăn chặn những cuộc biểu tình của người dân Đức. Ngày 18-10-1989, Eric Honecker từ chức, Egon Krenz, một uỷ viên Bộ Chính trị trẻ tuổi, thay ông giữ chức bí thư thứ nhất. Ông Lê Đăng Doanh kể: “Tình hình cũng không vì thế mà có cải thiện. Chúng tôi lo lắng, nhỡ có chuyện gì xảy ra khi đang còn ở đây thì nguy, trong túi thầy trò không hề có một đồng đô-la lận lưng nào cả. Tôi bảo bác sỹ có thuốc gì tốt thì cấp cho xếp tao để ông đủ sức khỏe bay về”.

Vào lúc mười một giờ ngày 23-10-1989, trước khi rời Berlin, ông Nguyễn Văn Linh đã đến chúc mừng Egon Krenz vừa lên nhận cương vị mới. Cuộc gặp vừa để chúc mừng Egon Krenz, vừa để đưa tin công khai về sự vắng mặt dài ngày của ông Linh. Ông Linh là vị nguyên thủ duy nhất kịp bắt tay Krenz. Ngày 24-10-1989, toàn thể Bộ Chính trị và Đại sứ CHDC Đức ra tận cầu thang sân bay Gia Lâm đón Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Lễ đón rất trọng thị, mọi người thăm hỏi sức khỏe và khuyên ông Linh nghỉ một thời gian để chữa bệnh tiếp.

Không chỉ có Erich Honecker và người kế nhiệm, ông Egon Krenz, theo Gorbachev thì chính phương Tây cũng có nhiều nỗ lực để ngăn chặn quá trình thống nhất nước Đức. Từ Thatcher (Anh), Mitterrand (Pháp) cho đến Andreotti (Ý) đều “muốn ngăn chặn người Đức thống nhất thành một quốc gia hùng mạnh trở lại và họ chờ đợi Liên Xô đưa xe tăng vào Đức cùng với quân lính của Gorbachev”. Nhưng, theo Gorbachev: “Sự sụp đổ của bức tường Berlin chỉ là hồi chót của một quá trình đã diễn ra từ rất lâu. Khi Liên Xô bắt đầu tiến hành một loạt thay đổi mang tính bước ngoặt, như tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên… Khi tiến trình giải trừ quân bị bắt đầu giữa Nga và Mỹ để chấm dứt Chiến tranh Lạnh”(115).

Ngày 9-11-1989, biên giới giữa Đông và Tây Đức được mở ra. Ngày 10-11-1989, người dân bắt đầu phá bỏ bức tường Berlin. Vài tháng sau, chế độ cộng sản ở Đông Đức sụp đổ. Cũng trong ngày 10-11-1989, Todor Zhivkov cũng bị phế truất sau ba mươi năm trị vì ở Bulgaria. Tại Praha, người dân đổ ra đường yêu cầu Husak từ chức. Alexander Dubcek, người bị Liên Xô bắt giữ hồi “Mùa xuân 1968” bắt đầu xuất hiện cùng với đoàn người biểu tình. Một tháng sau đó Husak từ chức. Ngày 29-12-1989, Vaclav Havel, được bầu làm tổng thống đầu tiên của Tiệp khắc.

Ở Rumani, chế độ của nhà độc tài Ceausescu đã phải sụp đổ trong một cuộc biểu tình đẫm máu. Lực lượng an ninh Rumani tấn công những người biểu tình trong khi quân đội ủng hộ dân chúng. Hàng trăm người dân bị giết chết. Chỉ hơn một tháng rưỡi sau khi tán đồng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tổ chức một hội nghị quốc tế cứu vãn phe xã hội chủ nghĩa, ngày 25-12-1989, Tổng bí thư Nicole Ceausescu và vợ ông đã bị những người biểu tình đem ra xử bắn. [Hết trích]
  Nguyễn Văn Tuấn 
  (FB Nguyễn Văn Tuấn) 

Người Việt và TQ phạm tội kỷ lục ở Nhật

Siêu thị ở Nhật
Người Việt đứng đầu về trộm đồ siêu thị và trộm đồ theo nhóm

BBC

Các vụ phạm tội của người Việt Nam và Trung Quốc khiến số vụ phạm tội của người nước ngoài ở Nhật tăng lần đầu tiên trong 9 năm, theo truyền thông Nhật Bản.
Trang Japan Today hôm 27/3 dẫn số liệu của Cục Cảnh sát Quốc gia nói trong số 9.884 vụ bắt giữ người nước ngoài trong năm 2013, 4.047 liên quan tới người Trung Quốc, 1.118 là người Việt Nam và 936 người Hàn Quốc.

Tổng số vụ tăng 8% so với năm 2012 và đây là lần đầu tiên số vụ phạm tội của người nước ngoài tăng ở Nhật trong gần 10 năm qua.
Trang Jiji Press còn nói thêm người Việt Nam đứng đầu danh sách các vụ trộm đồ bị bắt tại các cửa hàng.
Và người Việt cũng có số vụ bị bắt vì trộm đồ theo nhóm nhiều hơn bất kỳ người từ các quốc gia nào khác.
Vẫn theo trang này, số vụ phạm tội của người Việt Nam ở Nhật Bản đã tăng gần 60% trong 9 năm qua, từ 713 người bị bắt hồi năm 2004 lên 1.118 người năm 2013.

Xử lý nghiêm

Mới hôm 26/03, truyền thông Nhật đưa tin về vụ văn phòng của hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại Tokyo bị cảnh sát Nhật lục soát, và nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc bị nghi ngờ chuyển quần áo ăn cắp trị giá 125.000 Yen.
Cảnh sát Tokyo còn nghi ngờ khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines có liên quan việc buôn lậu.
Trả lời BBC Tiếng Việt từ Hà Nội hôm 27/03, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam nói sẽ xử lý nghiêm và ‘không dung túng’ vụ nhân viên hãng hàng không quốc gia bị bắt ở Nhật.
Ông Phạm Quý Tiêu cho biết phía Bộ đã nắm được thông tin và chỉ đạo tổng công ty hàng không xử lý.
Thứ trưởng Việt Nam nói: “Trước đây cũng đã có một vụ việc xảy ra và chúng tôi yêu cầu xử lý rồi. Bộ không dung túng gì chuyện này cả.”

Năm công an đánh chết người ra tòa, chối tội ‘đánh đòn quyết định’

Phiên tòa xử vụ các cán bộ công an thành phố Tuy Hòa dùng nhục hình tra tấn làm chết một thanh niên nghi can vụ trộm diễn ra hôm 26 tháng 3, 2014, sau hơn nửa tháng trì hoãn. Nguyên nhân kéo dài vụ xử được cho là vì 19 trong số 23 cán bộ công an vắng mặt tại tòa với tư cách nhân chứng.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, tại phiên tòa này, vẫn có tới 16 nhân chứng vắng mặt, trong đó có ông Lê Ðức Hoàn, phó trưởng công an thành phố Tuy Hòa, nhân vật đứng đầu chuyên án vụ bắt giữ và điều tra, cuối cùng làm chết nghi can là ông Ngô Thanh Kiều.


Gia đình nạn nhân bị công an đánh chết xuất hiện tại tòa. (Hình: báo Dân Trí)

Ông Ngô Thanh Kiều, sinh năm 1982, cư dân huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, bị bắt hồi tháng 5, 2012 vì nghi dính đến một vụ trộm tại thành phố Phú Yên. Tài liệu điều tra ban đầu của cơ quan kiểm sát Tuy Hòa nói rằng, nạn nhân đã bị các cán bộ điều tra của công an Tuy Hòa xét hỏi, tra tấn, dùng nhục hình đánh đến chết vào ngày 13 tháng 5, 2012. Lúc đó, nạn nhân 30 tuổi.

Xuất hiện tại phiên tòa, Bác Sĩ Hoàng Việt, giám định viên của Trung Tâm Giám Ðịnh Pháp Y tỉnh Phú Yên nói rằng, trên người nạn nhân có rất nhiều vết thương nhưng đó không phải là nguyên nhân gây tử vong. Theo ông, nạn nhân chết vì bị chấn thương sọ não.

Tổng cộng có 5 bị cáo xuất hiện trước vành móng ngựa trong phiên tòa trên. Tất cả đều là sĩ quan công an tùng sự tại ban chỉ huy công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, gồm Nguyễn Minh Quyền; Nguyễn Tấn Quang, cùng là đội phó trinh sát Phòng Cảnh Sát Ðiều Tra Tội Phạm; Phạm Ngọc Mẫn, Ðỗ Như Huy, Nguyễn Thân Thảo Thành, đều là cán bộ điều tra, trinh sát của công an thành phố Tuy Hòa.

Trong ngày thứ hai của phiên tòa, sáng 27 tháng 3, 2014, lời khai của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành đã khiến rất nhiều người rơi lệ. Ông này kể như sau: “Khi tôi vào, thấy anh Kiều ngồi gục xuống ghế, hai tay bị còng ra phía sau. Tôi hỏi mấy câu nhưng anh Kiều không nói. Tôi cầm gậy cao su định đánh thì anh Kiều van xin, xin anh đừng đánh em, sáng giờ em bị đánh bầm giập rồi.” Thành nói vì lý do này nên bị cáo không đánh ông Kiều.

Trong khi đó, theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát thành phố Tuy Hòa, chính Thành là người đã bổ gậy lên đầu khiến nạn nhân thiệt mạng. Bị cáo Thành bị đề nghị mức án từ 5 đến 12 năm tù giam. Tuy nhiên, tại phiên tòa trên, Thành bác bỏ cáo buộc nói ông là kẻ đánh đòn quyết định làm chết nạn nhân. Theo Thành, Quang và Quyền, hai ông đội phó trinh sát Phòng Cảnh Sát Ðiều Tra Tội Phạm đã dùng gậy cao su đánh rất nhiều cú vào người ông Kiều chứ không phải vài cái như lời khai.

Tại phiên đối chất trước tòa, một cán bộ công an thành phố Tuy Hòa xuất hiện với tư cách nhân chứng nhất mực cho rằng, đã trông thấy ông Nguyễn Thân Thảo Thành dùng dùi cui đánh ông Kiều, bất chấp lời kêu la thất thanh đau đớn của nạn nhân. Thêm một chi tiết đáng chú ý, theo báo Người Lao Ðộng, Nguyễn Thân Thảo Thành nói rằng “ai đó đang ngồi dưới kia, nhưng không khai nhận tội đánh vào đầu ông Kiều.” Thành cho rằng, ông không phải là người đánh vào đầu làm nạn nhân thiệt mạng.

Theo báo Tuổi Trẻ, một nhân chứng có mặt tại phiên tòa lại bị tố là người đá “nhiều cú” vào thân thể nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Người này là Lê Hải Phú, cán bộ công an thành phố Tuy Hòa.

Trong khi các bị cáo và kể cả nhân chứng, đổ tội cho nhau việc đã đánh “đòn quyết định” vào đầu, làm ông Ngô Thanh Kiều tử vong, người nhà của nạn nhân bật khóc nhiều lần. Báo Dân Trí dẫn lời bà Tuyết, chị ruột của nạn nhân nói: “Hôm qua, các bị cáo và nhân chứng đã thừa nhận việc dùng dùi cui đánh em tôi, vậy mà bây giờ họ vẫn không nhận tội.”
Phiên tòa tiếp tục xử vào ngày hôm sau.
  (Người Việt) 

Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam : Ai sẽ bị chế tài ?

Dân biểu Ed Royce đang nói về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam

Dân biểu Ed Royce đang nói về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam@royce.house.gov

Thụy My -RFI

Vừa qua vào ngày 14/03/2014, dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã đệ trình Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam mang số hiệu HR 4254 ra Quốc hội Hoa Kỳ. Dự luật này dự kiến trừng phạt những quan chức Việt Nam « đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam ». Biện pháp trừng phạt gồm những hạn chế về du hành và tài chính.
RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở TPHCM về vấn đề này.

Nhà báo Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn
27/03/2014
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét