Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Tham nhũng dưới chế độ Cộng sản

Tham nhũng dưới chế độ Cộng sản


http://danlambaovn.blogspot.com/2014/03/tham-nhung-duoi-che-o-cong-san.html#more
Thư ngỏ gửi ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
(Xin lỗi ông, gửi thư kín, ông không trả lời. Cực chẳng đã, phải gửi thư ngỏ. Sẽ gửi, cho đến khi nào, đích thân ông trả lời)
Tên tôi là: Nguyễn Tiến Dân.
Địa chỉ: 208 Định Công Thượng – quận Hoàng mai – Hà nội.
Điện thoại: 0168-50-56-430

A. Thưa ông Chủ tịch, sau khi bài “Mại dâm dưới chế độ CS” lên trang, tôi nhận được nhiều lời thăm hỏi, động viên, chia xẻ. Trong lòng, ấm áp vô cùng. Vì thấy trên đời, quanh mình, còn có bao nhiêu tấm lòng nhân hậu. Lòng xót thương – thông cảm, các bác ấy giành cho các cháu có mảnh đời bất hạnh. Lời chê trách, các bác ấy đều ưu ái, giành hết cho chính quyền CS của các ông.
Nhiều bác cũng lo cho tôi. Sợ lời nói thẳng của tôi, khiến chính quyền CS khó chịu. Họ sẽ tìm cách hãm hại. Thân cô – Thế cô, đâu có đấu lại được với nhà cầm quyền. Trong khi, họ dư thừa những thủ đoạn bỉ ổi và thường xuyên dùng chúng.
Tôi xin các bác đó cứ yên tâm. Trong vụ này, chính tôi mới là người chủ động lôi những người CS nhập cuộc. Họ vẫn rúc sâu trong hang. Chứng tỏ, tôi đâu có giỏi giang gì. Ngược lại, những người CS, họ cũng khổ tâm lắm. Khi, không chịu chui ra khỏi hang:
- Chui ra khỏi hang, chắc chắn phải nói đến chuyện bồi thường thiệt hại cho tôi. Cả gốc lẫn lãi, đã trên chục tỉ VND. Trong khi, từ xưa đến nay, họ chỉ quen thói ăn cướp của dân. Đâu có nghe nói, họ bồi thường cho dân bao giờ. “Xử lí” tôi, tránh sao khỏi mang tiếng: Lũ kẻ cướp, xử người bị hại.
Mà trong đấu tranh, thắng bại, bao giờ cũng bắt đầu bằng chữ 道 (đạo). Nghĩa là, phải có chính nghĩa. Thua cuộc, là phần chắc chắn mà họ sẽ nhận được.
- Không chui ra khỏi hang, nghe thằng Tí hon ngoài kia dóng dả: “Cu ơi cu, ra mà ăn kẹo”. Tức lộn ruột lên đầu ấy chứ. (À, mà ông đã nghe chuyện tiếu lâm ấy chưa?)
- “Tiến thoái lưỡng nan”. Phải không, ông Chủ tịch?
B. Giờ, xin trở lại với đề tài: “Tham nhũng dưới chế độ CS”.
1. Tổ chức Minh bạch Quốc tế định nghĩa: “Tham nhũng là lợi dụng quyền hành, để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân”.
Là 1 tổ chức có uy tín. Nhưng, họ thật không biết điều tí nào. Khi, chỉ xếp Việt Nam đứng thứ 116, trong số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ, được khảo sát về chỉ số tham nhũng toàn cầu. Một con số, chẳng đáng được tự hào. Cố mà phấn đấu, để sắp tới, được đứng ngang hàng với Bắc Triều Tiên, ông nhé.
2. Từ xưa đến nay, đảng CS của các ông luôn to còi, hô hào: “Quyết liệt chống tham những”. Thậm chí, còn rùm beng, đưa ra xét xử cả mấy cái gọi là “đại án tham nhũng”. Dốt quá, tự dưng “vạch áo cho người xem lưng”:
- Xử Dương Chí Dũng, lòi ra hệ thống bổ nhiệm cán bộ “theo đúng qui trình” (?) của đảng CS. Thật tự hào, chỉ Việt nam ta mới có những “qui trình” nhăng cuội này. Những “qui trình” đưa bọn dốt nát, phá hoại lên làm lãnh đạo. Và chúng, đã kịp làm tan nát, biết bao nhiêu tiền bạc của Nhân dân.
Xử Dương Chí Dũng, lòi ra cách điều hành xã hội, theo kiểu “Dĩ tư – vi thượng”. Người em Dương Tự Trọng quên rằng: Phép nước mà Nhân dân giao cho mình, chỉ dùng vào việc công. Ông ta, dùng ngay cái phép công ấy, để bao che cho tội tày đình của ông anh.
Xử Dương Chí Dũng, lòi ra 1 thực tế: công an liên kết với xã hội đen.
Xử Dương Chí Dũng, lòi ra vụ hối lộ ông Phạm Quí Ngọ. Chưa kịp sờ đến ông Ngọ, ông ta đã lặng lẽ lìa trần. Hú vía.
- Xử Huỳnh Thị Huyền Như, lòi ra cách quản lý tiền bạc, vô cùng tồi tệ của Ngân hàng. Lòi ra ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), ông Trần Xuân Giá …
Nay mai, xử ông Kiên, ông Giá. Chắc chắn, sẽ lòi ra những lời khai, chấn động địa cầu. Có thể, nó sẽ ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ.
- Khôn ngoan, hãy làm cho vụ án chìm xuồng. Khôn hơn nữa, hồ sơ của những “đại án tham nhũng” khác, tống ngay vào sọt rác.
3. Ông Chủ tịch, cho chúng tôi nói thẳng. Các ông không thể chống tham nhũng được. Bởi:
Tham nhũng = Độc quyền – Bưng bít thông tin – Trách nhiệm giải trình.
- Tạm dịch, môi trường lí tưởng để tham nhũng phát triển: Chế độ thì độc tài – Thông tin thì bưng bít (không cho tự do ngôn luận) – Chính quyền không phải giải trình, không phải chịu trách nhiệm với bất cứ quyết định sai trái nào.
- Chế độ CS sở hữu cả 3 nhân tố trên. Chống tham nhũng, tức là chống chế độ. Chống chế độ, tức là đưa đất nước vào con đường tự do, dân chủ thực sự (Không phải thứ tự do, dân chủ mang “đặc thù” Việt nam – Như các ông vẫn thường rêu rao). Các ông có làm được không?
4. Các dạng thức Tham nhũng ở Việt nam.
a. Tham nhũng quyền lực:
- Cơ chế hiện nay: Đảng CS, được độc quyền lãnh đạo xã hội.
Đã là lãnh đạo, thì có quyền nói bừa, làm ẩu. Đã là lãnh đạo, thì cấm không ai được phê bình mình. Đã là lãnh đạo, thì không phải chịu trách nhiệm về bất cứ 1 thứ gì, mà mình đã chót “ị” ra. Nói khác những điều đó? Chỉ có thể, là “Các thế lực thù địch và phản động”, là “Âm mưu diễn biến hòa bình”. Hiển nhiên, nơi cư trú tiếp theo sẽ là: Ngục tù CS.
- Xin lỗi ông. Với cơ chế, làm mà không phải chịu trách nhiệm: 1 con Lừa cũng có thể dễ dàng làm tốt vai trò của Tổng Bí thư –1 con Lợn cũng có thể dễ dàng làm tốt vai trò của Chủ tịch nước –1 con Bò cũng có thể dễ dàng làm tốt vai trò của Thủ tướng –1 con Khỉ cũng có thể dễ dàng làm tốt vai trò của Chủ tịch Quốc hội. Cần gì phải bầu những người có tài – có đức, như 4 ông hiện nay. Cho mất thì giờ của Nhân dân. Cho hoài tài của 4 ông đó.
Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT, đã từng hùng hồn chém gió: “Có một thứ không bao giờ thay đổi ở tôi, đó là thói quen thích làm những việc khó và không bao giờ biết chán nản hay nao núng ý chí”. Còn người dân, chúng tôi đã chứng kiến, hậu quả của những việc ông ta làm.
Nếu dám làm, gắn kèm với dám chịu. Tôi tin, ông ta nói riêng và những cán bô CS khác nói chung, sẽ phải nói khác.
- Với cơ chế, làm mà không phải chịu trách nhiệm: Khi chọn cán bộ, người ta không cần chọn những người có đạo đức. Những người tài giỏi, thông minh. Những người, có thể: Biến không thành có – Biến khó thành dễ. Như tiền bối của các ông.
- Với cơ chế, làm mà không phải chịu trách nhiệm: Các ông, luôn tìm cách gạt người khác ra, để cấy con em mình, vào những ghế quyền lực. Đế chúng vơ vét của Nhân dân. Còn đất nước này, dẫu có bị phá nát, chúng cũng đâu có biết đến ngục tù và giá treo cổ (Nếu, chúng thực sự phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân Việt nam. Như chính tay các ông, đã ghi vào Hiến Pháp)
b. Tham nhũng từ những dự án, có nguồn gốc nước ngoài.
- Với cơ chế, làm mà không phải chịu trách nhiệm: Cán bộ CS, sẵn sàng bắt tay liên kết với các nhà thầu nước ngoài. Ở đó, chúng rút ruột những đồng vốn ODA quí giá, mà Nhân dân ngoại quốc, chắt chiu từ tiền thuế của họ, dành cho ta.
Chúng, làm Nhân dân các nước viện trợ ODA cho chúng ta, phẫn nộ. Chúng, làm nhục Quốc thể. Chúng, không chỉ gây thiệt hại về vật chất, mà còn tạo môi trường đầu tư xấu. Chúng, làm sa sút lòng tin của nhân dân và uy tín của Nhà nước CHXHCN Việt nam.
- Công trình, sau khi bị rút ruột, có chất lượng thế nào, chắc không cần nêu dẫn chứng. Nhưng, nếu có nhu cầu, xin ông hãy lên tiếng.
c. Tham nhũng của công.
- Những người CS, họ không thể giải thích minh bạch, để cho mỗi người dân Việt nam hiểu được:
-Việt nam hút được dầu mỏ. Mỗi năm được bao nhiêu tấn? Bán được bao nhiêu tiền? Dùng vào việc gì? Trong khi, người dân vẫn phải mua xăng dầu với giá cao vào hạng nhất trên thế giới. Vậy số tiền đó, nó chui vào túi ai? Tương tự với tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản khác.
-Việt nam vay nợ nước ngoài, nghe nói đã đến trên trăm tỉ USD. Số tiền đó, đã đi đâu? Đã làm việc gì? Vào túi ai?
- Với cơ chế, làm mà không phải chịu trách nhiệm: Người ta thản nhiên làm Bô xít. Mặc dù đã nhìn thấy trước: Làm, là lỗ về kinh tế. Làm, là hại về môi trường. Làm, là tàn phá bản sắc Văn hóa của bà con các dân tộc ở Tây Nguyên. Làm, là tạo ra lỗ thủng về An ninh – Quốc phòng. Những thứ đó, Nhân dân Việt nam phải chịu. Còn người ra quyết định, họ được 1 mở tiền tham nhũng để chia nhau.
- Với cơ chế, làm mà không phải chịu trách nhiệm: Tỉnh tỉnh đòi xây sân bay – Huyện huyện đòi lấp ruộng “bờ xôi, ruộng mật” để xây Khu chế xuất, để làm sân golf. Dăm năm nữa, khi dân số tăng lên, khi biến đổi khí hậu, khiến cho diện tích canh tác lúa nước thu hẹp. An ninh lương thực không bảo đảm, người ta cũng chẳng thèm đếm xỉa đến để làm gì.
- Với cơ chế, làm mà không phải chịu trách nhiệm: Người ta thản nhiên tuyên bố, sẽ làm đường sắt cao tốc. Cho trẻ con … đi học. Cho bà nấu bếp … đi chợ mua rau. Làm, không phải để cho thế giới biết rằng: “Nước Nam anh hùng và có chủ”. Chúng ta phải làm, để cho thế giới biết rằng: Người Việt nam … có chỉ số IQ cao.
- Với cơ chế, làm mà không phải chịu trách nhiệm: Mặc kệ cho trẻ con thiếu chỗ học. Mặc kệ cho người bệnh thiếu giường nằm. Vừa xây xong Trung tâm hội nghị Quốc gia, người ta bỏ đó, để cho thuê đám cưới. Tiếp theo, đập tan nát di tích lịch sử, có giá trị, không gì có thể đo đếm được, đối với chế độ CS: Hội trường Ba đình. Để xây mới toanh, 1 tòa nhà Quốc hội. Với chức năng … như cũ.
- Với cơ chế, làm mà không phải chịu trách nhiệm: Người ta lăm le đòi phá cây cầu Long biên lịch sử, do người Pháp xây dựng. Thế vào đó, 1 cây cầu Made in Việt nam, với chất lượng, hoàn toàn có thể dự đoán trước.
- Tất nhiên, phải có lý do, để người ta hăm hở làm những việc đó. Lí do ấy, đến đứa trẻ con, còn đang thò lò mũi xanh, nó cũng biết.
d. Lạm dụng quyền hành, Tham nhũng của những người dân.
- Với 3 loại trên, không phải ai cũng có điều kiện vào đó mà ăn được. Với loại cán bộ phổ thông, đại trà, Nhà nước có cách khác. Đó là: Tạo cơ chế, chính sách để cho chúng: “Lợi dụng quyền hành, để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân”. Có thể kể ra nhiều lắm:
- Từ những anh CSGT, không muốn làm nhiệm vụ chính của mình, là điều tiết giao thông. Họ chỉ thích túm 5 tụm 3, để bắt: Những người đi quá tốc độ. Những người chuyển hướng không bật xi nhan. Những người đè vạch vôi và Trấn lột của các bác lái xe đường dài.
- Từ những “hủ tục” cấp phép trong kinh doanh, trong xây dựng. Từ những qui định tréo giò, vô lý trong quản lý kinh doanh. Để, có thể đi “Kiểm tra – Thanh tra” bất cứ lúc nào. Để, công dân phải “nôn” tiền hối lộ. Nếu không muốn, bị bóp nghẹt sinh kế.
- Gia đình Đoàn Văn Vươn ở Hải phòng. Họ khai hoang, phục hóa. Đến khi “đất thục”. Cả “hệ thống chính trị” vào cuộc. Giữa thanh thiên bạch nhật: Cưỡng chế trái phép. San nhà trái luật. Sai trái đủ đường. Đến bây giờ, vẫn cãi chày cãi cối. Không thả nạn nhân. Không chịu bồi thường thiệt hại cho người ta.
5. Không gây phiền hà, không gây khó khăn, không lấy của dân?
- Ông và cả hệ thống tuyên truyền (Luôn yêu Sự thật – ghét sự Giả dối) của các ông, xin hãy 1 lần trung thực giải thích: Cán bộ CS các ông, với đồng lương ít ỏi. Biết lấy tiền ở đâu, mà ai cũng có thể: Xây nhà to – Sắm xe lớn – Tiêu văng mạng – Hối lộ cấp trên – Bao bồ bịch và cho con cái du học nước ngoài 1 cách thoải mái?
Làm sao mà trả lời được, phải không ông.
- Ông ạ, tham nhũng đã là căn bệnh trầm kha của chế độ CS rồi.
6. Chỉ có Tham nhũng, mới có thể làm sụp đổ chế độ CS.
- Đã từng có ý kiến cho rằng: “Độc quyền lãnh đạo” và “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là 2 tử huyệt của chế độ CS.
-Với ý kiến thứ nhất, xin phản biện: Nhân dân Hàn quốc, có được sự phồn vinh như ngày hôm nay. Là do, họ đã trải qua 1 thời kỳ, dưới sự lãnh đạo “độc tài” của vị Tổng thống ưu tú Pác Chung Hy.
-Với ý kiến thứ 2: “Khi chính quyền tử tế, có khả năng sử dụng đất đai một cách vô tư, hợp lý và công bằng, thì sở hữu toàn dân về đất đai có thể tạo ra một sức mạnh cộng hưởng để xây dựng đất nước” (Giáo sư Hoàng Xuân Phú)
- Bất công xã hội – Độc tài tàn bạo. Đó mới là nguyên nhân chính của các cuộc cách mạng. Và, nó sẽ làm sụp đổ chế độ.
Những chế độ độc tài tàn bạo, thường đàn áp nhân dân hết sức dã man. Chúng, muốn gieo rắc nỗi sợ cho họ. Để, họ không dám chống lại, sự thống trị của chúng.
Muốn làm cách mạng, phải làm cho nhân dân hết sợ. Cách ấy thật hết sức đơn giản: Hãy cho đông đảo người dân nghèo khó, tận mắt nhìn thấy cuộc sống xa hoa của quan chức. Họ sẽ nổi giận. Từ nổi giận, họ sẽ hết sợ. Từ hết sợ, họ sẽ nổi dậy.
- Những người lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Ukraina, họ đã dùng cách này. Họ, không chỉ cho người dân Ukraina, xem hình ảnh biệt thự của Yanukovych. Họ, mở hẳn cửa biệt thự và mời người dân vào sờ tận tay. Yanukovych, cả cuộc đời làm việc cho chính phủ. Không có một thu nhập nào khác, để có thể giải thích về khối tài sản này. Một cái cửa trong biệt thự, đã có giá 64.000$. Tương đương với 3 năm liền, Yanukovych làm và không ăn.
Xem xong, dân Ukraina đã hiểu: Tại sao, Yanukovych ra lệnh cho An ninh bắn vào người biểu tình. Họ phẫn nộ. Họ xuống đường. Họ thét vào mặt các sĩ quan và chiến sĩ An ninh: Các anh đang bảo vệ chế độ hay đang bảo vệ lũ ăn cắp? Những mũi súng từ từ gục xuống. Đoạn sau, mọi người đã biết cả rồi. Xin không nói nữa.
- Thưa ông Chủ tịch. Việt nam đâu phải là ngoại lệ. “Các thế lực thù địch và phản động” đầy dẫy. Chúng, vờ vịt ủng hộ chủ trương “chống tham nhũng” của đảng các ông, để dùng cách này.
- Sau khi đã đưa hình ảnh nhà đẹp của TBT Lê Khả Phiêu, TBT Nông Đức Mạnh, Bí thư tỉnh ủy Hải dương Bùi Thanh Quyến, cựu Chủ tịch Hà giang Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh Bình dương Lê Thanh Cung… cho dân nghèo Việt nam chiêm ngưỡng.
- Bây giờ, chúng liên tiếp đưa mạng Internet, hình ảnh nhà tuyệt đẹp của “Bao công Việt nam”: ông Trần Văn Truyền. Biệt thự lấn đất công của ông Huỳnh Đức Hòa, bí thư tỉnh ủy Lâm đồng. Chúng so sánh, đám cưới xa hoa của con ông Phạm Quý Ngọ, với hình ảnh bà mẹ già Việt nam, lưng còng, ngồi gục mặt bên gánh rau héo cạnh đường. Chúng đưa lời thú nhận công khai của ông Nguyễn Minh Triết, cựu Chủ tịch nước CHXHCN Việt nam. Nói rằng, ông ở trong tư dinh rộng vỏn vẹn… chỉ có hơn 10. 000 m2.
- “Củ chuối” nhất, khi ông nói với cử tri thiếu hiểu biết rằng, ông chỉ có 1 căn nhà 51m2. Chúng giật tít “Trương Tấn Sang thực sự có bao nhiêu nhà?”. Chúng dẫn chứng cụ thể từng căn nhà, được ai phân và ở thời điểm nào. Ông ơi, người dân chúng tôi đâu có biết chuyện “ma ăn cỗ”. Việc ông được phân bao nhiêu căn nhà, chỉ nội bộ nhà các ông, biết với nhau. Nay tóe loe ra thế này, chứng tỏ nội bộ các ông, lục đục lắm rồi. (Chắc chúng nó đổ điêu cho ông, phải không?)
-Kinh khủng quá. Té ra, nguyên nhân cốt lõi, để những người CS các ông, cố sống – cố chết đòi “Lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” đất nước chúng tôi là như vậy. Các ông dụ dỗ chúng tôi: “Mọi việc hãy để cho đảng và nhà nước lo”.
“Lo” cho người dân, chúng tôi chưa thấy. Chỉ thấy học phí – viện phí – điện – nước – xăng – dầu – cùng các loại thuế, phí tăng phi mã. Chỉ thấy các ông – các bà lãnh đạo, đang “lo” đấu đá: Để có thể chia nhau quyền lực. Để có thể chia cho nhau càng nhiều càng tốt, những gì, gọi là của cải, của dân tộc Việt nam. Hèn chi, những người dân chúng tôi, dù sống ở 1 quốc gia có “Rừng vàng – Biển bạc” mà vẫn nghèo – hèn mãi.
- Trong bài “Mại dâm dưới chế độ CS” có 1 bác phản hồi thật chí lí. Bác ấy viết rằng: “Khi mà 90 triệu người Việt Nam nhìn thấy rõ bản chất …(tôi lược đi 2 chữ, vì nó nặng nề quá) của cộng sản, thì chế độ cộng sản giả danh (xin nhấn mạnh chữ giả danh) ở VN sẽ bị tiêu diệt.”
- Ông ơi, thực tình tôi sợ chế độ của các ông đổ lắm. Các ông đổ rồi, lấy ai trả lại cho tôi số tiền mà chính quyền CS đã cướp của tôi. Cố mà giữ chính quyền, bằng cách chống tham nhũng. Ông nhé.
7. Chống tham nhũng bằng cách nào.
- Xưa nay, quanh đi quẩn lại, đảng của các ông, vẫn chỉ chống tham nhũng bằng món võ cổ truyền “phê bình và tự phê bình”. Tin chuyện đó thành công, khác gì tin chuyện: uống “Xuyên tâm liên” có thể chữa khỏi được bệnh ung thư.
- Trung Hoa cố đại có cuốn Lục thao, dạy phép Trị nước – An dân. Thiên “Tướng uy” của nó, có viết như thế này: 杀一人而三军震者杀之;赏一人而万人说者赏之. Sát nhất nhân nhi tam quân chấn giả, sát chi. Thưởng nhất nhân nhi vạn nhân duyệt giả, thưởng chi. Tạm dịch:
Xử 1 người mà toàn quốc chấn động, đợi gì mà không ra tay. Thưởng 1 người, nhưng nhân dân reo hò, đợi gì mà không thưởng.
杀贵大,赏贵小. Sát quí đại, thưởng quí tiểu. Tạm dịch:
Khi trừng phạt, phải chọn người có địa vị cao quí nhất. Khi tưởng thưởng, phải hướng tới những người có địa vị thấp hèn.
- Xưa, ở Việt nam, để chống tham nhũng, Cụ Hồ cho xét xử công khai, rồi tử hình và tịch thu tài sản của Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu. Từ đó, tham nhũng bị đẩy lui 1 thời gian dài.
- Nay, ở Bắc Triều tiên, để củng cố quyền lực của mình, Kim Jong Un sẵn sàng trừng phạt ngay cả nhân vật quyền lực thứ 2, là ông Jang Song Thaek. Sự kiện đó, chấn động không những nhân dân Bắc Triều tiên, mà còn gây kinh hoàng cho dư luận quốc tế. Bọn nhăm nhe, muốn ngồi vào cái ghế nhà họ Kim, chắc phải sởn gai ốc. Kim Jong Un, có thể còn trẻ người, nhưng không non dạ. Khoan hãy nói đến đúng sai, chỉ xét riêng về mặt củng cố quyền lực, công nhận, ông ta biết cách làm.
- Những người CS, có dám đem 1 con sâu Chúa ra xử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm không?
Đừng xử Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng, Phạm Thanh Bình… làm gì vội. Họ đều chỉ là những con tép riu. Đâu đủ để rung động cả xã hội.
8. Cuối cùng, có 1 thắc mắc. Do dốt nát, tôi nghĩ mãi, không tìm được lời giải:
Nước Việt ta, không thiếu gì những nhân tài. GS – TS Nguyễn Phú Trọng, là 1 trong những người đó. Ông ta, đã từng công khai tuyên bố trước Quốc Hội: “Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này, không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Thật kỳ lạ, chưa có ai hỏi (hay không dám hỏi) ông ta: “Chủ nghĩa xã hội, thì đang còn phải xây dựng. Chẳng biết khi nào xong. Xong rồi, thì mới vào đó mà sống được chứ. Vậy chớ ngay lúc này đây, dân Việt chúng tôi, đang phải sống dưới chế độ nào? Tư bản ư – Không phải. Phong kiến ư – Cũng không phải. Hay, đang sống dưới chế độ nô lệ?”.
Ông Chủ tịch, ông có giải đáp được thắc mắc, cho người dân chúng tôi không?
Chào ông

Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam : Ai sẽ bị chế tài?

Vừa qua vào ngày 14/03/2014, dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã đệ trình Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam mang số hiệu HR 4254 ra Quốc hội Hoa Kỳ. Dự luật này dự kiến trừng phạt những quan chức Việt Nam « đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam ». Biện pháp trừng phạt gồm những hạn chế về du hành và tài chính.

RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở TPHCM về vấn đề này.

Dân biểu Ed Royce đang nói về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam
Dân biểu Ed Royce đang nói về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam
RFI : Xin chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam do dân biểu Ed Royce đệ trình khác với dự luật nhân quyền Việt Nam đã được thông qua tại Hạ viện Hoa Kỳ như thế nào ?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Chắc chắn là có một sự khác biệt rất lớn. Một dự luật đề cập đến vấn đề thể chế và những vi phạm nhân quyền của thể chế đó, mang tính chất lên án : đó là dự luật nhân quyền Việt Nam. Dự luật này được đưa ra từ đầu năm 2013 – theo tôi nhớ là như vậy, và được Hạ viện thông qua vào tháng 8/2013 với một tỉ lệ phiếu tuyệt đối áp đảo. Nếu tôi nhớ không lầm là lên tới 98%, bằng đúng tỉ lệ mà các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đồng thuận bấm nút thông qua bản Hiến pháp không có một điều gì được sửa đổi, bổ sung, trái ngược với lòng dân ở Việt Nam vào cuối năm 2013. Đó là tinh thần của dự luật nhân quyền Việt Nam mang mã số HR 1897.

Nhưng còn dự luật HR 4254 là một dự luật nhắm vào các vấn đề khác. Đây là một dự luật đã từng có những bước đi đầu tiên ở đất nước Miến Điện vào năm 2011. Vào thời gian đó, những bản dự luật như HR 4254 đã có tác dụng khá lớn, vì lúc đó người Mỹ và phương Tây đã trừng phạt các quan chức công an, quân đội, cảnh sát Miến Điện với số lượng lên tới 5.000 người. Điều đó đã giúp cho Tổng thống Thein Sein chuyển từ chế độ quân phiệt độc tài sang một chế độ dân sự dân chủ, do đó thả tù chính trị.

Điều này bây giờ hình như cũng đang tái hiện ở Việt Nam vào đầu năm 2014 với sự khởi xướng của dân biểu Mỹ Ed Royce. Ông Ed Royce cũng là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, và đầu năm 2013 thì một số tinh thần của dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam đã được đưa ra tại Hạ nghị viện Mỹ. Nhưng đến đầu năm 2014 tình hình có vẻ kiên quyết hơn, với sự lên giọng của Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Chúng ta cũng đã thấy trong bản phúc trình về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2013 được đưa ra vào tháng 3/2014, một số đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, chẳng hạn bà quyền trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đã nói khá căng thẳng. Thậm chí họ đã phải dùng từ « toàn trị », « độc trị » - đây là từ ngữ lần đầu tiên họ dùng đối với Việt Nam.

Tiếp theo tinh thần đó tôi nghĩ không có gì ngạc nhiên khi dân biểu Ed Royce đệ trình dự luật HR 4254, nhắm vào các cá nhân vi phạm nhân quyền. Sự trừng phạt sẽ đến với các cá nhân này thông qua hai hình thức. Một là ngăn cản và cấm hoàn toàn đối với việc đi lại của họ - có khi còn dùng từ « du hành ». Nói trắng ra, đơn giản là sẽ không cho các quan chức này nhập cảnh vào Mỹ nữa.

Vấn đề thứ hai tôi cho là đắt giá hơn. Đó là tài sản của các quan chức nằm trong danh sách vi phạm nhân quyền sẽ bị phong tỏa tại bất kỳ nơi nào mà phương Tây và người Mỹ có quyền lực áp đặt ở đó, có thể nhúng tay vào đó. Có nghĩa là tất cả các quan chức trong tất cả những chế độ độc tài ở châu Á hoặc bất kỳ nơi nào trên thế giới đều rất lo sợ.

Vì một chế độ tham nhũng, độc đoán, độc tài đối với họ không đáng sợ bằng việc những cá nhân tham nhũng, chuyên quyền, vi phạm nhân quyền nhưng lại không có bất kỳ một lối thoát nào ra khỏi đất nước của họ. Một khi thể chế thay đổi như Mùa xuân Ả Rập, ở Tunisie, ở Ai Cập, lúc đó tình hình sẽ như thế nào ?

Chúng ta đã thấy số phận Kadhafi, với khối lượng tài sản tôi nghe nói lên tới 10 tỉ đô la chứ không phải là ít, nhưng không ra thoát được một đồng nào cả. Và số phận của Kadhafi cuối cùng là nằm dưới cống, như một xác chuột.

Đó là một điều khủng khiếp, và tôi nghĩ là HR 4254 – dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam đang nhắm tới điều khủng khiếp trong tương lai ấy. Và đây là sự khác biệt rất lớn giữa dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, với dự luật nhân quyền Việt Nam đã được thông qua trước đây. Theo những thông tin ngoài hành lang tôi được biết cho tới giờ này, khả năng Hạ viện Mỹ sẽ thông qua dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam là rất cao!

RFI : Anh vừa nhắc tới Miến Điện, như vậy anh tin là dự luật này nếu được thông qua sẽ có hiệu quả răn đe thực sự ?

Đây là hiệu quả răn đe thực sự đối với cá nhân. Vì như tôi đã nói, về mặt tâm lý của các quan chức trong chế độ độc tài và tham nhũng, thì việc mất thể chế đối với họ không quan trọng bằng việc mất tài sản cá nhân và ảnh hưởng tới sinh mạng của họ. Đó là tâm lý ích kỷ vốn có của các quan chức vốn ở trong một chế độ độc trị.

Cho nên họ nhìn vào bài học Miến Điện – và rất may là đã có bài học này rồi, nếu không có lẽ họ còn kéo dài nữa, và cái chết đối với họ gần như là một điều không thể tránh khỏi. Nhưng nhờ có bài học nhãn tiền của Miến Điện, tôi nghĩ sẽ có một số quan chức ngộ ra.

Họ nhận ra, thấy được con đường là dù sao cũng nên thỏa hiệp phần nào đó với nhân dân và làm cho bầu không khí có vẻ như là dân chủ hơn, đỡ căng thẳng hơn. Do đó có thể họ sẽ nhận thức được một điều cực kỳ quan trọng, là nếu chia sẻ quyền lực với nhân dân thì dù sao đó là lối thoát khả dĩ nhất của họ.

Có thể họ sẽ không phải lưu vong nữa, nếu chế độ thay đổi. Có thể họ vẫn giữ được tài sản, thậm chí họ chỉ cần chia sẻ một ít quyền lực với nhân dân như chế độ Thein Sein hiện nay mà thôi. Và như chúng ta thấy ở tình hình Miến Điện, chế độ Thein Sein đang tồn tại một cách khá vững chắc, cho tới năm 2015 là năm tổng tuyển cử, bầu lại tổng thống.

Thậm chí hiện nay uy tín của ông Thein Sein và của ông Than Shwe nữa - mặc dù trước đây cả hai người này đều ít nhiều dính dáng tới vụ đàn áp cuộc cách mạng áo cà sa ở Miến Điện - đã được phục hồi phần nào đó trong mắt dân chúng, và thuyết phục phần nào tại những nghị trường châu Âu, nơi mà họ đặt chân đến.

RFI : Nhưng những đối tượng đó có lẽ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, như cho con cái đi du học, chuyển tài sản ra các nước khác ?

Chúng ta đã thấy bài học cách đây hai mươi năm của ông Marcos, Tổng thống Philippines. Tài sản của gia đình Marcos lúc đó lên tới 20 tỉ đô la, nếu tôi nhớ không lầm, và bà vợ của Marcos riêng về giày dép thôi đã có tới 3.000 đôi giày rất « xịn », trong hoàn cảnh đất nước Philippines lúc đó nợ nước ngoài lên tới 122 tỉ đô la ! Tức là còn hơn cả GDP một năm của đất nước. Một chế độ gia đình trị, độc tài và tham nhũng kinh khủng.

Khi ông Marcos bị lật đổ, những người lên nắm quyền đã phải làm động tác truy tố, và tìm mọi cách xem những tài sản của ông ta, những nguồn tiền còn cất giấu nằm ở những ngóc ngách nào trên thế giới. Thực ra thế giới này không phải là quá rộng, đủ để cất giấu tiền. Nghe nói người Philippines đã thu giữ lại được một phần tiền của những kẻ tham nhũng như Tổng thống Marcos.

Đối với trường hợp Miến Điện hay với Việt Nam, tôi nghĩ nếu có một sự thay đổi về mặt chính trị, thì chắc chắn sẽ có một làn sóng xem xét lại. Việc này ở đây khác với châu Âu, khác với các nước ở Đông Âu, hay trường hợp Ukraina vừa rồi. Người châu Á có thể kiên định hơn, dứt khoát hơn, thậm chí là sắt máu hơn trong việc xét lại các vấn đề, như chủ nghĩa xét lại mà người Việt Nam đã quá thấm nhuần từ người Trung Quốc. Điều đó có thể dẫn tới một làn sóng hồi tố, thậm chí một cách cực đoan từ phía một bộ phận dân chúng, đối với các quan chức tham nhũng.

Chúng ta thấy những hình ảnh ở Ukraina, những người cảnh sát trong lực lượng chống bạo động quỳ xuống xin lỗi nhân dân, và người dân tiếp tục chửi rủa. Nhưng ở Việt Nam hay một số nước gần Việt Nam như Campuchia thì tôi không nghĩ là tình hình sẽ êm ả và xuôi chèo mát mái như vậy. Mà mọi chuyện có thể sẽ diễn ra theo hình thức đấu tố, và sau đấu tố sẽ là xét xử, sau xét xử có thể có máu đổ.

Đó là những kịch bản luôn luôn tồn tại trong lịch sử Việt Nam. Và nếu không cẩn thận thì những quan chức tham nhũng, vi phạm nhân quyền của Việt Nam sẽ phải lãnh chịu bài học đó trong một tương lai không còn xa nữa.

RFI : Dư luận trong nước hiện nay về dự luật HR 4254 ra sao ?

Đối với dư luận trong nước, tôi cho rằng không đặc biệt sôi nổi về dự luật này. Vì đây chỉ mới là một dự luật, chưa phải là luật. Thứ hai, người Việt Nam chưa quen với những dự luật loại này. Ngay cả các quan chức vi phạm nhân quyền, ngay cả những người đã ký kết tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Công ước chống tra tấn, họ vẫn chưa quen đối với những dự luật chế tài như thế này, và càng chưa quen được với tính hiệu dụng của nó. Họ chưa nắm rõ, thậm chí chưa hề biết được những gì đã diễn ra ở Miến Điện.

Nhưng đối với khối dân chủ, nhân quyền và một số người dân, trí thức quan tâm tới vấn đề chính trị, thì họ đặc biệt chú ý tới vấn đề này. Họ hy vọng. Thậm chí là đang diễn ra một cuộc bỏ phiếu trên mạng ủng hộ dự luật 4254 của dân biểu Ed Royce.

Với tâm lý của người Việt Nam, họ cho rằng có lẽ cũng phải làm chuyện đó thôi. Tại vì đòn roi phải song hành với củ cà rốt, không thể chỉ có ngọt ngào, mà phải luôn luôn có roi vọt. Và phải làm cho những ai đó quen thống trị biết sợ, lúc đó họ mới bớt đi thói cai trị độc đoán, vi phạm nhân quyền của họ. Có quá nhiều chuyện đang diễn ra ở Việt Nam, không chỉ vi phạm nhân quyền đối với giới bất đồng chính kiến, dân chủ nhân quyền, mà còn đặc biệt liên quan tới đời sống của người dân và các đối tượng dân chúng.

Chúng ta có thể thấy dân oan đất đai là một trong những biểu hiện của những người bị hành hạ, trấn áp nhiều nhất, bị vi phạm nhân quyền nhiều nhất. Ngay mới trong ngày hôm nay thôi, đọc tin trên báo trong nước thấy người dân ở tỉnh Ninh Thuận – một địa phương nghèo rớt mùng tơi, nghèo nhất quốc gia, nơi mà người ta nói là chó ăn đá gà ăn muối - chỉ phản đối dự án titan tàn phá môi trường, gây ảnh hưởng nặng nề đến dân sinh, mà sáu người bị khởi tố, trong đó ít nhất hai người bị bắt giam.

Điều đó cho thấy công an vẫn hành xử theo một thứ luật rừng. Họ chà đạp lên pháp luật, họ coi thường pháp luật. Một khi diễn ra làn sóng hồi tố từ phía người dân, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Người dân, đặc biệt là người dân phía Bắc có thói quen ghi nhận lại những hình ảnh, danh sách, tên tuổi, thậm chí địa chỉ của những người đã hành hạ họ. Và khi điều kiện thời thế thay đổi, lúc đó họ sẽ thẳng tay trả thù. Đó là đặc tính về mặt tâm lý của người dân Việt Nam nhất là phía Bắc, nơi có nhiều cái nôi được gọi là truyền thống cách mạng.

Tôi không dám bảo đảm nếu xảy ra những cuộc bạo động, bạo loạn ở Hà Nội hoặc ở các tỉnh phía Bắc thì những gì sẽ diễn ra. Chúng ta thấy gần đây đã có một số việc nhà bí thư xã, nhà trưởng công an xã bị ném mìn, gài bom, ném bom xăng vân vân. Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu mà thôi. Còn khi nào động loạn thực sự, lúc đó không biết chuyện gì sẽ xảy đến.

RFI : Theo anh nếu dự luật này trở thành luật, thì sẽ nhắm đến những vi phạm của chính quyền đối với giới bất đồng chính kiến, hay còn với những đối tượng khác nữa ?

Như tôi vừa đề cập, là sẽ nhắm tới cả những đối tượng khác nữa, mà đây mới chiếm số đông. Trong cuộc kiểm điểm định kỳ về nhân quyền (UPR) hồi tháng Hai tại Thụy Sĩ, các nước đã đặt ra khá nhiều vấn đề, khá nhiều câu hỏi – trên 200 câu hỏi đối với Việt Nam. Trong số 227 câu hỏi đó, có đến phân nửa liên quan tới vấn đề dân kế, dân sinh, dân quyền. Chẳng hạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, vấn đề ma túy, dân oan đất đai, môi trường…Ngoài ra còn lại là những vấn đề về tôn giáo, nhân quyền, tự do dân chủ.

Nhưng dự luật chế tài nhân quyền đề cập không chỉ đối với các hoạt động bất đồng chính kiến ở Việt Nam, mà còn với các đối tượng khác. Gần đây có hiện tượng như thế này. Do sức ép của phương Tây và dư luận tiến bộ quốc tế, Nhà nước Việt Nam và các địa phương đang bớt dần hoạt động bắt bớ đối với giới bất đồng chính kiến.

Thay vào đó, họ chuyển sang áp dụng một số điều luật hình sự liên quan tới các tội danh như cản trở giao thông như trường hợp chị Bùi Thị Minh Hằng, hay là gây rối trật tự đối với những người dân oan đất đai. Họ không áp dụng điều 258 hay điều 79, điều 88, 87 nữa, mà dùng những điều luật nhẹ hơn nhưng vẫn đủ để đưa những người đó vào tù.

Những người dân bình thường mới là những đối tượng chính mà theo tôi, dự luật nhân quyền Việt Nam, và dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam nên chú ý vào. Vì đó là những người chịu khổ nạn nhiều nhất ở Việt Nam, có thể nói đó là giai tầng dưới đáy.

Như đài RFI vừa rồi đã có thông tin trong tạp chí về đất đai rất hay, trong đó có một bà dân oan đất đai tên là Kim Lương đã nói rất thuyết phục, rất cảm động về hoàn cảnh của họ. Bây giờ họ không còn gì cả. Khi những người cộng sản vào Saigon, chỉ có cái ba lô và đôi dép râu mà thôi, trong khi người dân lúc đó có tất cả. Nhưng sau gần bốn chục năm, từ năm 1975 cho tới nay, những người dân như bà Kim Lương không còn gì hết.

Trong khi đó những người được coi là cộng sản thì lại có tất cả - nhà lầu xe hơi, kể cả những tài khoản ở ngoại quốc. Những tài khoản mà nếu đưa vào áp dụng dự luật HR 4254 chắc chắn sẽ phải chú ý vào. Đó là những tài khoản có thể nằm ở Thụy Sĩ, Canada, Úc, Anh, Pháp và Mỹ ; những tài sản kinh khủng mà các quan chức Việt Nam có thể đã tuồn tán ra nước ngoài.

Tôi cũng muốn nói thêm là so với tình hình ở Trung Quốc, các số liệu ở Việt Nam kém minh bạch hơn, thậm chí không có. Dù sao ở Trung Quốc, trong một chế độ khép kín như vậy, vào năm 2011 người ta vẫn có thông tin là trong 15 năm, từ năm 1997 đến 2011, đã có từ 17 đến 18.000 quan chức Trung Quốc tẩu tán khoảng 20 tỉ đô la ra nước ngoài. Đó là tài sản tham nhũng. Người dân và giới quan sát độc lập ở Trung Quốc thì cho rằng con số thực tế có thể gấp đén bốn, năm lần, tức là lên đến hàng trăm tỉ đô la.

Nhưng lạ một điều là ở Việt Nam hoàn toàn chưa hề có một số liệu nào về chuyện này, mặc dù vấn đề đã được bàn tán rất nhiều trong dư luận. Tất cả các giới đều biết, trong giới quan chức thì càng biết rõ, thậm chí họ nói về những người X, Y, Z nào đó đã tuồn tài sản ra nước ngoài và có bao nhiêu tài khoản ở ngân hàng ngoại quốc, con cái đi du học…

Chỉ có điều phía Việt Nam chưa bao giờ có một thống kê. Tất nhiên phía Nhà nước thì không có thống kê rồi, còn phía giới quan sát độc lập cũng chưa hê có nổi một con số nào về chuyện này.

Cho nên tôi nghĩ nếu trong trường hợp Việt Nam rơi vào tình trạng như Philippines hai mươi năm trước đây, thì sẽ khá cực cho một chính quyền mới khi họ sẽ phải tìm cách thu hồi lại những tài sản tham nhũng, chảy máu ngoại tệ quốc gia.

RFI : Theo anh, dự luật này có sẽ sớm trở thành luật, và áp dụng được trong năm nay hay không ?

Nếu vào năm 2013 thì tôi không dám chắc là HR 4254 có thể hiệu dụng và mang tính khả thi. Nhưng vào đầu năm 2014, có vẻ như tình hình đang chuyển biến, bắt đầu chính từ Bộ Ngoại giao Mỹ, và từ sự thay đổi thái độ khá nhiều của Tổng thống Barack Obama.

Chúng ta vừa thấy một chuyện trước đây chưa từng có là việc phương Tây và người Mỹ đã cấm các công dân ở bán đảo Crimée mang hộ chiếu Nga nhập cảnh vào châu Âu. Chuyện thứ hai nữa là ngay chính người Mỹ cũng chấp nhận luôn cả khả năng có thể diễn ra một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai trên thế giới với người Nga, mà không quá quan ngại.

Điều đó cho thấy người Mỹ đang xem lại thái độ, quan điểm và điều được coi là bản lĩnh, uy tín của họ trên trường quốc tế. Trong vài năm vừa qua, bất chấp việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyên quyền, và việc xảy ra ở bán đảo Crimée gần như là một sự cưỡng đoạt lãnh thổ, uy tín của ông Vladimir Putin lại tăng lên đột ngột chưa từng thấy, gần 80% - theo con số của những hãng điều tra độc lập ở Nga. Trong khi đó uy tín của Tổng thống Mỹ lại giảm đi đáng kể, sa sút một cách đáng quan ngại, trong khi kỳ bầu cử đang tới gần và đảng Dân chủ chắc chắn phải lo chuyện này.

Người ta cho là thế này. Mặc dù rất quan tâm và đã thành công khá nhiều về đối nội, đặc biệt là an sinh, phúc lợi y tế, lao động ; nhưng ông Barack Obama dường như không thành công lắm trong vấn đề đối ngoại. Dù gần đây có đưa ra được chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương, nhưng chưa thể hiện được nhiều.

Và thực ra nhiều nước trên thế giới đang vi phạm nhân quyền trầm trọng, trong đó có Việt Nam là một quốc gia bị đánh giá là thụt lùi sâu sắc về mặt nhân quyền, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu, cho dù vào tháng 7/2013 giữa hai quốc gia Việt – Mỹ đã có gặp thượng đỉnh tại Washington.

Chỉ đến cuối năm 2013, đầu năm 2014, trước sức ép, sự vận động liên tục của khối các nghị sĩ Cộng hòa và kể cả một số nghị sĩ Dân chủ về vấn đề nhân quyền, đặc biệt nhấn mạnh những vi phạm ở Việt Nam, lúc đó hình như ông John Kerry mới bắt đầu thay đổi một chút sắc thái. Và chúng ta thấy trong bản phúc trình nhân quyền về Việt Nam năm 2013, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã sắt đá hơn, cứng rắn hơn. Họ dùng những từ ngữ mạnh mẽ hơn.

Có hy vọng cho thấy HR 4254 là một dự luật không đến nỗi vô vọng. Và cứ theo đà này, tiếp tục với sự vận động của ông Ed Royce và những đồng nghiệp, đồng sự của ông - mà tôi nghe nói những nghị sĩ này có một nhóm lên tới 18 người, thì cho dù 2014 không thông qua được dự luật HR 4254 ở Quốc hội, nhưng về phía Hạ viện chắc chắn sẽ thông qua. Thậm chí thông qua với một tỉ lệ áp đảo không kém gì đối với dự luật nhân quyền Việt Nam đã được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tháng 8/2013.

Đó là cơ sở, nền tảng để cho những người như ông Ed Royce đặt vấn đề, nếu như Việt Nam không cải thiện về nhân quyền, thì chắc chắn là trong tương lai dự luật này sẽ được áp dụng. Thượng viện Mỹ sẽ được thuyết phục để thông qua, và một khi đã thông qua lưỡng viện rồi, thì Tổng thống chỉ còn việc ký mà thôi.

Và 90 ngày sau khi Tổng thống ký dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, thì toàn bộ danh sách các quan chức, công an, cảnh sát ở Việt Nam vi phạm nhân quyền, sẽ được công bố lên mạng của Bộ Ngân khố và Bộ Ngoại giao Mỹ. Vừa rồi 21 quan chức Nga đã bị người Mỹ trừng phạt. Với một cường quốc như Nga mà còn như vậy, thì Việt Nam có là cái gì đâu ?

Tôi nghĩ là vấn đề Việt Nam đối với người Mỹ và phương Tây nói chung đơn giản hơn rất nhiều. Nếu như ở Miến Điện, khoảng 5.000 quan chức đã bị lên danh sách trừng phạt, thì con số đó ở Việt Nam có thể tương đương hoặc hơn. Thậm chí nếu để cho xã hội dân sự Việt Nam lên danh sách về những quan chức vi phạm nhân quyền, thì danh sách này còn dài hơn nữa.

Và tôi cũng nghe một thông tin là, không nhất thiết phải đến khi dự luật HR 4254 được thông qua tại Thượng viện hoặc Hạ viện Mỹ thì lúc đó mới lên danh sách. Mà ngay từ bây giờ một số tổ chức dân sự trong nước và ngoài nước cùng phối hợp với những tổ chức phi chính phủ và nhân quyền quốc tế đã bắt đầu lập hồ sơ những quan chức, công an Việt Nam vi phạm nhân quyền. Họ đang làm điều đó, và sẽ đưa ra Quốc hội Mỹ trong thời gian không xa nữa.

RFI : Xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng. 
Thụy My
(RFI)
 

Với cái ác, người ta hay mang lịch sử ra để hù doạ


Lộc Phạm FB

Với cái ác, người ta hay mang lịch sử ra để hù doạ. Kiểu như: “làm ác đi, rồi lịch sử sẽ ghi tên mày suốt đời, nhục mãi mãi”. Nhưng có một đồng nghiệp nói với tôi rằng, trong cái thời lịch sử đậm hư cấu, bị lũng đoạn đến từng con chữ, thì người ta chẳng sợ gì lịch sử nữa. Họ biết, họ thấy sự trân tráo của lịch sử, vì họ cũng đã góp phần viết nên sự trân tráo đó mà! Thế thì, bản thân họ chẳng thể nào trân trọng cái lịch sử dối trá họ viết nên, thế thì làm sao mà họ sợ chính cái họ đang khinh bỉ, dù họ là tác giả của sự đáng khinh bỉ đó. Họ làm điều ác, điều phi nhân bản, phi nhân tính, phi khoa học, phi dân chủ, chống lại trí tuệ loài người, thì cũng chẳng buồn ái ngại với hai chữ “lịch sử”. Họ là những người tham gia cái “hội đồng” chấm lại luận văn của Nhã Thuyên. Khoa học cần là một sự tranh biện, cần một cuộc đối thoại. Kết luận của hội đồng chấm lại, thôi cứ cho là đúng, nhưng hãy công bố tất cả những lập luận mà hội đồng đã đưa ra, để người ta biết nó đúng cỡ nào. Mà nếu ai nói có cái đúng, cái sai trong văn học, trong lý luận phê bình, thì rõ ràng người đó cũng có thiên hướng sẽ viết lên những trang lịch sử trơ tráo, trắng trợn và đầy áp chế.

Vậy đâu rồi một cuộc đối thoại học thuật dân chủ? Vì một bên có quyền lực của cảnh sát, của quân đội nên bên kia đành câm lặng? Hay vì bên kia cũng chẳng buồn lên tiếng? Hay họ không có gì để lên tiếng? Ngại? Sợ? Hay sợ quá hoá khinh, nên chẳng buồn phí nước bọt?
Tôi ra ngoài bắc mấy lần, tiếp xúc nhiều đồng nghiệp trong ngành lý luận văn học. Đâu đâu người ta cũng nhắc đến hậu hiện đại, hậu thực dân, hậu cấu trúc. Bản chất của mọi cái “hậu” đó là sự phản kháng. Phản kháng lại chính những cơ chế đang áp bức mình, để cất lời, để được nhận diện. Vậy giờ đúng là lúc để cất lời nè! Lời đâu? Đây là lúc cần sự phản kháng thấm nhuần trong mấy cái lý thuyết của trời Tây mà người ta đang du dương với nhau.
Tôi tính trách cái nôi sinh ra cái luận văn ấy, nhưng trách gì nữa, cái nôi ấy cũng đã ra tay bóp chết đứa con mình tạo ra. Nhã Thuyên đã mất việc dưới bàn tay đưa nôi ấy.
Mấy lý thuyết hậu hậu hậu ấy hoá ra chỉ là những bông hoa dân chủ loè loẹt. Hoa giả, hoa không cần nước vẫn “sống”. À, hay đây là “bước lùi tạm thời” như bước lùi của chủ nghĩa xã hội trước sự hùng mạnh của chủ nghĩa tư bản?

Lang thang trên Facebook: mấy điều bộc bạch câu được câu chăng về chuyện hòa giải dân tộc và lòng khoan dung

André Menras, Hồ Cương Quyết
Phạm Toàn dịch
Ôi giời! Cái chuyện hòa giải dân tộc! Với rất nhiều người, đây là cả một chặng đường dài của người chiến sĩ, là nghệ sĩ nhào lộn không có lưới bảo hiểm, là cánh đồng đầy mìn, là nhiệm vụ bất khả thi, là đại ảo tưởng, là viễn cảnh mơ hồ… Với nhiều người khác, đây có thể là một đại nguy cơ hoặc là một cơ hội tột cùng, một âm mưu phải tuyệt đối tránh xa hoặc là một cơ hội phải túm lấy cho riêng mình, là một quyền lực tuột khỏi tay hoặc một quyền lực thu hồi lại được. Ngay từ hồi ký Hiệp nghị Paris thì bà con đã đả động đến chuyện ấy rồi. Hơn bốn chục năm thành tâm ao ước. Tuy nhiên, không có điều đó, thật khó mà thoát khỏi cái dạ dày thèm thuồng của bọn Tàu, cũng chẳng có tương lai đích thực nào trước thách thức phát triển hiện đại, bền vững, lành mạnh mà nước Việt đang đương đầu.
Khi ta thực lòng muốn hòa giải, thì chuyện hiển nhiên hình như là mỗi phía phải bắt đầu bằng việc chấp nhận phía bên kia, bên kia thế nào thì phải chấp nhận nó như thế, với cả một quá khứ do nó chọn hoặc bị khoác lên vai, và phải trút bỏ đi cái chuyện lý lịch. Vứt bỏ đi, ngay cả khi cái quá khứ đó đã được nâng niu tới tột cùng. Ngay cả khi quá khứ đó đã tiêu hủy một phần cuộc đời mình hoặc / và cuộc đời kẻ khác rất đỗi mến thương. Cái bước đi thứ nhất này đòi hỏi phải có những giá trị nhân bản và ái quốc phi thường. Nó cũng đòi hỏi phải có một tầm nhìn tương lai khôn ngoan và sáng suốt, một trí tuệ cùng trái tim cởi mở, những điều không thể có được đối với những đầu óc nghèo nàn và những trái tim khô héo cùng những tham vọng cá nhân.
Những lời thủ thỉ trên Facebook
Sau một thời gian mấy tháng vùi đầu chìm đắm trên Facebook, đặng lắng nghe những gì tôi gọi bằng những «lời thủ thỉ», và trước khi đưa ra vài lời «còm», xin cho tôi gửi tới các bạn lộn xộn đủ thứ «văn tuyển» công khai mà đọc lên tôi chẳng thấy phấn khởi chút nào. Còn xa đấy mới là những chuyện ngoại lệ, những «văn tuyển» này tiêu biểu cho những dòng ý kiến lớn mà tôi bắt gặp.
Nỗi lo sợ chính quyền hiện hành, và cả sự cam chịu nữa
“Tôi biết được những gì chú viết lên facebook, một khía cạnh nào đó, tôi là người Việt Nam, đang sống trong đất nước này, và dù tôi biết những gì chú đang muốn nói… nhưng xin lỗi vì tôi là người không liên can đến chính trị! Nên xin từ chối kết bạn cùng chú! Tôi không muốn bị phiền phức! Vì tôi chỉ là một công dân bình thường. Mặc dù tôi cũng là người chỉ muốn bảo vệ công lý! …Tôi không muốn những bài viết phản bác về chính quyền Việt Nam xuất hiện trên dòng cá nhân của tôi…
Những gì chú viết, suy nghĩ thực sự cháu hiểu hết, nhưng thưa chú, vì chú đang sống ở 1 đất nước khác chú ạ. Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng cần biết “chấp nhận”, vì vốn dĩ cháu còn có người thân, bạn bè… một khía cạnh nào đó, cháu và chú là người nói lên sự thật, mặc dù có nhiều điều trong cuộc sống chúng ta cần phải bảo vệ chân lý. Tuy nhiên, họ sẽ chẳng cần biết chú làm gì, là ai, và cháu làm gì là ai thì cũng sẽ quy kết vào tội có âm mưu phản kháng lại chính quyền, đất nước. Không phải người Việt Nam hèn nhát, nhưng họ cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh cho bản thân và gia đình thôi chú ạ! Mong chú sống vui nhé!”.

Khước từ lịch thiệp hoặc thô bạo quá khứ của kẻ khác

“Chú André Hồ Cương Quyết thân kính, nhìn cây “cờ” đó thấy muốn ói quá chú ơi! Cám ơn chú những bài viết hay. Nhưng mà chú quăng dùm cây “cờ” khốn kiếp đó, càng sớm càng tốt chú ơi”.
“Tên André Menras tự Hồ Cương Quyết, hãy chứng tỏ lòng yêu nước VN bằng cách công khai từ bỏ quốc tịch VC của mình, thừa nhận sai lầm chống phá VNCH, xin lỗi nhân dân miền Nam».
Đảng, đó là dân tộc!

“Thế này mà cũng được gọi là yêu nước á, yêu nước mà biểu tình đi chống lại các đường lối chính sách của Đảng không những thế mà còn nói xấu, bô kích Đảng”.
Nỗi sợ trả thù
“Tôi là người dân thôi, tất nhiên tôi cũng muốn Dân Chủ. Tôi chẳng hiểu Hòa Hợp Hòa Giải là gì và ai chủ xướng. Nhưng chắc chắn một điều tôi và những người dân lành không cần những kẻ chỉ biết trả thù, và có tinh thần sắt máu giết chóc lên đất nước này. Chúng tôi đã quá đau khổ vì tham vọng của những kẻ điên cuồng tự khoác cho mình cái áo này áo nọ rồi. Sợ lắm cái kiểu như vầy: “Còn đứa nào còn mang ảo vọng hòa hợp hòa giải (HHHG) thì nên xách cổ ra treo hết (chỉ là một cách nói thôi hén). Cũng may cái đám HHHG đang chết già từ từ “Tưởng tượng họ mà nắm quyền thì cái đất nước này sẽ có một cuộc trả thù khủng khiếp”.
Những “dư luận viên” các cỡ săn đuổi trên FB
“các bạn này toàn là dlv thôi, họ không chịu hiểu và không chịu đi tìm hiểu thì cũng vậy. Công việc của bọn họ là bẻ cong và che dấu những tội lỗi xâu xa, những sai trái mà đảng cs đang làm trên đất nước này nên mọi giải thích của bạn cũng chỉ là vô nghĩa với họ. Họ chính là những kẻ phản động hoặc kẻ tiếp tay cho phản động”.
“BỌN CHÓ !” (ngôn từ ưa dùng của nhóm VNTTT)
Không một ai thoát cảnh săn phù thủy!
“Đừng chup mũ …Chúng tôi không phải Việt Tân …Chúng tôi không phải là đảng phái nào khác trên thế giới… Chúng tôi là nhân dân VN trong hàng ngũ đảng cs nước ta… Chúng tôi không cần phải nhờ vào đế quốc Mỹ, chẳng bưng bô bán nước Tàu như các bạn… hèn hạ như các bạn. Nhân dân Việt Nam chúng tôi chắc chắn là sẽ thắng …!”.
Những lời cầu cứu rất cụ thể
“Trang này là để tranh luận chứ ko phải là chửi nhau nhá.
Xin xem xét và cứu giúp gia đình dân tộc bà Châu Thị Giá. Hiện cư ngụ tại tổ 17 – Ấp 03 Xã Xuân Hưng – Huyện Xuân Lộc – Tỉnh Đồng Nai. Đang bị bọn Cán Bộ Huyện Xuân Lộc – Tỉnh Đồng Nai trù dập đàn áp. Đi khiếu kiện mười mấy năm trời đất ở vẫn không có sổ đỏ (GCNQSDĐ). Trong thời gian gần đây một số Cán Bộ Huyện Xuân Lộc – Tỉnh Đồng Nai có thái độ hăm doạ đe doạ, đàn áp gia đình Dân Tộc Giá, có cho một người tên là An, có số điện thoại: 0974448722 xuống gặp gia đình bà Giá. Và có nói, nếu gia đình bà Giá còn đi khiếu kiện thì con cái của bà sẽ không được ăn, ở yên ổn. Trong vụ án khiếu kiện đất đai của bà Châu Thị Giá, có ông Chủ Tịch Huyện Xuân Lộc là ông Trần Anh Tuấn có số điện thoại: 0913757111 một Chủ Tịch Huyện nhu nhược, đã để vụ việc khiếu kiện đất đai của gia đình Dân Tộc Chăm (Hồi Giáo Islam) đi khiếu kiện đất đai mười mấy năm trời đất ở chưa có sổ đỏ (GCNQSDĐ), một Chủ Tịch Huyện Xuân Lộc – Tỉnh Đồng Nai lãnh đạo nguyên cả một Huyện, mà chỉ có một mảnh đất tranh chấp giữa gia đình bà Châu Thị Giá và gia đình Võ Diạng mà phải gần mười lần đo đạc, có cả Địa Chính Tỉnh và Địa Chính Huyện, có cả Toà Án Huyện + Viện Kiểm Sát Huyện + ngay cả Chủ Tịch Huyện ông Trần Anh Tuấn xuống tại hiện trường đo đạc đất, nhưng khi đo xong đất vẫn không cắm được ranh mốc đất. Vậy không biết những cán bộ Huyện Xuân Lộc – Tỉnh Đồng Nai này có TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN làm việc hay không mà Chính Phủ Nhà Nước Việt Nam vẫn cứ Bầu và để những Cán bộ được nêu trên làm việc, Đất Nước như vậy ?!”.
Thú thực là những điều đổi trao này làm tôi cảm động và cho tôi thấy quãng đường dài đất nước Việt Nam tội nghiệp còn phải đi. Trước hết, ta thấy là sau nhiều thế hệ, thì sự hằn thù vẫn còn đó nguyện vẹn, cái hằn thù ngày hôm qua lắm khi được nuôi dưỡng bởi cái hằn thù ngày hôm nay, thứ hằn thù sinh ra vì những đau khổ, những nhục mạ và những bất công mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng. Chắc chắn rồi, phe nào thì cũng có những “dư luận viên” (Tiếng Việt trong nguyên văn – ND) của mình, đó là những cá nhân hoặc những nhóm cá nhân, có khi chính thức có khi ngẫu nhiên. Mấy ông bà ấy quen thói dùng bạo lực ngôn từ, quen khiêu khích, họ là những chuyên gia chửi bới và vu khống. Có những người sống chuyên nghiệp nhờ cái việc làm bi thảm và vấy bẩn mình ấy. Không có chút vinh dự gì cho cái quyền lực trả tiền công cho những tên lưu manh trên mạng này, những con vẹt không hề biết mệt đang làm ô nhiễm bàn thờ của các giáo chủ “cộng sản” hoặc “chống cộng sản” của họ, tùy theo họ đang hầu hạ cho phe nào. Hạng này không đáng giá bao nhiêu, ngoại trừ việc nghe họ cao giọng để ta đo lường những gì họ phô bày ra, thấy được sức mạnh của những hành động và những ý tưởng thực sự dân chủ và đổi thay đang đe dọa chút chân lý tồi tàn họ đã được mớm cho, thứ chân lý áp đặt tuyệt đối và bất biến mà các vị ấy định đem ra để nuôi dưỡng và gây tê cho người dân của họ. Nhiều khi do thừa kế từ gia đình và cũng còn nhờ hưởng thụ một nền giáo dục đã được định dạng sẵn, các phe kình chống nhau tụ tập quanh các trục hận thù ấy đều hung hãn bám chặt vào lối diễn giải Lịch sử riêng của họ. Một thứ Lịch sử đã được cắt cúp tút tát cho vừa khổ, đã bị xóa, đã bị làm cho méo mó đi, đã bị “lãng quên”, bị cắt bỏ mọi thứ gì có hại cho sự nhất quán mượt mà của các bài diễn văn chính trị họ đọc sao cho hợp tình thế và sao cho các giáo điều của họ không bị mất trong sáng.
Ngược lại, điều đáng cho ta suy nghĩ, đó là những quan điểm của các công dân bình thường, họ rất đông, trong nỗi lo âu, trong hối hả, trong bất bình hoặc trong tuyệt vọng, nhưng luôn luôn trong bất bạo lực, họ đang kiếm tìm một lối thoát hữu ích cho các nỗi khổ đau cá nhân của riêng họ và của cả quốc gia dân tộc. Họ như thể những con tin vô tội nằm giữa hai bầy động vật chăn thả đang gầm gào như là đe dọa: “mọi kẻ nào không đi với ta đều là chống lại ta”… Điều khiến tôi đặc biệt quan tâm trong những xuất bản phẩm công khai và cả trong những cuộc “chat” kín đáo hơn, đó là mặt tâm lý, là những suy tư, những câu hỏi, những âu lo, những lời kêu gọi cầu cứu của những con người bình thường ấy, những bạn trẻ, và trước hết là những người sống bên trong Việt Nam.
Nhu cầu cấp bách đòi thay đổi và nỗi lo trước sự đổi thay đó
Nhận xét thứ nhất: những tiếng nói từ nơi xa đó, thường khi ký tên giả, chứng tỏ là mỗi người tùy theo cách thức riêng đều có một nhu cầu cấp bách muốn thay đổi đồng thời vẫn lo sợ sự thay đổi ấy: “Loại trừ một nền độc tài này, rồi liệu có rơi vào một nền độc tài khác không?” Hỡi ôi, đó lại là câu hỏi rất chính đáng, cứ xem cái giọng điệu và cái quá khứ của đôi ba «nền dân chủ» cực đoan thì biết. Một xác tín ban đầu xuất hiện bao giờ cũng rất sáng sủa trong các cuộc đổi trao đó: những người đang giương cao ngọn cờ của chế độ cũ không có một mảy may cơ hội quay trở lại. Nhân dân Việt Nam đã đóng góp quá nhiều cho cái bạo lực của nền «tự do» mà họ muốn xác lập lại rồi. Và những lời kêu gọi chém giết và báo thù chẳng có gì khiến họ yên tâm hết. Thậm chí họ còn có khuynh hướng đẩy tới gần hơn với chính quyền đương thời những ai có thể có khuynh hướng rời xa chính quyền ấy.
Những đối kháng chống Bắc Kinh hướng đến chống lại chính Đảng CS Việt Nam
Một nhận xét nữa: mặc cho Đảng cộng sản cố công cố sức bóp nghẹt thông tin nói chung, và đặc biệt là thông tin về chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh, vấn đề này vẫn là điều được quan tâm nhất hạng. Còn quan tâm hơn là chuyện tham nhũng trong Đảng, chuyện chiếm đất của nông dân. Tất thảy những tìm tòi nhung nhúc tính sáng tạo gần đây từ những bộ óc thông minh của ĐCS VN để giảm thiếu hết sức, thậm chí để ngăn chặn những cuộc tưởng niệm lịch sử các nạn nhân Việt Nam của bành trướng Tàu chỉ càng làm khơi dậy những câu hỏi, những nghi ngờ của nhân dân về tính dân tộc của cái đảng ấy, và từ đó, đặt lại những câu hỏi về tính chính danh của cái đảng đó. Những hành động phá hoại gây phẫn nộ của đảng chỉ càng nuôi dưỡng và củng cố vững chắc tình cảm yêu nước và một sự khinh bỉ thực sự đối với một cái đảng cứ muốn mình là kẻ dẫn đạo song lại đang tự hạ mình xuống thực hiện những hành động lố bịch đến thế. Về cơ bản, chính sách tích cực hợp tác của đảng này với cuộc xâm lăng của Trung Hoa đang làm kết tinh một lòng oán giận với đảng, một sự chối bỏ ngày một to lớn đối với cái đảng ấy. Chính sách của Đảng ta làm gắn chặt đảng đó vào thể chế của cái Đảng Lạ. Đến độ là những chống đối ban đầu chỉ là chống lại các cuộc xâm lăng của Bắc Kinh, thậm chí còn có thể đem lại chút uy tín cho Đảng cộng sản nữa nếu đảng này để cho nhân dân bày tỏ các tình cảm đó một cách tự do, về sau đã có khuynh hướng rõ ràng chống lại chính Đảng CS Việt Nam. Và nhất là chống lại các người lãnh đạo đảng này, vì có những đảng viên của Đảng này đã bỏ đảng và khước từ mọi hoạt động trong đảng. Nói chung, Facebook khẳng định điều đó, rằng với nhiều người Việt Nam, việc chống đối Bắc Kinh cũng là chống đối đảng cộng sản đang cầm quyền, và ủng hộ đảng cộng sản có nghĩa là chấp nhận sự đô hộ của Bắc Kinh.
Những lời kêu cứu
Vô số điều khẩn cầu, lắm khi tuyệt vọng, và bao giờ cũng chân thành đến là cảm động, mà tôi nhận được từ nhiều tỉnh khác nhau của Việt Nam, muốn tôi giúp thông tin rộng rãi những cảnh bị công an quấy đảo, bị hành hạ thể xác, bị cướp bóc tài sản, đã để lại trong tôi một vị đắng vì thấy mình bất lực và vô cùng phẫn uất. Tôi không có đủ lực để giúp đỡ. Tôi chỉ có thể công bố các thông tin mà tôi cho là có thực và để bạn đọc xác minh. Phần lớn các sự việc đó đều cho thấy là đã diễn ra chính xác. Trong các vụ việc đó cũng thấy các nạn nhân khốn khổ đã phải chịu cảnh đau khổ kép ra sao. Đó không chỉ là những nạn nhân vô tội, những nạn nhân thực sự của một nên độc tài cảnh sát trị, một nền tư pháp tai bị điếc, và một tình trạng tham nhũng hủ bại đủ sức hành xử bạo lực ở mức độ cùng cực, mà hơn thế, khi các nạn nhân ấy cả gan làm cho mọi người nghe rõ tiếng kêu đau khổ và hoảng loạn của mình, thì họ lại bị đối xử như là những kẻ đang làm công việc tuyên truyền lật đổ bị thao túng vì đống tiền từ bên Ngoài. Thật rất là đáng lo ngại khi ta biết rằng những con người đang cất tiếng nói công khai ấy chỉ là một thiểu số hết sức bé nhỏ các công dân bị lăng nhục, những con người vào được mạng internet và dám lên tiếng dù biết rằng họ bị kiểm soát rất gắt gao.
Hòa giải phản dân tộc: Đào kép cũ?
Tóm lại, thông qua từng lời của «những lời thủ thỉ» đó, tôi lường được rõ ràng hơn cái cơ chế hung ác quỷ quyệt của cái ê-tô phản dân chủ và điên loạn đang siết chặt nhân dân Việt Nam. Mỗi hành động xâm hại phản dân chủ từ phía các lực lượng công an cảnh sát mật vụ của chế độ hiện thời lại vang vọng đi và tạo thêm những tiếng kêu cứu của những nạn nhân, đến lượt họ lại nuôi dưỡng những lời kêu gọi hận thù từ phía những phần tử cực đoan đang tuyên ngôn sẽ phục hồi nền áp chế xưa, cái vang vọng hận thù này đến lượt nó lại được chế độ hiện thời dùng làm cái cớ về sự đe dọa của các “thế lực phản động từ bên ngoài” và gia tăng các hành động đàn áp trong nước nhân danh sự bình ổn, nhân danh an ninh quốc gia, nhân danh việc bảo vệ Nhà nước, bảo vệ các quyền lợi quốc gia… qua việc tôn trọng quá khứ.
Bất cần phải tìm hiểu cho kỹ hiện thời trong tình cảnh quốc gia lâm nguy thì quả trứng hay con gà đã khởi đầu cái chuỗi xoay vòng ấy: hai cực đang nuôi dưỡng lẫn nhau như những kẻ đồng lõa khách quan của cảnh khốn cùng về vật chất và diệt trừ tự do đó. Hình như cả hai phía ấy đều tuyệt nhiên không muốn chấm dứt những thống khổ của các công dân mà họ đang bày trong các cửa hiệu của mình, và cũng chẳng bên nào tỏ ra lo lắng cho việc cứu nguy đất nước. Họ ở rất xa với những đau khổ của người dân, họ an nhàn bám chặt vào các địa vị ở hai bên chiến hào đối địch có đệm êm và máy lạnh, để rồi từ các vị trí đó mà làm cho chia rẽ ngày càng chia rẽ trầm trọng, mà nhen lửa ở cả hai phía, mà cố tình ngăn cản cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc và đẩy đất nước vào cái bụng đang đói của ngoại bang, vào khốn cùng và vào viễn cảnh những chuyện bạo lực.
Một bạn trên Facebook bảo tôi: “Ai gieo gió thì gặt bão”. Có thể như vậy. Nhưng nhân dân là người mất nhiều hơn cả khi có bạo lực. Bao giờ thì những người khiêm nhường nhất cũng trả giá cao nhất cho những trận cuồng phong lịch sử ấy.
Một «bạn Facebook» khác đã chia sẻ với tôi tình cảm của mình được tôi hiểu như sau: “Trong bối cảnh kinh hoàng đó, ở một phía này, những kẻ giật dây trong bóng tối thì vẫn yên thân tại cái quốc gia tiếp nhận họ nơi họ đã sinh sống ổn định, thường khi đó là nơi ở thái bình mãi bờ bên kia đại dương. Còn ở phía kia, bọn giật dây ấy sẽ hạ cánh yên lành sau những ngân khoản sụ đang đợi họ tại chính những xứ sở «phản động» sẽ đón tiếp họ. Cũng rất có thể, mà điều đó đã nhỡn tiền rồi, những “kẻ thù không đội trời chung” sẽ lại chung tay mở một ngôi hàng trong cùng một công ty đa quốc gia, con cái của bọn họ lại cùng học tại cùng những ngôi trường có giá nhất và chiều chiều chúng nháy mắt chào nhau theo cùng cung cách hiểu ngầm rồi cùng gặp gỡ nhau tại một dạ hội cực kỳ sang trọng. Thật là một viễn cảnh đẹp của sự hòa giải phản dân tộc đang diễn ra cụ thể rồi trong những đại áp-phe chung lưng đấu cật, dù có cung khai ra hoặc không cung khai ra thì cũng thế mà thôi…
Bất kể thế nào, mặc cho nạn khủng bố bằng ngôn từ đang được ra sức tiến hành bởi bàn tay của những cá nhân hoặc những nhóm cá nhân, tôi vẫn muốn làm yên lòng các dư luận viên như sau: họ vẫn còn công việc để làm! Tôi cũng sẽ tiếp tục nghe «những lời thủ thỉ» sạch sẽ và lương thiện trong cung cách đổi trao thông tin và ý kiến. Vì tôi bao giờ cũng tin chắc rằng cứ kiên trì nói và hành động, cuối cùng chúng ta sẽ đoàn kết được và lắng nghe nhau. Ngay cả những anh điếc đặc cũng vậy!
A.M. – H.C.Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

————————-
Bản tiếng Pháp:

Voyage dans Facebook: confidences à bâtons rompus sur la réconciliation nationale et la tolérance.
Ah, la réconciliation nationale ! Pour la plupart: parcours du combattant, acrobatie sans filet, terrain miné, mission impossible, grande illusion, chimère lointaine… Pour d’autres: grand danger ou grande occasion, complot absolument à éviter ou opportunité personnelle à saisir, pouvoir envolé ou pouvoir récupéré . On en parle depuis les accords de Paris. Plus de 40 ans de vœux pieux. Pourtant, sans elle, difficile d’échapper aux appétits chinois, pas de réel avenir face au défi de développement moderne, durable et sain auquel le Vietnam est confronté.
Lorsque l’on veut vraiment se réconcilier, il semble évident que chaque partie doive commencer par accepter l’autre tel qu’il est, porteur d’un passé qu’il a ou qu’il n’a pas choisi, en finir avec le crime de curriculum vitae. Même si ce passé a gravement atteint ce que l’on a de plus cher. Même si ce passé a détruit une partie de sa vie et/ou celle de ses êtres chers. Ce premier pas exige des valeurs humaines et patriotiques exceptionnelles. Il exige aussi une vision sage et lucide de l’avenir, une ouverture d’esprit et de cœur dont sont incapables les cerveaux indigents les cœurs desséchés et les appétits personnels.
Les petites voix de Facebook
Suite à une immersion “de terrain” de quelques mois dans Facebook, à l’écoute de ce que j’appellerai “les petites voix “, et avant quelques mots de commentaire, permettez-moi de vous livrer pêle-mêle un florilège de morceaux choisis publics dont la lecture ne m’a pas incité à l’enthousiasme. Loin d’ être des exceptions , ils représentent les grands courants d’opinion que j’ai rencontrés.
La crainte , la peur du pouvoir actuel…mais aussi la résignation.
“Tôi biết được những gì chú viết lên facebook, một khía cạnh nào đó, tôi là người Việt Nam, đang sống trong đất nước này, và dù tôi biết những gì chú đang muốn nói…nhưng xin lỗi vì tôi là người không liên can đến chính trị! Nên xin từ chối kết bạn cùng chú! Tôi không muốn bị phiền phức ! Vì tôi chỉ là một công dân bình thường. Mặc dù tôi cũng là người chỉ muốn bảo vệ công lý! …Tôi không muốn những bài viết phản bát về chính quyền Việt Nam xuất hiện trên dòng cá nhân của tôi… Những gì chú viết, suy nghĩ thực sự cháu hiểu hết, nhưng thưa chú, vì chú đang sống ở 1 đất nước khác chú ạ. Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng cần biết “chấp nhận”, vì vốn dĩ cháu còn có người thân, bạn bè… 1 khía cạnh nào đó, cháu và chú là người nói lên sự thật, mặc dù có nhiều điều trong cuộc sống chúng ta cần phải bảo vệ chân lý. Tuy nhiên, họ sẽ chẳng cần biết chú làm gì, là ai, và cháu làm gì là ai thì cũng sẽ quy kết vào tội có âm mưu phản kháng lại chính quyền, đất nước. Không phải người Việt Nam hèn nhát, nhưng họ cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh cho bản thân và gia đình thôi chú ạ! Mong chú sống vui nhé!”
La négation déférente ou violente du passé de l’autre
“Chú André Hồ Cương Quyết thân kính, nhìn cây “cờ” đó thấy muốn ói quá chú ơi! Cám ơn chú những bài viết hay. Nhưng mà chú quăng dùm cây “cờ” khốn kiếp đó, càng sớm càng tốt chú ơi.”
” Tên André Menras tự Hồ Cương Quyết, hãy chứng tỏ lòng yêu nước VN bằng cách công khai từ bỏ quốc tịch VC của mình, thừa nhận sai lầm chống phá VNCH, xin lỗi nhân dân miền Nam. »
Le parti, c’est la nation !
“Thế này mà cũng được gọi là yêu nước á, yêu nước mà biểu tình đi chống lại các đường lối chính sách của Đảng không những thế mà còn nói xấu, bô kích Đảng.”
La peur d’un retour vengeur:
“Tôi là người dân thôi, tất nhiên tôi cũng muốn Dân Chủ. Tôi chẳng hiểu Hòa Hợp Hòa Giải là gì và ai chủ xướng. Nhưng chắc chắn một điều tôi và những người dân lành không cần những kẻ chỉ biết trả thù, và có tinh thần sắt máu giết chóc lên đất nước này. Chúng tôi đã quá đau khổ vì tham vọng của những kẻ điên cuồng tự khoác cho mình cái áo này áo nọ rồi. Sợ lắm cái kiểu như vầy: “Còn đứa nào còn mang ảo vọng hòa hợp hòa giải ( HHHG ) thì nên xách cổ ra treo hết ( chỉ là một cách nói thôi hén .) Cũng may cái đám HHHG đang chết già từ từ ” Tưởng tượng họ mà nắm quyền thì cái đất nước này sẽ có một cuộc trả thù khủng khiếp”
Les “dư luận viên” de tous poils chassent sur FB
“các bạn này toàn là dlv thôi, họ không chịu hiểu và không chịu đi tìm hiểu thì cũng vậy. Công việc của bọn họ là bẻ cong và che dấu những tội lỗi xâu xa, những sai trái mà đảng cs đang làm trên đất nước này nên mọi giải thích của bạn cũng chỉ là vô nghĩa với họ. Họ chính là những kẻ phản động hoặc kẻ tiếp tay cho phản động.”
“BỌN CHÓ !” ( expression favorite d’un groupe VNTTT )
Personne n’est à l’abri de la chasse aux sorcières !
“Đừng chup mũ ….Chúng tôi không phải VIet Tan ..Chúng tôi không phải là đảng phái nào khác trên thế giới…Chúng tôi là nhân dân VN trong hàng ngũ đảng cs nước ta… Chúng tôi không cần phải nhờ vào đế quôc Mĩ..chẳng bưng bô bán nước Tàu như các ban…hen hạ như các bạn. Nhân dân viêtnam chúng tôi chắc chắn là sẽ thắng ..!”
Des appels au secours très concrets.
“Trang này là để tranh luận chứ ko phải là chửi nhau nhá
Xin xem xét và cứu giúp gia đình dân tộc bà Châu Thị Giá . Hiện cư ngụ tại tổ 17 – Ấp 03 Xã Xuân Hưng – Huyện Xuân Lộc – Tỉnh Đồng Nai . Đang bị bọn Cán Bộ Huyện Xuân Lộc – Tỉnh Đồng Nai trù dập đàn áp . Đi khiếu kiện mười mấy năm trời đất ở vẫn không có sổ đỏ (GCNQSDĐ) . Trong thời gian gần đây một số Cán Bộ Huyện Xuân Lộc – Tỉnh Đồng Nai có thái độ hăm doạ đe doạ , đàn áp gia đình Dân Tộc Giá ,có cho một người tên là An , có số điện thoại :0974448722 xuống gặp gia đình bà Giá .Và có nói , nếu gia đình bà Giá còn đi khiếu kiện thì con cái của bà sẽ không được ăn , ở yên ổn . Trong vụ án khiếu kiện đất đai của bà Châu Thị Giá , có ông Chủ Tịch Huyện Xuân Lộc là ông Trần Anh Tuấn có số điện thoại : 0913757111 một Chủ Tịch Huyện nhu nhược , đã để vụ việc khiếu kiện đất đai của gia đình Dân Tộc Chăm ( Hồi Giáo Islam ) đi khiếu kiện đất đai mười mấy năm trời đất ở chưa có sổ đỏ (GCNQSDĐ) , một Chủ Tịch Huyện Xuân Lộc – Tỉnh Đồng Nai lãnh đạo nguyên cả một Huyện , mà chỉ có một mảnh đất tranh chấp giữa gia đình bà Châu Thị Giá và gia đình Võ Diạng mà phải gần mười lần đo đạc , có cả Địa Chính Tỉnh và Địa Chính Huyện , có cả Toà Án Huyện + Viện Kiểm Sát Huyện + ngay cả Chủ Tịch Huyện ông Trần Anh Tuấn xuống tại hiện trường đo đạc đất , nhưng khi đo xong đất vẫn không cắm được ranh mốc đất . Vậy không biết những cán bộ Huyện Xuân Lộc – Tỉnh Đồng Nai này có TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN làm việc hay không mà Chính Phủ Nhà Nước Việt Nam vẫn cứ Bầu và để những Cán bộ được nêu trên làm việc , Đất Nước như vậy ? ! .”
J’avoue que ces échanges me remuent et me montrent la longueur du chemin à parcourir pour le pauvre Vietnam. On constate d’abord qu’ après plusieurs générations, la haine est toujours là, celle du passé souvent nourrie par celle du présent, née des douleurs, des humiliations et des injustices imposées au peuple du Vietnam. Bien sûr, chaque camp a ses “dư luận viên “, individus ou groupes d’individus, officiels ou improvisés. Ces coutumiers de la violence des mots, de la provocation, ces spécialistes de l’insulte et de la calomnie. Certains professionnels vivent de cette triste et salissante besogne. Ce n’est pas à l’honneur du pouvoir qui paie ces voyous du net, inlassables perroquets qui polluent la toile de leurs pontifes ” communistes ” ou ” anticommunistes” selon le camp qu’ils servent. Ils ne présentent que peu d’intérêt , sinon qu’à la vigueur de leur ton, on peut mesurer les avancées, la force des actions et des idées réellement démocratiques et de changement qui menacent la piètre vérité prémâchée, voulue absolue et immuable, dont ces messieurs veulent nourrir et anesthésier leur peuple. Souvent par héritage familial et aussi par l’éducation formatée qu’ils ont subie, les blocs ennemis qui s’agglomèrent autour de ces axes de la haine s’accrochent farouchement à leur version de l’Histoire. Une Histoire retouchée sur mesure, effacée, défigurée, “oubliée”, amputée de tout ce qui nuit à la cohérence lisse de leur discours politique du moment et à la pureté de leur dogme.
Par contre, ce qui mérite réflexion, ce sont les points de vue exprimés par les citoyens ordinaires, largement majoritaires, qui cherchent dans l’inquiétude, l’impatience, l’indignation ou le désespoir, mais toujours dans la non violence, une issue salutaire à leurs malheurs personnels et à ceux de la nation. Sortes d’otages innocents entre les deux hordes qui vocifèrent comme une menace: ” tous ceux qui ne sont pas avec nous sont contre nous “… Ce qui m’a intéressé essentiellement dans les publications mais aussi dans les “chats” plus confidentiels, c’est la psychologie, les réflexions, les interrogations, les craintes, les appels au secours de ces gens ordinaires, des jeunes, d’abord à l’intérieur du pays.
Besoin pressant de changement et crainte de ce changement
Première constatation: ces paroles lointaines, souvent sous un nom d’emprunt, témoignent , chacune à sa façon, d’un besoin pressant de changement en même temps que d’une crainte de ce changement: ” Pour se débarrasser d’une dictature, ne va-t-on pas tomber dans une autre?”. Question très légitime, hélas, vu le ton et le passé de certains “démocrates” extrêmes. Une certitude apparaît d’abord très clairement dans les échanges : ceux qui brandissent le drapeau de l’ancien régime n’ont aucune chance de retour. Le peuple vietnamien n’a déjà que trop donné à la violence de la “liberté ” qu’ils proposent de rétablir. Et les appels au meurtre et à la vengeance n’ont rien de rassurant. Ils tendraient même à rapprocher du pouvoir actuel ceux qui auraient tendance à s’en éloigner.
Les résistances contre Pékin s’orientent contre le Parti communiste vietnamien lui-même.
Autre constatation: malgré les efforts de la part du parti communiste pour étouffer l’information en général, et en particulier celle concernant l’expansionnisme de Pékin, cette question est bien au centre de tous les intérêts. Bien avant les questions de la corruption dans le Parti, et de la confiscation des terres paysannes. Toutes les récentes trouvailles, fourmillantes de créativité, commises par les brillants cerveaux du PCV pour minimiser voire à empêcher les commémorations historiques des victimes vietnamiennes de l’expansion chinoise n’ont fait que raviver les interrogations populaires, les doutes sur le caractère national de ce parti et, par là même, sur sa légitimité. Ces outrancières opérations de sabotage, n’ ont fait que nourrir et raffermir le sentiment patriotique et un réel mépris à l’égard d’un parti qui se veut dirigeant et qui s’abaisse à de si ridicules actions. C’est essentiellement la politique activement collaborationniste de ce parti vis à vis de l’agression chinoise qui est entrain de cristalliser contre lui un énorme ressentiment, une sorte de rejet grandissant. Elle le cantonne au statut de Parti de l’Etranger. Si bien que les résistances qui s’exprimaient au départ contre les agressions de Pékin et qui auraient pu même redonner un peu de prestige au Parti communiste si celui-ci les avait laissé s’exprimer librement, ont nettement tendance à s’orienter contre le Parti communiste vietnamien lui-même. Et surtout contre ses dirigeants puisque certains membres de ce Parti l’ont quitté ouvertement et que d’autres ont renoncé à toute activité interne. En somme, facebook le confirme, pour beaucoup de vietnamiens, résister à Pékin c’est résister contre le parti communiste au pouvoir et soutenir le parti communiste, c’est accepter la domination de Pékin.
Les appels au secours
Les nombreuses sollicitations, quelquefois pleines de détresse, toujours émouvantes de sincérité, que j’ai reçues de différentes provinces du Vietnam pour aider à médiatiser des situations d’harassement policier, de maltraitance physique, de dépouillement de biens m’ont laissé un goût amer d’impuissance et beaucoup d’indignation. Je n’ai pas le pouvoir d’aider. Seulement de publier les informations qui me paraissent réelles et de demander aux lecteurs de vérifier. La plupart de ces faits se sont avérés exacts. Ils m’ont confirmé également la terrible double peine des malheureuses victimes. Non seulement ce sont les victimes innocentes, bien réelles, d’une dictature policière, d’une justice sourde et d’une corruption capables d’une violence extrême mais , de surplus, quand elles osent faire entendre leur douleur et crier désarroi, elles sont traitées comme des agents d’une propagande subversive manipulée par l’Etranger. Très inquiétant quand on sait que les personnes qui s’expriment ne constituent que l’infime minorité des citoyens outragés, ceux qui ont accès à internet et qui osent parler sachant qu’ils sont sous haute surveillance.
Réconciliation antinationale: bonnets blancs, blancs bonnets?
En résumé, à travers chacune de ces “petites voix” j’ai mieux mesuré le mécanisme infernal de cet étau antidémocratique et dément qui enserre le peuple vietnamien. Chaque action d’agression antidémocratique de la part des forces de police du régime actuel alimente en écho les appels au secours des victimes qui à leur tour nourrissent les appels à la haine de la part des extrémistes qui prônent le retour de l’ancienne oppression, écho de haine qui sert à son tour de prétexte au régime actuel pour brandir la menace des “forces réactionnaires de l’Etranger” et multiplier ses actions de répression à l’intérieur du pays au nom de la stabilité, de la sécurité nationale , de la préservation de l’Etat, des intérêts nationaux…du respect du passé. Peu importe aujourd’hui, dans une situation de danger national, de savoir qui, de la poule ou de l’œuf, a commencé le cycle: les deux extrêmes se nourrissent mutuellement comme des complices objectifs de cette misère matérielle et liberticide . Les deux ne semble absolument pas vouloir en finir avec les malheurs des citoyens dont ils nourrissent leur boutique ni se préoccuper du salut du pays. Loin des souffrances populaires, ils campent confortablement dans leurs positions de tranchée feutrées de moquette et air conditionnées, à partir desquelles ils aggravent les divisions, les fossés, attisent les feux, empêchent délibérément la réconciliation, la cohésion nationale et livrent le pays aux appétits étrangers, à la misère et à la perspective d’épisodes violents. Un interlocuteur de Fb me disait: ” Qui sème le vent récolte la tempête” . Peut-être. Mais c’est le peuple qui a le plus à perdre de la violence. Ce sont toujours les plus humbles qui paient le lourd tribu à ces tempêtes historiques. Un autre “ami FB” me faisait part de son sentiment que je traduirai ainsi: “Dans cette terrible perspective, ceux qui tirent les ficelles resteront , pour les uns, bien à l’abri dans le pays d’accueil où ils sont déjà installés, souvent outre-pacifique. Pour les autres, ils atterriront bien à l’abri derrière l’ opulent compte bancaire qui les attend dans le pays “réactionnaire” qui les accueillera. Il se peut même, cela s’est déjà vu, que les “ennemis mortels” se retrouvent actionnaires dans la même multinationale, qu’ils aient leurs enfants dans les mêmes meilleures écoles et se saluent le soir avec le même sourire entendu en allant se montrer au même gala chic. Belle perspective de réconciliation antinationale qui se concrétise déjà dans certains grands business communs, avouables ou non…
Quoiqu ‘il en soit, malgré le terrorisme des mots, les attaques d’individus ou de groupes, je rassure les DLV: ils auront encore du travail ! Je continuerai avec ” les petites voix” propres et honnêtes ce genre de communication, d’échange d’informations et d’opinions. Car je suis toujours convaincu qu ‘à force de parler et d’agir, on finit par se réunir et être entendu. Même par les sourds !

Nghi án hối lộ 16 tỷ: ‘Cái giá phải trả cho ‘Bộ Đường sắt’

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Người đưa tin về việc các quan chức đường sắt nhận hối lộ 80 triệu Yen từ đối tác Nhật Bản, tiến sỹ Trần Đình Bá – Hội Kinh tế & Vận tải Đường sắt Việt Nam cho rằng, do việc đấu thầu “trong chum” mới nảy sinh tiêu cực lớn trong ngành đường sắt

Đấu thầu “trong chum” làm nảy sinh tiêu cực lớn

- Đây không phải là lần đầu tiên quan chức Việt Nam bị “tố” nhận tiền “lót tay” nhưng với số tiền 16 tỷ đồng và từ một đối tác như Nhật Bản, ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự việc này?

- TS Trần Đình Bá: Đúng, nhưng khác với vụ Huỳnh Ngọc Sỹ cũng bị báo Nhật phát hiện nhận hối lộ của nhà thầu Nhật trong dự án ODA trong chỉ mỗi dự án Đại lộ Đông Tây. Lần này thông tin chính thống từ báo Yomiuri Shimbun đưa tin ông Tamio Kakinuma - chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) - thừa nhận tập đoàn này đưa hối lộ khoảng 100 triệu yen (978.300 USD) cho lãnh đạo ngành đường sắt các nước Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia, nhằm giành được các hợp đồng tư vấn thiết kế cho những dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật Bản ở các nước này.

Không phải riêng Việt Nam mà có tới 3 nước trong đó số tiền nhận hối lộ ở Việt Nam là lớn nhất. Ông Kakinuma cũng đã ký vào biên bản lời khai tại văn phòng công tố Tokyo khi thẩm vấn. Nguồn tin này là đáng tin cậy vì sự việc liên quan đến quan hệ quốc tế. 

Nghi án hối lộ 16 tỷ: ‘Cái giá phải trả cho ‘Bộ Đường sắt’ - Ảnh 1
"Với phương thức cho vay ODA, vừa thực hiện dự án từ A tới Z”, từ việc “vẽ” ra ý tưởng, tự lập dự án tiền khả thi, khả thi, thiết kế, tổ chức thi công, ép người cho vay “bị làm” theo ý mình như kiểu các dự án ODA của Nhật tại Việt Nam thì đấu thầu “trong chum” mới nảy sinh tiêu cực lớn. Ngành đường sắt đang bị “dắt mũi” vào nhiều siêu dự án đường sắt như thế và đang bị sa lầy", ông Trần Đình Bá nói.

Ngay sau tin này Phó Thủ tướng Nguyễn Xuâ Phúc đã chỉ đạo quyết liệt, bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã tiếp xúc với Đại sứ quán Nhật Bản để yêu cầu cung cấp thông tin. Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng đã có phiên họp khẩn và quyết định những người liên quan đình chỉ công tác để kiểm điểm 4 quan chức trong VNR ,thành lập các đoàn thanh tra các dự án có vốn ODA đặc biệt liên quan đến JTC, cử ngay thứ trưởng qua Nhật để nắm dánh sách người nhận hối lộ . Điều đó càng khẳng định sự nghiêm trọng của vụ việc .

- Mức độ của các vụ tham nhũng ngày càng lớn và nghiêm trọng. Liệu có phải luật pháp nước ta chưa đủ nghiêm minh trong việc xử lí tham ô, tham nhũng nên không răn đe được người khác?

- TS Trần Đình Bá: Không phải như vậy vì đây là một vụ nhận hối lộ có yếu tố liên quan đến người nước ngoài, đối tác nước ngoài. Với phương thức cho vay ODA, vừa thực hiện dự án từ A tới Z”, từ việc “vẽ” ra ý tưởng, tự lập dự án tiền khả thi, khả thi, thiết kế, tổ chức thi công, ép người cho vay “bị làm” theo ý mình như kiểu các dự án ODA của Nhật tại Việt Nam thì đấu thầu “trong chum” mới nảy sinh tiêu cực lớn. Ngành đường sắt đang bị “dắt mũi” vào nhiều siêu dự án đường sắt như thế và đang bị sa lầy.

Từ 2000 đến nay với rất nhiều dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh, TP HCM – Nha Trang, hàng chục dự án đường sắt đô thị ngầm, tàu điện mặt đất, trên không… khởi động từ 2000 đến nay nhưng kết cục chưa được một milimét nào cả, để xảy ra trì trệ , tham nhũng, bê bối, tiêu cực là tất yếu.

"Con nghiện" gây thảm họa giao thông quốc gia

- Theo ông, Việt Nam nên hành động như thế nào trước vụ việc trên để chứng tỏ với nhà đầu tư thế giới được thấy chúng ta không bao che hay khoan dung cho nạn tham nhũng, nhận hối lộ?

- TS Trần Đình Bá: Phải thấy rằng đây là “sản phẩm” của cơ chế cửa quyền – quan liêu bao cấp – xin cho vốn tồn tại 3 thập kỷ nay trong Bộ Giao thông Vận tải. Qua 3 thập kỷ “đổi mới” mà Bộ Giao thông Vận tải không xây dựng nổi một “chiến lược giao thông” để có lộ trình cái nào làm trước cái nào làm sau để chủ động “liệu cơm gắp mắm” mà lại đi khoán trắng “chiến lược“ đó cho người nước ngoài.
Nghi án hối lộ 16 tỷ: ‘Cái giá phải trả cho ‘Bộ Đường sắt’ - Ảnh 2
TS. Trần Đình Bá

 Theo ông Nguyễn Lương Hải Khôi, chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản trả lời phỏng vấn báo SGTT : “Trong suốt 10 năm qua, xây dựng chiến lược giao thông toàn quốc cho Việt Nam là JICA của Nhật, từ Vitranss 1 đến Vitranss 2. Và cũng chính JICA đề xuất cho Việt Nam vay ODA để xây dựng từng tiểu mục trong cái tổng thể chung ấy. Như vậy, họ kiểm soát từ A đến Z: không chỉ vốn vay, tiền lãi, kỹ thuật, thị phần xây dựng, mà cả tri thức, hiểu biết về thực tiễn của chính chúng ta, từ kế hoạch tổng thể chung đến từng dự án cụ thể. Việt Nam gần như chẳng phải làm gì. Chỉ cần ký vào tờ giấy vay nợ và cầu đường cứ thế mọc lên.

JICA đề xuất các dự án là với mục đích cho vay. Vì vậy, tư duy dự án, nhắm đến mục đích “gắp từng món trên mâm”, là kiểu tư duy chủ đạo. Nếu họ có vạch ra cho ta một “hệ thống” thì cái “hệ thống” đó chỉ là bản đồ những dự án mà các công ty Nhật đã sẵn sàng giành hợp đồng xây dựng “.

Các chuyên gia Nhật đã “vạch ra các dự án" rồi “vạch đường cho hươu chạy” bằng cách hối lộ để được dự án theo kiều vụ CPI và nay là RPMU- JTC thì họ sẽ không trách ai được vì những dự án “tỷ đô” bất thành đều là sản phẩm tư vấn của họ. Còn Việt Nam đang là nạn nhân của con nợ khổng lồ về vốn vay ODA.

Cái giá phải trả là Bộ Giao thông Vận tải có 5 “binh đoàn” vận tải thì ba binh đoàn chủ lực hiện đại tiến tiến hùng mạnh nhất là hàng hải, đường sắt, hàng không đang trở thành những “quả đấm tan chảy”. Sau vụ PMU18, CPI và nay là RPU đã lột tả thực chất về thực trạng lãng phí đầu tư công trong giao thông vận tải, đây là lỗ thủng lớn nhất, là “con nghiện” của nền kinh tế quốc dân làm tăng vọt nợ công và gây thảm họa giao thông quốc gia.
Nghi án hối lộ 16 tỷ: ‘Cái giá phải trả cho ‘Bộ Đường sắt’ - Ảnh 3
Ngành đường sắt thêm một phen sóng gió trước thông tin lãnh đạo ngành này nhận "lót tay" 160 tỷ đồng từ nhà đầu tư Nhật Bản

Để lập lại trật tự trong giao thông vận tải và ngành đường sắt lúc này là phải cải cách thể chế, xóa bỏ độc quyền, thực hiện dân chủ theo Thông điệp 2014 của Thủ tướng.

"Tổng công ty đường sắt vượt quyền, lộng hành"

Sự việc lần này liên quan đến một đối tác ODA tiềm năng như Nhật Bản. Theo ông, sự việc này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn vốn ODA từ Nhật Bản và các nước khác trong thời gian sắp tới hay không?

TS Trần Đình Bá: Đây cũng là một sơ hở lớn về quản lý Nhà nước đối với một tổng công ty độc quyền. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã vượt quyền trở thành một “Bộ Đường sắt” độc quyền, lộng quyền, cơ quan quản lý nhà nước là Cục Đường sắt Việt Nam cũng chỉ là “sân sau” chạy theo mà thôi.

Các siêu dự án đường sắt đô thị, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, đường sắt cao tốc, đường sắt quốc gia toàn “tỷ đô” tự ý thực hiện dự án không tham gia phản biện khoa học, phản biện xã hội, không chịu tôn trọng lắng nghe hiến kế của các nhà khoa học, thậm chí còn ấu trĩ hòa mạng đường sắt đô thị vào mạng đường sắt quốc gia mới đau chứ.

Rất nhiều các dự án vay ODA làm đường sắt, sân bay, cảng biển cả “tỷ đô” đều lọt qua cửa Quốc hội, thậm chí họ còn công khai sẽ biến tướng “chặt khúc” dự án đường sắt cáo tốc Hà Nội – TP. HCM 56 tỷ USD ra nhiều đoạn nhỏ để “dễ dàng thông qua Quốc hội”. Coi thường luận cứ , luận chứng kỹ thuật, luận chứng kinh tế chúng ta đang trả giá quá đắt bằng “tứ đại Vina” (Vinashin, Vinalines, Vina Đường sắt, Vina Hàng không) ngày càng thua lỗ và tụt hậu là thế.
Nghi án hối lộ 16 tỷ: ‘Cái giá phải trả cho ‘Bộ Đường sắt’ - Ảnh 4
"Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã vượt quyền trở thành một “Bộ Đường sắt” độc quyền, lộng quyền, cơ quan quản lý nhà nước là Cục Đường sắt Việt Nam cũng chỉ là “sân sau” chạy theo mà thôi", ông Trần Đình Bá.

Người lập ra các dự án giao thông là JICA và các tư vấn của Nhật Bản lập để Việt Nam vay vốn ODA cũng phải chịu trách nhiệm về sự thành bại của dự án, phải đảm bảo chất lượng công trình và chấp hành theo luật pháp Việt Nam về thanh lý quyết toán bảo hành công trình. Việc xảy ra vừa qua do tư vấn JTC móc nối với các quan chức VNR và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của mỗi nước. Nhật Bản không có lấy lý do này để cắt viện trợ ODA cho Việt Nam như cam kết giữa hai Chính phủ.

Tư vấn JICA “khôn ngoan” từ chối mô hình BOT, PPP để chỉ chọn ODA. Bài học cho cả hai phía là làm sao các dự án sử dụng vốn ODA của người cho vay và người nhận phải thiết thực và khả thi mang về lợi ích. Không nên “vẽ” ra quá nhiều siêu dự án đường sắt, sân bay, cảng biển… viển vông gây siêu lãng phí cho nợ công và nợ nước ngoài của Việt Nam. Càng không để biến tướng các siêu dự án BOT, PPP như đã cam kết giữa hai Chính phủ bỗng chốc bị “biến tướng” thành ODA gây bất lợi và chồng chất nợ nần cho Việt Nam và mất lòng tin giữa hai Chính phủ và nhân dân hai nước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! 

Khánh An(thực hiện)
(Người Đưa tin)

Trung Quốc lại toan tính lập chính quyền ở Trường Sa?

(Tin tức thời sự) – Lãnh đạo của cái gọi là “TP.Tam Sa” vừa ngang nhiên tuyên bố sẽ đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền cấp cơ sở ở quần đảo Trường Sa.
Báo Thanh Niên trích dẫn nguồn tin từ Tân Văn xã cho biết,  “Phó thị trưởng TP.Tam Sa” Trương Canh hôm 26/3 nhấn mạnh trong năm nay sẽ nghiên cứu việc thúc đẩy xây dựng chính quyền cấp cơ sở ở đá Vành Khăn và đá Chữ Thập.
Trương Canh còn ngang nhiên công bố trong năm 2013, “giới chức TP.Tam Sa” đã thành lập ban công tác và ban quản lý Nhóm đảo Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và các ban dân cư ở Đảo Bắc, bãi Xà Cừ (thuộc Hoàng Sa), và bãi đá Vành Khăn.
Cũng trong năm 2013, “giới chức Tam Sa” đã thành lập cái gọi là đội thuyền chấp pháp tổng hợp, xử lý 79  thuyền “vi phạm”, trong đó có 45 thuyền nước ngoài”. Tân Văn Xã không nói rõ đó là thuyền của nước nào.
Chưa hết, ông Trương còn tuyên bố trong năm nay sẽ tăng cường mức độ chấp pháp bảo vệ quyền lợi tổng hợp trên biển”.
Trung Quốc đang tăng cường động thái nhằm hợp lý hóa “TP.Tam Sa”
Trung Quốc đang tăng cường động thái nhằm hợp lý hóa “TP.Tam Sa”
Không chỉ vậy, cách đây ít ngày, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc tuyên bố lập ngọn hải đăng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Thông tin trên được đăng trên website của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc hôm 19/3.
Bộ này còn trắng trợn nhấn mạnh hai ngọn hải đăng sẽ góp phần “phục vụ cho việc phát triển kinh tế hải dương và bảo vệ chủ quyền quốc gia”.
Trước tuyên bố trắng trợn này, chia sẻ với báo Đất Việt, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban, Ban Biên giới của Chính phủ cho biết: “Trung Quốc muốn lập ngọn hải đăng với lý do phục vụ tàu cảng khi đi ngang qua tuyến đường hàng hải.
Việc  lập đèn biển là nhu cầu thiết yếu, tuy nhiên trên thực tế Trung Quốc đã từng bước thực hiện các căn cứ quân sự xuất phát từ việc lập đường băng, tiến hành khảo cổ, lập ra các cơ sở, các cảng dân sự, quân sự kết hợp với việc lập đèn biển, chuỗi hoạt động này đều nằm trong kế hoạch của Trung Quốc bởi họ muốn dùng tất cả các hoạt động thực tế đó, cơ sở đó để họ chứng minh rằng họ có chủ quyền.
Trên cơ sở đó, họ muốn thông qua các hoạt động mang ý nghĩa khoa học  để quốc tế công nhận Trung Quốc có chủ quyền, và ý nghĩa rõ ràng là họ lập đèn biển.
Đèn biển là 1 trong những kế hoạch Trung Quốc đặt ra nhằm tìm cách đạt được yêu sách của nước họ giành chiếm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ
TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ
Theo vị chuyên gia này, việc bảo xây đèn biển tưởng chừng rất nhân đạo với ý nghĩa  các tàu nước khác đi đúng hướng, nhận biết, xác định vị trí chuẩn xác để phục vụ lợi ích kinh tế nhưng rõ ràng họ xây dựng trên vùng lãnh thổ của nước khác.
“Trung Quốc làm như vậy để đăng ký với tổ chức hàng hải quốc tế nhằm thông báo rộng rãi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.  Như vậy, khi tàu thuyền các nước khác đi qua họ phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực đó” – ông Trục chỉ rõ.
Theo ông Trục: “Hiện giờ mục tiêu chính của Trung Quốc là nhằm vào mục tiêu dân sự, kinh tế để thực hiện tham vọng của mình, đây mới là điều đáng lưu ý, còn nếu dùng quân sự thì ai cũng hiểu ngay. Hoạt động dân sự và kinh tế mới là điều dư luận quan tâm, thậm chí đánh giá cao hơn về tính nhân đạo”.
Trên đây là những động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm hợp lý hóa “TP.Tam Sa” mà nước này ngang nhiên lập ra hồi tháng 7/2012 để tự cho mình có quyền quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Mai Thùy

Bức cung, nhục hình: có không?

TT - Ngày 27-3, tại TP.HCM và TP Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có cuộc giám sát về việc chấp hành Luật tố tụng hình sự, đồng thời khảo sát “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra”.
 
Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP.HCM, phát biểu trong buổi làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Ảnh: Hà Châu
Tại hai buổi làm việc này, lãnh đạo cơ quan công an TP.HCM và TP Đà Nẵng đều khẳng định không có việc bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, thiếu tướng Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP.HCM - thừa nhận trên thực tế có thể xảy ra chuyện này.
Có thể có bức cung, nhục hình ở giai đoạn tiền khởi tố
"Không thể vì sai sót chủ quan của cơ quan điều tra mà ảnh hưởng đến số phận một con người. Ta phải nghĩ một ngày nạn nhân bị giam oan sai trong tù bằng một ngàn ngày ngoài đời "
Ông Nguyễn Công Hồng
(phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết mỗi năm Công an TP.HCM khởi tố hàng chục ngàn vụ việc nhưng không có vụ oan sai nào. Ông Minh còn nói nếu có việc bức cung, nhục hình thì chỉ xảy ra ở giai đoạn tiền khởi tố. Tuy nhiên, theo cảm nhận của cá nhân ông Minh, việc bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra là có. Có nhiều lý do để cán bộ điều tra có thể dùng nhục hình, bức cung đối với các nghi can, nghi phạm, nhưng một trong những lý do quan trọng là cán bộ điều tra thiếu kiên nhẫn, áp lực thời hạn điều tra, áp lực số lượng vụ án...

Cho rằng việc bức cung, nhục hình nếu xảy ra ở giai đoạn tiền khởi tố không có nghĩa là không ảnh hưởng đến vụ án, đại biểu Quốc hội (đoàn TP.HCM) Trương Trọng Nghĩa nói: “Nếu trước khi vụ án được khởi tố mà xảy ra việc bức cung, nhục hình thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra”.

Phân tích thêm về nguyên nhân dẫn tới bức cung hoặc nhục hình, ông Phan Anh Minh nói việc lựa chọn cán bộ điều tra cũng rất quan trọng. Có những cán bộ lớn lên trong gia đình có tình trạng bạo hành thì ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, hoặc có những cán bộ mà cha mẹ ly hôn thì cũng ảnh hưởng không nhỏ.

Ngoài lựa chọn cán bộ, ông Minh còn cho rằng cơ chế giám sát giữa các điều tra viên và cho luật sư tham gia tố tụng góp phần hạn chế việc bức cung, nhục hình tại cơ quan điều tra của Công an TP.

Tại cuộc làm việc, đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan hải quan chỉ có thẩm quyền điều tra đối với hai tội danh là buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Tuy nhiên, trong thực tế quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước thì có nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc thẩm quyền quản lý của hải quan: vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới, tội trốn thuế, rửa tiền, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về hàng giả, hàng nhập gây ô nhiễm nghiêm trọng... Đại diện đơn vị hải quan cho rằng luật cần bổ sung các tội danh mới thuộc thẩm quyền điều tra cho hải quan.

1 bị can chết, 8 công an bị kỷ luật

Làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại tá Lâm Cao Luynh, phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết đã đề xuất Bộ Công an trang bị camera giám sát tại các buồng giam, phòng hỏi cung nhằm chống bức cung, nhục hình của đội ngũ cán bộ điều tra, quản giáo. Công an TP Đà Nẵng không có trường hợp nào sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự.

Ông Phan Trường Sơn, viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng, cũng nói quá trình kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, kiểm sát viên được phân công thường xuyên kiểm sát chặt chẽ các vụ án, nên hạn chế đến mức thấp nhất việc cơ quan điều tra bức cung, nhục hình đối với bị can. “Cá biệt, chỉ có một trường hợp bị can Võ Tấn Tâm (27 tuổi, trú tại xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) bị khởi tố về tội “trộm cắp tài sản”, bị bắt theo lệnh truy nã của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu lúc 13g ngày 1-2-2012, được chuyển về trụ sở Công an quận Hải Châu để làm việc, đến khoảng 20g40 cùng ngày thì Võ Tấn Tâm chết tại phòng làm việc. Sau khi trưng cầu giám định, Trung tâm Pháp y Đà Nẵng kết luận nạn nhân tử vong do bệnh lý về tim mạch. Tuy nhiên, qua công tác khám nghiệm tử thi cho thấy trên cơ thể nạn nhân để lại nhiều vết bầm do ngoại lực tác động, xác định có dấu hiệu phạm tội nên Cục Điều tra của Viện KSND tối cao đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra” - ông Sơn nói.

Vụ việc này được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự hội nghị. Ông Huỳnh Nghĩa, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, nói: “Mỗi lần chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân rất quan tâm đến các vụ án oan sai, họ bức xúc vì thời gian các vụ việc giải quyết án oan sai kéo dài. Tôi thấy vụ việc nạn nhân Võ Tấn Tâm chúng ta cần phải làm rõ để trả lời cho dân biết. Việc nạn nhân chết có phải lỗi do điều tra viên không? Vụ việc này xảy ra cách đây gần hai năm rồi mà giờ chưa biết kết luận cuối cùng thì không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị Viện KSND TP cần liên hệ với Cục Điều tra của Viện KSND tối cao để nắm thông tin, sau đó trả lời dứt khoát”. Đáp lại đề nghị của ông Nghĩa, ông Sơn cho biết vì vụ án do Cục Điều tra làm nên đơn vị ông không nắm được toàn bộ vụ việc, vừa rồi có nghe thông tin là sẽ đình chỉ điều tra vụ án, không khởi tố bị can.

Liên quan đến cái chết của nạn nhân Võ Tấn Tâm, ông Nguyễn Công Hồng, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề nghị phía lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng phải nói rõ chi tiết về vụ việc. Đại tá Lâm Cao Luynh cho biết khi công an bắt giữ thì Tâm bỏ chạy nên công an có đuổi theo bắt. “Chúng tôi nhận thấy trong vụ việc này công an có vi phạm về quy trình công tác, như khi đưa đối tượng về trụ sở đáng lý ra phải lập biên bản xem các dấu vết trên cơ thể của đối tượng hình thành từ bao giờ. Nhưng sai sót đó không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của Tâm”. Ông Luynh thừa nhận quá trình quản lý Tâm tại trụ sở công an là chưa tốt, Công an TP Đà Nẵng đã kỷ luật tám cán bộ công an, trong đó có cả hình thức cách chức, giáng cấp, đồng thời xử lý trách nhiệm đối với trưởng Công an quận Hải Châu.
Băn khoăn việc đình chỉ một vụ án
Ông Huỳnh Nghĩa, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, nói có một vụ đình chỉ điều tra bị can mà ông rất băn khoăn và không thống nhất quan điểm với cơ quan điều tra. Đó là vụ bà Nguyễn Thị Thu Hà (38 tuổi, trú tổ 34, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn), nguyên trưởng Văn phòng công chứng Trung Việt (đóng tại đường Ngô Quyền, Sơn Trà). Ông Nghĩa cho rằng hành vi của bà Hà có dấu hiệu phạm tội chiếm đoạt tài sản rất rõ ràng, nhưng không hiểu thế nào cơ quan điều tra lại đình chỉ điều tra bị can.
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, tại thời điểm đó (cuối năm 2012) bà Hà vay mượn của nhiều người, rồi bất ngờ bỏ khỏi nơi cư trú. Sau đó bà về trình diện tại cơ quan công an và hiện vẫn còn thiếu nợ của nhiều người lên đến cả chục tỉ đồng.
Giải thích về vấn đề này, đại tá Lâm Cao Luynh, phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết vụ việc của bà Hà ban đầu Cơ quan điều tra Công an quận Sơn Trà (lúc đó ông Luynh là trưởng Công an quận Sơn Trà) đã khởi tố bị can, nhưng Viện KSND quận Sơn Trà lại ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vì cho rằng hành vi của bà Hà không cấu thành tội phạm mà chỉ vay mượn bình thường. Trước tình hình đó, công an có kiến nghị Viện KSND TP Đà Nẵng nhưng Viện KSND TP Đà Nẵng đồng quan điểm với Viện KSND quận nên cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra vụ án.
Ông Nghĩa cho rằng đình chỉ như vậy là chưa thuyết phục. Vì vậy, đề nghị Ban pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, Ban nội chính Thành ủy phải vào cuộc giám sát vụ việc.
HÀ CHÂU - HỮU KHÁ
(Tuổi trẻ) 

Bauxite Tây Nguyên làm theo đúng quy định thì…lỗ to!

(Tin tức thời sự) – Chính phủ cần phải tập trung các nhà khoa học, doanh nghiệp để tìm giải pháp tốt nhất cho hai dự án bauxite Tây Nguyên.
Ông Trần Sơn Lâm, Hội viên Tổng hội Địa chất Việt Nam, Nguyên chuyên viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn phòng Chính phủ đã chia sẻ với Đất Việt như vậy.
PV: – Thưa ông Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra kiến nghị xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì thiết kế có độ an toàn quá cao. Không những thế Bộ Công thương còn xin giảm thuế môi trường, không đền bù tiền đất cho dân mà chỉ thuê có thời hạn. Có ý kiến cho rằng dự án đang phạm chính tiêu chí ban đầu đó là góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội. Do vậy tốt nhất là dừng hoặc cho không tài nguyên đi còn hơn. Ông có đồng tình với ý kiến này?
Ông Trần Sơn Lâm: – Tôi cho rằng về dự án bauxite Tây Nguyên nếu làm theo đúng quy định của pháp luật thì lỗ to, như vậy không thể giải quyết được vấn đề lấy bauxite trở thành nguồn lực để hiện đại hóa đất nước như mục tiêu ban đầu mà chủ dự án đã trình bày và báo cáo với Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền.
Lỗ này lại phải bù lại từ tiền thuế của người dân, của các doanh nghiệp, từ các hoạt động kinh tế khác như khai thác dầu mỏ, khoáng sản… và trực tiếp ảnh hưởng lên nền kinh tế của đất nước và phát triển xã hội.
Hoạt động kinh tế càng lỗ thì sẽ càng  ảnh hưởng đến phúc lợi, an sinh xã hội như y tế, giáo dục và đời sống của nhân dân, đặc biệt tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế hiện nay vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Dự án bauxite bị lỗ sẽ phải bù lại từ tiền thuế  của người dân, của các doanh nghiệp, từ các hoạt động kinh tế khác như khai thác dầu mỏ, khoáng sản... và trực tiếp ảnh hưởng lên nền kinh tế của đất nước
Dự án bauxite bị lỗ sẽ phải bù lại từ tiền thuế của người dân, của các doanh nghiệp, từ các hoạt động kinh tế khác như khai thác dầu mỏ, khoáng sản… và trực tiếp ảnh hưởng tới nền kinh tế của đất nước
Thế nhưng hai dự án đang làm không thể nào dừng lại được vì đó là tài sản của nhân dân. Nhưng làm thế nào để dự án thành công thì cần phải suy nghĩ. Lý do là vì hàng tỉ đô la đang đổ vào đó, nếu dừng lại thì sẽ mất không số tiền đó.
Do đó nhà nước phải có quyết sách nào đó để duy trì dự án và phát triển lên.
Tôi nghĩ cần tập trung toàn lực các nhà khoa học kể cả trong nước và ở nước ngoài, viện nghiên cứu, công nghệ  đe chế biến bùn đỏ trở thành sản phẩm thương mại hóa được, kể cả mua công nghệ nước ngoài.
Phải huy động các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế xắn tay cung tháo gỡ vấn đề.
Không nên bán sản phẩm alumin mà phải đầu tư chế biến thành các sản phẩm nhôm, hợp kim nhôm để phục vụ cho nền kinh tế của đất nước và xuất khẩu. Tôi được biết trước khi hợp tác với Trung quốc, các đối tác khác như Pháp và Úc đã đề xuất khai thác bô xít và chế tạo thành kim loại nhôm ở ngay tại nước ta.
Tôi nghĩ đất nước ta không thiếu những con người có tài và có tâm để thực hiện việc này.  Đây cũng chính là thử thách để lựa chọn những người lãnh đạo.
Nếu bây giờ ta vẫn xuất khẩu quặng chưa tinh luyện, một mặt làm hao hụt lượng tài nguyên dự trữ của đất nước, mặt khác không thể thu hồi vốn nhanh để có thể đưa Việt Nam thành nước có nền công nghiệp hoá vào năm 2020.
Chúng ta hãy nhìn sang nước bạn Hàn Quốc, vào những năm 1970 họ cũng có nền kinh tế phát triển không cao hơn hẳn các nước Đông Nam Á nhưng chi hơn hai chục năm sau  họ đã trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại, kể cả  sản xuất các lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân. Vì họ  biết tập trung nguồn lực và huy động nhân tài với phương châm làm đến cùng.
Hiện nay dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đứng đầu thế giới, lên đến vài nghìn tỷ USD nên việc họ nhập quặng của ta để dự trữ tài nguyên cũng là việc làm bình thường trong kinh doanh. Ta đều biết Mỹ rất giàu tài nguyên nhưng họ đưa ra các đạo luật rất khắt khe để hạn chế việc khai thác bừa bãi, phá hủy môi trường.
PV:Thưa ông nhưng có ý kiến cho rằng trữ lượng bauxite không như giải trình của dự án nên nếu đầu tư công nghệ chế biến tinh sẽ rất tốn kém. Như vậy tiếp tục làm theo kiểu đâm lao, theo lao thì nguy hiểm hơn. Ông có nghĩ như vậy?
Ông Trần Sơn Lâm: – Theo tôi được biết, trước đây Tổng công ty than và khoáng sản Việt Nam trình các cấp có thẩm quyền bảy (7) dự án khai thác, nhưng tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, dư luận xã hội,  Bộ Chính trị quyết định chỉ làm hai (2) dự án thí điểm như hiện nay.
Khi báo cáo trước Quốc hội, có bộ trưởng đã nói trữ lượng bauxite của Việt Nam là 10-11 tỉ tấn. Vấn đề này đã được PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản  VN làm rõ trong các báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền trong đó nêu rõ con số 10-11 tỷ tấn chỉ là con số dự báo tài nguyên.
Cho đến nay, trên các tài liệu đã công bố, Việt Nam dự báo chỉ có 6,9 tỉ tấn tài nguyên bauxite, còn Mỹ nhận định trữ lượng bauxite của Việt Nam chỉ có 2,1 tỉ tấn. Tuy nhiên, khi thăm dò chi tiết, trữ lượng có thể thấp hơn nữa. Trong khi trữ lượng bauxite của cả thế giới chỉ có 38 tỉ tấn.
 Vì vậy để có bức tranh tổng thể về tài nguyên bauxite, chúng ta cần tiếp tục công tác thăm dò tìm kiềm để xác định được con số tương đối chính xác, từ đó đưa đến việc có tiếp tục đầu tư lớn nữa không, hay ở mức trung bình hoặc giữ   nguyên ở hai dự án như hiện nay để con cháu chúng ta tiếp tục phát triển.
Vấn đề đầu tư công nghệ chế biến cho hai dự án hiện nay theo tôi nghĩ là một bước cần thiết cho ngành chế biến luyện kim trong nước, đầu tư ở mức nào thì phải tính toán tương ứng với lượng quặng ta khai thác được.
PV: - Vậy theo ông nên ứng xử như thế nào với hai dự án này?
Ông Trần Sơn Lâm: – Như trên tôi đã nói, bây giờ không thể bỏ hai dự án này được, vì đây là tài sản của toàn xã hội, của nhân dân. Vừa qua trên mặt trận giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao Thông cũng đã có các chỉ đạo quyết liệt trong việc thi công các con đường quốc lộ và đang thu được những thành công ban đầu, được dư luận hoan nghênh.
Vì vậy đối với dự án bauxite, bộ trưởng Bộ Công thương cũng phải có trách nhiệm đề xuất với chính phủ các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, bảo đảm hai dự án bauxite phát triển trên nguyên tắc phải bảo tồn và phát triển nguồn vốn đã đầu tư và phải có lãi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét