Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Ngày 27/3/2014 - Có không dòng “đầu tư xâm thực”?

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Có không dòng “đầu tư xâm thực”?

Tính đến cuối năm qua dẫn đầu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam vẫn là Nhật với 33,4 tỉ đô la Mỹ, kế đó là Singapore (28,8 tỉ), Đài Loan (27,49 tỉ), Hàn Quốc (24,3 tỉ), tuyệt nhiên không có Trung Quốc trong tốp 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Thế nhưng có một điều rất đáng quan tâm.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào nước ta đã tăng đột biến lên đến mức hơn 2,3 tỉ đô la trong năm 2013 so với năm trước đó chỉ mới 345 triệu đô la Mỹ. Nước thì tràn vào chỗ trũng, còn đồng tiền Trung Quốc thì đổ vào những vách ngăn mong manh, dễ thẩm thấu nhất. Nhìn vào dòng chảy đầu tư của Trung Quốc không ai không có ít nhiều băn khoăn. Nhiều nhất là dệt may, nơi mà sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn yếu. Kế đó là bất động sản mà việc quản lý xem ra tùy tiện và đang thời suy thoái. Chưa hết, khai khoáng là nơi khó chịu đựng nổi với sức công phá của đồng tiền và thế lực của các nhóm lợi ích. Còn sản xuất chế biến với nhược điểm cố hữu là không tạo được chuỗi giá trị gia tăng. Xây dựng và cơ sở hạ tầng là không gian thông thoáng cho các cuộc đấu thầu mang tiếng là nhiều khuất tất, nơi mà lâu nay đã vang vọng lời báo động các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu hơn 90% các công trình trọng điểm quốc gia.
Nỗi lo “ xâm thực” đậm nét hơn khi thời gian gần đây xuất hiện nhiều thị tứ người Hoa ở một số nơi như Hà Tĩnh, Bình Dương, Dak Nông… Liệu rồi đây những thị tứ ấy có trở thành hạt nhân phát triển cho sự hình thành một không gian sống riêng biệt như Chợ Lớn thời xa xưa hay không?
Thông tin từ Công ty Dịch vụ bất động sản CBRE cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc nay đang tiếp cận các dự án nghỉ dưỡng kèm theo loại hình kinh doanh giải trí tại các tỉnh miền Trung. Đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán tham gia, Trung Quốc đổ vốn vào lĩnh vực may mặc với hy vọng cung ứng “nguyên liệu phụ tùng trong nước” cho các doanh nghiệp Việt Nam theo điều kiện của TPP. Đành rằng đầu tư là đi tìm cơ hội, nhất là trong điều kiện cạnh tranh của kinh tế thị trường, nhưng những đợt sóng làm ăn như vậy làm tăng thêm nỗi lo về một hoạt động đầu tư ẩn chứa nhiều yếu tố “xâm thực”, nhất là đang lúc doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về tài chính phải bán một phần vốn cho nước ngoài, công ty Trung Quốc đổ tiền mua để trở thành cổ đông chi phối. Cụ thể là vào cuối năm qua, Quỹ đầu tư Gaoling đã chi 40 triệu đô la Mỹ mua cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn thứ hai của Vinacafe Biên Hòa.
Nỗi lo “xâm thực” đậm nét hơn khi thời gian gần đây xuất hiện nhiều thị tứ người Hoa ở Hà Tĩnh, Bình Dương, Dak Nông… đặt ra những thách thức về vấn đề quản lý xã hội mà dư luận cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo.Thực ra, lúc đầu các khu dân cư này hình thành cùng các công trình của doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng công trình xong rồi thì thị tứ vẫn ở lại. Và liệu rồi đây những thị tứ ấy có trở thành hạt nhân phát triển cho sự hình thành một không gian sống riêng biệt như Chợ Lớn thời xa xưa hay không?
Hơn 20 năm trước, Luật Đầu tư nước ngoài ra đời và sau nhiều lần bổ sung cũng vẫn nhắm vào các mục tiêu (1) thu hút vốn và công nghệ tiên tiến các nước, (2) học tập và nâng cao trình độ quản lý và (3) tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Định hướng đó vẫn được phát huy khi nhìn vào quá trình tham gia đầu tư của doanh nghiệp một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang ở tốp đầu như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Mỹ… Còn với các doanh nghiệp Trung Quốc, ngoài giá trị về đồng vốn, các mục tiêu khác thật mờ nhạt, ngay cả việc sử dụng lao động tại chỗ cũng không được tôn trọng. Có vẻ như hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc trong chừng mực nào đó đã vượt qua một số quy định như sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp, trực tiếp mua nông sản của nông dân, tận dụng tệ nạn hối lộ. Phản ánh của người dân cho thấy nhiều công trường do công ty Trung Quốc xây dựng như một lãnh địa riêng không ai biết bên trong như thế nào. Đó chẳng phải là những nỗi lo hay sao?
Phải thừa nhận rằng hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại nước ta đang có những lợi thế tích cực lẫn tiêu cực. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tất nhiên Trung Quốc có ưu thế về đồng vốn, yếu tố tích cực ở đây nếu là đồng vốn sạch, có đường đi minh bạch. Khổ nỗi là doanh nhân Trung Quốc rất giỏi “lót đường” trong khi không ít quan chức của chúng ta rất dễ bị mua chuộc, đút lót thấy cái lợi trước mắt trong bối cảnh hạn hẹp của tư duy nhiệm kỳ. Trong tương quan kinh tế, chúng ta đã bị lệ thuộc Trung Quốc với tình trạng nhập siêu nặng nề, điều này dễ dàng dẫn đến những nhượng bộ, thậm chí thỏa mãn các đòi hỏi bất bình đẳng vượt khỏi quy luật của kinh tế thị trường, có hại cho đại cuộc.
Suy cho cùng thì trăm mối lo về “đầu tư xâm thực” cũng đổ về Nhà nước. Chúng ta có luật mà lại không thi hành nghiêm túc khiến cho tình hình quản lý hoạt động đầu tư trở nên bát nháo, người nước ngoài xem thường kỷ cương luật pháp nước ta mà không có biện pháp chế tài.
Nhà nước chưa thật lòng muốn phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chưa có một chính sách đúng đắn cải tổ triệt để doanh nghiệp nhà nước để cả hai có thể làm đối trọng với doanh nghiệp nước ngoài.
Kinh tế thị trường có luật chơi khắc nghiệt của nó, nhưng không phải lúc nào cá lớn cũng nuốt cá bé, bởi đằng sau hoạt động kinh tế còn có một hành lang bảo vệ chủ quyền quốc gia, đó là quyết tâm chính trị hướng đất nước đi vào con đường nào trong kỷ nguyên hội nhập.
Theo SaiGonTimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét