Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Khi cán bộ chính trị kiềm tỏa người tri thức - ODA đâu phải là “chùm khế ngọt”!

Khi cán bộ chính trị kiềm tỏa người tri thức

Câu chuyện về thạc sĩ Nhã Thuyên và luận văn của cô đang bị hội đồng chấm lại một cách bí mật dưới sức ép từ trên xuống đang – đã và sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Nó làm cho không ít người nhớ lại cuộc kiểm điểm bài Dư Âm (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí), một Nhân văn - Giai phẩm của cái thời kỳ “cách mạng sôi nổi” ấy, hay gần đây nhất là một “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Sở dĩ có sự liên tưởng tương đồng như thế là vì tất cả đều có sự tham gia phát giác, đấu tố của các cán bộ chính trị trong các vấn đề mang tính học thuật, khoa học xã hội.Cho nên mới có chuyện, những nhà phê bình văn học lại sử dụng luận điểm “phản lại chế độ” để chấm dấu hết cho cả một công trình nghiên cứu.

Cho nên mới có chuyện, cho điểm tuyệt đối, rồi ba năm sau lại xóa bỏ toàn bộ điểm dành cho một luận văn, loại bỏ những người từng chấm bài thi trước đó đã cho thấy sự can thiệp thô bạo của chính trị bấy lâu nay trong địa hạt học thuật.

Sự xâm phạm trắng trợn đó của cán bộ chính trị vào học thuật để làm cho cả nền học thuật bị đì, đặc biệt nền học thuật xã hội. Nó vẫn bị chi phối một cách giáo điều trong cái khuôn khổ được đặt ra về mặt tư tưởng, nó vẫn bị Marx – Lenin & chế độ XHCN bao vây, mọi yếu tố muốn thoát ra đều bị xử lý, xóa bỏ. Mọi thứ đã thay đổi, nhưng vẫn có những con người, vẫn có những giáo điều không bị thay đổi.

Báo Nhân Dân & Quân Đội Nhân Dân đã làm rất tốt trong việc làm sống dậy các câu từ đậm chất triệt tiêu giai cấp, đậm chất cách mạng đỏ như: “Nhân danh nghiên cứu để ca ngợi thứ "thơ" rác rưởi” [1]; “Một “góc nhìn” phản văn hóa và phi chính trị” [2]... Nó có khác gì so với những câu chữ của hàng chục năm về trước?, “Lật bộ áo "Nhân Văn - Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm”,

Rất chân thực, rất thành công và đầy tính đấu tố tư tưởng/giai cấp. Những nhà phê bình văn học, những giảng viên đại học/ cao đẳng, những cử nhân văn học, hội viên hội Nhà văn đã trở thành những tuyên huấn lúc nào không hay, họ đem ngòi bút và cách nhìn đầy tính chính trị vào trong đánh giá học thuật thay vì là tri thức và sự tìm tòi – khám phá lẫn tính nhân bản. Để rồi con đường cuối cùng là quy kết vào cái gọi là “động cơ chính trị”. Tôi gọi đó là sự nhân danh tri thức hay lấy tri thức làm bình phong để đả phá tri thức của những công cụ chính trị.

Sự tồi tệ đó không phải là mới đây, mà ngay những năm 1956 (thế kỷ 20) ông Đào Duy Anh cũng đã từng cảnh báo: “Trong địa hạt khoa học tự nhiên, sự xâm phạm của những cán bộ chính trị vào địa hạt chuyên môn như thế cố nhiên là rất trở ngại cho công tác chuyên môn, nhất là công tác nghiên cứu khoa học. Trong địa hạt khoa học xã hội thì mối tệ cũng không kém”. [3]

Chính khi cán bộ chính trị vào giáo huấn tri thức về cách hành văn, nghiên cứu đề tài thì cũng là lúc hình ảnh trần trụi xơ xác của nền giáo dục Việt Nam phi nhân bản, rập khuôn, phục vụ chính trị lại trở nên rõ nét hơn cả. Đó là, cái trường ĐHSP Hà Nội (con chim đầu đàn của nền giáo dục Việt Nam, nơi đào tạo mỗi năm hàng ngàn nhà giáo, cử nhân) đã ra cái quyết định thu hồi luận văn và không công nhận học hàm thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan. Tiếp đó, sự cúi rạp người của người tri thức đi đến đề nghị “báo chí không đăng tải ý kiến, đơn thư trái chiều” và cho nghỉ hưu non đối với người hướng dẫn đề tài là PGS TS Nguyễn Thị Bình.

Như vậy, về bản chất khung tri thức khoa học bấy lâu nay không hề có sự thay đổi. Do đó, khi người ta đặt ra cái tính chính danh của Hội Đồng thì tôi nghĩ nên đặt ra câu hỏi về bản chất và cả tính chính danh của trường ĐHSP Hà Nội, của nền giáo dục Việt Nam là gì? Nếu không phải là cái công cụ dành cho cán bộ chính trị. Tư tưởng chính trị đã đè bẹt tư tưởng tự do học thuật.

Để rồi, “chính cái tư tưởng không tin và coi rẻ trí thức đã dẫn đến sự ứng dụng lệch lạc cái nguyên tắc rất đứng đắn về quyền lãnh đạo của chính trị, do đó công tác học thuật của chúng ta, về khoa học tự nhiên cũng như về khoa học xã hội, gặp nhiều cản trở mà vẫn bị hãm vào tình trạng lạc hậu.” [3]

Nền giáo dục khai phóng mà dân tộc đang cần, những nhà tri thức đúng nghĩa đang mong mỏi từ bấy lâu nay vẫn là một con đường xa ngái như PGS-TS Hoàng Dũng đã từng nhận định trong một bài viết trên Vietnamnet [4].

Sự an ủi dành cho những nhà tri thức giờ đây chính là tình yêu và sự kính của Thoan dành cho cô Bình cũng như cách sống thẳng, lòng nhiệt huyết, sự cởi mở và cả tôn trọng đối với lựa chọn của học trò mà cô Bình đã dành cho Thoan là câu trả lời quý giá nhất.

Chúng ta dung dưỡng điều đó để chờ một ngày giáo dục được khai phóng thực sự, thoát khỏi mọi sự kiềm tỏa của cán bộ chính trị. Đó cũng là ngày mà luận văn về nhóm “Mở miệng” được tôn vinh.
 
LMHT
  (Dân luận)

Một chiến dịch phản công mới của “Nhóm lợi ích” bằng lợi dụng mạng xã hội?

3

Bài viết này chen ngang, nhưng cũng như một phần của loạt bài Những trang web giả mạo” và “trò chơi quyền lực”, nói về một blog mới ra đời hơn một tháng nay, hầu như chưa có mấy ai để ý (có “biểu tượng” con khỉ như hình bên, và mới có hơn 70.000 lượt truy cập cho tới sáng nay 25/3/2014), nhưng thể hiện rất rõ một góc nhỏ bức tranh đấu đá quyền lực khốc liệt trong nội bộ Đảng CSVN.
 
 Mục đích bài viết này để đóng góp chút ít cho cộng đồng mạng có thể tỉnh táo, nhận ra bản chất hai mặt của một số bài viết có vẻ như “chống tiêu cực”, nhưng đằng sau nó có thể lại là một hành động tiêu cực tệ hại. Vì vậy tên, địa chỉ của blog đó sẽ không được nói rõ ngay ở bài này, đơn giản vì không muốn “quảng bá” nó một khi cộng đồng mạng còn ít biết đến.

Cái khó để bày tỏ thái độ và xác lập niềm tin cho từng người đọc là những người “bị đánh” lẫn những kẻ “đánh” ẩn danh được thấy qua blog đó với 76 bài viết cho tới hôm nay cũng đều nằm trong hệ thống cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, báo chí của Đảng CSVN.

Tâm lý chung của cộng đồng mạng, của các Blogger và người điều hành các trang mạng tự do thường dễ chấp nhận đăng, thậm chí dễ tin vào thông tin của các bài viết “đánh” giới chức chính quyền hoặc người “của” đảng, chính quyền, trong một tờ báo, một tổ chức nào đó.

Các đối tượng bị “đánh” rất nhiều, bắt đầu từ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các cựu tướng Trương Hòa Bình, Nguyễn Hòa Bình hiện đứng đầu cơ quan kiểm sát và tòa án tối cao, … cho tới một số tướng công an đã về hưu, và cuối cùng, trong mấy ngày qua là báo Tuổi trẻ.

“Ưu tiên” đặc biệt của blog đó đã được xác lập ngay bằng một loạt “chuyên mục” dành riêng cho các nhân vật “cộm cán”, ở đầu trang chủ, mặc dù chưa kịp có nội dung trong đó.

4

Xét về thời điểm ra đời blog, nội dung, tần suất các vấn đề được đề cập, đối tượng “đánh”, … có thể nhận ra khá dễ những chủ nhân của nó là ai. Một trong những điều dễ nhận thấy trước tiên có liên quan tới vụ án Dương Chí Dũng – Dương Tự Trọng – Phạm Quý Ngọ.

Càng rõ thêm dấu hiệu “nho nhỏ” trên khi gần đây, một trong các bài viết trong blog đó đã được cùng lúc gửi tới nhiều trang mạng có tiếng. Có trang đã rất dễ chấp nhận đăng tải, không một lời bình luận về sự khác thường của nó. Bài viết nhắm “đánh” báo Tuổi trẻ, với thái độ căm tức rất rõ về việc báo này đã tiết lộ đoạn ghi âm Dương Chí Dũng khai ra tướng Ngọ là người gọi điện báo cho mình chạy trốn.

Để dễ nhận diện thêm về các ông bà chủ blog kia, cũng cần nói thêm về đoạn ghi âm “động trời” trên Tuổi trẻ. Trước đó, đã có chỉ thị từ Ban tuyên giáo là các bài viết không được tiết lộ danh tính tướng Ngọ. Thế nhưng, dường như Tuổi trẻ đã “lách” bằng cách đưa lên một đoạn bản ghi âm, chứ không phải là bài viết. Ít ngày sau, trong một cuộc họp báo chí, Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh đã rất tức tối cảnh cáo vụ việc này và có lời bóng gió đe dọa đến cả “ghế” của TBT Phạm Đức Hải.

Cách đây 3 ngày, lại có tiếp một bài “đánh” Tuổi trẻ” được gửi đi như bài trước, nhưng chỉ có 2 blog có tiếng là “dễ” trong việc chọn đăng bài vở là chấp nhận đăng tải. Cách viết như muốn cho người đọc tin tác giả là người của báo Tuổi trẻ.

Cũng có thể dễ nhận ra chủ nhân của blog đó ở chỗ có khá nhiều các bài vở, hình ảnh của riêng của nó thuộc dạng “nội bộ”, không phải chỉ liên quan báo Tuổi trẻ, mà cả về các giới chức cao cấp trong đảng, chính quyền.

Lại nhớ sự ra đời của blog “Quan làm báo” khoảng 2 năm trước, đã thu hút mối quan tâm chưa từng thấy của công luận, đến độ ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải đích thân ra văn bản chỉ thị điều tra xử lý thủ phạm đằng sau nó.

Nhưng với blog được đề cập ở đây, thì chưa thấy có bài “đánh” ông Thủ tướng, nó dễ bị cho là kẻ đứng đằng sau thuộc “Nhóm lợi ích”, thứ từ lâu bị gán cho là gắn bó với ông. Điều nguy hiểm hơn cho Đảng CSVN nếu như cách này là một ý đồ thâm hiểm nhằm khoét sâu, hoặc tạo nên mâu thuẫn giữa nhiều cá nhân trong giới chóp bu, giữa các “phe nhóm” (nếu có). Đây sẽ là một chủ đề lớn, sẽ được bàn kỹ trong bài tới có tựa đề Thử hình dung “Cuộc chiến Ba-Tư ảo” và “Liên minh Dũng-Sang thật”.

Còn với người đọc, tất cả chỉ ở sự tỉnh táo khi tiếp cận thông tin từ đây, vì trong đó lẫn lộn thật giả, tốt xấu, mặc dù cái giả, cái xấu có thể quá nhiều.
Thêm một lần tập dượt cho cuộc tranh đấu vì tự do, dân chủ.
(Chép Sử Việt)

ODA đâu phải là “chùm khế ngọt”!

Trong 12 năm qua, cứ chu kỳ bình quân 4 năm là xảy ra 1 vụ tiêu cực lớn liên quan đến vốn ODA ở nước ta. Như vậy, việc quản lý nguồn vốn này có kẽ hở, cần phải vá ngay để không chảy lệch dòng

Mấy ngày nay, thông tin chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ cho quan chức ngành đường sắt Việt Nam hơn 80 triệu yen (trên 16 tỉ đồng) để trúng gói thầu tư vấn dự án đường sắt đô thị số 1 tại Hà Nội đang gây chấn động dư luận cả nước. Sau vụ án PMU 18 (năm 2006) đến vụ án Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI - Nhật Bản) hối lộ giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây TP HCM (năm 2010) và bây giờ là vụ JTC, tạo ra dư luận không tốt về việc quản lý các dự án ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) của nước ta.

Thiếu kinh nghiệm  quản lý

Không ai phủ nhận vai trò của ODA suốt hơn 2 thập kỷ vừa qua (từ năm 1993 đến nay) trong việc giúp Việt Nam hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội ổn định; góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của quốc gia; bổ sung dự trữ ngoại hối; tăng sức mạnh tài chính của đất nước. Trong tổng số vốn ODA tài trợ, có khoảng 80%-90% là vốn vay và 10%-20% là vốn viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn vay lại được ưu đãi về thời hạn vay khá dài, lãi suất vay khá thấp, có thời gian ân hạn.

ODA còn thể hiện sự ủng hộ chính trị, lòng tin của các nhà tài trợ; tác động cụ thể trên nhiều ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có một số ngành, lĩnh vực quan trọng, như: phát triển nông nghiệp - nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội; bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển dự án…

Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng vốn ODA tại Việt Nam bộc lộ nhiều vấn đề như hệ thống khung pháp lý giữa Việt Nam và các nước tài trợ vẫn chưa “hài hòa” theo mong đợi; Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm từ thể chế chính sách đến cán bộ điều hành trong quản lý dự án nói chung và dự án ODA nói riêng; ODA vẫn còn là chuyện của “cấp trên” - một lãnh địa khép kín; một số địa phương và bộ - ngành hiểu ODA là “chùm khế ngọt” và giống như nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta vẫn bị khống chế theo những điều kiện có lợi cho nước tài trợ ODA.

Cứ chu kỳ trung bình 4 năm là xảy ra chuyện lớn về quản lý sử dụng nguồn vốn ODA. Như vậy, nói gì thì nói, đang có kẽ hở tạo tiêu cực, tham nhũng trong việc quản lý nguồn vốn này.

Một phần dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (có hạng mục thiết kế xây dựng cầu vượt sông Hồng sát cầu Long Biên)
Ảnh: Tuấn Nguyễn
Một phần dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (có hạng mục thiết kế xây dựng cầu vượt sông Hồng sát cầu Long Biên) Ảnh: Tuấn Nguyễn

Quá nhiều yếu tố “lót ổ” cho tiêu cực

Thật ra, việc hối lộ, tham nhũng trong các dự án đầu tư xây dựng công trình ở Việt Nam không phải là hiếm và cũng không có gì là mới.  Xuất phát từ các thể chế quản lý đầu tư xây dựng tuy đã chuyển sang kinh tế thị trường rồi nhưng vẫn mang màu sắc bao cấp “xin - cho” như định mức đơn giá, mọi hoạt động từ thiết kế dự toán đến nghiệm thu thi công cũng phải có ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước nhưng khi xảy ra vấn đề thì không cá nhân nào chịu trách nhiệm cụ thể, cộng với thói quen sử dụng tiền mặt không thông qua tài khoản cá nhân cũng góp phần tạo ra tham nhũng.

Với dự án ODA thì ngoài những kẽ hở chung của hoạt động dự án, cộng với những bất cập của hình thức đầu tư đặc biệt này, tiêu cực càng nảy sinh gấp bội.

Về khung pháp lý, đến nay đã có Nghị định 38/2013/NĐ-CP ngày 23-4-2013 thay thế Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 9-11-2006 nhưng vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn đồng bộ kịp thời, đặc biệt là quy định về trách nhiệm chủ đầu tư và trách nhiệm vai trò kiểm soát giám sát của cấp chủ quản, các bộ - ngành.

Về tính công khai minh bạch, dự án ODA chỉ được nhắc trong phần lập kế hoạch, còn phần thực hiện thì thiếu phản biện và giám sát xã hội. Ngay trong ban quản lý dự án cũng thiếu quy chế dân chủ, thường mang tư tưởng ỷ lại là dự án trọng điểm được chỉ đạo trực tiếp bởi lãnh đạo cao nhất, thoát ly sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Ở các nước trên thế giới, khi nhận ODA, để hạn chế các vấn đề cố hữu của nó, họ thường tăng cường tính minh bạch và hiệu quả thông qua khung pháp lý rõ ràng, các nghiên cứu đánh giá một cách khoa học và liên tục, có sự phản biện giám sát cộng đồng chặt chẽ, sự theo dõi của giới truyền thông và phải có các quy định ngăn ngừa chế tài hành vi tham nhũng mang tính hiệu lực cao.

Ngoài việc khắc phục những tồn tại nêu trên, Chính phủ nên thành lập một tổ chức chuyên trách theo dõi về nợ công và quản lý ODA. Một số dự án ODA quy mô lớn, tính chất công nghệ phức tạp hay quá mới, chúng ta nên thuê tư vấn nước ngoài quản lý dự án (không phải là tư vấn nước tài trợ ODA). Kiên quyết không nhận những dự án ODA mà Việt Nam không kiểm soát được chi phí hoặc bất lợi trong việc trả nợ về sau.

Với các dự án hạ tầng ODA Nhật Bản, không nên tiếp tục chuyện “vừa thiết kế vừa thi công” để tránh tình trạng đội giá không cách gì kiểm soát trong tình hình trình độ và phẩm chất của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam còn hạn chế như hiện nay.

Và giống như các lĩnh vực khác, muốn chống tham nhũng cần phải có sự tham gia đa dạng, tích cực của toàn xã hội, trước hết là lãnh đạo phải quyết tâm thực sự.

Không ai dại mang tiền vào cho không chúng ta. Họ bỏ vào chỗ này thì sẽ lấy lại chỗ khác, một khi suất đầu tư tăng lên cao thì ODA sẽ không còn ý nghĩa, con cháu chúng ta sau này phải chắt chiu trả nợ, chưa kể hậu quả suất đầu tư các dự án hạ tầng trong nước theo đó sẽ tăng cao ngất trời như một số dự án đường cao tốc vừa được công bố mới đây. 

NGHI ÁN HỐI LỘ 80 TRIỆU YEN CHO QUAN CHỨC ĐƯỜNG SẮT
Làm rõ lý do đội giá quá lớn
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu JTC cung cấp tài liệu, chứng cứ bằng văn bản
Liên quan tới tố cáo nhận hối lộ 80 triệu yen (khoảng hơn 16 tỉ đồng) của quan chức Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, sáng nay (26-3), Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) công bố quyết định thanh tra toàn bộ dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên) và một số dự án của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư có Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) thực hiện
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, chiều 25-3, ông đã ký văn bản thanh tra toàn bộ dự án nói trên.
Cùng ngày, Bộ GTVT đã gửi văn bản sang Nhật Bản cho ông Tanio Kanikuma, Chủ tịch JTC, đề nghị có văn bản chính thức về thông tin hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam để được trúng thầu.
“Tất cả những thông tin mà Bộ GTVT tiếp nhận đến nay đều chỉ mới thông qua báo chí Nhật Bản. JTC cũng chưa có văn bản nào gửi Bộ GTVT tố cáo về việc “lại quả” số tiền lớn như vậy. Điều chúng tôi cần là những tố cáo “giấy trắng mực đen” của họ và kèm theo đó có thể là những bằng chứng về việc chuyển tiền, thời gian thực hiện, thậm chí cả nội dung ghi âm về việc đưa - nhận hối lộ” - ông Huyện nói.
Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết theo quy định hiện hành, các dự án tư vấn có vốn đầu tư ODA Nhật Bản đều phải thông qua đấu thầu rất công khai, minh bạch giữa các nhà thầu Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định việc thanh tra phải làm rõ tại sao phải bôi trơn để trúng thầu cho dù việc đấu thầu được tổ chức công khai và tại sao dự án đường sắt đô thị số 1 từ khoảng 900 tỉ đồng giai đoạn 1 của dự án, liên danh tư vấn do JTC đứng đầu trúng thầu, sau 2 năm tăng thêm khoảng 326 tỉ đồng. Không chỉ vậy, các chuyên gia giao thông còn phản ánh tại một số dự án khác ở phía Nam có JTC tham gia cũng xảy ra tình trạng đội giá lớn. 
THẾ KHA

Việt Nam kiên quyết xử lý nghiêm
Tại buổi tiếp Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada vào chiều 25-3, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hết sức quan tâm đến nghi vấn JTC đưa hối lộ cho quan chức Việt Nam và đã chỉ đạo các bộ - ngành chủ động xác minh, phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ, tài liệu. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần cam kết và trên thực tế luôn nỗ lực sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Việt Nam kiên quyết xử lý nghiêm vụ việc trên theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam nếu thông tin tố giác đúng sự thật. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đề nghị phía Nhật Bản phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam sớm cung cấp thông tin để cùng làm sáng tỏ vụ việc, đồng thời đề nghị hai bên cần hoàn thiện cơ chế, phòng ngừa những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
Theo TTXVN, Đại sứ Hiroshi Fukada hoan nghênh và đánh giá cao những biện pháp hết sức kịp thời và tích cực của Chính phủ Việt Nam để nhanh chóng xác minh vụ việc, cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để giải quyết.
B.T.Th
TS Phạm Sanh
(Người Lao động)

Những quan chức Việt nào “dính chàm” trong các dự án ODA?

(Soha.vn) - Vụ việc quan chức ngành đường sắt Việt đang vướng vào cáo buộc nhận “lại quả” 80 triệu yen của Nhật đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

>ĐBQH không bất ngờ về cáo buộc "quan chức VN nhận hối lộ 16 tỷ"
>Đang kiểm tra “cáo buộc” quan chức VN nhận hối lộ 16,5 tỷ đồng
>Luật sư phân tích về cáo buộc quan chức VN nhận hối lộ 16,5 tỷ
>Vụ "hối lộ 16,5 tỷ": Dừng công tác Giám đốc BQL Dự án đường sắt
>Nghi án “nhận hối lộ 16 tỷ”: Chuyển công tác cũng phải giải trình
>Nghi án "nhận hối lộ 16,5 tỷ": Bộ Công an cần khởi tố vụ án
> Tiết lộ tuyến đường sắt liên quan đến nghi án "lại quả" 16 tỷ
> Soi công ty "dính" nghi án hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt

Công ty Nhật Bản JTC thừa nhận hối lộ số tiền gần 80 triệu yên (16 tỉ đồng) để trúng thầu dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Đây là dự án có vốn ODA của Nhật. Trước đây, có hai vụ án lớn từng gây rúng động dư luận cũng liên quan tới các dự án ODA, đó là vụ Huỳnh Ngọc Sĩ với dự án Đại lộ Đông - Tây và vụ bê bối tại PMU 18.

Huỳnh Ngọc Sĩ và bê bối nhận hối lộ dự án Đại lộ Đông - Tây

Dự án Đại lộ Đông - Tây có tổng chiều dài 21,9, được khởi công 31/1/2005, bắt đầu từ quốc lộ 1A huyện Bình Chánh và kết thúc tại xa lộ Hà Nội quận 2, tổng chiều dài toàn tuyến gần 22 km. Dự án có hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn lớn nhất Đông Nam Á. Dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 10.000 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại từ ngân sách thành phố.

Báo chí Nhật đưa tin, 4 người Nhật đã nhận việc chuyển cho một quan chức cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh số tiền hối lộ 820.000 đôla để thắng thầu dự án trên.

Trong đó, theo bản án sơ thẩm, trong thời gian làm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây, ông Huỳnh Ngọc Sĩ không làm đúng nhiệm vụ được giao, làm lợi cho phía nhà thầu Nhật Bản để nhận hối lộ 262.000 USD.

Tại phiên tòa sơ thẩm 18/10/2010, Hội đồng xét xử xác định có đủ căn cứ kết luận bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ phạm tội Nhận hối lộ được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 279 Bộ luật hình sự và cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng gây hậu quả xấu.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị tuyên mức án chung thân.
Những quan chức Việt nào “dính chàm” trong các dự án ODA?
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Ngày 1/9/2011, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận một phần đơn kháng cáo, tuyên giảm hình phạt từ chung thân xuống còn 20 năm (mức cao nhất của án tù có thời hạn) đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ về tội nhận hối lộ.
Tham nhũng và lạm dụng vốn ODA ở PMU18
PMU18 trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được thành lập theo quyết định số 1675 QĐ/TCCB - LĐ ngày 23/8/1993 của Bộ GTVT. Ban đầu, PMU18 được giao nhiệm vụ quản lý việc xây dựng mới, nâng cấp đường và các công trình trên tuyến Quốc lộ 18. Trong thời gian 13 năm từ 1993 đến 2006, đơn vị này quản lý khoảng 2 tỷ đô la do Ngân hàng Quốc tế (World Bank), Nhật Bản và một số quốc gia Âu châu tài trợ và nhà nước Việt Nam góp vốn.

Ông Bùi Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PMU 18 từ ngày 4/4/1998.

Trong quá trình thực hiện các dự án sử dụng vốn vay ODA và nguồn vốn hỗ trợ khác, PMU 18 được Bộ GTVT cử làm đại diện chủ đầu tư để ký kết các hợp đồng kinh tế về tư vấn và xây lắp dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 18 và một số Quốc lộ khác.

Theo quy định, PMU 18 và Ban Điều hành các gói thầu được mua ô tô bằng nguồn vốn ODA và nguồn vốn hỗ trợ khác để thực hiện công việc. Trong giai đoạn từ năm 1998 - 2005, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, Bùi Tiến Dũng đã cho mượn, sử dụng sai mục đích 7 ô tô và bản thân Dũng sử dụng không đúng quy định 2 xe. Hành vi của Bùi Tiến Dũng đã gây thiệt hại gần 2,7 tỉ đồng.

Những quan chức Việt nào “dính chàm” trong các dự án ODA?
Bùi Tiến Dũng. (Ảnh: Người lao động)

Bốn “đồng phạm” của Bùi Tiến Dũng là Vũ Mạnh Tiên (nguyên Phó chánh văn phòng PMU 18), Lê Thị Thanh Hòa (nguyên Phó phòng PID 6 PMU 18), Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Phó phòng PID 6 PMU 18), và Bùi Thu Hạnh (Phòng Tài chính - kế toán, em gái Bùi Tiến Dũng). Những người này bị cáo buộc trong quá trình thực hiện dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đã yêu cầu Ban điều hành các gói thầu ký khống hợp đồng thuê nhà, thuê trụ sở, thuê ôtô, lập bảng lương khống chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Trong đó, ông Tiên chiếm gần 300 triệu đồng, bà Hòa cùng chồng Phạm Tiến Dũng (Trưởng phòng kinh tế kế hoạch PMU 18 đã chết trong quá trình tạm giam) thu lợi hơn 500 triệu đồng, ông Sơn chiếm trên 220 triệu đồng, bà Hạnh “bỏ túi” 53 triệu đồng.

Ngoài ra, Bùi Tiến Dũng cùng 8 cựu quan chức trong PMU 18 vì bị cáo buộc tham nhũng trong dự án xây dựng cầu Bãi Cháy ở Quảng Ninh do Nhật tài trợ vốn ODA. Trong dự án này, với sự đồng ý của Bùi Tiến Dũng, một số cán bộ tại PMU18 và sự thông đồng với Giám đốc điều hành các gói thầu BC1 và BC3, danh sách khống về hàng chục nhân viên tư vấn đã được lập. Từ tháng 3/2003 đến 2/2007, bằng cách làm này, các bị cáo đã rút được hơn 3,4 tỉ đồng tiền lương. Ngày 6/7/2011, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Bùi Tiến Dũng 7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” trong vụ án tham ô tài sản tại dự án cầu Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh).

Trước đó, Bùi Tiến Dũng đã bị phạt 13 năm tù về tội “đánh bạc” và “đưa hối lộ”; 3 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp các bản án, Bùi Tiến Dũng phải bị 23 năm tù giam.
Y. Dương Tổng hợp 

Sau khi Crimea " được"/ " bị" sát nhập

3000 người biểu tình phản đối việc Crimea sáp nhập vào Nga

Cũng là bị động cách nhưng làn ranh giữa “được” và “bị” thật khác nhau. Dù sao mặc lòng, tự do-dân chủ đâu phải là “bữa trưa miễn phí”. Thoát được sự kềm kẹp của “đại quốc” mà không giác ngộ được lợi ích dân tộc, đi đến đồng thuận quốc gia, đặc biệt không thấu hiểu bàn cờ thế giới, tương lai dân tộc vẫn có thể bị đánh cắp như thường.
Ngày 24/3, trong khuôn khổ hoạt động tại Thượng đỉnh lần thứ ba về an ninh hạt nhận ở La Haye (NSS-3), trả lời phỏng vấn báo "Folkskrant" (Hà Lan), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có những lời lẽ khá cứng rắn với Nga. Ông Obama khẳng định, trong trường hợp tình hình tiếp tục căng thẳng, Mỹ sẵn sàng áp đặt biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga. Ông cảnh báo, Nga cần phải hiểu những hậu quả kinh tế và chính trị do các hành động của họ ở Ukraine gây ra. Tổng thống Obama cũng tuyên bố, Mỹ không coi châu Âu là chiến trường giữa Đông và Tây. “Tư duy kiểu này nên vứt bỏ với sự kết thúc Chiến tranh Lạnh. Thay vào đó, điều quan trọng là làm sao để Ukraina có quan hệ tốt cả với Hoa Kỳ, Nga lẫn châu Âu”.
Tại NSS-3, tình hình bán đảo Crimea và Ukraine đã phủ bóng lên hội nghị. Đấy là lý do nhân dịp thượng đỉnh ở La Haye, Tổng thống Obama đã gặp lãnh đạo các nước EU và NATO. Một hội nghị G7 bất thường đã được triệu tập để bàn cách tiếp tục cô lập và trừng phạt Nga sau khi ông Putin sáp nhập Crimea vào LB Nga. Theo giới chuyên gia, Ukraine đang rất bất ổn nên nước này càng có ít nguyên liệu hạt nhân càng tốt. Về phần mình, Ukraine đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân theo tinh thần “Bị vong lục Budapest” ký với Anh, Mỹ và Nga năm 1994, trong đó ba cường quốc trên bảo đảm rằng họ sẽ tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Trước Hội nghị Seoul năm 2012, Ukraine đã trả lại tất cả urani làm giàu cao độ cho Nga và đã thay đổi các lò phản ứng hạt nhân của mình để sử dụng urani làm giàu ở độ thấp.
Những góc nhìn quên lãng
Trong vụ bán đảo Crimea “được” hay “bị” sáp nhập vào Nga, nhiều phân tích gia nhấn mạnh đến việc Matxcơva đã không tôn trọng “Bị vong lục Budapest” nói trên. Theo đó, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina được bảo đảm, một khi nước này chuyển giao số vũ khí hạt nhân cho LB Nga. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận nảy lửa hiện nay, một số chuyên gia “xới lại” vấn đề từ một góc nhìn bị quên lãng: vấn đề an ninh của Nga và cách hành xử của NATO. Họa phúc phải đâu một buổi. Để hiểu được chính sách của Putin tại Ukraine, cần nhớ lại, kể từ năm 1990, NATO đã nhiều lần mở rộng biên cương của mình sang phía đông châu Âu và cũng từng bỏ qua lời hứa trước đây của họ khi Liên Xô (cũ) giao kèo với phương Tây về việc để cho nước Đức thống nhất và gia nhập NATO.
Như vậy, từ nay sẽ không đơn thuần chỉ là câu chuyện về mối bang giao giữa nước Nga (đại quốc) với lân bang Ukraine (môi hở răng lạnh) nữa. Tuy đã qua cái thưở “hai phe bốn mâu thuẫn” ấy nhưng vẫn còn đó hai khối với những lợi ích chưa thể dung hòa. Cách đây chưa đầy ba tháng, ông Putin vẫn gọi Ukraine là “đất nước anh em” và sẵn sàng cứu Kiev khỏi vỡ nợ. Lời hứa của ông dành cho người láng giềng lâu năm này 15 tỷ usd viện trợ kèm theo giá dầu và khí đốt ưu đãi dường như đã “cuốn theo chiều gió”. Nay thì 13 ủy viên của HĐBA/LHQ đã bỏ phiếu thông qua (dự thảo) nghị quyết do Washington bảo trợ, coi cuộc trưng cầu dân ý là không có giá trị. Bà đại sứ Mỹ ở LHQ nói Nga có quyền phủ quyết đối với dự thảo nhưng không thể phủ quyết được sự thật. Sự thật là cuộc trưng cầu dân ý đã được tiến hành dưới sự có mặt của hàng trăm ngàn binh lính Nga trên bán đảo Crimea.
Không rõ sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý của cuộc sáp nhập, ông Putin có đọc lại cuốn tiểu thuyết giả tưởng – một tác phẩm ông yêu thích – “Third Empire: the Russia that ought to be” của Michael Yuriev xuất bản năm 2006? (Tạm dịch “Đế chế thứ Ba: nước Nga đúng phải là như thế”). Tiểu thuyết mô tả cái trật tự thế giới được tái thiết vào năm 2054 và các bước tiến hành gần giống những gì đã/đang diễn ra ở Ukraine. Cuốn sách hình dung ra cảnh miền Đông Ukraine nổi loạn chống lại Cách mạng Cam do những người miền Tây khởi xướng và theo yêu cầu của họ, “Vladimir Đệ Nhị” đã sáp nhập miền Đông vào một liên minh hình thành từ Liên bang Nga, nhưng bao gồm thêm cả Belarus, Kazakhstan, Turkmenistan, Nam Ossetia và Abkhazia.

Bi kịch tâm thức đế chế
Liên bang Nga ngày nay là Liên Xô (cũ) đã mất hơn phân nửa dân số và một phần tư lãnh thổ. Sau Chiến tranh Lạnh, LB Nga trở lại hình thể địa dư của nước Nga vào thế kỷ 17. Từ khi cầm quyền đến nay, ông Putin muốn khôi phục lại những gì Liên Xô đã mất, nhưng không phải để vãn hồi chế độ Xô-viết, mà là để “phục chế” Ðại Nga. Nước Nga ngày nay kiểm soát Bắc Caucasus nhưng chưa tiến sâu vào được rừng núi và biên địa Gruzia, Armenia, nên vẫn thấy hở sườn. Nga cũng mất nhiều đầu cầu vào Trung Á. Nếu không giành lại Ukraine, Nga lo sợ bị tấn công từ khu vực này. Ðã vậy, cả vùng Baltic với ba nước Estonia, Latvia và Lithuania không những rời khỏi quỹ đạo Nga mà nay còn là tiền đồn của NATO! St. Petersburg của nước Nga muôn thuở và nơi lập thân của Putin, đang nằm dưới tầm hỏa tiễn của NATO.
Bi kịch của tâm thức đế chế chính là ở chỗ bành trướng lãnh thổ hay ảnh hưởng luôn luôn đeo đẳng như một lời nguyền. Tuy nhiên, sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các cường quốc, giữa các châu lục đã giảm thiểu mức độ liều lĩnh do các chấn động của nứt trượt địa-chính trị thế kỷ 21 gây nên. Sáp nhập Crimea vào LB Nga theo cách đang diễn ra có thể khiến đại đa số dân Ukraine sẽ trở nên thù ghét và chống lại nước Nga. Hơn nữa, thái độ mạnh bạo, thiên về chủ nghĩa dân tộc của Mátxcơva sẽ khiến cộng đồng quốc tế khó chấp nhận, thậm chí hết coi trọng Nga. Chuyên gia hàng đầu về Trung Á Martha Brill Olcott (từ Viện Carnegie) chia sẻ, các nền văn hóa lớn hẳn nhiên đều muốn phục hưng, đều có tâm thức đế chế. Nhưng vấn đề là cái giá của việc dùng vũ lực, hay đe dọa vũ lực để bắt các quốc gia khác phải hy sinh cho giấc mộng đế chế của mình là bao nhiêu?
Bản thân là một quốc gia, sống giữa hai đế chế, hai thế giới, Ukraine sở dĩ thống nhất được là nhờ văn hóa, nhưng nguy cơ bị chia cắt lại là do tâm thức đế chế từ bên ngoài cộng thêm những lục đục nội bộ. Nước Ukraina mới rồi ra có giúp xây dựng được một châu Âu mới? Sau châu Âu đầu tiên ra đời hậu thế chiến hai (1945) và châu Âu thứ hai, sau khi bức tường Berlin sụp đổ (1989), liệu có thể xuất hiện một châu Âu thứ ba, tức là sự mở rộng của hai châu Âu trước, bao gồm cả nước Nga? Câu hỏi dường như có vẻ như chưa đúng thời điểm? Dù khó hình dung chiến tranh sẽ nổ ra, nhưng cục diện khiến dư luận nhớ lại năm 2008. Mátxcơva đã lấy cớ bảo vệ “Nga kiều”, triển khai tấn công quân sự đối với Gruzia và buộc quân đội nước này phải rút lui khỏi Nam Ossetia. Lần này, ở Ukraine, Putin cũng lấy lý do tương tự, yêu cầu Quốc hội Nga cho phép điều quân tới Ukraine. Mọi chuyện tuy không như cục diện của Gruzia năm xưa, nhưng khúc quanh hiện nay vẫn được các chuyên gia so sánh với tình hình quốc tế sau 11/9/2001.
Khập khiểng vẫn phải so sánh
Có thể chia sẻ với các blogger khi họ lo lắng cho Ukraine. Tương quan lực lượng quá bất lợi cho Kiev, nhưng chính quyền mới Ukraine không có đường lùi. Nhân dân Ucraine đã vùng lên đấu tranh lật đổ chế độ tham nhũng, hướng đến một chính thể tự do, dân chủ. Bên dưới các chuyển động địa-chính trị, không thể không nói tới khát vọng dân chủ của người dân Ukraine. Sau một tổng thống như Yanukovich thì chỉ cần lãnh đạo lâm thời không ăn cắp và tham nhũng đã là tiến bộ lớn lắm rồi. Cái giá phải trả cho tương lai có thể còn lớn hơn, nhất là khi đối đầu với họ là một “đại quốc” và những phần tử muốn duy trì thể chế cũ trong một Ukraine mới. Máu đã đổ, Crimea đã mất, miền Đông và Nam đất nước gặp nguy hiểm. Cuộc sống sẽ khó khăn hơn nhưng con đường phía trước không thể khác.
Đừng quên là ngay từ khi giành độc lập vào năm 1991, Ukraine đã “mở cửa” hướng về phương Tây nhằm đối trọng lại ảnh hưởng của Nga. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Ukraine đã kiến tạo được quan hệ “đối tác chiến lược” với Mỹ, đồng thời ký thỏa thuận đối tác và hợp tác với EU (Giá như EU đã hành động mau lẹ hơn!) Kiev cũng là thành viên đầu tiên trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) gia nhập “chương trình đối tác hòa bình” của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, chính thức bắt tay hợp tác với NATO. Nhưng đối với Tổng thống Nga Putin, Ukraine lại là một trong những thành viên không thể thiếu trong kế hoạch "Liên minh Âu-Á" mà ông muốn xây dựng. Ukraine từng là "cái nôi của văn minh Nga", vì thế, mối liên hệ nhiều mặt giữa hai nước khó dứt bỏ trong phút chốc.
Dân nào thì chính quyền ấy! Đấy không phải là sáo ngữ. Đấy là đúc kết từ “con đường đau khổ” mà các nước, kể cả Á, Âu hay Mỹ-Latinh, đang trải qua. Diễn tiến ở Ukraine cũng như làn sóng biểu tình đang tràn dâng trên các châu lục cho thấy “tự do, dân chủ không phải là bữa trưa miễn phí”.
Nếu Kiev đi hẳn với Brussels (EU), ông Putin khó có thể hoàn thành giấc mộng "Liên minh Âu-Á", khôi phục vị thế của Nga tại khu vực này. Ukraine là lá chắn cuối cùng ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây sẽ không còn nữa. Trong khi đó Ukraine và châu Âu cũng từng có lịch sử và nguồn gốc văn hóa rất sâu sắc, đặc biệt là khu vực miền Tây Ukraine; vài trăm năm trước mốc 1945 từng là một phần của văn minh châu Âu. Vì thế, EU khó chấp nhận các hành vi lấn lướt quá đà của Nga đối với Ukraine, điều sẽ bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế, là thách thức đối với trật tự thế giới được hình thành trong không gian “hậu xô-viết”. Trở thành con “chốt” trên một bàn cờ lớn như thế, Ukraine khó làm chủ được toàn bộ tiến trình trong khi khủng hoảng còn tiếp diễn theo các chiều hướng khác nhau.
Quyền lực thông minh?
Cho đến nay phải thừa nhận vấn đề Crimea là sự đã rồi (fait accompli!) Ngay cả cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 thực tế cũng chỉ là động thái mang tính biểu tượng. Theo các chuyên gia từ Tạp chí “Forbes”, Thủ tướng tạm quyền Ukraiune Yatsenyuk sẽ phải tuân thủ các khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tức là sẽ áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” giống mô hình Hy Lạp (tăng thuế, giảm việc làm, giữ lãi suất cao và phá giá tiền tệ). Đối với hoàn cảnh của Ukraine, “thắt lưng buộc bụng” là con đường dẫn tới thảm họa. Mà lúc này, Ukraine đang đi trên con đường ấy. Nếu thật sự mong muốn điều tốt lành cho Ukraine, nên ưu tiên vào các gói viện trợ kinh tế. Nhưng nếu không có sự tham gia của nước Nga, việc hỗ trợ Ukraine sẽ hết sức nan giải, thậm chí là bất khả.
Tam giác quyền lực Nga-Crimea-Ukraine từ nay càng đặc biệt hơn. Mối quan hệ này cần được xử lý một cách thận trọng và kiên nhẫn. Ngày 17/3, sau khi có kết quả về cuộc bỏ phiếu, ông Putin và ông Obama đã lại điện đàm với nhau (lần thứ ba từ khi có khủng hoảng). Hai vị tổng thống nhất trí, “mặc dù có nhiều bất đồng quan điểm trong việc đánh giá tình hình, nhưng cả hai sẽ phối hợp để tìm kiếm các biện pháp nhằm ổn định tình hình Ukraine”. Vấn đề là làm thế nào để khuyến khích tổ chức thêm các cuộc tư vấn về tương lai của Ukraine để đi đến một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Chiến tranh Lạnh lần thứ hai sẽ không có lợi cho bất cứ ai. Trừng phạt của Mỹ/Tây Âu đối với Nga dù mới chỉ trên lời nói, nhưng đã góp phần đánh tụt thị trường chứng khoán New York, có ngày xuống hơn 230 điểm.
Vậy sức mạnh nào sẽ thúc đẩy hay cản trở sự hợp tác giữa các bên liên quan trong ván bài Ukraine? “Quyền lực cứng” như Nga dền dứ trong cuộc đọ sức “được ăn cả, ngã về không” (zero-sum game) chỉ có tác dụng ngắn hạn. Ông Putin không thể xây dựng một đất nước mà ở đó tất cả dồn cho quốc phòng (như thời xô-viết) chứ không xuất phát từ nhu cầu dân sinh. “Quyền lực mềm” mà cả Nga lẫn châu Âu đều viện dẫn đúng là có sức mạnh ngoại sinh (Ukraine chịu ảnh hưởng của cả Nga lẫn Tây Âu). Nhưng mọi học thuyết về “khu vực ảnh hưởng” trong thời đại toàn cầu hóa đang giảm dần tác dụng. Ngày nay, các “tiểu quốc” có cơ hội tiếp thụ ảnh hưởng từ nhiều nền văn minh khác nhau, không nhất thiết phải cam chịu thân phân “thuộc quốc” như trước đây. Vậy chỉ còn lại “quyền lực thông minh” (smart power), tức là hợp lực giữa cả “cứng” lẫn “mềm” mới là thượng sách.
Thoát được kềm kẹp của “đại quốc” mà không giác ngộ được lợi ích dân tộc, đi đến đồng thuận quốc gia, đặc biệt không thấu hiểu bàn cờ thế giới thì tương lai của dân tộc vẫn có thể bị đánh cắp. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, không gian rộng hay hẹp để các nước vừa và nhỏ có thể tìm cho mình một lối đi phù hợp như hàng loạt các quốc gia mới ra đời sau Chiến tranh Lạnh đã thử nghiệm (cả thành công lẫn thất bại), tùy thuộc vào tầm nhìn lẫn sức hút của lãnh đạo quốc gia. Đây chính là cội nguồn của “quyền lực thông minh”. Nhân dân nào thì chính quyền ấy! Đấy không phải là sáo ngữ. Đấy là một trong nhiều đúc kết từ “con đường đau khổ” mà các nước, kể cả Á, Âu hay Mỹ-Latinh, đang trải qua. Diễn tiến ở Ukraine cũng như làn sóng biểu tình đang tràn dâng trên các châu lục cho thấy “tự do, dân chủ không phải là bữa trưa miễn phí”./.
Đinh Hoàng Thắng
(Viet -studies) 

Thân phận nông dân Việt Nam

000_Hkg9232650-600.jpg
Thu hoạch bắp cải trên một cánh đồng ở ngoại ô Hà Nội ngày 26 tháng 11 năm 2013
AFP photo
Người nông dân VN tự ngàn xưa đã phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Rồi kể từ ngày Bác Hồ ra sức mang lại “người cày có ruộng” để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc”, thì thân phận người trồng lúa hiện giờ có khá hơn không?

Đời nào cũng khổ

Giữa lúc người nông dân VN, như công luận đã rõ, trên thực tế, hầu như “đời nào cũng khổ” dù được “tôn lên” là thuộc “liên minh công-nông tiên tiến” “đưa đất nước ta vững bước vào thiên niên kỷ thứ ba trong sự lãnh đạo tài tình của đảng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thì tại ĐBSCL, “vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản lớn nhất nước” – nói theo lời Vụ trưởng Vụ Kinh tế Trần Hữu Hiệp của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, một nông dân than rằng:

Nói chung, thu nhập nông dân hiện rất thấp trong bối cảnh vật giá leo thang, mọi mặt hàng tiêu dùng đâu có hạ giá trong khi nông dân bán lúa bị hạ giá. Mà một phần cũng tại “ông Hiệp hội” cứ ép giá khiến nông dân phải bán lúa rẻ, nên chịu khổ. Nông dân giờ ở đâu cũng đều khổ hết !

Một nông dân ở An Giang cũng than về thân phận người trồng lúa:

Làm ruộng mấy năm trước, cái giá lúa có thì nông dân cũng đỡ. Chớ còn mấy năm nay, cái giá lúa nó không có đó. Hầu như là tòan bộ nông dân cũng khổ lắm. Rốt cuộc thì nông dân chịu thiệt thòi !

Theo Vụ trưởng Trần Hữu Hiệp vừa nói thì “Người nông dân không định được từ giá thành đến giá bán các sản phẩm nông nghiệp của mình. Thực tế là, thu nhập của những người tạo ra kỳ tích cho nền nông nghiệp Việt Nam vẫn đang bấp bênh theo giá cả thị trường. Một kết quả nghiên cứu về ‘Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo’ cho thấy, với bình quân đất sản xuất hiện tại, một gia đình thuần nông không thể làm giàu. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, nên 30% lợi nhuận của nông dân (nếu có) chia cho số nhân khẩu trong hộ còn thấp hơn mức thu nhập một đô la Mỹ/người/ngày !”.

Hồi tháng Giêng vừa rồi, nông dân Hồ Thị Kim Phượng thuộc xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An có viết bài “Làm người nông dân sao khổ thế!”, tâm sự rằng “ có lẽ ở VN ta không nghề nào cực khổ, đen đủi hơn nghề nông. Từ lúc làm ra hạt giống để gieo sạ là đã khổ rồi…Hạt giống lên rồi thì phải vay mượn tiền ngân hàng mà trả tiền cày xới, mua phân bón, thuốc trừ sâu rầy…. với cái giá đại lý hét bao nhiêu chúng tôi phải trả bấy nhiêu, không có quyền cò kè trả giá thêm bớt đồng một đồng hai”.
Nói chung, thu nhập nông dân hiện rất thấp trong bối cảnh vật giá leo thang, mọi mặt hàng tiêu dùng đâu có hạ giá trong khi nông dân bán lúa bị hạ giá. Nông dân giờ ở đâu cũng đều khổ hết ! - Ông Trần Hữu Hiệp
Ngòai tình trạng mà báo chí trong nước gọi là những “cú sốc giá”, hay nói như lời người nông dân Kim Phượng, “điệp khúc (muôn đời) trúng mùa mất giá”, thì người nông dân hết bị thiên tai lại gặp “nhân tai”, như nạn thủy điện xã lũ làm thiệt hại hoa màu, thậm chí chết người, rồi đèn đường cao tốc làm cây lúa không trổ bông…

Lên tiếng với báo Dân Trí,  TS Nguyễn Lân Dũng từ Hà Nội lưu ý rằng trong khi người nông dân VN, “họ khổ như vậy nhưng chúng ta có những chính sách làm họ khổ thêm” !

Sau khi “thấm thía” tình cảnh người nông dân qua tác phẩm “Chân trời vỡ đôi” báo động “thực trạng đau lòng về nông dân VN từ hơn nửa thế kỷ này là giai cấp luôn bị lợi dụng và lạm dụng”, “vẫn không thoát khỏi bi kịch khốn khổ, buồn đau bởi nghèo đói và đủ thứ đè nén, lừa gạt”, như một “điềm báo” cho thân phận dân oan Đòan Văn Vươn, nhà văn Nguyễn Hiếu không quên lưu ý rằng “ Gần hai mươi năm qua kể từ khi hội nhập và đổi mới, cơn bão các dự án công nghiệp tràn ngập vào nước ta huỷ hoại một cách tàn khốc những cánh đồng và môi trường Việt Nam…Những sản vật tôm cá đặc sản của các dòng sông, dòng kênh của cả nứơc ta đang chết dần chết mòn đi đến huỷ diệt vì chất thải công nghiệp, vì cách đánh bắt không nghĩ đến ngày mai …”.
Bị bóc lột thậm tệ
000_APH2002010775969-250.jpg
Nông dân cuốc đất chuẩn bị cho vụ mùa mới. AFP photo
Qua bài “ Nông dân – người khổ nhất nước ta hiện nay ?”, nhà văn Nguyễn Hiếu mô tả:

Những cánh đồng mầu mỡ, thẳng cánh cò bay bị tàn sát không thương tiếc thì người đón nhận thiệt hại đầu tiên là nông dân. Một thủa người nông dân vui mừng được chia ruộng, rồi lại thu lại bị lùa vào hợp tác để rồi đẻ ra tình trạng “mỗi người làm việc bằng hai để cho chủ nhiệm mua đài mua xe”. Và ngày nay giá đất đền bù cho mỗi mét đất màu mỡ trong mảnh ruộng nuôi sống người nông dân hàng ngàn đời chỉ bằng một phần trăm giá khi người ta dựng lên những khu đô thị, khu công nghiệp.

Người nông dân mất ruộng và mất luôn hi vọng trước những lời hứa về khu định cư, về việc làm…Cuối cùng chỉ là những lời hứa hão trước những khu tồi tàn, và con cái họ đã trở thành đội quân thất nghiệp trên chính quê hương, mảnh đất của mình. Bi kịch của người nông dân xuất hiện từ đây !

Cái “bi kịch nông dân” ấy được nhà văn Phạm Đình Trọng từ Saigòn bổ sung thêm:

Cái khổ lớn nhất của nông dân bây giờ là họ bị mất đất đai. Đó mới là điều nguy hiểm ! Tức là trong số người dân VN hiện nay, thì giới nông dân là khổ nhất và cuộc sống của họ bị đe dọa đến tận cùng rồi. Người nông dân phải thay trâu cày cũng đã là khổ rồi, nhưng cái nguy hiểm hơn là đất của họ có thể bị tước mất vào bất cứ lúc nào. Đó mới là điều đen tối, nguy hiểm và bi đát của người nông dân ngày nay.

Nhà báo Trúc Lê trong nước nhận thấy “ người nông dân cho dù cố bảo vệ ruộng đồng của họ thì cuối cùng vẫn bị phá vỡ. Họ không có khả năng chống cự lâu dài được. Đến lúc đó, có những điều tồi tệ sẽ đến. Và vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một trong những điều tồi tệ đó…, cho thấy một cách xử lý bất hợp lý ( và vô nhân) của chính quyền với người nông dân. Song điều hệ trọng hơn là chính quyền đã không hiểu và không có cảm xúc về lịch sử và công lao của người nông dân với đồng ruộng của họ”.
Người nông dân ngày nay bị bóc lột thậm tệ nhất chủ yếu là do các nhóm lợi ích cấu kết với các thế lực, quyền lực. Pháp luật hiện hành cùng chính quyền hòan tòan không đứng về phía người nông dân. - Nhà văn Phạm Đình Trọng
Nhà văn Phạm Đình Trọng xem chừng như không dằn được bực tức:

Bây giờ là cái thời của các nhóm lợi ích. Và các nhóm này cấu kết với giới quyền lực để cướp bóc người nông dân. Hiện giờ không có gì để bảo vệ người nông dân cả. Người nông dân ngày nay bị bóc lột thậm tệ nhất chủ yếu là do các nhóm lợi ích cấu kết với các thế lực, quyền lực. Pháp luật hiện hành cùng chính quyền hòan tòan không đứng về phía người nông dân.

Nói đến đây, có lẽ người ta không khỏi liên tưởng đến nguyện vọng tột cùng của Bác Hồ dành cho người dân Việt là “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, nên Bác đã nỗ lực mang lại cảnh “người cày có ruộng”. Cái cảnh đó hiện giờ ra sao công luận đã rõ; nhưng nếu có, thì đó lại là hình ảnh “khổ nhất nước’ của giới chân lấm tay bùn – mà nói theo nhà thơ Trần Ngọc Thụ:

Ông lão dắt trâu đi bừa

Là con ông lão ngày xưa đi cày.
Thanh Quang, phóng viên RFA 
2014-03-25

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét