Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Nhục - Để tránh bị lừa, tôi nhất định phải dạy con “vô cảm”

Tại sao Trung Quốc lại đầu tư lớn vào tỉnh Nam Định, và đâu là mục tiêu sâu xa?

http://boxitvn.blogspot.com/2014/03/tai-sao-trung-quoc-lai-au-tu-lon-vao.html#more

Boxitvn

Hoàng Mai
Những ngày giữa và cuối tháng 3 năm 2014 này, báo chí đưa tin, Trung Quốc đã đăng ký để đầu tư vào tỉnh Nam Định gồm 2 dự án lớn, với tổng mức đầu tư là 480 triệu đô la.
- Dự án 1: đó là Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, một huyện nằm về phía Bắc huyện Nghĩa Hưng).

- Dự án 2: liên danh gồm 3 nhà đầu tư: Foshan Sanshui Jialida (Trung Quốc), Luenthai (Hồng Kông) và Công ty CP Đầu tư Vinatex (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) đã quyết định thực hiện Đề án thành lập KCN Dệt may Rạng Đông tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Đề án dự kiến cho thấy, KCN Dệt may Rạng Đông có quy mô khoảng 1.500 ha, thu hút khoảng trên 200 nghìn lao động”. Tổng vốn đầu tư 400 triệu USD (tương đương hơn 8.235 tỷ đồng).
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, tỉnh Nam Định có diện tích 1.669 km2; dân số năm 2010 là 2,005 triệu người; Vùng đồng bằng ven biển của tỉnh: gồm các huyện Giao Thủy, Hải HậuNghĩa Hưng; có bờ biển dài 72 km, đất đai phì nhiêu, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp ven biển; Trung tâm tỉnh lỵ là Thành phố Nam Định cách Thủ đô Hà Nội 90 km về phía đông nam, cách thành phố Thái Bình-Tỉnh Thái Bình 18 km và cách thành phố Hải Phòng 90 km về phía tây nam, cách thành phố Ninh Bình 28 km về phía đông.
clip_image002
Không bao lâu nữa, Trung Quốc sẽ đề nghị tỉnh Nam Định và phía Việt Nam cho phép đầu tư cảng Nghĩa Hưng, lấy lý do để vận chuyển nguyên liệu cho KCN Dệt may Rạng Đông sau này

Những lý do khách quan để Trung Quốc đầu tư vào Nam Định
Việc Trung Quốc chiếm 90% công trình trọng điểm của Việt Nam, và đang có mặt hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, đang là mối lo chung của người Việt. Để thuyết phục người Việt khi chọn tỉnh Nam Định để đầu tư lớn, ta thấy phía Trung Quốc sẽ đưa ra các cơ sở mang tính khách quan, đó là:
- Đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ không mời TQ tham gia, vì vậy, buộc Trung Quốc phải tìm đến Việt Nam.
- Vị trí của tỉnh Nam Định chỉ cách Hà Nội hơn một giờ ô tô, lại có tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, và cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Lại có tuyến QL10 nối Nam Định với các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh (phía Bắc) và các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa (phía Nam), thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm sau này cũng như tuyển dụng lao động…
- Việt Nam và Trung Quốc là hai nước “láng giềng hữu nghị”, việc tìm đến và đầu tư tại Việt Nam được lãnh đạo cấp cao của Đảng và hai nhà nước khuyến khích, tạo việc làm cho người lao động, đóng thuế cho địa phương…
Những toan tính của Trung Quốc khi đầu tư vào tỉnh Nam Định
Nhìn lên bản đồ ta thấy, huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định có vị trí gần như là Trung tâm ven biển của miền Bắc khi nhìn ra Vịnh Bắc Bộ; vì vậy, nếu tại huyện Nghĩa Hưng đầu tư một cảng biển, thì dễ thấy rằng, cảng Nghĩa Hưng sẽ là cảng Trung tâm có thể phong tỏa toàn bộ khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Rõ ràng, như trong một bài viết trước đây (3), chắc chắn rằng, ngay trong khi đang tiến hành đầu tư KCN Dệt may Rạng Đông (Dự án 2), thì phía Trung Quốc sẽ đề nghị tỉnh Nam Định và phía Việt Nam cho phép đầu tư cảng Nghĩa Hưng, lấy lý do để vận chuyển nguyên liệu cho KCN Dệt may Rạng Đông sau này.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc Trung Quốc đầu tư vào tỉnh Nam Định mới chỉ là bước đầu. Sâu xa hơn đó chính là xây dựng cảng Nghĩa Hưng, và mở tuyến hàng hải từ Trung Quốc đi Nghĩa Hưng trong lòng Vịnh Bắc Bộ. Và như đã nói, trong tương lai, Vịnh Bắc Bộ sẽ tràn ngập tàu Trung Quốc, đến nỗi ngư dân Việt Nam ra Vịnh thấy tràn ngập tàu Trung Quốc và từ từ bỏ chủ quyền khai thác cá xa bờ trong lòng Vịnh.
Tạo ra một tiền lệ cho một âm mưu sâu xa bao giờ cũng rất khó khăn. Nhưng Trung Quốc sẽ dễ dàng có được khi có mặt tại tỉnh Nam Định. Với nguồn vốn lớn, thời gian thực hiện lâu dài, và một lần nữa lòng tham của các quan chức Việt đang đặt đất nước trước hiểm họa khôn lường.
25.3.2014
H.M.
 Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(1) Trung Quốc đầu tư nghìn tỷ vào Nam Định, thêm lo?
(2) Trung Quốc “đổ” 400 triệu USD vào Nam Định để làm gì?
(3) Băn khoăn khi Trung Quốc tiếp tục đầu tư 400 triệu đô la vào tỉnh Nam Định

Trẻ em Nhật và những bài học đạo đức thú vị

Rất ít người biết rằng trẻ em Nhật được hưởng một nền giáo dục vô cùng đặc biệt, chính điều đó đã khiến các em bé được học bao điều bổ ích, và trở nên vững vàng với những kiến thức và kỹ năng sống được trang bị ngay từ nhỏ.

Mẫu giáo

Các lớp học về đạo đức tại Nhật chính thức bắt đầu từ tiểu học, thế nhưng ngay từ mẫu giáo, trẻ em đã được học các quy tắc ứng xử căn bản. Người Nhật đặc biệt chú trọng các câu chào hỏi, xin lỗi, và cám ơn. Mỗi buổi sáng, trẻ xếp hàng trong lớp, trịnh trọng chào giáo viên trước khi bắt đầu ngày mới. Trong quá trình học và chơi, trẻ được hướng dẫn và nhắc nhở sử dụng các câu cám ơn và xin lỗi trong các tình huống phù hợp.



Trẻ em Nhật được học sử dụng các câu "cám ơn" và "xin lỗi" trong các tình huống phù hợp (Ảnh: Internet).
Đến giờ ăn, trẻ được phân công phục vụ đồ ăn cho các bạn: giáo viên sẽ múc thức ăn vào bát, đổ sữa vào ly; và trẻ sẽ bưng đến bàn của các bạn. Trẻ mặc đồng phục như một người chăm nuôi thật sự. Sau đó, những trẻ phục vụ của ngày sẽ tập trung đứng trước lớp và đồng thanh chúc các bạn ăn ngon miệng, và các bạn sẽ đồng thanh cám ơn. Trước khi ăn, người Nhật nói “Itadakimasu” (Tôi biết ơn vì được nhận đồ ăn), sau khi ăn sẽ nói ”Gochisosamadeshita” (Cám ơn vì bữa ăn), và hai điều này cũng được hướng dẫn ngay từ mẫu giáo.



Ngay từ mẫu giáo, trẻ em Nhật đã có kỹ năng xếp hàng (Ảnh: internet).

Trẻ em từ 3 tuổi trở lên được hướng dẫn tự ăn mà không cần người lớn bón, tự đem khay sau khi ăn đến nơi dọn dẹp, tự mặc quần áo, tự trải ga trải giường, tự gấp gối và nệm sau giấc ngủ trưa. Có thể nói, ngay từ cấp mẫu giáo, trẻ đã được học những bài học quan trọng đầu tiên về cách ứng xử lịch thiệp (lời cám ơn và xin lỗi), tinh thần trách nhiệm với công việc (mặc đồng phục), chia sẽ trách nhiệm trong tập thể (lần lượt đảm nhiệm việc phục vụ đồ ăn), và sự tự lập (tự phục vụ bản thân).
Tiểu học và Trung học

Ở tiểu học, trẻ em Nhật bản được học về hành vi trong đời sống hàng ngày, sự cảm nhận và phán đoán về đạo đức, phát triển nhân cách và thái độ sáng tạo, sự nhận thức về tầm quan trọng của cách ứng xử văn minh.

Lên cấp hai, các chủ đề được mở rộng cho phù hợp với sự phát triển tâm lý của học sinh, bao gồm các chủ đề như cách phản ứng đối với lời phê bình, sự hiểu biết và tôn trọng giới tính, thái độ tôn trọng sự thật, v.v.

Đạo đức ở Nhật Bản là một môn học bắt buộc và được chú trọng nhưng lại không có giáo trình thống nhất. Điều này giúp thầy cô linh hoạt thiết kế bài giảng cho phù hợp với học sinh. Nhưng các chủ đề đạo đức trẻ em Nhật Bản được học phải bao gồm: phân biệt đối xử người thiểu số, tình bạn, bắt nạt học đường, vai trò giới tính, v.v.



(Ảnh: Internet)

Hoạt động lớp học bao gồm các bài giảng, thảo luận các câu hỏi như “Liệu việc một người đàn ông khóc có được xem là hành vi được chấp nhận?”, “Nếu bạn ngồi một mình trong lớp, em sẽ làm gì?”, đến việc giải thích các thành ngữ, thăm quan bảo tàng, viết những lá thư ẩn danh miêu tả những điểm tốt về các bạn cùng lớp...

Ngoài ra, trẻ em Nhật Bản tùy độ tuổi còn được học cẩm nang hành động bao gồm những hành động nào nên làm và không nên làm. Ví dụ: Thấy bất kỳ nơi nào vòi nước chảy không người dùng, đóng vòi ngay; gặp quạt, gặp ánh sáng điện không người dùng, phải tắt điện ngay. Không được làm tổn hại đến những sản phẩm/ vật chất công cộng, vì thế ở Nhật Bản nhiều cây ăn trái chín trĩu quả, nhiều cây hoa cảnh khoe màu sắc hấp dẫn ở công viên, ở hai bên đường đi không hề mất một quả, không bị bẻ một bông đẹp...
Hoạt động ngoại khóa

Quan trọng không kém là việc giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động ngoại khóa. Một trong những hoạt động phổ biến tại Nhật là việc tổ chức các Lễ hội thể thao trường mỗi năm, bắt đầu từ tiểu học. Tất cả học sinh được yêu cầu tham gia với tư cách vận động viên hay cổ động viên. Gia đình cũng được khuyến khích tham gia.



Trẻ em tiểu học Nhật đang được học nấu ăn (Ảnh: Internet).
Bắt đầu từ trung học, các trường tổ chức nhiều câu lạc bộ thể thao, âm nhạc, và các câu lạc bổ theo sở thích khác. Học sinh Nhật đặc biệt xem trọng các hoạt động ngoài giờ không kém các lớp học chính thức. Chính những hoạt động tập thể này sẽ giúp học sinh hiểu rõ về sự tập trung, nỗ lực vì bản thân, phát triển khả năng hợp tác và làm việc nhóm, cũng như cách giải quyết các mâu thuẫn tập thể.



Các hoạt động ngoại khóa... (Ảnh: internet).


... và thể thao là một trong những hoạt động quan trọng trong nhà trường (Ảnh: internet).

Ngoài ra, tất cả các hoạt động hàng ngày đều được các thầy cô lồng ghép môn học đạo đức vào đó để dạy học sinh. Trẻ em Nhật Bản không phân biệt trường công lập hay tư thục, trường nghèo hay trường giàu, thành thị hay thôn quê đều phải tham gia lau dọn trường lớp, lần lượt thay phiên trực nhật, quét dọn lớp học, và các khu vực công cộng như sân bóng rổ, cầu thang, hành lang lớp học... Các hoạt động này sẽ giúp học sinh hiểu về trách nhiệm với bản thân, chăm sóc người thân, và việc chia sẽ trách nhiệm với cộng đồng.


Trẻ em Nhật Bản không phân biệt trường nghèo hay trường giàu đều phải tham gia lao động với những việc vừa sức (ảnh: Internet).

Việc thứ hai trong hoạt động hằng ngày liên quan đến chăm sóc các sinh vật. Học sinh cho vật nuôi ăn hoặc tưới nước cho cây suốt năm học, nhiều khi cả trong kỳ nghỉ. Học sinh được làm quen và phát triển tình cảm đối với môi trường tự nhiên, động thực vật và nhờ vậy học cách trân trọng đời sống.
theo afamily.vn

Để tránh bị lừa, tôi nhất định phải dạy con “vô cảm”

....cc : Cuộc sống Xã hội loài người luôn phát triển theo chiều hướng Tốt đẹp và an toàn ( mà ai cũng mong muốn), chuyện xấu tốt nó vẫn đan xen nhau chốn trần ai này- Nhưng cái xấu cứ theo chiều hướng phát triển mạnh , cái tốt (hình như) bị lui dần , đó là điều rất quan ngại cho việc tiến tới chỗ xã hội bất an- Tất cả sự việc xảy ra trên đời đều do con người làm ra cả, không có chuyện “lấy không làm có” , nhưng nó phải có nguyên nhân gốc rễ tạo nên sự “bất an” đó – Tức là có câu hỏi DO ĐÂU VÀ TẠI SAO nó như thế??? – Giới thiệu Bà con Bài viết sau của một Thầy giáo để mọi người dành chút “liếc mắt’,vì dù muốn dù không chúng ta cũng phải ở trong cái “xã hội”.

Vietnamnet

Sau khi đã sống gần 2 chục năm ở thành phố này, tôi nghiệm ra rằng, ở đây, muốn yên thân thì phải học cách sống vô cảm, bỏ qua những chuyện không phải của mình, không liên quan đến mình.
Tôi vẫn nhớ, thủa nhỏ, bố mẹ, thầy cô tôi vẫn thường dạy tôi cái đạo lý sống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Thế nên, mỗi khi thấy đồng loại của mình cần sự giúp đỡ, tôi đều không nề hà.
Thế nhưng, sau khi lớn lên, được chứng kiến và tự mình trải qua bao nhiêu lần tai bay vạ gió vì cái tính thương người, thích giúp đỡ người khác, tôi mới nhận ra rằng, thời buổi bây giờ đã khác xưa.

Tôi nhớ, cách đây đã 4, 5 năm, khi đó, là khoảng 12h trưa và tôi vừa kết thúc tiết dạy thứ 5 trong ngày.
Ra về, vừa mệt, vừa đói nên tôi cố phóng nhanh về nhà để ăn cơm trưa. Tuy nhiên, vừa đi đến đoạn cầu Lủ, Kim Giang (thuộc quận Thanh Xuân) thì tôi thấy 1 bà cô vẫy vào xin đi nhờ.
Cũng vì thấy, bà cô này, trông có nét quê quê, chất phác, hiền lành nên tôi đã không ngại ngần mà tạt vào. Sau đó, lại nghe bảo, bà ấy từ quê lên Hà Nội thăm con. Bây giờ phải về, nhưng đứa con đi học, không đưa mẹ ra bến xe được nên bà ấy phải tự tìm xe ôm để về. Tuy nhiên, cánh xe ôm đòi đắt quá, nên bà ấy không có tiền.
Nghe câu chuyện, tự nhiên tôi nghĩ đến mẹ tôi ngày trước. Vì thế, tôi đã đồng ý cho bà cô đó đi nhờ để ra bến xe Giáp Bát.
Ai ngờ, lòng tốt của tôi đã bị lợi dụng. Đi đến đoạn bán đảo Linh Đàm (khi ấy vẫn còn thưa người, và không tấp nập như bây giờ) thì bà cô ấy lộ mặt là kẻ cướp của. Gí con dao vào lưng tôi, bắt tôi phải dừng xe. Sau đó, 2 nam thanh niên từ đâu lao đến, xô tôi ngã. Mọi chuyện chỉ diễn ra chưa đầy 10s nhưng toàn bộ túi xách, bao gồm tiền bạc, giấy tờ, sách vở, và chiếc xe vốn là tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi khi đó đều mất sạch.
lòng tốt, tai nạn, vô cảm
Một vụ tai nạn ở Quảng Ngãi, không người đưa đi cấp cứu. (Ảnh ANTĐ)
Mấy tháng sau, tôi lại nghe tin, anh trai tôi, cũng vì dừng lại can thiệp một vụ đánh nhau do va chạm giao thông trên đường Nguyễn Đức Cảnh (Hoàng Mai – Hà Nội) mà cuối cùng bị đánh đến vỡ đầu, phải nhập viện cấp cứu.
Rồi 1 anh bạn tôi, cũng vì nghĩa hiệp, thấy đám đông đứng chỉ trỏ 1 cô bé bị tai nạn đang nằm bất động trên đường nên đã nhanh chóng đưa vào bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Sau đó, trong lúc chờ người nhà đến, anh bạn ấy còn tốt bụng đến mức nộp trước lệ phí nhập viện để cô bé được cấp cứu kịp thời. Ai ngờ, vừa đến bệnh viện, nhìn thấy anh bạn tôi, đám người nhà cô bé đã lao vào chửi bới thậm tệ và nhất nhất cho rằng anh bạn tôi là người gây tai nạn nên phải đền bù, không trả lại tiền nhập viện ban đầu.
Anh bạn tôi, vì thân cô thế cô, trong khi đám người nhà kia hung dữ nên cuối cùng đành phải chấp nhận mất “khoản tiền ngu” để bình an trở về.
Thế đấy, đúng là trong xã hội này, muốn làm người tốt cũng đâu có được. Bởi những người tốt, những người làm việc nghĩa, đôi khi không những không nhận được một lời cảm ơn mà còn tự rước họa vào thân.
Vì vậy, sau khi đã rút ra được kinh nghiệm cho mình, tôi cũng luôn dạy con tôi rằng, muốn yên ổn, muốn không bị lừa thì ra đường, nhất định phải học cách vô cảm, không thấy, không nhìn, không quan tâm đến những chuyện không liên quan đến mình.
Cách dạy này, có thể nhiều người sẽ phản đối, vì như vậy sẽ khiến cho những con người trong xã hội càng ngày càng trở nên vô cảm. Nhưng có ai lại không công nhận một điều rằng, trong thời buổi mà hở ra là cướp bóc, lừa lọc, thì đến người quen biết, thân cận cũng còn lừa dối nhau huống chi là người lạ…
Phạm Hằng
(Hoàng Mai – Hà Nội)
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả.

Nhục

 Quechoa

Dạ Thảo Phương
Mỗi lần nhìn bức ảnh này, có lẽ phần lớn chúng ta đều chảy nước mắt (nhìn thấy được hoặc không nhìn thấy được). Ngay cả khi ta không nhìn nó nữa, nó vẫn tiếp tục ở trong đầu ta và làm ta đau.
Những con người, (và là phụ nữ!) phải kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21!
Tại sao?
Tiến sĩ Từ Huy viết: “sở dĩ có tình trạng phụ nữ phải kéo cày như thế này, sở dĩ có sự suy thoái toàn diện của xã hội hiện nay, có sự mất độc lập quốc gia hiện nay là vì đa số đàn ông các anh hèn và quá hèn”.
Với tất cả lòng trân trọng dành cho ý thức xã hội và thái độ dấn thân mà tiến sĩ Từ Huy thể hiện từ trước đến nay, tôi không đồng ý với ý kiến này của chị.

Trong trường hợp này, việc đặt toàn bộ trách nhiệm lên vai của một giới đã làm sai lệch đi bản chất của hiện tượng.
Dù là đàn ông hay phụ nữ, tất cả chúng ta đều sống trong xã hội này, góp phần tạo nên nó, tác động vào nó và chịu tác động từ nó. Không thể nói chỉ riêng đàn ông phải chịu trách nhiệm vì “sự suy thoái toàn diện” của xã hội ấy.
Đây không phải vấn đề bình đẳng giới.
Nỗi nhục không phụ thuộc giới tính 
Vậy ai nên thấy nhục?
Trước hết, là những người lãnh đạo đất nước này ở mọi cấp, mà đứng đầu là ngài thủ tướng chính phủ và các vị bộ trưởng (cả nam và nữ). Các vị ăn đồng lương từ mồ hôi nước mắt của nhân dân, nhận quyền lực cao nhất để điều hành đất nước, trách nhiệm hàng đầu và lớn nhất thuộc về các vị. Để cảnh này xảy ra, các vị nên tự thấy nhục mới là phải lẽ.
Thôi đừng đổ lỗi cho chiến tranh nữa. Chiến tranh qua lâu rồi. Chiêu bài quá khứ chiến tranh là cái mũ bảo hiểm đã quá cũ kỹ.
Không thể phủ nhận những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại. Nhưng dù vậy, cũng không thể phủ nhận được rằng: Nếu các vị có trình độ quản lý tốt hơn thì đất nước này chắc chắn đã đến gần “công bằng, dân chủ, văn minh” hơn chứ không đến nỗi giữa thế kỷ 21 dân còn phải kéo cày thay trâu (là cái cảnh thời đạn bom thế kỷ trước cũng không thấy có).
Một đất nước các vị vẫn tự nhận là “rừng vàng biển bạc”, “nhân dân cần cù, thông minh,  có lòng yêu nước nồng nàn” mà từ giáo dục, y tế đến giao thông, môi trường, kinh tế, an toàn thực phẩm… lĩnh vực nào cũng luật thì đầy rẫy phi lý, thực tế thì yếu kém, hỗn loạn, cả nước nhìn đâu cũng thấy nạn nhân… Các vị liệu có dám nhận hiệu quả công việc điều hành đất nước của mình đã đạt đến mức trung bình?
Cũng đừng đổ lỗi cho “các thế lực thù địch” nữa. Những người đồng cấp của các vị ở khắp nơi trên thế giới cũng đều phải đối mặt với “các thế lực thù địch” cả. Còn nếu các vị thấy “thế lực thù địch” của mình nhiều hơn bình thường và ở khắp nơi, (nhất là?) ngay cả trong dân, thì có nên hỏi mình làm ăn thế nào mà gây ra nhiều thù oán thế?
Và nếu công khai minh bạch tài sản, các vị có chứng minh được mọi tài sản các vị đang có ở trong nước và nước ngoài đều có từ đồng lương và thừa kế của các vị?
Thứ đến, những người có học (cả nam và nữ) cũng nên thấy nhục. Càng học cao, càng thành đạt thì càng nên thấy nhục nhiều hơn.
Cũng đừng tự mãn cho rằng mọi thành quả các vị đang có được là chỉ do nỗ lực của bản thân. Trong một xã hội dân trí thấp, mọi giá trị đều nhá nhem và nhom nhem, bất công nhan nhản, thì rất hiếm trường hợp kiếm được danh tiếng và lợi lộc mà không trực tiếp hoặc gián tiếp dựa trên chính hoàn cảnh dân trí thấp và đầy bất công ấy.
Tất cả chúng ta, bất kể giới tính, có bạn, và chắc chắn là có tôi, đều nên thấy nhục. Chẳng phải mỗi hành động thiếu văn minh của chúng ta đều góp thêm sức ì, góp thêm tổn thương và bất công cho xã hội hay sao?
Nếu mỗi chúng ta có bản lĩnh phát triển được bản thân mình ở mức tốt nhất, hẳn đã có thể có ích nhiều hơn.
Và không được phép đổ cho giới tính
Ý kiến của tiến sĩ Từ Huy nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cả phụ nữ và nam giới, trong đó không ít nam giới không những không tự ái mà còn tự nguyện nói nhiều hơn nữa về trách nhiệm của mình (với tư cách đàn ông chứ không phải với tư cách công dân). Thoạt nghe, đó có vẻ là sự tự truy vấn đầy trách nhiệm và có lợi cho xã hội. Nhưng thực chất, đó là một biểu hiện đáng lo ngại của việc thiếu ý thức thực sự về bình đẳng.
Chúng ta có thực ý gì khi đồng ý rằng CHỈ đàn ông mới phải chịu trách nhiệm về “sự suy thoái toàn diện của xã hội”, “sự mất độc lập quốc gia”?
Phải chăng, đó là những vấn đề thuộc trách nhiệm của riêng đàn ông, còn việc của phụ nữ chỉ là sinh con đẻ cái, nấu nướng, làm đẹp và đợi chờ sự bảo bọc của đàn ông?
Cho rằng trách nhiệm với những vấn đề của xã hội, của đất nước CHỈ thuộc về một nhóm người nào đó (Đảng, nhà nước, hay ở đây là đàn ông) là một thái độ không nên có nếu mong muốn xã hội tiến lên công bằng, dân chủ, văn minh.
Những con người kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21!
Những người phụ nữ kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21!
Và, khủng khiếp thay, họ chưa phải là những người bần cùng nhất của xã hội chúng ta.
Tổng hợp ngẫu nhiên một số trong rất nhiều trường hợp báo chí đã đưa tin:
Ngày 4.10.2011, anh P.C.T (23 tuổi, Nam Định) treo cổ tự tử bằng dây cáp internet do không có tiền chữa bệnh.
Ngày 26.4. 2012, chị L.T.N.N (Cà Mau) uống thuốc độc tử tử, bỏ lại 6 đứa con thơ, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi vì “thà chết đi, các con được đưa vào cô nhi viện còn hơn cứ sống mà nhìn con bữa đói bữa no chịu không đặng”.
Ngày 24.4.2013, chị N. (48 tuổi, Cà Mau) treo cổ tự tử để vì nhà “hết tiền, hết gạo”, “cuộc sống khổ mãi, không lối thoát”, chị lấy cái chết của mình để xin xã cấp cho gia đình chị sổ nghèo, con có thể vay tiền đi học.
Ngày 6.12.2013, em L.H.O (19 tuổi, Bắc Kạn) định nhảy cầu tự tử vì không tìm được việc làm.
Đây chỉ là những suy nghĩ của cá nhân tôi, bạn có thể đồng ý, có thể không, đó là việc của bạn. Nhục hay không là do ý thức của mỗi người, chẳng ai bắt ai được cả.
Tôi thì có nhục.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét