Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Ngày 27/2/2014 - Xứ ta tự do nhất quả đất! - Cứ cầu sập là do … quá tải

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Cứ cầu sập là do … quá tải

 
causap

Năm ngoái tại Lai Châu, cây cầu Sắt 78 này cũng bị sập vì quá tải (?)
Năm ngoái cũng tại Lai Châu, một cây cầu sắt hoành tráng bị sập cũng vì quá tải. Năm nay, đến lượt cầu Chu Va…
Vụ sập cầu treo vào sáng ngày 24/2 tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu đã cướp đi sinh mạng của 9 người dân và khiến hàng chục người bị thương nặng.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Tam Đường và tỉnh Lai Châu, cầu treo Chu Va 6 có chiều dài 54m, cao 9m, được đưa vào sử dụng hơn một năm, đã hết thời gian bảo hành.
Cầu treo ghi rõ tải trọng: 1,5 tấn (chỉ đảm bảo cho khoảng 20 người cùng lưu thông một lúc) nhưng khi xảy ra tai nạn có khoảng 50 người trên cầu.
Cầu sập do đứt tăng đơ len (đoạn ốc neo) vì quá tải, khiến nhiều người rơi xuống lòng suối cạn nhiều đá tảng lởm chởm…
Theo ông Đoàn Đức Long – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lai Châu, cây cầu này do huyện Tam Đường làm chủ đầu tư, thẩm định thiết kế cũng do các cơ quan chuyên môn của huyện đảm nhiệm.
Ông Long còn cho biết, với cầu treo thì nguyên tắc không được diễu hành đông người qua cầu, nhất là khi số người quá đông, quá tải trọng cho phép của cầu.
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về GTVT của tỉnh, ông Long cũng nhận trách nhiệm và cho rằng, cần có hướng dẫn giao thông cụ thể và dễ hiểu hơn cho người dân.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều kỹ sư cầu đường thì nguyên nhân vượt quá tải trọng cho phép là không thuyết phục. Bởi nguyên tắc thiết kế, để đảm bảo an toàn bao giờ cầu cũng chịu tải được gấp 3 lần.
Vì thế, trong trường hợp Chu Va, cầu được ghi có tải trọng 1,5 tấn thì thực chất có thể chịu tải khoảng 4 đến 5 tấn.
Ở Việt Nam, chuyện những cây cầu thường xuyên phải chịu quá tải trọng cho phép xảy ra phổ biến. Điều này chúng ta thấy rất rõ, vì ở bất kỳ đâu cũng thấy hình ảnh những chiếc xe quá khổ băng băng trên đường hay đi qua các cây cầu.
Khi xem lại clip, đoàn người đưa đám đi khá lộn xộn, chậm rãi, không phải đi kiểu “bước đều bước”, do đó ý kiến sập cầu vì quá tải và vì người dân diễu hành gây nên cộng hưởng như ông Long, GĐ Sở GTVT Lai Châu nói cũng không hợp lí.
Thêm nữa, lãnh đạo huyện Tam Đường và tỉnh Lai Châu cho biết, cầu Chu Va được đưa vào sử dụng hơn 1 năm, đã hết thời gian bảo hành. Nói như vậy, có phải đã hết thời gian bảo hành thì cây cầu đó như thế nào địa phương sẽ không phải chịu trách nhiệm?
Điều này giống việc mua một chiếc điện thoại mới ở cửa hàng, khi đã dùng hết thời gian bảo hành mà bị hỏng, nhà sản xuất sẽ không còn trách nhiệm gì với khách hàng, với chiếc điện thoại đó nữa.
Vậy nên chiếc cầu dân sinh Chu Va kia có lẽ cũng giống như một món hàng thông thường, khi đã hết hạn, “cầu hỏng, chúng tôi không chịu trách nhiệm?”.
Trước đó, cũng nhận định về việc cầu treo bị đứt, Cục trưởng Quản lý xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Xuân Sanh cho rằng, dây cáp cầu treo Chu Va là loại chịu được trọng tải tới 79 tấn nhưng kết cấu neo không đồng bộ với cáp.
Theo ông Sanh, với loại cáp này, phải sử dụng bu-lông cường độ cao mới đảm bảo chất lượng, nhưng thực tế không được như vậy, tai nạn xảy ra là do đứt ốc neo – vị trí chịu tải yếu nhất.
“Mổ xẻ” sự việc dưới nhiều góc độ, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sập cầu là do thi công không tốt, nhập nguyên liệu không đảm bảo được nhiều người nhận định.
Một điểm nữa cũng rất đáng lưu tâm, đó là ở Lai Châu dường như có “dớp” về sập cầu. Vì cách đây gần một năm, vào tháng 5/2013, tại km 78 +500, tỉnh lộ 127 tuyến Lai Hà đi Mường Tè, thuộc khu vực xã Kan Hồ, huyện Mường Tè cũng đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do sập cầu.
Ngày ấy, xe ô tô chở nhựa đường mang BKS 98C – 03014, do lái xe Trần Mạnh Tiến, thường trú tại TP. Hải Phòng điều khiển khi đi qua cầu Sắt 78, địa phận xã Kan Hồ thì chiếc xe bỗng dưng bị sụp xuống vì cầu sập.
Nguyên nhân sau đó được cơ quan chức năng địa phương đưa ra là do chiếc xe ô tô trên đã chở quá tải trọng cho phép.
Được biết trước đó, cây cầu Sắt 78 này cũng đã từng bị sập một lần.
Như vậy, trong cả hai lần sập, nguyên nhân được các cơ quan chức năng của tỉnh này đưa ra đều do quá tải (?).
THEO GIÁO DỤC

Xứ ta tự do nhất quả đất!

Ai nói chi nói, tôi thấy về tự do, Việt Nam ta nhất quả đất.

Hàng xóm tôi có người qua đời. Suốt tuần, ban ngày trống chuông, dứt chuông thì một đoàn mấy chục các bà, các cô cùng nhau tụng niệm Nam mô A di đà Phật vang lừng cả xóm. Mà chỉ duy nhất câu đó tụng liên tục chừng 3 tiếng mới thôi. Cũng hàng xóm tôi xây nhà. Gạch, cát, xi măng đổ đầy lối đi chung.  Lối vô xóm vốn rậm rạp cây cảnh, hoa nở bốn mùa, giờ cây lụi, hoa tàn.
Ở Đức, bạn tôi kể, trồng cây trong vườn nhà mình nhưng nếu cây đã cao hơn 3 m mà muốn chặt thì phải qua một đống thủ tục: làm luận chứng trình bày vì sao cần chặt; luận chứng thứ hai trình bày sẽ trồng lại ít nhất số cây bằng số cây xin chặt, mà phải chờ đến khi cây mới được trồng nảy lộc, có chứng cứ đàng hoàng mới được chặt cây cũ. Nếu không trồng lại trong vườn nhà mình thì phải tính chuyện thuê đất ở đâu để trồng cây mới. Thủ tục không do ở cấp phường, xã mà phải lên tận cấp tỉnh, cấp thành.
Ở ta cần quái gì nhiêu khê vậy. Cổ thụ bên đường nhưng cản mất quán cháo lòng vỉa hè của ta, a lê chặt béng. Đóng vài cái đinh mấy chục phân vô thân, đổ hóa chất vô gốc, đơn giản nhẹ nhàng mà cổ thụ nào cũng chết thẳng cẳng. Không thì tận dụng treo vài cái bảng quảng cáo toòng teng đại loại ở đây có cháo lòng tươi cũng đạt hiệu quả kinh doanh lắm. Muốn sinh động treo vài lồng chim. Người đi ở dưới chim ị trên đầu, chẳng sao, một chút thiên nhiên giữa thành thị, càng thêm thơ mộng.
Dưới gốc cổ thụ, cứ thả vài con gà bới đất cho bớt nhung nhớ hương đồng gió nội. Quán nhậu quán ăn rửa chén ngay đó càng hay.
Nấu than tổ ong để trong nhà khói chịu sao nổi. Các mợ nên bưng ra lề đường, tha hồ quạt hùng hục cho khói buồn vương lên cây, thoải mái nướng, hầm, đun nấu. Trẻ con mắc tè thì trật quần ngay đấy, mẹ một tay đảo nồi thịt một tay kéo quần cho con càng nhanh. Các cậu thì hào sảng cởi trần mặc xà lỏn vác ghế nhựa ngồi bên cạnh nhồm nhoàm, càng tươi ngon, càng nóng sốt. Thỉnh thoảng vài con chó lãng du ghé lại ị một bãi. Ôi thật là bức tranh gia đình đẹp đẽ, hòa bình thay, người và vật chung sống giữa thiên nhiên!
Nấu xong kiếm cái cống thoát nước gần đấy mà đổ rác. Nhà ai gần kênh rạch thì sáng tinh mơ dậy tập thể dục tiện thể xách bịch rác quăng vèo xuống sông. Rồi về nhà, ta nhớ vừa bịt mũi vừa hát “Chảy đi sông ơi” nhé!
Sáng sáng ta tung tăng mặc đồ bộ chạy vung vẩy cho khỏe người. Không nên chạy trong công viên. Ta hãy cứ lề đường mà chạy. Tiện lợi vô cùng: mua mớ rau, con cá, miếng thịt. Lượm vài cái áo hàng sale. Chỗ này giỏ xách, bên kia giày, đồ cũ, đồ xưa, đồng xu, đồ thờ, điện thoại, sửa khóa, sách dạy làm người…  Lề đường thành phố ta cái gì cũng có, chỉ trừ lối đi!
Chẳng sao, cổ nhân đã dạy: Trong lòng đường thực chất không có đường. Người ta chạy xe mãi trên lề cũng thành đường thôi!
Sáng đã vậy. Tối ta cũng cần cắm cái tăm vào miệng, giắt áo vô quần đùi rồi xoa bụng đi dạo. Bộ môn thể thao mạo hiểm này giúp ta phản xạ lanh lẹ: dưới chân ta có chuột chết; ngang mặt ta có bãi đờm anh đẹp trai phóng SH qua nhổ lại, có bịch nước mía từ trên trời rơi xuống, có vỏ hộp xôi ngang hông lao tới. Cần chi lên Phong Nha hay Sơn Đoòng leo núi khám phá hang động tốn tiền? Ngay thành phố này, ngày ngày ta đã có vô vàn cơ hội miễn phí để luyện trí não sáng suốt, cơ bắp dẻo dai đó thôi?
Đi xe đò ở ta cũng hay. Thích thì ngồi ghế. Không thích ghế thì chui dưới hầm. Ấm. Không bụi bặm. Tài xế thích thì chạy, buồn buồn thì kiếm anh cảnh sát hất lên nắp capô chơi. Dọc đường thích thì ghé vô trạm dừng, không thích thì đứng ngay bên đường, vừa xả nước cứu thân vừa chun mũi hưởng hương đồng gió nội. Thích thì đèn đỏ dừng lại, không thích cứ phóng thẳng. Nếu xui gặp thằng container đang lao qua ngã tư thì trước khi chầu giời nên nhớ chẳng qua tự do của nó lớn hơn của ta thế thôi.
Nếu phải ra tòa ở Bình Thuận, ta hoàn toàn tự do: thích đứng thì đứng, thích nằm thì nằm. Tòa còn cho ta mượn cái giường xếp nằm rất êm. Khi chủ tọa kết tội, ta thích nghe thì nghe, không thích nghe thì ngủ. Ngủ là biện pháp cải tạo rất hiệu quả, rất tiết kiệm. Chưa có kết luận nào tuyên bố người ta phạm tội trong khi ngủ cả.
Tự do không chỉ dành cho người. Tự do còn dành cho muôn loài. Ta ngồi thưởng thức đĩa cơm tấm đêm Tân Định, dưới chân ta chuột cống cũng phè phỡn tiệc tùng. Ta ra chợ mua trái thơm gọt sẵn vàng ươm nhớ nhường đường xe rác nước rỉ ròng ròng. Trên đó vài trăm chú gián ngây thơ đang đi dạo.
Tự do không chỉ trong đời sống. Tự do còn tuyệt đỉnh trên truyền thông. Ta đọc bài người phụ nữ nọ đẻ ra con đỉa đường kính 5 phân, chưa hết khâm phục thì nhảy ngay ra bài bố chồng dính chặt nàng dâu, lại có cả ảnh và chứng thực của hàng xóm. Ta đang còn xuýt xoa, bỗng đâu sét đánh ngang tai, một cái tít trịnh trọng thông báo người đẹp kia một ngày mần ăn đến 30 cú với tài xế taxi, bổn báo hãnh diện khoe rằng bổn báo có nạn nhân, có cả clip..
Và đặc biệt chúng ta tự do và sáng tạo trong thực phẩm. Có hạt dưa nhuộm màu công nghiệp, có bún tẩy trắng bằng Tinopal, có rau muống xanh nhờ tưới bằng nhớt, nước rửa chén và hóa chất. Có gà bơm nước. Có dưa hấu chích ngọt. Có cá ướp urê. Có rượu pha cồn chuyên dùng đánh vecni..
Kể sao xiết những kỷ lục tự do của đất nước chúng ta?
Nói đến đây, tôi lại vô cùng bái phục slogan của ngành du lịch. Thật thâm sâu, ảo diệu! Đây – chúng tôi điểm đến của thiên niên kỷ mới. Đến và xếp hàng mua vé lẹ lên, chứ những loài như vầy, giờ còn hiếm lắm!
Theo ThanhNien

Chúng tôi như những con “bù nhìn”


 TS: Sau bản tin “Thầy trò đánh nhau: sa thải thầy, cảnh cáo khiển trách trò”, Tuổi Trẻ đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi, trong đó có rất nhiều giáo viên. Chúng tôi giới thiệu một trong những bài viết đó và rất mong ý kiến trao đổi, đóng góp của bạn đọc qua địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn.
Tôi cũng là một giáo viên. Ở đây tôi không muốn bàn cãi thêm về hành động đúng sai của thầy trò (trong vụ thầy trò đánh nhau) vừa qua. Tôi chỉ băn khoăn, trăn trở một điều rằng vì đâu mà thầy phải đánh đổi cả sự nghiệp?
Thầy Tuấn trong một lần mất bình tĩnh, nông nổi, đánh mất bản lĩnh sư phạm của mình đã bị xã hội lên án, đánh mất danh dự và mất luôn cả “cần câu cơm”.
Ngay trong trường tôi, thi thoảng vẫn có chuyện học sinh mách với phụ huynh là bị giáo viên trên lớp đánh, mắng vì nói không nghe, vì đi học muộn, vì cãi lời… Sau đó bố mẹ các em phẫn nộ, chưa hiểu ngô khoai đã vội vã gọi điện lên ban giám hiệu đề nghị kỷ luật giáo viên đó.
Thành ra lâu dần người đứng trên bục giảng như chúng tôi hình thành suy nghĩ “mặc kệ chúng nó, em nào học nghiêm túc thì chú tâm, hết lòng dạy dỗ. Còn thành phần bất hảo, cá biệt thì mặc kệ, xem như không có mặt trong lớp, không dại gì động đến nếu như không muốn bị mang vạ vì phụ huynh phẫn nộ, làm khó. Không động đến các em cá biệt thì cũng không bị trừ lương, đụng đến có khi bị đuổi việc ngay…”.
Học sinh hư không được đánh, không được phạt. Trong khi đó vì thành tích của lớp, của trường đề ra nên giáo viên chúng tôi đôi khi còn không nỡ lòng đặt bút cho điểm thấp hoặc cho ở lại lớp cũng không được. Vậy nên thầy cô giáo như chúng tôi đây chẳng khác nào những con “bù nhìn”!
Trở lại vụ thầy Tuấn, tôi nghĩ với hình thức chỉ cảnh cáo, khiển trách trò như vậy thì tương lai sẽ còn nhiều học sinh sẵn sàng “oanh tạc”, “ăn miếng trả miếng” lại thầy cô giáo của mình. Kỷ cương trong học đường là quan trọng, thử hỏi cứ bênh con em mình để rồi chúng không sợ ai cả, mặc sức quậy phá, đua đòi, hư hỏng, đánh mất tương lai thì biết trách ai?
Thực tế có những hôm một tiết học mà tôi phải dành đến 30 phút để nói chuyện. Nói nhẹ nhàng không được, nói nặng cũng chẳng xong. Có những em lười học nhưng nghịch ngợm, “bùng tiết”, nói năng với thầy cô trên lớp thì thất lễ nhưng khi gọi lên bảng trả bài thì lặp đi lặp lại điệp khúc “em không thuộc, tuần sau em gỡ điểm”. Nhưng tuần sau rồi tuần sau nữa vẫn khất lần, chỉ là những lời hứa suông.
Phản ảnh lại với phụ huynh thì đắng lòng nhận được câu trả lời: “Chắc tại trình độ chuyên môn của thầy kém, không đủ dạy con tôi nên nó không nuốt nổi bài trên lớp, sao mà thuộc bài được? Có trách thì các thầy tự trách mình trước đi”.
Dùng hình thức nặng tay thì rất có thể bị mất việc, đe dọa đến “niêu cơm” của gia đình (như trường hợp thầy Tuấn). Còn thờ ơ, mặc kệ, chỉ biết nhìn và hi vọng các em học sinh cá biệt tự nên người thì không đành lòng. Buông xuôi với những “cậu ấm cô chiêu” cá biệt thì rất dễ, nhưng lương tâm nghề nghiệp không cho phép chúng ta đối xử vô tâm như vậy. Thử hỏi cách nào cũng không được thì phải dạy các em như thế nào?
THEO TUỔI TRẺ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét