Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Hãy biết quyền của mình (4): An ninh quốc gia vs. Nhân quyền - Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa tại Lào và Cam Bốt ?

Hãy biết quyền của mình (4): An ninh quốc gia vs. Nhân quyền

Không riêng gì Việt Nam, ở tất cả các quốc gia trên thế giới, an ninh quốc gia luôn là một lý do cực kỳ xác đáng để nhà nước can thiệp và hạn chế quyền tự do của người dân. Điểm khác biệt là mức độ nhà nước lợi dụng vấn đề ''an ninh quốc gia'' để giới hạn quyền của dân chúng và trấn áp những người dám đối đầu với chính quyền (hay là những người bất đồng chính kiến). Chính quyền càng độc tài thì càng sử dụng ngón võ ''an ninh quốc gia'' này một cách tùy tiện, vô tội vạ hơn.

Để minh họa khái niệm ''an ninh quốc gia''...

Cuối tháng 1 vừa qua, anh Nguyễn Hồ Nhật Thành, 28 tuổi, lên đường đi Mỹ tham dự một cuộc vận động nhân quyền nhân phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam, theo lời mời của một số tổ chức phi chính phủ quốc tế. Chú ý rằng UPR là một cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên Hợp Quốc, được coi như một sáng kiến bởi nó cho phép khối xã hội dân sự của một quốc gia tham gia đánh giá và báo cáo về tình hình nhân quyền của nước mình cho Liên Hợp Quốc.

Visa đã được cấp và vé máy bay đã mua, nhưng anh Thành lại bị an ninh cửa khẩu chặn lại ở sân bay Tân Sơn Nhất với lý do chung chung là ''vì an ninh quốc gia...'' (có dấu ba chấm).

Sau khi anh Thành có đơn đề nghị làm rõ tại sao anh không được xuất cảnh, Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh (ở nước ta thì nó trực thuộc Bộ Công an) có thư trả lời vào ngày 21/2, rằng đó là ''vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội''.

Trước đó bốn tháng, vào ngày 21/10/2013, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội ra quyết định đình chỉ giải quyết một vụ án hành chính sơ thẩm mà người kiện là bà Bùi Thị Minh Hằng, khởi kiện Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vì ông này đã tống bà vào ''cơ sở giáo dục'' 5 tháng. Tòa án cũng nại lý do nội dung khiếu kiện của bà Bùi Thị Minh Hằng ''có liên quan đến lĩnh vực an ninh''.

Trước đó nữa, năm 2009, một số blogger ở Việt Nam (trong đó có người viết bài này) bị bắt giam theo Điều 258 Bộ luật Hình sự (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích của Nhà nước). Không rõ quyền tự do dân chủ nào đã bị lợi dụng và mức độ thiệt hại của Nhà nước đến đâu. Còn hành vi mà cơ quan an ninh căn cứ vào đó để khép tội là ''in áo chống dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên''. Hành vi in áo này được coi là xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc có lúc lại được gọi là xâm hại lợi ích Nhà nước.

Sơ sơ ba trường hợp trên đủ cho ta thấy tính chất thoáng rộng và bao trùm của khái niệm ''an ninh quốc gia'', ''lợi ích Nhà nước'' ở Việt Nam. Đó chỉ mới là ba trong hàng trăm vụ việc từ trước đến nay, khi cơ quan công quyền sử dụng lý do ''an ninh quốc gia'' để thực hiện một mục đích gì đấy. Điều kỳ lạ là trong các vụ việc, đương sự chỉ bị xử lý theo các điều luật trong Bộ luật Hình sự, còn chính Luật An ninh Quốc gia của Việt Nam (ban hành năm 2004) thì lại không được đề cập đến.

An ninh quốc gia mâu thuẫn với nhân quyền như thế nào?

Quả thật, an ninh quốc gia có những lúc mâu thuẫn với quyền con người. Một ví dụ cơ bản là mâu thuẫn giữa việc giữ gìn bí mật quốc phòng, bí mật công tác điều tra (chẳng hạn trong hoạt động chống khủng bố) và việc bảo đảm quyền tự do thông tin, quyền được biết của người dân. Rõ ràng, những thông tin về bản đồ hệ thống phòng thủ tên lửa của Hà Nội (nếu có) không phải là cái mà công dân Việt Nam nào cũng được tiếp cận, nhân danh ''quyền được biết''.

Nhưng trên thực tế, an ninh quốc gia luôn luôn là cái cớ để các nhà nước độc tài xiết chặt quyền tự do của người dân, đàn áp tự do thông tin và báo chí, tiêu diệt tính độc lập của tòa án, phá hoại pháp quyền. Do đó, các chuyên gia luật pháp trên thế giới đã khuyến cáo: ''Khái niệm an ninh quốc gia phải được định nghĩa chính xác trong luật pháp của mỗi quốc gia, theo một cách phù hợp với các nhu cầu của một xã hội dân chủ''; ''luật pháp phải rõ ràng, không mơ hồ, định nghĩa cụ thể và chính xác, để ai ai cũng có thể tiếp cận được và hiểu được điều gì bị cấm...''.

Luật An ninh Quốc gia của Việt Nam cũng có định nghĩa về an ninh quốc gia, rằng đó là ''sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc''. Định nghĩa này mơ hồ, không cụ thể (cho nên hoặc là không áp dụng vào đâu được, hoặc là ngược lại, áp dụng vào đâu cũng được, tùy ý thích của lực lượng an ninh). Ngoài ra, có vẻ như nó không phù hợp với các nhu cầu của một xã hội dân chủ, mà chỉ phù hợp với chính quyền trong chế độ xã hội chủ nghĩa.

Có lẽ do vấp phải những ''bất cập'' đó, cho nên trong các vụ án chính trị, liên quan đến an ninh quốc gia, đương sự lại chỉ bị xử lý do bị kết tội vi phạm các điều khoản trong Bộ luật Hình sự. Một số điều khoản trong Bộ luật Hình sự cũng mơ hồ không kém, ví dụ Điều 258 về ''lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích Nhà nước''. 


Biểu tình là xâm hại an ninh quốc gia? Hay đàn áp biểu tình mới là xâm hại an ninh quốc gia và an ninh của người khác?

An ninh quốc gia, lợi ích Nhà nước phải chính đáng

Ý thức được rằng khái niệm "an ninh quốc gia", "lợi ích nhà nước" luôn được diễn giải tùy tiện theo ý nhà cầm quyền mà đại diện là cơ quan an ninh, nên các chuyên gia luật pháp quốc tế đã chỉ rõ cả những trường hợp chính quyền nại ra các lý do chẳng liên quan gì đến an ninh quốc gia để trấn áp quyền tự do của người dân. Khi đó thì không còn là an ninh quốc gia, lợi ích nhà nước chính đáng nữa.

"Không phải là chính đáng... nếu bảo vệ chính quyền và/hoặc quan chức khỏi bị phát hiện tham nhũng; nếu che giấu thông tin về tình hình vi phạm nhân quyền, về bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào, hoặc về hoạt động của các cơ quan nhà nước; nếu củng cố hoặc kéo dài một lợi ích chính trị, củng cố hoặc kéo dài thời gian tại vị của một đảng phái hay ý thức hệ; nếu đàn áp các cuộc biểu tình được tổ chức đúng luật".

Bản Nguyên tắc toàn cầu về an ninh quốc gia và quyền được biết (Nguyên tắc Tshwane), ban hành ngày 12/6/2013 sau quá trình tham vấn hơn 500 chuyên gia luật pháp ở 70 quốc gia trên thế giới, đã xác định rõ như vậy.

Lẽ nào Đảng và Nhà nước huy động lực lượng an ninh vào bảo vệ những cái không chính đáng như vậy sao?
Cũng thật may cho Đảng và Nhà nước là Nguyên tắc Tshwane này chỉ có giá trị tham khảo chứ không ràng buộc về mặt pháp lý.
  Đoan Trang
  (Blog Đoan Trang)

Thầy trò đánh nhau: Đạo đức học đường trôi về đâu?

thaytro-305.jpg
Giáo viên Trần Anh Tuấn (áo trắng) và hai em học sinh trên bục giảng.
Capture from video clip
 Phản tác dụng?

Liên quan đến lãnh vực giáo dục, mới đây, 1 video clip về thầy trò đánh nhau trong lớp học ở Bình Định gây xôn xao dư luận. Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là phương pháp giáo dục “thương cho roi cho vọt” không những đã lỗi thời mà còn phản tác dụng? Và khi trò đánh trả lại giáo viên thì đạo đức học đường đang trôi về đâu?

Một lần nữa, bạo lực học đường lại xảy ra mà lần này thầy trò đánh nhau khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Phẫn nộ vì hình ảnh thầy trò hành xử với nhau trong lớp học không khác gì những kẻ côn đồ “xử” nhau nơi chợ búa. Đoạn “clip” dài hơn một phút đồng hồ được đưa lên mạng hôm 18/2, ghi hình cảnh tượng thầy giáo bạt tay đôm đốp liên tục vào mặt cậu học trò lớp 11 ở Trường THPT Nguyễn Huệ, Tây Sơn, Bình Định. Cao trào là thời điểm cậu học sinh kế tiếp trước khi tới lượt mình bị thầy giáo “trừng phạt” đã chủ động đánh lại thầy. Câu hỏi đặt ra là tại sao cậu học trò thứ hai không chạy ra khỏi lớp và báo với giám thị chuyện gì đang xảy ra? Một nữ học sinh phổ thông cho đài RFA biết nếu em rơi vào tình huống này thì cũng sẽ hành động giống như bạn học sinh thứ hai trong “clip” mà thôi. Bạn nữ học sinh này nói:

“Lúc mà bị dồn vào đường cùng, đâu còn suy nghĩ là sẽ đi cầu cứu ai mà phải tự giúp bản thân mình thôi. Mình là học sinh đi lên mét với giám thị về thầy cô thì chưa chắc gì họ giải quyết cho mình. Đó chỉ là phản xạ tự nhiên, có người đánh mình thì mình đánh lại là chuyện bình thường”.
Người thầy giống như người cha, người chú thì không thể dùng nấm đấm để dạy mà đứng trên bục giảng thì lại càng không.  - Một phụ huynh
Trao đổi với một số học sinh phổ thông khác, các em đều cho rằng thầy cô giáo chỉ được quyền dạy dỗ, chỉ bảo cho học sinh chứ không được quyền đánh học sinh. Trong tất cả những em học sinh mà đài RFA tiếp xúc đều đồng tình sẽ phản kháng như vậy. Không những thế, hành động đánh trả của em học sinh lớp 11 trong “clip” còn nhận được sự thông cảm của số đông trong dư luận với lý lẽ rằng hành động phản kháng lại là đương nhiên, “thượng bất chính, hạ tắc loạn” nên “làm thầy phải ra thầy thì trò mới nên trò” được.

Còn dưới góc độ của phụ huynh, họ có cho rằng con mình sai trật trong hoàn cảnh tương tự hay không? Một phụ huynh lên tiếng:

“Phụ huynh coi video đó thì rất bức xúc. Bức xúc là do thầy giáo đánh học trò như vậy, tức là đã vi phạm nội quy mô phạm rồi. Tại vì thầy giáo sai trước rồi học trò mới sai. Chuyện học sinh làm ồn trong giờ học hay là gì đó… không nghe giảng bài thì người thầy phải tìm phương pháp sư phạm để dạy dỗ học sinh. Là phụ huynh tôi thấy con tôi không sai gì hết. Tui đồng ý là ‘tiên học lễ, hậu học văn’ nhưng giáo viên dùng nấm đấm để dạy thì con tôi được quyền phản kháng. Đó là sự bộc phát của tụi nhỏ, tức là khi bị hà hiếp, khi bị áp bức thì con tôi được quyền phản kháng. Người thầy giống như người cha, người chú thì không thể dùng nấm đấm để dạy mà đứng trên bục giảng thì lại càng không. Ngay trong giáo dục gia đình, cha mẹ cũng không được dùng quyền lực mà sử dụng nấm đấm để dạy con”.
Cần phải nghiêm cấm
 
thaytro-250.jpg
Em Phan Văn Chung bị thầy tát thủng màng nhĩ trái đang điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Hương Khê. Courtesy infonet.
Qua các lập luận của học sinh và phụ huynh cho thấy phương pháp giáo dục “thương cho roi cho vọt” thực tế không còn áp dụng được trong xã hội VN ngày nay, mà thậm chí lại gây ra tác dụng ngược. Thế nhưng vì sao phản ứng của học trò chống trả cách hành xử được cho là “dã man” của thầy giáo ở quốc gia có truyền thống văn hóa “tôn sư trọng đạo” lại nhận được sự cảm thông? Nếu hành động này được chấp nhận và cổ súy thì đạo nghĩa thầy trò có còn tồn tại? Trả lời câu hỏi của đài ACTD phải chăng đạo đức học đường bị phá hủy khi xã hội VN bây giờ không lên án hành động thầy trò đánh tay đôi nơi lớp học, thầy giáo Đỗ Việt Khoa chia sẻ:

“Tình hình xã hội VN bạo lực rất là phổ biến mà bạo lực, khủng bố đến từ nhiều khía cạnh trong nhiều ngành. Đó là điều khiến cho cái xấu lây lan, bắt chước nhanh. Cho nên người ta hành xử bạo lực, hành xử vô lối trở thành chuyện thường ngày quá nhiều ở VN. Tuy nhiên, ngành giáo dục ở VN ảnh hưởng của văn hóa Á Đông, không cho phép người thầy bắt chước mang những thứ xô bồ, những bạo lực, những điều tồi tệ vào trường học. Người thầy phải tôn trọng các em để các em tôn trọng lại mình. Theo chúng tôi thì người thầy nhiệt tâm, toàn tâm toàn ý với các em, coi các em như người thân của mình thì tôi chắc chắn rằng không có một học sinh nào không nghe thầy mà đến mức độ phải dùng bạo lực để chống lại đến như thế. Sẽ không có chuyện như vậy xảy ra đâu”.
Đòn roi không phải là cách tốt, nhất là trong trường học, học sinh không phải là con cái của mình, không được làm vậy. Đó là nhân phẩm của người ta. Cần phải nghiêm cấm.  - Thầy Đỗ Việt Khoa
Là người luôn quan tâm, trăn trở với ngành giáo dục ở VN, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết đây chỉ là trường hợp hiếm hoi đã xảy ra và giáo viên nói chung không chấp nhận lối hành xử của thầy giáo này. Thầy Đỗ Việt Khoa nói thêm:

Nói về ‘thương cho roi cho vọt’ thì quan điểm của tôi là tôi thấy lạc hậu rồi. Nói đúng ra là người ta viện cớ câu đó khiến cho nhiều người hành hạ học sinh, rồi cho là đánh học sinh để các em khôn lên thành người hơn thì tôi phản đối. Đến trong gia đình, cha mẹ đánh con còn bị cấm huống chi là người thầy. Hơn nữa đòn roi không phải là cách tốt, nhất là trong trường học, học sinh không phải là con cái của mình, không được làm vậy. Đó là nhân phẩm của người ta. Cần phải nghiêm cấm”.

Trong một lần trao đổi với Hòa Ái cũng liên quan đến “video clip” thầy giáo bắt học trò cúi xuống đánh gây xôn xao dư luận hồi tháng 7/2012, nhà xã hội học Quỳnh Hương từ VN nhận định là một đứa trẻ ngay từ bé bị đàn áp bằng vũ lực thì đứa bé đó hiểu rằng chỉ vũ lực mới bắt người khác khuất phục được. Do đó, đứa bé sẽ dùng vũ lực để đối xử lại với người khác trong xã hội. Rõ ràng nhận định này minh chứng cho một thực tế chưa đầy 2 năm mà phản ứng của học sinh qua 2 “clip” từ chịu đựng đến chống trả khi các em đang hằng ngày hằng giờ sống trong môi trường xã hội bạo lực tràn lan.

Các chuyên gia giáo dục tin rằng chắc chắn nhiều thế hệ học sinh về sau sẽ vẫn giữ trọn đạo lý “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” và hành trang vào đời của các em là những gì tiếp thu được từ 12 năm đèn sách do thầy cô truyền dạy. Để được như vậy còn tùy thuộc vào bản lĩnh và cái tâm của một nhà giáo chân chính.
Hòa Ái, phóng viên RFA
2014-02-27

Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Trung Quốc chống Ấn Độ

Phan Ba

Cuộc tranh cãi về hệ thống của những gã khổng lồ

Nằm vài kilômét về phía Tây Nam từ trung tâm của thủ đô Ấn Độ New Delhi là một vùng đất mà nhiều người Ấn Độ đặc biệt tự hào vì nó: Gurgaon. Khu đất mới này của thành phố cần phải là hiện thân của đất nước Ấn Độ mới, Ấn Độ khởi hành, Ấn Độ ở bên kia của những căn nhà ổ chuột. Thật sự là nhiều tòa nhà văn phòng chọc trời và khu mua sắm đã được dựng lên từ khu đất khô cằn đó trong vòng những năm vừa qua. Nhiều công ty thành công trong ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ có trụ sở của họ ở đây, và cả những công ty nổi tiếng nước ngoài cũng đặt chi nhánh của họ ở đây.
Nhiều người Ấn Độ cũng tự hào không kém về Khan Market ở Delhi của họ, một vùng đất có những ngôi nhà hai tầng theo phong cách thuộc địa đứng sát cạnh nhau mà trong đó là cửa hàng sang trọng, hiệu sách và nhà hàng. Thế nhưng Jochen Buchsteiner, cựu thông tín viên tờ Nhật báo Frankfurt Đại cương ở châu Á, phán xét một cách thô lỗ nhưng đúng: “Niềm tự hào của Delhi, Khan Market, chỉ có thể moi ra được một nụ cười thương hại từ những du khách châu Á Thái Bình Dương.”
Cả Khan Market lẫn Gurgaon đều không đứng vững được khi so sánh với những gì đã thành hình ở Đông Nam Á hay còn là ở Trung Quốc nữa. Nếu so sánh Gurgaon ví dụ như với khu Phố Đông rực rỡ mới trong Thượng Hải hay Khan Market với trung tâm mua bán và giải trí Sanlitun Village ở Bắc Kinh thì người ta phải khẳng định một cách rõ ràng rằng: Người chiến thắng hiển nhiên trong cả hai trường hợp là Trung Quốc.
Giữa Ấn Độ và Trung Quốc không phải chỉ có dãy núi Himalaya, mà nằm giữa hai gã khổng lồ Á châu này là nhiều thế giới.
Dù đó có là đấu tranh chống cái nghèo, đào tạo hay hạ tầng cơ sở – trong những lĩnh vực trung tâm, Trung Quốc đã bỏ xa láng giềng Ấn Độ của nó ở một mức độ rõ ràng đến phát sợ.
Số so sánh Trung Quốc – Ấn Độ
Chỉ số
Trung Quốc
Ấn Độ
Tuổi thọ dự tính
74,51 năm
66,46 năm
Tỷ lệ biết đọc (nam)
95,7%
73,4%
Tỷ lệ biết đọc (nữ)
87,6%
47,8 %
Tỷ lệ người nghèo trong dân số*
15,9%
41,6%
Đường cao tốc
65.000 kilômét
200 kilômét
* Thu Nhập dưới 1,25 dollar một ngày.
Nguồn: Zbigniew Brzezinski, Strategic Vision, Seite 167.
Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã giải phóng tròn 400 triệu người ra khỏi cảnh nghèo, Ấn Độ ngược lại chỉ 150 triệu. Vẫn còn ít nhất 300 triệu người đói ăn ở đó. Người Trung Quốc nói tiếng Anh tốt hơn người Ấn Độ, mặc cho quá khứ là thuộc địa Anh Quốc của Ấn Độ. Tỷ lệ biết đọc ở Trung Quốc cao hơn thấy rõ khi so với ở Ấn Độ.
Rõ ràng nhất là các khác biệt trong hạ tầng cơ sở. Dù đó là tàu hỏa, cảng hàng không hay đường sá – ở Trung Quốc thì tất cả đều nhanh hơn, cao hơn, dài hơn và xa hơn. Bộ trưởng Bộ Giao thông [Đức] Peter Ramsauer thường xuyên sang hai nước đó. “Nó rất dai dẳng ở đây, dai dẳng hơn là ở Trung Quốc. Không có gì nhiều xảy ra trong vòng một năm ở đây”, ông nói ở Mumbai sau chuyến đi thăm Ấn Độ lần thứ nhì trong vòng một năm.
Hoàn toàn khác sau chuyến thăm Trung Quốc của ông: “Ở Trung Quốc có nhiều việc tiến triển hết sức nhanh chóng. Họ mở rộng hay xây hoàn toàn mới 50 nhà ga hàng năm và cũng từng ấy cảng hàng không. Ở đó mỗi năm có 500 kilômét đường sắt được xây dựng.”
Đó không phải là lời phán xét của một người nước ngoài kiêu ngạo. Nhiều người Ấn cũng nhìn thấy giống như vậy. Như tờ báo kinh tế Ấn Độ The Economic Times trên trang trực tuyến của họ đã đăng tải một slideshow hình ảnh dưới tựa đề How China builds these, and why Indian never does. Trong lần trình diễn những dự án phô trương này có thể nhìn thấy, ngoài những cái khác, cây cầu dài 42 kilômét trong thành phố cảng Trung Quốc Thanh Đảo.
Ở Ấn Độ thì ngược lại đường sá còn không được xây xong. Ví dụ như Ganga Expressway. Nó cần phải là một dự án để trưng bày. Với tám làn xe, nó cần phải nối bang Uttar Pradesh có nhiều dân cư nhất (200 triệu người) với thủ đô Delhi. Thế nhưng tham nhũng và kiện tụng đã làm ngưng dự án lại cho tới ngày nay, cái mà viên đá đầu tiên đã được đặt cho nó ngay từ năm 2008. Vì vậy là vận tốc trung bình vẫn còn là 35 kilômét/giờ cho xe tải ở Ấn Độ.
Tại sao Trung Quốc lại đi trước láng giềng Ấn Độ của nó? Một lý do là chắc chắn, rằng Trung Quốc đã bắt đầu với các cải cách về kinh tế sớm hơn nhiều. Trung Quốc đã khởi động chúng ngay từ 1978 dưới thời Đặng Tiểu Bình, Ấn Độ thì ngược lại mãi tới 1992 dưới thời nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính thời đó và thủ tướng ngày nay, Manmohan Singh.
Nhưng chỉ riêng việc khập khiển ở đằng sau về thời gian thì cũng không giải thích được vị trí đi trước của Trung Quốc. Vì ở đó còn có câu hỏi về hệ thống: “Tại sao ở Trung Quốc có nhiều thứ tốt hơn ở Ấn Độ đến như vậy?”, Charles Kupchan hỏi. Vị giáo sư ở Đại học Georgetown đưa ra câu trả lời tàn nhẫn – cởi mở ngay sau đó: “Vì Trung Quốc không phải là một nền dân chủ.”
Trung Quốc chống Ấn Độ – đó cũng là một sự so sánh các hệ thống chính trị. Ở đây là Ấn Độ dân chủ, ở kia là Trung Quốc chuyên quyền.
Nhưng sự so sánh này có vững chắc hay không? Có, vì người Ấn tự làm điều đó. Họ liên tục so sánh họ với người láng giềng ở phía Đông. Trong khi người Trung Quốc thì ngược lại không làm điều đó: họ không nhìn họ trong cùng một đẳng cấp với Ấn Độ, ngay cả khi họ không nói ra điều đó một cách thẳng thừng như vậy.
Ở Ấn Độ, nước thích gọi mình là nền dân chủ lớn nhất của thế giới, có một – như các nhà chính trị học gọi – nền dân chủ khiếm khuyết. “Gọi người dân đi bầu năm năm một lần thì chưa làm nên một nền dân chủ”, người phụ nữ Ấn Độ hoạt động vì dân quyền Mallika Sarabhai nói, “một nền dân chủ cần Luật Hiến pháp áp dụng, tự do báo chí, một nền tư pháp độc lập. Tất cả những điều đó không hoạt động ở Ấn Độ.”
Nền dân chủ khiếm khuyết của Ấn Độ này thua cuộc – so với thể chế chuyên quyền đang hoạt động ở Trung Quốc. Nhà trí thức người Ấn Mohan Guruswamy là một người Ấn dễ gây thiện cảm và là một nhà dân chủ không thể chê vào đâu được, nhưng ông nói tự phê phán: “Điều cần phải khiến cho chúng tôi suy nghĩ là Trung Quốc làm tốt hơn, mặc dù chúng tôi cũng chi tiêu cùng một số phần trăm đó của tổng sản lượng quốc gia cho đào tạo.” Và: “Họ sản xuất lương thực thực phẩm nhiều gấp đôi chúng tôi.”
(Còn tiếp)
Wolfgang Hirn
Phan Ba trích dịch từ “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” ["Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp - Trung Quốc chống Phương Tây"]

Phóng Sự LaoĐộngViệt 20140226- Nhà nước cướp sổ hưu của nông dân miền Trung

Lao động Việt

Posted on 26/02/2014
Tiếp tục bắc cầu để người lao động mọi nơi mọi nghề nói lên tiếng nói của mình, lần này Lao Động Việt đến thăm nông nhân ở Quảng Nam, Bình Định, Huế.. đã nghèo lại còn bị nhà nước cướp đất.
http://laodongviet2.files.wordpress.com/2014/02/illus-phongsuldv-20140226-nhc3a0-nc6b0e1bb9bc-cc6b0e1bb9bp-se1bb95-hc6b0u-ce1bba7a-nc3b4ng-dc3a2n-mie1bb81n-trung-cb3athai16-docx.jpg?w=635&h=421
Nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời
Đối với người nông dân, mảnh ruộng mấy đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của họ là cuốn sổ lương hưu để tránh cái đói lúc tuổi già, nhưng gần đây, nhiều nông dân mất đất.
Cô Tuyến, một nông dân ở Đại Lộc, Quảng Nam, chia sẻ: “Nhà tui có bảy người, những đứa con sinh sau khoán 10 năm 1995 đều chưa có ruộng, có thể chẳng bao giờ được chia ruộng, ba đứa con đầu và hai vợ chồng tui được chia mỗi người 400 mét vuông đất, làm không đủ ăn!”.
“Trung bình, mỗi sào ruộng, một năm thu được một triệu đồng tiền lãi, năm sào, kiếm được cao nhất là năm triệu, bảy người, xài năm triệu trên một năm, ăn cách gì cũng đói. Chính vì vậy mà cả nhà phải đi làm thuê, bốc vác, lau nhà, nói chung là ai kêu gì mình làm nấy!”.
Bà Tống, một nông dân đang sống ở Hương Điền, Thừa Thiên, Huế, cho biết: “Nhà tui có bốn người đang tuổi lao động, chồng tui bị bệnh tai biến não gần hai năm nay, nằm tại nhà, ba người làm nuôi hai người đi học, với mức thu nhập mỗi tháng chưa tới bốn trăm ngàn đồng, chia đều cho cả nhà, không tài nào sống nổi. Cũng may là nhờ vào đứa con đi làm công nhân khu công nghiệp, lương của nó được ba triệu đồng một tháng”.
“Tui nghe nói mức lương này đối với công nhân là thấp, nhưng so với mức thu nhập nhà nông, nó cao hơn nhiều, dường như mọi thứ chi tiêu trong nhà là nhờ vào đứa con công nhân, nhất là tiền ăn học của hai đứa út”.
“Con tôi đi làm osin nuôi các em”
Đối với người nông dân ở phía Nam của miền Trung, câu chuyện đời sống của họ cũng chẳng may hơn chút nào. Ông Trần Hà, nông dân xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định chia sẻ: “Tui có hai đứa con đang đi học cấp hai, một đứa đi làm osin ở Hàn Quốc, đứa làm osin phải chịu khổ, hy sinh mà gởi tiền về nuôi em ăn học, cả ba đứa con tui vốn học rất giỏi, nhưng hồi đó thủ tục xin công nhận hộ người nghèo nhiêu khê quá, tui thấy nhục quá mà cho con nghỉ học, nghĩ lại thấy đau lòng lắm!”.
“Thử hỏi, mỗi năm, mỗi sào ruộng thu vào chưa được tám trăm ký lúa, với bốn sào ruộng, xấp xỉ hai ngàn rưỡi ký lúa, trong đó phân, thuốc, tiền máy cày, thuế thủy lợi chiếm hết gần một nửa, bán lúa ra được giá nhất thì bảy tám ngàn đồng một ký, bán tất tần tật được cùng lắm mười tám triệu, trừ ra hết, dư được chừng mười triệu đồng, mười triệu chi tiêu cho 12 tháng, 4 miệng ăn! Tui phải đi làm thuê đủ thứ, vợ tui phải đi bắt ốc bán kiếm thêm tiền mua bột nuôi heo…”.
Ông Nguyễn Truyền, nông dân ở Phước Tuy, Phú Yên cho biết thêm: “Làm nông dân bây giờ chẳng có thứ gì là không nguy hiểm, mọi thứ đều phải dùng chất hóa học, sức khỏe không đảm bảo, đó là chưa nói đến chuyện có thể mất đất bất kỳ giờ nào nếu như có công trình sắp xây dựng ở đó”.
“Mà với nông dân như tụi tui, mảnh ruộng là cuốn sổ hưu quan trọng nhất, nó đảm bảo khi về già không bị đói, bây giờ người ta thu đất, đền bù cho mình vài đồng, ăn được bao nhiêu ngày đây chứ? Tiền thì rớt giá liên tục, nguy cơ lắm!”.
Nhà nước cướp sổ hưu của nông dân
“nhà nước thu hồi đất, mỗi mét vuông 30.000 đồng, nhưng có trả 1 lần đâu, có khi 2 triệu, có lúc 5, cuối cùng tôi ra thân ăn mày!” – bà Hạnh, Quảng Trị
Bà Hạnh, 70 tuổi, người Quảng Trị, lúc tuổi già bóng xế, độc thân, vẫn phải đi hái rau má, mót lúa và lượm ve chai để sống vì bị mất đất, tiền đền bù một sào ruộng không bao nhiêu đồng, nhà nước trả cho bà mỗi lúc một ít, bà chỉ đủ ăn và chữa bệnh trong một thời gian ngắn, cuối cùng phải đói, ra đường lang thang kiếm cơm.
Bà nghẹn ngào kể: “Hồi đó đất thu hồi giá không bao nhiêu, mỗi mét vuông người ta trả cho tôi ba mươi ngàn đồng, tổng cộng tiền đền bù là hai mươi bốn triệu đồng, nhưng có trả một lần đâu, có khi đưa hai triệu, có lúc đưa năm triệu, cả mấy năm mới trả hết, cuối cùng mình dùng chữa bệnh và ăn cũng hết trơn. Bây giờ ra thân ăn mày!”.
Hoàn cảnh rơi nước mắt như bà Hạnh không phải là ít trên đất nước này. Cuốn sổ hưu của người nông dân đang bị nhà nước cướp trên tay!
Hồng Hạc,Lao Động Việt
chao@laodongViet.org
GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Công Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.
- Hết-

Cán bộ nhà nước áp lực đòi đứng ra tổ chức Tang lễ cụ bà Nguyễn Thị Lợi, cúp nước và công an lại xé vòng hoa phúng điếu

1979661_254129184764607_2116245245_n.jpg

Giữa những đau buồn của gia đình với sự ra đi của cụ bà Nguyễn Thị Lợi - mẹ của Phạm Thanh Nghiên, phía nhà nước đã xuất hiện, áp lực và đưa ra những đòi hỏi vô lý. Các cán bộ của đảng dưới danh nghĩa Hội Phụ nữ, Phụ lão, Mặt trận... đã đến đòi làm trưởng ban, lập ban lễ tang với nhân sự toàn người của họ.

Trong khi đó ở bên ngoài lúc nào cũng túc trực từ 3 đến 5 xe gắn máy với một đám công an đứng canh, lượn qua lượn lại và theo dõi mọi động tĩnh trong nhà cũng như những ai đến thăm viếng.

Những đòi hỏi vô lý và mất nhân tính của phía nhà nước đã bị gia đình cương quyết từ chối thẳng thừng nên bẽ mặt. Tuy nhiên sau đó họ vẫn khăng khăng và làm mặt dày đòi tự viết và đọc điếu tang. Blogger Phạm Thanh Nghiên đang đấu tranh rất quyết liệt. Các thành phần muốn phá hoại tang lễ của cụ bà Nguyễn Thị Lợi đã chuyển sang những thủ đoạn hèn hạ:

Sử dụng chiêu trò không thể bẩn thỉu hơn: lén lút cắt nước sinh hoạt của gia đình Phạm Thanh Nghiên. Ai cũng biết công việc tang chế đòi hỏi rất nhiều việc phải giải quyết. Vậy mà họ lại sử dụng một trò hèn mạt đến vậy. Khi thấy nước bị cắt vào lúc giữa đêm, Phạm Thanh Nghiên đã rất phẫn nộ và đã phát biểu: Hèn bẩn như cộng sản là hết cỡ!

Song song với việc cắt nước các cán bộ của đảng và nhà nước đã vừa phủ dụ vừa hăm doạ một người con của cụ bà vốn chưa quen đối diện với những hành vi trấn áp của côn an để hòng tạo ra những khác biệt ý kiến trong gia đình.

Vào chiều thứ Năm, 27 tháng 2, 2014 bà Nguyễn Thị Nga, vợ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đang bị đảng bỏ tù vì phản đối tàu cộng xâm lược đã đến viếng thăm. Bà mang theo một số vòng hoa phúng điếu của Hội Phụ nữ Nhân quyền, đài Đáp Lời Sông Núi nhờ chuyển. Khi xe vừa xuống lập tức côn an đã xông đến, giật xé những dòng chữ ghi tên các hội, nhóm - chỉ chừa lại 2 chữ "Kính viếng".

Hiện tại đã có nhiều những blogger, bạn bè, người quan tâm ở nhiều lứa tuổi khác nhau đến thăm viếng gia đình của Phạm Thanh Nghiên.

Về phần của Phạm Thanh Nghiên, từ sau khi ra tù sức khỏe càng ngày càng sa sút do tình trạng bị quản chế và an ninh địa phương gây khó khăn cho việc đi chữa trị. Từ hôm Mẹ mất cho đến bây giờ, bạn bè khuyên và ép lắm chị mới ăn được một chút. Dù sức khỏe không tốt nhưng chị vẫn rất kiên cường đấu tranh trước sức ép của nhà cầm quyền trong việc tổ chức tang lễ cho mẹ mình.

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa tại Lào và Cam Bốt ?

Vào lúc Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng đặt toàn bộ Biển Đông dưới quyền khống chế của Bắc Kinh, phớt lờ chủ quyền được tuyên bố của Việt Nam đối với hai vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trên đất liền cũng diễn ra một tình hình đáng ngại khác cho Việt Nam : Trung Quốc càng lúc càng tăng cường thế lực tại Lào và Cam Bốt, hai nước láng giềng cho đến nay là đồng minh truyền thống, nằm trong vòng ảnh hưởng của Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là uy thế ngày càng lớn của Trung Quốc tại Lào và Cam Bốt phải chăng đang trở thành một mối đe dọa cho Việt Nam, đặc biệt trong lãnh vực an ninh, vì nếu Lào và Cam Bốt thực sự rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh, thì rõ ràng là Việt Nam đã lọt vào trong gọng kềm của Trung Quốc.

Phải nói là trong thời gian qua, Trung Quốc không ngừng gia tăng các khoản viện trợ và đầu tư vào Lào và Cam Bốt. Các khoản trợ giúp của Bắc Kinh cho Phnom Penh đã từng được nêu bật cách nay hai năm sau khi Cam Bốt không ngần ngại chiều theo quan điểm của Trung Quốc và đối kháng với Việt Nam và Philippines trong hồ sơ Biển Đông. Riêng những khoản đầu tư của Trung Quốc vào Lào ít được nói tới dù rất đáng kể.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (T) và Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác song phương tại Phnom Penh ngày 31/03/2012.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (T) và Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác song phương tại Phnom Penh ngày 31/03/2012.


Cuối 2013, Trung Quốc vượt qua Việt Nam để thành nhà đầu tư số một ở Lào

Tuy nhiên, ngày 30/01/2014, Đại sứ Trung Quốc tại Lào Quan Hòa Bình (Guan Huaping) cho biết là tổng trị giá đầu tư của Trung Quốc tại Lào vào cuối năm 2013 đã đạt mức 5,1 tỷ đô la, qua mặt Việt Nam trong tư cách là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào.

Cho đến giữa năm 2013, Việt Nam còn là nhà đầu tư số một tại Lào với khoảng 5 tỷ đô la, theo sau là Thái Lan với 4,8 tỷ, còn Trung Quốc chỉ đứng thứ ba với 4 tỷ.

Việc Trung Quốc vượt qua Việt Nam trong vai trò nhà đầu tư lớn nhất tại Lào không phải là điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh từ hơn một chục năm nay Bắc Kinh không ngừng nỗ lực dùng lá bài kinh tế để chiêu dụ các nước Đông Nam Á nói chung, và hai nước Lào và Cam Bốt nói riêng.

Trong một công trinh nghiên cứu về quan hệ giữa Trung Quốc với Lào và Cam Bốt vừa được Viện Thống nhất Quốc gia của Hàn Quốc tại Seoul công bố (Carlyle A. Thayer, “China’s Relations with Laos and Cambodia", in Jung Ho Bae and Jae H. Ku, eds., China’s Internal and External Relations and Lessons for Korea and Asia), Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về châu Á tại Học viện Quốc phòng Úc đã nêu bật một số lý do chính thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào hai nước Đông Nam Á này cả kinh tế lẫn chính trị :

« Trung Quốc đã làm như vậy chủ yếu vì lý do kinh tế : Họ tìm cách tiếp cận vào các sản phẩm nông nghiệp và nguồn tài nguyên thiên nhiên rất cần cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của họ, đồng thời tìm cách phát triển một thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc. Đa phần viện trợ phát triển và đầu tư của Trung Quốc được hướng vào lãnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng và công nghiệp khai khoáng ở cả Lào lẫn Cam Bốt ».

Mặt khác, theo giáo sư Thayer, Trung Quốc cũng muốn tỉnh Vân Nam của họ hội nhập được vào khu vực Đông Nam Á lục địa, do đó, đầu tư và viện trợ của Bắc Kinh cũng tập trung vào việc thành lập một mạng lưới giao thông từ miền Nam Trung Quốc tỏa xuống vùng Đông Nam Á.

Động cơ chính trị : Thông qua Lào và Cam Bốt để tác động lên ASEAN

Bên cạnh quyền lợi kinh tế, theo giáo sư Thayer, Bắc Kinh cũng có động cơ chính trị. Ông giải thích :

« Trung Quốc tìm cách phát triển mối quan hệ thân thiện với Lào và Campuchia để thu hút sự ủng hộ cho một loạt chính sách quan trọng của Bắc Kinh. Ví dụ, tất cả các thỏa thuận hợp tác song phương dài hạn mà Trung Quốc đã ký kết với các thành viên ASEAN trong những năm 1999-2000 đều có điều khoản liên quan đến chính sách Một nước Trung Quốc duy nhất.

ASEAN đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Yếu tố đó đã nâng cao tầm quan trọng của Lào và Cam Bốt trong một khuôn khổ đa phương. Lợi ích của Trung Quốc là làm sao có được quan hệ tốt với Lào và Cam Bốt (và với tất cả các thành viên ASEAN khác) để họ làm cầu nối cho ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc.

Trong năm 2012 chẳng hạn, khi Cam Bốt làm chủ tịch ASEAN, Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của mình trên chính quyền Phnom Penh để tác động đến cuộc thảo luận về Biển Đông trong khối ASEAN. Cam Bốt đã được khen thưởng vì đã hợp tác. Sắp tới đây, vào năm 2016, đến lượt Lào lên làm chủ tịch ASEAN ».

Đối với Giáo sư Thayer, dù rất hữu hảo với Trung Quốc để tranh thủ các quyền lợi về kinh tế, nhưng Lào và Cam Bốt vẫn cố gắng duy trì quyền độc lập tự chủ của mình. Trong lãnh vực này, Lào có vẻ thành công hơn Cam Bốt. Giáo sư Thayer phân tích :

« Lào dường như đã thành công hơn Cam Bốt trong việc duy trì quyền tự chủ của mình nhờ sự hiện diện mạnh mẽ về kinh tế của Thái Lan và Việt Nam… Cam Bốt thì gặp khó khăn nhiều hơn vì quan hệ với Thái Lan thì bị các tranh chấp biên giới khuấy động, trong lúc bang giao với Việt Nam thì lại là một vấn đề chính trị gây tranh cãi trong nước. Chính quyền của đảng Nhân dân Cam Bốt của ông Hun Sen đã không theo đuổi được một chính sách cân bằng mà đã trở thành phụ thuộc vào Trung Quốc. »

Ảnh hưởng không ngừng gia tăng của Trung Quốc tại hai láng giềng phía Tây và Tây Nam Việt Nam phải chăng là một mối đe dọa cho nền an ninh của Việt Nam ? Trả lời phỏng vấn của RFI bằng thư điện tử, Giáo sư Thayer cho rằng trong lãnh vực an ninh thuần túy, xu thế đó không phải là điều đáng ngại đối với Việt Nam.

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn :

RFI : Giáo sư có nghĩ rằng việc quan hệ được tăng cường giữa Trung Quốc với Cam Bốt và Lào đang là (hoặc sẽ là) một mối đe dọa đến an ninh của Việt Nam hay không ?

Thayer : Quan hệ song phương của Trung Quốc với Cam Bốt và Lào không tạo nên một mối đe dọa an ninh trực tiếp nào đối với Việt Nam hiện nay, và trong tương lai, tình hình hoàn toàn có thể sẽ cũng như vậy.

Cả Cam Bốt lẫn Lào đều tìm cách bảo đảm cho mình một quyền tự do hành động nhất định. Quan hệ giữa Cam Bốt và Lào với Trung Quốc, trong một chừng mực nào đó, cũng sẽ được điều hòa thông qua khối ASEAN mà cả hai nước này đều là thành viên.

Hai mục tiêu của Bắc Kinh tại Cam Bốt và Lào

Trung Quốc tìm kiếm lợi ích kinh tế tại Cam Bốt và Lào. Riêng tại Lào, Trung Quốc phải cạnh tranh với Thái Lan và Việt Nam.

Bắc Kinh cũng hy vọng là không nước nào đề ra một chính sách đối ngoại thiếu thân thiện và chống lại lợi ích của Trung Quốc. Cho đến giờ không có bằng chứng nào cho thấy là Bắc Kinh đã gây áp lực để buộc Phnom Penh hay Vientiane phải chọn lựa giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

Quan hệ quân sự của Trung Quốc với Cam Bốt và Lào rất hạn chế, do đó không tạo thành một mối đe dọa cho Việt Nam. Sĩ quan quân đội Trung Quốc có mặt trên cả lãnh thổ Cam Bốt lẫn Lào để quản lý các chương trình hợp tác quốc phòng. Số lượng của của họ không đông lắm, nên không có gì là đáng ngại cho Việt Nam.

Trong thực tế, Việt Nam có mối quan hệ hợp tác quốc phòng tương đối mạnh mẽ với cả hai nước Lào và Cam Bốt trong lãnh vực đào tạo sĩ quan.

Lào giữ một vị trí đặc biệt trong mối quan hệ an ninh với Trung Quốc bỏi vì hai bên chia sẻ một đường biên giới chung và đều phải đối phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia. Tuy nhiên, đấy cũng là tình hình giữa Lào và Việt Nam.

Cam Bốt đang hướng trở lại Việt Nam

Ngoại trừ thời kỳ cách nay hai năm, khi Cam Bốt - trong tư cách là Chủ tịch ASEAN - đã tìm cách ngăn không cho nhắc đến vấn đề Biển Đông trong Thông cáo chung của các Ngoại trưởng ASEAN, Cam Bốt không còn bị Trung Quốc sử dụng như một con tốt chính trị nhằm gây thiệt hại cho Việt Nam.

Có những dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc bắt đầu giữ khoảng cách với Thủ tướng Hun Sen do kết quả kém cỏi của Đảng Nhân dân Cam Bốt trong cuộc bầu cử Quốc hội mới đây. Bắc Kinh không muốn là tình trạng bất ổn định tại Cam Bốt lan rộng và đe dọa các lợi ích kinh tế của Trung Quốc.

Bắc Kinh như đang kín đáo điều chỉnh sách lược để giảm thiểu rủi ro trong trường hợp đảng Nhân dân Cam Bốt bỏ rơi ông Hun Sen, hay trong trường hợp lãnh tụ đối lập Sam Rainsy lật đổ chế độ của đảng Nhân dân Cam Bốt.

Thủ tướng Hun Sen dường như đã nhận thấy sự thay đổi đó, và đã chuyển hướng quay sang tìm kiếm một quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và tăng cường trở lại quan hệ với Việt Nam.

RFI : Nhiều người cho rằng Trung Quốc hiện đang áp dụng một chính sách ép Việt Nam từ hai phía, trên biển là từ Biển Đông, còn trên bộ là củng cố thế lực tại hai nước sát cạnh Việt Nam là Lào và Cam Bốt. Ý kiến của giáo sư ra sao ?

Thayer : Vấn đề thực sự nghiêm trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc là tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên tại vùng Biển Đông. Không thấy có dấu hiệu là Trung Quốc đang tìm cách kềm chế Việt Nam, trái lại, Bắc Kinh còn đẩy mạnh thêm quan hệ với Hà Nội. Trung Quốc thường tìm cách làm dịu các chính sách hay hành động nào của Việt Nam mà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của họ.

Mục tiêu lớn của Bắc Kinh là làm sao kết nối các tỉnh miền Nam Trung Quốc với vùng lục địa Đông Nam Á. Trung Quốc lợi dụng sức mạnh kinh tế của mình và mong muốn phát triển của cả ba nước Lào, Cam Bốt và Việt Nam để thực hiện mục tiêu trên.

Tuy nhiên, trong phương trình đó, lại có sự tồn tại của Mỹ trong tư cách là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam và Cam Bốt.

Phản ứng bất bình của người dân trước cung cách làm ăn của Trung Quốc

RFI : Giáo sư đánh giá thế nào về phản ứng của Việt Nam trước đà vươn lên của Trung Quốc tại Lào và Cam Bốt ? Bởi vì Hà Nội tất nhiên là đã thấy rõ sự gia tăng nhanh chóng của ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Lào và Cam Bốt ?

Thayer : Việt Nam nhận thức rất rõ về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Cam Bốt và Lào. Thế nhưng, ảnh hưởng của Trung Quốc cũng gia tăng khắp nơi, và Việt Nam hiểu rõ xu thế đó.

Đối với Lào, Việt Nam có duy trì các mối quan hệ hữu hảo giữa hai đảng cầm quyền. Các tầng lớp chính trị Lào cũng tìm cách duy trì mối quan hệ lịch sử với Việt Nam. Cho dù trong Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có một số quan điểm cho rằng đất nước này sẽ có lợi nhiều hơn nếu đứng hẳn về phía Trung Quốc, nhưng các thành phần này đã không thắng được phía chủ trương tìm kiếm một sự cân bằng trong mối quan hệ với Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Cũng cần phải lưu ý rằng hiện đang có một làn sóng ngầm - hoặc một phản ứng ngược - của một bộ phận quan trọng trong dân chúng ở cả Lào lẫn Cam Bốt, chống lại công việc kinh doanh của người Trung Quốc tại hai quốc gia này.

Nguyên nhân bắt nguồn từ cung cách làm ăn thô bạo của các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có việc lấy đất của người dân, và đưa lao động Trung Quốc đến làm việc ở các nước đó.

Việt Nam có vai trò đối trọng với thế lực Trung Quốc tại Lào và Cam Bốt

RFI : Tầm mức quan trọng hiện nay của Việt Nam tại hai nước láng giềng Lào và Cam Bốt là như thế nào ?

Thayer : Việt Nam rất quan trọng đối với Lào và Cam Bốt về phương diện kinh tế, vì lẽ Việt Nam là một tác nhân kinh tế lớn trong khu vực. Gần đây, lượng hàng hóa Việt Nam đổ vào Cam Bốt đã tăng vọt nhờ vào khủng hoảng biên giới giữa Cam Bốt và Thái Lan.

Việt Nam cũng rất quan trọng đối với hai láng giềng trên bình diện an ninh do các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia dọc theo đường biên giới chung giữa hai bên.

Sau cùng, Việt Nam quan trọng đối với Lào và Cam Bốt trong vai trò một đối trọng tiềm tàng cho hai nước này trước Trung Quốc.

Suy cho cùng, cả ba nước đều là thành viên của ASEAN và đã xây dựng một kiểu liên minh đặc biệt (bao gồm cả Miến Điện) để vận động toàn khối dành cho họ một cách đối xử đặc biệt trong tư các là các nước kém phát triển của ASEAN.

Cả ba nước đều chia sẻ một quan tâm chung đến tình trạng tốt của vùng hạ nguồn sông Mêkông và sự phát triển của khu vực được gọi là Đại Tiểu vùng sông Mêkông.
  Trọng Nghĩa
  (RFI)

Vì sao TQ cố khai thác bằng chứng lịch sử mơ hồ?

...cc: Có ngàn Ông TS. Trần công Trục nói cũng chả ăn thua gì, vì Ông cũng chỉ là một cán bộ “cấp cao” thôi – Ăn thua là AI đứng đầu và là LÃNH ĐẠO cái đất nước này nói kìa và hành động thể hiện để bảo vệ hay giành lại những gì mà Trung cộng cướp – Trung cộng đã gần như hoàn chỉnh điều kiện để “có” cái xứ sở ở Hoàng sa và một phần Trường sa rồi….thì cù cưa lý lẽ “niềm tin chiến lược”, ai tin cái niềm tin khơi khơi này….trong khi Trung cộng cứ tiếp tục chơi cái “niềm tin sấn tới” – Ngàn năm nữa chăng???-Cứ ôm cái 16-4 , nói cái “niềm tin” thì mất mẹ nó hết rồi!!!- Thanh niên có học mà không biết HS TS còn hay mất, ngày 17/2 …không biết ngày gì…. thì còn chỗ đâu mà nói “niềm tin” chớ đừng nghĩ đến Trung cộng tin cái “niềm tin chiến lược”.
   Các ông bảo Trung cộng “MƠ HỒ” – Trung cộng đang giữ cái có thật và cứ bảo không mơ hồ thì sao nào?- Ta có câu “tiền trong túi tao là của tao”.
(Tin tức thời sự) – “Trong thời đại ngày nay, Trung Quốc dùng các hoạt động dân sự, nhằm vào kinh tế, điều này rất nguy hiểm”, TS Trần Công Trục phân tích.

Trung Quốc đang tìm mọi cách
PV: Trung Quốc vừa ngang ngược tuyên bố tàu khảo cổ dưới nước đầu tiên của nước này sẽ được đưa vào hoạt động tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ tháng 5/2014, thậm chí sẽ phát triển Hoàng Sa thành điểm đến du lịch. Thưa ông, động thái này của Trung Quốc đã thể hiện điều gì?
TS Trần Công Trục:  Đây cũng là một hành động nằm trong một loạt các hoạt động của TQ triển khai trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ năm 2004 đến nay.
Ví dụ như quy định các tàu đánh cá vào vùng biển thuộc quản lý của tỉnh Hải Nam phải xin phép có hiệu lực từ năm 2004. Tăng cường tàu làm nhiệm vụ cấp phát trên biển 5000 tấn ở Hoàng Sa, các hoạt động đánh cá, nghiên cứu khoa học, du lịch…tất cả các chuyện đó nằm trong chuỗi hoạt động mà TQ muốn thông qua để khẳng định quyền quản lý của họ đối với vùng đảo, biển mà họ tự nhận có chủ quyền.
TQ đang cố gắng tìm mọi cách, biện pháp để khẳng định được trên thực tế, thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông sử dụng Biển Đông làm con đường vươn ra biển, phấn đấu trở thành cường quốc biển, trước khi trở thành siêu cường quốc tế thì họ áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả các hoạt động có tính dân sự, quân sự, nghiên cứu khoa học, tổ chức, tuần tra, thậm chí đổ bộ tập trận…
Về mặt pháp lý, họ ra các quy định, luật lệ, lệnh cấm, rồi xây dựng về mặt hành chính, kể cả mặt trận ngoại giao tuyên bố chủ quyền các khu vực nằm trong đường biên giới lưỡi bò.
Nhưng mặt khác, họ tỏ ra rất thiện chí, sẵn sàng ngồi đàm phán giải quyết vấn đề tranh chấp một cách hòa bình, tất cả những điều đó được phối hợp 1 cách bài bản. Có thể nhận thấy, biện pháp của họ không kém phần hiệu quả và nguy hiểm hơn, tức là họ dùng hoạt động có tính chất dân sự, kinh tế và nghiên cứu khoa học thay vì vũ lực.
TS Trần Công Trục
TS Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Ở đây, thực chất TQ muốn độc chiếm không chỉ bằng quân sự, có thể 1 lúc nào đó họ sẽ dùng nhưng quan trọng họ muốn chủ động kiểm soát được vùng này, tổ chức hoạt động có lợi cho họ nhất, bằng biện pháp về mặt dân sự như vậy họ vẫn đạt được mục tiêu của mình.
Việc đưa tàu khảo cổ ra Hoàng Sa, nghiên cứu khảo cổ cũng là 1 trong những biện pháp họ sử dụng, chúng ta phải để ý kỹ việc này. Theo tôi, thời gian tới, TQ sẽ chủ yếu tiến hành những hoạt động như, tổ chức đấu thầu lô dầu khí, đưa các dàn khoan, chế biến hải sản xuống biển, ra lệnh kiểm soát mặt biển, công bố vùng nhận diện phòng không. Nên nếu không lưu ý, xem thường thì họ sẽ đạt mục tiêu mà không cần vũ lực.
PV: Vậy việc Trung Quốc đưa tàu khảo cổ vào hoạt động trong thời điểm này, có mục đích gì không thưa ông? Tại sao?
TS Trần Công Trục: Từ trước đến nay khi nghiên cứu vấn đề này, TQ cũng đã phát hiện ra nhiều di chỉ.
Nguyên nhân sâu xa là TQ đang cố tìm mọi cách chứng minh cho luận thuyết của họ là có chủ quyền lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đối với vùng biển trong đường ranh giới lưỡi bò.
Họ từng ngang ngược tuyên bố rằng người dân TQ hàng nghìn năm trước công nguyên đã xuống làm ăn, sinh hoạt tại đây. Sau đó, tìm mọi chứng cứ để tìm ra được di chỉ khảo cổ, tìm mọi cách củng cố thêm luận thuyết danh nghĩa, chủ quyền lịch sử của mình.
Đây là hành động tăng thêm sức nặng, củng cố thêm quan điểm pháp lý của họ dựa vào yếu tố lịch sử. Họ muốn chứng minh cho quốc tế luận thuyết của họ đúng.
Thế nhưng, trên thực tế, điều đó hoàn toàn không thể mang đến một sức nặng cho việc chứng minh chủ quyền lãnh thổ của 1 quốc gia. Việc Trung Quốc đang làm cũng giống như tuyên truyền dư luận, mê hoặc, để dư luận nghĩ rằng Trung Quốc đúng.
Việt Nam cần làm gì?
PV: Trong thời gian vừa qua hàng loạt nhưng động thái khác lạ của TQ đã diễn ra, như xây dựng trung tâm cảnh báo sóng thần, dụ Philippines bỏ kiện tụng, minh chứng chủ quyền bằng việc trục vớt xác tàu đắm. Những hành động này của TQ thể hiện điều gì, thưa ông?
TS Trần Công Trục: Như trong vụ kiện của Philippines, TQ một mực quay lưng lại, mặt khác vận động 1 số nước có liên quan không tiếp tục ủng hộ, đứng ra bỏ kiện TQ, có thể thấy họ đang ở thế yếu, ít nhất về dư luận, chính trị.
Có thể thời gian trước đây thậm chí ngay bây giờ họ có cách đi khiến 1 số dư luận hiểu lầm, mất cảnh giác, nếu cứ tiếp tục như thế này, dư luận sẽ nhìn ra thực chất vấn đề, phụ thuộc vào những yếu tố trực tiếp liên quan.
Đây có thể khẳng định là TQ đang khai thác tính chất mơ hồ về các bằng chứng lịch sử để bảo vệ cho chủ quyền lịch sử của mình. Thế nhưng, chủ quyền lịch sử, danh nghĩa lịch sử không phải là những nguyên tắc của Luật pháp quốc tế sử dụng trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia đối với vùng lãnh thổ có tranh chấp. Chỉ là yếu tố tham khảo để tìm ra bằng chứng pháp lý.
Hiện nay, TQ nhằm vào cái đó vì, nó là vô cùng. Kể cả những người nghiên cứu, đến những người làm công tác quản lý đất cần hiểu rõ, không nên say sưa với chủ quyền, bằng chứng lịch sử, dùng yếu tố, sự kiện lịch sử để tìm ra bằng chứng có giá trị, chứng minh cho quyền lãnh thổ.
PV: Trước những hành động này của TQ, theo ông Việt Nam cần làm gì vào lúc này? Vì sao?
TS Trần Công Trục: Rõ ràng tất cả hành động của TQ cho dù là hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động kinh tế nhưng nó vào vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của chúng ta cần có tiếng nói phản đối, không nên làm ngơ, không nên bỏ qua.
Tàu khảo cổ của Trung Quốc
Tàu khảo cổ của Trung Quốc
Việc đưa tàu khảo cổ vào hoạt động là vi phạm chủ quyền, cần lên án mạnh mẽ, vô hiệu hóa hành động đó, phân tích rõ cho thế giới biết bản chất vấn đề TQ đang làm.
Điều quan trọng là dư luận đang thấy tình hình Biển Đông lắng xuống không có đụng độ nhưng thực chất không phải vậy mà bây giờ TQ sử dụng hành động tinh vi hơn, không nên mất cảnh giác, nên hiểu rằng để làm chủ, độc chiếm, thực hiện ý đồ làm chủ Biển Đông, không phải chỉ sử dụng lực lượng quân sự, tạo ra xung đột như thời điểm trước đây.
Trong thời đại ngày nay họ chỉ cần bằng các hoạt động dân sự, bằng luật lệ có tính chất dân sự nhằm vào hoạt động kinh tế, đấy mới là nguy hiểm, nếu họ làm được chính họ thực hiện được mục tiêu khống chế, độc chiếm Biển Đông.
PV: Việc tàu khảo cổ hoạt động trong vùng lãnh thổ của nước ta, cụ thể là quần đảo Hoàng Sa, chúng ta phải xử lý ra sao?
TS Trần Công Trục: Chúng ta là người Việt Nam phải đặt mình vào vị trí trong quan hệ Việt Nam với TQ, Việt Nam với các nước trong khu vực, VN với thế giới để chúng ta có 1 xử lý thích hợp làm sao tất cả cách giải quyết, 1 mặt bảo đảm được nguyên tắc pháp lý, lợi ích chính đáng phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo vệ được chủ quyền thiêng liêng 1 cách rõ ràng, công khai, tôn trọng sự thật.
Đặt lợi ích dân tộc trong bối cảnh khu vực và thế giới, đừng làm cái gì tạo ra cớ để 1 số nước lợi dụng sức mạnh, vị thế để gây ra xung đột tạo ra an ninh, hòa bình thế giới.
Đương nhiên, tôi thấy với cách đi đó chúng ta không nên mất cảnh giác với những hoạt động TQ đang làm, bài bản, khôn khéo hơn, đừng nghĩ đã bớt căng thẳng. Tất cả những hoạt động TQ đã, đang xảy ra có tính chất nguy hiểm ảnh hưởng lợi ích sống còn của các nước trong khu vực này.
Tất nhiên không nên gây kích động chia rẽ làm sao phân tích khoa học, thuyết phục bằng lý lẽ, niềm tin chiến lược.
Thanh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét