Nhiều người thích nói về nhà nước pháp quyền, rằng nhà nước pháp
quyền phải thượng tôn pháp luật. Thực tế cũng nhiều người coi pháp luật
không là cái đinh gì cả.
Lấy ví dụ chuyện ngày hôm nay. Có lẽ các bạn đều đọc tin “Quốc hội
dừng lấy phiếu tín nhiệm” trong đó có nói Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh
Hùng nói: “Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5/2014 sẽ tạm dừng việc lấy
phiếu tín nhiệm”.
Có lẽ đại biểu Quốc hội nào cũng phải hiểu một nguyên lý cơ bản: việc
lấy phiếu tín nhiệm là từ một Nghị quyết của Quốc hội thì chỉ có Quốc
hội (tức là toàn thể các đại biểu) quyết định tạm dừng chứ không ai khác
có cái quyền đó cả. Chủ tịch Quốc hội không có quyền tạm dừng mà Ủy ban
thường vụ Quốc hội cũng không có quyền tạm dừng.
Nguyên tắc làm việc của Quốc hội là làm việc theo chế độ hội nghị cho
nên cũng không thể có chuyện gởi phiếu lấy ý kiến của các đại biểu từ
xa được.
Lẽ ra nếu việc lấy phiếu tín nhiệm có vấn đề gì đó để Bộ Chính trị
“đề nghị” Quốc hội tạm dừng thì cũng phải chờ đến cuộc họp toàn thể vào
tháng 5 sắp tới, họp một cái, bỏ phiếu một cái cho nó đúng nguyên tắc.
Làm như mấy ông, mấy bà bàn nhau hôm nay thì thật là coi thường khái
niệm “nhà nước pháp quyền” quá thể.
Đà Nẵng có thể khởi kiện Bộ TN-MT
Lãnh đạo ngành của Đà Nẵng nói “chắc chắn” sẽ kiện Bộ Tài nguyên và
Môi trường nếu cơ quan này không sửa đổi những chi tiết trong dự thảo về
việc vận hành liên hồ chứa nước mà họ cho là sẽ gây hạn hán và
ảnh hưởng đời sống hàng triệu người dân.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 21/2, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng, giải thích cụ thể về những
hậu quả mà dự thảo này có thể gây ra đối với người dân ở vùng hạ du
sông Vu Gia, đồng thời khẳng định cơ sở pháp lý của thành phố nếu việc
khởi kiện xảy ra.
BBC: Vừa qua, Sở đã có kiến nghị về việc Bộ Tài
nguyên và Môi trường lập quy trình vận hành hồ chứa gây thiệt hại lớn
cho hạ du sông Vu Gia, không biết cho đến nay phía Bộ đã phản hồi như
thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Vạn Thắng: Họ có trả lời là họ sẽ nghiên
cứu kỹ lưỡng ý kiến của thành phố Đà Nẵng, hy vọng là họ sẽ sửa đổi để
thay đổi tình hình nước, nếu không sẽ rất khó khăn cho thành phố Đà Nẵng
cũng như phía Bắc tỉnh Quảng Nam.
BBC: Kiến nghị của thành phố Đà Nẵng có nói đến
những hậu quả nếu áp dụng mực nước 2,53m cho Trạm thủy văn Ái Nghĩa làm
cơ sở vận hành, xả lũ vào mùa khô như trong dự thảo của Bộ Tài Nguyên và
Môi trường. Ông có thể giải thích rõ hơn?
Ông Huỳnh Vạn Thắng: Họ chọn mực nước 2,53m tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa là con số trung bình của những tháng cạn nhất trong năm.
Có thể hình dung thế này: Trong một năm, họ sẽ chọn ra một tháng có mực nước thấp nhất và 36 năm sẽ có 36 tháng như vậy.
Sau đó họ chia trung bình mực nước trong 36 tháng đó ra để có con số 2,53m làm mực nước cơ sở để mở nước ra hoặc xả nước về.
Thành phố Đà Nẵng không chấp nhận vì mức 2,53m là quá thấp và sẽ dẫn đến hạn hán.
Thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu chọn mực nước là 2,8m. Trong thực tế
quản lý thì thành phố thấy đây là mực nước mà vùng hạ du có thể chấp
nhận được.
BBC: Nếu áp dụng mực nước 2,53m thì người dân sẽ bị ảnh hưởng thế nào, với một quy mô ra sao, thưa ông?
Ông Huỳnh Vạn Thắng: Chuyện thiếu nước ảnh hưởng đến rất nhiều mặt, đầu tiên phải kể đến sản xuất nông nghiệp.
Có những thời kỳ lúa mà thiếu nước 3,5 ngày thì năng suất giảm đến
50% chứ không phải ít. Có những công đoạn như trồng lúa hoặc làm đồng
thì đặc biệt không được để thiếu nước.
Thiếu nước còn gây ảnh hưởng đến cho các cây trồng cạn khác ngoài lúa ra như cây hoa màu, cây ăn trái, ăn quả nữa.
Điều này gây khó khăn cho tất cả mọi người, ảnh hưởng tới hệ sinh thái nông nghiệp.
Thứ hai là nuôi trồng thủy sản. Thiếu nước thì cá đâu còn nữa? Đó là
chưa kể thiếu nước còn dẫn đến dịch bệnh cho gia súc và cả người.
BBC: Trong báo cáo giải trình thủ tướng của Cục Quản
lý Tài nguyên nước, họ nói rằng nếu thủy điện Đăk Mi 4 xả nước trả lại
sông Vu Gia theo đề nghị của Đà Nẵng, họ sẽ bị thiệt hại từ 55 đến 145
tỷ đồng, ông nghĩ gì về mức thiệt hại này?
Ông Huỳnh Vạn Thắng: Tôi nghĩ Cục Quản lý Tài nguyên nước không nên nói như vậy. Anh mất những gì anh có kia chứ, còn ở đây anh có có đâu mà mất.
Nước này là nước của sông Vu Gia, khi anh lấy hết đi rồi anh mới có
chừng đó tiền. Nhưng làm sao lấy hết đi được? Một phần còn phải trả lại
cho môi trường và cho sinh hoạt, cho sản xuất của người dân.
Cái đó không nên gọi là ‘thiệt hại’.
BBC: Tổng mức thiệt hại quy ra tiền nếu như áp dụng đúng mực nước 2,53m cho trạm thủy văn Ái Nghĩa ước tính là bao nhiêu, thưa ông?
Ông Huỳnh Vạn Thắng: Cái đó nó phụ thuộc vào mức độ
thiếu nước. Với mức độ xả như thế này thì hạn hán sẽ rất nặng, và lúc đó
mức thiệt hại sẽ rất lớn.
Như năm vừa qua, riêng nhà máy nước Cầu Đỏ đã phải tăng chi phí để
đưa thêm nước từ An Rạch về nhà máy. Riêng chi phí này đã phát sinh thêm
13 tỷ đồng và doanh nghiệp cấp nước của Đà Nẵng đã không chịu nổi và
phải đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tăng giá nước lên.
Như vậy, việc này rõ ràng là thiệt hại do người dân gánh.
Với 20.000 ha cây trồng của khu vực hạ du sông Vu Gia, chỉ cần năng
suất thiệt hại 30% thôi, mà thiếu nước thì thiệt hại 30% là chuyện bình
thường, có khi lên tới 50% hoặc thậm chí mất trắng, thì tổng số tiền
thiệt hại có thể lên đến hơn 500 tỷ đồng.
Đó là chưa kể đến dịch bệnh ở con người và gia súc. Những chi phí đó thì mình chưa tính được.
BBC: Trước đó ông từng nói là những nội dung trong
dự thảo của Bộ vi phạm nghiêm trọng điều 60 Luật Tài nguyên nước. Ông có
thể nói rõ hơn?
Ông Huỳnh Vạn Thắng: Điều 60 của Luật Tài nguyên
nước quy định rất rõ về việc phòng chống hạn hán, ngập úng nhân tạo, ở
đây ý nói là do con người tạo nên.
Nó quy định rất rõ quy trình vận hành hồ chứa phải đảm bảo duy trì
dòng chảy tối thiểu, phòng chống lũ lụt, phòng chống hạn hán, thiếu nước
cho hạ du.
Như vậy quy trình này do anh soạn thảo ra, các địa phương, đặc biệt
là những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp, đã góp ý, mà anh không tiếp
thu, vẫn thực hiện theo ý của anh, thì người soạn thảo văn bản và đặc
biệt là người trình văn bản này đi, sẽ phải chịu trách nhiệm lớn.
BBC: Nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường không chịu thay
đổi những chi tiết trong dự thảo theo yêu cầu của thành phố thì liệu Đà
Nẵng có giữ quyết định khởi kiện Bộ như ông đã nói với các báo trong
nước không?
Ông Huỳnh Vạn Thắng: Chắc chắn các cơ quan của chúng
tôi sẽ tham mưu cho thành phố Đà Nẵng để khởi kiện tại tòa án, theo quy
định của pháp luật. Đó là chuyện bắt buộc, dù đây là điều chúng tôi
không muốn.
BBC: Nếu bị buộc phải khởi kiện, ông có tin rằng Đà Nẵng có đủ cơ sở pháp lý để chiến thắng hay không?
Ông Huỳnh Vạn Thắng: Cái này có nhiều vấn đề. Nhưng chúng tôi khẳng
định có những chứng cứ rất rõ ràng, như thiệt hại về cấp nước chẳng hạn,
đó là điều rõ ràng, không thể chối cãi được.
THEO BBC
Hai bộ đồng tình “ép” 1,7 triệu dân
Như Một Thế Giới đã đưa tin, sau khi Bộ Tài nguyên & Môi
trường (TN&MT) hoàn thành dự thảo “Quy trình vận hành liên hồ chứa
Đăk Mi 4 – Sông Tranh 2 – A Vương”, thành phố Đà Nẵng đã có phản ứng
quyết liệt và dọa kiện nếu dự thảo này được thông qua.
Ngay sau đó, ông Hoàng Văn Bẩy – Cục Trưởng Cục Quản lý tài nguyên
nước thuộc Bộ TN&MT đã có công văn gửi Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang
và lãnh đạo Bộ TN&MT giải thích vấn đề này.
Đặt lợi ích thủy điện lên đầu
Công văn của của Cục Quản lý Tài nguyên nước nêu rõ là dự thảo “Quy
trình vận hành liên hồ chứa” ra đời sau gần hai năm nghiên cứu, xây dựng
hàng trăm phương án, gửi tới 13 cơ quan đơn vị xin ý kiến góp ý.
Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ngày 12 tháng 9 năm 2013, Bộ
TN&MT cũng đã tổ chức họp với tổ soạn thảo với sự tham gia của 5 bộ,
13 ngành, cơ quan liên quan và 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng.
Mùa khô nhìn từ thân đập thủy điện Đăk Mi 4 sẽ thấy thủy điện này không xả một giọt nước nào về sông Vu Gia.
Cục Quản lý Tài nguyên nước khẳng định mặc dù dự thảo “Quy trình vận
hành liên hồ chứa” không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng vẫn
phải làm “công phu” như vậy vì để đảm bảo chất lượng xây dựng quy trình!
Trong quá trình thảo luận, về vấn đề xả nước của hồ Đăk Mi 4 xuống hạ
du sông Vu Gia và quy định mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa, có 3
nhóm ý kiến như sau:
Bộ Công Thương, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công
nghiệp Việt Nam (chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4) đề nghị xem xét giảm lưu
lượng xả về hạ du để đảm bảo hiệu quả phát điện cao hơn, vì cho rằng
việc xả với lưu lượng liên tục từ 12,5 đến 25m3/s trong cả mùa cạn là
thiệt hại rất lớn về điện, gây lãng phí tài nguyên nên đề nghị xả từ 3
đến 8,5m3/s.
UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị hồ Đăk Mi 4 xả liên tục 25m3/s trong cả mùa cạn.
Ý kiến cuối cùng của UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan đơn vị là thống nhất với dự thảo hoặc không có ý kiến!
Lo sợ thiệt hại thay cho thủy điện
Đối với đề nghị của thành phố Đà Nẵng trong công văn số 08/PCBL, Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết:
Theo kết quả thống kê chuỗi thủy văn từ năm 1976 đến 2008, mực nước
trung bình 03 tháng nhỏ nhất tại trạm thủy văn Ái Nghĩa là 2,67m, trung
bình 01 tháng nhỏ nhất là 2,53. Trên thực tế, nếu đảm bảo được giá trị
mực nước tại Ái Nghĩa từ 2,53m trở lên thì đáp ứng được nhu cầu nước hạ
du.
Thủy điện vắt kiệt nước và nạn đào đãi vàng tàn phá biến sông Đăk Mi trở thành con sông chết.
Nhu cầu nước theo đề nghị của thành phố Đà Nẵng, diện tích tưới thiết
kế là 46 ngìn hecta, thực tế là 36,3 nghìn hecta, đã bao gồm những diện
tích không lấy nước trực tiếp trên các dòng chính sông Vu Gia, không
phụ thuộc vào việc vận hành hồ Đăk Mi 4.
Lượng nước trên sông Vu Gia đến Ái Nghĩa không chỉ có hồ Đăk Mi 4 mà
còn hồ A Vương và trong tương lai còn có hồ Sông Bung 4. Do vậy, đề nghị
xả nước hồ Đăk Mi 4 trong suốt mùa cạn 25m3/s (theo đề nghị của Đà
Nẵng) không gắn với yêu cầu sử dụng nước thực tế trong từng thời gian,
trường hợp cụ thể chưa phù hợp…
Và cuối cùng, cùng nỗi lo lắng “sẽ gây thiệt hai cho thủy điện” như
Bộ Công thương từng lo, Cục Quản lý Tài nguyên nước kết luận qua tính
toán việc vận hành các hồ chứa đã đảm bảo nhu cầu dùng nước cho hạ du
sông Vu Gia.
Nếu khống chế mực nước trong mùa cạn tại trạm thủy văn Ái Nghĩa,
thiệt hại về điện của thủy điện Đăk Mi 4 trong mùa cạn sẽ dao động từ
khoảng 55 triệu Kwh (chiếm 6% so với tổng sản lượng điện hàng năm) đến
tối đa khoảng 144,6 triệu Kwh (chiếm 17,3%) tương ứng khoảng 55 tỷ đến
145 tỷ đồng!
Mặc dù khẳng định các vấn đề về xả nước của thủy điện Đăk Mi 4, mực
nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa, thay đổi tỷ lệ chuyển nước qua sông
Quảng Huế… đã được nghiên cứu, phân tích tính toán… nhưng Cục Quản lý
Tài nguyên nước “hứa” sẽ nghiên cứu ý kiến của Đà Nẵng để báo cáo Bộ
TN&MT và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Minh Sơn
Phó Thủ tướng chỉ đạo không cụ thể?
Như Một Thế Giới đã đưa tin, thủy điện Đăk Mi 4 đã “cúp” nguồn nước
chảy về sông Vu Gia và chia về sông Thu Bồn khi xây dựng thủy điện nên
đã xảy ra tranh chấp nguồn nước với thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình
xây dựng UBND TP Đà Nẵng đã kiến nghị dừng thi công cho đến khi giải
quyết nhưng cuối cùng thành phố Đà Nẵng đã “thua” thủy điện này.
Sau nhiều lần kiến nghị, ngày 29 tháng 4 năm 2010, tại văn bản số
2840?VPCP-KTN Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Tổng
công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (chủ đầu tư
Đăk Mi 4) thiết kế cống điều tiết tại tuyến đập thủy điện Đăk Mi 4 có
khả năng xả tối đa 25m3/s trở lại sông Vu Gia.
Mới đây, sau khi Đà Nẵng có văn bản kiến nghị về dự thảo “Quy trình
vận hành liên hồ chứa” đòi 25m3/s, và dọa kiện Bộ TN&MT, trong văn
bản gửi cho Bộ trưởng bộ này, ông Hoàng Văn Bẩy – Cục trưởng Cục Quản lý
Tài nguyên nước có nêu: “Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Tổng
công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam thiết kế
cống điều tiết tại tuyến đập thủy điện Đăk Mi 4 có khả năng xả tối đa
25m3/s trở lại sông Vu Gia, mà không quy định lưu lượng xả theo từng
thời gian, trường hợp cụ thể”.
THEO MỘT THẾ GIỚI
VN quy hoạch kinh tế biên giới với TQ
Việt Nam vừa phê duyệt một quy hoạch tổng thể về phát triển
công nghiệp và thương mại trên tuyến biên giới Việt – Trung tới năm 2020
với ‘tầm nhìn đến năm 2030′, theo Văn phòng Chính phủ Việt Nam hôm
19/2.
Một số trọng điểm đầu tư được định hướng gồm các công nghiệp khai
thác, chế biến khoáng sản, một số loại hình thương mại hiện đại kết hợp
giữa thương mại đô thị với thương mại truyền thông, theo Bộ Công nghiệp
và Thương mại.
Hôm 20/2, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc nói Việt Nam nhắm mục
tiêu đạt tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch biên giới với Trung Quốc ở mức
16 tỷ đôla vào năm 2015.
Tờ báo Trung Quốc cho hay Việt Nam hiện có 11 vùng kinh tế trên một
đường biên giới dài tới 1.400 km tiếp giáp với Trung Quốc, với tổng trị
giá giao dịch công thương song phương hai bên đường biên giới đạt khoảng
15% so với tổng giá trị hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Hôm thứ năm, một chuyên gia ẩn danh từ Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam bình luận với BBC:
“Cả bản Quy hoạch Tổng thể mới phê duyệt lẫn các chương trình hợp
tác kinh tế song phương Việt – Trung tới nay đều không trình bày rõ
ràng và cụ thể bằng phương thức nào Việt Nam có thể giải quyết vấn đề
nhập siêu triền miên từ Trung Quốc, cũng như việc để chảy máu tài nguyên
từ Việt Nam.”
‘Lo ngại nhập siêu’
Cuối năm ngoái, ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu
Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Công thương nói với tờ Bấm Đại Đoàn Kết:
“Việt Nam từng có thời kỳ xuất siêu sang Trung Quốc, từ năm
1991-2000. Song từ năm 2001 đến nay, Việt Nam liên tục nhập siêu từ nước
này với giá trị tuyệt đối và tỷ lệ trên kim ngạch xuất khẩu luôn tăng.”
Theo tờ báo này Việt Nam khai thác khoáng sản và bán cho Trung Quốc
cũng ở dạng xuất thô và đang gây ra nguy cơ “tận diệt nguồn khoáng sản”.
“Không đâu xa, nhìn ngay cách Trung Quốc thu mua nông sản của
Việt Nam thời gian qua cho thấy họ không thu mua một thứ nông sản nào mà
nhằm mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam,” tờ Đại Đoàn Kết bình luận.
Hôm 11/2, chuyên mục kinh tế của tờ Bấm Người Cao Tuổi cho hay trong
thời gian từ 2010 – 2013, Việt Nam chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc được
44,8 tỉ USD, nhưng phải nhập khấu từ Trung Quốc 110,6 tỉ USD, dẫn tới
nhập siêu lên tới 65,8 tỉ USD và về mặt tỉ lệ là 146%.
“Cái giá phải trả cho “hai chiều” là kim ngạch càng tăng, thặng dư
càng đắp cao cho phía bên kia, thâm hụt càng lún sâu ở phía ta và tài
nguyên khoáng sản càng chóng cạn kiệt…,” tờ báo viết.
THEO BBC
Việt Nam giữa ý thức hệ và chủ nghĩa quốc gia
Trong bài “Trận chiến chính trong thế kỷ 21”, tôi nêu lên một số luận
điểm của các học giả Tây phương: Tất cả đều cho yếu tố chính làm phân
hóa thế giới và dẫn đến các cuộc chiến tranh, lạnh hay nóng, khốc liệt
trong thế kỷ 20 đã thuộc về dĩ vãng là ý thức hệ. Rộng hơn cả chính
trị, trong toàn bộ lãnh vực nghiên cứu nhân văn hay khoa học xã hội hiện
nay, hầu như không ai nhắc đến ý thức hệ nữa. Trước, các lý thuyết gia
cho ý thức hệ là một thứ đại tự sự hoặc siêu tự sự (grand narrative /
metanarrative) và thời đại của các siêu tự sự ấy đã qua và được thay thế
bằng các tiểu tự sự. Sau, nhiều người cho cả lý thuyết nói chung, vốn
là kết tinh của các siêu tự sự ấy cũng mất dần sức quyến rũ: Nhiều người
gọi thời đại chúng ta đang sống hiện nay là thời đại hậu-lý thuyết
(posttheory).
Ở đây, Việt Nam là một ngoại lệ. Trên các diễn đàn chính
thức và chính thống ở trong nước, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn tiếp tục
khẳng định là mâu thuẫn chính hiện nay vẫn là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa
tư bản và chủ nghĩa xã hội, là Việt Nam và Trung Quốc vẫn là hai nước
đồng chí anh em trong khối xã hội chủ nghĩa, là Việt Nam vẫn cương quyết
đi theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, dù, theo lời thú nhận của
Nguyễn Phú Trọng gần đây, có khi đến tận cuối thế kỷ 21, vẫn chưa thực
hiện được!
Những quan niệm như vậy không những lạc hậu mà còn là một ảo tưởng,
một ảo tưởng lạc hậu của những kẻ lú. Trên blog này, ở một số bài, tôi
có nhắc đến một ý kiến của Benedict Anderson, trong cuốn Imagined
Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism (1983):
Ông cho, với cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia năm 1978 và
chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979, chủ nghĩa quốc gia đã
thay thế vai trò của ý thức hệ chính trị trong việc quyết định các quan
hệ quốc tế giữa nước này và nước khác.
Việc thay thế ấy càng hiển nhiên hơn nữa sau năm 1991, khi hệ thống
xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ hoàn toàn ở Liên Xô và Đông Âu. Từ đó, chính
chủ nghĩa quốc gia chứ không phải là ý thức hệ chi phối (a) toàn bộ các
quyết định tách rời hay gộp chung các biên giới chung quanh mỗi nước;
(b) xác định ai là công dân và ai không phải là công dân; (c) khẳng định
ngôn ngữ nào là ngôn ngữ quốc gia; và cuối cùng, (d), khẳng định các
quyền dành cho người dân thiểu số. Tất cả các cuộc chiến tranh và xung
đột ở Trung Âu và Đông Âu sau năm 1991 đều gắn liền với chủ nghĩa quốc
gia.
Ở châu Á, văn hóa hay văn minh – nói theo chữ của Samuel P.
Huntington – cũng không phải là yếu tố gây đoàn kết hay chia rẽ trên bàn
cờ chính trị khu vực. Những tranh chấp về lãnh thổ, đặc biệt là lãnh
hải giữa Trung Quốc với Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản, hay ngay cả với
Philippines thời gian gần đây là một minh chứng: Trên lý thuyết, theo
cách phân chia của Huntington trong cuốn The Clash of Civilizations and
the Remaking of World Order, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đều có
chung một nền văn minh, nền văn minh dựa trên Khổng giáo. Giữa Trung
Quốc và Nhật Bản cũng có rất nhiều điểm chung. Ngay cả giữa Trung Quốc
và Philippines, nhữngđiểm chung cũng không ít: Mặc dù Philippines chịu
nhiều ảnh hưởng của Tây phương, từ Tây Ban Nha đến Mỹ, ở đó Thiên Chúa
giáo đóng vai trò chủ đạo, nhưng vốn là một quốc gia đa sắc tộc, một
phần không nhỏ của Philippines có gốc rễ từ Trung Hoa và cùng với họ,
ảnh hưởng của Khổng giáo. Vậy mà họ vẫn hục hặc với nhau. Ấn Độ và
Pakistan cùng chia sẻ với nhau, hoặc toàn bộ hoặc một phần, văn minh Hồi
giáo, nhưng họ vẫn đánh nhau.
Có thể nói, ở châu Á, đặc biệt ở Đông Á và Đông Nam Á, trong khi vai
trò của ý thức hệ đã thuộc về quá khứ, vai trò của “văn minh” vẫn chưa
nổi lên và chưa có ý nghĩa gì đáng kể, mối quan hệ quốc tế giữa các nước
vẫn bị chi phối một cách mạnh mẽ bởi tinh thần quốc gia: Nước nào cũng
muốn khẳng định bản sắc của mình dựa trên lịch sử và nước nào cũng nhắm
đến mục tiêu có lợi cho chính mình; ở nước nào chính phủ cũng giương cao
ngọn cờ quốc gia chủ nghĩa để tập hợp quần chúng và tạo thành sức mạnh.
Chỉ có ở Việt Nam là khác.
Trong hơn một thập niên vừa qua, không phải chính phủ mà là những
người đối lập hoặc độc lập với chính phủ mới là những kẻ hô to khẩu hiệu
quốc gia nhiều nhất. Không phải chính phủ mà là những người ly khai hay
các nhà báo và các blogger bị chính phủ cấm đoán hay trấn áp mới là
những người hay bàn đến vấn đề độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
nhất. Không phải chính phủ mà những người dân thấp cổ bé miệng đứng ra
tổ chức các cuộc xuống đường biểu tình để, nhân danh chủ nghĩa quốc gia,
chống lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc.
Nói một cách tóm tắt, ở Việt Nam hiện nay, có hai xu hướng đối lập
nhau: nhà cầm quyền thì đề cao ý thức hệ, tiếp tục nhìn thế giới qua
lăng kính ý thức hệ xưa cũ, trong khi đó, dân chúng, hoặc ít nhất một bộ
phận càng lúc càng lớn của dân chúng, lại đề cao chủ nghĩa quốc gia,
xem chủ nghĩa quốc gia như một lý tưởng để tranh đấu, trước hết, chống
lại chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc.
Tính chất đối lập ấy có thể được nhìn thấy rõ qua các cuộc biểu tình
chống Trung Quốc trong gần một thập niên vừa qua: Trong khi dân chúng
xuống đường biểu tình chống Trung Quốc thì công an, theo lệnh của nhà
nước, lại trấn áp một cách tàn bạo. Không những trấn áp trong các cuộc
biểu tình với những dùi cui, cùi chõ và đế giày mà còn trấn áp sau các
cuộc biểu tình với những sự vu khống và những bản án thô bỉ căn cứ vào
tội danh “trốn thuế” hay “hai cái bao cao su đã qua sử dụng”.
Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại cứ khăng khăng bám víu vào cái ý
thức hệ cũ kỹ như vậy để nhắm mắt trước nguy cơ lấn chiếm của Trung Quốc
và sẵn sàng đạp vào mặt dân chúng như vậy?
Lý do tương đối dễ hiểu: Họ sợ Trung Quốc hơn sợ dân.
Một số nhà báo nhiệt tình ở trong nước hy vọng một ngày nào đó họ có
thể làm thức tỉnh giới lãnh đạo để giới lãnh đạo nhận thức được tính
chất trầm trọng của nguy cơ bị Hán hóa, từ đó, biết sử dụng ngọn cờ quốc
gia chủ nghĩa để đoàn kết mọi người, hình thành một trận tuyến chung
bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia.
Tôi không tin và cũng không mong chuyện ấy xảy ra sớm. Tôi biết nhà
cầm quyền Việt Nam hiện nay sẽ không bao giờ công khai lên tiếng chống
Trung Quốc cho đến khi nào họ đối diện với nguy cơ bị dân chúng Việt Nam
lật đổ. Tất cả các nhà độc tài đều biết cách sử dụng chiến tranh, nhất
là chiến tranh chống ngoại xâm, dù một cách vờ vĩnh, để đoàn kết dân
chúng và để có cớ trấn áp những người đối lập một cách có… chính nghĩa
(nhân danh an ninh quốc gia!)
Trong tương lai, khi nhà cầm quyền Việt Nam mạnh bạo lên
tiếng chống Trung Quốc, tôi không biết họ có chống được hay không; tôi
chỉ biết chắc một điều: Họa độc tài sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa.
THEO BLOG NGUYỄN HƯNG QUỐC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét