Đằng sau vụ MẤT TÍCH BÍ ẨN của nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB Phạm Trung Cang
Gặp nhiều thất bại rồi lại thành công, ông Phạm Trung Cang
đươc biết đến như một “đại gia” trong ngành nhựa tái sinh. Sau đó, ông
Cang dấn thân vào lĩnh vực tài chính để rồi “mất tích” một cách bí ẩn.
Thập niên 80, Phạm Trung Cang tốt nghiệp cao đẳng kinh tế rồi làm thư
ký cho phó Chủ tịch quận 3. Ông bắt đầu tập tành làm hấp gia công lốp
xe. Thấy ngon ăn, ông Cang bỏ luôn việc công sở và mở cơ sở sản xuất lốp
xe đạp. Sản phẩm của ông ta đã gây tiếng vang trên thị trường, hàng sản
xuất không kịp để bán.
Nguyên liệu của ông Cang dùng để sản xuất vỏ xe thường được dùng bằng
mủ cao su thiên nhiên nên cho sản phẩm tốt. Vốn đã giàu, người ta lại
muốn giàu hơn. Nếu “phi thương” có thể làm giàu còn “gian thương” có
ngày cũng đến mạt vận. Trong một lần, có người chào bán cho ông Cang một
lượng lớn mủ cao su có màu ngả sang vàng.
Người này nói rằng, bán số mủ trên với giá rẻ hơn 2 lần do bị chìm
tàu dưới biển và trục vớt kịp thời. Những mẻ hàng đầu tiên của loại mủ
mới, ông Cang thấy chất lượng sản phẩm không thay đổi và chắc mẩm sẽ thu
lợi to.
Ông chủ cơ sở dốc hết tiền mua lô mủ trên về trữ và ngày đêm sản xuất
ra sản phẩm mang đi tiêu thụ. Hàng vỏ xe để trong kho, hàng phân phối
cho khách chỉ sau 1 tháng dần chảy nhão như… cháo.
“Tham thì thâm”, ông Cang đã trả giá cho bài học đầu tiên về sự thất
bại với số tài sản hơn 100 lượng vàng và khách hàng cạch mặt. Cơ may lại
đến với vị “đại gia” này khi gặp được ông bạn người Hoa đang làm bao
nhựa tái sinh. Thế là, ông Cang nhảy vào hợp tác. Tài sản còn lại được
bao nhiêu, ông đổ vào để làm bao nhựa. Cũng chỉ một thời gian, cơ sở bao
bố bên cạnh cháy đã lây sang cửa hàng bao bì. Vị “đại gia” này lại
trắng tay.
Làm “con buôn” trong 2 năm, đến năm 1986, ông Cang lại có chút vốn
rồi mở lại cơ sở xuất tấm nhựa tái sinh. Công ty Đại Hưng chính thức ra
đời. Đến năm 1998, công việc ăn nên làm ra, ông Phạm Trung Cang đã chính
thức đổi tên cơ sở cũ thành công ty Tân Đại Hưng để đưa hàng bao bì,
sản phẩm nhựa xuất khẩu ra một số nước trên thế giới.
Cũng ở thời điểm này, ông Cang giao hết cơ ngơi đã gây dựng để về giữ
vị Tổng Giám đốc ngân hàng ACB. Đến 4/2012, ông Phạm Trung Cang được bổ
nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank. Ngày 19/9/2012, ông
Cang chính thức từ nhiệm chức vụ trên.
Việc từ nhiệm của ông Phạm Trung Cang gây không ít những nghi vấn
trước hàng loạt quan chức cấp cao của ngân hàng bị bắt trước đó. Tuy
nhiên, ông Cang cũng cho rằng, bản thân ông từ nhiệm vì lý do cá nhân và
không liên quan đến việc điều hành Eximbank.
Những ngày qua, ông Phạm Trung Cang đột ngột mất tích sau khi xuất
cảnh qua đường Tân Sơn Nhất đã làm cho dư luận đặt nhiều nghi vấn. Phải
chăng, ông Cang “mất tích” trong bối cảnh ít nhiều có liên quan đến vấn
đề pháp lý.
Trong diễn biến đầu năm 2014, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã kiến nghị
viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội làm rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm
Trung Cang về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý
kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Cang đã xuất cảnh vài ngày trước
khi Tòa án nhân dân TP Hà Nội kiến nghị lên Viện Kiểm sát.
Ông Cang được xem là nằm trong nhóm đồng phạm cùng Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang.
Ông Cang biết rõ việc ACB ủy thác là chưa có hướng dẫn nhưng không có
ý kiến ngăn cản. Việc này đã tạo điều kiện cho “siêu lừa 250 triệu USD”
Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền của các tổ chức và cá nhân gây
thiệt hại hơn 718 tỉ đồng.
Theo PetroTimes
Chủ tịch nước nói về việc luân chuyển ông Nguyễn Thiện Nhân
Câu hỏi thẳng thắn về việc luân chuyển Phó thủ tướng Nguyễn
Thiện Nhân sang MTTQ đã được cử tri nêu ra trong buổi tiếp xúc sau kỳ
họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào sáng ngày 2/12 tại TP. HCM.
Cử tri Nguyễn Hữu Mỹ nêu quan điểm: “Phó thủ tướng (PTT) Nguyễn Thiện
Nhân là người từng kinh qua nhiều vị trí công tác, lại có trình độ và
rất am hiểu về lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhưng nay đồng chí Nhân được
chuyển sang Mặt trận tổ quốc (MTTQ) thì liệu có bị “lãng phí” hay
không?”
Trả lời câu hỏi này Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng, việc PTT
Nguyễn Thiện Nhân chuyển sang MTTT đã được cân nhắc rất kỹ. “Thêm vào đó
về phía MTTQ cũng đã rất nhiều lần đề nghị phải có một đồng chí từ Bộ
Chính trị qua” – Chủ tịch nước cho biết.
Cũng theo ông thì đây là việc làm đúng theo nguyện vọng của MTTQ, và
“nguyện vọng này không phải là cục bộ mà là của tuyệt đại đa số”. Chủ
tịch nước tiếp lời: “Chúng ta ngày càng phải coi trọng hơn công tác mặt
trận, chúng ta phải thay đổi suy nghĩ mặt trận chỉ quan trọng trước bầu
cử, còn sau đó thì không”.
Trước đó, sáng ngày 5/9, tại cuộc hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giới
thiệu ông Nguyễn Thiện Nhân, đương kim Phó thủ tướng và Ủy viên Bộ chính
trị cho hội nghị bầu làm Chủ tịch mặt trận Tổ quốc thay cho ông Huỳnh
Đảm nghỉ hưu.
Từ khi PTT Nguyễn Thiện Nhân đảm nhiệm cương vị này, ông đã có nhiều
chuyến thăm và làm việc quan chức cấp cao trong khu vực. Mới đây, đoàn
đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Uỷ viên
Bộ Chính trị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu có chuyến thăm và làm
việc tại Lào từ ngày 30/11-1/12.
Theo Báo Đất Việt
Bộ trưởng Vinh và chuyện một chỉ thị làm CHOÁNG VÁNG địa phương
Đã hai năm kể từ khi Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý, nâng
cao hiệu quả sử dụng, quản lý nguồn vốn ngân sách và trái phiếu chính
phủ trong đầu tư công ra đời.
“Chuyện đầu tư công dàn trải, lãng phí đã được nói từ nhiều năm nay
nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Nhu cầu đầu tư ở địa phương còn
nhiều mà phân cấp rồi nên địa phương cứ quyết. Cơ chế tạo ra thế thì
địa phương vẫn làm thế, làm sao ngăn được”, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế
hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh kể về sự ra đời của Chỉ thị 1792.
Ông nói:
- Phải đọc đúng nguyên nhân mới ngăn được “căn bệnh” đầu tư dàn trải. Vì thế, Chỉ thị 1792 ra đời đánh trúng điều này.
Đó là địa phương không có tiền mà vẫn cứ quyết định thì địa phương
phải chịu trách nhiệm. Nếu dự án có phần vốn của trung ương thì phải
được trung ương thẩm định. Điều này trước đây không hề có. Vì vậy, 3 năm
nay, chuyện đầu tư dàn trải đã khắc phục được một bước rất căn bản. Tất
nhiên, những tồn đọng trong đầu tư còn nhiều nhưng sẽ dần dần giải
quyết.
Khi Chỉ thị 1792 ra đời vào tháng 10/2011, thời điểm để làm kế hoạch
cho năm 2012, các địa phương gần như bị choáng váng, vì chưa bao giờ có
quy định chặt như thế này. Nhiều dự án bị buộc phải phanh lại và địa
phương kêu ca hàng loạt dự án bị dở dang.
Năm đó, tôi phải nhận trước Quốc hội là giao kế hoạch chậm nhưng chậm
mà giúp thu gọn lại còn hơn là nhanh mà vẫn tiếp tục dàn trải. Tuy vậy,
năm đó, chưa chấn chỉnh được nhiều. Nhưng sang năm 2012 để làm kế hoạch
cho năm 2013 thì tình hình đã khác đi rất nhiều, tới 95,6% tổng số dự
án thuộc nguồn vốn trung ương hỗ trợ địa phương và các bộ ngành là đúng
theo tinh thần của Chỉ thị 1792.
Đến năm nay thì có tới 99,2% tổng số dự án đã được kiểm soát. Đến
giờ, khi nhìn lại Chỉ thị 1792, nhiều địa phương cũng thẳng thắn nói với
tôi rằng chỉ thị đã giúp vấn đề nợ đọng trong đầu tư của địa phương
được kiểm soát, tình hình bớt khó khăn hơn, giảm hẳn tình trạng doanh
nghiệp khiếu kiện.
Thứ nữa là nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc trách nhiệm của trung ương.
Ngân sách trung ương trước cũng dàn trải, nợ đọng nhiều. Nhưng nay tình
hình được cải thiện hơn.
Trước đây, nợ hơn 100.000 tỷ đồng, sang năm 2012 còn 85.000 tỷ đồng,
năm 2013 còn có 40.000 tỷ đồng và tới đây chỉ còn khoảng 28.000 tỷ đồng.
Tất nhiên nợ trong xây dựng cơ bản là nợ luân chuyển, nếu mức dư nợ
dưới 30% tổng vốn đầu tư là kiểm soát được.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất tiến tới sẽ không cho làm dự án theo
hình thức BT bởi đây là hình thức đầu tư không hiệu quả, trốn đấu thầu,
gây thất thoát lãng phí. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.
Sang năm 2014, việc bố trí vốn cho các dự án vẫn được kiểm soát chặt.
Tinh thần chung là bố trí vốn cho những dự án còn nợ đọng trước, dự án
hoàn thành sớm để đưa vào sử dụng rồi mới bố trí cho những dự án khác.
Vì vậy, đến năm 2015, về cơ bản là có thể kiểm soát nợ đọng trong đầu
tư xây dựng cơ bản đối với phần ngân sách trung ương bố trí cho các bộ,
ngành và hỗ trợ các địa phương.
“Mới khắc phục được những vấn đề trước mắt”
Báo cáo giám sát đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố gần đây cho
thấy, mặc dù tỷ lệ các dự án bị chậm tiến độ hoặc phải điều chỉnh đã
được giảm bớt song vẫn ở mức cao. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn
đề này?
Báo cáo này thực chất là tập hợp những báo cáo của tất cả các địa
phương gửi về. Những dự án có quy mô vốn rất nhỏ, dự án mới như tái định
cư thủy điện, đường dẫn vào khu tái định cư… đều được liệt kê hết vào
báo cáo.
Cho nên tổng số dự án được công bố còn rất lớn chứ thực tế tổng vốn
đầu tư của các dự án này không nhiều và những dự án được triển khai theo
những quy định mới của Chỉ thị 1792 đã giảm nhiều rồi.
Nhưng cách giám sát kiểu cũ này đang là vấn đề. Kiểu báo cáo này vừa
không phân biệt được phần vốn do trung ương quản lý và phần vốn do địa
phương quản lý, vừa không có giá trị nhiều trong việc quản lý, giám sát
và thẩm định đầu tư.
Hơn nữa, các tiêu chí đánh giá, giám sát dự án cũng chưa ổn lắm. Phải
bám sát các điều kiện của từng dự án thuộc nhóm A, B hay C để mà đánh
giá.
Chẳng hạn, những dự án có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng thì Bộ Kế hoạch
và Đầu tư ủy quyền cho UBND các địa phương thẩm định, trên mức này thì
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thẩm tra. Và cái này đã làm tốt rồi.
Tới đây, sau khi Luật Đầu tư công ra đời và phần liên quan tới giám
sát, thẩm định dự án đầu tư trong Nghị định 108 được sửa đổi sẽ có những
tiêu chí rất rõ ràng về đánh giá, thẩm định dự án.
Đối với những dự án nhỏ như xóa đói giảm nghèo, dự án 30A, hay tái
định cư thủy điện… chỉ cần đưa đầu mục kiểm soát thôi. Quan trọng hơn và
cần thiết hơn là kiểm soát hình thức đầu tư.
Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất tiến tới sẽ không cho làm
dự án theo hình thức BT bởi đây là hình thức đầu tư không hiệu quả, trốn
đấu thầu, gây thất thoát lãng phí.
Phải đánh giá, thẩm định những công trình quan trọng, những sơ hở
trong quản lý… Đây mới là điểm then chốt và có ích cho đất nước.
Nhưng cho đến giờ thì Luật Đầu tư công vẫn chưa được thông qua, thưa Bộ trưởng?
Chỉ thị 1792 mới khắc phục được những vấn đề trước mắt, cơ bản vẫn cần có luật để điều chỉnh đầu tư công một cách toàn diện hơn.
Chẳng hạn, Chỉ thị 1792 chưa đề cập đến chủ trương đầu tư trong khi
ngay chương đầu tiên của Luật Đầu tư công là về chủ trương đầu tư.
Đây là vấn đề rất đụng chạm. Nhưng cũng là nguyên nhân gây dàn trải, thất thoát.
Cho nên chủ trương đầu tư mà được kiểm soát thì sẽ tạo ra hiệu quả vô cùng lớn, hạn chế được chuyện đầu tư dàn trải.
Có chủ trương làm đường cao tốc, cảng biển, sân bay, công trình này
kia thì phải chứng minh, phải có quy trình nghiên cứu, đánh giá.
Dự án nhỏ phải có báo cáo đầu tư, dự án lớn phải có báo cáo tiền khả
thi. Phải nghiên cứu thật kỹ để tránh tình trạng làm xong hiệu quả thấp,
gây lãng phí.
Ví dụ có dự án xây dựng công trình thủy lợi quy mô tưới tiêu cho
1.000 ha, suất đầu tư cho 1 ha là 1 tỷ đồng, tổng mức đầu tư của dự án
là 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành, vẫn sử dụng 1.000 tỷ nhưng chỉ
tưới tiêu được 700 ha thôi vậy mà không ai có trách nhiệm cả.
Phải đánh giá cả vòng đời của dự án để nhìn nhận dự án có hiệu quả không. Không thể để tình trạng như vậy diễn ra mãi được.
Ngoài ra, Luật Đầu tư công chuyển từ bố trí vốn hàng năm sang bố trí vốn trung hạn.
Trước đây, thường chỉ biết vốn cho năm nay mà không biết năm sau có
bao nhiêu tiền. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không biết mình có
bao nhiêu tiền.
Các bộ trưởng giao thông, y tế, xây dựng, nông nghiệp quyết nhiều
công trình, dự án trọng điểm quốc gia như vậy nhưng cũng không biết năm
sau có bao nhiêu tiền.
Phải làm sao để mọi người hạn chế gửi tiền vào ngân hàng mà đem vốn ra đầu tư.
Việt Nam hiện nay vẫn lấy ngắn hạn nuôi dài hạn, dùng vốn ngắn hạn
đầu tư cho những công trình dài hạn cho nên tình hình rối lắm.
Đầu tư của cả một đất nước mà vốn lại phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng thì không ổn chút nào. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Thậm chí, nói cho đúng thì đến Thủ tướng cũng không biết.
Vì vậy, bố trí vốn trung hạn và công bố cho các bộ, ngành và địa
phương biết trong 5 năm tới các bộ, các địa phương được bố trí bao nhiêu
tiền thì họ sẽ chủ động lựa chọn công trình, phân bổ, sử dụng vốn hợp
lý và hiệu quả hơn.
Hàng năm không phải đề xuất, xin cho gì.
Việc quyết định chuyển sang kế hoạch đầu tư trung hạn là một chính
sách mạnh mẽ, là cơ chế rất minh bạch và chống tiêu cực, chống chạy chọt
trong đầu tư.
“Phải làm sao để mọi người hạn chế gửi tiền vào ngân hàng”
Tái cơ cấu đầu tư công, thưa Bộ trưởng, có lẽ không chỉ dừng ở đó?
Điều tôi tâm đắc nhất bây giờ phải là thể chế. Phải là thể chế kinh
tế thị trường, phải lấy thị trường điều tiết toàn bộ hoạt động của nền
kinh tế. Phải mở rộng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp
FDI.
Đây là giải pháp duy nhất cho những năm tới khi mà ngân sách sẽ rất
nhỏ bé cho dù tăng trưởng có đạt mức 7%/năm cũng không thể có đủ nguồn
vốn để làm hạ tầng.
Không thể đáp ứng đủ nhu cầu của đất nước đang phát triển trong xây
dựng hạ tầng, phải trông cậy vào tiềm lực của tư nhân, của doanh nghiệp
trong và ngoài nước.
Ngoài ra, phải làm sao để mọi người hạn chế gửi tiền vào ngân hàng mà đem vốn ra đầu tư.
Việt Nam hiện nay vẫn lấy ngắn hạn nuôi dài hạn, dùng vốn ngắn hạn
đầu tư cho những công trình dài hạn cho nên tình hình rối lắm.
Đầu tư của cả một đất nước mà vốn lại phụ thuộc hoàn toàn vào ngân
hàng thì không ổn chút nào. Có những điều vô cùng căn bản, nền tảng của
kinh tế thế giới mà chúng ta chưa áp dụng.
Nói vậy thôi chứ tôi đồng ý, tái cơ cấu là sự nghiệp lâu dài, không phải làm một sớm một chiều.
Chẳng hạn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 15 năm nay rồi chứ có
phải giờ mới làm đâu nhưng nay phải đẩy nhanh hơn và bài bản hơn.
Tư tưởng như vậy nhưng để thành chính sách thì vô cùng gian nan cần có quyết tâm cao và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
THEO VNECONOMY
Nợ xấu: Những con số màu hồng
Vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố giảm được tỉ
lệ nợ xấu. VietinBank, chẳng hạn, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2013 đã đưa
tỉ lệ nợ xấu từ mức 2,6% xuống chỉ còn 0,82%.Rõ ràng, đây là tin đáng
mừng trong bối cảnh nợ xấu đang là rào cản đối với quá trình tái cấu
trúc nền kinh tế. Nhưng liệu nợ xấu thực sự có giảm?
Ở trường hợp của VietinBank, sở dĩ ngân hàng có quy mô vốn lớn nhất
hệ thống này giảm được tỉ lệ nợ xấu là nhờ trong quý cuối năm ngoái đã
đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ 3,95% lên tới 14,7%. Trường hợp tương
tự là Vietcombank, tính đến hết quý III năm ngoái, tỉ lệ nợ xấu của ngân
hàng này ở mức 3%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,95% so với
cuối năm 2012. Đến cuối năm 2013, tỉ lệ nợ xấu của Vietcombank đã giảm
xuống mức 2,62%, nhưng đồng thời, tín dụng cũng tăng vọt lên đến 12%.
Điều tương tự cũng diễn ra ở khối ngân hàng thương mại tư nhân. Ngân
hàng Kiên Long cho biết tỉ lệ nợ xấu năm 2013 ở dưới mức 2,3%, tức đã
giảm 6 điểm phần trăm so với cuối năm 2012. Kiên Long trong năm 2013
cũng được xếp vào nhóm có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, khi chỉ trong
3 quý đầu năm đã tăng tới hơn 13,4% lượng dư nợ.
Theo Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng quy mô lớn có trụ sở ở Hà Nội
(không muốn nêu tên), tỉ lệ nợ xấu có thể dễ dàng giảm xuống bằng cách
đẩy mạnh tín dụng và đó được xem là một cách để làm đẹp báo cáo. Một khi
tổng dư nợ tăng lên trong khi số dư nợ xấu (gồm nợ các loại 3, 4, 5)
lại đứng yên thì tỉ lệ nợ xấu sẽ giảm.
Trường hợp các ngân hàng ở trên là điển hình, vì mới có những ngân
hàng này tạm thời công bố kết quả kinh doanh năm 2013. Tuy vậy, số liệu
hợp nhất tính đến quý III năm ngoái cho thấy hầu hết các ngân hàng có
tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt đều có tỉ lệ nợ xấu giảm. Ngân hàng SHB,
chẳng hạn, có tỉ lệ nợ xấu giảm từ mức 8,8% cuối năm 2012 xuống còn
7,7%, trong khi tăng trưởng tín dụng giai đoạn này lên tới 15%.
Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng
thấp lại có tỉ lệ nợ xấu tăng cao. Tại Techcombank, tỉ lệ nợ xấu trong 9
tháng đầu năm 2013 đã tăng từ 2,7% lên 5,9% trong khi tín dụng chỉ tăng
2,48%. Một trường hợp khác là Ngân hàng Nam Việt. Có lẽ ngân hàng này
đang giữ kỷ lục tỉ lệ nợ xấu cao nhất, tới 8,8% tính đến hết quý III năm
ngoái, trong khi tín dụng giai đoạn này lại tăng trưởng âm 8,53%.
Nếu tính toàn hệ thống, tỉ lệ nợ xấu vẫn đang trong xu hướng tăng.
Tính đến hết quý III năm ngoái, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương
mại ở mức 4,62% trong khi tín dụng toàn hệ thống tăng 6,87%. Nhưng đến
cuối năm, tín dụng lại tăng thêm tới gần 5 điểm phần trăm, theo Ngân
hàng Nhà nước. Điều này có nghĩa, tỉ lệ nợ xấu toàn ngành trong cả năm
2013 có thể cũng sẽ giảm mạnh theo.
Góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ nợ xấu là công ty mua bán nợ xấu
VAMC. Trong báo cáo tổng kết 11 tháng hoạt động năm 2013, Sacombank có
kế hoạch đưa tỉ lệ nợ xấu về dưới mức 1,5% nhờ bán nợ cho VAMC. Ngân
hàng này đã bán được 800 tỉ đồng nợ và đang chờ bán thêm 200 tỉ đồng
nữa. Tính đến cuối quý III/2013, tỉ lệ nợ xấu của Sacombank đã giảm còn
2,3% từ mức 2% của cuối năm 2012.
Chỉ mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10 năm ngoái, nhưng
đến hết năm, VAMC đã mua được 36.000 tỉ đồng nợ xấu của các ngân hàng,
cao hơn so với kế hoạch đặt ra.
Ngoài VAMC, một công cụ khác giúp các ngân hàng làm đẹp báo cáo là
Quyết định 780 khi cho phép ngân hàng cơ cấu nợ bằng cách tự phân loại
nợ. Nghĩa là nợ nhóm 3 có thể được xem xét để ở nhóm 2. Bằng cách này,
ngân hàng có thể giảm được tỉ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro.
Hiện tại, Thông tư 02/2013 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi
ro (theo dự kiến sẽ có hiệu lực trong tháng 6 này) đang khiến các ngân
hàng lo ngại sẽ làm nợ xấu tăng lên. Tuy nhiên, có khả năng Ngân hàng
Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng cách thay đổi vài chỉ tiêu cụ thể trong
Thông tư. Và điều này có thể giúp các ngân hàng tô hồng thêm cho báo
cáo. Trên thực tế, trừ một vài ngân hàng yếu kém thực sự, tỉ lệ nợ xấu ở
nhiều ngân hàng chỉ dưới 3%, một tỉ lệ chấp nhận được.
Nhìn vào những con số nợ xấu giảm (chính xác hơn, không phải nợ xấu
giảm mà là tỉ lệ nợ xấu giảm), thị trường có thể vui mừng. Nhưng không
phải vì ngân hàng xử lý nợ tốt, mà là do tín dụng tăng trưởng nhiều hơn.
Vấn đề là thị trường không thể kiểm chứng được chất lượng của những
khoản vay tăng thêm này của ngân hàng. Liệu đó là những khoản vay mới
hay những khoản vay dành cho các đối tượng có lịch sử tín dụng tốt hay
chỉ là để đảo nợ.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
Tìm kịch bản trên thị trường vàng sau một năm ĐẠI HẠN
Có thể nói, năm 2013 là một trong những năm tồi tệ nhất đối với vàng trong lịch sử tiền tệ thế giới
Có thể nói, năm 2013 là một trong những năm tồi tệ nhất đối với vàng
trong lịch sử tiền tệ thế giới. Đáng chú ý, kim loại quý này, vốn được
coi là công cụ tích trữ và phòng ngừa rủi ro, đã giảm giá rất mạnh ngay
cả khi nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro do
cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và cuộc chiến ngân sách giữa Nhà Trắng
và Quốc hội Mỹ gây ra.
Sau một năm thất bát, nhiều người hy vọng vàng có thể bắt đầu chu kỳ
tăng giá mới. Tuy nhiên, không ít chuyên gia đưa ra “kịch bản không có
hậu” cho vàng trong năm Giáp Ngọ.
Năm “đại hạn” của vàng
Cách đây hơn 5 năm, vào cuối tháng 11/2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
(Fed) đã tung ra gói nới lỏng định lượng (QE) đầu tiên để vực dậy nền
kinh tế đang trì trệ. Tại thời điểm đó, không chỉ có Mỹ, nhiều nền kinh
tế khác trên thế giới đã bắt đầu cảm nhận được những khó khăn do ảnh
hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong
bối cảnh đó, vàng đã được nhiều nhà đầu tư lựa chọn làm công cụ tích trữ
để phòng ngừa rủi ro. Nhờ vậy, giá vàng đã liên tục tăng.
Các hoạt động đầu cơ vàng càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi cuộc khủng
hoảng nợ công bùng phát ở châu Âu vào cuối năm 2009. Điều này đã giúp
kim loại quý này liên tục tăng giá, từ hơn 874,9 USD/ounce vào đầu năm
2009 lên mức cao kỷ lục 1.908 USD/ounce vào tháng 8/2012.
Tuy nhiên, thị trường vàng bắt đầu đổi chiều sau khi Fed tung ra gói
QE3 vào giữa tháng 9/2012. Đáng chú ý, năm 2013, giá vàng đã liên tục
lao dốc và khi nhiều nền kinh tế thế giới lớn như Mỹ, Nhật Bản và
Eurozone đã bắt đầu phát đi những tín hiệu tích cực. Tại thời điểm cuối
năm 2013, giá vàng thế giới đã gần chạm ngưỡng 1.200 USD/ounce.
Theo dữ liệu của FactSet, năm 2013, các hợp đồng tương lai về vàng đã
mất tới 28% giá trị, mức suy giảm lớn nhất kể từ năm 1984. Đây là năm
đầu tiên vàng bị mất giá kể từ năm 2000.
Những biến động của giá vàng trong năm vừa qua cho thấy châu Âu là
lực đẩy lớn cho giá vàng, trong khi Mỹ cũng là nhân tố lịch sử có thể
chuyển dịch giá vàng. Khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bắt đầu vài năm
trước, giới đầu tư đã rót nhiều tiền vào vàng như một lựa chọn an toàn
cho tài sản của mình. Tuy nhiên, khi những rủi ro tài chính và chính trị
ở châu Âu dịu bớt, nhiều khoản tiền đầu tư đã rời vàng và chuyển sang
các thị trường khác. Việc các quỹ đầu tư tín thác (ETF) và các nhà đầu
tư đẩy mạnh bán vàng đã dẫn tới hiện tượng “chảy máu vàng” trong năm
2013.
Những nhân tố khác thôi thúc hoạt động bán vàng là nhu cầu đồ trang
sức bằng vàng giảm và vai trò phương tiện đầu tư an toàn trong giai đoạn
lạm phát đã giảm sút khi giảm phát đang trở thành mối lo ngại tại nhiều
nước trên thế giới. Bên cạnh đó, việc nhu cầu vàng của Ấn Độ – một
trong những nước tiêu thụ vàng trang sức hàng đầu thế giới – giảm sau
khi Chính phủ nước này tăng thuế nhập khẩu vàng từ 2% lên 10% và tiến
hành các biện pháp hạn chế nhập khẩu đã tác động không nhỏ tới giá kim
loại quý này.
Mặc dù vậy, một tín hiệu tích cực là tình hình thị trường vàng trong
nửa cuối của năm 2013 bớt tệ hại hơn so với nửa đầu năm ngoái. Trong 6
tháng đầu năm 2013, giá vàng đã rơi thẳng đứng từ mức 1.675 USD/ounce
xuống còn 1.200 USD/ounce. Tuy nhiên, sau đó, giá kim loại quý này đã
phục hồi lên 1.400 USD/ounce và hiện ở quanh mức 1.250 USD/ounce. Điều
này cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất đã qua và giá vàng đã chạm đáy.
Giá vàng sẽ biến động theo hướng nào?
Với màn trình diễn tệ hại trong năm 2013, không ai nghi ngờ gì việc
tồn tại nhiều ý kiến trái chiều xung quanh xu hướng biến động của giá
vàng trong năm 2014.
Người ta thường mua vàng khi xuất hiện những quan ngại về lạm phát.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, lạm phát không phải là mối lo. Thậm
chí, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ và Eurozone còn đang
“canh cánh nỗi lo” về giảm phát. Vì vậy, với những gì đã diễn ra trên
thị trường vàng năm 2013, không có gì ngạc nhiên nếu vàng sẽ tiếp tục
trượt dốc bởi có thể giá kim loại quý này chưa chạm đáy.
Bên cạnh đó, việc Fed rút dần và tiến tới ngừng triển khai gói QE
cũng là nhân tố bất lợi cho vàng. Bằng chứng là giá vàng đã rớt xuống
xấp xỉ mức thấp khoảng 1.180 USD hồi cuối tháng 6/2013 ngay sau khi Fed
lần đầu cho biết ý định thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu có
tổng trị giá 85 tỷ USD/tháng.
Không ít chuyên gia đặt câu hỏi rằng “giá vàng sao có thể phục hồi
được trong năm 2014?.” Họ cho rằng vàng sẽ vẫn là một trong những tài
sản dễ bị tổn thương nhiều nhất và sẽ tiếp tục “lao dốc” trong năm 2014.
Thậm chí, có nhà phân tích đã cảnh báo: “Cẩn thận, giá vàng có thể
xuống dưới 1.000 USD/ounce trong năm 2014.”
Phát biểu trên kênh CNBC ngày 13/1, ông Jeffrey Currie, người đứng
đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản của ngân hàng Goldman
Sachs, nói sự phục hồi đang diễn ra của giá vàng đầu năm nay cũng không
thể ngăn cản việc các chuyên gia của Goldman Sách dự báo đến cuối năm
nay, giá vàng có thể chỉ còn 1.050 USD/ounce, giảm khoảng 16% so với mức
giá hiện nay, trong bối cảnh kinh tế Mỹ phục hồi và Fed sẽ rút giảm quy
mô của QE3 sớm hơn dự kiến.
Tuy nhiên, vẫn có một số người tin rằng năm 2014, thị trường vàng sẽ
không biến động tiêu cực như những gì Goldman Sachs đã dự báo bởi vì,
cho dù nền kinh tế thế giới đã bắt đầu khởi sắc nhưng những rủi ro về
địa-chính trị vẫn đang tồn tại trên khắp thế giới và cuộc khủng hoảng nợ
công châu Âu có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nếu các nhà lãnh
đạo “lục địa già” này chủ quan. Điều đáng lưu ý là năm ngoái, năm ngoái,
Goldman Sachs dự báo giá vàng bình quân sẽ vào khoảng 1.810 USD/ounce
nhưng những gì đã diễn ra trong năm ngoái cho thấy dự báo này hoàn toàn
sai.
Nhà phân tích David Lennox thuộc Fat Prophets tin rằng năm 2014, giá
vàng sẽ dao động trong biên độ từ 1.350-1.400 USD/ounce. Thậm chí, giá
kim loại quý có thể vượt ngưỡng này.
Các chuyên gia phân tích cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến thị
trường vàng sẽ cải thiện trong năm 2014 là do Ấn Độ sẽ dần dỡ bỏ hạn chế
nhập khẩu vàng, nhu cầu bán lẻ của Trung Quốc vẫn khả quan, trong khi
nhu cầu đồ trang sức tại các nền kinh tế phương Tây có dấu hiệu tăng
lên. Điểm đáng lưu ý là hiện tượng “chảy máu vàng” cũng đang giảm dần
khi các quỹ ETF không còn bán vàng nhiều và mạnh như trước.
Hơn nữa, một số nhà phân tích cho rằng nỗi lo giảm phát và khả năng
bất ổn ở Eurozone tái xuất hiện sẽ có lợi cho vàng. Nguy cơ giảm phát có
thể làm trầm trọng hơn vấn đề nợ công của các nền kinh tế Eurozone và
điều này sẽ thôi thúc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục nới
lỏng chính sách tiền tệ. Khi đó, giới đầu tư sẽ một lần nữa tìm về nơi
trú ẩn an toàn là vàng.
Ngoài ra, mặc dù giảm nhưng quy mô gói QE của Fed vẫn rất lớn. Trong
thời gian tới, Fed vẫn tiếp tục bơm một lượng lớn tiền vào nền kinh tế
để kích thích tăng trưởng. Trong thời gian này, ngân hàng trung ương các
nước có lẽ sẽ tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ lỏng.
Theo TTXVN
Báo TQ nói VN ‘đóng vai nạn nhân’
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm 19/1 “ngạc nhiên” khi Việt Nam phản đối quy định đánh cá trên Biển Đông.
Tờ báo theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cũng chỉ trích Việt Nam “quen giở trò đóng vai nạn nhân”.
Quy định của tỉnh đảo Hải Nam, có hiệu lực từ hôm 1/1, đòi tàu thuyền
đánh cá nước ngoài phải xin phép khi vào phần lớn khu vực Biển Đông.
Hai nước có tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh, Philippines và Việt
Nam đã lên án quy định này của Trung Quốc và nói rằng nó vi phạm vùng
đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ.
Bài báo đăng trên trang mạng Thời báo Hoàn Cầu hôm Chủ nhật 19/1 khẳng định quy định mới chỉ mang tính chất địa phương.
“Đây chỉ là sửa đổi kỹ thuật trong luật đánh cá của Trung Quốc đã được thi hành hơn hai thập niên.”
“Sửa đổi có mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên cá và môi trường…Đây
cũng là quy định luật pháp cho ngư dân Trung Quốc, vì các hoạt động phi
pháp, như đánh cá quá mức, đã gây hại cho nhiều loài vật hiếm và hủy
hoại môi trường biển.”
Theo tờ báo, Trung Quốc sẽ đặt ưu tiên thi hành quy định mới ở đảo
Hoàng Sa và bãi đá Macclesfield, mà Trung Quốc lần lượt gọi là Tây Sa và
Trung Sa.
“Hiện nay, hơi khó để thi hành các biện pháp” ở quần đảo Trường Sa, theo tờ báo.
Báo Trung Quốc nói không ngạc nhiên khi Philippines phản đối mạnh mẽ
sau khi Manila đã kiện Bắc Kinh ở Tòa án Quốc tế về luật Biển.
Nhưng Thời báo Hoàn Cầu tỏ ra bất ngờ khi Việt Nam phản đối và giải
thích: “Việt Nam từ lâu đã làm dậy sóng vì các đảo mà họ đòi và quyết
thúc đẩy việc quốc tế hóa tranh chấp.”
“Đóng vai nạn nhân trong bài toán khó kéo dài này là chiêu trò cũ của Việt Nam.”
Tờ báo khẳng định Việt Nam nay đang chờ xem các diễn biến sắp tới trên Biển Đông.
“Xu hướng của họ hẳn sẽ phụ thuộc vào diễn tiến quan hệ với Trung
Quốc, kết quả phán quyết của tòa về đòi hỏi của Manila, và Washington sẽ
giúp đỡ bao nhiêu.”
Trước đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh
Nghị, nói quy định đánh cá và các hành động khác của Trung Quốc trong
những tháng gần đây là “bất hợp pháp và vô hiệu lực” đồng thời vi phạm
nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Tranh cãi về quy định của Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh nhiều
người ở Việt Nam tưởng niệm 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc
đánh chiếm.
Kỷ niệm
Trong một chỉ dấu thay đổi chính sách, truyền thông nhà nước được
phép đăng nhiều thông tin chi tiết về trận hải chiến của Hải quân Việt
Nam Cộng Hòa từ ngày 17 đến 19/01/1974.
Tại Đà Nẵng, nơi theo luật Việt Nam quản lý Hoàng Sa, cũng đã tổ chức
một số hoạt động như triển lãm về Hoàng Sa và Trường Sa tại Bảo tàng Đà
Nẵng, Hội thảo Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Dù vậy, UBND huyện Hoàng Sa đã xin lỗi khi hủy buổi lễ thắp nến tri ân hướng tới Hoàng Sa dự tính tổ chức ngày 18/1.
Trả lời BBC sáng 18/1, ông Lê Phú Nguyện, Chánh văn phòng UBND huyện,
xác nhận chương trình ca nhạc hát về biển đảo và thắp nến tri ân tối
cùng ngày sẽ bị hủy, tuy nhiên những hoạt động khác tại Đà Nẵng kỷ niệm
40 năm hải chiến Hoàng Sa vẫn sẽ diễn ra bình thường.
Ông Nguyện cũng nói quyết định này không phải do ‘chỉ đạo từ cấp cao hơn’.
“Một số điều kiện của chúng tôi không đảm bảo để tổ chức nên phải dừng lại, đó là những công việc nội bộ,” ông nói.
“Đây là điều đáng tiếc, chúng tôi không thể nói gì thêm ngoài lời xin lỗi.”
“Tôi khẳng định lại việc này là do chúng tôi chủ trì tổ chức, và do chính chúng tôi quyết định dừng lại.”
THEO BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét