Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Hoàng Sa : 40 năm sau nhìn lại (Thông Luận tuyển chọn) - Vấn đề lúc này là cách thức và bước đi để đòi lại Hoàng Sa -’Chiêu thức về nhân quyền của Hà Nội’

Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị tố cáo gì?

TT - Bà Nguyễn Thị Nương, trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác nhận thời gian qua có nhiều người dân, đối tác làm ăn của bà Châu Thị Thu Nga (doanh nhân - đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) viết đơn tố cáo bà Nga lợi dụng vốn, không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng và né tránh không gặp khách hàng.
http://img.giaoduc.net.vn/w500/Uploaded/buikhuong/2014_01_16/140115162258_chau_thi_thu_nga_304x171_cpvorgvn.jpg
Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga
Ông Nguyễn Hồng Chương, một trong những người đại diện cho một nhóm có gần 80 khách hàng đã nộp một phần tiền để mua nhà tại dự án B5 Cầu Diễn (Hà Nội) do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group của bà Nga làm chủ đầu tư, cho biết: “Tôi nộp tiền từ năm 2010, có một số người đã nộp từ năm 2009, người 500 triệu, người 700 triệu, có người đã nộp hàng tỉ đồng với thỏa thuận trong hợp đồng là năm 2015 giao nhà. Nhưng đến nay dự án vẫn là bãi đất trống, cỏ dại mọc đầy. Hợp đồng ghi là sau một năm nếu khách hàng không có nhu cầu mua nhà thì sẽ được trả lại tiền đặt cọc cộng với lãi suất, nhưng khi chúng tôi đề nghị được trả lại tiền thì bà Nga cứ hứa lần hứa lữa mãi”.

Theo ông Chương, trước khi khai mạc kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, bà Nga đã gọi điện cho ông đến gặp và cam kết sẽ có đối thoại với khách hàng để giải quyết, “nhưng từ giữa tháng 10-2013 đến nay chúng tôi không thể liên lạc với bà Nga, có người đến trụ sở công ty bà ấy ngồi từ sáng đến tối cũng không thể gặp được”.

Ông Nguyễn Văn Tuyến - một khách hàng - cho biết: “Bản thân tôi đang cầm tờ cam kết do chính tay bà Nga ký là sẽ trả lại tiền vào từng ngày rất cụ thể, nhưng quá hạn nửa năm nay rồi mà tôi không được nhận tiền”.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 17-1, bà Nguyễn Thị Nương nói: “Ngay từ khi nhận được đơn, Ban công tác đại biểu đã mời đại biểu Châu Thị Thu Nga lên để trao đổi, hỏi han và chúng tôi cũng có nhắc nhở đại biểu rằng trong đơn người ta có tố cáo là đại biểu không tiếp dân, thứ hai là không có dấu hiệu khởi công công trình đó, thứ ba là có dấu hiệu lợi dụng vốn”.

Bà Nương nói tiếp: “Chúng tôi nói rằng bà Châu Thị Thu Nga là đại biểu của dân thì phải tiếp dân. Còn việc chưa khởi công dự án mà người dân đang thắc mắc thì phải làm rõ. Đại biểu Châu Thị Thu Nga cũng đã gửi bản giải trình về kế hoạch, tiến độ dự án đó. Trong hợp đồng có ghi năm 2015 giao nhà, bà Nga hứa với Ban công tác đại biểu là sẽ khởi công và trả nhà kịp, thậm chí là còn nhanh hơn. Vì vậy, chúng tôi chưa có căn cứ để đề nghị xử lý hay xem xét đến tư cách đại biểu, vì thời gian giao nhà cho dân trong hợp đồng vẫn còn thời hạn và đây là giao dịch kinh tế giữa hai bên”.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã cố gắng liên lạc với đại biểu Châu Thị Thu Nga để nghe ý kiến của bà, nhưng suốt ngày 17-1 không thể liên lạc được.
LÊ KIÊN
  (Tuổi trẻ) 

’Chiêu thức về nhân quyền của Hà Nội’

Vũ Quí Hạo Nhiên

Wikileaks
Điện văn của Tòa đại sứ Mỹ tiết lộ ‘mánh khóe’ của VN, theo Wikileaks.

Bảy tổ chức tranh đấu Việt Nam đang trên đường tới Geneva để cố gắng truyền đạt thông tin về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam tới các nước và các tổ chức quốc tế, nhân dịp sự kiện UPR hay Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.
UPR, viết tắt của Universal Period Review, là kỳ kiểm điểm diễn ra 4 năm một lần để Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc kiểm điểm tình trạng nhân quyền của các nước. Tất cả các nước hội viên LHQ đều phải qua UPR.
Các tổ chức người Việt Nam đang trên đường tới Geneva để tổ chức một Ngày Việt Nam bên lề buổi điều trần UPR, nhưng ngay cả cuộc họp này cũng chỉ là một phần của cả quá trình UPR.
Về phần tài liệu, UPR dưa trên 3 tài liệu chính, theo trang web Hội đồng Nhân quyền: Báo cáo của nước đang được kiểm điểm; báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ; và báo cáo do Văn phòng Cao ủy thu thập từ các nguồn thứ ba như các NGO.
Về phần điều trần, các nước sẽ cùng góp ý về tình trạng nhân quyền trong một phiên họp kéo dài 3 tiếng rưỡi, dưới sự chủ tọa của một nhóm 3 nước được gọi là ‘troika.’ Đây là buổi điều trần dự trù diễn ra tại Geneva ngày 5 tháng 2 tới đây để thảo luận về Việt Nam.
Trước hết là có bản báo cáo tình hình nhân quyền của Việt Nam trong vòng 4 năm qua, trong đó sẽ chia ra 4 phần, có thể nhiều hơn, đó là sự vi phạm tự do ngôn luận, sự vi phạm tự do tôn giáo, sự vi phạm về tự do lập hội, biểu tình, và một phần nữa là sự bắt giữ tùy tiện và hành xử tàn bạo, thô bạo với tù nhân
Nhà báo tự do Đoan Trang

Báo cáo phi chính phủ

Việc góp tài liệu, một bản báo cáo đứng tên chung các tổ chức Việt Nam như VOICE, Con Đường Việt Nam, Dân Làm Báo, cùng với tổ chức Freedom House, đã được nộp cho Cao ủy Nhân quyền.
Blogger Đoan Trang, một tác giả chính của báo cáo này, nói ‘tài liệu thì không thiếu.’ Cô cho biết chi biết:
‘Trước hết là có bản báo cáo tình hình nhân quyền của Việt Nam trong vòng 4 năm qua, trong đó sẽ chia ra 4 phần, có thể nhiều hơn, đó là sự vi phạm tự do ngôn luận, sự vi phạm tự do tôn giáo, sự vi phạm về tự do lập hội, biểu tình, và một phần nữa là sự bắt giữ tùy tiện và hành xử tàn bạo, thô bạo với tù nhân.’
Ngoài ra, cô nói thêm, ‘có rất nhiều báo cáo khác đi kèm báo cáo chính đó, ví dụ báo cáo của riêng năm 2013 có rất nhiều những vụ vi phạm nhân quyền, như các bloggers bị ném mắm tôm trong Ngày Quốc tế Nhân quyền.’
Cha mẹ các tù nhân chính trị
Một nhóm cha mẹ các tù nhân chính trị ở VN ra nước ngoài năm nay để dự điều trần và vận động cho con cái.
Đó là phần tài liệu. Nhưng còn phần điều trần thì sao?
Tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bị Wikileaks tiết lộ, cho thấy những điều mà Phó Đại sứ Mỹ Virginia E. Palmer tại Hà Nội gọi là ‘chiêu thức’ (nguyên văn ‘manipulation’) của Việt Nam để làm lệch lạc kết quả UPR, mà người cầm đầu chính là ông Phạm Bình Minh, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao và nay là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

‘Chiêu thức’ năm 2009

Năm 2009 là lần đầu tiên Hội đồng Nhân quyền thực hiện UPR đối với Việt Nam, và năm nay là lần thứ nhì. Trong vòng UPR năm 2009, Canada là một trong 3 nước ‘troika’ (cùng với Nhật và Burkina Faso). Một nhân vật chính trong phái đoán Canada là Tham tán Chính trị Robert Burley thuộc Đại sứ quán Canada ở Hà Nội.
Tham tán chính trị của Mỹ đã gặp ông Burley, và báo cáo về cuộc gặp gỡ này đã được ghi lại trong tài liệu của Phó Đại sứ Palmer bị Wikileaks tiết lộ. Bản điện văn gởi về Bộ Ngoại giao đề ngày 5-6-2009 và được Wikileaks đánh số ký hiệu 09HANOI520.
Tham tán Burley miêu tả mức độ vận động của đoàn Việt Nam là ‘xưa nay chưa từng thấy.’ Mức độ vận động của Việt Nam lên tới mức một số nước khiếu nại với Ban Thư Ký của Hội đồng Nhân quyền.
Tham tán Burley miêu tả mức độ vận động của đoàn Việt Nam là ‘xưa nay chưa từng thấy.’ Mức độ vận động của Việt Nam lên tới mức một số nước khiếu nại với Ban Thư Ký của Hội đồng Nhân quyền
Burley cho phía Mỹ biết, phái đoàn Việt Nam vì biết thời gian có hạn, nên cố tình mời thật nhiều các quốc gia thân thiện để điều trần, át đi các nước khác.
Việt Nam còn cố tình thuyết phục thay đổi báo cáo cuối cùng; họ chọn mẫu báo cáo mà những đề nghị nào Việt Nam đồng ý thì được liệt kê hai lần, trong khi những đề nghị nào Việt Nam không đồng ý thì rút bớt lại.
Điều này bóp méo con số và giúp Thứ trưởng Minh trong cuộc họp báo về UPR nhấn mạnh được là ‘Việt Nam chấp nhận 93 trong 123 đề nghị được đưa ra và chỉ bác bỏ 20 đề nghị (trong đó có 4 là của Hoa Kỳ).’

‘Sắp xếp điều trần’

Việt Nam biết trước là chỉ có thời gian cho 60 nước điều trần.
Vì vậy, một phái đoàn hùng hậu được Việt Nam đưa tới, mà theo chính Thứ trưởng Minh nói là có tới 29 người, gồm ‘22 người đến từ Hà Nội và từ 11 bộ khác nhau.’
‘Bốn tiếng trước giờ họp bắt đầu, Việt Nam đã cho người tháp tùng từng quốc gia thân thiện với họ như Zimbabwe, Venezuela, Lào, Cuba, Trung Quốc, Miến Điện, Nga, Iran, Syria, Belarus và các nước khác, đứng xếp hàng để điều trần.’
Ngoài ra, ‘phái đoàn Việt Nam còn cho người đứng ngay bên cạnh hàng, để đánh dấu danh sách các nước mà, Burley đoán, đã đồng ý sẽ điều trần có lợi cho Việt Nam.’
Ông Phạm Bình Minh
Điện văn của sứ quán Hoa Kỳ nói ông Phạm Bình Minh có vai trò tích cực trong các động thái vận động.
Phía Việt Nam tiếp tục nhét phe mình vào buổi điều trần cho tới phút chót.
‘Khi hàng kéo dài tới khoảng 45 nước, đoàn Việt Nam bắt đầu thúc đẩy hết sức để các nước còn lại trong danh sách của họ nằm trong số 60 nước.’

‘Gây thêm áp lực’

Không chỉ làm lệch lạc buổi điều trần tại Geneva, Việt Nam còn gây áp lực lên ngoại giao đoàn tại Hà Nội để gây ảnh hưởng.
Việt Nam vận động và thuyết phục các nước giảm nhẹ lời lẽ trong các đề nghị cải thiện nhân quyền.
‘Một số nước đồng ý (Burley nhắc tới Úc và Thụy Sĩ), trong khi một số nước khác (Canada và Hoa Kỳ) thì không.’
Bộ Ngoại giao triệu tập Đại sứ Thụy Điển hai lần, vì nước này đặt câu hỏi hóc búa cho đoàn Việt Nam.
Những phái đoàn nào chỉ trích nhân quyền ở Việt Nam, như New Zealand, Phần Lan, Canada, thì Thứ trưởng Minh gọi họ là không ‘khách quan.’

Hiệu ứng ngược

Mức độ tự biện hộ của Việt Nam cho thấy (ít nhất) Bộ Ngoại giao quan tâm tới những gì các nước khác nói về lối hành xử nhân quyền của Việt Nam
Phó Đại sứ Mỹ Palmer
Nhưng không phải mọi chuyện đều được như ý của Việt Nam.
Chính vì chọn loại mẫu báo cáo làm nhân đôi số đề nghị Việt Nam đồng ý, mà lần đầu tiên danh tánh cụ thể các tù nhân lương tâm được đưa vào báo cáo.
Việt Nam đã khiếu nại với Ban Thư ký của Hội đồng Nhân quyền.
Thế nhưng cuối cùng thì chính vì Việt Nam đã chọn loại mẫu báo cáo này, nên tên của Linh mục Nguyễn Văn Lý và hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân được đưa vào báo cáo cuối cùng, một việc làm ít thấy trong một báo cáo UPR.
Tuy rằng áp lực và mánh khóe ngoại giao giúp Việt Nam có được một báo cáo UPR vừa ý hơn đối với họ, Phó Đại sứ Palmer ghi nhận là khi Việt Nam dồn rất nhiều nỗ lực vào việc này thì ‘Mức độ tự biện hộ của Việt Nam cho thấy (ít nhất) Bộ Ngoại giao quan tâm tới những gì các nước khác nói về lối hành xử nhân quyền của Việt Nam.’
 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê - Vấn đề lúc này là cách thức và bước đi để đòi lại Hoàng Sa

Lời nói thêm trước lúc công bố bài viết: – Sáng 19/1/2014. Bài này viết đã mấy hôm, nhưng tôi chờ xem Chính phủ ta có ra tuyên bố gì trong dịp này không, cũng chờ xem có báo nào đăng không - không nhằm để lấy nhuận bút, mà như một “phép thử” để hiểu được nhiều điều -
Đến nay, thì các thứ chờ đợi đều lặng như tờ - Có 1 tờ báo hẹn đăng nhưng rồi thôi, có lẽ cũng giống như ông Chủ tịch Huyện Hoàng Sa Đà Nẵng nói rằng việc bỏ chương trình thắp nến tưởng niệm các liệt sĩ ở Hoàng Sa không phải do “cấp trên” chỉ đạo mà chỉ vì chưa đủ điều kiện! Bạn đọc rất thông minh, có lẽ không cần bình luận gì thêm cũng hiểu là còn phải rút ra “kết luận” gì qua “vụ” này.)


Trong dịp tưởng niệm 74 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa 40 năm trước, nhiều tác giả đã viết bài khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Điều này luôn phải nhắc lại, nhất là khi đối phương /(“đương sự”) và các tổ chức quốc tế chưa công khai chấp nhận điều đó bằng văn bản có giá trị pháp lý.
Tuy vậy, đây là vấn đề đã rõ “mười mươi”, đã rõ từ lâu, ít ra là từ 40 năm trước, khi học giả Võ Long Tê công bố cuốn sách “Les archipels de Hoàng - Sa et de Trường - Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d' histoire et de géographie” (“Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam về lịch sử và địa lý” - Bộ Văn hoá- Giáo dục & Thanh niên xuất bản tại Sài Gòn, Tháng 4/1974) với rất nhiều tư liệu và bản đồ có giá trị “không thể tranh cãi.” Tờ bản đồ mà báo "Tuổi trẻ" ngày 15/1 vừa in (do nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn chụp lại tận “Đông Dương văn khố” ở Nhật Bản!) cũng đã được in trong cuốn sách đã dẫn! Bản thân tôi là một ông già trên 70 tuổi, không có chức quyền gì, bức xúc trước những tuyên bố và việc làm ngang ngược xâm phạm chủ quyền Việt Nam (cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, bắt bớ người dân Việt Nam…) của Trung Quốc trong mấy năm gần đây, cũng đã viết bài giới thiệu cuốn sách đăng trên các báo “Đà Nẵng”, “Thừa Thiên Huế”, “Văn nghệ” từ đầu tháng 1/ 2012, tức là từ hai năm trước.(Xem ảnh hai bài báo đó kèm đây).
Kể ra như vậy để thấy, đã đến lúc chúng ta phải tiến thêm một bước, chứ không chỉ nêu lại vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa là của Việt Nam. Đây là một việc không đơn giản, nói theo ngôn ngữ ngoại giao là rất “tế nhị”, nhưng cao hơn tất cả các mối quan hệ và sự ràng buộc của ý thức hệ (nếu có), là trách nhiệm của Chính phủ và của mỗi công dân trước vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc đã bị xâm chiếm. Thiết nghĩ bước đi đầu tiên cần thiết lúc này là Nhà nước Việt Nam cần ra tuyên bố chính thức về vấn đề Hoàng Sa (và cả Trường Sa) - không chỉ là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập trong quá khứ, mà cả thái độ trước các sự kiện xẩy ra trong 40 năm qua (như việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974, Tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng…) Bước tiếp theo có thể là đưa vấn đề ra Liên hiệp quốc và Tòa án quốc tế, nếu họ bác bỏ việc trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam…
Sự thật lịch sử và trách nhiệm bảo vệ nguyên vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc không cho phép chúng ta né tránh. Tất nhiên là không thể nóng vội để rồi có thể “đi sai nước cờ”. Nhưng “án binh bất động”, không tiến thêm bước nào thì kẻ cậy thế mạnh nhất định sẽ lấn tới. Việc công bố “vùng cấm bay” rồi bắt ngư dân muốn đánh cá phải xin phép… là bằng chứng gần nhất. Ở đây, nếu được phép mượn cách Hồ Chủ tịch đã viết trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 20/12/1946 thì có thể viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, họ càng lấn tới, vì họ quyết tâm lấn chiếm vĩnh viễn Hoàng Sa cho đến Trường Sa…”
Tình thế không hoàn toàn giống nhau, và không chỉ dân tộc ta muốn hòa bình mà cả nhân loại cũng muốn hòa bình. Và chính vì thế, chính vì tình thế khác năm 1946 (hồi đó đối phương là đế quốc xâm lược), thiết nghĩ nay chúng ta có thể nói rõ: Việc đánh chiếm Hoàng Sa đầu năm 1974 xẩy ra khi hai bên chưa có “16 chữ vàng”, chưa phải là “đồng chí tốt” với nhau, nay những chữ nghĩa đẹp đẽ đó đã được long trọng công bố cho toàn thế giới biết thì hai bên nhất phải ngồi lại với nhau, ký kết hiệp định hẹn ngày giờ trao trả mọi thứ mà bên này đã lỡ chiếm của bên kia một cách phi pháp.
Hẳn sẽ có người cho rằng điều này là ảo tưởng. Nhưng chúng ta - nói rõ hơn là Chính phủ ta, đã có lần nào lên tiếng công khai về việc này chưa mà bảo là “ảo tưởng”? Nếu chúng ta đòi mà họ không hẹn ngày trả lại thì cũng cho chúng ta một kết luận hết sức hệ trọng: Ai là bạn tốt, là đồng chí tốt của Việt Nam!
Thiết nghĩ, Thành phố Đà Nẵng, về danh nghĩa công khai và pháp lý, là địa phương quản lý trực tiếp Hoàng Sa, nên có đủ tư cách đề đạt vấn đề trên chính thức với Chính phủ, để sớm có tiếng nói của Nhà nước Việt Nam trước một vấn đề quan trọng đã chín muồi.
74 chiến sĩ hải quân đã hy sinh ở Hoàng Sa 40 năm trước và hàng triệu người dân Việt bao thế hệ đã đổ xương máu vì bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải bước tiếp, không nhất thiết với khẩu súng mà với sự công khai minh bạch mọi sự thật, mọi mối quan hệ; khi đó, với sức mạnh chính nghĩa, với luật pháp được quốc tế công nhận, chúng ta không còn ở thế yếu để cứ phải mãi lùi bước…
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
(Quê Choa)

Nhớ về ngày Hoàng Sa 19/1

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã

Tiến sỹ sử học, nhà nghiên cứu về Biển Đông

BBC


Người Việt ở hải ngoại biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974
Thắm thoát đã 40 năm rồi.
Tôi còn nhớ như in đúng ngày mùng Ba Tết, tôi đang chúc Tết ở nhà Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, tác giả tác phẩm Tư Tưởng Việt Nam, nguyên Khoa trưởng Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, thì nghe Đài phát Thanh Sài Gòn đưa tin Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, thú thật tôi thật sự xúc động.
Thật sự tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại xúc động đến như thế, bởi một người nghiên cứu lịch sử như tôi đã được rèn luyện tinh thần khách quan khoa học về những biến cố lịch sử mới có thể tiếp cận được sự thật lịch sử.
Khi triệu tập một số người trong Ban biên tập thông qua ý kiến chuẩn bị một số Tập San Sử Địa đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa thì cũng đã có người nêu ý kiến rằng Tập San Sử Địa phải giữ tính khách quan khoa học, đừng đưa vấn đề thời sự chính trị vào Tập san nghiên cứu, nhất là lại dưa ra một số báo nói về vấn đề thời sự chính trị như thế. Có người viện dẫn các báo, đài đang hàng ngày nêu lên trang báo tít lớn vấn đến thời sự “hải chiến Hoàng Sa”.
Tôi cũng liên tưởng ngay đến có lần một vị giáo sư dạy tôi về phương pháp sử học, tuy có khen nội dung các số tạp san đã xuất bản song đã phê bình lời lẽ thiếu khách quan trong Lá thư Tòa soạn mà chính tôi đã viết, mang tinh thân dân tộc, tinh thần yêu nước .
Tôi nghĩ vị giáo sư khả kính ấy rất có lý, nhất là trong không khí học thuật ở Miền Nam lúc bấy giờ, tính thần “ phi chính trị” rất cao, song tôi không trả lời vị giáo sư ấy mà chỉ ậm ừ cho phải phép. Thật sự lúc bấy giờ tôi đã không”lý luận lý trí” mà chỉ “lý luận con tim”. Con tim có lý của nó, vậy thôi !
Trong buổi họp Ban Biên tập, tôi chỉ lắng nghe và tôi tuyên bố tôi sẽ suy nghĩ để quyết định như các số chủ đề khác, Lúc bấy giờ tôi cũng biết một số người thân thiết với “ Mặt Trận” trong đó có nhà biên khảo Đông Tùng, tên thật là Nguyễn Tư Hồng gốc Nghệ An, đã bị bắt đầy ra Côn Đảo; năm 1963 khi Chính quyền TT Ngô Đình Diệm bị đổ, ông mới được thả. Chính ông đã nhiều lần thuyết phục tôi rằng hiện Tập San Sử Địa rất có uy tín về học thuật, các cơ quan nhà nước từ Phủ quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, Bộ Ngoãi Giao, Bộ Thông Tin… đang nhập cuộc nghiên cứu về vấn đề Hoàng Sa, nếu Tập san ra số chủ đề không ra gì , sẽ mất uy tín.
Tôi cũng chỉ ậm ừ, không trả lời, song trong bụng tôi lại thấy tự ái dâng trào, tôi lại quyết làm để xem ai hơn ai. Và con tim tôi đã thắng lý trí, tôi đã âm thầm gửi thư riêng đến các học giả ở trong và ngoài nước. Thật không ngờ chỉ trong ba thàng, nội dung có thể tạm hoàn thành một số đặc khảo về Hoàng Sa& Trường Sa.
Song, lý trí của tôi lại buộc tôi suy nghĩ, tôi quyết định không ra ngay số đặc khảo để bị mang tiếng là tham gia vào thời sự chính trị, mà sẽ ấn hành vào dịp kỷ niệm một năm mất Hoàng Sa. Thế là được mọi người tán đồng , nhất là có thêm thời giờ để làm cẩn thận hơn, nhất là về tôi có 4 bài viết trong đó có bài tham gia với tên Hoàng Việt Sơn trong bài Thư mục chú giải của Nhóm các anh Nguyễn Văn Hường, Lâm Vĩnh Thế, Nguyễn Nhật Tấn, Trần thế Đức ( về chuyên môn phải để là thư tịch mới đúng).

Nhiều lần’rơi lệ’

Bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa, Trường Sa đều có tội với Tổ tông và Dân tộc
Ngày 20 tháng 1 năm 1975, kỷ niệm 1 năm thất thủ chứ không phải kỷ niệm Chiến thắng ngày 19/1, khi Trung Quốc dùng võ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, với tính cách Trưởng Ban tổ chức, tôi phát biểu giới thiệu GS Trần Xuân Quế, đại diện 5 vị Quốc lão chủ tọa ( trong đó có Nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải) phát biểu khai mạc Triển lãm Sử liệu minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và ấn hành Tập Sa Sử Địa số 29, đặc khào về Hoàng Sa& Trường Sa tại Thư Viện Quốc Gia, tôi quá xúc động khiến mọi người ôm nhau khóc ròng như Nhật Báo Sóng Thần hồi ấy đã đưa tin.
Cũng từ đó, không biết bao lần, tôi cứ nghẹn ngào rơi lệ khi có ai nhắc đến ngày 19/1.
Ngay ngày 16/8/ 2012 khi tôi tham gia hội thảo tại Đại Học Harvard về Biển Đông do Hội Sinh viên Việt Nam tại Vùng Boston mở rộng tổ chức, khi nghe một vị nữ tiến sĩ Việt Nam hỏi các diễn giả về sự kiện Hoàng Sa ngày 19/1, tôi đã xúc động mà trả lời rằng câu hỏi của bạn đã làm nhói trái tim tôi và sau tôi được đọc một bài viết của một bạn trẻ với bài “ Một Tiến sĩ sử học đã rơi lệ trên đất nước Mỹ”. Bạn trẻ sinh viên du học ấy cũng nói rất cảm cảm động và tự thấy xấu hổ chưa làm được gì cho Đất nước.
Ngày 21/12/ 2014 vừa qua khi tôi nói chuyện về Chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa qua Hồ sơ tư liệu bằng tiếng Anh hơn 500 trang đã được hoàn chỉnh mà chưa có phương tiện phổ biến trên thế giới tại Đại học Melbourne ( Úc ), ngay khi tôi mở đầu buổi nói chuyện rằng vừa rồi xem Đoạn Video clips về Hải chiến Hoàng Sa do Đài Đồng Nai ở trong nước vừa mới phát, tôi lại liên tưởng đến câu chuyện kể trong một bàn ăn sau buổi nói chuyện về Hoàng Sa của Hội Kinh Tế Biển TP.HCM tổ chức, một sĩ quan hải quân có thuật lại rằng sau ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, có tổ chức một buổi liên hoan chào mừng “ Chiến Thắng Tây Sa”, đã mời Đoàn hải quân VNDCCH lúc đó đang có mặt ở Hải Nam.
Đoàn có đánh điện về cấp trên rằng sẽ không tham dự. Cấp trên hỏi sao lại không tham dự thì Đoàn trả lời “không muốn vỗ tay”. Nhắc đến người Việt Nam bất cứ chính kiến nào cũng như thế, tôi lại nghẹn ngào rơi lệ. Cuối buổi nói chuyện một nữ du học sinh ờ Úc cũng lên phát biểu nhận xét về không khí vừa sôi nổi vừa quá khích gay gắt của một số cử tọa và đã ôm lấy tôi mà khóc.
Và không hiểu tại sao ngay giờ này đây, viết đến đây nước mắt tôi cũng đang dàn dụa nghẹn ngào!
Rôi nghĩ nước mắt nghẹn ngào cho sự kiện ngày 19/1, ngày Hoàng Sa biết đâu sẽ làm cho người Việt Nam ở trong và ngoài nước , nhất là các bạn trẻ sẽ bừng tỉnh rằng suốt thế kỷ XX Việt Nam là nạn nhân của Thời cuộc quốc tế!

‘Con tim của công dân Việt Nam’


Tàu chiến của Hải quân Việt Nam Cộng hòa về đến Đà Nẵng
Có lẽ lý lẽ con tim của một người công dân Việt Nam như tôi đã được tôi trình bày vào Ngày 18 tháng 1 năm 2003, khi tôi bảo vệ Luận án tiến sĩ:” Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa, tôi đã phổ biến một bản văn bản:”Thử đặt Vấn đề Hoàng Sa dưới góc độ học thuật”, tôi kêu gọi các nhà nghiên cứu trên thế giới nhất là những nhà nghiên cứu, giới học thuật ở Trung Quốc cùng chia xẻ với tôi nguyện vọng đi tìm sự thật lịch sử.
Tôi cũng kêu gọi giới trẻ Việt Nam học suốt đời, góp phần phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngày càng chất lượng cao hầu xây dựng cho đất nước một nền kính tế tri thức phát triển trong thế kỷ XXI.Tôi cũng kêu gọi mọi người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước không phân biệt chính kiến, sắc tộc, tôn giáo, địa phương hãy quên và bỏ qua những hận thù trong quá khứ, hãy hướng về tương lai.
Kế thừa truyền thống lấy chữ Tâm làm đầu mà năm 1992 khi làm phim Thăng Long Hà Nội Xưa, tôi cùng GS Trần Quốc Vượng đã khấn trước Đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa rằng “xin Đức Vua phù hộ cho sự hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự”. Tôi cũng nhắc qua một món nợ khác mà tôi phải trả là đem âm nhạc dân tộc, đem hát thơ vào trường học để gíao dục cho các thế hệ trẻ vừa để giữ hồn dân tộc, tạo lòng tự hào dân tộc, bỏ đi những xấu xí của người Việt Nam để mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam hùng cường.
Nhân ngày kỷ niệm 40 năm Trận hải chiến Hoàng Sa 19/1, ngày Hoàng Sa của người Việt Nam bất cứ ở đâu, tôi xin thắp nén hương dâng lên các liệt sĩ đã bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 và cũng xin nhắc lại lời nói không bao giờ quên trong nói chuyện cùng với nhà cựu ngoại giao Dương Danh Dy tại trường Đại Học Ngoại Thương tại Hà Nội năm 2011, khi tôi nói bất cứ ai làm cho Đất nước suy hèn đều có tội với Tổ tông và Dân tộc thì một nữ sinh viên đã phát biểu rằng “vậy thì bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa, Trường Sa đều có tội với Tổ tông và Dân tộc”.

Video và hình ảnh - Tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa tại Hà Nội 19/1/2014






















Hình ảnh Lê Anh HùngLô Đề VN

Hoàng Sa : 40 năm sau nhìn lại (Thông Luận tuyển chọn)

Thongluan

“…Từ năm 1954 đến năm 1974, bằng con đường ngoại giao, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có nhiều cố gắng để công luận quốc tế biết rõ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trên cơ sở phân tích nhiều góc độ khác nhau như  địa lý, lịch sử, quản lý hành chính…”
LTS : Chúng tôi đang lại sau đây những bài viết về cuộc hải chiến Hoàng Sa 40 năm về trước. Và đồng thời xin giới thiệu trở lại tập tài liệu Hải Quân VNCH Ra Khơi – 1975 do bà Điệp Mỹ Linh đã công phu soạn thảo. Rất mừng là hiện nay những gương chiến đấu và hy sinh của những chiến sĩ Việt Nam đã được cả nước nhìn nhận và tôn vinh. Đây là bước khởi đầu của một tiến trình hòa giải và hòa hợp dân tộc mà từ lâu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã cổ võ và mong muốn tinh thần đó được hình thành và phát triển trong xã hội Việt Nam. Đây là một dấu hiệu đáng mừng trong những ngày đầu của năm 2014. Hy vọng tinh thần hòa giải và hòa hợp sẽ là kim chỉ nam hướng dẫn mọi người Việt Nam nhận diện lại quyền lợi và lòng yêu nước. Nguyễn Văn Huy
***
Bốn mươi (40) năm hải chiến Hoàng Sa qua góc nhìn ngoại giao (Võ Hà – Viết Hảo)
Chính quyền Sài Gòn bằng cách này hoặc cách khác đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lên án Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sau sự kiện 19/1/1974.
Các nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến cho đến nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như những vùng biển đảo khác trong Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý quốc tế khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo này ; là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu, quản lý 2 quần đảo một cách liên tục, hòa bình và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Trong thời gian 1954-1975, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được đặt dưới quyền quản lý của chính quyền đương thời Việt Nam Cộng hòa. Ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, Chính quyền Sài Gòn bằng cách này hoặc cách khác đã mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời lên án Trung Quốc trước cộng đồng quốc về hành động này.
Chỉ còn ít ngày nữa là kỷ niệm 40 năm sự kiện hải chiến Hoàng Sa, Dân trí xin giới thiệu những hoạt động đấu tranh ngoại giao trong thời gian này, đặc biệt vào những thời điểm tranh chấp cụ thể khi Trung Quốc có những hành động chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
bonchienhamvnch
Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa chiến đấu bảo vệ
Hoàng Sa năm 1974. (Ảnh : Tư liệu)
Đấu tranh ngoại giao trước hải chiến Hoàng Sa 1974
Từ năm 1954 đến năm 1974, bằng con đường ngoại giao, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có nhiều cố gắng để công luận quốc tế biết rõ chủ quyền của Việt Nam đối vớiquần đảoHoàng Savà Trường Sa,trên cơ sở phân tích nhiều góc độ khác nhau như : địa lý, lịch sử, quản lý hành chính…Hoạt động thể hiện rõ nét nhất qua việc sử dụng các diễn đàn quốc tế để lên tiếng về Hoàng Sa và Trường Sa ; cung cấp sử liệu, chứng cứ cho các hãng thông tấn trong và ngoài nước ; ban hành Sách Trắng bằng song ngữ, ra các thông cáo, tuyên cáo ngoại giao… đối với phần lãnh thổ này, theo quy định của công pháp quốc tế.
Trên lĩnh vực thuyền thông, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòakhông ngừng cung cấp thông tin một cách kịp thời, xác thực để khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Cụ thể, ngay sau khi phát hiện Trung Quốc lén lút chiếm đảo Phú Lâm vào năm 1956, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã cung cấp thông tin cho các cơ quan ngoại giao, các hãng thông tấn, báo chí quốc tế nhằm khẳng định tính hợp pháp và sự phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngày 1/2/1957, Trung Quốc lại lên tiếng đòi sở hữu 2 quần đảo Spratley và Paracels. Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa liền ra thông cáo ngày 18/2/1957 nhắc lại quan điểm của Việt Nam là 2 quần đảo trên thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa khá khôn khéo và cương quyết trong việc giải quyết tranh chấp về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đối với Trung Quốc, nước càng ngày càng bộc lộ rõ dã tâm chiếm đoạt trái phép Hoàng Sa, chính quyền Việt NamCộng hòa bắt giữ và trục xuất ngư dân, quân đội giả dạng ngư dân đổ bộ lên Hoàng Sa, sử dụng diễn đàn ngoại giao trong mọi điều kiện để phủ nhận, lên án những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc hay gửi công hàm phản đối…
Đầu những năm 1970, khi quan hệ giữa các nước lớn có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng phức tạp, sự tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bắt đầu trở nên quyết liệt.
Tại các diễn đàn Quốc tế về lãnh hải, lãnh thổ, các hiệp ước song phương, đa phương… chính quyền Việt Nam Cộng hòa thường tranh thủ để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa. Điều này được thể hiện rõ qua tuyên bố của các ông Trần Văn Hữu, Vũ Văn Mẫu, các Bộ trưởng Bộ ngoại giao và đại diện các sứ quán Việt Nam Cộng hòa trên khắp thế giới lúc bấy giờ.
Cụ thể, ngày 13/7/1971, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cộng hòa Trần Văn Lắm có mặt tại Hội nghị lần thứ VI của Hiệp hội các Quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ở Manila (Philippines) đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếp đó, Nha Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao đã ra Thông báo số 214/BNG/TTBC/TT ngày 15/7/1971 về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Nội dung tuyên bố nêu rõ : “Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa long trọng xác nhận lại một lần nữa chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.Thật vậy, trên căn bản lịch sử và pháp lý, chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa trên hai quần đảo này đã được thể hiện từ nhiều thế kỷ nay… Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa tuyên bố Việt Nam Cộng hòa có chủ quyền hoàn toàn trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và bác bỏ tất cả các đòi hỏi của bất cứ một quốc gia nào về vấn đề này” (1).
Dường như đoán được ý đồ của Trung Quốc trong việc đánh chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Sài Gòn liên tiếp chỉ trích, ra các tuyên bố, gửi công hàm, văn kiện ngoại giao cho Trung Quốc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.
Đấu tranh ngoại giao sau hải chiến Hoàng Sa 1974
Ngày 11/1/1974, khi Trung Quốc tuyên bố mạo nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình, chiều 15/1/1974, trước đông đảo đại diện báo chí trong nước và ngoài nước, Tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc đã lên tiếng tố cáo trước quốc dân và quốc tế về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam Cộng hòa trên quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 16/10/1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ra Tuyên bố về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam Cộng hòa trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại giao Trung Cộng bỗng nhiên lên tiếng mạo nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng hòa. Ngay ngày hôm sau phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã bác bỏ sự đòi hỏi vô căn cứ đó.
Trước những sự vi phạm thô bạo đó, Chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa rất công phẫn và quyết không dung thứ. Sự kiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa là một sự kiện hiển nhiên và không thể chối cãi được, căn cứ trên những dữ kiện địa lý lịch sử và pháp lý quốc tế” (2).
Sau vụ hải chiến Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa liên tiếp ra các tuyên bố, đề nghị lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc và kêu gọi các nước, lực yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ chủ quyền chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 20/1/1974, sau khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa, lập tức Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa cũng đã gọi điện và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị những biện pháp cần thiết, trước tình hình khẩn cấp này và nêu rõ hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của ViệtNam Cộng hòa, đã vi phạm Điều 2 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Trước các hành động đó, các nước như Liên Xô, Hà Lan, New Zealand, Indonesia…, các tổ chức quốc tế như Tổng Liên đoàn Lao động thế giới, các lực lượng thanh niên Italia, Hội đồng công dân Australia, Viện Nghiên cứu xã hội Australia, Ủy ban Đại học Australia bảo vệ Đông Dương… đã lên tiếng phản đối hành động xâm lược lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc. Trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam công bố lập trường của mình rằng : “… các nước có liên quan cần xem xét vấn đề này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt, và giải quyết bằng thương lượng”.
Ngày 21/1/1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã gửi công hàm cho các thành viên ký kết định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam, để tố cáo Trung Quốc xâm phạm quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam và khẩn thiết kêu gọi các đoàn thể luật gia trên thế giới tích cực trợ giúp Việt Nam Cộng hòa trong việc tái lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 14/2/1974, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã raTuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về chủ quyền trên những hòn đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng hòa.
Tuyên cáo khẳng định: “Chừng nào còn một hòn đảo thuộc phần lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình” (3).
Ngày 30/3/1974, tại Hội đồng Kinh tài Viễn Đông ở Colombia, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa tiếp tục công bố văn kiện ngoại giao khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Việt Nam Cộng hòa không đi tìm một cuộc chiến tranh với Trung Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào khác. Bởi vậy không có vấn đề thành lập hoặc tìm cách thành lập một liên minh quân sự với một số quốc gia để chống lại các quốc gia khác… Tuy nhiên, tại Hoàng Sa hay bất kỳ một nơi nào, Chính phủ và nhân dân phải bảo vệ lãnh thổ ; Việt Nam Cộng hòa có chủ quyền trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam Cộng hòa không có ý định chia sẻ chủ quyền các đảo này ; Việt Nam Cộng hòa lúc nào cũng sẵn sàng theo phương thức thương nghị ôn hòa để giải quyết tranh chấp quốc tế.
Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa trân trọng kêu gọi các Thành Viên đặc biệt lưu ý đến điều 1 của Hiệp định Paris và điều 4 của định Ước của Hội Nghị Quốc Tế Paris, cả hai đều long trọng công nhận rằng sự bất khả phân lãnh thổ của Việt Nam phải được tích cực tôn trọng bởi mọi Quốc Gia và bởi các Thành Viên của Định Ước.” (4).
Ngày 14/2/1975, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ra Tuyên bố về việc ra mắt “cuốn sách trắng” với đầy đủ dữ kiện chứng minh chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhờ những hoạt động mạnh mẽ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa,trong năm 1974, Hộiđồng bảo an Liên Hiệp Quốcđã thông qua Nghị quyết 3314 định nghĩa về hành vi xâm lược bằng vũ lực.Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lúc này là tiến sĩ G.J. Facio (cũng là Ngoại trưởng Costarica), sau khi được Việt Nam Cộng hòa thông báo nội tình và thể theo lời yêu cầu, trước đó (25/1/1974), ông đã mở một cuộc tham khảo sôi nổi vào ngày và đề nghị đưa vụ Hoàng Sa vào Nghị trình của Hội đồng Bảo an.
Tuy việc triệu tập một phiên họp của Hội đồng Bảo an không thành vì Trung Quốc là hội viên thường trực có quyền phủ quyết. Nhưng Việt Nam Cộng hòa đã đạt được thắng lợi ngoại giao đáng kể.
Như vậy, trong từng điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, dù tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam có nhiều biến động,song chính quyền Việt Nam Cộng hòavẫn kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa.
Và, trên trường ngoại giao Quốc tế, Việt Nam có đầy đủ tính pháp lý và lịch sử lâu đời về chủ quyền đối với 2 quần đảoHoàng Sa, Trường Sa ;phần chính nghĩa, sự ủng hộ của Quốc tế đối với Việt Nam vẫn là dòng chủ lưu.
Võ Hà – Viết Hảo
(1). Công văn số 394-HC/3M ngày 31/01/1964 gửi Tổng trưởng Bộ Nội vụ tại Sài Gòn về tình trạng hiện hữu của đảo Hoàng Sa
(2). Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về việc Trung Cộng vi phạm chủ quyền Việt Nam Cộng hòa trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sangày 16/01/1974.
(3). Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về chủ quyền trên những hòn đảo ở ngoài khơi bời biển Việt Nam Cộng hòa ngày 14/02/1974.
(4). theo Bộ Dân vận Sài Gòn (1974), “Hoàng Sa lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa”, Sài Gòn.
***
Vì sao Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa (Nguyễn Hùng Cường)
Chỉ một tuần sau chuyến công du của Ngoại trưởng Henry Kissinger, thấy rõ ý định “bỏ rơi” của Mỹ cũng như các điều kiện bất lợi với Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc đã điều chiến hạm ra cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.
40 năm trước, ngày 19/1/1974, một biến cố trọng đại trong lịch sử Việt Nam hiện đại đã diễn ra – hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc. Sau trận chiến, quần đảo Hoàng Sa – một bộ phận thiêng liêng và không thể tách rời của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm giữ.
Thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường (Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo), đã có bài viết tái hiện những sự kiện chính diễn ra trước, trong và sau trận hải chiến :
Suốt nhiều thế kỷ, Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hòa bình và công khai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền bất cứ quốc gia nào. Từ thế kỷ XVII, Nhà nướcViệt Nam đã thực hiện hiệu quả chủ quyền với hai quần đảo này và luôn bảo vệ các quyền, danh nghĩa của mình trước mưu đồ và hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam với hai quần đảo thiêng liêng của mình.
Đầu thế kỷ XX, nhận thấy vị trí chiến lược cũng như tầm quan trọng của biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng, một số quốc gia (điển hình là Trung Quốc) đã xâm chiếm bất hợp pháp các vùng lãnh thổ này của Việt Nam.
Trung Quốc luôn coi biển Đông, đặc biệt là các quần đảo của Việt Nam là bàn đạp quan trọng để thực hiện chiến lược bành trướng xuống Đông Nam Á. Vì vậy, giới cầm quyền Trung Quốc từ Trung Hoa Dân Quốc cho đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông.
Lợi dụng tình hình rối ren khi Nhật đầu hàng đồng minh và việc giải giáp quân Nhật theo Hiệp định Postdam 1945, Trung Hoa Dân Quốc đã đem quân chiếm giữ đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa) vào cuối năm 1946. Sau đó Trung Hoa Dân Quốc rút quân khỏi Hoàng Sa, và Nhật rút quân khỏi quần đảo này theo Hòa ước San Fransisco 1951. Sau khi Hiệp định Geneva 1954 được ký kết, Pháp rút khỏi Đông Dương, ngày 21/1/1956 Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đưa quân chiếm đóng đảo Phú Lâm và Lin Côn.
Năm 1974, nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực toàn bộ nhóm đảo Trăng Khuyết phía tây nam quần đảo Hoàng Sa. Thời cơ này xuất phát từ tình hình, bối cảnh quốc tế và trong nước.
Đầu thập niên 1970, phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam diễn ra sôi nổi và rộng khắp trên thế giới khiến Mỹ ngày càng xa lánh Việt Nam Cộng hòa ; đặc biệt sau khi ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh phải rút quân khỏi Việt Nam. Do không muốn tham gia vào một cuộc chiến đã bước vào hồi kết, tháng 6/1973 Lưỡng viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật “Case-Church” cấm cơ quan hành pháp nước này tái can thiệp quân sự vào ba nước Đông Dương trừ khi được chấp thuận của Lưỡng viện.
Ngoài ra, Mỹ được cho là có một “toan tính” sâu xa hơn khi không can dự vào trận Hải chiến 1974 vì khi đó, Việt Nam và Trung Quốc đều đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Việc Washington “làm ngơ” cho Bắc Kinh ngang nhiên chiếm Hoàng Sa sẽ tạo thù địch giữa Hà Nội và Bắc Kinh, dẫn đến chia rẽ giữa các nước cộng sản. Khi người “bảo trợ” đã ra đi, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa rơi vào tình thế đơn độc và bất lợi trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa.
Cuộc đụng độ biên giới năm 1969 mang lại cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) niềm tin rằng họ có thể chống trả Hồng quân Liên Xô. Từ đó, Trung Quốc bắt đầu thực hiện sáng kiến đối ngoại mới bằng cách thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Mỹ, cao trào là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon tháng 2/1972. Sau chuyến công du đó, Trung Quốc trở thành “đồng minh giai đoạn” của Mỹ để kìm chân và chống lại Liên Xô. Mỹ không muốn quan hệ chiến lược này bị rạn nứt vì vụ Hoàng Sa. Việc lựa chọn giữa“đồng minh cũ” hay “người bạn mới” trong “thời kỳ trăng mật” này không phải là sự lựa chọn khó khăn đối với Mỹ.
kissinger01
Ngoại trưởng Kissinger trong chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh tư liệu
Thực tế, trong trận Hải chiến Hoàng Sa chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nhiều lần thông báo tình hình với Đại sứ quán Mỹ nhưng Washington đã không có động thái hỗ trợ nào.
Trên vùng biển Đông ngoài khơi Việt Nam gần với đảo Hải Nam (Trung Quốc) và Hoàng Sa (Việt Nam) thời điểm đó có mặt Hải đoàn 77 (Task Force 77) của Hải quân Mỹ gồm các hàng không mẫu hạm và các chiến hạm yểm trợ. Hải đoàn này đủ khả năng kiểm soát không và hải phận, cũng như hoạt động của các tàu ngầm trong vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, Mỹ đã hoàn toàn đứng ngoài cuộc.
Cũng thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa mới chỉ là quan sát viên mà chưa phải thành viên của Liên Hợp Quốc trong khi Trung Quốc là một trong 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Vị thế quốc tế của Trung Quốc khiến nước này tự tin rằng, Việt Nam Cộng hòa không có đủ tư cách sử dụng các cơ chế để tự vệ và bảo vệ Hoàng Sa theo các điều khoản của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ngày 30/1/1974, Lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông đã báo cáo về Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ ở các nước liên quan về những tính toán của Trung Quốc trong việc thôn tính quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cơ quan này nhận định,Trung Quốc đã có ý đồ đánh chiếm Hoàng Sa từ trước.
Theo phân tích của lãnh sự quán Mỹ, quyết định đánh chiếm Hoàng Sa phụ thuộc vào một số yếu tố như tiềm năng về dầu khí tại khu vực, lo ngại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa cũng như lợi ích chiến lược về lâu dài của quần đảo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể lo sợ việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ không tiếp tục giữ thái độ im lặng trước vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Bằng việc sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã tránh tình huống nguy hiểm hơn nhiều sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra tuyên bố chủ quyền về Hoàng Sa. Điều này đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiến hành sau khi đất nước thống nhất.
Theo nhận định trong các hồ sơ ngoại giao được giải mật, nỗi lo sợ ngày càng lớn của Trung Quốc trước hoạt động của hải quân Liên Xô tại biển Đông và các vùng biển khác ở châu Á có thể là yếu tố dẫn đến quyết định của Trung Quốc. Đây là thời kỳ đỉnh điểm rạn nứt quan hệ Xô – Trung liên quan đến tranh chấp lãnh thổ dọc biên giới hai nước, cũng như các vấn đề Nam Phi, Trung Đông và Đông Dương.
Trong lúc nhiều yếu tố bên ngoài nghiêng về hướng có lợi cho một cuộc chiến chớp nhoáng của Trung Quốc thì bối cảnh trong nước cũng hết sức bất lợi cho Việt Nam Cộng hòa khi Lưỡng viện Mỹ giảm dần viện trợ từ 1,4 tỷ USD năm 1972 xuống 1 tỷ USD năm 1973 và 700 triệu USD vào năm 1974. Quân đội Việt Nam Cộng hòa dần rơi vào thế thụ động vì thiếu nhiên liệu, vũ khí. Bất lợi hơn là ý định “bỏ rơi” miền Nam Việt Nam của Mỹ. Tình trạng phân chia Bắc – Nam cũng là một trở ngại cho phía Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến 1974.
Lợi dụng bối cảnh đó, Trung Quốc đã không e ngại khi điều động chiến hạm đến cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Nguyễn Hùng Cường
***
Thắp nến tri ân những người ngã xuống vì Hoàng Sa (Vũ Trung)
Tối ngày 18/1, tại công viên Biển Đông, Đà Nẵng sẽ diễn ra lễ Thắp nến tri ân những người đã ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa, trong đó có 74 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Theo đó, Lễ Thắp nến tri ân những người là binh sỹ thuộc lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa sẽ bắt đầu từ 17h-21h ngày 18/1 tại công viên Biển Đông (đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
thapnentrian01
Lễ thắp nến tri ân những người ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa
sẽ bắt đầu từ 17h-21h ngày 18/1 tại công viên Biển Đông (Đà Nẵng).
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa khác nhằm tưởng niệm, tri ân đối với những người đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa với sự tham gia của hơn 1.000 sinh viên, trí thức và người dân Đà Nẵng.
40 năm sau ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm (19/1/1974-19/1/2014), UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm và trưng bày những chứng cứ pháp lý và tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
nhinrabiendong
Nhìn ra biển, công viên Biển Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
là nơi diễn ra lễ Thắp nến tri ân những người đã ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa
Bộ Thông tin và Truyền Thông cùng UBND huyện đảo Hoàng Sa, bảo tàng Đà Nẵng tổ chức nhiều chương trình hoạt động quy mô lớn nhất từ trước nay với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử”.
Cũng trong khuôn khổ các hoạt động “Hướng về Hoàng Sa”, đánh dấu 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép (19/01/1974-19/01/2014), Bộ Thông tin và Truyền Thông cùng UBND huyện đảo Hoàng Sa, sẽ tổ chức nhiều chương trình hoạt động quy mô lớn nhất từ trước nay với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam –  những bằng chứng lịch sử”.
Ngoài ra, một loạt các hoạt động diễn ra trong 2 ngày từ 18/1-19/1 như : triển lãm lưu động về chủ quyền Hoàng Sa đến các trường đại học ; tọa đàm, hội thảo…
Một hội thảo khoa học cấp quốc gia về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa được tổ chức ngày 19/1 tại Đà Nẵng với sự tham gia của các nhà sử học, các chuyên gia, các nhân chứng lịch sử trong và ngoài nước.
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng, Sở Thông tin Truyền thông, UBND huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động như hội thảo, nói chuyện, tọa đàm, triển lãm,.. nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép suốt 40 năm qua.
Hàng loạt hoạt động diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/1 : triển lãm lưu động về chủ quyền Hoàng Sa đến các trường đại học, tọa đàm, hội thảo… Đặc biệt, đêm 18/1 tại công viên Biển Đông, lần đầu tiên tổ chức lễ “Thắp nến tri ân” những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa, trong đó có 74 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Một hội thảo khoa học cấp quốc gia về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa được tổ chức ngày 19/1 tại Đà Nẵng với sự tham gia của các nhà sử học, các học giả đầu ngành trong và ngoài nước.
Theo Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ, chương trình đối thoại trực tiếp do Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng thực hiện sẽ là điểm nhấn trong dịp kỷ niệm này.
Vũ Trung
***
Quyền kế thừa của nhà nước và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa (Thái Văn Cầu)
Ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, khiến 74 chiến sĩ Quân đội Việt Nam Cộng hòa hy sinh trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.[1]
hoangsa06_cumluoiliem
Đảo Hoàng Sa thuộc cụm Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa
của Việt Nam – Ảnh : Google Earth
Trong 40 năm qua, có nhiều nghiên cứu, bài phỏng vấn, bài viết về trận đánh ở Hoàng Sa nói riêng và về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam nói chung, nhìn từ các góc độ khác nhau.[2]
Mục đích của bài viết này nhằm xét đến quyền kế thừa lãnh thổ, trên đất liền và trên sông, biển, của nhà nước, theo luật pháp quốc tế, ứng dụng vào chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa và những tình huống khác nhau để có hành động thiết thực, bảo vệ hữu hiệu quyền lợi Tổ quốc.
Vào đầu thập niên 1990, thế giới chứng kiến sự thay đổi địa chính trị lớn lao ở châu Âu, ảnh hưởng đến ranh giới lãnh thổ của nhiều nước trong khu vực như Đức, Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc…
Cùng với tranh chấp lãnh thổ thường xuyên xảy ra, sự thay đổi địa chính trị này góp phần gia tăng hiểu biết về quyền kế thừa lãnh thổ, thông qua quyết định của Tòa án Quốc tế.
Quyền kế thừa lãnh thổ của nhà nước chia làm các trường hợp khác nhau:
1. Quyền kế thừa từng phần :
- Một phần lãnh thổ của nhà nước A trở thành lãnh thổ của nhà nước đang hiện hữu B như trường hợp tiểu bang Alaska của Mỹ.
- Một phần lãnh thổ của nhà nước A trở thành nhà nước mới B như trường hợp Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc.
2. Quyền kế thừa toàn bộ :
- Toàn bộ lãnh thổ của nhà nước A sáp nhập vào nhà nước đang hiện hữu B như trường hợp Đức.
- Toàn bộ lãnh thổ của nhà nước A sáp nhập vào nhà nước mới B như trường hợp Việt Nam, Yemen.
Nhà nước A hay B bao gồm một hay nhiều nhà nước riêng biệt.
Ghi nhận một số trường hợp về nhà nước kế thừa :
1. Trường hợp Cộng hòa Liên bang Nam Tư (Serbia-Montenegro) (gọi tắt là Nam Tư) – sự kiện Liên Hiệp Quốc, trong một thời gian, không thu nhận nước này làm thành viên, khiến quyết định của Tòa án Quốc tế không đi sát với nguyên tắc thông thường, theo đó Nam Tư là nhà nước kế thừa, được quốc tế công nhận.[3]
2. Trường hợp Cộng hòa Liên bang Đức – khi Cộng hòa Dân chủ Đức ngưng hiện hữu năm 1990 và sáp nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức, Tòa án Quốc tế được xem là đã sử dụng nguyên tắc “kế thừa tự nhiên” đối với Đức trong lãnh vực nhân đạo hay khi ứng dụng Công ước Diệt chủng. Cả hai nhà nước là thành viên Liên Hiệp Quốc từ năm 1973.[4]
3. Trong giải quyết tranh chấp Hungary-Slovakia về đập Gabcicovo-Nagymaros, Tòa án Quốc tế sử dụng nguyên tắc kế thừa tự nhiên trên cơ sở Điều 12, Công ước Vienna năm 1978. Slovakia là nhà nước kế thừa, được quốc tế công nhận, của Tiệp Khắc, và bị ràng buộc bởi Hiệp ước năm 1977 giữa hai nước. Tiệp Khắc, Hungary và Slovakia là thành viên của Liên Hiệp Quốc lần lượt từ năm 1945, 1955 và 1993.[5]
Qua một nghiên cứu trước đây, người viết chứng minh hai sự kiện :
1. Trong giai đoạn 1954-1976, có hai nhà nước riêng biệt, cùng hiện hữu trên đất nước Việt Nam, ngăn cách bởi vĩ tuyến 17.
2. Cộng đồng thế giới nói chung, Trung Quốc, Liên Xô, và Mỹ nói riêng, công nhận thực tế này.[6]
Trước hành động dùng vũ lực của Trung Quốc ở Hoàng Sa đầu năm 1974, vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Khoản 4, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hai chính thể ở phía Nam vĩ tuyến 17, Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lên tiếng phản đối trước quốc tế.
Khi đất nước thống nhất, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp tục hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, kế thừa từ Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa.[7]
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nộp đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc tháng 8 năm 1975. Mặc dù ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, có 123 nước ủng hộ, không có nước chống đơn gia nhập của Việt Nam, Mỹ dùng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn.
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức sáp nhập thành Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở khóa họp đầu tiên của Quốc hội giữa năm 1976.
Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc tháng 9 năm 1977.
Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố, khẳng định lãnh hải, bao gồm quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, lần lượt vào năm 1977 và 1982.[8]
Quyết định của Tòa án Quốc tế về quyền kế thừa của nhà nước và phương cách hành xử chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp, hình thành nhà nước mới, cho thấy Nhà nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc thụ hưởng quyền thừa kế chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa từ các nhà nước, được quốc tế công nhận, trước đấy.
Hai quyết định sau của Tòa án Quốc về tranh chấp lãnh thổ cho thấy tình huống có thể xảy ra cho chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.
1. Trong giải quyết tranh chấp Honduras-Nicaragua về bốn đảo nhỏ trong Biển Caribe, ngoài sự kiện không có nước thứ ba công nhận một cách liên tục và nhất quán chủ quyền các đảo này thuộc Honduras hay Nicaragua, Tòa án Quốc tế cho rằng sự liên tục lên tiếng khẳng định chủ quyền của Nicaragua là không đầy đủ so với phương cách hành xử chủ quyền của Honduras. Do đó, Tòa án Quốc tế trao chủ quyền bốn đảo nhỏ cho Honduras.[9]
2. Trong giải quyết tranh chấp Malaysia-Singapore về đảo Pedra Branca, Tòa án Quốc tế nhận định Malaysia, không phải Singapore, là nước có chủ quyền ban đầu, nhưng phương cách hành xử chủ quyền của Singapore ở thời điểm sau khiến Tòa án Quốc tế trao chủ quyền đảo Pedra Branca cho Singapore. Quyết định này phản ánh nguyên tắc “quieta non movere” hay “không làm xáo trộn sự ổn định” mà Tòa án Quốc tế vẫn sử dụng.[10]
Khi nói về quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, lãnh đạo Nhà nước, trong vài năm qua, có những tuyên bố sau :
“Năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.”(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 2011)[11]
hay :
“Không nên nói rằng các vị lãnh đạo Việt Nam chỉ bảo vệ chủ quyền bằng nói miệng. Nói vậy cực đoan quá… Chủ trương của ta là mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Có thể nước lớn phớt lờ luật pháp quốc tế vì họ mạnh. Nhưng chúng ta không bao giờ và không được từ bỏ công cụ là luật pháp quốc tế.”(Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, 2013)[12]
Các tuyên bố như trên phản ánh đúng đắn sự thật lịch sử, phản ánh quyết tâm của lãnh đạo trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi đất nước.
So với Trung Quốc hay so với một nước nào khác trong tranh chấp trên biển Đông, Việt Nam có chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa mạnh mẽ, rõ ràng, vững chắc.
Đây là thuận lợi có giá trị vô cùng to lớn mà tiền nhân đã để lại cho thế hệ ngày nay.
Tuy nhiên, các quyết định của Tòa án Quốc tế trong giải quyết tranh chấp cho thấy thuận lợi về chủ quyền lãnh thổ của một nước không ở lâu dài với nước đấy.
Bên cạnh ngụy tạo chứng cứ lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa để đánh lừa dư luận trong và ngoài nước, Trung Quốc nghiên cứu kỹ lưỡng quyết định của Tòa án Quốc tế, nhận thức rõ điểm yếu trong đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc và tích cực tìm cách khắc phục.[13]
Trung Quốc thừa hiểu kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa trong khi tiếp tục “hành xử” chủ quyền có yếu tố quyết định, hoàn toàn thuận lợi cho Trung Quốc ở Tòa án Quốc tế, như đã dẫn chứng trong tranh chấp giữa Honduras-Nicaragua hay giữa Malaysia-Singapore.[14]
Nói một cách khác, Việt Nam đang đối diện với thuận lợi về mặt lịch sử và pháp lý cho chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa ngày càng giảm thiểu, thu nhỏ ; cán cân thăng bằng trong thuận lợi sẽ chuyển hướng, hậu quả của một chiến lược kiên trì, tinh vi và xảo quyệt của Trung Quốc, nhằm chiếm giữ vĩnh viễn Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam vừa nhận chiếc tàu ngầm tối tân đầu tiên từ Nga. Trong khi hiện đại hóa quân đội là bước không thể thiếu để gia tăng phòng vệ, là nước yêu chuộng hòa bình, Việt Nam nên nghiêm túc sử dụng công cụ luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa trong thời gian tới.
Chọn lựa dứt khoát, mạnh dạn của Việt Nam, biến quyết tâm hiện có về Hoàng Sa-Trường Sa thành hành động cụ thể là nghĩa vụ, là trách nhiệm phải hoàn thành của mỗi và mọi người Việt Nam trước lịch sử, trước gương hy sinh của các thế hệ đã qua, trước sự mong đợi của các thế hệ sắp đến, trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Thái Văn Cầu
* Tác giả là chuyên gia khoa học không gian, hiện sống tại Mỹ
Chú thích:
1. Vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm một phần Trường Sa, khiến 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh.
Xem thêm : “Gặp nhân chứng trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974″, Thạch Sơn-Thành Luân, 2011
“Lời thề trước 64 liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa”, Tiến Thành, 2012
“Ngày 14.3.1988, hai lăm năm nhìn lại”, Việt Long, 2013
2. Tài liệu điển hình về trận đánh ở Hoàng Sa :
“Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa”, Vũ Hữu San & Trần Đỗ Cẩm, 2004
“Can trường trong chiến bại”, Hồ Văn Kỳ Thoại, 2007
“Trận Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974”, Hà Văn Ngạc & Hà Mạnh Chí, 2009
“Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974”, Ủy ban Nghiên cứu trận Hải chiến Hoàng Sa, 2010
“Phát hiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Việt Nam Cộng Hòa chuẩn bị chiến đấu đòi lại chủ quyền”, Trần Công Trục, 2013
Tài liệu điển hình về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa :
“La souverainete sur les archipels Paracels et Spratleys”, Monique Chemillier-Gendreau, 1996
“Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Từ Đặng Minh Thu, 2007
“Giải pháp cho vấn đề Biển Đông”, Tạ Văn Tài, 2010
“Vietnam’s Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys : Its Maritime Claim”, Nguyễn Hồng Thao, 2012
“Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, Trần Công Trục (chủ biên), 2011
“Lẽ phải : Luật Quốc tế và Chủ quyền trên hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Nguyễn Việt Long, 2012
“Hoàng Sa-Trường Sa : Luận cứ & Sự kiện”, Đinh Kim Phúc, 2012
3. “Application of the Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide (Bosnia and Herzegovina v. Serbia and Montenegro)”, Tòa án Quốc tế, 1996
4. “Colonial Genocide and Reparations Claims in the 21st Century : The Socio-Legal Context of Claims under International Law by the Herero against Germany for Genocide in Namibia, 1904-1908”, Jeremy Sarkin, 2008, pp. 162-168
5. “Gabčíkovo-Nagymaros Project (Hungary/Slovakia)”, Tòa án Quốc tế, 1997
“Vienna Convention on Succession of States in respect of Treaties”, 1978
“The Problem of State Succession and the Identity of States under International Law”, Matthew C.R. Craven, 1998
6. “Hai Nhà nước Việt Nam và Chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa”, Thái Văn Cầu, 2013
7. “La souveraineté du Viet Nam sur les archipels Hoang Sa et Truong Sa”, Bộ Ngoại giao nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam , 1979, pp. 54-55
“The Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes : Vietnamese Territories”, Bộ Ngoại giao nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam , 1981, pp. 17-18
8. “Giai đoạn 1976-1985 : Đất nước thống nhất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ” (chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungchinhsachthanhtuu ?categoryId=798&articleId=2892)
“Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, 1977 (www.namdinh.gov.vn/Home/biengioibien/vanban/2011/2501/Tuyen-bo-cua-Chinh-phu-nuoc-Cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia.aspx)
“Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam”, 1982
“The Socialist Republic of Vietnam and the Law of the Sea : An Analysis of Vietnamese Behavior within the Emerging International Oceans Regime”, Epsey Cooke Farrell, 1998, pp. 300-302
9. “Territorial and Maritime Dispute between Nicaragua and Honduras in the Caribbean Sea (Nicaragua v. Honduras)”, Tòa án Quốc tế, 2007 (www.icj-cij.org/docket/index.php ?p1=3&p2=1&k=14&case=120&code=nh&p3=4)
“The ICJ Awards Sovereignty over Four Caribbean Sea Islands to Honduras and Fixes a Single Maritime Boundary between Nicaragua and Honduras”, Pieter Bekker & Ana Stanic, 2007 (www.asil.org/insights/volume/11/issue/26/icj-awards-sovereignty-over-four-caribbean-sea-islands-honduras-and)
10. “Sovereignty over Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks and South Ledge (Malaysia/Singapore)”, Tòa án Quốc tế, 2008 (www.icj-cij.org/docket/index.php ?p1=3&p2=3&k=2b&case=130&code=masi&p3=4)
“Estoppel, Acquiescence and Recognition in Territorial and Boundary Dispute Settlement”, Nuno Sergio Marques Antunes, 2000
11. “Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng hòa bình”, TT Nguyễn Tấn Dũng, 2011 (vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/viet-nam-doi-chu-quyen-hoang-sa-bang-hoa-binh-2212051.html)
“Giải pháp đòi lại Hoàng Sa”, Nguyễn Thái Linh, Lê Minh Phiếu, Lê Vĩnh Trương
“Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”, TT Nguyễn Tấn Dũng, 2013 (tuoitre.vn/the-gioi/551486/thu-tuong-vn-vn-khang-dinh-chu-quyen-hoang-sa-truong-sa.html)
12. “Không có chuyện chỉ bảo vệ chủ quyền bằng miệng”, CTN Trương Tấn Sang, 2013 (m.nguoiduatin.vn/khong-co-chuyen-chi-bao-ve-chu-quyen-bang-mieng-a78577.html)
“Chúng ta không nhu nhược trong bảo vệ chủ quyền”, CTN Trương Tấn Sang, 2013 (vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chu-tich-nuoc-chung-ta-khong-nhu-nhuoc-trong-bao-ve-chu-quyen-2713623.html)
13. “Tổng lực nghiên cứu chủ quyền Biển Đông”, Hoàng Việt, 2011 (baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tong-luc-nghien-cuu-chu-quyen-bien-dong-tong-luc-nghien-cuu-chu-quyen-bien-dong-2195341/)
Theo bài này, trong giai đoạn 1999-2010, Trung Quốc có 238 luận án tiến sĩ và 516 hội thảo về đề tài Biển Đông.
Đầu năm 2013, Phi Luật Tân khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII-UNCLOS.
Dù có quan tòa của họ trong Tòa án Quốc tế và Tòa án Luật Biển, Trung Quốc không muốn đưa tranh chấp Biển Đông ra quốc tế. Ngoài một số nguyên tắc đã nêu, Tòa án Quốc tế, Tòa án Luật Biển hay Tòa Trọng tài có quyết định dựa trên chứng cứ mỗi bên đưa ra.
“Philippines đưa tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra tòa án Liên Hiệp Quốc”, Vũ Quý, 2013 (dantri.com.vn/diem-nong/philippines-dua-tranh-chap-bien-dao-voi-trung-quoc-ra-toa-an-lhq-688179.htm)
“Philippines có đủ chứng cứ để kiện Trung Quốc”, Thái An, 2013
Tài liệu chứng cứ lịch sử ngụy tạo của Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa :
“China’s indisputable sovereignty over the Xisha and Nansha Islands”, Bộ Ngoại giao nước Cộng HòaNDTH, 1980
“Selected Works of Han Zhenhua”, Han Zhenhua, 1999
“Phản biện lập luận của nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa về lãnh vực sử địa cổ có liên quan đến Biển Đông được đề cập trong tác phẩm Ngã Quốc Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hối Biên”, Hồ Bạch Thảo, 2010 (www.tapchithoidai.org/ThoiDai20/201020_HoBachThao.htm)
“Những ghi chép liên quan đến Biển Đông của Việt Nam trong Chính sử Trung Quốc”, Phạm Hoàng Quân, 2011 (seasfoundation.org/research-documents/historical-and-legal-arguments/china-arguments/728-nhng-ghi-chep-lien-quan-n-bin-ong-vit-nam-trong-chinh-s-trung-quc
14.”Trung Quốc ngang nhiên tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”, Sơn Duân, 2012 (www.thanhnien.com.vn/pages/20120724/trung-quoc-ngang-nhien-to-chuc-le-thanh-lap-thanh-pho-tam-sa.aspx)
”Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động phi pháp ở ‘TP.Tam Sa’”, Văn Khoa, 2014 (www.thanhnien.com.vn/pages/20140104/trung-quoc-day-manh-hoat-dong-phi-phap-o-tp-tam-sa.aspx)
***
Bốn mươi năm (40) năm Hải chiến Hoàng Sa : Khi nước lớn quyết ra tay (Duy Linh -  Thuận Phương)
Trong bối cảnh một nước Việt Nam thống nhất và có chiều hướng thân Liên Xô sắp thành hình, Bắc Kinh quyết định ra tay trước, chiếm lấy toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 để lại cho Việt Nam nhiều bài học quý, cũng đồng thời đặt ra yêu cầu phải có thay đổi trong cách hành xử với nước lớn, đặc biệt là ở vấn đề nhạy cảm.
Lịch sử cho thấy, trong hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, đã có gần 1000 năm chúng ta chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc cùng vô số lần bị xâm lược khác.
Vị trí địa lí gần kề Trung Quốc –  quốc gia duy nhất tự thân nó là một nền văn minh là bất di bất dịch nhưng chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua “lời nguyền” này nếu có cách tiếp cận hợp lý, nhất là về khía cạnh địa chính trị, ngoại giao. Nhưng trước hết, Việt Nam cần phải trung thực với lịch sử, với chính bản thân mình. Cùng nhìn lại sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 40 năm trước để rút ra bài học.
Các ông lớn bắt tay nhau
40 năm nhìn lại, hải chiến Hoàng Sa được đặt trong bối cảnh những rạn nứt trong mối quan hệ Trung –  Xô, đồng thời là sự ấm lên trong quan hệ Trung –  Mỹ. Sau những mâu thuẫn không thể giải quyết dẫn đến cuộc xung đột biên giới Trung –  Xô năm 1969, Trung Quốc ngày càng xích lại gần “người bạn mới” Hoa Kỳ mà đỉnh cao là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon vào tháng 2 năm 1972.
hq10_03
Ảnh tư liệu
Sau khi kí Hiệp định Paris (01/1973), Mỹ tiến hành rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Mỹ còn đồng thời rút khỏi các đảo, quần đảo chiếm đóng trước đây, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa và xem việc phòng bị các đảo này là chuyện riêng của Việt Nam Cộng hòa (Việt Nam Cộng Hòa).
Trong bối cảnh một nước Việt Nam thống nhất và có chiều hướng thân Liên Xô sắp thành hình, Bắc Kinh quyết định ra tay trước, chiếm lấy toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Căng thẳng bắt đầu xuất hiện và leo thang từ ngày 11 tháng 1 đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, trận hải chiến chính thức bắt đầu. Các tàu phía Việt Nam Cộng Hòa dù có tải trọng lớn, trang bị mạnh nhưng do tốc độ chậm lại cồng kềnh nên khó khăn trong việc đối phó với các tàu Trung Quốc nhỏ và nhanh hơn.
Thế trận dần rơi vào bất lợi, Việt Nam Cộng Hòa buộc phải rút quân sau một ngày chiến đấu, Trung Quốc chiếm được Hoàng Sa trong ngày hôm đó. Ngay sau trận chiến, Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh tập hợp lực lượng chuẩn bị phản công giành lại Hoàng Sa.
Tuy nhiên, không một đợt phản công nào được tiến hành và Trung Quốc nghiễm nhiên chiếm giữ Hoàng Sa cho đến hôm nay.
Mỹ khi ấy đã giữ thái độ “không phản ứng rõ rệt, im lặng, không can thiệp” nhưng thực chất đã ngầm gây sức ép lên chính quyền Thiệu trong kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa sau đó. Mỹ một mặt muốn giữ mối quan hệ mới chớm nở với Trung Quốc mặt khác muốn khoét sâu thêm sự chia rẻ giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Bằng một thái độ lạnh nhạt, Mỹ và các đồng minh của mình đã cảnh báo Sài Gòn không nên đưa vấn đề Hoàng Sa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Liên Xô không ra thông báo chính thức chỉ trích, nhưng báo chí nước này lại hết sức sôi nổi, trong đó có tờ Sự thật, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Việt Nam DCCộng Hòa không thể hiện bất kì một phản ứng nào trước hành động của Trung Quốc. Bởi bất kì một sự phản ứng nào, cũng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc, dù có mâu thuẫn với Liên Xô và “đi đêm” với Mỹ, nhưng vẫn hỗ trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chính phủ Việt Nam DCCộng Hòa khi ấy đã có một quyết định khôn ngoan.
Bởi theo nhà nghiên cứu Trung Quốc lão thành Dương Danh Dy “Việc không nói để không ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước thì rõ rồi. Nhưng việc không nói còn làm cho Ban Lãnh đạo Trung Quốc chủ quan, nghĩ rằng Việt Nam DCCộng Hòa coi nhẹ vấn đề biển đảo mà không tìm cách đánh chiếm luôn quần đảo Trường Sa nữa”.
Như vậy, việc Việt Nam DCCộng Hòa không lên tiếng khi ấy là một sự im lặng có tính toán.
Câu hỏi được đặt ra là, tại sao lại là Việt Nam mà không phải nước khác nằm trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc ? Vị trí địa lý nằm gần kề, truyền thống bành trướng, tham vọng quá lớn cùng những điều kiện hết sức thuận lợi bên trong lẫn bên ngoài đã thúc đẩy việc Trung Quốc lựa chọn Hoàng Sa như là một mục tiêu khả dĩ.
Lời nguyền địa lý –  “lời nguyền” bất khả phá ?
Ta thử lấy hình ảnh con gà trống để ví von Trung Quốc và các nước xung quanh. Khi đó, thân con gà trống sẽ là Trung Quốc, Triều Tiên sẽ là chiếc mỏ và Việt Nam là chân của con gà.
Cách so sánh này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề an ninh. Mặt khác, còn chỉ ra một thực tế, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đó là trong hàng nghìn năm qua Việt Nam đã phải gánh trên vai “sức nặng” của Trung Quốc. Vấn đề là, Việt Nam nếu có muốn cũng không bao giờ có thể thoát khỏi tình trạng này, bởi vị trí địa lí là đặc thù riêng và gắn chặt với vận mệnh của mỗi quốc gia.
Theo Giáo sư Carl Thayer, Việt Nam đã bị chi phối bởi “lời nguyền địa lí”. Theo đó, Việt Nam không còn cách nào khác ngoài việc học cách chia sẻ số phận của mình với Trung Quốc. Sự đe dọa từ Trung Quốc đã được chứng thực qua hàng nghìn năm lịch sử. Nó không chỉ xuất phát từ sự kế cận về địa lý mà còn từ sự bất tương xứng sức mạnh giữa hai nước. Trung Quốc rộng gấp 29 lần Việt Nam, dân số Việt Nam, dù xếp thứ 14 trên thế giới, cũng chỉ bằng một tỉnh trung bình của Trung Quốc. Và dù trong những năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong phát triển kinh tế cũng như nâng cao sức mạnh quân sự, khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng xa.
Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam kiên trì theo đuổi 3 mục tiêu lớn. Một là duy trì các chuyến thăm cấp cao và cấp nhà nước như một công cụ ngoại giao để giải quyết các vấn đề chung còn khúc mắc giữa theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Trong đó, lợi ích của Trung Quốc phải phù hợp và không gây tổn hại cho phía Việt Nam. Hai là nỗ lực đa phương hóa trong hợp tác, đưa Trung Quốc vào một mạng lưới hợp tác đa phương.
Và cuối cùng, cũng là một trong những mục tiêu nhằm giữ vững chủ quyền Việt Nam.
Một khía cạnh mới bổ sung vào “lời nguyền địa lý” mà Việt Nam đang gánh chịu chính là kinh tế. Việt Nam hi vọng, sự phụ thuộc về kinh tế, dù không tương xứng, cũng sẽ làm giảm nguy cơ Trung Quốc tấn công quân sự Việt Nam, đặc biệt là trên biển Đông trong tương lai.
Trên tất cả, mối bận tâm chiến lược quan trọng của lãnh đạo Việt Nam là như thế nào sử dụng các đòn bẩy ngoại giao, quan hệ kinh tế và quan hệ quân sự để duy trì độc lập, tự chủ của mình và ngăn chặn nguy cơ bị kéo vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Nhưng như vậy liệu đã đủ ?
Còn nữa ?
Duy Linh –  Thuận Phương
Nguồn: vietnamnet.vn

Ôn Gia Bảo lên tiếng khẳng định mình hoàn toàn trong sạch

(GDVN) - Tôi muốn đi nốt quãng đời còn lại trong thế giới này thật tốt. Tôi đến thế giới này với hai bàn tay trắng và tôi muốn rời khỏi thế giới này một cách trong sạch
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Bưu điện Hoa Nam ngày 19/1 đưa tin, cựu Thủ tướng Trung Quốc ông Ôn Gia Bảo đã lên tiếng nhấn mạnh về sự "trong sáng và vẹn toàn" của cá nhân mình trong một bức thư gửi tờ báo Hồng Kông đã có bài cho rằng gia đình ông Thủ tướng đã tích lũy khối tài sản khổng lồ trong nhiềm kỳ đầu của ông Bảo.

"Tôi chưa bao giờ tham gia và sẽ không bao giờ tham gia vào một thỏa thuận lạm dụng quyền lực nào để mưu lợi cho cá nhân vì không có lợi ích nào có thể lay động được tôi", bức thư ông Ôn Gia Bảo viết gửi Ngô Kiến Dân, cựu Chủ tịch HĐND của đặc khu hành chính Hồng Kông.

Ôn Gia Bảo và vợ chồng Ngô Kiến Dân.

Ông Ngô Kiến Dân đã tiết lộ thông tin về trao đổi giữa mình với Ôn Gia Bảo cho tờ Minh Báo ngày hôm qua trong bối cảnh cựu Thủ tướng Bảo và gia đình trở thành tâm điểm cáo buộc về khối tài sản 2,7 tỉ USD không rõ nguồn gốc mà tờ The New York Times khui ra trong tháng 10/2012.

Ôn Gia Bảo nghỉ hưu từ tháng 3 năm ngoái. Trong thư, ông Bảo khẳng định: "Tôi muốn đi nốt quãng đời còn lại trong thế giới này thật tốt. Tôi đến thế giới này với hai bàn tay trắng và tôi muốn rời khỏi thế giới này một cách trong sạch".
Lá thư Ôn Gia Bảo gửi Ngô Kiến Dân.
Trương Lập Phàm, một nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh nhận xét, Ôn Gia Bảo có lý do chính đáng để được quan tâm trong bối cảnh Tập Cận Bình mở rộng chiến dịch chống tham nhũng.

Các cáo buộc của truyền thông với Ôn Gia Bảo và gia đình chưa chắc đã phải là bịa đặt và tài sản có thể bị tịch thu bởi đối thủ của ông Bảo trong một cuộc đấu tranh quyền lực.

"Ông ấy sợ mình trở thành chủ đề của một cuộc thảo luận lịch sử gắn liền với tham nhũng, vì vậy Ôn Gia Bảo sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại những cáo buộc trong phần còn lại của cuộc đời mình", Trương Lập Phàm nói.

Ngô Kiến Dân cho biết ông kết giao với Ôn Gia Bảo thông qua các tác phẩm của ông Bảo và đã được vị cựu Thủ tướng này mời đến Bắc Kinh vào tháng 4/2011 để gặp mặt và dự tiệc với Ôn Gia Bảo.

Ôn Gia Bảo đã viết một lá thư cho Ngô Kiến Dân sau khi ông Dân có bài báo giới thiệu cuốn sách của Ôn Gia Bảo xuất bản tháng 10 năm ngoái. Ngô Kiến Dân tiết lộ lá thư và bác bỏ rằng điều này là một nỗ lực chống lại vị cựu Thủ tướng.
(GDVN)

Giật mình với số nợ của gia đình Dương Chí Dũng

(PetroTimes) – Chuyện như đùa, nhưng đó đúng là sự thật với gia đình Dương Chí Dũng, ít nhất đến thời điểm hiện tại... 

Dương Chí Dũng.
Một thành viên trong gia đình nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines khẳng định, vào thời điểm sau Tết Nhâm Thìn 2012, Dương Chí Dũng tâm sự rằng mình đang cần một số tiền lớn và cần các em trong nhà, bạn bè, chiến hữu giúp đỡ. Là người có tiếng nói nhất trong gia đình và vì tin tưởng tuyệt đối anh trai nên các em Dương Chí Dũng cùng bạn bè đã không ngại vay mượn, thu xếp tiền cho Dũng.

Con số mà mọi người gom lại vay cho Dương Chí Dũng vào khoảng 39 tỉ đồng, tuy nhiên ông Dũng không nói với mọi người sử dụng vào việc gì. Con số trên được cho là có “xâu chuỗi” với lời khai và thời điểm nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải đã chuyển tổng cộng hơn 1,5 triệu USD đi đâu không rõ vào tháng 5/2012.

Trong nhiều bài viết trước, PetroTimes đã đề cập đến sự khó khăn của vợ con Dương Chí Dũng. Chị Phạm Thị M.P, vợ của Dương Chí Dũng vốn là một nhà kinh doanh tiếng tăm trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, vì thị trường xuống dốc, cộng thêm việc chồng vướng vào vòng lao lý nên công việc kinh doanh của chị gần như bị đình trệ từ 2 năm nay.

Hơn một lần, các em của Dương Chí Dũng, kể cả Dương Tự Trọng trước khi bị bắt cũng khẳng định dù có phải vay mượn nhiều hơn, thậm chí bán nhà, cầm cố tài sản để cứu anh trai thì cả nhà vẫn sẵn sàng. Trước phát hiện thú vị trên PetroTimes về Nghị quyết 01 của Tòa án nhân dân Tối cao, gia đình Dương Chí Dũng cho biết: Sẽ phải hỏi trước để biết liệu nỗ lực khắc phục hậu quả có cứu được sinh mạng người con trai cả hay không (từ án tử hình xuống án chung thân).

Bà Dương Thị Băng Tâm, em út trong nhà họ Dương cho biết: Ngay cả tiền thuê luật sư bào chữa cho chồng, vợ Dương Chí Dũng cũng phải đi vay mượn của nhiều người thân, bạn bè.

Quá trình điều tra cho thấy ông Dương Chí Dũng đã mua tặng “vợ lẽ” tên Ph.T.T - người đã có con riêng với Dương Chí Dũng - 2 căn hộ chung cư: Một căn tại tầng 29 tháp B tòa nhà Skycity, Láng Hạ, Hà Nội; một căn tại tòa nhà Pacific, Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Khi ông Dũng bị bắt, hai căn hộ này cũng bị kê biên.
Cô T.T quê ở Thanh Hóa, ra Hà Nội làm giúp việc cho người thân, sau đó ra ngoài làm tiếp viên cho một số nhà hàng. Trong một lần đi ăn uống, Dương Chí Dũng tình cờ gặp Ph.T.T, phải lòng và hai người có đứa con trai.

Xung quanh vụ bê bối của Dương Chí Dũng, sau khi CQĐT tiến hành kê biên hai căn nhà mà ông Dũng đã mua cho T., vợ của Dương Chí Dũng đã lên tiếng khẳng định số tiền Dũng mua nhà cho bồ nhí là tiền “vay của vợ”. Mọi người trong gia đình đều biết chuyện bà M.P đồng ý cho chồng tìm con trai ở bên ngoài sau khi hai người có với nhau 3 người con gái lần lượt sinh năm 1982, 1987 và 1992.
Hữu Tùng - Hoàng Chiến Thắng

Những chuyện chưa kể về hai anh em Dũng - Trọng

"Tôi rất hiểu các anh trai mình. Tinh thần anh Trọng rất vững vàng nhưng bản án của anh Dũng đã ảnh hưởng sâu sắc và nó khiến anh bị trầm xuống rất nhiều. Nếu không có việc ấy, anh Trọng không thể có một sắc thái như thế được", bà Dương Thị Băng Tâm, em gái của hai người đàn ông làm dậy sóng dư luận suốt thời gian Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng chia sẻ.
 
Thời cất vó, đánh giậm của anh em Dũng-Trọng
 
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, gia đình vốn được coi là danh giá bậc nhất đất Cảng liên tiếp gánh kiếp nạn khi lần lượt hai người con trai rơi vào vòng lao lý. 
 
Ông Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines), người con cả của Đại tá Dương Khắc Thụ (nguyên Giám đốc Công an Hải phòng), lĩnh án tử hình vì tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế và Tham ô tài sản. 
 
Còn người con thứ hai, ông Dương Tự Trọng (nguyên Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) lĩnh 18 năm tù vì tổ chức cho anh trốn ra nước ngoài.
 
Dương Chí Dũng bị nhận bản án tử hình
Dương Chí Dũng bị nhận bản án tử hình
Trao đổi với Đất Việt, trước việc chứng kiến hai người anh đứng trước vành móng ngựa, bà Tâm lại nghẹn ngào nhớ đến những ngày còn thơ bé, thuở bố bà suốt ngày đi công tác xa, số lần ghé qua nhà trong năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. 
 
"Một mình mẹ tôi gồng gánh nuôi 5 người con (một người anh của bà Tâm sau này mất vì tai nạn giao thông-PV). Thời trẻ mẹ vào du kích, đến khi lấy chồng, nhà nghèo, chẳng có đất nên phải bươn chải bao phen. Khi ấy, hai anh Dũng, Trọng cùng mẹ lo toan cho các em. Anh Dũng thì cất vó, anh Trọng đánh giậm... 
 
Vậy mà hai anh lúc nào cũng yêu quý em, thường xuyên bế ẵm, bảo vệ em. Đi đâu có gì ăn được cũng mang về cho em, từ quả dừa đến tổ ong, nhiều khi còn nhịn cơm để phần em...".
 
"Thời bao cấp, cái gì cũng thiếu thốn. Có giai đoạn mẹ tôi đi bán vải "sida" để các con có manh áo mặc. Nhà khó khăn như vậy nhưng chẳng bao giờ ngớt tiếng cười. Đến bữa cơm, chẳng có gì ăn, chỉ có cơm, rau và mắm nhưng mẹ tôi cùng anh Dũng, anh Trọng vẫn có những câu chuyện hài hước, cuộc sống lúc nào cũng tạo ra một sự thú vị trong mọi hoàn cảnh", giọng bà Tâm nghẹn lại.
 
Chính vì thế, bà Tâm tin rằng, các anh trai mình không bao giờ bi quan dù hai bản án kia có nghiệt ngã đến đâu, bởi truyền thống gia đình bà không cho phép như thế.
 
Anh Trọng cũng là người rất yếu đuối 
 
Trong gia đình bà Tâm, đại tá Dương Khắc Thụ là người định hướng cách sống, sự lạc quan, bứt phá cho các con trong khi vợ ông lại là người tạo nên bầu không khí hạnh phúc, dạy các con sống tình cảm.
 
"Bố tôi hay đi xa nhưng mỗi lần về rất nghiêm với các con. Ông cũng đánh con, dù rất ít thôi. Những lần dạy con, nhiều khi chỉ là tranh luận thôi mà ông không kiềm chế được. Lắm lúc bức xúc quá, ông cũng có thể 'phát' con vài roi, kể cả khi anh Dũng, anh Trọng đã lớn", bà Tâm nhớ lại.
 
Con cái trong nhà đều rất nể và sợ đại tá Dương Khắc Thụ: "Quan điểm của bố tôi là: đã sinh ra làm người  thì phải có mục đích, mà mục tiêu thì bao giờ cũng phải đặt cái chung lên trên, cái tôi cá nhân xuống dưới. Ông thực sự là con người của cách mạng, không chấp nhận buông tay trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đối với ông, vấp ngã là phải đứng dậy, không bao giờ là muộn cả".
 
Dương Tự Trọng tại phiên xét xử ngày 7/1
Dương Tự Trọng tại phiên xét xử ngày 7/1
 
Chính vì thế, "dù các anh Dũng, Trọng có thế nào thì với quan điểm giáo dục của bố tôi, các anh không bao giờ buông tay, luôn nhìn về phía trước.Tôi nghĩ chẳng bao giờ các anh bi quan đâu, bởi cái chất ấy đã ngấm vào trong máu thịt của mình rồi", bà Tâm khẳng định.
 
Nhớ đến phút ông Dương Tự Trọng cười tươi vẫy chào và nói lời cảm ơn các cán bộ công an trước khi bước lên xe thùng về nơi tạm giam rồi nghiêm mặt lệnh cho người nhà "Không được khóc... Cứ bình tĩnh" sau bản án 18 năm tù, bà Tâm càng thấy thương anh trai mình nhiều hơn.
 
Bà nhớ khi ông Trọng chưa bị bắt, còn ông Dũng lưu lạc bên ngoài sau khi bỏ trốn, mỗi lần nhìn thấy người phụ nữ nào trong gia đình buồn, ông Trọng lại mắng át đi: "Làm sao lại phải buồn?!". Bà Tâm biết đấy là ông Trọng đang kiềm chế:"Anh Trọng là người yếu đuối chứ không phải mạnh mẽ gì đâu. Anh tạo ra vẻ bên ngoài cứng rắn nhưng thực ra lại rất tình cảm".
 
Trong phiên tòa hôm 8/1, ông Trọng đã dành những lời nói sau cùng để nói về anh trai Dương Chí Dũng: "Anh Dương Chí Dũng là anh ruột của tôi. Tôi luôn sống cùng với kỷ niệm của hai anh em và càng thấy thương anh tôi nhiều hơn. Tôi vẫn thầm ước được chịu tội thay anh tôi. Tôi luôn cầu mong anh tôi được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, lòng từ bi, khoan dung, độ lượng, vị tha của người đời. Tình cảm ấy tôi nghĩ rằng ở mỗi con người ai cũng có. Mong mọi người hiểu cho".
 
Ông Dương Chí Dũng cũng bày tỏ: "Tôi rất thương em trai mình và sẵn sàng chết để cho em tôi sống". 
 
Hơn ai hết, bà Dương Thị Băng Tâm hiểu được những lời gan ruột ấy của hai người anh trai. "Giá như chịu tội được cho các anh, tôi cũng làm ngay. Thà rằng mình chịu còn cảm thấy đỡ đau hơn chứng kiến cảnh người thân của mình phải chịu".
 
Có lẽ vì tính cách cứng cỏi, mạnh mẽ của ông Dũng, ông Trọng như thế nên vợ của hai ông cũng có nét nhang nhác như vậy.
 
Bức thư gửi từ trại giam cho mẹ 
 
Ngày 16/1, cựu đại tá Dương Tự Trọng đã chuyển lời nhắn của mình đến cho mẹ qua luật sư Bùi Quang Hưng, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo.
 
Ông Trọng nhắn rằng: Mẹ phải giữ gìn sức khỏe, con ở trong này điều kiện cũng rất tốt. Ở trong này biệt lập với thế giới bên ngoài nên an toàn hơn, không có xe cộ, hàng ngày không phải lo ra ra đường, xe cộ đông đúc, tai nạn giao thông. Rồi cũng không phải lo những lần đi đánh án, đối mặt với tội phạm nguy hiểm, với súng đạn…
 
Trong tình huống bi kịch, ông vẫn gửi đến mẹ mình những lời hóm hỉnh: Từ ngày vào đây con có cái rất hay là tránh xa được rượu bia, tránh xa được ăn nhậu nên không lo hại đến sức khỏe.
An Khanh
(Đất Việt) 

Từ chiến binh Hoàng Sa thành tù cải tạo

BBC

Hình tư liệu báo chí Việt Nam
Ông Ngô Thế Long nói đa số đồng đội của ông phải cải tạo lâu hơn ông
Cựu binh Hoàng Sa Ngô Thế Long, người từng là Trung úy hải quân trên khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, nói đối với ông những ký ức về Hoàng Sa là “nỗi đau hơn là niềm kiêu hãnh”.
Trả lời BBC ngày 18/1, ông Long cho biết năm 1975, hơn một năm sau khi trở về từ hải chiến Hoàng Sa, ông cùng nhiều đồng đội đã trở thành những người tù cải tạo dưới chế độ mới.
“Sau năm 75, tôi đã rời bến cảng Sài Gòn, ra tới Côn Sơn, nhưng lại quay về Việt Nam vì lý do gia đình,” ông nói.
“Tôi đi cải tạo gần một năm… còn đại đa số là phải cải tạo lâu hơn”.
Ngay cả khi được trả tự do, với lý lịch liên quan đến chế độ cũ, ông Long chỉ còn có thể đi làm nông, không thể đi học tiếp hay làm việc ở những ngành chuyên môn khác, ông cho biết.

‘Xã hội bỏ quên’

Mặc dù nói bản thân “không có gì bất mãn” về việc bị đưa đi cải tạo, ông Long nói ông “rất buồn” vì cách nhìn nhận của xã hội trong nước lâu nay đối với ông và các đồng đội.
“Xã hội đã bỏ quên những người đồng đội đã hy sinh của tôi năm 1974. Có khi người ta còn xuyên tạc, nói chúng tôi không phải là những người chiến đấu vì chính nghĩa,” ông nói.
“Tôi nghĩ rằng năm 1974, chúng tôi đã bảo vệ Hoàng Sa trước kẻ thù xâm lược, đó hoàn toàn là chính nghĩa”.
Ông cho biết ông ít khi kể về việc tham chiến trong trận Hoàng Sa với ai, ngay cả vợ con mình.
“Nhân 40 năm hải chiến Hoàng Sa, mấy báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ mới hỏi thăm, chứ tôi cũng ít khi nói với ai”.
“Nỗi đau trong lòng tôi lớn hơn niềm kiêu hãnh, chúng tôi đã không thể bảo vệ Tổ quốc mà 74 đồng đội của tôi còn bỏ mình trên biển cả”.
“Thứ hai nữa là chúng tôi cũng không được xã hội nhắc tới, mà có khi nhiều bài báo cũng đã cố ý xuyên tạc, cứ nói lúc đó chúng tôi phục vụ cho ai đó.”

‘Chưa hết thương tiếc’

Ông nói hàng chục năm đã trôi qua nhưng ông vẫn thường xuyên theo dõi những tin tức về biển đảo và vẫn chưa hết thương tiếc những người đồng đội đã tử trận trong trận chiến năm 1974.
Ông cũng cho rằng những người lính của Hải quân Nhân dân Việt Nam tử trận trong trận chiến năm 1988 ở Trường Sa là “những anh hùng”.
“Tất cả những chiến sỹ, dù ở bên này, bên kia chiến tuyến, ý thức hệ có khác nhau”.
“Nhưng tôi nghĩ những người lính Việt Nam Cộng hòa, hay Quân đội Nhân dân đều là những anh hùng khi họ là những tử sỹ bỏ mình vì Tổ quốc”.

Huy Đức - Cùng Bắc Nhịp Cầu Hoàng Sa Huy Đức

Cho dù có rất nhiều bài viết từ tối 17-1-2014 đã phải rời khỏi khuôn báo "lề phải"; cho dù, một lễ đốt nến tưởng niệm dự định diễn ra ở Đà Nẵng đã đột ngột bị hủy bỏ, mỗi người dân Việt Nam, ở Sài Gòn, Hà Nội... vẫn lựa chọn một cách riêng để nhớ tới ngày 19-1-1974: Ngày Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đoạt Hoàng Sa; ngày mà 74 chiến binh Việt Nam Cộng hòa đã cùng ngã xuống.
Ở đây, nhiều người Việt cũng chọn một cách riêng, cùng bắc nhịp cầu tưởng nhớ: tưởng nhớ một phần lãnh thổ thiêng liêng chưa biết bao giờ lấy lại được; tưởng nhớ anh linh của 74 chiến sĩ trận vong; tưởng nhớ Hoàng Sa nơi mà ngay trong những ngày chia cắt, người Việt, thay vì chĩa súng vào nhau, đã bắn vào đích thị quân xâm lược.
Gần 200 cá nhân người Việt ở nhiều nơi trên thế giới đã gửi tới tài khoản Nhịp Cầu Hoàng Sa hơn 500 triệu đồng chỉ sau 12 ngày. Cho dù chúng ta mới đi được một phần quảng đường: giúp cải thiện nơi ở cho 3 mẹ con bà quả phụ thiếu tá Nguyễn Thành Trí; giúp bà Huỳnh Thị Sinh mua lại căn hộ đã bị giải tỏa đặng có nơi đặt di ảnh chồng, trung tá Ngụy Văn Thà; giúp cựu binh Hoàng Sa Vũ Văn Chu, đang bị liệt, chút thuốc men sau khi đột quỵ... Nhưng không chỉ là vấn đề tiền bạc, rất nhiều người Việt, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, đã tham gia "Nhịp Cầu Hoàng Sa" vì muốn nhắc tới một phần lịch sử.
Anh Phạm Văn Tịch, một người chịu thương tật do chiến tranh Việt Nam, hiện đang sống ở Berkeley, nhờ một cô gái Hà Nội giúp chuyển khoản 4 triệu đồng. Một cô bé Sài Gòn mới ra trường trích một triệu từ tiền nhuận bút dịch sách. Một luật sư ở Sài Gòn đã gửi 10 triệu đồng cùng lúc với một phụ nữ ở Hà Nội (gửi 3 triệu đồng) chỉ vài phút sau khi tài khoản của Nhịp Cầu Hoàng Sa công bố. Nhiều người, đã cùng chúng tôi dõi theo từng con số được cập nhật.
Trong khi đó, nhiều bạn đề nghị có thêm các hình thức giản tiện để các em sinh viên có thể góp xây "Nhịp Cầu" từng 20 nghìn, 50 nghìn... Vào lúc nửa đêm, có nhiều cuộc điện thoại từ Úc, Mỹ, Canada... gọi về. Có bạn tuyên bố sẽ tổ chức nhạc hội, có bạn bắt tay ngay vào việc bán các kỷ vật để lấy tiền ủng hộ...
Sáng kiến tặng tranh, bán đấu giá, của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã mang lại cho chương trình hơn 65 triệu đồng. Bức "Tĩnh vật hoa" của anh, chỉ sau một đêm đưa lên Facebook đã được một người Việt đang làm việc ở bệnh viên Boston mua với giá 2000 USD. Bức "Những bông hoa cũ" của họa sĩ Nguyễn Quốc Dũng đã được bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn (Atlanta, Mỹ) mua với giá 1200 USD... Chị Lê Chung và anh Hiệu Minh đưa bộ sách Bên Thắng Cuộc mà tôi ký tặng trước khi rời Washington,D.C., ra bán được 501 USD. Theo chủ nhân mới của "Tĩnh vật hoa", bức tranh sẽ được đưa về Mỹ để luân lưu đấu giá.
Tối 18-1-2014, khi chúng tôi tới nhà bà Huỳnh Thị Sinh dâng nhang tưởng nhớ 74 người lính Việt Nam Cộng hòa nằm lại biển Hoàng Sa, cô Nguyễn Thị Thanh Thảo - con gái thiếu tá hạm phó Nhựt Tảo Nguyễn Thành Trí - nói: "Suốt 40 năm qua, không một ngày chúng tôi cất di ảnh của ba tôi khỏi bàn thờ". Thanh Thảo nói câu đó với giọng đầy tự hào. Trong 40 năm qua, không phải gia đình Việt Nam Cộng hòa nào cũng có thể làm, một việc tưởng đơn giản, như gia đình Thảo.
Cũng chiều 18-1-2014, tại Berlin, khi người Việt biểu tình tưởng nhớ sự kiện Hoàng Sa, người ta thấy trong đó những người mang cờ vàng đứng bên cạnh những người mang cờ đỏ. Không phải ở đâu người Việt cũng có thể đứng bên nhau. Chúng ta biết, giữa người Việt với nhau vẫn còn những "bức tường Berlin" rất cần phá bỏ.
Chúng tôi rất trân trọng những đóng góp lớn; chúng tôi cũng nâng niu từng 5 chục, 100, được gửi tới tài khoản Nhịp Cầu Hoàng Sa. Những đồng bạc đó không chỉ nhắm tới mục tiêu giúp các gia đình liệt sỹ dựng lại mái nhà. Những đồng bạc đó là cát, là đá, mà các bạn góp cùng chúng tôi xây đắp một nhịp cầu. Nhịp cầu nối những tấm lòng, để người Việt hiểu thêm người Việt.
Chiều 18-1-2014, trong khói nhang tưởng nhớ các đồng đội của chồng, hai bà Huỳnh Thị Sinh và Ngô Thị Kim Thanh nghe chúng tôi nhắc lại trường hợp hy sinh của 64 chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam ở đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Hai bà đã lặng đi. Trong cuộc chiến giữ đảo, máu của những chiến binh người Việt đã trộn cùng máu của những chiến binh cũng là người Việt.
Hoàng Sa là nơi mà ngay khi đất nước còn chia cắt, người Việt đã không bắn vào nhau. Hoàng Sa là nơi suốt 40 năm qua, người Việt hiểu rõ ai mới thực sự có dã tâm xâm lược.
Mỗi người Việt đều có thể chọn một cách riêng để tưởng nhớ Hoàng Sa.
Huy Đức
--------------------------
Tiền Việt Nam và ngoại tệ, ghi là góp cho chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa, xin gửi về: DO THANH TRIEU (tức Đỗ Thanh Triều viết không dấu) - số TK : 1000343796 Ngân hàng Citibank Việt Nam Chi nhánh Ho Chi Minh Swift code: CITIVNVX 
(FB Huy Đức)

Hoàng Đức Nhã - Lời khuyên sau 40 năm cho Hà Nội

Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tại Bộ Tư lệnh Hải Quân, 1/1974
Tổng thống Thiệu sau khi ra chỉ thị đối phó cuộc tấn công của Trung Quốc ở Bộ Tư lệnh Hải Quân VNCH, 1/1974.
Trước những hành động có hệ thống của Trung Quốc trên Biển Đông trong mấy chục năm qua, Việt Nam cần biết phối hợp sức mạnh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, mau sớm đưa vấn đề Hoàng Sa ra diễn đàn quốc tế để đòi chủ quyền, theo cựu Thư ký và cố vấn đặc biệt của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Nhân dịp 40 năm sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc tấn chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa ngày 17/1/1974, ông Hoàng Đức Nhã, người đồng thời là Bộ trưởng Thông tin dưới thời ông Thiệu cho rằng nếu Việt Nam không sớm có hành động, từ Hoàng Sa hôm qua, Trung Quốc rất có thể lấn chiếm tiếp tới Côn Đảo, Phú Quốc môt ngày.

Theo ông Nhã hành động ban bố hạn chế vùng đánh cá mới của Trung Quốc trên hơn 2/3 Biển Đông, dưới danh nghĩa một quy định của cấp dưới ở Tỉnh Hải Nam, là một động thái vi phạm chủ quyền không chỉ của Việt Nam mà còn đe dọa nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.

"Đó là một sự vi phạm lãnh thổ không những của Việt Nam mà còn của các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam cần liên minh với các quốc gia đó để tiếp tục hỗ trợ mạnh hơn...

"Đó là một ví dụ khi quyền lợi của một quốc gia bị xâm phạm, thì mình (Việt Nam) có một lý do chính đáng để phản kháng và có lý do để kết hợp với các quốc gia khác hoạt động nỗ lực, mạnh mẽ hơn, chứ không thể nào mà ngồi yên."

Ông Nhã dự đoán rằng nếu Trung Quốc thấy có nhiều nỗ lực được các quốc gia liên kết với nhau như vậy, đặc biệt với sự hỗ trợ thêm của các 'đại cường quốc' như Hoa Kỳ và Âu Châu hỗ trợ, thì "họ (TQ) sẽ không trắng trợn vi phạm nữa, như là họ đang làm bây giờ."

Trong phần hai và cũng là phần cuối cuộc trao đổi với BBC về chủ đề Hoàng Sa, ông Hoàng Đức Nhã cho rằng chính quyền Việt Nam cần có hành động chính thức đòi lại chủ quyền và loan bố với quốc tế, vì theo ông nếu chỉ để các địa phương lên tiếng, đề cập vấn đề, thì những cấp chính quyền này không có đủ vị thế, tư cách với quốc tế, cũng như với Trung Quốc và các quốc gia khác.
'CHÍNH PHỦ PHẢI LÊN TIẾNG'

Ông Nhã nói: "Mình là một quốc gia có chủ quyền thì những người lãnh đạo quốc gia từ hành pháp cho đến lập pháp, phải có tiếng nói lên, phải có quốc thị thông báo và nhân viên ngoại giao tung ra khắp nơi để đưa lại, xét lại vấn đề."

Cựu thư ký của Tổng thống Thiệu cũng nhắc tới trường hợp Nhật Bản kiên trì đòi chủ quyền trên quần đảo Kuril trong tranh chấp lãnh thổ với Nga, mà gần đây theo ông đã có những bước tiến, theo đó Nga đồng ý về nguyên tắc thảo luận với Nhật Bản.

Nhân dịp này ông Nhã cũng chia sẻ với BBC rằng ông chưa thấy chính quyền Việt Nam có động thái chính thức nào mời các cựu quan chức dân sự hoặc quân đội của chính quyển Việt Nam Cộng Hòa có năng lực, kinh nghiệm, tư liệu, hoặc có tư cách nhân chứng v.v... ở hải ngoại hợp tác chính thức với các cơ quan trong nước để phối hợp tìm giải pháp đòi lại Hoàng Sa.

Ông Nhã nói thêm: "Vì từ trước đến giờ chính quyền Việt Nam không có những hành động đưa tay ra để nói chuyện bảo vệ lãnh thổ, thì cũng khó mà tiên đoán được phản ứng của những nhóm Việt Nam ở ngoại quốc, Hoa Kỳ hay bên châu Âu là như thế nào."

Mở đầu phần hai cuộc trao đổi với BBC, cựu thư ký của Tổng thống Thiệu cho biết quan điểm của ông về việc chính quyền Việt Nam hiện nay nên hành xử ra sao nếu Trung Quốc nhất quyết không trao lại chủ quyền Hoàng Sa cho Việt Nam thông qua con đường pháp lý.
Mời quý vị theo dõi phần một cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Nhã Bấm tại đây.
(BBC)
 

Chính trị – Xã hội

http://basam.info/wp-content/uploads/2014/01/DSC01351-1024x768.jpg
NÓNG! – Tin từ khu vực bờ hồ Hà Nội xung quanh khuôn viên Vườn hoa Lý Thái Tổ và Tượng đài quyết tử, có nhiều công an mặc thường phục được 2 -3 xe cảnh sát đưa tới. Có một xe phát sóng truyền hình trực tiếp của chỉ huy công an đỗ trước khách sạn Hữu Nghị tại ngã ba Hàng Trống – Lê Thái Tổ.
- Khu vực trước Sứ quán Trung Quốc, vườn hoa Lê nin: công an, dân phòng dày đặc.
Lúc này Tượng đài Lý Thái Tổ đã khá đông người dân và các vị trí thức như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nhà giáo Phạm Toàn, Dịch giả Dương Tường… Nhiều an ninh vào gây áp lực.

Trong vòng nửa tiếng đã có thêm khoảng 100 người dân yêu nước ở khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ, lực lượng an ninh, công an, dân phòng… cũng chừng đó. Không khí tương đối là căng thẳng. Chính quyền lấy lý do phải sửa chữa đã điều người đến khoan cắt để giải tán mọi người dân yêu nước nhưng tất cả cương quyết không chấp nhận, vẫn giương cao băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ.

 Philippines thách thức qui định mới của TQ ở Biển Đông  -(Video -VOA)  —  Tư liệu Hoàng Sa trong tu viện ở Torino audio -(TT)
Lời khuyên sau 40 năm cho Hà Nội  -(BBC / nghe) – Hoàng đức Nhã -Trước những hành động có hệ thống của Trung Quốc trên Biển Đông trong mấy chục năm qua, Việt Nam cần biết phối hợp sức mạnh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, mau sớm đưa vấn đề Hoàng Sa ra diễn đàn quốc tế để đòi chủ quyền, theo cựu Thư ký và cố vấn đặc biệt của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
‘Lãnh cảm’ với quá khứ, khó kiểm soát tương lai  -(TVN)
Cán bộ phải công khai chế độ đãi ngộ từ tháng 3/2014  -(RFA)
Nóng với “Chiếc phong bì không còn chứa đủ tiền hối lộ”  -(TT)   —  “Đừng để lạm phát tiến sĩ trong bộ máy”  -(TT)
Vụ cô giáo ở Bắc Giang bị tung ảnh sex: Cần nhiều cái nhìn cảm thông  -(TNO)  -Theo thống kê từ Google, những năm gần đây, Việt Nam đứng thứ 6 trong top 10 nước có lượng người truy cập tìm kiếm với từ khóa ‘sex’ nhiều nhất, đặc biệt là giai đoạn 2004-2013.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Kinh tế Việt Nam kiệt quệ Tết Giáp Ngọ  -(RFI /nghe)
Vinh danh các chiến sĩ Hoàng Sa 1974  -(Ngô nhân Dụng – Nguoiviet) -Trong 39 năm qua, mỗi năm các cựu quân nhân Hải Quân Việt Nam đang sống ở nước ngoài vẫn làm lễ giỗ các đồng đội hy sinh vì nước ngày 19 Tháng Giêng năm 1974.
Hải chiến Hoàng Sa, sự công khai muộn màng  -(Song Chi -Nguoiviet)
Hiệu Minh – Gặp gỡ bàn tròn Berlin – Washington DC – Boston về tranh chấp biển đảo  -(DL)
Đặng Huy Văn – Giữa Hoàng Sa xa xôi!  -(DL)    —-  Vũ Đình Khôi – Bốn mươi năm Hoàng Sa  -(DL)   —- Lê Vĩnh Trương – Vạn chữ ký, một tấm lòng  -(DL)   —Nguyễn Công Bằng – Hoàng Sa, Trường Sa: Một mẫu số đoàn kết của người Việt Nam?  -(DL)
Nguyễn Hoa Lư – Về người chị ruột của Hồ Chí Minh  -(DL)
Ngọn Cờ Lau – Điểm sách “Sh*t My Dad Says” của Justin Halpern  -(DL)
Phiên tòa xử hai dân oan Cần Thơ sắp diễn ra  -(DL)   —  Nguyễn Trung Lộ – Tư bản đang tự cải tạo thành công và phát triển?  -(DL)
Dương Danh Huy – Một trăm ngàn tiếng nói cho Hoàng Sa  -(DL)  — Hiệu Minh – VietinBank và em Huyền Như    -(DL)

Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp đại diện UNDP tại Việt Nam- (ĐĐK)
Hoãn điện hạt nhân: Vui mừng, ngẫm rào cản nhân lực  -(ĐV)   —  Phó Thủ tướng: Quản chặt vốn EVN, không được thiếu điện  -(ĐV)
Việt Nam ‘hữu xạ tự nhiên hương’ trên báo nước ngoài  -(ĐV)   – Từ thưởng Tết, hôi bia, tới món thịt chuột hay chuyện học làm sang, uống sừng tê giác tăng khả năng đàn ông… của người Việt Nam. Tất cả đều được điểm danh trên báo nước ngoài.
Quan xã lấy gạo cứu đói dân đi bán  -(ĐV) - Cướp của “Vô sản”. Và phá hoại sinh hoạt đời sống của Nhân dân :   Những điều cần minh bạch trong việc xây chợ Ninh Hiệp   -(Dân trí) – đang có 3 Trung tâm thương mại ở đó chưa sử dụng hết, tại sao phải xây thêm chợ? trường học mới xây khang trang tiền tỷ 2 năm cũng lại phá đi, di dời ra nghĩa trang để lấy đất xây chợ,.:lại còn phá hoại Di tích Lịch sử Quốc gia khi cho chặt cây và đập bỏ tường đình làng xóm 6-7 để xây chợ.   >>   Hàng trăm tiểu thương Ninh Hiệp bãi thị, đối thoại với Chủ tịch huyện   >>   Hà Nội: Xây lại chợ Ninh Hiệp – Đừng đùa với sinh kế của dân!
  Bé 13 tháng tuổi tử vong ‘bất thường’ sau khi đi trẻ  -(ĐV)   —   Chủ tịch xã bị vây ráp được giải cứu nhờ… lãnh đạo huyện  – (Dân trí)
Vì Dương Chí Dũng, gia đình mắc nợ 39 tỷ đồng?  -(DV)   —  Những chuyện chưa kể về hai anh em Dũng – Trọng  -(ĐV)     —  Gia đình vay 39 tỷ cho Dũng Vinalines, liên quan gì tới “ông anh“?  -(KT)   >>>   Con trai Dương Tự Trọng là người như thế nào?   >>>  Dương Chí Dũng: hành trình từ Cục Hàng hải tới trại giam
Đồ chơi TQ phát nổ: Mất bò mới lo làm chuồng  -(ĐV)    — Sốc với thưởng Tết bằng nhang, quần đùi, giấy vệ sinh,…  -(ĐV)
Kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản: Làm sao hiệu quả? – Chế tài phải mạnh- (ĐĐK)

Uẩn khúc sau 7 căn nhà không phép “mọc” giữa trung tâm thành phố  -(PLVN)  -Dù chưa được ngành chức năng cấp phép nhưng 2 cá nhân vẫn ngang nhiên xây dựng 7 căn nhà đồ sộ, khang trang ngay giữa trung tâm TP.Quy Nhơn. Dư luận đặt nghi vấn phải chăng có…
Hoạt động pháp chế trước nhiều thách thức  -(NLĐ)  -Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đang có tình trạng lãnh đạo cục, vụ trong các bộ, ngành “vượt mặt” vụ pháp chế để ban hành các văn bản trái pháp luật, có dấu hiệu tiêu cực
Philippines vạch trần mưu đồ của Trung Quốc trên biển Đông   – (NLĐO)
Tết ngày càng kém vui   -(NLĐ)  -Dù chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhưng tại các đô thị lớn, không khí năm mới vẫn chưa rộn ràng; vẻ buồn tẻ thể hiện rất rõ trong nhịp sống thường ngày so với cùng dịp những năm trước
Khi dĩa cơm tấm bằng 6 ký gà  -(NLĐ) – Còn gần hai tuần nữa là tết Giáp Ngọ. Giữa lúc ai ai cũng tất bật với công việc cuối năm, chuẩn bị dành thời gian mua sắm, vui tươi đón tết, thì vẫn có nhiều nông dân ngày đêm mất ăn mất ngủ với sản phẩm làm ra không bán được, giá rẻ bèo.
Kiệt sức vì tăng ca  -(NLĐ) -Một năm tăng ca từ 700-800 giờ; những ngày hàng gấp, công nhân phải làm việc từ 7 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau
Lạng Sơn: bỏ ruộng đi làm “cư dân biên giới”  -(PLVN)
Đau lòng vụ bé gái phạm tội giết người chỉ vì thèm quà vặt  -(PLVN)  -Bé gái 15 tuổi dụ bé giá bé gái 7 tuổi đi lấy trái bình bát, nhằm cơ hội cướp tài sản. Vụ án mạng đau lòng xảy ra đã lâu, nhưng là bài học nhớ đời của những người tham gia phá án.
Sabeco 7 năm “trồng cỏ” trên đất “vàng”, dân bức xúc  -(PLVN)   >>>   Đền Bà Chúa Kho “vắng lạ lùng” dịp cuối năm
Đề nghị kỷ luật một giám đốc vườn quốc gia vì để mất rừng thời gian dài   – (TNO) -Ngày 19.1, theo nguồn tin của Thanh Niên Online, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, bị đề nghị kỷ luật cảnh cáo vì để mất rừng trong thời gian dài.
Xuyên tạc, vu cáo, không thay đổi được sự thật  -(QĐND)   —  Khảo sát xây làng chuyên gia cho dự án điện hạt nhân -(TTXVN)
Khó xin visa vì nhiều du khách bỏ trốn -(TBKTSG)   —   Nghỉ hưu vẫn giữ chức danh lãnh đạo  – (SGGP)
Phú Yên: Gần 85% cuộc thanh tra về đất đai phát hiện sai phạm  -(VTV)
GS Tương Lai:  Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối  – (PLTP)
Biểu tình tại Hà Nội kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa, 19/01/1974-19/01/2014
Hà Nội : Tập hợp tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Hoàng Sa  -(RFI)==>>>
Hà Nội: buổi tưởng niệm trận Hoàng Sa 1974 bị giải tán  -(RFA)

“Đừng nghe cộng sản nói, hãy nhìn cộng sản làm”  -(Lê diễn Đức -RFA)
Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ Hải Quân VNCH.  -(Batkhuat) – Trang Web của Trường BBTĐ   >>>>  Soái hạm HQ5 và trận hải chiến Hoàng Sa   >>>   Ngày 19-01 Kỷ Niệm ngày Hoàng Sa nhuộm máu
Lễ tưởng niệm 40 Năm Hải chiến Hoàng Sa & Biểu tình trước LSQ Trung Quốc, 18.01.2014 tại Hamburg-CHLB Đức -Gocomay)
Bắc California biểu tình vì Hoàng Sa, Trường Sa  -(Bùi văn Phú)
Ước gì ở Việt Nam có nhiều “Chuyên gia đi đái”!  -(Tin không lề FB)  -  ….Lý do mà ông Huỳnh Sơn Phước có cái biệt danh này là vì mỗi khi họp giao ban báo chí để nhận chỉ thị từ Ban Tuyên giáo định hướng tuyên truyền, rằng báo chí nên đưa tin này, hạn chế hoặc ngưng đưa tin nọ… thì ông Phước đều bận “đi đái” nên không nhận được chỉ thị.
Ông Phước vẫn cho tờ báo của mình đăng các tin “không được phép” đăng. Khi bị cấp trên gọi lên khiển trách, hỏi vì sao làm vậy, thì ông bảo ông không biết, vì lúc đó ông bận… đi đái, nên ông không nghe phổ biến chỉ thị của BTG……
******************************************
Nhà văn Nguyễn Đình Bổn: “Mới hôm qua giao diện hai tờ báo Thanh niên và Tuổi trẻ còn tràn ngập chuyện Hoàng Sa. Hôm nay tuyệt không thấy. Đù má hai thằng TBT này sao hèn vậy? Không đăng bài mới mà bài cũ cũng ẩn luôn! Cái nỗi nhục này tụi bay chia nhau ăn tết nghen!” Nguồn: https://www.facebook.com/dinhbon.nguyendinhbon/posts/616212655099723
Cái sự hèn của dân dính đến chữ nghĩa phía Nam
Nói rõ ngay và luôn là cái sự hèn này của dân viết phía Nam thuộc về những ai nằm trong các hội, các tờ báo “chính thống”. Chẳng muốn chửi mà cũng phải chửi khi sáng này lướt một vòng báo mạng thấy các tờ báo phía Nam hôm qua còn đầy tin bài về Hoàng sa hôm nay đã biến mất. Cái sự hèn này còn nằm trong trang bìa các tờ báo Xuân của các Hội văn nghệ vẫn trương lên cái bảng “mừng đảng mừng xuân” một cách trái khoáy. Cái sự hèn này còn biểu hiện ở các tay làm văn nghệ khi các trang báo tràn ngập một thứ thơ tình vớ vẩn, thứ văn chương tầm phào khi thực tế xã hội hoàn toàn khác hẳn. Các tay làm văn nghệ hay viết báo phía Bắc dù sao cũng đở hơn, họ dám động chạm đến những vấn đề gai góc hơn và chấp nhận tác phẩm bị thu hồi như sách của nhà văn Hoàng Minh Tường. Ngay cả tở vietnamnet hôm nay trên giao diện vẫn còn vài bài về Hoàng Sa là một minh chứng. Vì sao các cây bút miền Nam lại hèn vậy? Ôi trời ơi!
Đù má, bực cái cửa mình quá!
Nguồn: https://www.facebook.com/dinhbon.nguyendinhbon/posts/616219185099070
LIỆU CÓ GIẾT HẾT SÂU ?  -(Minh Diện -BVB)
NÓI THÌ HAY, NHƯNG TAY CHỈ HAM VƠ VÉT (!?)  -(TS. Tô văn Trường -BVB)
Máu thịt Việt Nam »  –   -(ĐCV) - Ở thành phố Houston vùng Southwest này có một quán cà phê rất đông người tới uống nước vui chơi, nhất là vào những ngày cuối tuần thứ bẩy chủ nhật , hay…
Hamburg-CHLB Đức: Tưởng niệm 40 Năm Hải chiến Hoàng Sa »  –   Hôm nay (18.01.2014), từ 14 – 15 giờ 30, trước cửa LSQ CHND Trung Hoa tại Hamburg, đã diễn ra Lễ tưởng niệm 40 Năm hải chiến Hoàng Sa và cuộc Biểu tình…
Sài Gòn tưởng nhớ Hoàng Sa  -PV Bauxite Việt Nam  -(Boxitvn)

Và rồi hôm nay cánh cửa đã hé mở  – Tương Lai  -(Boxitvn)
Nên truy tặng liệt sĩ cho các chiến sĩ hy sinh bảo vệ Hoàng Sa năm 1974  -Thái Bình  -(Boxitvn)
Nhắn nhủ từ Hoàng Sa: Dân tộc – Quốc gia là tối thượng!  -(Boxitvn)
Lịch sử rất công bằng   -Lê Phú Khải  -(Boxitvn)

Kinh tế

Singapore đe dọa chiếm ngôi Hong Kong về tự do kinh tế  -(VEF)   —  Lộ trình xác lập vị thế nhà đầu tư lớn ở Campuchia  -(VEF)
Năm Ngựa, phi đại sẽ hại tiền  -(VEF)  -Không có nhiều lựa chọn, dòng tiền được dự báo sẽ chảy vào các kênh đầu tư truyền thống. Tuy nhiên, kỳ vọng vào một năm ngựa nhanh nhẹn, mã đáo thành công không thực sự lớn bởi tâm lý thận trọng cố hữu.
Bất thường xung quanh vụ trúng thầu 90 tỷ  -(VNN)
Hàng dạt đội lốt đặc sản xuống vỉa hè  -(VNN)   —   Thế giới ngầm phụ tùng ôtô: Người mới mua xe khiếp sợ  -(VNN)
Hàng không ế hàng nghìn chỗ, tàu hỏa thừa vé  -(ĐV)   >>>   Lý giải của ngành đường sắt tồn vé vẫn không giảm giá
‘Người Trung Quốc đứng sau điều hành đào khoáng sản Việt Nam’  -(ĐV)
Giỏ quà tết tiền triệu  – (DĐDN) – Từ miếng gan ngỗng 100 gam giá 1,2 triệu đồng, thịt heo muối giá 1,5 triệu đồng/kg… cho đến các loại xúc xích, jambon hay bánh quy nhập khẩu đang là lựa chọn của nhiều gia đình khá giả, doanh nghiệp đặt hàng làm quà tặng.   >>>  Hoa quả khô Trung Quốc đợi tết hại người Việt
Nở rộ hành vi kinh doanh đồ chơi nhiễm độc  -(PLVN)
Vì sao nhà băng “sợ” Thông tư 02? -(Petrotimes)

Thế giới

Tổng thống Obama loan báo quyết định về việc do thám của NSA   -(VOA)    —  Tổng thống Obama ký dự luật chi tiêu của chính phủ   -(VOA)   —  Tổng thống Obama: 2014 là năm đột phá cho nước Mỹ   -(VOA)
Một nhà ngoại giao Iran bị giết tại Yemen   -(VOA)   —   Thanh tra LHQ đến Iran chuẩn bị cho thỏa ước kiểm soát hạt nhân  -(RFA)
21 người thiệt mạng trong vụ tấn công nhà hàng ở Kabul   -(VOA)   —   Có 13 người nước ngoài chết trong vụ nổ bom nhà hàng ở Kabul  -(RFA) —- Afghanistan điều tra quảng cáo ủng hộ hiệp định an ninh với Mỹ   -(VOA)
Dân chúng Ai Cập ủng hộ hiến pháp mới   -(VOA)   —   Người biểu tình Thái Lan bị thương trong vụ nổ bom đã qua đời   -(VOA)
Phe đối lập Syria xem xét việc tham gia hòa đàm Geneve   -(VOA)   —   Tướng Trung Quốc bị tố cáo tích lũy của cải bất hợp pháp   -(VOA)
18 người thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp tại Ấn Độ   -(VOA)  —-Indonesia: ngập lụt ở Jakarta làm 23 người chết  -(RFA)
Úc cam kết không xâm phạm lãnh hải Indonesia  -(RFA)   —-  Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh tăng cường an ninh ứng phó Triều Tiên  -(TNO)

Đánh bom liên tiếp trại biểu tình Bangkok, gần 30 người bị thương  -(Tintuc) -Chiều 19/1 đã xảy ra hai vụ đánh bom và xả súng tại khu vực biểu tình chống chính phủ chủ chốt ở Bangkok, làm ít nhất 28 người bị thương.
Tướng Trung Quốc biển thủ 1,12 tỷ đô, nuôi 5 tình nhân  -(ĐSPL)
Ôn Gia Bảo lên tiếng khẳng định mình hoàn toàn trong sạch  -(GDVN)   — Tân Hoa Xã:Nhật Bản muốn nhập khẩu UAV RQ-21A Mỹ để do thám Trung Quốc -(GDVN)
Mỹ triển khai F-22 ở Okinawa cảnh báo TQ không tấn công đảo Senkaku -(GDVN)  —Lãnh đạo Trung Quốc nhất trí tránh đụng độ Nhật  -(KT)
“Triều Tiên lại thử hạt nhân”  – (NLĐO) – Một chuyên gia Mỹ mới đây cho biết Triều Tiên có khả năng sẽ thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa nhiều hơn một lần trong năm nay.
Nổ bom làm bị thương 28 người biểu tình ở Bangkok  -(VOA)   >>>   Người biểu tình Thái Lan bị thương trong vụ nổ bom đã qua đời
Iraq bắt đầu cuộc hành quân chống al-Qaida  -(VOA)   —  Tổng thống Syria: Từ chức không phải là vấn đề đưa ra thảo luận  -(VOA)
Nga tấn công các phần tử tranh đấu tại Bắc Caucasus  -(VOA)   —  Liên Hiệp Quốc kêu gọi cứu trợ khẩn cấp cho Cộng hòa Trung Phi  -(VOA)
Cuba : Mở cửa rộng hơn cho đầu tư ngoại quốc  -(RFI)
100.000 người biểu tình tại Ukraina chống đạo luật trấn áp mới  -(RFI)
Dennis Rodman bắt đầu chương trình điều trị nghiện rượu   -(VOA)

Văn hóa – Giáo dục – Khoa học- Xã hội

Sơ lược lịch sử thành hình bộ môn nghệ thuật Cải Lương  -(Du tử Lê -NV)
Thật thà có thể học kinh tế không?  – TTO – Một học sinh xứ Nghệ đã đặt câu hỏi như vậy với các chuyên gia tư vấn trong chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Tuổi Trẻ tổ chức tại Nghệ An sáng 18-1.
VN đứng thứ 28/60 quốc gia thành thạo tiếng Anh  -(TN)   —  Thương lắm đôi chân học sinh vùng cao  -(TNO)
Bài thơ đặc sắc về mùa xuân   -(Dân trí) – Gần ¾ thế kỉ là một thời gian đủ để khẳng định Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử là một trong những bài thơ đặc sắc nhất viết về mùa xuân Việt Nam.
Việt Nam nằm dưới mức trung bình thế giới về “tiếp thu đại học”  -(GDVN)
Đi tỉnh lộ 537 coi chừng đá tảng dội xuống đầu  -(TT)    —  Vụ đâm người trên phố cổ:Lời trần tình cho sự vô cảm  -(ĐV)
Ẩu đả tại quán karaoke, bốn thanh niên nhập viện  -(TT)   —-  Bà bầu mang dao đi hỗn chiến  -(TN)    —    Phát hiện xác chết trôi sông chưa rõ danh tính  -(GDVN)
Nam thanh niên chết bất thường trong nhà nghỉ  -(ĐV)   — Yếu sinh lý, chồng uất ức đâm vợ 10 nhát chí mạng  -(ĐV)   —Hà Nội: Giấu súng trong người, đi xe phân khối lớn chở bạn gái  -(DT)
TP.HCM: Cháy lớn tại cụm công nghiệp Hiệp Thành  -(Tintuc) -  Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra khoảng 10h30 ngày 19/1 tại xưởng gỗ của công ty Thiên Ân và công ty cổ phần sản xuất và thương mại Nam Hoa (chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em) trên đường Lê Văn Khương (nằm trong cụm công nghiệp Hiệp Thành, phường Hiệp Thành, quận 12, TP. HCM).
Triệt phá “lò” sản xuất dầu nhớt giả cho xe máy  -(DT) -  >>>   Triệt phá băng trộm xe máy đem sang Campuchia bán   >>>  CSGT đạp đổ xe bọn cướp, bắt 3 đối tượng
Người phụ nữ dũng cảm giật lại xe máy từ tên trộm  -(DV)   >>>  Thi thể cô gái trẻ nổi trên sông với nhiều vết trầy   >>>   Bắt 2 đối tượng giả công an xã chặn xe xử phạt
Phát hiện lái xe ôm bị cắt cổ chết dưới mương nước  – (ĐSPL)   >>>   Vạch mặt thế giới ngầm đằng sau bước chân phong trần của trẻ đường phố   >>>   Một cán bộ huyện tử vong bất thường ngay sân nhà
“Hiệp sĩ” tóm cổ kẻ trộm xe học sinh   – (NLĐO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét