Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Giới chóp bu và cải cách ở Lào, Campuchia và Việt Nam- Đằng sau chính sách kỷ niệm Hoàng Sa - Vụ côn đồ hành hung người dân Tiên Lãng: Được thuê để ngăn cản dân giữ đất

Giới chóp bu và cải cách ở Lào, Campuchia và Việt Nam

Nếu xem xét cùng với nhau, Việt Nam, Campuchia và Lào mang lại một điều gì đó khó hiểu. Trong khi Việt Nam và Lào vẫn duy trì chế độ nhà nước cộng sản độc đảng, thì Campuchia trải qua quá trình chuyển đổi dân chủ vào năm 1993 dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Nhưng cả ba nước cuối cùng đều có cùng một nền chính trị rất tương đồng với đặc trưng là sự thiếu cam kết đối với các giá trị tự do. Khi nỗ lực giải thích cho điều này, chúng ta nên cân nhắc tầm quan trọng của văn hóa chính trị và “chính trị tiền bạc”, trong khi cũng chú ý đến một thực tế là sự năng động của xã hội dân sự và biểu tình tự phát đang dần trở nên phổ biến hơn.

Việt Nam, Campuchia và Lào thường được xếp cùng một nhóm để phục vụ các mục đích phân tích. Điều này bắt nguồn từ một số lý do rõ ràng. Cả ba nước đều là các thuộc địa cũ của Pháp, từng được biết đến dưới cái tên chung là khu vực Đông Dương thuộc Pháp, có vị trí địa lý nằm giáp biên nhau trên lục địa Đông Nam Á. Cả ba đều chứng kiến sự nổi lên nắm quyền trên toàn quốc của các đảng cộng sản giữa những năm 1970. Một điều khác cũng có liên quan đó là nỗ lực bất thành của Việt Nam trong thời Chiến tranh Lạnh nhằm duy trì vai trò lãnh đạo đặc biệt ở Đông Dương, hợp nhất với Campuchia và Lào sau khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1978. Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ba nước này được phân cùng một nhóm bởi vì đều nằm trong nhóm các nước nghèo nhất Đông Nam Á, được lên kết với nhau thông qua Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, và là những thành viên non trẻ nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ba nước cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và tình trạng nghèo đói ngày càng giảm kể từ những năm 1990 và được nhìn nhận là đang trải qua quá trình “cải cách” chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, Việt Nam, Campuchia, Lào hiện là các quốc gia độc lập có chủ quyền với những ảnh hưởng tiền thuộc địa và nền lịch sử khác nhau. Mỗi nước có sự trải nghiệm khác nhau dưới ách đô hộ thực dân Pháp và đặc điểm tình hình hậu thuộc địa ở mỗi nước cũng khác nhau, thường khá khó nhận thấy. Ba nước cũng không đi theo cùng một quỹ đạo từ sau Chiến tranh Lạnh. Việt Nam và Lào không trải qua sự chuyển đổi dân chủ và duy trì các nhà nước cộng sản độc đảng. Ngược lại, Campuchia đã thực sự trải qua quá trình chuyển đổi đó (được giám sát bởi cộng đồng quốc tế) vào năm 1993, dầu rằng sau đó đa phần những tiến bộ dân chủ của nước này đã bị đảo ngược.

Hơn nữa, khi ba nước này đã hội nhập đầy đủ hơn vào nền kinh tế khu vực Đông Nam Á cũng như toàn cầu, những điều kiện hoàn cảnh mỗi nước khác nhau đang khiến các nước này phản ứng trước các tác động về văn hóa, chính trị và kinh tế từ bên ngoài theo những cách khác nhau. Những điều kiện này bao gồm cả các vấn đề về quy mô và vị trí địa lý. Việt Nam với 86 triệu dân vượt trội so với một nước Campuchia với 15 triệu dân và một nước Lào có nhiều đồi núi và được bao bọc bởi đất liền chỉ với 7 triệu dân (nước nghèo nhất và nhỏ nhất trong 3 nước). Nền kinh tế Việt Nam cũng lớn hơn gấp 8 lần so với Campuchia và gấp 15 lần so với Lào. Tóm lại, ba nước này dù có thể so sánh với nhau nhưng vẫn khác biệt, với hướng đi đã và sẽ không trùng khớp nhau.

Các chuyên gia khu vực quen với ý nghĩ rằng cả 3 nước (dựa trên quyết định có chủ đích của nhóm chóp bu) đều ủng hộ chính sách kinh tế quốc gia (định hướng thị trường) mang tính “cải cách”. Việt Nam và Lào thường được cho là đã làm vậy tại các đại hội đảng toàn quốc do các đảng cộng sản cầm quyền lần lượt tổ chức ở mỗi nước vào năm 1986. Việt Nam thông qua chính sách “đổi mới” và Lào thì thông báo một “cơ chế kinh tế mới” dựa trên “lối tư duy mới”.1 Campuchia nhìn chung cũng đi theo con đường đó vào năm 1989 sau khi quân đội Việt Nam rút lui.

Nếu xét những gì mà giới chóp bu được cho là đã làm, quan điểm thống nhất chung là những thay đổi ở mỗi nước đã đạt được những mức độ đáng kể về cả kinh tế và chính trị, dầu rằng khía cạnh kinh tế dần hiện hữu rộng lớn hơn khía cạnh chính trị. Tuy nhiên, sự thống nhất này quá nhấn mạnh sự thay đổi, chính sách chính thống, và các sáng kiến của giới chóp bu, trong khi lại đánh giá thấp tầm quan trọng của tính kế tục về kinh tế – chính trị và mức độ mà các tác nhân bên ngoài các sáng kiến chính sách được dẫn dắt bởi nhóm chóp bu đã góp phần định hình nên các sự kiện ở 3 nước này.

Vấn đề đáng quan tâm ở đây là mức độ mà giới chóp bu ở cả ba nước thường chỉ chính thức hóa các thử nghiệm hoặc sáng kiến “từ dưới lên”, mang tính tự phát, có thể  của các công chức, giám đốc doanh nghiệp, cư dân thành thị hay các nông dân. Nói chung, giới chóp bu thích tỏ vẻ như họ là người phụ trách và sẽ không thừa nhận rằng họ đang đối phó hơn là đang hành động (chủ động). Tuy nhiên, như đã đề cập về trường hợp Trung Quốc có liên quan, bất cứ một giải thích nào mà bỏ lơ vai trò của các sáng kiến không do chính quyền dẫn dắt hoặc không chính thức đều là những giải thích đã “được thanh lọc kỹ”. Nó “khiến chúng ta không chú ý đến những động lực thật sự của quá trình cải cách”.2 Điều này không phải để phủ nhận việc giới chóp bu đã khởi xướng các đổi mới mà chỉ để lập luận cho một đánh giá cân bằng hơn, trong đó ghi nhận vai trò của cả sáng kiến chính thức và không chính thức, cũng như cân nhắc cả sự kế tục và sự đổi mới. Hơn nữa, sự cân bằng này là quan trọng khi cân nhắc sự thay đổi về mặt chính trị (ngay cả khi chưa đạt đến một sự chuyển đổi dân chủ toàn diện) hay khi xem xét những cải cách đối với nền kinh tế. 

Những giới hạn của cải cách chính trị chính thức

Trong phạm vi của các chế độ độc đảng ở mỗi nước, Việt Nam và Lào đã tiến hành những bước đi tương tự nhau để cải tổ hệ thống chính trị của mình. Con đường của Campuchia thì lại khác, dù nước này rốt cục có nhiều điểm tương đồng về mặt chính trị với các nước láng giềng, bất chấp đã trải qua sự chuyển đổi dân chủ vào đầu những năm 1990.

Mặc dù các cải cách khởi xướng tại đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 và đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vào năm 1986 thường được cho rằng chủ yếu là về mặt kinh tế, nhưng trong cả hai trường hợp này, các cải cách cũng có một phần chính trị rõ ràng. Ở Việt Nam, tuyên bố chính sách mấu chốt từ năm 1986 nhấn mạnh các vấn đề, trong đó bao gồm sự phối hợp kém giữa đảng cộng sản và chính quyền, cũng như khuynh hướng các đảng viên hoạt động ngoài vòng pháp luật và chà đạp lên các quy trình bầu cử. Sự phê bình này khởi đầu cho những bước đi chính thức của đảng nhằm xây dựng một nhà nước “pháp quyền”, tăng cường vai trò của Quốc hội và vạch rõ mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và người dân. Những vấn đề này vẫn còn mang tính thời sự: chính xác thì Đảng cộng sản nhìn nhận như thế nào về nền “pháp quyền”, cũng như mối quan hệ “đúng đắn” giữa người dân và nhà nước vẫn còn là những câu hỏi mở.

Những cải cách ở Lào cũng tập trung vào nền pháp quyền và bao gồm việc ban hành hiến pháp đầu tiên thời hậu thuộc địa vào năm 1991 cùng với việc nhấn mạnh tăng cường hệ thống hành chính quốc gia. Ở cả hai nước trên cũng đã có một sự cởi mở về không gian xã hội thông qua quá trình “phi stalin hóa đời sống hàng ngày”.3 Những hạn chế về đi lại trong nội địa và thậm chí ở nước ngoài được nới lỏng; sự giám sát hàng ngày trở nên ít tràn lan và bớt hà khắc hơn; và các đầu mối truyền thông mới đã được cấp phép thành lập cùng với các hội nhóm phi chính thức gồm cả các nhóm tôn giáo. Dầu rằng những điều này không đưa đến một sự chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam hay Lào– nơi mà Đảng cộng sản vẫn nắm quyền và các lực lượng an ninh vẫn áp đảo – thì bầu không khí ở cả hai nước đã thật sự trở nên tự do hơn một cách đáng kể.

Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, khi các cuộc biểu tình rầm rộ tại quảng trường Thiên An Môn cùng với việc phá dỡ bức tường Béclin và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Trung – Đông Âu và Liên Xô cũ đã làm chấn động thế giới, thì cuộc tranh luận về tương lai hệ thống chính trị của Việt Nam và Lào cũng nổ ra. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc thảo luận trên diễn ra sau hậu trường của những chính quyền khép kín này, vì vậy khó mà biết được chính xác điều gì đã được bàn thảo. Nhưng bản kết luận cơ bản thì rõ ràng. Đầu những năm 1990, cả Việt Nam và Lào đã dập tắt lời kêu gọi của nhóm thiểu số về đa nguyên chính trị. Ở Lào, hai cựu thứ trưởng và một nhân viên Bộ Tư pháp bị bỏ tù vì bị cáo buộc có âm mưu lật độ chế độ.4 Ở Việt Nam, một thành viên Bộ Chính trị bị sa thải ngay trước đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 7 năm 1991, rõ ràng vì ông công khai ủng hộ nền chính trị đa đảng.

Tăng cường phản đối chính trị dân chủ, cả 2 đảng cầm quyền tuyên bố kiên quyết bác bỏ cái mà họ cho là “những đòi hỏi tự do quá mức” (ở Việt Nam) hay “một hệ thống đa đảng” (ở Lào).5 Từ đó về sau, không một đảng nào thay đổi quan điểm cả. Họ tiếp tục nói về phát huy “dân chủ”, nhưng điều này không có nghĩa họ ủng hộ dân chủ tự do, mà thay vào đó là những điều như mở rộng số lượng đảng viên được phép có vai trò trong việc bầu chọn các nhà lãnh đạo cấp cao, gia tăng số lượng vị trí cấp chính quyền địa phương được bầu cử trực tiếp, và đảm bảo rằng đảng cộng sản quan tâm lắng nghe hơn nữa ý kiến của các cán bộ nhà nước, các nhà lập pháp và người dân.

Từ đầu những năm 1990, Việt Nam và Lào đều mở cửa đối với một loạt các tổ chức tài trợ song phương và đa phương, cũng như các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGOs), nhờ đó đã nhận được nhiều nguồn viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật. Các nhà tài trợ bao gồm cả từ châu Á và phương Tây. Ở Lào có sự hiện diện mạnh mẽ của Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Nhà tài trợ lớn của Việt Nam đến từ châu Á là Trung Quốc, nhưng sự hiện diện của Trung Quốc bị quản lý cẩn trọng (giữa hai nước này đã nổ ra cuộc chiến tranh trong thời gian ngắn nhưng rất gay gắt vào đầu năm 1979 và tiếp tục có các cuộc đụng độ vũ trang khu vực biên giới cho đến năm 1990). Các nhà tài trợ phương Tây đã làm việc với các chính phủ Việt Nam và Lào về những lĩnh vực liên quan đến quản trị nhà nước như là quản lý hành chính công, cải cách hệ thống pháp lý, chống tham nhũng, phát triển xã hội dân sự. Tuy nhiên, những điều này hầu như không có nhiều ảnh hưởng đối với nền chính trị hai nước.

Quỹ đạo phát triển của Campuchia thì lại hơi khác. Sau cuộc đưa quân vào Campuchia của Việt Nam năm 1978 nhằm lật đổ chế độ diệt chủng Khơme đỏ, một chính quyền được sự bảo trợ của Việt Nam và từ năm 1985 do Hunsen đứng đầu đã nắm quyền điều hành Campuchia. Trong suốt những năm 1980, cuộc nội chiến tiếp tục diễn ra ác liệt khi liên minh những người bảo hoàng và phe Khơme đỏ đối chọi với chính quyền Campuchia do Việt Nam bảo trợ. Hòa bình trở nên khả dĩ chỉ khi Việt Nam vì những lý do chính trị trong nước của mình đã quyết định không thể duy trì hiện diện quân sự tại Campuchia nữa. Theo sau hiệp định hòa bình được ký tại Paris năm 1991, một sứ mệnh hoạt động đáng kể của Liên Hiệp Quốc được triển khai, dẫn đến các cuộc bầu cử vào năm 1993 với sự tham gia tranh cử của 19 đảng phái.

Ít nhất là trong ngắn hạn, Liên Hiệp Quốc đã có ảnh ưởng đáng kể. Campuchia đạt được những nền tảng chính thức của chủ nghĩa hiến pháp tự do, bao gồm một đạo luật cơ bản mới nhất quán với các nguyên tắc của nó. Ngoài ra, các hoạt động xã hội dân sự cũng tăng nhanh; các phương tiện truyền thông đa dạng và có tiếng nói hơn cũng nổi lên. Nhưng sự tự do đang đơm hoa này lại sớm bắt đầu lụi tàn. Các cuộc bầu cử vẫn tiếp tục được tổ chức đều đặn, nhưng những kết quả đạt được trong những năm đầu thập niên 1990 đã bị đảo ngược dần dưới bàn tay của Hunsen và Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền vốn vẫn cố duy trì kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Điều này đã dẫn đến sự suy yếu mang tính hệ thống của phe chính trị đối lập bao gồm đảng bảo hoàng FUNCINPEC (từng là đối tác liên minh của CPP) và đảng Sam Rainsy. Những người chỉ trích chính phủ thuộc giới truyền thông, các tổ chức công đoàn hay xã hội dân sự nhìn chung thường bị mua chuộc hoặc bị dập tắt bởi sự kết hợp của các biện pháp như quan hệ ô dù bảo trợ, đe dọa, bạo lực, thay đổi luật bầu cử, hoặc vin vào những phiên tòa thiên về mặt chính trị.6

Trong cuộc bầu cử gần đây nhất tổ chức vào tháng 7 năm 2008, đảng CPP, với việc giành được 90 trong số 123 ghế, lần đầu tiên từ năm 1993 đã có thể tự đứng ra thành lập một chính phủ mới. CPP cũng kiểm soát 90% các xã hoặc các ủy ban cấp chính quyền địa phương.7 Đây là bước chuyển biến đáng kể đối với một đảng mà từng chỉ về thứ hai sau đảng FUNCINPEC trong cuộc bầu cử năm 1993, điều mà nhiều người có khuynh hướng lãng quên.

Giống như các chính phủ Việt Nam và Lào, Campuchia cũng cho phép hoạt động và cùng làm việc với cộng đồng tài trợ quốc tế về một loạt những cải cách quản trị nhà nước. Các nhà tài trợ cũng đến từ cả các nước châu Á và phương Tây, trong đó Việt Nam và Trung Quốc chiếm ưu thế trong số các nước châu Á. Tương tự Việt Nam và Lào, ảnh hưởng từ các nhà tài trợ bên ngoài đối với đường hướng chính trị cơ bản của Campuchia đã bị hạn chế một cách rõ rệt. 

Những lực lượng đáng kể duy trì sự tiếp nối

Tại sao ba nước láng giềng của nhau này – riêng Campuchia thì từ sau quá trình chuyển đổi năm 1993, trong khi hai nước Việt Nam và Lào thì gần như liên tục – lại bám chặt lấy con đường phi dân chủ như vậy? Câu trả lời có thể nằm ngay trong các nền văn hóa chính trị của giới tinh hoa tương tự nhau một cách đáng chú ý ở cả 3 nước này. Truy nguyên nguồn gốc của sự tương đồng này nằm ngoài phạm vi của bài viết,8 nhưng chúng tôi có thể chứng minh những đặc điểm chung mà các nền văn hóa chính trị nói trên chia sẻ, đồng thời vạch ra những ảnh hưởng của chúng.

Chủ nghĩa tinh hoa và chủ nghĩa gia trưởng ăn sâu vào cốt lõi của các nền văn hóa chính trị rất tương đồng ở 3 nước nói trên. Dưới ảnh hưởng của những yếu tố này, các giả định văn hóa về mối quan hệ thích hợp giữa nhà nước và công dân, giữa người cai trị và tầng lớp bị trị hoàn toàn trái ngược với những gì được cho là hiển nhiên ở phương Tây. Trong xã hội 3 nước Đông Nam Á này có một niềm tin ngầm định mạnh mẽ rằng thiện chí và phẩm chất đạo đức cao của những người cầm quyền – chứ không phải là sự phân chia và kiểm soát quyền lực một cách khách quan thường được ưa thích bởi truyền thống tự do – mới là những sự kiềm chế then chốt đối với quyền lực.9 Sự phù hợp của định kiến văn hóa này có thể được thoáng thấy trong việc nhấn mạnh vai trò của gia đình (hay chính xác hơn là của những người làm cha làm mẹ) ở cả 3 nước.

Cân nhắc các yếu tố văn hóa chính trị giúp chúng ta dễ hiểu hơn lý do tại sao cả 3 đảng cầm quyền đều bác bỏ chủ nghĩa đa nguyên và cảm thấy rất khó chịu về xã hội dân sự hoặc bất cứ một hình thức tổ chức nào hoạt động ngoài các khuôn khổ của nhà nước hoặc đảng cầm quyền. Trên khía cạnh này, điều đáng chú ý là các quy định hợp pháp hóa các tổ chức phi chính phủ và hoạt động của các tổ chức này đã tiến bộ một cách chậm chạm và thường gắn với nhiều tranh cãi ở cả 3 nhà nước nói trên.

Sự tập trung vào văn hóa chính trị cũng giúp làm sáng rõ đặc trưng của các cuộc bầu cử ở Việt Nam, Campuchia và Lào. Ở những nước này, giới cầm quyền xem bầu cử là cơ hội để người dân khẳng định những công lao đích thực của các nhà lãnh đạo hơn là một cuộc cạnh tranh giữa những lựa chọn khác nhau.10 Vì vậy, ở Việt Nam và Lào, Nhà nước luôn tìm cách kiểm soát những người được bầu vào quốc hội, còn ở Campuchia, Hunsen đã hành động như thể theo bản năng nhằm dập tắt bất kỳ quan điểm nào coi bầu cử như một cuộc cạnh tranh nghiêm túc.

Hơn nữa, việc cân nhắc đúng mức vấn đề văn hóa chính trị đặt ra những câu hỏi sâu sắc về điều gì đang diễn ra khi mà các đảng cầm quyền làm việc với cộng đồng tài trợ quốc tế trong các lĩnh vực như cải cách hành chính công hay chống tham nhũng. Những cải cách mà các nhà tài trợ thúc đẩy thường lên quan đến sự phân chia và kiểm soát quyền lực mang tính thể chế, điều mà giới lãnh đạo các nước tiếp nhận tài trợ nhìn nhận với sự hoài nghi sâu sắc. Bất kể các nhà tài trợ nghĩ gì về những việc họ đang làm, trên thực tế giới lãnh đạo địa phương hoặc là thiếu nghiêm túc về việc thể chế hóa các cải cách tự do, hoặc là khăng khăng giải thích hay áp dụng chúng theo những cách phi tự do. Cuối cùng, sự tập trung vào văn hóa chính trị giúp dễ hiểu hơn (dầu không phải để tha thức cho) khuynh hướng các nhà cầm quyền đối xử một cách gay gắt với các nhà bất đồng chính kiến và những người chỉ trích khác. Các quyền, theo lối tư duy của những người cầm quyền, bắt nguồn từ việc phải tuân theo nếp suy nghĩ gia trưởng, lấy giới tinh hoa làm trung tâm này. Vì vậy, không có sự tuân thủ cũng đồng nghĩa với không có quyền.11

Ngoài một nền văn hóa chính trị không thân thiện, một trở ngại lớn khác mà nền chính trị tự do đang vấp phải tại Việt Nam, Campuchia và Lào có thể được quy cho sự trỗi dậy của “chính trị tiền bạc” cùng với kết quả kéo theo của nó là sự thương mại hóa nhà nước. Cải cách ở Đông Nam Á thường được cho là gắn liền (một cách ngấm ngầm hoặc rõ ràng) với tự do hóa kinh tế và sự thoái lui của Nhà nước. Nhưng đó không phải là những gì đã diễn ra. Những năm tháng cải cách ở Việt Nam, Lào, Campuchia đã thực sự chứng kiến quá trình thị trường hóa, cùng với đó là một dạng thăng tiến của nhà nước hơn là sự thoái lui, khi mà các chính trị gia, các quan chức và những người có quan hệ mật thiết với họ đã tranh thủ lợi dụng những người trong cuộc tiếp cận các cơ hội kinh doanh gắn liền với quá trình thị trường hóa và toàn cầu hóa để làm giàu cho bản thân.

Ở Việt Nam, quá trình này được ghi nhận lần đầu liên quan đến sự gia tăng của các nhóm lợi ích doanh nghiệp nhà nước từ những năm 1980, khi mà những người có các mối quan hệ chính trị bắt đầu tích lũy tư bản thông qua việc tham gia vào các giao dịch thị trường, ngay cả trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung. Ở Lào, sự thương mại hóa nhà nước là rõ ràng có liên hệ khá thường xuyên đến các chính trị gia và họ hàng của họ, được biết đến như những người nắm giữ các vị trí cao đầy uy quyền của nền kinh tế Lào. Ở Campuchia, quá trình này bắt đầu vào cuối những năm 1980 với việc bán tháo các tài sản nhà nước, chủ yếu bởi đảng CPP, khi mà Hunsen cố lôi kéo thêm đồng minh và gây ảnh hưởng đối với người dân nhằm chuẩn bị cho những thay đổi được dự báo sẽ diễn ra trong môi trường chính trị nước này.

Những đặc trưng của nền kính tế chính trị trong “kỷ nguyên cải cách” này đều tương đồng nhau ở cả Việt Nam, Campuchia và Lào. Trước hết, như đã được đề cập thì các mối liên kết hoặc quan hệ chính trị thường đóng vai trò cốt yếu. Đây là những điều cần thiết cho sự bảo đảm về mặt chính trị cũng như tiếp cận nguồn đất đai, vốn, các hợp đồng, hoặc có được (nếu không né tránh) những giấy phép cần thiết. Xung đột lợi ích là phổ biến, với việc các cán bộ công chức (thường thực hiện các hành động thông qua bạn bè hoặc họ hàng) hoạt động trong các lĩnh vực của nền kinh tế mà họ chịu trách nhiệm điều hành. Hoạt động đầu cơ trục lợi dựa trên các thông tin tay trong có được nhờ làm việc trong các cơ quan nhà nước là khá thường xuyên. Đầu cơ đất – hay việc thâu tóm đất trực tiếp ở Campuchia – rất phổ biến ở cả 3 nước và đã chứng tỏ là con đường màu mỡ để giàu có nhanh chóng đối với các quan chức, nhất là kể từ khi đất đai bắt đầu khôi phục lại thành hàng hóa có thể chuyển nhượng vào cuối những năm 1980.

Trong tâm trí nhiều người ở cả 3 nước tồn tại một sự liên kết chặt chẽ giữa việc nắm giữ các chức vụ nhà nước với việc vun vén tài sản cá nhân. Giống như trường hợp về nền văn hóa chính trị của giới tinh hoa, trường hợp này cũng có nguồn gốc lịch sử lâu đời, đồng thời tiếp nhận những động lực mới từ những hoàn cảnh mới – trong trường hợp này, đó là những yếu tố mà gắn liền với cải cách kinh tế dựa theo thị trường. Ở Việt Nam, Campuchia và Lào, lương công chức đều thấp, nhưng những người có tham vọng sẽ trả nhiều tiền để có được chức vụ và qua đó tiếp cận dễ dàng đến các lợi ích cá nhân mà chức vụ đó mang lại. Vì vậy, đối với người đưa hối lộ, lượng tiền hối lộ để được đề bạt dường như là một khoản đầu tư mà có thể dễ dàng thu lại được nhờ những khoản tiền tô (rents) và các cơ hội khác mà một quan chức ở cương vị tốt có thể nhận được.12

Ở cả 3 nước trên, nền kinh tế chính trị này đang có những tác động sâu sắc đối với chính trị. Sự bất bình đẳng cao không chỉ về mặt thu nhập mà cả về sở hữu đất tập trung. Ví dụ như ở Campuchia, nơi mà quá trình tích lũy đất đai là kinh khủng nhất, thì chỉ một phần mười dân số thường sở hữu đến gần hai phần ba diện tích đất và một phần mười giàu nhất trong số đó – tương đương một phần trăm dân số nước này – được ước tính sở hữu từ 20% đến 30%. Cứ năm hộ gia đình ở nông thôn thì có một hộ là không có đất và con số này tiếp tục gia tăng 2% mỗi năm.13 Các lợi ích kinh doanh đang có ảnh hưởng ngày càng lớn lên chính trị, đôi khi đến mức thâu tóm nhà nước. Vận động hành lang sau hậu trường đối với chính phủ tăng mạnh khi mà các doanh nghiệp cố định hình các luật lệ theo hướng có lợi cho mình. Các đảng cộng sản cầm quyền hiện cho phép những người kinh doanh, các nhân vật có tiếng thuộc thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào quốc hội. Sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa chính phủ và các doanh nghiệp đang thúc đẩy khuynh hướng thiên vị của nhà nước đối với giới tư bản khi các tranh chấp thương mại phát sinh, đồng thời khiến cho giới tinh hoa chính trị gia tăng thái độ thù địch bản năng đối với các công đoàn độc lập.

Cuối cùng, có mối liên hệ trực tiếp giữa nền kinh tế chính trị của “kỉ nguyên cải cách” này với việc nền quản trị tự do không thể đạt được nhiều tiến bộ. Trong lĩnh vực cải cách hành chính công, vốn từ lâu đã là một trụ cột chính trong các nỗ lực tài trợ cho các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, nỗ lực nhằm loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà thường không đạt được những cắt giảm toàn diện, bởi vì các chức vụ hoặc cơ quan bị loại bỏ ở nơi này lại được thay thế bởi những chức vị hoặc các vụ cục mới ở nơi khác. Điều này thường gây khó hiểu đối với những người bên ngoài, nhưng nó hoàn toàn có lý đối với những người nào hiểu được việc nắm giữ các chức vụ công và việc thu vén cá nhân gắn kết với nhau như thế nào trong xã hội các nước nói trên. Việc dừng hoạt động các bộ ngành hoặc làm rõ các mô tả công việc sẽ trực tiếp đánh vào cách cư xử tùy tiện mà các quan chức thường dựa vào đó để kiếm thêm thu nhập, và vì vậy những biện pháp này phải bị lãng tránh.
  (Ngiên cứu Quốc tế)

Lê Phan - Thành bại luận anh hùng

Là một người dân miền Nam đã từng sống qua những ngày mất nước sau năm 1975, mấy hôm nay tôi ngồi đọc những tài liệu được các tờ báo trong nước phổ biến về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 mà nhiều khi nghĩ lại càng thấm thía.

Trong những năm đầu sau khi chiến thắng lấy được miền Nam, thái độ không những của chính quyền mà còn của đa số người dân miền Bắc đối với miền Nam phải nói chung là một thái độ miệt thị. Cũng như chính quyền của họ, người dân miền Bắc coi thường những con người miền Nam, từ các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đến công chức, đến cả người dân bình thường.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trở thành “ngụy quyền,” quân nhân Việt Nam Cộng Hòa trở thành “ngụy quân,” và người dân miền Nam trở thành, như một người bạn chúng tôi đã đùa bảo “ngụy dân” tức là một thứ dân hàng nhì, không đáng được làm dân của chế độ.
Rồi thì một cuộc trả thù vĩ đại đã diễn ra. Lệnh “tập trung cải tạo” được đưa ra lúc đầu với luận điệu là chỉ đi “học tập” một thời gian thì sẽ được về an cư lạc nghiệp. Có những người như chúng tôi biết rõ luận điệu đó hoàn toàn giả dối và mục đích chính là để bỏ tù toàn thể những thành phần mà chế độ coi là thù nghịch.
Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, rồi năm này qua năm khác, nhưng người gọi là đi “học tập” không thấy trở về. Vài tháng sau, gia đình nhận được thơ để đi thăm nuôi. Cái cảnh cả nước gồng gánh đi thăm nuôi thân nhân. Gần thì cũng Long Khánh, Xuân Lộc, xa có người lặn lội ra cả ngoài Bắc. Ở trong Nam, những người đi thăm nuôi được bà con giúp đỡ, nhưng ở ngoài bắc, thái độ thù nghịch thấy rõ.
Nhưng không phải chỉ những công chức quân nhân cao cấp và trung cấp bị đi tù. Cuộc trả thù bắt đầu lây sang dân chúng. Các nhà tù đông nghẹt người. Họ là những kẻ đã tìm cách “vượt biên,” họ là những kẻ bị coi là tư sản, họ là những người dân không quen và không hiểu luật lệ của chế độ mới. Họ là những người dân sống trong một quốc gia đã bại trận. Sự bắt bớ nhiều khi nhỏ mọn đến một cách nực cười mặc dầu là cười ra nước mắt. Trong nhà giam Chí Hòa tôi đã gặp hai chị em bị bắt chỉ vì cái tội “thuê nhà cách mạng.” Khi hỏi thì ra hai cô đã thuê phải một căn nhà vốn là của một người đã đi tập kết ra Bắc sau năm 1954, nay trở về. Ðòi nhà thì hai cô trả ngay nhưng người kia không chịu muốn bắt các cô bỏ tù cho bõ ghét!
Cuộc chiến tranh Việt Nam, mặc dầu có những sự can thiệp của Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Cộng, nhưng vẫn là một cuộc nội chiến. Ða số máu đổ thịt rơi là máu thịt người Việt. Không nội chiến sao được khi mà riêng trong gia đình tôi, tôi có một ông chú là đại tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa nhưng tôi cũng có một ông chú là đại tá trong quân đội Nhân Dân Việt Nam. Nhưng chính quyền thắng trận đã thù ghét những đối thủ nhưng cũng là đồng bào của mình còn hơn cả kẻ địch nước ngoài. Những ngôi mộ khang trang của các binh sĩ Trung Cộng sang xâm lăng Việt Nam hồi năm 1979 đã là bằng cớ. Nhất là khi so với cảnh hoang tàn của Nghĩa Trang Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa ở Biên Hòa.
Ðã có lần, trong một lúc mạn đàm, tôi đã từng hỏi những bạn bè miền Nam là nếu miền Nam thắng, nếu chúng ta là kẻ thắng chúng ta có làm vậy không? Và hầu hết nghĩ là không. Dĩ nhiên là sẽ có một số trả thù cá nhân, nhưng đưa việc trả thù lên thành một quốc sách thì khó chấp nhận quá.
Cũng có người bảo thế thái độ của Vua Gia Long đối với triều thần của Vua Quang Trung thì sao? Có người trả lời, “Chúng ta đã từng chê Vua Gia Long nhỏ mọn, chả lẽ chúng ta cũng hành xử như vậy sao?” Có người khác tìm cách giải thích qua quan niệm “chính-ngụy” của Nho giáo.
Thế rồi một người hỏi, “Tại sao họ làm vậy? Tại sao họ lại hận thù đến thế?” Một chuyên gia về chế độ cộng sản ở miền Bắc tìm cách giải thích là một phần họ nghĩ phải uy hiếp như vậy là vì họ biết, qua chính những tài liệu mà Việt Nam Cộng Hòa đã thu được trước khi mất nước, là chỉ có khoảng 15% dân chúng miền Nam là theo họ. Nói cách khác họ đàn áp vì họ sợ.
Tuy vậy tôi vẫn không hiểu. Tôi không hiểu được tại sao ông anh họ nhà tôi có thể hỏi, “Thế chú nợ máu với nhân dân bao nhiêu mà nhà cao cửa rộng thế này?” Sau này khi chứng kiến nước Ðức thống nhất, tôi lại càng thấy khó hiểu tại sao?
Ba mươi chín năm trôi qua.
Hôm nọ tôi được đọc nhà báo Huy Ðức trích lại một đoạn trên báo Thanh Niên trong số ra ngày 12 tháng 1 năm 2014 như sau, “Trong một buổi làm việc chính thức, một thiếu tá VNCH đã hỏi ông Quang: ‘Chúng ta đều là người Việt, hiện tại chúng ta đang là kẻ thù của nhau nhưng sau này có lẽ sẽ không là kẻ thù của nhau nữa. Tôi xin hỏi liệu sau này có một cường quốc phương bắc xâm chiếm một mảnh đất nào của chúng tôi hoặc của các ông thì các ông sẽ đối phó ra sao?’ ‘Lúc đó tôi mới ngoài 30, nhiều vấn đề cũng chưa hiểu rõ để đủ sức trả lời câu hỏi này. Chỉ một năm sau đó khi xảy ra sự kiện Hoàng Sa tôi mới thấy rằng chính những người ở phía đối địch hóa ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta,’” ông Quang nhớ lại. (Ông Quang đây là ông Nguyễn Ðăng Quang, thành viên của phái đoàn miền bắc trong Phái đoàn quân sự bốn bên hồi đó sống ở Tân Sơn Nhất.)
Ông Quang đã vỡ lẽ một việc, đối thủ của ông bên kia chiến tuyến cũng là những người Việt Nam.
Giờ đây trên trang báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, đã có hàng loạt bài viết về cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Những bài báo hết lời ca tụng các chiến sĩ anh hùng của Việt Nam Cộng Hòa trong cố gắng bảo vệ tổ quốc.
Nhưng điều đáng ghi nhận hơn là việc tờ Thanh Niên Online đã đưa nguyên văn hai Tuyên cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa ngày 19 tháng 1 năm 1974 và Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ngày 14 tháng 2 năm 1974.
Và tờ báo biện luận cho việc đăng tải này như sau, “Chúng ta coi những tờ chiếu, tờ lệnh mà các triều vua, chúa thời Nguyễn ban cho các đội thủy quân, đội dân binh đi thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa là bằng chứng chứng minh chủ quyền, cho thấy hoạt động thực thi chủ quyền cấp nhà nước của các nhà nước tại Việt Nam là liên tục và không bao giờ từ bỏ. Thì ở đây, sự kiện các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa nổ súng vào tàu quân xâm lược Trung Quốc, cũng như những tuyên bố chính thức từ Chính phủ, Bộ Ngoại Giao và các cơ quan khác thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xung quanh hải chiến Hoàng Sa 1974 là những bằng chứng đanh thép tố cáo hành động xâm lăng phi pháp của Trung Quốc, khẳng định ý chí chủ quyền không bao giờ nhượng bộ của người Việt Nam.”
Bây giờ mới biết chúng ta cũng đều là người Việt Nam thì đã quá trễ. Nhưng có lẽ trễ còn hơn không.
Lê Phan
Báo Người Việt

Đằng sau chính sách kỷ niệm Hoàng Sa

Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm đã có sự dịch chuyển chính sách khi cho phép địa phương đánh dấu 40 năm sự kiện hải chiến Hoàng Sa tháng 1/1974.

Nhưng việc người dân bị cản trở làm lễ tưởng niệm tại trung tâm thủ đô Hà Nội cho thấy sự dè chừng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Người dân tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa 40 năm ở Hà Nội dù bị ngăn cản.

Trong những ngày trước dịp đánh dấu sự kiện quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc sau trận đánh ngắn ngủi từ 17 đến 19/1/1974, báo chí chính thống Việt Nam được tự do đăng các tư liệu và bình luận về sự kiện.

Tại Đà Nẵng, nơi theo luật Việt Nam quản lý Hoàng Sa, cũng đã tổ chức một số hoạt động như triển lãm về Hoàng Sa và Trường Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng, Hội thảo Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Dù vậy, UBND huyện Hoàng Sa đã xin lỗi khi hủy buổi lễ thắp nến tri ân hướng tới Hoàng Sa dự tính tổ chức ngày 18/1.

Và tại thủ đô Hà Nội hôm 19/1, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói với BBC cuộc tưởng niệm của người dân ở khu vực Tượng Đài Vua Lý Thái Tổ, Vườn hoa Chí Linh, đối diện Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã bị cản trở bởi một lực lượng phối hợp khá đông đảo giữa an ninh, công an, trật tự, dân phòng.

Truyền thông nhà nước và Hoàng Sa
Giáo sư Chi, đồng khởi xướng trang mạng Bauxite Việt Nam, nói động thái cho thấy sự 'bị động' của chính quyền.

Ông nói: "Việc để cho dân tự do được làm một cuộc tưởng niệm mà mình có tham dự với tư cách tiếng nói của người cầm quyền, chính chỗ đó là chỗ mà giữa hai bên, phía cấp tiến và phía bảo thủ, tôi chắc là có sự khác nhau và cuối cùng mới diễn ra một sự bị động như thế.”

"Chứ còn giải quyết thông đồng bén giọt, thành một chủ trương đâu ra đấy thì tôi chắc không thể có hiện tượng như sáng nay, bầy ra việc để cho thợ cưa đá làm bụi mù mịt lên ở chỗ Tượng Lý Thái Tổ và có những cái loa xói vào tai mọi người như vậy."

Truyền thông




Có lẽ vấn đề giải quyết bài toán đối ngoại mà đặc biệt là giải bài toán 'đi dây' trong hệ trục tay ba là cực kỳ khó khăn, muốn giải quyết vấn đề đó, họ phải giải quyết vấn đề đối nội."

Phạm Chí Dũng
Từ Sài Gòn, hôm Chủ Nhật, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, cựu Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên, nói với BBC ông tin rằng mọi chủ trương, hoặc thay đổi chủ trương về đưa tin bài với truyền thông báo chí chính thông, nhà nước đều phải có chủ trương từ trên xuống.

Theo ông Chênh, lúc đầu ban lãnh đạo đã có một số động thái cởi mở, cho phép truyền thông chính thống được đề cập khá chi tiết, tường tận sự kiện Hoàng Sa, làm cho nhiều người tưởng rằng chính quyền muốn 'đối kháng' lại những động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng do có áp lực rất mạnh, mà Bộ Chính trị hoặc một cấp còn cao hơn, đã phải tính toán lại.

Ông nói: "Tất cả những gì thể hiện trên báo chí đều phải được thay đổi từ trên cấp lãnh đạo.”

“Chúng tôi nghĩ rằng lãnh đạo mình đã có thay đổi mạnh mẽ, để đối kháng lại những thái độ hung hăng kể cả của Trung Quốc trên Biển Đông, mà thể hiện ra càng ngày càng dồn dập như đưa hàng chục ngàn tàu cá, rồi tuyên bố 'đường lưỡi bò', rồi sau đó tuyên bố vùng cấm đánh bắt cá v.v...

 'Lục đục nội bộ ảnh hưởng tới Hoàng Sa'
"Sau đó mọi người xôn xao và nói rằng có lệnh ở trên bắt phải ngưng lại hết, lệnh đến từ đâu thì có người nói đến từ Bộ Chính trị, có người nói còn xa hơn Bộ Chính trị nữa, chắc chắn là có phản ứng, qua đó thấy chắc chắn là có phản ứng của phía nhà cầm quyền Trung Quốc."

Luồng dư luận mà ông Chênh đề cập xem sự kiện Hoàng Sa 40 năm là một phép thử chính trị.

Những người theo quan điểm này cho rằng chính quyền Việt Nam đang bối rối trước áp lực được cho là rất mạnh của Trung Quốc.

'Giải bài toán đi dây'

Cũng hôm 19/1 từ Sài Gòn, nhà báo tự do, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng tin rằng căn gốc của sự kiện này và nói rộng hơn, nhiều vấn đề khác trong chủ trương, đường lối chiến lược của Việt Nam hiện nay là từ sự khó khăn trong việc xử lý quan hệ tay ba Việt Nam, Trung Quốc, Phương Tây.

Theo ông Dũng, chính việc xử lý lúng túng này đã dẫn tới nhiều cung cách hành xử bất nhất, của chính quyền Việt Nam.

Việc xử lý được cho là 'đi dây' trong quan hệ tay ba nói trên đang là thách thức lớn nhất của Đảng và chính quyền, vì nếu Việt Nam được cho là tiếp tục chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, thì họ lo ngại bị Bắc Kinh lấn lướt về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.

Tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa ở CLB do Phaolo Nguyễn Văn Bình tổ chức hôm 18/1/2014 ở Sài Gòn.
Trong khi đó, nếu Hà Nội tìm cách 'đến gần hơn' phương Tây và cải cách, thì có thể nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ không hài lòng,đồng thời 'cải cách và xích lại' với phương Tây có thể làm cho lợi ích, vị thế của chính Đảng Cộng sản bị ảnh hưởng.

Tiến sỹ Dũng cho rằng Việt Nam phải đi từ gốc vấn đề bằng cách giải trước 'bài toán nội bộ'.

Ông nói: "Nay vào thời điểm sắp hoặc gần được gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nội tình Đảng Cộng sản Việt Nam đã không còn thống nhất được như trước nữa,

"Và một khi không thống nhất được, thì có lẽ vấn đề giải quyết bài toán đối ngoại mà đặc biệt là giải bài toán 'đi dây' trong hệ trục tay ba là cực kỳ khó khăn, muốn giải quyết vấn đề đó, họ phải giải quyết vấn đề đối nội.”

"Không loại trừ tới một thời điểm nào đó, sự xung đột giữa các nhóm lợi ích, sẽ trở nên bùng nổ và lên tới cao trào, mang tính sống mái, chứ không còn là thỏa thuận, thỏa hiệp với nhau nữa," Tiến sỹ Dũng nhấn mạnh.

'Kỳ vọng, chia sẻ'

'Một lần nữa nhà cầm quyền bị động'
Trở lại với sự kiện có thay đổi trong chủ trương của chính quyền trong đánh dấu trận Hải chiến Hoàng Sa 40 năm về trước, một số ý kiến quan sát dịp này cũng bày tỏ một cấp độ chia sẻ, kỳ vọng nhất định vào sự 'thay đổi' quan điểm, chủ trương của Nhà nước trong quan hệ với Trung Quốc, nhất là khi nhìn lại các cuộc xung đột Trung - Việt gần đây.

Hôm 17/1, ông Dương Danh Dy nói với BBC ông tin rằng không chỉ trong đợt 40 năm Hải chiến Hoàng Sa này, mà tưởng niệm các cuộc xung đột với Trung Quốc sắp tới trong năm, sẽ có những thay đổi về phía Đảng và nhà nước.

Cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc trong những năm 1993-1996 nói: "Tôi thấy là chủ trương và không khí năm nay khác hẳn mọi năm. Vì đây là lần đầu tiên vấn đề kỷ niệm ngày chúng ta (Việt Nam) bị mất một nửa Hoàng Sa được tiến hành một cách khá phổ biến và khá rộng rãi, nhiều tổ chức, dân chúng, đoàn thể, các tờ báo, báo chí được công khai phát biểu những bài nói của mình về sự kiện này."




Tôi không tin rằng những ông ở Bộ Chính trị, ở cấp lãnh đạo nhà nước VN là không yêu nước, không có những phản ứng trước thái độ hung hăng của TQ. Tôi tin chắc... các ông đó cũng như người dân cùng một tâm trạng, đều có ý muốn giành lại chủ quyền, đứng vững trước mọi áp lực ngoại bang"

Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
"Tôi biết rằng trong vấn đề Trung Quốc đánh chiếm một nửa Hoàng Sa năm 1974, cũng Trung Quốc đánh chiếm Biên giới phía Bắc năm 1979, thì thái độ của Ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay bắt đầu có những thay đổi. Tôi xin nói rằng sẽ đón chờ, sẽ đến ngày 17/2/2014, trên các phương tiện chính thống, truyền thông Việt Nam sẽ nói về cuộc chiến này một cách khá lạ, khá đậm nét, để cho dân chúng cũng như những người bên ngoài hiểu rõ hơn."

Bình luận về ý kiến của ông Dương Danh Dy, Giáo sư Huệ Chi hôm Chủ Nhật nói: "Ông Dương Danh Dy phát biểu như thế, người ta có thể nghĩ rằng ông ấy lạc quan quá mức cần thiết, bởi vì thực tế chưa cho phép như thế.

"Nhưng đối với người cầm quyền, tôi nghĩ, không phải là họ thay đổi đâu, trước cái sự bề ngoài có vẻ nhẫn nhịn, nhưng bên trong âm thầm chuẩn bị, như mua tàu Kilo chẳng hạn, thì tôi chắc, trước sau nhà cầm quyền cũng đã nghĩ tới việc bảo vệ độc lập lãnh thổ mà nhìn thấy nguy cơ lãnh hải có thể mất thêm và họ chuẩn bị âm thầm."

Còn blogger Huỳnh Ngọc Chênh cũng bày tỏ chia sẻ và hy vọng: "Phải có áp lực mạnh như vậy, vì tôi không tin rằng những ông ở Bộ Chính trị, những ông ở cấp lãnh đạo nhà nước Việt Nam là không yêu nước, không có những phản ứng trước thái độ hung hăng của nhà cầm quyền Trung Quốc,

"Tôi tin chắc như vậy, các ông đó cũng như người dân cùng một tâm trạng, đều có ý muốn phải giành lại chủ quyền, phải đứng vững trước mọi áp lực cùa ngoại bang." ông nói với BBC.
Theo BBC

Saigon phải tưởng niệm Hoàng Sa trong lặng lẽ : Chính quyền lúng túng trước Trung Quốc ?

Buổi lễ đơn sơ tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, Saigon ngày 18/01/2014.
Buổi lễ đơn sơ tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, Saigon ngày 18/01/2014.
diendanxahoidansu
Tại Saigon, không có hoạt động nào hôm nay 19/01/2013 để kỷ niệm 40 năm trận hải chiến bi tráng, sau buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, tổ chức tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình ở số 43 Nguyễn Thông chiều qua.

Tham dự buổi lễ có khoảng 100 người trong đó có giáo sư Tương Lai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, tiến sĩ Phạm Chí Dũng…Đặc biệt còn có sự hiện diện của hai bà quả phụ Huỳnh Thị Sinh và Ngô Thị Kim Thanh, vợ góa của các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa là Ngụy Văn Thà và Nguyễn Thành Trí.

Theo những hình ảnh trên mạng, gian phòng diễn ra buổi lễ không có một băng-rôn nào về Hoàng Sa – Trường Sa, mà chỉ có những dòng chữ viết mờ nhạt, rất khó đọc trên tường « Tưởng niệm, tri ân & cầu nguyện cho các đồng bào & chiến sĩ đã bảo vệ biển đảo », và chữ « Hoàng Sa – Trường Sa » ở phía dưới gần như không đọc nổi.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng dạy tại trường đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhận định chung:


PGSTS Hoàng Dũng - TP Hồ Chí Minh

PGSTS Hoàng Dũng : Ở Việt Nam, thì đúng như là câu thơ của Cao Bá Quát trong bài « Bãi cát dài » :

Bãi cát dài, bãi cát dài
Tiến một bước lại lùi hai bước

Vừa rồi chung quanh những chuyện về Hoàng Sa – Trường Sa thì đúng là như thế. Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến gặp Hội Sử học, cho biết là có thể tổ chức công khai tưởng niệm các liệt sĩ ở Hoàng Sa, kỷ niệm 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, thì người ta tưởng rằng lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi. Nhưng mà những gì xảy ra trên thực tế mấy ngày qua đã cho thấy rằng sự tin tưởng như thế là vội vàng.

Ở Đà Nẵng, người ta biết rằng ông Ngữ là Chủ tịch huyện Hoàng Sa, cuối cùng phải viết một cái thư cáo lỗi. Lý do nêu lên là chuẩn bị không được chu đáo. Cộng đồng mạng truyền đi hình ảnh sân khấu Hoàng Sa được xây dựng rất đẹp, có thể nói là hoành tráng. Không hiểu là « không được chu đáo » nghĩa là gì ?

Nhưng mà ở Việt Nam dần dần người ta phải tập thói quen là nghe như thế, nhưng mà phải nghĩ ra điều khác. Sáng hôm nay ở Hà Nội người dân đi biểu tình cũng để kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị xâm chiếm. Tuy không phải là bị đàn áp một cách bạo liệt như đã từng xảy ra, nhưng không phải là những người biểu tình tự do muốn làm gì thì làm. Nhân viên an ninh cũng xô đẩy, ngăn trở, và trưa nay tôi được giáo sư Nguyễn Huệ Chi là người tham gia trực tiếp vào cuộc biểu tình cho biết rằng đã có lúc đoàn biểu tình phải thét lên : « Đả đảo bọn bán nước ! ».

Như thế chúng ta thấy rằng thay vì tổ chức cho tử tế, mình lại ngăn trở như vậy thì không thể nào mà không khiến cho đồng bào nghĩ không được đẹp về chính quyền. Tôi thấy về mặt ứng xử, điều đó không tốt tí nào.

RFI : Nhưng dù sao cũng còn hơn là ở Saigon, vì không thấy có hoạt động nào, trừ buổi lễ tưởng niệm hôm qua mà những dòng chữ viết trên tường cũng rất mờ nhạt ?

Tôi là người có tham dự buổi đấy, phải nói là rất bất ngờ khi chỉ có một tấm bảng, trên đó viết bằng bút mấy dòng chữ để tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ ở Hoàng Sa, rất là nhạt. Chính tôi chụp ảnh mà cũng không thấy rõ được.

Tại sao như vậy ? Thì tôi có đi hỏi một người có trách nhiệm. Họ cho tôi biết, tất nhiên là với tất cả sự dè dặt, rằng rất có thể là do an ninh – do những người phụ trách về chính trị, an ninh gây áp lực cho Dòng Đa Minh, là đơn vị tổ chức, chủ sở hữu địa điểm 43 Nguyễn Thông. Đến mức những người tổ chức không biết là có thể được tổ chức hay không.

Cuối cùng khi đã được tổ chức, họ có ra một điều kiện là không được có băng-rôn, biểu ngữ gì cả, đẩy phía tổ chức vào thế bị động. Vì trước đây theo tôi biết là họ đã có chuẩn bị băng-rôn rồi, chứ không phải đến nỗi là không có gì cả. Nhưng đến khi bị ra lệnh như thế, mà bên này thì muốn tổ chức, nên không kịp chuẩn bị một cái gì đó đẹp hơn, để ít ra người ta cũng thấy là chu đáo, thì không làm kịp.

Cũng theo tôi biết, người ta đòi phải bảo đảm không được biểu tình. Tôi nhớ là anh bạn kể cho tôi chuyện này đã nói rằng ở trong khuôn viên của 43 Nguyễn Thông thì chúng tôi bảo đảm, nhưng mà ra ngoài thì đó là chuyện của các anh, tôi không biết được.

Có thể nói với chị sơ qua cái không khí như thế. Tôi xin nói lại, nếu cho đó là thông tin chính thức thì không phải, vì chả ai nhân danh người tổ chức để trả lời chính thức như vậy. Nhưng đó là những tin do bạn bè cho biết, và ở Việt Nam thì những cái tin như thế này không xa sự thật bao nhiêu đâu.

RFI : Cám ơn ông đã cho biết những chi tiết trên. Nhưng ông nghĩ gì, khi sau đúng bốn mươi năm, những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa lại một lần nữa bị lãng quên ?

Tôi thấy khó nói rằng một lần nữa bị lãng quên, mà trong lòng của từng người dân – những người nào biết nghĩ về đất nước thì họ không thể quên được. Và ngay cả báo chí « lề phải », tuy dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ban tuyên giáo, của cấp trên, nhưng vừa rồi họ cũng có làm được nhiều chuyện về Hoàng Sa.

Họ công khai nói về cái chết của những người đã ngã xuống ở Hoàng Sa năm 1974. Họ đi vào chi tiết nữa cơ, chứ không phải chỉ nhắc qua đâu. Tờ Tuổi Trẻ chạy một loạt đến năm bài liền, tờ Thanh Niên cũng như vậy. Sự lặng đi của báo chí « lề phải » chỉ mới xảy ra một, hai ngày nay thôi. Tức là sự thay đổi chính sách nó nhanh lắm, và cũng mới đây thôi.

Có thể nói rằng quên thì không phải quên, nhưng tất cả những chuyện khi cho phép, khi thì không cho phép – tôi xin mở ngoặc, ngay cả khi không cho phép cũng không có nghĩa là quên – phản ánh một chính sách ở trên họ lúng túng không biết đối xử với Trung Quốc ra làm sao. Hoặc thậm chí đối xử với nhau như thế nào. Họ chưa kịp nghĩ, hay là nghĩ rồi mà không có cách giải quyết !

Tôi nghĩ việc chỉ đạo báo chí khi thế này, khi thế kia phản ánh tình hình đó. Chứ không phải lúc họ chợt nhớ, lúc lại quên bẵng.

RFI : Ông có nghĩ là do bị áp lực từ phía "bên kia" ?

Bên kia là bên nào hả chị ?

RFI : Dạ, từ Trung Quốc chẳng hạn…

À, cái đó tôi không rõ. Mà người ta đoán là như thế. Nhưng thực ra chuyện chính trị ở Việt Nam là một thứ chính trị hũ nút, không ai cho ai biết đâu. Chúng ta có thể biết được rất nhiều tin ở nước ngoài, thậm chí tôi có thể biết kỹ lưỡng cái tin Tổng thống Pháp đi vào thăm cô vợ đang bị sốc nằm ở bệnh viện. Thế nhưng khó thể đọc cái tin như thế ở Việt Nam, về những ông lãnh đạo Việt Nam.

Người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền tự do tìm hiểu tin tức của toàn thế giới, chứ còn ở Việt Nam thì không. Thành thử tôi không có đủ thông tin để nói như vậy.

Nhưng mà vấn đề ở chỗ này : Nếu người ta cứ làm như thế, thì tránh sao được người dân nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam đã bị phương Bắc làm áp lực rồi, và phải chịu thua cái áp lực đó.
RFI : Xin rất cảm ơn Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Người Việt ở Nhật xuống đường nhân 40 năm “hải chiến Hoàng Sa”

1390146727.nv
Người Việt Nam ở Nhật cũng biểu tình tuần hành và gửi văn bản phản đối chính quyền Trung Quốc vì sự cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa, diễn ra cách đây tròn bốn thập niên.

Tờ “Sankei” (Sản Kinh) dẫn nguồn từ Hãng Thông tấn Nhật Kyodo cho hay, khoảng một trăm người, là những viên chức và lưu học sinh Việt Nam tại Nhật đã tổ chức diễu hành biểu tình ở khu Minato (nơi tập trung nhiều đại sứ quán nước ngoài ở thủ đô Tokyo), đồng thanh hô vang khẩu hiệu “Trung Quốc hãy cút khỏi Tây Sa, Hòa bình cho biển Đông” (*).

Những người tham dự đã tập trung lại qua lời kêu gọi trên mạng xã hội Facebook. Cuộc tuần hành khởi đầu lúc 10 giờ sáng ở đoạn đường gần ĐSQ Trung Quốc, và diễn ra trong khoảng 45 phút. Trên quãng đường dài chừng 1,7 km, biểu ngữ “Các bạn Nhật và các nước ASEAN, Việt Nam vì hòa bình trên biển Đông, sẽ cùng hành động với các bạn” đã được giơ cao.

Đoàn biểu tình cũng đã bỏ vào hộp thư trước cửa ĐSQ Trung Quốc văn bản phản đối việc Trung Quốc đưa ra luật cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Trao đổi với báo chí, một thanh niên (29 tuổi) đang du học tại một trường đại học quốc lập ở Tokyo, đã chia sẻ: “Việt Nam là một đất nước nhỏ bé nhưng cả chúng tôi, thế hệ trẻ, muốn khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của đất nước chúng tôi”.

*
Trở lại lịch sử, vào ngày này cách đây tròn bốn mươi năm, đã xảy ra một trận chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, khi đó do Việt Nam Cộng hòa bảo vệ và thực hiện được chủ quyền. Trận chiến này, về sau được gọi bằng cái tên “Hải chiến Hoàng Sa 1974”, và gắn liền với tên tuổi của 74 quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh khi bảo vệ tổ quốc.

Kể từ năm 1975, “Hải chiến Hoàng Sa” trở thành một “điểm trắng” trong lịch sử Việt Nam khi nó ít được nhắc tới trong sách vở và dần dần trở thành một đề tài “cấm kỵ” trong “chính sử”. Phải tới dịp hồi tưởng năm nay, nhân tưởng nhớ bốn mươi năm mất Hoàng Sa, báo chí trong nước mới có dịp đăng tải những chuỗi bài vở về sự kiện Quân đội Cộng sản Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19-1-1974.

Cuộc biểu tình của người Việt tại Nhật Bản nói trên là một trong số nhiều nỗ lực của người Việt trên toàn thế giới hướng về Hoàng Sa. Trong khuôn khổ chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” do một số cá nhân chủ trương, chỉ sau 12 ngày, hơn 500 triệu đồng đã được quyên góp để ủng hộ phần nào “cho thân nhân những người lính đã hy sinh ở Hoàng Sa và cho những người lính từ Hoàng Sa trở về sống âm thầm suốt 40 năm qua”.

Bên cạnh đó, trong vòng 8 ngày, đã có hơn 16 ngàn người trên thế giới ký tên vào một lá thư gửi Liên Hiệp Quốc nhân 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa. “Đây cũng là dịp để cả thế giới nhìn lại sự kiện này và cũng là dịp để Trung Quốc có thể sửa chữa sai lầm của mình trong quá khứ” – lá thư được soạn thảo bởi hai tổ chức dân sự độc lập Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và Nhóm Biển Đông tại Pháp nhấn mạnh.

Với những tâm nguyện yêu nước mạnh mẽ như thế, người dân Việt Nam có quyền mong mỏi và đòi hỏi một thông điệp rõ ràng, cương quyết và trước sau như một hơn nữa từ phía chính quyền, nhất là khi đúng vào dịp tưởng niệm, Chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa ở Đà Nẵng đã bị hủy vào phút chót vì những lý do không được nêu rõ, loạt bài viết trên báo chí về “Hải chiến Hoàng Sa” thì đột ngột bị ngừng và cho “ẩn” vào trong những trang báo mạng…
(*) Tây Sa là tên mà chính quyền Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo Nhịp Cầu Thế Giới
 

Tại sao Thụy Sĩ giàu có và phát triển?

Sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Israel.... trí thức Việt bắt đầu tham chiếu đến cách thức phát triển và thành công của Thụy Sĩ - quốc gia nổi tiếng với sự ổn định, an toàn và thịnh vượng. 
Thụy Sĩ có tỷ lệ bằng sáng chế, tỷ lệ số người đoạt giải Nobel trên đầu người cao nhất thế giới, được xếp hạng là quốc gia cạnh tranh nhất thế giới, và hệ thống giáo dục cũng thuộc loại tốt nhất thế giới. Đất nước này cũng chiếm mật độ cao nhất trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn. 
Swiss Made, sách, Thụy Sĩ, con người, bí quyết thành công, phát triển, thịnh vượng
Cổ động viên Thụy Sĩ
Không một đất nước nào khác với diện tích nhỏ bé như thế lại đạt được thu nhập bình quân vượt trội, trong khi vẫn đảm bảo mang lại những lợi ích công bằng và hợp lý. Không một quốc gia láng giềng nào với cùng diện tích lãnh thổ, hoặc tương đương có thể nắm giữ vị trí dẫn đầu trong nhiều ngành công nghiệp như thế, mà không phải gánh chịu sức ép từ làn sóng toàn cầu hóa. 
Không một quốc gia phát triển nào có thể cất bỏ gánh nặng trên vai thế hệ tương lai từ những khoản nợ khổng lồ hay ảo tưởng kích thích tăng trưởng đang lớn dần trong cộng đồng, phát sinh từ an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe. Và tại mọi quốc gia khác, tiếng nói của mỗi công dân cũng không thể tạo được sức mạnh và tiếng vang lớn như tại Thụy Sĩ.
Vì sao?
"Swiss Made: Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ" là tác phẩm do cựu phóng viên tờ The Economist - James Breiding thực hiện. James sở hữu một khối tài liệu đồ sộ bao gồm tiểu sử của những công ty lớn nhất Thụy Sĩ trong các ngành công nghiệp cốt yếu của đất nước này: Sữa và sô cô la (nền công nghiệp thực phẩm dinh dưỡng và ăn liền), Đồng hồ, Du lịch, Ngân hàng, Công nghệ y khoa, Công nghiệp xây dựng và Kiến trúc... Đặc biệt, khả năng phân tích và tóm lược của ông cũng rất ấn tượng. James đã nêu bật được các nguyên nhân chính yếu sau đây:

Swiss Made, sách, Thụy Sĩ, con người, bí quyết thành công, phát triển, thịnh vượng
"Swiss Made: Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ", ra mắt tháng 1/2014
Chính trị & Luật pháp
Cơ cấu chính quyền tại Thụy Sĩ luôn tuân theo ba nguyên tắc chủ chốt: hoài nghi các tập đoàn lớn (“càng nhỏ càng tốt”); tích cực trợ cấp (chi phí quản lý và thuế suất đều được cắt giảm đến mức thấp nhất); và tôn trọng quyền tự do của công dân.
Chính phủ Thụy Sĩ luôn đứng về phía thiểu số – phản ánh tinh thần của “khế ước xã hội” đã được xác lập từ lâu; theo đó, chính phủ sẽ đảm bảo an ninh, trật tự và công lý trên toàn lãnh thổ, nhằm đổi lấy sự ủng hộ của quần chúng. Ông ví von: Người Thụy Sĩ là những nông dân nghèo đến một khu chợ để tìm mua một “bản khế ước xã hội”, như cách họ cố trả giá cho một mớ bắp cải. Họ chỉ chấp nhận mức độ quản thúc nhỏ nhất và từ bỏ ít quyền tự do nhất.
Yếu tố quan trọng thứ hai chính là kết cấu liên bang. Các tiểu bang tại Thụy Sĩ được trao quyền tự trị lớn hơn hẳn các tiểu bang Hoa Kỳ và các địa phương tại Canada. Và ngay tại từng tiểu bang, các khu đô thị cũng có quyền tự trị riêng. Quyền ra quyết sách cũng được thi hành từ cấp hành chính nhỏ nhất. Chi phí công được quyết định hầu hết ở cấp tiểu bang và trong các cộng đồng nhỏ, đồng thời chính sách thuế cũng được thiết lập tại từng địa phương thông qua biểu quyết. 
Đường lối này thể hiện rõ nhất ở chính sách thuế và cơ chế hành chính mang tính phân quyền cao. Người Thụy Sĩ tin rằng kết cấu này sẽ giúp mỗi cấp bậc hành chính trong chính phủ có khả năng tự kiểm soát và tuân thủ luật lệ. Nếu thuế suất lại Zurich quá cao, doanh nghiệp có thể tìm đến Zug hay Schwyz. Nếu một nhà cầm quyền trong sở quy hoạch không muốn thông qua quyết định xây dựng nhà máy, họ có thể tìm kiếm cơ hội tại một địa phương khác.

Swiss Made, sách, Thụy Sĩ, con người, bí quyết thành công, phát triển, thịnh vượng
Thành phố Zurich
Luật pháp Thụy Sĩ đòi hỏi chính phủ liên bang phải duy trì thế cân bằng trong ngân sách quốc gia, và mọi quyết định tăng thuế đều phải thông qua trưng cầu dân ý. Khoảng 70% doanh thu từ thuế đã được định sẵn sẽ chi tiêu trong phạm vi địa phương và cộng đồng, do đó, hoạt động của chính quyền trung ương cũng mặc nhiên được tinh gọn. Đây chính là công thức cho phép Thụy Sĩ thông qua những quyết định ít được hưởng ứng nhưng cần thiết, đồng thời đem lại một môi trường thúc đẩy tinh thần doanh nhân và sản sinh ra của cải vật chất, cũng như khiến người dân cảm thấy thoải mái và được động viên.
Yếu tố thứ ba là ý thức chủ quyền của mỗi cá nhân. Điều này đã được thể hiện một cách hùng hồn trong các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức thường xuyên, và trực tiếp phản ánh tinh thần dân chủ của quốc gia này. Các cuộc trưng cầu dân ý có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, với tần suất dày đặc đến kinh ngạc và bao gồm vô số vấn đề – từ phù phiếm nhất cho đến hệ trọng nhất, điển hình như lấy ý kiến về thời gian làm việc, hoạt động nghiên cứu gen di truyền, các vấn đề địa phận tôn giáo và liên minh châu Âu.
Swiss Made, sách, Thụy Sĩ, con người, bí quyết thành công, phát triển, thịnh vượng
Trụ sở của Google tại Zurich (Thụy Sĩ)

Con người & Lối sống
Những yếu tố then chốt góp phần làm nên sự ưu việt của đất nước Thụy Sĩ – bao gồm tinh thần tự lực, tính kỷ luật, thái độ hoài nghi đối với quyền lực tập quyền và xu thế nhất thời, tinh thần đoàn kết trong xã hội, và sự hào phóng đối với những ý tưởng và con người đến từ bên kia biên giới. Tuy nhiên, những tố chất này cũng được thể hiện trong thành tựu của những quốc gia khác. Và có lẽ chính điều kiện địa lý và lịch sử đã khiến họ không thể phát huy hiệu quả tiềm năng của chúng như tại Thụy Sĩ.
Người Thụy Sĩ đã chấp nhận đà suy thoái mà không có lấy một lời ca thán, trong khi các quốc gia có nền công nghiệp mạnh khác lại tìm cách chối bỏ thực trạng, và tốn công cứu vớt một ngành công nghiệp đáng lẽ nên được chôn cất tử tế. 
Nhưng liệu ai có thể phản bác lại quy luật đạo đức hết sức đơn giản của người Thụy Sĩ – khi họ tin rằng nỗ lực và khả năng chuyên môn sẽ đem lại thành quả, còn dục vọng và sự lười biếng là những thói xấu cần tránh xa? 
Người Thụy Sĩ sở hữu lối tư duy của kẻ sống sót, một di sản có lẽ đã được kế thừa từ nguồn gốc biệt lập của xã hội Thụy Sĩ với những ngọn núi vây quanh; những quốc gia nhỏ bé bao giờ cũng yếu thế hơn những cường quốc rộng lớn, nên tính đa nghi có thể đã phần nào trở thành nét đặc trưng trong suy nghĩ của người Thụy Sĩ. Steve Jobs từng nói rằng, “chỉ có kẻ đa nghi mới tồn tại,” với hàm ý giải thích về khả năng “chuyển bại thành thắng” của người Thụy Sĩ.
Vân Sam
(VNN)

Lãi lớn vẫn than lỗ để tăng giá

Doanh nghiệp lợi dụng ưu thế độc quyền trong khi thị trường chưa minh bạch thông tin.

Một số doanh nghiệp (DN) lớn, chiếm lĩnh thị trường như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT)… đều đã công bố doanh thu "khủng". Thế nhưng trước đó, DN nào cũng than lỗ triền miên và đòi tăng giá. Vậy cơ quan quản lý giám sát độc quyền đã làm hết trách nhiệm chưa? Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, về vấn đề này.
"Bảo bọc" DN độc quyền?

.Phóng viên:Năm 2013, các DN như Petrolimex, EVN, VNPT… đều than lỗ để đề xuất tăng giá. Và nay kết quả kinh doanh của các DN này đều có mức lãi khá lớn. Ông đánh giá về điều này như thế nào?

+ TS Nguyễn Ngọc Sơn: Điều này cho thấy cách quản lý các DN độc quyền đã đi ngược về mặt lý thuyết. Nhà nước đã quá lo toan việc lỗ lã của DN độc quyền trong khi DN độc quyền có đầy đủ cơ sở để có lãi.


Phần lớn doanh thu của các tập đoàn chiếm lĩnh thị trường lại gắn liền với việc tăng giá. Ảnh: HTD

Ở nhiều nước trên thế giới, họ vẫn chấp nhận duy trì sự độc quyền nhưng họ quản lý thế nào để sự độc quyền ấy vẫn phát huy được giá trị của thị trường.

. Nếu so sánh giữa mức lãi của các DN độc quyền với sự khó khăn của cả cộng đồng DN sản xuất thì có bất hợp lý không, thưa ông?

+ Chúng ta phải hình dung rằng bản thân các DN độc quyền đang có lợi thế trong kinh doanh với các khu vực thị trường thứ cấp. Tức là với các DN mà họ phải sử dụng dịch vụ của DN độc quyền. Ví dụ, các DN sản xuất dù muốn dù không cũng phải mua điện, hay DN vận tải thì phải sử dụng xăng dầu… Như vậy bản thân thị trường thứ cấp đã lệ thuộc vào các nhà độc quyền rồi. Giờ Nhà nước lại lo toan lỗ lã cho nhà độc quyền thì rõ ràng về lý thuyết nhà độc quyền đã có hai thứ quyền lực tồn tại đồng thời. Đó là quyền lực kinh tế và sự bảo bọc của nhà nước. Làm như vậy thị trường thứ cấp lại càng yếu. Trong khi các DN độc quyền lãi thì ai sẽ trả lại những thiệt hại mà thị trường thứ cấp phải gánh? Nếu như chưa thay đổi được tư tưởng "bảo bọc" DN độc quyền thì đừng nói gì đến giải pháp.

thiếu minh bạch

. Cơ quan quản lý thường nói các chính sách điều hành giá phải hài hòa lợi ích giữa DN, Nhà nước và người tiêu dùng. Thế nhưng theo ông, lợi ích của người tiêu dùng đã được quan tâm chưa?

+ Một nền quản trị kinh tế văn minh phải trả lời được rằng tôi đang đặt ai vào trung tâm. Đó chính là người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể mất thêm 100 đồng cho 1 lít xăng. Và mức tăng giá đó đối với một người là không lớn nhưng đối với cả cộng đồng xã hội thì đấy là một vấn đề. Hay viễn thông đòi tăng giá cước vì lỗ nhưng rồi lại báo lãi lớn. Rõ ràng chúng ta chưa trả lời được người tiêu dùng ở đâu.

Khi xác định được DN lãi thì cái lãi đó có phải là lãi độc quyền hay không. Chúng ta đã có pháp luật, có Luật Cạnh tranh để bảo vệ người tiêu dùng nhưng tất cả luật ấy đã vươn đến nhà độc quyền chưa? Người tiêu dùng chắc chắn từng người không thể đi đòi từng một đồng, hai đồng vì họ cũng không đủ thông tin. Quyền lực Nhà nước và thiết chế của Nhà nước lập nên trong việc quản trị kinh tế có bổn phận bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng nhưng đã làm được chưa? Như vậy, sự cân đối giữa chính sách quản trị nhà độc quyền với chính sách bảo vệ người tiêu dùng chưa có tương xứng.

. Vậy theo ông làm sao để Nhà nước giám sát tốt các DN độc quyền?

+ Nếu một thị trường chưa minh bạch thì thị trường đó gặp khuyết tật về thông tin. Một thị trường kể cả không có DN thống lĩnh thị trường thì cũng cần minh bạch về thông tin.

Rõ ràng trong năm qua, một số DN than lỗ để Nhà nước đồng ý điều chỉnh giá. Nhưng sau đó đến cuối năm lại lãi "khủng" thì điều đó đã chứng tỏ DN thông tin không đầy đủ. Mặc dù trước đó cơ quan quản lý đã khẳng định rằng minh bạch nhưng đến giờ chúng ta thấy rằng đâu có minh bạch.

Khi chúng ta trả các DN về thị trường thì Nhà nước chỉ nên dùng pháp luật để quản lý các DN độc quyền. Các biện pháp kinh tế cũng phải nhìn nhiều góc độ, phân tích về giá trị kinh tế, thị trường chứ không thể phân tích theo nỗi lo lắng, cảm tính.

. Xin cảm ơn ông.

MAI PHƯƠNG
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) doanh thu năm 2013 đạt 196.330 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.929 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu là 768 tỉ đồng. Năm 2013, giá xăng điều chỉnh tăng, giảm 11 lần.
Doanh thu năm 2013 của VNPT ước đạt 119.000 tỉ đồng, lợi nhuận 9.270 tỉ đồng. Doanh thu của Viettel cũng đạt con số khá lớn 163.000 tỉ đồng, lợi nhuận 26.400 tỉ đồng. Đây cũng là năm ngành viễn thông điều chỉnh tăng các gói cước 3G, trong đó có gói cước tăng đến gần 400%.
Riêng EVN, kết thúc năm 2013 doanh thu toàn ngành đạt 173.000 tỉ đồng, dự kiến lãi 4000 tỉ đồng. Trong năm qua DN này cũng liên tục kêu lỗ và Nhà nước phải đồng ý tăng giá điện hai lần, tương đương 10%.
(PLTP)

Vụ côn đồ hành hung người dân Tiên Lãng: Được thuê để ngăn cản dân giữ đất

Ngày 15-1, Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng xét xử sơ thẩm vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại khu đất để xây dựng nhà máy sản xuất giày của Công ty TNHH Hoa Thành ở thôn Trâm Khê (xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng) vào ngày 21-4-2013.



Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: Mạnh Nghĩa

Có tất cả bảy bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Doãn Đức Chiến (23 tuổi), Bùi Xuân Huy (20 tuổi), Doãn Đức Trung (21 tuổi), Vũ Văn Cường (23 tuổi), Nguyễn Công Thành (17 tuổi), Phạm Mạnh Cường (20 tuổi, cùng trú tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và Kiều Quang Hoàng (21 tuổi, trú tại quận Lê Chân).

Theo cáo trạng, sáng 21-4-2013, Công ty TNHH Quỳnh Dương được Công ty Hoa Thành thuê đưa máy móc vào khu đất để chuẩn bị tiếp tục san mặt bằng, san lấp công trình. Khi người của công ty đến thì những người dân bị thu hồi đất đã ra ngăn cản. Lúc này đã xảy ra mâu thuẫn giữa người dân và một số thanh niên lạ mặt. Hai nhóm người dùng gạch đá ném nhau khiến một số người dân bị thương.

Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đều khai nhận được thuê để ngăn cản người dân vào giữ đất. Doãn Đức Chiến khai nhận được một người tên Hoàng Tiến Thành (45 tuổi, quận Hải An, Hải Phòng) đưa 10 triệu đồng để thuê huy động “quân” về thôn Trâm Khê. Chiến đã nhờ em trai mình là Doãn Đức Trung lôi kéo Huy, Hoàng, Thành, Cường và một số thanh thiếu niên khác.

Chiến cùng nhóm thanh niên này thuê taxi về thôn Trâm Khê. Tại đây, nhóm của Chiến gặp Hoàng Tiến Thành cùng một nhóm thanh niên khác của Nguyễn Văn Đức (41 tuổi, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, Hải Phòng). Hai nhóm này đã hợp lại đứng dàn hàng ngang để ngăn cản người dân vào khu đất. Khi đang xô xát với người dân thì có thêm một nhóm khoảng 20 thanh niên khác cũng đến chửi bới, ngăn cản người dân. Trong quá trình xô xát, các ông Hoàng Văn Hào, Vũ Đình Quý, bà Lương Thị Dích và Đoàn Thị Bé ở thôn Trâm Khê đã bị thương, kết quả giám định bị giảm từ 1-4% sức khỏe.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều khai nhận chỉ làm theo sự chỉ đạo của Doãn Đức Chiến, sau khi xong việc được trả thù lao mỗi người 100.000 đồng, riêng Bùi Xuân Huy được chia 1 triệu đồng. Chiến cũng khai nhận chỉ nhận tiền và làm theo sự chỉ đạo của Hoàng Tiến Thành.

Hiện Hoàng Tiến Thành cùng một số nghi can khác bỏ trốn nên cơ quan công an đã có lệnh truy nã, khi nào bắt được sẽ xét xử trong một vụ án khác.

Về hành vi gây thương tích cho những người dân, do các tài liệu thu thập được chưa làm rõ, xác định được ai là người gây ra thương tích, những người dân không có yêu cầu bồi thường thiệt hại nên chưa xử lý. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo Doãn Đức Chiến 33 tháng tù giam, Bùi Xuân Huy, Vũ Văn Cường cùng 30 tháng tù giam, Doãn Đức Trung 27 tháng tù giam, Phạm Mạnh Cường, Nguyễn Công Thành và Kiều Quang Hoàng cùng 24 tháng tù giam.
MẠNH NGHĨA
(Tuổi trẻ) 

Hậu Khảo Cổ - Chuyện nhà họ Báo

Nhà kia có mấy anh em trai. Mỗi người một nghề nhưng gặp nhau là đủ chuyện, từ chuyện chính trị - xã hội đến chuyện văn hóa – giải trí… Không hiểu sao dạo này tòan nói chuyện cướp giết hiếp chân dài lộ hàng đại gia gái bao… Ông bố nghe chả nói gì, thỉnh thỏang còn tham gia bàn tán. Bà mẹ thấy chướng tai nhưng nghe mãi hình như cũng quen.
Đến một ngày thấy đứa cháu nội cũng lanh chanh góp chuyện, bà mẹ mắng:
- Chúng mày không còn chuyện gì hay sao mà tòan chuyện tào lao thế?
Thằng Ba cười:
- Tào lao mà nhiều người thích mẹ ơi, nhờ thế mà con cưa được khối em.
Thằng Hai nghiêm giọng:
- Chú tòan nói chuyện bậy bạ, lọai gái đến với chú cũng chả ra gì.
- Vâng, anh nói chuyện nghiêm túc tử tế. Bởi vậy mới ế dài ra đấy!
- Tử tế khối ra đấy. Anh tòan nịnh bố mẹ thôi, em còn lạ gì. Thằng Tư nói.
- Trong nhà cũng phải có đứa ăn nói đàng hòang chứ. Mất dạy hết như chúng mày để thiên hạ người ta chửi cả bố lẫn mẹ à?
Thằng Út khinh khỉnh:
- Người ta chửi lâu rồi, từ khi bố mẹ không nuôi được bắt chúng con phải tự kiếm sống.
- A thằng kia mày hỗn phỏng? Chó không chê chủ nghèo mà chúng mày chê bố mẹ hả? Ai bảo chúng mày muốn giàu nhanh sang vội? Mà ai cấm chúng mày làm giàu tử tế, sao cứ rúc vào mấy cái chỗ không ra gì mà kiếm tiền?
- Chỗ tử tế mẹ tưởng dễ vào lắm à? Đấy, anh Hai kiếm tiền tử tế nên bố mẹ cứ phải bao cấp mãi đấy.
- Nhìn lên ko bằng ai nhưng nhìn xuống xem nhà mình còn hơn khối nhà. Sao chỉ biết có tiền mà không coi ai ra gì? Tiền kiếm được vào túi chúng mày chứ có nuôi bố mẹ nuôi thằng Hai ko mà tỵ nạnh?
- Vâng, không nuôi ai, mẹ tưởng chúng con ăn một mình chắc? Mẹ hỏi bố xem tiền đâu bố đi chơi golf, ngày nào cũng nhà hàng khách sạn 5 sao, năm nào cũng du lịch khắp nơi, chưa kể… Thằng Ba nói mặt lạnh tanh.
- Thằng kia im đi kể lể gì? Mày làm ăn bậy bạ không có tao che chắn chạy chọt thì có tồn tại mà kiếm được tiền như thế ko?
- Ối giời ơi, cả ông cả bố như thế, sau này các cháu tôi liệu có nên người không?!
(Facebook Hậu Khảo cổ) 

Cuba : Mở cửa rộng hơn cho đầu tư ngoại quốc

Chủ tịch Cuba Raul Castro (giữa) trong cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái), 10/12/2013, tại buổi truy điệu Nelson Mandela à Soweto
Chủ tịch Cuba Raul Castro (giữa) trong cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái), 10/12/2013, tại buổi truy điệu Nelson Mandela à Soweto

Hôm qua, 18/01/2014, một lãnh đạo bộ Ngoại thương Cuba cho biết là luật mới về đầu tư ngoại quốc, sẽ được Quốc hội Cuba thông qua vào tháng 3 tới, sẽ để cho các công ty ngoại quốc đóng một vai trò « sâu rộng » hơn trong nền kinh tế nước này.

Trên tuần báo Opsiones, ông Pedro San Jorge, Vụ trưởng Vụ chính sách kinh tế của bộ Ngoại thương và Đầu tư Ngoại quốc, cho biết là trong luật mới, vốn ngoại quốc sẽ đóng vai trò quan trọng hơn, nhất là trong các lĩnh vực như nông nghiệp, mà cho tới nay vẫn thu hút ít vốn đầu tư ngoại quốc.

Luật đầu tư ngoại quốc hiện nay của Cuba, có hiệu lực từ năm 1995, chỉ để cho đầu tư ngoại quốc đóng vai trò « bổ sung » cho đầu tư Nhà nước. Nhà nước cho tới nay vẫn nắm hơn 50% vốn trong các công ty liên doanh với nước ngoài.

Lên cầm quyền thay người anh Fidel Castro từ năm 2006, chủ tịch Raoul Castro từ hai năm nay đã thực hiện tiến trình gọi là « cập nhật hóa » mô hình kinh tế Cuba, đưa vào đó một phần nào kinh tế thị trường, khuyến khích sáng kiến tư nhân. Tuy nhiên, tại Cuba, Nhà nước vẫn nắm khoảng 90% nền kinh tế, mà trong đó, sản xuất nông nghiệp vẫn rất trì trệ, cho dù được là « ưu tiên chiến lược ».
(RFI)
 

Xuyên tạc, vu cáo, không thay đổi được sự thật

QĐND - Năm 2013, với những "cố gắng vận động" của hai nghị sĩ Ed Royce, đảng Cộng hòa, bang California và Chris Smith, đảng Cộng hòa, bang New Jersey, Dự luật nhân quyền Việt Nam - HR 1897 đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua vào tháng 8-2013. Dự kiến Dự luật này sẽ được trình lên Thượng viện xem xét, có thể vào năm 2014. Theo luật pháp Hoa Kỳ, nếu được Thượng viện thông qua, còn phải được trình lên Tổng thống phê chuẩn mới có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều Dự luật tương tự đã bị “chặn lại” tại Thượng viện.
Ảnh minh hoạ.

Có lẽ nhằm vận động cho cuộc bỏ phiếu thông qua Dự luật này ở Thượng viện mà các ông nghị chống cộng ở Hạ viện đã tạo cơ hội cho Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của “nhà hoạt động nhân quyền” Đỗ Thị Minh Hạnh (hiện đang chịu hình phạt tù) được điều trần trước “Ủy hội nhân quyền Tom Lantos (NGO)”, ngày 16-1-2014. Có lẽ phải gọi phát biểu của Trần Thị Ngọc Minh là một “Bản cáo trạng” về tình hình nhân quyền Việt Nam. Những điều mà Trần Thị Ngọc Minh nói đã quá quen thuộc với nhiều người. Đại để là: Đời sống của công nhân “hết sức cơ cực, họ làm việc 12 đến 15 giờ, lương bình quân 70USD mỗi tháng”. Chẳng khác nào giọng văn của một quan chức cấp cao chống cộng ở hải ngoại, Trần Thị Ngọc Minh vu cáo: “Bao năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lừa dối cả thế giới, lừa dối Liên hợp quốc và cả chính phủ Mỹ về vấn đề công nhân và lao động tại nước chúng tôi. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là do Đảng Cộng sản thành lập, mục đích của họ là để giám sát và kiềm tỏa công nhân...”.
Cuối cùng, bà ta kiến nghị: “Tôi thỉnh cầu quý vị, bằng vị thế của mình, xin hãy dùng mọi cách để áp lực nhà nước cộng sản Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho con tôi và tất cả những tù nhân lương tâm, nhất là trong khi Hoa Kỳ đang thương thảo hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam”.
Xin được trở lại với vụ án, trong đó có Đỗ Thị Minh Hạnh bị kết án tù 7 năm. Sáng 26-10-2010, TAND tỉnh Trà Vinh đã mở phiên xét xử Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo Điều 89, Bộ luật Hình sự. Theo cáo trạng, 3 bị cáo đã rải truyền đơn kích động công nhân biểu tình, đình công, phá hoại tài sản doanh nghiệp theo chỉ đạo của Trần Ngọc Thành - kẻ cầm đầu tổ chức phản động “Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam” do Thành lập ra ở Ba Lan. Vào lúc 1 giờ sáng ngày 14-11-2006, khi đang rải truyền đơn vu cáo, bôi nhọ Đảng, Nhà nước ta, đồng thời kích động biểu tình, gây rối trật tự công cộng tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, cả bọn bị bắt quả tang với toàn bộ tang vật. Sau đó, cả bọn đã được đưa ra xét xử và phải chịu hình phạt thỏa đáng.
Có thể nói, cuộc “điều trần” của Trần Thị Ngọc Minh với Ủy hội nhân quyền (NGO) Tom Lantos tại Hạ viện Hoa Kỳ chỉ là một sự xuyên tạc, vu cáo chính trị nhố nhăng chẳng đem lại thông tin gì mới mà càng làm mất uy tín thêm cho những ông nghị chống Cộng. Xin hỏi:
1. Phải chăng Đỗ Thị Minh Hạnh, “chỉ vì giúp đỡ những công nhân khốn khổ, những nông dân bị cộng sản Việt Nam cướp đất, cướp nhà mà nhà nước cộng sản bắt con tôi giam vào tù”?
Như cáo trạng vụ án trên cho biết, Đỗ Thị Minh Hạnh nằm trong tổ chức phản động, bị bắt trong khi đang cùng đồng bọn rải truyền đơn, bôi nhọ chế độ, kích động biểu tình, gây rối trật tự công cộng.
Bản thân Trần Thị Ngọc Minh nếu ở Việt Nam, cũng có thể bị đưa ra xét xử về tội vu cáo cá nhân, tổ chức, khi bà ta nói: “Cộng sản Việt Nam cướp đất, cướp nhà”.
2. Phải chăng, Nhà nước bắt công nhân hoặc cho phép các chủ doanh nghiệp bóc lột công nhân dã man như Trần Thị Ngọc Minh vu cáo?
Theo Điều 104, Bộ luật Lao động năm 2012 của Việt Nam quy định thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động như sau:
- Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, không quá 48 giờ trong 1 tuần.
- Tiền làm việc thêm giờ cho người lao động, quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150% tiền lương tháng; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Bộ luật Lao động của Việt Nam đã quy định rõ mức lương tối thiểu đối với công nhân theo vùng. Chưa thấy ở đâu có mức lương tối thiểu là 70USD, như Trần Thị Ngọc Minh nói. Theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng  áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1-1-2014 sẽ là 2,7 triệu đồng/tháng tại vùng I; 2,4 triệu đồng/tháng tại vùng II; tại vùng III là 2,1 triệu đồng/tháng và vùng IV là 1,9 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể thu nhập thực tế của đại đa số công nhân đều cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
3. Phải chăng Đỗ Thị Minh Hạnh bị công an luôn ép cung, “nhận tội để được khoan hồng, nhưng con tôi không chấp thuận”?
Sự thật Đỗ Thị Minh Hạnh không “anh hùng” như Trần Thị Ngọc Minh nói. Trước vành móng ngựa, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã thành khẩn thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, đồng thời xin được khoan hồng. Chính vì vậy mà Đỗ Thị Minh Hạnh đã được hưởng mức án nhẹ hơn nhiều tội phạm khác có cùng hành vi.
Trở lại với điều mà Trần Thị Ngọc Minh cầu xin Hoa Kỳ hãy dùng Hiệp định TPP để gây áp lực buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt tình trạng “vi phạm nhân quyền”, thì đây quả là một chuyện cười. TPP đâu phải là quà tặng của Hoa Kỳ. TPP là một cơ hội bình đẳng cho 12 quốc gia đang đối thoại. Hơn nữa, nếu Việt Nam tham gia TPP thì không chỉ Việt Nam hưởng lợi mà các nước, trong đó chính Hoa Kỳ cũng hưởng lợi.
PHƯƠNG NHI - TRUNG THÀNH
  (Báo QĐND) 

Xác chết cũng bị… phân biệt đối xử


(PetroTimes) – Có một điều lạ rằng, thi thể người nước ngoài chết ở Việt Nam lại bị thu một mức phí lưu trữ trong “ngăn lạnh” cao gấp 3 đến 5 lần so với người Việt.

Theo điều tra của PetroTimes, người nước ngoài tử vong tại Việt Nam được lưu thi thể ở các bệnh viện còn mắc hơn… khách sạn thuộc hạng 3 sao. Việc lưu thi thể người nước ngoài tại các bệnh viện là cần thiết cho công tác khám nghiệm tử thi để làm rõ cái chết đột ngột của nạn nhân.

Từ thông tin của độc giả người Nga, tháng 9/2013, vị độc giả này có bạn thân thiệt mạng tại TP Phan Thiết, nạn nhân tử vong được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận lưu thi thể để chờ khám nghiệm.
“Tủ lạnh” dùng để lưu thi thể người tử vong tại một bệnh viện.

Nỗi đau của gia đình chưa qua, gia đình của nạn nhân ngoại quốc lại phải chịu một mức phí cao vô lý. Người này viện dẫn về việc Bệnh viện Bình Thuận đối xử với thi thể giữa người ngoại quốc và người Việt có sự chênh lệnh là không công bằng.

Bệnh viện Bình Thuận, tiền lưu thi thể người nước ngoài 720 ngàn trong 24 tiếng và thi thể mang quốc tịch Việt Nam cũng chỉ dao động 200 ngàn đồng.

Không chỉ ở bệnh viện Bình Thuận mới có việc “đối xử” lạ với thi thể người tử vong như thế. Tại bệnh viện Khánh Hòa được xem là nơi thu phí lưu thi thể gấp 5 lần so với nhiều bệnh viện khác.

Nếu một người Việt tử vong, phí lưu xác trong 24 giờ là 240 ngàn đồng. Người nước ngoài được tính bằng giá USD và trong 24 tiếng đồng hồ, một thi thể được lưu lại, người thân phải mất 240 USD, tương đương 5,3 triệu đồng.

Ngay ở bệnh viện Chợ Rẫy, phí lưu thi thể người nước ngoài cũng còn bị phân biệt đối xử. Qua tìm hiểu, đối với thi thể người Việt Nam được tính ở mức 200 ngàn đồng thì thi thể người nước ngoài là 1 triệu đồng mỗi ngày.

Để hợp thức việc xuất hóa đơn tiền lưu thi thể, nhiều bệnh viện đã lập hóa đơn theo kiểu “Phiếu tính giá điều trị khám chữa bệnh người nước ngoài”. Trong mục “Diễn giải” để kê khai thành tiền, Bệnh viện Khánh Hòa đã nêu “Khám điều trị và các dịch vụ chuyên môn: Tiền tủ lạnh; Đơn vị tính: 1 giờ 5 USD; Tiền ăn theo bệnh lý: Phòng mổ tử thi…”

Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, phí lưu xác được tính như một hóa đơn bán hàng. Trong mục “Tên hàng hóa, dịch vụ: Lưu xác tủ lạnh”.

Những thi thể phải đợi người thân, gia đình ở nước ngoài đến Việt Nam để làm các thủ tục và đợi cấp công hàm tại các Đại sứ quán, lãnh sự quán, thời gian lưu giữ khá lâu, có khi kéo dài từ 3 đến 15 ngày. Nhiệt độ đề trữ thi thể thường dao động từ âm 3 độ đến dương 3 độ.

Cách tính phí lưu trữ thi thể người nước ngoài quá cao và bất bình đẳng đã tạo không ít bức xúc cho gia đình thân nhân có người bị nạn. Phải chăng, việc “phân biệt đối xử” với thi thể người chết là chuyện chỉ có ở Việt Nam?
Hưng Long
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét