Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Xét xử vụ án Dương Chí Dũng: Sao tòa sợ báo chí đến thế...? & Trò vụng về gán tội cho Trương Duy Nhất

Việt Nam xét xử «đại án tham nhũng» tại Vinalines

Thông báo đỏ của Interpol lệnh truy nã Dương Chí Dũng (website Interpol)
∇ Bấm vào để nghe bài tường thuật
Hôm nay, 12/12/2013, tòa án thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty hàng hải Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam cùng 9 bị cáo là quan chức và nhân viên vì tội tham nhũng hàng trăm tỷ đồng. Vụ án được lãnh đạo Việt Nam cho là một trong những « đại án tham nhũng » này được báo chí chính thức loan tải rộng rãi và chi tiết.

Bị cáo chính của phiên tòa là ông Dương Chí Dũng, 56 tuổi, nắm chức Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty hàng hải Việt Nam Vinalines, từ cuối năm 2005 đầu năm 2012. Sau khi lên làm Cục trưởng Cục hàng hải, tháng 02/2012, ông Dương Chí Dũng bị khởi tố hình sự vì tội « tham ô tài sản » tại công ty sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng công ty hàng hải Việt Nam và tội « cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ». Nhưng Dương Chí Dũng đã bỏ trốn rồi cuối cùng bị bắt giữ tại Cam Bốt hồi tháng 9 /2012.

Cùng 9 bị cáo ra trước tòa hôm nay, ông Dương Chí Dũng bị buộc tội tham nhũng qua các vụ mua thiết bị cũ hỏng không sử dụng được từ nước ngoài để ăn chia tiền chênh lệch, gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỷ đồng.

Bản tin của AFP ghi nhận, Việt Nam vẫn bị xếp một trong những nước có tham nhũng nhiều nhất thế giới. Tháng trước một cựu lãnh đạo ngân hàng và đồng phạm đã bị kết án tử hình vì bị kết tội tham nhũng 25 triệu đô la Mỹ. Trước đó trong năm 2012, chính cựu lãnh đạo Tập đoàn đóng tàu biển Việt Nam Vinashin cũng đã bị tuyên án tới tới 20 năm tù, vì làm thất thóat tài sản, khiến tập đoàn này lâm nợ hơn 4 tỷ đô la và đã phải xóa tên.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 3 ngày. Nếu nhận tội theo cáo trạng, Dương Chí Dũng và một số bị cáo khác có thể phải lĩnh án tử hình.

Vụ án tại Vinalines được các lãnh đạo Việt Nam gọi là « đại án tham nhũng » được đưa ra xét xử công khai và được báo chí chính thức thông tin rộng rãi lần này có làm dịu nỗi bức xúc của công luận trong nước về tệ nạn tham nhũng lan tràn ở Việt Nam hay không ? Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị tại Hà Nội bình luận :

«Tôi nghĩ, đây là một vụ án lớn và khi người ta mang ra xử và báo chí đưa rất là rộng rãi, thì chắc chắn nó sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với công luận.

Ảnh hưởng thứ nhất là cho thấy có vẻ Nhà nước rất nghiêm minh với chuyện tham nhũng. Nhưng tôi cũng không rõ lắm là tham nhũng ở đây chỉ có tham nhũng ở chỗ ụ nổi hay còn nhiều thứ khác ? Bởi vì vụ liên quan đến ông Dũng ở Vinalines thì nhiều thứ lắm, chứ không phải là chỉ tham nhũng một vài triệu đô la. Có thể người ta làm rộng rãi lên để cho người dân cũng xì bớt bực tức, tức là sẽ có trừng trị những chuyện tham nhũng. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ vụ này không chỉ là vấn đề tham nhũng.

Tôi nghĩ có thể người ta đưa ra một án rất nặng đối với ông Dũng. Với cái án nặng cũng như việc tuyên truyền khá rầm rộ như thế cũng phần nào để vỗ về dư luận, để cho người dân bớt bức xúc đi. Nhưng tôi không nghĩ rằng, những việc như thế có giải quyết được những vấn đề bức xúc của công luận hay không, hay chỉ giải quyết được trước mắt một chút, rồi sau đó, những chuyện âm ỉ lại bùng lên.

Thí dụ, với ông này, tội tham nhũng chắc chắn là có rồi, ai cũng nhìn thấy. Nhưng chuyện ông ấy chạy trốn ra sao ? Móc nối đến những cơ quan công quyền, nhất là bên công an như thế nào ? Tôi nghĩ cái đấy còn bức xúc gấp nhiều lần chuyện tham nhũng, nhưng mà chắc chắn những chuyện đấy sẽ khôgn được nêu ra.

Tư pháp Việt Nam có thể độc lập trong vụ xét xử này ?

Không, tư pháp Việt Nam chưa bao giờ độc lập và trong vụ án này chắc chắn ... càng không thể độc lập được » .
Anh Vũ
Theo RFI

Xét xử vụ án Dương Chí Dũng: Sao tòa sợ báo chí đến thế...?

(PetroTimes) – Mặc dù phóng viên các cơ quan báo chí đã liên hệ đăng ký tác nghiệp phiên xét xử vụ án Dương Chí Dũng cùng đồng bọn phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và đã được cấp thẻ làm việc. Thế nhưng khi đến tác nghiệp, các phóng viên mới "tá hỏa" về quy định của tòa rằng: “Chỉ được mang giấy trắng và bút vào và ngồi theo dõi qua tivi”.
Sáng ngày 12/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Đúng 8h15, phiên xét xử chính thức bắt đầu. Thế nhưng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có những động thái khiến các phóng viên của các cơ quan báo chí Hà Nội và Trung ương “té ngửa”. Và cũng lâu lắm rồi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mới có những biện pháp thắt chặt an ninh phiên tòa đến như vậy. Khi các phóng viên mang thẻ tác nghiệp phiên xét xử để vào dự tòa thì nhân viên tòa án thông báo: “Toàn bộ phóng viên báo chí đến đưa tin phiên tòa phải xuất trình Thẻ Nhà báo và Thẻ tác nghiệp phiên xét xử do Tòa cấp để lực lương an ninh đối chiếu danh sách với tên đã đăng ký từ trước”.
Các phóng viên tác nghiệp tại phiên xét xử phải trình thẻ do Tòa án nhân dân Hà Nội cấp và Thẻ Nhà báo để đối chiếu.
Mặc dù, các phóng viên đã xuất trình thẻ dự phiên xét xử do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cấp nhưng để được vào tòa, phóng viên vẫn phải trình Thẻ Nhà báo để lực lượng an ninh kiểm tra. Tất cả các phóng viên đều phải đi qua một chiếc cửa an ninh để soi chiếu và sau đó là qua một khâu dò tìm kim loại, vũ khí... Không dừng lại ở đó, trước khi vào Tòa, các phóng viên phải để toàn bộ phương tiện tác nghiệp như: máy ảnh, máy tính, máy ghi âm, điện thoại và các vật dụng bên ngoài. Phóng viên chỉ được mang theo giấy trắng, bút để ghi chép.
Khi vào, các phóng viên phải đi qua cửa soi chiếu và dụng cụ tìm kiếm kim loại, vũ khí.
Khi các phóng viên vào tác nghiệp, lực lượng an ninh lại “dồn” tất cả vào một phòng riêng biệt và theo dõi qua màn hình tivi. Trong thời gian ngồi theo dõi phiên xét xử, có hàng chục người tự xưng là cán bộ của Tòa đi kiểm tra thẻ của từng người một và đối chiếu với danh sách đã đăng ký từ trước đó. Các phóng viên phải ngồi xen kẽ với cán bộ tòa án. Mọi động thái của phóng viên đều bị kiểm soát chặt chẽ.
Động thái của Tòa án nhân dân Hà Nội khiến các phóng viên bức xúc.
Ngay như các cơ quan báo hình, như: Truyền hình Việt Nam, Kênh phát thanh có hình Đài tiếng nói Việt Nam cũng bị ngăn cấm mang máy quay và các công cụ tác nghiệp. Trước hành động này, một đồng chí phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đã gọi điện cho đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Phó Ban tuyên giáo Trung ương để cầu cứu nhưng cũng vô ích. 
Thiết nghĩ, là một phiên tòa xét xử công khai sao tòa án lại có những động thái “chặn đường làm việc” của báo chí đến như vậy. Chiếc máy tính là công cụ tác nghiệp cơ bản nhất cũng bị cấm không cho mang vào. Máy ghi âm để ghi lại những tình tiết quan trọng mà các bị cáo khai nhận, lời lẽ bảo vệ thân chủ của luật sư cũng bị để bên ngoài. Nếu như đã cấm mang các công cụ tác nghiệp của báo chí, sao Tòa Hà Nội phải bắt các phóng viên phải đăng ký để cấp thẻ trước hàng tuần và sao không thông báo ngay từ đầu, để khi đến tác nghiệp đỡ "tá hỏa" với những quy định “quái gở” này.
Mọi dụng cụ tác nghiệp đều phải gửi bên ngoài và chỉ được mang giấy trắng cùng bút vào.
Phải chăng, một phiên tòa xét xử công khai mà ngăn cản bảo chí một cách thái quá đến như vậy thì từ giờ trở đi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nên ra một cái quy định mới là “Tất cả các phiên xét xử đều xử bí mật”. Hay, Hội đồng xét xử có gì uẩn khúc, nên sợ các bị cáo khai những tình tiết quá quan trọng, liên quan đến lãnh đạo cấp cao hơn. Và việc ngăn cản này là một động thái chuẩn bị trước để báo chí không có bằng chứng sau những lời khai của các bị cáo?!
T.Minh

Xô xát cưỡng chế đất Hà Tĩnh làm sân golf


15 người đã bị bắt vì tội 'chống người thi hành công vụ' trong vụ cưỡng chế đất nông nghiệp để xây sân golf tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh hôm 10/12, trùng với ngày nhân quyền quốc tế.

Lực lượng cơ động được huy động đông đảo trong cuộc cưỡng chế ngày 10/12
∇ Bấm vào để nghe bài tường thuật
Người dân tại đây cáo buộc chính quyền huyện Nghi Xuân đền bù thấp hơn nhiều lần so với giá trần, đồng thời nhất quyết không cho người dân xem giá đã thỏa thuận với nhà đầu tư cũng như được trực tiếp gặp nhà đầu tư.

Họ cũng nói trong vụ cưỡng chế hôm 10/12, người dân đã bị lực lượng công an đông đảo chủ động tấn công bằng roi điện, khiến nhiều người bị thương nặng.

Trong khi đó, ông Phan Văn Đán, Trưởng Công an huyện Nghi Xuân lại được báo Thanh Niên dẫn lời nói "lúc cơ quan chức năng đang thi hành nhiệm vụ thì hàng trăm người đã dùng hung khí xông vào cản trở, xô xát với lực lượng chức năng".

“Mặc dù 14 hộ dân này đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn gây cản trở cho công tác giải phóng mặt bằng vì cho rằng các khoản tiền hỗ trợ khác chưa thỏa đáng. Trong số 15 người vừa bị bắt giữ thì có 3 người là người thân của 14 hộ dân này”, ông này nói.

Nhà báo cầu cứu




Tôi lấy làm đau xót và hổ thẹn vì không nói lên được tiếng nói của nhân dân"

Một nhà báo với điều kiện giấu tên
Một nhà báo trong nước theo dõi vụ việc từ nhiều năm qua đã viết thư cầu cứu BBC và nói "tôi lấy làm đau xót và hổ thẹn vì không nói lên được tiếng nói của nhân dân".

"Đồng bằng Bắc Trung Bộ diện tích rất hẹp, một năm chỉ trông được hai vụ lúa và trong nghị định của chính phủ chỉ cho phép sử dụng 4% đất nông nghiệp trong tất cả các dự án chứ không chỉ riêng sân golf", nhà báo muốn ẩn danh này nói.

"Vậy mà trong vụ này, gần như là 100% đất nông nghiệp bị tịch thu, người dân mất hoàn toàn công cụ sản xuất".

"Bên cạnh đó, chính quyền còn không cung cấp cho dân biết giá trần đền bù, bắt bớ dân trái phép và đánh đập người khiếu kiện dã man, đe dọa, dụ dỗ, và nhiều biện pháp hòng chiếm đoạt đất đai của dân."

Nguồn tin này cũng cho biết trong vụ cưỡng chế ngày 12/12, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh còn huy động cả lực lượng cơ động của thành phố Vinh. Lực lượng này sau đó đã chủ động tấn công người dân, buộc họ phải chống trả và một số người đã bị thương rất nặng sau vụ xô xát.

Nhiều người ngăn cản vụ cưỡng chế đã bị bắt giữ

'94 nghìn đồng một mét vuông'

Dự án Khu du lịch và sân golf Xuân Thành được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt hồi đầu năm 2008, với diện tích quy hoạch sử dụng đất là hơn 110 ha, tuy nhiên nhiều hộ dân tại đây nói họ không được đền bù thỏa đáng.

Bà Lê Thị Nguyệt, đại diện của các hộ dân tại đây nói với BBC rằng đã đi thưa kiện suốt bốn năm nay.

"Bây giờ toàn bộ cánh rừng phòng hộ họ đã san phẳng hết, ruộng đất của nhân nhân hơn 83ha, vừa đất rừng phòng hộ, vừa đất nông nghiệp cũng mất hết," bà nói.

Bà Nguyệt cho biết hồi năm 2009, UBND huyện Nghi Xuân ra giá đền bù chỉ hơn 19 triệu/sào đất 500 mét vuông.

Trong khi đó, nhà báo yêu cầu ẩn danh cho BBC biết mức giá trần hiện nay lẽ ra là hơn 170 triệu đồng.

Sau khi Nghị định 69 của chính phủ ra đời, chính quyền huyện vẫn không chịu đền bù theo mức mới mà nghị định này quy định, đồng thời sử dụng lực lượng công an để ngăn chặn không cho người dân lên tỉnh khiếu nại, bà Nguyệt nói thêm.

"Mãi sau này, UBND huyện mới chịu nâng tiền từ hơn 19 triệu đồng lên 35 triệu đồng một sào trên 500 mét vuông," bà nói.

Tuy nhiên, vì mức giá này vẫn còn quá thấp so với mức giá trần đền bù nên tiếp tục bị bà Nguyệt cùng các hộ gia đình khác phản đối.




Bây giờ toàn bộ cánh rừng phòng hộ họ đã san phẳng hết, ruộng đất của nhân nhân hơn 83ha, vừa đất rừng phòng hộ, vừa đất nông nghiệp cũng mất hết"

Lê Thị Nguyệt, đại diện các hộ dân
"Sau gần một năm sau, đến tháng 8 năm 2013 thì UBND huyện mới mời bà con lên nhận tiền hỗ trợ đợt hai, tổng cộng ba lần mới được 47 triệu đồng/sào".

"Sau đó, họ đe dọa những con đi học ở xa của người dân đang kết nạp Đảng hay đang học các trường ở các nơi trong nước, bắt các em điện thoại về gia đình bảo bố mẹ nhận tiền bồi thường."

Bà Nguyệt cũng cho biết vừa rồi, một phóng viên trong nước đã bị chính quyền huyện đe dọa khi đến nơi tìm hiểu vụ việc.

"Vừa rồi, có một nhà báo về quay lại toàn bộ cánh rừng phòng hộ và đưa người dân lên gặp chính quyền UBND xã thì bị ông Phạm Công Tuân, Chủ tịch Hội đồng xã đe dọa và đuổi về," bà nói.
Theo BBC

Báo Công an luận tội blogger Nhất

Ông Trương Duy Nhất
Ông Nhất bị bắt vì các bài viết thể hiện quan điểm trên blog

Báo của ngành công an có bài kết tội blogger Trương Duy Nhất trong đội thái báo hiệu khó có mức án nhẹ cho blogger này.

Ông Nhất, năm nay 49 tuổi, bị bắt hôm 26/5 ở Đà Nẵng và bị chuyển ra Hà Nọi trong cùng ngày vì cáo buộc có "hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự."

Mức án tối đa cho những người vi phạm điều 258 có thể lên tới bảy năm tù giam.

Trong khi hiện còn chưa rõ khi nào ông Nhất sẽ được đưa ra xét xử, báo Công an Nhân dân đột nhiên có bài viết dài luận tội ông.

Bài 'Sự sa ngã của người cầm bút' đăng hôm 12/12 viết:

"Lợi dụng quyền tự do báo chí, Trương Duy Nhất đã viết, đăng tải bài viết, bài bình luận có những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên website của mình, làm giảm tuy tín, mất lòng tin của nhân dân."

"...Con đường phạm tội của Nhất bắt đầu từ năm 2009, đặc biệt là từ khi đăng ký sử dụng, lập và quản trị website truongduynhat.vn đến ngày 25/5/2013.
"Trương Duy Nhất đã đăng tải trên website này [blog của ông Nhất] trên 1.000 bài viết ký tên Trương Duy Nhất và một số tác giả khác và lựa chọn cho hiển thị nhiều ý kiến bình luận của người đọc."
"...Trong thời gian này, Trương Duy Nhất đã đăng tải trên website này trên 1.000 bài viết ký tên Trương Duy Nhất và một số tác giả khác và lựa chọn cho hiển thị nhiều ý kiến bình luận của người đọc.

"...Trong số 1.000 bài viết này, có nhiều bài viết không đúng sự thật. Xin dẫn chứng ra ở đây.

"Trong nội dung "Ông Thị trưởng nhà trước mặt vừa trúng Trung ương ủy viên" trong tài liệu "Trong Đảng ngoài Đảng", nội dung sai sự thật vì ở Việt Nam không có chức danh Thị trưởng nên không thể có Thị trưởng là ủy viên Trung ương.

"Rồi kế đó, là bài viết với nội dung: "sẽ cần bao nhiêu thời gian/ Để Ba mươi tháng tư thôi là ngày "Quốc hận"". Ở Việt Nam ngày 30-4 hằng năm là ngày kỷ niệm Giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, không có ngày nào gọi là ngày "Quốc hận".

"Tất cả những điều này chỉ là suy nghĩ một chiều, phiến diện của Trương Duy Nhất. Trương Duy Nhất đã phủ nhận xương máu và sự đóng góp của cả dân tộc, trong 30 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ."

Báo của ngành công an cũng nói hôm 19/11/2013, Bộ Công an đã ra kết luận điều tra khẳng định ông Nhất phạm tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương khác."

Tờ Công an Nhân dân cũng nói ông Nhất đã "tự cho mình cái quyền được bình luận, đánh giá những người khác, bằng quan điểm cá nhân, phiến diện của bản thân" và bình luận thêm:

"Trong quá trình điều tra, bị can Trương Duy Nhất đã khai rõ về hành vi viết và đăng tải các bài viết có nội dung nêu trên của mình, nhưng không thừa nhận đó là hành vi phạm tội.

"Trương Duy Nhất không tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi của anh ta… Hành vi phạm tội của Trương Duy Nhất như thế nào sẽ được làm rõ trong phiên tòa xét xử trong thời gian tới."

Quy định hà khắc


Blog của ông Trương Duy Nhất có nhiều người trong và ngoài nước theo dõi.

Một số blogger nói ông Nhất chỉ muốn viết về những tiêu cực trong xã hội để có sự tiến bộ ở Việt Nam.

Sau bài của Công an Nhân dân, cây viết Đào Tuấn nhận xét:

"Trương Duy Nhất từng tin rằng cái còng và khẩu súng không thể chĩa vào anh vì anh có quyền nhìn mọi sự dưới con mắt cá nhân.

Anh nhầm. Anh nhầm như tôi nhầm, như bạn nhầm, như cả lũ chúng ta đang nhầm."

Báo Petrotimes

"Sự việc bắt đầu từ ngày 25/5/2013, Công ty cổ phần Viễn thông FPT có Công văn số 294/CV-VP gửi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an kèm theo các tài liệu liên quan về việc phát hiện website của truongduynhat.vn của Trương Duy Nhất, địa chỉ ở số 25, Tống Phước Phổ, TP Đà Nẵng đăng tải nhiều bài viết có góc nhìn tiêu cực về tình hình kinh tế, xã hội, vi phạm quy định pháp luật Nhà nước"

Còn nhà báo Huy Đức viết trên Facebook bình luận về bài viết trên Petrotimes có tổng biên tập Nguyễn Như Phong (cựu công an) rằng "Té ra FPT là đặc tình à, nhưng tại sao AN lại "khai" ra "đặc tình" của mình nhỉ!"

So với một số nước tiến bộ hơn trên thế giới, Việt Nam có quy định pháp luật bị xem là hà khắc về những bài viết thể hiện quan điểm cá nhân về các nhà lãnh đạo và hệ thống chính trị.

Tòa án của một số nước phát triển ít khi chấp nhận các vụ kiện trong đó các chính trị gia đương chức kiện người dân viết bài chỉ trích họ.

Hoa Kỳ thậm chí bắt quan chức phải chứng minh rằng nhà báo biết chắc chắn thông tin họ có là sai nhưng vẫn đăng thì mới có thể kiện về ảnh hưởng của tin tức tới uy tín.

Riêng về các bài bình luận, khả năng quan chức Hoa Kỳ có thể thắng các vụ kiện về thanh danh gần như không đáng kể.
(BBC)

Người Buôn Gió - Trò vụng về gán tội cho Trương Duy Nhất

 Như thường lệ, trước lúc xét xử một người bất đồng chính kiến những tờ báo tự đứng tên Nhân Dân như QĐND, CAND...và một số tờ báo khác lại diễn trò kết tội trước phiên tòa để trấn áp dư luận trước.
Mới đây tờ báo CAND có đăng bài của phóng viên nặc danh với nội dung hàm hồ buộc tội cựu nhà báo Trương Duy Nhất bằng những luận điệu tạp nham , rẻ tiền.
Trong một đống hổ lốn luận điệu kết tội Trương Duy Nhất của bài báo này, người ta không biết đâu là điểm mấu chốt để kết tội Trương Duy Nhất về mặt pháp lý. Đâu là thứ trò cãi vã, chửi bới, buộc tội của mụ hàng xóm mất gà. Từ luận điệu '' phủ nhận xương máu '' cho đến '' gây hoang mang quần chúng '' rồi sai lệch trong việc gọi chủ tịch ủy ban nhân dân TP thành thị trưởng, sai lệch khi gọi ngày 30 -4 là quốc hận...đến một đống lôm côm khác là '' boi nhọ chính phủ, cá nhân, tổ chức...''  và '' đưa ra hình ảnh không đúng về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam ''...
Tất cả những thứ bát nháo này, có thể kết tội gì cho Trương Duy Nhất.? Ngoài cái mục đích để cô lập dư luận ủng hộ hay bênh vực cá nhân Trương Duy Nhất. Dễ dàng có thể thấy người viết bài báo này chỉ có mục đích là làm sao nhét thật nhiều tội danh, nhiều suy luận kết tội lên người cựu nhà báo Trương Duy Nhất.
Cuối cùng thì phần kết bài báo cũng nhắc đến tội danh của Trương Duy Nhất , đó là '' lợi dụng quyền tự do ngôn luận, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà Nước.."
Đến đây thì người ta mới rõ bài viết '' chấm điểm bộ tứ '' hay việc Trương Duy Nhất xếp hạng tín nhiệm cho quan chức chính phủ mới thực sự là lý do khiến anh bị bắt. Và tội chính thức của anh ta trong cái mớ bòng bòng, hỗn độn mà tờ báo đưa ra là '' bôi nhọ lãnh đạo ''.
Nhìn chung thì vụ án Trương Duy Nhất và Cù Huy Hà Vũ đều có một điểm giống nhau là cùng một đối tượng '' lãnh đạo '' bị bôi nhọ trong bài viết của hai người.


Bức ảnh Trương Duy Nhất được đánh dâu X to tướng không phải có hàm ý gì không. Hay là lời cảnh cáo bất cứ ai nhắc tới đồng chí X nào đó trong BCT mà ông Trương Tấn Sang đã nói.

Dù sao thì Trương Duy Nhất  cũng thể hiện một cá tính bất khuất hơn nhiều những tên bồi bút chỉ trích anh về lương tâm, đạo đức của người cầm bút. Liệu những kẻ cầm bút chỉ trích anh có đủ can đảm khi đối diện với án tù mà vẫn bảo vệ chính kiến trong bài viết của mình như chính bài báo phải công nhận. Trương Duy Nhất khảng khái nhận mình là tác giả bài viết, nhưng anh không nhận đó là sai lầm hay phạm tội. Điều đó chứng tỏ anh là một người viết có trách nhiệm lương tâm với phát ngôn của mình, trả giá để bảo vệ những gì mình nói. Một con người cầm bút phải có nội tâm và niềm tin , tri thức lớn mới dám bảo vệ quan điểm của mình trước những đe dọa tù đầy. Thời gian 7 tháng tù giam đã không khuất phục được Trương Duy Nhất, việc phải đưa anh ra tòa xét xử là một thất bại của những kẻ muốn hăm dọa anh.

Một con người cứng rắn và hiểu biết như thế, sao phải cần một đứa nặc danh nào khuyên uốn lưỡi năm hay bảy lần cơ chứ.? Họ dám viết và dám trả giá để khẳng định nội dung bài viết của mình là đúng với lương tri, hiểu biết của họ. Đó mới chính là cái tát vào những kẻ bồi bút, nặc danh không dám nhìn thẳng vào sự thật xã hội, kinh tế , chính trị mà vì chút bổng lộc cơm thừa, canh cặn đã uốn bút để tâng bốc, vẽ mầu mè nên một thực trạng xã hội be bét. Những kẻ như thế chắc cũng uốn lưỡi năm bảy lần khi viết , để đến khi cuối bài còn biết dấu tên ký bút danh ất ơ nào đó. Tiếc rằng cái cân nhắc năm bảy lần của kẻ ấy không phải là viết đúng sự thật mà để chọn bút danh dấu tên thật mình.

Uốn lưỡi bảy lần để viết sự thật là một chuyện. Còn uốn lưỡi bảy lần để cân nhắc lợi cho mình, tránh cái hại, mặc sự thật ra sao thì ra thì rõ là cái uốn lưỡi của bọn tiểu nhân, bồi bút.

Thế mà cũng bầy đặt dạy người.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)

Sẽ xây đường hầm nối các cơ quan trong khu chính trị Ba Đình

Sẽ có 3 bộ phải di dời trụ sở làm việc hiện tại ra khỏi khu trung tâm chính trị Ba Đình…

Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức công bố quy hoạch, xây dựng các phương án di dời khu dân cư, giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai thực hiện quy hoạch này.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình (Hà Nội), tỷ lệ 1/2.000.

Việc điều chỉnh quy hoạch nhằm đáp ứng mục tiêu, nhu cầu làm việc ổn định lâu dài cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan.

Ba bộ phải di dời

Ngoài mục tiêu tạo dựng một khu làm việc quy mô, quan trọng cho các cơ quan Trung ương, quy hoạch cũng nhằm bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.

Quy mô lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng từ 105 ha lên 134,5 ha, được giới hạn bởi phía Bắc là phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, hồ Tây, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam là đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây; phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương; phía Tây là đường Ngọc Hà.

Đáng chú ý, theo quyết định của Thủ tướng, sẽ có 3 bộ phải di dời trụ sở làm việc hiện tại ra khỏi khu trung tâm chính trị Ba Đình, bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ di chuyển đến địa điểm mới theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được duyệt.

Thủ tướng chỉ đạo cơ sở vật chất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê sẽ chuyển cho Văn phòng Trung ương Đảng sử dụng để làm việc. Quy hoạch lại khu Bộ Tư pháp và toàn bộ khu H6 (giới hạn bởi đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An) thành tổ hợp khách sạn, dịch vụ, hội nghị chung cho các cơ quan tại khu trung tâm chính trị Ba Đình. Cơ sở vật chất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển cho các cơ quan bảo vệ thuộc Bộ Tư lệnh Lăng và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Quyết định cũng nêu rõ, bảo tồn nguyên trạng tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay, chuyển giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quản lý, sử dụng sau khi trụ sở mới của Bộ Ngoại giao hoàn thành.

Với khu dân cư phía Bắc Văn phòng Chính phủ, di dời toàn bộ các hộ dân để mở rộng hoàn thiện không gian công viên ven Hồ Tây và khai thác không gian ngầm làm khu dịch vụ và đỗ xe chung. Khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh, di dời các hộ dân nhằm hoàn thiện không gian cho các cơ quan Chính phủ và Chủ tịch nước; đối với khu tập thể Bộ Công an, di dời toàn bộ các hộ dân. Diện tích sau di chuyển, chuyển cho Trung đoàn 600 của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ quản lý.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng yêu cầu di dời toàn bộ các hộ dân cư khu tập thể Trung đoàn 275 thuộc Bộ Tư lệnh Lăng; di dời các hộ dân cư đang ở xen trong các biệt thự tại số 4, số 6 Hoàng Diệu, ngõ Nguyễn Cảnh Chân; giải tỏa khu nhà phía Nam thảm cỏ quảng trường Ba Đình đến khu vực khác phù hợp quy hoạch của thành phố.

Với các cơ quan ngoại giao, bảo tồn tôn tạo các công trình kiến trúc cũ kiểu Pháp. Ổn định cấu trúc không gian như hiện nay, không cho phép xây dựng xen cấy công trình cao tầng và làm biến dạng công trình kiến trúc nguyên gốc. Chỉnh trang cảnh quan và cải thiện môi trường. Tương lai một số biệt thự sẽ chuyển thành nhà công vụ.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được quy hoạch bảo tồn thành công viên văn hóa lịch sử.

Các khu như di tích Phủ chủ tịch; Bảo tàng Hồ Chí Minh; nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp; chùa Một Cột, bảo tồn nguyên vẹn các công trình kiến trúc, khuôn viên có thể cho phép cải tạo chỉnh trang. Riêng Viện 69 sẽ được cải tạo nâng cấp, đảm bảo chức năng hoạt động và cảnh quan chung của khu vực. Không tăng chiều cao công trình.

Sẽ xây đường hầm nối các cơ quan

Cũng theo quyết định của Thủ tướng, sẽ điều chỉnh mạng lưới đường tại khu vực này. Cụ thể, đường Độc Lập mở rộng về phía ô cỏ quảng trường lên quy mô mặt cắt 30 m. Bổ sung nhánh nối thông với đường Bà Huyện Thanh Quan, tổ chức nút giao thông Điện Biên Phủ, Độc Lập, Chu Văn An.

Đường Hùng Vương đoạn qua công viên Mai Xuân Thưởng được mở rộng lên mặt cắt 40 m, nối với đường Thanh Niên. Đường Ngọc Hà, đoạn qua Trụ sở cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng mở rộng về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy mô mặt cắt ngang là 25 m, lòng đường 15 m, hè hai bên 5 m. Đường Tôn Thất Đàm được thông tuyến nối kết với đường Bắc Sơn.

Với nút giao thông Mai Xuân Thưởng, hoàn thiện khép kín đường ven hồ Tây, mở rộng đường Thanh Niên về phía vườn hoa Lý Tự Trọng, bổ sung làn đường nối với đường Thụy Khuê và đường ven hồ Tây.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thiết kế hệ thống đường hầm kết nối các cơ quan quan trọng trong khu trung tâm chính trị Ba Đình, phục vụ nhu cầu an ninh và quốc phòng.

Cùng với đó, xây dựng bãi đỗ xe tại khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay có diện tích khoảng 0,63 ha. với sức chứa 600 xe; xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại vị trí phía Tây công viên Bách Thảo quy mô diện tích 0,25 ha, sức chứa đỗ 230 xe…

Ngoài ra, sẽ tổ chức các tuyến đi bộ phục vụ khách tham quan Lăng Bác đoạn phố Chùa Một Cột và đoạn đầu phố Hùng Vương – Lê Hồng Phong, có lộ trình kế hoạch chuyển một số tuyến đường thành tuyến phố đi bộ như Chùa Một Cột, một đoạn phố Ông Ích Khiêm, đường Điện Biên Phủ, đoạn từ nút giao với đư¬ờng Trần Phú đến nút giao với đường Tôn Thất Đàm…

Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức công bố quy hoạch, xây dựng các phương án di dời khu dân cư, giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai thực hiện quy hoạch này.

Từ Nguyên
VnEconomy

Tượng đài Mẹ Việt Nam

Dự án Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) dự kiến hoàn thành vào dịp 27-7-2014 nhưng hiện công trình này đang gặp khó khăn về vốn

Dự án xây Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) lấy nguyên mẫu mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được khởi công ngày 27-7-2007 với tổng mức đầu tư hơn 411 tỉ đồng. Đây là dự án gây tranh cãi trong thời gian qua bởi nhiều ý kiến cho rằng kinh phí xây dựng quá lớn tại một tỉnh nghèo như Quảng Nam và không phù hợp với hình tượng của các mẹ VNAH.

Hoàn thành 70%

Trước đó, Báo Người Lao Động đã có loạt bài phản ánh về vấn đề này, đến cuối năm 2011, sau một số ý kiến trái chiều từ dư luận, việc xây dựng tượng đài này phải tạm dừng nhưng sau đó được khởi động trở lại vào tháng 6-2012. Ngày 4-12, báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) cho biết hiện công trình đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng.

Dự án Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng hoàn thành khoảng 70%

Đại diện chủ đầu tư cho biết trong năm 2012 đã thi công móng, chế tác 8 trụ huyền thoại và đã được hội đồng nghệ thuật nghiệm thu hoàn thành; hoàn thiện nhà đón tiếp, móng tượng, khung tượng, nhà chòi… Đặc biệt, trong năm 2012 đã mua, tập kết khoảng 3.000 m3 đá granite dùng chế tác toàn bộ khối tượng Mẹ để giảm biến động tăng giá. Trong năm 2013, đã lắp ghép đá mỹ thuật chân dung tượng Mẹ…

Tại buổi tiếp đoàn công tác của Chính phủ, lãnh đạo ban quản lý dự án kiến nghị các bộ, ngành trung ương và tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, tiếp tục bố trí đủ vốn cho dự án từ nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương (77 tỉ đồng) và ngân sách tỉnh (105 tỉ đồng) để triển khai kịp tiếp độ, hoàn thành cơ bản dự án vào dịp 27-7-2014 và khánh thành vào dịp 24-3-2015 – kỷ niệm ngày Quảng Nam hoàn toàn giải phóng.

Nhà thầu phải tự ứng vốn

Theo ban quản lý dự án, dự án có tổng mức đầu tư 411 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 250 tỉ đồng nhưng đến nay mới chỉ bố trí 173 tỉ đồng. Vốn ngân sách tỉnh và vốn huy động là 161 tỉ đồng, đến nay mới huy động được 11 tỉ đồng, ngân sách tỉnh cũng chỉ bố trí được 45 tỉ đồng. Tính ra, số vốn đã bố trí để thực hiện dự án là 229 tỉ đồng, trong khi giá trị thực hiện từ khi khởi công đến nay là 300 tỉ đồng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Công ty Xây dựng Thương mại và Mỹ thuật Đà Nẵng II (đơn vị thi công), cho biết đến nay công trình vẫn chậm 1 tháng so với tiến độ. Nguyên nhân do thời gian phê duyệt giá đá kéo dài. Hiện công ty phải bỏ vốn ra để thi công do chưa nhận đủ vốn từ ban quản lý dự án. Đến nay, việc thi công đang diễn ra rất khẩn trương. Nếu không gặp khó khăn về vốn thì sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Ông Nguyễn Văn Sỹ – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam – cho biết hiện tỉnh đang gặp khó khăn về vốn. Tuy nhiên, ông Sỹ cho biết sẽ nỗ lực huy động các nguồn để dự án hoàn thành đúng tiến độ.

“Ngân sách của trung ương đưa về mới chỉ giải quyết được căn bản chứ chưa đủ nhưng việc này không đáng lo. Vấn đề là địa phương chưa có nguồn, việc huy động vốn cũng rất khó khăn. Hiện tỉnh đang xem xét lại cơ chế điều tiết nhưng chắc chắn phải huy động từ các nguồn chính sách xã hội, quỹ đền ơn đáp nghĩa… để thực hiện dự án đúng tiến độ” – ông Sỹ phân tích.


Trồng cây đặc trưng của các địa phương

Ngày 5-12, trong buổi họp nghe báo cáo thiết kế bản vẽ thi công hạng mục cây xanh và phương án huy động trồng cây xanh tại công trình Tượng đài Bà mẹ VNAH, UBND tỉnh Quảng Nam cơ bản thống nhất với phương án thiết kế. Đồng thời, chỉ đạo ban quản lý dự án sớm có kế hoạch cụ thể huy động các loại cây xanh và tổ chức tiếp nhận, trồng cây ngay sau khi các địa phương, đơn vị đóng góp trong quý I/2014.

Tổng chi phí đầu tư cho hạng mục cây xanh – sân vườn là hơn 25 tỉ đồng, trong đó huy động từ các địa phương hơn 12,8 tỉ đồng và ngân sách tỉnh hơn 12,2 tỉ đồng. Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng Sao Kim (đơn vị tư vấn thiết kế) cho biết hồ sơ thiết kế cây xanh – sân vườn bảo đảm huy động sự đóng góp các loại cây đặc trưng của 63 tỉnh, thành.


Trần Thường
Lao Động

Nhà Trắng bác bỏ chỉ trích về cú bắt tay Obama-Castro

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro, tại tang lễ Nelson Madela, tại Johannesburg, ngày 10/12/2013
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro, tại tang lễ Nelson Madela, tại Johannesburg, ngày 10/12/2013 (REUTERS/SABC via Reuters TV)

Trọng Nghĩa (RFI)

Đúng như dự đoán, cú bắt tay được đánh giá là « lịch sử » giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Chủ tịch Cuba Raul Castro bên lề tang lễ cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, đã bị đảng Cộng hòa Mỹ đả kích dữ dội. Trước những đòn tấn công này, vào hôm qua, 11/12/2013, Nhà Trắng một lần nữa đã tiếp tục phản ứng.

Trong một buổi họp báo, ông Josh Earnest, phó phát ngôn viên Phủ Tổng thống Mỹ khẳng định là sự kiện ông Obama bắt tay ông Castro chỉ là một cử chỉ ngoại giao bình thường, và hai người chỉ trao đổi ngắn gọn những lời lẽ xã giao mà thôi.

Phát biểu với các nhà báo tại Washington, ông Earnest khẳng định : « Theo hiểu biết của tôi, dựa trên những người đã nói chuyện với Tổng thống (Obama) sau khi ông đọc diễn văn, thì họ (Obama và Castro) đã không có cuộc thảo luận thực chất nào về các vấn đề chính trị, mà chỉ là những lời lẽ xã giao bình thường… ».

Theo ông Earnest : « Vì vậy, đó không phải là một cơ hội để Tổng thống thảo luận về vô số mối quan ngại (của Hoa Kỳ) về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Cuba », trong đó có vấn đề ông Alan Gross, một người Mỹ đã bị cầm tù ở Cuba từ bốn năm nay.

Ngay từ thứ Ba 10/12, các đối thủ của Tổng thống Obama thuộc đảng Cộng hòa đã cực lực đả kích cái bắt tay với Chủ tịch Cuba.

Thượng nghị sĩ John McCain đã tự hỏi : « Tại sao lại bắt tay một người đang giam cầm công dân Mỹ ? Để làm gì ? » Ông John McCain không ngần ngại so sánh cú bắt tay Obama-Castro với việc Thủ tướng Anh Neville Chamberlain bắt tay với Hitler tại Munich, trước lúc Đệ nhị Thế chiến bùng nổ. Cái bắt tay đó đã trở thành biểu tượng của sự đầu hàng Đức quốc xã.

Phó phát ngôn viên Nhà Trắng hôm qua đã cực lực bác bỏ sự so sánh này. Theo ông, gắn liền Hitler và các sự kiện chính trị hiện nay là một hành động « rất nguy hiểm, và thường không hay lắm ở một nơi công cộng ».

Ông Earnest đã không ngần ngại chỉ trích đảng Cộng hòa khi cho rằng : « Trước đây có một lần một nguyên tắc quan trọng, bắt nguồn từ đảng Cộng hòa, theo đó đấu đá chính trị nội bộ phải dừng lại ở biên giới (của Hoa Kỳ)… Rủi thay, nhiều thành viên đảng Cộng hòa lại chỉ trích Tổng thống vì đã bắt một bàn tay tại tang lễ của Nelson Mandela ».
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét