Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Khi chiếc áo quyền lực được trao không đúng chỗ! & Xử tham nhũng thật nghiêm là cách ổn định chính trị tốt nhất

Trần Đình Thu - Luật nào cho phép 'hốt hàng' của dân?

Việc “hốt hàng” của người dân vừa vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cũng vừa gây phản cảm trên bình diện quốc gia rộng lớn. Đây là một tình trạng hết sức nghiêm trọng, tác hại nhiều mặt trong xã hội. Không thể để tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một đất nước dân chủ, văn minh.

Việc “hốt hàng” của người dân vừa vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cũng vừa gây phản cảm trên bình diện quốc gia rộng lớn - Ảnh: Công Nguyên

Mấy ngày qua chúng ta đã đề cập đến nhiều mặt của câu chuyện thiết lập trật tự đường phố. Nay tôi muốn đi sâu vào các quy định pháp luật để xem có luật nào cho phép lực lượng dân phòng tịch thu tài sản của người buôn bán nhỏ trên đường phố mà không lập biên bản không.
Pháp luật quy định thế nào?
Tôi chỉ xin nói các văn bản luật hiện hành, không nói đến các văn bản luật cũ trước đây nữa. Hiện chúng ta có hai văn bản luật liên quan đến vấn đề này. Một là luật Giao thông đường bộ năm 2008, hai là luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (và các văn bản dưới luật kèm theo).

Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ điều chỉnh việc tạm giữ các phương tiện tham gia giao thông như xe hai bánh, xe ô tô, xe cơ giới…. Còn việc tạm giữ hàng hóa của người buôn bán nhỏ như rau dưa củ cải, cá mắm hoặc phương tiện buôn bán như xe đẩy hàng rong thì căn cứ vào luật Xử lý vi phạm hành chính, là luật chung cho các vấn đề vi phạm hành chính.

Khoản 1 Điều 125 luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 nêu rõ, việc tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm chỉ được thực hiện “trong trường hợp thật cần thiết”, bao gồm: Nếu không tạm giữ thì không có cơ sở xử phạt hoặc nếu không tạm giữ thì tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Đặc biệt, Khoản 9 Điều 125 nhấn mạnh: “Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản”.

Như vậy việc lực lượng thiết lập trật tự đô thị không lập biên bản tạm giữ mà chỉ “hốt hàng” của người dân quăng lên xe công vụ để đưa về phường là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, việc “hốt” có nằm trong trường hợp thật cần thiết chưa như quy định của pháp luật cũng cần phải xem lại. Theo tôi thì chưa thật cần thiết. Bởi nếu muốn lấy bằng chứng thì cách tốt nhất vẫn là quay phim chụp hình, còn việc “hốt” thì ngược lại nó làm thay đổi hiện trường, làm sao phục vụ cho việc củng cố chứng cứ vi phạm hành chính?

Tại sao lực lượng công vụ thích “hốt hàng”?
Theo tôi, có hai lý do sau:

1. Khi hàng hóa, vật dụng của người dân bị “hốt” về phường, người dân phải lên xin lại nếu cần. Từ đây hình thành cơ chế quyền lực xin - cho.

2. Có một số người dân không đi xin lại hàng hóa vật dụng vì chi phí bỏ ra đôi khi lớn hơn giá trị hàng hóa nhận lại. Như vậy thì tồn tại một lượng hàng hóa vật dụng có một giá trị nào đó, sẽ có lợi cho ai đó. Hơn nữa một số hàng hóa như trái cây, cá thịt… do không lập biên bản nên ai đó có thể lấy bớt.

Đó là hai lý do làm cho lực lượng công vụ thích “hốt hàng” hơn là thiết lập trật tự đúng nghĩa.

Cần có chỉ thị cấm "hốt hàng" của dân
Như đã phân tích, việc “hốt hàng” của người dân vừa vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cũng vừa gây phản cảm trên bình diện quốc gia rộng lớn. Đây là một tình trạng hết sức nghiêm trọng, tác hại nhiều mặt trong xã hội. Không thể để tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một đất nước dân chủ, văn minh.

Vì vậy theo tôi, các cơ quan hữu quan cần có ý kiến kiến nghị đến Thủ tướng việc này để Thủ tướng ra ngay chỉ thị cấm “hốt hàng” của người dân.

Trần Đình Thu

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một luật gia, nhà báo, đạo diễn sống tại TP.HCM
  (Thanh niên) (Rừng luật <<< Luật rừng)

Khi chiếc áo quyền lực được trao không đúng chỗ!

(NB&CL) - Vụ dân phòng, trật tự đô thị phường 25, quận Bình Thạnh - TP. HCM đánh đập một người buôn bán hàng rong đã làm nhiều đại biểu HĐND TP. HCM bức xúc và nhân dân cả nước phẫn nộ. Trật tự, dân phòng cậy quyền “múa gậy” thị uy với dân không phải mới. Dân phòng dùng gậy chặn xe dân thay cảnh sát giao thông xuất hiện trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội từng làm cho người dân “sôi máu”. Dân phòng không dừng lại ở việc giữ trật tự, mà xông vào chặn xe, thu chìa khóa, quát nạt người đi đường bằng những lời lẽ rất thiếu văn hóa. Và bây giờ là đánh người dân phải nhập viện. Ai cho dân phòng cái quyền hành hung người dân là câu hỏi mà cơ quan chức năng sẽ phải trả lời dân cho thấu đáo!
 
Quyền lực Nhà nước nếu được trao cho những người không đủ khả năng nhận thức về quyền lực sẽ làm biến dạng quyền lực Nhà nước.

Câu chuyện xảy ra rất đau lòng. Hình ảnh, clip anh Trịnh Xuân Tình bị còng tay và bị đánh ngất xỉu nằm dưới đất được đưa lên mạng đã làm dư luận phẫn nộ. Không ai có thể chấp nhận hành động côn đồ của những người khoác áo trật tự và dân phòng. Phó trưởng Ban văn hóa – Xã hội HĐND TP. HCM Nguyễn Hồng Hà phát biểu: “Thực thi nhiệm vụ thì cương quyết nhưng phải thể hiện tính nhân văn. Không ai được phép đánh người dân và tất nhiên, trong trường hợp người dân kháng cự thì có thể có những va chạm xảy ra, nhưng cố ý đánh người không có khả năng chống đỡ là không được. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần phải tìm hiểu, làm rõ và xử lý một cách cụ thể sự vụ này và có biện pháp chấn chỉnh để tránh tái diễn”. Dân mình còn khổ. Không ai muốn đem thân đi làm phận hàng rong, nhưng đó là cách mưu sinh của họ. Tại cuộc họp HĐND TP. HCM ngày 10/12, đại biểu Lê Trương Hải Hiếu cho rằng, còn một bộ phận người dân rất nghèo. Nếu họ buông vỉa hè ra thì không biết sống bằng gì. Sự chia sẻ này rất thực tế, cho nên, dù việc dẹp hoạt động buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường là cần thiết và phải làm, nhưng không thể để xảy ra việc hành hung người dân.

Trật tự, dân phòng cậy quyền “múa gậy” thị uy với dân không phải mới. Dân phòng dùng gậy chặn xe dân thay cảnh sát giao thông xuất hiện trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội từng làm cho người dân “sôi máu”. Dân phòng không dừng lại ở việc giữ trật tự, mà xông vào chặn xe, thu chìa khóa, quát nạt người đi đường bằng những lời lẽ rất thiếu văn hóa. Còn nhiều vụ khác như dân phòng là hung thủ hoặc nghi phạm liên quan đến các vụ đánh chết người từng xảy ra ở Bình Dương, Bà Rịa

- Vũng Tàu, Nghệ An. Các vụ án này cho thấy, dân phòng quá lạm quyền và đến lúc phải có biện pháp chấn chỉnh.

Xung quanh vụ việc này, xin không bàn đến cách hành xử kiểu “cậu giời” của một số dân phòng nữa, vấn đề là lỗi ở đâu? Và người ta bây giờ biết ứng xử với dân phòng như thế nào? Chính quyền có còn cần phải duy trì lực lượng này để phục vụ cho hoạt động của mình nữa không? Rõ ràng, dân phòng là lực lượng công quyền được thừa nhận bằng nhiều văn bản quy phạm khác nhau. Cũng thừa nhận rằng, dân phòng đang làm được nhiều việc để giữ gìn trật tự văn minh đô thị. Nhưng đáng tiếc một bộ phận của lực lượng này đang bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Ra đường, hình ảnh dân phòng giờ đây gắn với việc múa gậy bắt xe, bạo lực đường phố để bắt người hàng rong, đá thúng đụng nia để dẹp hàng quán vỉa hè; đập phá bàn ghế để... đối phó với quán trà đá. Và, họ cũng có cả vạn lý do để bao biện cho việc làm của mình, tất cả đều hợp lý. Hợp lý tới nỗi, ngay cả người đứng đầu dân phòng trong vụ đánh người bất tỉnh ở TP.HCM vừa qua còn cho rằng dân phòng đang đánh thì nạn nhân... lăn ra ngủ(?!) chứ không bị ngất(?!). Rồi họ còn cho rằng đó là chuyện bình thường, không có gì to tát, bởi họ đang thực thi nhiệm vụ.

Thực ra, trách dân phòng, nhất là một số dân phòng có hành vi bạo lực cá biệt cũng khó. Điều cần quan tâm phải là cơ quan đã tạo ra những con người ấy và dung dưỡng để biến họ trở thành những kẻ chuyên đi bắt nạt. Khoác lên mình tấm áo chính quyền, có lẽ nhiều dân phòng ngộ nhận về giá trị bản thân nên mặc sức múa gậy, lạm quyền. Vì thế, lực lượng này cần phải được nhận diện kĩ hơn về phương diện pháp lý, để những vụ dùng dùi cui, còng tay hành dân, để những hình ảnh ngông nghênh ngồi xe dạo phố, múa gậy tứ tung phản cảm bớt nhức nhối. Những chiếc áo quyền lực cần được trao để đảm bảo luật pháp được thực thi. Song quyền lực không thể trao cho những con người không đủ khả năng nhận thức được giới hạn của quyền lực. Trong số những dân phòng hàng ngày đuổi bắt, giành giật mớ rau, bó hoa của người bán hàng rong trên đường phố, bao nhiêu người biết được việc lập biên bản vi phạm hành chính là điều bắt buộc trong quy trình xử lý vi phạm? Bao nhiêu dân phòng thuộc những quyền hạn và trách nhiệm của bảo vệ dân phố được quy định trong Nghị định 38/2006/ND-CP? Những chiếc áo của nhân viên công vụ là hình ảnh của quyền lực Nhà nước, nhằm góp phần giữ gìn kỷ cương, đảm bảo trật tự trị an cho xã hội. Nhưng khi quyền lực Nhà nước, thông qua bộ sắc phục, được khoác lên người những kẻ không đủ khả năng nhận thức về quyền lực, điều đó chắc chắn sẽ làm biến dạng quyền lực Nhà nước, và trở thành phương tiện để thỏa mãn chứng ngộ quyền của những người vốn không được chuẩn bị để sử dụng quyền lực. Với chiếc áo quá rộng, khi họ vung tay nhằm vào cái xấu, sẽ có lúc những cái vung tay trở thành những cú đấm nhằm vào mặt lương tri.
Khánh An

Nguyễn Văn Tuấn - Biết ơn Lenin?

Dân Luận: Thay cho lời bình luận, Dân Luận xin dẫn một lời cảm thán từ blogger 5xu về việc giật sập bức tượng học giả Trương Vĩnh Ký tại Sài Gòn sau năm 1975:
"Cái tượng này ở sau Nhà thờ Đức bà, bị phá sau 1975. Hình như từ hồi phá cái tượng này, giáo dục Sài Gòn đi xuống. Giờ để chấn hưng giáo dục, việc đầu tiên phải dựng lại cái tượng này.
Ông học giả này là một chú bé mồ côi miền tây nhà quê, sống và chết hoàn toàn trong thế kỷ 19. Tức là lý lịch gia đình bần nông, và bản thân không thể nào chống đảng, chống chủ nghĩa xã hội được. Ông học ở Penang, thuộc Anh lúc đó, nên không phải do Pháp cài cắm. Tóm lại chả có lý do gì mà hạ tượng của ông ấy sau 1975.
Mặt khác ông ấy xứng đáng được dựng 1000 cái tượng ở Việt Nam. Xứng đáng hơn Lenin là cái chắc. Vì ông ấy quá uyên bác, làm cầu nối VN - Châu Âu, dịch dọt rất nhiều, viết khảo cứu rất nhiều, có công phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ (cực sớm). Và là ông tổ nghề báo Việt Nam. Với ai chưa biết thì có thể vào wikipedia tìm từ Trương Vĩnh Ký."

Bình luận về sự kiện dân Ukraina giật sập tượng Lenin một vị giáo sư sử học ở Việt Nam cho rằng đó là một hành động vô văn hoá. Ông còn nói thêm rằng người dân Việt Nam trân trọng và biết ơn Lenin vì ông ấy “đại diện cho ‘ý tưởng xây dựng xã hội tốt đẹp’ vốn là điều ‘cả thế giới mong muốn’.” Tôi cứ phân vân về hai ý này, vì nó không đúng với thực tế.

Câu làm tôi phân vân là người Việt Nam trân trọng và biết ơn Lenin. Đúng là có một số người mang dòng máu Việt mang ơn Lenin, không hẳn vì lí tưởng chủ nghĩa xã hội, mà vì lí do thực tế và “trần ai” khác. Những người trong đảng thì chắc là biết ơn ông Lenin. Đảng thì có trên 2 triệu người, cộng với thân nhân nữa thì chắc xấp xỉ 10 triệu người. Dân số Việt Nam là 90 triệu (tính chẵn) và đa số nghèo và chắc chẳng cần biết ông Lenin là ai cũng như chẳng có mang ơn gì ông ấy. Người Việt ở hải ngoại thì chắc chắn ghét ông ấy. Những người đau khổ vì những chính sách mang màu sắc của ông ấy cũng chẳng muốn thấy tượng ông ấy ở VN. Như vậy, có thể ước tính rằng cứ 1 người biết ơn Lenin thì có khoảng 9 người không biết đến ông Lenin. Do đó, cụm từ “Người dân Việt Nam” e rằng quá cường điệu.

Còn nói rằng cả thế giới mong muốn lí tưởng XHCN thì tôi nghĩ chắc là đoán mò thôi. Cái chủ nghĩa đó đã hết đất sống, đã mất sức sống, đã gây ra bao nhiêu thảm hoạ cho thế giới và Việt Nam. Tôi nghĩ nếu làm thử một điều tra xã hội thì sẽ biết số người ủng bộ CHXH chẳng bao nhiêu đâu. Bên Âu châu người ta thậm chí còn có nghị quyết lên án cái chủ nghĩa đó nữa. Bên Đông Âu, những nước theo XHCN cũ nay cấm không có các biểu tượng của XHCN xuất hiện nơi công cộng.

Tôi có phần đồng ý là việc giật sập tượng là một hành động không đẹp, xét về mặt văn hoá. Nếu phán xét như vậy thì chúng ta cũng có thể nói người Việt cũng nhiều lần hành xử kém văn hoá. Sau năm 1975, biết bao nhiêu tượng của các nhân vật thời trước 1975 bị giật sập và phá tan hoang. Đường xá thì bị thay tên đổi họ. Những con đường mang tên các danh nhân lịch sử đới Trần, Lý, Lê, Đinh, v.v. vốn là di sản chung của dân tộc cũng bị nhường cho những người du kích và những người từng tham gia cách mạng. Những con đường mang tên lí tưởng đẹp và phổ quát (như Công Lí, Tự Do) đều bị thay bằng tên của những sự kiện mà không bao nhiêu người công nhận. Do đó, trách người Ukraina là “manh động” và kém văn hoá có lẽ không công bằng khi chính những người gắn bó với cái chủ nghĩa đó lại từng làm như thế.
 Nguyễn Văn Tuấn 
Theo FB Nguyễn Văn Tuấn
  (Dân luận)  

Phân biệt quan điểm sai trái và ý kiến khác với quan điểm của Đảng

Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng hiện nay của Đảng, nhằm làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến,” “ tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

TTXVN giới thiệu bài viết của giáo sư, tiến sỹ Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương với nhan đề “Phân biệt quan điểm sai trái, thù địch và những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng.”



1-
Trong những năm đổi mới, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng sử dụng các chiêu bài “dân chủ,” “nhân quyền,” “dân tộc,” “tôn giáo” hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Chúng tung ra các quan điểm sai trái, thù địch hòng đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, cho rằng chủ nghĩa Marx-Lenin đã lỗi thời, chỉ thích hợp với thế kỷ XIX, cùng lắm là đầu thế kỷ XX, chỉ thích hợp với nền văn minh công nghiệp, còn bây giờ sang thế kỷ XXI, thời đại văn minh tin học, kinh tế tri thức nên đã lỗi thời, đã bị lịch sử vượt qua, hoặc cho rằng chủ nghĩa Marx-Lenin là sản phẩm ngoại nhập của phương Tây, không thích hợp với các nước kinh tế lạc hậu như Việt Nam.

Đồng thời chúng còn xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Người, chúng muốn “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh.” Chúng phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, tán dương chủ nghĩa tư bản, cổ súy cho tự do tư sản, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, vị kỷ, văn hóa phẩm đồi trụy.

Thông qua Internet, các blogger, các thế lực thù địch trong và ngoài nước cấu kết với nhau, tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước, chia rẽ Đảng với nhân dân, xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, vu cáo, bôi đen chế độ ta.

Thông qua việc truyền bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, lối sống lai căng vào xã hội ta, vào cán bộ, đảng viên, chúng muốn từng bước thúc đẩy “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta để đi đến chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ, để cuối cùng thực hiện mục tiêu như Tổng thống Mỹ R.Nixơn mong muốn là “chiến thắng không cần chiến tranh.”

2- Nhận thức rõ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch.

Trong các văn kiện đại hội ở thời kỳ đổi mới, Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình,” đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng.

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) của Đảng đã xác định “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ. Đại hội VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch.” Đại hội IX của Đảng khẳng định phải “Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.”

Với tinh thần đó, Đại hội X của Đảng đã yêu cầu “chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hòa bình,” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.”

Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định “kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” 1.

Để thực hiện những chủ trương đó, đã có nhiều nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, nhiều chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương về vấn đề này.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới” đã nêu lên 6 nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận trong đó nhiệm vụ thứ tư là chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình,” âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch.”

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” đã nhận định: tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả, làm giảm sức chiến đấu của Đảng và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ, đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc, đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tính đồng thuận xã hội.

Các phần tử cơ hội chính trị trong nước móc nối với thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.

Trên cơ sở nhận định đó, Nghị quyết đã yêu cầu “triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình,” thực hiện đa nguyên chính trị, hình thành lực lượng đối lập, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; thường xuyên cảnh giác, chủ động phòng chống nguy cơ tự diễn biến ở cả trung ương và các ngành, các cấp” 2.

Để thực hiện chủ trương của Đảng, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến 6hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.”

Để phục vụ cho nhiệm vụ này, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ đã lập ra một số ban chỉ đạo như: Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Chỉ đạo nhân quyền, Ban Chỉ đạo Trung ương 94, Ban Chỉ đạo 609, Ban Chỉ đạo Đề án 213. Các ban chỉ đạo này cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương trở thành đầu mối chỉ đạo cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trong từng thời kỳ, đầu mối cung cấp thông tin, phối hợp các lực lượng từ các cơ quan nghiên cứu, giáo dục lý luận, các cơ quan tuyên giáo đến các cơ quan quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các cấp ủy đảng, các cơ quan báo chí, xuất bản.

Thông qua cuộc đấu tranh đó đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân ta cũng như đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu được tính đúng đắn, chính nghĩa trong các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta, phản bác lại những luận điệu vu khống, xuyên tác của các thế lực thù địch, làm rõ đúng-sai, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức trong Đảng và nhân dân về những thủ đoạn, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đồng thời có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi các hoạt động chống phá của chúng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mục tiêu Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội , thành tựu của công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên cuộc đấu tranh nhằm chống những quan điểm sai trái, thù địch, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được tình hình và nhiệm vụ đặt ra. Cụ thể là:

- Không ít cấp ủy, cơ quan chính quyền, nhiều cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình,” của những quan điểm sai trái, thù địch, chưa nhận thức rõ tác hại của “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nhiều cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên không thấy rõ trách nhiệm phải tham gia cuộc đấu tranh này, thậm chí có người còn phụ họa theo những quan điểm sai trái.

- Trong đấu tranh phê phán có khi còn thiếu chủ động, chưa kiên quyết, phản ứng chậm, không kịp thời trước quan điểm sai trái, thù địch; chưa dự báo được những vấn đề mới nảy sinh, kể cả sự xuất hiện những quan điểm sai trái. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh.

- Chất lượng và hiệu quả đấu tranh còn thấp, phương pháp đấu tranh nhiều khi còn thiếu khoa học, giản đơn, chưa phân biệt rõ những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch với những ý kiến của cán bộ, đảng viên khác với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chưa xây dựng được một hệ thống luận cứ khoa học để phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch. Chính vì vậy, trong phê phán tính chiến đấu chưa cao, tính khoa học, tính sắc bén, tính lôgíc, tính thuyết phục trong lập luận còn hạn chế. Từ đó hạn chế tác động, sức lan tỏa của những quan điểm đúng đắn của Đảng đến quần chúng nhân dân.

Do đó để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên đây, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng và hiệu quả cuộc đấu tranh chống âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch một cách sâu sắc, bài bản cả về lý luận và thực tiễn; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa trong nội bộ ta, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.”

3- Trong đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, cần phân biệt chúng với những ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân khác với quan điểm, đường lối của Đảng, tránh “vơ đũa cả nắm,” có phân biệt rõ mới xác định thái độ và phương pháp đấu tranh phù hợp.

Trong nhận thức những vấn đề liên quan đến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong cán bộ, đảng viên ta không tránh khỏi có những ý kiến khác nhau và khác với quan điểm, đường lối của Đảng. Đó cũng là lẽ bình thường vì nhận thức là một quá trình, chân lý cũng là một quá trình.

Do địa vị xã hội, lợi ích cụ thể khác nhau, trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị khác nhau, kinh nghiệm thực tiễn khác nhau hoặc do thiếu thông tin, phương pháp tư duy giản đơn, siêu hình, nên không tránh khỏi có những ý kiến, cách tiếp cận khác với đường lối, quan điểm của Đảng. Nhưng phải coi những ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng là những ý kiến trong nội bộ nhân dân, không thể quy chụp thành những quan điểm thù địch.

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta khuyến khích đổi mới tư duy, khuyến khích tìm tòi sáng tạo cái mới, đóng góp những ý tưởng mới, sáng kiến mới. Đảng và Nhà nước yêu cầu các nhà lý luận, các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học phải đề xuất cái mới, phải có những giải pháp đột phá sáng tạo để đóng góp cho Đảng và Nhà nước.

Những ý tưởng mới, sáng kiến mới thường vượt khỏi giới hạn của nhận thức cũ, vượt khỏi những chủ trương, quan điểm hiện hành khi đó, có khi về sau này mới được thực tiễn chấp nhận. Sự hình thành đường lối đổi mới đã cho chúng ta thấy như vậy. Nếu không có “khoán chui” thì không có “khoán 100,” “khoán 10” và rộng ra là đường lối đổi mới sản xuất nông nghiệp, đổi mới đất nước.

Sự nghiệp đổi mới ở nước ta là một sự nghiệp mới mẻ, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Trong một sự nghiệp như vậy, như Lenin đã từng chỉ ra, khó tránh khỏi sai lầm. Vấn đề là ở chỗ không được phạm những sai lầm nghiêm trọng, phải nhanh chóng phát hiện sai lầm và kiên quyết sửa chữa sai lầm. Chúng ta phải vừa làm vừa học, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm, có cái phải mò mẫm, trải qua nhiều thử nghiệm.

Sự khác nhau giữa những “quan điểm sai trái, thù địch” với những ý kiến khác với quan điểm, đường lối của Đảng, thể hiện ở mấy điểm sau đây.

Thứ nhất, về động cơ, mục đích.

Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tung ra những quan điểm sai trái, thù địch một cách công khai, thẳng thắn nhằm đả kích vào Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đả kích vào chế độ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, nhằm lái đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa. Còn có những ý kiến của cán bộ, đảng viên khác, thậm chí có khi trái với một số chủ trương của Đảng trong một thời điểm nào đó nói chung là vì mục đích xây dựng, muốn đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước để làm tốt hơn, lãnh đạo và quản lý đất nước hiệu quả hơn.

Thậm chí trước những tiêu cực xã hội, những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, có thể có những ý kiến của cán bộ, đảng viên tâm huyết quá bức xúc, phê phán mạnh mẽ, gay gắt cũng là vì mục đích, động cơ xây dựng.

Thứ hai, về nội dung các quan điểm.

Các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận, bác bỏ thẳng thừng những nội dung cốt lõi , then chốt trong đường lối chính trị, quan điểm cơ bản của Đảng. Cụ thể là:

- Bác bỏ những nguyên lý cơ bản hoặc toàn bộ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những quan điểm này bằng nhiều cách xuyên tạc, phủ nhận, nói xấu, bôi đen nền tảng tư tưởng của Đảng và những người sáng lập ra nền tảng tư tưởng đó.

- Bác bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, ca ngợi, cổ súy cho chủ nghĩa tư bản, bôi đen chủ nghĩa xã hội, xuyên tạc chủ nghĩa xã hội cả trên lý luận lẫn thực tiễn.

- Phủ nhận, bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam , quy mọi sai lầm, khuyết điểm về cho Đảng Cộng sản.

- Muốn lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Gần đây họ đưa ra cái gọi là “Diễn đàn xã hội dân sự,” họ tung lên mạng Internet, mạng xã hội đủ loại ý kiến mà mục đích cuối cùng là “chuyển đổi thể chế chính trị Việt Nam ”.v.v...

Thứ ba, về phương pháp, cách thức.

Những người có quan điểm sai trái, thù địch không từ một thủ đoạn nào dù là xấu xa, bẩn thỉu nhất để chống Đảng Cộng sản Việt Nam, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chống chế độ xã hội chủ nghĩa, chống nhân dân. Họ sẵn sàng bịa đặt, nói xấu một cách vô liêm sỉ, đổi trắng thay đen, suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản với một số cán bộ đảng viên tham nhũng, thoái hóa biến chất, phủ nhận công lao của Đảng, phủ nhận lịch sử, cực đoan, phiến diện, siêu hình, quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm về cho Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy hiện tượng thay cho bản chất v.v..

Về hình thức diễn đạt, các quan điểm sai trái, thù địch còn dùng những ngôn từ xấu xa, tệ hại, vũ đoán, nói lấy được, thậm chí còn chửi bới bậy bạ, vô văn hóa.

Thứ tư, về nhân thân.

Những người tung ra các quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu là các thế lực thù địch bên ngoài, các đảng phái chính trị phản động như Đảng Việt Tân ở hải ngoại, các phần tử cơ hội, chính trị trong và ngoài nước, có những người đã từng vi phạm pháp luật Việt Nam, lòng đầy hận thù với chế độ.

Trong số này, có cả một số người trước kia là cán bộ, đảng viên song bây giờ họ đã chuyển sang “trận tuyến bên kia,” họ đã sám hối, trở cờ, trở thành thế lực thù địch. Còn những cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với đường lối của Đảng có thể do trình độ nhận thức hạn chế, do phương pháp tư duy giản đơn, không biện chứng, do ngộ nhận hoặc chịu ảnh hưởng nhất định của những quan điểm sai trái chứ không phải là thế lực thù địch.

Thứ năm, về cách thức đăng tải ý kiến.

Các thế lực thù địch tìm mọi cách để tuyên truyền, phát tán những quan điểm sai trái của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng như cho xuất bản sách, báo ở nước ngoài, sản xuất băng đĩa hình, in truyền đơn rồi tìm cách chuyển về trong nước, sử dụng các đài truyền hình, phát thanh của nước ngoài (như RFI, BBC…) nhằm vào Việt Nam.

Đặc biệt ngày nay dựa vào thành tựu của công nghệ thông tin hiện đại, các thế lực thù địch sử dụng mạng Internet, các mạng xã hội, các blog để tán phát rất nhanh, hữu hiệu quan điểm của họ vào Việt Nam và trên khắp thế giới.

Trái lại, là cán bộ, đảng viên, nếu có ý kiến khác hoặc trái với đường lối, quan điểm của Đảng có thể phản ánh lên cấp trên, cấp có thẩm quyền, có quyền bảo lưu ý kiến, hoặc trình bày, thảo luận trong các hội thảo khoa học, hội nghị nội bộ chứ không được tùy tiện phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng; đảng viên phải chấp hành Điều lệ Đảng và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

Đối với 2 loại ý kiến trên đây chúng ta phải có thái độ và phương pháp đối xử đúng đắn, phù hợp. Đối với quan điểm sai trái, thù địch trong và ngoài nước, chúng ta phải đấu tranh, phê phán mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không mơ hồ, không thỏa hiệp. Các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta. Dã tâm của họ là không thay đổi.

Còn đối với những cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng, đây là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, chúng ta cũng phải đấu tranh, phê phán, làm rõ đúng-sai thông qua đối thoại, trao đổi, tọa đàm, thuyết phục trên tinh thần đồng chí, tăng cường đoàn kết, đồng thuận, không đẩy họ về phía các thế lực thù địch mà cố gắng lôi kéo họ về phía chúng ta; chúng ta phê phán quan điểm sai chứ không phê phán con người, xúc phạm, đả kích cá nhân.

Thông qua phê phán, chúng ta cũng phải xem lại mình, xem lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có chỗ nào không đúng, còn khiếm khuyết cần phải sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện; những nội dung nào thực hiện chưa tốt cần phải chấn chỉnh, thực hiện tốt hơn để giải tỏa bức xúc của nhân dân và cán bộ, những nội dung nào có vấn đề hoặc chưa rõ cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, qua đó hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Như vậy sự phê phán đã chuyển thành tự phê phán, sự phê phán tiêu cực đã chuyển thành phê phán tích cực./.

1 Văn kiện Đại hội XI, Nhà xuất bản Chình trị Quốc gia, H,2011, trang 257.
2 Các Nghị quyết của Trung ương Đảng 2005-2010, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H,2012, trang 125.
(TTXVN)

Dương Chí Dũng: Tôi không chia tiền cho kẻ “không đội trời chung” Mai Văn Phúc

Trước đó, Dương Chí Dũng khai tại cơ quan điều tra rằng nguồn gốc số tiền 10 tỉ đồng đưa cho bồ nhí hai căn hộ cao cấp ở Hà Nội là do mình buôn bán mà có. Lý do bị cáo Dũng khai không giống tại phiên tòa là vì lúc đó bị cáo "xấu hổ và không muốn chuyện này lọt ra ngoài".

Chiều 12.12, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi. Trong phần trả lời của mình, bị cáo Dũng vẫn một mực cho rằng mình không chỉ đạo bất cứ ai trong việc mua “đống sắt vụn 83M” với giá trên trời 9 triệu USD để nhận lại quả 1,66 triệu USD. 
Dương Chí Dũng không chia tiền cho kẻ “không đội trời chung” Mai Văn Phúc
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Dương Chí Dũng vào phòng xét xử - Ảnh: TTXVN
Dương Chí Dũng "không đội trời chung" với Mai Văn Phúc
Trước đó, bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) đã khai nhận cụ thể việc mình đã nhận 1,66 triệu USD từ phía đối tác bán tàu như thế nào, chia cho bị cáo Dũng 10 và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines) mỗi người 10 tỉ đồng ra sao.

Bị cáo Sơn khai sau khi được đối tác bán ụ nổi M83 liên lạc để giao số tiền lại quả thế nào, được Dũng chỉ đạo chia chác ra sao… Tuy nhiên, bị cáo Dũng phủ nhận hoàn toàn lời khai của bị cáo Sơn.

Dương Chí Dũng cho rằng nếu thực sự mình là "tổng đạo diễn" của việc mua ụ nổi 83M để lấy tiền lại quả, Dũng sẽ chia cho những người thân cận với mình chứ không phải là bị cáo Trần Hữu Chiều (Phó tổng giám đốc Vinalines) và bị cáo Trần Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) chứ không phải chia cho người “không đội trời chung” là bị cáo Phúc.


“Tôi luôn đối xử tốt với anh em cấp dưới và tin tưởng họ. Tuy nhiên, cuộc đời có những chuyện mà chẳng ai ngờ được”, Dương Chí Dũng than thở.
Bị cáo Phúc cũng phủ nhận hoàn toàn lời khai của bị cáo Sơn. Bị cáo Phúc cho rằng mình “có mâu thuẫn sâu sắc” với bị cáo Dũng do bị cáo Dũng trước đây không ủng hộ mình vào vị trí tổng giám đốc nên không thể có chuyện hai bị cáo này thống nhất, bàn bạc chỉ đạo mua ụ nổi 83M và ăn chia với nhau số tiền lại quả.

Bị cáo Dũng cho rằng việc bị cáo Sơn nói là không có thật. Tuy nhiên, ở cương vị lãnh đạo, “việc tranh luận với anh em cấp dưới là không hay”. Khi được hỏi, bị cáo Dũng nói trước đó không mâu thuẫn gì với bị cáo Sơn và “lâu lâu cũng chỉ nhận của Sơn vài chai rượu hay phong bì vài triệu vào dịp Tết”.

Theo chủ tọa, tuy Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc không thừa nhận việc nhận tiền, nhưng hồ sơ của cơ quan điều tra cho thấy có những chứng cứ phù hợp với lời khai của bị cáo Sơn. Lời khai của bị cáo Dũng tại cơ quan điều tra cũng thể hiện bị cáo cho rằng có thể đã có “thỏa thuận ngầm” trong vụ lại quả này.

Phản bác lại, Dương Chí Dũng nói: “Cơ quan điều tra chỉ ghi những cái cần ghi vào, còn việc tôi giải thích cụ thể thế nào thì không ghi. Thỏa thuận ngầm có thể là của ai chứ không phải tôi. Cơ quan điều tra lấy lời khai như vậy là không đúng nhưng tôi không có cửa nào tranh luận với họ cả. Tôi không trách cơ quan điều tra nhưng đây điều cần thay đổi trong quá trình cải cách tư pháp để tránh oan sai”.

Bị cáo Dũng: "có ý thức phấn đấu chứ không đánh đổi danh dự bằng tiền”?!

Khi được hỏi về nguồn gốc số tiền khoảng 10 tỉ đồng (bằng số tiền bị cáo Dũng bị cáo buộc tham ô) để mua hai căn hộ cao cấp tại Hà Nội cho bà P.T.T.T, bị cáo Dũng nói mình lấy tiền của vợ.

Bị cáo Dũng nói tại thời điểm đó vợ bị cáo này có một số tiền lớn do người khác hùn hạp để đầu tư bất động sản nhưng chưa dùng đến nên bị cáo đã cầm số tiền này và nói với vợ là dùng vào việc riêng.

“Tôi đưa cho T. 10 tỉ để mua hai căn hộ trên với mục đích để ở và cho thuê. Tôi cũng biết T. có bỏ tiền thêm vào nhưng không biết là bao nhiêu. Tôi để T. đứng tên vì cũng có ý cho cô ấy cả hai căn hộ”, Dương Chí Dũng khai.

Cũng theo bị cáo Dũng, lúc bị cáo này đưa tiền cho bồ nhí mua nhà thì vợ chưa biết nhưng “sau đó vợ có nghi ngờ tôi nhưng tôi không dám nói thật”.

Không giống như đơn kêu oan cho chồng của vợ Dương Chí Dũng, trong đó thể hiện việc bà biết và chấp nhận chồng mình có bồ và có con riêng, bị cáo Dũng khai với tòa rằng: “Đối với vợ con thì tôi giấu. Nhưng khi bố tôi ốm nặng và nằm viện tại Hà Nội, tôi có dẫn T. đến thăm để bố mẹ và hai em gái biết mặt”.

Khi được hỏi tại sao ở cơ quan điều tra bị cáo lại khai nguồn gốc số tiền này do mình buôn bán mà có, Dương Chí Dũng trả lời: “Lúc đó tôi xấu hổ và không muốn lộ ra ngoài vì chuyện này chẳng hay ho gì”.

Bị cáo Dũng cho rằng mình cũng có cái sai về mặt thủ tục trong việc mua ụ nổi 83M, trách nhiệm cũng là của chung hội đồng quản trị công ty chứ không phải riêng bị cáo nên về tội cố ý làm trái tùy tòa xem xét. Tuy nhiên, bị cáo Dũng kêu oan về tội tham ô, không thừa nhận đã nhận 10 tỉ đồng vì “có ý thức phấn đấu chứ không đánh đổi danh dự bằng tiền”.

Ngày mai, tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi.
Ai là người báo tin cho Dương Chí Dũng biết để chạy trốn?

Khi được hỏi về quá trình chạy trốn. Dương Chí Dũng cho biết sau khi biết tin mình sẽ bị khởi tố, bị cáo này hoảng loạn và bỏ trốn. “Trước khi bỏ trốn, tôi không gặp gỡ, liên lạc với ai cả mà chỉ nghĩ phải chạy càng xa càng tốt. Do visa vào Mỹ còn thời hạn nên tôi đã quyết định chạy sang Campuchia để bay đến Mỹ. Sau khi quá cảnh ở Singapore, ở Đức, tôi đến New York thì cơ quan chức năng ở đây không cho vào vì đã có thông báo từ Việt Nam về sai phạm của tôi. Vì thế tôi buộc phải trở lại Campuchia và bị bắt giữ tại đây”, bị cáo Dũng kể.

Tòa hỏi bị cáo nhận thức như thế nào về việc chạy trốn, Dương Chí Dũng thừa nhận cảnh trốn chạy khổ trăm đường và khi trốn rồi mới thấy mình sai nhiều vấn đề, cái sai này nối tiếp cái sai kia. “Do lúc đó có người báo tin tôi sẽ bị bắt nên tâm trạng rối bời, không đủ bình tĩnh để suy xét mọi việc”.

Tuy nhiên, tòa không hỏi tiếp ai là người báo tin cho bị cáo Dũng biết để chạy trốn.
Thanh Lưu
(Một thế giới)

Xử tham nhũng thật nghiêm là cách ổn định chính trị tốt nhất

(Dân trí) - Vụ tham nhũng tại Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, thuộc Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Hà Giang đã được xử lý như đùa cợt với pháp luật và trêu ngươi dân chúng.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, trong 2 năm (2012 – 2013), ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, thuộc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo cho 2 nhân viên là kế toán và thủ quỹ của trung tâm để biển thủ số tiền gần 182 triệu đồng.

Những người này nhẫn tâm ăn bớt tiền cứu trợ trẻ em tàn tật. Xét cả về pháp lý và đạo lý đều đáng bị xử lý thật nghiêm.
Trong khi Công an tỉnh Hà Giang tiến hành điều tra vụ tham nhũng này, Sở LĐ-TB&XH Hà Giang có công văn gửi Công an Hà Giang, VKSND tỉnh Hà Giang với nội dung đề nghị không khởi tố 3 đối tượng này mà chuyển hồ sơ về Sở LĐ-TB&XH để xử lý. Ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang nêu lý do: "Hà Giang là tỉnh nghèo, có rất nhiều trẻ em tàn tật cần được hỗ trợ. Nếu cơ quan điều tra khởi tố hình sự, tôi sợ các tổ chức, cá nhân sẽ biết chuyện, không hỗ trợ cho nữa... Để góp phần ổn định chính trị tại địa phương, Sở đã có văn bản đề nghị cơ quan điều tra không khởi tố hình sự các đối tượng nói trên".
Và quả thật Viện Kiểm sát Nhân dân và Công an tỉnh Hà Giang đã không khởi tố vụ án tham nhũng này.
Nói thẳng băng cho nó nhanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang đã bao che cho thuộc cấp. Viện Kiểm sát Nhân dân và Công an tỉnh Hà Giang đã bỏ lọt tội phạm.
Đúng luật, hành vi tham nhũng của giám đốc và hai nhân viên của Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật phải được điều tra, khởi tố hình sự. Không ai được quyền can thiệp và không ai được dùng quyền của mình để bỏ sót. Không khởi tố vụ án cũng là một sự lạm quyền.
Đúng ra, ông giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang không được quyền can thiệp vào hoạt động điều tra của cơ quan điều tra.
Đúng ra, Công an và Viện kiểm sát tỉnh Hà Giang không bị chi phối bởi công văn xin tội của ông giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang.
Nhưng pháp luật đã rối tung lên khi một ông giám đốc sở có quyền xin tội cho thuộc cấp. Rối tung lên khi cơ quan tố tụng không độc lập để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà vì những lý do rất phi pháp luật.
Lý do đó là “để góp phần ổn định chính trị tại địa phương”.
Người ta đã lạm dụng các từ “ổn đinh chính trị” để bỏ lọt tội phạm thì đó là sự bất ổn chính trị nhất.
Nếu tất cả các vụ án tham nhũng đều lấy lý do “ổn định chính trị” mà bỏ qua thì nền chính trị của đất nước này có còn nữa hay không?
Phải hiểu rằng, xét xử tất cả các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn một cách nhiêm minh thì đó là cách để “ổn định chính trị” và làm an lòng dân nhất trong lúc này.
Lê Chân Nhân

Đông Kinh - Tôi thấy một ‘thằng tôi’ trong Dương Chí Dũng

Đôi khi tôi tự đặt tay lên trán, thấy mình cũng chẳng khác gì Dương Chí Dũng và tôi không biết mình đã lấy thẩm quyền gì để phê phán ông ta.
 
Minh họa: Vũ Hoàng Lân
Nhà xã hội học người Pháp Émile Durkheim cho rằng, hành vi tội phạm trong xã hội cũng bình thường như hệ thống trấn áp nó. Theo Durkheim, ai cũng coi tội phạm là hành vi bị ghét bỏ, nhưng cảm thức thông thường kết luận rằng hành vi ấy phải chóng vánh mất đi là sai lầm. Người ta không thể định giá được sự hữu ích của các hành vi tội phạm với xã hội giống như không thể định giá sự đau khổ đối với con người. Durkheim lý luận: “Chẳng phải chúng ta đều ghét sự đau khổ đó sao? Tuy nhiên, thực thể nào không biết đau khổ ắt sẽ là một con quái vật”.


Trong một xã hội mà số đông từ già đến trẻ đều biết xấu hổ, biết liêm sỉ, tự trọng thì con người ta dù có lầm đường lạc lối, một ngày nào đó sẽ nhận thức được rằng, phẩm giá của họ cao hơn nhiều danh lợi phù du mà họ đang theo đuổi mà dừng lại kịp thời




Cũng như thế với lòng tham và tham nhũng, ai dám vỗ ngực rằng ta, ta đây không có? Ai dám vỗ ngực rằng, ta, nếu ta đây được đặt vào một vị trí như ông Dương Chí Dũng đã ngồi ta sẽ giữ mình trong sạch? Nhưng người ta, đám đông trong đó có ta dễ dàng lên án, to tiếng lên án, thậm chí nguyền rủa, mạ lỵ ông Dương Chí Dũng, “tên tham nhũng”.

Riêng tôi, tôi thấy một thằng tôi trong Dương Chí Dũng.

Tôi thấy một thằng tôi cũng có khi lòng đầy tham hận. Tôi thấy một thằng tôi cũng có khi ước mơ có siêu xe, có vợ bé chân dài. Tôi thấy một thằng tôi, cũng có khi nhắm mắt làm ngơ cho cái xấu, cái ác, thậm chí có khi còn đồng lõa với nó. Tôi tự đặt tay lên trán mình thấy mình cũng chẳng khác gì Dương Chí Dũng và tôi không biết mình đã lấy thẩm quyền gì để phê phán ông ta?

Từ vị thế một công dân, người đóng thuế, người góp tiền vào ngân sách nuôi Vinalines, tôi cũng thấy mình khó có một sự chính danh để phê phán Dương Chí Dũng. Tôi đâu có dựng nên Vinalines? Tôi đâu có trao quyền cho Dương Chí Dũng? Ông ấy ngồi ở vị trí đó, nắm lấy quyền lực đó, không phải là từ sự bổ nhiệm của tôi, vì thế ông ấy cũng không phải chịu trách nhiệm với tôi và tôi cũng không có thẩm quyền để hạch tội ông ta.

Nhưng như những người khác, tôi không thấy mình vô can. Tôi thấy mình có một sự can dự gì đó rất hệ trọng vào vụ việc Dương Chí Dũng, bằng chứng là tôi đã suy nghĩ và đã viết ra như mọi người cùng thấy.

Nếu đồng ý với Durkheim, ta phải coi lòng tham là một bản năng không thể muốn là thay đổi được. Nhưng nó là một bản năng có thể được chế ngự, như sự đau khổ nơi con người. Cách chế ngự đầu tiên là đừng tạo ra những trung tâm quyền lực và lợi lộc để khêu gợi lòng tham. Các doanh nghiệp nhà nước như Vinalines hiện nay chính là những trung tâm quyền lực và lợi lộc như thế. Tuy nhiên, cái này lại không thuộc thẩm quyền của tôi, nên tôi sẽ không bàn. Cách tiếp theo là có cơ chế giám sát, phát hiện và xử lý thật nghiêm tham nhũng. Không xét đến việc cách này có hiệu quả thực tế ra sao, chỉ cần nhận rằng, việc này cũng không thuộc thẩm quyền của tôi nên tôi cũng không bàn đến.

Tôi sẽ bàn đến cách thứ ba, đó là lên án những kẻ tham nhũng bị phanh phui trước công chúng. Có lẽ tôi cũng như đám đông dư luận cho rằng, bằng việc lên án, lên án kịch liệt, công chúng có thể tác động lên bản án của tòa khiến các vụ việc tham nhũng bị xử nặng hơn, tính răn đe cao hơn (xử nặng nhưng không đến mức tử hình, tôi phản đối án tử hình vì phẩm giá, vì quyền sống của con người là thiêng liêng nhất). Điều này có vẻ có lý. Mặt khác, việc lên án kẻ tham nhũng bị lộ cũng có thể khiến những người có ý định tham nhũng hoặc đang tham nhũng xấu hổ mà thôi không tham nhũng nữa. Điều này ít có lý hơn.

Nhưng nó có thể gợi ý ra cách thứ tư để hạn chế tham nhũng, đó là làm sao cho con người trong xã hội ta biết xấu hổ như một thói quen. Biết xấu hổ từ khi nhỏ. Đến khi lớn vẫn không quên thói quen xấu hổ. Đến khi nắm giữ những vị trí quyền lực và lợi lộc thật lớn vẫn biết xấu hổ. Việc đó mới quan trọng, bởi vì đó là việc mà tôi, mỗi chúng ta có thể làm được và đủ thẩm quyền để làm. Trong một xã hội mà số đông từ già đến trẻ đều biết xấu hổ, biết liêm sỉ, tự trọng thì con người ta dù có lầm đường lạc lối, một ngày nào đó sẽ nhận thức được rằng, phẩm giá của họ cao hơn nhiều danh lợi phù du mà họ đang theo đuổi mà dừng lại kịp thời.

Việc này tôi và chúng ta có thể làm được, làm được ngay tức thì và hằng ngày. Khi người ta biết xấu hổ là người ta còn biết tự vấn lương tâm mình. Ta có thể bắt đầu bằng cách theo châm ngôn của triết gia Socrates: “Hãy tự biết mình”. Hằng ngày hãy tự hỏi mình, tự vấn lương tâm mình xem thứ mình đang theo đuổi có cao hơn phẩm giá mình không, để mình đánh đổi? Hằng ngày tự hỏi mình, tự vấn lương tâm mình xem mình đã và đang làm gì để bảo vệ và nâng cao phẩm giá của mình hay chính là đang hạ thấp nó?

Tôi tin rằng, trong một xã hội mà mỗi người đều biết trân quý phẩm giá của mình và đồng loại, biết xấu hổ một cách sâu sắc, lòng tham có thể được chế ngự mà không cần những bản án thật khắc nghiệt để răn đe dù là tội phạm tham nhũng hay lộng quyền. 
Đông Kinh
(Thanh niên)

Sự ồn ào trước câu chuyện “xin ra khỏi Đảng”

QĐND - Mấy ngày qua, trên một số trang mạng xã hội và những trang tin điện tử tiếng Việt của BBC, VOA liên tục phát đi những bài bình luận về cái mà họ cho là “sự kiện xin ra khỏi Đảng” của một số “nhân vật bất mãn”... Bằng các giọng điệu khác nhau, các bài viết đều chung mục đích là tung hô những người này như những “anh hùng”, “chiến sĩ dũng cảm”, “có lương tâm, có lòng tự trọng”. Những lời tán tụng ồn ào đó thậm chí còn dự đoán rằng, với sự “nêu gương” trên, rồi đây “phong trào đảng viên rời bỏ Đảng Cộng sản” sẽ tiếp tục lan rộng ở Việt Nam. Và đó sẽ là cơ sở cho việc ra đời những tổ chức chính trị, đảng phái đối lập ở Việt Nam!
Đáng lưu ý là các đài BBC, VOA tiếng Việt lập tức chớp cơ hội, "khuếch đại", "tiếp âm" đủ kiểu, cố nâng việc này thành sự kiện tầm cỡ. Họ dùng kẻ này tung hứng kẻ kia, cố ý tạo ra sóng cồn trong bể bơi!
Chính trên các trang mạng xã hội, rất nhiều người đã tỉnh táo nhận ra "trò chơi chính trị lỗi thời" này. Đã và đang xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn ý kiến hồi âm, phản bác lại những lời hô hào lạc lõng, vạch rõ chân tướng của những “nhà dân chủ”, những kẻ trở cờ...
Người đọc không ai lạ gì thủ đoạn của một số kẻ "cơ hội" muốn mượn cái loa của đài báo nước ngoài để theo đuổi tham vọng chính trị cá nhân. Những "tuyên bố", "thư ngỏ", "tâm thư"... được bày tràn lan trên các trang tiếng Việt của một số đài, báo phương Tây như đang muốn tạo ra một hình ảnh Việt Nam bất ổn, một Việt Nam đứng trước những đợt sóng ngầm...

Sự việc một vài cá nhân tự làm đơn xin ra khỏi Đảng, rồi lên đài lớn tiếng bôi nhọ Đảng, thóa mạ Đảng, họ coi như vớ được vàng. Các kỹ năng tân tiến nhất được họ sử dụng để nhào nặn, sơn phết, tạo cho ra "sự kiện", "nhân vật", "biểu tượng". Họ dùng loại bất mãn này để tung hê loại bất mãn khác, coi đó là "dư luận", là "công chúng", là "ý chí của số đông".
Đây là một kiểu làm báo không thể chấp nhận, đặc biệt là những đài, báo tự cho mình là hình mẫu của "tự do báo chí", trung thành với tiêu chí "trung thực", "tôn trọng sự thật", "khách quan"...
Trước hết phải khẳng định, quá trình phát triển và trưởng thành của bất kỳ một chính đảng chính trị nào cũng là quá trình gắn kết biện chứng giữa kết nạp-giáo dục và kỷ luật-khai trừ đảng viên. Hai việc trên lúc nào cũng quan trọng như nhau và không chính đảng nào được phép coi nhẹ mặt nào. Với Đảng Cộng sản Việt Nam, trong hơn 80 năm qua, cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ đội ngũ đảng viên, Đảng luôn chú trọng giữ gìn kỷ luật trong Đảng, một “kỷ luật sắt” trên tinh thần tự giác và nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Công tác kỷ luật của Đảng luôn được đặt lên hàng đầu, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sức chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Năm 2011, Đảng ta đã xử lý kỷ luật 13.700 đảng viên. Năm 2012, số đảng viên bị kỷ luật tăng lên 15.800 đảng viên. Năm 2013, với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhiều đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã bị thi hành kỷ luật. Không ít đảng viên giữ chức vụ cao trong hệ thống chính trị, nhưng không giữ được tư cách đảng viên đã bị khai trừ, cảnh cáo, hoặc bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nêu số liệu như vậy để thấy rằng, việc khai trừ đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng là việc làm bình thường của mọi chính đảng. Trường hợp một số nhân vật không còn thấy mình xứng đáng ở trong đội ngũ của Đảng nữa nay xin ra khỏi Đảng, hay bất kỳ một đảng viên nào khác bị khai trừ khỏi Đảng, cũng là việc bình thường. Thời gian qua, những biểu hiện thoái hóa, biến chất của những người này đã bộc lộ ngày càng rõ. Bằng những phát biểu, bài viết công khai nói sai sự thật về Đảng, thậm chí có lúc vu cáo, xuyên tạc Đảng, họ đã đi quá xa, thậm chí phản bội lại tôn chỉ, mục đích của Đảng, vi phạm “Những điều đảng viên không được làm”. Theo nguyên tắc, chi bộ đảng nơi họ đang sinh hoạt sẽ tiến hành công tác kiểm tra, kỷ luật đảng đối với họ theo đúng quy trình. Và trong quy trình đó, bao giờ cũng bắt đầu từ việc giáo dục, đấu tranh dân chủ, công khai về mặt nhận thức. Đó cũng chính là giai đoạn để những đảng viên nhận thức rõ khuyết điểm của mình, đề ra biện pháp sửa chữa. Đáng tiếc là đối với những đảng viên này, chẳng những họ không nhận ra khuyết điểm, sai lầm, mà còn để các thế lực thù địch, phản động bên ngoài mua chuộc, lôi kéo, càng ngày càng trượt sâu vào vũng bùn suy thoái.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Điều 1 đã ghi rõ: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”. “Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng”.
Với những tiêu chuẩn như vậy, biết mình đã không giữ được tư cách đảng viên, sớm muộn cũng sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng, nên họ đã viết đơn tuyên bố “bỏ Đảng”. Mượn cớ bỏ Đảng, họ tha hồ bôi nhọ Đảng, cho rằng Đảng không còn giữ được bản chất một đảng vì dân, một đảng cách mạng nữa. Trong khi đó, họ tự khoác lên mình bộ áo "chiến sĩ dân chủ”, "những người chỉ lo cho nước, cho dân" để che đi cái "cá nhân chủ nghĩa" của mình. Luận điệu của họ đã phản bội chính họ, và điều này đã được rất nhiều cư dân mạng nhận rõ, nhắc lại cho họ thấy chiêu trò “giấu đầu hở đuôi” đó.
Chắc những đảng viên "trở cờ" ấy không quên cái giờ phút từ một quần chúng ưu tú họ được tổ chức đảng kết nạp vào đội ngũ chiến đấu. Họ giơ cánh tay thề dưới cờ đỏ búa liềm, quyết tâm suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân. Nhưng đến khi thấy tổ chức đảng không giúp họ thỏa mãn những giấc mộng cá nhân, họ đã từ bỏ lý tưởng với một tâm trạng hằn học. Bằng những dòng chữ nguệch ngoạc viết ra giấy để chụp ảnh, tung lên mạng, họ đã bộc lộ bản chất của những kẻ cơ hội chính trị, muốn làm “anh hùng bàn phím” trong thế giới ảo. Những chiêu trò “bày lời gan ruột”, kêu gọi “thành lập đảng”, hô hào “một cuộc khởi đầu mới” của họ chẳng qua chỉ là những chiêu trò chính trị bị các đài báo nước ngoài lợi dụng mà thôi.
HỒNG HẢI
(Báo QĐND) 

Ông Dương Chí Dũng bị đề nghị án tử hình

Chiều 13/12, với cáo buộc tham ô 10 tỷ đồng, cựu cục trưởng Hàng Hải Dương Chí Dũng và cựu tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc bị VKSND Hà Nội đề nghị mức án tử hình.

Cùng tội tham ô, bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines) bị đề nghị 9-10 năm tù, bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) 19-20 năm tù.

Theo cáo buộc, trong vụ chia chác hơn 28 tỷ đồng "lại quả" từ đối tác nước ngoài, ông Dũng và Phúc mỗi người nhận 10 tỷ đồng. Bị cáo Chiều nhận hơn 330 triệu đồng, và Sơn đút túi hơn 7 tỷ đồng.

Ở nhóm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại cho nhà nước hơn 366 tỷ đồng, ông Dũng và Phúc mỗi người bị đề nghị 20 năm tù, bị cáo Chiều 13-14 năm, Sơn 9-10 năm. 6 người còn lại từ 6 đến 10 năm tù, trong số này có kế toán trưởng của Vinalines là Bùi Thị Bích Loan và 3 cán bộ hải quan.

Theo cơ quan công tố, ông Dũng và Phúc không ăn năn, hối cải nên phải tăng nặng hình phạt. Tổng hợp hình phạt với mỗi người là tử hình.
dung3-9730-1386925294.jpg
Ông Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa. Ảnh: Việt Dũng.
Theo cáo buộc của VKS, mặc dù chưa được Chính phủ phê duyệt và Bộ Giao thông Vận tải chưa bổ sung dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, nhưng HĐQT Vinalines vẫn ra nghị quyết giao cho Tổng giám đốc Mai Văn Phúc triển khai xây dựng. Ngày 3/5/2007, ông Phúc ký quyết định thành lập Ban quản lý dự án do Trần Hữu Chiều làm trưởng ban, Sơn làm Phó trưởng ban.
Theo quy định dự án có vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng ông Dũng vẫn ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nhà máy với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó có hạng mục lắp đặt một ụ nổi sức nâng 15.500 đến 27.000 tấn.
Trong thời gian Vinalines triển khai Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines tổ chức khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore).
Quá trình tổ chức chào hàng cạnh tranh, lựa chọn nhà thầu cung cấp ụ nổi, Vinalines không có thư thông báo mời thầu nhưng có 2 công ty gửi thư chào bán. Cụ thể, Công ty AP chào bán ụ nổi 220 sản xuất năm 1969 tại Thụy Điển và ụ nổi Dock No 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản. Công ty môi giới Mega Marine LLC/USA chào bán ụ nổi 194M sản xuất năm 1988 tại Nam Tư.
Vinalines không tổ chức khảo sát ụ nổi 194M mà chỉ khảo sát ụ nổi 220 và 83M do Công ty AP chào bán.
Đoàn của Vinalines khi đến Nga khảo sát đều biết chủ sở hữu 83M là Công ty Nakhodka, AP chỉ là công ty môi giới. Ụ nổi đã bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka đưa ra giá để đàm phán dưới 5 triệu USD.
Khi nghe đoàn khảo sát báo cáo lại, tổng giám đốc Phúc chỉ đạo: "Thôi thì các ông cứ về hoàn thiện báo cáo bằng văn bản để mua được ụ nổi 83M này qua Công ty AP". Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng cũng chỉ đạo tương tự. Cuối cùng, một bản báo cáo khảo sát tình trạng kỹ thuật của ụ nổi 83M được lập ra nhưng lờ đi thông tin Nakhodka chào bán dưới 5 triệu USD; bỏ qua chi tiết hỏng hóc, không hoạt động được để nhằm mục đích mua được ụ nổi theo tinh thần của sếp Dũng và Phúc. Từ 17/3/2008 đến 13/6/2008, Vinalines đã chuyển đủ 9 triệu USD cho AP để mua ụ nổi.
Khi thông quan tại cảng Vân Phong (Khánh Hòa), kiểm tra thực tế thấy ụ nổi đã hư hỏng, cũ nát, nhiều thiết bị không hoạt động được, ụ bốc mùi hôi thối... không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng một số cán bộ hải quan không ghi vào biên bản mà ghi theo kê khai của Vinalines.
vks-9032-1386925294.jpg
Đại diện VKS đọc luận tội với các bị cáo. Ảnh: Việt Dũng.
Ngày 26/9, cơ quan giám định xác định, việc ông Dũng và 9 đồng phạm cố ý làm trái trong việc lập, phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, thanh toán mua ụ nổi đã khiến nhà nước phải chi hơn 525 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí hợp lý, tổng tiền gây thiệt hại được xác định là trên 366 tỷ đồng. Theo cáo trạng, tiền thuê vận chuyển ụ nổi cũ nát 43 năm tuổi về Việt Nam bằng tàu nâng nặng nhiều hơn gấp đôi chi phí mua.
Cũng theo quy kết của VKSND Hà Nội, từ thương vụ mua ụ nổi trên, các bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều đã tham ô hơn 28 tỷ đồng là tiền “lại quả” từ công ty AP. Mặc dù tại toà, ông Dũng, Phúc phản bác lại lời khai của Sơn về việc chia mỗi người 10 tỷ đồng, nhưng cơ quan công tố dựa vào tài liệu thu thập và lời khai nhân chứng nên có cơ sở để khẳng định việc chác là có thật.
Mối quan hệ đặc biệt giữa ông Dũng và ông Goh Hoon Seow (Giám đốc Công ty AP).
Theo cáo trạng, năm 2000 khi là Giám đốc Công ty Nạo vét và xây dựng đường thủy I, ông Dũng đã quen ông Goh Hoon Seow thông qua giao dịch mua bán tàu cuốc.
Năm 2003 khi hai con gái du học ở Singapore, ông Dũng nhờ ông Goh Hoon Seow giới thiệu tìm thuê nhà, nhờ thăm kiểm tra việc sinh hoạt. Vợ chồng ông Dũng khi sang thăm con đã 2 lần đến chơi nhà ông Goh Hoon Seow. Ngược lại, ông Goh Hoon Seow cũng đến nhà bố mẹ ông Dũng ở Hải Phòng.
Việt Dũng
(VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét