Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Đảng Cộng sản Việt Nam tạo nên cuộc sống vì tiền & Chuyến thăm của Kerry và tương lai của Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam tạo nên cuộc sống vì tiền

Đất nước đang chứng kiến những phiên toà được truyền thông gọi là “đại án tham nhũng”. Quá nhiều. Mới phiên toà tuyên hai án tử hình ở Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Nay lại tiếp phiên toà xử vụ tham nhũng ở Vinalines. Theo mấy ông ở Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương thì có đến 10 “đại án tham nhũng” cần phải xử gấp. Sau đó, còn bao nhiều nữa thì chưa biết.
Người dân mong các phiên toà nghiêm minh, nói trắng ra là mong tuyên án tử hình nhiều hơn nữa.
Ôi, thật là đau xót! Đất nước Việt Nam có thời kỳ nào người dân lại phải mong xử tử hình nhiều người như thế này?

Nhưng đau xót một cách hài kịch hơn là các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng đang muốn tử hình nhiều kẻ tham nhũng hơn nữa. Trong lúc, hầu hết những kẻ tham nhũng là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các vị lãnh đạo Đảng có vẻ đang hy vọng khi tử hình được nhiều đảng viên của Đảng thì sẽ vớt vát được lòng tin của dân chúng vào Đảng, dường như không còn. Một câu hỏi đặt ra: Để đạt mục đích ấy, phải tử hình bao nhiêu đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Muốn trả lời câu hỏi trên thì lại phải trả lời câu hỏi này: Bao nhiêu đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam không tham nhũng?
Có người cho rằng, chỉ có những đảng viên thời chống Pháp và chống Mỹ mới may ra không tham nhũng. PV Quốc Doanh tôi nghi ngờ ý kiến ấy. Bởi vì, khi giải phóng miền Bắc năm 1954, bao nhiêu biệt thự ở Hà Nội và nhiều đô thị khác nữa ở miền Bắc đã trở thành tài sản của ai, nếu không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam? Lịch sử lặp lại một lần nữa với mức độ vô cùng lớn hơn từ năm 1975 ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam. Nói từ năm 1975 là vì thời kỳ này kéo dài nhiều năm, tính cả khi rất đông dân chúng vượt biên phải để lại nhà cửa, ruộng vườn cho các đảng viên của Đảng “kê biên” chia nhau. Có lời nào để phân biệt những hành vi thời ấy với hành vi tham nhũng bây giờ, thì chỉ có thể nói thời kỳ đó là cướp đoạt, nhưng được che đậy dưới nhiều ngôn từ màu mè khiến cho những người cướp đoạt không thấy cắn rứt lương tâm. Có chăng cắn rứt lương tâm về sau, khi cuối đời phải chứng kiến luật nhân quả.
PV Quốc Doanh tôi lẩn thẩn suy nghĩ, nếu những thời kỳ ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam không cổ vũ, không khuyến khích, mà biết ngăn lại tư duy cướp đoạt chia phần ấy thì biết đâu không có cuộc sống tham nhũng tràn lan bây giờ, khiến không biết phải tử hình bao nhiêu đảng viên của Đảng cho vừa lòng dân? Nên bây giờ, truyền thông thường phỏng vấn các vị quan chức lớn bé đã nghỉ hưu về phòng và chống tham nhũng, PV Quốc Doanh cứ khát khao mong muốn, truyền thông cho biết thêm, các vị ấy có tham gia những đợt cướp đoạt chia phần ngày trước hay không? Nếu không, lời nói muôn phần được tôn trọng. Nếu có và đã trả lại, thì cũng được tôn trọng. Còn không, chao ôi, kẻ cướp khuyên kẻ cắp sống lương thiện!
Nên công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam hô hào hiện nay là vô vọng. Bởi từ lâu rồi chứ không phải chỉ bây giờ, vô số đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã sống bằng tham nhũng (hay cướp đoạt), giàu lên bằng cách ấy, nuôi con dạy cháu trong những ngôi nhà bằng cách ấy.
Cả bây giờ, có đảng viên quan chức nào của Đảng Cộng sản Việt Nam đang sống trong những toà biệt thự trên khắp nước ta, đặc biệt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dám khẳng định tự tay mua đất và xây dựng nên? Căn nhà của mình, nơi xây dựng tổ ấm gia đình, nơi đòi hỏi sự trung thực bậc nhất mà cũng không trung thực thì còn hy vọng vào nơi nào khác với những trách nhiệm lớn lao nào hơn nữa.
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam vì vậy, về mặt xây dựng là đã xây dựng nên một cuộc sống vì tiền. Đến hôm nay, cái tư duy vì tiền đã chiếm lĩnh toàn bộ đời sống xã hội, từ điều hành bộ máy Đảng và Nhà nước cho đến làm cái nhà vệ sinh ở trường học phổ thông, từ lãnh đạo cao nhất của Đảng cho đến những đảng viên công chức bé nhất. Đồng tiền tác oai tác quái đã làm mục ruỗng con người hơn những gì người bình thường có thể tượng tưởng.
Xin nêu ví dụ điển hình. Ông Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng. Không thể tả được tâm trạng buồn chán ghê gớm đến mức nào của đảng viên vô danh tiểu tốt như PV Quốc Doanh tôi, mỗi lần thấy ông này trên truyền hình. Ông ta làm hai nhiệm kỳ Tổng Bí thư, mà hình ảnh nổi bật của ông là ra sức rao giảng học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Không có hình ảnh nào kỳ cục mà điển hình hơn về một đại diện cho Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Ông do các đại biểu ở Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam bầu nên, chứ không phải ông muốn mà được. Cũng có thể bầu lầm như lịch sử hay đi loanh quanh. Nhưng nếu Đảng Cộng sản Việt Nam (cụ thể là lãnh đạo Đảng hiện nay) chưa dám chất vấn ông ta về những ngôi biệt thự, hoặc cả bà vợ mới lấy đầy tai tiếng của ông ta, thì hô hào chống tham nhũng ai tin.
Và dù dám chất vấn ông Nông Đức Mạnh thì cũng chưa chắc đã chống được tham nhũng, vì lấy công cụ gì để chống? Xin hãy nhìn biệt thự của các quan chức ngành công an, từ những vị trong ban giám đốc công an các tỉnh và thành phố trở lên, mỗi cái ít cũng hàng chục tỷ đồng.
Chỉ anh đội trưởng đứng đường của cảnh sát giao thông thôi, lịch trình một ngày như sau. Sáng ở hàng quán rồi đi họp. Trưa ra quán rồi chiều đi đánh tennis. Tối lên chiếc xe công đời mới biển số xanh cùng các đội viên ra đứng đường. Đội trưởng ngồi trong xe đếm tiền, còn các đội viên chặn xe lấy tiền. Một đêm trung bình anh đội trưởng được chia 100 triệu đồng. Hôm anh đội trưởng tân gia nhà mới, chỉ hai tầng thôi nhưng các doanh nghiệp mang đến tặng hơn 20 máy điều hoà nhiệt độ, lắp không hết phải đem bán. Anh ta thành thật với PV Quốc Doanh: “Thời nay chỉ có tiền thôi!”.
Một thành viên nhỏ trong công cụ chống tham nhũng của Đảng đấy. Cuộc sống hôm nay, được Đảng “dày công xây đắp” là như thế.
Lúc rảnh rỗi, bật truyền hình thấy các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nói chống tham nhũng, nếu tôi không kịp tắt truyền hình thì đều phải bật cười.
Ngày 13/12/2013
PV Quốc Doanh
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Jonathan London - Chuyến thăm của Kerry và tương lai của Việt Nam

Các cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Hà Nội vào hôm thứ hai là một sự kiện quan trọng trong tiến trình quan hệ ngoại giao song phương giữa Washington và Hà Nội trong những nỗ lực nhằm phát triển quan hệ này lên tầm “đối tác toàn diện”. Nhưng ý nghĩa lớn hơn của các cuộc gặp ấy, hay là mục đích tiềm tàng của chúng, đòi hỏi phải có một cái nhìn rộng hơn cả vào hiện tại lẫn tương lai.

Chuyến thăm của Kerry diễn ra vào một thời điểm đặc biệt thú vị trong tình hình chính trị Việt Nam. Quả thật, tốc độ thay đổi trong nền chính trị Việt Nam đã gia tăng với nội dung khó đoán biết hơn, và do đó, thú vị hơn so với hồi trước. Gần đây nhất, cuộc cải cách hiến pháp và những mối lo ngại về nhân quyền đã trở thành chủ đề bao trùm trong các thảo luận chính trị. Tôi sẽ tóm tắt những diễn biến mới này trước khi trở lại với câu hỏi lớn hơn được đề cập ở đầu bài.
http://infonet.vn/Uploaded/suongphan/2013_12_10/infonet%20John%20Kerry%20Viet%20Nam.jpg?encoder=wic&quality=80&maxwidth=500

Cải cách và nhân quyền

Chúng ta hãy bắt đầu với công cuộc cải cách hiến pháp, và cái kết luận chống lại sự thay đổi, cùng với các sự kiện liên quan đến nhân quyền. Sau một cuộc thảo luận mở và công khai chưa từng có tiền lệ về cải cách hiến pháp, trong đó có cả những thảo luận rất đáng chú ý về nhu cầu phải thay đổi thể chế căn bản, Quốc hội Khóa 13 của Việt Nam đã quyết định thông qua một bản hiến pháp sửa đổi mà về cơ bản là phớt lờ mọi thay đổi quan trọng, trước sự thất vọng (dù không ngạc nhiên) của những người cổ súy cho cải cách trong và ngoài nhà nước.

Ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu, một số ít nhưng đều là các nhân vật có tiếng, đảng viên lâu năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã rời khỏi Đảng. Những người này và các cá nhân cổ súy cho cải cách khác đều khẳng định rằng nếu Việt Nam muốn giải quyết các khó khăn lớn nhất lúc này, thì đất nước cần những định chế có thể tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình, và nhà nước pháp quyền, theo một cách àm bản hiến pháp sửa đổi đã không làm được.

Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu về hiến pháp, các nhà nước thành viên Liên Hợp Quốc cũng đã bỏ phiếu dành cho Việt Nam một ghế trong Hội đồng Nhân quyền. Như chúng ta có thể thấy trước, kết quả này bị đón nhận trong sự thất vọng của những người ủng hộ cải cách trong và ngoài nhà nước, và của những người đã phải chịu đựng hậu quả của các thành tích nhân quyền “không khí” của Việt Nam.

Điều mà có lẽ không được trông đợi, từ cả phía chính quyền lẫn nhiều nhà quan sát đang phát nản về chính trị Việt Nam, là phản ứng rất thông minh và mới mẻ của những người ủng hộ cải cách. Thay vì thất vọng giơ tay lên trời hay âm thầm rút lui vào im lặng, họ đã hào hứng đón nhật kết quả Việt Nam vào LHQ như một cơ hội để buộc nhà nước phải giải trình trách nhiệm như một thành viên đầy tích cực của Hội đồng Nhân quyền.

Có thể thấy điều này rõ nhất ở các nỗ lực – dựa vào xã hội dân sự – của những người ủng hộ cải cách nhằm quảng bá việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng, nhằm nhấn mạnh một cách rất đặc biệt những cam kết chính thức của Việt Nam liên quan đến Công ước Quốc tế về Nhân quyền, và nhằm tiến hành một chiến dịch gây xôn xao một cách đáng ngạc nhiên, mặc dù được tổ chức lỏng lẻo, nhằm nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về nhân quyền và quyền thực tế của họ như là những công dân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Vào các ngày 8 và 10/12, chỉ sáu ngày trước các phiên đàm phán song phương của Kerry ở Hà Nội, và trong bối cảnh đàm phán về TPP đang diễn ra (và khá căng thẳng), những người cổ súy cho cải cách ở Việt Nam đã tổ chức một loạt sự kiện kỷ niệm ngày Nhân quyền Quốc tế, gồm những buổi sinh hoạt, thảo luận với người của cộng đồng quốc tế, và chính thức thành lập tổ chức phi đảng phái – Mạng Lưới Blogger Việt Nam.

Người tham dự tụ tập ôn hòa để phân phát tài liệu về nhân quyền và các cam kết của Việt Nam liên quan đến nhân quyền (một nhiệm vụ mà đúng ra chính nhà nước Việt Nam phải tham gia).  Thật không may, nếu không nói là đáng ngạc nhiên, là các nỗ lực này được đáp lại bằng một loạt biện pháp đàn áp quá quen thuộc, từ việc cho nhân viên an ninh mặc thường phục và côn đồ đánh đập, đến thu giữ trái phép tài sản cá nhân, và đe dọa.

Người ta có thể ngạc nhiên tự hỏi, những diễn biến thú vị này trong tình hình chính trị Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới các cuộc thảo luận hôm thứ hai ra sao.

Tình hình chính trị ở Hà Nội

Là người Mỹ và là người quan sát lâu năm về chính trị và xã hội ở Việt Nam, nhưng tôi chưa bao giờ đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ Mỹ-Việt. Tuy nhiên, trong tình hình bây giờ, tôi bỗng thấy mối quan hệ này thu hút chú ý và quan trọng. Lập trường của Việt Nam trong các cuộc đối thoại – vào thời điểm đặc biệt hiện nay – đặc biệt thú vị, và khó giải mã.

Điều gì đang diễn ra ở quảng trường Ba Đình, chúng ta có thể phỏng đoán không? Trước khi trả lời trực tiếp câu hỏi này, cái quan trọng là phải nhấn mạnh rằng bên dưới vẻ bề ngoài thống nhất của một nước độc đảng, nhà nước Việt Nam, ở một vài khía cạnh đáng chú ý, lại là đa nguyên, mặc dù theo một kiểu không hữu hiệu). Hành vi của nó chỉ có thể được hiểu như là sản phẩm kết hợp của một cuộc tranh giành đấu đá, đôi khi có màu sắc phong kiến, giữa các nhân tố cải cách và các nhân tố muốn giữ mọi sự ở nguyên trạng.

Mặc dù cuộc bỏ phiếu thông qua hiến pháp cho thấy những giới hạn trần, hoặc mục đích tới hạn của những động lực cải cách bên trong chính quyền, nhưng thật ra, số phiếu tán thành là một phong vũ biểu  phản ánh sai lạc tình hình trong chính quyền, bởi lẽ, các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam buộc phải thuận theo cơ chế trung ương quyết định, và hành vi thách thức công khai trước Quốc hội – một cơ quan của Đảng, do Đảng và vì Đảng – chỉ đơn giản là không nằm trong các khả năng có thể xảy ra.

Với mong muốn tăng cường quan hệ với Washington, mở rộng thị trường đầu ra cho thương mại, và thúc đẩy lại nhịp độ đầu tư hiện đang ì ạch, chính phủ Việt Nam giữ lập trường để có thể hưởng lợi thật nhiều từ một cách tiếp cận đa dạng hơn, sáng tỏ hơn và (như một số người Việt Nam có thể nói) văn minh hơn trong việc điều hành đời sống xã hội trong nước, và trong các diễn văn chính trị, trong việc vận động chính trị trong nước nói riêng.

Tôi không phải là nhà phân tích duy nhất có quan điểm cho rằng yếu tố quan trọng nhất mà nền kinh tế chính trị của Việt Nam đang thiếu là minh bạch, trách nhiệm giải trình, và nhà nước pháp quyền. Dứt khoát là các tiến bộ trong cải cách ở Việt Nam – và quả thật là trong cách vận hành của nền kinh tế – phụ thuộc vào những đối sách rõ ràng, hiệu quả đối với các khiếm khuyết về thể chế. Dường như đã rõ ràng là để có được những đối sách này, thì cần phải có một nỗ lực xây dựng không ngừng nghỉ nhằm chấm dứt mô hình điều hành xã hội thiếu tính xây dựng, đầy hoang tưởng, bạo lực và quả thật là bất hợp pháp, mà chúng ta đã chứng kiến trong quá khứ và hiện tại.

Vâng, người Việt Nam ở trong và ngoài bộ máy nhà nước đều có những khác biệt về việc chính trị Việt Nam phải như thế nào. Một số người cho rằng “chủ nghĩa xã hội hoàn hảo” có lẽ phải cuối thế kỷ mới có. Tuy nhiên, với những người có suy nghĩ nghiêm túc về việc giúp đất nước tiến lên, thì có một nhu cầu to lớn hơn bao giờ hết, là phải vượt qua những động lực đàn áp hoang tưởng trong quá khứ.

Tôi tin rằng người dân Việt Nam không muốn trải qua thêm nhiều năm, thậm chí thập niên, cái mà chúng ta có thể gọi là “hội chứng Việt Nam”: một sự kết hợp đặc biệt giữa đa nguyên không minh bạch và bất hữu hiêu, hành vi phong kiến, và những động lực trấn áp mà từ đâu đã dại dện cho nền chính trị cả nước, và vẫn đang tiếp tục phá hoại cũng như giới hạn các khả năng có được một trật tự xã hội công bằng, năng động về kinh tế, và sôi động hơn.

Cái mà người Việt Nam xứng đáng được hưởng, nhưng cuộc cải cách hiến pháp gần đây dã bác bỏ – là các bước tiến thực sự và có ý nghĩa nhằm giải quyết những hạn chế căn bản về thể chế. Điều này đưa chúng ta trở lại với các cuộc đàm phán song phương trong tuần.

Quá khứ, hiện tại và tương lai

Thật kỳ cục và trùng khớp là tại thời điểm quyết định hiện nay trong lịch sử đương đại Việt Nam, các gương mặt lãnh đạo của đất nước đều gặp khó khăn trong việc đối thoại một cách xây dựng với Mỹ. Có một mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Việt Nam, vì những lý do mà tất cả chúng ta đều đã biết. Bản thân Ngoại trưởng Kerry cũng là một phần trong quá khứ này, và nói chung ông được những phe lớn trong đội ngũ lãnh đạo Việt Nam mến và tôn trọng. Do đó, để Việt Nam tiến lên, có cách nào tốt hơn là chấm dứt kiểu chính trị đàn áp, lạc hậu, và thực thi các khả năng để giúp Việt Nam đi tới.

Những cuộc cải cách thể chế có ý nghĩa sẽ chỉ đến thông qua tiến trình đa phương, mà vào một thời điểm nào đó, có thể vượt qua các trở lực nằm bên trong phe bảo thủ, đầu óc bị ám ảnh vì an ninh quốc gia. Những con người dũng cảm cổ súy cho xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay tiến hành công việc của họ bất chấp nguy hiểm lớn, bởi vì họ yêu nước và họ khao khát những quyền tự do căn bản, mà chính nhà nước của họ đã cam kết, cả theo hiến pháp lẫn theo các quy định quốc tế.

Trên thực tế, chính là nhà nước Việt Nam, chứ không phải công dân Việt Nam, muốn ngồi vào Hội đồng Nhân quyền, và họ nên, họ phải thúc đẩy nhân quyền trong nước mình. Thay vì đánh đập những người ủng hộ cải cách, nhân viên công quyền nên bảo vệ, và tham gia cùng những nhà hoạt động đó trong tinh thần “niềm tin chiến lược” như chính Nguyễn Tân Dũng đã đề cập cách đây không lâu ở Singapore.

Cuối cùng, cải cách thể chế, theo hướng Việt Nam cần, sẽ đòi hỏi những nỗ lực của rất nhiều bên tham gia, cả ở trong và ngoài chính quyền, kể cả những phe phái trong nhà nước mà vốn vẫn phản đối hoặc chỉ đơn giản là chẳng biết gì về nhu cầu cải cách. Việt Nam không phải Trung Quốc và sẽ không bao giờ là Trung Quốc. Và đó là một điều tốt. Việt Nam cũng không phải một đất nước sẽ đi áp dụng chủ nghĩa tân tự do một cách ngu ngốc.

Việt Nam cần vạch ra con đường của chính mình. Và hy vọng của công dân Mỹ này là những cuộc đàm phán song phương hôm thứ hai, cùng với các nỗ lực cải cách trong và ngoài nhà nước, sẽ giúp đất nước Việt Nam tuyệt vời này bước vào một con đường hứa hẹn hơn. Một con đường có thể thật sự mang lại cho đất nước Tự do, Độc lập, Hạnh phúc, những điều mọi người dân vốn vẫn khao khát, bất kể giai cấp, đảng phái, tầng lớp
JL, Hà Nội
  (Blog Jonathan London)
 

Phú Yên: Bác sĩ bị ép tỉnh làm “đao phủ”

Được lệnh điều động đi cấp cứu, hỗ trợ sức khỏe nhưng khi đến nơi, các y, bác sĩ bị buộc phải tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để thi hành án tử hình
Cuộc họp giao ban sáng 13-12 của Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Phú Yên trở nên căng thẳng khi nhiều bác sĩ (BS) bức xúc việc BV đã cử BS tham gia thi hành án tử hình bằng thuốc độc tại tỉnh Đắk Lắk.

BS L.C.T đã làm việc trở lại nhưng vẫn ám ảnh sau khi tham gia đoàn thi hành án tử hình bằng thuốc độc

Ám ảnh ánh mắt tử tù

Theo phản ánh, trưa 9-12, BS L.C.T và điều dưỡng N.N.T ở Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nhận được lệnh từ giám đốc BV lên đường đến Đắk Lắk cùng đoàn thi hành án của tỉnh với nhiệm vụ cấp cứu, hỗ trợ sức khỏe. “Chúng tôi còn được chỉ đạo mang theo các dụng cụ cấp cứu khi cần thiết nên chuẩn bị sẵn sàng để sáng 10-12 lên đường” - BS C.T kể.

Thế nhưng, trong bữa ăn chiều 10-12, BS C.T và điều dưỡng N.T được phân công tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch của phạm nhân để Hội đồng Thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên tiêm thuốc độc. “Nghe phân công nhiệm vụ, chúng tôi đã bị sốc. Tôi phản ứng ngay rằng chúng tôi đi hỗ trợ sức khỏe nhưng họ khẳng định theo quy định, chúng tôi phải thi hành nên tôi không còn cách nào từ chối. Ngày hôm sau (11-12), chúng tôi đành phải làm theo” - BS C.T bức xúc.

Đến bây giờ, BS mới vào nghề được 4 tháng này vẫn ám ảnh về ánh mắt đau đáu của phạm nhân khi anh cùng điều dưỡng luồn kim vào tĩnh mạch. “Tôi thật sự rất buồn. Tôi được học và công việc của tôi là để cứu sống người chứ đâu phải làm cho người ta chết. Nếu biết trước, tôi đã từ chối. Giờ đây, nỗi ám ảnh sẽ theo tôi đến hết cuộc đời” - BS C.T run run nói.

Còn điều dưỡng N.T vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tôi bị choáng. Hồi nào giờ có làm cái việc ấy đâu. Cứ nghĩ lên đấy để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn nên đi thôi”.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, tỏ ra bất ngờ khi nghe y, BS thông báo họ tham gia tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch để thi hành án tử. Trước đó, ông nhận được công văn của Sở Y tế Phú Yên đề nghị cử 1 BS và 1 điều dưỡng đi cùng đoàn thi hành án.

“Tôi cứ nghĩ đi theo đoàn để nếu có gì sẽ cấp cứu chứ đâu ngờ lại ra vậy. BS cứu người chứ đâu phải giết người. Nếu biết rõ công việc nhân viên của mình phải làm như thế thì tôi đã báo cáo lại với sở y tế rồi” - giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Yên phân trần.

Quy định không bắt buộc

Về vấn đề này, ông Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết sở chỉ đạo BV Đa khoa tỉnh Phú Yên cử y, BS tham gia đoàn thi hành án của tỉnh dựa trên văn bản đề nghị của TAND tỉnh Phú Yên. “Họ chỉ yêu cầu cử BS đi với đoàn thi hành án tử hình ấy thôi chứ làm việc gì thì mình cũng không biết. Tôi cứ nghĩ là tham gia với đoàn để giám sát việc tử hình. Khi hỏi họ tham gia làm sao, BS lên làm gì thì họ chẳng nói gì cả” - ông Nhân nói. Ông Nhân cũng đã đề nghị cử BS pháp y tham gia với đoàn nhưng hội đồng thi hành án tử hình tỉnh không đồng ý.

Theo ông Nguyễn Phi Đô - Phó Chánh án TAND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên, đây là vụ thi hành án tử hình bằng thuốc độc đầu tiên của tỉnh Phú Yên, được thực hiện tại Nhà Thi hành án số 5 (tỉnh Đắk Lắk) vào ngày 11-12. Tử tù là Nguyễn Thành Khâu (ngụ xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) can tội hiếp dâm trẻ em, giết người và cướp tài sản.

Ông Đô cho rằng Sở Y tế Phú Yên biết BS tham gia đoàn thi hành án làm việc gì. “Nếu không biết sao sở này còn hỏi rõ chế độ công tác phí khi tham gia đoàn?” - ông Đô nói. Mặt khác, các y, BS của BV Đa khoa tỉnh Phú Yên đi cùng để xác định tĩnh mạch, tiêm kim vào tĩnh mạch rồi để đó. Việc nối ống thuốc độc vào kim tiêm cũng như bấm nút để bơm thuốc độc vào phạm nhân do đội thi hành án thực hiện.

“Việc BS BV tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 05-2013 giữa Bộ Y tế, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Thật ra, BS bên đội thi hành án cũng làm tốt điều đó nhưng luật đã quy định rồi” - ông Đô nói.

Tuy nhiên, tại điều 9 của thông tư này nêu rõ BS do sở y tế cử tham gia đoàn thi hành án chỉ “để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết”, không yêu cầu tự tay tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để hội đồng tiến hành thi hành án tử hình bằng thuốc độc.

Còn tại điều 10 Nghị định 82-2011 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cũng chỉ quy định công an “phối hợp với cơ quan y tế tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án tử hình trong công an nhân dân”.
Nếu trái quy định, BV sẽ không làm
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, cho biết đang chỉ đạo các bộ phận chức năng của BV này rà soát lại toàn bộ các văn bản quy định việc y, BS của BV tham gia Hội đồng Thi hành án tử hình để báo cáo lên Sở Y tế Phú Yên.
“Chúng tôi sẽ nói rõ việc bức xúc của y, BS BV khi buộc phải tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch để đoàn thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Nếu việc này không đúng với quy định, lần sau chúng tôi sẽ không cử cán bộ tham gia” - ông Trúc khẳng định.
Bài và ảnh: HỒNG ÁNH
(Người Lao động)

Cảnh sát Thái bắt giữ ba người Việt tại Bangkok

Một nhóm người Thượng Việt Nam tụ họp trước trụ sở Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangkok để xin cứu xét qui chế tị nạn. Ảnh minh họa.
∇ Bấm vào để nghe bài tường thuật
Vào chiều tối ngày 13 tháng 12, Gia Minh hỏi chuyện một cựu tù nhân lương tâm cũng đang hiện ngụ tại Thái Lan, luật sư Trần Quốc Hiền, về trường hợp đó. Trước hết luật sư Trần Quốc Hiền cho biết:
Tối hôm ngày 11, mật vụ Thái Lan bao vây chỗ khu ở của Trương Quốc Huy, họ tìm bắt Đặng Chí Hùng. Họ lên tòa nhà đó và bắt gặp Trương Quốc Huy và anh Lê Văn Quang cũng là một người tỵ nạn. Họ hỏi về Đặng Chí Hùng để bắt giữ anh này vì họ có hình ảnh của anh này. Tuy nhiên trước đó tôi và anh Đặng Chí Hùng đã âm thầm rời khỏi đó. Họ âm thầm chờ ở đó để bắt anh Đặng Chí Hùng nhưng không thấy.

Hôm ( 11) họ bắt luôn anh Trương Quốc Huy và anh Lê Văn Quang về đồn. Hôm qua họ lần ra chỗ ở mới của anh Đặng Chí Hùng và bắt anh này vào chiều hôm qua, ngày 12, họ giải về đồn.Trưa hôm nay tôi đã tiếp xúc được những người bị bắt, sau đó tôi lên tòa án đóng tiền tòa cho hai người Trương Quốc Huy và Đặng Chí Hùng, mỗi người sáu ngàn bath. Anh Đặng Chí Hùng và Trương Quốc Huy bị giải về IDC. Theo tôi được biết, cảnh sát nói, anh Trương Quốc Huy sẽ ở trong tù khoảng một tuần. Còn tình trạng của anh Đặng Chí Hùng chưa có tư cách pháp lý rõ ràng nên cần có sự can thiệp của Cao Ủy LHQ để anh ta không bị dẫn độ về Việt Nam.

Gia Minh: Hai trường hợp bị bắt đó có được Cao Ủy cấp quy chế gì chưa?

Luật sư Trần Quốc Hiền: Anh Trương Quốc Huy đã được cấp qui chế tỵ nạn chính trị, còn anh Đặng Chí Hùng chỉ là mới là người tìm kiến tỵ nạn chính trị, chưa có quy chế. Trường hợp của anh Hùng ở trong tình trạng nguy hiểm hơn vì có yêu cầu của chính phủ Việt Nam khi bắt anh này tại Thái Lan và Thái Lan đã thực hiện việc vây bắt này.

Trưa nay tôi có gặp anh Đặng Chí Hùng thì anh này có thuật lại là Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok đã vào nơi giam giữ anh và cáo buộc anh một số tội danh về kinh tế…

Theo anh Đặng Chí Hùng thì đó là những sự ngụy tạo của chính phủ Việt Nam để yêu cầu Thái Lan dẫn độ anh về Việt Nam. Tuy nhiên trong cuộc làm việc anh Đặng Chí Hùng đã hoàn toàn không công nhận những cáo buộc đó, không ký bất kỳ giấy tờ gì của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Cuộc gặp đó hoàn toàn thất bại vì phía chính phủ Thái không chấp nhận những cáo buộc của phía chính phủ Việt Nam. Điều còn lại là về tình trạng pháp lý của anh Đặng Chí Hùng, cần Cao Ủy xem xét như thế nào đó để có thể anh Đặng Chí Hùng chỉ bị giam giữ ở Thái Lan mà không bị đưa về Việt Nam.

Gia Minh: Là người thân quen với anh Đặng Chí Hùng, ông có thể cho biết rõ thêm một số chi tiết về anh Đặng Chí Hùng được không?

Luật sư Trần Quốc Hiền: Anh Đặng Chí Hùng là một người trẻ trong nước, anh đã viết rất nhiều những tài liệu bạch hóa về Hồ Chí Minh cũng như những tài liệu bạch hóa về đảng cộng sản Việt Nam mà chúng ta có thể tìm kiếm trên mạng. Đó là loạt bài về sự thật Hồ Chí Minh, tội ác của đảng Cộng sản Việt Nam cũng như những tài liệu mà anh ta đang nghiên cứu tìm tòi và đã đăng trên các trang mạng thông tin.

Đây là một người trẻ xuất thân từ phía bắc trong một gia đình cộng sản. Chính vì vậy sau khi biết được sự thật của đảng cộng sản Việt Nam, anh đã dấn thân vào con đường đấu tranh từ năm 2007 đến nay và tham gia vào các cuộc biểu tình chống Trung Cộng. Sau đó anh ta bị nhà cầm quyền phát hiện và tuy bức cũng như bao vây kinh tế. Cuối cùng anh ta phải lánh nạn tại Thái Lan.

Gia Minh: Qua trường hợp mới diễn ra hôm 11 đến hôm nay, ông có thể nhận xét tâm tư, tình cảm của những người Việt hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan ra sao?


Luật sư Trần Quốc Hiền: Có thể nói đến thời điểm này tình trạng của những người tỵ nạn ở Thái Lan đang rất nguy hiểm. Vì hiện nay đa số những người Việt sang Thái Lan làm việc hay học hành, sinh sống ở Thái Lan thì không biết được ai là người dân bình thường, ai là mật vụ. Tình trạng an ninh đang bị đe dọa bởi lực lượng người Việt tràn qua đây.

Riêng đối với những người tỵ nạn có một lời khuyên là phải hết sức cẩn thận, tránh hết sức tiếp xúc với những người từ Việt Nam qua vì không biết được đâu là an ninh mật vụ, đâu là người dân thường, sẽ có những bất trắc mà chúng ta không lường trước được.

Gia Minh: Cám ơn luật sư Trần Quốc Hiền.
Gia Minh,
biên tập viên RFA
Theo RFA

Tin từ Bắc Hàn: Toàn văn cáo trạng buộc tội và phán quyết tử hình Jang Song-thaek

Từng câu trong quyết định của tòa án như búa tạ của sự giận dữ của các cán bộ và nhân dân giáng lên đầu Jang Song-thaek, một kẻ phản cách mạng, tham vọng chính trị đê hèn và là kẻ lừa đảo.

Hình ảnh Jang Song-thaek được hai nhân viên an ninh Triều Tiên bắt cúi đầu trong phiên tòa hôm 12/12

Trước đó, thông tấn KCNA cũng đã cho đăng tải thông tin về phiên tòa cùng loạt cáo trạng chống lại Jang Song-thaek được đề cập tới trong phiên tòa đặc biệt ngày 12/12.

Dưới đây là toàn văn bản tin được KCNA đăng tải sớm ngày 13/12:

"Sau khi nghe báo cáo về cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị, Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, toàn thể cán đảng viên và nhân dân cả nước đã thét lên những tiếng giận dữ và yêu cầu một hình phạt nghiêm khắc chống lại thói phe phái, phản cách mạng. Trong bối cảnh của những tiếng la thét vang vọng khắp đất nước, một tòa án quân sự đặc biệt của Bộ An ninh quốc gia CHDCND Triều Tiên được tổ chức vào ngày 12/12 để trừng phạt kẻ phản bội của mọi thời đại Jang Song-thaek.

Jang bị buộc tội đã tập hợp lực lượng không thể chấp nhận và thành lập một nhóm phe phái hiện đại trong một thời gian dài. Do đó đã phạm tội ác ghê tởm như âm mưu lật đổ nhà nước bằng tất cả các loại thủ đoạn và phương tiện đê hèn với một tham vọng hoang đường giành lấy quyền lực tối cao của đảng và nhà nước chúng ta.

Toà án đã xem xét tội ác của Jang Song-thaek.

Tất cả các tội ác của bị cáo đã được chứng minh trong quá trình xét xử và hắn đã nhận tội.

Bức ảnh chấn động dư luận quốc tế và bán đảo Triều Tiên khi Jang Song-thaek bị bắt.

Quyết định của tòa án quân sự đặc biệt của Bộ An ninh quốc gia của CHDCND Triều Tiên đã được đọc tại phiên tòa.

Từng câu trong quyết định của tòa án như búa tạ của sự giận dữ của các cán bộ và nhân dân giáng lên đầu Jang Song-thaek, một kẻ phản cách mạng, tham vọng chính trị đê hèn và là kẻ lừa đảo.

Bị cáo là một kẻ phản quốc mọi thời đại với hành vi chống đảng, hành vi phe phái phản cách mạng trong một nỗ lực để lật đổ sự lãnh đạo của đảng và nhà nước, hệ thống xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Jang Song-thaek đã được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo của đảng và nhà nước nhờ vào sự tin tưởng chính trị sâu sắc của Chủ tịch Kim Nhật Thành, Chủ tịch Kim Jong-il và từ lâu đã nhận được lòng nhân từ từ 2 vị lãnh tụ nhiều hơn bất kỳ người nào khác.

Hắn đã được bổ nhiệm vào các vị trí cao cấp hơn nữa và đặc biệt là nhận được sự tin tưởng sâu sắc của nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un.

Hắn không xứng đáng với sự tin tưởng chính trị và lòng nhân từ thể hiện bởi những con người nhân cách lớn của Paektu (ngọn núi nơi nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành ẩn náu trong thời kỳ cách mạng và là nơi nhà lãnh đạo Kim Jong-il chào đời. Nó được xem là ngọn núi thiêng, cái nôi cách mạng ở Triều Tiên - PV).


Cảnh phiên tòa quân sự đặc biệt xét xử Jang Song-thaek.

Con người lẽ ra phải có nghĩa vụ cơ bản là trả ơn niềm tin lãnh tụ đã gửi gắm bằng cả nghĩa vụ và lòng trung thành của mình.

Tuy nhiên, kẻ cặn bã và hèn hạ Jang Song-thaek, kẻ còn tệ hơn cả một con chó, gây ra hành vi bị nguyền rủa đến 3 lần, phản bội niềm tin sâu sắc và tình yêu nồng nhiệt nhất của nhân dân và các nhà lãnh đạo dành cho mình.

Từ lâu, Jang Song-thaek đã có một tham vọng chính trị bẩn thỉu. Hắn ta không dám ngẩng đầu lên khi lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong-il còn sống. Nhưng, trước mặt hai nhà lãnh tụ, Jang Song-thaek luôn che giấu mặt thật của mình. Hắn chỉ bắt đầu để lộ bộ mặt thật khi nghĩ rằng đã đến thời điểm thực hiện tham vọng hoang đường của mình trong giai đoạn lịch sử chuyển giao thế hệ lãnh đạo cách mạng.

Jang Song-thaek phạm tội phản quốc bị nguyền rủa ba lần, không thể tha thứ khi công khai và ngấm ngầm can thiệp vào vấn đề chuyển giao quyền lãnh đạo cho Chủ tịch Kim Jong-un, người kế thừa hợp pháp của cố Chủ tịch Kim Jong-il và là sự phản ánh các mong muốn và ý chí của toàn đảng, toàn quân và toàn dân.

Khi nỗ lực của hắn được chứng minh là vô ích và quyết định đồng chí Kim Jong-un được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên tại Hội nghị lần thứ ba của WPK trong sự phản ánh của ý chí thống nhất của tất cả các đảng viên, nhân viên, làm cho tất cả những người tham gia hội nghị đứng lên cổ vũ nhiệt thành rung chuyển hội trường, Jang Song-thaek đã cư xử rất ngạo mạn và dường như miễn cưỡng đứng lên, miễn cưỡng vỗ tay. Hành động đó đã chạm vào sự oán giận cao chót vót của cán bộ và nhân dân chúng ta.


Jang Song-thaek khi còn đương chức.

Jang Song-thaek thú nhận rằng hắn cư xử như vậy tại thời điểm đó như một phản ứng khi hắn nhận thấy sức mạnh của đồng chí Kim Jong-un trong quân đội đã được củng cố và điều này sẽ là một trở ngại trong nỗ lực tiếm quyền trong đảng và nhà nước của mình.

Khi Chủ tịch Kim Jong-il đột ngột qua đời, Jang Song-thaek bắt đầu hành động một cách nghiêm túc và thực sự thể hiện tham vọng quyền lực ấp ủ bấy lâu của mình.

Lợi dụng vinh dự thường được thường xuyên tháp tùng Chủ tịch Kim Jong-un trong các chuyến thị sát, Jang Song-thaek đã rất cố gắng tạo ra ảo giác rằng hắn có ảnh hưởng đối với các cán bộ và như một người đặc biệt ngang tầm với nhà lãnh đạo cách mạng.

Trong một nỗ lực để tập hợp một nhóm phản động để lật đổ nhà lãnh đạo của đảng và nhà nước, hắn để cho các yếu tố không mong muốn và người nước ngoài, bao gồm cả những người đã bị sa thải và bị trừng phạt nặng vì không tuân theo chỉ thị của Chủ tịch Kim Jong-il không tuân theo các hướng dẫn của Chủ tịch Kim Jong Il, một chỗ đứng trong Ủy ban Trung ương đảng và các cơ quan khác một cách xảo quyệt.

Jang Song-thaek đã làm tổn hại nghiêm trọng tới phong trào thanh niên ở nước ta, để một phần nhóm nổi loạn và kẻ phản bội ở trong lĩnh vực công tác thanh niên nhận hối lộ của kẻ thù. Ngay cả sau khi họ đã được phát hiện và trừng phạt bằng biện pháp kiên quyết của đảng, hắn vẫn bảo trợ cho họ và để cho họ giữ các chức vụ quan trọng của đảng và nhà nước./.


Nguyễn Hường
Giáo Dục Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét