Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

NGHỊCH LÝ THỜI NAY - Phải có Chủ nghĩa xã hội cho trẻ em!? - Nông nghiệp đã hết thời?!

NGHỊCH LÝ THỜI NAY

* BÙI VĂN BỒNG
Những điều nghịch lý của thời nay khắp xứ Việt ta:
-  Nói quá nhiều trên bàn nhậu, nhưng trong hội nghị im như thóc.
-  Khi xin-cho thi tung hết võ mồm, nhưng có khuyết diểm không phát âm nổi hai từ “Xin lỗi”.
- Nói lý thuyết rất hùng hồn, nhưng nói thật lòng mình thì ấp úng.
- Nói say sưa, làm né tránh. .
- Báo cáo thành tích thì lãi lớn, báo cáo tài chính để chờ Chính phủ giải cứu thì lỗ nặng.
- Dân vô tội thành có tội, quan nhỏ tội  nặng, quan càng lớn tội càng nhẹ, quan lớn nhất không hề có tội.
- Khoa học hiện đại, chính xác, nhưng khoa nói cũ rích, tùy hứng.
- Nhiều việc làm dễ kiếm tiền, nhưng mất nhiều tiền chưa dễ kiếm được việc làm.
- Quan chức được học rất nhiều luật, nhưng khi làm thì lờ luật và lách luât.
- Quan chức thích xử ai tội gì rất dễ, nhưng khi quan chức có tội thì…khó đưa ra xét xử.
- Con người khác thất nghiệp mặc kệ, con cái mình chọn ghế giao quyền..
- Biệt thự, xe sáng choang, nhưng phát ngôn bị tối dạ.
- Ăn của dân rất dễ, nhưng lo cho dân đủ ăn vô cùng khó.
- Thẻ đảng màu hồng, lương tâm đen nhẻm.
- Quyền chức lên nhanh, nhưng tiến bộ quá chậm. Địa vị rất cao, nhưng uy tín quá thấp.
- Ôm cả rừng luật, xử heo luật rừng.
- Quan tòa nhận quà quan chức, quan chức giao chức quan tòa.
- Rất khó phục vụ nhân dân, qúa dễ để lòng dân không phục.
- Xử dân thì phồng mang trợn mắt, xử quan  thi dè dặt nịnh thần.
- Ông cụ qúa già, lấy cô vợ nhỏ hơn tuổi cháu.
- Cống hiến mấy chục năm, nhưng phá sự nghiệp chỉ một vài chữ ký.
- Quên cả trăm triệu dân, chỉ nhớ gia đình mình.
 - Có vô số chốn quan trường, nhưng không có trường dạy làm quan.
- Quan nói mười, làm không được một; dân không được mở miệng, làm gấp nghìn lần lần.
- Ôm chặt chủ nghĩa, chủ tọa, chủ đất, chủ tài khoản, chủ chi, nhưng lại buông lơi chủ quyền dân tộc.
- Thu cả thế giới vào màn hình nhỏ, nhưng lòng tham găm chặt xó nhà.
- Chạy đủ cách nhiều tiền, nhưng bị mất danh dự.
- Nhìn ra cả thế giới, nhưng không nhận ra chính mình..
- Ban hành rất nhiều luật, nhưng làm theo ý vài cá nhân; cả rừng luật, nhưng xử theo luật rừng.
- Chúng ta có những tòa building cao hơn nhưng sự kiên nhẫn của mình lại ngắn hơn, ta có những đại lộ rộng lớn hơn, nhưng cái nhìn của mình lại nhỏ hẹp hơn.
- Chúng ta tiêu xài nhiều hơn, nhưng có được ít hơn, mua sắm thêm hơn, nhưng thưởng thức lại kém hơn.
- Ta có căn nhà to rộng hơn, nhưng gia đình nhỏ bé hơn.
- Có nhiều tiện nghi hơn nhưng thời giờ ít ỏi hơn.
- Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn nhưng hiểu biết lại giảm đi.
- Ta dư thừa kiến thức, nhưng lại thiếu kiến giải, suy xét.
- Hứa hẹn như hát hay, nhưng việc làm quá dở.
- Ta có nhiều tiến sĩ hơn, nhưng kéo lùi xã hội mạnh mẽ hơn.
- Ta có thêm nhiều nhà chuyên môn và cũng thêm bao nhiêu là những vấn đề, có thêm thuốc men nhưng sự lành mạnh lại càng sụt giảm.
- Thời đại ngày nay chúng ta uống rượu và hút thuốc quá nhiều, tiêu pha không tiếc nuối, thiếu vắng tiếng cười.
- Tàu, xe siêu tốc, nhưng sửa sai như sên bò.
- Nóng giận mất khôn, nhưng giữ được quyền hành.
- Vài câu lý thuyết cũ tưởng hay, chỉ người nghe thấy dở.
- Khẩu hiệu thì thuộc lòng, dân kêu nhiều vẫn quên.
- Tài sản của ta tăng lên gấp ntriẹu lần, nhưng uy tín giảm cả tỉ lần.
- Chúng ta nói quá nhiều, thương yêu quá ít, và thù ghét thì lại quá thường.
- Chúng ta biết cách kiếm sống, nhưng không mấy ai biết sống.
- Một đời người được kéo dài hơn, nhưng chỉ là cộng thêm những năm tháng mà thôi.
- Chúng ta đã lên đến mặt trăng và trở về lại trái đất, nhưng rất khó bước qua bên kia bức tường để chào người hàng xóm mới.
- Ta chinh phục được thế giới bên ngoài, nhưng không biết gì về thế giới bên trong.
- Chúng ta đã làm được rất nhiều những việc rất lớn lao, nhưng rất ít việc tốt lành.
- Không khí chung quanh ta được trong sạch hơn, nhưng tâm hồn ta lại càng thêm ô nhiễm.
- Chúng ta chia cắt được một hạt nguyên tử, nhưng chưa phá được thành kiến của chính mình.
- Chúng ta viết nhiều hơn, nhưng học được ít hơn.
- Nói quá nhiều, nhưng ít suy ngẫm và khồng viết gì cả.
- Sự đồng cảm ít đi, sự vô cảm lại gia tăng.
- Chúng ta có nhiều dự án hơn, nhưng hoàn tất lại ít hơn.
- Rất hăng hái khi thấy có tiền, nhưng lại quá rụt rè khi tự nhận lỗi.
- Chúng ta biết cách làm việc thật nhanh chóng, nhưng không biết cách để đợi chờ.
- Chúng ta thiết kế nhiều máy điện toán, chứa thật nhiều dữ kiện, in ra bao nhiêu tài liệu, nhưng sự truyền thông giữa con người lại càng sút kém đi.
- Ngày nay là thời đại của mì ăn liền, tiêu hóa chậm, con người to lớn nhưng chí khí rất nhỏ, lợi nhuận thì rất sâu mà tình người thì rất cạn.
- Miệng hô lợi ích chung, nhưng tiền chui hết vào túi riêng. Nhà cửa khang trang nhưng đổ vỡ trong gia đình.
- Hàng hóa chất đầy ngoài cửa tiệm, nhưng tiền trong túi dân xẹp lép.
- Lương tâm thì đem bán, cái ghế chạy đi mua.
- Lãnh đạo được quyền nói, nhưng không ai được nói đến lãnh đạo.
- Mua chức thì rất dễ, nhưng từ chức lại vô cùng khó khăn...
BVB

GDP - Gian Dối Pháp

Đã tìm ra nguyên nhân GDP "trốn tìm"
 
Tại phiên họp cuối năm diễn ra sáng 23/12, ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) thừa nhận về cách tính sai GDP thời gian trước đây. Ít ngày trước, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã từng chỉ ra nguyên nhân số liệu thống kê vênh do người cung cấp sai và người dùng chưa hiểu con số.
Tính sai GDP năm 2010, 2011, 2012...
Theo đó, trong những năm qua, số liệu GDP của Việt Nam được Tổng cục Thống kê biên soạn thông qua việc áp dụng thống nhất khái niệm, nội dung, phương pháp tính hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) 1993 của Liên hợp quốc nhưng hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ trong GDP, điều này ảnh hưởng tới quy mô của chỉ tiêu này.  
>> GDP cả năm 2013 tăng 5,42%  >/Liệu đã chính xác chưa?
Trước câu hỏi, nếu áp dụng cách tính GDP hiện nay cho các năm trước như năm 2010, 2011, 2012… thì chính xác tốc độ tăng trưởng GDP và quy mô GDP sẽ thay đổi như thế nào, ông Hà Quang Tuyến chia sẻ: “Chúng tôi không tính lại những con số mà chúng tôi thừa nhận rằng trước đây đã tính sai rồi. Từ năm 2013 trở đi, các sai sót này đã được khắc phục”.
Ông Tuyến cho biết, thực ra GDP đầu người năm 2010 đã điều chỉnh lên tới 1.273 USD, như vậy, chúng ta đã đạt được ngưỡng 1.000 USD năm 2008. Ước tính năm 2013, GDP đầu người đã đạt 1.890 USD/người, so với 2010 gấp 1,89 lần.
Đánh giá về tăng trưởng của cả nước hiện nay, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa bền vững trong khi vẫn dựa vào vốn và lao động.
"GDP chạy đi đâu?"
Tại phiên thảo luận diễn ra sau báo cáo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược” vào tháng 9/2013, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã lên tiếng: “GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5% thì không biết GDP chạy đi đâu?”. Do vậy, ông đề nghị cần nghiên cứu việc phối hợp điều hành kinh tế giữa trung ương và địa phương. 
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: “Thú thật, tôi thấy các con số thống kê nó thế nào ấy, tôi không dám tin”.
GS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trong một cuộc hội thảo đã đưa ra thực tế khiến không ít người giật mình: “Ba năm gần nhất, cộng GDP của các tỉnh tăng 12%, trong khi cả nước tăng có 6%. Sự khác biệt này trước đó tăng gấp rưỡi nhưng nay là gấp đôi!”.
Ông Nguyễn Bích Lâm đã lên tiếng khẳng định rằng mức độ chênh lệch của một số chỉ tiêu “không đến mức bi quan như một số phát biểu gần đây”.
TS. Nguyễn Bích Lâm chỉ ra 2 nguyên nhân khiến số liệu thống kê không chính xác là do lỗi của người cung cấp thông tin cho cơ quan thống kê và trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê. 
Ông Lâm cho biết, nhận thức và trách nhiệm cũng như việc chấp hành Luật Thống kê của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê chưa tốt.
Bên cạnh trách nhiệm thống kê, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng đề cập đến “trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê”. Theo đó, người sử dụng số liệu thống kê phải hiểu các con số thống kê phản ánh gì, từ đó đề ra những chính sách cho phù hợp. 
Phương Mai (Tổng hợp)/ Đất Việt  

Phải có Chủ nghĩa xã hội cho trẻ em!?

vvk4Chu Mộng Long – Dành các ngôi biệt thự đẹp trong thành phố làm nhà trẻ, đó là việc làm tuyệt vời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Những ngôi biệt thự ấy có lẽ bây giờ đã bị tư bản hóa rồi, nghĩ mà tiếc cho công lao của ông. Sinh thời ông nói, “Chưa có XHCN cho người lớn thì phải có XHCN cho trẻ con”. Câu nói ấy đáng tôn vinh ông là người cộng sản thứ thiệt!
Nếu cảm thấy xây dựng Chủ nghĩa xã hội khó quá thì hãy xây dựng một cộng đồng chia sẻcộng đồng trách nhiệm hơn là đứng ngoài cuộc mà ném đá người trong cuộc. Chia sẻ với áp lực của nhà giáo, nhất là các bảo mẫu, đừng để họ thành con ở của trăm nhà. Trách nhiệm với tương lai của trẻ em, xem con em của người khác cũng là con em của mình, đừng để tất cả con em vì chúng ta. Chủ nghĩa xã hội không thể do ý chí cá nhân hay bè phái nào tạo ra mà do cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ mà thành! 
—————————-
Những sĩ quan SS của phát xít Đức khi giết người Do Thái, những người lính Pol Pot khi bổ cuốc vào đồng loại, những người lính Nhật trong thảm sát Nam Kinh, lính Bosnia trong thanh trừng sắc tộc ở Nam Tư… tất cả đều cho rằng mình không sai, rằng mình làm theo lệnh cấp trên, rằng mình làm việc phải làm.
baomau.php
Thiên thần và từ mẫu. Ảnh: kenh14.vn
Tác gia Mỹ gốc Đức Hannah Arendt đã phân tích cho mọi người thấy con người sẽ man rợ thế nào khi cái ác trở thành việc thường nhật, trở thành cái phổ biến không đáng bận tâm. Một trong những điều thường trực trong đầu của những con người làm nên cái ác tận cùng này đều là tước bỏ tính người trong “đối tượng cần xử lý”; nói cách khác là họ từ bỏ tính thấu cảm (empathy) của mình để coi “đối tượng cần xử lý” không phải là đồng loại, để từ đó có những việc làm vượt ra khỏi các quy tắc đạo đức thông thường.
Untitled-2
Bỗng dưng thành ác mẫu? Ảnh CML cắt từ clip
Với trường hợp hai cô bảo mẫu cơ sở mầm non Phương Anh (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) bạo hành các cháu bé vừa được phát hiện, tôi không cho là họ mất hết nhân tính dù rằng hành động của họ đáng lên án và phải bị pháp luật trừng trị. Đây có thể là một lựa chọn (rõ ràng là tồi tệ) để hoàn thành việc mình phải làm, và rõ ràng là có tính toán (các cháu bé không hề có thương tích bên ngoài).
Họ là kẻ thủ ác, sẽ bị pháp luật trừng phạt. Nhưng sự trừng phạt lớn nhất họ phải chịu cả cuộc đời chính là sự xa lánh của bạn bè, người thân thậm chí là bố mẹ, chồng con, sự nhục nhã của gia đình họ. Vì thế, thêm những lời chửi rủa, thêm những sự khủng bố tới họ cũng không làm họ đau khổ hơn. Cũng không nên tưởng rằng treo ngược họ lên để ném đá (theo cả nghĩa đen) hay đánh đập họ sẽ làm gia đình các cháu bé bị bạo hành hả hê hơn.
Thay vì treo cổ hai người này lên, hãy thử nghĩ nguyên nhân của vụ việc ở đâu?
Nếu hệ thống trường công đủ chỗ, đủ cô giáo mầm non được đào tạo đầy đủ thì có xảy ra việc như hôm nay không? Nếu chính quyền địa phương kiểm tra thường xuyên, hàng xóm quan tâm thì có xảy ra việc đó không?
Nếu điều kiện cơ bản của mọi cô bảo mẫu (kể cả không được đào tạo chính quy) là phải học qua lớp đào tạo chăm sóc trẻ được đưa vào quy định thì có xảy ra việc này không? Trường học, từ mầm non đến trung học đều thiếu không gian, thiết bị, giáo viên, sao không lo đầu tư?
Các doanh nghiệp, thay vì đổ dồn tài trợ bóng đá nam, ca nhạc, xây lăng mộ… sao không tài trợ xây trường, dựng lớp, tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho các thầy cô giáo…?
NGUYỄN ĐÌNH THÀNH
“Nhà nước phải nhận lấy trách nhiệm này”
Nhìn lại quá trình giáo dục mầm non từ ngày mới giải phóng đến nay, có thể thấy chính sách của nhà nước thay đổi liên tục, rất bấp bênh. Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông rất quan tâm đến giáo dục mầm non, ông từng nói: “Chưa có XHCN cho người lớn thì phải có XHCN cho trẻ con”. Thời ấy, rất nhiều ngôi biệt thự đẹp trong thành phố được dùng làm nhà trẻ. Nhưng không hiểu sao sau đổi mới, Nhà nước lại chủ trương chuyển hệ thống nhà trẻ ra khỏi hệ thống giáo dục công lập hết, rồi tiếp theo lại chủ trương bán công hoá các trường nhà trẻ, mẫu giáo… Các trường mầm non và nhà trẻ Sài Gòn không “mặn” lắm với chủ trương này, vẫn cố gắng giữ được càng nhiều trường công lập càng tốt. Sau một thời gian, Nhà nước lại chủ trương chỉ phổ cập mầm non cho trẻ từ năm tuổi trở lên…Có thể thấy rất rõ những chủ trương không nhất quán ấy đã ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục trẻ mầm non. Việc ngày càng ít đi các nhà trẻ, mẫu giáo công lập là một khó khăn đầy nguy hiểm cho các bậc làm cha làm mẹ. Ít có năm nào không có trẻ bị chết, bị đày đoạ bởi những nhà trẻ “chui”. Cứ mỗi lần xảy ra một câu chuyện thương tâm là lại kéo nhau đi thanh tra, kiểm tra, sau một thời gian đâu lại vào đấy.Nhìn từ phía người lao động, nhất là dân nhập cư, trường công lập ngày càng ít và đòi hỏi rất nhiều thủ tục mới được vào, trường dân lập thì học phí quá cao, làm sao cho con đi học nổi. Tình cảnh khó khăn vô cùng khiến họ phải ngậm đắng nuốt cay cho con vào nhà trẻ chui…Thực tế này không thể chỉ quy cho ngành giáo dục. Ngành giáo dục lấy đâu ra tiền để làm nhà trẻ công lập. Nhà đầu tư cũng không dại gì lập nhà trẻ vì rủi ro cao. Khu công nghiệp mọc lên như nấm, nhưng có mấy ai lo làm nhà trẻ? Có cầu thì có cung, tính sơ bộ theo tôi, khoảng 80% trẻ thơ buộc phải vào nhà trẻ chui để cha mẹ có điều kiện đi làm. Cũng không thể quy lỗi cho UBND phường, xã, vì họ có muốn quản cũng quản không nổi. Nhà nước, chứ không ai khác, phải nhận lấy trách nhiệm này. Phải thay đổi hoàn toàn chính sách đầu tư cho hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo của đất nước, coi đó là một trọng trách lớn để hình thành thế hệ mới cho tương lai đất nước..
Hồ Thiệu Hùng (Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo TP.HCM)

“Được” và “cho phép”

24/12/2013 21:21 (GMT + 7)
TTO - Theo điều 37 Luật giao thông đường bộ, chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm về việc lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ. Vậy, nên là “được” hay “cho phép” theo các biển báo đường bộ dưới đây?
“Được”
Với công dân, “có thể làm tất cả những gì pháp luật không cấm” là một trong những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền. Pháp luật chỉ quy định những điều cấm với công dân mà không quy định những điều cho phép. Nguyên tắc này thể hiện địa vị làm chủ của nhân dân và sự dân chủ của Nhà nước, qua đó phát huy mọi sự sáng tạo để phục vụ lợi ích chung.
Do vậy, “được” là có quyền theo quy định của pháp luật mà không cần một cá nhân hay tổ chức nào cho phép.
“Cho phép”
Ngược lại, “cho phép” là chỉ được làm khi có cá nhân, tổ chức nào đó đồng ý. “Cho phép”, trong biển báo trên thể hiện quyền lực của cơ quan nhà nước. Quy định đã có, nhưng chưa cho phép thì có thể vẫn chưa được làm. Nhầm lẫn giữa “được” và “cho phép” rõ ràng là không phù hợp.
Hơn nữa, “cho phép” chỉ áp dụng với cơ quan công quyền theo nguyên tắc “chỉ được làm những gì mà luật cho phép”, nhằm tránh những hành vi tùy tiện, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Hai tấm biển báo có thể là chuyện nhỏ, như kích thước của nó. Chuyện không nhỏ là người dân đứng trước hai tấm bảng nhỏ cùng một kiểu nội dung này đang rất phân vân: liệu mình "được" hay là "được phép?!!"
NGUYỄN XUÂN TRUNG
(Trường trung cấp Giao thông vận tải Huế)

Nông nghiệp đã hết thời?!

Nguyễn Minh Nhị

TT – Sau khi đọc loạt bài “Nông dân trả ruộng” (Tuổi Trẻ đăng từ ngày 20 đến 23-12), ông Nguyễn Minh Nhị – nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang – đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết với nhiều trăn trở. Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc.

Diện tích đất nông nghiệp ở Hà Trung, Thanh Hóa bị bỏ hoang ngày càng nhiều – Ảnh:

Ông Nguyễn Minh Nhị – Ảnh tư liệu
Sáng 23-12 tôi đọc Tuổi Trẻ thấy có bài của PGS Vũ Trọng Khải và tiến sĩ Đặng Kim Sơn, là hai nhà cựu và đang có chức trách về chính sách nông nghiệp. Liên kết lại quá trình và hiện tình nông nghiệp nước nhà; là nhà nông, nhà quản lý nông nghiệp địa phương một thời, tôi nghĩ ngợi: “Phải chăng nông nghiệp VN hết thời?!”.

Trước hết hoan nghênh PGS Vũ Trọng Khải nói cho dân biết rằng: “Đất là của mình sao lại trả?!” và “Dồn điền đổi thửa” từng được ca ngợi là sáng tạo, “lên sản xuất lớn” là không đúng. Dân không biết đất là của mình mới trả và cán bộ cho rằng ghép ba thửa đất liền ranh lại bằng 3.000m2 là lớn hơn trồng lúa trên mỗi thửa 1.000m2 là chưa hoàn toàn chính xác.Hai chuyện nhỏ nhưng lại ý nghĩa lớn vì nó thuộc về nhận thức, luật pháp và chính sách.
Thử lũy kế những vấn đề “tồn kho” và cập nhật “tin buồn” nông nghiệp: cà phê lận đận: người trồng lỗ lã, người uống đắt đỏ…; cao su, tiêu, điều, mía đường, cá tra và lúa gạo… đều lao đao, thậm chí phá sản cục bộ. Tôi nghĩ rằng những cái đó góp thêm nét chấm phá cho bức tranh kinh tế 2013 mà có đại biểu Quốc hội cho rằng màu xám nhưng cũng có người khác cho là màu hồng, còn những nông dân và doanh nghiệp lao đao lận đận vì chuyện thua lỗ tất nhiên là màu đen rồi. Và nếu chịu khó tra số liệu thống kê từ năm 1986 – 2006 – 2013 về tỉ lệ nông dân – lao động nông nghiệp, tỉ trọng giá trị nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo… chúng ta sẽ thấy càng hội nhập mà thiếu đầu óc độc lập, tinh thần tự chủ, tự lực tự cường… thì càng làm càng thua thiệt, thua thiệt và mất quyền ngay trên đồng ruộng và từng sản phẩm của mình. Có lúc dân ta hỏi: “Ta hay các thương lái lạ mặt là chủ đất nước này?”. Và có câu trả lời: Nông nghiệp sa sút như vậy không hoàn toàn do suy thoái kinh tế thế giới và càng không phải cộng đồng hàng chục triệu nông dân ta đều bị “sao hạn”!
Lời giải là hãy “tái cấu trúc” hệ thống chính sách tam nông và “tái cơ cấu” hệ thống bộ máy, tổ chức, cán bộ ngành nông nghiệp. Trong chính sách, cái gì đã tuyên cáo xưa nay mà chưa làm là nợ với nông dân, hãy làm đúng như vậy. Hãy làm cho nông dân yên tâm “đất là của mình” và đất không phải là thứ “gây họa” để tính bình quân đóng góp nuôi người, xây cơ sở vật chất cho xã… dưới danh nghĩa “cho dân”, cán bộ đừng vì danh nghĩa “quản lý” đất đai mà gây nên những nghiệt cảnh để dân hiểu đất không phải là của họ. Vấn đề này dễ và nhẹ vậy mà không mấy ai nghe nên mới có hậu quả như ngày nay. Khi yên tâm đất là tài sản thiêng liêng của mình, sẽ được kế thừa đời đời con cháu thì mới có việc bỏ vốn (vàng – tiền) ra mua đất (tích tụ) và liên tục đầu tư cải tạo đất, mở rộng sản xuất, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi và có thể chuyển ngành sản xuất… thì nông sản mới có tính cạnh tranh cao. Chủ quyền đất mà không yên thì dù đất ở hay đất sản xuất cũng đều không yên lòng người.
Về hệ thống tổ chức ngành quản lý nông nghiệp, sao vẫn là “hàng ngang” như có từ gần 70 năm rồi không thay đổi bao nhiêu? Cán bộ ngành nông nghiệp khi chọn là nông dân đặc sệt như người viết bài này từng làm dường như đã qua thời, và nay thì chọn người có bằng cấp gì cũng được, dù không liên quan gì đến tam nông. Chọn người nhưng không phải cho tam nông, làm sao phát triển?
Hai vấn đề trên là lớn, khó nghe và khó làm, nhưng ngoài ra không có cách gì để cho nông dân mặn nồng với đất và giàu lên được từ đất hơn nữa. Và nếu như vậy chúng ta có thể có tập trung đất nhất thời mà không có tích tụ đất phục vụ chuyển dịch được cơ cấu sản xuất, không tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Và lao động – nếu có được chuyển dịch khỏi nông nghiệp – chẳng qua là vì đói mà “tha phương cầu thực” và xuất khẩu “cô dâu” cùng với lao động “thô” mãi mãi như hiện nay.
N.M.N.

Xót xa cho nông dân Gần 100 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã bày tỏ sự xót xa cho người nông dân với cảnh làm lúa một sào chỉ đủ mua hai bát phở…
Bạn đọc Nguyễn Thanh Long viết: “Thật xót xa cho người nông dân một nắng hai sương nhưng cuộc sống luôn khốn khó như vậy. Đảng có hẳn một nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng thực tế càng ngày nông dân càng khổ, nhất là người trồng lúa. Giá lúa ngày càng thấp. Làm lúa một tháng thu nhập chỉ bằng hai bát phở thật khổ và xót xa quá. Chính phủ có giải pháp gì không?”. Bạn đọc Trần Văn Mười so sánh: “Nông dân quê tôi (Long An) trồng lúa hàng chục năm nay nhưng không giàu nổi, hằng năm vẫn còn vay vốn ngân hàng. Ngược lại, nhà doanh nghiệp chỉ mới kinh doanh vật tư nông nghiệp, mua lúa, khoảng 10 năm nay thôi phát tài thấy rõ, nào nhà cao cửa rộng, xe hơi đắt tiền… Tôi thấy lợi nhuận của nhà nông đã vào tay họ, thật bất công!”.
Nhiều bạn đọc đã đề xuất cần có những giải pháp giúp nông dân sống được trên mảnh đất của mình. Bạn đọc Hương Lan đề nghị: “Nhà nước nên mở cuộc thăm dò dư luận và ý kiến của các nhà khoa học góp ý xây dựng cây trồng vùng miền đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân để họ không phải bỏ làng ra đi”.
N.N.
Nguồn: tuoitre.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét