Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

VỀ THỜI ĐIỂM KẾT THÚC 1.000 NĂM BẮC THUỘC & Ngoại giao “sừng tê giác, nhân quyền và tiền mặt”

TS. Trần Trọng Dương: VỀ THỜI ĐIỂM KẾT THÚC 1.000 NĂM BẮC THUỘC


LỊCH SỬ CỦA NHỮNG QUAN NIỆM:
THỜI ĐIỂM KẾT THÚC NGÀN NĂM BẮC THUỘC

Trần Trọng Dương
Bất kỳ người dân thường hay nhà nghiên cứu nào ở Việt Nam ngày nay nếu được hỏi về thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, hẳn ai cũng trả lời rằng đó là năm 938. Dấu chấm hết cho một giai đoạn lệ thuộc là chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng trước quân Nam Hán. Tuy nhiên, ít người để ý đến việc vì sao các sử gia, các nhà nghiên cứu lịch sử lại CHỌN thời điểm đó, tiêu chí để xác định là gì, và họ chọn thời điểm đó với mục đích gì. Ngoài ra, còn có những thời điểm nào khác đã được đề xuất, với tiêu chí khác, và dĩ nhiên với những mục đích khác? Bài viết này sẽ giới thiệu CÁC mốc thời gian đã từng được đề xuất cũng như thảo luận về những vấn đề có liên quan như đã nêu.
Giả thuyết 1: năm 938
Đề xuất này có từ khá sớm, ít nhất là từ thế kỷ XV qua cách phân kỳ lịch sử của Ngô Sĩ Liên. Tuy nhiên, Ngô Sĩ Liên chọn năm 939 làm thời điểm đầu tiên của kỷ nguyên độc lập tự chủ, còn năm 938 được chọn làm thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc. Có hai tiêu chí được sử dụng ở đây. Trong đó, CHIẾN THẮNG trước quân đội phương Bắc được dùng để chọn thời điểm kết thúc; xây dựng triều đại được dùng để xác định thời điểm mở đầu[1].

Cách phân kỳ của Ngô Sĩ Liên hẳn đã có ảnh hưởng lớn đến phần lớn các sử gia trong nhiều thế kỷ sau. Sách “Lịch sử Việt Nam” (1971) ghi: “Chiến thắng oanh liệt của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng cuối năm 938 kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài hơn nghìn năm. Dân tộc ta đã giành lại được quyền làm chủ đất nước. Một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc bắt đầu.[2] Giáo trình “Tiến trình lịch sử Việt Nam” (2010) ghi: “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là cái mốc bản lề của lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt vĩnh viễn nền thống trị hơn 1000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc.”[3] “Dấu chấm cuối cùng là để ở năm 938: bút là giáo gươm, mực là sông Bạch Đằng, theo tôi hợp lý hơn và đẹp hơn.”[4] Cách bình luận của GS Trần Quốc Vượng cho thấy ông đang phải lựa chọn giữa các mốc thời điểm khác nhau. Mốc 938 được chọn phải chăng vì nó gắn với một chiến thắng rực rỡ, oanh liệt, có tầm về nghệ thuật quân sự: một trận thủy chiến với sự thông hiểu con triều. Rồi sau đó, cách đánh này còn được dùng lại thời Lê Hoàn chống Tống và Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông: “trận Bạch Đằng lịch sử, vừa xóa sổ cả đạo thủy quân Nam Hán xâm lược, vừa giết chết cả chủ tướng: Thái tử Hoằng Thao”[5]. Hơn nữa, có thể thấy, từ góc độ rộng lớn hơn, Ngô Quyền đã “trấn diệt thù trong, tiêu diệt giặc ngoài”[6]. Cách dùng chữ như vậy, hẳn có đối chiếu với lịch sử Việt Nam quãng những năm sáu bảy mươi của thế kỷ XX. Ở đây, chúng ta đã thấy việc nghiên cứu của các nhà sử học đã ít nhiều có sự điều chỉnh của bối cảnh lịch sử Việt Nam hiện đại.
           
Nhưng dù sao, với thời điểm năm 938, chúng ta có thể thấy, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, các sử gia và các nhà nghiên cứu lịch sử đã dùng chung một tiêu chí để xác định thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc, ấy là một CHIẾN THẮNG.
Nhưng điểm đáng bàn đến ở đây, chiến thắng Bạch Đằng không phải là chiến thắng đầu tiên của thế kỷ X. Chính vì thế, trước nay đã có một số đề xuất khác, như sẽ trình bày dưới đây. 

Giả thuyết 2: năm 931 

Ý kiến này được đưa ra bởi hai nhà sử học Nguyễn Diên Niên và Phan Bảo trong bài viết “Dương Đình Nghệ với ba nghìn người giả tử của ngài: Hay ai là người khai sinh nền độc lập dân tộc lần thứ nhất?”[7] Khởi đầu bài viết, các tác giả đã dẫn một đoạn sử liệu như sau: 

"Dương Đình Nghệ người Ái Châu, nuôi ba nghìn giả tử, mưu đồ khôi phục Giao Châu. Viên tướng cai quản Giao Châu người Hán là Lí Tiến đã biết, nhưng ăn hối lộ của Nghệ nên làm như không nghe thấy. Năm này (tức năm Tân Mão 931), Đình Nghệ dấy quân bao vây Giao Châu, vua Hán sai Thừa chỉ Trình Bảo sang cứu, chưa đến nơi thành đã nguy ngập. Tiến bỏ trốn về bị vua Hán giết chết. Bảo vây Giao Châu, Đình Nghệ ra đánh, Bảo phải thua và tử trận."[8] Dương Đình Nghệ tự xưng làm Tiết độ sứ, vua Nam Hán "biết chẳng thể tranh với ngài được nữa, đành bái tướng Tiết độ sứ châu Giao"[9]. 

Trong đó, các tác giả đã đưa ra những lý lẽ như sau: 

(1) Dương Đình Nghệ đã gây dựng “một tổ chức chính trị bí mật” (ba ngàn giả tử) với mục tiêu khôi phục lại Giao Châu; 

(2) Đánh đuổi Thứ sử Lý Tiến về nước, và đánh bại quân tiếp viện Trần Bảo; 

(3) Tiếp tục việc tự trị, “trông coi việc ở châu”, “khước từ mọi sự can thiệp từ bên ngoài”. 

Có thể thấy, các tác giả vẫn lấy tiêu chí “chiến thắng quân sự” để xác định lại thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc. Điều quan trọng nhất mà các tác đưa ra ở đây chính là sự kiện chiến thắng Trần Bảo xảy ra trước chiến thắng Bạch Đằng bảy năm[10]. 

Giả thuyết 3: năm 905
Đây là một thời điểm mà cũng không ít người nghĩ đến, như trăn trở của GS Trần Quốc Vượng[11]. Suy nghĩ này dựa trên sử liệu trong sách Tư trị thông giám: “năm Ất Sửu, tặng Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ Khúc Thừa Dụ chức Đồng Bình chương sự. [Trước đó] Khúc Thừa Dụ nhân loạn mà chiếm cứ An Nam[12]. 曲承裕
Năm 1996, Pôliacốp trong cuốn “Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X- XIV” đã lần đầu đề xuất thời điểm năm 905 một cách chính thức. Ông đánh giá Khúc Thừa Dụ là người mở ra một thời đại mới. Ông xác định năm 905 “là bước khởi đầu của các triều đại độc lập thực sự đầu tiên”[13]. Tác giả cho rằng, với sự truyền thừa qua ba đời cha truyền con nối (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ)[14] và với việc xây dựng hệ thống hành chính và luật lệ mới, họ Khúc thực sự đã chứng tỏ “tinh thần độc lập tự chủ”[15], “chấm dứt thời kỳ mất nước”[16].
Đến năm 2010, cách phân kỳ này chính thức được nhóm Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh đưa vào giáo trình Đại cương lịch sử Việt Nam. Giáo trình này đã dành riêng một chương để viết về “Thế kỷ X: xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập, tự chủ và thống nhất thời Khúc - Ngô – Đinh - Tiền Lê” (Chương V) thuộc “thời đại phong kiến dân tộc”[17]. Các tác giả đã viết như sau: “từ năm 905, dù những người đứng đầu đất nước chưa thành lập vương triều và theo xu hướng chung của thời điểm đó, nhận chức Tiết độ sứ, “kỷ nội thuộc Tùy - Đường” như cách nói của người xưa hay đầy đủ hơn là thời Bắc thuộc nói chung đã chấm dứt vĩnh viễn… Nói cách khác, từ năm 905, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới, thời đại độc lập, tự chủ dưới chế độ phong kiến”[18].
Và lịch sử của những quan niệm
Có thể thấy, tiêu chí quan trọng nhất được sử dụng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX-XXI, chính là CHIẾN THẮNG trước giặc ngoại xâm. Đây là các tiêu chí được đưa ra bởi những học giả theo các giả thuyết 931 và 938. Chiến thắng Bạch Đằng được chọn có thể dựa trên những lý do: (1) Đây là một chiến thắng lớn, một chiến thắng đẹp về lịch sử quân sự; (2) Ngô Quyền đã xưng vương ngay sau đó. Lý do để họ bác bỏ thời điểm năm 931 là vì Dương Đình Nghệ thì lại xin “sách phong”[19] Tĩnh hải quân Tiết độ sứ từ phương Bắc. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, việc sử dụng tiêu chí CHIẾN THẮNG QUÂN SỰ đã thể hiện những “lợi ích hiện sinh” của sử học trong thế kỷ XX, khi Việt Nam đã/ đang phải tiến hành các cuộc chiến tranh trước các thế lực của Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Có thể thấy rõ việc sử dụng lịch sử cho mục đích hiện sinh ấy qua bài viết của Văn Lang. Tác giả cho rằng trong thế kỷ X, yếu tố tiên quyết của nền độc lập chính là BẠO LỰC QUÂN SỰ, bạo sự quân sự là “động lực”, là “người đỡ đẻ” của độc lập tự chủ[20].
Pôliacốp đã lưu ý rằng các “nhà nghiên cứu Việt Nam hiện đại đánh giá quá cao ý nghĩa của chiến thắng trên sông Bạch Đằng trong bối cảnh giành lại nền độc lập”[21]. Ông khẳng định Dương Đình Nghệ cũng đã làm được một chiến thắng trước đó bảy năm (931). Và như những gì mà nhà nghiên cứu này đưa ra trong giả thuyết 905, dường như ông đã từ chối tiêu chí chiến thắng. Ông viết: năm 905, nhà Đường suy vi, viên Tiết độ sứ Trung Quốc cuối cùng là Độc Cô Tôn bị triệu khỏi Giao Châu, Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ chiếm đóng phủ Tống Bình. Nhà Đường buộc phải công nhận Khúc Thừa Dụ như một việc đã rồi. Năm 907, nhà Đường cũng mất, nhà Hậu Lương lên thay cũng đã công nhận chính quyền của họ Khúc[22].

Đến đây, chúng tôi muốn tổng kết lại các tiêu chí mà các nhà nghiên cứu trước đây đã sử dụng.
Tự trị
Hành chính
Sách phong
Chiến thắng
Chiến bại
Xưng vương
Bắc thuộc
O
O
O
O
X
O
Khúc
X
X/ 26 năm
X
905?
930
O
Dương
X
X/ 7 năm
X
931
O
O
Ngô
X
X/ 29 năm
X
938
O
X
Đinh
X
X/ 12 năm
X
O
O
X
X
X/ 29 năm
X
981
O
X
Có thể thấy, tiêu chí quan trọng nhất nên được dùng ở đây là sự TỰ TRỊ và HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH do NGƯỜI BẢN ĐỊA hoặc những người đã bản địa hóa điều hành. Việc giành được chính quyền năm 905 của Khúc Thừa Dụ dường như đã bị quên lãng chỉ vì phương thức khá “hòa bình”[23] của Khúc Thừa Dụ và sự thất bại của Khúc Thừa Mỹ vào năm 930. Đây chính là lý do khiến các sử gia có tinh thần quốc gia dân tộc đã không lấy ba đời họ Khúc làm triều đại mở đầu, thay vào đó họ dùng các uyển ngữ "người đặt cơ cở cho nền độc lập", hoặc đặt vào kỷ "Nam Bắc phân tranh". Nhiều học giả đã tuyệt đối hóa tiêu chí thắng - bại để ra kết luận cuối cùng. Thế nhưng, ngay cả khi dùng tiêu chí chiến thắng, họ dường như cũng cố gắng bỏ qua sự kiện năm 931 của Dương Đình Nghệ; lý do đưa ra là Dương Đình Nghệ đã nhận sách phong của phương Bắc. Thế nhưng, qua bảng trên, ta thấy việc sách phong của Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Ngô Quyền cũng đã bị bỏ qua. Thực chất, người ta đã không biết rằng: việc sách phong này luôn được thực hiện như một đối sách ngoại giao mềm mỏng của tất cả các triều đại trong lịch sử.
Tóm lại, với quan niệm nền độc lập phải được xác quyết bằng một chiến thắng trước giặc ngoại xâm, phần lớn các sử gia Việt Nam từ thế kỷ XV đến nay đã ấn định năm 938 như là dấu chấm hết cho giai đoạn Bắc thuộc. Tiêu chí chiến thắng bằng bạo lực quân sự dường như là một công cụ thường hằng của các sử gia nhằm phục vụ cho bối cảnh chính trị của Việt Nam - nơi luôn trải qua các cuộc xâm lăng của ngoại quốc. Tiêu chí này đã được tuyệt đối hóa trong thế kỷ XX, khi Việt Nam liên tục phải trải qua các cuộc chiến tranh với các nước lớn. Nhìn từ một góc độ thuần túy sử học như Pôliacốp thì nền độc lập đã được hình thành do áp lực quân sự của người bản địa trong bối cảnh đế chế Đại Đường đang ở chặng cuối của sự tan rã. Xu thế phân mảnh của một đế quốc và ý thức tự trị (cát cứ[24]) của các nhóm thế lực là hai nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự hình thành mười quốc gia thời Ngũ Đại và sự độc lập của mảnh đất phương Nam.
T.T.D
           

[1] Tuy nhiên, bài này sẽ chỉ tập trung khảo sát, thảo luận về thời điểm kết thúc. Còn thời điểm khởi đầu xin được trình bày trong một dịp khác.
[2] Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. 1971. Lịch sử Việt Nam. (Tập 1). NXB Khoa học Xã hội. H. Tr.141.
[3] Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Vũ Minh Giang, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Đình Lê, Trương Thị Tiến, Phạm Xanh. (2010). Tiến trình lịch sử Việt Nam (tb. Lần 10). NXB Giáo dục Việt Nam. Hà Nội.
[4] Trần Quốc Vương. 1984. Việt Nam thế kỷ X - văn hóa - văn minh. Trong “Thế kỷ X: những vấn đề lịch sử”. NXB KHXH. H. Tr.222.
[5] Văn Lang. 1984. Thế kỷ X - một đặc điểm quân sự và quân sự học. Trong “Thế kỷ X: những vấn đề lịch sử”. NXB KHXH. H. Tr. 189. Hoằng Thao: thực ra là "Hồng Tháo".
[6] Như trên
[7] http://vanhoanghean.com.vn (Thứ hai, 21/11/2011 10:12)
[8] Tư Mã Quang. 1084. Tư trị thông giám. quyển 277.
[9] Âu Dương Tu. 1053.  Tân Ngũ đại sử, quyển 60.
[10] Mặt khác, nhiều học giả đã khẳng định tầm ảnh hưởng của họ Dương trong suốt thế kỷ X. Thời đại của Dương Đình Nghệ tồn tại trong sáu năm, cho đến khi ông bị Kiều Công Tiễn sát hại. Nhưng nhìn từ tổng thể, họ Dương đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử thế kỷ X. Con rể ông - Ngô Quyền ngay sau đó đã đem quân từ châu Ái ra diệt Kiều Công Tiễn và làm nên chiến thắng Bạch Đằng. Những con rể khác của họ Ngô như Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn ít nhiều nắm được quyền tối cao đều phải dựa vào mối quan hệ hôn nhân này.
[11] Trần Quốc Vượng. 1984. bđd. Tr.222.
[12] Nguồn sử liệu này không thấy đề cập trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng đã được Việt sử thông giám cương mục đề cập. [()司馬光撰.資治通鑑(二百九十四巻)胡三省音注.元豐七年十二月戊辰書成]
[13] A.B. Pôliacốp. 1996. Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X- XIV. Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân dịch; Lê Đình Sỹ, Nguyễn Xuân Mạnh, Hán Văn Tâm hiệu đính. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - NXB Chính trị Quốc gia. H. Tr.22.
[14] Quãng thời gian tồn tại hiện có hai giả thuyết: (1) 18 năm (905-923) theo Toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục; (2) 26 năm (905-930) theo Việt sử lược, An Nam chí lược [xem thêm Đỗ Danh Huấn. 2012. Lại bàn đến sử liệu viết về họ Khúc. Trong “Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa”. NXB Thế giới. H. 485- 506].
[15] A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr. 23.
[16] A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr.29.
[17] Đây là một cách phân loại rất khác so với các sử gia truyền thống (như Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Lê Hy), qua các thuật ngữ “Nội kỷ”, “Ngoại kỷ”, xem Phan Huy Lê. 1998. Đại Việt sử ký toàn thư: Tác giả- văn bản - tác phẩm. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. NXB KHXH. H. Tr.25.
[18] Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. (2010). Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 1). NXB Giáo dục Việt Nam. Hà Nội. tr.102
[19] Sách phong: là chế độ ngoại giao mà các triều đại Trung Hoa công nhận quan hệ với các nước lân bang mà họ coi là phiên quốc bằng cách phong tước cho những người đứng đầu của các nước này. Ví dụ một số tước phong:  An Nam đô hộ phủ, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ hoặc An Nam quốc vương.
[20] Văn Lang. 1984. bđd. Tr.192.
[21] A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr. 28.
[22] A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr.21-22.
[23] Keith Weller Taylor. 1983. The Birth of Vietnam. University of California Press. Berkeley. tr.259.
[24] Keith Weller Taylor. 1983. sđd. tr.261.

Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam ở An Giang

Ngày 7 tháng 1 năm 1979 – Ngày 7 tháng 1 năm 2014 tới đây, đúng 35 năm ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam mở cuộc tổng phản công đánh chiếm Phom Phenh (Campuchia) - sào huyệt Khmer Đỏ, đưa cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lên đất Campuchia. Nhân dịp này, tôi trích trong tập hồi ký chương tôi viết về cuộc chiến tranh nầy trên đất An Giang, gởi đăng trang viet-studies, ghi nhớ tội ác của bọn Khmer Đỏ đối với người dân An Giang và tưởng niệm những người lính thân yêu của chúng ta đã anh dũng hy sinh, bảo vệ toàn vẹn từng tất đất biên cươngTổ quốc. - Nguyễn Minh Đào
http://static.kienthuc.net.vn:81/images/contents/lenam/20130501/clpcao_kienthuc-5.jpg

Giữa năm 1977, tôi là phó chủ nhiệm Phòng chánh trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang (Tỉnh đội), nhận quyết định chuyển ngành sang Văn phòng tỉnh ủy làm cán bộ nghiên cứu, phụ trách theo dõi khối Quân sự - an ninh, đặc biệt theo dõi chiến sự chiến tranh biên giới Tây Nam đang leo thang ngày càng ác liệt, phục vụ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy.
Suốt chặng đường dài 30 năm đánh giặc cứu nước đầy hy sinh gian khổ, đến ngày thắng lợi hoàn toàn 30 tháng 4 năm 1975, quân dân ta lại phải tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới hai đầu của Tổ quốc, hy sinh xương máu hàng vạn chiến sĩ và đồng bào…!
Những năm 1975 – 1979, tôi không hiểu vì sao quan hệ Việt Nam – Trung Quốc vốn là “đồng chí”, là “anh em như môi với răng”, bổng trở thành kẻ thù của nhau, đến mức Trung Quốc xúi giục Khmer Đỏ gây chiến tranh biên giới Tây Nam chống Việt Nam, sau đó Trung Quốc xua quân gây chiến tranh biên giới phía Bắc “dạy cho Việt Nam một bài học”! Hồi đó nghe Đảng nói: Trung Quốc có “âm mưu bá quyền, bành trướng”, là “kẻ thù trực tiếp của Việt Nam”... Sau nầy, có điều kiện đọc tài liệu tham khảo; trong đó có hồi ký cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ viết năm 2003 tôi tin là trung thực, hiểu rõ xuất phát từ sai lầm có tính chiến lược trong chánh sách đối ngoại của Đảng sau năm 1975, đưa đất nước rơi vào thãm họa chiến tranh một lần nữa.[*]
Trở lại nói về quan hệ giửa ta với Khmer Đỏ và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam ở An Giang tôi chứng kiến:
Tháng 3 năm 1970, các cơ quan và bộ đội địa phương tỉnh An Giang đứng chân trên đất Campuchia ven biên giới tiếp giáp huyện An Phú. Lonnol đảo chính lật đổ chế độ trung lập của Quốc vương Sihanouk, Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, dồn ta vào thế “lưỡng đầu thọ địch”! Dù chưa có lệnh của Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 8; Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang buộc phải chỉ đạo nhanh chóng đưa bộ đội tỉnh đánh quân Lonnol sâu trên đất Campuchia, tiến chiếm một vùng rộng lớn 2 tỉnh Tà-keo và Kan-đal trong thời gian rất ngắn, mở rộng địa bàn đứng chân.
Việc ta đưa quân lên Campuchia đánh Lonnol là bất khả kháng, trước hết vì sự sống còn của ta. Để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Campuchia và “hợp pháp hóa” việc ta đưa quân lên nước bạn, Tỉnh ủy chỉ đạo dựng “ngọn cờ Sihanouk”, phát động nhân dân Campuchia đoàn kết cùng nhân dân Việt Nam chống Mỹ và Lonnol, được nhân dân Campuchia đồng tình ủng hộ. Cán bộ, bộ đội ta đi đến đâu cũng được người dân đón chào nồng nhiệt như người thân. Khi ấy, những người cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ) thực lực chưa có gì, cán bộ, bộ đội An Giang giúp “bạn” tổ chức bộ máy chánh quyền, đoàn thể và các lực lượng vũ trang. Riêng Tỉnh đội giúp “bạn” xây dựng mỗi tỉnh một tiểu đoàn bộ đội địa phương, huấn luyện và trang bị vủ khí đầy đủ.
Cán bộ, bộ đội An Giang giúp “bạn” rất nhiệt tình, có hiệu quả mong “bạn” vững mạnh cùng ta đứng chung chiến hào chống Mỹ, vì lợi ích nhân dân hai nước. Lẽ ra “bạn” biết ơn sự giúp đở đó đối xử tốt với ta. Nhưng không, “bạn” dần dần lộ rỏ ý đồ chống ta, ngang nhiên nổ súng khiêu khích bộ đội ta, bắt thủ tiêu cán bộ, chiến sĩ ta đi công tác lẻ tẻ. Ở các cơ quan Tỉnh đội có 4, 5 cán bộ bị chúng bắt giết dã man như các anh Ba Kỳ Nam, Chín Bình Ton, Đình Trung, Bảy Sửu…! Đối với ta thì vậy, trong nội bộ chúng, Khmer Đỏ loại bỏ những cán bộ do ta đào tạo, hai tiểu đoàn tỉnh An Giang xây dựng giúp, vừa làm lể bàn giao xong ta quay đi, chúng tước vũ khí giải tán tức thì.
Thái độ thù địch của Khmer Đỏ đối với ta bất cứ cán bộ, chiến sĩ nào ở An Giang có mặt trên chiến trường Campuchia lúc đó không lạ gì! Nhưng, các báo cáo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội gởi Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 8 về những vụ Khmer Đỏ ngang nhiên nổ súng khiêu khích bộ đội và giết hại cán bộ ta đều bị nghi ngờ không trung thực; cho rằng nếu có “va chạm” với “bạn”, xem lại có phải lỗi trước hết do cán bộ, chiến sĩ An Giang gây ra, nên “bạn” mới có phản ứng như vậy!? Cho đến sau ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ bắn pháo, đưa quân đột kích bắn giết đồng bào, cướp phá một số xóm ấp ven biên giới An Giang, lãnh đạo Quân khu 8 vẫn chưa xác định Khmer Đỏ là kẻ thù, cho đó là những “xung đột lẻ tẻ”, có tính “địa phương, cục bộ” và rằng Khmer Đỏ dù có xấu vẫn là “bạn” của ta!!
Để chuẩn bị chiến tranh, Khmer Đỏ phát động binh lính và nhân dân Campuchia gieo rắc tư tưởng hận thù dân tộc chống Việt Nam, ra sức xây dựng quân đội, sơ tán dân xa vùng biên giới, đào công sự, chiến hào, xây dựng trận địa pháo, trận địa xuất phát tấn công, tập trung binh lực áp sát biên giới… Mọi động thái đó diễn ra chỉ quá tầm mắt ta một chút nhưng ta mù tịt, cho đến đêm 30 tháng 4 năm 1977, Khmer đỏ mở cuộc tấn công đồng loạt toàn tuyến biên giới An Giang dài gần 100 km, mở màn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thảm khốc…! Các đồn biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân tự vệ vùng biên giới, nhờ sớm nhận ra diện mạo kẻ thù, đề cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, anh dũng đánh trả các mũi tấn công của địch hạn chế tổn thất. Nhưng, không hiểu vì sao Khu và Trung ương không đánh gía đúng bản chất phản động của Khmer Đỏ và kẻ đứng phía sau chúng, chủ quan mất cảnh giác, không có kế hoạch đối phó chiến tranh.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, tôi nghe các vị lãnh đạo nói với cấp dưới rằng: Mỹ là tên đế quốc sừng sỏ mà ta còn đánh bại, từ nay không một tên xâm lược nào dám đụng đến Việt Nam…! Chủ trương sớm “ra quân” hằng vạn cán bộ, chiến sĩ và buông lõng công tác quốc phòng những năm đầu sau giải phóng, là một chứng minh cho sự khinh suất của ban lãnh đạo cấp cao đất nước. Cho đến cái đêm “định mệnh” 30 tháng 4 năm 1977, khi khói lửa chiến tranh đổ xuống khắp vùng biên giới Tây Nam bị bất ngờ, mới nhận mặt kẻ thù, điều quân, khiển tướng tổ chức chống đỡ trong thế bị động, lúng túng! Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang dù quá hiểu rõ bản chất phản động của Khmer Đỏ từ những năm trước 1975, nhưng là cấp dưới của Khu và Trung ương, cũng không làm gì khác hơn là tổ chức phòng thủ thụ động trên tuyến biên giới tỉnh nhà, nên cũng rất bị động, lúng túng…!
Với trách nhiệm của mình, tôi theo dõi chiến sự qua báo cáo của Tỉnh đội và các huyện – thị biên giới, thỉnh thoảng tháp tùng các vị trong Ban thường vụ tỉnh ủy, hoặc Tỉnh đội thị sát chiến trường tiếp xúc cán bộ, chiến sĩ nghe anh em báo cáo: Khmer Đỏ là kẻ cuồng tín, vốn là “bạn” và là “học trò” của ta, nên quá hiểu biết thủ đoạn chiến thuật của nhau, quân ta lại bố trí đồn, chốt cố định, bộc lộ lực lượng phòng ngự thụ động, Khmer Đỏ thì cơ động, khi ẩn khi hiện… so đánh nhau với quân Sài Gòn khó khăn, ác liệt hơn nhiều! Cán bộ, chiến sĩ ta ở các đồn biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân tự vệ phải dàn quân chốt chặn ngày đêm trên tuyến biên giới, đối mặt với địch đánh trả hết đợt tấn công nầy đến đợt tấn công khác. Nhiều đồn, chốt bị địch đánh chiếm, ta đánh phản kích chiếm lại năm lần, bảy lượt, giành nhau từng bờ tre, ụ đất… Căng thẳng nhất là mùa nước năm 1978, toàn tuyến biên giới nước ngập mênh mông, quân ta phải đấp công sự nổi, ngày đêm sống và chiến đấu dưới tầm hỏa lực địch! Khó khăn, gian khổ cùng cực, thương vong quân ta tăng lên từng ngày, những cán bộ, chiến sĩ “gạo cội” bộ đội tỉnh sống sót sau cuộc chiến chống Mỹ hy sinh rất nhiều, trong đó có những đồng đội thân quen với tôi như Bé Tám, Tư Mưa, Sơn Bịch…! Dù hy sinh, gian khổ đến mấy, cán bộ, chiến sĩ các Lực lượng vũ trang An Giang động viên nhau quyết tâm bám trụ chiến đấu đến cùng, nhất định không rời bỏ trận địa vì trước mặt là kẻ thù, phía sau là đồng bào, là quê hương, đất nước ta không có chổ lùi…!
Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thời gian không dài, nhưng tổn thất về người và của quân dân ta ở An Giang vô cùng to lớn, có hai sự kiện đau thương dù thời gian đã lùi xa, nhưng bất cứ ai chứng kiến nhớ lại không khỏi bồi hồi xúc động! Đó là vụ Khmer Đỏ thảm sát dân xã Ba Chúc, thứ hai là vụ ta di dời 70 ngàn dân Khmer Bảy Núi về tỉnh Hậu Giang (cũ).
Vụ Khmer Đỏ thảm sát dân Ba Chúc, ta có lỗi vì không làm tròn trách nhiệm bảo vệ dân, không kiên quyết sơ tán dân về tuyến sau khi chiến tranh bùng phát và bộ đội ta bố trí tuyến phòng ngự không đủ mạnh, để địch đánh vỡ tràn vào chiếm giử Núi Tượng – Ba Chúc mười ngày trong tháng 4 năm 1978, gây ra vụ thảm sát kinh hoàng, giết chết 3.157 người dân vô tội…! Nghe những nạn nhân sống sót kể lại và xem các bức ảnh chụp sau khi quân ta đánh Khmer Đỏ rút chạy, xác người chết nằm chất chồng la liệt khắp nơi…! Tội ác giết người rùng rợn như thời trung cổ của bọn Khmer Đỏ “trời không dung đất không tha”!!
Ngày nay, các nhà viết sử trong tỉnh khi viết đến sự kiện nầy, đổ lỗi do đồng bào Ba Chúc theo đạo Hiếu Nghĩa, vì “…mê tín nên nghe lời bọn xấu chạy vào chùa Phi Lai đọc kinh cứu mạng không chịu di tản…” (dự thảo Lịch sử tỉnh và huyện Tịnh Biên). Không nói một câu, một chữ nào về trách nhiệm của ta!
Về vụ di dân Khmer Bảy Núi về tỉnh Hậu Giang, gần cuối năm 1978, khi chiến tranh biên giới Tây Nam đang diễn ra khốc liệt, có lệnh từ Trung ương giáng xuống: An Giang phải di dời khẩn cấp toàn bộ dân Khmer Bảy Núi về định cư ở tỉnh Hậu Giang. Ban Thường vụ tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh triệu tập cuộc họp khẩn gồm các vị lãnh đạo hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và các ngành tỉnh liên quan triển khai kế hoạch thi hành. Các vị lãnh đạo tỉnh giải thích: Theo chỉ đạo của Trung ương, phải đưa dân Khmer Bảy Núi về các tỉnh phía sau, “để ngăn cắt không cho Khmer đỏ lợi dụng móc nối tổ chức chống ta”. Lý lẻ không thuyết phục, nhưng không ai dám có ý kiến khác!
Việc di dời 70 ngàn dân Khmer trong thời gian ngắn, với chặng đường dài hằng trăm cây số, mỗi hộ chỉ được mang theo một số tài sản nhẹ và hai con bò, trong khi phương tiện vận tải của ta, chủ yếu đường sông rất hạn hẹp, vô cùng khó khăn! Nhưng, khó khăn lớn nhất là việc giải thích, động viên dùng “con ngáo ộp” Khmer Đỏ hù dọa, thúc ép đồng bào chịu rời bỏ nhà cửa, ruộng đồng ra đi, vì họ nào muốn xa lìa nơi chôn nhao cắt rún, sinh cơ lập nghiệp từ bao đời trên mãnh đất nầy, trong khi “hiểm họa” Khmer Đỏ không như cán bộ tuyên truyền! Có mấy lần tôi cùng các vị lãnh đạo Tỉnh ủy vào Bảy Núi kiểm tra, đôn đốc việc di dân, chứng kiến cảnh người dân than khóc, kể lể trước khi ra đi trong lòng vô cùng đau xót, thương cảm đồng bào, nhưng lệnh là phải thi hành, không có chọn lựa nào khác!
Việc thực hiện cuộc di dân không nhanh gọn như kế hoạch, kéo dài đến đầu năm 1979, quân ta mở chiến dịch tổng phản công tiến chiếm Phnom Phenh vẫn chưa xong. Khi ấy ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Dân vận đến An Giang, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy, ông Lê Văn Nhung (Tư Việt Thắng), Bí thư tỉnh ủy báo cáo với ông Nguyễn Văn Linh việc di dân Khmer và đề nghị ông cho đình chỉ, vì ta đã đánh chiếm Phnom Phenh, “hiểm họa” Khmer Đỏ không còn. Ông Nguyễn Văn Linh viết điện mật gởi Bộ Chính trị chuyển đề nghị của Tỉnh ủy. Hôm sau, điện mật của Tổng bí thư Lê Duẩn gởi phúc đáp viết vắn tắt: “Việc nầy (tức di dân Khmer) do anh Sáu Thọ (ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách chỉ đạo chiến trường Tây Nam) chịu trách nhiệm, phải có ý kiến của anh…”! Thế là việc di dân vẫn phải tiếp tục…!
Chủ trương di dời dân Khmer Bảy Núi về tỉnh Hậu Giang, xuất phát từ quan điểm không tin người Khmer Bảy Núi, nếu không di dời vào ở sâu nội địa họ sẽ theo Khmer Đỏ chống ta. Không phải để “bảo đãm an toàn, tính mạng, tài sản của dân” như các nhà viết sử trong tỉnh viết. Tôi nói chuyện nầy, những người cùng thời với tôi còn sống trong tỉnh không lạ gì.
Nhìn về quá khứ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ 30 năm của dân tộc, đồng bào Khmer Bảy Núi đoàn kết cùng người Kinh một lòng theo cách mạng, đóng góp sức người sức của vào công cuộc đánh giặc cứu nước. Tấm lòng và công lao của đồng bào không ai có thể phủ nhận. Mặc dù có một số ít người cả tin lời đường mật của bọn phản động người Khmer trong nước và nước ngoài, tay sai của Pháp và Mỹ dụ dổ, mua chuộc theo chúng chống Việt Nam. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam cũng vậy, bọn Khmer Đỏ sau khi cầm quyền ở Campuchia, Trung Quốc giật dây thực hiện âm mưu chống Việt Nam, chúng bí mật cày cắm người trong đồng bào dân tộc Khmer Bảy Núi, gầy dựng cơ sở, tuyên truyền, lôi kéo một số người nhẹ dạ theo chúng. Khi Khmer đỏ phát động chiến tranh, những người nầy trở thành tay chân phục vụ cho chúng. Ta không thể vì một số ít người Khmer làm bậy, mà “vơ đũa cả nắm” nghi ngờ lòng yêu nước của đồng bào!
Việc đưa 70 ngàn dân Khmer an cư lập nghiệp từ bao đời ở Bảy Núi về vùng đất lạ, khác nào một cuộc “đi đày”, làm tiêu tan tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, đảo lộn cuộc sống người dân…, mà những vị lãnh đạo cấp cao của Đảng có trách nhiệm khi ấy ra quyết định nhẹ nhàng, đơn giản, bất chấp hậu quả, bất chấp lòng người và chẳng đếm xỉa ý kiến đảng bộ, chánh quyền địa phương…!
Sau khi đưa dân Khmer đi chuyến cuối cùng, khắp vùng Bảy Núi các phum sóc người Khmer nhà cửa, chùa chiền hoang tàn, xơ xác…! Mặc dù tỉnh Hậu Giang tiếp nhận người Khmer tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, nhưng không thể kham nỗi, phát sinh nhiều vấn đề ngoài tầm khả năng của tỉnh. Vã lại, người Khmer Bảy Núi ở vùng cao đã quen, nay đưa họ về sống ở đồng bằng không thích nghi, chỉ vài tháng sau toàn bộ 70 ngàn dân Khmer lục tục dắt díu nhau trở về Bảy Núi! Có ai nhìn thấy cảnh đồng bào tay xách nách mang, gánh gồng tài sản, lùa dắt trâu bò đi bộ hằng trăm cây số trở về phum sóc cũ, mới thấu hiểu, thương cảm nỗi gian nan, vất vả của đồng bào!! Về đến nơi chôn nhao cắt rún, đồng bào trắng tay, không nhà ở, không có gì để ăn, đau ốm không thuốc chữa trị, trẻ em không có trường đi học… đồng bào lâm vào cảnh khốn cùng, chánh quyền phải cứu đói và giải quyết mọi hậu quả. Nhưng trong điều kiện khi ấy ngân sách tỉnh nghèo nàn, dù có cố gắng cũng chẳng thấm vào đâu, đồng bào phải tự xoay sở để sống còn…! Tôi nghe có không ít người chết đói và chết vì bịnh tật do thiếu đói, nhưng không biết bao nhiêu!?
Kế hoạch di dân Khmer phá sản, ta không thể bắt đồng bào quay trở lại Hậu Giang! Tỉnh ủy báo cáo sự tình về Trung ương, nhận điện chỉ đạo của Trung ương: Tỉnh phải bố trí lại nơi ở của đồng bào Khmer, tập trung ở từng khu vực sâu trong nội địa, không để ở rải rác các phum sóc cũ, nhất là các phum sóc gần biên giới, để “bọn Khmer đỏ không thể thâm nhập…”. Nhưng ý kiến chỉ đạo nầy tỉnh không thực hiện được và Trung ương cũng lờ đi… !!
Nguyễn Minh Đào

----------------------------
[*] Hồi ký Trần Quang Cơ viết:
“…
“Là nhân chứng lịch sử và cũng là người trực tiếp tham gia các họat động ngoại giao nầy với tư cách là vụ trưởng vụ Bắc Mỹ - Bộ ngoại giao, trực tiếp tham gia đoàn đàm phán về bình thường hóa quan hệ với Mỹ ở Paris năm 1977, rồi ở Nữu ước năm1978, tôi thật sự đau xót vì ta đã bỏ lở mất cơ hội củng cố thế đứng của Việt Nam trong hòa bình để tập trung phát triển đất nước, sau bao năm chiến tranh, bỏ cơ hội san bằng khoảng cách với các nước cùng khu vực. Trong tập hồi ký của mình, Lý Quang Diệu đã nhận xét: “Năm 1975 thành phố Hồ Chí Minh có thể sánh ngang với Bangkok. Nhưng nay (1992) nó tụt lại đằng sau tới hơn 20 năm.
“Việc ta từ chối lời đề nghị “bình thường hóa quan hệ không điều kiện” của Mỹ, làm cao trước việc ASEAN ngỏ ý muốn Việt Nam tham gia tổ chức khu vực nầy, theo tôi, đã đưa lại những hệ quả vô cùng tai hại cho nhân dân và đất nước ta. Liệu Trung Quốc có dám tiếp tay cho bọn diệt chủng Polpot khiêu khích ta và có dám đánh ta năm 1979, nếu như Việt Nam sau chiến thắng 1975 có một chiến lược”thêm bạn bớt thù” thực sự cầu thị hơn? Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập khối ASEAN mãi ngót 20 năm sau (1995) ta mới thực hiện được một cách khá chật vật”.
Đoạn cuối, hồi ký viết:
“… Nửa cuối thập kỷ 70 nầy, là thời gian ta chồng chất nhiều sai lầm về đối ngoại nhất trong suốt lịch sử dựng nước sau cách mạng (từ 1945 đến nay)”:
“* Ta không khôn ngoan duy trì quan hệ cân bằng với Trung Quốc và Liên Xô, nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm thắng lợi của ta trong kháng chiến chống Mỹ”.
“* Bỏ lở cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1977, khi chánh quyền Carter đã chủ động đề nghị hai bên bình thường hóa quan hệ không điều kiện”.
“* Đánh giá sai và không gia nhập khối ASEAN ngay từ 1976, khi cả 6 nước nầy đều mong muốn ta tham gia vì lợi ích của mỗi quốc gia và của chung khu vực”.
“* Dính líu quá sâu và quá lâu vào vấn đề Campuchia”.
“ Những sai lầm nầy có hệ quả liên quan chặt chẽ với nhau, gây thiệt hại lớn cho ta về đối ngoại, về an ninh – quốc phòng, về phát triển kinh tế trong một thời gian dài”.
“…
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 23-12-13

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Bầu Kiên: Từ đại gia bí ẩn đến 'cáo già' quyền lực

Từng là một đại gia ngân hàng khét tiếng, một ông bầu quyền lực khiến nhiều người vừa ngưỡng mộ vừa sợ hãi nhưng chỉ sau thời gian ngắn, Nguyễn Đức Kiên nhanh chóng "ngã ngựa".

Viện KSND tối cao vừa tống đạt cáo trạng vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng ÁChâu (ACB) và một số doanh nghiệp, truy tố 7 bị can ra TAND TP Hà Nội để xét xử theo pháp luật.
Bị can Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên phó chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB, bị truy tố 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.
Bầu Kiên bị cáo buộc gây thiệt hại 1.696 tỷ đồng, chưa kể hơn 433 tỷ đồng tiền lỗ kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam đến nay chưa trả được.
Đại gia bí ẩn
Nổi lên là một doanh nhân thành đạt, nhưng những thông tin quanh Nguyễn Đức Kiên có vô vàn điều bí ẩn. Người ta chỉ thực sự biết đến con người này sau những tuyên bố mạnh miệng trong làng sân cỏ vào năm 2011.
Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, Gia Lâm, Hà Nội), xuất thân trong một gia đình có bố mẹ đều là những giáo viên nổi tiếng cả miền Bắc khi đó.
Không theo nghề sư phạm, năm 16 tuổi, ông Kiên thi đỗ Đại học Kỹ thuật quân sự (Khóa 15). Một năm sau đó, ông được cử đi học ngành thông tin tại trường Kỹ thuật quân sự Zalka Maté ở Hungary (1981-1985).

bầu Kiên, Nguyễn Đức Kiên, trốn thuế, lừa đảo, Kinh doanh trái phép, cố ý làm trái
Ông Nguyễn Đức Kiên từng được biết đến là doanh nhân thành đạt
Năm 1986, khi về nước, Nguyễn Đức Kiên làm cán bộ tại Tổng công ty dệt may- Bộ Thương mại.
Năm 1994, khi mới 30 tuổi, Nguyễn Đức Kiên trở thành Phó Chủ tịch HĐQT của ACB - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam và giữ vị trí này trong suốt 14 năm (đến 2008).
Dù không phải là người sáng lập ACB ngay từ những ngày đầu, nhưng tỷ lệ góp vốn của cá nhân ông Kiên vượt xa sở hữu của các sáng lập viên khác...
Trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, ông Nguyễn Đức Kiên cùng vợ và 3 người em nắm giữ 9,03% vốn điều lệ, trong đó riêng ông là 3,8%.
Dù nổi tiếng trong giới tài chính ngân hàng, nhưng thông tin về sự giàu có của bầu Kiên chỉ dừng lại ở những đồn đoán.
Người ta chỉ biết rằng, Nguyễn Đức Kiên có "nhiều tay", khi đảm đương những chức vụ quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực.
Ngoài làm Phó Chủ tịch HĐQT ACB, ông Kiên còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty May thời trang MTT; Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam; Chủ tịch của Liên doanh dầu nhờn Caltex, Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam; Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần du lịch Chợ Lớn, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh…
Những thông tin lan truyền và bản thân ông Kiên cũng từng thừa nhận có cổ phần trong các ngân hàng lớn khác...
Tuy nhiên sau khi bầu Kiên bị bắt giữ, những ngân hàng này đồng loạt lên tiếng phủ nhận sự liên quan cũng như vai trò của bầu Kiên.
Năm 2010, ông Kiên lọt vào danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam với tài sản 805,9 tỷ đồng, ít hơn năm 2008 gần 200 tỷ. Còn tổng số tài sản của gia đình ông Kiên (tính theo thị trường chứng khoán năm 2010 là khoảng 2.000 tỷ đồng).
Ông bầu bạo chi
Được xem là một trong những doanh nhân đầu tiên làm bóng đá, ông Kiên nổi tiếng bạo miệng và bạo chi cùng nhiều phát ngôn gây chấn động làng túc cầu nước nhà. 
Cái tên bầu Kiên hay Kiên "đầu bạc" cũng xuất phát từ đây, gắn với tên tuổi của CLB bóng đá Hà Nội ACB.
Vào tháng 9/2011, dù không được mời tham dự trong lễ tổng kết mùa giải của Liên đoàn bóng đá VN (VFF), bầu Kiên đã có một bài phát biểu được đánh giá là táo bạo chưa từng có, gây chấn động khi công kích thẳng những tiêu cực tồn tại từ lâu của VFF và bóng đá Việt Nam.

bầu Kiên, Nguyễn Đức Kiên, trốn thuế, lừa đảo, Kinh doanh trái phép, cố ý làm trái
Bầu Kiên trên sân cỏ. Ảnh: VietNamNet
Ông chủ Hà Nội ACB trở thành “thần tượng” trong mắt không ít người hâm mộ bóng đá.
Vài ngày sau đấy, bầu Kiên tiếp tục gây “sốc” với thương vụ “giật” tiền đạo số 1 Việt Nam Lê Công Vinh khỏi tay Hà Nội T&T, chỉ một ngày trước khi đội bóng của bầu Hiển tổ chức lễ ký kết hợp đồng với chân sút xứ Nghệ.
Số tiền chuyển nhượng không được người trong cuộc tiết lộ, tuy nhiên vào tháng 4/2012, mẹ của Công Vinh cho biết, bầu Kiên đã chi 13 tỷ để "giật" Công Vinh.
Ngày 4/11/2011, tại đại hội thường niên, VFF đã buộc phải thừa nhận đề án thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), trong đó bầu Kiên là Phó chủ tịch.
Ông Kiên cũng được biết đến trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình với VFF và Công ty Cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên (AVG). 
Ông Kiên từng tuyên bố: “Chúng tôi xem AVG như một đài địa phương...” nhưng đến tháng 4/2012, bầu Kiên lại bất ngờ đình chiến và bắt tay với AVG về bản quyền truyền hình.
Vào tháng 8/2012, sau khi CLB trẻ Hà Nội trụ hạng thành công ở giải hạng Nhất, bầu Kiên vung tay thưởng nóng tới 1 tỷ đồng, trong khi trước đó, chính bầu Kiên là người đưa ra quy định cấm các CLB thưởng quá 500 triệu.
Kinh doanh trái phép, trốn thuế
Ngày 20/8/2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Kiên về hành vi kinh doanh trái phép (3 tội danh còn lại được khởi tố bổ sung sau này).
Việc bắt giữ đã gây chấn động dư luận và làm chao đảo thị trường tài chính.
Dù không được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y, nhưng là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ACB, Nguyễn Đức Kiên đã giữ vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ngân hàng này.
Với quyền uy sẵn có, Nguyễn Đức Kiên tiếp tục lập 6 công ty với vai trò là Chủ tịch HĐQT, HĐTV gồm: Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty CP đầu tư thương mại B&B (B&B), Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG), Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Công ty CP đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN).
Cả 6 công ty này đều không có chức năng kinh doanh tài chính nhưng bầu Kiên vẫn chỉ đạo tiến hành giao dịch vàng, mua bán trái phiếu như thường.
Từ 2007 - 2012, Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng 5 Công ty: B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN kinh doanh vàng, kinh doanh tài chính với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.
Tại Công ty Thiên Nam, dù không được cấp phép kinh doanh vàng nhưng chỉ tính từ 30/11/2009 - 30/7/2010, bầu Kiên đã chỉ đạo thực hiện 49 lệnh giao dịch với số vàng lên tới 75.000 ounce thông qua tài khoản ACB. Kết quả bị lỗ tới hơn 433 tỷ đồng.
Về hành vi trốn thuế tại công ty B&B, công ty này cũng không được phép kinh doanh vàng tại nước ngoài, tuy nhiên bầu Kiên đã chỉ đạo ký các hợp đồng ủy thác, đầu tư tài chính có nội dung kinh doanh vàng ngoài lãnh thổ với ngân hàng ACB và bà Nguyễn Thúy Hương (em ruột Nguyễn Đức Kiên).
Theo biên bản ký kết, bà Hương chỉ phải trả 1% lợi nhuận cho B&B sau khi trừ đi các khoản chi phí theo quy định.
Trong vòng 6 tháng (12/2008 - 6/2009), B&B đã thu lợi nhuận hơn 68,8 tỷ đồng. Khi quyết toán thuế năm 2009, B&B chỉ kê khai khoản thu nhập 1% (hơn 688 triệu đồng) được chia chứ không có khoản hơn 68 tỷ đồng đã chi trả cho bà Hương.
Trên thực tế, hợp đồng ủy thác của bà Nguyễn Thúy Hương và B&B là không hợp pháp vì công ty này không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.
Do đó, toàn bộ số lãi 68,8 tỷ đồng phải do B&B chi trả (tương đương 25 tỷ đồng). Tuy nhiên bằng cách chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp sang cho cá nhân, Nguyễn Đức Kiên đã ẵm trọn số tiền 25 tỷ này.
Thao túng ngân hàng ACB
Vào cuối năm 2009, khi giá cổ phiếu của ngân hàng ACB bị giảm sút, bầu Kiên cùng thường trực HĐQT ACB đã bàn nhau dùng tiền của ngân hàng này thông qua Công ty ACBS (Công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) để mua cổ phiếu của ACB.

bầu Kiên, Nguyễn Đức Kiên, trốn thuế, lừa đảo, Kinh doanh trái phép, cố ý làm trái
Nguyễn Đức Kiên cùng với Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang và ông Trần Xuân Giá bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo đó, ngân hàng ACB cấp cho ACBS 1.500 tỉ đồng rồi công ty này tiếp tục chuyển cho 2 công ty của "bầu" Kiên là ACI và ACI – HN để 2 công ty này đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB.

Tính đến thời điểm này, mới thu về hơn 364 tỷ tiền gốc, còn lại 1.193 tỷ đồng chưa thu về được, trong khi cổ phiếu ACB còn lại hơn 19,5 triệu cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 614 tỷ đồng.
Từ tháng 5/2010 đến 11/2011, do ACB dư tiền tồn đọng, không có chỗ đầu tư, Nguyễn Đức Kiên tiếp tục cùng các thành viên HĐQT ACB gồm: Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải ra chủ trương để ACB ủy thác nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác để hưởng lãi.
Theo lệnh, 19 nhân viên ôm gần 719 tỷ gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM và chi nhánh Nhà Bè. Số tiền này sau đó đã bị bị can Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ.
Việc làm này là trái quy định tại điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (có hiệu lực từ 1/1/2011).
Cùng trong vụ việc này, các bị can Trần Xuân Giá, nguyên chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên phó chủ tịch ACB; Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ACB cũng bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỷ đồng
Nguyễn Đức Kiên trên cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp và quyết định của HĐQT công ty để bán lại hơn 22 triệu cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát với giá 264 tỷ đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, số cổ phiếu này đang được ACBI thế chấp cho ACB.
Hành vi của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tiền của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát theo Điều 139 Bộ Luật hình sự.

Diễn biến vụ Nguyễn Đức Kiên:
- Ngày 20/8/2012, khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Đức Kiên để điều tra hành vi kinh doanh trái phép tại 3 công ty B&B, ACBI và ACB-HN.
- Ngày 23/8/2012, khởi tố và bắt tạm giam Lý Xuân Hải về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Ngày 17/9/2012, khởi tố bổ sung đối với bị can Nguyễn Đức Kiên; khởi tố và bắt tạm giam đối với Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Ngày 27/9/2012, khởi tố bị can đối với các ông Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang; khởi tố bổ sung đối với Nguyễn Đức Kiên về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Ngày 31/5/2013, khởi tố bổ sung đối với Nguyễn Đức Kiên  tội “trốn thuế”.
- Tháng 8/2013, cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận điều tra, đề nghị VKSND tối cao truy tố 8 bị can nói trên.
- Ngày 12/12/2013, Viện KSND tối cao đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang, hoàn tất cáo trạng, truy tố 7 bị can nói trên với 4 tội danh (Ngày 31/12/2010, ông Cang đã có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng ACB).

Đ.Tâm(tổng hợp)

(VNN)
 

Ông Lê Thăng Long tuyên bố rút khỏi PT Con đường Việt nam


NHÀ HOẠT ĐỘNG VÌ QUYỀN CON NGƯỜI LÊ THĂNG LONG TUYÊN BỐ XIN RA KHỎI PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM
23 Tháng 12 2013 lúc 11:01
Kính gửi:
1- Toàn thể đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cùng bè bạn quốc tế!
2- Toàn thể các thành viên phong trào Con đường Việt Nam
3- Toàn thể lực lượng hoạt động dân chủ, nhân quyền Việt Nam ở trong nước và nước ngoài!
4- Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính quyền Việt Nam!
5- Toàn thể báo chí trong nước và nước ngoài!
Tôi là Lê Thăng Long, tên bí danh là Lincoln Lê, là doanh nhân và là nhà hoạt động vì quyền con người cho nhân dân Việt Nam. Tôi là thành viên tham gia khởi xướng và lãnh đạo phong trào Con đường Việt Nam (PT CĐVN) từ khi khởi xướng phong trào đến nay. Hôm nay tôi xin tuyên bố chính thức xin ra khỏi PT CĐVN. Tôi xin giải thích lý do như sau:
1- Tôi và gia đình tôi hoàn toàn không có bất kỳ một oán thù nào với Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cùng Chính quyền Việt Nam (CQVN). Vì vậy tôi hoàn toàn không muốn trở thành đối kháng với ĐCSVN và CQVN. Ông ngoại tôi là đảng viên ĐCSVN và là liệt sỹ cách mạng thời kháng chiến chống Pháp. Cả cha và mẹ tôi đều là đảng viên ĐCSVN có tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Mẹ tôi vừa mất, cha tôi năm nay 55 năm tuổi đảng. Từ thế hệ ông bà, cha mẹ tôi đều là những đảng viên gương mẫu của ĐCSVN rất liêm khiết, luôn một lòng tận tâm phục vụ lợi ích cho nhân dân, dân tộc Việt Nam. Bản thân tôi rất bất bình với sự mấy chục năm qua tới nay có một bộ phận không nhỏ trong hàng ngũ ĐCSVN và CQVN tham nhũng và phản bội lại lợi ích của dân tộc Việt Nam.
Tôi muốn giúp cho ĐCSVN và CQVN được trong sạch hơn. Nếu tôi được làm tổng bí thư ĐCSVN thì chỉ trong vòng 11 tháng tình trạng tham nhũng tại Việt Nam sẽ giảm ít nhất là 90%. Tôi muốn được trình bày công khai, rộng rãi kế hoạch phòng chống tham nhũng tại Việt Nam của tôi. Tôi chỉ sợ lãnh đạo Việt Nam không muốn làm hoặc không dám làm theo kế hoạch phòng chống tham nhũng tại Việt Nam do tôi lập ra.
Sau hàng chục năm miệt mài, nỗ lực nghiên cứu tôi nhận thấy rằng hệ lý luận chủ nghĩa cộng sản Mác – Lê Nin (CNCS M-L) sai lầm và thiếu sót tới hơn 90%. Tôi rất muốn giúp cho ĐCSVN và CQVN tiếp tục cải cách, sửa chữa được sai lầm. Cải cách ở phần gốc rễ thì phải cải cách ở phần tư duy nhận thức. Cải cách ở hành động mới chỉ là cải cách ở phần ngọn. Cuộc cải cách ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay mới chỉ là cải cách nửa vời, cải cách thiếu triệt để và thiếu toàn diện. Tôi muốn giúp cho ĐCSVN và CQVN tiếp tục cải cách toàn diện hơn, triệt để hơn.
Trong một số năm qua tôi có hợp tác với một số lực lượng dân chủ, hoạt động vì quyền con người cho nhân dân Việt Nam, điều đó không có gì sai về biện pháp và lương tâm. Tôi rất buồn khi ĐCSVN và CQVN lại nghĩ rằng tôi tham gia tạo nên lực lượng đối lập để chống phá ĐCSVN cùng CQVN.
Nay tôi chính thức ngỏ lời xin được gia nhập vào ĐCSVN để giúp cho ĐCSVN tiếp tục cải cách. Để ĐCSVN và CQVN khỏi nghi ngờ tôi là tôi tham gia lực lượng đối lập để chống đối, cho nên nay tôi xin chính thức tuyên bố ra khỏi PT CĐVN mà tôi đã tham gia khởi xướng và lãnh đạo từ hơn một năm qua đến nay.
2- Lý do thứ hai là PT CĐVN nay đã khá mạnh, cho dù không có tôi thì tin rằng PT CĐVN sẽ vẫn liên tục phát triển tốt. Vào ngày 3/2/1930 đảng CSVN thành lập tại Hương Cảng (HongKong) chỉ có 7 người. Vào ngày 22/12/1944 đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập dưới gốc đa Tân Trào chỉ có 34 người. Vậy mà từ số rất ít con người ưu tú đó đã làm nên lịch sử. Hiện nay thành viên PT CĐVN đã vượt xa con số 7 người, hầu hết các thành viên đều là những con người ưu tú không kém gì 7 thành viên tham gia sáng lập ĐCSVN và 34 người tuyên thệ dưới gốc đa Tân trào năm xưa.
Tham gia khởi xướng PT CĐVN có doanh nhân yêu nước Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư nhân quyền yêu nước Lê Công Định. Tôi thừa nhận luật sư nhân quyền yêu nước Lê Công Định và doanh nhân yêu nước Trần Huỳnh Duy Thức có nhiều điểm ưu việt hơn so với tôi. Về ý chí, bản lĩnh, trí tuệ xét về tổng thể tôi chỉ là học trò của luật sư nhân quyền yêu nước Lê Công Định và doanh nhân yêu nước Trần Huỳnh Duy Thức. Ngoài đời tôi quan hệ với Thức và Định như hai người bạn thân. Nhưng trong lòng tôi luôn kính trọng tư cách, trí tuệ của hai bạn thân đó như hai bậc thầy. Nhờ hai người bạn thân này mà tôi được hưởng một chút ít tiếng thơm. Trước kia tôi là người không mấy ai thèm biết đến. Nay tôi được khá nhiều người mến mộ. Tới nay luật sư Lê Công Định đã được ra tù, khi có Định rồi vai trò của tôi không còn quan trọng nhiều đối với sự phát triển của PT CĐVN nữa. So sánh tương đối về đẳng cấp thì tôi chỉ đáng là người buộc dây giày, lấy nước rửa chân cho hai bạn Định và Thức thôi.
Nay tôi xin ra khỏi PT CĐVN là để làm một vai trò khác nhằm đem lại nhiều lợi ích cho dân tộc Việt Nam và nhân loại. Tôi tin rằng luật sư nhân quyền yêu nước Lê Công Định và những thành viên PT CĐVN vẫn duy trì, phát triển đúng hướng đã chọn đó là hành động vì quyền con người cho nhân dân Việt Nam.
3- Lý do thứ 3: tôi muốn sớm làm thành công một sứ mệnh nhỏ đó là làm cho ĐCSVN và CQVN sẽ “ngồi cùng mâm” với những lực lượng hoạt động dân chủ, vì quyền con người cho nhân dân Việt Nam. Gần đây tôi thấy cả hai bên “lề phải” và “lề trái” đều bàn luận rất nhiều về chủ đề quyền con người cho nhân dân Việt Nam. Tôi rất mừng về điều này. Có nghĩa rằng “lề phải” và “lề trái” đã nhìn về cùng một hướng. “Lề phải” tự nhận là ĐCSVN và CQVN. “Lề trái” bị cho là những lực lượng hoạt động dân chủ và vì quyền con người cho nhân dân VN. ĐCSVN từ nhiều năm qua đến nay vẫn luôn tự nhận mình là một đảng dân chủ chứ không phải là một đảng độc tài. Ở những quốc gia dân chủ có rất nhiều đảng. Ví dụ như ở Pháp có hơn 200 đảng chính trị. Nhưng những đảng dân chủ ở các nước họ không chống phá nhau, ngược lại họ hợp tác với nhau để cống hiến lợi ích cho xã hội.
Tôi thực lòng muốn xin gia nhập vào ĐCSVN để giúp cho ĐCSVN tiếp tục cải cách toàn diện hơn, triệt để hơn. Nếu ĐCSVN không tiếp tục cải cách triệt để hơn, toàn diện hơn thì tôi tin ĐCSVN sẽ bị diệt vong hoàn toàn, ĐCSVN sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi xã hội Việt Nam, tương tự như ĐCS ở hơn 20 quốc gia cộng sản châu Âu cũ. Tôi tin rằng tôi sẽ là lối thoát tối ưu để cho ĐCSVN tiếp tục tồn tại và phát triển lâu dài trong lòng xã hội Việt Nam. Nếu ĐCSVN hợp tác với tôi và hợp tác với các lực lượng hoạt động dân chủ và quyền con người cho nhân dân Việt Nam thì sẽ có diễn biến hòa bình. Nếu ĐCSVN từ chối hợp tác thì sẽ dẫn đến đối kháng và có thể dẫn tới diễn biến chiến tranh.
Các lực lượng dân chủ và hoạt động vì quyền con người VN muốn có diễn biến hòa bình chứ không muốn có diễn biến chiến tranh. Các lực lượng dân chủ và hoạt động vì quyền con người VN đã nhẫn nhịn, nhường nhịn ĐCSVN quá nhiều. Nhưng nếu ĐCSVN không biết điều cứ tiếp tục sử dụng bạo lực thì có thể sẽ dẫn tới diễn biến chiến tranh, điều đó hoàn toàn thuộc lỗi của ĐCSVN.
4- Lý do thứ tư: Tôi đang tiến hành vận động thành lập liên minh dân chủ – nhân quyền – yêu nước Việt Nam. Liên minh này mở rộng cho mọi thành phần cả “lề phải”, “lề trái”, nhân dân VN ở trong nước, đồng bào VN ở nước ngoài, cùng bè bạn quốc tế tham gia. Bất kỳ ai mến mộ dân chủ, tôn trọng quyền con người của nhân dân VN, yêu dân tộc VN là được quyền tham gia. Thông qua liên minh này tôi mong muốn tạo ra cái “mâm cỗ” tuyệt vời cho cả “lề phải” và “lề trái” ngồi cùng mâm để cống hiến lợi ích cho dân tộc Việt Nam, cùng hợp tác phát triển kinh tế. Có thể ví vai trò của tôi sẽ tựa như là “nhịp cầu nối” cho “lề phải” và “lề trái” có thể bắt tay hợp tác với nhau, đi đến với nhau. Từng bước cao hơn nữa tiến tới chúng ta sẽ thực hiện sứ mệnh hòa giải dân tộc.
5- Lý do thứ 5: Tôi là người có tính cách rất công bằng. Cho dù là cha, mẹ, vợ, em gái, con cái nếu sai lầm tôi không bênh vực mà quyết giúp những người thân của mình sửa chữa sai lầm. Đối với kẻ thù của chính mình nếu họ đúng tôi vẫn bênh vực, họ có điều tốt tôi vẫn hoan nghênh và học tập họ. Tôi sẵn sàng hợp tác cả với kẻ thù để làm ăn kinh tế. Đã từ rất lâu rồi tôi có phương châm sống là: Hãy yêu thương kẻ thù của chính mình và hãy ôm hôn kẻ thù của chính mình !
Cha tôi năm nay đã có 55 năm tuổi đảng, nhiều bạn hữu khuyên tôi là hãy vận động cha tôi từ bỏ ĐCSVN tựa như là bác Lê Hiếu Đằng và anh nhà báo yêu nước Phạm Chí Dũng. Nhưng tôi đã không làm như vậy. Cha tôi là người đảng viên ĐCSVN rất tốt bụng, sống lý tưởng vì lợi ích của dân tộc VN. Cả cuộc đời cha tôi chưa từng tham nhũng, cha tôi rất liêm khiết. Tôi muốn noi theo truyền thống cách mạng của thế hệ ông bà, cha mẹ tôi. Cả đại gia đình họ hàng nội ngoại của tôi đều làm cách mạng. Thế hệ ông bà, cha mẹ tôi làm cuộc cách mạng chống giặc ngoại xâm để giành độc lập cho dân tộc. Thế hệ của tôi, các con tôi sẽ chống giặc nội xâm. Giặc nội xâm là bọn tham nhũng, bọn phản bội lại lợi ích của dân tộc VN.
Việc tự nguyện ra khỏi PT CĐVN là một bước lùi của tôi. Nhưng tôi lùi một bước là để tiến trăm bước. Do vậy tôi mong các thành viên PT CĐVN, các lực lượng hoạt động dân chủ và vì quyền con người cho nhân dân VN hãy đừng buồn. Qua bài viết này tôi bày tỏ niềm tin lớn đối với luật sư nhân quyền yêu nước Lê Công Định. Tôi mong bạn Định hãy kiên định đi theo con đường sứ mệnh cống hiến để nhằm mưu cầu quyền con người cho nhân dân VN.
Việc tôi có ý định xin gia nhập ĐCSVN là hoàn toàn nghiêm túc, không phải là một trò đùa. Tôi là một doanh nhân, một trí thức chứ không phải là trẻ em (con nít). Do vậy mọi việc tôi làm đều có tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Vừa qua khi biết tôi có ý định xin gia nhập ĐCSVN đã có những bạn hữu trong giới hoạt động dân chủ, vì quyền con người cho nhân dân VN đã phản ứng với tôi kịch liệt. Có một số người hiểu lầm tôi đã yếu mềm, đầu hàng để xu nịnh ĐCSVN và CQVN tựa như là một kẻ ly khai, thiếu lập trường để nhằm tìm kiếm danh lợi tại VN. Thời gian qua tôi đã im lặng không thanh minh với nhiều bạn hữu. Vàng thật thì không sợ lửa. Tôi còn rất nhiều cơ hội để chứng minh tôi là ai. Có một số bạn hữu lo ngại khi tôi vào ĐCSVN thì sẽ lại bị tha hóa biến chất trở thành kẻ tham nhũng. Tôi rất hiểu bản thân mình. Tôi thật sự là một “cây hoa sen” hay một “bông sen”. Quý vị và các bạn là người VN chắc là hiểu quá rõ hình tượng thế nào là cây hoa sen hay bông hoa sen. Cây hoa sen sống chung với bùn, nhưng bông hoa sen luôn thơm ngát không hề hôi tanh mùi bùn. Cán bộ quản giáo, giáo dục tội phạm họ không dễ trở thành kẻ phạm tội. Bác sỹ làm dịch vụ cai nghiện ma túy họ không dễ để mắc nghiện ma túy. Tôi có đủ đến dư thừa bản lĩnh để giữ vững lập trường, quan điểm chính trị của tôi đến hơi thở cuối cùng. Tôi mãi mãi sẽ vẫn là con người tận tụy suốt đời để cống hiến vì lợi ích của dân tộc Việt Nam và nhân loại.
Tuy nhiên qua bài viết này tôi cũng xin lưu ý tất cả quý vị và các bạn tham gia hoạt động dân chủ vì quyền con người cho nhân dân VN rằng: Quý vị và các bạn hãy đừng tự rơi vào một kiểu cực đoan kiểu mới. ĐCSVN muốn độc quyền lãnh đạo xã hội VN tức là độc tài hay toàn trị. ĐCSVN muốn không cho bất kỳ một đảng chính trị mới nào ra đời để không có đảng đối lập, cạnh tranh. Nhưng nếu các lực lượng dân chủ, nhân quyền đối kháng lại ĐCSVN thì đó cũng là một sự cực đoan kiểu mới đấy.
Tôi muốn mọi thành viên tham gia hoạt động dân chủ, nhân quyền cho VN hãy sống với phương châm là: Hãy yêu thương kẻ thù của chính mình và hãy ôm hôn kẻ thù của chính mình đối với ĐCSVN cùng CQVN. Người cao thượng, nhân văn dùng trí tuệ, tình yêu thương, bao dung, tha thứ, bác ái, lợi ích để đối đãi người khác cho dù đó là kẻ thù của họ. Ngược lại kẻ tiểu nhân luôn sử dụng bạo lực như nắm đấm, mắm tôm, nhà tù, súng đạn, gươm dao để đối đãi với người khác cho dù đó là những người hết sức lương thiện. Khi ĐCSVN và CQVN sử dụng bạo lực, quyền lực, nhà tù, mắm tôm, gươm dao, thủ đoạn để đối đãi những người yêu nước thì đã quá sáng tỏ các quan chức, công chức ĐCSVN và CQVN thuộc vào thể loại như thế nào rồi!
Tôi hy vọng, tôi cầu mong Đức Chúa Trời, Chúa Giê-Su, Đức Mẹ Maria, các Thánh Thần, các vị Phật, anh linh Tổ Tiên dân tộc VN và nhân loại phù hộ độ trì cho dân tộc VN sớm có quyền con người, hòa bình toàn diện bằng giải pháp diễn biến hòa bình không xảy ra diễn biến chiến tranh!
Tôi xin chúc toàn thế đồng bào VN ở trong nước và nước ngoài cùng bè bạn quốc tế, cùng quý vị và các bạn luôn nhiều sức khỏe, bình an, may mắn, thành công, hạnh phúc.
Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 22 tháng 12 năm 2013,
Lê Thăng Long – Lincoln Lê
Địa chỉ nhà riêng: 80 Nguyễn Thái Bình, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM.
Điện thoại di động: +84-967375886. Email: thanglong67@gmail.com

Bài đã xóa: Ngoại giao “sừng tê giác, nhân quyền và tiền mặt”

Cuối cùng thì phía VN đã lên tiếng sau vài ngày rì rầm về tin từ Bild.de nói rằng, đại sứ VN tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Nguyễn Thế Cường, đi qua Frankfurt bị câu lưu do mang 20.000 euro không khai báo. Ông Cường đã đóng tiền phạt thế chân 3500 euro và đã được thả.

Đại sứ Nguyễn Thế Cường (ngồi thứ 2 từ trái sang). Ảnh: ĐSQVN tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thú thật, mới nghe một vị đại sứ tên “Cường” tôi rất hoảng, bởi đại sứ VN tại Washington DC là Nguyễn Quốc Cường, người mà tôi từng viết bài về thế hệ ngoại giao trẻ (Kỷ niệm 2-9 tại DC), năng động dưới thời Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Tuy thế, đại sứ Nguyễn Thế Cường ở Thổ Nhĩ Kỳ bị vướng vào chuyện không hay cũng làm tôi rất buồn.
Mang tiền về cứu trợ không phải là trách nhiệm của đích thân đại sứ. Ngân hàng Việt Nam và nước ngoài có thể giúp chuyển khoản một cách dễ dàng, nếu chứng minh với nước sở tại, đây là nguồn tiền đóng góp cho mục đích nhân đạo.
Càng không nên mang tiền hộ cho cán bộ công nhân viên dưới quyền, đó là điều tối kỵ của một người làm sếp. Đó là chưa nói về lương tối thiểu của cán bộ, nhân viên công tác tại các sứ quán thường rất ít. Người ta sẽ tự hỏi về số tiền “tiết kiệm” kia và tạo ra nghi ngờ không cần thiết.
Mang tiền mặt là thói quen của người Việt, từ nông dân đến bậc đại sứ hay cao hơn nữa. Tuy nhiên, mang một số lượng tới 20 ngàn euro tiền mặt đi qua biên giới nhiều nước là rất lớn và nguy hiểm đối với va li của nhà ngoại giao. Ngoài chuyện phạm luật, nếu kẻ xấu biết được thì tính mạng sẽ bị đe dọa.
Đã lên đến hàm đại sứ thì nên hiểu thông lệ quốc tế về chuyện mang tiền mặt và cả luật miễn trừ ngoại giao. Không phải cứ có hộ chiếu ngoại giao là không bị rờ tới. Nếu phía câu lưu chứng minh là anh phạm lỗi thì không có hộ chiếu nào bảo vệ nổi.
Biết bao nhiêu vụ đã xảy ra, nhất là thời hộ chiếu đỏ ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng vì hải quan nước bạn thời đó “đói ăn vụng, túng làm liều” nên các vị thường qua trót lọt.
Khi hội nhập với thế giới, việc mang đồ cấm như số tiền mặt quá qui định dưới hộ chiếu ngoại giao sẽ khác nhiều. Hải quan, truyền thông các nước văn minh sẽ không cho qua những chuyện này. Một vị trong tòa đại sứ bị quay video buôn sừng tê giác Nam Phi là một ví dụ.
Mỗi lần thế giới nhắc nhở Việt Nam về nhân quyền thường được phía ta giải thích về sự khác biệt quan niệm mang tính phổ quát theo cách của mình. Tuy nhiên, khi sờ đến vấn đề cụ thể như hàng cấm trong va li ngoại giao, hàng chục ngàn euro tiền mặt, quả thật rất khó mà nói Việt Nam có cách hiểu khác người.
Rất mong Bộ Ngoại giao Việt nam, các tòa đại sứ VN trên thế giới nên lấy đây làm bài học. Đừng để thế giới nghĩ đến ngoại giao Việt nam là nhớ đến sừng tê giác, tiền mặt hay những sự cố khác, làm hoen ố hình ảnh của quốc gia.
THEO HIỆU MINH

“Ai cho con tôi mái trường đàng hoàng?”

Nước cống lẫn nước mưa hôi thối chảy tràn dưới gầm vạt giường được kê tạm bằng vài cục gạch ống. Mấy đứa trẻ ngồi co ro nhìn khách lạ đến thăm. Mẹ các bé đi làm nhà máy chưa về. Còn cha chạy xe ôm, bán hàng rong đang ngóng khách bên vệ đường tỉnh lộ 10. Thi thoảng, các anh tranh thủ đảo qua ngó chừng con rồi lại vội ra đợi khách...
Hình ảnh đó rất dễ tìm thấy ở các xóm trọ công nhân quanh Nhà máy Pou Yuen và Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM. Hàng ngàn trẻ thơ lay lắt trong phòng trọ ẩm thấp đợi cha mẹ đi làm về đang là chuyện thường ngày. Đói thì lục cơm nguội ăn, khát tự lấy nước uống. Có cha mẹ khóa trái cửa nhốt con trong phòng. Có người để cửa cho bé tha thẩn chơi. Họ cho rằng nhà trọ công nhân chẳng có gì để trộm, con em kẻ nghèo cũng đâu sợ bị bắt cóc.

Tuy nhiên, đó là những trẻ trên 4-5 tuổi. Còn các con công nhân ở lứa tuổi nhỏ hơn cũng phải gửi gắm đâu đó nếu không được ông bà chăm sóc. Một số ít, rất ít bé may mắn được vào trường mầm non công lập. Một số được gửi ở các lớp giá rẻ. Còn phần nhiều vẫn đang phải trải qua tuổi thơ ở các nhóm trẻ tự phát, thậm chí là trong góc nhà tù túng của ai đó rảnh rỗi hoặc thất nghiệp ở nhà trông con em người nghèo để kiếm thêm.
Nhiều năm sống bên khu vực này, người viết phải trĩu lòng chứng kiến biết bao hình ảnh thiệt thòi của trẻ thơ gia đình lao động. Hôm rồi, hình ảnh trẻ bị bạo hành dã man xuất hiện trên báo chí, nhiều người đang gửi gắm con các chỗ tương tự cũng hoảng sợ. Nhưng rồi họ đành thở dài và lại tiếp tục đưa con đi...
Một bà mẹ là công nhân đã rơi nước mắt tâm sự với người viết: “Máu thịt mình, ai mà không đứt ruột thương con! Nếu đồng lương xoay xở nổi, chắc chắn em không bao giờ gửi con đến những chỗ tạm bợ đó”. Sự thật đối với những mảnh đời đang nghèo phải vật vã miếng cơm manh áo, thì 1 triệu hay 1,2 triệu đồng gửi con ở các nhà trẻ tự phát cũng đã là số tiền đẫm mồ hôi khó nhọc rồi!
Chịu khó để dành vài buổi chiều rảo qua các nhà trẻ, trường mầm non ở các quận trung tâm và các nơi giữ trẻ con công nhân ở Bình Tân, Tân Phú... dễ dàng nghẹn lòng trước những hình ảnh đối lập đến đau lòng. Có bao giờ chúng ta nghe chuyện những ngôi trường mà bé được cha mẹ đón bằng ôtô, trường có camera giám sát kết nối từng phụ huynh? Ai chẳng muốn con cái mình vào những nơi đó, nhưng làm sao những người lao động nghèo dám mơ đến, khi học phí trung bình ở các trường này hiện nay cũng không dưới 2 triệu đồng/tháng, bằng khoản lương nghèo thiếu trước hụt sau còn phải trang trải cho góc trọ, miếng ăn hằng ngày?
Nhiều công nhân buồn kể bao năm qua họ đã nghe đủ lời hứa hẹn con em mình sẽ được bảo đảm trường lớp tử tế. Nhưng rồi, lời hứa chỉ là lời hứa. Nhiều nhà máy mọc lên mà được mấy nhà trẻ ra đời? Bao người dân phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn mình, chịu thiệt thòi, xáo trộn cuộc sống để đất đai được quy hoạch lại. Nhưng bên cạnh những dự án phân lô bán nền, những kẻ qua đêm thành đại gia nhờ sốt đất, có mấy trường lớp được xây dựng để phục vụ lại cho người dân!
“Ai cho con tôi mái trường đàng hoàng?”. Câu hỏi đứt ruột, đứt gan của người nghèo bao giờ mới có câu trả lời?
QUỐC VIỆT
(Tuổi trẻ) 

Có Đảng viên nào lại như thế này không?

(PetroTimes) - Ở Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp, ông Nguyễn Sỹ Ngọc là người “lắm chức” nhất: Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên và quan trọng hơn, ông Ngọc là một Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ vị trí Bí thư Đảng ủy.
Ông Nguyễn Sỹ Ngọc.

Chủ sở hữu của Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Các thành viên trong Hội đồng thành viên Vicem Tam Điệp là do Vicem bầu ra, trong đó có ông Nguyễn Sỹ Ngọc.

Những ngày gần đây, dư luận được một phen xôn xao với việc chị Phạm Thị Ngọc Lan, một cô gái xinh đẹp có tiếng ở Thanh Hóa với biệt danh “người đẹp xứ Thanh” đã thắt cổ tự tử ngay trước cổng Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp.

Vụ việc đã làm vỡ lở câu chuyện ông Nguyễn Sỹ Ngọc quan hệ như vợ chồng với Lan suốt 18 năm trời. Mặc dù ông Ngọc đã có vợ, con. Từ năm 1993, ông Ngọc đã dùng lời hoa bướm gạ gẫm cô sinh viên trường Cao đẳng sư phạm xinh đẹp Phạm Thị Ngọc Lan. Khi đó Lan mới 17 tuổi.

Sau khi Lan phát hiện ra ông Ngọc lừa dối, cô này vẫn phải chấp nhận và 2 người nhiều năm sống chung trong căn nhà thuê (ở số 23, Liên Kế, Đội Cung, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa). Trong khi đó, gia đình ông Ngọc lại ở Thanh Xuân, Hà Nội.

Chưa hết, theo tố cáo của chị Lan, không chỉ sống ngoài luồng với một người, ông Ngọc còn lén lút quan hệ bất chính với một cô đáng tuổi con mình là Nguyễn Thị H. (SN 1988), là nhân viên xưởng nước khí nén của công ty.

Chị Lan cho rằng: Tháng 2/2011, trong một lần gặp trực tiếp gặp Nguyễn Thị H., Lan đã ghi âm được lời nói của H. về mối quan hệ tình cảm bất chính với Ngọc. H. thừa nhận là đã cùng Ngọc “ân ái” tại khu Vạn Chài, Sầm Sơn, Thanh Hoá (đêm 19/2/2011 và được ông Ngọc cho 20 triệu đồng).

Muốn làm rõ trắng đen, Lan đã lên gặp ông Ngọc tại cơ quan và đã bị ông Ngọc đánh vì tội “dám nói sự thật đời tư nơi công sở”.
Nguyễn Sỹ Ngọc chủ trì hội nghị tổng kết công tác Đảng tại Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp.

Đồng chí Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ký ban hành nội dung hướng dẫn thực hiện quy định những điều Đảng viên không được làm. Trong đó, Điều 17 có đề cập đến việc cấm Đảng viên đã kết hôn mà lại sống chung, quan hệ với người khác như vợ chồng.

Là bí thư Đảng ủy, chắc chắn ông Ngọc hiểu rõ vấn đề này.

Vụ việc của ông đã kéo dài nhiều năm, ông Ngọc mất tinh thần tự giác, tự kiểm điểm, tự phê bình của người Đảng viên đã đành - cả tổ chức Đảng ở Công ty Xi măng Vicem cũng nhắm mắt bỏ qua cho những hành vi thiếu tư cách.

Có Đảng viên nào lại ngang nhiên sống bê tha, ngoại tình công khai như thế này không?

Đã đến lúc tổ chức Đảng ở Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp, ở Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và thậm chí là cả Ủy ban kiểm tra Trung ương cần vào cuộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét