Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Họ sợ những gì? & Ngân sách nhà nước thất thu trăm tỉ. Phục vụ lợi ích tập thể hay cá nhân?

Ngân sách nhà nước thất thu trăm tỉ. Phục vụ lợi ích tập thể hay cá nhân?

Thêm một đơn vị thuộc Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN) giảm doanh thu mạnh trong năm 2013

Nguyễn Sơn (Danlambao) Năm 2012; Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam (TCTHK) lãi 69,8 tỷ VND. Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu của văn phòng chi nhánh TCTHK tại Pháp (VPCN Pháp) đã giảm 3 triệu euro so với năm 2012 (88 tỷ VND), hụt hơn 5 triệu euro (145 tỷ VND) so với kế hoạch TCTHK giao. Tháng 12/2013, doanh thu tiếp tục giảm.
Việc giảm doanh thu hơn 145 tỷ VND so với kế hoạch của một chi nhánh DNNN gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Lãnh đạo văn phòng liệu đã áp dụng đúng các biện pháp nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra?
Phạm vi bài viết này muốn cùng bạn đọc tìm hiểu lý do dẫn đến việc này. 

1 - Sử dụng ngân sách đầu tư kinh doanh của VPCN Pháp

Hàng năm, TCTHK phân bổ ngân sách phát triển kinh doanh cho các Văn phòng đại diện. VPCN lớn như Pháp được đầu tư trên 200 tỷ VND. Ông Lê Dũng, đại diện trưởng VPCN Pháp kiêm đại diện trưởng Văn phòng khu vực (VPKV) châu Âu là người duy nhất toàn quyền quyết định sử dụng ngân khoản này. Ngoài ra ông còn có nguồn ngân sách của VPKV Châu Âu, điều chuyển ngân sách, thay đổi mục đích sử dụng giữa hai văn phòng này theo ý muốn.

a) Đầu tư ngân sách tiếp thị quảng cáo, truyền thông
Năm 2013 “Ngân Sách Quảng Cáo Chiến Lược Hành Khách”, “Quảng Cáo mùa thấp điểm”, tổ chức sự kiện cho VPCN Pháp lên đến hơn 20 tỷ VND. Số tiền này được sử dụng như thế nào kể từ khi Ông Dũng nhậm chức?
Công ty tư vấn truyền thông (Media) tên viết tắt là DDB (địa chỉ ddb.com) có chất lượng trung bình, vượt qua các công ty Pháp thắng thầu độc quyền tư vấn cho VPCN Pháp, do ông Lê Dũng chọn năm 2007. Hợp đồng tư vấn thời điểm đó lên tới 20 tỷ VND/năm. DDB là công ty duy nhất có văn phòng đại diện thương mại tại Việt Nam phố Cống Quỳnh, Thành Phố Hồ Chí Minh. Việc này liệu có do mục đích cá nhân của Ông?
Hàng năm, công ty Media tiến hành nghiên cứu thị trường, tư vấn tạo thiết kế, sau đó quảng bá trên phương tiện truyền thông, báo, đài, biển quảng cáo, phương tiện giao thông công cộng. Mỗi đợt quảng cáo, chi phí rất lớn. Ví dụ mua phương tiện, thuê không gian quảng cáo trên tầu điện ngầm Paris có thể lên đến 4 tỷ VND/2 tuần.
Thời gian sau đó, ông Lê Dũng cắt dần dần tiền ngân sách tư vấn của DDB để tự chi tiêu. Năm 2010, ông hoàn toàn cắt đứt hợp đồng với DDB và trực tiếp “điều hành” ngân sách này với lý do qua công ty trung gian tốn chi phí. Việc tự nghiên cứu, quảng cáo không qua công ty chuyên môn có phải là cách thức khôn ngoan không khi Ông Dũng không biết tiếng Pháp, không hiểu văn hóa châu Âu? Trong khi những năm sau đó đầu tư ngân sách quảng cáo vẫn bị đề nghị tăng.
Hiệu quả và cách thức làm tùy tiện thực hư thế nào? Thật hay không thật? Thanh tra, kiểm toán giai đoạn 2010 – 2013 so với thời gian trước ngay tại Ban Tài chính Kế toán TCTHK, đối chiếu với kế toán của các công ty Pháp có thể sẽ tìm ra câu trả lời rõ ràng thực hư.
Hiệu quả công tác quảng cáo thế nào? Đến năm 2013, hình ảnh của VNA có giảm? Hình ảnh giảm có dẫn tới việc giảm giá? Vậy nguyên tắc thương mại có được tôn trọng? Hậu quả đã giảm hơn trăm tỷ VND so với kế hoạch TCTHK, những người kế nhiệm sẽ mất bao nhiêu tiền và bao lâu để khôi phục lại hình ảnh? Làm sao để tăng lại giá?

b) Ngân sách Xúc Tiến Thương Mại Hành Khách
Tổng ngân sách trên 11 tỷ VND, trong đó chi phí để thúc đẩy phát triển kênh bán, mạng bán, đại lý lên đến 9 tỷ VND. 4 kênh bán chính bao gồm các công ty tua Tour Operator, công ty bán vé trực tuyến trên Internet, đại lý bán vé Việt Kiều, hệ thống 3000 đại lý bản lẻ của Pháp (network). Số tiền 9 tỷ được chia ra nhiều khoản.
- Tiền hoa hồng cho mạng bán, tiền giúp marketing cho đại lý, tổ chức sự kiện, hội nghị khách hàng vv... Ngân sách này mục đích khích lệ toàn mạng bán tốt cho HKVN, đồng thời giúp đối tác phát triển. Số tiền này đã đến tay đại lý? Đúng người đúng việc? Có mù mờ chi tiêu? Cuối năm được giải ngân hầu hết, nhưng doanh số bán của các đối tác chiến lược vẫn giảm trong năm 2013.
- Các khoản chi tiêu tiếp khách (Sale visits) 1 tỷ VND dành cho đội phát triển bán được sử dụng đúng mục địch? Đội phát triển bán có bị người khác kí biên nhận “hộ” mà không biết? Hàng nghìn chai rượu vang Bordeau được VPCN mua tại Pháp để động viên các đại lý nhưng tại sao đều bị chuyền về VN phục vụ mục đích cá nhân?
Thất thu năm 2013 vì sao? Hệ thống phân phối vé liệu có vấn đề? Thanh tra, kiểm tra xem tính thực giả, mục đích sử dụng các hóa đơn chứng từ liên quan sẽ có câu trả lời xác đáng về vấn đề này.
c) Các ngân sách khác
VP Pháp còn chi tiêu nhiều triệu euro đầu tư tài sản, mua sắm thiết bị, nhân sự vv… Việc chi tiêu này có tùy tiện?
- Chính sách của đầu tư mua ô tô phục vụ cán bộ đi lại đã được biến thành ngân sách thuê. Ông Lê Dũng tự mua một chiếc xe ô tô Ford Galaxy (giá thị trường 35000 euro) cho VPCN Pháp thuê lại với giá cao. Với chiêu kinh doanh này, chỉ vài năm là chiếc xe cá nhân đã được hoàn vốn cá nhân bằng ngân sách nhà nước. Việc này có đúng với qui định tài chính của nhà nước Việt Nam?
- Chi phí điện thoại di động cá nhân của ông Lê Dũng, số +33630500758 một năm tốn thường xuyên trên 200 triệu VND, có lãng phí so với nhu cầu thực tế?
- Giảm giá vé, VNA phải tăng số lượng ghế mở bán kiểu như xe đò? Khi quá tải bán, lượng khách có vé nhưng không lên được máy bay phát sinh, hãng phải đền cho khách không có chỗ (offload) 600-900 euro/khách. Khoản tiền này lớn hơn nhiều so với đền bù offload tại Việt Nam, lượng ngân sách đền cho khách thuộc đối tượng này tại VPCN Pháp rất lớn. Điều đó có gây thiệt hại lớn cho Hãng hàng không?
- Thanh tra kiểm kê, đối chiều việc đầu tư mua sắm khác tại VPCN Pháp xem có thất thoát không? Bao nhiêu phần trăm được đưa vào đầu tư thực thụ?
Trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng giải thích tại sao HKVN lại thất thu như vậy.

2 - Tài sản cá nhân của ông Lê Dũng

Trong khi VPCN Pháp, VPKV Châu Âu đang chịu thất thu thì ông Lê Dũng lại nổi lên là một người giàu có hàng đầu trong ngành hàng không, ai cũng biết. Tại Việt nam ông còn có nhiều nhà, biệt thự sang trọng rải suốt từ bắc đến nam. Còn thêm nhà ở nước ngoài. Chỉ riêng tiền học đại học, ăn ở đi lại của con gái tại Boston từ 3 năm nay đã đến 100 nghìn đô la mỹ một năm. Ngoài ra còn rất nhiều khoản đầu tư chứng khoán đến cho vay nợ.
Không biết ông lấy tiền từ đâu với thụ nhập của công chức nhà nước?

3 - VPKV Châu Âu

Thất thu so với kế hoạch trên toàn bộ thị trường châu Âu (EU) năm 2013 còn lớn hơn. Tuy nhiên Ông đại diện trưởng VPKV Châu Âu không bị khiển mà lại được phát triển quyền lực.
Vietnam Airlines có 4 VPCN tại Châu Âu khối EU (ngoài CHLB Nga): Pháp, Đức, Anh, Tiệp Khắc (CH Séc). 3 văn phòng có đường bay thẳng (online) là Pháp, Đức, Anh, riêng Tiệp không bay thẳng (offline). Tuy nhiên, văn phòng Tiệp Khắc có trách nhiệm rất lớn, phụ trách việc bán vé cho toàn đông Âu: Séc, Slovakia, Hung, Rumani vv… Ông Lê Dũng, thuyết phục đóng cửa được văn phòng Tiệp Khắc giữa năm 2013, trực tiếp thâu tóm quyền lực tại khu vực này, đồng thời thâu tóm luôn ngân sách của VPCN này. Lí do đóng cửa VP đưa ra do tốn ngân sách và thiếu hiệu quả.
- Việc này liệu có giống như việc bỏ trung gian quảng cáo media DDB tại Pháp để tiết kiệm nhưng ngân sách không giảm?
- Mỗi nước Đông Âu sẽ cần phải có tổng đại lý (GSA) bán vé và phụ trách thị trường. Hàng chục đại lý người Việt đông Âu đều biết ông Lê Dũng có quan hệ “mật thiết” East Sea Travel. East Sea travel đã có chân rết, mở nhiều đại lý ở toàn bộ Châu Âu.
- VPCN Pháp, VPKV châu Âu chuyển tiền sang đông Âu trong mấy năm nay là bao nhiêu? Ngân sách được sào nấu như thế nào giữa hai văn phòng? Liệu ông có cổ phần tại Đông Âu?
- VPKV châu Âu dành đặc quyền 2 chuyến bay thẳng (charter) duy nhất từ Praha về Việt Nam dịp Tết 2014 cho East Sea kinh doanh. 2 chuyến bay Tết này mang lại lợi ích vận chuyển hành khách và hàng hóa rất lớn cho bất kỳ ai khai thác. Tại sao VPKV Châu Âu không tự kinh doanh kiếm lợi cho TCTHK mà lại chuyển cho doanh nghiệp tư nhân? Liệu có thất thu cho TCTHK?
- Theo đà đi lên, liệu Ông Dũng có thể tiếp tục lấn các VPCN Anh, Đức? Nếu không đường bay nào có lãi, phải giảm chi phí, khả năng điều hành trực tiếp từ Paris và bán vé thông qua các Tổng đại lí ( GSA) là hiện hữu. Ngân sách các VPCN Anh, Đức sẽ lại chảy về VPKV Châu Âu giống như Séc?
- Tại sao ông Lê Dũng lãnh đạo một chi nhánh DNNN lại làm thẻ định cư dài hạn tại Châu Âu? Ông muốn định cư tại châu Âu một cách hợp pháp khi có biến?

4 - Công luận

- Đại diện các VPCN của Hàng Không VN trên toàn thế giới, cán bộ công nhân viên TCTHK đang có nhiều dấu chấm hỏi. Ông đại diện trưởng làm giảm cả trăm tỷ đồng vẫn được trọng dụng và trên đà thâu tóm Châu Âu. Với xu thế mở rộng mạng bay, nhiều máy bay đường dài A350, B787 sẽ được giao trong các năm tới, ông Lê Dũng tại sao bắt đầu tiến hành đóng cửa các văn phòng?
- Ban Tài Chính Kế Toán (TCKT) có rõ các sai phạm về nguyên tắc tài chính, chi tiêu đầu tư? Có phải ông Lê Dũng có thế lực nào nâng đỡ? Ban Kế Hoạch Đầu Tư (KHDT), các ban chuyên môn thương mại Kế Hoạch Phát Triển (KHPT) và Tiếp Thị Bán Sản Phẩm (TTBSP) có hiểu cách chi tiêu ngân sách này? Việc chi có “Đúng mục đích”, không nhập nhèm?
- Vòi bạch tuộc của ông Dũng và East Sea có đang đến gần, bức tử các đại lý bán vé khác tại đây? Việc ông đóng cửa VPCN Séc gây hoang mang cho toàn bộ vài chục đại lý Việt Kiều tại Đông Âu.
Chính sách tiêu tiền nhà nước của ông Lê Dũng có theo kiểu tự biên, tự diễn không? Liệu có liên quan đến lợi ích cá nhân? Việc làm mất dần hình ảnh của Vietnam Airlines, mạng bán suy yếu là lỗi của ai? Ai phải chịu trách nhiệm? Kéo dài bao năm nữa?

Kết luận

Ngân sách marketing quảng cáo, thương mại được chi tiệu có đúng mục đích? Việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch có đúng với thực tế của thị trường?
Mất tiền có phải do cạnh tranh tăng, do thị trường đi xuống, khủng hoảng kinh tế châu Âu? Năm sau tiếp tục thất thu sẽ vẫn do nguyên nhân khách quan? Vậy ai là người chịu trách nhiệm trước nhà nước?
Tăng ngân sách chi tiêu, tăng tải vận chuyển hành khách trong giai đoạn “khủng hoảng” có phải là ý tưởng khôn ngoan?
Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong năm 2013 lượng khách Pháp đi Việt nam tăng mạnh trở lại sau nhiều năm giảm. Trong khi đó, doanh thu VPCN Pháp thâm hụt hơn trăm tỷ đồng so với kế hoạch. Hình ảnh VNA tại Pháp có bị giảm? Hệ thống phân phối vé liệu có vấn đề? Tại sao phải dùng chính sách giảm giá để thu hút khách? Đấy là cốt lõi vấn đề.
Kinh doanh thành bại có phải do người lãnh đạo? Thanh tra, kiểm toán tại VPCN Pháp, VPKV Châu Âu cần thực hiện nghiêm túc, cần qui kết đúng trách nhiệm. Có như vậy mới giúp Hãng Hàng Không Quốc Gia khôi phục và nâng cao tính hiệu quả kinh doanh của mình, tạo dựng niềm tin trước thềm cổ phần hóa.

Bùi Tín - Họ sợ những gì?

hungdungsangtrong

Nhóm lãnh đạo cộng sản hiện nay sợ những gì? Chúng ta cần trao đổi làm cho rõ, để hướng đấu tranh được chính xác, có hiệu quả, khi nỗi sợ chuyển dần từ phía ta sang phía người ta.

Thật là lý thú khi ta thấy nỗi sợ gần đây đã “đổi ngôi”. Trước kia có thể nói người công dân nào cũng sợ cường quyền. Thời phong kiến, thời thuộc Pháp, thời đảng CS cai trị, người dân ai cũng sợ nền cai trị của họ, với phu lít, cảnh sát, quân đội, tòa án, nhà tù…hạch sách, áp bức, đầy ải dân lành không sao kể xiết.

Ngày nay tình hình đã đổi khác. Thời thế đã đổi khác. So sánh lực lượng đang đổi khác. Dân trí thời mở cửa và hội nhập đã cao hơn hẳn trước. Thông tin hiện đại nhanh hơn chớp, rút ngắn thời gian, không gian, làm cho  mọi người có thể nắm bắt sự thật tức thời, kẻ cai trị khó long tùy tiện xuyên tạc bóp méo.

Nhân dân ta từng bị 3 hệ thống cai trị phi nhân bản, ngồi trên đầu trên cổ nhân dân, của vua quan phong kiến, của quan chức thực dân rồi của quan liêu cộng sản, nay dân ta đang bàn giao dần nỗi sợ cho cả hệ thống cầm quyền . Nhân dân ta càng bớt sợ họ bao nhiêu thì nỗi sợ của họ bị mất quyền, bị hỏi tội và rồi có ngày có thể phải đền tội, càng lớn dần lên. Một sự “bàn giao“ tự nhiên, không có văn bản, nhưng rõ ràng, nhãn tiền, diễn ra thường xuyên, liên tục cho đến khi nền dân chủ chân chính lên ngôi.

Mà họ sợ là phải. Họ giật mình khi bức tường Berlin đổ sập trong một đêm, rồi khi các đảng CS Đông Âu tan biến, một loạt các nước đồng chí xã hội chủ nghĩa vào nằm trong nghĩa địa lịch sử. Họ càng sợ khi đảng CS Liên Xô bậc thầy của họ tan nát, Liên bang Xô viết “vĩ đại” tan hoang. Họ thêm sợ khi các nhà độc tài từ Iraq đến Tunisia, Ai Cập rồi Libya lăn kềnh khi quần chúng xuống đường nổi dậy hỏi tội độc đoán và tham nhũng.

Thấy người lại nghĩ đến ta. Bao nhiêu tấm gương tày liếp sờ sờ ra đó. Họ không thể ăn ngon, ngủ yên được.

Họ sợ trí thức thừa kế túi khôn đặc sắc của dân tộc, họ sợ công nhân đòi công bằng xã hội, họ sợ dân oan bị cướp ruộng đất là nguồn sống duy nhất ở nông thôn, họ sợ người theo các tôn giáo đòi tự do tín ngưỡng, họ sợ cả bốn lớp người này cùng phối hợp thành cuộc xuống đường chung như nước lũ. Cơ đồ riêng chung của họ có nguy cơ bị bão lũ quần chúng cuốn băng trong chốc lát.

Nhưng họ sợ gì hơn cả? Thật khó trả lời. Vì càng ngày họ càng sợ nhiều thứ, kể ra không sao hết. Họ sợ quần chúng đông đảo xuống đường đòi tự do, ruộng đất, nhân phẩm. Họ sợ sự thật. Nhà toán học Hoàng Xuân Phú, hiện là Chủ tịch hội Toán học Việt Nam, chỉ ra hai tử huyệt của họ hiện nay là “Điều 4” trong Hiến pháp về độc quyền lãnh đạo của đảng CS và “chế độ sở hữu toàn dân về đất đai”, một thủ đoạn xảo quyệt để cướp đất của nông dân. Họ rất sợ ý kiến người dân nhằm vào “hai gót chân Asin” này của họ.

Họ rất sợ sự thật. Vì họ sống nhờ bộ máy tuyên truyền chuyên nghề dối trá, đổi trắng thay đen, che dấu sự thật. Do đó họ sợ nền thông tin trung thực, thâm thù báo chí, mạng lưới thông tin, các blogger tự do lề trái, bỏ tù các nhà báo tự do toàn là những “sứ giả của sự thật”, bỏ tù các nhà luật học, luật sư bênh vực luật pháp và sự thật, bênh vực dân oan.

Trong vô vàn sự thật họ đặc biệt sợ tệ nạn sùng bái ông Hồ Chí Minh ngày càng bị lật tẩy, vì đây là nơi trú ẩn cuối cùng của họ về mặt chính trị và tình cảm để mê hoặc nhân dân. Họ không còn dám khoe rằng ông Hồ từng được UNESCO của LHQ suy tôn là Danh nhân Chính trị và Văn hóa của Thế giới, vì sự thật được chứng minh là không có chuyện ấy. Họ sợ vì nhiều nhà nghiên cứu cũng chứng minh rằng trong cuộc cách mạng dân tộc – dân chủ, ông Hồ đã nặng về vế cách mạng dân tộc – chống đế quốc mà hoàn toàn coi nhẹ vế cách mạng dân chủ – xây dựng xã hội dân sự, tôn trọng quyền tự do của người công dân dưới một chế độ dân chủ pháp trị đúng nghĩa. Trong 24 năm là chủ tịch nước, ông đã kiên trì đóng chặt cửa trường Luật, coi đảng của ông là pháp luật; ông dửng dưng trước số phận hơn 27 ngàn địa chủ phần lớn là trung nông yêu nước , có văn hóa, giỏi nghề nông bị bắn và chôn sống; ông cũng quay mặt đi khi các ông Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Vũ Đình Huỳnh… lâm nạn. Vô cảm, bất nhân như thế thì sao có thể là gương sáng đạo đức cho đảng, cho dân? Cho nên việc giải ảo tiếp có lý lẽ, có sức thuyết phục cao về thần tượng Hồ Chí Minh là việc rất cần làm tuy không vui vẻ gì nhưng có lợi cho đất nước, dân tộc. Việc giải ảo này đã đi được chừng một phần ba chặng đường đánh giá trung thực về ông Hồ. Cần đi tiếp.

Hiện nay có một việc làm rất cần thiết nhưng anh chị em dấn thân cho tự do dân chủ làm chưa tốt, một việc nhóm lãnh đạo đảng CS rất sợ, đó là thành lập một hay vài cơ quan thăm dò dư luận tự do, đáng tin cậy, như ở một số nước dân chủ phát triển.
Đây là một công cụ xây dựng dân chủ rất lợi hại, sắc bén.

Hiện nay ở Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có “Trung tâm điều tra dư luận xã hội” ra đời được 30 năm, chưa có một tiếng vang nào về hoạt động của trung tâm đó, tuy chức năng và nhiệm vụ được xác định rõ ràng là: nắm bắt, phân tích, tổng hợp dư luận xã hội về những vấn đề, sự kiện quan trọng.

Lẽ ra đây phải là cơ quan “mở”, “rất mở”, được xã hội biết đến, nhưng nó nằm im, bất động ăn tiền mấy chục năm ròng. Vì xã hội đảo điên, niềm tin ở đảng CS lung lay, lãnh đạo bị xã hội khinh ghét, dân hết tin, điều tra dư luận một cách công khai chỉ tăng nguy cơ cho đảng nên đảng buộc nó nằm im như không hề tồn tại.

Chính vì lẽ ấy nên blogger Trương Duy Nhất bị truy tố và bị giam. Anh đã viết gần một nghìn bài báo nói lên sự thật. Rồi anh tự làm những cuộc thăm dò dư luận, qua đó đo mức tín nhiệm của từng người lãnh đạo ở chóp bu, kể cả tứ trụ triều đình CS, không một ai vượt quá 50 %. Kết quả này được anh công bố ngay trước cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội đang họp. Họ bị chạm nọc. Anh bị bắt khẩn cấp. Họ sợ và bịt mồm anh. Blog “Một góc nhìn khác” của anh phù hợp với quyền của công dân có cách nhìn riêng độc lập theo Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.

Anh Trương Duy Nhất sắp ra tòa. Để xem anh sẽ bị kết tội những gì và ra sao. Chỉ biết chắc chắn là họ rất sợ thước đo của dư luận. Họ căm và lo khi anh tự làm việc điều tra dư luận và tự công bố kết quả. Họ quá sợ dư luận xã hội nên vẫn một mực trì hoãn việc bàn về Luật trưng cầu dân ý được ghi trong hiến pháp.

Cho nên một việc rất nên làm lúc này là xây dựng một hay vài cơ quan điều tra dư luận tự do của xã hội dân sự với phương pháp khoa học và tinh thần trách nhiệm cao, coi như điền thế cho cái Trung tâm điều tra dư luận xã hội “tồn tại mà coi như không tồn tại “, “có cũng như không”, một đặc sản của Việt Nam thời độc đảng.

Mạng lưới Blogger Việt Nam thừa sức đảm nhận công việc này. Một nhóm bạn trẻ hiểu biết về tâm lý xã hội, về quan hệ công chúng, về thống kê có thể dựng lên một trung tâm như thế. Computer, điện thoại cầm tay khắp nơi, chỉ cần chọn một trăm hay khi cần năm trăm địa chỉ phân bố theo địa lý, nghề nghiệp, độ tuổi của công dân, rồi lựa chọn chủ đề theo từng thời gian, công bố công khai kết quả. Có rất nhiều chủ đề người công dân trong xã hội ta cần biết, đồng bào ta đang nghĩ gì, đa số muốn điều gì, không muốn điều gì.

Lúc ấy lãnh đạo đảng không thể tùy tiện và trơ tráo nói thay cho dân. Bao nhiêu đảng viên muốn từ bỏ cái tên “đảng Cộng sản” đã ô nhiễm để thay bằng một tên khác trong sạch? Bao nhiêu công dân muốn thay cái danh hiệu “xã hội chủ nghĩa” viển vông gán cho nước ta? Bao nhiêu công dân muốn từ bỏ nền “sở hữu toàn dân” về đất đai kỳ quái với những việc thu hồi, đền bù, cưỡng chế tàn bạo, để trở về với chế độ đa sở hữu vốn có từ xa xưa ? Đó là những “hàn thử biểu xã hội” bén nhậy chính xác rất cần cho xã hội văn minh.

Ở Hoa Kỳ có Viện Gallup thành lập từ năm 1935, có 40 văn phòng rải khắp các lục địa với 2 ngàn nhân viên chính thức, mỗi ngày trung bình làm 1.000 cuộc phỏng vấn để từ đó tổng hợp đưa ra kết quả. Ở Pháp nổi tiếng nhất là Viện IFOP (Institut Francais d’ Opinion Publique – Viện điều tra dư luận Pháp), thành lập năm 1938, có 4 trung tâm ở Paris, Toronto (Canada), Buenos Aires (Argentina), và Thượng Hải (Trung Quốc). Tất cả những tổ chức này đều là công ty tư nhân, không chịu áp lực nào của chính quyền hay các đảng phái, không chỉ điều tra dư luận về chính trị, còn về kinh doanh, dịch vụ, thị trường mua bán, y tế, thể thao, nghệ thuật.

Họ sợ sự thật, sợ sự minh bạch, sợ thức tỉnh của nhân dân, sợ dư luận, vậy thì Trung tâm dân sự điều tra dư luận có thể sẽ là một vũ khí hòa bình, phi bạo lực rất sắc bén, có hiệu quả cao vậy.
Blog Bùi Tín (VOA)

Chúng tôi không chấp nhận những người như ông Lê Hiếu Đằng

Hà Nội Mới
(Về bài viết “Hiện tượng Lê Hiếu Đằng và quy luật đào thải”) *
Thứ Ba 06:03 24/12/2013
(HNM) – Báo Hànộimới số ra ngày 23-12-2013, trong mục “Suy ngẫm đầu tuần” có đăng bài “Hiện tượng Lê Hiếu Đằng và quy luật đào thải“. Trước hết, với tư cách là một đảng viên 15 năm tuổi Đảng, tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả Hoàng Thu Vân khi cho rằng việc ông Lê Hiếu Đằng tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam là chuyện “hết sức bình thường”, là kết cục tất yếu của quy luật đào thải. 

Tôi nghĩ rằng, kế thừa thành quả của những lớp người đi trước, hơn 4 triệu đảng viên đang không ngừng cống hiến, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, không cần những con người như ông Lê Hiếu Đằng. Thế hệ chúng tôi, dù không được tôi luyện trong đấu tranh gian khổ, trong hiểm nguy thử thách như những lớp người đi trước, nhưng chúng tôi luôn xác định rõ: Lập trường tư tưởng, bản lĩnh kiên định của mỗi cán bộ, đảng viên là rất cần thiết trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vậy mà một con người như ông Lê Hiếu Đằng lại đòi “phải tính sổ” và “thanh toán” với Đảng. Không biết ông có còn trân trọng những gì mình đã nhận thức và hành động ngay từ thời trai trẻ cũng như 40 năm qua mà nay “xét lại” bản thân như vậy? 
Nhân đây cũng xin trao đổi thêm cùng ông Lê Hiếu Đằng và bạn đọc một số vấn đề để thấu đáo hơn mọi chuyện. Có lẽ không chỉ tác giả Hoàng Thu Vân mà nhiều người khác cũng đã nêu về những sai lầm, lệch lạc trong suy nghĩ của ông Lê Hiếu Đằng, nhưng cụ thể điều đó là như thế nào?
Sau hai bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh” và “Thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng”, ngày 4-12-2013 ông đã tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã viện cớ để đưa ra quyết định này là vì “Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc)…”. Nhưng hãy xem “cảm xúc” và so sánh của ông về những tháng ngày tham gia Cách mạng Tháng Tám và sau đó tham gia kháng chiến. Theo suy nghĩ của ông, những người tham gia cách mạng rồi theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đi vào chiến khu chứ ít hoặc chưa biết chủ nghĩa Marx là gì, Chủ nghĩa xã hội ra sao? Phải chăng, ông cho rằng, những người tiên phong theo Đảng, tham gia cách mạng giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bóc lột là cảm tính? Phải chăng, ông cho rằng mọi người khi đánh giá về chế độ cũ đều phải bùi ngùi như ông cảm nhận trong việc đang ở tù được gia đình làm đơn xin cho đi thi? Thế nên ông mới nêu câu hỏi, không biết với chế độ gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chuyện của ông hay không? Chắc là không nhiều người khi “xét lại” có đủ những điều kiện như thế để “thở dài”, luyến tiếc chế độ cũ và hối tiếc việc mình đã tham gia trong hàng ngũ những người cộng sản để tranh đấu xóa bỏ nó.
Với ông, lợi ích của đất nước, của dân tộc được đặt lên trên hay chỉ là mượn “vỏ bọc” của những người lo cho nước, cho dân để che đậy “cá nhân chủ nghĩa” của mình? 
Quả thật, đây chính là nguyên do dẫn đến việc ông Lê Hiếu Đằng trở thành “hiện tượng”. Ông cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân. Nhiều người đã nhận xét, đánh giá, đó chỉ là suy nghĩ phiến diện của cá nhân ông Lê Hiếu Đằng. Nhưng nội hàm bên trong của chuyện ấy cụ thể là như thế nào? Một người vốn là luật gia, từng “khoe” có đọc nhiều sách triết học “đông tây kim cổ”… rồi từng giảng dạy ở trường Đảng như ông Lê Hiếu Đằng chắc chắn hiểu rõ điều này. Bản chất cách mạng, tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam là tập hợp những người ưu tú, sẵn sàng hy sinh, tranh đấu vì lợi ích của đất nước, của dân tộc, là không thay đổi. Mọi cán bộ, đảng viên đều phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân.
Tất nhiên, trong đội ngũ đảng viên không phải không có những con người lòng dạ không trong sáng, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Có những con người nghĩ tới và mưu cầu chuyện đó ngay từ khi gia nhập Đảng. Lại có những con người ngày hôm qua mục tiêu, động cơ phấn đấu để đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam là trong sáng nhưng thực tế cuộc sống cùng những cám dỗ đời thường đã khiến họ bị tha hóa, biến chất.
Vì vậy, trên con đường phát triển, quá trình đào thải mang tính quy luật là tất yếu xảy ra để Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vững và phát huy bản chất cách mạng, củng cố sức mạnh để lãnh đạo đất nước và dân tộc. Không chỉ là việc xử lý kỷ luật bằng các hình thức trên 10.000 đảng viên mỗi năm, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được ban hành cũng là để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, dễ đụng chạm đến lợi ích, quan hệ… đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân và cả đồng chí của mình, do đó rất khó, rất phức tạp. Nhưng như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đảng ta đã làm, làm nhiều, làm thường xuyên và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nếu không làm thì không có được những thành quả như ngày nay”.
Ông Lê Hiếu Đằng nói vì tâm huyết với đất nước, bức xúc nên tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực chất đó là sự ngụy biện của một đảng viên đã mất hết lý tưởng và ý chí chiến đấu. Và nghiêm trọng hơn là việc ông đã nhầm lẫn giữa bản chất tốt đẹp trước sau như một của Đảng Cộng sản Việt Nam với một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. 
Như phân tích ở trên, có lẽ ông cũng nằm trong “một bộ phận cán bộ, đảng viên” đó. Vậy nên, ông không thể đứng cùng chúng tôi trong một đội ngũ.
Bà Lê Thị Huyền (giáo viên hưu trí, phường Quang Trung, quận Hà Đông):
Mỗi người cần có lập trường tư tưởng vững vàng

Việc ông Lê Hiếu Đằng xin ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là chuyện hết sức bình thường nếu không có sự “hỗ trợ”, “tiếp sức” của một số trang mạng xã hội và một số đối tượng cố tình muốn thổi phồng sự kiện để nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đối tượng trên muốn tác động vào tư duy, ý chí của một bộ phận cá nhân chưa vững vàng, thiếu kiên định về lập trường chính trị, hay những người còn ảo tưởng về chính trị mà thế lực thù địch đang hướng vào ở Việt Nam. Do vậy, mỗi người cần có định hướng đúng đắn để khỏi rơi vào “bẫy” của một nhóm người đang đi ngược lại lợi ích chung của toàn Đảng, toàn dân…Ông Vũ Bình (đảng viên phường Hàng Bột, quận Đống Đa): 
Nhân dân sẽ đào thải những con người như thếÔng Lê Hiếu Đằng đã từng là người tham gia đấu tranh để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước rồi trở thành cán bộ cao cấp trong nhiều năm, nay lại quay ngoắt phủ nhận sạch trơn những gì ông đã theo đuổi, rồi kêu gào phải thay đổi thể chế. Không cần nói ra, mọi người đều hiểu chính ông ta đang tự biến mình thành con rối cho những kẻ cơ hội giật dây điều khiển. Một Đảng có hơn 4 triệu đảng viên, loại bớt đi những đảng viên biến chất sẽ làm cho đội ngũ của Đảng trong sạch hơn. Thậm chí, không phải Đảng Cộng sản Việt Nam đào thải Lê Hiếu Đằng, mà chắc chắn nhân dân sẽ đào thải bất cứ cá nhân, tổ chức chính trị nào, một khi họ tự biến mình thành lực cản đối với sự phát triển của đất nước, của dân tộc:Ông Đỗ Mạnh Hưng (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai):
Xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh Người không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản, biểu hiện thoái hóa, biến chất… đã được đưa ra khỏi Đảng không phải ít. Hơn 80 năm qua, để xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn duy trì tốt sinh hoạt đấu tranh tự phê bình và phê bình, qua đó đã kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng nhiều đảng viên mắc khuyết điểm, vi phạm pháp luật. Mới đây nhất, hơn 4 triệu đảng viên cả nước đã kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Theo cá nhân tôi, việc ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tuyên bố ra khỏi Đảng cũng là việc bình thường. Bởi chính ông đã phủ nhận những thành quả mà đất nước ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, tức là phủ nhận chính mình.
PV Ban Bạn đọc lược ghi
Trí Dũng
 

'Ông Dương Trung Quốc không nên phán'

Thứ trưởng Sơn là Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Một nhà ngoại giao Việt Nam nói sử gia Dương Trung Quốc 'coi nhẹ' chuyện hoa hậu VN đeo băng sai tên nước và có những bình luận 'phản tác dụng'.
Trong bài phỏng vấn được đăng trên Bấm Tạp chí Quê Hương, trang thông tin của Uỷ ban Nhà nước về Người việt ở Nước ngoài của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, đã đưa ra một số thông điệp gửi dân biểu, sử gia Dương Trung Quốc.
"Đã là một nhà sử học, khi những sự việc động đến Quốc hiệu, đến tên đất nước, vì làm Sử đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối, không những vậy còn là Sử dân tộc, Sử đất nước nữa nên ông phải là người chạm lòng đầu tiên mới đúng," ông Sơn nói.
Vào ngày 6/12, ông Quốc được Bấm báo Văn Hóa dẫn lời trong phỏng vấn với báo này nói rằng nhận xét của một thứ trưởng [Nguyễn Thanh Sơn] về sự cố cô Trần Thị Quỳnh đeo dải băng ghi sai chữ “Vietnam” thành “Vietnem” của hoa hậu trong một cuộc thi sắc đẹp trên đấu trường quốc tế là một sự “sỉ nhục” đã “gây một sự phản cảm lớn”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc được dẫn lời nói không nên "nâng tầm quan trọng hoá” việc này và rằng "trong việc này trách nhiệm không chỉ có ngành văn hóa. Bởi những hoạt động văn hóa của VN ở nước ngoài thì Bộ Ngoại giao phải tham gia vào theo dõi chứ không phải riêng ngành văn hóa."
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Sơn trả lời báo Đất Việt rằng "sự thật thì hoa hậu Việt không phải chỉ dốt sử Việt mà còn dốt nhiều thứ khác" và "Chúng ta cần chú trọng bồi dưỡng cho hoa hậu những kiến thức lịch sử trước các cuộc thi sắc đẹp."
"Ông cho rằng tôi nhận xét đây là sự "sỉ nhục" là mang tính thậm xưng thì tôi xin nhắc lại với ông Dương Trung Quốc rằng tôi cũng đồng tình với ý kiến của xã hội.
"Tôi cũng như hàng nghìn người dân đã có ý kiến coi đó là sự sỉ nhục thì đâu có quá đáng, sai sót này không còn trong khuôn khổ phường xã, mà che giấu được, nó mang tầm cỡ quốc tế.

'Toàn dạy bảo'

Trần Thị Quỳnh (bên phải) đã gửi thư xin lỗi và xin được tha thứ.
"Là một nhà sử học mà ông coi nhẹ chuyện Hoa hậu đeo băng sai tên nước, cầm cờ ngược, chí ít cũng phải lên tiếng cho rằng đây là một sai sót nặng nề, ảnh hưởng đến quốc gia thậm chí có nhiều ý kiến còn cho rằng hơn cả sự sỉ nhục.
"Việc ông Quốc chưa hiểu hết ý của tôi mà đã phát biểu thì chỉ làm mất đi uy tín của ông. Tôi nghĩ qua vụ việc này, ông Dương Trung Quốc nên dùng những kiến thức Sử học của mình để giúp cho các Hoa hậu.
"Tôi cũng xin lưu ý lại ông rằng, ông là nhà sử học, là đại biểu Quốc Hội, ông phát biểu sao cho đúng tinh thần xây dựng, còn tôi nghe tất cả các trả lời của ông Dương Trung Quốc thì mang tính dạy bảo nhiều hơn là góp ý, ông dạy cả Bộ Ngoại giao, dạy cả Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, dạy tất cả xã hội cách phối hợp, ứng xử với nhau.
"Tôi nghe tất cả các trả lời của ông Dương Trung Quốc thì mang tính dạy bảo nhiều hơn là góp ý, ông dạy cả Bộ Ngoại giao, dạy cả Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, dạy tất cả xã hội cách phối hợp, ứng xử với nhau"
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn
"Tôi cảm ơn ông đã có lời dạy bảo, ngược lại tôi cũng xin lưu ý ông sau khi ông lưu ý tôi, nếu có dạy thì cũng phải dạy cho đúng chỗ, đúng người, đúng việc. Không nên phán, không nên dạy như vừa rồi thành ra phản tác dụng.
"Mặt khác, tôi xin lưu ý thêm ông Dương Trung Quốc trong phát biểu trả lời phỏng vấn thì nên khiêm tốn trong phạm vi trình độ nhận thức, kiến thức của mình." ông Sơn nói.
Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam cũng tỏ ý rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam không nên cùng gánh vác trách nhiệm trong sự cố kể trên vì điều ông gọi là bộ "không biết về cuộc thi hoa hậu này".
"Nếu có yêu cầu sự giúp đỡ của Cơ quan đại diện Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng cùng chia sẻ trách nhiệm, nhưng chúng tôi không có bất kì thông tin nào thì tham gia ra sao, thưa ông Dương Trung Quốc," ông Sơn nói.
Dân biểu Dương Trng Quốc từng gợi ý về 'văn hóa từ chức' trước Thủ tướng Chính phủ.
Vào cuối tháng 11, Ban tổ chức phía Trung Quốc của cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới, tức Mrs. World 2013, đã gửi thư cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam để Bấm xin lỗi về việc ghi sai tên nước Việt Nam thành ‘Viet Nem’.
Dải băng có ghi chữ ‘Viet Nem’ này đã được thí sinh đại diện cho Việt Nam là Trần Thị Quỳnh đeo trong đêm chung kết hôm thứ Bảy ngày 23/11 tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.
Trong khi đó, bản thân cô Trần Thị Quỳnh cũng gửi một lá thư riêng nhận sai và ‘chân thành gửi lời xin lỗi’ đến ‘đất nước và nhân dân Việt Nam’ và ‘cầu mong sự tha thứ’.
Sự cố này đã làm bùng lên làn sóng chỉ trích cô Quỳnh và Ban tổ chức Mrs. World 2013 trên các diễn đàn mạng.
Ông Dương Trung Quốc gần đây thu hút sự chú ý của dư luận vì đã không bấm nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp sửa đổi phiên bản 2013, trước đó, ông cũng từng đưa ra gợi ý về 'văn hóa từ chức' trước Thủ tướng Chính phủ tại một phiên chất vấn ở Quốc hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng được biết tới như một nhà ngoại giao có một số phát biểu, Bấm bình luận từng gây sự chú ý trong dư luận, cộng đồng Việt Nam ở trong lẫn ngoài nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét