Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Khi kẻ đào ngủ và man trá lên ghế quyền lực & Cần phải có một lực lượng lãnh đạo có trí tuệ, có tầm nhìn

Cần phải có một lực lượng lãnh đạo có trí tuệ, có tầm nhìn

Lời Tòa Soạn: Xây dựng chiến lược phát triển đất nước là vấn đề quan trọng mang tính quyết định đến sự thành công hay thất bại của một quốc gia. Và vấn đề cốt lõi trong xây dựng chiến lược phát triển là xây dựng triết lý phát triển cho đất nước. VHNA đã có buổi trao đổi với GS.TS Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một chuyên gia về kinh tế chính trị về vấn đề trên.

PV:Phát triển là mục tiêu hướng tới của tất cả các cộng đồng, quốc gia – dân tộc. Mỗi thời đại có một điều kiện, một nhu cầu phát triển riêng của mình. Và trong mỗi thời đại thì các cộng đồng, các quốc gia dân tộc, các tổ chức, đảng phái chính trị lại có mục tiêu phát triển không đồng nhất với nhau. Và từ đó, các chủ thể có triết lý phát triển riêng của mình. Chúng tôi nghĩ Việt Nam chúng ta cũng không phải là ngoại lệ. Thưa giáo sư, quả thực thì Việt nam chúng ta cũng đã có các Cương lĩnh phát triển do Đảng Cộng Sản xác định qua các kỳ đại hội mỗi khi có sự thay đổi lớn về tình hình trong nước và quốc tế. Nhưng hình như, theo chúng tôi, chúng ta vẫn chưa có một triết lý phát triển. Theo giáo sư thì trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên chọn lựa, hay là xác định triết lý phát triển nào để phù hợp với tình hình đất nước và những biến chuyển của thời đại trong một cái nhìn toàn cầu?

GS Trần Ngọc Hiên (TNH):Triết lý phát triển là một vấn đề lớn, vấn đề cơ bản của chiến lược phát triển của một đất nước. Chúng ta đã mất gần 30 năm đổi mới để lần tìm con đường, tìm triết lý để phát triển đất nước. Và đến hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong công cuộc tìm kiếm triết lý phát triển đất nước.

Về mặt phương pháp luận, để xây dựng triết lý phát triển đất nước, cần xuất phát từ hai cơ sở nền tảng: thứ nhất là xu thế phát triển của thời đại và thứ hai là đặc điểm của đất nước ta. Từ đó để trả lời được câu hỏi quan trọng là phát triển vì ai?, Việt Nam đang ở đâu và Việt Nam sẽ đi đến đâu?

Về xu thế phát triển của thời đại:Nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển theo hướng kinh tế thị trường hiện đại. Đó là một nền kinh tế ở các nước tư bản với nhiều thành tựu to lớn trong tăng trưởng của cải. Mô hình này vận động trong mâu thuẫn và cũng là động lực giữa tính chất xã hội và tính chất tư nhân. Chủ nghĩa tư bản với kinh tế thị trường phát triển dựa trên những thành tựu khoa học công nghệ và lao động xã hội. Chủ nghĩa tư bản thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất trong đó các nhà tư bản đóng vai trò như một nhạc trưởng. Chủ nghĩa tư bản dựa vào khoa học và gắn liền nhu cầu phát triển kinh tế với lợi ích của chủ tư bản. Đó là động lực thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa tư bản cũng định hướng phát triển giáo dục theo nhu cầu của nền kinh tế để đào tạo nhân lực cho nền kinh tế. Chủ nghĩa tư bản cũng tổ chức quản lý tốt và ngày càng nâng cấp sao cho phù hợp với lực lượng sản xuất. Những điều này phù hợp với các quy luật mà Karx Marx đã trình bày trong bộ Tư bản.

Sự phát triển kinh tế quyết định tiến bộ xã hội từng bước nhưng hạn chế vì mục đích lợi nhuận tối đa. Trong đó cấu trúc và trình độ phát triển kinh tế sẽ quyết định cấu trúc xã hội, hình thành xã hội dân sự. Trình độ phát triển kinh tế, xã hội sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nền văn hóa.

Nền chính trị thế giới cũng đang có nhiều biến đổi. Kinh tế thị trường phát triển đòi hỏi thể chế chính trị phù hợp với nó là nhà nước pháp quyền tư sản. Trong nhà nước pháp quyền tư sản, pháp luật điều chỉnh các lợi ích kinh tế để khắc phục khủng hoảng.

Trong nền kinh tế công nghiệp, có hai vấn đề các nhà nước không giải quyết được là quan hệ con người với con người và quan hệ con người với tự nhiên. Trong khi sự phân hóa giàu nghèo ở các nước phát triển đang lên cao thì môi trường tự nhiên cũng đang bị tàn phá. Tuy nhiên, khi chuyển biến sang nền kinh tế tri thức, các nhà nước có nhiều khả năng để giải quyết hai vấn đề lớn này. Và thực tế, dù đảng chính trị nào đi nữa, nếu nắm được quy luật này và giải quyết được hai mối quan hệ cơ bản này thì sẽ thành công trong việc phát triển đất nước.

Về đặc điểm của đất nước ta: Chúng ta xuất phát từ một nền nông nghiệp lạc hậu với nền kinh tế tiểu nông. Điểm xuất phát này tạo ra các mặt tích cực và tiêu cực. Về tích cực, người dân Việt Nam có tinh thần yêu nước và sáng tạo, lại cần cù lao động, tính cố kết cộng đồng rất cao. Nếu những điểm mạnh này được phát huy trong quá trình xây dựng đất nước thì sẽ là một động lực lớn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khá nhiều những quan niệm tiểu nông, thấy lợi là làm. Khi xây dựng chủ nghĩa xã hội, Lenin rất phê phán tính tiểu nông. Kinh tế thị trường hoang dã có phần thúc đẩy tính tiểu nông như trốn tránh lách luật chứ không tuân theo pháp luật, cùng với sự tổ chức yếu kém sẽ trở thành lực cản lớn cho quá trình phát triển.

Một sự thay đổi quan trọng nữa là xu hướng phát triển của khoa học. Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có xu hướng liên kết với nhau hướng tới mục tiêu vì con người, nên quá trình phát triển phải coi trọng sự phát triển cá nhân, coi trọng trí tuệ của những con người thông minh, sáng tạo.

Triết lý phát triển của nước ta hiện nay là làm sao kết hợp được những thế mạnh của dân tộc với xu thế phát triển của thời đại. Chúng ta đang ở bước chuyển quan trọng từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp. Vậy nên Đảng Cộng sản cần tranh thủ và vận dụng được trí tuệ của giới trí thức tinh hoa nhằm tạo ra được những bước phát triển đột phá cho dân tộc.

Theo tôi nghĩ, triết lý phù hợp cho sự phát triển của đất nước ta hiện nay là đi theo con đường rút ngắn để tiến lên kịp thời đại. Muốn vậy, cần phải có một lực lượng lãnh đạo phải có trí tuệ, có tầm nhìn để nắm bắt được các thành tựu từ khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và tổ chức quản lý của nhân loại để đưa đất nước phát triển. Đồng thời, phải có nhân cách, có úy tín và phương pháp để tổ chức quản lý, kiểm tra việc thực hiện đường lối chính sách.

PV:Mục tiêu của sự phát triển của nước ta, dân tộc ta trong thời đại ngày nay cần đề cao những vấn đề, giá trị nào?

TNH:Có rất nhiều vấn đề, nhiều giá trị cần được chú ý trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay. Nhưng tôi nghĩ, trước hết, phải đặt con người lên cao nhất, phải tôn trọng sự phát triển cá nhân của mỗi con người. Trước đây, con người cá nhân không được biểu hiện, không được coi trọng. Mọi chuyện đều đưa vào danh nghĩa cộng đồng, chờ cộng đồng thông qua chứ không để cá nhân thể hiện suy nghĩ, quan điểm của mình. Vậy nên sinh ra chủ nghĩa hình thức, không coi trọng thực chất.

Phải kết hợp được giá trị dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước của người dân để xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, đưa đất nước đi lên theo kịp thời đại. Nhưng phải phân biệt rõ rằng giá trị dân tộc khác với chủ nghĩa dân tộc. Thời đại ngày nay đã chứng minh rằng chủ nghĩa dân tộc, dù dưới hình thức nào cũng sẽ thất bại. Giá trị dân tộc là giá trị văn hóa cốt lõi, giá trị về con người và sức mạnh truyền thống của dân tộc ta. Đó là động lực, là tiềm năng để phát triển dân tộc nếu được kết hợp và phát huy một cách phù hợp với xu thế thời đại.

Phải xây dựng nhà nước pháp quyền nhân nghĩa như quan niệm của Hồ Chí Minh, tôn trọng con người cá nhân, lấy đó làm cơ sở để xây dựng nền dân chủ mới. Theo tôi hiểu, ở đây, nền dân chủ mới là thể chế dựa trên quan hệ nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước không độc quyền mà phải hài hòa lợi ích, dựa vào tổ chức xã hội và doanh nghiệp để đưa ra các chính sách phát triển đất nước, phát triển nền kinh tế hiệu quả.

PV: Căn cứ vào các đòi hỏi khách quan, sự phát triển hiện nay của nước ta cần đáp ứng những yêu cầu gì?

TNH:Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền nhân nghĩa. Tiến hành cải cách giáo dục theo sát nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phải hướng mục tiêu đầu tiên của nền giáo dục là học để làm người có đạo đức, làm người có ích cho xã hội. Tiếp đó, từng bước xây dựng một nền khoa học công nghệ tiên tiến, phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. Phát triển khoa học kỹ thuật phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, lấy đó làm thước đo và làm nhu cầu để xây dựng chiến lược phát triển khoa học. Đó cũng là điều kiện cốt lõi để xây dựng nền dân chủ mới - một nền dân chủ được xây dựng trên cơ sở sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội chứ không phải phụ thuộc vào ý muốn chủ quan.

PV: Phát triển ngày nay phải đảm bảo sự bền vững. Nhưng hình như lâu nay chúng ta nghiêng về sự bền vững của môi trường tự nhiên, sinh thái tự nhiên mà ít chú ý đến môi trường nhân văn, đến sự bền vững của xã hội, không gian sinh tồn và phát triển của các giá trị nhân văn?Chúng tôi cũng xin nói là ngay cả sự bền vững của môi trường tự nhiên thì chúng ta cũng chỉ là hô hào còn trên thực tế thì mấy chục năm qua chúng ta đã tàn phá môi trường tự nhiên dã man và tàn khốc chưa từng có trong lịch sử, kể cả trong chiến tranh chống Mỹ.

TNH:Tôi đồng tình và chia sẻ với nhận xét của các anh về sự tàn phá môi trường trong thời gia vừa qua ở nước ta là quá lớn.

Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, chúng ta đã nói nhiều về phát triển bền vững. Nhưng chỉ nói thôi chứ chưa hiểu rõ về phát triển bền vững, còn thực hiện thì lại càng chưa đến đâu cả. Thực tế cho thấy, không chỉ môi trường nhân văn, môi trường xã hội mà môi trường tự nhiên cũng chưa được quan tâm theo hướng phát triển bền vững. Để tăng thu nhập quốc dân, chúng ta vẫn tiếp tục đào bới, tàn phá tự nhiên để phát triển. Các dự án khai thác tài nguyên vẫn tiến hành mà không có cơ quan đánh giá, kiểm soát về mức độ tàn phá môi trường tự nhiên. Nói đúng ra, chúng ta đang phát triển bằng mọi giá và cái giá mà mai này phải trả sẽ vô cùng đắt đỏ. Như vậy, chúng ta chưa đạt được một bước nào trong phát triển bền vững, từ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường văn hóa.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là thiếu nhận thức về phát triển bền vững một cách khoa học. Khi thực hiện thì thiếu sự dân chủ, thiếu cơ chế kiểm soát, đánh giá việc thi hành các dự án phát triển kinh tế.

PV:Chúng tôi nghĩ là rất nhiều dự án lớn có tầm quốc gia đã thể hiện rõ ràng và sâu sắc nhận xét của giáo sư. Bauxite tây Nguyên là một ví dụ. Thủy điện tràn lan, bất chấp cũng là một ví dụ. Vậy, theo giáo sư, chúng ta cần thiết phải hiểu sự bền vững của môi trường nhân văn như thế nào? Làm gì để kiến tạo và đảm bảo sự bền vững đó?

TNH:Môi trường nhân văn là môi trường con người sống và hoạt động trên các nguyên tắc đảm bảo tính nhân văn chứ không phải bằng cai trị hay ban ơn. Môi trường nhân văn hướng đến mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là giá trị con người.

Thước đo môi trường nhân văn là “quan hệ kép”, là quan hệ con người với tự nhiên và con người với con người. Phát triển bền vững môi trường nhân văn là phát triển mối quan hệ kép này một cách hài hòa, coi trọng các giá trị con người và giá trị bền vững của tự nhiên.

Muốn phát triển bền vững môi trường nhân văn, cần xây dựng được một chế độ dân chủ mới thật sự. Trước hết, đội ngũ lãnh đạo phát có tâm, có tầm và có tài. Dân gian đã nói “quan tham thì dân gian”. Khi những người lãnh đạo không đặt lợi ích đất nước lên trên hết, chỉ lo vun vén cho gia đình, tham nhũng, không tuân thủ pháp luật thì nhân dân cũng sẽ không tuân thủ pháp luật và tìm cách lách luật, làm việc mờ ám. Chúng ta cần phải trở lại với những giá trị đích thực của tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết là về đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải nghiêm minh, có năng lực, và phải tôn trọng ý kiến của người dân. Người dân phải có quyền lực kiểm tra hoạt động của cán bộ lãnh đạo đại diện cho họ. Lãnh đạo phải tập hợp nhân dân để phát triển đất nước chứ không phải cai trị đất nước và ban ơn cho nhân dân. Lãnh đạo nhân dân là hướng dẫn nhân dân về nhận thức và phương pháp đúng đắn để dân tự xây dựng cuộc sống của mình bằng năng lực phát triển thì mới bền vững.

PV:Chúng tôi có được đọc một bài viết của giáo sư về xã hội dân sự ở các nước Đông nam Á, trong đó có lưu ý trường hợp Việt Nam. Chắc hẳn là giáo sư quan tâm đến sự tương đồng về văn hóa, và lịch sử, cũng như bối cảnh hiện tại, của nước ta với các nước trong khu vực. Thưa giáo sư, bản chất của xã hội dân sự là gì?

TNH:Xã hội dân sự thực chất là một hình thức tổ chức mang tính dân chủ cao, một bước phát triển cao trong tổ chức xã hội. Xã hội dân sự hướng về lợi ích con người, coi trọng giá trị con người và được bảo vệ bởi chính con người tham gia trong đó. Xã hội dân sự đảm bảo mọi hoạt động của nó được diễn ra bình thường, đảm bảo công bằng và tuân thủ các nguyên tắc của nó.

Xã hội dân sự được tổ chức từ sự tự nguyện của các thành viên, nó có thể là các hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội … Các thành viên tập hợp nhau lại để bảo vệ lẫn nhau và cùng nhau phát triển; Tự đưa ra các nguyên tắc tổ chức làm cơ sở để tuân thủ trong quá trình phát triển, phù hợp với pháp luật của các quốc gia.

Trong tình hình đất nước ta hiện nay, Đảng Cộng sản rất cần các tổ chức xã hội dân sự. Bởi các xã hội dân sự là tổ chức của nhân dân, nó thể hiện đầy đủ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Nhà nước cần kết hợp với xã hội dân sự để xây dựng chính sách phát triển.

PV:Liệu cấu trúc xã hội này có phù hợp với cơ tầng văn hóa Đông Nam Á của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam? Tại sao?

TNH:Cơ tầng văn hóa Đông Nam Á là văn hóa của cư dân nông nghiệp với cấu trúc xã hội nông nghiệp trồng trọt là chủ yếu. Dù chỉ tương đối nhưng cũng cần đưa ra một vài ranh giới để phân biệt các khái niệm mà chúng ta đang bàn đến. Xã hội dân sự là một chỉ số, một hình thức tổ chức xã hội trong nền văn minh công nghiệp. Nền dân chủ là chỉ số của nền văn minh hậu công nghiệp. Trong khi đó, văn hóa Đông Nam Á thuộc chỉ số của nền văn minh nông nghiệp với những mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Nói vậy không có nghĩa là xã hội dân sự không có vai trò gì với các nước Đông Nam Á. Mà ngược lại, xã hội dân sự thúc đẩy sự phát triển của các mặt mạnh, các ưu điểm và hạn chế các mặt tích cực của xã hội nông nghiệp. Nhưng muốn làm được vậy thì phải có chính sách phát triển xã hội dân sự một cách hợp lý, xem xã hội dân sự là một thành phần của thể chế mới, là một chân trong cái kiềng ba chân là nhà nước-thị trường-xã hội dân sự.

PV:Từ kinh tế công nghiệp bước vào thời đại kinh tế tri thức, xã hội sẽ biến chuyển, thay đổi rất sâu sắc theo hướng văn minh và nhân văn hơn. Nhìn vào thực tiễn nước ta hiện nay, chúng tôi thấy, phát triển kinh tế đang tàn phá văn hóa, tàn phá môi trường nhân văn, và môi trường sinh thái một cách khủng khiếp, hơn cả chiến tranh. Vậy phải chăng đất nước ta chưa bước vào thời đại kinh tế tri thức và với cơ chế thị trường chập chững [và đa mang] hiện nay, có phải chúng ta đang trong quá trình tích lũy tư bản, tương tự châu Âu hồi thế kỷ XVII – XVIII, nhưng lộn xộn hơn nhiều vì “tiếp nhận” và nhân đôi sự ma quái và tàn tạo của tư bản Phương Tây hồi trước bởi những ma mãnh xảo thuật tiểu nông, và vì  thiếu một cơ chế quản trị xã hội tương ứng để khắc chế sự tàn bạo của cơ chế thị trường?

TNH:Chúng ta đang trong quá trình tích lũy tư bản nên có nhiều biểu hiện khác. Sự ma quái và sự tàn bạo như nói trên chính là sự kết hợp của việc thúc đẩy các mặt tiêu cực, mặt xấu của con người. Bên cạnh đó là sự dung dưỡng, vì lợi ích cá nhân của một bộ phận quản lý. Nó tạo nên những tác hại to lớn cho sự phát triển của đất nước.

Nhưng cũng phải nhìn nhận thêm rằng: trong quá trình phát triển lộn xộn đó đã tạo ra một lớp người văn minh hơn, tài năng hơn và nhận thức được thời đại, tiếp cận được những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. Và bộ phận này đang ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, họ lại tập trung chăm lo nhiều đến gia đình và cá nhân mà chưa có điều kiện phục vụ đất nước, thực hiện khát vọng đưa đất nước đi lên ngang tầm thời đại.

PV:Hậu quả lâu dài và nặng nề nhất của tình trạng này sẽ là gì? Biện pháp chính trị và văn hóa nào để khắc chế tình trạng này hiệu quả nhất?

TNH:Hậu quả thì nhiều, nhưng nặng nề nhất là làm cho đất nước ta rơi vào tình trạng tụt hậu ngày càng xa so với các nước khác trong khu vực và thế giới. Nếu không có chính sách phát triển hợp lý, tiếp tục tụt hậu thì nguy cơ đáng sợ nhất là nước ta sẽ trở thành một bãi rác công nghiệp. Bãi rác về kinh tế đã khủng khiếp nhưng đáng lo ngại hơn là trở thành bãi rác văn hóa. Nếu điều đó xẩy ra thì dân tộc ta khó mà ngóc đầu lên được. Một hậu quả khác nữa là chảy máu chất xám, trí thức ngày càng xa rơi đất nước, bỏ quê hương ra đi. Tiến vào nền kinh tế tri thức mà thiếu những người trí thức thì sẽ không bao giờ vươn lên được và chúng ta vẫn mãi là một nước lạc hậu, nghèo đói.

Có nhiều biện pháp nhưng trước tiên phải đổi mới, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền nhân nghĩa. Cải cách thể chế chính trị để xây dựng một nền dân chủ mới, nền dân chủ thật sự vì con người. Từ đó xây dựng các chính sách phát triển kinh tế hợp lý, đi vào phát triển bền vững kinh tế-xã hội chứ không phải chạy theo tăng trưởng GDP mà bỏ rơi thực tế kinh tế đất nước. Phải tiến hành cải cách giáo dục, hướng đến phát triển con người toàn diện hơn, có khát vọng phục vụ đất nước. Phải huy động và sử dụng trí tuệ của trí thức, coi trọng nhân tài và động viên trí thức đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.

PV:Thưa giáo sư, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển. Đó là quy luật muôn thuở. Chỉ có điều là trong tình thế hiện nay khi các giá trị văn hóa không được đề cao thì phải nhấn mạnh để xã hội tiếp tục nhận thức một cách sâu sắc hơn, đặc biệt là nhằm giáo hóa những kẻ coi thường văn hóa. Nhưng trong triết lý phát triển, chúng ta vẫn phải đề cao và tìm cách giải quyết ổn thỏa nhất, tốt nhất mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa. Giáo sư nhận định như thế nào về mối quan hệ này ở nước ta? Cần nhận thức vấn đề này như thế nào để thực sự khách quan, đúng quy luật? Và chúng ta cần làm gì để giải quyết thỏa đáng mối quan hệ này trong thực tiễn đầy sinh động, biến động của đời sống?

TNH:Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: văn hóa là chính trị và chính trị là văn hóa. Nền văn hóa và cả nền chính trị đều phải được xây dựng từ nền tảng phát triển bền vững về kinh tế-xã hội. Chính cấu trúc kinh tế-xã hội là cở sở, nền tảng để xây dựng nền văn hóa, chính trị và ngược lại, chính nền văn hóa, chính trị cũng là động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Trong quan hệ văn hóa và chính trị, thì chính trị cũng là một phần của văn hóa. Và trình độ chính trị cũng được thể hiện trên nền văn hóa. Văn hóa và chính trị có quan hệ tương hỗ lẫn nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Nền văn hóa thường làm cơ sở để xây dựng và phát triển thể chế chính trị để không rơi vào chủ quan, duy ý chí trong thực tiễn.

Chúng ta cần nhận thức lại rõ ràng hơn về mối quan hệ giữa hai yếu tố quan trọng này. Nhận thức rõ ràng các giá trị của văn hóa dân tộc để phục vụ phát triển đất nước. Từ đó, xây dựng thể chế chính trị trên cơ sở các giá trị văn hóa dân tộc và thời đại. Đồng thời, thể chế chính trị cần phát huy được giá trị văn hóa, xem đó là thước đo về sự phát triển của chính trị. Cần xây dựng một nền văn hóa chính trị mới, trân trọng con người và thân thiện với tự nhiên. Phải lấy con người và giá trị con người làm nền tảng của triết lý phát triển.

PV:Như trên giáo sư đã đề cập, Con Người là trung tâm của phát triển. Vậy trong thực tiễn hiện nay, chúng ta cần giải quyết  Vấn đề Con Người như thế nào để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển bền vững của đất nước?

TNH:Từ đầu chúng ta trao đổi đều quay quanh việc nhận thức về con người và xem con người là trung tâm. Chúng ta nói đến con người cá nhân cụ thể chứ không nói về con người chung chung. Trước đây, chúng ta chỉ coi trọng cộng đồng và nhân dân chứ không nhận thức rõ về con người cá nhân. Và do vậy, con người cá nhân không được biểu hiện, chỉ được ẩn sâu trong một tập thể. Giải quyết con người, trước hết là thay đổi nhận thức về con người. Phải là một con người cụ thể và phát triển con người là phát triển các phẩm chất và năng lực của cá nhân con người. Phải tôn trọng lợi ích kinh tế của mỗi người một cách hợp pháp. Giáo dục phải hướng đến sự phát triển của con người, phát triển năng lực cá nhân, phẩm chất cá nhân của mỗi người. Đào tạo con người hướng đến mục tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phát triển bền vững phải bắt đầu từ phát triển bền vững con người.

PV:Trân trọng cảm ơn Giáo sư đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi bổ ích này. Hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sựi quan tâm và cộng tác của Giáo sư.
(Văn hóa Nghê An)

Khi kẻ đào ngủ và man trá lên ghế quyền lực


Đầu năm ngoái, giữa lúc Trung ương đảng triển khai Nghị quyết 4 về : “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng đảng”, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, thì có đơn tố cáo “biệt phủ” của con bí thư tỉnh ủy Hải Dương. Báo chí xác minh “biệt phủ” nguy nga đó do Bùi Thanh Tùng con trai Bùi Thanh Quyến xây ở xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, Hải Dương.

Trong khuôn viên hơn 4.000 mét vuông, tường cao ba mét bao quanh, có ngôi biệt thự ba tầng và các công trình núi non, sông suối nhân tạo giữa một rừng cây kiểng cổ thụ quý hiếm, trị giá hàng chục tỷ đồng. Bùi Thanh Tùng giải thích tài sản này là của cá nhân mình, không liên quan đến bố ông, tức Bùi Thanh Quyến. Ông Tùng nói: “Đây là kết quả từ bàn tay khối óc và mồ hôi nước mắt cùa bản thân tôi!”.
Bùi Thanh Tùng sinh năm 1980, lúc xây biệt phủ mới 30 tuổi. Theo báo Giáo dục thời đại, 23 tuổi Tùng mới tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh, sau đó làm cán bộ Phòng việc làm – an toàn lao động, Sở lao động thương binh và xã hội Hải Dương.
Vậy là chỉ trong vòng 7 năm, Bùi Thanh Tùng vừa học cao học lấy bằng thạc sỹ, vừa học chính trị lấy bằng cử nhân, vừa phấn đấu lên đến chức Trưởng phòng, lại vừa dùng “bàn tay khối óc và mồ hôi nước mắt” làm ra khối tài sản hàng tỷ đồng . Tài thật!
Tôi biết nhiều doanh nhân làm ăn chân chính, bỏ vốn vài chục tỷ, đánh vật với kinh tế thị trường hàng chục năm mà không xây nổi một ngôi biệt thự, đừng nói biệt phủ như ông Tùng. Ông Tùng đã sử dụng “bàn tay khối óc và mồ hôi nước mắt” vào lúc nào, ra sao, để giàu nhanh như vậy? Cần phải hỏi xem ông Tùng có làm những việc cấm đảng viên không được làm không, và cũng cần phải hỏi các cơ quan thuế Hải Dương xem ông Tùng đã đóng khỏan thuế nào chưa? Các doanh nghiệp làm ra một đồng phải đóng đủ các loại thuế, phí, phải bôi trơn . Một ca sỹ hát rã họng, một bà mẹ liệt sỹ bán căn nhà, một người nghèo rớt mồng tơi may mắn trúng tờ vé số đều phải nộp thuế thu nhập. Chả lẽ ông Tùng mua bán nhà đất kiếm được khối tài sản kếch xù kia mà trốn thuế?
Nhưng cơ quan thanh tra, kiểm tra đã quên hoặc cố tình bỏ qua những chi tiết đó. Họ tin vào lời ông Tùng, là tài sản đó của ông ta, và ông ta làm ra một cách chính đáng. Tuy nhiên một điều không thể xuê xoa được, là Bùi Thanh Tùng đã xây ngôi biệt thự trên diện tích đất 500 mét vuông chưa chuyển mục đích từ nuôi trồng thủy sản sang đất ở, vi phạm điều 31 Luật đất đai năm 2003. Ai cũng biết, nếu là dân thì chắc chắn chính quyền không để yên. Chỉ cần làm một cái chuồng xí trái phép cũng bị thanh tra xây dựng ập đến phạt và đập nát ngay , đừng nói xây biệt thự .
Nhưng với cậu quý tử con quan đầu tỉnh này thì biệt phủ cứ tiếp tục xây, kết luận thanh tra để đó, chẳng cơ quan nào xử lý. Ủy ban kiểm tra trung ương chỉ nhắc nhở bí thư tỉnh ủy. Và ông Bùi Thanh Quyến chỉ nhận thiếu sót: “Chưa thường xuyên khuyên bảo con tự giác gương mẫu chấp hành đầy đủ các quy định của Luật đất đai, chưa dứt khoát trong việc để con trai mua và sử dụng đất ở Ninh Thành” .
Cái việc tưởng nghiêm trọng ấy hóa ra nhẹ bỗng như lông hồng. Để rồi chẳng bao lâu, ngày 1-10-2013 vừa qua, con trai Bùi Thanh Quyến là Bùi Thanh Tùng nhảy tót lên chức Phó giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội Hải Dương và con rể ông là Lê Hồng Diên nhảy lên ghế chủ tịch huyện Tứ Kỳ, tỉnh này.
Dân Hải Dương lại được một phen xôn xao bàn tán.
Người ta đặt câu hỏi Bùi Thanh Tùng, Lê Hồng Diên tài đức ra sao mà băng băng trên đường quan lộ như vậy? Nhiều người am hiểu cho rằng, Lê Hồng Diên chẳng có tài đức gì, còn Bùi Thanh Tùng bằng cấp lôm côm, đang vi phạm pháp luật và đang ôm một khối taì sản bất minh. Hai “thằng ấy” được đề bạt nhờ cái ô bí thư tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến.
Như giọt nước làm tràn ly, những ý kiến của người dân Hải Dương đã tràn lên các trang mạng.
Trong bài “Tản mạn đôi dòng về người bạn đồng ngũ”, cựu chiến binh Nguyễn Công Đán kể lại trên Blog My.opera.com/vnhaiduong như sau: “Cuối năm 1972 chúng tôi nhập ngũ một ngày. Sau thời gian tập luyện rất là khổ ải, đơn vị hành quân vào khu 4 theo đội hình của sư 320. Đến Quảng Bình tân binh Bùi Thanh Quyến bỗng nhiên mất tích. Đại đội cử người đi tìm suốt một tuần không thấy tăm hơi. Hai tháng sau người ta thấy anh bộ đội cụ Hồ ấy xuất hiện ở quê nhà. Thì ra trước khi “B quay”, Bùi Thanh Quyến đã có mối quan hệ nào đó với ông phó Ban quân sự huyện Ninh Thanh thông qua bà mẹ. Thế là nghiễm nhiên anh ta được phục vụ ở huyện đội với tư cách chiến sỹ, đồng thời xóa án đào ngũ khi có giấy của đơn vị gửi về.
Sau sáu năm “chiến đấu” tại địa phương, người bạn đồng ngũ ấy của tôi được chuyển sang nghề đánh xe bò. Bùi Thanh Quyến chưa một lần vượt qua sông Bến Hải chạm súng với lính Viêt Nam cộng hòa hoặc quân đội Hoa Kỳ, nhưng nghe nói hồ sơ đảng của ông ta có thẻ thương binh và bằng “Dũng sỹ diệt Mỹ”.
Cách đây hai năm, lúc ấy ông ta đang ngồi ghế chủ tịch, có nói trong lúc nửa tỉnh nửa say tại cuộc họp đồng ngũ: “Bằng cấp không quan trọng, chủ yếu là phải biết làm công tác ngoại giao…”.
Một trong những Scandall gây tai tiếng nhất trong thời gian qua là tấm bằng PTTH ông Quyến khai trong hồ sơ ứng cừ vào BCH trung ương đảng cộng sản Việt Nam nó hoàn toàn không có thực, vì ông bí thư chưa học hết cấp II (lớp 7 cũ).
Ấy thế mà chỉ trong thời gian ngắn, vị chức sắc cao cấp nhất hàng tỉnh có được bộ sưu tập đủ các loại bằng, từ đại học nông nghiệp cho đến học viện cao cấp Chính trị quốc gia…”.

https://nr-018.appspot.com/ttxva.org/wp-content/uploads/2013/12/1a.1.jpg
Một góc “biệt phủ” của Bùi Thanh Tùng

Câu chuyện trên không biết chính xác không, nhưng có một sự thật là ông Bùi Thanh Quyến đã nhiều lần bị tố cáo sử dụng bằng cấp giả và tham nhũng. Nhiều tờ báo đã lên tiếng về việc đó. Ví dụ báo Quân đội nhân dân số 1-2007, đăng bài về những sai phạm của ông Bùi Thanh Quyến trong dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư Bắc đường Thanh Niên thành phố Hải Dương; báo Mới đăng về vụ nhà máy xi măng Phú Tân; báo Tiền Phong đăng bài viết về vụ ông HVT trong nhóm luật sư Hải Dương tố cáo ông Quyến tham nhũng bị trả thù bằng cách ném nhớt dơ và mắm tôm vào phòng khách…
Có điều cũng như chuyện “biệt phủ” vừa qua, dù đơn tố cáo, dù dư luận xôn xao, dù báo chí phản ánh nhưng thanh tra, kiểm tra chỉ chiếu lệ, rồi để trượt đi như nước đổ lá môn. Kết quả là ông Bùi Thanh Quyến vẫn ung dung tự tại, con cái vẫn băng băng trên đường hoạn lộ, trong khi nhân dân càng bức xúc, càng mất niềm tin vào quyết chống tham nhũng của đảng.
Cách đây không lâu cháu Nguyễn Hồng Sơn, một cầu thủ bóng đá năng khiếu U13, của Qũy đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam ( PVF) bị nghi ngờ khai gian tuổi. Ban tổ chức đã dùng thủ đoạn ghi âm lén cuộc nói chuyện qua điện thoại của mẹ em, và kết luận em sinh năm 1999, trong khi giấy khai sinh, học bạ, hộ khẩu của em đều ghi ngày sinh ngày 24 tháng10 năm 2000. Và họ đã loại em và cả đội bóng ra khỏi giải Yamaha 2013.
Tại sao đối với một đứa trẻ thì người ta đối xử khắt khe như vậy, còn với ông bí thư tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến thì lại quá dễ dãi. Phải chăng chỉ có một đứa trẻ như Nguyễn Hồng Sơn, còn những ngưởi như Bùi Thanh Quyến quá nhiểu?
Anh Nguyễn Văn Hội, thượng tá, cựu chiến binh ở Ninh Giang, Hải Dương gọi điện nói với tôi: “Mỗi lần đi ngang qua cái biệt phủ Thanh Tùng tôi lại tự hỏi tiền đâu ra mà một thằng nhóc ba mươi tuổi xây cơ ngơi này? Công lao gì mà hai anh em nó nhảy lên ghế lãnh đạo dễ hơn leo cây khế hái trái ngọt như vậy?
Dân làng tôi bảo nhau, nếu Bùi Thanh Quyến mà “thanh liêm” như tờ báo tỉnh ca ngợi thì họ sẵn sàng đi đầu xuống đất!”
Bùi Thanh Quyến thanh liêm? Một câu chuyện tiếu lâm rất hay, xin bà con đừng vội đi đầu xuống đất! Ôi nói với anh Hội như vậy không biết có đúng không?
MINH DIỆN/THEO BLOG BÙI VĂN BỒNG

Bằng chứng cắp ô đây thưa Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình

Bằng chứng này do ông Trịnh Văn Chiến – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công bố. Ông Chiến không dự đoán, cũng không nghe báo cáo từ cấp dưới, mà tổ chức một cuộc thi có thể nói là sát ràn rạt. Ông tổ chức thi tuyển cán bộ công chức như ông nói là “bí mật và khách quan”, không cho gửi, không cho chạy.
Kết quả, tổng cộng 419 thí sinh dự thi thì bỏ giữa chừng gần 70 người. Còn lại 120 người đủ điều kiện để xét tuyển, và tỉ lệ trượt là 71,4%.

Từ trước đến nay, ít nơi nào tổ chức thi cử đúng chất lượng, công bằng và nghiêm túc, cho nên tỉ lệ đậu rất cao. Và tất nhiên, số công chức vác ô cũng cao.
Tệ hơn, việc thi tuyển công chức còn sặc mùi kim tiền.
Năm ngoái, ông Trần Trọng Dực (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội) phát biểu tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội nhưng gây chấn động cả nước. Chấn động không phải vì mua ghế, mua chức mà vì chuyện đó được nói toạc móng heo tại cuộc họp HĐND: “Thí sinh để đỗ công chức mất không dưới 100 triệu đồng. Nói đến điều này là rất đau lòng cho thành phố, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại”.
Không phải Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng vậy. Có điều, không ai dám nói ra thẳng ruột ngựa như ông Trần Trọng Dực. Và tất nhiên, khó có bằng chứng đưa hối lộ về vụ này. Không ai dại gì tự khai mình bỏ tiền để mua một cái ghế công chức.
Còn đợt thi không cho chạy, không có mùi tiền vừa tổ chức ở Thanh Hóa, thì rớt đến 71,4%. Thế thì đã rõ.
Suy cho cùng, chất lượng công chức cũng nằm giữa lằn ranh của sự dối trá và trung thực. Nếu như thi cử trung thực, thì chọn được người có năng lực. Nếu như thi cử dối trá, thì đa số là những kẻ vác ô được chọn lựa.
Bộ Nội vụ nên lấy con số tỉ lệ thi trượt của tỉnh Thanh Hóa vừa rồi, đối chiếu với tất cả các cuộc thi tuyển công chức của các địa phương trong cả nước thì có thể tìm ra được đâu là sự trung thực và đâu là sự dối trá. Một bên thi rớt 71,4%, còn một bên thi đậu đến 71% hoặc hơn thì quả là quá chênh lệch, một sự chênh lệch đáng ngờ.
Và khi tìm ra sự chênh lệch đáng ngờ tại các kỳ thi tuyển công chức như phân tích trên, thì đó chính là bằng chứng công chức vác ô hiện nay thưa Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Chắc chắn không phải là 1% như ông từng công bố.

 Lê Thanh Phong
(Lao động)

Chang Song-thaek có thật sự tạo phản?

Kim Jong-un
Vẻ mặt Kim Jong-un nói lên điều gì?
Nghe như chuyện đời xưa: hai năm sau khi lên cầm quyền, nhà lãnh đạo trẻ của Bắc Hàn đã thanh trừng và hành quyết người dượng của mình vì dám âm mưu chống lại ông.

Một câu chuyện tàn bạo được truyền thông nhà nước đưa tin tường tận đã thu hút sự chú ý của thế giới. Nhưng bao nhiêu phần trăm là sự thật? Và câu chuyện này hé lộ điều gì về nội tình của gia tộc Kim cai trị ở Bắc Hàn?

Vẻ mặt nói gì?

Ngồi trên lễ đài dưới chân dung khổng lồ của người cha quá cố đang mỉm cười, Kim Jong-un mang một vẻ mặt dường như là cố ý để cho người khác phải để ý.

Ngồi phịch xuống ghế, ánh mắt chùng xuống và môi bậm lại, dường như ông đang quắc mắt nhìn đám cận thần đang đứng vỗ tay.

Dĩ nhiên là có nhiều lý do để ông ta buồn. Đó là lúc Kim Jong-un đang tưởng nhớ người cha đã qua đời hai năm trước.

Nhưng liệu có phải nỗi đau buồn làm cho vẻ mặt ông khó chịu như thế hay là nỗi căm hờn người dượng đã mưu phản ông? Đó có phải là dấu hiệu cảnh cáo đối với đám đông đứng dưới kia? Hoặc có khi nào đó là nỗi sợ? Linh cảm rằng hàng hàng lớp lớp đám thuộc hạ ngoài mặt trung thành nhưng bên trong che giấu nhiều âm mưu?

Có lẽ đó là dấu hiệu tuyệt vọng cho thấy việc xử tử ông Chang Song-thaek, suy cho cùng, không phải là do Kim Jong-un làm – dấu hiệu rằng chàng trai mồ côi 30 tuổi trong tay nắm vũ khí hạt nhân thật sự không hề nắm quyền ở đất nước này.
Kim Jong-un chủ trì lễ tưởng niệm cha trong bối cảnh bất ổn

Việc báo chí nước này đưa tin rầm rộ về vụ hành quyết khiến cho chúng ta có cảm giác hiếm hoi rằng đầu não của chế độ Bắc Hàn đang bất ổn.

Báo chí mô tả tỉ mỉ những cáo buộc chống lại Chang – từ chuyện âm mưu đảo chính cho đến xem hinh ảnh đồi trụy rồi ‘vỗ tay không thật lòng’ khi Kim Jong-un lên nắm quyền.

Những bức ảnh chụp Chang cuối gầm xuống trong tình trạng bị khống chế được truyền thông nhà nước đăng tải. Tin tức này cũng được loan báo trên hệ thống xe điện ngầm của Bình Nhưỡng.

Nhưng cáo buộc rằng ông Chang âm mưu lật đổ người cháu xác thực bao nhiêu?
Rất nghiêm trọng

Nếu ông Chang thật sự là đã bị xử tử – điều mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa có bằng chứng gì ngoài những phát ngôn của chế độ Bình Nhưỡng – chúng ta có thể biết chắc rằng ông ta đã làm điều gì đấy rất nghiêm trọng.

Các quan chức cấp cao ở Bình Nhưỡng hiếm khi bị tử hình và nhất là không khi nào lại tử hình một cách ồn ào cho công chúng xem như vậy.
"Bình Nhưỡng không bao giờ công khai những chia rẽ trong nội bộ cấp cao của họ như thế này nếu nó thực sự là mối nguy của chế độ." - Giáo sư Paik Hak-soon ở Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul
Ông Chang không chỉ là người bảo trợ và dẫn dắt cho Kim Jong-un lên nắm quyền mà ông còn nằm trong gia tộc Kim.

Cộng với tin tức từ cơ quan tình báo Nam Hàn cho biết hai thuộc hạ thân tín của ông cũng bị xử tử thì người ta càng tin rằng có điều gì đó nghiêm trọng đang xảy ra.

Nhưng liệu đó có phải là một cuộc đảo chính? Mức độ nhà nước Bắc Hàn tăng cường giáo dục công chúng sau khi ông Chang bị bắt chắc chắn là dấu hiệu của mối đe dọa hay biến động chính trị.

Một vài người dân Bắc Hàn được cho là đã âm thầm báo tin cho các liên hệ của họ ở miền Nam rằng Đảng Lao động Triều Tiên đang tăng cường các cuộc họp, các hoạt động tuyên giáo và các phiên tự kiểm điểm mà một nội dung chủ yếu là trung thành với chế độ.

Chỉ vài ngày sau khi ông Chang bị bắt, người đứng đầu quân đội Bắc Hàn đã công khai thề sẽ ‘bảo vệ chỉ Kim Jong-un chứ không ai khác’.

Điều cần suy nghĩ là truyền thông của nước này nói rất nhiều về chủ đề ông Chang bất trung – cho thấy điều gì đó rất nghiêm trọng ở đầu não chế độ.

Truyền thông Bắc Hàn thường dành nhiều thời gian đưa tin về ‘Lãnh tụ tôn kính’ của họ và những chuyến thị sát của ông đến những xí nghiệp lúc nào cũng thành công và những đơn vị quân đội lúc nào cũng sẵn sàng.
Người dân Nam Hàn sốc với vụ hành quyết ông Chang Song-thaek

Sự rạn nứt đột ngột ở bề mặt khiến mọi người bàng hoàng. Người dân nước này được thông báo rằng nhân vật quyền lực số hai ở đất nước họ và là dượng của nhà lãnh đạo tối cao là kẻ phản quốc và rằng ông ta đã cài cắm nhiều kẻ tạo phản vào những cơ quan nhà nước mà ông ta quản lý và đang kết đảng phái riêng để đối chọi với chính quyền.
Điểm yếu hay sức mạnh?

Nhiều người nghĩ rằng việc chính quyền Bắc Hàn công khai về mối đe dọa nội bộ này thể hiện điểm yếu của họ. Họ cần phải nhổ bỏ những kẻ chống đối khác hay bóp nghẹt những đốm lửa bất đồng dù yếu ớt trong bối cảnh quốc gia này vẫn đang chịu đựng những khó khăn kinh tế.

Khó mà nhìn rõ những gì đang xảy ra bên trong Bình Nhưỡng. Tuy nhiên những hình ảnh được bí mật tuồn ra ngoài gần đây cho thấy người dân đang la hét và đối đầu với công an trên đường phố.

Sun Mu, trước đây từng là nghệ sỹ tuyên giáo trong Quân đội Bắc Hàn, nói với BBC điều đọng lại trong đầu ông mạnh nhất về tuyên bố bắt giữ ông Chang là cách thông báo của Bắc Hàn: “Câu chữ dường như được viết vội vàng, lộn xộn và không thật sự được cân nhắc kỹ lưỡng. Dường như chúng được viết ra để khẳng định tính chính đáng.”

Giáo sư Paik Hak-soon ở Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul nói rằng cách đưa tin của truyền thông Bắc Hàn là dấu hiệu cho thấy sức mạnh chứ không phải điểm yếu của chế độ.
Ri Sol ju
Chang Song-thaek cũng bị đồn là có quan hệ bất chính với phu nhân của Kim Jong-il

Ông cũng cho rằng ý kiến có chia rẽ nghiêm trọng trong giới chóp bu Bắc Hàn là sai lầm.

“Bình Nhưỡng không bao giờ công khai những chia rẽ trong nội bộ cấp cao của họ như thế này nếu nó thực sự là mối nguy của chế độ,” ông bình luận.

Ông Paik cho rằng vấn đề chỉ đơn giản là đã đến lúc ông Chang Song-thaek, vốn có tiếng là tham vọng và kiêu ngạo, phải chấm dứt vai trò người dẫn dắt và rằng quyền lực của ông đã trở nên quá lớn.

Và cũng có nhiều tin đồn ghê rợn hơn chưa được kiểm chứng về việc tại sao ông Chang sụp đổ, trong số đó là việc ông ta có quan hệ tình ái với phu nhân của Kim Jong-un.
Cáo trạng dàn dựng?

Kim Seong-min, một người Bắc Hàn đào tẩu từng làm việc trong bộ phận tuyên truyền của quân đội Bắc Hàn hiện đang sống ở Seoul, nói ông không tin cáo trạng ông Chang mà truyền thông Bắc Hàn đưa ra là lý do thật sự đằng sau sự thanh trừng ông này.

“Những việc như vậy chúng ta đã biết nhiều,” ông nói, “Tôi nghĩ ông Chang ắt hẳn đã làm điều gì đó khiến Kim Jong-un thật sự nổi điên.”

Có thật sự là đã có âm mưu tạo phản? Đây có vẻ là một giả thiết hợp lý giải thích tại sao Bình Nhưỡng trong vụ việc Chang Song-thaek lại không hành xử như cách xưa nay họ vẫn làm: họ cáo buộc tội làm phản để che giấu tội lỗi thật sự – đây là một chiến lược mạo hiểm đối với một chế độ duy trì quyền lực bằng sự trấn áp.
Chang Song-thaek
Ông Chang Song-thaek bị chính quyền Bắc Hàn hạ nhục chưa từng thấy

Nhưng nếu thật sự ông Chang đã mưu phản thì với vị trí cao của ông, vụ việc sẽ còn gây sóng gió trong nhiều tuần nữa.

Có lẽ đó là lý do ông Kim Jong-un có vẻ mặt ‘hãm tài’ như thế. Nhưng một lần nữa, không có bằng chứng rõ ràng rằng ông là người ra quyết định hành quyết Chang Song-thaek.

Những nhà quan sát tình hình Bắc Hàn chia làm hai trường phái: những người tin rằng Kim Jong-un đang thật sự nắm quyền và những người khác cho rằng ông ta chỉ là con rối bị một thế lực nào đấy, như quân đội chẳng hạn, giật dây.

Ông Michael Madden, người chuyên theo dõi các nhân vật cấp cao của chế độ Bắc Hàn, lưu ý rằng giới lãnh đạo quân sự được xếp đứng bên phải Kim Jong-un trong buổi viếng Kim Jong-il mới đây.
Quân đội giật dây?

Kim Jong-un và phu nhân đứng tách biệt ra hẳn những người khác, nhưng cả bộ trưởng Quốc phòng và tổng tham mưu trưởng dường như có vị trí nổi bật trong hàng ngũ.

Trong suốt hai năm Kim Jong-un nắm quyền, đã nhiều lần các mục tiêu quân sự áp đảo lợi ích kinh tế: đóng cửa khu công nghiệp Kaesong điều phối chung với miền Nam, hủy bỏ thỏa thuận viện trợ của Mỹ do vụ thử tên lửa tầm xa và phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc với vụ thử hạt nhân lần ba.

Câu hỏi ai mới thực sự là người nắm quyền ở Bắc Hàn vẫn còn tiếp tục được tranh cãi.
Choe Ryong hae
Các tướng lĩnh quân đội có vị trí ngày càng nổi bật trong chính quyền Bắc Hàn

Tuy nhiên giữa đám mây mù những chuyện mà chúng ta không biết đằng sau câu chuyện bất ngờ này, có những điều thể hiện rất rõ ràng.

Một là sự bàng hoàng của người dân ở cả hai miền Triều Tiên,

Người dân Nam Hàn bất bình trước đạo lý Nho giáo dạy kính trọng người lớn trong gia đình lại bị chà đạp một cách trắng trợn như vậy.

Một số người Bắc Hàn đang tỵ nạn ở miền Nam cho biết đã có sự thay đổi tiêu cực trong cách người dân miền Bắc nhìn nhận nhà lãnh đạo của họ. Họ đang tự hỏi rằng tại sao lãnh đạo của họ lại làm thế với dượng của mình.

Một điểm nữa cũng được nhiều người đồng ý là có khả năng Bắc Hàn sẽ tiếp tục khiêu khích.

Bộ Quốc phòng Nam Hàn đã nói rằng họ tin rằng ‘có khả năng rất cao’ là miền Bắc sẽ có hành động quân sự để đánh lạc hướng dư luận.

Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Nam Hàn nói với điều kiện ẩn danh rằng khả năng Bình Nhưỡng khiêu khích là 100% - và sẽ trước tháng Tư năm sau.

Thời gian sẽ trả lời, nhưng với vẻ mặt Kim Jong-un như vậy thì sóng gió vẫn còn ở phía trước.
Lucy Williamson  
BBC, Seoul
 
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét