Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

'Hãy thảo luận với tiếng nói khác biệt' & Giá xăng và sự cam chịu của người dân

Giá xăng và sự cam chịu của người dân

Phạm Chí Dũng

Đầu giờ sáng, người bảo vệ cơ quan bất chợt nhìn tôi đầy ẩn ý “Hồi trước bà xã em đâu có phải mang gà-mên cơm trưa như bây giờ”.
Lắng một lúc, người bảo vệ thốt lên “Hôm qua xăng lại tăng giá. Đồ ăn thức uống cũng ào ào lên theo. Cứ như thế này thì làm sao mà sống!”
Một lần nữa, lại một lần nữa trong rất nhiều tái hiện bất biến của lịch sử độc quyền đạo diễn giá xăng, mặt hàng chiến lược quốc gia này được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đẩy vọt chiến thuật ngay sau khi một kỳ họp quốc hội kết thúc.

“Cần tiếp tục độc quyền”

Một lần nữa, nhóm lợi ích chính sách độc quyền vùn vụt phất cờ chiến dịch bù lỗ vào dân.
Đống lửa nào vẫn âm ỉ lớp tro kích nổ tất có nguy cơ bùng cháy trở lại.
Mối lo thường trực của người dân đã có quá đủ cơ sở để biến thành một linh cảm thật tệ: không lúc này thì lúc khác, nhóm lợi ích và các quan chức lobby chính sách sẽ làm mọi cách để móc tiền từ túi nhân dân.
Giá lại đội lên một đỉnh cao mới, cùng với điều được coi là “đỉnh cao trí tuệ” mà bản hiến pháp năm 2013 đã lập kỷ lục như “tiếng nói của 90 triệu đồng bào” – một lời xác quyết chưa bao giờ vang vọng tháp ngà đến thế của Tổng bí thư Đảng.

Hiến pháp 2013 đã trở thành một tín hiệu đồng thuận quyết liệt nhất cho sự tung hoành của các nhóm lợi ích.
Thế nhưng ở dưới đáy của cái tháp ngà vinh quang ấy, những người cam tâm phủ quyết toàn bộ nhiệt huyết đóng góp của đại đa số dân tình đã mặc lòng nhắm mắt bỏ qua cảnh tượng một bộ phận không nhỏ dân chúng và cả giới công chức đang phải trở về thời khốn khó của cơn bão giá – lương – tiền vào năm 1985-1987.
Hoàn toàn không nằm ngoài dự báo của giới quan sát độc lập, Hiến pháp 2013 đã trở thành một tín hiệu đồng thuận quyết liệt nhất cho sự tung hoành của các nhóm lợi ích.
Hoàn toàn không ngó ngàng đến yêu cầu phải giảm độc quyền và đặc lợi của các tập đoàn kinh tế nhà nước, những người cố thủ trong lô cốt soạn thảo bản hiến pháp bị coi là “thụt lùi chưa từng thấy” này đã tiến thêm một bước dài trong việc cổ vũ các tập đoàn đặc quyền lao lên phía trước.

Vỡ quỹ hưu?

Phía trước ấy lại chính là gánh nặng sơn hà đang và sẽ luôn chồng chất lên đôi bờ vai lộ xương của các tầng lớp nhân dân, kể cả một bộ phận giới công chức cùng toàn bộ lực lượng vũ trang.
Những đợt tăng giá bất tận của ít nhất hai tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Điện lực Việt Nam sẽ khiến cho những đồng lương hưu ít ỏi trở nên cạn nghĩa trong bối cảnh mặt bằng giá hàng tiêu dùng thực tế gấp ít nhất ba lần con số báo cáo về chỉ số lạm phát.
Chỉ số lạm phát lại luôn được “vẽ” theo cách mà không ít đại biểu quốc hội nghi ngờ về tính trung thực hay chính danh của nó.
Chịu nặng nề và thấm thía hơn hẳn so với lớp quan chức đương nhiệm “ăn của dân không chừa thứ gì”, giới hưu trí từng nguyện “trung với đảng” đang phải đối mặt với cơn đột biến co thắt túi tiền mà rất có thể sẽ đồng pha với khả năng từ thắt chặt đến vỡ quỹ lương hưu trong một tương lai không quá xa.
Bất chấp việc cho đến nay vẫn chưa có bất cứ hạng mục nào được gỡ bỏ trong số 432 loại phí và lệ phí – được hiểu một cách trung thực như núi thuế trút lên đầu dân chúng, ngân sách quốc gia vẫn ngồn ngộn dấu hiệu cạn kiệt.
Tình thế hiểm trở như vậy càng trở nên hiểm nghèo hơn khi vào năm 2012 đã lần đầu tiên manh nha thông tin về khả năng quỹ lương hưu có thể vỡ vào năm 2030.
Nếu trong 3-4 năm tới vấn đề thu ngân sách không được cải thiện… những người về hưu sẽ phải nhìn nhận một thực tế đớn đau là quỹ lương dành cho họ sẽ bị biến thành một trong những nạn nhân đầu tiên của chế độ thẳng tay cắt xén.
Nhưng đến nửa cuối năm 2013, dù bị giới tuyên giáo trung ương cố gắng ngăn chặn, thông tin từ những cuộc hội thảo của giới chuyên gia và không ít quan chức có trách nhiệm vẫn cho thấy nguy cơ đó đang đến gần, thậm chí rất gần.
Không cần phải chờ đến năm 2030, nếu trong 3-4 năm tới vấn đề thu ngân sách không được cải thiện, tức tiền thuế thu từ dân không đủ để chi cho các công trình xây dựng cơ bản của nhà nước mà thường lãng phí ít nhất vài chục phần trăm và làm giàu thêm cho các nhóm lợi ích, những người về hưu sẽ phải nhìn nhận một thực tế đớn đau là quỹ lương dành cho họ sẽ bị biến thành một trong những nạn nhân đầu tiên của chế độ thẳng tay cắt xén.
Bài học hậu Liên Xô vẫn còn nguyên giá trị.
Trong thời kỳ hỗn loạn nhất về kinh tế cùng vô số nhóm lợi ích thi đua trục lợi, giá trị lương mà giới hưu trí và các công thần của chế độ xô viết nhận được chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với giá trị trước đó.
Cũng trong bối cảnh đó, những nhóm lợi ích như Petrolimex của Việt Nam hiện nay đã mặc sức tăng giá để khoét sâu hơn nữa nỗi khốn quẫn đau đớn của lớp người nghèo khó.
Sau đó và khi đã không còn đủ kiên nhẫn trung thành với chế độ, chính những người về hưu đã phải hàng hàng lớp lớp nắm tay nhau tuần hành phản đối ngay trên quảng trưởng Đỏ.
Một phần tư thế kỷ sau đó ở Việt Nam, nghịch lý phát triển trong suy thoái ở Việt Nam vẫn diễn ra theo logic hết sức tự nhiên của nó.
Mỗi khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp lại được quyền xin tăng giá trực tiếp qua Bộ Tài chính hoặc gây sức ép bằng cách găm hàng, không bán…, hoặc được trích lập quỹ bình ổn. Còn khi giá giảm, doanh nghiệp có thể từ từ xin giảm giá hoặc chờ quyết định từ cơ quan quản lý.
Bất chấp việc Petrolimex thua lỗ đến 10.700 tỷ đồng trong năm 2008 từ những khoản đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm, chiến dịch tăng giá xăng dầu đã luôn được những người đứng đầu Petrolimex âm thầm chuẩn bị và được lãnh đạo Bộ công thương cổ súy.
Tinh thần cổ súy đáng khen ngợi như thế biến diễn theo chiến thuật: mỗi khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp lại được quyền xin tăng giá trực tiếp qua Bộ Tài chính hoặc gây sức ép bằng cách găm hàng, không bán…, hoặc được trích lập quỹ bình ổn.
Còn khi giá giảm, doanh nghiệp có thể từ từ xin giảm giá hoặc chờ quyết định từ cơ quan quản lý.
Cũng bởi thế trong những năm qua, giá xăng dầu Việt Nam đã liên tục tiến chiếm những cột mốc lịch sử – một thành tích hoàn toàn đáng tự hào nếu xét đến kết quả “tận thu”.

Cam chịu đến bao giờ?

Điều lạ lùng là cho tới nay, dù đã trải qua rất nhiều cú tăng giá xăng dầu và điện bất chấp đời sống có xu hướng bần cùng hóa của người dân, vẫn chưa có một cuộc biểu thị hay biểu tình nào xứng đáng diễn ra trong lòng các đô thị.
Người dân, kể cả những đảng viên mang trên ngực huy hiệu 40 hay 50 năm tuổi đảng, vẫn như bị kềm giữ trong một thứ vòng kim cô lo ngại, sợ sệt và bị ám ảnh bởi sự hãm hại.
Biểu thị thường thấy nhất chỉ là những nhóm tụm năm tụm ba bày tỏ thái độ bất mãn đối với chính sách điều hành kinh tế ngày càng tha hóa đạo lý của Chính phủ.
Không một ai hành động và xuống đường.
Không một ai xuống đường để phản đối và biểu thị thái độ cùng yêu sách giành lại cho mình cái quyền chính đáng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà các nghị quyết của Bộ Chính trị đảng vẫn luôn phát thanh như một khích lệ chỉ để nói.
Cũng không một ai xuống đường để thực thi cái quyền được biểu tình một cách hợp pháp đã được quy định trong các bản hiến pháp 1992, nhưng sau hơn hai chục năm vẫn chưa được luật định.
Không một trí thức và hưu trí nào xuống đường để cất lên tiếng nói “mình vì mọi người” và nói thay cho cả những người khác – lớp nông dân và công nhân thấp cổ bé họng không thể có nơi chốn biểu đạt và quá tự ti về thân phận chính trị đến mức không dám phản đối công khai những chính sách độc quyền đến mức độc địa của các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị.

Nhìn ra thế giới


Campuchia đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình phản kháng trong năm 2013
Trong khi đó ở nhiều quốc gia khác, mọi việc đa nguyên hơn nhiều.
Mới vào đầu năm 2013, một cuộc biểu tình lên đến hàng chục ngàn người ở Bungaria phản đối chính sách tăng giá điện đã làm thay đổi cả một chính phủ.
Sát với Việt Nam, đất nước Campuchia trong năm 2013 cũng đã rung chuyển bởi nhiều cuộc biểu tình của các tầng lớp dân oan đất đai.
Còn người Thái lại làm hơn cả thế với quy mô hàng triệu người xuống đường – một dũng khí mà đã khiến toàn bộ lực lượng quân đội bất động, còn cảnh sát không dám và càng không thể đàn áp.
Nhưng ở một quốc gia chưa hề chấp nhận đa nguyên chính trị như Việt Nam, làm sao dân chúng có thể gìn giữ chút “lòng tin chiến lược” còn lại vào Nguyễn Tấn Dũng – người đầu tiên trong nội bộ đảng cầm quyền phất cờ về Luật Biểu tình vào cuối năm 2011 – khi chính phủ của ông vẫn tiếp tục để cho xương tủy của người nghèo bị rút kiệt nguồn máu sinh nhai?
Đợt tăng giá xăng dầu thất thần cuối năm 2013 đã dấy một dự cảm rất xấu cho những đợt tăng giá bất chấp tương tự sẽ diễn ra trong năm 2014, nhưng cũng sẽ gây ra sự phản kháng và có thể cả biến động mạnh mẽ khó ngờ từ phía người dân.
Tăng giá xăng là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt.
Đợt tăng giá xăng dầu thất thần cuối năm 2013 đã dấy một dự cảm rất xấu cho những đợt tăng giá bất chấp tương tự sẽ diễn ra trong năm 2014, nhưng cũng sẽ gây ra sự phản kháng và có thể cả biến động mạnh mẽ khó ngờ từ phía người dân.
Tương lai và sinh mạng dân tộc Việt Nam đang phụ thuộc mật thiết vào những đợt tăng giá.
Cơ chế tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những đợt xuống giá chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.
Nhưng khác hẳn với sự luân chuyển không ngừng nghỉ như một quy luật tự nhiên giữa các chế độ, điều duy nhất bền vững mà các công dân có trách nhiệm có thể sáng tạo cho đất nước là một không khí dân chủ được thể hiện bằng tính phản biện, phản đối và giám sát chặt chẽ của người dân.
Nếu không có được cái dũng khí ấy, xã hội và người nghèo sẽ mãi bị điêu đứng do các cuộc tranh giành bất tận của các nhóm quyền lực, cuộc chiến thao túng hoành hành không có giới hạn của những kẻ lắm tiền nhưng vẫn muốn có nhiều tiền hơn hẳn.
Người dân Việt Nam còn cam chịu đến bao giờ nữa?
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà báo tự do đang sống ở TP. Hồ Chí Minh.

'Hãy thảo luận với tiếng nói khác biệt'

Ông Lê Hiếu Đằng
Ông Lê Hiếu Đằng bị phê phán là 'trở cờ', 'lạc lõng' và có 'động cơ cá nhân' khi ly khai Đảng
Thay cho các chiến dịch 'phê phán', 'công kích', Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam nên cho công bố đầy đủ các ý kiến, quan điểm và mở ra các cuộc 'hội thảo, thảo luận' công khai trao đổi với những người có ý kiến khác như các ông Lê Hiếu Đằng hay Tống Văn Công, theo một ý kiến quan sát từ Việt Nam.

Việc có ý kiến khác, hay thậm chí tuyên bố ly khai của một số thành viên của Đảng cộng sản và các tổ chức chính trị do Đảng lãnh đạo chưa hẳn sẽ tạo ra các 'phong trào số đông' như quan ngại của chính quyền, song lại thể hiện 'mức độ tự do của các cá nhân' trong xã hội, theo một nhà quan sát khác từ Hà Nội.

Hôm thứ Hai, 23/12, tờ Quân đội Nhân dân đã có bài báo được cho công kích ông Tống Văn Công với tựa đề "Hãy tỉnh táo nhận ra cái tất yếu, tránh bị đào thải', trong khi hôm Chủ Nhật, tờ Hà Nội Mới có bài viết với tựa đề 'Hiện tượng Lê Hiếu Đằng và quy luật đào thải' có nhiều lời lẽ mang tính 'công kích' ông Lê Hiếu Đằng.

Bài báo trên tờ Quân đội Nhân dân cảnh báo ông Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết cần 'tỉnh táo nhận ra cái tất yếu' để 'tránh bị đào thải', trong khi tờ Hà Nội mới sử dụng các từ ngữ như 'trở cờ', 'cơ hội', 'lạc lõng', 'mưu cầu thỏa mãn cái tôi cá nhân' v.v... được cho là để 'công kích' luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

Bình luận với BBC hôm thứ Hai về hai bài báo trên, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho hay ông 'không ngạc nhiên' về diễn biến này.

Ông nói: "Tôi không ngạc nhiên về việc một số tờ báo lề phải đã và sẽ có những bài có tính tranh luận một cách gay gắt, hay người khác dùng chữ 'đả kích' và dùng những từ nặng lời để nói về một số những người như là ông Lê Hiếu Đằng hay là bài của ông Tống Văn Công."

"Tôi nghĩ rằng những cách làm như vậy sẽ không giúp chúng ta đi đến sự thật, điều quan trọng hơn rất nhiều là chúng ta phải có sự trao đổi một cách thực sự cầu thị, thảo luận với nhau về những ý kiến còn khác nhau, để đi đến một nhận định chung, một sự thống nhất nhất định."
'Quyền tự do công dân'

Tờ Hà Nội Mới cho rằng quyết định ly khai Đảng của ông Lê Hiếu Đằng chỉ là 'mua vui một vài trống canh' và 'nực cười', cũng như cho rằng đây là 'một việc quá bình thường của quá trình đào thải' mà lại được 'ồn ã thổi phồng lên' thành sự kiện.

Bình luận về hiện tượng ly khai Đảng Cộng sản Việt Nam và một số tổ chức, hội đoàn do đảng này lãnh đạo, bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký Phòng Công nghiệp và Thương Mại Việt Nam, cựu thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm với BBC, cho rằng cần có sự bình tĩnh xem xét.

Bà nói: "Trước hết quyết định của những người đó là quyết định cá nhân của những người đó thôi, rõ ràng khi những người đó tuyên bố họ rút ra khỏi tổ chức này, tổ chức khác, thì họ chỉ tuyên bố quyết định của cá nhân mình, chứ không phải là quyết định của ai khác, hay nhân danh những nhóm nào khác,

Bà Chi Lan cho rằng chưa chắc các quyết định cá nhân đã có thể biến thành các 'trào lưu', tuy nhiên, bà cũng kêu gọi cần có sự tôn trọng với các quyết định cá nhân và cả cách thức thể hiện quan điểm cá nhân, vì đó là quyền của các công dân.

Bà nói: "Cho nên cũng phải xem diễn biến nó ra sao thì mới có thể đưa ra kết luận được. Chứ còn không phải dễ dàng để những quyết định lẻ tẻ của các cá nhân mà có thể biến thành một trào lưu chẳng hạn. Tôi nghĩ điều đó không phải dễ dàng xảy ra.

"Tuy nhiên, trong một xã hội ngày càng phát triển và đa dạng như Việt Nam, mỗi người có quyền có chính kiến của mình và có thể có những cách khác nhau để bày tỏ chính kiến, tôi nghĩ đó cũng là điều bình thường.

"Và như vậy cũng là một biểu hiện của khả năng mà người dân thể hiện quyền dân chủ của mình, và chính quyền Việt Nam trong tất cả những việc đó cũng nên coi đó là thuộc về quyền tự do của công dân, để người ta có thể có sự tự quyết định số phận của mình."
'Xu thế bình thường'

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Là người từng theo dõi diễn biến của Trung Quốc trong nhiều năm, trong đó có hiện tượng 'thoái đảng' của nhiều Đảng viên ở Trung Quốc, Giáo sư Tô Duy Hợp, Giám đốc Trung tâm Khoa học Tư duy, nguyên nghiên cứu viên cao cấp của Viện Xã hội học và Viện Triết học, đưa ra quan sát:

"Ở các nước đang chuyển đổi từ chủ nghĩa xã hội sang hướng dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, động thái này cũng diễn ra bình thường, người ta ra lại vào, người ta vào lại ra, cho nên điều này chưa thể dự báo gì rằng cái đảng ấy bị long lay cả... Hiện nay, xu thế chung là cài răng lược, tương tác với nhau và chưa hủy diệt nhau được."

Hôm Chủ Nhật, tờ Hà Nội mới phê phán ông Tống Văn Công là 'liều lĩnh' khi ông đặt vấn đề cần mở ra môi trường để 'xã hội dân sự' hoạt động và có vai trò cho sự 'phát triển lâu dài của đất nước'.

Hà Nội Mới đưa ra cáo buộc: "Rõ ràng ông đã ngầm vận động cho một sự mất ổn định chính trị đất nước, giống như 'cách mạng màu', 'cách mạng cam' đã từng diễn ra gần đây trên thế giới, và chính nhiều nước trong số ấy đã khủng hoảng toàn diện, đầu rơi máu chảy, nhân dân cơ hàn."

Nhận xét về cách nhìn nhận 'xã hội dân sự' của tờ báo, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:

"Tôi nghĩ rằng sự lo ngại về xã hội dân sự như vậy theo tôi hoàn toàn không phản ánh đúng thực chất của những người đã tham gia vào diễn đàn xã hội dân sự này...

"Trên thế giới, không có ai, không có nước nào cho rằng xã hội dân sự là một lực lượng thù địch hoặc có âm mưu gì. Hiện nay các tổ chức như vậy ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ và họ đang làm được rất nhiều việc, từ việc từ thiện cho đến việc giúp đỡ trẻ em tàn tật, rồi đi về vùng sâu, vùng xa v.v...

"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần có một cái nhìn thực sự cầu thị và thực tế về xã hội dân sự này, còn có ai muốn làm điều gì đó mà cho rằng là vi phạm pháp luật, hoặc lật đổ gì đó, thì điều đó, các cơ quan an ninh cứ đưa các chứng cứ ra và có thể sẽ được xử lý theo pháp luật," cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói với BBC từ Hà Nội.
(BBC)

Noel: Gửi những Giêsu sau song sắt nhà tù cộng sản

000_Nic6278647-305.jpg

J. B Nguyễn hữu Vinh -RFA

Một ông già Noel giả tại Manger Square, Bethlehem, nơi được coi là nơi sinh của Chúa Giêsu Kitô. Ảnh chụp 24/12/2013.  -AFP photo
Các bạn và các em thân mến
Noel đang về.
Noel đã về bằng cái rét ngọt của mùa đông, bằng tuyết rơi trên đỉnh Sapa lạnh lẽo, bằng những cơn gió hun hút thổi ngang đồng bó chặt thêm chiếc áo tơi mẹ ta đang mặc. Noel cũng về qua những bàn chân lạnh giá các trẻ thơ không giày dép đến trường hôm nay.
Noel đã về trên phố phường, trên các dãy phố, các chung cư với hàng đàn tuần lộc và những ông già noel chạy hối hả trên phố để đưa kịp những món quà noen.
Noel cũng đã về trong tâm trí những người Công giáo chúng ta qua lời hát: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
Cả thế giới đang nô nức đón Noel bằng mọi khả năng, bằng tất cả những điều có thể của mọi nền văn hóa.
Và giờ này, tôi nhớ đến các bạn, các em đang đơn côi, cô đơn trong nhà tù Cộng sản. Ở đó, Noel đến với các bạn, với anh chị em bằng cách nào?
Tôi cứ tưởng tượng ra cách đến của Noel với anh chị em bằng tiếng kêu loảng xoảng của tiếng xích sắt và khóa cửa tù. Thay vì những lời chúc nống ấm đậm tình người, Noel sẽ đến với anh chị em bằng những cái lườm nguýt, những lời nói như dao đâm, kiếm chém.
Thay cho cái se lạnh bên ngoài để người đời có cơ hội mang thêm chiếc áo đẹp, thì cái rét của nền xi măng lạnh ngắt sẽ chào đón anh em những đêm đông mất ngủ và bòn rút nốt chút sức lực của anh chị em.
Thay cho những sự âu yếm của gia đình, vợ con bên cạnh ngày noel, anh chị em được “an ủi” bởi rận rệp, kiến, gián của nhà tù….
Thay cho những bữa tiệc Réveillon là phần cơm tù nguội ngắt, bẩu thỉu đến man rợ.
Tôi cứ tưởng tượng ra vậy, để chia sẻ phần nào những gian lao của anh chị em trong những ngày này.
Anh chị em thân mến
Lẽ ra giờ này, anh chị em đang chuẩn bị những chiếc đèn nhỏ cuối cùng hoặc cành hoa trang trí hang đá Giáng sinh. Hay chuẩn bị tâm hồn sạch sẽ để đón Chúa Hài đồng đang đến với chúng ta.
Cũng có thể, giờ này anh chị em đang đưa những đứa con nhỏ của mình đi mua sắm thêm cho các cháu một chiếc mũ ông già Noel để các cháu vui hơn, hoặc đơn giản chỉ là đưa các cháu lượn phố xem không khí noel khắp nơi.
Thậm chí là chúng ta cùng gặp nhau chiều nay, uống mừng với nhau chén rượu để mừng Chúa ra đời.
Song, tất cả những điều đó chỉ là mơ ước của anh chị em giờ ở sau song sắt lạnh lùng của nhà tù Cộng sản.
Anh chị em đã chấp nhận tất cả những điều đó, chỉ bởi anh chị em đã bước lên theo tiếng gọi chân lý “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống”. Bước đường đi theo Sự thật, Công lý là bước đường gian nan mà anh chị em đã phải dấn thân không nề nguy nan, gian khó.
Và anh chị em phải trả giá như chính Thầy Chí Thánh Giêsu đã phải trả giá trên Thánh Giá năm xưa cho Sự thật, Công lý và Hòa bình, cho hạnh phúc của mọi người.
Và anh chị em đã đón Giáng sinh lạnh lẽo, đau đớn cô đơn sau những song sắt lạnh lùng, nghèo khó như chính Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh của chúng ta đã Giáng sinh trong hang lừa, máng cỏ nghèo hèn năm xưa.
Quả thật, đó là con đường gian nan, hiểm nguy.
Nhưng, đó là con đường có lực hấp dẫn lớn lao với những người dấn thân cho Hòa bình, cho nhân loại… thậm chí chấp nhận bỏ mình.
Anh chị em thân mến
IMG_6195-200.jpg
Những chiếc thiệp Giáng Sinh anh Nguyễn Hữu Vinh gửi tặng anh em trong tù.
Có thể những người bắt được anh chị em vào tù đang thấy yên tâm vì chúng đang rảnh tay với trò cướp bóc và bòn rút, hút máu người dân. Có thể họ đang hả hê vì anh em đang đớn đau sau tù ngục thì vắng đi những người làm phiền bọn chúng chia chác máu xương nhân dân.
Nhưng mọi sự trên đời đều có giá. Bàn tay công thẳng của Chúa sẽ nâng đỡ anh chị em, còn những kẻ hại người sẽ đến ngày họ phải tự tính sổ sách của mình. Chính những khi anh em co quắp trên sàn lạnh, đói rách trong cô đơn, anh chị em lại rất thanh thản, bình an. Ngược lại, những kẻ đang cầm tù anh chị em là khi chính họ đang tự cầm tù mình trong vòng vây của sự sa đọa, sợ hãi, bất an và đón chờ những hậu quả đau đớn.
Họ sẽ nhanh chóng bị lãng quên khi vừa rời khỏi chiếc ghế quyền lực và bạo lực. Nói cách khác, họ đã chết ngay khi còn sống. Còn anh chị em. chúng ta vững tin lời Chúa: “Đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác anh em mà không giết được linh hồn”.
Ở quê hương, bố mẹ, các em, con cái các bạn cũng như những người thân yêu nhất của anh chị em đang làm nốt những công việc cuối cùng cho một ngày lễ kỷ niệm biến cố trọng đại: Chúa sinh ra đời. Những người thân của anh chị em đang làm thay anh chị em những công việc thường nhật, nhỏ nhắn nhưng ý nghĩa cao vời đối với anh chị em.
Và chiều nay, tôi nhớ đến anh chị em.
Ngày xưa, Chúa Hài đồng đã giáng sinh nơi nghèo hèn để hiến thân cứu chuộc nhân loại trên Thánh Giá cho Thế gian được cứu rỗi.
Ngày nay, anh chị em đón Giáng sinh trong đơn côi, nghèo hèn và hiến thân mình bằng những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời con người sau những song sắt của nhà tù cộng sản độc tài cho dân tộc này, đất nước này được cứu rỗi.
Và tôi tin rằng: Chính anh chị em là hiện thân của những Chúa Giêsu đằng sau song sắt, ngài đang hiến mình cho dân tộc, cho đất nước này.
Cùng hiệp thông với anh chị em trong lời nguyện cầu với Chúa Hài Đồng cho đất nước và Giáo hội chúng ta.
Cùng cầu xin cho đất nước sớm thoát họa độc tài vô thần để nơi nơi vang lên câu hát Thiên Thần: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Thiện tâm”.
Hà Nội, chiều vọng Noel 24/12/2013

VN tăng trưởng kinh tế ‘hụt chỉ tiêu’

BBC

VNĐ
Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu bình ổn?
Giới quan sát nói nỗ lực ổn định vĩ mô của chính phủ có kết quả tích cực nhưng cảnh báo doanh nghiệp nhà nước sẽ vẫn ‘lết bết’.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 5,42% so với năm ngoái, thấp hơn 0,08% so với chỉ tiêu 5,5% của chính phủ đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% trong năm 2012.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với BBC rằng “những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ đã có những kết quả tích cực.”
Tuy nhiên ông cũng nói ông không tin là mức tăng trưởng 5,42% trong năm nay sẽ tạo đà cho Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,8% trong năm sau như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng phát biểu.
“Có thể năm sau sẽ khá hơn năm nay một chút nhưng sẽ không đạt được 5,8%,” ông nói.
Về công tác ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, ông A đánh giá ‘Chính phủ đã đạt được những kết quả ổn định kinh tế vĩ mô đáng ghi nhận’ và nói ông mong Chính phủ ‘tiếp tục phát huy và không lơ là trong chính sách ổn định kinh tế vĩ mô’.
Kinh tế tăng trưởng chỉ 5,4% với lạm phát 6% thật sự không đủ cho sự phát triển cuộc sống của người dân.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A
Tuy nhiên ông cho rằng các kết quả đạt được ‘vẫn rất mong manh’ và nguy cơ lạm phát bùng phát trở lại ‘vẫn còn nguyên đó’.
“Có nhiều người ham mê tăng trưởng kêu gọi kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng,” ông giải thích, “Không khéo sẽ rót tiền vào thùng không đáy là các doanh nghiệp nhà nước và bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào.”
Nhận định tình hình kinh tế năm 2014, Tiến sỹ A cho rằng ‘chắc chắn vẫn gặp nhiều khó khăn’.
“Hoạt động của các doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi mà quan trọng nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn chưa lấy được đà của mình,” ông nói.
“Lẽ ra trong thời gian vừa qua tình hình đã được cải thiện rất nhiều về mặt lãi suất mà các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn để phát triển sản xuất kinh doanh vì ngân hàng đang lún sâu vào nợ khó đòi,” ông nói thêm.
“Khu vực kinh tế nhà nước vẫn tiếp tục lết bết như năm nay thôi.”
Về công tác điều hành kinh t́ế của Chính phủ, ông cho rằng ‘cũng khó’ vì ‘Chính phủ khó có thể nhúc nhích được gì trong vòng kim cô rất khắt khe của Đảng cộng sản vẫn bám lấy những giáo điều cũ kỹ’.
Về cuộc sống của người dân, ông A nói ‘vẫn khó khăn’.
“Kinh tế tăng trưởng chỉ 5,4% với lạm phát 6% thật sự không đủ cho sự phát triển cuộc sống của người dân.”

Vàng thế giới giảm giá, VN ‘tháo chạy’

BBC

Giá vàng trên thế giới lao dốc kỷ lục dịp Giáng Sinh trong lúc có hiện tượng “tháo chạy” khỏi vàng từ Việt Nam.
Chốt phiên giao dịch trước Giáng Sinh, giá vàng trong nước giảm mạnh xuống còn 35 triệu đồng (1666 đô la) mỗi lượng.
Theo thông tin từ Công ty đá quý Sài GònSJC, công ty độc quyền về vàng miếng ở Việt Nam, giá vàng trong nước đã giảm xuống tới khoảng 35 triệu đồng (1666 đô la) trong ngày 24/12. Công ty này cho biết, giá vàng trong năm 2013 đã giảm 24% so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Công Tường, Giám đốc kinh doanh của SJC than thở về hiện tượng “tháo chạy” khỏi vàng từ khách hàng, trích dẫn từ VNexpress. Một công ty được quyền kinh doanh vàng khác ở Việt Nam là công ty vàng bạc đá qu‎ý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, lượng vàng khách mang đến bán lại gấp đôi đi mua.
“Có thể nhiều người thấy giữ vàng lỗ khi giá ngày càng giảm nên họ mang đi bán”, Vnexpress trích lời đại diện của PNJ.
Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng lao dốc kỉ lục trước kì nghỉ Giáng Sinh, xuống còn gần 1200 đô la/ounce, quy đổi ra tiền đồng là vào khoảng 30.5 triệu/lượng.
Theo tờ Financial Express, đây là mức giảm trong năm lớn nhất của vàng trong vòng 31 năm qua. Giá vàng từng đạt ngưỡng 1700 đô la/ounce vào đầu năm nay.
Theo ông Douglas Fraser, biên tập viên kinh tế của BBC Scotland, đây là một động thái khá bi quan của thị trường, vì Giáng sinh thường là thời điểm để mua vào nhiều hơn.
“Điều này cho thấy vàng là một mặt hàng đầu tư rất dễ biến động,” ông cho biết.
“Chênh giá lớn”

Giá vàng VN vẫn cao hơn giá vàng thế giới đáng kể.
Tuy giá vàng đã giảm mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn còn khá lớn. Tính đến ngày 24/12, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới khoảng gần 5 triệu đồng (250 đô la).
Mức chênh lệch giá luôn giữ ở mức cao kể từ đầu năm nay, khi chính phủ Việt Nam tuyên bố độc quyền thị trường vàng, có những lúc đạt ngưỡng hơn 7 triệu đồng (350 đô la).
Hồi giữa năm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã giải thích việc định giá bán vàng là do “thị trường quyết định” và nói việc nhà nước độc quyền vàng là để “đảm bảo giá cả thị trường không bị thao túng, không bị lũng đoạn”.
Tuy nhiên, điều mà ông Bình gọi là “cơ chế thị trường” đã gặp phải sự chỉ trích từ giới chuyên gia trong nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, tiến sỹ Lê Đăng Doanh đã đặt câu hỏi “hiện nay Nhà nước thì độc quyền, số lượng người mua thì hạn chế. Tôi không biết đó là cái loại thị trường thế nào?”
Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và nước ngoài cũng bị cho là nguy cơ dẫn đến chảy máu ngoại tệ vì tình trạng buôn lậu.
Ông Nguyễn Văn Bình đã từng đạt mục tiêu là sẽ đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về ngưỡng 400.000 đồng (20 đô la) cho một lượng.
Khi tiền đồng vẫn mất giá, người dân tại sẽ tìm đến thứ tài sản chắc chắn hơn để sở hữu. Tại một đất nước mà người dân chọn tiền chắc chắn (vàng) thay cho tiền xấu (VND), sẽ luôn có một nhu cầu muốn sở hữu vàng
Nhà phân tích tiền tệ Max Keiser
Ông cũng gây tranh cãi khi nói việc chênh lệch giá vàng là Bấm có lợi cho Nhà nước, cho nhân dân.
Mặc dù phải chịu nhiều sức ép, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố gần đây rằng Ngân hàng Nhà Nước “cần dứt khoát tiếp tục độc quyền xuất nhập khẩu vàng.”
Lượng vàng giao dịch trên thị trường giảm mạnh trong năm vừa qua, sau khi chính sách độc quyền vàng của nhà nước được công bố và giới quan sát nói khách hàng mua bán vàng chỉ còn bằng 30% so với năm ngoái.
Tuy nhiên vào giữa năm nay cây bút phân tích tiền tệ Bấm Max Keiser nhận định khi tiền đồng vẫn mất giá, người dân tại Việt Nam sẽ tìm đến thứ tài sản chắc chắn hơn để sở hữu.
Tại một đất nước mà người dân chọn tiền chắc chắn (vàng) thay cho tiền xấu (VND), sẽ luôn có một nhu cầu muốn sở hữu vàng.
Trong một báo cáo gần đây, Hiệp hội Vàng Thế giới ước tính số lượng vàng vật chất tại Việt Nam đang được trữ trong người dân là vào khoảng 400-500 tấn.
Cũng theo tổ chức này, tổng giá trị lượng vàng trên nếu tính theo mức giá hiện nay sẽ tương đương với 17-21 tỷ đôla.
Đây được cho là một nguồn ngoại tệ tiềm năng có thể giúp giảm áp lực vay nợ từ quốc tế và tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức được trao độc quyền cung ứng vàng từ ngày 25/5 năm ngoái.
Kể từ đó đến nay, cơ quan này đã tổ chức tổng cộng 74 lần đấu thầu, cung ứng ra thị trường gần 1,8 triệu lượng vàng.

Cảnh sát Trung Quốc bắn chết 6 phụ nữ Tân Cương

Quân đội Trung Quốc triển khai các toán tuần tra tại Urumqi - REUTERS /Stringer/Files
Quân đội Trung Quốc triển khai các toán tuần tra tại Urumqi – REUTERS /Stringer/Files

Thanh Hà  -RFI

Trong số 16 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xung đột vào tuần trước giữa cảnh sát với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương có 6 phụ nữ. Điều hoàn toàn trái ngược với thông tin từ phía công an Trung Quốc. Tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, trụ sở tại Minchen-Đức vừa cho biết tin trên vào sáng nay, 24/12/2013.
Theo thông cáo của Tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, trong cuộc bố ráp ngày 17/12/2013 cảnh sát Trung Quốc đã bao vây nhà và sát hại cả một gia đình người Duy Ngô Nhĩ tại Saybagh. Gia đình này đang sửa soạn tổ chức lễ cưới cho một thành viên.
Một nhân chứng khác cho phóng viên của đài phát thanh Mỹ, Á châu Tự do biết phía cảnh sát Trung Quốc đã có hành động khiêu khích khi kéo tấm voan che mặt của một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong gia đình này lên. Đây là một cử chị bị coi là xúc phạm đối với nữ giới trong văn hóa của người theo đạo Hồi.
Trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc lại đưa tin công an bị một nhóm côn đồ có mang theo thuốc nổ và tấn công bằng dao, hai nhân viên thiệt mạng. 14 nạn nhân còn lại đều là người Duy Ngô Nhĩ và theo tổ chức của người Duy Ngô Nhĩ lưu vong, trong số đó có 6 phụ nữ.
Chính quyền địa phương khẳng định là công an đã can thiệp để phá vỡ một âm mưu khủng bố. Các thành viên trong gia đình nói trên bị quy tội phổ biến những ý tưởng cực đoan và đang có âm mưu làm bom tự tạo.
Các vụ bạo động xảy ra tại Tân Cương đều bị chính quyền Bắc Kinh coi là những « hành vi khủng bố » do sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi tiến hành.

Đàn áp tôn giáo trong mùa Giáng sinh ở Hà Nam, Trung Quốc

RFA

Tín đồ Kitô giáo cầu nguyện trong mùa Giáng sinh tại nhà thờ làng quận Yanling, tỉnh Hà Nam, TQ.
Tín đồ Kitô giáo cầu nguyện trong mùa Giáng sinh tại nhà thờ làng quận Yanling, tỉnh Hà Nam, TQ.   -EYEPRESS NEWS
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Hoa Lục cho biết những nhóm côn đồ do nhà nước thuê mướn đã hành hung đoàn luật sư và tín đồ ủng hộ một mục sư tin lành đang bị giam cầm chỉ vì không đồng ý cho chính quyền địa phương lấy đất của nhà thờ.
Vụ việc mới xảy ra hồi tối nay ở Hà Nam.
Các bản tin chúng tôi thu thập được nói rằng khoảng 40 tên côn đồ đã bao vây nhà của mục sư Trương Phong Duệ, dùng những lời lẽ tục tằn để chửi bới, trước khi xông vào đánh đập những người trong nhà.
Bản tin của AFP và Reuters cho biết những người bị hành hung gồm có bà vợ của ông mục sư, 5 tìn đồ và 2 luật sư.
Mục sư Trương Phong Duệ và những người làm việc với ông bị chính quyền Hà Nam bắt giam đã hơn một tháng nay, sau khi họ không chấp nhận lệnh tịch thu đất của nhà thờ. Chuyện ông bị bắt đã dấy lên một phong trào phản đối của các giáo hội Tin Lành ở nhiều địa phương khác, cho rằng nhà nước Bắc Kinh vi phạm quyền tự do tín ngưỡng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét