Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Ngày 17/11/2013 - Liệu Việt Nam có vượt qua được thử thách ‘cải cách’ để hưởng lợi từ TPP?

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Liệu Việt Nam có vượt qua được thử thách ‘cải cách’ để hưởng lợi từ TPP?


Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ là một trong những nước có cơ hội được hưởng lợi nhiều nhất vì mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những rào cản hàng hóa cho dịch vụ. Tuy nhiên, không cơ hội nào lại không đi kèm thách thức. Một trong số đó nếu tham gia vào TPP là một cuộc “cải cách” thực sự để có thể chạm tới “miếng bánh” lợi ích từ TPP.


Dệt may Việt Nam hứa hẹn sẽ được hưởng lợi lớn từ TPP nếu thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào của Trung Quốc

Phát biểu tại Hội nghị “Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự tham gia của Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, nhấn mạnh TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi khác với Hiệp định WTO chỉ mang tính đàm phán một chiều, tức là Việt Nam phải mở cửa thị trường cho các nước thành viên WTO và không có quyền đòi hỏi ngược lại thì Hiệp định TPP là một hiệp định “có đi có lại”, các nước tham gia đều phải mở rộng thị trường với các thành viên.
Nhận định về lợi ích của việc gia nhập TPP đối với Việt Nam, Giáo sư Peter A. Petri, Đại học Brandeis (Mỹ) cho rằng: “GDP Việt Nam vào năm 2015 sẽ tăng thêm 26,2 tỷ USD từ lúc TPP được ký kết (dự kiến vào cuối năm nay). Nếu Nhật tham gia, con số gia tăng sẽ là 35,7 tỷ USD”.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng đánh giá rằng với việc gia nhập TPP, các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam, chẳng hạn dệt may là da giày là hai ngành có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn sang thị trường Hoa Kỳ, sẽ rất có lợi. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của dệt may –ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam- chính là khả năng tự chủ, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nguồn cung nguyên liệu đầu vào nếu muốn được hưởng mức ưu đãi thuế 0% khi tham gia vào TPP thay vì mức thuế 17,3% hiện nay. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi hệ thống kết nối giữa hai đầu cung ưng nguyên liệu và sản xuất thành phẩm ở Việt Nam khá rời rạc, manh mún, thường xuyên bị xé lẻ bởi những tính toán riêng.
Theo TS. Lê Đăng Doanh “không bông hồng nào mà không có gai”, nghĩa là gia nhập TPP có thể mang lại cơ hội nhưng cũng kèm theo vô số thách thức khác. Trong đó, TS. Doanh cho rằng thách thức lớn nhất là vấn đề cải cách, ông nhấn mạnh rằng một trong những cải cách khi gia nhập TPP là về quyền của người lao động. Trong TPP, người lao động sẽ được tự do thành lập nghiệp đoàn, tự do thương thảo hợp đồng với chủ sử dụng lao động. Song, điều này có thể mâu thuẫn với Luật Công đoàn tại Việt Nam, buộc Việt Nam phải điều chỉnh để phù hợp với các cam kết quốc tế.
Ngoài ra, việc gia nhập TPP cũng đòi hỏi các nhà làm chính sách Việt Nam phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra sân chơi công bằng giữa các doanh nghiệp, thay đổi chính sách chi tiêu của Chính phủ, minh bạch hóa thông tin. Thách thức cải cách này xem ra khó có thể thực hiện ngay trong một khoảng thời gian ngắn khi thời gian dự kiến tham gia TPP của Việt Nam không còn nhiều.
Trong khi đó, theo báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh thế giới 2014 của Ngân hàng Thế giới được công bố hôm 29/10/2013, trái ngược với đà bứt phá của các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam vẫn “dậm chân tại chỗ” với thứ hạng 99/189. Điều đáng nói là nhiều chỉ tiêu “sát sườn” với các doanh nghiệp như nộp thuế, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ đầu tư… bị đánh giá ở mức cực kỳ thấp, thậm chí là gần như đội sổ toàn cầu. Nếu không nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, đây không chỉ là rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn “giết chết” sức cạnh tranh của chính các doanh nghiệp nội trước tiềm lực của những “ông lớn” nước ngoài. Đây quả là một “nấc xà” mới có thể sẽ quá sức với Việt Nam nếu không có được sự “luyện tập” chuẩn bị trước để nhảy qua.
THEO SỐNG MỚI

Dấu hiệu ngân hàng ở Việt Nam khủng hoảng nặng

Tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục tăng. Các ngân hàng đang tìm mọi cách để loại bỏ bớt một số không ít nhân viên, dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng ngày một nặng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị của Eximbank, trao đổi với báo giới quanh dự tính cắt giảm 1,000 nhân viên của ngân hàng này. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đó là những dấu hiệu mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng của toàn bộ hệ thống này tại Việt Nam.

Thông báo mới nhất của Ngân hàng quốc gia cho biết, tính đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là 142 ngàn tỷ, cao hơn 24 ngàn tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên trò chuyện với BBC,  ngày 15/11, một chuyên viên phân tích làm việc cho hãng xếp hạng tín dụng Moody's tên là Christian De Guzman, bảo rằng ông tin những số liệu mà Ngân hàng Quốc gia của CSVN đưa ra là chính xác.

Số liệu về nợ xấu của hệ thống ngân hàng mà Moody's công bố luôn cao hơn các con số do hệ thống ngân hàng Việt Nam loan báo. Theo ông Guzman, nếu nợ xấu vẫn tăng dù tốc độ tăng chậm lại thì điều đó vẫn đồng nghĩa với việc cả hệ thống ngân hàng đang đối mặt với khó khăn rất lớn.

Để giải quyết tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nhà cầm quyền Việt Nam  thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ông Guzman nhận định, số vốn mà VAMC được cấp quá nhỏ so với thống kê về nợ xấu mà Moody's hiện có.

Cũng trò chuyện với BBC về hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Alfred Chan, Giám đốc định chế tài chính của tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, cho rằng, VAMC không thực sự giúp hệ thống ngân hàng tiếp cận vốn mới, điều đó sẽ làm cho hệ thống này không thể đối phó với nợ xấu và không thể kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế.

Một số dấu hiệu đang diễn ra cho thấy Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Trong một bài viết có tựa là “Hàng ngàn nhân viên ngân hàng mất việc”, tờ Tuổi Trẻ mô tả kỹ lưỡng tình trạng khốn cùng và tương lai ảm đảm của những người làm việc cho hệ thống này tại Việt Nam.

Trước đó, Trong sáu tháng đầu năm nay, có khoảng 1200 nhân viên của các ngân hàng Vietinbank, BIDV, Ngân hàng Á Châu và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn mất việc. Đến qúy ba (tháng 7 đến tháng 9), chỉ riêng Ngân hàng Á Châu (ACB) đã có 700 nhân viên bị mất việc. Chưa kể Ngân hàng (quốc doanh) Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa tuyên bố sẽ cho nghỉ việc hàng ngàn nhân viên.

Các nhân viên bị mất việc kể với phóng viên tờ Tuổi Trẻ rằng, ngoài việc cho nghỉ việc, những ngân hàng nơi họ làm việc còn tìm đủ mọi cách để ép họ tự xin nghỉ. Ví dụ như buộc họ hoàn tất các “chỉ tiêu không tưởng”, vô cớ giáng cấp những nhân viên đang làm quản lý, liên tục hạ lương, gây khó khăn, căng thẳng như buộc phải “đăng ký trước về thời điểm có con để duyệt xét, sắp xếp công việc cho hợp lý”.
(Người Việt)

Danh hiệu to, nợ xấu khủng

Một hiện tượng khá lạ là rất nhiều các ngân hàng có báo cáo “xấu” trong quý III/2013 vừa qua cũng đồng thời là những đơn vị vừa được nhận các danh hiệu điển hình tiên tiến. Dù mới nhận danh hiệu “Ngân hàng có Bảng cân đối vững mạnh nhất năm 2013” của Tạp chí Asian Banker (TAB) cùng “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2013” của Tạp chí Finance Asia đều được công bố trong tháng 9 vừa qua, song báo cáo quý III/2013 lại chỉ ra rằng tình hình tài chính của Vietcombank (VCB) đang trở nên “xấu” hơn. Theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu của VCB tăng mạnh từ con số 2,4% hồi đầu năm 2013 lên 2,98%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 2.683 tỷ đồng, tăng đến 85% so với đầu năm. Còn lợi nhuận sau thuế giảm 6% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng giảm 10%. Dù rằng vẫn biện luận con số 2,98% vẫn nằm ở ngưỡng an toàn dưới 3%, song rõ ràng để nợ xấu xấu hơn cũng có nghĩa là ngân hàng làm ăn kém hiệu quả.
Trong khi đó, Anh hùng lao động Vietinbank vừa nhận danh hiệu “World Class” của Giải thưởng chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) năm 2013 hồi tháng 10 cũng ghi nhận nợ có khả năng mất vốn quý III/2013 tăng gấp đôi, lên đến 5.431 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế giảm 19,2%. “Ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam” MB (Ngân hàng Quân đội) cũng không thoát khỏi xu hướng chung về nợ xấu với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,85% lên 2,58%. Trong đó, nợ xấu có khả năng mất vốn chiếm nhiều nhất với 46,9%, tăng mạnh 52% so với cùng kỳ, lên 972 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cuối quý III/2013 là 3,34%, tăng mạnh so với 2,5% hồi đầu năm. Trong khi đó, Eximbank – “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam 2013” do tạp chí Euromoney bình chọn – cũng chứng kiến nợ xấu tăng gấp rưỡi so với cuối 2012, lên 1.457 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) tụt giảm nghiêm trọng 84% so với cùng kỳ, xuống còn 97 tỷ đồng trong khi tỷ lệ nợ xấu tiếp tục “leo thang” từ 2,7% lên tới 5,93%. Nợ có khả năng mất vốn tăng đến 56% và ở mức 1.382 tỷ đồng, chiếm 33% tổng nợ xấu.
Với những cái tên dưới chiếu tình cảnh cũng không có gì khá hơn. SHB của bầu Hiển – mới đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì – cho biết tổng nợ xấu quý III/2013 đạt 5.072 tỷ đồng, tương đương 7,74% dư nợ với nợ xấu có khả năng mất vốn tăng 74% so với cuối năm ngoái. Ngân hàng Phương Nam, vừa mới trải qua một đợt thay đổi nhân sự trong HĐQT, cũng có nợ xấu tăng mạnh từ 1.317 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 1.651 tỷ đồng, chiếm 3,79% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận sau thuế giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do hoạt động đầu tư chứng khoán lỗ hơn 44 tỷ đồng.
Quý III/2013, Navibank – với ông Đặng Thành Tâm đã có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT ngày 08/04/2013 sau gần 3 năm với lý do cá nhân – chỉ lãi sau thuế 2,6 tỷ đồng, tương đương 40% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nợ xấu chiếm 8,7% tổng dư nợ, tăng hơn 3% so với hồi đầu năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Navibank tăng trưởng tín dụng âm 8,95%, còn tăng trưởng huy động âm 21,4%. Trong khi đó, theo Vietnamnet, Masan dù chưa có báo cáo chính thức, song thông tin từ ngân hàng này cho biết lãi thuần quý III/2013 của nhà băng giảm tới 84% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng sụt giảm 66,4%. Sacombank cũng tuyên bố nợ xấu giảm. Song việc các cổ đông lớn như cha con ông Trầm Bê muốn thoái vốn hay việc thúc đẩy sáp nhập với Eximbank – một động thái thường chỉ diễn ra khi các đơn vị làm ăn kém hiệu quả – vẫn dấy lên nhiều hoài nghi xung quanh báo cáo của ngân hàng này.
Tuy nhiên, chuyện thừa nhận nợ xấu tăng cũng chỉ như một động tác có lệ. Bởi quý III/2013 vừa qua, doanh nghiệp chết vẫn nhiều, tồn kho vẫn cao, sức mua vẫn yếu, 30.000 tỷ đồng mãi mới giải ngân được hơn 1%, trong khi VAMC mới chỉ khởi động, nên hiển nhiên nợ xấu không thể cùng nhau đi xuống, nhất là khi NHNN đã thừa nhận tổng nợ xấu toàn ngành đã tăng 22% so với thời điểm cuối năm 2012. Hơn nữa, dù nợ xấu có được thừa nhận là tăng, song hầu hết tỷ lệ được công bố vẫn chỉ chạy xung quanh ngưỡng an toàn 3% để làm bệ đỡ nhằm giảm bớt những chỉ trích cho rằng giới ngân hàng đã tung ra quá nhiều khoản vay dưới chuẩn trong thời kỳ kinh tế phát triển nóng.
Tính tổng thể các NHTM Nhà nước, Ngân hàng chính sách, Ngân hàng TMCP, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, Việt Nam có khoảng 98 đơn vị. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ xác định 9 ngân hàng yếu kém. Cứ nhìn vào các báo cáo “xấu” trên cũng đủ thấy để cả một thị trường trầm lắng, lao đao trong một thời gian dài thì không thể chỉ có con số 9 ít ỏi đó được.
Một điều lạ nữa là, hầu hết các báo cáo đều chỉ ra các ngân hàng có lợi nhuận không như ý một phần rất lớn đến từ chi phí quá cao. Song theo trang BizLIVE, mức lương trung bình của giới ngân hàng vẫn còn rất cao. Mỗi nhân viên Vietinbank, MB trung bình nhận được khoảng 18,8 triệu đồng/tháng, trong khi mức thu nhập bình quân đầu người ở Vietcombank là 18,3 triệu đồng/tháng, còn Sacombank là 18,2 triệu đồng/tháng.
THEO SỐNG MỚI

Phía bên kia sự “xoay trục”: Lộ trình mới cho quan hệ Mỹ – Trung

Tóm tắt nội dung và tiểu sử tác giả
Chiến lược “xoay trục” của chính quyền Obama hướng đến châu Á rất có ý nghĩa, bởi vì Trung Quốc bắt đầu nghi ngờ sức mạnh của Mỹ. Bây giờ Washington đã gửi đến Bắc Kinh một thông điệp công khai rằng nước này sẽ ở lại trong khoảng thời gian dài, tuy nhiên, đã đến lúc hai nước cần tăng cường và thể chế hóa mối quan hệ của đôi bên để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Kevin Rudd là một thành viên của Quốc hội Úc. Ông từng giữ chức Thủ tướng Úc giai đoạn 2007-2010 và Bộ trưởng Ngoại giao giai đoạn 2010-2012.

Cuộc tranh luận về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Trung hiện đang được Trung Quốc thúc đẩy bằng một chính sách đối ngoại và an ninh quyết đoán hơn trong suốt thập kỷ qua, còn phản ứng của khu vực và cả Washington trên vấn đề này là “xoay trục”, hay “tái cân bằng” hướng đến châu Á. Chính quyền Obama chú trọng tới tầm quan trọng chiến lược ở Châu Á là hoàn toàn phù hợp. Nếu không có động thái như vậy thì đã có thể xảy ra nguy cơ rằng Trung Quốc, với đường lối cứng rắn và quan điểm hiện thực trong quan hệ quốc tế, sẽ kết luận rằng Mỹ đang mất dần quyền lực ở Thái Bình Dương khi nền kinh tế bị kiệt quệ. Nhưng với tình hình hiện nay, rõ ràng Mỹ sẽ vẫn tiếp tục sát cánh cùng Châu Á trong một thời gian dài nữa, cũng đã đến lúc cả Washington và Bắc Kinh nên rà soát lại tình hình, nhìn về tương lai để tiến tới đạt được một số dàn xếp lâu dài, chẳng hạn như họ muốn thấy một trật tự thế giới nào ở bên kia những hàng rào chắn.
Các nhiệm vụ trọng tâm của Châu Á trong những thập kỉ tới là tránh được cuộc đối đầu lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, và duy trì sự ổn định chiến lược vẫn đang củng cố sự thịnh vượng trong khu vực. Các nhiệm vụ này tuy khó khăn nhưng lại khả thi. Chúng đòi hỏi cả hai bên phải thấu hiểu lẫn nhau, phải hành động bình tĩnh bất chấp các hành động khiêu khích phức tạp, đồng thời quản lý các lực lượng trong nước và tại khu vực đang gây nguy cơ chia rẽ họ. Hệ quả là điều này sẽ đòi hỏi một mối quan hệ sâu sắc hơn, thể chế hóa hơn – được neo chặt vào một khuôn khổ chiến lược chấp nhận thực tế cạnh tranh, tầm quan trọng của hợp tác, và sự thật rằng chúng không phải là những mệnh đề loại trừ lẫn nhau. Hơn nữa, một cách tiếp cận mới như vậy nên đạt được hiệu quả thực tế thông qua một chương trình nghị sự có kế hoạch bao gồm các cuộc họp thường kỳ trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo hai nước.


Mỹ trở lại Đông Á (Ảnh: Internet)

KHÔNG CÒN LÀ CON RỒNG ẨN MÌNH
Sự trỗi dậy của Trung Quốc về tốc độ, quy mô, và tầm ảnh hưởng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử cận đại. Chỉ trong vòng 30 năm, nền kinh tế Trung Quốc từ mức thấp hơn nền kinh tế Hà Lan đã tăng trưởng lên đến mức cao hơn mọi quốc gia khác, ngoại trừ Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất, theo như một vài dự đoán, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ thời đại đế George III, một quốc gia không nói tiếng Anh, không phải Phương Tây, đồng thời phi dân chủ, sẽ dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu. Lịch sử dạy rằng sức mạnh kinh tế ở chỗ nào, quyền lực chính trị và chiến lược sẽ theo đến chỗ đó. Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ chắc chắn tạo ra những lợi ích, giá trị và các thế giới quan đan xen lẫn nhau, cũng đôi khi gây mâu thuẫn. Giữ gìn hòa bình sẽ không chỉ là rất quan trọng đối với 3 tỉ người coi Châu Á là nhà, mà còn đối với trật tự thế giới trong tương lai. Phần lớn lịch sử thế kỉ 21, bất kể là tốt hay xấu, đều sẽ được viết tại Châu Á, và điều này sẽ được dẫn dắt bởi câu hỏi liệu có thể quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc một cách hòa bình mà không gây ra bất kì sự gián đoạn cơ bản nào đối với trật tự thế giới hay không.
Trật tự hậu chiến của Châu Á dựa trên sự hiện diện và tính ổn định quyền lực của Mỹ, được neo chặt trong mạng lưới liên minh quân sự và các đối tác. Điều này được hầu hết các thủ đô trong khu vực hoan nghênh, thứ nhất là để ngăn chặn chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản xuất hiện trở lại, tiếp đó là tạo đối trọng chiến lược với Liên Xô, sau nữa là một sự đảm bảo an ninh cho Tokyo và Seoul (để loại bỏ nhu cầu cần tới các chương trình vũ khí hạt nhân trong nước), đồng thời là một van điều tiết đối với một số căng thẳng nhỏ hơn trong khu vực. Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những khó khăn về tài khóa và kinh tế của Mỹ đã bắt đầu khiến người ta đặt câu hỏi về tính bền vững của khuôn khổ này. Một cảm giác bất ổn về mặt chiến lược và một mức độ hàng rào chiến lược nhất định đã bắt đầu nổi lên ở nhiều thủ đô khác nhau. “Sự tái cân bằng” của chính quyền Obama đã từng được sử dụng làm nền tảng chiến lược cho những điều chỉnh và tái lập cần thiết. Nhưng bản thân nó sẽ không đủ để duy trì nền hòa bình – một thách thức đang trở nên ngày càng phức tạp và cấp thiết khi mà chính trị nước lớn tương tác với nhau thông qua một loạt các cuộc xung đột nhỏ đang gia tăng ở khu vực và các tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trung Quốc đánh giá những phát triển này thông qua lăng kính của riêng mình đối với các ưu tiên trong nước và quốc tế. Uỷ ban thường vụ Bộ Chính trị, bao gồm các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản, coi trách nhiệm cốt lõi của họ là giữ cho Đảng Cộng sản cầm quyền, duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước (bao gồm cả việc chống lại phong trào ly khai và bảo vệ chủ quyền biển đảo ngoài khơi), duy trì tăng trưởng kinh tế vượt bậc bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng Trung Quốc, giữ gìn sự ổn định toàn cầu và khu vực sao cho không làm chệch hướng kế hoạch tăng trưởng kinh tế, hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và khẳng định mạnh mẽ hơn nữa các quyền lợi chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cũng như nâng cao vị thế cường quốc của Trung Quốc.
Các ưu tiên toàn cầu và khu vực của Trung Quốc được hình thành chủ yếu từ các mệnh lệnh kinh tế và chính trị trong nước. Trong một thời đại mà chủ nghĩa Mác đã đánh mất sự liên quan tới ý thức hệ của nó, tính chính danh liên tục của Đảng (cộng sản) phụ thuộc vào sự kết hợp giữa thành quả kinh tế, chủ nghĩa dân tộc, và kiểm soát tham nhũng. Trung Quốc cũng xem xét sự trỗi dậy của họ trong bối cảnh lịch sử quốc gia như là sự kháng cự cuối cùng của một thế kỉ bị nước ngoài sỉ nhục (bắt đầu với cuộc chiến tranh nha phiến và kết thúc bằng sự chiếm đóng của Nhật Bản), đồng thời như là sự quay trở lại địa vị thích hợp của nước này trong tư cách một nền văn minh vĩ đại có chỗ đứng được tôn trọng giữa các quốc gia hàng đầu thế giới. Trung Quốc chỉ ra rằng lịch sử của họ ít khi xâm lược các quốc gia khác và không theo đuổi chủ nghĩa thực dân trên biển (không giống các nước Châu Âu), và bản thân họ cũng từng nhiều lần là mục tiêu xâm lược của nước ngoài. Do đó, theo quan điểm của Trung Quốc, phương Tây và các quốc gia khác không có lý do gì để lo sợ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trên thực tế, họ được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Bất kỳ một quan điểm nào khác đều bị gọt giũa dưới góc độ của “Mối đe dọa Trung Quốc”, được xem như là một cái cớ cho một chính sách kiềm chế trên thực tế của Mỹ.
Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc bỏ qua là sự khác biệt giữa “mối đe dọa” và ”sự bất ổn” -  còn được các nhà lý luận quan hệ quốc tế gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh” – có nghĩa là cách thức theo đuổi lợi ích chính đáng của Bắc Kinh có thể gây ra các mối quan ngại cho các bên liên quan khác. Điều này đặt ra một câu hỏi rộng hơn là liệu Trung Quốc có phát triển một chiến lược lớn trong dài hạn hay không. Những phát biểu công khai của Bắc Kinh – quả quyết rằng Trung Quốc muốn theo đuổi một “sự trỗi dậy hòa bình” hoặc một “sự phát triển hòa bình” và tin tưởng vào sự hợp tác “cùng có lợi” hoặc “một thế giới hài hòa” – đã không giúp ích gì nhiều cho việc làm sáng tỏ các vấn đề, tương tự như sự viện dẫn câu châm ngôn “Giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Với người nước ngoài, vấn đề cốt lõi là một khi đạt được vị thế cường quốc, liệu Trung Quốc có tiếp tục cùng hợp tác trong trật tự toàn cầu dựa trên các nguyên tắc hiện hành hay không, hay thay vào đó sẽ tìm cách xác định lại trật tự đó theo cách nhìn của nước này. Đây vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
TẬP CẬN BÌNH, NGƯỜI PHẢI ĐƯỢC TUÂN THỦ
Trong các tham số ưu tiên nói chung của Trung Quốc, Tập Cận Bình, Tổng bí thư mới được bổ nhiệm của Đảng Cộng Sản và cũng là tân chủ tịch nước, sẽ có ảnh hưởng quan trọng, có lẽ quyết định, tới chính sách quốc gia. Ông Tập thấy thoải mái trong vai trò lãnh đạo. Ông ta tự tin cả về kinh nghiệm quân đội và chủ trương cải cách của ông ta, việc không có gì phải chứng tỏ trên những mặt trận này cho phép ông ta một chút tự do để lèo lái. Ông ta là người ham hiểu biết và có cái nhìn của một sử gia về trách nhiệm của ông ta đối với đất nước. Ông ta có bản năng lãnh đạo và khó có thể thỏa mãn với việc chỉ đơn giản duy trì chính sách nguyên trạng. Trong tất cả những người tiền nhiệm kể từ Đặng Tiểu Bình, ông ta trở thành vị quan chức Trung Quốc có chỗ đứng cao hơn cả những người đứng đầu đồng cấp, mặc dù vẫn nằm trong khuôn khổ lãnh đạo tập thể.
Ông Tập cũng tạo ra một bước tiến chưa từng có. Ông ta thẳng thừng tuyên bố rằng nếu không giải quyết được tham nhũng, Trung Quốc sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn như mùa xuân Ả Rập, cho ban hành các quy tắc minh bạch mới nhằm xử lý mâu thuẫn lợi ích trong giới lãnh đạo. Ông ta đề ra các hướng dẫn Bộ Chính Trị nhằm cắt giảm các cuộc họp vô bổ cùng các bài phát biểu chính trị dài dòng, ủng hộ hành động chống lại một số trang web và các bài báo thẳng thắn đề cập đến chính trị đất nước, và ca ngợi các nhà cải cách đã hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Đặc biệt nhất là ông Tập đã công khai sử dụng cuốn sổ tay chính trị của Đặng Tiểu Bình, tuyên bố rằng Trung Quốc bây giờ cần nhiều cải cách kinh tế hơn nữa. Tuy nhiên, về chính sách đối ngoại và an ninh, ông Tập lại tỏ ra tương đối trầm lắng. Trong tư cách là một thành viên cấp cao của Ủy ban quân sự trung ương, cơ quan kiểm soát lực lượng vũ trang của đất nước (ông Tập từng là phó chủ tịch giai đoạn 2010-2012, và gần đây được bổ nhiệm chức chủ tịch cơ quan này), ông Tập đóng một vai trò quan trọng trong nhóm lãnh đạo ủy ban này về chính sách Biển Đông và Biển Hoa Đông, còn cách hành xử gần đây của Bắc Kinh trên các tuyến đường thủy khiến cho một vài nhà phân tích đi đến kết luận rằng ông Tập là một người theo đuổi đường lối cứng rắn không nhân nhượng trong chính sách an ninh quốc gia. Vài người khác chú trọng đến những công thức đối ngoại mà ông ta sử dụng trong suốt chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng Hai 2012, thời điểm ông đề cập đến sự cần thiết của “một kiểu mẫu quan hệ cường quốc mới” với Washington và rõ ràng đã lúng túng khi có rất ít phản ứng thực sự từ phía Mỹ.
Trong thời điểm hiện tại, thật không chính xác nếu xem Tập như là một Gorbachev tiềm năng, còn các cải cách của ông ta là sự khởi đầu của chính sách công khai thẳng thắn (glasnost) của Trung Quốc. Trung Quốc không phải là Liên Xô cũ, cũng không phải sẽ trở thành Liên bang Nga. Tuy nhiên, trong thập kỉ tới, có khả năng ông Tập sẽ dẫn dắt Trung Quốc theo một hướng mới. Các nhà lãnh đạo mới của nước này là các nhà cải cách kinh tế theo bản năng hoặc có trí thức. Việc thực thi những chuyển đổi to lớn mà họ dự định sẽ tiêu tốn gần hết nguồn vốn chính trị của họ và sẽ đòi hỏi phải duy trì sự kiểm soát chính trị kiên quyết, ngay cả khi các cuộc cải tổ tạo ra các lực lượng mạnh mẽ cho thay đổi chính trị và xã hội. Cho đến nay vẫn chưa thấy có bản thảo thống nhất về các cải cách chính trị dài hạn; chỉ có nhiệm vụ duy nhất trước mắt là mở rộng đặc quyền trong nội bộ Đảng gồm 82 triệu thành viên. Khi liên quan đến chính sách đối ngoại, trọng tâm của nhiệm vụ kinh tế nội địa bao hàm ý nghĩa là các nhà lãnh đạo thậm chí còn phải quan tâm mạnh mẽ hơn tới việc duy trì tính ổn định chiến lược trong ít nhất một thập kỉ tới. Điều này đôi khi có thể mâu thuẫn với các tuyên bố chủ quyền ngoài khơi của Trung Quốc, nhưng khi xảy ra, Trung Quốc sẽ muốn giải quyết các mâu thuẫn hơn là để chúng làm chệch hướng sự ổn định đã đạt được. Sau khi cân nhắc mọi khía cạnh, ông Tập là nhà lãnh đạo mà Mỹ nên tìm cách hợp tác, không chỉ để quản lý các vấn đề chiến thuật hàng ngày mà còn đề cập đến các vấn đề chiến lược lâu dài và sâu rộng hơn.


Tập Cận Bình vs. Barack Obama, 2012 (Ảnh: Internet)

ĐẾN LƯỢT OBAMA GIÀNH THẾ CHỦ ĐỘNG
Chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama không chỉ là một tuyên bố quân sự, mà còn là một phần của chiến lược ngoại giao và kinh tế rộng lớn hơn đối với khu vực, bao gồm quyết định trở thành thành viên của Hội Nghị cấp cao Đông Á và các kế hoạch phát triển quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược của Mỹ với Ấn Độ, và chính sách mở cửa với Miến Điện. Một số người chỉ trích rằng sức mạnh phục hồi của Washington là nguyên nhân gây ra những căng thẳng đang gia tăng gần đây ở khu vực Đông Á. Nhưng quan điểm này không đứng vững trước cuộc khảo sát cho thấy rằng các sự cố an ninh khu vực đáng chú ý đã bắt đầu từ hơn nửa thập kỉ trước.
Trung Quốc, một quốc gia của các nhà lý luận chủ nghĩa hiện thực trong các chính sách đối ngoại và an ninh, nơi Clausewits, Carr, và Morgenthau là những tác giả bắt buộc phải đọc trong các học viện quân sự, tôn trọng sức mạnh chiến lược, khinh thường sự dao động và yếu đuối. Không kỳ vọng rằng Bắc Kinh có thể chào đón sự xoay trục. Nhưng việc nước này đối lập với nó không có nghĩa là chính sách mới của Mỹ là sai lầm. Chính sách tái cân bằng được hoan nghênh trên khắp các thủ đô của Châu Á – không phải vì Trung Quốc được nhìn nhận là một mối đe dọa, mà bởi vì các chính quyền ở Châu Á không chắc chắn rằng một khu vực được Trung Quốc thống trị sẽ mang lại ý nghĩa gì. Vậy giờ đây khi chính sách tái cân bằng đang được triển khai, câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ là phải làm gì tiếp theo với các mối quan hệ Trung Quốc.
Một khả năng là Hoa Kỳ có thể nâng mức độ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, chứng tỏ rằng Bắc Kinh không có cơ hội tiêu tốn nguồn lực quá mức hoặc vượt trội hơn Washington và các đồng minh. Nhưng điều này sẽ không ổn định về mặt tài chính và do đó không đáng tin cậy. Khả năng thứ hai là giữ nguyên trạng khi chính sách tái cân bằng có hiệu lực, không chấp nhận sự cải thiện cơ bản nào trong mối quan hệ song phương và luôn chỉ tập trung vào các sự kiện và quản lý khủng hoảng. Nhưng điều này sẽ là quá thụ động và có nguy cơ bị choáng ngợp bởi số lượng và mức độ phức tạp cần phải xử lý khi xảy ra các cuộc khủng hoảng khu vực; hệ quả là có thể gây chệch hướng chiến lược, dẫn tới một quỹ đạo ngày càng tiêu cực.
Khả năng thứ ba là có thể cùng lúc thay đổi tiến độ của mối quan hệ bằng cách giới thiệu một khuôn khổ hợp tác mới với Trung Quốc, trong đó công nhận thực tế cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, xác định các lĩnh vực chủ chốt gồm các lợi ích chung để cộng tác và hành động, qua đó bắt đầu thu hẹp khoảng cách thiếu tin tưởng lớn giữa hai nước. Thực hiện một cách đúng đắn, một chiến lược như vậy sẽ không gây hại gì, ít vấp phải rủi ro, và mang lại những kết quả thực tế. Nó có thể làm giảm vài nhiệt độ trong khu vực, lái các cơ quan an ninh quốc gia của cả hai nước tập trung vào các chương trình nghị sự chung được phê duyệt ở tầng cao nhất, giúp giảm nguy cơ gây chệch hướng chiến lược một cách tiêu cực.
Một yếu tố quan trọng của một chính sách như vậy sẽ phải là sự cam kết tham dự các cuộc họp thượng đỉnh thường xuyên. Hiện đang diễn ra nhiều sáng kiến không chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc hơn là số lượng tàu thuyền qua lại trên Biển Đông. Nhưng không sáng kiến nào trong số đó có thể tác động mạnh mẽ lên mối quan hệ, bởi vì trong cách ứng xử với Trung Quốc, không thể thay thế kênh giao tiếp trực tiếp giữa các lãnh đạo. Tại Bắc Kinh, cũng như ở Washington, người đứng đầu đưa ra những quyết định quan trọng. Thiếu vắng sự tham gia của cá nhân ông Tập, sự năng động tự nhiên trong hệ thống chính trị Trung Quốc cùng lắm đạt tiến độ tiệm tiến, còn tệ nhất là rơi vào ngưng trệ. Do đó Hoa Kỳ có lý do sâu sắc nhằm tác động cá nhân ông Tập, lôi kéo vào hội nghị thượng đỉnh tổ chức hàng năm ở các thủ đô, cùng nhau tổ chức các cuộc họp có độ dài hợp lý, bên cạnh các cuộc họp G-20, Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Cả hai chính phủ cũng cần những người có thẩm quyền chỉ định công việc thay mặt cho các nhà lãnh đạo quốc gia, quản lý các chương trình nghị sự giữa các hội nghị thượng đỉnh và xử lý các vấn đề nảy sinh khi cần thiết. Nói cách khác, Mỹ cần một người đảm nhiệm vai trò như Henry Kissinger đã làm trong đầu những năm 1970, và Trung Quốc cũng vậy.
Trên phương diện toàn cầu, chính phủ hai nước cần xác định một hoặc nhiều vấn đề hiện đang bị sa lầy trong hệ thống quốc tế và cùng cộng tác để đưa đến kết quả thành công. Điều này có thể bao gồm các vòng đàm phán Doha về thương mại quốc tế (hiện vẫn bị bế tắc bất chấp sự dàn xếp lần cuối vào năm 2008), các cuộc thương lượng về thay đổi khí hậu (Trung Quốc đã tiến một bước đáng kể trên vấn đề này kể từ sau Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Copenhagen năm 2009), chương trình không phổ biến hạt nhân (sắp diễn ra Hội nghị cho Hiệp ước không phổ biến hạt nhân tới đây), hoặc các hạng mục nổi bật cụ thể trong chương trình nghị sự G-20. Đạt tiến độ trên bất cứ mặt trận nào cũng chứng minh rằng trật tự toàn cầu hiện tại có thể hoạt động vì lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả lợi ích của Trung Quốc khi có đủ ý chí chính trị bao trùm. Việc đảm bảo rằng Trung Quốc trở thành bên tham gia tích cực trong tương lai của trật tự đó là hết sức quan trọng, thậm chí ngay cả những thành công khiêm tốn nhất cũng có thể có lợi.
Xét về quy mô khu vực, chính phủ hai nước cần sử dụng diễn đàn Hội nghị Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ Trương Quốc Phòng các quốc gia Đông Nam Á (ADMM+) để phát triển hàng loạt các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh cho 18 quân đội các nước khu vực. Hiện nay, những nơi này đang có nguy cơ luôn bị chia rẽ bởi các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, vì vậy hạng mục đầu tiên được đàm phán nên là một văn bản xử lý các sự cố trên biển, cùng với các thỏa thuận khác ký kết ngay theo sau đó nhằm làm giảm nguy cơ gây xung đột bởi các toan tính sai lầm.
Ở cấp độ song phương, Washington và Bắc Kinh nên nâng cấp các cuộc đối thoại thường xuyên giữa hai giới quân sự ở cấp độ chỉ huy trưởng, chẳng hạn như về phía Mỹ là Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch tham mưu trưởng. Điều này nên được tách riêng khỏi những thăng trầm của mối quan hệ, còn các cuộc họp tập trung vào những thách thức an ninh trong khu vực, chẳng hạn như vấn đề Afghanistan, Pakistan, và Bắc Triều Tiên, hoặc những thách thức mới như an ninh mạng. Sau cùng, trên lĩnh vực kinh tế, Washington nên xem xét mở rộng quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương để bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản, và thậm chí cả Ấn Độ nữa.


Mao Trạch Đông vs. Richard Nixon, 1972 (Ảnh: Internet)

HƯỚNG TỚI THÔNG CÁO THƯỢNG HẢI MỚI
Khi các nỗ lực như vậy bắt đầu mang lại thành quả và làm giảm một số ngờ vực hiện đang chia rẽ đôi bên, các quan chức Mỹ và Trung Quốc nên suy nghĩ kĩ lưỡng về việc đưa ra một thông cáo Thượng Hải mới cho mối quan hệ ít xung đột và nhiều hợp tác hơn. Một gợi ý như vậy thường tạo ra phản ứng nguy hiểm ở Washington, bởi vì các thông cáo được xem như là những con khủng long trong ngoại giao, nhưng cũng bởi vì một tiến trình như vậy có thể đe dọa mở lại cuộc tranh cãi về vấn đề Đài Loan. Mối quan tâm ấy là chính đáng, vì vấn đề Đài Loan sẽ phải được đưa ra khỏi bàn nghị sự một cách nghiêm ngặt để triển khai công việc thành công. Nhưng điều này không phải là một vấn đề không thể khắc phục, bởi quan hệ hai bờ eo biển đang tốt hơn bao giờ hết kể từ năm 1949.
Trước cáo buộc ràng các bản thông cáo ít có giá trị thời sự, điều này có lẽ không đúng cho Trung Quốc hơn là Mỹ. Tại Trung Quốc, các biểu tượng gửi gắm những thông điệp quan trọng, bao gồm cả cho giới quân đội, do đó chúng sẽ có giá trị sử dụng quan trọng đối với hệ thống chính trị Trung Quốc khi sử dụng thông cáo mới để phản ánh và xác định một tư tưởng chiến lược hợp tác mới mẻ, hướng đến tương lai – nếu có thể tạo ra một thông cáo như thế. Tuy nhiên, một động thái như vậy nên bắt nguồn từ sự thành công trong hợp tác chiến lược, thay vì làm khởi điểm cho một tiến trình đầy hứa hẹn nhưng hiệu quả thấp.
Những kẻ hoài nghi có thể lập luận rằng Mỹ và Trung Quốc phải khôi phục lại niềm tin lẫn nhau trước khi có thể diễn ra bất kì hợp tác chiến lược quan trọng nào. Sự thực là phải đảo ngược logic: chỉ có thể xây dựng lòng tin trên cơ sở các dự án hợp tác thành công thực sự. Hơn nữa, việc cải thiện các mối quan hệ đang ngày càng cấp bách, khi những thay đổi chiến lược sâu rộng đang diễn ra trên toàn khu vực khiến cho cuộc sống phức tạp hơn và tạo thêm nhiều điểm nóng tiềm năng hơn. Cho phép các sự kiện tự diễn ra mà không có điều chỉnh có nghĩa là cho phép xảy ra các rủi ro lớn hơn, bởi vì còn thiếu vắng lời phán quyết liệu các lực lượng toàn cầu hóa tích cực ở thế kỉ 21 hay các lực lượng đen tối của chủ nghĩa dân tộc lâu đời cuối cùng sẽ thắng thế trên toàn khu vực Châu Á.
Sự khởi đầu nhiệm kì thứ hai của Tổng thống Obama và nhiệm kỳ đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình mở ra một “cửa sổ cơ hội” duy nhất để lái mối quan hệ Mỹ- Trung theo một lộ trình mới. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó đòi hỏi khả năng lãnh đạo bền bỉ ở cấp cao nhất của cả hai chính phủ, cùng với một khung khái niệm chung và cấu trúc thể chế để hướng dẫn công việc cho bộ máy hành chính quan liêu của đôi bên, cả về mặt dân sự lẫn quân sự. Lịch sử cho thấy rằng sự trỗi dậy của các cường quốc mới thường gây ra xung đột lớn trên toàn cầu. Ông Obama và ông Tập nắm quyền lực trong tay để chứng tỏ rằng Châu Á của thế kỉ 21 có thể là một ngoại lệ so với những gì đã từng là một chuẩn mực rất đáng buồn trong lịch sử.
Nguồn: Dịch từ tiếng Anh: Kevin Rudd, “Beyond the Pivot: A New Road Map for U.S.-Chinese Relations
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle

Cạnh tranh ngoại giao ở Đông Nam Á

Hàng loạt hoạt động ngoại giao gần đây của Nhật Bản và Trung Quốc đã cho thấy sự tranh giành ảnh hưởng trong khu vực giữa hai nước này ngày càng trở nên quyết liệt hơn.
Sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc và sự lo ngại của Nhật Bản về vị thế của Tokyo khiến hai nước này phải phát triển các mối quan hệ mới hoặc củng cố các mối quan hệ cũ, trong khi vẫn thúc đẩy quan hệ với các nền kinh tế năng động ở Đông Nam Á. Đặc biệt, việc Nhật Bản tăng cường quan hệ với các nước có chung mối quan ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải khiến cho Bắc Kinh lo ngại rằng nước này đang bị các đồng minh của Mỹ trong khu vực bao vây.
Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và Quốc vương Hassanal Bolkiah ngày 11/10 vừa qua, Trung Quốc và Brunei đã ra tuyên bố chung, trong đó nêu rõ hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí trên biển. Trước đó hai ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Quốc vương Hassanal Bolkiah cũng đã đạt được thỏa thuận về việc thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng. Những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc và Nhật Bản tập trung vào nước nhỏ nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) này không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà bởi vì Brunei hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN và nước này cũng đã lên tiếng yêu cầu thúc đẩy việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ phải đối mặt với tình trạng chia rẽ chính trị về vấn đề ngân sách và trần nợ công, khiến Tổng thống Barack Obama phải hủy chuyến công du tới châu Á để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được cử tham dự hội nghị này nhưng sự vắng mặt của ông Obama cho thấy những khó khăn mà Mỹ có thể phải đối mặt khi theo đuổi chiến lược “tái cân bằng” ở Châu Á.
Ngoại giao cạnh tranh 
Được tổ chức tại Bali, Indonesia, từ ngày 5 đến 7/10, Hội nghị thượng đỉnh APEC có sự tham gia của 13 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo đã kết hợp tới thăm một số nước trong khu vực. Trong chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương hồi tháng 3 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã tới thăm Malaysia, trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tham dự một hội nghị của ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ở Brunei trước khi sang thăm Thái Lan và Việt Nam. Tại Hà Nội, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thành lập ba nhóm công tác về hợp tác cùng phát triển trên biển, cơ sở hạ tầng và tài chính. Việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động ngoại giao trong khu vực có thể được coi là một tác động từ những hội nghị này hoặc là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với Bắc Kinh theo khía cạnh kinh tế và chiến lược.
Hồi tháng 9 vừa qua, Trung Quốc và ASEAN chính thức bắt đầu tiến hành các cuộc tham vấn về COC. Mặc dù trước đó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng tiến trình tham vấn và đàm phán sau đó có thể kéo dài, nhưng quyết định tiến hành các cuộc tham vấn đã cho thấy quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đang được cải thiện. Trong chừng mực nào đó, sự cải thiện trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN có thể nhờ vào việc bổ nhiệm ông Vương Nghị vào ghế Bộ trưởng Ngoại giao. Từng làm việc tại Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị đã có công lớn trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Bắc Kinh và ASEAN trong những năm cuối của thập kỷ 90. Năm 2003, Trung Quốc là nước đầu tiên ngoài khu vực ASEAN ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN. Tuy nhiên, sau giai đoạn quan hệ nồng ấm này thì quan hệ giữa Trung Quốc và một số quốc gia thành viên ASEAN trở nên xấu đi do những tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và các nước Đông Nam Á lo ngại về một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán và hùng mạnh hơn. Và hiện nay, có vẻ như Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đang cố gắng phục hồi những ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Mặc dù chính sách này đang được ông Vương Nghị triển khai tích cực nhưng đó không phải là sáng kiến của riêng ông. Dường như Bắc Kinh đã nhận ra những thiệt hại trong các mối quan hệ do tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough với Philippines và gây áp lực với Campuchia khi nước này đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN năm 2012, khiến cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung vì những bất đồng liên quan đến Biển Đông. Bắc Kinh nhận ra vị thế của mình ở Đông Nam Á đang bị giảm sút một phần vì Nhật Bản tích cực đẩy mạnh các hoạt động trong khu vực thời gian gần đây. Nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC và EAS, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã tới thăm chính thức Indonesia và Brunei. So với hai nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Abe đến thăm nhiều nước Đông Nam Á hơn trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của mình.
Theo kế hoạch, ông Abe sẽ sang thăm Campuchia và Lào vào giữa tháng 11 tới và sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản đầu tiên công du tới cả 10 nước thành viên ASEAN ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản xây dựng quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là với các nước có chung mối lo ngại về sự quyết đoán của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh hải. Tháng 7 vừa qua, Tokyo đã nhất trí cung cấp 10 tàu chiến cho Lực lượng tuần duyên Philippines, trong khi Việt Nam cũng đang muốn mua tàu chiến của Nhật Bản và tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với nước này.
Nỗ lực thúc đẩy quan hệ của Tokyo còn vươn ra khỏi khu vực Đông Nam Á. Năm 2012, Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên với Ấn Độ. Hồi tháng 1/2013, lần đầu tiên hai nước tổ chức Đối thoại các sự vụ trên biển và tháng 5/2013, thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh mong muốn “tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong các vấn đề liên quan đến biển”. Tuy nhiên, chính các hoạt động ngoại giao của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á mới khiến cho Trung Quốc phải đẩy mạnh hơn các nỗ lực ngoại giao của nước này .
Mỹ vẫn đứng bên lề 
Trong khi Bắc Kinh và Tokyo đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao ở Đông Nam Á thì Mỹ cũng quan tâm và gia tăng các cam kết và hoạt động ngoại giao trong khu vực này. Washington lần đầu tiên công bố chiến lược tái cân bằng ở châu Á vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Ban đầu, Mỹ chỉ dự định mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á, nhưng sau đó, Washington đã chuyển hướng sang cả hai lĩnh vực kinh tế và ngoại giao. Trọng tâm của lĩnh vực kinh tế là đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ và 11 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không có Trung Quốc. Trên mặt trận ngoại giao, Washington thường xuyên cử các quan chức cấp cao tới thăm các nước trong khu vực và tăng cường sự can dự của Mỹ vào cấu trúc chính trị của châu Á.
Tuy nhiên, việc ông Obama vắng mặt ở các hội nghị APEC và ASEAN gần đây cho thấy những thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt trong quá trình theo đuổi chiến lược tái cân bằng ở châu Á. Trong bối cảnh phải thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” ở trong nước và tiếp tục các cam kết ở Trung Đông, Mỹ đang bị hạn chế trong việc chuyển dịch các nguồn lực quân sự đáng kể sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do vậy, Washington cũng có thể gặp nhiều rào cản trong việc giành lại ảnh hưởng ở các nước Đông Nam Á, vốn đang lo ngại về sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc. Một khía cạnh ít được thảo luận tới trong chiến lược tái cân bằng đó là mong muốn của Mỹ chuyển bớt gánh nặng quốc phòng sang các đồng minh của nước này cũng như cải cách lại hệ thống đồng minh thời hậu chiến. Washington hiện đang hối thúc Hàn Quốc đảm nhận quyền chỉ huy lực lượng liên quân đóng ở nước này và kêu gọi Nhật Bản thúc đẩy quan hệ quân sự với các nước đồng minh khác như Hàn Quốc và Australia.
Trong chừng mực nào đó, những nỗ lực ngoại giao năng động hơn của Nhật Bản được coi là dấu hiệu cho thấy chiến lược tái cân bằng của Mỹ và sự lo ngại của Tokyo về sự nổi lên của Trung Quốc. Sau nhiều năm tập trung vào hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, giờ đây Mỹ đang phải chuyển trọng tâm sang khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, do những hạn chế vốn có, chiến lược tái cân bằng của Mỹ cũng đang khuyến khích việc trang bị lại thiết bị quân sự cho đồng minh Nhật Bản. Những phản ứng của Mỹ và Nhật Bản đang khiến cho Trung Quốc lo lắng bởi nước này nhận thức được rằng Washington và các đồng minh trong khu vực đang âm thầm tiến hành chính sách bao vây, ngăn chặn đối với Bắc Kinh.
Phục hưng đất nước 
Chiến dịch ngoại giao gần đây ở Đông Nam Á cho thấy xu hướng rộng lớn hơn trong khu vực. Ngoại giao chủ động của Nhật Bản phản ánh quyết tâm phục hưng đất nước của Chính quyền Abe. Cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy chi tiêu và tăng trưởng kinh tế sâu rộng – được biết đến như là chính sách ‘Abenomics’ – và khả năng sửa đổi hiến pháp trong năm tới cho phép nước này có quyền phòng vệ tập thể, chính phủ của ông Abe đang nỗ lực phục hồi vị thế của Nhật Bản ở châu Á và “bình thường hóa” thân phận của nước này.
Chính sách phục hưng đất nước của ông Abe đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người theo đường lối bảo thủ ở Nhật Bản và khiến cho người dân nước này nhận thức rõ hơn rằng Nhật Bản đã bị kiềm chế một cách bất công từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc. Theo cách này, chiến lược của ông Abe có sự tương đồng với “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình, với các mục tiêu “phục hưng đất nước, cải thiện dân sinh, phát triển thịnh vượng, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và củng cố quân sự”. Mục tiêu phục hưng đất nước của Tokyo và Bắc Kinh, đạt được thông qua tăng trưởng kinh tế và phát triển quân sự, cho thấy cả giấc mơ của Nhật Bản và Trung Quốc ngay cả khi Nhật Bản bình thường hóa quân sự sẽ có nhiều hạn chế trong tương lai.
Sự tác động lẫn nhau giữa hai chính sách này có thể tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn là kiềm chế nhau. Hiện tại, sự cạnh tranh mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngoại giao khi mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm cách giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, nhưng tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể dễ dàng phá hủy thành quả này. Trong khi đó, một số nước ASEAN coi Nhật Bản là một đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản có nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử và nước này cũng đang phải vật lộn để được thừa nhận nhiều hơn là một nước được Mỹ ủy nhiệm.
Đối với các nước ASEAN, sự cạnh tranh này có thể được coi là tích cực trong trung hạn, buộc Trung Quốc phải có chính sách hợp lý hơn ở Biển Đông và thúc đẩy việc đàm phán về COC, trong khi khuyến khích Nhật Bản quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào khu vực Đông Nam Á. Mặc dù vậy, trong dài hạn, sự cạnh tranh quân sự ngấm ngầm giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể mang lại những hậu quả tiêu cực đối với các nước Đông Nam Á vì điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Theo “IISS”/nghiencuubiendong.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét