Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Một thực trạng khốn nạn: VFA đang là cường hào mới bóc lột nông dân đến tận xương tủy

Một thực trạng khốn nạn: VFA đang là cường hào mới bóc lột nông dân đến tận xương tủy


Thực trạng đó cụ thể là: Nông dân làm cực như trâu nhưng ngày càng bị bần cùng; doanh nghiệp trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngồi mát ăn lương cả tỷ một năm rồi đem lúa gạo của nông dân bán một cách đần độn gần bằng giá thành sản xuất, mà, các doanh nghiệp này hầu hết là của Nhà nước.

Thực ra thực trạng này tôi đã nói nhiều lần, nhưng những người có trách nhiệm cứ giả đò như chẳng biết, nên nay tôi phải nói lại cho rõ ràng hơn.

Nông dân và VFA

Giáo Sư Võ Tòng Xuân nói rất rõ quan hệ giữa nông dân và VFA: “Nông dân đang làm tôi mọi cho doanh nghiệp”, đăng trên báo Người Lao Động Online.

Thái độ ông chủ của VFA biểu hiện rõ ràng nhất qua câu nói của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam: Đừng nói lời lãi lúc này. Hãy trả lời câu hỏi là muốn bán hay để lúa lại cho vịt ăn.

Lãnh lương gần 1 tỷ một năm, lại đem bán gạo của nông dân với giá thấp nhất thế giới, rồi về ép giá mua lúa của nông dân xuống bằng giá thành, lại ngang nhiên tuyên bố không bán thì để cho vịt ăn thì chỉ có những ông chủ độc quyền mới ăn ngang nói ngược như vậy.

Vì thế, quan hệ của nông dân và VFA là quan hệ của kẻ bị độc quyền và nhóm độc quyền. Đối với nông dân, VFA đang là cường hào mới bóc lột nông dân đến tận xương tủy, là cái ách đang quàng lên cổ nông dân, là khối u ác tính đang ăn hết thu nhập của nông dân.

Độc quyền lúa gạo của VFA đang phá tan hoang việc sản xuất lúa gạo, vì VFA chỉ có hưởng lời từ lúa gạo mà không hề đầu tư nâng cao giá trị hạt gạo, không tạo thương hiệu cho hạt gạo.

Làm như không thấy sự độc quyền này, rồi đưa ra các chính sách phát triển, hay tái cấu trúc nông nghiệp thì các chính sách đó sẽ là những chính sách vớ vẩn, bất khả thi.

Không chỉ là nhóm lợi ích, VFA là nhóm độc quyền đấy, thưa Ông Bộ Trưởng Cao Đức Phát.

Phát biểu trước Quốc hội, Ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết chưa thấy có nhóm lợi ích trong nông nghiệp nói chung và trong việc sản xuất lúa nói riêng.

Tôi xin được phép thưa với ông Bộ trưởng rằng: Trong việc mua bán lúa gạo hiện nay, VFA không những là nhóm lợi ích, mà VFA đang là nhóm độc quyền lúa gạo của nông dân.

Về sự độc quyền lúa gạo của VFA mà 2 Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Miền Bắc là nòng cốt, tôi đã viết bài: “Độc Quyền lúa gạo: Cái ách đang quàng lên cổ nông dân” và bài: “Lúa gạo Việt Nam cần những nhà lý luận trung thực” đăng trên Bauxite Việt Nam.

Chỉ cần dùng Luật Cạnh tranh chiếu vào hoạt động của Tổng công ty Lương thực Miền Nam và VFA, chúng ta sẽ thấy rõ sự độc quyền lúa gạo này.

VFA độc quyền lúa gạo, sự độc quyền này giống như khối u ác tính đang ăn hết thu nhập của nông dân, nó đang bần cùng hóa nông dân, nó giết chết việc sản xuất lúa, nó biến gạo Việt Nam thành loại gạo kém chất lượng trên thị trường thế giới, nó khiến cho gạo Việt Nam có giá thấp nhất trên thị trường thế giới.

Không xóa bỏ khối u ác tính độc quyền này, không cắt khối u ác tính độc quyền này, thì mọi nỗ lực nhằm nâng cao đời sống của nông dân điều sẽ vô dụng, mọi cố gắng nhằm tái cơ cấu việc sản xuất lúa cũng sẽ vô dụng.

Do độc quyền: Nông dân nai lưng làm lúa, VFA ngồi mát ăn vàng.

Nông dân cực nhọc 3 tháng trời làm ra hạt lúa, đến khi thu hoạch đầu đội, vai mang đến dâng cho VFA, VFA cầm đũa ngồi đợi sẵn ở các kho trong các thành phố lớn.

Giống lúa nào có giá thì gắp cho vào mồm, giống lúa nào không có giá thì hạ giá mua rẻ, hoặc không mua, còn chê nông dân ngu dốt chạy theo giống này giống nọ.

Nông dân cực nhọc làm ra hạt lúa, VFA bán lúa gạo lấy lời ăn, nhưng do độc quyền nên chỉ biết lấy lời bằng cách nhảy tót lên khâu phân phối cuối cùng để ăn chênh lệch giá, chứ chẳng hề giúp một chút nào cho nông dân.

Nông dân cực nhọc làm ra hạt lúa, VFA bán lúa gạo lấy lời ăn, nhưng lại lấy hết lời của nông dân, bằng cách mua lúa cho nông dân hòa vốn hoặc lời xoay quanh mức 30% chết đói.

Mua lúa của nông dân thì VFA bỏ mặc cho thương lái lúa, xay lúa thành gạo thì VFA bỏ mặc cho thương lái gạo, VFA chỉ làm một công việc đơn giản là đóng bao chở ra cảng để xuất khẩu.

Do độc quyền nên năm nào VFA cũng lời khủng, Tổng công ty lương thực Miền Nam lời trên 1000 tỷ một năm, lương lãnh đạo VFA gần 1 tỷ một năm, còn nông dân thì vụ đông xuân bán lúa theo mức lời 30% chết đói, vụ hè thu bán lúa hòa vốn, hiện đang bị phá sản.

Bảng lợi nhuận của Tổng công Ty Lương thực Miền Nam theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (1)
clip_image002

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn giải thích việc năm 2012 Tổng công ty Lương thực Miền Nam lời chỉ có khoảng 300 tỷ là do: “Theo quyết định số 1909/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu từ năm 2012-2015 Vinafood2 sẽ cổ phần hóa một số công ty con, vì vậy, có thông tin cho rằng, Vinafood2 tìm cách giảm lợi nhuận xuống để gián tiếp ảnh hưởng đến việc cổ phần hóa các công ty con nhằm định giá thấp hơn thực tế để một số cán bộ có thể mua được nhiều cổ phần hơn.”

Nếu không có việc cổ phần này chắc lợi nhuận năm 2012 cũng sẽ cả ngàn tỷ.

Lợi nhuận của nông dân năm 2013 chỉ 3.525.000 đồng một năm.

Vụ đông xuân 2012- 2013 giá lúa OM 4900 bằng với lúa ngang IR 50404 là 4.500 đồng/kg, thấp hơn vụ đông xuân năm 2011-2012 đến 700 đồng/kg.

Để cho số liệu về giá thành có tính chính thống, tôi không lấy giá thành của cá nhân tôi, nhưng xin lấy số liệu giá thành của Bộ Tài chính. Theo tính toán của Bộ Tài chính thì giá thành vụ đông xuân 2012-2013 là 3.800 đồng/kg, như vậy, nông dân chúng tôi chỉ thu được lợi nhuận có 700 đồng/kg.

Theo báo đài thì năng suất bình quân vụ đông xuân 2012-2013 ở ĐBSCL là 68 tạ/héc ta (cá nhân tôi làm được 70 tạ, con số chênh lệch không đáng kể) vậy, vụ đông xuân, mỗi héc ta lúa nông dân lời chỉ 4.760.000 đồng.

Vụ hè thu năm 2013 tôi làm giống lúa OM 6976 bán được với giá 4.250 đồng/kg, do năng suất lúa vụ hè thu thấp nên giá thành lên rất cao, theo Bộ Tài chính, giá thành bình quân ở tỉnh Đồng Tháp là 4.619 đồng/kg, mức giá thành bình quân của cả Đồng bằng Sông Cửu Long là 4.142 đồng, như vậy, vụ hè thu này tôi làm lúa từ hòa vốn đến lỗ chứ chẳng lời được đồng nào cả.

Vậy cả năm 2013 này nông dân chúng tôi chỉ lời có 4.700.000 đồng/ha.

Theo qui định của Nhà nước mỗi hộ 4 người nông dân ở ĐBSCL được cấp 3 ha ruộng như vậy, mỗi hộ thu nhập năm 2013 chỉ có 14.100.000 đồng, mỗi người thu nhập năm 2013 là 3.525.000 đồng. Vậy thu nhập bình quân mỗi nông dân một tháng chỉ được: 293.750 đồng, thu nhập những năm trước cũng tương tự.

Lương lãnh đạo Tổng công ty Lương thực Miền Nam gần 1 tỷ đồng một năm, Tổng công ty Lương thực Miền Nam lời cả ngàn tỷ mỗi năm, trong khi đó thu nhập của 1 nông dân 3.525.000 đồng một năm, đây là con số phản ảnh rỏ nét sự độc quyền của VFA đối với nông dân trong việc mua bán lúa gạo hiện nay.

Độc quyền nên VFA bán gạo của nông dân với giá thấp nhất thế giới.

Từ năm 2005 đến nay, VFA luôn bán gạo giá thấp nhất so với 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, đặc biệt năm 2013 này không những thấp mà còn thấp rất xa: Thấp hơn gạo Ấn Độ 70 đô la Mỹ/ tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 170 đô la Mỹ/tấn.

Tại sao VFA bán gạo xuất khẩu giá thấp nhất thế giới? Có 2 lý do:

1- Lợi nhuận của VFA không phụ thuộc vào giá bán gạo xuất khẩu.

VFA hưởng lợi đầu tấn, tức là cứ mua bán 1 tấn gạo thì lời một số tiền, bất chấp giá bán gạo xuất khẩu cao hay thấp.

Chúng ta hãy xem xét: Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong VFA = giá bán gạo xuất khẩu – (giá thu mua gạo trong nước + phí xuất khẩu). Lợi nhuận này không phụ thụôc vào giá gạo xuất khẩu mà chỉ phụ thuộc vào sự chênh lệch giá. Do đó, nếu ký bán gạo xuất khẩu giá thấp thì các doanh nghiệp sẽ ép giá mua lúa của nông dân và họ vẫn có lời.

Bán gạo xuất khẩu giá rẻ nhưng vẫn lời ngàn tỷ, nên VFA không cần phải nâng cao giá trị hạt gạo, không cần tạo thương hiệu.

2- Bán gạo xuất khẩu rẻ để được “gửi giá”

“TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc lãnh đạo Vinafood 2 đồng thời là lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), được Chính phủ giao ký hợp đồng, bảo đảm việc xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng lại bán cho một Cty sân sau (Saigonfood) với giá thấp hơn giá sàn do chính VFA đưa ra là bất minh.

Điều đó, chứng tỏ ông Chủ tịch VFA tự phá quy định của mình. Đây là thủ đoạn trục lợi khá phổ biến, thường được gọi là gửi giá. Tức là, tôi bán cho anh với giá thấp, để rồi anh bán với giá thị trường. Mỗi tấn tôi bán cho anh giá thấp thì anh phải trả lại cho tôi một số tiền tùy theo mức chênh lệch giá trên từng tấn gạo.” Báo Tiền Phong Online cho biết (2)

Ông Nguyễn Thái Nguyên trên Bauxite Việt Nam còn cho biết vấn đề “gởi giá” đã được thưa đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nói với ông Nguyễn Thái Nguyên: “Người ta báo cáo: “có một số người của các công ty nhà nước, khi ra nước ngoài thương thảo hợp đồng với người ta đã móc ngoặc, hạ giá xuống để chia nhau. Thực tế, giá gạo không phải vậy, nhưng họ ký với nhau chỉ thấp như vậy thôi. Tôi không biết hư thực ra sao, nhưng đây là chuyện lớn, tôi muốn làm rõ.” (3)

Việc VFA bán phá giá gạo với giá thấp nhất thế giới khiến cho nông dân chúng tôi nghi ngờ có việc gởi giá trong bán gạo xuất khẩu, có hay không có hiện tượng gởi giá cần phải được các ngành chức năng làm cho minh bạch. Bán gạo giá rẻ được khách hàng “gửi giá” bằng cách đưa tiền tư túi, thì tại sao VFA không bán gạo rẻ?

Bán gao giá rẻ nhất thế giới, rồi về ép giá lúa của nông dân xuống gần bằng giá thành, VFA vẫn lời to.

Bán gạo giá đã rẻ nhất thế giới, nhưng không mua lúa cho nông dân từ giá bán gạo này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam bày mưu mua lúa tạm trữ, để ăn cướp hết lợi nhuận của nông dân:

Năm 2008 Hiệp hội Lương thực Việt Nam bán gạo xuất khẩu giá qui ra giá lúa 6.432 đồng/kg, mua lúa tạm trữ của nông dân với giá 4.000 đồng/kg. Hiệp hội lời 2.432 đồng/kg, nông dân bán lúa hòa vốn.

Năm 2009, bán gạo xuất khẩu qui lúa giá 6.362 đồng/kg, mua lúa tạm trữ của nông dân với giá 4.000 đồng/kg. Hiệp hội lời 2.362 đồng/kg, nông dân hòa vốn.

Năm 2010, Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua lúa tạm trữ cả hai vụ đông xuân và hè thu với giá vẫn 4.000 đồng/kg, nhưng bán gạo với giá qui lúa 5.365 đồng/kg, cả năm này, nông dân lời không đủ sống.

Năm 2013 này, mùa đông xuân VFA mua lúa tạm trữ của nông dân khoảng 4.500 đồng/kg lúa tươi loại xay ra gạo 5% tấm nông dân lời vài trăm đồng một kg, mùa hè thu mua giá 4.250 đồng/kg nông dân hòa vốn.

Nông dân không bán lúa cho VFA thì chỉ còn cách cho vịt ăn

VFA mua lúa giá rẻ quá sao nông dân không bán cho người khác? Như trên tôi đã nói VFA độc quyền mua bán lúa gạo của nông dân, nông dân không bán cho VFA thì chẳng bán cho ai được hết.

Chúng ta hãy nghe phát biểu của ông Trương Thanh Phong Chủ tịch VFA, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam: Đừng nói lời lãi lúc này. Hãy trả lời câu hỏi là muốn bán hay để lúa lại cho vịt ăn.

Nghe phát biểu này chúng ta có thể hiểu được sự lệ thuộc của nông dân vào VFA, VFA muốn mua lúa của nông dân với giá nào cũng được, nông dân không có quyền mặc cả, có lỗ vốn nông dân cũng phải bán, vì không bán cho VFA thì chẳng bán được cho ai cả, nông dân để lúa lại mà sau đó VFA không thèm mua thì lúa đó chỉ có nước cho vịt nó ăn.

Tóm lại: Quan hệ của nông dân và VFA là quan hệ giữa người bị độc quyền và nhóm độc quyền, nên nông dân đang làm tôi mọi cho VFA - nông dân nai lưng ra làm còn VFA ngồi không mà hưởng – Không những ngồi không mà hưởng, cách buôn bán gạo chụp giựt kiểu buôn chuyến không thương hiệu của VFA, đã biến gạo Việt Nam có chất lượng cao thành loại gạo kém chất lượng trên thị trường thế giới.

Không xóa bỏ độc quyền lúa gạo của VFA, mọi chính sách nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển sản xuất lúa sẽ trở thành vô dụng.

Không xóa bỏ độc quyền lúa gạo của VFA, mọi câu nói quan tâm đến thu nhập của nông dân chỉ là những câu nói mị nông dân.

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
-------------------------
(1) bài: “Lợi nhuận của Vinafood 2 thấp nhất từ năm 2008” http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/chuyenlaman/89878/
(2) Bài: “Phải cắt sân sau, bỏ độc quyền” http://www.tienphong.vn/xa-hoi/173841/Phai-cat-san-sau-bo-dac-quyen.html
(3) Bài: “Góp lời bàn ngắn về nông thôn nông nghiệp”.

Bỏ phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Hiến pháp


(TBKTSG Online) - Thay vì thảo luận ở hội trường về chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu Quốc hội sẽ góp ý trực tiếp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và ghi phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.

Văn phòng Quốc hội vừa thông báo về chương trình mới của kỳ họp thứ 6, trong đó có một vài thay đổi so với ban đầu.
Liên quan đến việc thảo luận và cho ý kiến về dự thảo hiến pháp 1992 sửa đổi, theo chương trình nghị sự cũ đã được thông qua ở đầu kỳ họp, vào sáng ngày 18-11, Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Tuy nhiên, theo chương trình mới, Quốc hội sẽ không thảo luận ở hội trường nữa, thay vào đó, đại biểu Quốc hội góp ý trực tiếp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và ghi phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.
Ngày thông qua dự thảo hiến pháp không thay đổi. Theo đúng kế hoạch đã đề ra, vào sáng 28-11, sau khi ông Phan Trung Lý trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo này.
Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định rằng để việc thông qua Hiến pháp đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, trong kỳ họp này Quốc hội sẽ dành thời gian thích đáng để tiếp tục tổ chức thảo luận dân chủ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với tinh thần chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục những vấn đề đặt ra.
Một số thay đổi đáng chú ý khác
- Quốc hội sẽ bế mạc vào chiều 29-11, thay vì sáng 30-11 (sớm hơn một ngày).
- Hai dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã được rút khỏi chương trình thảo luận.
- Tăng thêm một buổi thảo luận tại hội trường vào chiều 22-11 đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đổi mới nhân sự: nắng hạn gặp mưa

000_Hkg8885450-250.jpg
Thủ tướng Đông Timor Xanana Gusmao (thứ 2 từ phải) được đón tiếp bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (P), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (Thứ 4 từ trái) và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam (thứ 3 từ trái) tại Hà Nội vào ngày 4 tháng 9 năm 2013.
AFP photo
Chuyện Việt Nam cải tổ nội các bớt một thêm hai Phó Thủ tướng đã bất ngờ gây sôi nổi báo chí lề phải lẫn các trang mạng xã hội. Một sự thay đổi nhân sự bình thường nhưng các phản ứng cho thấy sự khát khao đổi mới của người dân.

Hai nhân vật Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bỗng chốc trở thành ‘người của công chúng’ cho dù báo chí chẳng xa lạ gì 2 vị này, một là Bộ trưởng Ngoại giao, người kia là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ. Cả hai ông cùng ở lứa tuổi 50 được mô tả thuộc thành phần chính khách chuyên viên được đào tạo ở phương tây như Hoa Kỳ và Bỉ.

Sự chú ý của cộng đồng mạng và báo chí liên quan đến hai tân Phó Thủ tướng được GSTS Nguyễn Thế Hùng, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Đà Nẵng nhận định:

“Việt Nam như một thời kỳ nắng hạn thấy một giọt mưa là người ta quý. Cho nên thấy những người mới có học hành đàng hoàng có kiến thức về xã hội có tư cách đạo đức, thí dụ như thế, thì người dân rất trông mong…. Chuyện khát khao thì bây giờ ai khát khao, những người trí thức thức thời, những người hiểu sâu sắc những người lên cầm quyền  họ mừng rỡ thì đó là sự khát khao thật sự. Nhưng nếu đại đa số những người khát khao đó mà bị cái gì che khuất bên ngoài, bị sự mộng mị nằm bên ngoài của những người lên cầm quyền thì tuy họ cũng khát khao, nhưng đã không nhìn rõ những đối tượng đó có chân thật không, bởi vì chính trị là mị dân.”
Sự thay đổi cực kỳ khó trong cơ chế hiện nay, nó trói buộc tất cả những người có tâm có tài… dù có thế cán bộ mà vẫn giữ cơ chế hệ thống này thì mọi sự thay đổi đều vô tác dụng đối với tình hình đất nước. - Giáo viên Đỗ Việt Khoa
Báo mạng Người Lao Động ghi nhận Hai tân phó thủ tướng được Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng và đã đạt số phiếu phê chuẩn rất cao vào sáng ngày 13/11. Tờ báo trích lời bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội về các vấn đề xã hội đánh giá là tân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đảm trách lĩnh vực rất nóng và nhạy cảm liên quan mật thiết đời sống hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân. Hy vọng nhà lãnh đạo trẻ sẽ đáp ứng nguyện vọng thiết thực của người dân, đại biểu Trương Thị Mai nhận định là nhân dân đang chờ đợi những chính sách an sinh xã hội được thay đổi mạnh mẽ hơn.

Riêng về tân Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đại biểu Lê Như Tiến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã gắn kết nhân vật này với điều ông gọi là sự khởi sắc công tác ngoại giao.

Nhận định về khát vọng đổi mới thể hiện trên báo chí chính thống và cộng đồng mạng xã hội, Giáo viên Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội phát biểu:

“Bộ máy Trung ương cũng có nhiều người có tâm huyết với đất nước muốn có sự thay đổi có sự cải cách nào đó. Hai gương mặt mới thì cũng được nhiều người kỳ vọng bởi họ cũng được đào tạo bài bản, họ là  con nhà cách mạng có truyền thống. Nhưng tôi nói thực sự là không hy vọng gì ở sự cải tổ này để mà Việt Nam có gì thay đổi cả. Sự thay đổi cực kỳ khó trong cơ chế hiện nay, nó trói buộc tất cả những người có tâm có tài… dù có thế cán bộ mà vẫn giữ cơ chế hệ thống này thì mọi sự thay đổi đều vô tác dụng đối với tình hình đất nước.”

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa đưa ra những thí dụ điển hình về điều ông gọi là thứ cơ chế chính trị trói chân trói tay những người có tâm có tài, dù ở những chức vụ cao hơn hai vị tân Phó Thủ tướng. Ông nói:

“Lấy ví dụ trường hợp Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có thể nói là nhìn thấy được rất nhiều vấn đề nhưng ngay ở cương vị Thủ tướng mà ông còn bị hạn chế không thể phát huy quyền lực không thể làm theo ý mình được mặc dù nhu cầu của đất nước lúc đó hết sức cấp thiết, ông không làm gì được, nói ra người ta cũng không thực hiện…Nay thì với hai tân Phó Thủ tướng vừa được phê chuẩn thì họ vốn trước kia đã ở trong bộ máy rồi. Những việc họ làm đối với dân chúng tôi thì cũng chưa có gì là tiếng vang ghê gớm, dù họ có tâm thì tôi thực sự không hy vọng là họ có thể làm việc theo ý mình.”

Ông Vũ Đức Đam, 50 tuổi trở thành Phó Thủ tướng trẻ nhất của Chính phủ Việt Nam. Khi còn ở cương vị Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông thường xuyên gặp báo chí. Nhưng bây giờ các nhà báo mới chú tâm tìm hiểu tiểu sử của ông và đưa lên mạng với rất nhiều thiện cảm. Báo mạng VnEconomy giật tít: “Ông Vũ Đức Đam: Từ Sao Khuê công nghệ” đến “Sao Mai chính trường”. Ông Đam từng là thư ký, trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bí thư kiêm Chủ tịch Quảng Ninh hồi năm 2008. Ông được mô tả là “một lãnh đạo không bàn giấy”. Mọi công việc đều được ông giải quyết chủ yếu qua máy tính, và tinh thần ấy đã được truyền dần sang các lãnh đạo khác. Hồ sơ của giải thưởng Sao Khuê mô tả trong giai đoạn ở Quảng Ninh ông Vũ Đức Đam đã chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện và thiết thực.
Bình mới rượu cũ?
 
000_Hkg8885450-250.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự hội nghị bộ trưởng ASEAN tại Thái Lan ngày 14/8/2013. AFP photo
Các báo mạng do Chính phủ quản lý như VietnamNet, Lao Động và Dân Trí đều có bài tường thuật cuộc tiếp xúc với báo chí lần đầu tiên của ông Phạm Bình Minh trong cương vị Phó Thủ Tướng ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Các báo giật tít lớn ‘Bảo vệ chủ quyền là một mục tiêu của hoạt động đối ngoại.” Ông Phạm Bình Minh đã nói với báo chí là việc một Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao thể hiện công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế không chỉ dừng ở phạm vi của Bộ ngoại giao mà là công tác của nhà nước, của chính phủ trên bình diện hội nhập toàn diện, chủ động chứ không chỉ trong một đơn vị, lĩnh vực.

Dantri.com.vn trong bài tường thuật có câu hỏi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh rằng, cái khó trên Biển Đông được cho là vì mâu thuẫn giữa yêu cầu chủ quyền và việc xây dựng, duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Thân phụ Phó Thủ tướng là cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một nhà ngoại giao lỗi lạc, nổi tiếng về việc rất cứng rắn đối với những quan điểm không đồng thuận từ bên ngoài. Câu hỏi đặt ra là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có chung quan điểm với cha mình hay không?
Đường lối đối ngoại của Việt Nam là do Đại hội Đảng vạch ra, được lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước chỉ đạo triển khai thực hiện.  - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thoát ra khỏi câu hỏi tế nhị này một cách vắn tắt, theo đó ông xác định “Đường lối đối ngoại của Việt Nam là do Đại hội Đảng vạch ra, được lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước chỉ đạo triển khai thực hiện.”

VietNam Net trong bài Điểm chung Vũ Đức Đam-Phạm Bình Minh  ghi nhận hai ông đều trẻ, cùng được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, sử dụng ngoại ngữ, có nhiều kinh nghiệm công tác qua các vị trí. Tờ báo mạng trích lời GS người Úc Carl Thayer một chuyên gia về chính trị Việt Nam nhận định rằng: “Vào tháng 4, Bộ Chính trị đã thông qua một nghị quyết quan trọng về hội nhập quốc tế. Cả hai ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh đều có những phẩm chất giá trị, phục vụ cho mục tiêu này. Ông Vũ Đức Đam mạnh về khoa học, công nghệ còn ông Phạm Bình Minh lại mạnh về đối ngoại, bao gồm cả các tổ chức quốc tế, quan hệ với Hoa Kỳ và vấn đề nhân quyền.

Nhân câu chuyện báo chí tán tụng hai vị tân Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, cho dù nhất động nhất cử ở Việt Nam là tùy thuộc Trung ương Đảng Cộng sản. GSTS Nguyễn Thế Hùng từ Đà Nẵng nhận định:

“Bất kỳ một đất nước nào người ta cũng phải theo một thể chế tiên tiến thì đó mới là điểm căn bản quan trọng để tạo nên một xã hội vững chắc giàu mạnh và đi đến dân chủ. Còn chuyện mình có thay đổi một vài nhân vật nào đó mà vẫn ở trong một thể chế như cũ thì xã hội cũng có thể cải thiện một phần nào đó thôi. Cuối cùng cũng không thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, người dân cũng không thể nào có được dân chủ.”

Giới trẻ lớn lên sau chiến tranh chiếm tỷ lệ lớn trong dân số Việt Nam, thành phần này chưa bao giờ trải nghiệm nền dân chủ pháp trị thực sự và đa số cảm thấy bình thường với chế độc độc đảng. Nếu có sự phấn khởi với sự phê chuẩn hai tân phó thủ tướng trẻ, được hưởng thụ nền giáo dục hiện đại ở nước ngoài cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng như nhà báo Nguyễn Quang Lập viết vui trên blog Quê Choa, báo chí chính thống chớ vội vàng tán tụng hai tân Phó Thủ tướng, để yên cho các ông làm việc, tâng bốc chính là cách làm hỏng hai ông, cũng là cách tạo ra ngày càng nhiều kẻ đố kị ghen ghét hai ông.
 
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-11-15

Huỳnh Ngọc Hải - Thư gửi bà Bộ trưởng y tế

Tôi viết thư này cho Bà không phải vì tôi không có cảm tình với Bà, hay bởi tại vì Bà không phải là bộ trưởng kém nhất trong Chính phủ. Xét về tuổi, tôi sinh sau đẻ muộn. Xét về trình độ chuyên môn, Bà là Bác sỹ. Còn tôi không phải Bác sỹ.
Tôi viết thư này cho Bà là bởi tôi biết mình đau đớn và xót xa khi nhìn những đứa trẻ bằng tuổi của con gái mình bị chết tức tưởi vì những tắc trách nghiệp vụ không đáng có.
Tôi viết cho Bà là bởi tôi nhìn thấy những người dân cầm vũ khí xông vào các bệnh viện điên cuồng chém giết Bác sỹ. Tôi nhìn thấy những bậc cha mẹ lam lũ bế trên tay núm ruột của mình đã tím tái, những người đàn ông không khóc, ngơ ngác nhìn vào ống kính phóng viên. Những tắc trách hay tai nạn đó, lẽ ra nếu có đủ lòng trắc ẩn, có đủ quyết tâm và có lòng dũng cảm, thì Bà, vâng, chính Bà, đã có thể ngăn chặn hoặc ít ra cũng đã có thể hạn chế đáng kể, sau ngần ấy năm Bà có vinh dự đảm nhiệm cương vị của một Bộ trưởng.

Tôi viết thư này cho Bà còn bởi vì tôi theo dõi cuộc họp Quốc Hội đang diễn ra, Bà xếp thứ 7 hay thứ 8 gì đó tính theo số lượng câu hỏi đăng ký chất vấn của các Đại biểu Quốc Hội được thống kê, theo các báo phát hành sáng nay. Nghĩa là Bà nhận được số câu hỏi không phải nhiều nhất, nghĩa là Bà sẽ không nằm trong danh sách 4 Bộ trưởng “được” ưu tiên chất vấn, nghĩa là những bức xúc to lớn của xã hội trong thời gian rất dài vừa qua không phải là mối ưu tư hàng đầu hay hàng 4 của Quốc Hội.
Nếu tôi là Bà, trước khi quyết định nhậm chức Bộ trưởng hoặc chỉ sau vài tháng được bầu làm Bộ trưởng, tôi sẽ xin một cuộc hẹn gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tức Sếp trực tiếp của Bà, trình bày, thống kê, phân tích và đánh giá cặn kẽ định tính và định lượng, tất cả những khía cạnh khó khăn, thách thức, nguy cơ, thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu, chuẩn mực, tiềm lực, xu hướng, mục tiêu, kế hoạch, giải pháp, chiến thuật, chiến lược, cam kết, tham vọng, ước mơ, và vân vân… có bao nhiêu điều mà một Tư lệnh ngành, người lãnh đạo và quản lý, như Bà, có thể chia sẻ và “mặc cả” với Sếp. Nếu thấy kế hoạch khả thi và đo lường được, làm gì mà Sếp không vỗ vai khen ngợi và động viên ủng hộ Bà hết mình. Tôi tin là như thế.
Có người cứ khi đụng chuyện thì lại đổ thừa cho cơ chế, cho chính sách, cho hệ thống. Có người thì ra sức phân bua và đẩy hẳn trách nhiệm cho cấp dưới hoặc đồng nghiệp hoặc thậm chí đẩy cho cấp trên. Có người thì mũ ni che tai, nghiến răng chờ cho hết nhiệm kỳ. Có người thì từ chức. Nhưng cũng có người thẳng thắn nhận khuyết điểm và quyết tâm hành động. Bà thuộc về nhóm nào trong số những nhóm tôi vừa kể ? Cơ chế, chính sách, quy trình hay hệ thống là những thứ do con người tạo ra, mà đã là do con người thiết kế tạo ra, thì cũng có thể do con người điều chỉnh, sửa đổi, thậm chí vứt đi. Bà đã từng thử đề xuất với cấp trên, hoặc vì “cứu cánh biện minh cho phương tiện” mà dũng cảm “tặc lưỡi xé rào” lần nào chưa ? Hay Bà chỉ cần phân trần và khóc trước ống kính ? Sếp của Bà sau đó có ủng hộ Bà nữa không ?
Thưa Bà Bộ trưởng.
Bà cũng là người Mẹ. Bà cũng là Bác sỹ. Tôi viết Hoa chữ « Mẹ » và chữ « Bác sỹ » ở đây. Nhưng Bà cũng là một nhà Quản trị, đứng đầu một trong những Bộ quan trọng bậc nhất trong Chính phủ. Đã bao giờ Bà nghe nói đến 4 chức năng cơ bản của quản trị là gì chưa ? Nếu Bà đã biết rồi thì sao Bà đã không hành động cho hiệu quả ? Nếu sứ mệnh đó không phải là của Bà – một Bộ trưởng tư lệnh ngành, thì ai sẽ làm ? Nếu không phải trong nhiệm kỳ này thì là nhiệm kỳ nào ? Nếu không phải bây giờ thì là đến bao giờ ? Nếu cơ chế và hệ thống không cho phép Bà làm tốt hơn, hiệu quả hơn hiện tại, thì vì sao ngay từ đầu Bà đã không từ chối vinh dự nhận lãnh sứ mệnh của một Bộ trưởng.
Bà hãy thuyết phục Sếp của Bà bằng việc liệt kê và chỉ ra hơn 50% hay 70% các quốc gia nào đó trên thế giới mà Bộ trưởng Y tế đã không thể làm tốt được chỉ bởi ở đó, một Bộ trưởng Y tế không có quyền đích thân chọn, bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm một Thứ trưởng, một Vụ trưởng hay một Giám đốc Sở. Rằng Bà sẽ không thể làm tốt công việc của mình chừng nào Bà còn bị « bó chân bó tay » không đủ thẩm quyền đích thân sa thải một Giám đốc Bệnh viện hoặc một Hiệu trưởng của Đại học Y khoa. Rằng Bà không thể kêu gọi hoặc yêu cầu một Chủ tịch tỉnh hay một Bộ trưởng khác trong Chính phủ phối hợp hành động nhịp nhàng chỉ vì lý do cơ chế. Bà hãy thuyết phục Sếp của Bà bằng sự minh bạch, logic, bằng chất lượng của thông tin và thống kê, bằng phân tích, lý giải, so sánh, nhận định, bằng việc tổ chức thực hiện và giám sát kiểm tra, thưởng phạt có tính khả thi. Bà hãy thuyết phục Sếp của mình bằng sự tự tin, bằng trí thông minh và sự duyên dáng của một phụ nữ, bằng sự cương trực và lòng quả cảm của bậc quân tử sinh ra để làm công bộc cho nhân dân. Thử hỏi Sếp của Bà nỡ nào mà không chịu lắng nghe ! Được như thế rồi, tôi tin là Sếp của Bà sẽ rất yên tâm và cho Bà thêm cơ hội. Dĩ nhiên ông ấy sẽ phải cam kết bằng trách nhiệm và cả danh dự của mình trước Quốc Hội và cử tri về quyết định của mình trong việc cho Bà thêm cơ hội. Bằng không, ông ấy sẽ phải xem lại sự cần thiết của Bà trong Chính phủ của ông ấy, và nếu cần, ông ấy hẳn phải có đầy đủ thẩm quyền đích thân bãi nhiệm Bà và thay bằng một Bộ trưởng khác. Làm gì hơn 90 triệu người này mà không tìm ra được một người làm tốt vai trò Bộ trưởng Y tế. Đơn giản có thể ví von, một Tổng Giám Đốc hay CEO sẽ phải có đủ thẩm quyền bãi nhiệm một Giám đốc chức năng trực tiếp dưới quyền, và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm về quyết định của mình trước HĐQT vậy.
Thưa Bà Bộ trưởng.
Tôi chỉ là một người cha bình thường. Con gái tôi còn 2 tuần nữa là sinh nhật lần đầu tiên. Cháu vẫn đang trong giai đoạn tiêm phòng nhiều mũi nữa. Tôi đi làm thuê cho một công ty của nước ngoài. Mỗi tháng tôi đóng thuế thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Số tiền đó chắc chắn là không thấm vào đâu để đổ xăng và khấu hao 10 năm cho chiếc ô-tô của Bà đang đi. Nên trước sau, tôi không dám chỉ trích Bà.
Nhưng rõ ràng là đến tận lúc này, Bà chưa thuyết phục được người dân (tôi nói những người dân còn bình tĩnh và hiểu biết đạo lý) với một kế hoạch hay một giải pháp tổng thể đủ tầm để chặn đứng hay giảm thiểu các vấn nạn y tế và y đức. Bà cần có cơ chế nào, cần bao nhiêu thời gian, cần bao nhiêu ngân sách, cần bao nhiêu người để phụ với Bà hoàn thành các mục tiêu lựa chọn. Bà chỉ cần làm tốt các vấn đề gói gọn trong phạm vi ngành do Bà quản lý dựa trên các nguồn lực đã được duyệt. Các vấn đề có quy mô, bình diện lớn lao hơn thì đã có các Sếp của Bà lo vì trách nhiệm và quyền hạn của họ lớn hơn của Bà.
Hay phải chăng, một kế hoạch, một giải pháp tổng thể như thế ngay từ đầu đã mất tính khả thi, hay những nhận định ngay từ đầu đã thiếu chính xác, hay các dự án ấn tượng của Bà vẫn chưa được triển khai đúng tiến độ, hay các nguồn lực để Bà hoàn thành nhiệm vụ chưa được đáp ứng, hay Sếp của Bà đã không ủng hộ Bà, hay các thành quả ban đầu (nếu có) đã chưa được chứng minh kịp thời do Bà quá bận rộn, hay là còn gì nữa thì tôi xin Bà hãy chia sẻ công khai cho chúng tôi biết với. Bởi vì nếu không, hàng triệu người dân Việt Nam cho dù vẫn cố tỏ ra bình tĩnh hiện nay, sẽ còn mãi hoang mang, lo sợ, phẫn uất, và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nữa khi các vấn nạn vẫn lù lù xảy ra cho dù biết Bà vẫn luôn xót xa và đau đớn.
Vậy nên, tôi tha thiết cầu xin Bà đấy. Tôi cầu xin Bà đấy, hỡi Bà Bộ trưởng ơi…

Xin cám ơn.
Huỳnh Ngọc Hải
(Quê Choa)

Đàn bà- đàn ông và bi kịch “quýt làm cam chịu”

Chỉ khi đó, những bi kịch mang tên Nguyễn Thanh Chấn, những bi hài kịch Vinakhủng mới bị hạn chế, ngăn ngừa.
Và người dân Việt, sẽ không phải đau khổ đóng vai quýt làm… nhân dân chịu.
I-Có hai vụ án- một án oan về số phận một cá nhân và một án không hề oan, về số phận tập thể, bỗng trở thành vật đối chứng, để nói một điều kỳ lạ. Về phẩm cách người đàn bà- đàn ông, về ý chí quyết liệt của con người trước pháp luật, và về những sự… kỳ lạ của ngành tư pháp. Phép so sánh vừa nên thơ, vừa đắng cay, vừa bi kịch và vừa hài kịch. Giữa cuộc đời giống như một sân khấu, mà cánh gà lớp kịch này vừa khép, thì cánh gà lớp kịch khác lại mở ra. 
Câu chuyện bi kịch cá nhân Nguyễn Thanh Chấn chưa kết thúc. Nhưng trong màn bi kịch đó, tình yêu, niềm thương của người đàn bà dấn thân không mệt mỏi trước số phận người thân, mới chính là âm hưởng chủ đạo.  
Trên cái nền của cuộc điều tra một vụ án hình sự- giết người, cướp của cũng đầy “kịch tính”- dàn dựng, đóng như thật, có đạo diễn là các điều tra viên tồi hạng dở về nghiệp vụ, nhưng hạng nhất về dối trá, và cẩu thả. 
Vụ án được phá, hài hước nhất, không thuộc các vị cán bộ tư pháp được đào tạo bài bản, kiến thức luật pháp đầy mình, mà lại thuộc về những người đàn bà nông quê, chân yếu tay mềm, ở đây là bà Nguyễn Thị Chiến, vợ nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn, chỉ biết ruộng vườn, con gà con lợn, chữ nghĩa chẳng bao lăm.  
Thuộc cả về một người đàn bà vì lòng thương đồng loại mà đồng hành suốt với bà Nguyễn Thị Chiến 10 năm trời- bà Thân Thị Hải, vợ một người công an. Và về cả một người đàn bà, không chính diện, không phản diện, chỉ nhờ cái tính “đàn bà” mà thành đầu mối của sự phá án- bà Nguyễn Thị Lành, mẹ kế của hung thủ Lý Nguyễn Chung. 
Tình yêu, sự trực cảm và cực kỳ nhạy cảm đàn bà của người vợ tin chồng mình là người lương thiện, đã khiến bà Nguyễn Thị Chiến biến thành một “thám tử tư” bất đắc dĩ. Từ việc lần tìm tất cả các chứng cứ khẳng định chồng có bằng chứng ngoại phạm trong thời gian chị N.T.H bị sát hại, cho đến khi bất lực trước kết luận của tòa phúc thẩm, 10 năm trời đội đơn đi gõ cửa công đường, kêu oan cho chồng, quả là một tính cách “văn học” đắng cay. 
Cũng phải 09 năm sau, đầu mối vụ án mới hé mở. Bởi lương tâm hay sự hối hận của một vài người đàn ông phía gia đình hung thủ, bất ngờ thú nhận sự thật. Nhưng giữa 09 năm đó, là bi kịch của một gia đình nông dân lương thiện sau lũy tre làng, phải mang tiếng gánh một cái án “giết người” tày đình, trước sự khinh thị, tẩy chay đầy định kiến của dân làng, và cả sự quỵ ngã của bà Nguyễn Thị Chiến, không chịu nổi  nỗi đau của chồng, và sự “kết án” của cộng đồng bà con lối xóm. 
Trời đất không phụ người lương thiện. Chính sự “buột miệng lỡ lời” của phía họ hàng hung thủ, đã mở lối thoát “sinh tử” cho chồng bà- Nguyễn Thanh Chấn. Nhưng cũng phải dấn thân dò la tin tức, sử dụng cả máy ghi âm, để rồi chắp nối những thông tin rời rạc, mà bà Nguyễn Thị Chiến cuối cùng đã “đánh trống công đường” thành công.
Hỗ trợ tích cực cho bà Nguyễn Thị Chiến, là luật sư Nguyễn Đức Biền- người được chỉ định bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn ở 02 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cách đây 10 năm. Là ông Thân Ngọc Hoạt, người anh em đồng hao của ông Nguyễn Thanh Chấn. Và nhất là bà Thân Thị Hải, một người đàn bà không họ hàng huyết thống với bà Nguyễn Thị Chiến, chỉ vì “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”, suốt 10 năm hành trình cùng gia đình bà Chiến trong cuộc chiến âm thầm trả lại cái kết luận oan cho … tòa án.
ĐBQH Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: Lê Anh Dũng
 Bi kịch Nguyễn Thanh Chấn, dẫu sao cũng có chút hài. Vào lúc vụ án oan vỡ lở, cả xã hội bất ngờ, khâm phục bà Nguyễn Thị Chiến, vẫn có vị quan chức của UBTP thuộc QH nhận xét đầy lạc quan: “Cơ quan điều tra VN thuộc diện giỏi nhất thế giới”, nhờ dựa vào nhân dân (VietNamNet, ngày 06/11). 
Không biết đó là câu nói của những người thích đùa, hay là sự đánh tráo khái niệm? Bởi dựa vào dân rất khác về bản chất với khi dân buộc phải vào cuộc. Dựa vào dân, là một tư tưởng đầy chủ động, một chiến lược và chiến thuật trong bảo vệ an ninh xã hội. Nó rất khác khi dân phải vào cuộc, thụ động, may rủi, mà vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn mang tính ăn may là một minh chứng bi hài.
Điểm sáng lớn nhất, duy nhất, là con tim, tình yêu sâu đậm của người đàn bà chân quê giầu đức hy sinh giữa màn u tối một phiên tòa cẩu thả thời hiện đại.
II- Không hẹn mà gặp, những ngày qua, có một vụ án gây sốc bao nhiêu, thu hút bao nhiêu sự quan tâm của cả xã hội, thì lại tiếp tục gây “bất ngờ” bấy nhiêu ở kết cục… không có hậu, khi thi hành án. Đó là vụ Vinakhủng, lớn nhất nước, từng làm thất thoát gần 1000 tỷ đồng, và những nhân vật chính xuyên suốt của vở bi kịch không hề oan sai này là gần chục vị quan chức, đứng đầu là ông Phạm Thanh Bình.
Trái ngược hẳn với vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn khi vỡ lở sự thật, cả xã hội thương xót, thậm chí rơi nước mắt cho họ, những người nông dân hiền lành, chất phác. Vụ án Vinakhủng, khi vỡ lở, cả xã hội bất bình, phẫn nộ, quá thất vọng về phẩm cách, năng lực, đạo đức cán bộ. Cái thanh (dư âm) cho ông Thanh Chấn nó khác biệt hẳn với cái thanh cho ông Thanh Bình. Bởi khác nhau ở mỗi chữ tội. Một bên vô tội, và một bên có tội nặng. 
Thất thoát gần 1000 tỷ đồng, vậy nhưng đến giờ khắc này, lớp lang thi hành án dân sự của các nhân vật chính trong vở bi kịch bỗng “thắt nút”, đẩy tới cao trào ở một góc độ bất ngờ kiểu khác- rất khó thi hành án trong vụ này- với con số 1200 tỷ đồng mà các bị cáo phải nộp lại cho phía các bị hại- các công ty Nhà nước.
Thắt nút, bởi một điều kiện tối thiểu khi xét xử, tòa án phải áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án dân sự, thì câu trả lời thực tiễn đến giờ của tòa án, hóa ra là số 0 to tướng. Đó là kỹ năng nghiệp vụ sơ hở, thua kém, hay tòa án lại “quên”, như mấy vị quan chức có trách nhiệm trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn năm xưa- 2004?
Thắt nút, bởi có tới 06 doanh nghiệp Nhà nước- bên bị hại- hờ hững không gửi đơn yêu cầu thi hành án dân sự, làm cơ sở cho việc Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức thi hành án? Nếu đây là các công ty tư nhân, liệu cái việc thờ ơ với đồng tiền cha chung, không ai khóc có xảy ra không?
Khi còn Vinakhủng, các DNNN này đã thờ ơ với đồng tiền “bị hại” của mình. Nay Vinakhủng đã khai tử, để khai sinh ra Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC), thì liệu đồng tiền “bị hại” có rơi vào số phận “bức tử”?
Điểm thắt nút bất ngờ nhất, còn là câu chuyện khi phải thi hành án dân sự, mới hay các bị cáo của vụ án, toàn các quan chức doanh nghiệp, một thời là các đại gia- nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Phó Tổng GĐ, nguyên GĐ công ty, đều rất… nghèo. 
Tỷ như tài sản của ông Phạm Thanh Bình, hiện chỉ có mỗi căn hộ chung cư, cả gia đình ông chung sống, trong khi số tiền ông này phải nộp thi hành án tới khoảng 500 tỷ đồng. Các vị tù nhân khác cùng hội cùng thuyền với ông cũng vậy, “người nghèo tám lạng, người khổ nửa cân”. 
Khiến xã hội hồi hộp xem những nút thắt của lớp kịch thi hành án dân sự, bỗng ngơ ngẩn hỏi nhau: Con voi chui lọt lỗ kim từ khi nào?
Có điều, trong vở bi kịch Vinakhủng này, không có sự “phá án” về tài sản của họ, trừ những người đàn bà trong gia đình họ là biết rõ nhất.
Cũng khác hẳn cái kết có hậu của bi kịch mang tên Nguyễn Thanh Chấn, dù khởi đầu, là quýt làm cam chịu, nhưng cuối cùng, lương tâm thức tỉnh, và biết khó thoát trước pháp luật, Lý Nguyễn Chung phải ra thú tội trước bình minh.
Ngược lại, bi kịch Vinakhủng, không biết lương tâm các vị quan chức- tù nhân có thức tỉnh hay không, mà cái kết hệt câu thành ngữ hiện đại mang tính ngụ ngôn muôn đời: Quýt làm…nhân dân chịu.
Có thước đo nào để đo giữa lương tâm của một kẻ giết người, và lương tâm của các quan chức phạm tội trong Vinakhủng, xem ai hơn ai?
III- Một thông tin mới, rất nhanh chóng loang trên mạng truyền thông- Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với 184/192 phiếu- số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới.
 
Các nước chúc mừng VN trở thành Thành viên Hội đồng nhân quyền.
Nhân quyền vốn là một khái niệm, phản chiếu tầm văn minh cao nhất của một quốc gia hạnh phúc hay ngược lại? Khi nhìn vào các quyền con người trong xã hội được bảo đảm bằng các chính sách ứng xử, từ người bình thường đến người khuyết tật, hoặc ngược lại, bị xâm phạm nghiêm trọng? 
Cũng chính vì thế, nhân quyền luôn là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm với bất cứ quốc gia nào, nhưng đặc biệt luôn chứa đựng những khát vọng, cùng hoài nghi đau đớn, trên hành trình của các quốc gia đang phát triển, mà tầm dân trí, quan trí, văn minh nhân loại còn chưa cao. Nó còn là sản phẩm tất yếu của thời công nghệ thông tin- bước tiến vĩ đại của khoa học- nhân học trong lịch sử loài người. 
Sự kiện này là tin vui cho nước Việt, nhưng quan trọng hơn, là một cơ hội, và một thách thức đặt ra cho nước Việt hàng loạt vấn đề phải hành động. 
Từ sự kiện cao nhất, trọng đại nhất- sửa đổi dự thảo Hiến pháp năm 1992, cho tới thiết kế, cải tổ thiết chế chính trị phù hợp, xây dựng nền quản trị quốc gia văn minh, tiên tiến, hợp với văn minh thời đại và nhân loại, cho tới việc bảo đảm quyền con người được thể hiện rõ trong hàng loạt các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…
Nó chứng minh sự thành tâm và nhất quán của nước Việt trong hội nhập quốc tế, thực hiện những cam kết vì một mục đích nhân bản- bảo đảm quyền con người của người Việt, trong một xã hội đang phát triển đầy những thách thức, âu lo lẫn bất ổn.
Tuy nhiên, thực hiện điều đó không đơn giản. 
Nếu như ngay trong lĩnh vực kinh tế- việc gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), là một cán mốc cam kết sự thay đổi thật sự cả nhận thức lẫn tầm tư duy và tổ chức điều hành nền kinh tế trên con đường phát triển và hội nhập, thì để Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường- đến thời điểm này, vẫn còn là một dấu hỏi- với các quốc gia hùng mạnh về kinh tế thị trường.
Nếu như ngay trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, quốc gia thứ hai trên thế giới tham gia ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em. Nhưng làm sao, giáo dục có thể hạn chế “quyền học thêm” từ bậc tiểu học- trả lại cho trẻ em tuổi thơ “bị đánh cắp”? Làm sao, xã hội có thể ngăn chặn, chống lại những tội ác của những kẻ vô lương bóc lột lao động, xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em khiến lương tâm người lớn chúng ta nhức nhối?
Và ngay trong lĩnh vực tư pháp này thôi, vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn, hẳn sẽ cúi đầu, hổ thẹn mà đi vào lịch sử tư pháp, với một vết đau- bởi quyền con người- ở ngay giai đoạn điều tra, đã không hề được tôn trọng do cách thức điều tra có vấn đề cả nghiệp vụ lẫn đạo đức? 
Khi mà “suy đoán vô tội”, một nguyên tắc của luật tố tụng hình sự được áp dụng phổ biến ở các quốc gia văn minh, nhưng còn khá mới mẻ với Việt Nam. Khi mà Bào chữa vẫn chỉ là “hư quyền” (Tuần Việt Nam, ngày 14/11), thì vấn đề quyền con người trong lĩnh vực tư pháp vẫn là một khoảng trống cần lấp đầy. Bằng chính công cuộc cải cách ngành này.
Quyền con người- là khát vọng lớn nhất của mỗi con người sinh ra trong đời sống hôm nay. Quyền đó, chỉ thực sự thành hiện thực theo nghĩa trọn vẹn, với một điều kiện cần và đủ- một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, một nền tư pháp văn minh, minh bạch, kế thừa tinh hoa nhân loại, trên nền tảng một tư duy và nhận thức quản trị quốc gia trẻ trung, chống lại sự xơ cứng, trì trệ, trây ì, nhưng lại nhân danh những ngôn từ văn hoa, hoa mỹ.
Chỉ khi đó, những bi kịch mang tên Nguyễn Thanh Chấn, những bi hài kịch Vinakhủng mới bị hạn chế, ngăn ngừa.
Và người dân Việt, sẽ không phải đau khổ đóng vai quýt làm… nhân dân chịu
Kỳ Duyên ( Bản gốc của tác giả)
  (Quê Choa)

Vụ 10 năm oan sai: 6 điều tra viên có dám tố cáo ông Chấn đã vu khống?

Trong tình huống mà ông Chấn minh mẫn, việc tố cáo các điều tra viên ép cung, dùng nhục hình - đã được cả 6 điều tra viên phủ nhận bằng văn bản - ông Chấn liệu sẽ bị khép vào tội vu khống!

Hội đồng tái thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đã tuyên án chung thân với ông Nguyễn Thanh Chấn tội giết người. Vụ án lại quay về vạch xuất phát của quá trình tố tụng. Thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử lại thuộc các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang. Dư luận lại “căng mình” lo cho ông Chấn.
Trách nhiệm... dồn xuống dưới

Trách nhiệm... dồn xuống dưới

Kháng nghị tái thẩm vụ án “Nguyễn Thanh Chấn giết người” của Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã được Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao chấp thuận.

Như vậy, hung thủ Lý Nguyễn Chung tự thú nhận đã giết người là tình tiết mới - do chưa qua quá trình tố tụng - nên tạm gọi là thủ phạm. Ông Nguyễn Thanh Chấn cũng mới chỉ “thoát” không phải ngồi tù. Oan hay không lại phải chờ các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang phán xét sau quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Với quyết định tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang “lãnh đủ” trách nhiệm trong vụ án này, nếu ông Chấn được chứng minh là vô tội. “Kịch bản” của quá trình tố tụng diễn biến như sau:

Công an tỉnh Bắc Giang hẳn khó có kết luận rằng ông Chấn phạm tội giết người, bởi những dấu vết lưu lại tại hiện trường sẽ không thể khớp với dấu vân tay, vết chân của ông Chấn, đặc biệt là dấu tay có vết máu trên cửa, thanh sắt cài cửa, công tắc ổ điện, trên chiếc gối đậy mặt chị Hoa - đã được cơ quan điều tra bỏ qua.

Trên phương tiện thông tin, ông Vũ Đức Khiển đã phân tích các tình huống mà cơ quan tố tụng ở tỉnh Bắc Giang sẽ có thể là:

Tình huống thứ nhất: Nếu cơ quan điều tra Công an tỉnh ra quyết đình chỉ điều tra đối với ông Chấn không phạm tội. Vậy, việc bồi thường cho ông Chấn sẽ thuộc Công an Bắc Giang.

Tình huống thứ hai: Cơ quan Công an Bắc Giang vẫn có kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND tỉnh làm cáo trạng truy tố ông Chấn. Trong trường hợp Viện KSND tỉnh không ra cáo trạng truy tố mà có quyết định đình chỉ điều tra thì Công an Bắc Giang phải bồi thường.

Nếu Viện KSND tỉnh vẫn ra cáo trạng truy tố, nhưng khi xét xử, TAND tỉnh tuyên bố ông Chấn không phạm tội, thì Viện KSND tỉnh phải bồi thường.

Với “vòng quay” tố tụng này, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

Viện KSND Tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao, đã không còn “dính” đến việc bồi thường với ông Chấn. Dù rằng, bản án phúc thẩm “chốt hạ” mức án chung thân với ông Chấn.

Quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng Viện KSND Tối cao và chấp nhận quyết định đó của Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao đã ra tay “cứu” chính bàn thua “trông thấy” trong việc thực hiện bồi thường cho ông Chấn.

Dư luận hẳn cũng đã “tỏ tường” vì sao lại là quyết định tái thẩm chứ không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này.

Vật vã tìm công lý

Ông Nguyễn Thanh Chấn cũng lại phải đối mặt với vòng quay của quá trình tố tụng từ giai đoạn đầu.

Dư luận không khỏi lo lắng khi xuất hiện tình tiết mới. Đó là việc các điều tra viên tham gia thụ lý, điều tra vụ án đã đồng loạt phủ nhận việc ông đã cáo buộc họ đã ép cung, dùng nhục hình để ông phải nhận tội, như lời ông kêu khi thụ án và ngay cả tại hai phiên tòa xét xử ở cấp sơ và phúc thẩm.

Các điều tra viên sẽ “tung” câu hỏi: Bằng chứng đâu? Lại một “kịch bản” được dư luận đặt ra :

- Ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ không có bằng chứng, ngoài những dòng chữ viết “rút” từ tim gửi cho mẹ, nói bị hàm oan, bị đánh đập, bị ép cung để nhận tội, những lá đơn đã viết khi thụ án, những lời tố cáo công khai tại hai phiên tòa.

- Ông Chấn liệu có bị khép vào tội vu khống cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục hình với ông?

- Khi Lý Nguyễn Chung đầu thú nhận đã giết người, ông Chấn không bị ép cung, bị dùng nhục hình nhưng đã nhận tội. Một là, ông Chấn sẽ rơi vào diện bị “tâm thần hoang tưởng”, khai báo linh tinh, để công an Bắc Giang có kết luận điều tra không chính xác. Nhưng chứng cứ trong bản kết luận điều tra lại chặt chẽ, hoàn hảo đến mức, Viện KSND tỉnh, Hội đồng xét xử không thể “vạch lá” tìm ra những vi phạm tố tụng, từ lời khai của một người có "vấn đề về tâm thần", không giết người mà lại khai và tự viết đơn nhận tội như thật, khi dựng lại hiện trường cũng diễn... chuẩn.

Trong tình huống mà ông Chấn minh mẫn, việc tố cáo các điều tra viên ép cung, dùng nhục hình - đã được cả 6 điều tra viên phủ nhận bằng văn bản - ông Chấn liệu sẽ bị khép vào điểm c,e khoản 2 Điều 122 Bộ Luật hình sự: Tội vu khống.

Và “kịch bản” cuối cùng mà dư luận chờ đợi, cũng là để “chốt” lại ông Chấn vu oan hay các cán bộ điều tra có ép cung, dùng nhục hình, thì 6 cán bộ điều tra đã thụ lý vụ án - nay dù đang giữ những vị trí trọng trách của Công an tỉnh Bắc Giang - liệu có dám làm đơn yêu cầu làm rõ việc ông Chấn có phạm phải  tội danh này không?

Theo Linh Trần

(Lao động)

Hai án tử hình trong vụ ALCII


Một số vụ án kinh tế lớn đã xảy ra ở Agribank

Hai người bị tuyên án tử hình tại một phiên tòa xử vụ án tham nhũng ở một công ty con thuộc ngân hàng quốc doanh Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

TAND TP. HCM vào chiều 15/11 đã tuyên phạt ông Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc công ty ALCII) mức án tử hình về tội "tham ô tài sản", 15 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Ông Đặng Văn Hai (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH xây dựng và thương mại Quang Vinh) cũng bị tuyên án tử hình về tội “tham ô tài sản”, tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 15 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chín bị cáo khác nhận các hình phạt từ ba đến 14 năm tù.

Cáo trạng nói tổng giá trị thiệt hại do các bị cáo gây ra là hơn 531,8 tỉ đồng, với ông Hảo tham ô gần 80 tỉ đồng, và ông Hai lừa đảo chiếm đoạt hơn 60,9 tỉ đồng.

Đây là một trong 10 vụ được Viện KSND tối cao Việt Nam gọi là "đại án".
Cáo trạng nói từ năm 2008 đến 2009, ông Vũ Quốc Hảo cùng các đồng phạm móc nối với các doanh nghiệp bên ngoài ký 10 hợp đồng thuê, mua tài sản khống để giải ngân số tiền gần hơn 600 tỷ đồng làm thất thoát của nhà nước 530 tỷ đồng.

Bản án vụ ALCII

  • Vũ Quốc Hảo, tử hình
  • Đặng Văn Hai, tử hình
  • Nguyễn Văn Tài và Phạm Xuân Nghị, 14 năm tù
  • Nguyễn Văn Thọ, 13 năm tù
  • Hoàng Quốc Thịnh, 6 năm tù
  • Lê Thị Tám và Tôn Quang Việt, 5 năm tù
  • Phạm Minh Tuấn và Lê Văn Phong, 6 năm tù
  • Khương Minh Hiệp, 3 năm tù

Trách nhiệm?

Agribank, một ngân hàng quốc doanh, là ngân hàng lớn nhất Việt Nam cả về vốn, tài sản, đội ngũ cán bộ nhân viên, mạng lưới hoạt động và số lượng khách hàng.

Tại tòa, đại diện Viện KSND TP HCM nói: “Sai phạm xảy ra tại ALC II còn có trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam."

"Cơ quan điều tra xác định ông Đỗ Tất Ngọc (nguyên Chủ tịch HĐQT Agribank), Nguyễn Hữu Lương (Trưởng ban kiểm soát HĐQT Agribank) và ông Võ Hồng (nguyên Chủ tịch HĐQT Cty ALC II)," người này nói.

Trong một vụ án riêng rẽ, hồi tháng Giêng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tiết lộ đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong số 10 đại án được Viện KSND tối cao Việt Nam có các vụ khác cũng liên quan Agribank:
  • Vụ án kinh tế tại Công ty dệt kim Phương Đông và một chi nhánh Agribank ở TP HCM
  • Vụ án kinh tế tại sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank
  • Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm xảy ra tại chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank
(BBC)

Làm sao trở thành công dân EU?


Một số người Malta phản đối chương trình 'tiền đổi quốc tịch'

Ủy ban châu Âu nói họ không có quyền tác động đến việc các nước trong Liên minh châu Âu (EU) thu hút người nước ngoài nhập tịch.

Một người phát ngôn cho Ủy ban, Michele Cercone, nói “các nước thành viên tự quyết định ai đủ tiêu chuẩn làm công dân”.

Hôm thứ Ba, nghị viện Malta thông qua dự luật dùng tiền để mua hộ chiếu. Những ai trả 650.000 euro sẽ trở thành công dân hợp pháp của quốc đảo này.
Một số nước trong EU cũng đã nới lỏng quy định nhập tịch.

Nói với BBC News, ông Cercone giải thích chỉ cần có hộ chiếu của một nước trong EU là đủ để một công dân hưởng mọi quyền lợi theo luật của Liên minh châu Âu.

Malta, giống như đa số 28 nước thuộc EU, nằm trong khu vực Schengen, nơi các công dân gần như được tự do đi lại mà không phải qua kiểm tra.

Các công dân EU cũng có thể đi lại và làm việc ở một nước khác cùng khối, tiếp cận dịch vụ công như trường học và y tế.

Thu hút người giàu

Malta đã giao cho một công ty đặt ở Jersey, Henley and Partners, phụ trách việc quảng bá chuyện nhập tịch, nhắm đến người giàu.

Công ty này nói các ứng viên xin hộ chiếu sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng “để bảo đảm chỉ khách hàng có uy tín mới được chấp thuận”.

Nếu người nộp đơn có vợ/chồng hay con dưới 18, những người phụ thuộc sẽ nộp thêm phí là 25.000 euro mỗi người.

Thủ tướng Malta Joseph Muscat nói chương trình mới có thể mang lại 30 triệu euro mỗi năm.

Phe đối lập tại Malta công kích kế hoạch, nói rằng hòn đảo bé nhỏ sẽ trở thành nơi tránh thuế.

Dân số Malta chỉ có 419.000 người.

Từ khi gặp khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhiều nước trong EU đã ra chính sách nhằm thu hút đầu tư, kể cả nới lỏng quy định cư trú và nhập tịch.

Tây Ban Nha cho phép người nước ngoài cư trú nếu đầu tư ít nhất 500.000 euro vào bất động sản hay mua ít nhất 2 triệu euro trái phiếu chính phủ.

Tại Hungary, nếu người nước ngoài đầu tư ít nhất 250.000 euro vào trái phiếu chính phủ, họ cũng nhận được thẻ cư trú.

Hungary cũng cấp hàng chục ngàn hộ chiếu cho người dân lân cận như Serbia, vốn chưa được vào EU. Chỉ có hai điều kiện – có tổ tiên là người Hungary và trình độ ngôn ngữ căn bản.


Hungary cấp hàng ngàn hộ chiếu cho người dân lân cận

Cyprus tuyên bố những ai bị mất ít nhất ba triệu euro khi xảy ra khủng hoảng ngân hàng ở Cyrps năm nay sẽ được xin nhập tịch. Đa số người bị ảnh hưởng là người Nga.

Chính sách của Anh

Anh quốc cũng có chương trình ‘cư trú nhanh’ cho người nước ngoài đầu tư lớn.
Các ‘đại gia’ có thể định cư tại Anh nếu đã chính thức sống tại đây trong ít nhất hai năm.

Yêu cầu hai năm áp dụng cho những người có tài sản từ 10 triệu bảng ở Anh; ba năm cho 5 triệu bảng và 5 năm cho những ai có ít nhất 1 triệu bảng.

Năm 2011, Anh quốc dẫn đầu EU về việc cho nhập tịch. 177.600 người trở thành công dân Anh năm đó.

Tiếp theo là Pháp, với 114.584 công dân Pháp, rồi Tây Ban Nha (114.599), và Đức (109.594).

Giống như các năm trước, nhóm công dân mới lớn nhất đến từ Morocco (64.200) và Thổ Nhĩ Kỳ (48.800).

Đa số người Morocco xin nhập tịch ở Pháp, và đa số người Thổ thành công dân Đức.
(BBC)

“Lấy độc trị độc”: Bầu Nga-Trung-Việt vào Hội đồng Nhân quyền Hiệu Minh

UN New York
Ngoại giao có nhiều tin vui. Bộ trưởng Phạm Bình Minh lên sao Phó Thủ tướng. VN ký công ước UN về chống tra tấn, trừng phại và đối xử tàn nhẫn. Mấy hôm trước, VN vào Hội đồng Nhân quyền UN. Quá vui.
Tin vui về ngoại giao
Ngày 7/11, tại UN New York (Mỹ), Đại sứ Lê Hoài Trung, đã thay mặt Chính phủ VN ký Công ước UN về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác (gọi tắt là Công ước chống tra tấn).

Gần một tuần sau, 12/11, cùng với 14 nước bao gồm Nga, Trung Quốc, và một số nước khác, Việt Nam cũng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của UN.
Được thành lập từ năm 2006, Hội đồng Nhân quyền UN có 47 đại diện đóng đô tại Geneve, chuyên theo dõi tình trạng nhân quyền tại các quốc gia, từ việc điều tra các vụ án bị cho là lạm dung, thi hành án tử hình, đến cả máy bay không người lái Mỹ tấn công người vô tội.
Đây là những tin vui cho ngành ngoại giao Việt Nam. Chả thế mà ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, đã tự hào “Việt Nam đã hội nhập quốc tế rất sâu rộng. Khi thế giới hiểu rõ hơn, từ đó họ sẽ có nhận thức, cách nhìn về vấn đề quyền con người ở Việt Nam.”
“Trước đây khi chúng ta không là thành viên, họ nói thậm chí họ ra các nghị quyết mà chúng ta không được tham gia. Còn giờ chúng ta đã có quyền phát biểu, chứng minh bằng hành động, bằng điều kiện thực tế cụ thể để cho họ nhận thức và thấy rõ quyền con người ở Việt Nam.”
Ông Hằng cũng tuyên bố đây là “đòn đánh mạnh vào các đối tượng mà bấy lâu nay cố tình bôi nhọ, vu cáo chúng ta”.
Tin vui khác. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Phạm Bình Minh, vừa được bầu làm Phó Thủ tướng với số phiếu rất cao tại Quốc hội, chứng tỏ ngành này đang được chú trọng hơn. Thời xưa, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao luôn là thành viên Bộ Chính trị. Nhưng thời của ông Phạm Bình Minh chỉ là UV TW.
Một quốc gia không coi Ngoại giao là quan trọng thì khó mà hội nhập với thế giới. Đối nội, đối ngoại phải song hành mới mong cải thiện hình ảnh đất nước.
Nhiệm vụ trước mắt
Phát biểu sau khi có kết quả bầu VN vào Hội đồng Nhân quyền, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói “Việt Nam sẽ thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc”.
Đúng thế. Từ nay, chúng ta phải tỏ rõ thái độ và chỉ cho thế giới biết, Việt Nam không có tù nhân lương tâm, không bắt bớ giam cầm vô tội vạ, không tra tấn, không đối xử vô nhân đạo, cảnh sát không đạp mặt dân, người bị bắt vào đồn công an không thể “bỗng dưng treo cổ”, “tự nhiên ngất và chết”.
Sẽ không còn chuyện bị bắt vì bao cao su đã qua sử dụng lại thành tội phạm chống nhà nước.
Sẽ không có những tòa án kiểu Kangaroo, xử vội xử vàng, kết tội lấy được, xử công khai nhưng không ai được vào phòng xử án. Loa tậm tịt phát ra ngoài nếu người bị tố cáo lên tiếng phản bác.
Sẽ không còn chuyện bắt bớ blogger bởi họ lên tiếng một cách ôn hòa về những sai trái của chính quyền.
Đất nước chuyển sang tam quyền phân lập, báo chí thành lực lượng thứ 4, blog, facebook thành lực lượng thứ 5, giám sát quyền lực.
Phiên xử án Đoàn Văn Vươn
Nếu các thế lực thù địch bôi nhọ thì đưa các thành viên Hội đồng Nhân quyền đến tận nơi để phỏng vấn và điều tra. Làm ra môn ra khoai, hết trò lấp liếm “VN không có tù nhân lương tâm” trên cái loa phường, mấy bác nông dân mù chữ cũng chả tin.
Vào Hội đồng này thì không thế nói, Việt Nam có đặc thù riêng, có cách hiểu nhân quyền riêng, khác với chuẩn mực quốc tế, nghe chối tai.
Bà Phạm Chi Lan trả lời phỏng vấn của BBC rằng, Việt Nam phải làm ngay các bước để cải thiện tình hình nhân quyền:
“Trước hết, Hiến pháp của Việt Nam phải làm rõ hơn các quyền về con người, cũng như các vấn đề về nhân quyền đã được nêu ở trong Hiến pháp.
“Sau đó, Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống luật pháp của mình để làm rõ hơn các quyền của công dân, quyền con người được quy định trong Hiến pháp sẽ thực hiện như thế nào.”
“Và thứ ba, về cơ chế thi hành từ luật đến thực hiện như thế nào, đây cũng là việc Việt Nam cũng phải tập trung nhiều nỗ lực.”
Một số quyền của công dân Việt Nam mà lâu nay chưa có đủ các cơ sở, điều kiện pháp lý để thực hiện tốt như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền lập hội, hay quyền biểu tình v.v…, theo bà Chi Lan, phải được luật hóa tốt hơn.
Chỉ cần làm được như thế thì các thế lực thù địch hết mở loa rè, mua vũ khí ở Mỹ cũng được thay vì mua của Nga, VN mạnh rồi, không kẻ nào xâm lược nổi, vì có cộng đồng quốc tế đứng bên cạnh. Dân chúng sẽ ủng hộ đảng CS dù bây giờ đang mất hết uy tín.
“Lấy độc trị độc”
Gọi điện thoại cho anh bạn về chuyện này. Anh cười, nhớ lại thời trẻ con đi học. Lớp có một thằng to đầu, nói năng hỗn láo, chẳng coi ai ra gì. Khi thầy giáo hết chịu nổi, định đuổi học, thì cô hiệu trưởng đứng ra bảo kê, để cô ấy chủ nhiệm một thời gian.
Cô về tổ chức lại lớp, bầu lại lớp trưởng, lớp phó. Cô chọn luôn thằng cu đầu gấu làm lớp trưởng. Hình như có chức vị chút, có oai chút, nhưng nhận thấy trách nhiệm của mình, cần phải gương mẫu, thế là cu ấy ngoan dần lên, học rất giỏi.
Giam oan 10 năm.
Anh cười, kế UN “lấy độc trị độc” chưa chừng lại hiệu quả hơn là để các quốc gia mất nhân quyền nhất thế giới đứng ngoài. Nga, Trung, Việt vào ngồi bàn với nhau bảo vệ dân, chống tra tấn, chắc sẽ hay hơn vì họ có lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa Mác Lê soi sáng cho loài người.
Chả biết có được như thế không. Nhưng bây giờ cứ hy vọng nhân quyền VN sẽ tốt lên. Có xấu thì ít nhất cũng không thể xấu hơn bây giờ. Vui đi các bạn.
 
HM. 13-11-2013
(Blog Hiệu Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét