Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Khi quyền bào chữa chỉ là “hư quyền” & Thông báo của Mạng Lưới Blogger Việt Nam về việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Tầng lớp trí thức là gì?

  •   Ivanov Razumnik
“Tầng lớp trí thức là cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội” - cái định nghĩa về tầng lớp trí thức mà “lý thuyết hữu cơ về xã hội” đưa ra ngày xưa hiện đã bị bác bỏ rồi; mặc dù vậy, chúng tôi hoàn toàn chấp nhận định nghĩa này vì tuy về hình thức, nó chưa đạt nhưng nội dung thì lại rất sâu sắc. Lịch sử tầng lớp trí thức Nga là lịch sử nhận thức của người Nga vì trí thức chính là người truyền bá nhận thức. I. Aksakov[1] hoàn toàn có lý khi định nghĩa tầng lớp trí thức là “những người tự nhận thức” và chỉ ra rằng tầng lớp trí thức “không phải là một đẳng cấp, không phải là giai cấp, cũng không phải là một liên hiệp hay một nhóm nào... Đấy cũng không phải là một tập hợp mà là toàn bộ các lực lượng sống động xuất phát từ nhân dân...”
Tầng lớp trí thức là cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội, là toàn bộ các lực lượng sống động của nhân dân... Chúng tôi đồng ý với định nghĩa này, đồng thời không thể không lưu ý đến sự thiếu hụt rõ ràng của nó; đây là những định nghĩa đúng đắn nhưng mơ hồ, cần phải được giới hạn lại và tách hẳn nó ra. Nhận thức của nhân dân là gì? Lực lượng sống động của nhân dân biểu lộ như thế nào? Đấy là những câu hỏi cần trả lời, cần phải giới hạn thuật ngữ “tầng lớp trí thức” trong khuôn khổ hoàn toàn xác định, cần phải tách hẳn nó ra khỏi những khái niệm gần gũi khác bằng những đường phân định rõ ràng. Nói cách khác, trước hết cần phải tìm cho bằng được những đặc trưng cơ bản của khái niệm mà chúng ta đang tìm cách định nghĩa.
Đặc trưng đầu tiên và quan trọng nhất là: tầng lớp trí thức là một nhóm xã hội nhất định; đặc trưng này tạo cho ta khả năng xác định điểm xuất phát của công việc mà ta dự định tiến hành và cùng với những đặc trưng khác, tìm ra thời điểm hình thành tầng lớp trí thức Nga và xuất phát điểm của lịch sử của nó. Đặc điểm này chỉ rõ sự khác nhau căn bản giữa “những người trí thức” đơn lẻ và tầng lớp trí thức, theo nghĩa là một nhóm người. “Những người trí thức” đơn lẻ thì lúc nào cũng có, nhưng tầng lớp trí thức lại chỉ xuất hiện khi có sự liên kết mật thiết những người trí thức đơn lẻ thành một nhóm thống nhất, hoàn chỉnh. Những người, do quá trình lao động mà có một khối lượng kiến thức nhất định hay những người có quan hệ nhất định đối với các vấn đề đạo đức-xã hội học thì lúc nào cũng có và mãi mãi sẽ có, nhưng họ chưa tạo thành tầng lớp trí thức, theo nghĩa là một nhóm người. Thí dụ, trong thế kỷ XVI, công tước Kurbsky[2], Ivan Bạo chúa[3], Feodosy Kosoi[4], một người vô chính phủ Nga đặc trưng; hay trong thế kỷ XVII, Matveev[5], Kotoshikhin[6], Khvorostinin[7]; trong thế kỷ XVIII, Pëtr I[8], Tatishev[9], Lomonosov[10]... đã là những người trí thức; nhưng trong thế kỷ XVI, thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII nước Nga chưa có tầng lớp trí thức. Tương tự như thế, hiện nay cũng có “những nhà trí thức” đơn lẻ, do quá trình lao động mà có một khối lượng rất lớn kiến thức nhưng họ không tham gia vào tầng lớp trí thức; như chúng ta sẽ thấy sau đây, một viện sĩ hay một giáo sư siêu đẳng có thể không thuộc vào tầng lớp trí thức theo nghĩa mà Lavrov[11] nhận xét: thuật ngữ “tầng lớp trí thức” không liên quan đến những khái niệm về bất cứ nghề nghiệp nào. Một người nông dân vừa thoát nạn mù chữ cũng có thể thuộc về tầng lớp trí thức, nhưng không tấm bằng đại học nào có thể cấp cho người chủ của nó quyền tự coi mình thuộc tầng lớp trí thức. Sau đây chúng ta sẽ trở lại vấn đề này, bây giờ xin tiếp tục theo dõi những đặc trưng chủ yếu tiếp theo của khái niệm mà chúng ta đang khảo sát.
Như vậy là, tầng lớp trí thức là một nhóm xã hội xác định; đây là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để nói lên bản chất của khái niệm “tầng lớp trí thức”. Lúc nào cũng tồn tại “những người trí thức” đơn lẻ, tương tự như thế, lúc nào cũng tồn tại những nhóm cố kết của những người có học nhất trong thời đại của mình, họ tập hợp lại vì đồng tình với những cương lĩnh hay những hành động nào đó. Thí dụ, trong thế kỷ XV ở Nga đã có những nhóm “trí thức” đoàn kết, một mặt, xung quanh Nil Sorsky[12], và mặt khác, xung quanh Iosef Volosky[13]; tất cả những người bất đồng tôn giáo trong những thế kỷ sau đều tập hợp thành những nhóm với một tư tưởng nào đó. Như thế nghĩa là các mâu thuẫn chính trị đã chia người Nga thành những nhóm riêng biệt; thí dụ từ thế kỷ XVI xu hướng thân phương Tây đã thể hiện rõ trong những nhóm trí thức và vì thế chúng ta có đảng của những người ủng hộ Maxim Grek[14]; thế kỷ XVII chúng ta có cái gọi là Đảng Ba Lan trong tầng lớp quý tộc-phong kiến, sau này chúng ta lại có Trường phái Kiev; đầu thế kỷ XVIII lại có nhóm quý tộc và nhóm xung quanh Tatishev. Nhưng chúng ta vẫn không thể coi lịch sử tầng lớp trí thức Nga, như một nhóm người, kể từ Nil Sorsky, Lomonosov, Tatishev hay Pëtr Mogila[15] được: đấy chỉ là những nhóm tách biệt, không có tính kế thừa cả về mặt logic lẫn lịch đại; đấy chỉ là những sự kiện, tuy rất quan trọng đối với lịch sử văn hóa Nga, nhưng không có quan hệ gì với lịch sử của tầng lớp trí thức Nga.
Như vậy, đặc trưng thứ hai của tầng lớp trí thức là tính kế thừa - tầng lớp trí thức là một nhóm mang tính kế thừa, hay nói bằng ngôn ngữ toán học: là một hàm liên tục. Nhóm trí thức Nga như thế tồn tại từ giữa thế kỷ XVIII, từ đó, tức là từ thời Novikov Fonvizin[16] và Radishev[17] đến nay, giới trí thức Nga đã tồn tại được một trăm năm mươi năm; nó lớn lên, phát triển, đôi khi chia thành các phân nhóm. Nhưng sự phát triển của nó là liên tục, nó là một nhóm mang tính kế thừa. Có một tư tưởng chung (chúng ta sẽ xem xét tư tưởng này sau) liên kết nhóm này thành một khối thống nhất, không đứt đoạn; ngoài ra, không phụ thuộc vào tư tưởng này, từ giữa thế kỷ XVIII, giới trí thức Nga còn được liên kết bởi một hành động chung: cuộc đấu tranh giải phóng. Cuộc đấu tranh kéo dài hàng trăm năm, mang tính sử thi này đã cố kết tầng lớp trí thức Nga thành một khối với sức kháng cự chưa từng có; cuộc đấu tranh này đã tôi luyện tầng lớp trí thức Nga như lửa tôi thép; cuộc đấu tranh này rèn tầng lớp trí thức Nga thành một loại vũ khí không nước nào có, không dân tộc nào có thể có.
Xác định trí thức như là một nhóm người có tính kế thừa là chúng ta đã đặt giới hạn cho công cuộc nghiên cứu của chúng ta: lịch sử tầng lớp trí thức Nga xuất phát từ một nhóm, lần đầu tiên coi cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân là nhiệm vụ của mình; nửa sau thế kỷ XVIII chỉ là khởi đầu của tiến trình lịch sử mà thế kỷ XIX đã triển khai một cách rộng rãi nhất. Đây là tác phẩm dành cho việc nghiên cứu cái lịch sử đó, nhưng trước khi tiến hành nghiên cứu, chúng ta đã có thể chỉ rõ hai đặc trưng nữa của tầng lớp trí thức Nga: tính phi đẳng cấp và phi giai cấp của nó.
Đây là hai đặc trưng tách biệt hẳn tầng lớp trí thức mang tính kế thừa khỏi những nhóm tôn giáo hoặc chính trị từng tồn tại trước đó ở nước Nga: tất cả các nhóm này đều mang tính đẳng cấp hoặc tính giai cấp.
Thế kỷ XVIII, lần đầu tiên tầng lớp trí thức rũ bỏ được lý tưởng giai cấp và bằng cách đó, dù là đẳng cấp về mặt thành phần, họ đã trở thành phi đẳng cấp về mặt mục tiêu. Nhóm các nhà hoạt động xã hội đứng đầu là Novikov[18] và Radishev ở cuối hàng, hạt giống của tầng lớp trí thức Nga, về thành phần là quý tộc-điền chủ, nghĩa là mang tính giai cấp-đẳng cấp, nhưng họ đã hy sinh quyền lợi giai cấp, trong trường hợp này là quyền lợi của các điền chủ, cho lý tưởng chung; mục tiêu của đẳng cấp đã bị loại bỏ khỏi thế giới quan của họ. Về mặt thành phần thì tầng lớp trí thức Nga mang tính giai cấp và đẳng cấp, nhưng về nhiệm vụ đặt ra và mục tiêu theo đuổi thì họ là nhóm người phi giai cấp và phi đẳng cấp một cách sâu sắc. Đầu thế kỷ XIX về mặt thành phần thì tầng lớp trí thức Nga còn mang tính đẳng cấp hơn nữa, nhưng đồng thời nó còn kiên quyết cắt đứt khỏi mọi liên hệ với quyền lợi đẳng cấp của mình hơn nữa; không phải ngẫu nhiên mà ngày 14 tháng 12 năm 1825 những nhà quý tộc lâu đời và những điền chủ lớn đã cố gắng thực hiện một cuộc đảo chính[19]mà nếu thành công thì sẽ tấn công ngay vào giai cấp, tấn công vào đẳng cấp của họ. Sau năm 1825 tầng lớp trí thức Nga tiếp tục mang tính đẳng cấp về mặt thành phần nhưng phi đẳng cấp về nhiệm vụ và mục tiêu; nhưng từ đó trở đi tính đẳng cấp trong thành phần trí thức đã trở thành quy luật có ngoại lệ, mà đây là những ngoại lệ như Polevoi[20], Nadezhdin[21] và Belinski[22]. Nói cho ngay, “một con én không làm nên mùa xuân”, nhưng nó báo hiệu mùa xuân sắp về; trong những năm 1860 xuất hiện một đám đông các “thông ngôn ký lục”[23]và họ lập tức đứng vào hàng đầu của tầng lớp trí thức Nga. Từ đó trở đi tầng lớp trí thức Nga trở thành phi đẳng cấp và phi giai cấp không chỉ về nhiệm vụ, mục tiêu và lý tưởng mà còn phi giai cấp về thành phần nữa; đấy cũng là lúc, và dĩ nhiên không phải là vô tình, xuất hiện thuật ngữ “tầng lớp trí thức” theo nghĩa hiện đại của từ này.
Tầng lớp trí thức là một nhóm phi giai cấp, phi đẳng cấp và mang tính kế thừa - cơ cấu của tầng lớp trí thức và ranh giới phân biệt nó với những khái niệm khác được quyết định bởi bốn đặc trưng mang tính hình thức này. Nhưng cần phải nhấn mạnh ngay rằng cả bốn đặc trưng này chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Dưới đây chúng ta sẽ thấy rằng có một nhóm nữa, cũng mang tính kế thừa, cũng phi giai cấp và phi đẳng cấp nhưng lại trái ngược hoàn toàn với tầng lớp trí thức; chúng ta sẽ định nghĩa nhóm này bằng thuật ngữ “tiểu tư sản”, dùng thuật ngữ này để kết nối vào một nhóm mang tính kế thừa những người nằm ngoài đẳng cấp, nằm ngoài giai cấp về mặt luân lý, về mặt thiếu cá tính, về sự hạn hẹp và nông cạn trong thế giới quan của họ. Bây giờ chúng ta chỉ cần mô tả bằng những đường nét chung nhất rằng nếu về mặt xã hội học, tầng lớp trí thức là một nhóm có tính kế thừa, phi đẳng cấp và phi giai cấp thì về mặt đạo đức, nó trước hết là nhóm chống lại thói tiểu tư sản. Lavrov là người đầu tiên đưa ra tư tưởng này, ông cũng là người đầu tiên định nghĩa khái niệm “tầng lớp trí thức”, chúng ta sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng hơn cách giải quyết nói chung là đúng của ông.
Lavrov không sử dụng thuật ngữ “tầng lớp trí thức”, nhưng đã đưa khái niệm này vào thành ngữ: “những cá nhân có tinh thần phê phán”, bị người đời chế giễu một cách ghê gớm và cũng bị hiểu sai một cách ghê gớm từ đó. Không hiểu sao người ta lại cho rằng “cá nhân có tinh thần phê phán” là “anh hùng”, là lãnh tụ của đám đông, là nhà hoạt động nhằm sáng tạo lịch sử theo quan điểm và ước muốn của mình, hướng tiến trình lịch sử theo nguyên tắc: "Vì chúng tôi muốn như thế”[24]. Không có gì sai lầm hơn là cách hiểu như thế, vì hệ thống thuật ngữ của Lavrov chỉ nhằm nói đến nhu cầu giới hạn và thậm chí thu hẹp cái thuật ngữ “giới trí thức” lại mà thôi. Nói chung người ta sẵn sàng coi, như chúng tôi đã chỉ ra bên trên, tất cả những người có một trình độ học vấn nào đó đều là trí thức cả: người ta đánh đồng tất cả những người “có học” với thành phần của giới trí thức, mà quên mất rằng tự thân không một bằng cấp nào có thể biến một người “có học” thành “trí thức” được. Còn có nhiều người hơn sẵn sàng coi bộ phận “văn minh” hay “có văn hóa” của xã hội là trí thức nữa, trong khi trình độ văn hóa cũng như trình độ học vấn chỉ là hình thức bên ngoài, không quyết định được nội dung bên trong. Lavrov nhấn mạnh vấn đề này một cách đặc biệt kiên nhẫn, để làm như thế ông đã vẽ ra hẳn một giới tuyến phân biệt giữa văn hóa và văn minh. Chúng tôi xin nhắc lại một cách ngắn gọn lý thuyết, được trình bày trong “Những bức thư lịch sử” nổi tiếng của ông.
Không phải kẻ nào nói “Chúa, Chúa” cũng vào được nước trời; không phải người “có văn hóa” nào cũng vào được nhóm những người có tư tưởng phê phán, nghĩa là vào nhóm trí thức. “Văn hóa”, Lavrov bảo, là “thành tố mang tính sinh vật trong cuộc sống của loài người”, chỉ có tư duy mang tính phê phán trên nền tảng của văn hóa mới tạo ra được văn minh: “khi tư duy trên nền tảng của văn hóa tạo ra cuộc sống xã hội theo những đòi hỏi của khoa học, nghệ thuật và đạo đức thì văn hóa trở thành văn minh và xuất hiện lịch sử loài người”. Nhưng nhiều việc đối với thế hệ trước là kết quả của tư duy phê phán thì đối với thế hệ sau đã là “thành tố mang tính sinh vật” quen thuộc. Như vậy là, “cái phần văn minh của thế hệ cha anh, dưới hình thức thói quen và truyền khẩu, chính là thành tố văn hóa mang tính sinh vật trong đời sống của các thế hệ sau và thế hệ mới phải tư duy một cách có phê phán trên cái nền văn hóa đã quen thuộc đó, để cho xã hội không rơi vào trạng thái trì trệ, để nó có thể nhìn thấy trong số những thói quen và truyền khẩu được thừa hưởng đó những điều có thể giúp cho quá trình tư duy trên con đường tiến đến chân lý, tiến đến cái đẹp và công bằng, vứt bỏ tất cả những thứ đã lỗi thời và tạo ra một nền văn minh mới, một thiết chế văn hóa mới, được hồi sinh bằng tư duy”... Và tiến trình đó cứ lặp đi lặp lại trong mỗi thế hệ; nhiệm vụ của tiến bộ nằm chính trong quá trình thay thế văn hóa bằng văn minh theo trật tự như thế. “Nền văn hóa của xã hội chính là môi trường, do lịch sử để lại, cho tiến trình tư duy... Tư duy là (bỏ chữ nhà) hoạt động duy nhất có thể biến được nhân phẩm thành văn hóa. Lịch sử tư tưởng, do văn hóa chế định, trong quan hệ với lịch sử văn hóa, đến lượt mình văn hóa lại biến dịch dưới ảnh hưởng của tư duy - đấy là toàn bộ lịch sử của nền văn minh”...
Dĩ nhiên là cái sơ đồ mang tính duy lý đặc trưng cho giai đoạn những năm 1860 đó không thể làm chúng ta thỏa mãn, đấy là chưa nói đến hệ thống thuật ngữ xưa cũ của Lavrov cũng không thể chấp nhận được. Nhưng hiểu một cách có điều kiện đoạn viết về sự đối lập giữa văn hóa và văn minh đưa chúng ta đến một kết luận không thể nào thay đổi được, đấy là không thể đồng nhất một người “có văn hóa” với một “người có tư tưởng phê phán”: khái niệm thứ nhất rộng hơn khái niệm thứ hai và không phải người “có văn hóa”, có học nào cũng là người thuộc giới trí thức. Trong khi chứng minh điều này, Lavrov nhấn mạnh rằng ngay cả một nghề “có văn hóa” nhất cũng không thể cấp cho người ta cái bằng “trí thức”. “... Các giáo sư và các viện sĩ”, Lavrov nói, “tự bản thân họ, nếu chỉ là như thế, không có và không có tí quyền nào trong việc tự coi mình là thuộc ‘thành phần trí thức’... Có người viết hàng loạt trước tác khoa học nhưng vẫn chỉ là kẻ sùng bái đời sống văn hóa, trong khi một người thợ thủ công, tranh thủ thời gian rỗi để hoàn thiện bản thân mình lại đứng cao hơn ông ta mấy bậc trên nấc thang của giới trí thức... Bao nhiêu kỳ thi, bao nhiêu văn bằng chính thức cũng không cho nó (giới trẻ Nga) quyền được coi mình là thuộc giới trí thức, cái giới vốn là hiện thân của đời sống tư tưởng của nước Nga... Chỉ do nhầm lẫn mà người ta mới có thể liệt những kẻ chuyên phục vụ cho tệ sùng bái văn hóa vào hàng ngũ trí thức” (“trích bản thảo những năm 90”). Nói cách khác, Lavrov loại những người tiểu tư sản có văn hóa ra khỏi nhóm những người có tư tưởng phê phán, ông gọi những người tiểu tư sản kia là “bọn mọi rợ có văn hóa cao”.
Những kẻ mọi rợ có văn hóa cao này tạo ra đa số tuyệt đối trong thành phần có văn hóa của xã hội, họ có mặt khắp nơi, ở đâu ta cũng có thể gặp: “họ có tiền của, họ tạo ra dư luận xã hội, họ nắm đa số trong các cơ quan quản lý mang tính tập thể và trong các cơ quan lập pháp, họ nắm quyền lãnh đạo nhiều cơ quan ngôn luận, họ có chân trên các bục giảng của các trường đại học và trong các tổ chức khoa học, trong các viện hàn lâm”... Dưới đây, khi xem xét cụ thể hơn khái niệm “tiểu tư sản”, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả những điều vừa nói cung cấp một đặc trưng mang tính tiêu cực của khái niệm mà chúng ta đang tìm cách xác định: người tiểu tư sản về mặt đức dục không phải là tầng lớp trí thức. Các định nghĩa mang tính phủ định đó tạo ra giới hạn và tách biệt khái niệm tầng lớp trí thức với các khái niệm tương tự.
Cuối cùng chúng ta đi đến kết luận sau: tầng lớp trí thức, được định nghĩa về mặt xã hội học như một nhóm người phi đẳng cấp, phi giai cấp, có tính kế thừa và chống thái độ tiểu tư sản về mặt đức dục. Nhưng định nghĩa này hóa ra cũng vẫn chưa đủ, vì nó được xây dựng trên những đặc trưng tiêu cực. Chúng ta sẽ cùng thử tìm hiểu những đặc trưng mang tính tích cực nội tại của khái niệm này. Rõ ràng là chỉ sử dụng các đặc trưng mang tính hình thức thì chưa đủ vì không có đặc trưng hình thức nào có thể cho phép phân biệt tiến bộ với phản động. Chúng ta lại trở về với Lavrov, vì bức thư thứ mười trong “Những bức thư lịch sử” của ông là dành để chứng minh tư tưởng vừa nêu và vì tư tưởng này hoàn toàn phù hợp với vấn đề giới trí thức mà chúng ta đang xem xét[25].
Chúng ta sẽ thảo luận về lịch sử giới trí thức Nga sau, còn ở đây xin chỉ dừng lại ở những đặc trưng mang tính tích cực của nó. Một lần nữa chúng ta lại gặp Lavrov.
Có cảm tưởng như chính Lavrov đã đưa ra ở bên trên một công thức hoàn toàn xác định, cho phép chỉ thẳng ra cái đặc trưng hoàn toàn xác định về tầng lớp trí thức: người “có văn hóa”, dùng tư duy để biến nền văn hóa cũ thành nền văn minh mới, là một người có tư tưởng phê phán; như vậy nghĩa là sự sáng tạo của tư duy dường như là đặc trưng mang tính tích cực. Nhưng không phải như vậy, hay nói chính xác hơn, không hoàn toàn như vậy và chính Lavrov đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sáng tạo chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ để chứng tỏ một người có thuộc về giới trí thức hay không (xem bức thư thứ năm của ông). Lavrov đã chỉ rõ một cách hoàn toàn đúng đắn rằng văn học, nghệ thuật, khoa học - những lĩnh vực sáng tạo chủ yếu - “tự bản thân chúng không phải và không tạo ra được tiến bộ. Chúng chỉ cung cấp cho nó công cụ. Chúng tích luỹ sức mạnh. Nhưng chỉ có nhà văn, người nghệ sĩ hay nhà khoa học nào thực sự phục vụ cho tiến bộ, người nào làm tất cả mọi việc có thể nhằm ứng dụng cái sức mạnh mà mình thu thập được cho việc quảng bá và củng cố nền văn minh của thời đại mình, người nào đấu tranh với cái xấu; người nào thể hiện được các lý tưởng nghệ thuật, các chân lý khoa học, các tư tưởng triết học, các khát vọng của dân chúng vào tác phẩm mang đầy dấu ấn của thời đại mình và vào hành động, tương hợp hoàn toàn với phẩm chất sức mạnh của anh ta”... Nói cách khác: tự thân hành động sáng tạo không phải là đặc điểm của tầng lớp trí thức mà chủ yếu là mục tiêu của sáng tạo và tính chủ động trong việc theo đuổi mục tiêu; tự bản thân cả khoa học lẫn nghệ thuật “đều không phải là tiến bộ...; tự bản thân, cả tài năng lẫn kiến thức đều không thể làm cho con người trở thành động lực của tiến bộ”... Như vậy là, theo Lavrov, đặc điểm mang tính tích cực của những cá nhân có tư tưởng phê phán là sáng tạo ra những hình thức và lý tưởng mới, nhưng là sáng tạo hướng đến mục tiêu nhất định và tính cực hoạt động để đạt mục tiêu đó. Mục tiêu của sáng tạo là biến tiến trình lịch sử thành tiến bộ, mà tiến bộ, theo Lavrov, chính là sự phát triển về mặt thể chất, trí tuệ và đạo đức của cá nhân trong quá trình đưa chân lý và công bằng vào các hình thức xã hội. Theo định nghĩa này, người có tư tưởng phê phán có đặc điểm là sáng tạo và tích cực đưa những lý tưởng mới, những hình thức mới, hướng đến việc giải phóng cá nhân, vào cuộc sống.
Dĩ nhiên là chúng tôi không bảo phải chấp nhận toàn bộ lý thuyết của Lavrov. Niềm tin vào sức mạnh toàn năng của những người có tư tưởng phê phán, vốn là cơ sở của lý thuyết của Lavrov, niềm tin vào sức mạnh vô địch của giới trí thức nay đã hoàn toàn không chấp nhận được nữa; nhưng chúng tôi còn cảm thấy xa lạ hơn với thái độ khinh thường quá đáng mà nhiều người gần đây vẫn thể hiện đối với tầng lớp trí thức phi đẳng cấp và phi giai cấp, nhằm vinh danh[26]hệ tư tưởng mang tính giai cấp, hơn nữa, điều đặc biệt trong thái độ khinh bỉ này là tất cả các nhà tư tưởng mang tính giai cấp này, trong đa số trường hợp, cũng lại là đại diện của chính cái tầng lớp trí thức phi đẳng cấp và phi giai cấp đó... Nếu ta cho rằng phái dân túy cũ đánh giá quá cao vai trò của tầng lớp trí thức thì chủ nghĩa Marx chính thống ở Nga lại quy giản nó thành con số không; đã đến lúc quay trở lại với cách đánh giá chính xác sức lực và giá trị của chính mình. Dĩ nhiên đây không phải là khẩu hiệu “quay lại với Lavrov!”: chúng tôi cho rằng mọi lời kêu gọi kiểu đó đều không đúng chỗ. Quá trình tự nhận thức của người Nga đã bước qua nấc thang Lavrov từ lâu rồi, nhưng, mặc dù không quay lại, chúng ta có thể coi ông là điểm xuất phát để đi theo nhiều hướng khác nhau. Trong vấn đề tầng lớp trí thức cũng phải làm như thế: từ lâu đã cần phải công nhận và công nhận một cách dứt khoát giá trị đạo đức cao và ảnh hưởng về mặt xã hội học, dù không trực tiếp, của cái thành phần cao cả nhất và tuyệt vời nhất này của xã hội Nga. Lý thuyết về sức mạnh vô địch của tầng lớp trí thức Nga dĩ nhiên là không thể hồi sinh được, nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta công nhận rằng chỉ có trong tầng lớp trí thức phi đẳng cấp và phi giai cấp (về mặt xã hội học) và chống thái độ tiểu tư sản (về mặt đạo đức) mới diễn ra quá trình sáng tạo các hình thức mới và các lý tưởng mới, đưa đến mục tiêu phát triển và tự giải phóng cá nhân về mặt thể chất, trí tuệ và đạo đức. Dù ảnh hưởng tuyệt đối của giới trí thức có nhỏ đến đâu chăng nữa thì trí tuệ sống động của nhân dân vẫn nằm trong sự sáng tạo và lý tưởng của họ, vì trí thức chính là cơ quan nhận thức của nhân dân, là toàn bộ các lực lượng sống động của nhân dân. Cứ cho là tầng lớp trí thức không có nhiều ảnh hưởng về mặt xã hội học, nhưng thiếu sự sáng tạo của họ, thiếu các lý tưởng của họ thì bất kỳ xã hội “có văn hóa” nào, bất cứ giai cấp mạnh mẽ nào cũng sẽ trở thành đám đông của những tên “tiểu tư sản”...
Như vậy là, với câu hỏi “tầng lớp trí thức là gì?” chúng ta có thể trả lời như sau: tầng lớp trí thức là nhóm người chống thái độ tiểu tư sản về mặt đạo đức và phi đẳng cấp, phi giai cấp, có tính kế thừa về mặt xã hội học, có khả năng sáng tạo ra những hình thức mới và lý tưởng mới, tích cực hoạt động để biến chúng thành hiện thực nhằm giải phóng con người về mặt thể chất, trí tuệ và xã hội.
Định nghĩa này thu hẹp đáng kể nhóm trí thức về mặt số lượng, nhưng lại nâng cao đáng kể giá trị của nó về mặt chất lượng. Nhưng đấy chính là điều chúng ta mong muốn vì mở rộng quá mức khái niệm “tầng lớp trí thức”, đưa vào đó tất cả những người có một số lượng kiến thức giả định nào đó là hạ thấp giá trị đạo đức của tầng lớp trí thức. Nguyên tắc "quý hồ tinh bất quý hồ đa”[27]có thể được áp dụng cho trường hợp này.
Nhưng cái định nghĩa về tầng lớp trí thức nói trên vẫn chưa thể coi là cuối cùng: chúng ta còn phải xác định một cách chính xác sáng tạo là gì, tính tích cực thể hiện như thế nào và hướng hoạt động của tầng lớp trí thức là gì. Dưới đây chúng ta sẽ thấy rằng sự sáng tạo của tầng lớp trí thức Nga nằm ở “cuộc đấu tranh cho tính cá nhân”, cho cái Tôi của con người được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và ngày càng tỏa sáng, tính tích cực của nó được thể hiện bằng cuộc cuộc đấu tranh cho con người cá nhân, cuộc đấu tranh về mặt chính trị và xã hội, xu hướng sáng tạo của nó được quyết định bằng nguyên tắc “con người chính là mục tiêu”. Khám phá cái nền tảng của lịch sử một thế kỷ rưỡi, tức là xác định nội dung lịch sử của tầng lớp trí thức Nga là nhiệm vụ trực tiếp của chúng ta.
Năm 1907
PHẠM NGUYÊN TRƯỜNG dịch và chú thích
Nguồn: Những cột mốc (Vekhi) - 1909
Ivanov-Razumnik(1878-1946) tên thật là Razumnik V. I., triết gia và nhà phê bình văn học nổi tiếng người Nga. Gần gũi với những người thuộc đảng Cách mạng-xã hội, tích cực ủng hộ Cách mạng Tháng Mười. Năm 1918 “tả” hơn cả Lenin, kiên quyết chống lại việc ký kết hiệp ước hòa bình với Đức (Hiệp ước Brest). Bị bắt giam nhiều lần.
____________________
Chú thích:
[1]Aksakov I. S. (1823-1886), nhà chính luận, nhà thơ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Nga.
[2]Kurbsky A. M. (1528-1583) là công tước và chỉ huy quân sự lỗi lạc, vì sợ Sa hoàng Ivan IV mà bỏ trốn sang Litva.
[3]Ivan IV (còn gọi là Ivan Bạo chúa (1530-1584), từ năm 1533 là Đại công tước, từ năm 1547 là Sa hoàng đầu tiên của nước Nga.
[4]Feodosy Kosoi (không biết năm sinh và năm mất), một trong những lãnh tụ của phong trào phân tranh thế kỷ XVI, năm 1553 phải chạy trốn sang Ba Lan.
[5]Matveev A. S. (1625-1682), bá tước, nhà ngoại giao và hoạt động nhà nước, nổi tiếng vì kiến thức uyên thâm của mình.
[6]Kotoshikhi G. K. (1630-1667), nhà văn, một trong những người bất đồng chính kiến đầu tiên ở Nga.
[7]Khvorostinin I. A. (năm sinh không rõ - mất năm 1625) chính khách và nhà văn Nga.
[8]Pëtr I (1672-1725), Sa hoàng từ năm 1682, hoàng đế từ năm 1721.
[9]Tatishev V. N. (1668-1750), nhà hoạt động nhà nước và sử học nổi tiếng.
[10]Lomonosov M. V. (1711-1765) nhà hóa học vĩ đại người Nga.
[11]P. L. Lavrov (1823-1900), nhà triết học và xã hội học người Nga, một trong những lý thuyết gia của phong trào dân túy cách mạng.
[12]Nil Sorsky (Mikhaikov Nikolai) (sinh khoảng năm 1433 mất năm 1508) nhà hoạt động xã hội và tôn giáo nổi tiếng người Nga.
[13]Iosef Volotsky (Ivan Sanin) (1439/40-1514) nhà hoạt động tôn giáo, nhà văn nổi tiếng.
[14]Maksim Grek (Mikhail Trivolis (khoảng năm 1475-1558), nhà hoạt động tôn giáo và nhà nước, nhà văn và dịch giả nổi tiếng.
[15]Mogila P. S. (1597-1647), giáo chủ Kiev, nhà hoạt động văn hóa lỗi lạc.
[16]Fonvizin D. I. (1744/45-1972), nhà văn, nhà khai sáng người Nga.
[17]Radishev A. N. (1749-1802), nhà triết học duy vật, nhà văn Nga.
[18]Novikov N. I. (1744-1818), nhà văn, nhà khai sáng người Nga.
[19]Cuộc Khởi nghĩa tháng Chạp, những người tham gia sau này được gọi là Những người tháng Chạp – ND.
[20]Polevoi N. A. (1796-1848), nhà văn, nhà bình luận và nhà sử học Nga.
[21]Nadezhdin N. I. (1804-1858), nhà báo, nhà sử học và dân tộc học nổi tiếng.
[22]V. G. Belinski (1811-1848), nhà phê bình văn học nổi tiếng người Nga.
[23]Dịch thoát ý từ “raznotrinets”, tức là những người làm công việc lao động trí óc không xuất thân từ các đẳng cấp đặc quyền đặc lợi, mà thường xuất thân từ thành phần công chức cấp thấp, thường có tư tưởng dân chủ.
[24]car telle est notre bonne volonté (tiếng Pháp trong nguyên bản - ND).
[25]“Giả sử rằng”, Lavrov nhận xét, “tiến bộ chính là sự phát triển của cá nhân và biến chân lý và công bằng thành các hình thức xã hội thì câu hỏi... về đặc trưng của các đảng tiến bộ và phản động sẽ khó giải quyết hơn nhiều vì chúng không có các đặc trưng nổi bật bên ngoài như thế”. Trong một chỗ khác Lavrov lại viết rằng “không một từ nào chứa đựng đặc quyền của sự tiến bộ: tiến bộ không thể nhét vừa bất cứ một cái khung mang tính hình thức nào. Hãy tìm nội dung của từng từ ngữ một. Hãy nghiên cứu điều kiện của thời đại đã cho và hình thức xã hội đã cho”.
[26]ad majorem gloriam (tiếng Latin trong nguyên bản - ND).
[27]Dịch thoát ý câu “non multa, sed multum” (tiếng Latin - ND).

Khi quyền bào chữa chỉ là “hư quyền”

Minh bạch hóa ở mức có thể nhất trong quá trình tố tụng là một trong những giải pháp chống oan sai. Khi đó, bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trong thu thập chứng cứ và tranh luận , bên xét xử khách quan, vô tư phán quyết trên cơ sở tranh tụng giữa bên buộc và bên gỡ. 
Nói nguyên tắc “suy đoán vô tội” xa lạ với tố tụng hình sự Việt Nam là không hẳn đúng cho dù có lúc, có nơi nó hoàn toàn vắng bóng thậm chí bị ghẻ lạnh, bị nhiều người hiểu ngược lại: Một người chỉ được coi là vô tội khi có bản án tuyên họ vô tội.
Đảm bảo quyền của nghi can
Khi soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên cách đây gần 30 năm đã có sự tranh luận rất sôi nổi về nguyên tắc này. Vẫn là sự xung đột thường thấy trong bối cảnh lúc bấy giờ. Đó là suy đoán vô tội là sản phẩm của tố tụng hình sự tư bản hoàn toàn xa lạ với tố tụng hình sự xã hội chủ nghĩa. Nhiều người không thể cắt nghĩa được tại sao một người bị tình nghi và bị bắt tạm giam vẫn được coi là chưa có tội và buộc phải suy đoán vô tội?
Phía bên kia là sự thừa nhận nó như giá trị của văn minh nhân loại, một biểu hiện của tố tụng hình sự văn minh và nhân đạo
tố tụng hình sự, hư quyền, đinh thế hưng
Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được thả về giữa sự chào đón của người thân, hàng xóm
Cùng với xu thế đổi mới, quan điểm thứ hai đã thắng thế tuy nhiên chưa tuyệt đối. Bộ luật Tố tụng hình sự đã có sự dè dặt nào đó khi quy định nguyên tắc: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của tòa án. Suy đoán vô tội vẫn chưa được thừa nhận một cách chính danh. 
Để đảm suy đoán vô tội là nguyên tắc tố tụng hình sự không chỉ hô lên bằng một điều luật mà quan trọng là phải thể hiện nó xuyên suốt trong pháp luật và thực tiễn điều tra truy tố, xét xử. Cũng giống như nguyên tắc khác, suy đoán vô tội tạo tạo ra đường ray mà hoạt động tố tụng hình sự như con tàu mà phải bám vào đó mà chạy.
Vì rằng trách nhiệm chứng minh thuộc nhà nước nên nghi can không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình nên họ không buộc phải đưa ra chứng cứ chống lại chính mình, họ có có quyền im lặng.
Thế nhưng, luật Tố tụng hình sự Việt Nam chưa quy định cụ thể quyền im lặng của nghi can. Nhưng kỳ lạ cũng không quy định nghĩa vụ khai báo của họ. Khoảng trống pháp lý này tạo điều kiện coi bị cáo không khai là ngoan cố, chối tội để tăng nặng hình phạt, tệ hơn là  hành vi bức cung dùng nhục hình.
Nhanh chóng minh oan
Vì rằng nghi can có quyền chứng minh sự vô tội của mình nên quyền bào chữa của họ được đảm bảo. Thế nhưng với kiểu tố tụng còn khép kín, nhiều vụ án chưa minh bạch như hiện nay thì để đảm bảo cho luật sư tiếp cận với việc giải quyết vụ án để thực hiện quyền bào chữa là câu chuyện còn không ít phàn nàn
Nguyên tắc suy đoán vô tội quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa và nguyên tắc tranh tụng. Bởi vì nếu đã bị coi là có tội ngay từ khi chưa được xét xử thì quyền bào chữa, quyền được tranh tụng trước tòa để tìm ra chân lý của vụ án chỉ là “hư quyền”. Khi đó, việc xét xử chỉ là việc tòa đi tìm lời giải cho một bài toán có sẵn đáp số là một người có tội.
Thử hình dung dưới góc độ kỹ thuật thì tố tụng hình sự là một quy trình, dây chuyền máy móc mà mỗi cơ quan là một bộ phận cấu thành với các chức năng khác nhau: Ông buộc tội, ông xét xử, ông bào chữa và hệ thống đó vận hành theo cơ chế do Luật Tố tụng hình sự thiết lập. 
Đầu vào của hệ thống đó là một người bị tình nghi sau khi chạy qua các khâu điều tra, truy tố, xét xử dứt khoát phải cho ra ở đầu kia một trong hai sản phẩm mà không có sản phẩm thứ ba. Đó là một người có tội và phải chịu hình phạt hoặc một người vô tội được trả lại sự trong sạch pháp lý. Nó một cách đơn giản là hoặc có tội hoặc không !
Tình trạng lửng lơ kiểu như có tội mà không có bản án hoặc không có tội thì không có quyết định, bản án minh oan vô hình dung “treo” số phận pháp lý của con người. Nếu không kịp thời minh oan một cách đàng hoàng và dứt khoát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quyền con người, quyền công dân của họ.
Minh bạch quá trình tố tụng
Cải cách tư pháp lấy tòa án làm trung tâm. Nhưng thực tế cho thấy trong lĩnh vực tư pháp hình sự thì hoạt động điều tra của cơ quan điều tra mới chính là chỗ cần tập trung cải cách nhất, bới tính chất phức tạp của công việc này và quyền con người dễ bị xâm phạm bởi nhiều lý do trong đó có sự quá đà trong tư duy của những người làm công tác này: Đó là chứng minh tội phạm bằng mọi cách. 
Xét cho cùng phát hiện, điều tra để xử lý tội phạm là nhiệm vụ của hệ thống điều tra. Nhưng cần lưu ý, vẫn còn đó phía bên kia của vấn đề là số phận của những người bị tình nghi yếu thế. Vừa phát hiện được tội phạm, vừa bảo vệ quyền con người đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của hoạt động tố tụng hình sự nói chung và hoạt động điều tra nói riêng. Nhưng tố tụng hình sự trong nhà nước văn minh và nhân đạo đặt ra đòi hỏi đó. 
Trong bóng đá, các trọng tài thường xử sự một cách khôn ngoan: Thà từ chối một bàn thắng hợp lệ còn hơn công nhận một bàn thắng không hợp lệ.
Trong tố tụng hình sự xã hội cảm thấy bị xúc phạm và bất bình ghê gớm bởi cơ quan điều tra, tòa án trừng phạt oan một người hơn là họ để một nghi can trốn thoát !
Minh bạch hóa ở mức có thể nhất trong quá trình tố tụng là một trong những giải pháp chống oan sai. Khi đó, bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trong thu thập chứng cứ và tranh luận, bên xét xử khách quan, vô tư phán quyết trên cơ sở sự tranh tụng giữa bên buộc và bên gỡ. 
Đó là mô hình tố tụng được ưa thích nhất hiện nay trên thế giới. Đây được coi là điểm sáng trong Hiến pháp sửa đổi sắp tới nếu nó được thông qua, nếu quy định về nguyên tắc tranh tụng trong dự thảo Hiến pháp được Quốc hội chấp thuận.
Kết lại bài viết này xin trích câu nói từ thế kỷ XIII, Vua Saint Louis  đã thốt lên “Không phải nhờ sức mạnh của lưỡi kiếm, tin tưởng nơi lời thề hay nước, lửa, gió, mưa để tìm chân lý mà phải tìm chân lý nơi nhân chứng và bằng cớ”!
Đinh Thế Hưng
(Viện Nhà nước và Pháp luật- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

Dạy sử thời hậu chiến: làm thế nào để trưởng thành từ bài học lịch sử?

Chiến tranh, xung đột vũ trang và bạo lực là hoàn cảnh làm nảy sinh những vi phạm nhân quyền trắng trợn và tràn lan nhất. Di sản của một cuộc chiến cần được nhìn nhận như thế nào để đau thương không lặp lại và những vi phạm nhân quyền ở quy mô lớn như vậy không tái diễn? Với tư cách là một môn khoa học xã hội nhân văn, việc viết sách giáo khoa sử và dạy sử ở một xã hội hậu chiến cần được cân nhắc như thế nào từ góc độ nhân quyền?

Việc dạy sử cần hướng đến thúc đẩy tư duy phê phán, học hỏi và tranh luận dựa trên lý tính, nhấn mạnh tính phức hợp của lịch sử, việc dạy sử cần làm nảy sinh cách tiếp cận mang tính so sánh và đa diện. Việc dạy sử không nên đặt ra mục đích đắp bồi chủ nghĩa yêu nước, tô đậm bản sắc dân tộc hay gò khuôn cho lớp trẻ, dù là theo lý tưởng chính thống hay một tôn giáo đang chiếm ưu thế”. Đó là phát biểu của bà Farida Shaheed, Báo cáo viên Đặc biệt về các quyền con người trong lĩnh vực văn hóa trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc về việc viết sách giáo khoa môn sử và dạy sử ở những xã hội thời kỳ hậu xung đột và hậu chiến. Nhân dịp bà Shaheed sẽ sang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Nhà nước từ ngày 18 đến 29 tháng 11 năm 2013, bài viết này thảo luận một số vấn đề xung quanh tuyên bố trên đây.


Ảnh: Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối đàn áp phật giáo năm 1963 (Nguồn: internet)
Làm gì với vết thương hậu xung đột?

Điều gì sẽ xảy ra với con người cá nhân trong một cuộc xung đột? Cuộc xung đột, ở quy mô nhỏ, có thể là mối mâu thuẫn cá nhân với một người khác. Ở quy mô lớn, xung đột có thể là mâu thuẫn giữa hai hoặc nhiều tập hợp xã hội, hai tôn giáo, hai quốc gia. Dạng thấp nhất của một cuộc xung đột có thể là sự không dung hòa giữa hai cách suy nghĩ hoặc hành xử khác nhau. Dạng xung đột cao nhất với mức độ bạo lực cao nhất là chiến tranh. Ở bất kỳ cấp độ và quy mô nào, hậu quả trực tiếp của xung đột bạo lực với cá nhân hay với một nhóm, dù ở bên nào, là sự tổn thương mất mát. Câu hỏi đặt ra với những thế hệ bước ra khỏi cuộc chiến là, từ những nỗi đau thương của mình, họ muốn để lại thông điệp gì cho thế hệ tiếp theo. Cách thức đối diện với vết thương hậu xung đột sẽ đè nặng và phá hủy nhân cách của một cá nhân hoặc một dân tộc, hay sẽ giúp một họ đứng lên mạnh mẽ như phượng hoàng bay lên từ tro tàn? Quan trọng hơn, phượng hoàng ấy sẽ khiến xung quanh kinh hoàng hay thán phục, sẽ giúp viết nên một trang chỉ lặp lại và kéo dài thêm nỗi đau, hay sẽ tiến bộ và nhân văn hơn? Người Đức mất đến hai lần thua cuộc đại chiến thế giới để tự học và khẳng định tư thế một nước lớn với những giá trị vững vàng. Người Nhật, từ bên thua cuộc trong Thế chiến thứ Hai, đã viết cho mình một chương lịch sử mới khiến thế giới kính nể. Cách thức một cá nhân hay một dân tộc tự nhận thức về mình và nhận thức về thế giới xung quanh khi họ bước ra khỏi cuộc xung đột mang tính bạo lực, dù ở tư cách bên thắng cuộc hay bên thua cuộc, sẽ định hình vận mệnh tiếp theo của cá nhân hay dân tộc đó.
Trách nhiệm lịch sử của thế hệ sau là truyền bá sự thù địch hay xây đắp hòa bình?

Từ một trải nghiệm mất mát có thể sinh ra nhiều tâm lý khác nhau. Sự thù hận là một hệ quả mang tính bản năng của mất mát. Sự mất mát và tâm lý hơn thua chính là động lực nuôi dưỡng những mối thù được truyền kiếp trong lịch sử của một dòng tộc, một tôn giáo, một nhóm người hay một dân tộc. Điều đó chẳng khác gì việc giữ lại một hạt giống bạo lực chỉ chờ có dịp sẽ nảy mầm sinh sôi. Chỉ khi nào chúng ta không còn chất lên vai thế hệ sau gánh nặng thù địch kết quả từ một cuộc chiến, chúng ta mới có thể đoạn tuyệt khỏi thời kỳ tăm tối của lịch sử loài người mà kẻ thua trận và cả con cháu của họ sẽ phải làm nô lệ. Thế hệ sau, dù thừa hưởng di sản là nỗi đau của một cuộc chiến, không cần và không đáng phải mang trên lưng mình ý thức cừu địch và nhiệm vụ trả thù. Romeo và Juliet không cần và không đáng phải đeo một mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ mà họ vốn chẳng trực tiếp liên quan. Tuổi trẻ và trường học là mảnh đất màu mỡ để gieo nhiều loại hạt giống khác nhau. Vì vậy cần chọn hạt giống của tư duy khoa học, lòng vị tha và tình bác ái thay vì hạt giống thù hận, chia rẽ và bạo lực.

Sự thù hận không chỉ nảy sinh từ vết thương bạo lực của tất cả các bên xung đột. Tâm lý vẻ vang với chiến thắng cũng có thể làm nảy sinh thù hận. Trong một cuộc chiến, người tham chiến cần được coi là chiến binh chuyên nghiệp mà vinh quang là của cả người thắng cuộc lẫn người ngã xuống. Bên thắng cuộc được hưởng vinh quang, nhưng vinh quang ấy không thể thiếu vẻ đẹp mã thượng thể hiện lòng tôn trọng với đối thủ thua cuộc. Bên thua cuộc cũng có vinh quang của họ bởi cái giá xương máu họ đã phải trả cho một cuộc chiến. Có nghĩa là khi cuộc chiến kết thúc, người ngã xuống thương vong hoặc bên thua cuộc cần được đối xử như những con người với đầy đủ phẩm giá của họ. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay nhân loại công nhận đây là một nguyên tắc nền tảng của Luật Chiến tranh – hay các Công ước Geneva trong Luật Nhân đạo quốc tế. Nguyên tắc này giảm thiểu sự tàn bạo trong một hoàn cảnh tàn bạo nhất, và là một nỗ lực để không gieo những hạt mầm bạo lực. Việc dạy và học sử ở nhà trường cũng cần tôn trọng và thực hành nguyên tắc nhân bản này.
Môn sử cần giúp nhận thức trưởng thành cả về lý tính và nhân tính

Cả tâm lý thù hận do mất mát và tâm lý vẻ vang với chiến thắng đều che mờ khả năng lý tính để nhận thức sự việc một cách khách quan. Ngược lại, vận dụng lý tính và thúc đẩy việc nhận thức sự việc một cách khách quan, dựa trên các bằng chứng khoa học và việc soi sáng những bằng chứng ấy bằng tư duy độc lập và biện chứng cho phép chúng ta tiến gần hơn đến thực tế.

Những diễn biến trong lịch sử và đặc biệt là trong một cuộc xung đột là vô cùng phức tạp bởi nó liên quan đến nhiều bên khác nhau, nhiều luồng tư tưởng, nhiều lợi ích khác nhau, nhiều mối quan hệ quyền lực và cả những ý đồ chính trị khác nhau. Mỗi chứng nhân của lịch sử có thể mô tả sự kiện họ đã liên đới theo cách nhìn khác nhau, xuất phát từ vai trò, quan điểm và ý thức hệ của họ, từ đó tạo ra một phiên bản lịch sử của họ. Bởi thế không có một phiên bản mô tả lịch sử nào có thể coi là trọn vẹn và duy nhất. Cũng như không có sự thực nào là hoàn hảo do nhận thức của con người là giới hạn, và do bản chất phức tạp của cả thực tại khách quan lẫn quan điểm và phẩm chất của con người. Bởi thế, bản thân những mô tả về lịch sử cũng đa dạng, mà chúng ta chỉ có thể biết về một sự kiện một cách bao quát hơn bằng cách tập hợp nhiều góc nhìn, nhiều phiên bản, nhiều bằng chứng. Phủ nhận một góc nhìn khác cũng chính là phủ nhận một cơ hội tiến gần hơn đến sự thật. Chính vì thế, thúc đẩy những tranh luận dựa trên bằng chứng khoa học chứ không phải bản năng trả thù, chấp nhận tính phức hợp và đa nguyên của lịch sử chứ không phải những thông tin một chiều nặng tính tuyên truyền sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn đến tri thức.

Môn sử trong nhà trường trước hết cần đóng vai trò là một môn khoa học giúp người học phát triển về khả năng tư duy để nhận thức về bản thân và thế giới, từ đó lựa chọn số mệnh của mình một cách ngôn khoan hơn. Môn học ấy cũng cần bồi đắp tinh thần nhân văn và sự khoan dung để giúp thế hệ sau xung đột biết cách tránh được xung đột và mất mát, thay vì biến họ thành những hạt giống mới của bạo lực, thành phương tiện truyền đạt hoặc công cụ xương máu cho các chủ nghĩa hoặc các ý thức hệ. Với tư cách là một khoa học nhân văn, việc dạy và học môn sử ở xã hội hậu xung đột có vai trò phá vỡ vòng xoáy bạo lực để tránh sự lặp lại những vi phạm nhân quyền tràn lan trong chiến tranh: Ký ức và trải nghiệm được ghi nhận và truyền bá không phải là những thông điệp bạo lực, mà phải tạo điều kiện cho sự nhận diện bạo lực và thức tỉnh khỏi bạo lực. Những bài học lịch sử không nên truyền đạt sự thù hận địch – ta, bởi nó cần sự khách quan từ việc công nhận tính đa diện và đa nguyên của một cuộc xung đột.

Nhìn lại một cuộc chiến có những trận đánh được sắp đặt như thế nào là câu hỏi của khoa học quân sự. Những quan hệ quyền lực diễn biến ra sao trong xung đột như thế nào là câu hỏi của khoa học chính trị. Truyền đạt vẻ đẹp của sự hy sinh, lòng trung thành, tình yêu nước hay ghi tạc bản sắc dân tộc là thông điệp của thi ca và nghệ thuật. Còn lịch sử, như một ngành khoa học và người dạy sử như một người hướng dẫn phát triển tư duy cần làm nhiệm vụ khai sáng để giúp người học nhận thức rõ ràng hơn về thế giới trong quá khứ, và hướng đến một tương lai chung sống hòa bình.
(Diễn ngôn)

Tù nhân của địa lý

Nguồn: Ricardo Hausmann (2001). “Prisoners of Geography”, Foreign Policy, No. 122 (Jan. – Feb.), pp. 44-53.
Biên dịch: Dương Thanh Nga | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Download: Tu nhan cua dia ly.pdf
Các chuyên gia phát triển kinh tế hứa hẹn rằng với sự hòa hợp chính xác của các chính sách hỗ trợ thị trường, các nước nghèo cuối cùng sẽ phát triển thịnh vượng. Nhưng chính sách không phải là vấn đề – địa lý mới là vấn đề. Các quốc gia nhiệt đới không giáp biển không bao giờ có thể tiếp cận những thị trường và công nghệ mới mà họ cần để phát triển trong nền kinh tế toàn cầu.
Bạn thuộc cung Bọ Cạp. Vậy thì bạn chắc hẳn là một người sôi nổi. Các phong vũ biểu cho rằng áp suất khí quyển đang giảm. Vì vậy trời sắp mưa. Vĩ độ của bạn ít hơn 20 độ. Trong trường hợp này, quốc gia của bạn chắc chắn nghèo.
Có thể có một số cuộc tranh luận về lời phát biểu nào là đúng, nhưng chỉ có một là thực sự gây khó chịu – đó là lời phát biểu cuối cùng. Thật vậy, quan điểm cho rằng vị trí địa lý của một quốc gia quyết định mức độ phát triển kinh tế của quốc gia ấy là đầy tranh cãi. Mọi người cảm thấy bị xúc phạm vì sự liên hệ như vậy bởi nó có vẻ phân biệt chủng tộc và hủy hoại các khái niệm về cơ hội bình đẳng giữa các quốc gia và cá nhân. Nó cũng làm tê liệt ý chí và gây nên tâm lý chủ bại: Các nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia có thể làm hoặc hứa hẹn gì nữa nếu không có gì có thể vượt qua được lời nguyền địa lý? Từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến giữa những năm 1980, những quan điểm này thúc đẩy một phản ứng dữ dội chống lại các nghiên cứu về địa lý kinh tế trong giới học thuật. Tuy nhiên ngày nay lý thuyết mới về tăng trưởng kinh tế kết hợp với nghiên cứu thực nghiệm đã mang địa lý kinh tế trở lại vị trí hàng đầu trong cuộc tranh luận về phát triển. Phát biểu tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Phụ nữ và Phát triển vào tháng 6 năm 2000, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã nhấn mạnh  “lời nguyền địa lý” (tyranny of geography), đặc biệt là ở các nước châu Phi, và cảnh báo chống lại kết luận rằng “những thất bại kinh tế của các nước nhiệt đới bị cô lập với đất xấu, khí hậu thất thường và dễ bị bệnh truyền nhiễm tấn công có thể đơn giản được quy cho sự thất bại của các chính phủ trong việc tạo ra được một môi trường thuận lợi thích hợp.” Các mô hình phát triển chủ đạo hiện hành – cho rằng chỉ cần các chính sách kinh tế định hướng thị trường và nền pháp trị thôi là đủ để làm cho tất cả các nước trở nên giàu có – dường như đang mất uy tín. Sẽ thế nào nếu như yếu tố địa lý án ngữ con đường đi tới Miền Đất Hứa?
Vị trí, vị trí, và vị trí
Thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nước giàu và nghèo là một mục tiêu đã được khẳng định của cộng đồng quốc tế trong 50 năm qua. Cam kết này dẫn tới sự ra đời hoặc thiết kế lại các thể chế như Ngân hàng Thế giới, các cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên trách như Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Đầu tư, các ngân hàng phát triển khu vực như Ngân hàng Phát triển Nam Mỹ (IDB), các cơ quan viện trợ song phương trong chính phủ các nền kinh tế tiên tiến nhất, và vô số các quỹ tài trợ, trung tâm nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ khác.
Nhưng khoảng cách toàn cầu giữa các nước giàu và các nước nghèo đã không thu hẹp lại. Thay vào đó, nó ngày một rộng ra. Nhà kinh tế học Angus Maddison ước tính vào năm 1820, Tây Âu giàu hơn châu Phi 2,9 lần. Vào năm 1992, khoảng cách này đã tăng lên 13,2 lần. Xu hướng vẫn tiếp tục – mặc dù không đáng kể – ở Nam Á, Trung Đông, Đông Âu và Mỹ Latinh. Trong năm 1997, 20 phần trăm người giàu nhất thế giới hưởng 74 lần thu nhập của 20 phần trăm người nghèo nhất, so với 30 lần vào năm 1960.
Các nước bị bỏ lại phía sau có những đặc điểm địa lý nổi bật: Họ thường nằm ở những vùng nhiệt đới, hoặc do vị trí địa lý, phải đối mặt với chi phí vận chuyển lớn trong việc tiếp cận thị trường thế giới – hoặc do cả hai.
Trong năm 1995, các nước nhiệt đới có thu nhập trung bình tương đương với khoảng một phần ba thu nhập của các nước ôn đới. Trong số 24 quốc gia được coi là “công nghiệp”, không có một nước nào nằm giữa Chí tuyến Bắc và Nam, ngoại trừ phần phía Bắc của Úc và hầu hết quần đảo Hawaii. Trong số 30 nền kinh tế giàu nhất thế giới, chỉ có Brunei, Hồng Kông, và Singapore là ở trong khu vực nhiệt đới, và vị trí địa lý của các nước và lãnh thổ này khiến chúng lý tưởng cho sự phát triển thông qua thương mại. Các nước nhiệt đới có xu hướng có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm thấp hơn khoảng từ 0,5 đến 1% so với các nước ôn đới. Một nghiên cứu gần đây của IDB cho thấy sau khi xem xét chất lượng của các thể chế và chính sách kinh tế, địa lý giải thích cho khoảng một phần tư sự khác biệt về thu nhập giữa các nước công nghiệp và Mỹ Latinh trong năm 1995. Các nước nhiệt đới cũng có điều kiện y tế kém hơn so với các nước không thuộc nhiệt đới. Sau khi xem xét mức thu nhập và giáo dục cho phụ nữ, tuổi thọ trung bình ở các vùng nhiệt đới thấp hơn bảy năm so với vùng ôn đới. Các quốc gia ở vùng nhiệt đới cũng thường có sự bất bình đẳng thu nhập lớn. Ở châu Phi và Mỹ Latinh, 5 phần trăm người giàu nhất kiếm được gần 25 phần trăm thu nhập quốc dân, trong khi ở các nước công nghiệp họ chỉ kiếm được 13 phần trăm. Riêng vĩ độ có thể giải thích một nửa sự khác biệt này. Ngay cả trong các khu vực của cùng một quốc gia, mức sống có mối liên hệ chặt chẽ với địa lý. Ví dụ, tại Mexico, các bang miền nam như Chiapas, Oaxaca và Guerrero có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh gấp hai lần và trình độ học vấn chỉ bằng một nửa so với các bang miền Bắc.
Các quốc gia có dân số ở xa bờ biển cũng có xu hướng nghèo hơn và cho thấy mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với các quốc gia ven biển. Một quốc gia có dân số sống xa biển hơn 100 km tăng trưởng chậm hơn 0,6 phần trăm một năm so với các quốc gia mà toàn bộ dân số sống trong vòng 100 km từ bờ biển. Điều đó có nghĩa là những nước như các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chống lại những bất lợi về địa lý khi họ khắc phục hậu quả của chủ nghĩa cộng sản. Những quốc gia nhiệt đới, xa bờ biển và không giáp biển có ba yếu tố địa lý bất lợi chống lại họ. Nhiều quốc gia ở châu Phi nghèo đói bởi một hoặc tất cả những yếu tố này.
Hiện vẫn còn nhiều điều chúng ta không hiểu được về mối liên hệ giữa vị trí địa lý và tăng trưởng kinh tế. Nhưng những gì chúng ta biết cho thấy những thách thức của phát triển kinh tế phải được xem xét từ một quan điểm rất mới. Phủ nhận sự ảnh hưởng của địa lý sẽ chỉ dẫn đến những chính sách sai lầm và nỗ lực lãng phí. Địa lý có thể gây trở ngại nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, nhưng không nhất thiết phải trở thành định mệnh.
Vấn đề vĩ độ
Để hiểu lý do tại sao vị trí địa lý có ảnh hưởng quan trọng đến vấn đề phát triển kinh tế, hãy xem xét những gì các nhà kinh tế xem là động cơ chính của sự phát triển: Tiếp cận thị trường (dựa trên công trình của nhà kinh tế Scotland Adam Smith) và tiến bộ công nghệ (rút ra từ các tác phẩm của nhà kinh tế học Mỹ Joseph Schumpeter ).
Adam Smith cho rằng, tăng năng suất thông qua chuyên môn hóa là bí quyết của các quốc gia giàu có. Nhưng để đạt được những thành tựu này, các nhà sản xuất phải gia nhập vào các thị trường nơi họ có thể bán sản phẩm chuyên môn hóa của họ và mua hàng hóa khác. Các thị trường càng lớn thì phạm vi chuyên môn hóa càng lớn. Trong thị trường toàn cầu ngày nay, hầu hết các sản phẩm công nghiệp cần đầu vào từ các địa điểm khác nhau trên thế giới. Do đó, nếu chi phí vận chuyển cao, các công ty địa phương sẽ gặp bất lợi trong việc tiếp cận các đầu vào nhập khẩu mà họ cần và đưa hàng hóa của mình sang các thị trường nước ngoài.
Thật không may là chi phí vận chuyển thường được xác định bởi vị trí địa lý của một quốc gia. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hàng hóa vận chuyển qua thêm 1 km đất liền tốn bằng vận chuyển chúng qua thêm 7 km đường biển. Vận chuyển hàng hải đặc biệt phù hợp với hàng hóa cồng kềnh, giá trị gia tăng thấp mà các quốc gia đang phát triển có xu hướng sử dụng, do đó, các quốc gia thiếu cơ hội tiếp cận với vận tải đường biển sẽ bị loại khỏi nhiều thị trường tiềm năng. Hơn nữa, nếu các quốc gia xa biển không có được những cơ sở hạ tầng (hệ thống đường bộ, đường sắt và cảng) cần thiết để tiếp cận biển hoặc các con sông tàu thuyền có thể đi lại được thì họ sẽ không phát triển các ngành công nghiệp vốn có thể giúp duy trì các cơ sở hạ tầng như vậy.
Giao thông đường bộ đặc biệt tốn kém cho các quốc gia không giáp biển mà có sản phẩm cần phải qua biên giới, đó chính là một trở ngại tốn kém hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Nghiên cứu về thương mại giữa các tiểu bang Hoa Kỳ và các tỉnh của Canada thấy rằng chỉ đơn giản là vượt qua biên giới Mỹ-Canada tương đương với tốn thêm từ 4.000 đến 16.000 km giá chi phí vận chuyển. Không có gì ngạc nhiên khi các nước không giáp biển trả thêm hơn 50 phần trăm chi phí vận chuyển so với các quốc gia ven biển. Trên thực tế, những khác biệt này có thể rất lớn: Vận chuyển một container tiêu chuẩn từ Baltimore đến Bờ Biển Ngà tốn khoảng 3.000 USD, trong khi gửi cùng một container đến Cộng hòa Trung Phi không giáp biển tốn 13.000 USD.
Chính phủ các nước không giáp biển đối mặt với những thách thức bổ sung về phối hợp chi phí cơ sở hạ tầng với các nước láng giềng. Đôi khi, các vấn đề chính trị hay thương mại hạn chế việc quá cảnh ra biển. Ví dụ, tiềm năng nông nghiệp của thượng nguồn lưu vực sông Parana trong đất liền Paraguay vẫn không thể phát huy cho đến khi có thỏa thuận Mercosur (Khối Thị trường Chung Nam Mỹ) vào giữa những năm 1990 tạo điều kiện cho giao thông vận tải sà lan qua Brazil và Argentina. Đường vào biển Địa Trung Hải của Jordan cần phải vượt qua biên giới của Israel hoặc Syria và Libăng. Những trường hợp này minh họa cho lý do tại sao các quốc gia không giáp biển tăng trưởng kinh tế chậm. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore có một vị trí địa lý thuận lợi, nhưng nhiều vùng ở sâu trong lãnh thổ Châu Phi, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn nằm xa các thị trường và các tuyến thương mại hàng hải.
Địa lý cũng gây hại cho các nước đang phát triển theo những cách khác. Joseph Schumpeter đã chỉ ra rằng đổi mới công nghệ, thông qua nghiên cứu và phát triển (R&D), là công cụ mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế. (Khái niệm này là điều mà Schumpeter đã có trong đầu khi ông đặt ra thuật ngữ nổi tiếng “Phá hủy sáng tạo” [creative destruction]). R&D thể hiện tiền lãi tăng: Càng nhiều người sử dụng và trả tiền cho một ý tưởng mới, thì giá trị thị trường càng lớn. (Ví dụ, một chương trình máy tính mới hoặc một cuốn tiểu thuyết có thể tốn chi phí rất nhiều để sản xuất, nhưng những bản tiếp theo thì rất rẻ.) Để bù đắp chi phí ban đầu của họ, các nhà đầu tư R&D sẽ có xu hướng tập trung vào đổi mới cho những khách hàng nhiều tiềm năng. Không ngạc nhiên khi các nước giàu có dân số đông và thuộc tầng lớp trung lưu là thị trường hấp dẫn hơn so với các quốc gia nghèo có sức mua rất bé.
Mặc dù những đổi mới như máy tính hoặc điện thoại di động hoạt động được trong nhiều điều kiện địa lý và do đó dễ dàng được các nước đang phát triển chấp nhận, những công nghệ trong các lĩnh vực khác thường đòi hỏi các nghiên cứu phụ thuộc vào địa điểm. Nhiều công nghệ không thể áp dụng toàn cầu, hiệu quả của nó phụ thuộc vào các điều kiện địa lý hay khí hậu nơi chúng được sử dụng.
Hãy xem xét ngành nông nghiệp. Sự khác nhau trong năng suất nông nghiệp giữa các nước phát triển và đang phát triển phụ thuộc vào các năng lực R&D khác nhau đáng kể. Chính phủ các nền kinh tế tiên tiến chi vào R&D liên quan đến nông nghiệp nhiều hơn gấp năm lần (tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm nông nghiệp) so với chính phủ ở các nước đang phát triển. Các nước giàu cũng được hưởng lợi từ các khoản chi phí của các nhà sản xuất nông nghiệp tư nhân – một nguồn tài trợ hầu như không tồn tại ở các quốc gia đang phát triển. Địa lý làm trầm trọng thêm sự chênh lệch này. Nhiều giống cây trồng cần phải được thích nghi với khí hậu địa phương, có nghĩa là R&D phục vụ cho các nước giàu, nông nghiệp vùng khí hậu ôn đới thì lại sử dụng được rất ít ở vùng nhiệt đới. Các nước như Argentina, Chile, Úc, New Zealand và Nam Phi có được các lĩnh vực xuất khẩu phát triển mạnh về trái cây, rượu, các loại ngũ cốc, hạt có dầu, cá hồi nhờ các công nghệ phát triển cho các sản phẩm trong vùng ôn đới ở Bắc bán cầu. Nhưng các nước nhiệt đới – với sản xuất cà phê, ca cao, mía và sắn – bị loại ra khỏi câu lạc bộ công nghệ hiện đại. Kết quả là lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực nhiệt đới rất ít năng động hơn so với vùng ôn đới. Do những người sản xuất nông nghiệp không hiệu quả này chỉ có thể sản xuất đủ dùng cho sinh hoạt cá nhân (và do đó không thể hỗ trợ cho phần lớn người dân ở thành thị), khu vực nông thôn vẫn còn thưa thớt dân cư, có thị trường kém phát triển và nhỏ, và phải chịu chi phí vận chuyển cao – tất cả điều đó cản trở tăng trưởng kinh tế.
Sự khác biệt khí hậu và hiệu quả kinh tế nhờ quy mô từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp ở các khu vực địa lý khác nhau. Trong cuốn sách đoạt giải Pulitzer của nhà sinh lý học Jared Diamond Súng, Vi trùng và Thép (Guns, Germs, and Steel), ông giải thích đặc điểm địa lý trải dài từ Đông sang Tây của lục địa Á-Âu và từ Bắc xuống Nam của châu Phi và châu Mỹ đã quyết định mẫu hình lịch sử về tăng trưởng kinh tế của các khu vực này như thế nào. Vì khí hậu thay đổi ít dọc theo vĩ độ nhưng khá nhanh dọc theo kinh độ, lục địa Á – Âu được hưởng điều kiện khí hậu khá đồng nhất. Do đó, đổi mới nông nghiệp được phát triển trong một khu vực có thể di chuyển xa và được nhiều người chia sẻ, dẫn tới kết quả là một tập hợp lớn các giống cây trồng và nhiều loại động vật có giá trị trong khu vực. Ngược lại, giống mới được phát triển ở châu Mỹ hay ở châu Phi không thể di chuyển xa do khí hậu thay đổi nhanh chóng, hạn chế những cơ hội công nghệ có sẵn cho các khu vực này và làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Tất nhiên, năng suất nông nghiệp và những lợi thế chi phí vận chuyển không nhất thiết phải đi cùng nhau. Như nhà sử học David S. Landes chỉ ra trong cuốn Sự giàu có và nghèo đói của các quốc gia (The Wealth and Poverty of Nations), các nền văn minh cổ xưa của vùng Lưỡng Hà và Ai Cập đã có những vùng đất màu mỡ nhất dọc theo các con sông. Vị trí xa bờ biển của các vùng này đã hạn chế khả năng của họ trong việc mở rộng nền kinh tế thông qua thương mại. Quyền lực của họ cuối cùng suy yếu và họ đã bị thay thế bởi những thủy thủ người Phoenicia, Hy Lạp và La Mã. Gần đây hơn, ở Ấn Độ và Trung Quốc, các điều kiện nông nghiệp khuyến khích phần lớn dân số tập trung dọc theo những bờ sông xa biển, gây tổn hại cho triển vọng dài hạn của các nước này đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển thông qua thương mại.
Đầu tư vào nghiên cứu y tế và công nghệ cũng rất nhạy cảm với vị trí địa lý. Các bệnh như sốt rét, giun móc, bệnh sán máng, bệnh giun chỉ, và sốt vàng da rất khó kiểm soát trong vùng nhiệt đới bởi vì khí hậu ít mùa làm cho sự sinh sản của muỗi và các sinh vật truyền bệnh khác diễn ra liên tục suốt cả năm. Vì các nước bị ảnh hưởng thường nghèo, các bệnh nhiệt đới không “xứng” được đầu tư mức R&D bằng đầu tư vào cách chữa hói đầu hoặc rối loạn chức năng cương dương ở các thị trường phương Tây. (Trong số các bệnh nhiệt đới đã nói ở trên, chỉ có bệnh sốt vàng da đã được kiểm soát thông qua một loại vắc xin hiệu quả.) Phát triển công nghệ đã bị chệch khỏi nhu cầu của các quốc gia bất lợi về mặt địa lý. Do đó, trẻ em ở các vùng nhiệt đới thường chết vì các bệnh đường tiêu hóa và các bệnh truyền nhiễm khác, trong khi nhiều quốc gia khác vẫn còn bị các bệnh nhiệt đới địa phương hoành hành. Các nhà kinh tế John Luke Gallup và Jeffrey Sachs ước tính tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người ở các quốc gia có sốt rét ác tính là thấp hơn hơn một phần trăm so với các quốc gia mà bệnh này không phổ biến, và rằng cứ giảm được 10 phần trăm tỷ lệ mắc bệnh sốt rét thì có liên quan tới mức tăng trưởng cao hơn 0,3 phần trăm.
Thiệt hại của việc không giải quyết bệnh tật ở các nước nhiệt đới vượt xa chi phí của việc gia tăng chăm sóc sức khỏe và làm giảm năng suất lao động. Bệnh tật có thể không còn được coi là một vấn đề y tế công cộng đơn thuần, mà là một vấn đề phát triển kinh tế xã hội có ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ từ các dòng chảy thương mại tới các mẫu hình di cư. Năm 1991 dịch tả bùng phát ở Peru làm thiệt hại gần 800 triệu USD doanh thu cho ngành hải sản của nước này vì lệnh cấm tạm thời về xuất khẩu thủy sản. Bệnh dịch hạch bùng phát ở Surat, Ấn Độ năm 1994 khiến 500.000 người phải rời bỏ khu vực và dẫn đến tình trạng ngừng làm việc ở một số ngành công nghiệp, cũng như những hạn chế mới về thương mại quốc tế. Theo ước tính thiệt hại của Ấn Độ vì bệnh dịch này lên tới 2 tỷ USD.
Nằm trên cái nghèo
Phát triển cơ sở hạ tầng 
Phát triển công nghệ
Hội nhập
Toàn cầu hóa địa lý
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Tu nhan cua dia ly.pdf

Chính quyền Hà nội gây áp lực cướp đất nhà thờ tổ tiên của dân để xây nhà thương mại bán kiếm tiền



Mong quý vị lên tiếng giúp đỡ anh Sơn và dòng họ, hiện chính quyền Hà nội đang gây áp lực để cướp đất nhà thờ của dòng họ để xây nhà thương mại bán kiếm tiền...Gia đính đang rất điêu đứng, con cái bị trả thù.

Anh Nguyễn Văn Sơn địa chỉ tại số nhà 54/80 tổ 31 phố Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà nội. Liên hệ anh Sơn +841639022755.

  Quyết định thu hồi đất của chính quyền Hà nội


Quyết định thu hồi đất của chính quyền Hà nội

Nếu lấy đất thổ cư của dân để xây nhà bán là sai phạm, nhưng chính quyền cố ý cộng thêm chữ "hỗn hợp dịch vụ công cộng" để hợp lý hóa. Thực chất không có công trình công cộng nào xây trên đất nhà anh Sơn. Đây là cố tình cướp đất .

Mong quý vị quan tâm.

Xin cảm ơn.


Hình ảnh và tài liệu do tác giả gửi trực tiếp đến TTHN

Hình ảnh nhà thờ dòng họ của anh sơn








Thông báo của Mạng Lưới Blogger Việt Nam về việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc


Ngày 14 Tháng 11, Năm 2013
Với thể thức chọn 4 chỉ loại 1 trong 5 ứng viên của khu vực châu Á, các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Maldives và Saudi Arabia đã trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2014-2016. Trước đó, việc Jordan rút tên khỏi danh sách ứng viên đã mở đường cho 4 quốc gia kể trên đắc cử một cách đương nhiên và không có cạnh tranh.

Theo nghị quyết 60/251 của UNHRC, với vai trò thành viên, quốc gia Việt Nam trong đó bao gồm cả chính quyền lẫn hơn 90 triệu công dân phải có nghĩa vụ gìn giữ những giá trị nền tảng cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cũng như tôn trọng những điều khoản mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết. Nghĩa vụ này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh xác nhận sau khi Việt Nam đắc cử vào UNHRC: “Thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia là thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liệp Hiệp Quốc”.

Trước sự kiện này, Mạng Lưới Blogger Việt Nam cho rằng:

Để thật sự xứng đáng là một thành viên của UNHRC, Việt Nam phải thực hiện những nghĩa vụ và cam kết này bằng những hành động cụ thể và không chỉ dừng lại ở những tuyên bố của một số quan chức chính phủ. Cụ thể là Việt Nam phải:

1. Đồng ý với 7 yêu cầu từ Liên Hiệp Quốc - nhưng chưa được đáp ứng bởi chính phủ Việt Nam - để Liên Hiệp Quốc cử phái đoàn đến Việt Nam điều tra những tố giác vi phạm nhân quyền.

2. Chấm dứt mọi hành vi tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá đối với mọi công dân Việt Nam như đã ký kết vào Công ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc vào ngày 7 tháng 11 năm 2013.

3. Trả tự do cho những công dân đang bị giam giữ chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận và các quyền con người khác dựa trên những nền tảng giá trị, tiêu chuẩn phổ quát từ các công ước của Liên Hiệp Quốc.

4. Hủy bỏ những điều luật có nội dung mơ hồ và bị diễn giải tùy tiện như Điều 258, Bộ luật Hình sự với nội dung: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân...”

5. Chấm dứt tình trạng độc quyền trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, đảm bảo quyền tự do thành lập các cơ quan báo chí, cơ quan xuất bản của mọi cá nhân, tổ chức, gỡ bỏ tường lửa ngăn chặn sự truy cập của người sử dụng vào các trang mạng xã hội, đồng thời chấm dứt hiệu lực của Nghị đinh 72/2013/NĐ-CP với các nội dung siết chặt tự do biểu đạt và thông tin trên mạng.

Trong vị trí và vai trò của những công dân tự do và với quan niệm Việt Nam trở thành thành viên của UNHRC đồng nghĩa với “đất nước Việt Nam với tất cả hơn 90 triệu công dân Việt Nam” trở thành thành viên của UNHRC, Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) sẽ tham gia, đóng góp vào việc gìn giữ những giá trị nền tảng cao nhất trong việc đẩy mạnh và bảo vệ nhân quyền cũng như tôn trọng những điều khoản mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết. Cụ thể là MLBVN sẽ khởi xướng và kêu gọi sự tham gia của mọi tầng lớp công dân Việt Nam cùng nhau:

1. Xuống đường công khai phổ biến các văn bản về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết, cụ thể là Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công Ước Chống Tra Tấn và các văn bản khác có liên quan.

2. Công khai tổ chức những buổi trao đổi hoặc cổ súy nhân quyền dưới nhiều hình thức như thảo luận nơi công cộng, dã ngoại, cà phê tuổi trẻ, đi bộ / lái xe đạp vì nhân quyền.

3. Cử đại diện đến các văn phòng của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói riêng và tổ chức Liên Hiệp Quốc nói chung để đệ trình về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và những đề nghị, yêu cầu cải tiến để nhân dân Việt Nam thật sự được hưởng những quyền làm người phổ quát và đất nước Việt Nam thực sự xứng đáng là một thành viên của UNHRC.

4. Phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân để xúc tiến xây dựng một cơ sở dữ liệu trực tuyến nhằm lưu trữ những vi phạm nhân quyền của Việt Nam để các tổ chức, cá nhân quan tâm (bao gồm cả các cơ quan chính phủ) dễ dàng tham khảo nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, đồng thời làm tròn nghĩa vụ và cam kết của một thành viên trong Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

5. Công khai và chính thức ra mắt Mạng Lưới Blogger Việt Nam vào ngày 10 tháng 12 - Ngày Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc khởi xướng.

Mạng Lưới Blogger Việt Nam

tuyenbo258.blogspot.com
tuyenbo258@gmail.com

Tại sao Việt Nam vẫn cần có luật về hội?

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc Việt Nam có cần một Luật về hội hay không. Có người cho rằng, nếu không có Luật về Hội xã hội dân sự sẽ khó phát triển. Có người lại cho rằng một Luật về hội là không cần thiết, ít nhất trong thời gian hiện tại, vì Luật ra đời có khi lại “trói” nhiều hơn “mở”. Như vậy, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Trước hết, chúng ta hiểu xã hội dân sự là những không gian của người dân, tập hợp với nhau dưới nhiều hình thức, cùng hành động vì một mục tiêu cụ thể. Những không gian dân sự này nằm ngoài nhà nước và thị trường.




Ở Việt Nam, có thể điểm qua một số loại hình tổ chức xã hội dân sự đang tồn tại. Nhóm thứ nhất, đó là các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, hay Hội luật gia, Hội nghiên cứu đông nam á, và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Đây là những hội thành viên, được thành lập bởi nhà nước, nhận kinh phí hoạt động từ nhà nước và triển khai các hoạt động của nhà nước. Nhiều người cho rằng những tổ chức này không phải là xã hội dân sự, nhưng trong bài này tôi tạm xếp họ thành một nhóm để dễ thảo luận.

Nhóm thứ hai là các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động phi lợi nhuận, được thành lập theo luật khoa học và công nghệ.  Các tổ chức này tự nhận mình, và cũng được nhìn nhận bởi xã hội, như các tổ chức Phi chính phủ (NGO) vì tính tương đối độc lập của chúng. Về tư cách pháp nhân, các tổ chức này phải đăng ký dưới một ‘cơ quan chủ quản’ như Hội nghiên cứu đông nam á hay Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Về chiến lược hoạt động, nhân sự và tài chính, các tổ chức này tự chủ, không (được) nhận tiền từ ngân sách nhà nước. Nhưng vì có tư cách pháp nhân, nên họ có thể nhận tiền tài trợ từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để hoạt động. Giám đốc các tổ chức này do Hội đồng sáng lập chọn và đề xuất lên cơ quan chủ quản, và thường được phê duyệt.

Nhóm thứ ba là các tổ chức cộng đồng, hoạt động tự nguyện, gắn liền với các nhu cầu của một nhóm người dân. Các tổ chức này rất đa dạng, tồn tại ở cả thành thị lẫn nông thôn. Các mô hình phổ biến như câu lạc bộ nghệ thuật, nhóm hành động vì môi trường, tổ hợp tác kinh tế, hoặc  câu lạc bộ của các cụ hưu trí. Các tổ chức cộng đồng tự do thành lập, tự do hoạt động và tự do giải thể. Họ không có nhu cầu đăng ký tư cách pháp nhân và không muốn được/bị chính quyền quản lý.




Về vai trò chức năng, theo Hannah, các tổ chức xã hội dân sự phân bố trên một phổ khá rộng, từ cực phải đó là cung cấp dịch vụ cho thành viên (như các tổ chức cộng đồng), hay triển khai các hoạt động của nhà  nước (như các tổ chức chính trị xã hội đang làm), đến các hoạt động vận động, giám sát, phản biện chính sách, và phản kháng xã hội ở cực trái. Theo một số học giả, xã hội dân sự có ích nhất cho sự phát triển của xã hội khi nó đóng vai trò vận động, giám sát và phê phán chính sách của nhà nước. Trên thực tế, các tổ chức xã hội dân sự luôn hướng tới vai trò trung tâm đó, còn nhà nước, đặc biệt trong những nhà nước thiếu  dân chủ, luôn muốn xã hội dân sự tập trung vào việc cung cấp dịch vụ.

Ở Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các tổ chức cộng đồng không gặp khó khăn gì về khung pháp lý. Họ hài lòng với sứ mệnh mình đang làm, và nhà nước cũng hài lòng với vai trò họ đang đảm nhiệm. Chỉ có các tổ chức phi chính phủ đang phải loay hoay với sứ mệnh tồn tại của mình, cũng như khung pháp lý hiện đang áp lên họ. Về thực chất, việc hình thành và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ hiện tại đang gặp những vấn đề gì?

Thứ nhất, quá trình thành lập các tổ chức phi chính phủ là khả thi với bằng chứng có gần 1000 tổ chức được đăng ký ở những cơ quan chủ quản khác nhau. Tuy nhiên, việc thành lập thường phụ thuộc vào quan hệ cá nhân, hoặc năng lực vận động tốt của Ban sáng lập. Có nghĩa, chỉ những tầng lớp trung lưu và có nguồn lực trong xã hội mới thành lập được tổ chức của mình. Những nhóm yếu thế hơn, không có nguồn lực hoặc quan hệ rất khó khăn khi thành lập tổ chức. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng ngay trong xã hội dân sự nơi có sứ mệnh đại diện cho tiếng nói của người yếu thế.

Thứ hai, những đối tượng “nhạy cảm” hoặc “chủ đề nhạy cảm” theo chủ quan của cơ quan nhà nước sẽ gặp muôn vàn khó khăn khi thành lập tổ chức, thậm chí bị từ chối vì lý do không rõ ràng. Nói cách khác, chỉ những tổ chức được xem là “triển khai các hoạt động của nhà nước” hay “cung cấp dịch vụ cho cộng đồng” thì được phép thành lập. Những tổ chức có sứ mệnh hoạt động độc lập, hướng tới giám sát và phê phán chính sách, thường khó vượt ải đăng ký.

Thứ ba, nếu không có Luật về hội, việc thành lập các Hội thành viên hoạt động độc lập (khác với các tổ chức đoàn thể) là không tưởng. Điều này dẫn đến độc quyền trong xã hội dân sự. Ví dụ, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam là duy nhất, nếu phụ nữ muốn tham gia hội thì chỉ có một lựa chọn dù họ có đồng ý với tôn chỉ mục đích và phương thức hoạt động của Hội phụ nữ hay không. Điều này cũng đúng cho Công đoàn, cho Hội nông dân, và Đoàn thanh niên. Rõ ràng sự độc quyền về hội hạn chế quyền thành lập và tham gia Hội của người dân, dẫn đến hoạt động hội không hiệu quả trong việc bảo vệ quyền của nhân dân.

Dù khó khăn, một số tổ chức phi chính phủ đang cố gắng thực hiện sứ mệnh giám sát và phê phán chính sách. Tuy nhiên, họ chỉ là những tổ chức phát triển, hoặc các tổ chức chuyên môn luôn ở thế yếu so với các cơ quan nhà nước. Họ được tham vấn vì quan hệ cá nhân, năng lực chuyên môn, hoặc do các nhà tài trợ nước ngoài kết nối với cơ quan chính phủ. Tất cả những cơ hội này hoàn toàn có thể biến mất nếu chính phủ thấy không cần thiết phải lắng nghe các tổ chức phi chính phủ, hoặc khi thấy ý kiến của các tổ chức phi chính phủ đi ngược lại quan điểm và nghị quyết của Đảng và nhà nước. Do hạn chế về tài chính, không có quyền lực chính trị (vì không có thành viên) nên khi bị gạt ra ngoài lề, các tổ chức phi chính phủ chỉ có thể im lặng. 

Rõ ràng, việc không có Hội thành viên hoạt động độc lập, người bị thiệt thòi trước tiên là nhân dân. Ví dụ, một chính sách giáo dục có thể ảnh hưởng đến tương lai của hàng triệu học sinh và sinh viên, một chính sách nhập khẩu thực phẩm có thể ảnh hưởng đến hàng triệu nông dân, nhưng do không có Hội đại diện cho quyền lợi của mình, sinh viên và nông dân không được thông tin đầy đủ về ảnh hưởng của chính sách. Thêm nữa, là các cá nhân đơn lẻ, họ không thể phản hồi hiệu quả cho chính phủ. Điều này chắc chắn sẽ khác đi, nếu  có những Hội với hàng chục ngàn hoặc hàng trăm ngàn thành viên nêu ý kiến. Khi đó các cơ quan nhà nước phải lắng nghe và có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết và thay đổi. Hội thành viên làm tăng quyền lực của các tổ chức xã hội dân sự, để cuối cùng giúp tìm ra giải pháp tốt nhất cho xã hội và đất nước.

Như vậy, với khung pháp lý không hoàn thiện hiện tại, các tổ chức phi chính phủ vẫn có thể hoạt động, tham gia cung cấp dịch vụ, vận động xã hội và chính sách. Tuy nhiên, khi hoạt động của họ vươn ra các vùng bị nhà nước cho là nhạy cảm, không mong đợi thì khả năng họ bị hạn chế hoạt động hoặc loại bỏ ra khỏi các cuộc tham vấn chính sách, cắt đứt quan hệ với truyền thông nhà nước là hoàn toàn có thể. Điều này dẫn đến việc tự kiểm duyệt của các tổ chức phi chính phủ trong việc phê phán hoặc bày tỏ chính kiến khác với các cơ quan công quyền. Đây chính là lý do cần phải có Luật về hội để các tổ chức phi chính phủ có thể giám sát và phê phán chính sách của nhà nước một cách độc lập, trung thực mà không bị ngăn cản, và các Hội thành viên có thể thành lập để nâng cao nhận thức xã hội, cũng như cân bằng quyền lực với các cơ quan công quyền, nhằm tạo ra các kênh đối thoại để tìm ra những giải pháp tối ưu cho sự phát triển của đất nước và bảo vệ quyền lợi của người dân. 
Bình Lê
  (Diễn ngôn)

Dân chủ: Giải pháp cho xung đột sắc tộc

Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc. Sự khác biệt căn cước chủng tộc có thể gây nên những xung đột. Giải pháp cho những xung đột tiềm ẩn ấy phải là một nền dân chủ thực sự.

Một phụ nữ bộ tộc H'mong địu con ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hôm 30/9/2013
Nghe bài này
Rất hiếm có những quốc gia thuần chủng về mặt sắc tộc. Sự bất định và ngẫu nhiên của lịch sử nhân loại cứ chia ra những sắc dân rồi lúc nào đó lại trớ trêu gộp họ lại với nhau. Và như thế là các quốc gia mà cụ thể là nhà cầm quyền của các quốc gia, từ những nước lớn và hung mạnh như Hoa kỳ đến những nước bé xíu ít người biết đến như Đông Timor phải giải quyết những vấn đề sắc tộc, mãi mãi.

Các sắc tộc trong một quốc gia

Hiện tại, theo thống kê và công bố của nhà nước, Việt nam có tất cả 54 sắc tộc với 54 tiếng nói khác nhau. Trong đó có những dân tộc đã từng dựng nên những quốc gia lẫy lừng như người Chăm, Khmer,…Có những dân tộc ở trên mảnh đất này rất lâu đời như người Banar, và cũng có những dân tộc mới đến như người H’mong.

Lịch sử Việt nam cũng đã chứng kiến những khôn khéo của nhà cầm quyền khi giải quyết vấn đề sắc tộc, và cũng đã chứng kiến cả sự vụng về và thô bạo. Các triều vua của hai Vương triều Lý và Trần có quan hệ rất tốt với các thủ lĩnh địa phương người dân tộc thiểu số. Rất nhiều trong số họ là con rể của Hoàng gia, và họ cũng là những đội quân thiện chiến trong các cuộc chiến tranh chống xâm lăng. Dưới triều Minh Mạng thì ngược lại, một chính sách đồng hóa và hà khắc đã được thực hiện. Cụ thể đối với cộng đồng người Chăm, nhà thơ Inra Sara, một gương mặt rất ôn hòa đã thốt lên về giai đoạn này:

“Chính sách đàn áp cộng đồng Chăm của vua Minh Mạng là một sự kiện đen tối nhất trong quan hệ giữa hai dân tộc này. Đó là một sự xung đột dữ dội.”

Chính sách đồng hóa thô bạo của Minh Mạng có lẽ là đã để lại hệ lụy cho hàng trăm năm sau, khi những thành viên các sắc tộc Tây Nguyên và Chăm đã cùng nhau thành lập mặt trận Fulro, một hình thức ly khai.

Khi chủ nghĩa cộng sản bắt đầu được thí nghiệm tại nhiều nơi trên thế giới, ý tưởng về bình quân xã hội và không có người bóc lột người đã có vẻ như là một giải pháp lớn, không những giải quyết triệt để các vấn đề xã hội mà cả các vấn đề sắc tộc nữa, chẳng hạn như mô hình Liên bang Sô viết bao gồm đến 15 nước Cộng hòa với những căn cước sắc tộc khác nhau. Nhưng thực tế cho thấy là không phải như vậy. Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, các mâu thuẫn sắc tộc bùng nổ khắp nơi, từ vùng núi Nagorno-Karabakh thuộc Liên Sô cũ, cho đến những cuộc thanh lọc sắc tộc ở Liên bang Nam tư đang tan rã.

Tình hình cũng không khá hơn ở Trung quốc. Khi nước này bước vào thị trường thế giới 30 năm nay, người ta bắt đầu biết rõ hơn những chuyện xảy ra giữa người Tạng với người Hán, giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán.

Các nhà nước Cộng sản vẫn cố gắng tạo dựng nên các Quốc hội, các Mặt trận, nơi mà có những gương mặt sắc tộc được đưa ra. Nhưng những xung đột vẫn tiềm ẩn. Mới đây người Khmer Krom ở miền Nam đã gặp Bộ ngoại giao của nước Campuchia láng giềng tố cáo về việc nhà cầm quyền Việt Nam đối xử tệ với những người Khmer Krom. Đại diện Bộ ngoại giao Campuchia trả lời rằng họ tôn trọng, không can thiệp vào chuyện nội bộ của quốc gia láng giềng.

Tương tự như trường hợp các quốc gia cộng sản, nước Miến Điện sau khi bước ra khỏi chế độ độc tài quân phiệt đã đối diện với nạn phân biệt sắc tộc bùng nổ. Nước Indonesia ngay sau thời gian cai trị của nhà độc tài Soeharto cũng đã chứng kiến những xung đột sắc tộc khắp nơi nổ ra trên quần đảo.

Sự việc sẽ tệ hơn khi sắc tộc gắn liền với tôn giáo. Thế giới đã chứng kiến những người Armenia theo Chính thống giáo tiến hành chiến tranh với những người Azerbaizan theo Hồi giáo trong nhiều năm trời sau khi Liên sô sụp đổ. Những người Croatia theo Công giáo La Mã chống lại những người Serbia theo chính thống giáo khi Liên bang Nam tư tan rã. Và hiện nay những người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo và những người Tây Tạng theo Phật giáo không hề an lòng trước cảnh những gười Hán, theo chính sách của nhà nước trung ương Trung quốc tràn lên cư ngụ trên lãnh thổ mà cha ông họ để lại. Câu chuyện của những người Khmer Krom lại có liên quan đến những việc thực hành tôn giáo mà nhà nước Việt nam muốn can thiệp.

Võ lực hay lá phiếu?

Hai đứa trẻ dân tộc H’mong. AFP photo
Như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu, những xung đột sắc tộc là có trong tất cả các quốc gia. Nhưng với một nền chính trị dân chủ, nơi mà các nhóm dân chúng giống nhau có người đại diện thực sự của mình, các xung đột sắc tộc được giải quyết bằng nghị trường và lá phiếu. Các xung đột giữa người nói tiếng Pháp và tiếng Anh ở Quebec, giữa người Hà Lan và người nói tiếng Pháp ở Bỉ được giải quyết êm thấm. Tương tự như vậy, Bắc Ái Nhĩ Lan cũng đi dần vào ổn định sau những xung đột bằng vũ khí.

Hơn mười năm trước, Việt Nam đã phải rất vất vả để giải quyết vấn đề nhà nước Dega tự trị tại Tây Nguyên bằng võ lực. Nay có vẻ giải pháp võ lực lại được dùng tới khi vừa qua hàng trăm người H’mong đạo Tin lành bị đàn áp đánh đập khi họ kéo nhau về Hà nội kêu oan. Mà nguyên nhân cho sự đàn áp, kỳ hoặc thay lại là chuyện họ không muốn để xác chết 7 ngày trong nhà nữa. Một người H’mong đã nói rằng:

“Bà con có nguyện vọng mong Đảng, chính quyền không còn đánh đập bà con, không ép bà con đến con đường cùng. Đất nước này phải có tự do để bà con sống hòa hợp, Nhà nước trả tự do cho mọi người để họ được sống và làm những việc mình mong muốn.”


Bà con có nguyện vọng mong Đảng, chính quyền không còn đánh đập bà con, không ép bà con đến con đường cùng.

» Một người H’mong

Trong lịch sử hiện đại, những người H’mong đã từng có ý định lập nên những vương quốc của Vua Mèo tự trị.

Đảng cộng sản Việt nam trong quá khứ đã thành công khi sử dụng chủ nghĩa dân tộc Việt để đưa đảng tới nắm quyền. Liệu chủ nghĩa dân tộc Việt, dân tộc chiếm đa số, có đang được sử dụng để cai trị đất nước hay không? Giáo trình lịch sử đất nước chỉ đề cập đến những vương triều Phù Nam ở Nam bộ, hay Champa ở miền Trung như những gì xa lạ.

Người thanh niên H’mong quê mùa từ núi rừng trên kia chắc hẳn không biết gì nhiều về những khái niện sắc tộc hay xung đột một cách rắc rối, anh chỉ mong không bị đẩy đến đường cùng.

Hãy tưởng tượng những đoàn người H’mong ấy không kéo nhau về Hà nội kêu oan mà lại kéo nhau sang biên giới phía Bắc! Và chuyện gì xảy ra khi những người cầm quyền ở Phnompenh không có lời lẽ ôn hòa như người đại diện Bộ ngoại giao Campuchia hiện nay!

Kính Hòa,
phóng viên RFA
Theo RFA

Đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường


Chiều 14/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Jacob J.Lew đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Hoan nghênh Bộ trưởng Jacob J.Lew sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả làm việc giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Việt Nam cũng như hợp tác giữa hai bộ trong thời gian qua, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực thuế, kế toán công, hải quan một cửa và mô hình phân tích kinh tế vĩ mô.
Bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đang tiến triển tích cực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tiềm năng hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, do vậy hai bên cần nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam-Hoa Kỳ, kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2013 như lãnh đạo các nước thành viên đã khẳng định, sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam luôn thực hiện các cam kết đã tham gia, tích cực thực hiện nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới để phát triển nhanh và bền vững.
Để đạt được mục tiêu trong đàm phán Hiệp định TPP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong tiến trình này và đề nghị cần có sự linh hoạt phù hợp với trình độ phát triển của mỗi nước; trong đó quan tâm đến lợi ích cốt lõi của Việt Nam, điều này phù hợp với quan điểm của các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP là hướng tới một Hiệp định cân bằng về quyền lợi của các thành viên.
Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Jacob J.Lew cho biết chuyến thăm nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ; đồng thời khẳng định Hoa Kỳ rất coi trong hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư…
Chia sẻ những quan điểm của Việt Nam trong đàm phán TPP, Bộ trưởng Jacob J.Lew nhấn mạnh, Hoa Kỳ rất coi trọng sự tham gia của Việt Nam trong đàm phán TPP, mong linh hoạt trong đàm phán của Việt Nam về dịch vụ thanh toán điện tử, mở rộng thị trường…
Bộ trưởng Jacob J.Lew cũng khẳng định Hoa Kỳ tích cực trong thúc đẩy đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai nước./.
THEO TTXVN

Sếp Tuyên giáo làm phát ngôn viên CP

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua việc bổ nhiệm Phó trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Nên vào chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Ông Nên sẽ thay thế ông Vũ Đức Đam, người được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng cùng ông Phạm Bình Minh hôm 13/11.
Báo trong nước cho hay sáng thứ Năm 14/11, Quốc hội đã phê chuẩn vị trí mới cho ông Nên với 362/466 đại biểu Quốc hội tán thành.
Ông Nguyễn Văn Nên sẽ là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thứ 14 và đồng thời làm người phát ngôn chính thức của Chính phủ Việt Nam.
Sinh năm 1957, ông Nên nhiều hơn người tiền nhiệm sáu tuổi.
Quê quán ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Nên có quá trình công tác lâu năm tại địa phương, khởi đầu là từ ngành công an, vào Đảng CSVN từ năm 1978. Ông từng giữ chức Trưởng Công an huyện Gò Dầu.
Năm 2010, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng CSVN.
Năm 2011, ông được phân công làm Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Văn Nên được đề cử làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương từ tháng 3/2013.
Ông là cử nhân Luật và có trình độ lý luận chính trị cao cấp.
Với xuất thân như trên, ông Nguyễn Văn Nên được trông đợi có phong cách khác với ông Vũ Đức Đam, người được đào tạo ở phương Tây và thông thạo ngoại ngữ.
Điều đáng chú ý là với các chức vụ gần đây nhất như bí thư tỉnh ủy, phó ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Phó ban Tuyên giáo, ông đều chỉ tại vị một thời gian ngắn.
THEO BBC

Tầm vóc lịch sử của tổng thống Ngô Đình Diệm

Mặc dầu TT. Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu đã bị chết một cách thảm bại, nhục nhã. Nhưng lịch sử đôi khi thật công bằng. Với độ lùi thời gian 50, càng ngày chân lý và sự thật càng được công khai và rõ ràng.. Đất nước do cộng sản quản lý càng sa lầy, càng thối nát thì người ta càng thấy nền Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam là ưu vượt là tốt đẹp, là đáng sống. Ít lắm ở nơi đây cũng là một mảnh đất lành cho con người trú ngụ và sống xứng đáng con người.

Ngay những sử gia Mỹ cho chí đến những kẻ thù oán ông Diệm một cách không khoan nhượng cũng đến lúc cần nghĩ lại và chỉnh sửa lối nhìn một chiều của họ. Ngày nay, người ta phải thừa nhậnn ông Diệm không là bù nhìn của Mỹ, không là bè lũ Mỹ-. Diệm- Ngày nay, càng hiếm có người nào còn có chút lòng, còn chút suy nghĩ so sánh thực trạng đất nước dám công khai chê trách.

Và mọi cố gắng tìm hiểu về VNCH- nhất là thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa-, không thể không bắt đầu bằng ông Diệm. và ngay cả thời kỳ sau chế độ Diệm- không có Diệm.

Ngày nay nhìn lại giai đoạn ấy, ông Diệm đã phủ bóng lên tất cả những xung đột tranh cãi, khen chê cũng như nhửng âm mưu thủ đoạn dẫn đưa đến cái chết của ông ấy và sự tan rã của miền Nam Việt Nam.

Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm
Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ảnh Wikipedia
Cái chết ấy không chấm dứt một giai đoạn lịch sử mà như bóng ma theo đuổi bất cứ ai muốn tìm hiểu con người ông như một ám ảnh không rời. Ông Diệm còn sống mãi..ngay đối với cả những kẻ thù ghét ông thuộc nhiều phía. Cuộc cách mạng lật đổ ông Diệm không nhất thiết đưa tới một một sự ổn định như nhiều người mong muốn.

Nó tạo ra sự tan vỡ về thể chế và nhất là sự mất niềm tin vào chủ quyền quốc gia- Và nếu nói cho cùng thì đến lúc đó, miền Nam thực sự có một khoảng trống lãnh đạo không ai thay thế được. Nhiều chính trị gia đủ loại đã có dịp ở vai trò lãnh đạo đã tỏ ra bất lực và yếu kém. Phần người Mỹ dù có truyền thống dân chủ lâu đời, nhưng khi xuất cảng những khái niệm, tự do-dân chủ, khái niệm độc lập-tự chủ thì cho thấy họ đã dẫm đạp lên chính những điều mà họ đòi hỏi nơi các xứ đang mở mang..

Ai cho phép họ cái quyền thay thế, ngay cả âm mưu ám hại một tổng thống đương nhiệm bất chấp mọi nguyên tắc ứng xử, bất chấp quyền tự chủ của dân tộc?

Nhưng ngày nay, phải nhìn nhận có một xu hướng lịch sử như gió đổi chiều.

Một sự đánh giá lại lịch sử, một sự nhìn nhận những ngộ nhận, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử-con người.

Tầm vóc lịch sử- con người NĐD- thành quả của nền Đệ Nhất Cộng Hòa trở thành biểu tượng cho một giai đoạn sáng ngời với nhiều oan nghiệt!!

Ngược lại, lãnh tụ Hồ Chí Minh càng được bôi vẽ thì càng ngày những vết bôi vẽ càng lở loét, để lộ bộ mặt thật của ông ấy..

Theo R. Nixon: Không giống Hồ, Diệm là một người yêu nước chân chính. Và mọi so sánh hai nhân vật này là thừa và lố bịch. Quan tâm hàng đầu của ông Diệm là ổn định trật tự. Không thể có một chính quyền mạnh, nếu không chấm dứt tình trạng chia năm xẻ bẩy làm suy yếu quốc gia. Cho nên, việc diệt trừ Bình Xuyên là một việc làm chính đáng của chính quyền, mặc dầu phải trả một giá không nhỏ. Ông Diệm đang phải tiến hành hai công việc một lúc: Vừa phải ổn định và vừa phát triển một đất nước có chiến tranh đồng thời mong giành được chiến thắng cộng sản.

Tiếng tăm của ông Diệm phần lớn nhờ vào những chương trình cải cách xã hội. Ông là một khuôn mặt được quý mến bởi những người dân thường hơn là những chính khách cả Việt lẫn Mỹ ở Saigòn.(…)

Cái lỗi lầm của chính quyền Keendy là đã ký thỏa ước Trung Lập Lào, mở đường cho cộng sản miền Bắc xâm nhập.. Ông Ngô Đình Diệm đã tỏ bầy sự tuyệt vọng đối với quyết định này của người Mỹ.. Từ nay, đường mòn Hồ Chí Minh trở thành một xa lộ cho sự xâm nhập của Hà Nội, chúng ta đã đặt Hồ Chí Minh ngồi vào cái ghế tài xế trong cuộc chiến tranh Việt Nam.(..)

Diem quyết tâm duy trì độc lập chủ quyền và thường phản bác hoặc không quan tâm đến những ý kiến của các cố vấn người Mỹ. Nói chung, ông tự hào là một người quốc gia không chịu nghe theo những chỉ thị đến từ người Mỹ cũng như trước đây từ phía người Pháp (1).

Cái sai lầm thứ ba của chính quyền Kennedy ở miền Nam, năm 1963 là có những bất đồng gia tăng với ông Diệm và họ đã khuyến khích và ủng hộ cuộc đảo chính quân sự chống lại ông Diệm. Cái giai đoạn đáng xấu hổ chấm dứt với việc giết ông Diệm và mở đường cho một giai đoạn chính trị hỗn loạn ở miền Nam và đã buộc chúng ta phải gửi quân lính tham gia vào cuộc chiến tranh..

Ông Diệm ổn định tình hình miền Nam như một hòn đá tảng giữ cho tòa nhà khỏi sụp đổ.. Mọi xu hướng chính trị khác biệt phải quy tụ về một mối và ông điều hợp sự khác biệt giữa các nhóm ấy và đặt tất cả các nhóm ấy về vị trí của mình.

Và người ta chỉ hiểu được vai trò quan trọng sống còn của ông Diệm một cách rõ ràng sau cái chết của ông, khi mà toàn thể hệ thống chính trị miền Nam đã sụp đổ(2).

Hình ảnh ông Diệm bị các ký giả Tây Phương mở một mặt trận báo chí gán cho ông đủ thứ như độc tài gia đình trị, đàn áp phật giáo thì nay hình ảnh một lãnh tụ đạo đức, tài ba và có lòng yêu nước chân thành- không phải tự nhiên- đã được tưởng niệm khắp nơi trên toàn thế giới- ở những nơi nào có người Việt cư ngụ-.

Thật sự giữa hai người lãnh tụ giữa hai miền nay so sánh thì một người đang sống lại và một người đang chìm dần vào dĩ vãng mà người ta có ấn tượng là như thể bị lừa.

Nhưng nếu tìm hiểu thấu đáo, ta sẽ hiểu là do ông Diệm có lập trường kiên định, đặt để chủ quyền độc lập dân tộc lên hàng đầu và lý tưởng chống thực dân Pháp bằng mọi giá mà không có chỗ cho sự thỏa hiệp.

Cái chết tủi nhục của ông Diệm sau khi chết đang trở thành biểu tượng chân chính, một lý tưởng cho người Việt Quốc Gia.

Mặc dầu vậy nơi tấm mộ bia của ông ở Lái Thiêu còn bị che dấu tên thật. Người ta chỉ để tên Thánh Goan Baoxitita-Huynh. Huynh là để chỉ là anh..

Điều ấy đã đến lúc cần phải sửa đổi..

Những người ái mộ ông Diệm đã có lần lập tấm bia mộ ông với tên Ngô Đình Diệm. Chính quyền cộng sản đã e ngại và ra lệnh gỡ bỏ tấm bia đó.

Rõ ràng Hà Nội sợ ngay cả một người đã chết- ngay cả một tấm bia mộ- giống như trong trường hợp bức tượng người lính ở Nghĩa trang quân đội ở biên Hòa trước đây.

Tầm vóc lịch sử của con người ấy nay được nhìn lại và những nhà viết sử trẻ thuộc thế hệ thứ hai như Catton, Jessica Chapman và nhất là Edward Miller đã cất lên một tiếng nói khác-.

Tiếng nói của lòng trung thực không bị lấn áp bởi những quyền lợi chính trị phe phái. Trong số ấy còn phải kể thêm hai nhà sử học trẻ người Việt là Trần Thị Liên và Nguyễn Thị Liên Hằng.

Họ không bị quá khứ bao vây ràng buộc hay ưu tư ám ảnh về việc bênh hay chống ông Diệm.

Những nhà sử học trẻ với thời gian đủ để bình tĩnh nhìn lại đã vượt qua những nhà sử học lớp đàn anh như Bernard Fall, Jean Larteguy, John Prados, Neil Sheehan hay những Haberstam, Frank Snepp. Những người này phần đông đã phóng đại những sai lầm bất kỳ lớn nhỏ của một chế độ Cộng Hòa còn non trẻ dựa trên một mẫu thức một chế độ dân chủ có dộ dài lịch sử cả vài trăm năm. Mang vài trăm năm ra như thước đo để đòi hỏi một sớm một chiều thay đổi cả một hệ tư tướng phong kiến, thuộc địa cả ngàn năm là một đòi hỏi vô trách nhiệm.

Quả thực hiện nay có một sự nhìn lại, đánh giá lại các công trình dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa như các thành quả không chối cãi đượ như: Ổn định một triệu người di cư- dẹp Bình Xuyên- ổn định trật tự xã hội- Phát triển giáo dục y tế và tạo dựng một quân đội hùng mạnh- có uy tín trên trường Quốc tế vỏn vẹn với thời gian ngắn ngủi chín năm.

Chân dung ông Ngô Đình Diệm trước đây từng bị bôi nhọ bởi nhiều nhà báo trong và ngoài nước- nhất là kể từ năm 1960 trở đi dưới thời kỳ TT Kennedy..

Tuần trăng mật của chế độ Ngô Đình Diệm chỉ thật sự an bình và được sự ủng hộ nhiệt tình cho đến hết nhiệm kỳ của đảng Cộng Hòa thời tổng thống Eisenhower. TT. Mỹ đã đón tiếp ông Diệm- một trong những trường hợp hiếm hoi- như một thượng khách và ra tận máy bay đón chào ông và cả hai đi diễu hành trên một chiếc xe mui trần được đám đông dân chúng đón chào trên đường phố Broadway ở thành phố Nữu Ước năm 1957. Ít vị quốc khách nào của Mỹ được đón tiếp long trọng như vậy.

Nhưng từ khi TT Kennedy lên làm tổng thống thì tình trạng mỗi ngày mỗi xấu đi mà nhà sử học trẻ Edward Miller, xuất bản một cuốn sách gần đây đã lấy tựa đề tên sách đầy mỉa mai của ông là: Missaliance- Ngo Dinh Diem, The United State and the fate of South Viet Nam. (Cuộc hôn nhân không cân xứng, Ngô Đình Diệm and the fate of South Viet Nam)

Cuộc hôn nhân không tương xứng ấy mỗi ngày một căng thẳng dẫn đến đổ vỡ- như một thứ chiến tranh lạnh giữa đôi bên- dẫn đưa đến quyết định của chính TT Kennedy là phải thay thế Diệm. Diem must go..

Tại sao lại có sự căng thẳng ấy?

Là bởi vì TT. Ngô Đình Diệm là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn viễn kiến về chính trị có đường lối hẳn hoi mà không có một nhà lãnh đạo miền Nam nào từ thời Bảo Đại có được.

Theo chính ông Ngô Đình Diệm thường bày tỏ trong các bài diễn văn của ông là, nguyên tắc căn bản của một nhà lãnh đạo đất nước là phải đặt chủ quyền đất nước, độc lập dân tộc như một nguyên tắc không thể tương nhượng-.

Không có độc lập, tự chủ thì không có gì hết- Tout ou rien- Hoặc là có, hoặc không có..

Và chủ quyền là bất khả tương nhượng. Người ta không thể vì lợi ích vật chất mà mất chủ quyền. Ông lấy tỉ dụ, nếu cứ nghe người Mỹ thì cuối cùng ông chỉ còn là một thứ con bài cho người ta sai bảo. Chính Ed Lansdale trong một bài phỏng vấn truyền hình do Stanley Karnow thực hiện đã thú nhận rằng 10 ý kiến đưa ra cho ông Diệm thì may ra một điều được ông nghe theo.

Đó là một sự thật để sau này giải tỏa được những tuyên truyền của cộng sản như: Ông Diệm là con bài của Mỹ, Mỹ-Diệm hay trục của điều xấu: Spellman-Vatican- Diệm.

Đường lối thứ hai của ông là chống Pháp thực dân và chống cộng sản độc tài.

Chính vì ba nguyên tắc này mà ông được coi như là thuộc lực lượng thứ ba (3e force). Nghĩa là chống cả Pháp lẫn thực dân. Nhiều người cho là ông Diệm là người bướng bỉnh, cố chấp, người khác cho ông là không có cái mềm dẻo chính trị của một chính trị gia, hoặc ông là loại người ngây thơ, thiếu bén nhậy chính trị.

Tất cả những nhận xét trên chỉ đúng một phần, phần còn lại là sai, vì họ đã không hiểu những viễn kiến chính trị của ông.

Viễn kiến chính trị ấy ông đã theo đuổi suốt cuộc đời làm chính trị của ông và sau này xét công hay tội đều phải căn cứ trên viễn kiến chính trị này.

Tiến sĩ Trần Thị Liên trong luận án tiến sĩ sử của bà cho thấy rằng cả người Pháp lẫn Bảo Đại cũng như giới lãnh đạo công giáo như giám mục Lê Hữu Từ đều cho thấy ông Diệm và Nhu là những người không bao giờ chấp nhận hai chữ Thỏa Hiệp.

Ông Ngô Đình Nhu từng viết như sau về lập trường cố định của anh em ông: Và theo ông Nhu: nguyên tắc nền tảng để có thế cứu vãn Việt Nam là (3).

Điều quan trọng đối với ông Nhu là từ chối tất cả sự hợp tác với người Pháp, bởi vì theo ông ta tất cả các người công giáo đều có hai bổn phận: với tư cách người Việt Nam phải loại trừ khỏi ách đô hộ của người ngoại quốc và tranh đấu chống lại ý thức hệ cộng sản.(…)thỏa hiệp với người Pháp không phải là một giải pháp. Chẳng những vậy còn là một tội ác làm suy yếu lực lượng kháng chiến..(..)

Ông Nhu viết tiếp: chủ nghĩa quốc gia tranh đấu một mất một còn là vũ khí hữu hiệu chống lại cộng sản và chủ nghĩa thực dân.

Bảo Đại sau khi gặp Bollaert ở Hồng Kông cũng ghi lại thái độ của ông Diệm như sau:

Diệm là người phản đối mạnh mẽ nhất. Đối với Diệm, những nhượng bộ của Pháp rõ ràng không đủ khi hạn chế chủ quyền quốc gia bằng cách sát nhập vào Liên Hiệp Pháp. Đối với ông ta, đó là những đề nghị sai lệch. Trần Văn Lý cũng chia xẻ quan điểm của ông Ngô Đình Diệm. Cả hai đã bị ảnh hưởng bởi các diễn tiến của các phong trào giải thực đang diễn ra đồng thời tại Ấn Độ và Miến Điện và họ đã đưa ra một chương trình nhờ đó cho phép Việt Nam có quy chế tự trị Domino.(Quy chế tự trị trong Liên Hiệp Anh- NVL).

Đối với họ, đó là giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được đối với những người quốc gia Việt Nam. (4)

Lần chót trong một buổi họp ở Hồng Kông với Bảo Đại, một lần nữa ông Diệm đã lên án một cách mạnh mẽ về con đường thỏa hiệp của Bảo Đại khi ông này đặt bút ký vào Hiệp định Élysée. Ông Diệm coi đây như một sự đầu hàng người Pháp. Sau đó, kể như hai bên đoạn giao.

Và Bảo Đại tỏ ra thất vọng viết:

Với Diệm, chúng ta chỉ có một thái độ chờ đợi.(5)

Lập trường chính trị cứng rắn của ông Diệm cũng buộc lòng giám mục Lê Hữu Từ gửi một phái viên thân cận là luật sư Lê Quang Luật nhằm thuyết phục ông Diệm về hợp tác với Bảo Đại. Kết quả là bị ông Ngô Đình Diệm phủi tay. Lê Quang Luật cho người Pháp hay là kết quả thương lượng không đem lại kết quả gì vì thái độ cứng rắn của ông Diệm:

Ngô Đình Diệm không cho thấy một chút hy vọng gì ông ta ra khỏi thái độ chờ thời (attentisme) và thay đổi quan điểm chính trị của ông ta. Ông Diệm tỏ ra một thái độ ghét cay ghét đắng Bảo Đại vì lý do Bảo Đại là người có cá tính mềm yếu và không vững vàng. Giả dụ nếu Ngô Đình Diệm chấp nhận lên cầm quyền, ông ta sẽ tiến hành một cuộc chiến chống Cộng sản tới cùng với điều kiện được sự hỗ trợ của Bảo Đại.

Và sự hỗ trợ đó đã không có.

Diệm đã không muốn tham gia chính quyền vì những xác tín chính trị của ông ta. (6)

Cũng theo đường lối này mà đã ba lần ông từ chối lời mời của ông Bảo Đại ra làm thủ tướng. Lần đầu lúc ông làm thượng thư triều đình, ông đã xin từ chức, tiện đó Bảo Đại đã cách chức và tước đoạt mọi phẩm hàm vào năm 1933, sau đó lại cho phục chức. Khi bị cách chức, ông mất danh vị nhị phẩm triều đình và lương bổng 400/tháng. Viết về việc này, ông Phan Khôi cho rằng trong vòng 50 năm trở lại đây từ đời Thành Thái chưa có một vị sĩ phu bào có khí tiết và danh dự như Ngô Đình Diệm. Danh ông nổi như cồn về việc từ chức của ông để phản đối Bảo Đại thỏa hiệp với Pháp. Phan Khôi viết:

Sĩ phu liêm sỉ chi đạo táng, chính câu ông Phan Châu Trinh nói như thế. Con người mất cả liêm sỉ là con người bỏ; huống chi cả một đám người mất liêm sỉ, mà còn mong gì được ư?

Nhờ ông Ngô Đình Diệm vớt lại nhiều ít, nhờ sự cách chức và khai phục ông Ngô Đình Diệm vớt lại nhiều ít, họa may cái lòng liêm sỉ của sĩ phu Việt Nam ngoi dạy chăng? (7)

Cụ Phan Khôi mới chỉ nhấn mạnh tới cái đức tính liêm sỉ của ông Ngô Đình Diệm. Nhưng điều chính yếu trong việc từ chức này là một quan điểm chính trị dứ/t khoát không hợp tác với Pháp.

Nhưng cũng vì đường lối cứng rắn của ông nên ông cũng bị cộng sản lên án tử hình và Pháp không bảo đảm an ninh cho ông-. Ông buộc lòng phải dời Việt Nam chọn bước đường lưu vong vào tháng 8-1950 cùng với ngưới anh là Giám mục Ngô Đình Thục.

Thoạt đầu ông ghé Hồng Kông rồi sang Nhật Bản. Ở đây ông có dịp gặp lại một đồng chí của ông là Cường Để- ông đã xưng hô là bệ hạ-.Nhưng lá bài Cường Để đã không còn hữu dụng khi Nhật thua trận với đồng minh.

Ông cũng tìm cách xin găp vị tướng lừng danh của Mỹ là Douglas MacArthur. Nhưng đã không có kết quả..

Một cái may mắn là ông đã gặp được một giáo sư người Mỹ, làm tình báo cho CIA, ông này sãn sàng giúp đỡ ông Diệm và họ đã trở thành bạn. Đó là ông Wesley R. Fishel. (giáo sư Khoa Học Chính Trị, Michigan State University, 31, được coi là một chuyên gia đầy tài năng và có nhiều quan hệ với những nhân vật lãnh đạo ở Á Châu). Ông này nhận ra ông Diệm là một gương mặt sắc bén về chính trị, có niềm tin mãnh liệt và quyết liệt chống Cộng. Ông cũng là người đưa ông Diệm vào làm việc trong cơ quan của ông với tư cách một chuyên viên đặc trách về Đông Nam Á.

Thật ra, sang Mỹ, phần lớn thời gian ông Diệm phải nằm chờ thời tại một tu viện ở Nữu Ước. Linh mục Phó viện truởng của tu viện tên là Daniel Lyons, dòng tên, sau này có viết lại trong cuốn sách của ông: Viet Nam Crisis như sau

Ông Diệm ở lầu hai và ngày ngày ông học thêm tiếng Anh và đọc lịch sử Mỹ Quốc. Vì không phải một nhân vật có chức quyền nên không được giới chức Mỹ tiếp đón. Họ tỏ ra lạnh nhạt với ông.(8)

Sau này do Fisel giới thiệu ông quen biết được một vài nhân vật trong chính giới Mỹ như các hồng y Cushing và nhất là Spellman và các thượng nghị sĩ dân chủ như Mike Mansfield, John F. Kennedy, nhất là ông tòa William,O Douglas và linh mục Raymond J. de Jeagher..( ông đã quen biết linh mục này từ năm 1947).

Kết quả của những mối liên lạc này cũng không đi đến đâu và ông tỏ ra tuyệt vọng. Mùa xuân 1953 ông quyết định bỏ nước Mỹ từ bỏ chính trị đến ở một tu viện dòng Benedictin, St Andre ở Bỉ..

Trong bữa ăn từ giã nước Mỹ do ông tòa William O. Douglas khoản đãi ông Diệm vào ngày 8-5-1953, ông Diệm đã có dịp gặp những vị khách mời quan trọng như Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield và John F. Kennedy. Trong bữa ăn này, một lần nữa, ông Diệm phê phán Bảo Đại vẫn đi tìm một giải pháp chính trị ảo vọng bằng cách tựa vào thế Liên Hiệp Pháp .

Ít ra thì ông cũng gửi đi đuợc một tín hiệu cho chính giới Mỹ thấy rằng lá bài giải pháp Bảo Đại tỏ ra không hợp thời nữa và ngụ ý rằng không ai khác, ngoài ông ra có thể đưa được bài toán giải đáp cho những vấn đề phức tạp của Việt Nam.

Việc rời khỏi Mỹ là dấu hiệu cho thấy ông Diệm không tìm được một lối ra cho bài toán VN ra khỏi quỹ đạo người Pháp, đồng thời không tìm được sự ủng hộ tích cực của chính giới Mỹ để chống cộng sản.

Điều đó cho thấy rõ ràng con đường chính trị của Diệm là khởi từ Paris chứ không phải Hoa Thạnh Đốn.

Về Paris, ông có dịp được gặp TT Pháp và sau đây là nội dung được ghi lại trong Hồi Ký của TT Pháp như sau:

Nỗi lo lắng chính yếu của nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo là sự chấp nhận một chính quyền Việt Nam hoàn toàn độc lập. Không thể chấp nhận tình trạng hai quyền lực (dualité) chính quyền. Nghĩa là cần có một chính quyền thực sự có trách nhiệm.

TT. Vincent Auriol ghi nhận thêm:

Một lá bài chính đáng có thể một ngày nào đó phải được dùng đến  : Diệm một người Quốc Gia thuần túy. Một người đã chống đối lại chúng ta một cách kịch liệt. Một người rất khó để có thể điều khiển. Nhưng trung thực và liêm khiết. Rất là đố kỵ với thối nát lúc nhúc chung quanh Bảo Đại, và là một người có uy tín lớn lao. (9)

Gần đây nhất, chúng tôi được biết linh mục bề trên dòng Benedictin, tại Bỉ, Viện phụ René Forbe, bề trên của Đan Viện. Sau 60 năm giữ kín lá thư của ông Diệm xin đi tu trong bậc trợ sĩ. Trong dịp công bố lá thư này, có sự chứng kiến của một số thân thuộc của ông Diệm như bà Charlotte Ngô Đình Luyện, bà Marie Claude Ngô Đình Luyện và bà E1lizabeth Nguyễn Thị Thu Hồng- em gái cố hồng y Nguyễn Văn Thuận-. Cũng theo vị bề trên Đan Viện, ông Diệm đã trú ngụ ở Đan Viện 6 tháng trước khi quyết định rời tu viện.

Lá thư xin đi tu của ông Diệm là một tài liệu vô cùng quý giá, vì nó làm sáng tỏ sinh mệnh chính trị của ông Diệm, đánh tan cái dư luận ác ý, thổi phồng gán ghép ông Diệm là một lá bài của Mỹ qua cái trục Spellman- Vatican- Ngô Đình Diệm.

Đối với tôi, lá thư xin đi tu của ông Diệm là một soi sáng lịch sử sau 60 năm. Nó cho ta thấy rằng một lúc nào đó: Nắng đã lên. Sự thật được trả về cho sự thật.

Trong Viet Nam, a History, Karnow cũng đã đưa ra một khẳng định phủ nhận những tin đồn của một vài tác giả Mỹ như Robert Scheer trong How the United States got involved in Viet Nam và tác giả Việt (trường hợp Vũ Ngự Chiêu)là có tính cách tiểu thuyết xây dựng chung quanh huyền thoại Spellman này.

Sau này sử gia Edward Miller cũng đồng quan điểm với Stanley Karnow cho rằng: Những quan niệm cho rằng công giáo là yếu tố chủ chốt giải thích cho khả năng giành được sự ủng hộ của người Mỹ giỏi lắm cũng chỉ là phóng đại.(10)

Và nếu chúng ta căn cứ vào những người trong cuộc như Bảo Đại, chúng ta thấy rõ việc chọn lựa ông Diệm làm thủ tướng là quyết định từ Bảo Đại với sự tham khảo ý kiến của nhiều chính giới ở Pháp và rằng những người này đều đồng ý việc chọn lựa ông Diệm làm thủ tướng..

Cùng lắm một vài chính giới Mỹchỉ đóng vai trò tham khảo như các ông Bedell Smith và Bonsai. Và chỉ khi đã quyết định chọn ông Diệm rồi, ông Bảo Đại mới tiếp xúc với Ngoại Trưởng Foster Dulles để cho biết quyết định của mình.

Tóm lại có tham khảo phía Mỹ mà không có bất cứ áp lực nào từ phía người Mỹ trong quyết định chọn ông Diệm làm thủ tướng.

Phần Arthur J.Dommen đã dành hẳn một chương nói về việc này nhan đề: The choice of Diem trong đó nhấn mạnh chính ông Bảo Đại có quyết định về việc chọn lựa khó khăn này:

4 ngày trước khi đến Paris, Bảo Đại đã triệu Ngô Đình Diệm từ tu viện St Andrew Bruges đến gặp ông ta. Một chủ đích rõ ràng muốn giao trọng trách cho Ngô Đình Diệm bất kể sự chống đối của người Pháp. Trong đó dù không trực tiếp nói ra, ông Bảo Đại cũng muốn sự đồng tình ủng hộ về phía người Mỹ. (11)

Trong cuốn sách của Edward Miller nêu ở trên, ông còn khẳng định rằng:

Những điều viết biếm họa về ông Diệm chỉ căn cứ trên những giả định sai lầm và nhiều những điều kết luận rút ra từ những giả định đó đều sai lạc..Chẳng hạn trái ngược với những đồn đại, Diệm chỉ là thứ bù nhìn của Mỹ, Diem đã nắm được quyền hành vào năm 1954 chỉ do những cố gắng cá nhân của ông và của những anh em của ông, mà không do một vận động áp lực nào từ phía Mỹ.

Edward nói thêm:

Và ngay sự thành công kế tiếp trong việc củng cố quyền lực của ông ở miền Nam VN cũng chỉ là do kết quả do những vận dụng của riêng ông mà thôi. (12)

Và phải chăng viễn kiến chính trị về một con đường thứ ba vừa chống Pháp, vừa chống Việt Minh nay là thời cơ thuận tiện để ông Diệm thực hiện giấc mơ chính trị của mình?

Cái chết của ông kéo theo một thảm trạng của miền Nam cuối cùng chỉ vì muốn bảo vệ chủ quyền độc lập quốc gia, không đồng thuận với người Mỹ.

Quả đúng là một cuộc hôn nhân gượng ép mà ngay từ đầu cả hai bên đều thấy không thể kéo dài được nữa.
Nguyễn Văn Lục

————————————————-
Ghi chú:
(1) No more Viet Nam, Richard Nixon 57-62
(2) No more Viet Nam. Ibid trang 63-65
(3) Trần Thị Liên, Les Catholiques Vietnamiens pendant la guerre d’indépendance ( 1945-1954) entre la reconquête coloniale et la résistance communsite.
(4) Bao Đai, Le Dragon D’Annam, 1980, trang 190-200
(5) Bao Dai, Ibid, trang 198
(6) ASAT 10 11 1039, Hanoi, le 24-3-1950, Fiche sur entretien avec Mr Le Quang Luat le 23-3-1950, peu après son retour à Sài Gòn
(7) Việt-studies, Một việc rất có ảnh hưởng đến tâm thuật của sĩ phu. Cách chức và khai phục ông Ngô Đình Diệm, Lại Nguyên Ân
(8) Viet Nam Crisis, Stephen Pan, Daniel Lyons, S.J. trang 82-83
(9) Vincent Auriol, Journal du Septennat ( 1947-1954). Trích lại Tran Thi Lien, Ibid, trang 521
(10) Vision, Power and Agency : The ascent of Ngo Dinh Diem 1945-1954 Eddward Miller, journal of southeast Asian Studies, trg 433-458, trích lại trong cuộc Cách Mạng Nhân Vị
(11) The Indochinese Experience, Arthur J. Dommen, trang 237
(12) Misalliance, Ngo Dinh Diem, The United States and the fate of Viet Nam, Edward Miller, trang 15

© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt

Trèo rào phá Tường

Lời người dịch: Từ một người thợ điện vô danh, Lech Walesa đã tạo ra lịch sử khi lãnh đạo phong trào Công Đoàn Đoàn Kết trong công cuộc đấu tranh giành tự do và dân chủ cho nhân dân Ba Lan, để từ đấy mở đường cho các cuộc cách mạng ở Đông Âu vào năm 1989. Ông đã được trao giải Nobel Hòa Bình, được bầu làm tổng thống Ba Lan đầu tiên sau cộng sản. Đây là trích đoạn bài diễn văn của ông đọc trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 11 1989. Tựa đề của người dịch.
*
Thế giới luôn luôn nhớ nguyên tắc tuyệt diệu của nền dân chủ Mỹ: "chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân, vì nhân dân."
Tôi cũng nhớ những lời này; tôi, một công nhân nhà máy đóng tàu ở Gdansk, cùng với những thành viên khác của phong trào Đoàn Kết, đã dành trọn đời mình phục vụ tư tưởng này "chính quyền của nhân dân, bởi nhân dân, vì nhân dân." Chống lại đặc quyền và độc quyền chính trị, chống lại những vi phạm luật pháp, chống lại sự chà đạp nhân phẩm, chống lại sự khinh thường và bất công.
Thật ra những nguyên tắc và những giá trị như thế - gợi ta nhớ đến Abraham Lincoln và những bậc Tổ Phụ Lập Quốc của Cộng Hòa Mỹ, và cũng gợi ta nhớ đến những nguyên tắc và tư tưởng của Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Mỹ - luôn luôn được phong trào cao cả Đoàn Kết Ba Lan theo đuổi; một phong trào thành công.
Sự thật nền tảng và quan trọng nhất là ở đây. Phong trào xã hội mang tên rất đẹp Đoàn Kết, sinh thành từ Ba Lan, là một phong trào thành công. Sau nhiều năm dài đấu tranh phong trào đã tạo ra kết quả mà tất cả mọi người đều có thể thấy. Phong trào đã chỉ ra phương hướng và cách thức hành động mà ngày nay đang ảnh hưởng đến cuộc đời của hàng triệu người nói những ngôn ngữ khác nhau. Phong trào đã làm chao đảo những độc quyền chính trị, làm sụp đổ hoàn toàn nhiều độc quyền chính trị. Phong trào đã mở ra những chân trời hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, quan trọng nhất, cuộc đấu tranh này hoàn toàn bất bạo động. Chúng tôi bị giam cầm trong tù, bị đuổi việc, bị đánh đập và đôi lúc bị sát hại. Nhưng chúng tôi chưa từng bao giờ đánh một người nào. Chúng tôi không phá hủy bất kỳ cái gì. Chúng tôi không đập vỡ dù chỉ một cửa kiếng. Nhưng chúng tôi cương quyết, rất cương quyết, sẵn sàng chấp nhận đau khổ, sẵn sàng hy sinh. Chúng tôi biết điều chúng tôi muốn. Cuối cùng sức mạnh của chúng tôi đã thắng.
Phong trào Đoàn Kết đã nhận được sự ủng hộ rất to lớn và đã giành được nhiều thắng lợi vì trong mọi thời điểm và trong mọi vấn đề phong trào đều luôn luôn chọn giải pháp tốt hơn, nhân đạo hơn, cao thượng hơn để chống lại tàn bạo và hận thù. Phong trào trước sau như một, luôn luôn kiên cường, không bao giờ bỏ cuộc. Nhờ thế, sau tất cả những năm dài đau khổ và sau rất nhiều thời khắc bi kịch, ngày nay phong trào Đoàn Kết đang thành công và vạch ra con đường đi cho hàng triệu người ở Ba Lan và các nước khác.
Cách đây mười năm, vào tháng Tám 1980, cuộc đình công lừng danh bắt đầu từ nhà máy đóng tàu Gdansk đã đưa đến sự ra đời của công đoàn độc lập đầu tiên trong các nước cộng sản, và từ đấy mau chóng trở thành phong trào xã hội rất to lớn được cả nước Ba Lan ủng hộ. Lúc ấy tôi trẻ hơn bây giờ mười tuổi, chẳng ai biết đến tôi chỉ ngoại trừ những người bạn công nhân trong nhà máy, và ngày ấy người tôi gầy hơn bây giờ. Thành thật mà nói, gầy thế hóa ra quan trọng. Lúc ấy tôi thất nghiệp sau khi bị đuổi việc vì đã nhiều lần tổ chức các công nhân đấu tranh giành lại quyền lợi của họ, tôi trèo qua hàng rào vào lại nhà máy để trở về với các anh chị em công nhân và họ liền chỉ định tôi làm người lãnh đạo cuộc đình công. Cuộc đình công đã khởi đầu như thế. Khi hồi tưởng lại con đường chúng tôi đã đi qua, tôi thường nghĩ về vụ trèo rào năm xưa. Hôm nay nhiều người khác cũng đang trèo rào phá tan những bức tường. Họ làm thế vì tự do là quyền của con người.
Nhìn những gì đang diễn ra quanh chúng ta hôm nay, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng con đường đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh bất bạo động, sự cương quyết và kiên cường của nhân dân Ba Lan để mưu cầu đa nguyên và dân chủ chỉ cho nhiều người và cả các quốc gia ngày nay cách tránh những nguy hiểm lớn nhất vì như chúng ta biết những thay đổi ở nơi khác không diễn ra ôn hòa như thế.
Chúng tôi chắc chắn rằng những người khác cũng sẽ theo con đường chúng tôi, vì không có sự chọn lựa nào khác.
Đức Giáo Hoàng John Paul II có lần nói: "Tự do không phải là cái gì đấy có sẵn để hưởng, tự do phải đấu tranh mới có. Ta phải dùng tự do để xây dựng cuộc đời riêng của cá nhân và cuộc đời chung của quốc gia."
Cùng với Ba Lan, các quốc gia Đông Âu khác đang theo con đường này. Bức tường một thời ngăn cách nhân dân với tự do đã sụp đổ. Và tôi hy vọng rằng các nước trên thế giới sẽ không bao giờ để cho bức tường được dựng trở lại.
Nguồn: Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.

Bản tiếng Việt:

Tân Phó Thủ tướng và chuyện cha truyền con nối

Đây không hẳn là câu chuyện về cha truyền con nối, mặc dầu ông là thứ nam của cố Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Ông Phạm Bình Minh đã nhận được 85,75% phiếu từ Quốc hội để trở thành Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đây không hẳn là câu chuyện về cha truyền con nối, mặc dầu ông là thứ nam của cố Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Trong quá trình công tác từ sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế năm 1981, ông Minh đã trải qua nhiều cương vị và để lại những dấu ấn tốt đẹp. Điều chắc chắn hiện nay là ông Minh chưa thể nghĩ đến một cuốn sách về mình như trước đây các đồng nghiệp trong và ngoài Bộ đã viết về thân phụ của ông (1). Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ông là chỉ đạo mảng ngoại giao để góp phần thúc đẩy công cuộc hội nhập toàn diện trong hoàn cảnh mới.
Phạm Bình Minh, Nguyễn Cơ Thạch, ngoại giao, WTO
Tân Phó thủ tướng, ông Phạm Bình Minh.
Thời thế tạo anh hùng
Không nhắc lại thời của kháng chiến kiến quốc mà chỉ nhìn từ giai đoạn Đổi mới, Ngoại giao Việt Nam đã đi qua những cột mốc lớn. Góp phần phá bao vây cấm vận sau chiến tranh, mở đầu/thúc đẩy hội nhập bằng các hiệp định BTA và WTO lịch sử.
Thời cuộc một lần nữa, lại đặt lên vai các nhà ngoại giao nhiệm vụ không kém phần nặng nề như thuở chiến tranh hay những năm đầu mở cửa để đi đến hội nhập toàn diện như ngày nay. Bao thế hệ ngoại giao Việt Nam đã đóng góp công sức và trí tuệ để đất nước thực sự qua giai đoạn "quảng canh", đi vào thời kỳ "thâm canh" về đối ngoại.
Giờ là kỷ nguyên của các hiệp định FTA, của gia cố hệ thống đối tác chiến lược. Thời thế cấp bách cần "tư lệnh chiến trường" đủ bản lĩnh để đối mặt với thách thức.
Ông Phạm Bình Minh hoàn toàn ý thức được trọng trách của nhiệm vụ mới, giúp Thủ tướng trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của Chính phủ. Sự kế tục các bậc tiền bối ở ông không hẳn là kế tục theo thế tập. Hãy nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu ông với Quốc hội: ông Minh là cán bộ được đào tạo cơ bản, kinh qua nhiều chức vụ trong ngành, được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X từ tháng 1/2009. Trong quá trình công tác, ông Phạm Bình Minh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, ông đã đóng góp tích cực vào thành công trong công tác đối ngoại và quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định: "Ông Phạm Bình Minh đủ điều kiện đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ".
Việc Quốc hội chuẩn thuận với số phiếu cao bổ nhiệm ông Minh cho thấy, ở Việt Nam truyền thống "tre già măng mọc" được tôn vinh. Cách đây 7 năm khi mới làm Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), ông Minh là thành viên duy nhất của ngành trúng cử Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, với chức danh ủy viên dự khuyết.
Lúc bấy giờ có đại biểu tuy giữ chức vụ cao đi dự đại hội Đảng nhưng không hề có chút thông tin nào về ông Minh và phải lật giở bản danh sách ủy viên dự khuyết màu xanh nhạt để tìm kiếm. Giờ đây, tuy chưa có điều kiện giới thiệu nghị trình làm việc thể hiện quan điểm lẫn phương pháp điều hành trước Quốc hội, ông Minh vẫn được các đại biểu tin tưởng và gửi gắm nhiều hy vọng.
Một số cán bộ lão thành trong ngành Ngoại giao từng cho rằng, ông Nguyễn Cơ Thạch thả con mình xuống nước "hơi bị sớm" nên con ông chóng trưởng thành! Từ đối ngoại lẫn đối nội, ông Minh quả thực đã tìm cách "tự bơi" trong biển lớn của các thử thách từ Liên Hợp quốc (như an ninh toàn cầu, giải trừ quân bị và đặc biệt là về vấn đề Campuchia trước đây) đến các vấn đề trong nước.
Trên bàn làm việc của tân Phó Thủ tướng tuy vẫn là những hồ sơ cũ: Biển Đông, các hiệp định TPP, RCEP và gia cố đối tác chiến lược với P5 (2)... nhưng các đề xuất của ông sẽ được giới hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước trực tiếp lắng nghe. Từ lãnh đạo của một ngành, từ nay, ông Minh sẽ theo dõi công tác chỉ đạo đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Ngoại giao ở tuyến đầu

Khi được truyền thông hỏi về các vị tân Phó  Thủ tướng, trong đó có việc Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu, đại biểu Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng - từng cho rằng, "ít nhất (các vị ấy) phải có một đối thoại với Quốc hội hoặc có bản chương trình hành động để đại biểu Quốc hội biết anh là ai, chương trình hành động sắp tới của anh thế nào? Có những lĩnh vực nào anh phụ trách và có đột phá gì với lĩnh vực đó. Có như vậy thì đại biểu Quốc hội mới yên tâm để bỏ lá phiếu phê chuẩn đối với các chức danh quan trọng này...".
Tuy nhiên, ông Tiến vẫn đánh giá, ông Phạm Bình Minh đã hoàn thành tốt trọng trách của mình, thời gian qua, công tác ngoại giao có nhiều khởi sắc tốt.
Ngày 12/11 vừa qua, thời điểm ông Minh chuẩn bị đảm đương trách nhiệm Phó Thủ tướng thì cũng là lúc Đại hội đồng Liên hiệp quốc vừa bầu ra 14 thành viên mới vào Hội đồng Nhân quyền, là cơ quan theo dõi và kiểm soát tình trạng lạm dụng quyền con người bằng cách ra các nghị quyết trong những trường hợp cần thiết. Và Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất so với 13 nước còn lại, đạt 184/192 phiếu thuận.
"Việc đông đảo các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc tín nhiệm bầu Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa lớn về nhiều mặt", ông Phạm Bình Minh trả lời báo chí về sự kiện này như vậy. Bảo vệ/thúc đẩy quyền con người là một trong ba trụ cột hoạt động của Liên hiệp quốc, bên cạnh vấn đề hòa bình - an ninh và phát triển.
Cũng theo vị tân Phó Thủ tướng, việc ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là bước đi quan trọng trong lộ trình triển khai chính sách đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Quyết tâm này cũng thể hiện quan điểm của nhà nước ta coi quyền con người là giá trị và nguyện vọng chung của nhân loại, thể hiện chính sách nhất quán tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế của ta trên lĩnh vực này. Việc Việt Nam trúng cử thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với chính sách và thành tựu của công cuộc Đổi mới toàn diện, là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trả lời báo giới bên lề Quốc hội đang họp, ông Minh khẳng định, chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục đi theo đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa mà vẫn giữ được độc lập. Chính độc lập trong đường lối đối ngoại mới thể hiện được vai trò của Việt Nam. Nếu không độc lập thì sẽ bị lệ thuộc, lúc đó sẽ bị mất vai trò và các nước sẽ lợi dụng.
Nhưng bên cạnh độc lập tính, Nhà nước ta, ngay từ đầu còn nhấn mạnh hai bản chất khác của ngoại giao Việt Nam là "dân tộc và dân chủ". Nếu vai trò của người làm ngoại giao ở thời bình cũng quan trọng giống người lính ở thời chiến, như ông Minh từng phát biểu, thì trong cuộc trường chinh vĩ đại vì xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, ngoại giao Việt Nam rõ ràng đang đảm nhận một sứ mệnh mới.
Hải Đăng (theo Bizlive)
------
(1) Nhà Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003

(2) Theo thông tin chính thống, nền ngoại giao chính trị-kinh tế-văn hóa Việt Nam tới đây sẽ chủ động góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo (trước hết là biển Đông), thúc đẩy công cuộc hội nhập toàn diện (tham gia hai hiệp định tự do mậu dịch là TPP và RCEP...), xây dựng/gia cố hệ thống "đối tác chiến lược" với các ủy viên thường trực của Liên hiệp quốc (gọi tắt là P5) và các thành viên quan trọng khác của cộng đồng quốc tế.

Thế tôi đứng đó để làm gì

HoangPhát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương đay đi đay lại mấy lần một câu như này: “Chúng ta đang nói về chúng ta”.

Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng, quy hoạch thủy điện mang tính đặc thù, cũng không phải bất biến, cố định mà là quy hoạch động, mở…đây là quy hoạch của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công thương. Và ông nhắc lại: “Chúng ta đang nói về chúng ta chứ không phải nói về Chính phủ hay về bộ ngành này, bộ ngành khác”.
Vẫn chưa hiểu phải không!
Không hiểu là… dễ hiểu! Khi ngay chính một ĐBQH là ông Ngô Văn Minh còn phải bảo: “Chắc chắn là hầu hết đại biểu Quốc hội chúng ta không hiểu nổi. Chính tôi không hiểu nổi. Bộ trưởng nói “chúng ta nói về chúng ta” và nhắc đi nhắc lại mấy lần. Tôi không hiểu Bộ trưởng nói gì”.
ĐBQH đại diện cho cử tri nơi Sông Tranh lâu lâu lại nổ, ngồi ngay trong hội trường còn không hiểu gì, huống chi…chúng ta.
“Ý của Bộ trưởng Hoàng là quy hoạch, xây dựng, đầu tư, vận hành thủy điện là trách nhiệm của tất cả các ĐBQH ngồi đây”. Là “Các ông nghĩ lại các ông, các ông phải có trách nhiệm trong này, hay về địa phương các ông hỏi”- Vị ĐBQH nổi tiếng “thẳng thắn xứ Quảng” đặt giả thiết, sau đó lắc đầu ngao ngán rằng trước Quốc hội “Chúng ta nói từ đa nghĩa, hiểu kiểu gì cũng được là không nên”.
Và ông thẳng thắn: “Không thể chấp nhận được bảo quy hoạch là động, là mở, là thoáng. Sau khi rà soát bỏ 424 dự án làm thủy điện mà bảo không có thiệt hại gì thì cũng khó thuyết phục ĐBQH”.
Ngôn từ thật lạ. Bởi nếu “chúng ta đang nói về chúng ta” mà là một câu trả lời trước nghị trường thì đó đúng là một câu trả lời “mẫu số chung”.
“Chỉ có 735ha rừng được trồng trên tổng số 19.792ha rừng buộc phải trồng, chiếm 3,7% nghĩa là còn 96,3% diện tích chưa được trồng theo quy định” chứ gì? “Chặt cây sống trồng cây chết” chứ gì? Chúng ta đang nói về chúng ta.
“30% số thủy điện nhỏ chưa được kiểm định, 66% đập thủy điện chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt, 55% số đập chưa có phương án phòng, chống lụt bão”? Chúng ta đang nói về chúng ta.
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của 15 dự án thủy điện là 36,6%, gấp hơn 3 lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước” ư? Chúng ta đang nói về chúng ta.
“1 vạn dân nhường đất cho dự án thủy điện Thác Bà đến nay đã qua 40 năm nhưng vẫn chưa có điện… người dân tự hỏi nhau, rồi cử tri hỏi ĐBQH bao giờ thì thôn bản mình có điện?”. Chúng ta đang nói về chúng ta đấy.
Thế nhưng chúng ta là ai?
Bộ trưởng Hoàng không giải thích. Còn chúng ta biết rằng “Chúng ta” là ai thì là, trừ… chúng ta. Nhân dân, cử tri mà không hiểu xin hãy giở sách đọc “Hiệu ứng cánh bướm” để biết trách nhiệm cũng có phần của chúng ta. Bởi Bộ trưởng nói về “chúng ta” là không sai. Bởi suy cho cùng đúng là mỗi người trong chúng ta, ai cũng có một phần trách nhiệm, triết giải kiểu “Hiệu ứng cánh bướm”, thì chẳng hạn mỗi khi dùng một cái tăm cũng là phá rừng rồi gây lụt ở… Châu Phi.

ĐỊNH VỊ CÁ NHÂN VÀ CƠN BÃO THÔNG TIN XÃ HỘI

Sống trong thời điểm bùng nổ truyền thông xã hội (social media) đã khiến nhiều bạn trẻ chới với giữa mê trận thông tin, nhiều khi không biết đâu là thông tin thực sự chính xác hoặc có giá trị. Câu hỏi đặt ra là người trẻ neo gía trị của mình thế nào trong sự trôi dạt thông tin của cơn bão truyền thông xã hội?! SVVN có cuộc trò chuyện với TS. Đỗ Anh Đức, người vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ngành Truyền thông tại Đại học Macquarie, Sydney, Australia.
Thiếu thông tin, đói tri thức
Lê Ngọc Sơn: Kỷ nguyên số, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta ví công chúng đang chết ngập trong bể thông tin, nhưng chết đói bởi thiếu tri thức. Anh nghĩ thế nào về chuyện này?
Đỗ Anh Đức: Theo tôi đó chỉ là một cách nói cường điệu. Không ai chết và cũng không ai đói cả. Nhìn từ góc độ cuộc sống, tôi thấy việc bùng nổ thông tin phù hợp với xã hội mở của chúng ta – đa nguyên và phi tuyến tính. Mặt khác, hàm lượng tri thức trong thông tin chỉ có thể thoát khỏi tính tiềm năng của nó khi nó đi được vào đời sống và chịu sự va chạm, tương tác. Do đó, tôi nhấn mạnh góc độ tương tác liên cá nhân của chủ thể tiếp nhận và trao đổithông tin. Chính giao tiếp liên cá nhân mới làm tròn đường đi của thông tin và từ đó tri thức được chia sẻ.
DoAnhDuc
Chúng ta hay hiểu một cách máy móc tri thức là cái gì đó như là chân lý, có tính đúng sai, thuộc về khoa học chính xác (sciences) nhưng chữ tri thức (knowledge) nói rộng ra bao hàm cả những kỹ năng, kinh nghiệm, sự nhìn nhận, quan điểm, văn hóa, tư tưởng… Tri thức có được từ quá trình đối thoại, tương giao, thương thỏa và thông diễn giữa các chủ thể.
Chính vì vậy, thay vì choáng ngợp hoặc tự bơi trong cái bể thông tin vô tiền khoáng hậu để rồi sợ bị chết đuối, thì hãy cùng nhau tạo dựng những phương tiện đi biển để có thể vượt qua thác ghềnh và chinh phục nó.
Đến đây chúng ta lại quay trở lại vấn đề cơ bản của quan hệ con người là giao tiếp. Làm thế nào để những giao tiếp liên chủ thể trở nên hiệu quả, làm giàu cho tri thức của mỗi người, tạo dựng mối quan hệ tương giao (communicative action) thì không chỉ đòi hỏi một sự dân chủ trong đối thoại mà còn cả những cam kết đạo đức của các bên tham gia (actors).
Nếu các bạn trẻ tạo dựng và chia sẻ hiệu quả mạng lưới quan hệ xã hội của mình (vốn xã hội) thì không sợ gì thiếu hay đói tri thức.
Lê Ngọc Sơn: Có những sự việc, mà thông tin mỗi báo đăng một kiểu khác nhau, báo “chính thống” và mạng xã hội lại thể hiện những cách giải thích khác nhau. Theo anh, người đọc trẻ cần làm gì để mình định được thông tin có giá trị?
Đỗ Anh Đức: Việc mâu thuẫn và không đồng nhất giữa thông tin báo chí – tạm gọi là chính thống – và mạng xã hội là bình thường. Một mặt nó tiếp nối đời sống của thông tin trong lòng dư luận, mặt khác nó là tín hiệu cho thấy quan hệ quyền lực giữa báo chí chính thống – với tư cách là một thiết chế – với các cá nhân -  mà ngày nay đã có trong tay công cụ giao tiếp là mạng xã hội – đã và đang thay đổi. Báo chí không thể tiếp cận công chúng theo lối cũ – áp đặt quan điểm từ trên xuống.
Là một thiết chế, báo chí chịu sự ảnh hưởng, chi phối qua lại với các thiết chế khác về chính trị, văn hóa, tư tưởng, đạo đức, tôn giáo v.v…Vì vậy, nó vẫn có tính bảo thủ. Trong khi đó, mạng xã hội vốn dĩ cởi mở, linh hoạt về bản chất. Tuy nhiên, vì là công cụ của các cá nhân – mà mỗi cá nhân lại vừa là chủ thể, vừa là đối tượng chịu tác động của các thiết chế nói trên – nên mạng xã hội cũng là một môi trường thực tiễn (practices) mà ở đó các tư tưởng (ideologies) của xã hội hiển thị và tương tác với nhau.
Do đó, tôi sẽ không nhấn mạnh sự đối lập hay là đối kháng giữa báo chí và mạng xã hội. Ngược lại, theo tôi, điều cần quan sát và nghiên cứu là những tương tác về mặt tư tưởng giữa hai địa hạt này mà khoảng cách giữa chúng chỉ cách nhau một đường link. Tôi thích nhìn mối quan hệ này trong một quá trình không ngưng nghỉ và không có mẫu số chung về hệ quả. Nó là một cuộc cọ xát tư tưởng mà không phải khi nào những tư tưởng áp đảo (dominant ideologies) cũng thắng thế.
Ngay việc bạn dẫn một bài báo trên status của mình, mọi người vào comment, chia sẻ thì timeline của bạn có thể coi như một giác đài nơi các tư tưởng va nhau chan chát. Có thể dùng chữ của nhà lý luận Marxist Antonio Gramscie ‘site of struggle’ để chỉ hiện tượng này.
Tuy nhiên, như tôi vừa trình bày, sự tương tác giữa các chủ thể là vô cùng quan trọng để mỗi người, qua truyền thông liên cá nhân, tự rút ra cho mình cái gì là quan trọng và ý nghĩa cần thiết trong vô vàn những sản phẩm gán nghĩa mà họ tiếp nhận mỗi ngày. Không có mẫu số chung, mà chính sự phong phú các mối quan hệ, sự trải nghiệm và vốn sống của mỗi người đem lại cho họ lợi ích nhiều hay ít khi tham gia vào quá trình tương tác ấy.
Lê Ngọc Sơn: Mạng xã hội đã giúp cho người trẻ thể hiện được tiếng nói của mình, có thể những tiếng nói đó thể hiện sự kháng cự lại với những quan điểm và cách áp đặt lỗi thời. Anh phân tích thế nào về khía cạnh này?
Đỗ Anh Đức: Câu hỏi rất hay! Câu chuyện của chúng ta đang nói về sự va chạm tư tưởng. Trong xã hội nào thì cũng có những xung đột giữa các thế hệ, giữa cái cũ và cái mới. Nhưng ở xã hội đang chuyển dịch và đang phát triển như Việt Nam, thì xung khắc này dường như mạnh mẽ hơn và diễn ra hàng ngày. Khoảng cách giữa các thế hệ, giữa những người quản lý và bị quản lý, giữa những người sử dụng và không sử dụng mạng xã hội ở ta là khá sâu sắc. Có thể vì vậy mà người ta nhìn nhận mạng xã hội như là một thế lực đối lập với cái xã hội truyền thống như ta đã biết. Về bản chất, sự mâu thuẫn là có, giữa một bên là xã hội cấu trúc bởi sự phân tầng, một bên là bởi mạng lưới. Nhưng trên thực tế, tôi vẫn cho rằng, không đúng và không phải lúc nào cũng là quan hệ đối kháng.
Trong khoa học xã hội người ta hay dùng cặp phạm trù ‘structure’và ‘agency’ để chỉ mỗi quan hệ giữa cấu trúc xã hội và các cá nhân. Structureở đây có thể hiểu chính là những thiết chế xã hội tác động và chi phối đời sống cá nhân. Agency là khả năng của cá nhân trong việc hành động và lựa chọn một cách độc lập.
Mối quan hệ này phản ánh tính chất của một xã hội và trả lời câu hỏi về áp lực mà cấu trúc tạo nên và tác động vào sự tự do ý chí (chữ ‘autonomy’ trong triết học Kant) của mỗi cá nhân.Triết gia Jugen Habermas cũng dùng cặp phạm trù hệ thống (system)và thế giới sống (lifeworld) để diễn tả mối quan hệ này. Theo đó, cái hệ thống xã hội với bản chất duy lý của nó hàng ngày xâm nhập, chi phối và thực dân hóa (colonisation) thế giới sống của mỗi cá nhân.
Nói về sự va chạm tư tưởng giữa hệ thống và cá nhân, mà ở đây ta đang coi mạng xã hội như là một tập hợp của các cá nhân, sẽ luôn có ba kịch bản về phía chủ thể chịu tác động là: chấp nhận hoàn toàn, chấp nhận một phần, và không chấp nhậnđối với một số tư tưởng nào đó. Kịch bản thứ tư theo tôi chính là bằng vào sự tự do ý chí của con người tác động ngược trở lại và cải tạo hệ thống. Chính vì vậy, điều tiên quyết vẫn là giải phóng con người và giải phóng tư tưởng.
Ở những xã hội còn chậm phát triển và nặng về truyền thống như Việt Nam, có thể nói sự tác động của hệ thống còn rất nặng nề. Các cá nhân, nhất là các bạn trẻ, phải luôn nương theo nó để tồn tại và tránh bị đụng độ và công kích. Ngoài những lí do chính trị, hệ thống thường dựa vào những cái gọi là giá trị truyền thống, chuẩn mực đạo đức, quyền lực tập thể để phán xét, “ném đá” các cá nhân và trong nhiều trường hợp đe dọa và làm thui chột những tiếng nói ngược chiều, những sự kháng cự (resistance).
Để định vị giá trị và bản sắc…
Lê Ngọc Sơn: Rõ ràng những bạn trẻ đang nắm bắt được mặt tích cực của mạng xã hội, để định vị bản sắc cá nhân. Anh có đồng ý quan điểm này?
Đỗ Anh Đức: Tôi luôn lạc quan và tin ở sự chủ động của các bạn trẻ. Nhắc lại, họ mới là người quyết định sự thể hiện của bản thân mình. Nói theo lý thuyết xã hội mạng lưới (network society), sự tham gia vào mạng lưới không thôi là chưa đủ. Trái lại, mạng lưới cũng có những nguyên tắc hoạt động của nó, nổi bật là nguyên tắc cộng/trừ (inclusion/exclusion), mà sự khắc nghiệt cũng không thua gì xã hội ‘thực’ ngoài kia.
Đứng ở tầm vóc vĩ mô, mỗi quốc gia trên thế giới này muốn phát triển được buộc phải tham gia vào mạng lưới toàn cầu, không thể cô lập. Khi ở trong mạng lưới, điều giúp cho nó tồn tại và hưởng lợi chính là nhận diện hay bản sắc (identity) của nó. Do đó, nhà lập thuyết về xã hội mạng lưới, Manuel Castells cho rằng hai đặc điểm nổi bật của chính trị thế giới hiện nay là quá trình toàn cầu hóa (globalisation) và quá trình tạo dựng bản sắc (identification). Nếu thất bại ở việc xây dựng bản sắc thì sẽ thất bại và thậm chí bị loại trừ ra khỏi mạng lưới.
Đối với các cá nhân cũng vậy. Mặc dù bản chất chúng ta sinh ra là khác nhau, nhưng cái nhận diện, hay bản sắc của mỗi cá nhân là cả một quá trình, bao gồm nhiều yếu tố tương tác bên trong và bên ngoài. Nếu không có bản sắc, bạn sẽ chìm nghỉm trong mạng lưới hàng vạn, hàng triệu người.
Trở lại vấn đề kháng cự, tôi cho rằng chính việc tạo dựng cái bản sắc cá nhân cũng thể hiện sự kháng cự đối với hệ thống. Hệ thống càng khắc nghiệt thì sự kháng cự càng đòi hỏi lòng dũng cảm. Tuy nhiên, kháng cự không có nghĩa là lúc nào cũng giương đầu chịu báng.Bằng rất nhiều hình thức sáng tạo, thoạt nhìn đơn giản, nhưng có tính vượt trội, giới trẻ đã và đang có những hành động thiết thực đáng ủng hộ. Có thể đơn cử từ những cuộc trò chuyện mở, những diễn đàn đối thoại trực tiếp, những quán cà phê “chém gió” với nhau, cho đến những dự án như Không còi, Vô ngôn, những cuộc tuần hành đấu tranh cho quyền lợi của người đồng tính, những chương trình từ thiện cá nhân v.v… Một xã hội hiện đại được xây dựng từ những câu chuyện như thế đó. Và đó là lí do cá nhân tôi, dựa trên sự quan sát giới trẻ lâu nay, cảm thấy hoàn toàn lạc quan.
Lê Ngọc Sơn: Nhiều người trẻ lên mạng xã hội thể hiện quan điểm và có một hình ảnh cá nhân khá tốt trên đó. Nhưng đôi khi nhầm lẫn giữa giá trị thực, và giá trị (được thổi) ảo. Anh giải thích thế nào về hiện tượng này?
Đỗ Anh Đức: Như tôi vừa nói, việc tạo dựng bản sắc là cần thiết và là một quá trình liên tục. Nó là cả một nghệ thuật. Dân gian có câu: hữu xạ tự nhiên hương. Nhưng chúng ta không ngồi một chỗ chờ tỏa hương. Tôi thích những bạn trẻ chủ động thể hiện mình thông qua hành động, quan điểm. Họ không phải lúc nào cũng đúng, họ có thể sai lầm, vấp ngã, thậm chí khủng hoảng. Nhưng chính sự trải nghiệm đó làm nên bản sắc của họ.
Mặc dù, sự nhận diện không chỉ phụ thuộc vào bản thân mỗi chúng ta, mà còn do ở nơi người khác nhìn chúng ta ra sao. Nhưng để tránh không đẽo cày giữa đường, thì chính bạn phải tự trả lời cho mình câu hỏi mình muốn gì. Và để trả lời được thì cách tốt nhất là lắng nghe trái tim và thành thật với những suy nghĩ của chúng ta.
Lê Ngọc Sơn: Trong bể thông tin thời này, người trẻ neo các giá trị và bản sắc của mình vào đâu? Làm thế nào để không bị trôi dạt bản sắc bởi những thứ ảo của cơn bão công nghệ/ truyền thông?
Đỗ Anh Đức: Xin nhắc lại, mối quan hệ giữa hệ thống và cá nhân là mối quan hệ hai chiều. Tính chất và hệ quả của nó ở từng xã hội, từng giai đoạn là khác nhau tùy thuộc vào từng bên. Trước khi kháng cự cái hệ thống, phê phán và cải tạo nó, thì cá nhân cũng dựa vào hệ thống để tồn tại và nương theo các giá trị của nó để định hình bản thân. Ví dụ bây giờ tất cả mọi người đều xài điện thoại Iphone, Ipad, tôi chỉ có thể là người sành điệu hoặc không lạc loài nếu tôi cũng sở hữu những thứ đó. Bởi nó đã trở thành thang định hình giá trị của hệ thống đối với tôi. Nói rộng ra, cá nhân trước hết định nghĩa mình và tổ chức cuộc sống của mình theo cách mà ta được quy cho là, gán cho là. Nhưng, như tôi đã trình bày ở trên, xã hội chỉ có thể phát triển khi những quy ước cũ, những tư tưởng cũ liên tục bị thách thức và đánh đổ để cái mới được ra đời. Đó là một sự kháng cự lành mạnh của cá nhân trên tinh thần tự do ý chí. Trong lý thuyết mạng lưới, nó được gọi bằng những thuật ngữ ‘resistance identity’ (tạm dịch: định hình bản sắc thông qua sự kháng cự) và ‘project identiy’ (tạm dịch: định hình bản sắc bằng hành động cụ thể qua các dự án cá nhân như đề cập ở trên).
Tôi không có ý định khuyên bảo các bạn trẻ. Chúng ta biết, “ngọc bất trác bất thành khí”. Ở trên tôi cũng đã nói đến tri thức có được thông qua lao động miệt mài và sự tương tác. Bản sắc cũng không phải là cái gì bất biến mà bạn có thể cầm nắm hay tự hài lòng như là đã sở hữu được. Nó được định nghĩa thông qua việc chúng ta dám sống, dám nghĩ và dám làm cho hoài bão của mỗi người.
Xin cảm ơn anh!
Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)
(Xin đọc bài đã được biên tập và in trên báo giấy Sinh Viên Việt Nam số 45/2013 ra tuần này)

“Thiết thực lập thành tích” mừng Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền

Hoàng Trúc (Danlambao) - Chỉ khoảng một tuần trước khi Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhân viên an ninh đã lại tiếp tục đến nhà hăm dọa cụ bà Bùi Thị Thiện Căn, 73 tuổi, mẹ của nhà báo Đoan Trang - một trong các thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam.
Được biết, vào thứ ba tuần trước, nữ nhân viên an ninh tên Tuyết, tự giới thiệu là người của Tổng cục 2, Bộ Công an, đã gọi điện hẹn “làm việc” với cụ bà Thiện Căn vào buổi sáng thứ tư, 6/11. Ngay từ đầu, cô này đã tỏ rõ ý định trấn áp khi nhấn mạnh “sẽ đến để hỏi về các hoạt động hiện nay của Đoan Trang”, và đe dọa: “Lần này không phải là để trao đổi thân tình, thăm hỏi như lần trước nữa đâu, mà là để làm việc. Bác có tiếp không? Nếu bác không tiếp thì để chúng tôi gửi giấy mời lên phường”.
Tuyết còn cẩn thận dặn dò thêm: “Lần này mà bác còn mời các bạn của Trang đến như lần trước thì sẽ gặp phiền phức đấy”.
Cụ bà Bùi Thị Thiện Căn
Cụ bà Thiện Căn vốn là nhà giáo hưu trí, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, học ĐH Sư phạm I và từng dạy học tại nhiều trường ở thủ đô; bản tính hiền lành, nho nhã và mô phạm, cho nên không quen với những lời lẽ và giọng điệu hăm dọa, chỉ nói: “Cô có đến thì cứ đến, việc gì phải căng thẳng như vậy?”. Tuyết hẹn sáng hôm sau sẽ tới.
Trên thực tế, tới chiều hôm sau cô nhân viên an ninh mới đến nhà dân, báo hại bà cụ phải chuẩn bị trà nước, chờ đợi lòng vòng suốt buổi sáng và trưa. Bà Thiện Căn rất bực mình, vì với thói quen đúng giờ của một nhà giáo, bà không ưa thói sai hẹn, và bà quyết định không tiếp nhân viên công quyền nữa. Gần 3 rưỡi chiều cô này mới tới, tình cờ cũng đúng lúc một người con dâu của bà Thiện Căn đến nhà thăm mẹ chồng. Hai người trao đổi, và cô Tuyết tiếp tục có những lời lẽ hăm dọa một cách rất vô luật, không giống chút nào với một người vốn được coi như đại diện của pháp luật.
Chẳng hạn, Tuyết yêu cầu gia đình cho biết thông tin về “các việc làm hiện nay của Đoan Trang” - có ý nói tới phong trào Tuyên bố 258 của Mạng lưới Blogger Việt Nam phản đối Điều 258 Bộ luật Hình sự. Tuyết cũng yêu cầu gia đình khuyên nhủ, tác động để Đoan Trang chấm dứt các hoạt động sai trái, chống phá Nhà nước (?!), và đe: “Nếu Đoan Trang tiếp tục thì sẽ gây ảnh hưởng đến mẹ, và không chỉ mẹ mà cả hai anh trai và chị dâu. Gia đình sẽ phải chịu hoàn toàn hậu quả”.
Chị Thư, chị dâu của Đoan Trang, cũng phải thấy bực mình trước những lời hăm dọa vô lý và vô luật đó, nên lên tiếng nhắc nhở Tuyết: “Cụ nhà tôi già rồi, còn cô Trang cũng là công dân trưởng thành, trên 18 tuổi lâu rồi, tự chịu trách nhiệm về việc mình làm. Cô để yên cho bà cụ thì hơn. Cụ làm sao biết cô ấy đang làm gì”. Tuyết nhấn mạnh: “Bà ấy là mẹ, phải biết”.
Thông điệp chung của buổi “làm việc” mà Tuyết lặp đi lặp lại và muốn thân nhân của Đoan Trang phải hiểu, là Đoan Trang phải ý thức được sự sai trái của mình và chấm dứt viết những bài nhạy cảm, “chống phá”. Đồng thời, an ninh cũng muốn gia đình hợp tác cung cấp thông tin về Đoan Trang: đang ở đâu, làm gì, có dự định gì; và yêu cầu cả nhà có trách nhiệm khuyên nhủ, thuyết phục để Đoan Trang “đi đúng đường”. Nếu không, cả mẹ và các anh chị của cô sẽ phải trả giá.
Nhà báo / blogger Đoan Trang cùng với blogger
Nguyễn Anh Tuấn, đại diện MLBVN trao
Tuyên bố 0258 cho đại diện
Văn phòng
Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền
 
Nhà báo Đoan Trang vốn là phóng viên của báo điện tử VietNamNet, báo Pháp luật TP.HCM. Cô cũng là một trong các thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam. Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, cô đã cùng một số blogger trong Mạng lưới đem Tuyên bố 258 đi trao cho đại diện của Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền (OHCHR) khu vực Đông Nam Á và một số tổ chức quốc tế khác, như Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch), Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA), Ủy bao Bảo vệ Ký giả (CPJ), Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ), v.v... Vào ngày 9/8, khi cô đang ở Bangkok, nhân viên an ninh cũng đã đến “làm việc” với gia đình nhằm mục đích khai thác thông tin và bắt đầu bắn tín hiệu đe dọa...
Cần nói rõ rằng những việc này xảy ra khi Nhà nước Việt Nam đang hối hả tranh cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Gọi là “tranh cử” không hẳn đúng, vì chỉ có bốn thành viên vận động để được ngồi vào bốn ghế của khu vực châu Á.
Trong một diễn biến khác, ngay sau khi Việt Nam trở thành “tân thành viên” của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, tại khóa học “Quyền con người và phát triển xã hội” do Đại học Oslo (Nauy) phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, nhân viên an ninh đã gây sức ép, buộc các học viên không phải là sinh viên của trường phải bỏ dở khóa học sắp hoàn thành mà không thông báo lý do, dù việc đăng ký và tham gia của họ là hoàn toàn hợp thức. Phải chăng vì họ nghĩ người dân Việt Nam hiểu về nhân quyền rồi nên không cần học nữa?

NƯỚC VIỆT HẰNG TUẦN 1

Hôm nay lại cúp điện từ 11h AM đến 16h PM theo lịch cúp điện hàng tuần đã được thông báo từ nhà đèn. Clinic của tớ tuy nhỏ, nhưng cũng phải trang bị một máy phát điện ba pha với 25KW/h thì mới kham nổi tất cả cho việc chiếu sáng, chạy máy điều hòa không khí và phục vụ cho tất cả các trang thiết bị y tế hoạt động khi có bệnh nhân. Cứ mỗi giờ máy phát điện của tớ nó nuốt 10 lít dầu Diesel. Nhà đèn cúp 5 tiếng tớ phải đi tong 730.000VNĐ. Tớ phải viết 2 bài báo mới đủ tiền mua dầu chạy máy 5h đồng hồ. Huhuhu. Nhìn mình đã thấy thảm, nhưng nhìn qua thằng bạn thời trung học, còn thảm hơn. Hắn có một công ty hải sản xuất khẩu. Hắn có một khu đông lạnh sản phẩm, mỗi lần cúp điện là coi như đi tong các sản phẩm mà lại phải chạy lại hàng mấy giờ liền mới giữ được độ lạnh cần thiết. Hắn tính đi, tính lại thì đóng cửa công ty, lấy tiền bỏ ngân hàng và đi du lịch thì có lời hơn là hoạt động. Hắn bảo năm nay thật là hên, nhờ thế mà hắn có thời gian đi chu du thiên hạ, vì 10 năm nay hắn cúi mặt xuống đất như con heo cúi mặt vào cái máng.

Khí hậu năm nay hạn hán thật gay gắt. Không biết là do el nino, la nina gì gì đó hay không? Nhưng cứ cái kiểu phá rừng và làm thủy điện không có tư duy dài hạn thì sẽ dẫn đến hủy hoại môi sinh thật khủng khiếp. Chỉ cần một đập thủy điện ra đời thì rừng thượng nguồn chết sạch vì úng nước. Rừng hạ nguồn cũng trơ trụi vì khô hạn. Cuối cùng những cánh rừng ngày nào thượng nguồn chỉ còn dây leo, địa y. Rừng hạ nguồn chỉ còn xương rồng, cây cọ cố thủ với tình hình sa mạc hóa. Lấy đâu ra nước để mà bốc hơi, để mà tạo dòng chảy cho các con sông và lấy đâu hơi nước để mà mưa thuận gió hòa? Chưa hết, vì chúng mà mùa hạn không có nước vì hết rừng. Mùa mưa thì lũ lụt vì không còn rừng giữ nước mưa. Trong khi con số đập thủy điện trong cả nước hiện đang còn dang dở lên đến mấy trăm. Liệu khi chúng vào hoạt động thì el nono và la nina sẽ như thế nào?

Cho nên năm nay đến tháng 4 rồi mà chỉ có 3 -4 cơn mưa đầu mùa vội tới rồi vội đi. Chúng không đủ để làm tiết trời Sài Gòn mát lại với cái nắng ngày nào cũng 37-38 độ C. Nhưng chúng đủ để làm phá sản cái sự nghiệp to lớn của anh Huỳnh Ngọc Sĩ về cải tạo hệ thống cấp thoát nước thành phố. Chỉ vài milimet nước mưa nhưng đủ để úng ngập hầu hết các con đường. Nhưng cũng cảm ơn anh Huỳnh là anh đã làm cho tệ hơn tình trạng cấp thoát nước để có những đầm, ao, hồ nhân tạo ở các nơi để có thêm hơi nước cho cái không khí vốn oai bức vì tiết trời nắng hạn mà còn vì một thành phố mà người Pháp chỉ qui hoạch cho 3 triệu dân, nhưng bây giờ nó chứa đến 11 triệu người!

Tớ phone sang một số tòa soạn đề nghị làm một loạt bài về tình trạng ngập úng thành phố và giải pháp giải quyết vấn đề cốt nền thành phố. Mấy ông bạn già thì bảo: "Thôi anh ơi, đừng nghĩ ra chuyện làm gì. Anh nghĩ ra đề nghị thấy có chuyện làm thì nợ ODA ngày thêm chồng chất, nhưng việc làm xong như mèo mửa. Mai sau con chúng mình trả nợ thấy ông, thấy cha. Anh nghĩ giùm tôi mấy chuyện cải tạo con người tốt Xã Hội Chủ Nghĩa thì hay hơn. Vì tất cả đều do con người quyết định. Tớ bó tay chấm cơm".

Xoay sang con người, mấy hôm nay dân cư mạng la làng vì cái cô ngâm cứu sinh ngâm hoài đã 8 năm chưa ra tiến sãi, tự dưng không biết ma đứa lối quỷ đưa đường đụng vào nỗi niềm tự ái dân tộc nhược tiểu chưa thoát được bóng anh Tàu, làm bà con từ có học đến anh xe ôm rùng rùng tức giận. Giận thì cũng đáng tội, nhưng giận quá thì sẽ mất khôn, như ông bà ta đã nói. Khi chủ nghĩa dân tộc đẩy lên đến cực đoan thì bao nhiêu tai họa sẽ ập xuống như lịch sử dân mình đã từng bị những tên đầu sỏ và ma lanh chính trị đẩy vào lò lửa chiến tranh. Hậu quả nhãn tiền đã làm dân mình gần nữa thế kỷ mà vết thương lòng chưa lành được. Xã hội tụt hậu vì làm ăn kinh tế với tư duy của anh cầm súng bị tha hóa vì mãnh lực đồng "xiền" không thể hợp thời.

Quay lại clinic của tớ, không hiểu sao hôm nay có hai vị khách là thầy giáo tiếng Anh từ trời Tây, không mời mà đến. Một tay có nguồn gốc Turkey, nghe bảo đang là "giăng dây" tiếng Anh, tiếng Em ở một trường đại học dân lập ở Bình Dương, hắn keo kiệt còn hơn Lão Hà Tiện của Molière. Một tay Canada, chuyên nghề đánh cá, mùa lạnh thì xếp ghe thuyền chài lưới sang Việt Nam "giăng dây" tiếng Anh cho một trung tâm tiếng Anh tư nhân. Tay Canada tuy là dân chài lưới đổi đời nhờ trào lưu toàn cầu hóa, nhưng biết sức khỏe là vàng, không keo kiệt và bủn xỉn như tay Turkey. Nhưng dù có đổi đời thì cũng không ra khỏi kiếp dân chài, hắn chuẩn bị trở lại Canada với thuyền chài vì mùa hạ đã đến, chia tay thầy trò bằng màn đi ăn bụi bị tào tháo rượt chạy té khói, ai dè chạy vào clinic của tớ.

Cũng không hiểu tại sao chỉ 2 tháng nay căn bệnh mồng gà ở clinic của tớ nó tăng lên rõ rệt. Chỉ thống kê trong 3 tháng đầu năm nay thôi số bệnh nhân đến khám vì vô tình phát hiện và vì biết bệnh đến khám đã hơn con số của năm qua. Có lẽ tớ phải có một bài trong entry sau cho mọi người biết mà phòng tránh và biết chỗ mà đi điều trị, kẻo tiền mất tật mang.

Sau 5 tháng cố thủ với chính sách siết chặt tiền tệ bằng tăng lãi suất ngân hàng và giảm lãi suất đồng USD, có vẻ nâng được sức mạnh đồng VN lên được chút ít, khi giá chợ đen đã ngang bằng với giá ngân hàng. Hôm qua ngài Thủ Tướng muốn ngân hàng cắt giảm lãi suất sau khi đi hội nghị thượng đỉnh về vấn đề hột nhưn ở đất nước nghìn hoa. Không biết khi cung tiền thừa với cầu sau khi giảm lãi suất đợt này thì có kềm được lạm phát đang như đầu đạn hột nhưn đang chờ kích hoạt hay không? Ngay sau khi ngài thủ tướng về, không hiểu vì sao mà ngài bộ trưởng quốc phòng tức tốc sang thăm người anh em láng giềng môi hở răng lạnh. Chuyến đi của quan tư mã lần này được xem như là một cuộc khai thông về quan hệ ngoại giao với người anh em phương Bắc quan trọng nhất về quân đội từ sau bài học của ông Đặng Tiểu Bình.

Ngồi viết lẩm cẩm, thế mà đã mất của tớ đến 10 lít dầu Diesel chạy máy phát điện. Thôi tớ dừng để chuyển sang viết bài trả nợ cho Tia Sáng số tới và cho bạn tớ ở đại học Cuốc Gia TPHCM, kẻo không thì mệt lắm. Hẹn gặp lại mọi người mỗi tuần với những điểm tin nổi bật trong nước.

GLOBAL WTNESS KÊU GỌI CÁC NHÀ ĐẦU TƯ RÚT VỐN RA KHỎI TẬP ĐOÀN HAGL VÌ ĐÃ KHÔNG TÁI THIẾT CÁC VÙNG ĐẤT ĐÃ CHIẾM

Bài đọc liên quan:

Xin cảm ơn một bạn đọc blog gửi đến blog, và đề nghị không nêu tên.

Hôm nay, 14/11/2013, Global Witness vừa lên tiếng về việc tập đoàn cao su khổng lồ HAGL của Việt Nam đã không thực hiện các cam kết về môi trường và quyền con người tại các đồn điền của họ ở Lào và Campuchia. Những nhà hoạt động của chiến dịch này cho hay tập đoàn HAGL đang gây ra các rủi ro tài chính và tổn hại uy tín của các nhà đầu tư, trong đó có Ngân hàng Deutsche Bank (Tập đoàn tài chính và ngân hàng toàn cầu của Đức) và Tổ chức tài chính quốc tế - International Finance Corporation (một tổ chức con của Ngân hàng thế giới World Bank). Các nhà hoạt động này kêu gọi các tổ chức tài chính trên nên rút vốn. 
Tháng 5 năm 2013, Cuộc điều tra về Các ông trùm cao su (Rubber Barons) của Global Witness đã phanh phui sự tàn phá về xã hội và môi trường trong và xung quanh các đồn điền của HAGL ở Lào và Campuchia, trong đó có việc chiếm dụng đất đai của các cộng đồng địa phương và phá hủy nhiều khu rừng rộng lớn. Mặc dù tập đoàn này đã cam kết giải quyết các vấn đề bức bối trên nhưng chưa có nhiều bằng chức thực tế cho bất kỳ tình trạng được cải thiện nào. 
Bà Megan MacInnes của Global Witness cho biết “HAGL rất giỏi trong việc đưa ra các cam kết nhưng rất tệ trong việc giữ cam kết. Tập đoàn này hối hả nói với chúng tôi và mọi người rằng họ nghiêm túc trong việc thay đổi cách thức của họ, tuy nhiên bằng chứng hiện tại cho thấy rằng việc chặt phá rừng vẫn còn đang diễn ra và người dân từng bị sang bằng đồng ruộng vẫn còn đang phải vật lộn để kiếm miếng ăn”. 
Global Witness đưa ra hạn định 6 tháng cho HAGL và các nhà đầu tư của tập đoàn này để xử lý các vấn đề được nêu trong các báo cáo và các tập phim Các ông trùm cao su (Rubber Barons). Sau cuộc gặp ban đầu với Global Witness vào tháng 6, tập đoàn HAGL đã ban hành thông báo tạm dừng việc giải tỏa và trồng trọt trong các khu đất khai thác trong vòng 4 tháng, và đồng ý sẽ đến các khu vực bị ảnh hưởng để thảo luận và giải quyết các vấn đề mà người dân địa phương đang phải chống chọi. 
Tuy nhiên, Global Witness đã tiến hành phỏng vấn 7 khu làng xung quanh các khu khai thác của HAGL ở Campuchia hồi tháng 8. Người dân ở 3 trong số các ngôi làng này khẳng định rằng tập đoàn này chưa hề đến làng của họ trong khi 4 ngôi làng còn lại cho biết các nhân viên của HAGL từ chối thảo luận về các tranh chấp đất đai hoặc các khu rừng. 6 trong số những ngôi làng được hỏi cho biết tình trạng đốn rừng trong và xung quanh các đồn điền của HAGL vẫn diễn ra bất chấp thông báo tạm dừng. Các phân tích vệ tinh độc lập giữa tháng 7 và tháng 8 về độ bao phủ của rừng xung quanh các khu khai thác của HAGL cho thấy tình trạng diện tích bao phủ của rừng đang giảm đi. 
Trong suốt cuộc gặp thứ 2 với Global Witness hồi tháng 9, HAGL đồng ý một cuộc kiểm tra độc lập về các khu đồn điền của tập đoàn này để giải quyết các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn chưa chịu thực hiện cam kết, thay vào đó là quyết định tập trung vào “các chương trình xã hội”. Điều này có vẻ không hơn gì một hoạt động quảng bá hình ảnh để đánh bóng tên tuổi. 
Bà Megan MacInnes nói rằng “Tháng 11 này đánh dấu thời điểm kết thúc hạn định 6 tháng đối với tập đoàn này trong việc giải quyết dứt điểm mớ lộn xộn. Việc không có thiện chí của HAGL cho tới nay đã không cho chúng tôi lựa chọn nào khác ngoài việc phải kết luận rằng tập đoàn này ít có ý định giải quyết các vấn đề đã được nêu hoặc thực hiện các trách nhiệm của họ một cách nghiêm túc” và cũng cho biết “Dân làng đang phải chịu đựng từng ngày về hậu quả của các khu khai thác của HAGL, và rất ý thức về các nguy cơ về môi trường và xã hội mà tập đoàn này đang gây ra. Chúng tôi thiết nghĩ các nhà đầu tư cũng nên quan tâm vấn đề này và cũng nên rút vốn.”
Khi được Global Witness hỏi hôm 13 tháng 11 năm 2013, HAGL đã phủ nhận về tình trạng thiếu triển khai các cam kết. Tập đoàn này nói rằng họ đã cung cấp việc làm và đã triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội (bao gồm việc xây đường, trường học và trạm y tế), tuy nhiên mùa lũ và đợt bầu cử quốc gia ở Campuchia đã cản trở công ty tiếp cận với các cộng đồng bị ảnh hưởng. HAGL khẳng định thông báo tạm ngừng việc khai thác của họ đã được tuân thủ, và miêu tả các bằng chứng do Global Witness cung cấp “không đáng tin cậy”. Hơn nữa, HAGL cho biết họ “đang tìm kiếm một đơn vị cố vấn độc lập để giúp HAGL khảo sát và cố vấn cho HAGL cải thiện các vấn đề liên quan đến cộng đồng” nhưng các cố vấn này phải đi cùng với nhân viên của tập đoàn để “đảm bảo tính độc lập về kết quả khảo sát của đơn vị tư vấn.” 
Các cuộc đàm phán giữa Global Witness với một tập đoàn thứ hai của Việt Nam, cũng đã được đề cập đến một trong các Ông trùm cao su - Tập đoàn cao su Việt Nam - vẫn đang tiếp diễn.

TQ lo mua tên lửa S-400 Nga không đối phó được máy bay Mỹ

Đông Bình
Thứ sáu 15/11/2013 09:56
(GDVN) - Bài báo lộ rõ sơ hở về năng lực phòng không của Trung Quốc khi đối phó với các chiến đấu cơ tàng hình Mỹ, nhưng nghi ngờ năng lực của tê lửa S-400 Nga.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22A Raptor Mỹ tiếp dầu trên không
Hiện nay, có phương tiện truyền thông Nga cho rằng, dưới sự dẫn dắt của chiến lược "quay trở lại châu Á", quân Mỹ dồn dập triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-22A ở các căn cứ như Okinawa, Guam, hệ thống phòng không hiện có của Trung Quốc không thể tiến hành đánh chặn, vì vậy Trung Quốc có ý định mua tên lửa phòng không S-400.
Tên lửa phòng không S-400

Nhưng, báo Hoàn Cầu của TQ đã đặt câu hỏi: Sự thực rốt cuộc như thế nào? Trung Quốc có thực sự cần đến tên lửa S-400 không? Mấy năm gần đây, chủ đề mua bán vũ khí giữa Trung-Nga luôn được truyền thông và dư luận quan tâm theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là khi liên quan đến việc Trung Quốc có mua sắm vũ khí mới của Nga hay không.

Trước đây, về vấn đề này, dư luận đã sôi nổi bàn đến khả năng Trung Quốc nhập khẩu máy bay ném bom Tu-22, động cơ 117S, thì nay dư luận cũng bàn luận đến chủ đề này thông qua khả năng Trung Quốc mua tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Hiện nay, dư luận phổ biến cho rằng, hệ thống tên lửa S-400 đã có năng lực tác chiến chống tàng hình, nhưng thực chất, điều mà dư luận đề cập đến chính là hệ thống radar thụ động được trang bị song song với hệ thống vũ khí S-400.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga
Căn cứ vào các tài liệu công khai, độ phản xạ hiệu dụng RCS của máy bay chiến đấu F-22A Mỹ ở mức 0,001 m2, điều này có nghĩa là radar chỉ có khoảng cách dò tìm 30-40 km đối với máy bay chiến đấu F-22A, trong khi đối với máy bay thông thường thì khoảng cách này có thể đạt 300 km. Trên thực tế, khoảng cách này đã không có giá trị tác chiến gì.
Thiết bị cảm biến cốt lõi của hệ thống phòng không hiện đại có nền tảng là radar, trong khi công nghệ radar lại không có sự nhảy vọt mang tính bản chất. Vì vậy, trong điều kiện không có loại thiết bị cảm biến khác có tính năng tốt hơn, năng lực chống tàng hình của hệ thống phòng không vẫn là vấn đề nan giải thường gặp của các nước trên thế giới, Mỹ và Nga cũng không ngoại lệ.
Như vậy, Trung Quốc có thực sự cần đến tên lửa S-400? Trước hết, S-400 thực chất chỉ là phiên bản nâng cấp của S-300, dư luận nghi ngờ, tính năng của bản thân tên lửa S-400 đã bị "thổi phồng".
Thứ hai, thực lực quốc phòng của Trung Quốc đã khác trước đây, đã tích lũy được kinh nghiệm nhất định trên phương diện nghiên cứu chế tạo tên lửa phòng không, trước khi Nga đưa ra quyết định cuối cùng có cung cấp tên lửa S-400 cho Trung Quốc hay không, Trung Quốc cũng có thể sẽ tìm được sự lựa chọn tốt hơn khác.
Bài báo nhắc lại: Cuối cùng, so với tên lửa S-300, năng lực chống tàng hình của tên lửa S-400 hoàn toàn không được tăng cường rõ rệt. Vì vậy, Trung Quốc có thực sự cần tên lửa S-400 không?
Tên lửa phòng không S-300PMU1, Trung Quốc mua của Nga

PLA đã tiếp nhận kiến nghị kiểm soát Biển Đông của phái chủ chiến?

Đông Bình
Thứ sáu 15/11/2013 08:12
(GDVN) - Bài viết cho rằng, Quân đội TQ rất có thể đã tiếp nhận kiến nghị kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông của chuyên gia diều hâu.
Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 14 tháng 11 dẫn bài viết "Kế hoạch tác chiến hợp nhất trên biển-trên không đối với Biển Đông của Trung Quốc" của tác giả Zachary Keck, trợ  lý chủ biên tạp chí "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản. Bài viết cho rằng, sĩ quan cấp cao Quân đội Trung Quốc (PLA) vừa tiết lộ chi tiết kế hoạch kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông của Trung Quốc.
Khi trả lời phỏng vấn truyền thông nhà nước Trung Quốc, trả lời câu hỏi Trung Quốc đã có "át chủ bài" gì để có được quyền kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông, chuyên gia quân sự Trung Quốc, Đại tá Đỗ Văn Long cho rằng, sự phối hợp giữa máy  bay chiến đấu và máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không của Trung Quốc rất quan trọng đối với việc kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông.
Đỗ Văn Long nói, sự phối hợp giữa các máy bay chiến đấu  J-10, J-11 và J-16 với máy bay cảnh báo sớm KJ-200 giúp Trung Quốc có được năng lực tấn công không đối không mạnh, từ đó có được quyền kiểm soát trên không rộng lớn đối với các mục tiêu "của đối phương".

Theo Đỗ Văn Long, một khi Trung Quốc nắm được quyền kiểm soát trên không, Trung Quốc có thể thông qua máy bay chiến đấu có năng lực không đối hải, phối hợp với tàu ngầm và các tàu chiến mặt nước như tàu khu trục và tàu hộ vệ, từ đó thực hiện kiểm soát đối với các vùng biển ở Biển Đông.
Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc
Theo bài viết, Đỗ Văn Long còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của máy  bay chiến đấu J-16, bởi vì nó có năng lực không đối không, không đối hải và không đối đất mạnh, có thể đóng nhiều vai trò trong các kế hoạch chiến dịch ở Biển Đông của Quân đội Trung Quốc.

J-16 là một  loại máy bay chiến đấu đa năng, nguyên bản của nó là máy bay Su-30MK2 do Nga chế tạo, loại máy báy được Trung Quốc nhập khẩu từ Nga 10 năm trước.
Đỗ Văn Long cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên  không được nước này trang bị nhiều hơn, những máy bay cảnh  báo sớm này cần có kỹ thuật trinh sát và cảnh báo sớm không đối hải và không đối đất chính xác hơn, cự ly xa hơn.

Như vậy, thông qua phối hợp giữa máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không tiên tiến và máy bay chiến đấu J-16 cùng với sự phối hợp chặt chẽ với tàu chiến của hải quân, Trung Quốc sẽ có thể tiến hành kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông.
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc
Bài viết cho rằng, Đỗ Văn Long được cho là người của phe diều hâu, thường có những ngôn từ hung hăng. Khi 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập liên hợp vào tháng 10 vừa qua, ông này kiêu ngạo tuyên bố, chuỗi đảo thứ nhất đã bị chọc thủng.

Từ mùa thu năm 2012 đến nay, quan hệ Trung-Nhật căng thẳng leo thang do tranh chấp đảo Senkaku, Đỗ Văn Long đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng máy bay không người lái theo dõi đảo Senkaku, kiến nghị này rất có thể cuối cùng được cấp cao Quân đội Trung Quốc tiếp nhận. Kiến nghị liên quan đến Biển Đông nêu trên của Đỗ Văn Long cũng rất có thể được Quân đội Trung Quốc áp dụng cho tác chiến thực tế.
Theo Đỗ Văn Long, mục tiêu kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông của Quân đội Trung Quốc đã được xác định, Trung Quốc chỉ muốn để quan điểm này được người ta nghe thấy (thực chất là truyền thông Trung Quốc muốn dọa nạt bằng vũ lực, còn năng lực tác chiến thế nào chưa được kiểm chứng).
Máy bay cảnh báo sớm KJ-200 Trung Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét