Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Ngày 16/11/2013 - Ba mũi tiến công của Trung Quốc & Cho Tàu thuê đất, một mối hiểm nguy

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Thủ tướng Dũng có cứu vãn được kinh tế Việt Nam?

Chỉ trong khoảng thời gian thoi đưa gần ba năm – từ 2011 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã sa chân vào cửa tử với hố đen khủng hoảng há rộng chực chờ. Chưa bao giờ trong lịch sử của thể chế đương đại, các nhóm lợi ích lại lộ hình tác quái ghê gớm và “quyết tâm” đến thế.
Tiêu biểu cho hoạt động lợi ích nhóm là ba thể loại chủ chốt: nhóm lợi ích đầu cơ như vàng, chứng khoán, bất động sản và một bộ phận ngân hàng; nhóm lợi ích độc quyền như xăng dầu, điện lực; nhóm lợi ích “sự nghiệp kinh doanh” như Vinashin, Vinalines…
Trong một lần quá hiếm hoi bên lề phải, tờ Văn hóa Nghệ An mới đây đã rút tít: “Các nhóm lợi ích, đừng nấp áo Nhân Dân để phục kích Nhân Dân”.
Chỉ sau tiếng chuông báo động réo vang thảng thốt từ tuyệt đại đa số tầng lớp thu nhập thấp và trung bình của xã hội, một bộ phận nho nhỏ trong chính giới mới âm thầm thừa nhận hiện trạng kinh tế đã bị thao túng bởi những nhóm lợi ích “vô hình” nào đó, cũng như tình hình kinh tế “không quá lạc quan”.
GDP là một trong những thông số tiêu biểu cho nỗi cám cảnh chưa có nơi nương tựa ấy.
GDP “suy thoái tư tưởng”
Nếu vào các năm 2009 – 2011, chỉ số GDP còn đạt ở mức “quyết tâm” của Bộ chính trị, Chính phủ và Quốc hội là 9-9,5%, thì những năm sau đó, quyết tâm này cũng bị suy thoái một cách không thể duy ý chí hơn.
Đến cuối năm 2011, hầu hết mọi người đều nhận ra là nền kinh tế đã quá khó khăn, con số phá sản của doanh nghiệp đã lên đến ít nhất 50.000. Không còn cách nào khác, người ta buộc phải thừa nhận GDP “năm sau sẽ không bằng năm trước”.
Tuy nhiên, đến lúc này và khác hẳn với năm 2009, đã không còn một gói kích cầu nào đủ lớn. Tiền chạy đâu hết rồi? Không người dân nào biết. Chỉ biết rằng Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn nắm giữ huyết mạch kinh tế của đất nước và vẫn ung dung hưởng thụ núi lợi nhuận tích lũy của họ, trong khi số doanh nghiệp “tử trận” đã lên đến ít nhất 100.000, theo con số báo cáo chính thức của Ủy ban thường vụ quốc hội vào đầu năm 2013.
Trong thực tế, con số phá sản và giải thể của doanh nghiệp có thể còn lớn hơn khá nhiều. Một ước tính của giới chuyên gia, xuất phát từ tình trạng có đến 200.000 doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế, đã ước tỷ lệ phải ngưng hoạt động của doanh nghiệp có thể chiếm đến 1/3 trên tổng số gần 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
1/3 cũng là một khả năng có thể xảy ra đối với hiện trạng thất nghiệp toàn phần và có nguy cơ thất nghiệp ở Việt Nam, cho dù báo cáo của Bộ lao động, thương binh và xã hội chỉ luôn thừa nhận tỷ lệ này khoảng 2%.
Nền kinh tế Việt Nam đã phải gánh chịu hình dạng lõm toàn phần, khi công tác điều hành “linh hoạt và uyển chuyển” đối với nó đã phạm nhiều sai lầm và còn liên quan đến cả những nhóm lợi ích và nhóm thân hữu.
Nhưng thế đi xuống theo dạng parabol lõm của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa phản ánh toàn bộ thực trạng, bởi hoạt động thống kê số liệu ở Việt Nam là rất đáng bị hoài nghi về mức độ trung thực và tính minh bạch.
Giả số liệu?
Vào năm 2012, Quốc hội đã phải chấp nhận tỷ lệ tăng trưởng GDP dừng ở mức “khiêm tốn” là 6 – 6,5%; còn vào năm 2013 là khoảng 5%. Nhưng như vậy vẫn là quá triển vọng, nếu so với mặt bằng tăng trưởng GDP bình quân của nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp; và ngay cả đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức cũng chỉ khoảng 2,5-3% – một kết quả được xem là đáng mừng trong thời buổi suy thoái và luôn chực chờ nguy cơ khủng hoảng kép.
Một số chuyên gia kinh tế độc lập có hàm lượng phản biện cao của Việt Nam như Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A và sau này có cả chuyên gia đương chức Trần Đình Thiên đã nêu nhiều dẫn chứng cho thấy thực tế chỉ số thực về GDP ở Việt Nam không tăng đến mức như báo cáo, và nếu có như báo cáo thì chỉ là bản sao của cái gọi là “mức tăng trưởng 7-8% của GDP” Trung Quốc mà thôi. Hiện trạng này cũng gần tương tự như việc giáo sư Lang Hàm Bình – một chuyên gia phản biện độc lập của Trường đại học Hồng Kông – đã cho rằng những số liệu về GDP và lạm phát ở Trung Quốc đều là giả.
Vào giữa năm 2013, một chuyên gia phương Tây cũng cho rằng về thực chất, GDP của Trung Quốc chỉ vào khoảng 3,7% chứ không phải gần 8% như con số được công bố hiện thời. Còn trước đó, chuyên gia phản biện Vũ Quang Việt đã tính toán GDP của Trung Quốc chỉ vào khoảng 1-2%.
Kinh tế Trung Quốc và kinh tế Việt Nam lại có nhiều nét đặc biệt giống nhau – trong quá khứ, hiện tồn và có thể cả về tương lai. Nếu căn cứ vào độ chênh giữa số thực tế và số báo cáo của Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam đang không phải tăng trưởng đến 5% hay 5,5%, mà thực chất chỉ nhỉnh hơn 0% một chút.
“Thập kỷ mất mát”?
Vậy Việt Nam còn gì để hy vọng?
Điều có thể an ủi là không phải đồ thị kinh tế Việt Nam đã, đang và sẽ lao dốc một cách thẳng thừng và liên tục. Theo quy luật thường thấy, hình thể parabol lõm thường làm nên một giai đoạn hồi phục nhẹ, trở thành parabol lồi – hiện tượng có thể xảy ra vào hai năm 2013 – 2014, bắt đầu từ việc Chính phủ và Ngân hàng nhà nước bắt buộc phải thúc đẩy hạ các loại lãi suất và bơm tiền cho nền kinh tế. Tiền được bơm ra càng nhiều, nền kinh tế sẽ càng nhanh phục hồi.
Tuy nhiên, từ khái niệm phục hồi này đến yêu cầu về một nền kinh tế phát triển bền vững vẫn còn một khoảng cách rất xa, hoặc gần như ảo tưởng. “Tiền được đẩy ra nhiều nhất trong một thời gian ngắn nhất” vẫn là bài học đắng ngắt của hai nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam trong giai đoạn 2007-2010.
Bởi sau giai đoạn phục hồi tạm bợ 2013 – 2014, nếu huyết mạch kinh tế Việt Nam không được gia cố các mao mạch, nó sẽ tiếp tục lao dốc. Liên quan đến hình ảnh này, có thể kiểm nghiệm lại đồ thị lao dốc của nền kinh tế Mỹ và chỉ số chứng khoán Dow Jones vào nửa cuối năm 2008 để có thể xác nghiệm một bài học rất cận kề cho nền kinh tế Việt Nam.
Hoặc xa hơn nữa nhưng lại có vẻ ngày càng gần gũi với Việt  Nam, đó là cuộc Đại khủng hoảng năm 1929-1932 ở Hoa Kỳ, khi chỉ số Dow Jones mất đến 90% và tỷ lệ thất nghiệp tăng trên 20%.
Nếu kịch bản khủng hoảng tài chính 1997 ở vùng Đông Nam Á tái hiện ở Việt  Nam, cuộc Suy thoái năm 2008 tại quốc gia hình chữ S chắc chắn mới chỉ là bước dạo đầu của “Thời kỳ mất mát”.
Cần nhắc lại, khi thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản ở Việt Nam phục hồi phần nào vào năm 2009, một số chuyên gia đã vội vã cho đó là hình dạng hồi phục chữ V của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng thực ra đã chẳng có chữ V nào hết. Ngoại trừ thị trường vàng vẫn còn giữ giá cao nhưng thanh khoản lại sụt giảm đến mức báo động, ẩn dụ được dành cho thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán là “chết lâm sàng”.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng nhà nước và hiện là Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, mới đây đã nhận định: nền kinh tế đã rơi xuống đáy và đang ở đáy chữ U. Việc thoát khỏi đáy rất khó khăn do thiếu điểm tựa và sức mạnh. Nếu không có đột phá thì tình trạng đáy chữ U cứ kéo dài ra mãi là khó tránh khỏi.
Vì sao thế? Có lẽ đúng như nhà kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, lấy mốc từ năm 1991, chưa bao giờ tình hình kinh tế – xã hội ở Việt Nam lại xấu như hiện nay. Không thể nói khác hơn là một cuộc suy thoái đang trở lại. Hoặc chính xác hơn, đây có thể là một cuộc khủng hoảng được dạo nhịp đầu tiên của nó.
Chữ L?
IMF vẫn đang cảnh báo nước Mỹ có thể rơi vào một “thập kỷ mất mát” như người Nhật đã từng bị như thế vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Còn ở Việt Nam, “Thời kỳ mất mát” có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí rất nhiều năm, sau chuỗi tăng trưởng quá nóng trong suốt 20 năm – từ 1991 đến 2011.
Thực tế cho đến nay, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tạo nên cơn dư chấn ở Việt Nam dài đến 5 năm. Nhưng ngay tại thời điểm này, có lẽ nhiều người nhận ra rằng 5 năm chưa phải màn cuối của vở bi kịch. Trong khi, những năm tiếp theo với tình thế khó khăn, hoặc còn lâu hơn thế, là một khả năng “trong tầm tay”. Khi đó, “Thập kỷ mất mát” có thể ứng nghiệm với trường hợp Việt Nam.
Cho tới giờ, đã có thể nhận ra đường biểu diễn vận động của nền kinh tế Việt Nam từ giai đoạn 2006-2007 đến nay nghiêng về hình thể L hơn là sự phục hồi tự tin của chữ V hay chậm chạp nhưng bền vững của chữ U.
Gần như chắc chắn, L là sắc thái không thể tránh được cho một thời kỳ ngưng trệ và lộn xộn mới về kinh tế – chính trị ở đất nước này.
Và có thể, biểu đồ lao dốc của nền kinh tế Việt Nam chỉ dừng lại vào năm 2016 – 2017, tức đến lúc đó nền kinh tế mới thật sự nhìn ra cái đáy của chính nó.
Dự báo trên liệu có quá bi quan? Biết làm sao được, tất cả đang lệ thuộc quá nhiều vào cái hiện tồn chưa có lối ra hiện nay.
Kinh tế lại phụ thuộc rất nhiều vào những biến động chính trị. Dĩ nhiên, ai cũng biết chính trị có ổn định thì kinh tế mới phát triển. Còn không thì ngược lại…
Chính phủ và thủ tướng?
Điều bất hạnh cho Việt Nam là quốc gia này đã không thể có một tổng thống Mỹ đầy quyết tâm như Barak Obama – một quyết tâm đầy trong sáng, người đã giữ nguyên mức chi an sinh xã hội và y tế dù vào thời kỳ đầy khó khăn; và cũng không có được một Bernanke của Cục dự trữ liên bang – người có đủ tài và tâm điều hành chính sách tài chính.
Điều bất hạnh hơn là trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái gần như toàn diện, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt và lòng dân quá bất an cùng bất mãn, các nhóm lợi ích lại vẫn tồn tại một cách đầy thách thức và trở thành những ông vua không ngai trên đầu dân nghèo.
Một nghiên cứu ở Mỹ đã so sánh chu kỳ hoạt động của động đất với chu kỳ của những cơn “địa chấn” về chính trị trong chính trường nước Mỹ. Có thể ở Việt Nam, mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị cũng gần tương tự. Điều chắc chắn thấy rõ từ năm 2007 đến nay là đồ thị đi xuống của kinh tế, nhưng không hẳn là parabol lõm, mà có thể được xen kẽ bởi một giai đoạn lao dốc.
Cần đặc biệt lưu ý, đồ thị lòng dân và niềm tin chính trị cũng có thể biến diễn như thế.
Vậy ai có thể cứu vãn được nền kinh tế khốn khổ đang lao dốc này?
Với gần như toàn bộ quyền lực hành pháp trong tay, đáp án cho câu hỏi trên chỉ thuộc về chính phủ và những cá nhân lãnh đạo nó.
Vậy những công việc còn lại mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể làm là gì?
Ít ra, chính phủ của ông cần có một gương mặt mới trong một khung cảnh mới – một không gian mà công dân và đặc biệt là người nghèo có thể phục hồi phần nào sinh khí đối với niềm tin chính thể. Tất cả nhằm làm nhòa nhạt một dĩ vãng điều hành kinh tế – xã hội bị xem là thất bại với quá nhiều hậu quả và lợi ích nhóm.
Trong sâu xa, lòng dân và nhiệt huyết cống hiến dân tộc của công dân vẫn còn nguyên đó, chưa hề mất mát, chỉ là chưa ai biết cách khơi dậy tính đồng nguyên của nó mà thôi.
Những lối thoát cho kinh tế Việt Nam cũng vẫn còn nguyên giá trị, từ Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, Tổ chức thương mại thế giới đến tương lai có thể hứa hẹn cho Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trong đó không thể bác bỏ hơi ấm từ bàn tay người Mỹ – tất cả vẫn còn chừa ra một cơ hội cho chính thể và những chính khách không lạc hậu với thời cuộc.
Uy tín và chỗ đứng của những người lãnh đạo cao nhất của chính phủ cũng vẫn còn cơ may giành lại chỗ đứng trong lòng dân, nếu họ nhận ra rằng đã đến lúc bức thiết phải kiên định gạt bỏ những quan chức không làm được việc, vô trách nhiệm và quá thiên về quyền lợi tư hữu mà có thể khiến cho nhân dân tràn uất phẫn nộ rồi gầm thét phủ nhận tất cả.
THEO VOA BLOG

Thế tôi đứng đó để làm gì



Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương đay đi đay lại mấy lần một câu như này: “Chúng ta đang nói về chúng ta”.
Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng, quy hoạch thủy điện mang tính đặc thù, cũng không phải bất biến, cố định mà là quy hoạch động, mở…đây là quy hoạch của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công thương. Và ông nhắc lại: “Chúng ta đang nói về chúng ta chứ không phải nói về Chính phủ hay về bộ ngành này, bộ ngành khác”.
Vẫn chưa hiểu phải không!
Không hiểu là… dễ hiểu! Khi ngay chính một ĐBQH là ông Ngô Văn Minh còn phải bảo: “Chắc chắn là hầu hết đại biểu Quốc hội chúng ta không hiểu nổi. Chính tôi không hiểu nổi. Bộ trưởng nói “chúng ta nói về chúng ta” và nhắc đi nhắc lại mấy lần. Tôi không hiểu Bộ trưởng nói gì”.
ĐBQH đại diện cho cử tri nơi Sông Tranh lâu lâu lại nổ, ngồi ngay trong hội trường còn không hiểu gì, huống chi…chúng ta.
“Ý của Bộ trưởng Hoàng là quy hoạch, xây dựng, đầu tư, vận hành thủy điện là trách nhiệm của tất cả các ĐBQH ngồi đây”. Là “Các ông nghĩ lại các ông, các ông phải có trách nhiệm trong này, hay về địa phương các ông hỏi”- Vị ĐBQH nổi tiếng “thẳng thắn xứ Quảng” đặt giả thiết, sau đó lắc đầu ngao ngán rằng trước Quốc hội “Chúng ta nói từ đa nghĩa, hiểu kiểu gì cũng được là không nên”.
Và ông thẳng thắn: “Không thể chấp nhận được bảo quy hoạch là động, là mở, là thoáng. Sau khi rà soát bỏ 424 dự án làm thủy điện mà bảo không có thiệt hại gì thì cũng khó thuyết phục ĐBQH”.
Ngôn từ thật lạ. Bởi nếu “chúng ta đang nói về chúng ta” mà là một câu trả lời trước nghị trường thì đó đúng là một câu trả lời “mẫu số chung”.
“Chỉ có 735ha rừng được trồng trên tổng số 19.792ha rừng buộc phải trồng, chiếm 3,7% nghĩa là còn 96,3% diện tích chưa được trồng theo quy định” chứ gì? “Chặt cây sống trồng cây chết” chứ gì? Chúng ta đang nói về chúng ta.
“30% số thủy điện nhỏ chưa được kiểm định, 66% đập thủy điện chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt, 55% số đập chưa có phương án phòng, chống lụt bão”? Chúng ta đang nói về chúng ta.
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của 15 dự án thủy điện là 36,6%, gấp hơn 3 lần tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước” ư? Chúng ta đang nói về chúng ta.
“1 vạn dân nhường đất cho dự án thủy điện Thác Bà đến nay đã qua 40 năm nhưng vẫn chưa có điện… người dân tự hỏi nhau, rồi cử tri hỏi ĐBQH bao giờ thì thôn bản mình có điện?”. Chúng ta đang nói về chúng ta đấy.
Thế nhưng chúng ta là ai?
Bộ trưởng Hoàng không giải thích. Còn chúng ta biết rằng “Chúng ta” là ai thì là, trừ… chúng ta. Nhân dân, cử tri mà không hiểu xin hãy giở sách đọc “Hiệu ứng cánh bướm” để biết trách nhiệm cũng có phần của chúng ta. Bởi Bộ trưởng nói về “chúng ta” là không sai. Bởi suy cho cùng đúng là mỗi người trong chúng ta, ai cũng có một phần trách nhiệm, triết giải kiểu “Hiệu ứng cánh bướm”, thì chẳng hạn mỗi khi dùng một cái tăm cũng là phá rừng rồi gây lụt ở… Châu Phi.
THEO ĐÀO TUẤN

Ba mũi tiến công của Trung Quốc

Dường như cuộc Bắc thuộc hoá ngày càng nhích dần vào đúng quỹ đạo mà Bắc Kinh mong muốn.
Chúng ta thử điểm qua một số nét chính trong cuộc xâm lược mềm không tiếng súng của Trung Quốc, với sự nhân nhượng, thụ động tiếp tay để trục lợi của tập đoàn lãnh đạo Ba Đình.

Trên đất liền

Trước hết, gần 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn, trong đó có 264 ngàn ha thuộc 10 tỉnh biên giới xung yếu đã được giao cho người Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan thuê với thời hạn 50 năm!
Đến mức Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã công bố lá thư về việc 10 tỉnh trong nước “đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305.3534 héc ta, trong đó Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264.000 héc ta ; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới”.
Hai vị tướng đã vạch rõ rằng, “đây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia” và “mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn”.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã khoanh vùng, cấm người Việt bén mảng, tha hồ tự tung tự tác. Thử hỏi ai biết họ làm gì trong những khu rừng mênh mông ấy?
Ngoài nguy cơ về an ninh quốc phòng, về môi trường cũng đã được thực tế chứng minh qua mấy mùa mưa lũ gần đây. Tình trạng phá rừng đầu nguồn và khai thác khoáng sản bừa bãi bằng hình thức khai thác man rợ, được nhà chức trách địa phương dung túng hoặc thậm chí ăn chia, là hai nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa lũ bùn đất.
Điểm thứ hai cực kỳ nghiêm trọng là, bằng chiêu bài giá rẻ để đấu thầu, Trung Quốc đã chiếm tới 90% tổng thầu các dự án kinh tế quốc gia quan trọng nhất.
Ðầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong 20 năm qua chỉ tương đương 1,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài FDI, nhưng tới hơn 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất… của Việt Nam, đều do Trung Quốc đảm nhiệm theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp máy móc và xây dựng).
Theo con số của Bộ Công thương tháng Bảy năm 2009, có 30 doanh nghiệp Trung Quốc tham gia làm tổng thầu EPC hoặc đối tác đầu tư trong 41 dự án ở Việt Nam. “41 dự án này đều là dự án kinh tế trọng điểm, hoặc dự án thượng nguồn, liên quan mật thiết tới tài nguyên quốc gia hoặc an ninh năng lượng”, trong số này có 12 dự án về điện lực, 4 dự án dầu khí, 5 dự án khai khoáng, 5 dự án luyện kim, 5 dự án hóa chất, 3 dự án cơ khí và 7 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ và dịch vụ.
Thắng thầu, các công ty Trung Quốc mang vào Việt Nam trang thiết bị, may móc, nguyên liệu dẫn đến tình trạng gia tăng nhập siêu. Tám tháng đầu năm 2013 Việt Nam đã nhập siêu của Trung Quốc gần 15 tỷ đô la, trong khi vào năm 2002 chỉ 1,5 tỷ đô la và xu hướng không hề giảm. Sự phụ thuộc phụ tùng thay thế và bảo trì kỹ thuật còn tiếp diễn trong nhiều thập niên nữa.


“Mặt khác, những dự án sử dụng nhà thầu EPC Trung Quốc không tránh khỏi thực trạng hàng nghìn lao động thủ công Trung Quốc tới làm việc tại công trường gây ảnh hưởng và mất đi cơ hội việc làm, nâng cao tay nghề của công nhân Việt Nam”, tờ Dân Trí 24/06/2009 viết.
Ðiều đáng chú ý hơn là Việt Nam trở thành bãi rác để Trung Quốc đổ công nghệ lạc hậu, lỗi thời, nhiều thứ đã đã bị loại bỏ tại nước họ.
Ngoài đường chính ngạch, hàng hoá có hoá chất độc hại cũng tràn ngập thị trường Việt Nam theo đường tiểu ngạch, gây tác hại lâu dài về sức khoẻ và duy trì nòi giống. Do việc sử dụng chất độc hại trong thực phẩm, người Việt đang có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới, với 75 ngàn người chết mỗi năm, theo số liệu của Viện Phòng Chống Ung Thư Việt Nam hồi tháng 1/2013.
Một điểm nữa là, tình trạng người Trung Quốc đổ qua Việt Nam làm việc, sinh sống bất hợp trở thành phổ biến.
Họ xuất hiện khắp ba miền, ở Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Tĩnh,… và tất cả những nơi nào có các dự án của các doanh nghiệp Trung Quốc. Đội quân hàng chục ngàn người này hầu như không chịu sự quản lý của nhà chức trách, họ kết bè nhóm, gây lộn, quấy rối người dân xung quanh. Có thể nói không gì khác hơn là nuôi ong tay áo.

Dưới biển

Năm 1974, lợi dụng tình thế khó xử của nhà nước cộng sản Việt Nam, Trung Quốc đã cho quân tấn công chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, lúc bây giờ chịu sự cai quản của Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1988, Trung Quốc lại nổ súng xấm chiếm một phần quần đảo Trường Sa (đảo Gạc Ma).
Từ đó đến nay, Trung Quốc đã biến đổi Hoàng-Trường Sa thành khu vực hành chính Tam Sa, xây dựng đường bay quân sự, đưa người tới cư ngụ, du lịch… Ngư dân Việt Nam đánh cá trên khu vực biển quanh Hoàng Sa – Trường Sa luôn luôn bị khiêu khích, bắt giữ, đánh đập và cướp bóc tài sản. Tàu nghiên cứu khoa học của Việt Nam bị cắt cáp. Chính sách xem biển Đông là của mình bằng lưỡi bò chín đoạn được Trung Quốc ngang nhiên áp đặt. Không chỉ với Việt Nam mà con cả với những nước khác như Philippines.
Sự quả quyết trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, phản ứng của Philippines bằng việc kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế và cái nhìn chẳng mấy thiện cảm của cộng đồng thế giới nói chung, đã khiến Bắc Kinh thay đổi ứng xử.
Chính vì thế mà có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 13 đến 15/10 của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Công du Việt Nam, Lý Khắc Cường kết thúc chuyến đi con thoi này sau khi dự hội nghị Đông Á ở Brunei và thăm chính thức Thái Lan.
Tại Việt Nam , ông Lý đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cũng gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Hai nước đã ra tuyên bố chung 10 điểm về Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Trung, trong đó những điểm hợp tác về kinh tế, đặc biệt trên những vùng biển chồng lấn sẽ cùng hợp tác khai thác.
Với sự thoả thuận của tập đoàn lãnh đạo Việt Nam, việc khai thác chung trên biển (đánh cá, dầu khí…) sẽ là cách hợp thức hoá dễ dàng nhất sự hiện diện của Trung Quốc trên những vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Chưa kể, với trình độ kỹ thuật cao hơn của phía Trung Quốc, sự chung chạ này chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc mà thôi. Từ vị trí hung hăng gây hấn, lấy của người làm của mình, bây giờ được chuyển qua tư thế cùng được chia chác hưởng lộc, thật chẳng còn gì bằng nữa!

Mặt trận văn hoá


000_Hkg8686356-250.jpg
Cuộc triển lãm thương mại các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội hôm 12/6/2013. AFP photo

Từ nhiều năm nay, những trong ngôn ngữ Việt Nam, những ngôn từ bất lợi cho Trung Quốc đều bị các phương tiện báo chí truyền thông nhà nước né tránh. Thay “Trung Quốc” bằng từ “lạ”, “nước ngoài”, thậm chí kẻ thù của hai Bà Trưng cũng không được nêu tên đích danh trong sách giáo khoa dành cho trẻ em.
Ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trung-Việt Thủy Khẩu, Long Châu một phái đoàn Việt Nam đã đặt vòng hoa tưởng nhớ lính Trung Quốc chết trận năm 1979.
Báo “Hà Nội Mới” ngày 19/09/2008 đăng bài dịch ca ngợi tướng Hứa Thế Hữu, tổng chỉ huy quân đội Trung Quốc trong cuộc tấn công Việt Nam hồi 1979, người đã từng chặt đầu thường dân ở thôn Tổng Chúc, cho quân tàn phá thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn.
Cuốn sách “Ma Chiến Hữu” của Mạc Ngôn ca ngợi “người lính anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc Trung Hoa vĩ đại trong chiến tranh phía Nam Trung Hoa tháng Hai năm 1979” được Nhà Xuất Bản Văn Học phát hành với những quảng bá ồn ào. Blogger “Người buôn gió” gọi đây là “một sự khốn nạn trong nền văn hóa Việt Nam hiện nay”, đồng thời nguyền rủa ông Trần Trung Hỷ, người dịch “Ma chiến hữu” từ nguyên tác “Chiến hữu trùng phùng”.
Các sách viết về nhà cải cách Đặng Tiểu Bình, kẻ đã “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979, cũng được bầy bán công khai tại Việt Nam.
Trong năm 2011, tỉnh Lào Cai đã đổi ngày tái lập tỉnh từ 10/10 sang ngày 1/10 trùng với quốc khánh Trung Quốc và căng đèn lồng sặc sỡ đón chào.
Cũng tương tự, trước đó, đại lễ Nghìn năm Thăng Long cũng được chuyển đổi từ ngày 10/10/2010 qua ngày 1/10. Trong dịp này người ta còn có ý định ra mắt bộ phim 19 tập “Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long” do Cận Đức Mậu, người Trung Quốc làm Tổng đạo diễn, dường như được quay hoàn toàn (70%) trên đất Trung Quốc. Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Nguyễn Đắc Xuân cho đây là một sự lệ thuộc văn hóa Trung Quốc và ông nói “Cần cho bộ phim vào trong kho, để đánh dấu rằng trong điện ảnh Việt Nam đã từng có một sự kiện ngu dốt đến như vậy”.
Tuyên bố chung Việt-Trung trong chuyến công du của Lý Khắc Cường đề cập tới việc xây dựng Viện Khổng Tử tại Hà Nội. Với cái đà tiếp tay của nhà cầm quyền phổ cập văn hoá Trung Hoa như đã nói ở trên, Viện Khổng Tử có mặt ở Hà Nội là một thách thức rất đáng quan tâm. Nó là mũi công kích có công lực nặng nhất trong việc xâm nhập văn hoá Trung Hoa vào đời sống xã hội Việt Nam vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ một ngàn năm Bắc thuộc. Cuộc xâm lược mềm này sẽ gây tác hại to lớn, bởi vì khắc phục các hậu quả văn hoá phải mất nhiều thế hệ.

Kết luận

Chi phối và khuynh loát kinh tế trên đất liền, xâm chiếm Hoàng Sa, một phần Trường Sa như một việc đã rồi, lấn chiếm dần các vùng lãnh hải, nắm thế thượng phong trong hợp tác khai thác tài nguyên biển, và xâm nhập văn hoá, là chiến lược nắm trọn Việt Nam không cần tiếng súng.
Cuộc Bắc thuộc hoá tiếp theo đang êm thắm diễn ra bởi những mưu mô gian ngoan, xảo quyệt nhất của Bắc Kinh, trong sự “cõng rắn cắn gà nhà” của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội!
THEO RFA BLOG

Cho Tàu thuê đất, một mối hiểm nguy


Tôi đã từng phân tích về cuộc xâm lược mềm của Trung Quốc đối với Việt Nam trong bài “Ba mũi tiến công của Trung Quốc”, trên đất liền, trên biển và trên mặt trận văn hoá.
Trên đất liền, với thời hạn thuê 50 năm, gần 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn lọt vào tay Trung Quốc, êm nhẹ qua những cuộc trà dư tửu hậu và đống tiền to tướng được nằm tài khoản.
90% tồng thầu EPC, tức là thầu trọn gói các dự án kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam, từ cung cấp thiết bị, công nghệ, lắp đặt, bảo trì. Trong mớ EPC này bao gồm cả việc khai thác bauxite trên mái nhà Đông Dương, tức cao nguyên chiến lược Tây Nguyên. Dự án vẫn được tiến hành chậm chạp, bê bối, không có hiệu quả kinh tế, phá huỷ môi trường, bất chấp mọi ngăn cản chí tình, chí lý của hàng ngàn trí thức trong, ngoài nước, của một số đại biểu quốc hội và cách mạng lão thành, trong đó có tướng Võ Nguyên Giáp.
Đường lưỡi bò chín đoạn bị Trung Nam Hải ngang nhiên áp đặt trên biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa xâm chiếm năm 1974 và một phần Trường Sa xâm chiếm từ 1988.
Bắc Kinh cũng xâm nhập mặt trận văn hoá để phổ biến văn hoá Đại Hán, làm lu mờ các giá trị truyền thống Việt qua sách, phim ảnh. Viện Khổng Tử, trong chuyến công du Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc vừa qua, đã được thoả thuận thiết lập tại Hà Nội, là một trong những ý đồ táo bạo nhất cho mục đích truyền bá tư tưởng Đại Hán.
Nền kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc Trung Quốc nghiêm trọng và khả năng chi phối kinh tế của Trung Quốc rất lớn. Từ chi phối kinh tế, đương nhiên sẽ có sức ép mạnh mẽ về chính trị.
Cuộc xâm lược mềm rõ ràng nằm trong mưu đồ thôn tính dần dần Việt Nam của Bắc Kinh. Tất cả mọi thứ được sự tiếp tay, hỗ trợ “đầy tình nghĩa anh em” của tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
Mối lo ngại này dân thường ít biết. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng thường không được nói đến, chỉ khi việc đã rồi mới hay thì đã muộn màng. Ngay như việc cho thuê rừng đầu nguồn, chỉ khi quốc hội biết đến từ phản ứng dữ dội của dư luận, thì mới thấy. Nhưng mà suy cho cùng, quốc hội cũng chỉ là một cơ quan mang tính trình diễn do ĐCSVN lãnh đạo, thì có gây được ảnh hưởng gì đâu. Nói rồi cũng để đấy, mọi thứ lại chìm vào im lặng. Cá đã cắn câu, tiền đã trao, cháo đã múc, chẳng thể nào thay đổi được nữa.
Trong Hiến pháp 1992 sửa đổi, tại Điều 53 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18) quy định “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Trên cơ sở này, thực chất toàn bộ tài nguyên đất được trao vào tay “Nhà nước”, tức là trao cho một nhóm lãnh đạo của ĐCSVN và bị nhóm người quyền lực này tuỳ nghi sử dụng, cấu kết với các băng nhóm lợi ích và quan hệ thân hữu, để trục lợi. Dân chúng hoàn toàn không có cơ hội can thiệp hay phản đối.
Điều 35 Luật Đất đai (sửa đổi) qui định: Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê cho trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối; làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; hoạt động khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê.
Điểm 3 điều 67 Luật Đất đai (sửa đổi) qui định: Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức kinh tế để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 70 năm.
Được biết, theo tờ Sống Mới Online, Bí thư Thành ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đã đề xuất “Trung ương”, tức là lên người nắm quyền tối thượng về đất đai là Thủ tướng chính phủ, cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ có thể thuê quyền sử dụng đất tới 120 năm khi trả tiền một lần. Trong một số dự án kinh doanh đô thị hiện đại, thời gian sử dụng đất có thể lên đến 99 năm, ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê quyền sử dụng đất trong 70 năm được phép thế chấp để vay vốn đầu tư. Một số đối tượng người nước ngoài còn được đề xuất có quyền mua và sở hữu nhà ở dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ông Chính còn cho biết, trước hết tỉnh Quảng Ninh sẽ đề nghị được áp dụng những chính sách này thí điểm ở Vân Đồn. Đi kèm với chính sách ưu đãi về đất đai ở Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh còn đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc biệt về thuế như miễn 15 năm thuế nhập doanh nghiệp với dự án công nghệ cao; 20 năm với dự án dịch vụ; giảm 70% thuế thu nhập cá nhân trong 15 năm cho bất kể ai làm việc ở đây; miễn 100% thuế đối với các khoản thưởng hằng năm với lao động có trình độ cao…
Tờ báo cho biết thêm, “các đề xuất của Quảng Ninh đang nhận được sự đồng thuận từ các Bộ, ngành”.
Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ là một địa danh như những địa danh khác, không có gì quá đặc biệt, không thể vì bất cứ lợi ích nào mà xé luật hiện hành, mặc dù “luật” cũng chỉ thứ “lệ” mà ĐCSVN tạo ra cho bộ máy cầm quyền. Thế nhưng, không thế tự mình lại phỉ nhổ vào mặt mình như thế.
Tờ Sống Mới cũng tỏ ra bức xúc:
“Những đề xuất về hai đặc khu kinh tế của Quảng Ninh ở Móng Cái và Vân Đồn cộng với hàng loạt các chính sách ưu đãi tối đa về đất đai và thuế được đưa ra song song với chuyến thăm và làm việc tại Quảng Đông, Trung Quốc của bà Phó Bí thư Thường trực Đỗ Thị Hoàng với mục đích giới thiệu môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh cho thấy, Quảng Ninh đang hướng về các nhà đầu tư Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người lo ngại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang thể hiện một thái độ thiếu thiện chí trên Biển Đông nhằm chiếm đoạt các vùng lãnh hải hợp pháp của Việt nam. Không chỉ có vậy, thương lái Trung Quốc luôn để lại tai tiếng qua các hoạt động thương mại mang tính phá hoại đối với hàng nông lâm hải sản ở khắp các tỉnh thành của nước ta. Còn các nhà thầu xây dựng Trung Quốc cũng quá “nổi tiếng” với kiểu làm ăn bát nháo, bỏ của chạy lấy người. Liệu có thể tin tưởng được những nhà đầu tư kiểu như vậy khi vào Móng Cái hoặc Vân Đồn sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, xã hội của Việt Nam?
Với vị trí giáp ranh với Trung Quốc của Vân Đồn và Móng Cái, đề xuất mở toang cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài – mà cận kề nhất là người Trung Quốc tới làm ăn của Quảng Ninh khiến nhiều người lo lắng. Với những nơi tiền tiêu trọng yếu này, việc rước người nước ngoài vào “trấn giữ” 120 năm quả thật quá mạo hiểm và chưa từng có trong lịch sử bảo vệ biên giới, lãnh thổ của nước ta”.
Cho thuê 120 năm, trả tiền một lần, cộng với phí “bôi trơn” khủng, thế là êm đẹp tuyệt vời cho nhiệm kỳ của Bí thư Tỉnh uỷ.
Liệu nén bạc có đâm toạc tờ giấy? Liệu nén bạc có thể đâm rách cả luật đất đai? 90 triệu dân Việt Nam, đất hẹp người đông, liệu có còn miếng đất cắm dùi không? Nhưng vấn đề chính nằm ở chỗ, cho một kẻ luôn có mộng bành trướng, bá quyền, chiếm đoạt đất đai như Trung Quốc, với một thời hạn khủng khiếp như thế, đồng tiền có thể đánh đổi an ninh chủ quyền chăng?
THEO RFA BLOG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét