Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Cuộc đua vào ghế thủ tướng 2016 tại VN & Trách nhiệm khi ‘xả lũ giết dân’? & Nước lớn nhưng bụng nhỏ

Cuộc đua vào ghế thủ tướng 2016 tại VN

Sẽ có ai trong 'tứ trụ quyền lực' nghỉ hưu sau năm 2016?

Tạp chí The Economist của Anh mới có bài phân tích về động thái bổ nhiệm các phó thủ tướng mới tại Việt Nam.

Một phần chính trong bài viết Party People (Người của Đảng) đánh giá ý nghĩa của việc Quốc hội Việt Nam vào hôm 13/11 đã đồng ý phê chuẩn vị trí phó thủ tướng với hai ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh trong khi ông Nguyễn Thiện Nhân từ tháng Chín đã nhận bàn giao công việc Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

“Các nhà quan sát chính trường Việt Nam nói việc thay đổi nhân sự cho thấy một số điều thú vị về chính trị Việt Nam.

“Điểm có thể thấy được là Thủ tướng Dũng dường như đang tái khẳng định ảnh hưởng của mình sau nhiều tháng bị nội bộ chỉ trích mạnh.

“Cách đây một năm ông bị các đối thủ của mình buộc phải công khai xin lỗi vì quản l‎ý kinh tế yếu kém, nhưng nay ông đang đưa vào nội các của mình những đồng minh trung thành và nhiều năng lực”.

'Không đủ hậu thuẫn'


The Economist đề cập triển vọng của ba vị phó thủ tướng

Bài báo bình luận rằng ông Dũng có thể đang nhìn tới mốc 2016 khi ông từ nhiệm ghế thủ tướng nhưng vẫn có thể là thành viên trong Bộ Chính trị.

“Mặc dù không phải tất cả Phó Thủ tướng đều là ủy viên Bộ Chính trị, nhưng có người thân cận của mình trong các vị chính cao nhất của chính phủ sẽ chả có hại gì cho ông Dũng,” tác giả bình luận.

Hai vị tân phó thủ tướng không phải là ứng viên cho chức thủ tướng vào năm 2016.

The Economist đánh giá ông Phạm Bình Minh sẽ không bao giờ có khả năng đua vào ghế thủ tướng bởi ông là người “cả đời làm ngoại giao và không có đủ hậu thuẫn chính trị”.

Trong khi đó, về tương lai lâu dài, ông Vũ Đức Đam có khả năng sẽ trở thành ứng viên cho cả ghế thủ tướng lẫn ghế trong Bộ Chính trị, hiện có 16 thành viên.

Lê Quỳnh, BBCVietnamese.com



Bài báo của The Economist đáng chú ý vì trong khoảng vài tuần gần đây tin tức về ông Nguyễn Xuân Phúc được tung ra như một cách thăm dò dư luận.

Có điểm không chính xác khi tạp chí gọi ông Phúc là Phó Thủ tướng (PTT) thứ nhất, vì hiện tại chính phủ Việt Nam không có chức PTT thường trực, cũng không có PTT thứ nhất.

Bài báo có vẻ hạ thấp triển vọng của ông Nguyễn Thiện Nhân, nhưng thực tế ông Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn là hai ứng viên chính cho chức Thủ tướng năm 2016.

Một điều chắc chắn là các ứng viên cho ‘tứ trụ quyền lực’ phải đang là thành viên BCT hiện nay. Và các nhân vật có triển vọng, điều kiện cũng đều gặp phản đối của không ít người trong Ban Chấp hành TW. Điều này khiến kết quả sẽ chỉ được ngã ngũ vào phút chót, tại phiên bỏ phiếu ở Đại hội Đảng.

Tiến sỹ Tường Vũ từ Đại học Oregon ở Hoa Kỳ được tạp chí này dẫn lời mô tả chính khách có nhiều khả năng trở thành thủ tướng hơn vào năm 2016 là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện đã là Ủy viên Bộ Chính trị.

Tạp chí The Economist dẫn lời giới phân tích nói trong khi ghế thủ tướng còn bỏ ngỏ thì cơ hội cho ông Nguyễn Thiện Nhân không nhiều.

"Các nhà phân tích nói có lẽ sẽ không phải là ông Nguyễn Thiện Nhân, vị phó thủ tướng vừa rời chức. Một số người xem việc miễn nhiệm ông Nhân vừa là sự cô lập và cũng phản ánh cáo buộc ông đã thể hiện kém khi còn là bộ trưởng giáo dục."

Đây chỉ là các đồn đoán, nhưng điều rõ ràng là "90 triệu dân Việt Nam sẽ không được vấn ý về việc Đảng sẽ chọn ai làm thủ tướng tương lai bởi chính phủ vẫn chưa cho phép có bầu cử tự do.

“Các Đại hội Đảng về cơ bản vẫn không mở cho truyền thông theo dõi, và theo dõi chính trị Hà Nọi có lẽ giống như xem bóng đá với gọng kính bị đeo lộn.

“Tức là sân cỏ và nét thi đấu chung thì đủ rõ nhưng điểm không rõ là các cú dẫn bóng và những pha cản phá”.
(BBC)

Trách nhiệm khi ‘xả lũ giết dân’?

Người dân nghèo Việt Nam thật quá cam chịu! Dân tộc Việt Nam thật quá nhẫn nhục!

Cả rẻo đất hình chữ S đã quằn quại trong một thảm cảnh vô cảm đồng loại chưa từng có! Những vụ xả lũ thủy điện như một cách “giết sống” đến ba chục mạng người mà vẫn không một quan chức nào phải chịu trách nhiệm!

Thủy điện địa phương xả lũ, khiến người dân phải lên nóc nhà, theo báo VN

Những cái chết tang thương đã đột ngột trùm lên vùng lũ miền Trung vào giữa tháng 11/2013, trong mùa mưa to gió lớn cùng với trận dịch xả lũ của đồng loạt 15 hồ thủy điện.

Đáy trách nhiệm và đỉnh phẫn uất

Ở trên cao và trùm lên tất cả, trách nhiệm thuộc về bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - người đứng đầu một bộ có tiếng nói quan trọng nhất trong vấn đề quy hoạch thủy điện, phê duyệt các dự án thủy điện.

Bất chấp những lời dẫn dụ đầy ngụy biện của giới quan chức chính phủ và bộ ngành, tất cả đều đã quá chậm. Bất chấp vài trăm dự án thủy điện cuối cùng cũng buộc phải gạt ra khỏi quy hoạch, hàng trăm dự án thủy điện còn lại đã quét đi hơn 50.000 hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến dân chúng phải chuyển nhà, chuyển cửa, mất nghề… khốn đốn trong sinh hoạt. Nhiều người dân trắng tay và cũng trắng xóa lòng tin vào chế độ.

Đáy trách nhiệm quan chức luôn là đỉnh phẫn uất của nhân dân.

Vụ xả lũ của 15 hồ thủy điện lại nằm trong chuỗi “giết sống” người dân một cách có hệ thống trong mùa mưa bão. Vào giữa tháng 9/2013, đã có một chứng thực mang tính bất chấp với cú xả lũ thình lình vào vùng trũng lòng dân Đắc Lắc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khiến ít nhất 11 người mất tích.

Không thể gọi khác hơn, người dân vùng rốn lũ đã bị ép chặt vào một cái đáy không lối thoát.

“Dưới đáy” ở Việt Nam cũng là đêm không ngủ. Những nạn nhân chỉ trong phút chốc đã bị mất toàn bộ tài sản nhỏ nhoi và miếng ăn còn sót lại. Nhưng đã không một hành động nào được các “đày tớ” làm sáng tỏ cho những cái chết trong quá khứ để tránh thoát những cái chết vừa mới xảy ra.

Phú Yên với liên tiếp những cú xả lũ của Thủy điện sông Hinh và Thủy điện sông Ba Hạ những năm trước đã là một điển hình về sự vô lương tâm chưa hề có đáy. “Vô cảm” xem ra vẫn là từ ngữ nhẹ nhàng và lịch sự mà báo giới và dư luận dành để mô tả về quan chức thời nay.

Tội ác

Tội ác đã đến từ cấp độ không chỉ vô cảm, mà còn hơn thế nhiều, rất nhiều. Người ta nên nhớ trong những năm 2007-2008, tập đoàn EVN đã làm nên một một kỷ lục ghê gớm về số lỗ do đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán. Để vào năm 2013, một báo cáo của cơ quan chức năng mới cho biết số lỗ còn treo mà EVN bị nhấn chìm trong đó lên tới hơn 34.000 tỷ đồng, tương đương với hàng trăm ngàn ngôi nhà tình nghĩa.

EVN cũng đã hóa thân như một trong những tác nhân ghê gớm nhất trút lỗ lên đầu người dân, với các chiến dịch tăng giá điện được tiến hành không ngưng nghỉ, liên tiếp gây sức ép lên đời sống dân sinh cùng kích động lạm phát. Cơ quan chủ quản của tập đoàn này - Bộ Công thương - cũng rất thường bị dư luận nghi ngờ về không ít lần “đi đêm” cho những đợt tăng giá làm khốn đốn dân tình.

Thủy điện Sông tranh (2) ở Quảng Nam xả lũ với lưu lượng hơn hai nghìn m3/giây
Giờ đây, sau tất cả những hậu quả không thể tha thứ, giới quan chức mới như nén cười để bàn thảo với nhau về cái được gọi là “cần có quy chế phối hợp trong việc xả lũ”.

Để sau hàng loạt vụ xả lũ như một cách giết sống người dân, vẫn không có bất kỳ một quan chức nào bị đưa ra truy tố và xét xử. Mọi việc vẫn treo nguyên vẹn ở đó, hệt như dòng lũ trắng luôn treo lơ lửng trên đầu người dân vùng rốn lũ.

Với nhiều người dân và cả những công chức vẫn thê thiết trong thói quen cam chịu, âu đó cũng là bi kịch của một đất nước quá kém dân chủ. Dân chủ càng tụt hậu, đạo đức càng lụn bại thì càng khó có chuyện chịu trách nhiệm hành chính về những hậu quả đã quá đủ để kết tội hình sự.

Nhưng ở Việt Nam, vẫn chưa có một cuộc biểu thị phẫn uất đích đáng nào dành cho quá nhiều hậu quả khủng khiếp về kinh tế và dân sinh, và vẫn còn lâu mới có được “văn hóa từ chức”. Tất cả vẫn đang bị kìm nén bởi chính những đạo luật về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình mà có lẽ còn lâu mới được đẻ muộn bởi bà mẹ Hiến pháp.



Muộn còn hơn không, vụ xả lũ thủy điện ở các tỉnh miền Trung cần phải được người dân kiện ra tòa án, với trách nhiệm đầu tiên thuộc về những doanh nghiệp thủy điện, EVN và trách nhiệm điều hành của lãnh đạo Bộ Công thương."
Ở Việt Nam, người ta vẫn trầm uẩn lòng nhẫn nhịn không thể hiểu nổi và còn chưa hồi kết. Tâm thế trầm cảm trùm mền không thể diễn tả ấy lại vẫn lắng đọng nơi hoàng cung quốc hội, bên lề báo giới và trong vô số hiện tồn ngổn ngang vẫn ngày đêm hành hạ lương tâm của những người còn rơi rớt lương tâm.

Xót xa thực chất phải cộng hưởng với cùng khổ không lối thoát. Không thể nói khác hơn, tội ác của EVN và ngành thủy điện đang đẩy trách nhiệm của giới quan chức xuống một cái đáy chưa phải tận cùng, đồng thời thúc tình cảm phẫn nộ của các nạn nhân lên đến cận đỉnh điểm.

Không cần và không còn thời gian để bàn về “quy chế phối hợp xả lũ” nữa. Mưa lũ vẫn đang và vẫn sẽ tiếp diễn, ập xuống từ trên trời nhưng cũng sẽ dội lên từ lòng đất. Sẽ còn những cái chết, nhiều sinh mạng bị đánh cắp và đánh cướp.

Muộn còn hơn không, vụ xả lũ thủy điện ở các tỉnh miền Trung cần phải được người dân kiện ra tòa án, với trách nhiệm đầu tiên thuộc về những doanh nghiệp thủy điện, EVN và trách nhiệm điều hành của lãnh đạo Bộ Công thương.

Đã đến lúc xã hội dân sự cần lên tiếng ở Việt Nam. Một xã hội của người dân, trí thức và những người còn lương tâm trong Đảng.

Trách nhiệm ấy, không thể khác hơn là phải khởi tố vụ án xả lũ gây chết người, trong đó không thể loại trừ trách nhiệm của những quan chức cấp ủy viên trung ương đảng như ông Vũ Huy Hoàng.
Phạm Chí Dũng
Theo BBC Việt Ngữ

Đường sắt cao tốc cho Việt Nam?

Trường Yên
Gửi tới (BBC) Tiếng Việt từ Hà Nội

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa gửi báo cáo trình Bộ GTVT về kết quả nghiên cứu tuyến đường sắt Bắc - Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện.

Bên cạnh việc đề xuất lựa chọn phương án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu (phương án A2), VNR cũng đề xuất xây dựng tuyến đường sắt cao tốc (ĐSCT) để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách từ năm 2030.

Tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã đệ trình lên Quốc hội dự án xây dựng tuyến ĐSCT Bắc - Nam với số vốn lên tới 56 tỷ USD.

Quốc hội không thông qua

Sau nhiều ngày thảo luận, chiều ngày 19/6/2010, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu. Với 157 đại biểu (chiếm 31.85%) tán thành, 170 đại biểu (chiếm 34,48%) không tán thành và 82 đại biểu (chiếm 16,63%) không biểu quyết. Quốc hội đã “bác” dự án ĐSCT.

Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội, một dự án do Chính phủ đệ trình không được thông qua. Đối với những người phản đối dự án, quyết định của Quốc hội là một việc làm dũng cảm “vượt lên chính mình” và là “cú sốc tích cực và cái đà cho niềm tin lớn hơn”.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thực sự khách quan, thì việc Quốc hội không thông qua dự án ĐSCT là điều dễ hiểu.

Bởi vì, một “siêu dự án” có vốn đầu tư lên tới 56 tỷ USD, nhưng báo cáo đầu tư của dự án chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng và thiếu tính khả thi, chưa tính toán đầy đủ các phương án về kinh tế - xã hội - môi trường và chọn lựa phương án tối ưu, còn các số liệu công bố và dự báo không sát với thực tế…
"Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội, một dự án do Chính phủ đệ trình không được thông qua."
Vì vậy, nó đã làm dấy lên mối nghi ngại về năng lực của chủ đầu tư và tính khả thi của dự án.
Bên cạnh đó, những ủng hộ từ Chính phủ và một nhóm đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận lại mang tính hô hào, duy ý chí, thậm chí hời hợt, thiếu hiểu biết và phản cảm.

Chính những vấn đề trên đã dấy lên làn sóng phản đối dự án ĐSCT mạnh mẽ và làm khó cho sự quyết tâm của Chính phủ. Đồng thời, ảnh hưởng đến quyết định ấn nút biểu quyết của các đại biểu Quốc hội và có kết quả biểu quyết như trên.

'Sẽ vẫn làm'

Năng lực vận tải của ngành đường sắt trong thời gian quan rất yếu kém so với các loại hình vận tải khác, mặc dù đây là lĩnh vực độc quyền nhà nước trong khai thác vận tải.

Toàn ngành đường sắt có trị giá tài sản công lên tới 30 tỷ USD và có khoảng 42.000 người lao động.

Mạng lưới đường sắt có tổng chiều dài 3.143km chạy dọc chiều dài đất nước với 2.531km chính tuyến, 612km đường nhánh và đường ga.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2012, năng lực vận tải chỉ đạt 12,2 triệu lượt hành khách/năm (chiếm 0,44% khối lượng hành khách vận chuyển cả nước) và 7.003,5 tấn hàng hóa/năm (chiếm 0,73% khối lượng hàng hóa vận chuyển cả nước).

Do đó, việc đầu tư một ”siêu dự án” ĐSCT khiến những người quan tâm không khỏi lo lắng đến hiệu quả thực hiện. Liệu rằng, sau khi bỏ hàng chục tỷ USD đầu tư ĐSCT thì thị phần vận chuyển hành khách của ngành đường sắt tăng lên được bao nhiêu?

Tuy nhiên, Chính phủ đã có những phát biểu đầy quyết tâm, cho rằng việc đầu tư xây dựng ĐSCT là phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, và điều đó cũng cho thấy Chính phủ coi dự án ĐSCT là cần thiết và phải được thực hiện.

Có thể, do cơ cấu lại nguồn vốn trong giai đoạn kinh tế suy thoái.

Cũng có thể, phân kỳ dự án thành các dự án nhỏ để không cần phải thông qua Quốc hội.

Cho nên việc không đầu tư tổng thể dự án ĐSCT và tách thành từng tiểu dự án có lẽ phù hợp với quan điểm của Chính phủ.

Vì vậy, việc VNR đề xuất giai đoạn đến năm 2030 sẽ xây dựng 2 tuyến ĐSCT là Hà Nội - Vinh dài 284km (vốn đầu tư 10,2 tỷ USD) và TP. HCM - Nha Trang dài 366 km (vốn đầu tư 9,9 tỷ USD) trong đó tiến hành xây dựng thực nghiệm tuyến ĐSCT Long Thành - Thủ Thiêm (nằm trên tuyến TP. HCM - Nha Trang) cho thấy, dự án ĐSCT sẽ được thực hiện trong thời gian rất gần.

Tính an toàn, hiệu quả?

Có thể thấy, sẽ không còn bàn cãi về việc nên hay không nên xây dựng ĐSCT mà vấn đề cần bàn là làm sao các dự án ĐSCT được đầu tư an toàn và hiệu quả.

Dưới đây là một vài vấn đề có thể phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng và khai thác ĐSCT.

Theo báo cáo Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, dự báo đến năm 2030, lượng hành khách sử dụng ĐSCT đạt 208.000 hành khách/ngày (nếu giá vé bằng ½ vé máy bay) và đường sắt thông thường đạt 106.000 khách/ngày (cùng kịch bản với ĐSCT nói trên).

Trong khi hiện tại, lượng hành khách của ngành đường sắt chỉ đạt gần 34.000 hành khách/ngày.

Hiện tượng ”ế khách” của hệ thống ĐSCT bên Trung Quốc do giá vé quá cao là một bài học thực tế cần nghiêm túc xem xét để trả lời câu hỏi: Những số liệu dự báo nêu trên có thực sự đúng?

Một vấn đề mà người dân hết sức quan tâm là nguồn vốn đầu tư cho các dự án ĐSCT.

Các vấn đề gây quan ngại
  • 'Ế khách' do giá thành cao
  • Nguồn vốn đầu tư, hiệu quả khai thác và thời điểm hòa vốn
  • Vấn đề quản lý và nạn tham ô, tham nhũng trong các dự án lớn
  • Nạn thất thoát
  • Tính an toàn khi vận hành
Với 2 tuyến ĐSCT Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang nêu trên đã cần đến 20,1 tỷ USD, trong khi nguồn thu ngân sách có xu hướng giảm so với tốc độ phát triển, rất nhiều lĩnh vực quan trọng khác đang cần vốn đầu tư, nợ nước ngoài phải trả tăng theo từng năm và cơ hội vay vốn ưu đãi ngày một ít.

Tuy nhiên, đây lại là vấn đề không đáng quan ngại, vì khi Chính phủ đã quyết tâm thực hiện dự án thì một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc sẵn sàng cho vay với sự tham gia của họ vào dự án. Điều cần quan tâm là hiệu quả khai thác dự án và thời điểm hòa vốn, điều này phụ thuộc rất lớn vào lượng khách hàng như đề cập ở trên.

Việc quản lý dự án và vấn nạn tham ô, tham nhũng trong quản lý các “siêu dự án” cũng là điều đáng bàn.

Từ những vụ việc như PMU18 đến dự án thuộc Vinashin, Vinalines cho thấy sự thất thoát do tham nhũng trong các dự án là rất lớn và gây hậu quả nghiêm trọng.

Với sự độc quyền nhà nước của ngành đường sắt và cơ chế quản lý vẫn còn bao cấp. Vấn nạn tham nhũng là khó tránh khỏi.

Nếu xảy ra tình trạng rút ruột công trình để tham ô hay mua máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhằm nâng giá trị hợp đồng lên để rút tiền chia nhau như vụ mua sắm ụ nổi 83M của Vinalines thì sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Điều khác biệt của dự án ĐSCT đối với các “siêu dự án” khác của ngành GTVT là tính an toàn cần phải được đảm bảo tối đa.

Khi hạ tầng và máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn do các vấn nạn nêu trên, sẽ phát sinh những tai nạn trong quá trình vận hành ĐSCT.

Điều gì sẽ xảy ra khi một đoàn tàu với 400 hành khách bị lật ở tốc độ 300 km/h?
Các lý do trên khiến những người quan tâm nghi ngờ tính hiệu quả và an toàn của các “siêu dự án” ĐSCT.

Với sự độc quyền của ngành đường sắt, sự yếu kém về năng lực so với các loại hình vận tải khác và sự “mập mờ” trong quản lý dự án, liệu có xảy ra một Vinaraiways như Vinashin hay Vinalines khi kinh phí đầu tư của các dự án này lên tới hàng chục tỷ USD?

Cho dù vì lý do thế nào, việc đầu tư xây dựng ĐSCT là cần thiết cho sự phát triển tại Việt Nam.
Chỉ hy vọng rằng, Chính phủ sẽ quyết tâm với sự minh bạch về thông tin và quản lý dự án, tránh để dự án bị thao túng bởi các “nhóm lợi ích”.

Có như thế, dự án mới khả thi và an toàn, đồng thời lấy lại niềm tin của người dân vào sự điều hành của Chính phủ sau những sự kiện Vinashin hay Vinalines, khi mà nguồn vốn đầu tư cho dự án phải vay từ nước ngoài và được trả nợ bởi tiền thuế của người dân hiện tại và trong tương lai.

Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của người viết, một độc giả BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

Ký Công ước chống tra tấn, Việt Nam phải sửa nhiều luật


Thanh Phương (RFI)

Ngày 7/11 vừa qua, Việt Nam đã ký Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Nhưng để thực hiện đầy đủ các nội dung của Công ước này, Việt Nam sửa đổi nhiều điều luật cũng như thay đổi cung cách làm việc của ngành tư pháp và công an, để tránh những vụ dùng nhục hình, ép cung, bức cung như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

Công ước chống tra tấn được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Đến nay đã có 154 quốc gia phê chuẩn Công ước này.

Công ước quy định các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp cụ thể về lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các biện pháp hiệu quả khác nhằm ngăn chặn mọi hành vi tra tấn. Các quốc gia tham gia Công ước còn có nghĩa vụ trừng trị những hành vi tra tấn bằng các hình phạt thích đáng, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ nạn nhân.

Phát biểu sau lễ ký kết tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 07/11, đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đã tuyên bố rằng việc ký Công ước này thể hiện « cam kết mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, bảo đảm ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người ».

Theo lời ông Lê Hoài Trung, việc tham gia Công ước chống tra tấn sẽ tạo thêm điều kiện để Việt Nam « hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người tại Việt Nam ».

Trong thời gian gần đây, ngay cả trên mặt báo chính thức, thỉnh thoảng lại có tin một người bị chết trong đồn công an, mà một số bị cho là đã « tự tử », tuy ai cũng biết rõ đó là do công an đánh đập. Nạn nhận thậm chí là những người chỉ phạm tội vặt vãnh, như trường hợp của anh Cao Văn Tuyên (thôn Suối Lách, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà), đã bị công an xã dùng dùi cui đánh chết khi bị bắt về đồn để thẩm vấn vào đầu tháng 7. Nguyên nhân vụ bắt giữ chỉ là anh Tuyên thèm thịt gà mà không có tiền mua, nên ăn trộm gà hàng xóm. Kết quả điều tra sau đó của công an huyện Khánh Vĩnh khẳng định anh Tuyên chết do « bệnh lý » và cho tới nay, chưa biết những công an xã gây ra cái chết thương tâm của anh Tuyên bị xử lý ra sao.

Các hành vi tra tấn, bức cung, ép cung khi thẩm vấn, khi giam giữ là chuyện thường xảy ra ở Việt Nam, và chính điều đó đã dẫn đến nhiều vụ oan sai ở Việt Nam, mà tiêu biểu là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, người vừa được tạm tha gần đây, sau 10 năm ở tù oan vì tội giết người.

Kể từ khi ra tù để chờ được xét xử lại, ông Nguyễn Thanh Chấn đã công khai tố cáo trên báo chí chính thức những nhục hình mà ông đã phải hứng chịu từ các điều tra viên hoặc những tù nhân khác do các điều tra viên này sai khiến. Những nhục hình đó là nhằm ép cung, buộc ông phải nhận tội giết người, thậm chí chỉ dẫn cho ông « luyện tập » để nhập vai hung thủ. Nhưng cho tới nay, các điều tra viên công an Bắc Giang có liên can đến vụ này đều phủ nhận chuyện đánh đâp, ép cung ông Nguyễn Thanh Chấn. Nhìn chung, mặc dù các vụ dùng nhục hình để bức cung, ép cung là rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng cho tới nay, hầu như chưa có cán bộ điều tra nào bị ra tòa, bị xử phạt, thậm chí bị kỷ luật.

Ở Việt Nam, các tù nhân bị tra tấn không chỉ dưới hình thức đánh đập, mà còn dưới nhiều hình thức khác, mà đa số những người đã từng trải qua cuộc sống lao tù, dù là tù thường phạm hay tù chính trị đều hứng chịu, như trường hợp của nhà doanh nghiệp Nguyễn Bắc Truyển, từng thọ án 3 năm rưỡi tù từ năm 2007 đến 2010 vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam », theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự. Với cái nhìn của một cựu tù chính trị, ông Nguyễn Bắc Truyển không mấy lạc quan về tác động tích cực của Việt Nam ký gia nhập Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc.

Trước hết, ông Nguyễn Bắc Truyển kể lại thời gian bị giam để thẩm vấn :

∇ Ông Nguyễn Bắc Truyển

Về phần mình, luật sư Trần Vũ Hải cũng chia sẽ những ý kiến của ông Nguyễn Bắc Truyển về việc phải sửa đổi một số điều luật về Tố tụng hình sự và thi hành án ở Việt Nam :

∇ LS Trần Vũ Hải

Song Chi - Nước lớn nhưng bụng nhỏ

Dư luận thế giới mấy hôm nay đã bình phẩm khá nhiều về số tiền cứu trợ ít ỏi của Trung Cộng, cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên toàn cầu, dành cho Philippines sau cơn bão lịch sử Hayan. Mặc dù sau đó, trước sự chỉ trích của cộng đồng thế giới, nước này đã tăng số tiền cứu trợ tính bằng chăn, màn, lều…tương đương 1,6 triệu USD nhưng vẫn thua xa một số nước còn nghèo hơn TQ rất nhiều, và cũng không thể xóa đi cái ấn tượng bủn xỉn, keo kiệt ban đầu.

Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố nước này sẽ viện trợ cho Philippines 100 ngàn USD, "đội sổ" danh sách cộng đồng quốc tế giúp đỡ các nạn nhân siêu bão Haiyan.

Nhưng nói thật, người dân nước nào còn tỏ ra sốc, ngạc nhiên về cách ứng xử của TQ chứ tôi tin rằng phần đông người VN, vốn có quá nhiều kinh nghiệm cay đắng với TQ trong quá khứ và cả hiện tại, hẳn là không bất ngờ gì cho lắm.
Trung Cộng vốn nổi tiếng là hẹp bụng, thù dai. Cũng nhân cách ứng xử của TQ với Philippines, xin kể lại câu chuyện tương tự với Na Uy trước đây (và còn liên lụy tới bây giờ).
Khi Ủy ban Nobel Na Uy công bố trao giải Nobel Hòa bình 2010 cho nhân vật bất đồng chính kiến TQ đang bị cầm tù Lưu Hiểu Ba, một người quen của tôi đang sống tại Paris đã nói với tôi đầy vẻ phấn khích: “Cô thấy Na Uy ngon lành không. Một nước nhỏ mà dám vuốt mặt Trung Quốc nhé. Chứ Pháp ấy à, ngay cả nếu Ủy ban trao giải có là một tổ chức hoạt động độc lập với chính phủ đi chăng nữa, Tổng thống Pháp cũng sẽ đi năn nỉ, thuyết phục, thậm chí vận động từng vị trong Ủy ban, thôi các ông đừng trao giải cho ông ấy, không thì Trung Quốc sẽ gây khó dễ đủ chuyện cho chúng ta ngay.” Điều này thì tôi thừa nhận. Dám trao giải cho Lưu Hiểu Ba bất chấp những cảnh báo của chính quyền Trung Quốc, Ủy ban Nobel Na Uy quả là ngon lành!
Và sự ngon lành đó đã bị trả giá! Từ người phát ngôn Mã Triêu Húc của Bộ ngoại giao Trung Quốc cho đến giới truyền thông Trung Quốc liên tục chỉ trích Ủy ban Nobel Na Uy về việc trao giải, và mặc dù chính phủ Na Uy đã phân trần rằng Ủy ban Nobel là một tổ chức độc lập, điều đó không hề làm giảm đi sự giận dữ của TQ.
Hàng loạt biện pháp “trả đũa” đã được TQ thực hiện: ngay trong tháng 10.2010, hai lần hủy cuộc gặp với bộ trưởng Ngư nghiệp Na Uy để thảo luận về vấn đề hải sản giữa hai nước tại Hội chợ Thương mại Thế giới tổ chức ở Thượng Hải, thậm chí những chuyến giao lưu trao đổi văn hóa giữa hai nước cũng bị hủy bỏ.
Trung Quốc gây sức ép với tất cả các quốc gia để họ không cử đại biểu tham dự lễ trao giải Nobel. Vào thời gian trước khi diễn ra lễ trao giải ngày 10.12.2010, báo chí Na Uy thường đề cập đến những phản ứng từ phía Trung Quốc mà họ cho là không sao hiểu nổi.
Dân Na Uy, theo cảm nhận của tôi, nếu như đối với Mỹ, nhiều người tỏ ra không thích thú lắm vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ cũng như chế độ tư bản và sự cạnh tranh khốc liệt trong đời sống xã hội Mỹ, thì đối với Trung Quốc, đa số cũng không hiểu rõ về quốc gia này. Dù có biết về chế độ độc tài và “thành tích” nhân quyền của nhà nước Trung Cộng, điều đó không ngăn cản nhiều người Na Uy ngưỡng mộ Trung Quốc về nhiều thứ: một quốc gia khổng lồ, một nền văn hóa lâu đời, sự phát triển thần kỳ về kinh tế trong hơn 3 thập niên qua…
Khi Trung Quốc phản ứng quá đáng với Na Uy chỉ vì giải Nobel Hòa bình, họ không biết rằng đã làm cho người dân Na Uy kinh ngạc. Tôi đã nghe một số người Na Uy khi nói về điều này cứ lặp đi lặp lại câu: “Tại sao Trung Quốc lại phản ứng như vậy? Sao họ không chịu hiểu Ủy ban trao giải là một tổ chức hoạt động độc lập, nếu có ghét thì ghét cái Ủy ban trao giải, chứ sao lại đổ lỗi cho chính phủ Na Uy và làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước?” Hoặc: “Tại sao họ lại không để cho ông Lưu Hiểu Ba đến nhận giải? Việc ông ấy đến nhận giải thì có sao đâu?”
Tôi phải giải thích đây là chuyện hai bên không hiểu nhau vì hai chế độ, hai xã hội quá khác nhau. Rằng ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, nhà nước kiểm soát tất tần tật mọi thứ, nên những người lãnh đạo Trung Cộng không thể hiểu và cũng không chấp nhận việc có một Ủy ban, một tổ chức nào đó lại hoạt động độc lập với chính quyền mà chính quyền lại chịu, không thể can thiệp như vậy!
Chuyện xảy ra từ năm 2010, nhưng kể từ đó quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng. Vốn là một quốc gia nhập rất nhiều cá hồi từ Na Uy, nhưng TQ đã tìm mọi cách gây khó dễ cho Na Uy, ví dụ như kéo dài quá trình kiểm tra chất lượng, làm thủ tục giấy tờ... khiến một số lượng lớn cá hồi xuất qua TQ bị hỏng, sau đó TQ không chịu nhận hàng, chẳng hạn!
Đồng thời, lượng cá hồi TQ nhập của Na Uy sụt giảm hẳn, từ 92% trong năm 2012 xuống 29% trong nửa đầu năm 2013, kết thúc việc gần như độc quyền của Na Uy trong thị trường cá hồi ở TQ trong thập kỷ trước. (“Norway's Salmon Exports To China Plummet Following Nobel Peace Prize For Liu Xiaobo”, International Business Times).
Chuyện không dừng lại ở đó. Trong năm nay, báo chí nước ngoài dẫn tin từ báo Na Uy cho biết, trái ngược với TQ, lượng cá hồi VN nhập của Na Uy lại tăng vọt, sau này Na Uy mới phát hiện ra là VN mua sau đó xuất khẩu qua TQ! (Bản tin tiếng Anh: “Norwegian salmon bypasses China blocade through Vietnam”, undercurrentnews).
Dù sao, qua một “chuyện nhỏ” này chắc người Na Uy sẽ hiểu hơn phần nào cách ứng xử của một quốc gia luôn tự cho mình là nước lớn nhưng khi đụng chuyện thì rất…tiểu nhân, chứ còn người Việt Nam chúng tôi thì đã quá hiểu và quá kinh nghiệm suốt từ hàng ngàn năm nay rồi!
Văn hóa Tàu, khác với văn hóa phương Tây, là để bụng, chấp nhất, thù dai theo kiểu “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”. Mối thù bị Nhật xâm chiếm thời chiến tranh thế giới thứ II hay mối hận bị làm nhục bởi các nước phương Tây, luôn luôn được các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản TQ ghi nhớ nằm lòng, và tìm mọi cách để “nhồi” vào đầu người dân TQ.
Với các nước láng giềng nhỏ bé có những mối thù cũ (như VN) hoặc đang tranh chấp lãnh hải như VN, Philippines…cũng vậy, nhà cầm quyền Trung Cộng, thông qua bộ máy truyền thông báo chí, sách giáo khoa, ra sức vẽ lên những hình ảnh không đúng về các nước này, đổ lỗi cho các nước này là nguyên nhân gây ra mọi xung đột, bất hòa, là những nước nhỏ nhưng vô ơn, tham lam, xâm chiếm biển đảo của TQ, ăn cắp dầu, tài nguyên biển của TQ….
Hậu quả là đa số người TQ có cái nhìn lệch lạc về TQ và thế giới, nuôi dưỡng trong lỏng mối thù ghét Nhật, Mỹ, các nước phương Tây… cho tới một nước ở Đông Nam Á. Không trách gì khi Philippines bị bão, đa số người dân TQ, thông qua những cuộc thăm dò ý kiến trên báo chí nước họ, thông qua các mạng xã hội, đã biểu lộ sự không đồng tình cứu trợ Philippines cho dù với một số tiền nhỏ nhoi.
Thật ra không phải bao giờ Trung Cộng cũng bủn xỉn. Đôi khi họ cũng tỏ ra rất hào phóng hỗ trợ nước này nước kia những món tiền không nhỏ, như đối với Cambodia, Pakistan, hay một số quốc gia châu Phi…nhưng đồng tiền của Trung Cộng là đồng tiền chết người.
Nếu lãnh đạo của một quốc gia nào vì tham lam, mờ mắt hoặc vì thế khó khăn mà phải nhận vào thì ngay sau đó phài đổi lại bằng tài nguyên khoáng sản của quốc gia, bằng lãnh thổ lãnh hải, sự độc lập về chủ quyền và trong đường lối chính trị. Chưa kể phải nhận lãnh những hậu quả lâu dài về ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên do TQ khai thác tài nguyên, xây dựng bừa bãi, cộng thêm hàng hóa chất lượng dỏm, giả, độc hại từ TQ đưa vào v.v…
Từ cách ứng xử của Trung Cộng đối với những nước có thù cũ hoặc đang có tranh chấp, rồi nhìn sang Anh và Mỹ đối với nhau, Mỹ đối với Nhật, nước cựu thù trong chiến tranh, nhìn cách nước Nhật thầm lặng chuộc lỗi với các quốc gia họ đã từng xâm chiếm…dễ hiểu tại sao người Nhật không ghét Mỹ bằng ghét TQ, hay người VN không ghét Mỹ, ghét Nhật như ghét TQ.
Cũng may mà người Việt, do nước nhỏ nước nghèo nên không mang cái tâm trạng vừa tự ti vừa tự tôn dân tộc nặng nề như người Hoa, vì vậy cái nhìn về thế giới có phần ít lệch lạc hơn. Người Việt, do lịch sử đau thương của đất nước, luôn biết ơn những bàn tay đã chìa ra giúp đỡ mình. Khi thảm họa kép động đất sóng thần xảy ra ở Nhật năm 2011, người Việt, trong khả năng của mình, đã chứng tỏ lòng biết ơn Nhật là quốc gia hỗ trợ VN vô tư nhất trong bao năm qua.
Và bây giờ, khi cơn bão Hayan tàn phá Philippines, người Việt trong và ngoài nước đã mở lòng, mở hầu bao với người Phi. Ngoài sự đồng cảm giữa những quốc gia nghèo luôn phải đối mặt với thiên tai, đối với người Việt ở nước ngoài, còn là lòng biết ơn những ngày tháng vượt biên xa xưa đã dừng chân ở Philippines, được quốc gia này cưu mang trong thời gian chờ sang nước thứ ba.
Những tình cảm, sự tự nguyện đóng góp thêm đó phần nào làm giảm đi sự xấu hổ của người Việt khi chính nhà cầm quyền VN, trong cả hai lần thiên tai xảy ra với Nhật và Philippines, chỉ hỗ trợ được 100.000 đô la. Đành rằng VN là nước nghèo, chẳng ai thèm chấp như với TQ, nhưng đừng quên, VN vẫn đang phải vay mượn, nhờ vả nước khác, VN lại đang phải đối mặt với âm mưu xâm chiếm lãnh thổ lãnh hải lâu dài của Trung Cộng, chắc chắn phải nhờ cậy đến bạn bè quốc tế. Nếu không biết điều thì sống với ai?
Hy vọng lãnh đạo VN qua câu chuyện này, dù quá muộn màng, biết nhận ra chơi với ai thì có lợi hơn.
Về phía TQ, từ khi bắt đầu trở thành một quốc gia giàu có tiền bạc rủng rỉnh, TQ không che dấu tham vọng muốn ngang bằng, thậm chí soán ngôi Mỹ, trở thành quốc gia lãnh đạo toàn cầu. Nhưng ước mơ đó xem ra vẫn còn lâu lắm, bởi chỉ có tiền, có sức mạnh quân sự đâu đã đủ để các nước tôn trọng. Khi chính TQ luôn thể hiện trước thế giới một thái độ hung hăng, ngang ngược, chuyên cậy nước lớn bắt nạt các nước nhỏ, cò kè tham lam từng mét vuông đất cho tới cả vùng biển Đông chỉ muốn giành về mình, quan hệ làm ăn với ai thì chỉ biết lợi về phần mình, trong văn hóa thì chỉ muốn đồng hóa, tiêu diệt bản sắc của nước khác v.v…Như vậy làm sao có được tư cách nước lớn?
Nói cách khác, nước lớn nhưng bụng nhỏ, là vậy.
Song Chi.
(Songchi's blog) 

Video: Dân bị lũ cô lập, Phường vẫn tổ chức tiệc tùng - Một nhà nước vô trách nhiệm

Tính đến thời điểm này đã có 50 người chết và mất tích trên bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai.

Dân Bị Lũ Cô Lập, Phường Vẫn Tổ Chức Tiệc Tùng (ảnh nguồn video clip)

Vùng rốn lũ Đại Lộc có 34 ngàn ngôi nhà trôi theo dòng nước. Bình Định gần 100 ngàn căn nhà bị ngập. Các vùng khác thiệt hại cũng tương tự chưa nói đền hàng trăm ngàn hecta hoa mầu và ruộng lúa bị hư hại nặng. Báo chí lặn lội xuống tận nơi đưa tin cùng với những hình ảnh mà người đọc dù cứng lòng cách mấy cũng không thể chịu nỗi.

Những đứa trẻ ngơ ngác thò đầu ra từ một mái nhà đang trôi nổi giữa giòng. Một người nông dân khóc than bên hai con bò duy nhất của gia đình. Đám tang lênh đênh giữa trùng trùng sóng nước và hàng trăm ngàn con người đang tuyệt vọng dưới mưa chờ từng gói mì cứu trợ.


Những hình ảnh ấy tương phản dữ dội với một bài phóng sự video của báo Thanh Niên quay lại cảnh ăn chơi của UBND phường Thủy Châu xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế với những bàn nhậu đầy thức ăn và bia rượu, một cán bộ nữ hát ư ử trên bục và tiếng nhạc xập xình từ loa karaoke khiến sự giận dữ của những ai nhìn thấy cũng có thể đoán ra. Xin xem ở đây:

Dân Bị Lũ Cô Lập, Phường Vẫn Tổ Chức Tiệc Tùng

Sự nhẫn tâm vô đạo của cái Ủy ban này là quá rõ. Tiếng nhạc lời ca giữa tang thương chng quanh cho thấy một điều không thể chối cãi: nhà nước này sản sinh, chứa chấp những sinh vật không có trái tim người.

Đồng tiền thuế của người dân đang được chi tiêu cho cái Ủy ban phản động này và những kẻ đang nâng ly chúc mừng sự đau đớn của quê hương đáng đưa vào sách Guiness.

Chỉ có thể than rằng sao nhà nước của chúng tôi bất nhân quá vậy?

Trong khi 50 xác người được chôn cất qua loa giữa cơn lũ thì nhà nước chúng tôi rất nhanh nhẩu gửi điện chia buồn với 50 công dân Nga trong tai nạn máy bay vừa xảy ra. Đối nghịch lại với năm mươi công dân Việt Nam không ai là người lên tiếng cảm thông. Nhà nước chúng tôi không khác chi cái Ủy ban Nhân dân phường Thủy Châu, có phần hơn thế nữa.


Thủy Châu là cấp phường còn cái điện chia buồn kia là cấp nhà nước. Hai cấp chính quyền cùng làm một việc có ý nghĩa như nhau nhưng mức độ nghiêm trọng có khác. Thủy Châu như một đứa con hư, không ý thức được việc mình làm còn cái điện chia buồn kia ý thức một cách trọn vẹn kết quả sau khi bức điện gửi đi: sự vừa lòng của Putin, một lãnh chúa vừa rời Việt Nam với chiếc cặp da đầy ắp hợp đồng bán súng. Chia buồn ở đây có hàm ý nịnh bợ ngay cả sự nịnh bợ ấy có làm đau lòng những nạn nhân của lũ.

Nếu 50 người chết vì lũ được lãnh đạo cao nhất công khai nói lời cảm thông thì điện chia buồn gửi đi Nga sẽ không làm ai thắc mắc.

Tiếc một điều không ai trong tứ trụ triều đình biết nói một lời phải đạo. Thói quen im lặng trước nỗi đau bão lụt đã thành sẹo trong tâm hồn khiến mỗi lần muốn nói là một lần khó khăn cho họ. Bên cạnh đó có lẽ trách nhiệm là một phần câu hỏi khiến họ khó trả lời và vì vậy cách hay nhất là lờ đi những gì cần phải làm hay giải thích.

Nhân dân chúng tôi cần nghe các ông bà ở Bộ chính trị giải thích cặn kẽ rằng có hay không tác hại của thủy điện đã làm cho cả miền Trung chìm trong biển nước?

Nhân dân chúng tôi cần nghe ông Tổng Bí thư giải thích rõ những tác hại ấy có phải xuất phát từ con đường trặc trẹo tiến lên xã hội gây ra hay không?

Nhân dân chúng tôi cần nghe ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thích có sự ăn chia nào trong các dự án thủy điện của EVN hay chính quyền địa phương nơi có những dự án thủy điện tư nhân đang điên cuồng xả lũ vào nhân dân chúng tôi.

Nhân dân chúng tôi cần nghe ông Nguyễn Sinh Hùng trong tư cách chủ tịch Quốc hội có bao giờ ông chỉ đạo cho gần 500 đại biểu dưới ngón tay trỏ của ông không nên lên tiếng hoặc lên tiếng có chừng mực về tệ nạn xả lũ giết dân hay không?

Nhân dân chúng tôi cần nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giải thích tại sao là chủ tịch nước nhưng ông lại không có bất cứ hành động nào để lo toan trước các cơn bão lụt tàn phá hủy hoại con người, tài sản của nhân dân?

Nhân dân chúng tôi cần hỏi tất cả bốn ông một câu hỏi chung: trách nhiệm của từng ông trong khi nắm sinh mạng của nhân dân, dân tộc nằm ở chỗ nào khi các ông cứ âm thầm làm những việc các ông muốn bất kể người dân chúng tôi có kêu gào, đòi hỏi đến khàn giọng.

Điển hình là vụ sửa đổi hiến pháp. Các ông vẫn cho Quốc hội thông qua cái hiến pháp giúp các ông nắm chắc ghế ngồi của các ông và thuộc hạ hơn nữa. Với những dự án thủy điện tai họa treo lơ lửng trên đầu nhân dân chúng tôi qua điều 4, đã ngăn cản bất cứ đòi hỏi thay đổi nào đối sự độc tôn toàn trị của đảng các ông.

Sự độc tôn ấy đang đồng hành với cơn lũ cuốn cả miền Trung vào cùng khổ đói nghèo với những mất mát không thể nào bù đắp.

Hãy trả lời chúng tôi, kể cả sự trả lời ấy phát sinh từ lòng dối trá.
Cánh Cò
Theo RFA Blog

Long An: Bất công với gia đình liệt sĩ, ưu tiên “đại gia”

Bến đò Chợ Kinh
Một gia đình liệt sĩ, làm nghề đưa đò ngang  từ lúc còn chiến tranh cho đến nay. Từ một bến đò nhỏ, họ đầu tư nâng cấp thành chiếc phà chở được 30 người. Họ làm ăn tuân thủ pháp luật, đưa khách an toàn... Vậy mà, họ phải giao bến lại cho một “đại gia”.

Gia đình liệt sĩ đưa đò

Gia đình ông Phạm Thanh Lợi (ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) là gia đình liệt sĩ. Bà Phan Thị Huấn (mẹ ông Lợi) thuộc diện có công với cách mạng, được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến.

Gia đình bà Huấn sống bên sông Cần Giuộc, thời con gái bà từng đưa rước chiến sĩ qua sông.

Bà Huấn lớn lên với nghề đưa đò qua sông, một bên là ấp Chợ, bên kia là xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc. Ban đầu chỉ là con đò nhỏ, bà con quen gọi là đò Chợ Kinh.

Sau ngày miền Nam giải phóng, bà Huấn và các con tiếp tục đưa đò. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, gia đình bà Huấn đầu tư nâng cấp dần phương tiện chuyên chở, bến bãi, đến nay thành chiếc phà nhỏ chở được 3 tấn - 30 khách.

Báo cáo của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cần Đước (tháng 6.2013) về tình hình hoạt động của bến đò Chợ Kinh nêu rõ: “Chấp hành tốt các quy định trong việc kinh doanh vận tải khách ngang sông”.

Trong suốt mấy chục năm hành nghề, gia đình bà Huấn chưa hề để xảy ra tai nạn hay bị xử phạt điều gì. Nghề đưa đò nuôi sống cả gia đình.

Ưu tiên cho “đại gia”

Ngày 25.6.2013, UBND huyện Cần Giuộc ra công văn số 535/UBND-KT&HT với nội dung: Cho Cty TNHH Long Phi Vân (Q.11, TPHCM) đầu tư nâng cấp, khai thác bến khách bến đò Chợ Kinh.

Công văn giải thích rõ, do chủ bến hiện tại (bà Huấn) sử dụng tàu gỗ không an toàn, cần thay bằng phà sắt chở từ 49 khách và 10 tấn trở lên. Vì vậy, phải ngừng cấp phép cho bà Huấn và giao cho Cty TNHH Long Phi Vân đầu tư nâng cấp, khai thác.

Công văn ghi: “Cty TNHH Long Phi Vân có trách nhiệm hỗ trợ các chi phí đối với chủ cũ, do đã đầu tư xây dựng bến”. Vậy là gia đình bà Huấn bỗng dưng bị mất phương tiện làm ăn, nuôi sống cả gia đình.

Ông Phạm Thanh Lợi (con bà Huấn) đã gửi đơn khiếu nại nêu rõ: Nếu UBND huyện Cần Giuộc có chủ trương đầu tư nâng cấp bến đò thì thông báo cho chủ đang khai thác để đầu tư. Hoặc ít nhất UBND huyện Cần Giuộc phải tổ chức đấu thầu khai thác bến, khi đó gia đình ông phải được tham gia đấu thầu một cách bình đẳng với mọi người, chứ không thể giao ngang cho Cty TNHH Long Phi Vân. Thậm chí, nếu phải giao bến thì chủ mới phải bồi hoàn hợp lý chi phí xây dựng bến cho gia đình ông, chứ không thể chỉ “hỗ trợ”!

Liên quan tới vụ việc, phía huyện Cần Đước lại có cách xử lý khác hẳn, có tình có lý. Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Cần Đước đề xuất: UBND huyện nên mời chủ bến thông báo chủ trương nâng cấp bến đò. Nếu chủ bến không đáp ứng được thì UBND huyện tổ chức đấu giá. Trường hợp Cty TNHH Long Phi Vân trúng thầu thì lúc đó mới có quyền đề nghị nâng cấp bến.

Ngày 5.7, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - ông Nguyễn Quý Tính - kết luận: Khẩn trương nâng cấp bến và phương tiện; trước hết ưu tiên cho gia đình bà Huấn...

Vậy là, chỉ một chuyện bến đò Chợ Kinh mà 2 huyện có 2 cách giải quyết khác nhau, đến nay vẫn chưa ngã ngũ, làm cho gia đình liệt sĩ phải điêu đứng!
(Lao động)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét