Vì sao các nhà trí thức phản đối chủ nghĩa tư bản?
LIBERTARIANISM.org01-01-1998
Tác giả : Robert Nozick
Người dịch: Phạm Nguyên Trường
Lời người dịch: Mọi người đều biết rằng các nhà tri thức trên khắp thế giới là một trong số những người chống chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường quyết liệt nhất và kiên trì nhất. Các nhà văn, nhà báo, các giáo sư đại học theo đường lối tả khuynh ở đâu cũng có tỉ lệ rất cao. Robert Nozick, một trong những người cổ vũ cho chủ nghĩa tự do nổi bật nhất cho rằng nguyên nhân nằm ở hệ thống giáo dục của nhà trường hiện đại: tạo ra trong các nhà tri thức muốn biến thế giới thành một lớp học cho tất cả mọi người.
Đáng ngạc nhiên là nhiều��C3� thức lại có thái độ phản đối chủ nghĩa tư bản đến như vậy. Các nhóm kinh tế-xã hội khác không có thái độ phản đối đến như thế. Như vậy là, về mặt thống kê, trí thức là những người bất thường.
Không phải tất cả trí thức đều là “tả khuynh”. Tương tự như các nhóm khác, ý kiến của họ phân bố trên toàn bộ đường đồ thị. Nhưng ý kiến của các nhà trí thức ngả về và nghiêng về phía tả khuynh nhiều hơn.
Với từ trí thức, tôi không có ý nói tất cả những nhà khoa bảng hoặc những người có trình độ học vấn nhất định nào đó, mà muốn nói tới những người, trong khi hành nghề, thường phải làm việc với những ý tưởng được thể hiện bằng lời nói, tạo ra dòng chảy ngôn từ mà những người khác phải đọc, phải nghe. Những người “thợ rèn chữ” đó gồm các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, các nhà báo, và các thày giáo, các giáo sư. Số này không bao gồm những người sản xuất và truyền tải thông tin đã lượng hóa và toán học hóa (các “thợ rèn số”) hoặc những người làm việc với phương tiện nghe nhìn như họa sĩ, điêu khắc gia, quay phim. Khác với các “thợ rèn chữ”, tỉ lệ những người chống lại chủ nghĩa tư bản làm trong các ngành này không cao như thế. Các “thợ rèn chữ” tập trung ở những khu vực nghề nghiệp nhất định: Các viện và học viện, các phương tiện truyền thông, bộ máy hành chính của chính phủ.
Trong xã hội tư bản các “thợ rèn chữ” hoàn toàn an tâm: họ có quyền tự do đưa ra, tiếp nhận, và tuyên truyền những ý tưởng mới, có quyền tự do đọc và thảo luận những ý tưởng này. Kỹ năng của họ được trọng dụng, thu nhập của họ cao hơn mức trung bình. Tại sao não trạng bài tư bản trong số những người này lại cao như thế? Hơn nữa, một số dữ liệu cho thấy người trí thức càng giàu có và thành công thì ông ta càng dễ có thái độ phản đối chủ nghĩa tư bản hơn. Não trạng bài tư bản thường xuất phát từ “nhóm đối lập tả khuynh”, nhưng không chỉ có thế. Yeats, Eliot và Pound phản đối xã hội thị trường từ lập trường của cánh hữu.
Sự chống đối chủ nghĩa tư bản của các “thợ rèn chữ” có ý nghĩa xã hội không nhỏ. Chính họ là những người tạo ra ý tưởng và hình ảnh của chúng ta về xã hội, họ đưa ra các chính sách cho bộ máy quản lí lựa chọn. Họ cung cấp cho chúng ta câu chữ để thể hiện, từ tác phẩm chuyên đến khẩu hiệu. Vì vậy mà sự phản đối của họ có tầm quan trọng, nhất là trong một xã hội ngày càng phụ thuộc vào việc hình thành và phổ biến thông tin một cách minh bạch.
Chúng ta có thể thấy hai cách giải thích vì sao nhiều trí thức phản đối chủ nghĩa tư bản. Cách thứ nhất liên quan tới tác nhân đặc thù của các nhà trí thức có thái độ bài tư bản. Loại thứ hai liên quan tới tất cả các nhà trí thức, tức là lực thúc đẩy họ ngả sang quan điểm bài tư bản. Nó có đẩy một người trí thức cụ thể sang phía bài tư bản hay không còn phụ thuộc vào các lực lượng khác đang có ảnh hưởng đối với anh ta. Nhưng, gộp lại, vì nó làm cho thái độ bài tư bản của trí thức cao thêm, kết quả là tác nhân này sẽ tạo ra tỉ lệ cao các nhà trí thức có thái độ bài tư bản. Lời giải thích của chúng tôi sẽ thuộc loại thứ hai. Chúng tôi sẽ xác định nhân tố đẩy người trí thức sang lập trường bài tư bản, nhưng không đảm bảo rằng có thể áp dụng nó cho từng trường hợp cụ thể.
Giá trị của của người trí thức
Hiện nay, các nhà trí thức luôn nghĩ rằng họ là những người có giá trị nhất trong xã hội, là những người có uy tín và quyền lực cao nhất, những người được tưởng thưởng lớn nhất. Người trí thức cho rằng họ có quyền như thế. Nhưng, nói chung, xã hội tư bản không tôn vinh những người trí thức của nó. Ludwig von Mises giải thích thái độ bất bình đặc biệt của giới trí thức – khác với người công nhân – là họ giao thiệp với các nhà tư sản thành công và do đó họ lấy những người đó ra so sánh và cảm thấy nhục nhã khi thấy tình trạng thấp kém hơn của mình. Nhưng, ngay cả những người trí thức không giao tiếp với các nhà tư sản cũng cảm thấy bực bội như thế, chỉ giao tiếp không thì chưa đủ, những người dạy các môn thể thao và dạy múa cho những người giàu có và làm việc với họ không phải là những người bài tư bản nổi bật.
Thế thì tại sao các trí thức hiện nay cảm thấy có quyền được hưởng những phần thưởng cao nhất của xã hội và bất mãn khi họ không nhận được sự tưởng thưởng như thế? Người trí thức cho rằng họ là những người có giá trị nhất, là những người có công nhất, và xã hội nên tưởng thưởng cho mọi người phù hợp với giá trị và công lao của họ. Nhưng xã hội tư bản không làm theo nguyên tắc phân phối “hưởng theo giá trị hay công lao”. Ngoài quà tặng, tài sản thừa kế, và tiền nhận được từ cờ bạc, vẫn thường xảy ra trong một xã hội tự do; thị trường trả công cho những người đáp ứng nhu cầu của người khác được thể hiện trên thương trường, và tiền công phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung thay thế lớn đến mức nào. Các doanh nhân và người lao động thất bại không có thái độ thù địch đối với hệ thống tư bản như các trí thức-“thợ rèn chữ”. Chính cảm giác về giá trị vượt trội nhưng không được công nhận của mình, quyền của mình bị phản bội, mới tạo ra thái độ thù nghịch như thế.
Tại sao các trí thức-“thợ rèn chữ” cho rằng họ là những người có giá trị nhất, và tại sao họ lại cho rằng phải phân phối theo giá trị? Xin lưu ý: nguyên tắc này không phải là tất yếu. Có những mô hình phân phối khác đã được đề xuất, trong đó có phân phối cào bằng, phân phối theo đức hạnh, phân phối theo nhu cầu. Nói cho ngay, thậm chí một xã hội quan tâm tới công bằng cũng không cần đặt ra mục tiêu là phải có một mô hình phân phối. Công bằng trong phân phối có thể nằm trong quá trình trao đổi tự nguyện của cải kiếm được và dịch vụ được thực hiện một cách công chính. Dù kết quả của quá trình đó có như thế nào thì đấy cũng là kết quả công bằng, nhưng kết quả không cần phải phù hợp với bất kì mô hình cụ thể nào. Thế thì tại sao các “thợ rèn chữ” lại coi mình là những người có giá trị nhất và chấp nhận nguyên tắc phân phối theo giá trị?
Ngay từ khi tư tưởng được ghi chép lại, người trí thức đã nói với chúng ta rằng công việc của họ là có giá trị nhất. Plato đánh giá khả năng suy luận cao hơn lòng can đảm và sự khát khao và cho rằng triết gia phải cai trị; Aristotle cho rằng chiêm nghiệm bằng trí tuệ là hoạt động cao cả nhất. Không có gì ngạc nhiên là trong những văn bản còn lại đến thời nay có những đánh giá cao như thế về hoạt động trí tuệ. Nói cho cùng, những người đưa ra đánh giá, những người ghi chép lại lý do ủng hộ những đánh giá như thế đều là trí thức cả. Họ tự ca ngợi mình. Những người đánh giá những việc khác cao hơn tư duy bằng ngôn từ, dù đấy có là săn bắn, quyền lực hay thú vui xác thịt quanh năm suốt tháng, không bận tâm đến việc ghi chép lại quan điểm của mình cho hậu thế. Chỉ có các nhà trí thức mới làm ra lý thuyết về việc ai là người cao quý nhất mà thôi.
Cái học của người trí thức
Tác nhân nào làm cho một số trí thức có cảm giác rằng mình có giá trị cao hơn? Tôi muốn tập trung vào một thiết chế cụ thể: trường học. Khi kiến thức sách vở ngày càng trở nên quan trọng, việc học tập – thế hệ trẻ cùng nhau học đọc và học kiến thức sách vở trong nhà trường – trở thành hiện tượng phổ biến. Bên cạnh gia đình, trường học trở thành tổ chức quan trọng nhằm định hình thái độ của thế hệ trẻ, và hầu như tất cả những người sau này trở thành nhà trí thức đều đã từng học tập ở trường. Họ là những người có thành tích trong học tập. Người ta đem họ ra so sánh với những người khác và được coi là giỏi hơn. Họ được khen ngợi và được tưởng thưởng, họ là trò cưng của các giáo viên. Làm sao họ lại có thể coi mình không phải là những người ưu việt cho được? Lúc nào họ cũng cảm thấy sự khác biệt trong việc xứ lí các ý tưởng, trong việc mình có khả năng tư duy nhanh nhạy hơn. Nhà trường nói với họ và chỉ cho họ thấy rằng họ là những người giỏi hơn.Nhà trường còn thể hiện và qua đó dạy cho học sinh nguyên tắc khen thưởng theo phẩm chất (trí tuệ). Những người có phẩm chất trí tuệ cao được khen ngợi, được giáo viên yêu, và được điểm cao nhất. Theo đánh giá của nhà trường, các học trò thông minh nhất tạo ra tầng lớp thượng lưu. Dù không nằm trong chương trình giảng dạy chính thức, nhưng các nhà trí thức đã học được trong nhà trường bài học rằng họ có giá trị cao hơn những người khác, và giá trị cao đó cho họ quyền được tưởng thưởng cao hơn.
Nhưng xã hội thị trường rộng lớn hơn ngoài kia lại dạy cho người ta bài học khác. Ở đấy, những phần thưởng lớn nhất không thuộc về những người nói tài nhất. Ở đấy, các kỹ năng trí tuệ không được đánh giá cao nhất. Đã học được rằng họ là những người có giá trị nhất, xứng đáng được tưởng thưởng nhất, có quyền được tưởng thưởng nhất, làm sao phần đông các nhà trí thức không tức giận xã hội tư bản, một xã hội đã tước đoạt những thứ họ xứng đáng được hưởng, những thứ mà ưu thế của họ đã cho họ “quyền” được hưởng? Đáng ngạc nhiên là thái độ thù nghịch sâu cay và buồn nản của các nhà trí thức đối với xã hội tư bản – dù được che đậy dưới nhiều lý do thích hợp, thường được họ trình bày một cách công khai – vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi những lý do cụ thể đó được chứng minh là không đúng?
Nói rằng trí thức cảm thấy có quyền nhận những phần thưởng cao nhất mà xã hội nói chung có thể cung cấp (tài sản, địa vị…), tôi không có ý cho là trí thức coi những phần thưởng đó là hàng hóa có giá trị cao nhất. Có thể các nhà khoa bảng đánh giá niềm vui mà hoạt động trí tuệ mang lại cho mình hay sự kính trọng của các thế hệ sau cao hơn những phần thưởng kia. Tuy nhiên, họ cũng cảm thấy có quyền được xã hội nói chung đánh giá cao nhất – cao nhất mà xã hội có thể – mặc dù họ có thể coi phần thưởng cao nhất đó là không đáng kể. Tôi không có ý nhấn mạnh những phần thưởng sẽ chui vào hầu bao của người trí thức hay thậm chí tôn trọng cá nhân họ. Tự coi mình là trí thức, sự kiện là hoạt động trí tuệ không được đánh giá và tưởng thưởng cao nhất đã làm họ bực bội rồi.
Các nhà khoa bảng muốn toàn bộ xã hội trở thành một trường học, tương tự như môi trường nơi họ đã thành công đến mức ấy và được đánh giá cao đến mức ấy. Áp dụng những tiêu chuẩn tưởng thưởng khác với những tiêu chuẩn trong xã hội, nhà trường chắc chắn sẽ làm cho một số người sau này cảm thấy mất giá. Những người ở những vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng của nhà trường sẽ cho rằng mình có quyền giữ vị trí hàng đầu – không chỉ trong cái xã hội nhỏ bé đó mà còn có vị trí cao nhất trong xã hội rộng hơn. Những người đó sẽ căm thù cái xã hội không cư xử với mình theo đúng ước vọng và quyền mà họ tự gán cho mình. Như vậy là, hệ thống trường học tạo ra não trạng bài tư bản trong giới trí thức. Chính xác hơn, nó tạo ra não trạng bài tư bản trong giới trí thức làm việc với ngôn từ. Tại sao các “thợ rèn số” không có thái độ như các “thợ rèn chữ”? Tôi ngờ rằng những đứa trẻ sáng dạ trong tính toán – dù cũng được điểm cao trong các kỳ thi – không được thày giáo chú ý và ưu ái bằng những em nói tài. Chính khả năng giao tiếp đó mang lại cho các em phần thưởng của thày giáo, và rõ ràng là chính những phần thưởng này đã tạo ra cảm giác ưu trội của mình.
Kế hoạch hóa tập trung trong lớp học
Còn một điểm nữa cần nói thêm. Các nhà trí thức-“thợ rèn chữ” (trong tương lai) thường thành công trong hệ thống trường học chính thức, nơi những phần thưởng liên quan là do các “cơ quan quyền lực” của các giáo viên phân phát. Nhưng trong trường còn có hệ thống xã hội phi chính thức trong lớp học, ngoài hành lang, và trên sân trường, nơi phần thưởng được phân phối không theo chỉ đạo của cấp trên mà phân phối một cách tự phát, theo ý thích của các đồng môn. Ở đây các nhà trí thức không thành công đến như thế.Vì vậy, không có gì ngạc nhiên là, phân phối hàng hóa và phần thưởng thông qua một cơ chế do trung ương tổ chức được các nhà trí thức coi là thích hợp hơn là “tình trạng vô chính phủ và hỗn loạn” của thương trường. Phân phối trong khuôn khổ hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa kế hoạch tập trung so với phân phối trong một xã hội tư bản chủ nghĩa cũng tương tự như phân phối bởi các giáo viên so với phân phối trên sân trường và ngoài hành lang.
Giải thích của chúng tôi không nói các nhà trí thức (tương lai) chiếm đa số ngay trong tầng lớp thượng lưu của trường. Nhóm này có thể bao gồm phần lớn là những người có kết quả học tập nổi bật (nhưng không phải là áp đảo) và biết cách cư xử đúng mực, thích làm người khác hài lòng, có thái độ thân thiện, đắc nhân tâm, và biết chơi bằng (và tuân theo) quy tắc. Những học sinh như vậy cũng sẽ được giáo viên đánh giá cao và khen thưởng và họ cũng sẽ rất thành công trong xã hội. (Và thành công trong hệ thống xã hội phi chính thức của trường. Cho nên không thể nói những người này có thái độ đặc biệt đối với các tiêu chuẩn của hệ thống chính thức của trường.) Giải thích của chúng tôi giả định rằng các nhà trí thức (tương lai) phân bố một cách bất cân xứng trong nhóm thượng lưu (chính thức) của trường, trong tương lai chính những người này sẽ cảm thấy mất giá. Hay nói đúng hơn, họ ở trong nhóm có thể dự đoán trước được tương lai như thế của chính mình. Thái độ thù nghịch sẽ phát sinh trước khi họ bước vào thế giới rộng lớn hơn và trải nghiệm sự suy giảm địa vị xã hội thực sự, đấy là lúc người học trò thông minh nhận ra rằng trong xã hội rộng lớn hơn anh ta (có thể) sẽ không thành công bằng giai đoạn học tập hiện nay. Hậu quả không dự định trước như thế của nhà trường – não trạng bài tư bản – tất nhiên, sẽ gia tăng khi học sinh đọc sách của/được giảng dạy bởi các trí thức có thái độ bài tư bản quyết liệt.
Chắc chắn là, có một số trí thức-“thợ rèn chữ” khó tính và đấy là những học trò hay thắc mắc và vì vậy mà bị giáo viên không ưa. Họ có học được bài học rằng người giỏi nhất sẽ được phần thưởng cao nhất và có nghĩ rằng – mặc kệ thái độ của các thày giáo của họ – mình chính là những người giỏi nhất và bắt đầu ghét hệ thống phân phối của trường học ngay từ thuở đầu đời hay không? Rõ ràng là, để trả lời vấn đề này và những vấn đề khác được đặt ta ở đây, để kiểm tra và chau truốt giả thuyết mà chúng tôi đưa ra, cần phải có dữ liệu về trải nghiệm trong nhà trường của các tri thức-“thợ rèn chữ” tương lai.
Nói chung, hầu như sẽ ít người phản đối khi nói rằng các quy tắc trong trường học sẽ có ảnh hưởng đến niềm tin của người học sau khi họ đã ra trường. Nói cho cùng, bên cạnh gia đình, trường học là cơ cấu xã hội quan trọng, nơi các em học hành động, và do đó học tập là giai đoạn chuẩn bị để họ có thể hoạt động trong xã hội rộng lớn hơn. Không có gì ngạc nhiên là những người thành công theo quy tắc của trường học sẽ bất mãn với xã hội gắn bó với những quy tắc khác, tức là những quy tắc không bảo đảm cho họ thành công như trong trường học. Khi chính họ lại là những người tạo ra bức tranh của xã hội về chính mình, tạo ra đánh giá của xã hội về chính mình, thì những người bị họ thôi miên quay ra chống lại xã hội cũng đâu phải là điều đáng ngạc nhiên. Nếu bạn có trách nhiệm xây dựng xã hội từ con số không, chắc là bạn sẽ thiết kế nó sao cho các “thợ rèn chữ” – với tất cả các ảnh hưởng của họ – sẽ không bị người ta nhồi nhét vào đầu thái độ thù địch đối với các quy phạm của xã hội.
Giải thích của chúng tôi về sự mất cân đối của thái độ bài tư bản trong hàng ngũ trí thức dựa trên khái quát xã hội học hoàn toàn đáng tin.
Trong một xã hội, nơi mà ngoài gia đình, ngay từ đầu thế hệ trẻ đã tiếp cận với hệ thống hay tổ chức phân phối phần thưởng cho những người giỏi nhất trong hệ thống ấy sẽ có xu hướng tiếp thu các quy tắc của tổ chức này, và hi vọng rằng xã hội rộng lớn ngoài kia cũng sẽ hoạt động theo những quy tắc đó; họ sẽ cho rằng mình sẽ được chia phần hoặc (ít nhất) cũng có vị trí phù hợp với những quy tắc này. Hơn nữa, những người nằm trong tầng lớp thượng lưu trong hệ thống thang bậc của thiết chế đầu tiên mà họ gặp bên ngoài gia đình rồi sau đó, khi ra ngoài xã hội sẽ bị (hoặc nhìn thấy trước là sẽ bị) rơi xuống những nấc thang xã hội thấp hơn sẽ – do cảm tưởng về quyền đã bị mất – ngả sang phía phản đối hệ thống xã hội rộng lớn bên ngoài và có thái độ thù địch với những quy tắc của nó.
Xin nhớ rằng đây không phải là định luật nhất thành bất biến. Không phải tất cả những người bị mất địa vị xã hội sẽ quay sang chống lại hệ thống. Mặc dù mất địa vị xã hội là một tác nhân có thể tạo ra hiệu ứng theo hướng đó, và vì vậy mà trong một nhóm có đông người, hiệu quả của nó sẽ hiện rõ. Tầng lớp thượng lưu có thể mất địa vị xã hội bằng những cách khác nhau: họ có thể nhận được ít hơn nhóm khác hoặc (trong khi không có nhóm nào vươn lên) họ có thể vẫn nhận như thế nhưng không được nhiều hơn những người mà trước đây bị coi là thấp kém hơn. Mất địa vị theo kiểu thứ nhất đặc biệt làm người ta đau đớn và bất bình, còn kiểu thứ hai thì dễ chấp nhận hơn. Nhiều trí thức (nói rằng họ) ủng hộ quyền bình đẳng trong khi chỉ có một nhóm nhỏ coi mình là “quý tộc” mà thôi. Như vậy là, giả thuyết của chúng tôi nói rằng việc mất địa vị xã hội theo kiểu thứ nhất rất dễ gây ra sự oán ghét và lòng thù hận đối với xã hội.
Hệ thống trường học chỉ phổ biến và tưởng thưởng cho một số kỹ năng liên quan đến những thành công trong tương lai (nói cho cùng, trường học là một thiết chế mang tính chuyên môn) cho nên hệ thống khen thưởng của nó sẽ khác với hệ thống khen thưởng của xã hội bên ngoài. Điều này chắc chắn sẽ làm cho một số người – khi bước ra xã hội – bị mất địa vị xã hội và phải chịu những hậu quả kèm theo của nó. Trước đó tôi đã nói rằng các nhà trí thức muốn xã hội giống như một trường học lớn. Giờ đây chúng ta thấy rằng thái độ bất bình là do nhà trường (một hệ thống xã hội mang tính chuyên môn bên ngoài gia đình, lần đầu tiên con người tiếp xúc) lại không phải là xã hội thu nhỏ.
Theo cách giải thích của chúng tôi, dường như có thể dự đoán được rằng các nhà trí thức được học hành có thái độ chống đối xã hội mà họ đang sống chiếm tỉ lệ cao, dù đấy là xã hội tư bản hay cộng sản thì cũng thế. (So với các nhóm có địa vị kinh tế-xã hội như nhau thì trong xã hội tư bản, tỉ lệ những người trí thức có thái độ bài tư bản là cao. Câu hỏi là liệu tỉ lệ những người trí thức có thái độ thù địch với xã hội (không phải tư bản) mà họ đang sống có cao như thế hay không). Như vậy, rõ ràng là, chúng ta cần những dữ liệu nói về thái độ của trí thức trong các nước cộng sản đối với bộ máy cai trị; những người trí thức này có thái độ thù địch với hệ thống đó hay không?
Cần phải chau truốt giả thuyết của chúng tôi để không thể áp dụng (hoặc áp dụng được nhưng không chính xác đến mức đó) đối vợi mọi hình thức xã hội. Có chắc chắn là hệ thống trường học trong tất cả các xã hội nhất định sẽ tạo ra những người trí thức có thái độ chống đối xã hội khi họ không nhận được những phần thưởng cao nhất của xã hội hay không? Có lẽ là không. Xã hội tư bản đặc biệt ở chỗ nó tuyên bố công khai: chỉ có tài năng, sáng kiến cá nhân, đóng góp của cá nhân mới được tưởng thưởng mà thôi. Người lớn lên trong xã hội đẳng cấp hay phong kiến cha truyền con nối không nghĩ rằng tưởng thưởng sẽ hay phải phù hợp với giá trị của cá nhân. Xã hội tư bản chủ nghĩa chỉ tưởng thưởng cho những người đáp ứng được ước muốn – được thể hiện trên thương trường – của người khác, phù hợp với đóng góp của người đó vào nền kinh tế, chứ không phải theo giá trị của cá nhân người đó. Nhưng, nó cũng khá gần gũi với nguyên tắc tưởng thưởng theo giá trị – giá trị và đóng góp thường liên quan mật thiết với nhau – nhằm nuôi dưỡng kì vọng do nhà trường tạo ra. Đặc tính của xã hội rất gần với đặc tính của nhà trường cho nên sự gần gũi mới tạo ra oán giận. Xã hội tư bản tưởng thưởng cho thành tích của cá nhân hoặc bảo với họ rằng nó sẽ làm như vậy, vì vậy mà những người trí thức tự coi mình là những người hoàn hảo nhất, lại là những người cảm thấy cay đắng nhất.
Tôi cho rằng, ở đây còn một tác nhân khác nữa. Học sinh càng đa dạng thì nhà trường sẽ càng tạo ra thái độ bài tư bản nhiều hơn. Khi hầu như tất cả những người sẽ thành công về kinh tế trong tương lai cùng theo học các trường riêng biệt thì người trí thức sẽ không có được thái độ của những người có ưu thế hơn. Nhưng ngay cả khi nhiều trẻ em của tầng lớp thượng lưu học tại các trường riêng biệt thì xã hội cởi mở vẫn sẽ có những trường học khác, trong đó nhiều em học sinh sẽ trở thành những doanh nhân thành đạt về mặt kinh tế và sau đó các nhà trí thức sẽ bực bội khi nhớ lại rằng họ học giỏi hơn những đồng môn mà sau này trở thành giàu có hơn và quyền lực hơn. Sự cởi mở của xã hội còn có một hậu quả khác nữa. Các em học sinh, không chỉ những “thợ rèn chữ” tương lai mà cả những em khác, sẽ không biết sự nghiệp trong tương lai của mình sẽ ra sao. Họ có thể có mọi ước mơ. Xã hội đóng, không cho người ta vươn lên, sẽ bóp chết mọi hi vọng ngay từ trong trứng nước. Trong một xã hội tư bản cởi mở, các em học sinh sẽ không cam chịu ngay từ đầu những giới hạn của sự thăng tiến xã hội; dường như xã hội đã nói với họ rằng những người có năng lực nhất và có giá trị nhất sẽ vươn lên những vị trí cao nhất, còn trường học thì gửi cho những người có thành tích học tập tốt nhất thông điệp nói rằng họ là những người được đánh giá cao nhất và xứng đáng được phần thưởng lớn nhất; rồi sau này, những học sinh được khuyến khích nhất và kì vọng nhất lại thấy những đồng môn mà họ biết và thấy là kém hơn mình lại thành đạt hơn, giành được những phần thưởng cao nhất mà đáng lẽ mình phải được hưởng. Có cần ngạc nhiên không khi những người này có thái độ thù địch với xã hội?
Một vài giả thuyết khác
Như vậy là, chúng ta đã cụ thể hóa được giả thuyết ở mức độ nào đó. Không phải mọi hệ thống học đường mà hệ thống học đường trong bối cảnh xã hội cụ thể nào đó mới tạo ra trong các nhà trí thức (thợ rèn chữ) não trạng bài tư bản mà thôi. Chắc chắn là giả thuyết này cần phải được cụ thể hóa thêm nữa. Nhưng như thế cũng đủ rồi. Đây là lúc chuyển giả thuyết này cho các nhà khoa học xã hội, đưa nó khỏi lĩnh vực lí thuyết suông và chuyển cho những người nghiên cứu với các sự kiện và dữ liệu cụ thể hơn. Nhưng chúng ta vẫn có thể chỉ ra một số lĩnh vực mà giả thuyết của chúng ta có thể đưa ra những dự báo và kết quả có thể kiểm chứng được. Trước hết, có thể tiên đoán: hệ thống trường học của đất nước càng khuyến khích các học sinh tài năng thì càng có nhiều khả năng là giới trí thức của họ sẽ trở thành những người ta khuynh. (Ví dụ, nước Pháp.) Thứ hai, những người trí thức trong thời gian học ở trường mà “chín muộn” sẽ không có cùng não trạng về quyền được hưởng những phần thưởng cao nhất, vì vậy, tỉ lệ những trí thức “chín muộn” có thái độ bài tư bản sẽ ít hơn là những người có thành tích cao trong học tập ngay từ những năm đầu đời. Thứ ba, chúng tôi hạn chế giả thuyết của chúng tôi trong những xã hội (khác với xã hội đẳng cấp của Ấn Độ), nơi người học trò có thành tích học tập tốt có thể hi vọng cũng sẽ thành công như thế trong xã hội. Cho đến tận thời gian gần đây, trong xã hội phương Tây, phụ nữ không có kỳ vọng nhiều như vậy, cho nên chúng ra có thể cho rằng những học sinh nữ trong tầng lớp thượng lưu ở nhà trường nhưng sau này bị mất địa vị xã hội sẽ không có thái độ bài tư bản như các nhà trí thức nam giới. Chúng ta cũng có thể dự đoán rằng, xã hội càng bình đẳng hơn về cơ hội nghề nghiệp giữa phụ nữ và nam giới thì càng có nhiều nữ trí thức tỏ thái độ thù nghịch với chủ nghĩa tư bản như các trí thức đàn ông đang làm hiện nay.Một số độc giả có thể nghi ngờ cách giải thích về não trạng bài tư bản trong giới trí thức mà chúng tôi vừa đưa ra bên trên. Dù sao mặc lòng, tôi cho rằng chúng tôi đã định danh được một hiện tượng quan trọng. Tổng quát xã hội học mà chúng tôi đã nêu ra bằng trực giác hóa ra là có sức thuyết phục: một cái gì tương tự như thế chắc chắn phải xảy ra trên thực tế. Một số ảnh hưởng quan trọng nhất định sẽ xuất hiện trong tầng lớp “học sinh thượng lưu” mà sau này bị mất địa vị xã hội, trong nhóm người này thái độ đối kháng với xã hội nhất định sẽ xuất hiện. Nếu đấy không phải là thái độ đối lập cao của các nhà trí thức thì là gì? Chúng tôi bắt đầu với một hiện tượng khó hiểu, cần giải thích. Tôi cho rằng chúng tôi đã tìm thấy, tác nhân có thể giải thích – sau khi chúng tôi đã nói một cách rõ ràng), tác nhân này rõ ràng đến nỗi chúng ta phải tin rằng nó giải thích được một số hiện tượng xảy ra trên thực tế.
——
Tác phẩm Anarchy, State, and Utopia của nhà triết học Robert Nozick, xuất bản năm 1974, củng cố vị trí của chủ nghĩa tự do trong triết lý chính trị được giới học giả rất coi trọng. Trong tác phẩm này, Nozick bênh vực “nhà nước tối thiểu” – sau này được gọi là minarchism – và chỉ ra những biện pháp để nó có thể trở thành “khuôn khổ cho những xã hội không tưởng.”
Nhưng Nozick không chỉ quan tâm tới lý thuyết chính trị. Ông đã chú ý tới gần như tất cả các nhánh của triết học trong những công trình có tính bao quát như Philosophical Explanations, The Examined Life, and Invariances: The Structure of the Objective World.
Tự do ngôn luận trong xã hội dân sự
Trong đời sống của chúng ta hôm nay khái niệm chính trị trở thành một từ cửa miệng và rất hệ trọng. Nào là chính trị thống soái, nào là văn nghệ phục tùng chính trị, văn nghệ phục vụ chính trị, làm việc gì cũng coi là thực hiện nhiệm vụ chính trị, khi phạm sai lầm thì chịu trách nhiệm chính trị, đảng chính trị cầm quyền…Nhưng chính trị là gì? Câu chuyện tưởng đã hiển nhiên, mà hóa ra vẫn còn nhiều điều chưa rõ, thậm chí ngộ nhận.Trong chữ Hán, trị có nghĩa là quản lí (trị gia, trị quốc, thống trị, cai trị, trị an), xử lí, trừng trị (trị tội, trị bệnh). Nhưng chính trị thì nghĩa thế nào? Chữ chính thông với chữ chinh, có nghĩa là chinh phạt, dụng binh, trưng thu thuế khóa, trưng dụng của cải. Như vậy chính trị có nghĩa là quản lí, chinh phạt, thu thuế. Đó là một khái niệm thực dụng về chính trị, thiếu hẳn nội dung triết học của chính trị.
Max Weiber theo truyền thống Platon, xem chính trị là hành vi áp đặt cho người khác (đặt ra quyết sách, ra mệnh lệnh, ra nghị quyết…), tương tự như A. Smithe xem chính trị là hành vi đấu tranh với kẻ thù, tất nhiên không phải giữa cá nhân người với người, mà giữa phe phái, chính quyền, nước này nước nọ. Marx, Lenin xem chính trị là đấu tranh giai cấp, giai cấp này giành chính quyền từ tay giai cấp kia và xác lập sự thống trị. Chính trị là vấn đề chính quyền, nhà nước, chuyên chính của tập đoàn thống trị. Lenin nói chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế là với ý nắm quyền cai trị về kinh tế, xã hội. Nắm chính quyền để chi phối kinh tế. Mao Trạch Đông nói vấn đề chính trị là vấn đề làm sao để phe ta ngày càng đông, càng mạnh, còn phe địch ngày cáng yếu để đi tới tiêu diệt chúng. Chính quyền là từ họng súng mà ra. Chính trị tức là dùng bạo lực để giành quyền thống trị. Mao nói chính quyền đẻ ra từ họng súng. Như thế toàn bộ chính trị là vấn đề quyền lực và bạo lực. Các tổ chức, đoàn thể xã hội, nói rộng ra là cả hệ thống chính trị chẳng qua là các phương tiện tổ chức lực lượng, lập mặt trận để chọi nhau, giữ chặt quyền lợi. Thực chất của các tổ chức, đoàn thể ấy là nhằm khiến cho người dân đem quyền của mình giao phó cho một nhóm người sử dụng, vì lợi ích chung. Nhưng khi đã nắm được quyền rồi thì nhóm người kia có thực hiện ý chí, nguyện vọng của dân chúng hay không lại là chuyện khác. Để bảo về lợi ích của mình, nhóm chính quyền bèn sử dụng bạo lực, quyền lực trói buộc dân chúng. Như thế, theo Arendt, khái niệm chính trị lưu hành chỉ là một nội dung thực dụng của chính trị chứ chưa phải khái niệm chính trị đích thực. Chính trị đích thực không phải là quyền lực, bạo lực, mà là khái niệm đảm bảo quyền làm chủ của mọi người dân trong xã hội. Ở nước ta các chính khách cộng sản cũng nhiều lần nêu lí tưởng nhân dân làm chủ, làm chủ tập thể, nói mọi việc phải để cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhưng vì thiếu khái niệm chính trị đích thực cho nên lí tưởng ấy cho đến nay vẫn chỉ là nói suông, chưa hề được thực hiện, còn cái được thực hiện thì chỉ là quyền lực duy ý chí của một nhóm người.
Bà Hannah Arendt, người Mĩ gốc Do Thái, từng trốn thoát khỏi nước Đức phát xít, sang Mĩ, từ nghiên cứu Nguồn gốc của chế độ toàn trị, nghiên cứu bạo lực, quyền lực, trong tác phẩm Điều kiện của con người (Human Condition) bà đã nêu ra khái niệm mới về chính trị, khái niệm chính trị đích thực. Theo bà cái mà chúng ta vẫn thường nói là chính trị ”(politics) trên đây chỉ là một bộ phận của chính trị đích thực ”(authentically political), hơn thế , là khái niệm ưu tiên so với mọi hoạt động khác của nhân loại.
Khác với tất cả các khái niệm chính trị vừa nêu ở trên, theo bà, chính trị là là một hành động, mà nội dung hành động đó là công khai phát ngôn về sự vụ công cộng của xã hội. Cái lĩnh vực mà mọi người đều được công khai, bình đẳng bày tỏ ý kiến của mình về các sự vụ công cộng của xã hội, đó là chính trị đích thực. Theo nội dung này thì bạo lực không phải là chính trị, mà chỉ là đối lập với chính trị, phi chính trị, phủ nhận chính trị. Thống trị cũng không phải là chính trị mà là cái đối lập với chính trị. Chính trị nảy sinh từ giữa sự công sinh, cùng tồn tại giữa người với người, chứ không phải giữa ta với kẻ thù. Arendt cho rằng bản chất của hành động chính trị là phi bạo lực, phi áp đặt, do đó nó phải được tiến hành thông qua sự trao đổi, bàn bạc. Hành động chính trị đích thực là phát ngôn, thông qua phương thức thảo luận và thuyết phục để trao đổi quan điểm về xã hội.
Trong bài Bàn về bạo lực Arendt chi ra, một cái nọc độc mà nhiều sách báo chính trị nêu ra là, cho rằng quyền lực bắt nguồn từ bản năng thống trị, từ niềm khoái cảm được đè đầu cưỡi cổ người khác. Theo đó quyền lực tức là cưỡng bức người khác làm theo ý chí của mình, hoặc là bất chấp sự phản kháng của người khác, bắt người khác làm theo mệnh lệnh của mình. Hiểu như thế thì chính trị chỉ có nghĩa là sự chi phối, sự cưỡng bức, sự đàn áp, đó là một ngộ nhận về bản chất của chính trị, là đem bạo lực”(violence) đánh đồng với quyền lực (power). Xem bạo lực là thể hiện của quyền lực, biến chính trị thành sự tranh giành bằng bạo lực, xem bạo lực là quyền lực rốt ráo của con người. Những cách hiểu đó khiến cho khái niệm chính trị mất đi ý nghĩa đích thực của nó. Bà chế giễu nói: Nếu bản chất của sức mạnh quyền lực là sự chi phối thì, có quyền lực nào mạnh hơn họng súng? Khi đó, cái mệnh lệnh của viên cảnh sát và mệnh lệnh của một tên cướp có gì khác nhau?” Vì thế bà không xem cái sức mạnh xây dựng trên bạo lực và quyền lực là chính trị. và cũng không xem cuộc đấu tranh giành quyền lực đó là chính trị. Làm như thế để khẳng định tính chất phi bạo lực của chính trị và của quyền lực. Đối với bà chính trị và quyền lực đều chỉ có ý nghĩa tốt, không mang nghĩa xấu. Chính trị là một hành động hiệp thương bình đẳng giữa người và người về công vụ của xã hội, và từ trong hiệp thương đó mà nảy sinh ra quyền lực, một sức mạnh được mọi người tôn trọng, tự nguyện tuân theo. Một chính trị xây dựng trên nền tảng các ý kiến bất bình đẳng của một số ít người, đa sô người khác không được bày tỏ ý kiến, buộc phải duy trì bằng bạo lực, là thứ chính trị bất hợp pháp. Lức đó quyền lực kia chỉ còn thuần túy là bạo lực mà không có chút chính trị nào. Sự tham dự của công dân là bản chất của quyên lực (trong điều kiện không tham dự trực tiếp công dân có thể dùng phương thức ủy quyền để thực hiện quyền lực).
Trong tác phẩm Điều kiện của con người, bà phân biệt lao động (labor), làm việc, công tác(work), và hành động (action), Ba loại hoạt động này ứng với ba điều kiện tồn tại của con người. Lao động là các hoạt động đáp ứng nhu cầu cuộc sống, bao gồm nhu cầu sinh lí tự nhiên của con người từ khi sinh ra cho đến khi chết, như ăn uống, bài tiết, tắm rửa…Làm việc là thực hiện các việc làm ra các sản phẩm phi tự nhiên, như sản xuất, làm các việc trong các cơ quan, quân đội…Nó ứng với cái phần phi tự nhiên của tồn tại con người. Công tác “sáng tạo ra một thế giới nhân tạo hoàn toàn khác với hoàn cảnh tự nhiên. Các công việc này đều vượt qua nhu cầu tồn tại của cá thể. Vậy hoạt động là gì? Theo Arendt hoạt động là từ đồng nghĩa với chính trị và thực tiễn chính trị. Hành động là hoạt động khác hẳn với lao động hay làm việc, bởi lao động hay làm việc đều lấy nhu cầu kinh tế vật chất làm hạt nhân. Các hoạt động đó không tạo thành điều kiện cho hoạt động chính trị. Tương ứng với điều đó, cái không gian mà thực tiễn chính trị triển khai, tức là không gian công cộng, nhất định phải phân biệt với không gian hoạt động kinh tế. Công việc kinh tế mà chính trị hóa, hoặc là xóa bỏ ranh giới giữa lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực hoạt động công cộng thì sẽ hủy hoại hoạt động chính trị và không gian công cộng. Vậy thực chất hoạt động chính trị là gì? Đó là hoạt động nói năng, bày tỏ ý kiến của mình về các sự vụ chung của xã hội, nhằm tạo ra một cuộc sống hợp lí tốt đẹp cho mọi người. Nội dung của hành động chính trị tức là bản thân chính trị. Hoạt động chính trị tức là dùng lời nói để bày tỏ chính kiến. Nội dung của hoạt động chính trị đó tức là thảo luận và bàn bạc, dùng cách gì để bảo hộ một tổ chức chính trị. Lí do tồn tại của tổ chức chính trị đó là thông qua thảo luận, bàn bạc tự do nhằm thực hiện các công vụ xã hội. Trong tình hình nguy cấp, nó có thể thảo luận nhằm sáng tạo một chính phủ như thế nào để thể chế hóa các cuộc thảo luận tự phát. Các vấn đề liên quan đến hiến pháp, tinh thần pháp luật và giải thích pháp luật đều là các vấn đề chính trị cần được thảo luận công khai tự do.
Bàn đến chính trị với tư cách là chính trị, hay là bàn đến chính trị như là sự phát ngôn, – cái mà chính trị này đề cập tới là sáng tạo và duy trì các điều kiện tiền đề cho các phát ngôn, bàn bạc này được thực hiện. Như thế có nghĩa là chính trị là mục đích tự thân của chính trị. Chính trị chỉ tồn tại khi bày tỏ ý kiến về công việc công cộng, chính trị không vụ lợi và luôn nghiêm túc.
Arendt cho rằng chỉ khi tuyệt đại bộ phận nhân dân tham gia vào đời sống chính trị như thế thì chính trị đích thực mới xuất hiện. Phẩm chất quan trong để tham gia đời sống chính trị là dũng cảm, theo đòi phúc lợi công cộng, thích thú với tự do công cộng, khát khao mong công dân bày tỏ các chính kiến khác biệt của họ, bất kể địa vị xã hội của người ấy như thế nào, hơn nữa không liên quan gì đến niềm vui sau khi thắng lợi. Trong các phẩm chất ấy duy nhất không có quyền lực. Khác với Nietzsche, Arendt cho rằng “nhiệt tình chính trị” không có tác dụng gì trong chính trị.
Khái niệm chính trị của Arendt có nội hàm rất phong phú và độc đáo. Chúng tôi không có tham vọng trong bài viết ngắn trình bày nó. Chỉ riêng phần chính trị là lĩnh vực mà mọi người đều được công khai, bình đẳng bày tỏ ý kiến của mình về các sự vụ công cộng của xã hội, đó là chính trị đích thực thuộc xã hội dân sự. Nó đối lập với bạo lực, quản lí. Nếu tước bỏ nó, hay giới hạn nó, hay nhà nước hóa nó đều là thủ tiêu xã hội dân sự. Chỉ có hiểu chính trị như là lĩnh vực của xã hội dân sự thì mới xử lí đúng vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí. Chỉ có tự do ngôn luận thì người dân mới góp phần kiểm soát, bày tỏ ý kiến đối với các quyết sách, chủ trương của nhà quản lí, một khi họ đi ngược lại nguyện vọng của người dân. Tự do ngôn luận là một cơ chế liên hệ ngược của xã hội. Nếu không, thì sau khi bỏ lá phiều bầu các vị quản lí, cũng đồng nghĩa với việc bỏ phiếu cho sự phụ thuộc, nô lệ của chính mình. Còn đâu là tính chất chủ nhân của người dân trong một nước dân chủ?
(Qua cách hiểu về khái niệm chính trị của Hannah Arendt)
Trần Đình Sử
Theo Blog Trần Đình Sử
Ai chịu trách nhiệm về việc xả lũ vào dân?
Miền Trung tan hoang vì lũ, Hốt hoảng chạy lũ, Bất ngờ vì lũ, Vật lộn
với lũ dữ… là những tít báo ngập tràn cuối tuần qua. Thương thay miền
Trung, vừa thoát bão thì nay lại lũ ập xuống đầu mà trong đó có phần
chính là nước từ 15 hồ thủy điện đồng loạt xả tràn. Chết người, mất tài
sản, ai phải chịu trách nhiệm?
Người dân miền Trung bồng bế nhau chạy lũ |
Tính đến hết ngày 16.11, tại 6 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có
29 người chết, 8 người mất tích, hàng chục nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm,
giao thông chia cắt... vì trận lũ lịch sử. Con số đau lòng này e là sẽ
càng tiếp tục tăng lên vì mưa lũ vẫn chưa có điểm dừng.
Trong số những người chết vì lũ, có cái chết thương tâm của 2 cô giáo
trẻ ở hai ngôi trường nhỏ tại xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia
Lai) đang trên đường đến với học trò. Có nhiều em bé trên đường đến
trường, có em nhỏ bơi qua sông chăn bò bị lũ cuốn trôi…Phận người mong
manh trong cơn đại hồng thủy.
Ông Phạm Thế Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: Các hồ chứa
nước thủy điện xả lũ mà báo trước quá gấp nên dân trở tay không kịp,
nhiều gia đình chỉ kịp chạy tháo thân mà không kịp mang theo gì, tất cả
tài sản bị nhấn chìm dưới nước.
Đã nhiều năm nay, miền Trung khốn khổ vì các nhà máy thủy điện, nhà máy
thủy điện xây tràn lan thiếu quy hoạch, dung tích hồ chứa nước bé, cứ
đến mùa mưa lũ chẳng còn cách nào khác là xả lũ xuống đầu dân ở hạ du.
Nước trong hồ chứa xả ra hòa lẫn với nước sông, dâng cao tràn vào làng
xóm, giết hại dân lành, nhấn chìm nhà cửa, hoa màu, thật là một tội ác
âm thầm và êm thấm.
Báo Tuổi trẻ cho biết, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, phần tiếp thu,
giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng để kết thúc cuộc
thảo luận về kết quả rà soát quy hoạch thủy điện cũng không khiến các
đại biểu hài lòng, có người đã nói thẳng: “Không hiểu Bộ trưởng nói gì”
khi ông Vũ Huy Hoàng cho biết: “Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời
kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của
Chính phủ hay Bộ Công thương... Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải
chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ, ngành
này hay bộ, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”.
Những mái nhà dân chìm trong nước |
Cấp Bộ thì đổ lỗi cho cấp địa phương phê duyệt quy hoạch, nhưng cấp địa
phương lại phản pháo cho rằng không lãnh đạo địa phương nào dám đặt bút
ký quy hoạch thủy điện của địa phương mình nếu không có sự đồng thuận
của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Giữa cái đống bùng nhùng của các vị đá qua đá lại quả bóng trách nhiệm đó, năm nào dân cũng chết vì lũ, mất nhà cửa, mất cơ nghiệp vì lũ, trong đó đóng góp một phần trách nhiệm lớn từ thủy điện xả lũ và việc phá rừng tràn lan làm thủy điện.
Nhìn cảnh lũ mênh mông nhấn chìm những nóc nhà, cuốn trôi cầu huyết mạch trên Quốc lộ 1A ở Bình Định, đường Gia Lai sạt lở và bị đứt tuyến giao thông, người dân bồng bế nhau chạy lũ, rối ren như kiến chạy mưa càng thấy xót thương và bức xúc.
Chúng ta đã tốn tiền thuế cho một bộ máy gồm những người chịu trách nhiệm phê duyệt các quy hoạch ở cấp Bộ, những người có trách nhiệm kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của thủy điện tại các địa phương hàng bao nhiêu năm qua ra sao để hàng chục năm nay, dân vẫn phải gánh chịu những “nhân tai” như vậy?
Người chết, nhà mất, đường sá cầu cống trong phút chốc tan hoang và việc khắc phục sẽ kéo theo sự tốn phí bao nhiêu tiền của, thời gian, sức người. Tất cả chỉ là hệ lụy của những chữ ký vô trách nhiệm, của tầm nhìn ngắn hạn, của những báo cáo thẩm tra qua quýt bị che mờ bởi lợi ích nhóm.
Tất nhiên, người thiệt thòi mất mát bao giờ cũng là dân, dân nghèo cùng đinh và chẳng biết kêu ai, ngửa mặt lên Trời thì Trời chẳng thấu, nhìn bốn bề xung quanh thì chỉ có nước là nước, trong cơn đại hồng thủy nhấn chìm tất cả. 29 người đã chết và bao nhiêu người mất tích, ai sẽ nói với họ rằng họ chết bởi vì đâu, trách nhiệm tại ai?
Một đồng nghiệp của tôi- người có nhiệm vụ theo dõi kỳ họp Quốc hội đang diễn ra đã chia sẻ một con số rất đáng chú ý này: “Trong 498 đại biểu Quốc hội được hỏi xin ý kiến sẽ chất vấn ai, thì có 202 vị chẳng có ý kiến gì, nghĩa là ai cũng được. Điều này nghĩa là sao nhỉ? Các đại biểu ấy đã thực sự chán ngấy với bất cứ thành viên Chính phủ nào trả lời nên ai chẳng được? Hay họ đã hoàn toàn vô cảm trước bức xúc cử tri về lũ lụt, về giá-lương-tiền, về những vụ án oan, về những cái chết tức tưởi của người dân khi gặp bác sĩ?”
Thật sợ hãi biết bao khi trước những tai họa mà người dân đang hàng ngày gánh chịu, những người chịu trách nhiệm là đại-biểu- của-dân, để bảo vệ quyền lợi của dân lại im lặng, thờ ơ, vô cảm thế này.
Sự thờ ơ, nín câm, vô cảm này đang gây ra “nhân tai” cho chính chúng ta, và cái thứ “nhân tai” này mới đáng sợ làm sao, ghê rợn hơn nhiều “thiên tai” khi nó đến từ sự dốt nát và lạnh lùng của chính con người.
Mi An
(Đất Việt)
Nhà giáo Phạm Toàn - Về những tấm lòng lo chuyện “dạy người”
“Tôi rất buồn. Đất nước đang nằm trong tay những kẻ thiếu trí khôn. Một quyết định của bọn người thiếu trí khôn, ngay cả trí khôn của con vật cũng không thấy có: con vật còn biết liếm láp những giá trị người.”
Phạm Toàn
|
Cái tâm trạng hoang mang cuối thế kỷ 19 gửi trong mấy lời như thế mất phương hướng đó, cho đến cuối thế kỷ trước, vẫn còn được chiêm bái vì thấy ở đó một vẻ đẹp như một ý Thơ. Cũng có người đùa giỡn với ý thơ đó, ấy là ông giám đốc nhiệm kỳ trước của Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội. Trong cái vóc dáng cao kều lòng khòng, có lần Patrick Michel (tên ông) đã đùa Tôi đang ở đây, tôi ờ nhà tới đây, và lát nữa tôi lại về nhà. Đó là câu nói đùa, nhưng không báng bổ ý tưởng đã được Gauguin bày tỏ. Đùa vì thấy mình như thể đã bất lực nếu vận dụng vào việc dạy người – một nhiệm vụ quá ư nặng nề. Ông Patrick Michel lại có nét mặt vui vẻ hóm hình luôn luôn tươi cười, nên khi ông bày tỏ sự bất lực thì ai cũng thấy yêu thương con người chân thành nói ra sự hoang mang của mình. Nét mặt ông bạn này hoàn toàn không vô cảm và nói chuyện dạy người như là nói “khoán”, nói lấy được, nói cho xong chuyện, nói vu vơ, nói chỉ để mà nói nhân dịp lễ lạt nào đó.
|
Chọi lại vế câu đối nhấn vào chữ Lễ kia giờ đây là cả loạt khẩu hiệu “hấp dẫn”. Dường như xã hội đã thấy ít nhất là một vế đối trong quan điểm Học đam mê, Sống tự chủ, mong muốn các em học sinh biết tôn trọng – sáng tạo – yêu thương như một cái nhìn mới trong quan điểm giáo dục hiện đại kết hợp giữa ba thành phần nhà trường – gia đình – học sinh cùng nhau tạo ra một xã hội phát triển bền vững với chân dung học sinh: Tư duy linh hoạt; Vững vàng tri thức; Thành thạo kỹ năng; Thể chất lành mạnh và Sẵn sàng hội nhập.
|
Và một điều phản biện thứ hai: dường như chỉ có thể tham gia vào ngôi trường tuyệt đẹp của Giáp Văn Dương là những người học đã có ý thức về tự do và đang vươn tới cái Tự do lớn hơn.
Hoang mang đến đau lòng là tâm trạng bất lực của các nhà giáo dục. Nỗi hoang mang lặp lại của họa sĩ Gauguin, nhưng đương thời hơn, sống còn hơn. Ta sẽ hy vọng vào cái gì?
Hãy để các nhà sư phạm tự do sáng tạo hơn nữa. Khó tìm thấy lối thoát khác.
Phạm Toàn - 2013
Bài và hình ảnh do tác giả gởi.
Buổi nói chuyện của chương trình Từ Cánh Đồng Mây với NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN: Xin bấm tại đây để nghe
Một dòng sông và chín con rồng
Bernd Schiller
Phan Ba dịch
Trích từ “Mekong – Từ nóc nhà của thế giới cho tới vùng châu thổ của chín con rồng”
Trên đường từ Campuchia ra biển Đông.
Ngay sau biên giới, đã ở Việt Nam, dòng sông rộng tỏa ra thành tám nhánh
sông lớn, phân ra thành một mạng lưới dầy đặc của hàng trăm con sông
nhỏ, được nối liền với nhau bởi hàng chục con kênh đào. Chúng ta đã tới
vùng châu thổ sông Cửu Long, kết thúc vang dội của một chuyến du lịch
dài qua Đông Nam Á. Tám nhánh sông tạo thành các huyết mạch của vùng
châu thổ này, nhưng đối với người Việt thì đó là chín con rồng, đang
canh giữ chén cơm của họ, vườn trái cây và vườn rau của họ, một thế giới
lưỡng cư kỳ diệu, nuôi sống ba mươi triệu người, toàn bộ miền Nam Việt
Nam.
Chín con rồng? Tại sao là chín, khi cái phểu chỉ có tám nhánh thôi? Cho
tới tận cửa sông có nhiều nhánh của nó, sông Mekong vẫn là một thủy lộ
huyền thoại. Trước khi tám nhánh sông chính này đổ ra biển, người Việt
đã mang một con rồng ảo nhập vào với chúng, vì chín là con số may mắn
của họ. Có lẽ họ chỉ muốn chọc giận láng giềng Trung Quốc của họ thôi,
những kẻ thù truyền kiếp và không đội trời chung ở Trung Quốc mà đối với
những người đó thì tám có nghĩa là hạnh phúc cao nhất, trong khi số
chín là điều ngược lại thì nhiều hơn (ở Sài Gòn và Hà Nội – và nhất là ở
Hongkong, Thượng Hải và Singapore – triệu phú người Trung Quốc mua bảng
số xe có nhiều con số tám với những số tiền dollar năm hay sáu con số).
Cho tới trước đây hai trăm năm, chỉ có
một ít người sinh sống trong mê cung lưỡng cư này, cái đã được xem là
một địa ngục sốt rét. Vùng này ngày xưa thuộc người Khmer, vẫn còn có
khoảng hai mươi ngàn người sống trong miền cực Nam của Việt Nam. Vẫn còn
âm ỉ ở Campuchia là ý nghĩ, rằng vùng đất hiện nay đang hết sức thành
công này “thật ra là thuộc chúng tôi”. Nhưng không còn có thể vượt qua
chín con rồng và một đất nước mạnh với một ý thức quốc gia hết sức rõ
nét được nữa.
Ngày nay, khoảng bảy mươi năm sau khi
người Việt, được các ông chủ thuộc địa người Pháp tiếp tay, đã tạo dựng
cánh đồng lúa lớn nhất thế giới từ một vùng đất bồi bị ô nhiễm, vẫn còn
có khoảng mười bốn của gần mười bảy triệu người dân vùng châu thổ này
sống nhờ vào nông nghiệp và đánh cá. Không có nơi nào trên cuộc hành
trình của nó từ nóc nhà thế giới cho tới quê hương của chín con rồng mà
dòng sông Mekong lại chào mời một cuộc sống căng tròn sức sống như ở
đây, không nơi nào mà châu Á nhiệt đới lại tự phô bày mình ra với nhiều
trải nghiệm tựa chừng rất quen thuộc như ở đây, nơi mà tất cả các tôn
giáo của châu lục đến thăm viếng chúa trời và thần thánh của họ một cách
hòa bình, cùng nhau và cạnh nhau, trong các đền, chùa, nhà thờ và thánh
đường Hồi giáo.
Chúng ta quen thuộc với những cảnh quang
đó, ngay cả khi chúng ta chưa từ tới vùng châu thổ, chưa từng tới Việt
Nam: châu Á, lao động và tươi cười, châu Á giống như mỗi người chúng ta
đã từng nhìn thấy trong những quyển sách ảnh, trong những quyển
catalogue du lịch và phim tài liệu truyền hình. Ở đó là người phụ nữ
mảnh khảnh, với chiếc mũ hình nón đặc trưng bằng rơm, đang cực nhọc chèo
chống một con thuyền xuyên qua khu rừng đước. Ở đó là đoàn sà lan chạy
bình bịch chậm rãi trên một nhánh sông. Ở đó là chiếc thuyền làm nơi ở
và buôn bán, có người bà đang rửa rau, hai người phụ nữ trẻ đang chất bí
lên thành một kim tự tháp, một người đàn ông già đang ngồi hút thuốc
trên chiếc ghế mây và một đứa bé sơ sinh trên võng, được người chị của
nó đu đưa ru ngủ.
Và ở đó, giống như dàn cảnh, là một nhóm
thiếu nữ có hình dáng yêu kiều trong chiếc áo dài màu trắng đang đạp xe
đến trường. Ở đó, trẻ con nằm trên lưng trâu, để cho chúng thong thả
mang mình về nhà. Ở đó có những đứa bé chăn vịt, đứng ngập trong nước lợ
cho tới hông, đang điều khiển một đàn vịt lớn trở về chuồng. Lá dừa óng
ánh trong ánh sáng bình minh. Ba phụ nữ quý phái người Hoa chia sẻ cùng
một chiếc xích lô, trên đường tới một đền thờ đầy huyền bí trong hang
động, ở đâu đó ngoài Châu Đốc.
Nếu không từ Sài Gòn đến chỉ vì một
chuyến đi chơi trong ngày thì phần lớn đều qua Châu Đốc đến vùng châu
thổ. Nó không phải là thành phố lớn nhất, nhưng là thành phố đa dạng
nhất trong vùng. Đa văn hóa theo kiểu Á châu: người Việt, Chàm, Khmer và
Hoa chung sống hòa bình ở đây. Tàu lớn chở hàng, phà và thuyền tam bản
ra vào cảng. Dòng sông rộng lớn đang có những hoạt động này diễn ra ở
trên đó có tên là Hậu Giang, và là nhánh cực Tây của Mekong, con rồng
thứ Tám. Biên giới ở sông Tiền cách đó chỉ ba mươi kilômét, bốn mươi lăm
phút đường thủy.
Trên đảo Châu Giang, ở rìa thành phố,
kinh Coran thống trị cuộc sống thường ngày. Người Chàm theo Hồi giáo
sống ở đó, trồng lúa và hái dừa. Trong trang phục và truyền thống, những
người Hồi giáo trên hòn đảo này, đàn ông đánh cá và phụ nữ dệt những
tấm lụa có chất lượng cao, sống theo một truyền thống
Malaysia-Indonesia. Đó là một cộng đồng Hồi giáo yêu hòa bình, trong cử
chỉ và âm lượng thì dè dặt hơn người Việt cởi mở và hướng ngoại nhiều
hơn.
Tất cả các đền chùa của các tôn giáo Á
châu xưa cũ đều nằm trên hay quanh núi Sam, một ngọn núi thiêng, nhô lên
cao hai trăm ba mươi mét từ những cánh đồng lúa tại Châu Đốc. Người ta
cho rằng nó đã là một trung tâm hành hương ngay từ thời xa xưa, thời đó
thờ phụng các thần Shiva và Vishnu của đạo Hindu. Ở chân núi Sam, ngôi
miếu thờ rộng lớn, sặc sỡ nhiều màu sắc và mang nhiều tính Trung Quốc
của nữ thần phồn thực Bà Chúa Xứ sẽ để cho người du khách kinh ngạc. Ở
đây, trong vùng châu thổ, dòng sông Mekong không còn là dòng sông riêng
của Đức Phật nữa.
Nhưng ở nơi mà Ngài được tôn thờ thì Ngài
tự biểu lộ mình ra trong đặc trưng của trường phái Đại Thừa, trong hình
ảnh của Đức Phật tươi cười, no đủ của tương lai, được gọi là Maitreya ở
miền Bắc châu Á và ở đây trong miền Nam Việt Nam là Di Lặc. Trong các
ngôi đền thờ Ngài, và phần lớn cũng có chỗ cho các thần thánh của đạo
Lão và đạo Khổng, người ta nói chuyện với nhau, tung những mảnh gỗ hình
bán nguyệt lên cao mà những con số của nó đưa ra thông tin về thành công
hay thất bại, và đốt nhang. Đức Phật có bụng to này tỏa ra sự lạc quan
phù hợp với người dân lạc quan, hân hoan hướng tới cuộc sống của vùng
châu thổ.
“Đó thật sự … (vẫn) còn là … dòng sông
Mekong. Một ngôi làng của những chiếc thuyền tam bản. Bắt đầu của vùng
châu thổ. Chấm dứt dòng sông…” Marguerite Duras đã ghi lại ấn tượng đầu
tiên của bà như thế. Trong các quyển sách của bà, người nữ thi sĩ vĩ đại
đó của vùng nhiệt đới Đông Dương luôn mô tả lại bầu không khí uể oải,
oi bức của thời thuộc địa. Ai muốn tìm theo dấu vết của bà thì phải tốn
ít công sức, ví dụ như ở Sa Đéc, thành phố tươi đẹp nhiều hoa giữa hai
nhánh sông. Hầu như không có ai ở đó còn biết ngôi trường mà mẹ bà đã
lãnh đạo mười năm trời. Và còn ít hơn nữa là con số của những người dân
địa phương biết ngôi nhà của chàng công tử gốc Hoa đó ở đâu, người làm
mẫu cho “Người Tình”, nhân vật chính của quyển tiểu thuyết có lẽ là tự
truyện mà bà đã nổi tiếng thế giới với nó nhiều thập niên sau khi rời
vùng châu thổ.
Trong khi đó thì ngôi biệt thự tối tăm
của người Hoa giàu có này nằm ngay cạnh sông Tiền, một nhánh lớn của
sông Mekong. Có thể tới tham quan nó, cũng có thể là một bữa ăn tối với
hậu cảnh nguyên thủy của quyển tiểu thuyết được chuyển thể phim ngay tại
chỗ. Sa Đéc với bầu không khí vẫn còn yên tịnh cho tới nay của nó tạo
điều kiện dễ dàng cho một cuộc hành trình trở về những năm ba mươi của
thế kỷ trước. Ai lang thang qua các ngõ hẻm, nhìn vào các cửa hàng mua
bán mang dấu ấn của người Hoa, và để cho dọn lên món cá tươi và thịt
nguội dưới ánh nến trong ngôi nhà của Người Tình, thì sau đó sẽ có thể
thưởng thức được nhiều hơn nữa những ấn tượng của Marguerite Duras.
Vào thời của bà, dòng sông Mekong trong
vùng châu thổ nóng bức, như bà viết, đã “gom lại tất cả những gì mà nó …
gặp từ vùng rừng nguyên thủy của Campuchia. Nó mang đi cùng những gì
đến với nó, nhà lá, rừng, cọp và trâu chết đuối … tất cả đều lơ lững
trong dòng sông đầy sức mạnh này”. Nhưng nước của con sông này, cùng với
lượng mưa hàng năm từ những đám mây mùa mưa, từ lâu cũng đã mang lại sự
thịnh vượng, cũng hạnh phúc nữa, tới Việt Nam. Ngay cả con rồng thứ
chín cũng không thể ngăn cản được, rằng vùng châu thổ này đã thích ứng
với một thời kỳ mới và sẽ còn thay đổi nhiều hơn nữa.
Ví như mới đây con đường cao tốc từ Sài
Gòn tới Trung Lương đã rút gắn đáng kể thời gian đi về vùng châu thổ,
gắn kết vùng này chặt chẽ hơn nữa với thành phố lớn đó của Nam Việt Nam
và sự phát triển hết sức nhanh chóng của nó. Những cây cầu mới, ví dụ
như giữa Mỹ Tho, một thành phố cho tới ngày nay vẫn còn mang nhiều tính
cách Pháp ở cạnh dòng sông cùng tên, và Bến Tre, thị trấn chính của vùng
trồng dừa, đã làm cho sự tiếp cận tới những vùng đất đó dễ dàng hơn,
những vùng mà cho tới nay chỉ có thể tới được bằng phà. Nhiều khu công
nghiệp thành hình, làm thay đổi cấu trúc xã hội và tăng tốc sự đô thị
hóa.
Cần Thơ, với gần một triệu rưỡi dân cư là
thành phố lớn nhất của vùng châu thổ, thu hút cũng như Sài Gòn ngày
càng nhiều người từ thôn quê. Nhiều nông dân không còn biết phải thuê
người giúp thu hoạch vụ mùa từ đâu, vì giới trẻ tìm thấy việc làm được
trả tiền tốt hơn ở Sài Gòn hay trong vùng châu thổ. Vận tải rau quả,
trái cây và cá dịch chuyển từ thủy lộ lên đường bộ. Gỗ tốt để đóng tàu
theo truyền thống bây giờ đã đắt tiền cho tới mức ngày càng có nhiều tàu
thuyền được đóng bằng sắt thép. Cả diện tích trồng lúa cũng giảm xuống
nữa, vì cần dùng chỗ cho nhà máy mới. Cùng với sự thâm nhập của fast
food thì tiêu thụ gạo thế nào đi chăng nữa cũng đã giảm xuống ở các
thành phố lớn.
Tuy vậy, những ngôi chợ nổi vẫn tiếp tục
là nét đặc sắc của vùng châu thổ này thêm nhiều năm nữa, và tạo hạnh
phúc cho các nhiếp ảnh gia. Cách Cần Thơ không xa, ở Cái Răng, nơi mua
bán lớn nhất và nổi tiếng nhất trong số những nơi mua bán kỳ lạ cho các
sản phẩm của vùng châu thổ, người ta vẫn trả giá, ăn uống trên sông
nước, và len lỏi bằng thuyền đủ mọi kiểu qua cái nơi đông đúc đó, từ lúc
mặt trời mọc cho tới giữa trưa, cũng như bao nhiêu lâu nay. Cá cũng
nhảy múa vào mỗi buổi sáng cả ở Phong Điền, cũng trên Hậu Giang, hay ở
Trà Ôn, một ngã tư sông, hay Phụng Hiệp nằm cách Cần Thơ xa hơn và vì
vậy mà ít mang vẻ du lịch hơn. Cái mát lạnh của sáng sớm giữ cho hàng
hóa được tươi, vì vậy mà những người phụ nữ nội trợ và lái buôn đã đến
nơi đây ngay từ lúc sáu tới bảy giờ.
Ở đó, người ta hầu như không còn cảm nhận
được tình trạng rời bỏ thôn quê và những thay đổi trong xã hội nữa. Có
nhiều khả năng hơn là người ta sẽ cảm nhận được như Graham Green, người
cách xa cái náo nhiệt thành phố lớn của Sài Gòn đã còn không thể tưởng
tượng ra được, rằng “đã từng là bảy giờ tối, giờ uống cocktail trên sân
thượng của ‘Majestic’ …” Ở đó, ở thành phố đang bùng nổ mà sau khi người
cộng sản miền Bắc chiến thắng người Mỹ và miền Nam có tên là thành phố
Hồ Chí Minh, là nơi phần lớn khách du lịch của thời chúng ta sẽ chấm dứt
chuyến đi du lịch quanh huyền thoại Mekong.
Nể dâm
Giữa buổi sáng, ở một làng quê không gian tĩnh mịch bởi mọi người đang
mải mê công việc đồng áng,những đứa trẻ hội tụ đến trường. Làng chỉ còn
lại các ông bà già đã hết tuổi lao động, cùng mấy cháu nhỏ chưa đi mẫu
giáo và vài ba chị ở cữ.Bỗng ở đầu làng có tiếng hô hoán:
- Bắt lấy nó!bắt nó lại!
Nghe ra đó là tiếng của anh con trai cả của bà Mãn, nhà đầu làng. Ai nấy
đều nghĩ: có trộm. Mọi người tức tốc chạy đến hòng bủa vây bắt kẻ gian.
Đến nơi, kẻ gian đã bị mấy anh em con nhà bà Mãn trói cánh khỉ vào cột
chăng dây phơi quần áo trước sân nhà.
- Trời ạ, ông Lang! Mọi người ngạc nhiên thốt lên.
- Làm sao đến nông nỗi này? Một người rất thân quen với ông lang hỏi.
Ông gằm mặt xuống không nói không rằng. Dân làng ở đây chẳng biết chính
xác quê ông ở đâu, tên thật ông là gì, ông bao nhiêu tuổi. Mọi người cứ
quen gọi: ông Lang, vì ông làm nghề bắt mạch bốc thuốc. Có người khen,
cũng có người chê bai về tay nghề chẩn đoán bệnh và bốc thuốc chữa trị
của ông. Ông đi khắp mọi nơi, nay đây, mai đó. Ông qua lại cái làng này
đã hơn chục năm nay. Ông cũng được tiếng là người tử tế vì ông chẳng
nhặt nhãnh của ai từ mũi kim đến sợi chỉ. Nhiều người quý ông, chẳng có
ai phàn nàn hoặc thù ghét ông. Vậy mà hôm nay ông bị mấy anh em con nhà
bà Mãn này trói gô lại, hẳn là có chuyện tày trời. Mọi người kéo đến mỗi
lúc một đông. Rồi cả trưởng thôn cũng có mặt vì sự việc xảy ra trong
địa bàn mình quản lý. Trưởng thôn sốt sắng hỏi anh con trai cả bà Mãn:
- Có việc gì mà các cậu tuỳ tiện bắt, trói người?
- Ông này hiếp mẹ tôi. Anh em chúng tôi rình bắt quả tang đang hành nghề
trong nhà bếp. Tôi phải trói lại để yêu cầu chính quyền xử lý!
Với cương vị trưởng thôn đã lâu năm, ông nắm rõ hoàn cảnh từng nhà ở cái
thôn này. Bà Mãn năm nay đã gần sáu mươi tuổi, người bà trông đẫy đà,
phốp pháp. Bà goá chồng đã hơn mười năm nay, là người đảm đang biết lo
toan thu vén. Các con bà nay đã trưởng thành, cháu nội, ngoại đông đủ.
Gần đây bà thường hay kêu đau đầu, mỏi lưng, huyết áp gì đó nên ông Lang
thường lui tới bắt mạch, bốc thuốc cho bà. “Lửa gần rơm lâu ngày bén”,
con người ta khi nhàn rỗi thảnh thơi nên “phát bệnh” nhu cầu cũng là
việc dễ hiểu. Mấy cậu con trai bà quá cố chấp, chỉ biết mình mà không
hiểu cho người khác. Làm gì có chuyện hiếp dâm ở đây! Là chỗ thân quen
với ông Lang, với lại cái việc bất tiện này tốt nhất là đẩy cho chính
quyền xã xử lý. Nghĩ rồi ông gọi anh con trai cả bà Mãn nói:
- Việc này phải đi gọi chính quyền uỷ ban xã đến giải quyết. Cho người đi gọi đi!
Tức tốc có người đi gọi, nửa tiếng sau quay về thông báo:
- Hôm nay chủ nhật, anh phó chủ tịch kiêm trưởng công an đi vắng. Ông
chủ tịch, nhà ở xa đến đấy rồi về mất cả tiếng, mà chắc gì ông ở nhà!
- Đi gọi bí thư chi bộ đảng ra đây! Trưởng thôn yêu cầu.
Lúc sau người bí thư chi bộ đảng của xã (xã này chưa có đủ số lượng đảng
viên để thành lập đảng uỷ) đến. Sau khi nghe trưởng thôn báo cáo, ông
hỏi sao không gọi chính quyền xã. Mọi người nói chính quyền vắng nhà.
Ông lưỡng lự. Người trưởng thôn khẩn khoản yêu cầu:
- Việc này phải xử lý hành chính. Chỉ có cấp xã mới đủ thẩm quyền. Bác
là người lãnh đạo tối cao ở cái xã này bác cứ cho ý kiến là xong. Em là
em cứ theo bác mà làm. Theo bác là theo đảng, đảng bảo sao em làm vậy.
Em nói thế có phải không bác?
Người bí thư mặt biến sắc, từ đen sạm chuyển sang đỏ ửng vì lâu nay mới
có người thán phục mình. Mũi ông phồng lên. Ông có cái mũi thông thống
nhìn sâu suốt đến bên trong. Ông cố lên gân để cái mũi nó khỏi phập
phồng, nhưng nó cứ phập phồng. Ông càng lên gân, nó lại càng phập phồng.
- Điều đó là rõ. Người bí thư đáp.
- Gọi nạn nhân ra đây! Người bí thư yêu cầu.
Lúc này mọi người mới nghĩ đến “nạn nhân”. Mà lạ thật, chẳng biết “nạn
nhân” biến đâu! Người nhà của “nạn nhân” bắt đầu toả ra đi tìm. Lát sau
người nhà lôi xoành xoạch nạn nhân đến trình ông bí thư chi bộ đảng.
Cuộc thẩm vấn được bắt đầu tiến hành ngay tại hiện trường. Người bí thư hỏi “nạn nhân”. Trưởng thôn ghi biên bản.
- Chuyện gì xảy ra thế hở bà?
- Dạo này tôi mệt mỏi, bác Lang thường hay đến nhà bắt mạch cho tôi,
nghi là huyết áp tăng. Thế rồi... Thế rồi cứ mỗi lần khám bác ấy cứ bắt
chỗ này, bắt chỗ kia rồi bác ấy làm cái việc ấy... “Nạn nhân” kể lại.
- Sao bà không chống cự lại?
- Lúc đó tôi bủn rủn chân tay nên không biết gì nữa.
- Hai người quan hệ với nhau mấy lần rồi?
- Cũng vài lần rồi, ai mà nhớ được! Mà nhớ làm gì cái việc ấy bác!
- Sao phải xuống bếp, giải chiếu hoa để khám?
- Mấy lần đầu khám ở nhà trên. Về sau tôi nghĩ lại...nên xuống bếp.
- Vậy là hai người thông dâm chứ không phải hiếp dâm, cưỡng dâm, đúng không?
- Thực ra không phải là hiếp, cưỡng mà cũng không phải thông đồng, mà
tôi nể bác ấy lắm nên mới cho bác ấy một lần. Thế rồi thành quen, bác ấy
thỉnh thoảng lại đến, tôi không biết làm thế nào được.
Người bí thư quay sang hỏi ông thầy Lang:
- Ông quan hệ với bà Mãn từ khi nào?
- Từ đầu năm.
- Ông kể chi tiết lần đầu ông làm thế nào để cưỡng dâm bà Mãn?
- Tất cả bà ấy đã nói hết rồi, tôi không có gì nói thêm.
- Ông có thấy việc làm của ông là vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm phong tục, tập quán của dân tộc không?
- Tôi biết tôi sai. Các bác xử thế nào tôi chịu thế.
- Ý kiến của gia đình thế nào? Người bí thư quay sang hỏi anh con trai cả của bà Mãn.
- Ông đã làm xúi quẩy nhà tôi. Bây giờ ông phải nộp phạt để nhà tôi lấy
thầy đến cúng cải xúi, và ông phải hứa từ giờ không được bén mảng đến
nhà tôi, không được dụ dỗ mẹ tôi theo ông làm cái trò xấu xa thế nữa.
- Vâng, tôi xin chịu mọi phí tổn để cúng bái, và từ nay tôi xin chừa.
- Lễ cúng cần những gì gia đình cứ nói. Người bí thư đề nghị.
- Một con lợn trên dưới ba mươi ký để lễ tổ tiên, bốn con gà từ cân rưỡi
trở lên, một con đặt bàn tổ, một con đặt thổ công, một con đặt bếp, còn
một con đặt bàn thầy. Còn lại gạo nếp, gạo tẻ, rượu, tiền đưa thầy,
tiền rau canh... Tất tần tật lấy hai triệu.
- Gia đình đề nghị như vậy, ông thấy thế nào? Người bí thư hỏi.
- Gia đình yêu cầu thế nào thì tôi xin nghe theo, chỉ có điều hiện nay tôi không đủ tiền nộp phạt.
- Hiện ông có bao nhiêu?
- Có một triệu, tôi xin nộp phạt một triệu, còn lại tôi xin khất.
- Ông có thể đi vay người quen ở làng này để nộp phạt được không? Người bí thư đưa ra giải pháp.
- Tôi đang lâm nạn, biết vay ai bây giờ! Mà ai người ta cho vay!
- Gia đình thấy thế nao? Cho ông khất nợ được không?
- Bác đứng ra bảo lãnh, gia đình chấp nhận.
- Bây giờ thế này: gia đình cứ đứng ra lo việc cúng bái, quét nhà, quét
cửa cho sạch sẽ, mát mẻ đi. Tôi đứng ra bảo lãnh cho ông Lang về số tiền
còn thiếu cho gia đình, được chưa?
- Vâng, bác là bí thư ở cái xã này, bác nói sao chúng cháu xin nghe. Người con trai cả bà Mãn đồng ý.
- Cởi trói cho người ta.
- Vâng.
Trưởng thôn thông qua biên bản, giọng đọc ấp úng: Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, Độc lập tự do hạnh phúc. Biên bản giải quyết vụ cưỡng
dâm bà Nông Thị Mãn...
Ông Lang phản đối:
- Tôi không cưỡng dâm!
- Cưỡng dâm không phải là cưỡng bức mà phải hiểu là miễn cưỡng, hiểu chưa? Người bí thư đảng giải thích.
- Tôi không cưỡng ai, nên tôi không nhất trí.
- Vậy ghi là thông dâm được chưa? Người bí thư mau lẹ chuyển đổi ngôn từ.
- Tôi đã nói là không phải thông, mà cũng không phải cưỡng, mà chính là
tôi nể bác ấy lắm nên mới để cho bác ấy một lần, không ngờ nó quen đi
nên mới ra nông nỗi này. Bà Mãn phản đối.
- Vậy thì ghi là nể dâm, mọi người thấy thế nào?
Không ai phát biểu gì. Người bí thư kết luận:
- Im lặng tức là đồng ý. Vậy ghi là biên bản giải quyết vụ nể dâm, được chưa?
Trưởng thôn thông qua biên bản rồi đưa mọi người ký. Người con trai cả của gia đình “nạn nhân” thắc mắc:
- Biên bản có đại diện đảng, chính quyền cấp xã, tại sao không đóng dấu?
Người bí thư chi bộ đảng tỏ ra lúng túng. Ông biết rõ đóng dấu chi bộ
đảng vào đây không những sai nguyên tắc mà còn làm trò hề cho thiên hạ
cười thối mũi. Ngẫm một lát rồi ông cũng tìm được lối ra. Ông phân tích:
- Vì hai người không phải là đảng viên, chỉ là quần chúng thường nên
không thể cộp dấu của chi bộ đảng vào đây được. Nó sai nguyên tắc của
đảng. Việc hôm nay tôi dám đứng ra giải quyết là thể hiện tính linh động
lắm rồi, mong anh hiểu cho. Xét cho cùng chúng ta đã hoà giải được, hai
bên vui vẻ thống nhất được với nhau. Đó là việc quan trọng nhất, chứ
còn dấu má nó là cái gì đâu!
Biên bản được thông qua nhanh chóng. Riêng khoản tiền nộp phạt còn
thiếu, phía gia đình yêu cầu phải ghi giấy khất nợ và có xác nhận của bí
thư chi bộ đảng. Bí thư phán quyết:
- Lập một biên bản riêng về khoản nợ của ông Lang, mỗi bên giữ một bản.
Biên bản lập xong đọc mọi người nghe. Bí thư lại phán:
- Việc này xã đã ra tay nên người gây hậu quả phải nộp cho xã hai trăm ngàn tiền phạt vi phạm hành chính.
- Tôi chỉ có một triệu đó thôi, còn lại xin khất các bác. Ông Lang khẩn khoản.
- Một triệu này phải nộp hết cho gia đình để còn lo ngay việc cúng bái yên trạch nhà cửa. Người con trai cả của bà Mãn yêu cầu.
- Trong các lợi ích thì lợi ích nhà nước, lợi ích tập thể phải được ưu tiên hàng đầu. Người bí thư chi bộ đảng quả quyết.
Biên bản được sửa theo hướng chỉ đạo của người lãnh đạo đảng, theo đó
ông Lang đã nộp phạt cho gia đình tám trăm ngàn, còn thiếu một triệu hai
trăm ngàn hẹn đúng một tuần phải nộp đủ. Hai trăm ngàn tiền phạt hành
chính, người nộp phạt tự nguyện nộp không cần quyết định xử phạt, cũng
khỏi cần lập biên bản để giảm thiểu các thủ tục hành chính phiền hà.
Cuộc hoà giải kết thúc, mọi người kéo nhau ra về, để mặc mọi người bàn
tán đằng sau.
Mấy hôm sau cuộc họp ban chi uỷ được triệu tập. Cuộc họp lần này rất
quan trọng vì có những nội dung: sơ kết công tác phát triển kinh tế xã
hội sáu tháng đầu năm, mục tiêu, kế hoạch phát triển sáu tháng cuối năm,
đánh giá công tác xây dựng đảng sáu tháng đầu năm, phương hướng nhiệm
vụ sáu tháng cuối năm, phân tích chất lượng đảng viên sáu tháng đầu
năm... Tất thảy ban chi uỷ có bảy người, có mặt đông đủ.
Vào cuối buổi chiều cuộc họp sắp kết thúc, các nội dung đã hòm hòm, bí
thư lên thông báo về tài chính công khai của đảng, trong đó có việc đôn
đốc thu nộp đảng phí, các khoản trích lại và nộp lên trên...
Cuối cùng bí thư thông báo:
- Bữa ăn trưa hôm nay do có nguồn thu khác của đảng, nên không dùng đến
kinh phí chi thường xuyên của chi bộ ta. Số là hôm vừa rồi tôi đã đứng
ra giải quyết vụ quan hệ nể dâm giữa ông Lang và bà Mãn ở địa bàn xã ta.
Tôi quyết định thu xử phạt hành chính hai trăm ngàn đồng. Toàn bộ số
tiền đó đã chi hết cho bữa ăn trưa hôm nay. Vậy thông báo công khai tài
chính cho các đồng chí cùng biết.
Mọi người trố mắt nhìn nhau. Mấy người chạy vội ra ngoài. Bí thư chi bộ đảng thấy lạ hỏi:
- Các đồng chí làm sao vậy? Đang họp sao lại chạy ra ngoài?
- Thưa, chúng tôi buồn nôn!
Vi Đức Hồi
(Blog Vi Đức Hồi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét