Tượng đài kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến: Nên trích dẫn lời Bác cho đúng và thống nhất
Kỷ niệm 65 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946/19-12-2011):
QĐND
Online – Một câu chuyện có lẽ không mới, song vẫn làm các chiến sĩ
quyết tử của Liên khu 1 anh hùng năm xưa trăn trở khi nhắc lại. Đó là
chuyện xoay quanh tượng đài kỷ niệm sự kiện Toàn quốc kháng chiến, cách
đây đã 65 năm...
Gần
đây, chúng tôi được gặp Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, năm nay đã 91 tuổi.
Ông nguyên là Trung đội trưởng Trung đội 2, Tiểu đoàn 102, Trung đoàn
Thủ đô (trước đó là Liên khu 1), người trực tiếp chiến đấu giữa Thủ đô
Hà Nội trong 60 ngày đêm toàn quốc kháng chiến. Hiện nay ông là Trưởng
ban liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu 1 anh hùng. Trong câu chuyện
ông kể với chúng tôi không chỉ có kỷ niệm về những ngày máu lửa năm
xưa, mà còn có nỗi niềm trăn trở bấy lâu nay chưa được giải tỏa.
-
Theo tôi được biết, nội thành Hà Nội hiện có 2 tượng đài kỷ niệm sự
kiện Toàn quốc kháng chiến. Một tượng đài được đặt bên hồ Hoàn Kiếm,
cạnh đền Bà Kiệu; một tượng đài được đặt tại vườn hoa Vạn Xuân, bên
đường Phan Đình Phùng. Khoan bàn đến chuyện chọn vị trí đặt tượng đài,
sự hợp lý về kích thước của quả bom ba càng, mà hãy nói đến nội dung
được khắc trên tượng đài, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm chia sẻ.
Tượng đài trên vườn hoa Vạn Xuân mang dòng chữ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
|
Trên
tượng đài đặt tại vườn hoa Vạn Xuân có dòng chữ “Quyết tử để Tổ quốc
quyết sinh”, trong khi đó, tượng đài đặt bên hồ Hoàn Kiếm lại có dòng
chữ “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”,
Theo
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, những từ “Cảm tử” hay “Quyết tử”; “để” hay
“cho” đã tạo nên sự khác biệt về mặt tinh thần, cũng như ý chí quyết
tâm của những chiến sĩ quyết tử của Thủ đô hơn 60 năm trước.
Ông Nguyễn Trọng Hàm lý giải:
-
“Quyết tử” khác “Cảm tử” ở chỗ, “Quyết tử” thể hiện cái tinh thần quyết
tâm cao độ, sẵn sàng hy sinh của các chiến sĩ, chứ không chỉ thuần túy
là dũng cảm, sẵn sàng hy sinh như cụm từ “Cảm tử”. Thêm nữa, “để” Tổ
quốc quyết sinh là thể hiện sự trân trọng của các chiến sĩ đối với Tổ
quốc mình, nó khác hoàn toàn với “cho”-mang ý nghĩa… ban phát.
Tượng đài đặt bên hồ Hoàn Kiếm lại mang dòng chữ “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
|
Tìm
hiểu thêm, chúng tôi thấy rằng, sự lý giải đó không phải theo ý chủ
quan của Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, mà nó thể hiện đúng tinh thần trong
“Thư Bác Hồ gửi các chiến sĩ yêu quý của Trung đoàn Thủ đô”, ngày
27-1-1947. Trong lá thư đó, có đoạn Bác viết: “Các em quyết tử để Tổ
quốc quyết sinh. Các em là đại biểu đại diện cái tinh thần tự tôn độc
lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại…”.
Vậy
nên, người viết bài này thiết nghĩ, nếu đã trích dẫn thư Bác để thể
hiện trên các tượng đài thì cần trích dẫn cho đúng, đồng thời bảo đảm
tính thống nhất trên cả 2 tượng đài nói trên. Dẫu biết rằng, tượng đài
đặt bên đền Bà Kiệu được xây dựng trước, nhưng nếu để thống nhất với
tượng đài ở vườn hoa Vạn Xuân, việc sửa lại hai chữ đã nêu trên cũng
không quá khó.
Trước
khi chúng tôi chia tay với người lính già, ông bộc bạch: “Để lớp lớp
con cháu sau này hiểu và trân trọng truyền thống đánh giặc, giữ nước của
ông cha mình thuở trước, thì trước hết lớp người chúng ta hôm nay cần
phải tôn trọng lịch sử, không nên giản đơn, qua loa, đại khái”.
Bài và ảnh: Phạm Hoàng Hà
-Nguồn:
Tượng đài kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến: Nên trích dẫn lời Bác cho đúng và thống nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét