Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Chuyện "động trời" ở tỉnh Kiên Giang: Dân mất đất kêu than, “quan” biến thành địa chủ!

Chuyện "động trời" ở tỉnh Kiên Giang: Dân mất đất kêu than, “quan” biến thành địa chủ!

-Thật không sao tin nổi, tại một địa phương trên mảnh đất cực Nam đất nước, một đội ngũ cán bộ đông đảo trong bộ máy Nhà nước được “ban phát”, chia chác đất đai. Từ đó xuất hiện hàng trăm vị “quan”, những công bộc của dân - khoác áo “địa chủ”, phát canh thu tô…
Kì I: Những nông dân mất đất
Tâm thư của ông Nguyễn Văn Thôn
Trước mặt chúng tôi là người đàn ông (ngụ tại ấp Ranh Hạt, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất) có vóc dáng nhỏ bé, khắc khổ. Ông cho biết, gia đình ông là gia đình cách mạng, bởi thân mẫu ông là Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiến thân vì Tổ quốc. Còn anh trai ông là lính Tiểu đoàn 307 nổi tiếng...

Ông ngồi đọc thật to cho nhà báo nghe bản viết tay dài 4 trang giấy khổ lớn mà ông gọi là “tâm thư tố cáo cán bộ tham nhũng”. Xin tóm lược: Trước năm 1975, gia đình ông khai phá được hơn 160 công ruộng (16 ha) và chính mảnh đất này mẹ ông đã đào hầm nuôi giấu cán bộ. Thế nhưng, đang canh tác ổn định, có sổ thuế hẳn hoi thì năm 1996, cùng với hàng trăm hộ nông dân khác, toàn bộ số ruộng ấy bỗng bị tỉnh lấy giao cho Cty Kiên Tài Đài Loan mà không hề có quyết định thu hồi và bồi hoàn thiệt hại. Năm 2001, Kiên Tài giải thể, lẽ ra đất phải trả cho dân để “dân cày có ruộng” thì “người ta” lại chia cho cán bộ huyện, tỉnh để họ sang bán, cho thuê mỗi người thu lợi hàng trăm triệu đồng… “Tức quá, gần 200 hộ dân chúng tôi khiếu nại thì huyện và tỉnh cố tình không giải quyết, từ năm 1996 đến nay đã 15 năm… Phải chăng quan ăn đất quá đông và quan tham quá nhiều nên không thể giải quyết? Tôi khẩn thiết yêu cầu cán bộ và nhà báo TƯ về điều tra, xác minh. Nếu tố cáo sai tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn tố cáo đúng thì phải xử lí quan ăn đất?” - Càng về sau, giọng người đàn ông ở độ tuổi xưa nay hiếm càng trở nên đanh lại!



“Thưa bác, bác có biết đất của bác được chia cho cán bộ nào không?”. Giở tấm sơ đồ khu đất hình tam giác rộng tới 300 ha, trên các thửa (4-5 ha) được chia đều tăm tắp có ghi rõ tên từng “quan” được cấp đất… Ông Nguyễn Văn Thôn (tên người đàn ông) nói: “Đây, đất của tôi được cấp cho 3 người con của ông Lê Văn Hồng, Trưởng Ban quản lí vùng tứ giác Long Xuyên. Họ đã có sổ đỏ vào năm 2003 và hai năm sau bán cho ông Ba, giá 41 triệu đồng/ha”…
Vợ chồng bà Lượm (bên phải): Mất đất gia đình tôi khốn đốn…
Tuy không đọc “tâm thư” như ông Thôn, nhưng ông Nguyễn Hoàng Em (cựu chiến binh, ngụ cùng ấp, cha là liệt sĩ) cũng “vanh vách”: Gia đình ông có 9 ha đất (3 ha đã xạ lúa được 10 ngày) nhưng cũng bị lấy hết không bồi thường. Toàn bộ diện tích ấy hiện cán bộ tỉnh cho dân nơi khác thuê…
“Dân chúng tôi khổ lắm”...


Cách khu đất 300 ha chia cấp cho 73 cán bộ tỉnh chừng 15 phút ghe chạy là khu đất 200 ha. Đưa tay chỉ những đám đất hoang um tùm cỏ mọc, bà Đinh Thị Bích (71 tuổi, ngụ tại ấp Kênh 9, xã Bình Giang, vợ liệt sĩ chống Mỹ), bức xúc: “Đó là phần đất gần 7 ha mà khi chồng tôi đi đánh giặc, tôi dắt díu các con về đây chặt cây, múc đất… Năm 1996 tỉnh lấy hết, không có giấy tờ gì và hứa sẽ giao đất khác nhưng chờ hoài không thấy. Tôi có 6 đứa con, chúng nó còn khổ quá…”. Cũng theo bà Bích, hiện gia đình phải vay ngân hàng hơn trăm triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con không biết khi nào trả nổi. Tiếp lời mẹ, ông Lê Văn Phụng, 41 tuổi cho hay, do thấy thu hồi đất trái luật nên ông không chịu giao đất thì bị ông Ngà, công an xã bắt trói, nhốt vô hầm tối…


Cũng tại khu đất ngút ngàn hoang hóa này, ông Trần Văn Ngọc, gay gắt: “Gia đình tôi có 5 ha, năm 1996 cùng với 19 hộ khác ở ấp Kênh 9, chúng tôi bị tỉnh lấy hết đất. Họ chỉ nói miệng và không bồi hoàn… Trong khi dân chúng tôi không có đất mần thì họ bỏ đất hoang suốt 16 năm qua. Chúng tôi ra mần thì họ không cho!”...


Cũng bị công an “ra tay” như ông Lê Văn Phụng nhưng bà Trần Thị Lượm (61 tuổi, ngụ cùng ấp Kênh 9) tuy không bị nhốt vào hầm song lại phải đi cấp cứu. Trước máy thu của nhà báo, bà kể: Gia đình bà có 6 ha đất, năm 1996 khi đang sạ lúa, bỗng có người cho máy đến phá. Bà ra ngăn, hỏi thì họ trả lời, “xã mấy bà bán đất, tui mua về xã mà giải quyết”… Trong khi chưa kịp khiếu nại gì thì ngày 12-1-1996 bà nhận một lúc hai giấy mời (một của công an huyện, một của UBND xã) 9 giờ sáng 13-1 phải có mặt để “làm việc về vụ tranh chấp ruộng đất với Kiên Tài”. Chấp hành, sáng hôm sau bà bỏ cả hai giấy vào túi áo rồi tất tả lên xã. Nhưng khi đến gần kênh 8 thì có 5 người mặc sắc phục công an chặn lại, bắt giữ. Hoảng quá, bà vùng vẫy rồi ngất xỉu, sau đó được chồng đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP Hồ Chí Minh cấp cứu. “Tiền viện phí hết đâu 1,2 triệu đồng. Tôi nghi bà nhà tôi bị chích roi điện” - Chồng bà Trần Thị Lượm nói!…


Sau vụ mất đất, vợ chồng bà Lượm liên tục khiếu nại nhưng không ai giải quyết. “Người ta khuyên nên nhận tiền bồi hoàn... hai trăm ngàn đồng cho mỗi ha(!), bà nói.


Thấy chúng tôi nhìn quanh căn nhà nền đất gồ ghề, ẩm ướt; vách lá trống huơ, không cửa nẻo, không có một cái giường của gia đình, giọng bà Lượm nghẹn lại: “Hơn 10 năm rồi, dân chúng tôi khổ lắm…”! (Còn nữa)
Mạc Hồng Kỳ

-Nguồn:
Chuyện "động trời" ở tỉnh Kiên Giang: Dân mất đất kêu than, “quan” biến thành địa chủ! (09/12)


-Rõ ràng, tại Kiên Giang đã “hiển hiện” một “phong trào” chia, cấp đất rầm rộ. Theo đó, nhiều vùng đất rộng lớn đã được ban phát, vung tay… Vậy, đối tượng nào được giao tới hàng ngàn ha đất màu mỡ, phì nhiêu?...


Đối tượng được giao đất


Ông Nguyễn Văn Sáng (54 tuổi, ngụ tại ấp Ranh Hạt, xã Kiên Bình, huyện Hòn Đất) người bị tỉnh thu hồi 5 ha vào năm 1996 và chuyển sang hành nghề “cò” sang nhượng đất cho các quan chức nên biết rất rõ từng khu vực, thửa đất được cấp cho ai, đã bán hay cho thuê, thực trạng canh tác thế nào?…


Đưa chúng tôi đến khu đất 420 ha cấp cho 108 CBCNV của Sở TN-MT ở xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, vừa chỉ từng thửa đất, ông Sáng vừa đọc vanh vách cán bộ (CB) đứng tên. Để minh chứng, ông đưa ra sơ đồ cấp đất và cả sổ đỏ (cấp năm 2002) của một số người. Tương tự, tại khu 300 ha xã Bình Giang, huyện Hòn Đất cũng được cấp hết cho 73 CB tỉnh. Cũng tại xã này, một khu đất khác rộng 630 ha được cấp cho 313 người, trong đó có khá nhiều đối tượng là CB tỉnh, huyện.


Còn tại huyện Kiên Lương, gần 150 ha khu vực kênh T4, xã Kiên Bình được giao cho 30 CB huyện, tỉnh. Tương tự, khu vực kênh T5 rộng tới hơn 1.000 ha cũng được xẻ thành 320 lô. “Mỗi thửa đất mặt tiền kênh có diện tích 10 ha, còn mặt hậu 5 ha. Rất nhiều CB đã cho dân mướn lại dưới danh nghĩa nông trường.” - ông Sáng nói. Chưa hết, theo thương binh Hoàng Văn Hưng, tại khu vực kênh Một Ngàn, xã Hòa Điền, có 208 CB tỉnh được cấp đất, mỗi người 4 ha. Và, cũng tại huyện Kiên Lương, có đến 353 CB các cấp được giao 5 ha/người ở xã Bình Trị. Còn khu vực gần cầu Lung Lớn, xã Kiên Bình 22 “quan” tỉnh có đất tại đây, mỗi “quan” 10 ha. Riêng hai khu vực cầu 85B và cây xăng Trung Nho có 222 đối tượng được cấp (bình quân 7.000 m2/người), trong đó có 187 sĩ quan quân đội, 35 CB huyện, xã (19 vị có từ 1 đến 3 ha)…


Đại “phong trào” xẻ đất?!


Có thể nói, tại Kiên Giang tồn tại một đại “phong trào” cấp đất cho CB: Rất nhiều CB, từ huyện đến tỉnh, từ đơn vị công quyền đến cơ quan đoàn hội được “chia xôi”… Sơ bộ, chỉ riêng số đất giao cho CB cấp tỉnh đã lên đến hàng nghìn ha (Văn phòng UBND tỉnh 186 ha, Sở TN-MT 420 ha, Liên đoàn Lao động tỉnh 200 ha, Bộ đội Biên phòng 200 ha...). Thậm chí, theo một đồng nghiệp của chúng tôi, không ít nhà báo (có cả PV báo TƯ ở tận Cần Thơ) cũng được chia đất!


Như vậy, nếu tính cả CB cấp xã và thân nhân họ thì con số 10.000 ha đất “cấp sai đối tượng, mục đích” (như lời ông Trương Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy) không phải là không có cơ sở. Điều đáng nói, theo tố cáo của thương binh Hoàng Văn Hưng, chỉ “vẻn vẹn” 16 CB đã “ôm” đến 769 ha, có vị “chơi” 156 ha (đã bán 6 ha), và xem ra, đây cũng là một kỉ lục, bất ngờ!
Căn nhà của một nông dân mướn đất.
Để thấy được kết quả của đại “phong trào” chia đất, hãy thử hình dung: Một vạn ha là một mảnh đất có bề ngang 1 km và bề dài 100 km, tức bằng tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng (hay Sài Gòn - Vũng Tàu) nhưng không phải rộng 15-20 m mà là 1 km! Một so sánh khác: Cả TP Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ) cũng chỉ rộng 16 km2, TP Ninh Bình 46 km2, TP Mỹ Tho 50 km2, TP Biên Hòa 130 km2… Như thế, diện tích đất giao “nhầm địa chỉ” ở Kiên Giang lớn gấp 6 lần TP Hà Đông, hơn 2 lần TP Ninh Bình và gần bằng đô thị công nghiệp Biên Hòa!
Quan chức là “địa chủ”?!


Rõ ràng việc giao hàng nghìn ha đất cho các “quan”, những người chỉ chuyên “cấy cày” trên bàn giấy, tất yếu dẫn đến việc sang nhượng hoặc cho thuê lại “ẵm” tiền (và, dường như đây cũng là mục tiêu cốt lõi của cả người giao đất cũng như kẻ được nhận?)!


Trong hồ sơ của chúng tôi, hiện có không ít sổ đỏ, hợp đồng… sang nhượng đất của CB. Chẳng hạn, gia đình ông Lê Văn Hồng bán cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Ba 12 ha với giá 41 triệu đồng/ha vào năm 2005. Ông Nguyễn Quốc Vinh, ông Trần Trương Hiển, bà Phạm Kim Mai bán cho gia đình ông Phạm Văn Đúng hơn 11 ha, giá hơn 90 triệu đồng/ha vào năm 2008 (giá bán hiện tại không dưới 220 triệu đồng/ha), ông Lê Văn Mót, ông Lê Văn Kiệt bán 9 ha cho bà Trần Thị Ngoan năm 2006…


Đó là bán đất, còn cho thuê? Ông Nguyễn Trí Nguyện cho bà Lê Thị Tuyết Lan ở Hòn Đất thuê 10 ha (Bà Lan cho ông Trương Minh Cường thuê lại với giá 60 giạ lúa/ha), ông Đoàn Phú Thỉnh cho ông Nguyễn Văn Chính ở Kiên Lương thuê 10 ha (60 giạ/ha), Bà Phan Thị Hằng cho ông Nguyễn Lâm ở An Giang thuê 10ha (15 triệu đồng/ha/năm). Ông Trương Thái Hiền cho bà Sáu Hoàng ở Sóc Soài thuê 10 ha (4 triệu đồng/ha), v.v…


Trên chiếc vỏ lãi (xuồng lá), ông Sáng cùng “đồng nghiệp” đưa chúng tôi đến từng thửa đất, nơi các quan chức biến thành “địa chủ” qua việc “phát canh thu tô”, để gặp những người nông dân mướn đất. Trong căn nhà lụp xụp, nhỏ bé giữa mênh mông đồng nước, ông Trần Văn Quang, 53 tuổi, cho hay: Do thiếu đất ở quê (An Giang) nên năm 2008 vợ chồng ông dắt díu nhau đến đây mướn 10,6 ha đất của CB tỉnh Nguyễn Thạnh qua “cò” đất Hoàng Long. Khi ấy vẫn là đất hoang, tràm mọc như rừng nên ông phải khai mở, bang múc… Tuy bỏ bao mồ hôi, công sức nhưng sau khi trừ “tô” (năm đầu 30 giạ/ha, năm sau 40 giạ và năm nay 60 giạ) số lúa còn lại cũng chẳng đáng là bao, chỉ đủ sống đắp đổi qua ngày. “Căn nhà này cũng đâu phải của tui” - ông nói! Tương tự, ông Trương Minh Cương, 52 tuổi, người thuê đất của hai “địa chủ” trên tỉnh tâm sự: “Cực chẳng đã mới phải đi mướn đất nhà báo ạ. Bởi, không mướn biết phải làm gì”? (Còn nữa)
Điều tra của MẠC HỒNG KỲ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét