Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

ẤN ĐỘ CẦN KHẲNG ĐỊNH MÌNH TRƯỚC MỘT TRUNG QUỐC KIÊU NGẠO

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt Thứ tư, ngày 28/12/2011


TTXVN (Niu Đê li 25/12)


 Tờ báo “The Pioneer ” của Ấn Độ, số ra gần đây, có đăng bài bình luận của nhà phân tích chính trị hàng đầu nước này, ông G Parthasarathy, cho rằng Ấn Độ không phải là một nước lệ thuộc, sẽ không chịu khuất phục và Làm theo mệnh lệnh của một nước Trung Quốc “hiếu chiến”. Trung Quốc phải nhận thức được điều này và chấp nhận sự thật đó.

Theo ông G Parthasarathy, năm 2012, một thế hệ mới của Trung Quốc, do Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình đứng đầu, được biết đến như là “phe thái tử”, sẽ lên lãnh đạo Trung Quốc. Họ sẽ kế thừa một nước Trung Quốc đã làm thế giới kinh ngạc với sự đột phá trong cải cách nền kinh tế. Tuy nhiên, thế hệ lãnh đạo mới cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhằm “dung hòa” sự tương phản giữa một bên là nên kinh tế mở và bên kia là chế độ một đảng cai trị trong một hệ thống chính trị chứa đựng nhiều bất ôn.
Điều đó tồn tại trong một thời đại khi nhân dân ngày càng khao khát có cuộc sống tự do dân chủ. “Triều đại” Hồ cẩm Đào đã được đánh dấu bằng nỗ lực bản năng để kìm nén các khát vọng dân chủ bằng cách dựa vào “Chủ nghĩa Xôvanh” hiếu chiến, phản ảnh những cái mà Liên Xô trước đây từng coi là “Chủ nghĩa Xôvanh đại Hán”. Sức mạnh quân sự đã được phô trương và các tuyên bố đòi chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng từ Nhật Bản, Việt Nam đến Philíppin và Ấn Độ, đã thể hiện một cách cứng rắn.
Câu hỏi đặt ra là: Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc có đi theo đường lối này không? Hay thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ tìm cách đáp ứng các khát vọng dân chủ bằng một cơ chế chính trị minh bạch và cởi mở hơn? Các câu hỏi này đang được giới lãnh đạo các nước trên thế giới quan tâm.
Ngay trước thềm Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), ngày 19/11, tại Bali (inđônêxia), tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, đăng tuyên bố phản đối các kế hoạch của Ấn Độ tăng cường lực lượng quốc phòng tại khu vực biên giới phía Bắc Ấn Độ và cảnh báo rằng Trung Quốc có “các loại vũ khí dẫn đường chính xác” có thể “dễ dàng” tiêu diệt bất kỳ lực lượng quân sự mới được triển khai nào của Ấn Độ. Bài báo chỉ trích Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng Trung Quốc như Nhật Bản và Việt Nam. Trung Quốc, trên thực tế, đã nói với Ấn Độ rằng trong khi họ có quyền hỗ trợ Pakixtan phát triển vũ khí hạt nhân thế hệ mới sử dụng chất phóng xạ Plutonium thì Ấn Độ không được “thách thức” bằng việc tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước láng giềng của Trung Quốc như Nhật Bản và Việt Nam.
Các bài công kích mạnh mẽ của phía Trung Quốc phản đối Ấn Độ vẫn tiếp diễn thậm chí cả sau EAS tại Inđônêxia. Tân Hoa xã, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, ngày 24/11, đã có bài bình luận ý nói Ấn Độ lo sợ trước việc Trung Quốc đã lấy lại được uy tín ở châu Á, Bài báo ám chỉ cuộc xung đột biên giới năm 1962, khi Ấn Độ bị lực lượng quân sự Trung Quốc đánh bại, Bài báo viết một cách vô cớ rằng “lòng ghen tị đôi khi cũng đồng nghĩa với sự tự ti”.
Cách nói khoa trương như vậy của Trung Quốc đã không thể “kiềm chế” được Ấn Độ. Tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc phản bác tuyên bố của Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với hâu như toàn bộ Biển Đông, khu vực mà họ coi là “lợi ích cốt lõi”. Các sự kiện tại biển Hoa Đông, dọc vùng biển tranh chấp biên giới với Nhật Bản, dẫn tới việc tàu của Nhật Bản bị tàu hải quân Trung Quốc đâm vào, tiếp theo đó là lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc được áp dụng đối với Nhật Bản. Philíppin cũng chứng kiến việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để khẳng định tuyên bố nhận chủ quyền lãnh hải mà trong một số thời điểm, Việt Nam đã từng là đối tượng bị Trung Quôc sử dụng vũ lực trong tranh chấp biên giới. Trung Quốc cũng đã giữ lập trường tương tự trong việc giải quyết tranh chấp trên biển với Hàn Quốc và Đài Loan. Hiện nay, Trung Quốc công khai khoe khoang rằng họ sở hữu tên lửa đạn đạo có thể tấn công các hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.
Trong khi Trung Quốc khăng khăng nói sẽ giải quyết những bất đông hàng hải với các nước như Việt Nam, Philíppin, Brunây và Malaixia trên cơ sở song phương, Ấn Độ đã tuyên bố tại EAS (Inđônêxia) rằng các vấn đề liên quan đến lãnh hải và tự do hàng hải phải được giải quyết trong khuôn khổ Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982. Khoảng 40% khối lượng hàng hóa buôn bán của Ấn Độ với các nước như Mỹ được vận chuyển qua Biển Đông. Hơn nữa, toàn bộ các hoạt động giao thông thương mại của Ấn Độ với Nhật Bản, Hàn Quốc đều đi qua các khu vực biển mà Trung Quốc nhận chủ quyền và coi là “lợi ích cốt lõi” của họ. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, tại các vùng biển chưa được phân định và các đối tượng tranh giành, nơi mà một bên dường như sẵn sàng sử dụng vũ lực, được xem như yếu tố ngăn cản và trở ngại đối với các hoạt động tự do hàng hải.
EAS cũng chứng kiến một diễn biến khác. Mặc dù Trung Quốc giữ lập trường không thảo luận vấn đề Biển Đông tại hội nghị này, song 5 nước thành viên ASEAN gồm Xinhgapo, Philíppin, Brunây, Việt Nam và Thái Lan cùng với Ấn Độ, Ôxtrâylia và Mỹ đã đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải và tự do hàng hải ra thảo luận tại hội nghị. Nga, Indônêxia và 5 thành viên khác đã đề cập một cách chung chung về vấn đề an ninh hàng hải. Chỉ có Mianma và Campuchia tránh nhắc đến vấn đề trên.
Sự bối rối của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, người được các đại biểu Mỹ tham gia hội nghị mô tả tỏ ra “hơi bực tức lúc đầu” đã có tiếng nói “mềm dẻo hơn”, nhưng không từ bỏ quan điểm cứng rắn của Trung Quốc đòi giải quyết các tranh chấp lãnh hải với từng nước láng giềng trên cơ sở song phương. Tuy nhiên, với việc Mỹ quyết định tham gia tích cực tại hội nghị lần này và tăng cường cam kết an ninh của họ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách đồng ý triển khai lực lượng quân đội tại Darwin của Ôxtrâylia, các nước ASEAN hiện tỏ ra hài lòng với việc “sự hung hăng” của Trung Quốc sẽ không phải không bị thách thức.
Mặt khác, Trung Quốc cũng không phải không nhận ra rằng việc Ôxtrâylia quyết định xem xét lại và thay đổi chính sách liên quan đến việc bán urani cho Ấn Độ được công bố trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Ôxtrâylia. Động thái trên xảy ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, đã nêu ra một thuật ngữ mới Ấn Độ-Thái Bình Dương để mô tả khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong cuộc thảo luận song phương chính thức với Ôxtrâylia. Làm tăng thêm các quan ngại của Trung Quốc, điều được phản ánh trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng Ngoại trưởng Mỹ sẽ sớm đi thăm Mianma, nước mà Trung Quốc luôn coi là “sân sau” của họ. Điều này thể hiện diễn biến mới tại khu vực khi chế độ mới ở Mianma đang phát tín hiệu muốn thoát khỏi “sự kìm kẹp đến ngạt thở” của Trung Quốc.
Ấn Độ đã đáp trả một cách đích đáng sự “đe dọa” về ngoại giao của Trung Quốc vào ngày 22/11 khi ứng cử viên của Ấn Độ, ông A Gopinathan, đã đánh bại đối thủ Trung Quốc, ông Zhang Yan với tỉ lệ phiếu 106/77 giành vị trí trong cơ quan giám sát chung của Liên hợp quốc. Ông Zhang Yan hiện là đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ được biết đến như một nhân vật kiêu ngạo. Gần đây, ông ta đã quát tháo một phóng viên Ấn Độ khi phóng viên này đề nghị giải thích về việc bản đồ của Trung Quốc vẽ toàn bộ vùng Giamu và Casơmia thuộc lãnh thổ Pakixtan. Một người bạn Trung Quốc của tác giả, người đã gặp ông đại sứ Trung Quốc sau khi ông này đến Ấn Độ đã bị sốc khi vị đại diện ngoại giao này bình luận một cách kiêu ngạo rằng “Các phương tiện truyền thông Ấn Độ phải hiểu rằng họ không thể đối xử với Trung Quốc theo cách này”. Ấn Độ không phải là một nước lệ thuộc của Trung Quốc, sẽ không chịu khuất phục và làm theo mệnh lệnh của Trung Quốc, thưa ngài đại sứ.
Quyết định mời Đạtlai Lạtma phát biểu tại Hội nghị Phật giáo toàn cầu được tổ chức tại Niu Đêli đáng được khen ngợi. Song quyết định tổ chức sự kiện này ở thời điểm trùng với chuyến thăm Niu Đêli của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quổc để đối thoại về vấn đề biên giới là hoàn toàn không thích hợp về mặt ngoại giao. Điều tồi tệ nhất là việc Ấn Độ nhượng bộ trước sức ép của Trung Quốc và việc Tổng thống và Thủ tướng nước này không tham gia hội nghị là “hèn nhát” và tự hạ thấp mình./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét