Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Cục diện Đông Á và tương quan quyền lực tại Việt Nam

Huỳnh ngọc Tuấn - Cục diện Đông Á và tương quan quyền lực tại Việt Nam

Chế độ CSVN đặt nền tảng quyền lực trên thế chân vạc đó là: Đảng CSVN, Quân đội CSVN và Công an CS.
Trong lịch sử trật tự này được bảo vệ và áp đặt bởi quốc tế Cộng sản cho nên không ai dám nghĩ rằng một ngày nào đó trật tự này sẽ thay đổi.
Sau khi khối cộng sản Đông Âu và Liên xô tan rã, trật tự này vẫn tồn tại vì quyền lợi chung của ba nhánh quyền lực. Không ai dám nghĩ đến chuyện phá bỏ trật tự này vì như vậy đồng nghĩa với tự sát, họ dựa vào nhau để tồn tại và đảng CS vẫn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo.
Trong thời gian trước khủng hoảng biển Hoa Đông và biển Đông, quân đội bị lép vế so với quyền lực tuyệt đối của đảng và công an. Hình ảnh của quân đội mờ nhạt vì vai trò hạn chế , chỉ là đội quân bảo vệ đảng hay nói một cách thô hơn chỉ là gia nô của đảng, cho nên các nhà lãnh đạo quân đội luôn ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh của đảng để tiếp tục được chia phần trong miếng bánh quyền lực và quyền lợi.
Công an thời gian trước đây có vai trò lớn hơn vì là lực lượng trực tiếp bảo vệ đảng và chế độ trước “âm mưu diễn biến hòa bình” của “các thế lực thù địch”, họ được mệnh danh là “thanh kiếm báu” bảo vệ đảng.
Sự chênh lệch quyền lực này thể hiện ngay trong đời sống của nhân viên công an và quân đội, thu nhập của hai bên không “bình đẳng” , công an có thu nhập cao hơn và quyền lực nhiều hơn, họ hưởng được nhiều ưu đãi hơn. Chính sự bất bình đẳng này cũng tạo nên tâm lý “kỳ thị” giữa công an và bộ đội.
Công an và quân đội như “chó với mèo” cùng phục vụ cho ông chủ là đảng CSVN, vì quyền lực của đảng là tối thượng cho nên sự kỳ thị giữa chó và mèo luôn luôn được kiểm soát không vượt quá giới hạn cho phép.
Nhưng cho đến những năm gần đây, sự trổi đậy “không hòa bình” của Trung cộng đã làm cái trật tự và an ninh khu vực Đông Á thay đổi. Quan hệ Nhật - Trung (một thời gian dài “êm ấm” vì sự phụ thuộc vào nhau của hai nền kinh tế nhất nhì Đông Á) đã trở nên căng thẳng, người Nhật đã thay đổi cách nhìn đối với Trung cộng, giờ đây Trung cộng với chủ nghĩa dân tộc quá khích đã trở thành hiểm họa cho Nhật và cả thế giới.
Xét về quan hệ Nhật - Trung ngoài sự va chạm giữa hai dân tộc lớn có nền văn hóa vừa tương đồng vừa tương phản với một lịch sử đầy thăng trầm và cay đắng (cho phía Trung quốc) còn có sự cạnh tranh về không gian sinh tồn và quyền lợi chiến lược. Thù cũ, hận mới làm cho quan hệ hai dân tộc và hai quốc gia bị đầu độc và đang đứng bên bờ vực thẳm chiến tranh.
Xem chừng “cánh rừng Đông Á” này quá chật hẹp để dung chấp hai con hổ là Nhật và Trung.
Không những cạnh tranh với Nhật tại Đông Á, Trung cộng còn muốn chia đôi Thái bình Dương với Mỹ và trong tương lai không biết TC còn muốn Mỹ phải “chia” cái gì cho họ nữa đây!?
Hiện nay Trung cộng đang lấn lướt và chèn ép các nước nhỏ trong khu vực như Philippines và Việt Nam. TC muốn độc chiếm tài nguyên của các quốc gia này ở biển Đông, họ coi biển Đông là ao nhà của họ, điều này cũng đụng chạm đến quyền lợi của Mỹ và các đồng minh.
Trước tham vọng ngày càng lộ liễu của Trung cộng “Trung tâm quyền lực” Mỹ đã đánh giá lại tương quan Mỹ- Trung trong hiện tại và tương lai. Người Mỹ cảm thấy sự đe dọa từ phía Trung cộng mỗi ngày một lớn hơn, trước mắt là với Nhật, Phi và Úc là những đồng minh của Mỹ và sau này có thể là chính nước Mỹ.
Chiến lược chuyển trục từ Âu châu Đại Tây dương sang Á châu – Thái bình dương được hoạch định từ đó.
Nằm trong chương trình “tái định vị” này của Mỹ có đất nước Việt nam, một quốc gia với vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, với hệ thống cảng biển lý tưởng nhất khu vực mà không chỉ có Mỹ, Trung cộng cũng rất thèm muốn.
Vì nhu cầu chiến lược, người Mỹ tạm thời gác lại hồ sơ nhân quyền để tiếp xúc với nhà cầm quyền CSVN, còn CSVN ở vào thế bị Trung cộng uy hiếp cũng muốn có một đối tác đầy quyền lực như nước Mỹ.
Trong những bài trước tôi đã phân tích là CSVN vẫn coi phương án xác nhập với Trung cộng là phương án tối ưu, nhưng cuộc chiến “chống tham nhũng” của Tập cận Bình và đảng CS Trung quốc đang thực hiện khiến những người lãnh đạo đảng CSVN phải thay đổi ý định. Tại Trung cộng những con hổ như Bạc Hy Lai, Chu vĩnh Khang, Từ Tài Hậu là những công thần, những hoàng tử đỏ một thời được mặc định là bất khả xâm phạm đã bị bắt, bị tịch thu tài sản và đang đứng trước bản án tử hình thì những con “tép riu” tay sai như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu không có một cơ may nào để sống sót!
Trong sự đối đầu gay gắt giữa Trung cộng và bên kia là Mỹ và đồng minh, ai cũng muốn kiểm soát được VN để phục vụ chiến lược của mình, VC không thể đứng đơn độc vì hoặc công khai hoặc ngấm ngầm cả hai siêu cường đều áp lực để VC phải chọn lựa.
Như trên đã nói vì sự an toàn tính mạng và tài sản lãnh đạo CSVN không thể đi theo TC được, chỉ còn có một chọn lựa duy nhất là phải theo Mỹ.
Nhưng để trở thành đồng minh của Mỹ như Nhật hoặc Philippines chế độ CSVN phải đi một đoạn đường dài và phải thay đổi, những thay đổi không dể dàng gì đối với những người CS như tôn trọng nhân quyền và một nhà nước pháp trị…
Trong quá trình tiếp xúc với chế độ CSVN, với kinh nghiệm bang giao quốc tế rộng lớn người Mỹ đã tìm được một phương pháp mới và hiệu quả đó là bắt quan hệ với quân đội VC.
Trước đây khi chưa trực diện đối đầu với hiểm họa Trung cộng thì vai trò của Đảng CS và Công an là quyết định, còn bây giờ đảng CS và Công an không thể thay thế quân đội trong nhiệm vụ bảo vệ chế độ và điều quan trọng hơn là các đối tác quốc tế, nhất là Mỹ chỉ quan tâm đến sự hợp tác giữa hai quân đội.
Sự uy hiếp từ Trung cộng và nhu cầu liên minh với Mỹ sẽ thay đổi trật tự quyền lực tại VN, quân đội sẽ trở thành người nắm quyền lực trong tương lai.
Không có một trật tự nào là vĩnh cửu, trật tự là do thời cuộc, khi thời cuộc thay đổi thì trật tự cũng thay đổi, mà trật tự thay đổi thì tương quan quyền lực cũng thay đổi, đây là quy luật muôn đời.
Sắp tới khi quan hệ với Hoa kỳ được mở rộng để trở thành đồng minh chiến lược, khi sự đối đầu với Trung cộng ngày một gần hơn và căng thẳng hơn thì thời cuộc sẽ đặt quyền lực vào tay quân đội, lúc đó quyền lực của đảng CSVN sẽ bị vô hiệu hóa từng bước và mất hẳn, lực lượng công an sẽ không còn giá trị và sẽ bị giải thể và thay thế. Không ai muốn chung sống với một lực lượng công an đã gây nhiều tội ác và bị nhân dân nguyền rủa!
Như vậy sẽ có người hỏi: đảng CSVN và lực lượng công an có biết điều này không và nếu biết họ sẽ làm gì?
Xin thưa: Họ biết, nhưng sẽ làm gì được đây?
Cách chức người lãnh đạo quân đội nào thân Mỹ và cắt đứt quan hệ với Mỹ ư?
Cũng vậy thôi, người khác lên họ cũng sẽ nắm hết quyền lực và cũng đi theo lộ trình đó. Còn quan hệ với Mỹ thì không thể đảo ngược và phải tôn trọng “đối tác” làm việc với họ, không thể tùy tiện thay đổi.
Vấn đề ở đây là người Mỹ cần hợp tác với quân đội VN chứ không phải với đảng CSVN hay công an CSVN.
Cánh Quân đội sẽ ý thức được cái vị trí không thể thay thế của họ, thời cuộc thay đổi và sự hợp tác với Mỹ sẽ giúp cho họ nhận ra rằng không có lý do gì để họ làm gia nô cho bất cứ đảng chính trị nào, nhiệm vụ của họ là trở thành một quân đội chuyên nghiệp và hiện đại để phục vụ đất nước.
Một câu hỏi nữa đặt ra là nếu nắm được quyền lực rồi thì quân đội CSVN sẽ độc tài như quân đội Miến Điện hay Thái Lan?
Trả lời: Hiện nay Miến Điện hay Thái lan không có đối đầu với Trung cộng về lãnh thổ, lãnh hải nên quân đội của họ chưa có nhu cầu phải dựa vào Mỹ, nhưng quân đội và chế độ CSVN phụ thuộc Mỹ vì không có Mỹ làm đồng minh quân đội và chế độ CSVN không phải là đối thủ của quân đội Trung cộng, quân đội CSVN sẽ bị xóa sổ ngay lập tức khi đối đầu với quân đội Trung cộng. Chính vì điều này mà quân đội CSVN không phải muốn làm gì thì làm như quân đội Thái hay Miến..!
Trong tương quan Mỹ- Việt sắp tới, quân đội CSVN và cả chế độ CSVN đều phải phụ thuộc vào sự bảo trợ của Mỹ để sống còn. Và người Mỹ sẽ giúp cho quân đội CSVN “lột xác” để thích nghi với hòan cảnh mới và để có được chính danh. Điều này phù hợp với giá trị và quyền lợi lâu dài của nước Mỹ.
Tự thân quân đội có vị trí cao quý của họ, chỉ cần họ độc lập không tham gia và không can thiệp vào chính trị thì quân đội sẽ là nền tảng cho quốc gia, bất cứ đảng nào lên cầm quyền cũng phải tôn trọng họ vì họ là sức mạnh quốc gia và từ nhân dân mà ra, giống như những nhà nước dân chủ trên thế giới..
Trong ván cờ sắp tới quân đội không mất gì, trái lại họ được rất nhiều, vị trí của họ rất vững chắc, được nhân dân tôn trọng và yêu quý. Chỉ có đảng CSVN và công an CS là phải “ra đi” vì thời cuộc và quốc gia không cần đến họ, họ chỉ là gánh nặng, là tai họa cho đất nước và dân tộc.
Một trật tự mới sẽ được hình thành, một tương quan quyền lực mới sẽ được xác lập để mở đường cho một chế độ mới Dân chủ- Pháp trị ra đời, lộ trình này không thể đảo ngược được.
20/8/2014
Huỳnh ngọc Tuấn
(Thông luận)

Thúc đẩy nhân quyền hay can thiệp vào công việc nội bộ?

Nhandan
Thứ hai, 18/08/2014 – 09:36 PM (GMT+7)
Những năm qua, một trong các yếu tố tạo nên uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế là việc Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quan điểm tiến bộ, tích cực về nhân quyền, đồng thời cố gắng tạo điều kiện để mọi người dân được hưởng các quyền của mình và trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhân quyền không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, không phải khi nào hoạt động này cũng nhận được sự hợp tác thiện chí từ một số quốc gia.

Tại phiên họp cấp cao khóa 16 Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Giơ-ne-vơ (Geneva), khi Việt Nam lần đầu chính thức tuyên bố ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2014 – 2016 của tổ chức này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Nhà nước Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu “tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và Nhà nước pháp quyền, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được tăng cường”, “phấn đấu cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo vệ nhân quyền cho nhân dân các nước”. Không chỉ bằng những tuyên bố, mà qua nhiều việc làm, thành tích cụ thể trong thúc đẩy nhân quyền, Việt Nam đã nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ của các chính phủ, và dư luận rộng rãi trên thế giới. Ngày 12-11-2013, Ðại hội đồng LHQ khóa 68 đã bầu Việt Nam làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, với 184 nước ủng hộ trong số 193 nước tham gia bỏ phiếu. Trong phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tháng 2-2014, việc Việt Nam chấp thuận hơn 80% số khuyến nghị các quốc gia đưa ra đã thể hiện quyết tâm, thiện chí thúc đẩy, hòa đồng các giá trị nhân quyền với thế giới. Bên cạnh các hoạt động này, Việt Nam còn tích cực hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế để phát huy các giá trị nhân quyền tốt đẹp, phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục, lợi ích dân tộc, mở ra các kênh đối thoại, tổ chức hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia ở các cấp độ khác nhau, như hội thảo chia sẻ kinh nghiệm châu Âu về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, diễn ra vào tháng 6-2013 tại Quảng Ninh.
Chính vì thế, dư luận Việt Nam rất bức xúc khi thấy một số cơ quan truyền thông và tổ chức quốc tế, một số cá nhân và chính phủ như cố tình bỏ qua các quan điểm tích cực cùng thành tựu nhân quyền ở Việt Nam, mà phê phán thiếu thiện chí, thậm chí coi nhân quyền là điều kiện để xúc tiến các quan hệ. Như ngày 30-7, Ðại sứ quán Ô-xtrây-li-a cùng Ðại sứ quán Hoa Kỳ, EU, nhóm G4 (Ca-na-đa, Niu Di-lân, Na Uy, Thụy Sĩ) đã tổ chức tại trụ sở Ðại sứ quán Ô-xtrây-li-a ở Hà Nội hội thảo “Truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay”. Diễn biến hội thảo cho thấy, dường như diễn giả và phần lớn ý kiến phát biểu ít phù hợp với chủ đề “thảo luận về truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay, kể cả những phương tiện truyền thông mới như các blog”, “xã hội dân sự có thể sử dụng phương tiện truyền thông mới như thế nào để thúc đẩy nhân quyền trong khuôn khổ của hệ thống chính trị Việt Nam”, mà chủ yếu phê phán thiếu thiện chí, thiếu xây dựng đối với vấn đề được đặt ra; tập trung đề cập tới việc Nhà nước Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận”, xử phạt một số trang mạng cá nhân đã “phê bình, chỉ trích Chính phủ”, xử lý người gây rối an ninh – trật tự, cho rằng cuộc sống của một vài cá nhân gặp khó khăn là do cơ quan công quyền sách nhiễu,…? Về hiện tượng này, blogger Võ Khánh Linh nhận xét: “Hội thảo có vẻ như đã vượt ra khỏi giới hạn bày tỏ sự ủng hộ với thiện chí của Nhà nước Việt Nam đối với khuyến nghị của Ô-xtrây-li-a trong việc tạo môi trường thúc đẩy tự do ngôn luận, nó dường như hướng đến việc Ô-xtrây-li-a muốn “tranh thủ” việc này để “tạo môi trường hợp pháp” từ đặc quyền ngoại giao về trụ sở của mình cho những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam với mục đích chống Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia được phát biểu lên án chính quyền dưới lá bài hộ mệnh về cái gọi là “tự do ngôn luận”…”!?
Lý do khiến dư luận bức xúc không chỉ do nội dung của hội thảo, mà còn do danh sách khách mời và cách thức mà nơi tổ chức bày tỏ. Vì về công khai, khách mời là dành cho quan chức chính phủ, tổ chức chính trị – xã hội, các NGO, các tổ chức xã hội dân sự nhưng trên thực tế, dường như họ lại dành “biệt đãi” cho một số blogger mà chính phủ, hệ thống truyền thông và người dân Việt Nam từng công khai phê phán, thậm chí có người trong số họ từng bị pháp luật xử lý vì xâm phạm tới an ninh quốc gia. Chẳng lẽ Ðại sứ quán Ô-xtrây-li-a và các Ðại sứ quán đã phối hợp tổ chức hội thảo lại không biết gì về một số cá nhân, hội nhóm chỉ tồn tại trên in-tơ-nét (internet) thường xuyên đề cập tới tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam với kiểu đưa tin cực đoan, một chiều, rất thiếu khách quan nhằm phục vụ ý đồ chính trị xấu, đặc biệt là được sự chỉ đạo của các đảng phái, hội nhóm thù địch với Việt Nam ở nước ngoài, như “tổ chức khủng bố Việt tân”, “Voice”, “dân làm báo”,… Những người này đã đi ngược lại lợi ích dân tộc, đưa thông tin sai lệch nhằm tác động để nước ngoài can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Việt Nam để họ có cơ hội lật đổ thể chế chính trị, gây rối loạn đất nước.
Trước hội thảo này, một số hội thảo khác đã được tổ chức có sự tham dự của một số đại diện cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam, như hội thảo “Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế” tại trụ sở EU ngày 20-5-2014, thậm chí cả cái gọi là “hội thảo Quyền tự do đi lại” do một số kẻ trong cái gọi là “nhóm Tuyên bố 258″ tổ chức tại một quán cà-phê ở Hà Nội. Các hoạt động này thường không hoàn toàn hướng tới giá trị thiết thực là chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy giá trị nhân quyền như công bố, mà dường như chỉ hướng tới việc cổ súy các thành phần hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam? Bên cái gọi là hội thảo, gần đây còn thấy đại diện một số cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam như đang gia tăng tiếp xúc với một số phần tử chống đối. Nội dung các cuộc gặp luôn được chính các thành phần đã được “ưu ái tiếp xúc” quảng cáo rùm beng trên internet mà qua đó cho thấy, mục đích là kêu gọi một số quốc gia gây sức ép để buộc Chính phủ Việt Nam thừa nhận những tổ chức bất hợp pháp, trả tự do cho các đối tượng vi phạm pháp luật đang thi hành án, cung cấp và hỗ trợ về tinh thần, vật chất giúp mấy hội nhóm này “đấu tranh bất bạo động”! Và gặp xong là họ liền vội vã khoe khoang như thành công đáng khích lệ, cổ vũ nhau hoạt động bất chấp quy định pháp luật và sự bức xúc của dư luận, thậm chí rùm beng rằng “chế độ sắp đến ngày sụp đổ”, “thời cơ cách mạng đã chín muồi”!
Theo pháp luật Việt Nam, các hội thảo do cơ quan tổ chức quốc tế tiến hành tại Việt Nam phải tuân thủ Quyết định Về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam – số 76/2010/QÐ-TTg được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 30-11-2010. Trong đó, tại khoản 3, Ðiều 3 viết rõ: “Tổ chức nước ngoài khi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế phải thực hiện theo quy trình sau: a. Có kế hoạch tổ chức trình cấp có thẩm quyền nêu tại khoản 2, Ðiều 3 của Quyết định này phê duyệt. Thời hạn trình ít nhất là 20 ngày trước ngày dự kiến tổ chức. Kế hoạch tổ chức cần nêu rõ: Lý do, danh nghĩa tổ chức, mục đích của hội nghị, hội thảo; thời gian và địa điểm tổ chức hội nghị, hội thảo; địa điểm tham quan, khảo sát (nếu có); hình thức và công nghệ tổ chức (trong trường hợp hội nghị, hội thảo trực tuyến); nội dung, chương trình làm việc và các hoạt động bên lề hội nghị, hội thảo; thành phần tham gia tổ chức: cơ quan phía nước ngoài, cơ quan phía Việt Nam, cơ quan tài trợ (nếu có); Thành phần tham dự: số lượng và cơ cấu thành phần đại biểu, bao gồm cả đại biểu có quốc tịch nước ngoài và đại biểu Việt Nam.
Sau khi nhận được kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, cấp có thẩm quyền lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, địa phương liên quan; ra quyết định việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo đề nghị của các tổ chức nước ngoài hoặc trình Thủ tướng Chính phủ nếu vượt quá thẩm quyền của mình. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. b. Tiến hành hội nghị, hội thảo theo đúng chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. c. Gửi báo cáo tóm tắt kết quả hội nghị, hội thảo cho cấp có thẩm quyền trong phạm vi 15 ngày kể từ khi kết thúc hội nghị, hội thảo”.
Trên thực tế, cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam đã lên tiếng rằng, Việt Nam không hoan nghênh tổ chức hội thảo, và coi đây là hành động can thiệp vào công việc nội bộ. Vậy bằng việc làm đó, phải chăng một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội không chỉ không tôn trọng pháp luật Việt Nam, cố ý can thiệp vào vấn đề nội bộ, tạo điều kiện “hợp thức hóa” một số cá nhân, tổ chức đang có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, mà còn vi phạm chính nguyên tắc ngoại giao được quy định tại Ðiều 41 – Công ước Viên năm 1961, trong đó các nhân viên ngoại giao: “1. Không làm phương hại đến các quyền ưu đãi và miễn trừ của mình, tất cả những người hưởng các quyền đó có nghĩa vụ lớn trong luật lệ của Nước tiếp nhận. Họ cũng có nghĩa vụ không được can thiệp vào công việc nội bộ của Nước tiếp nhận”,… “3. Trụ sở của cơ quan đại diện không được đem sử dụng một cách không phù hợp với các chức năng của cơ quan đại diện đã được nêu trong Công ước này hoặc trong những quy phạm khác của công pháp quốc tế, hoặc trong những hiệp định riêng hiện hành giữa Nước cử đi và Nước tiếp nhận”? Trên cơ sở lợi ích quan hệ được xây dựng, vun đắp nhiều năm giữa Việt Nam với các quốc gia, mong các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài nêu trên cân nhắc kỹ lưỡng hơn, cẩn trọng hơn để không tái diễn các hoạt động tương tự. Ðồng thời, hy vọng các cơ quan chức năng của Nhà nước cần có phản hồi mạnh mẽ, để cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài nào đó trước khi tiến hành bất cứ hoạt động gì cũng cần phải tôn trọng pháp luật Việt Nam cũng như tôn trọng các nguyên tắc ngoại giao theo quy định quốc tế.
TUẤN HƯNG

Dấu hiệu Trung Quốc sắp leo thang gây hấn hơn nữa ở Biển Đông

J-11 Trung Quốc, hình minh họa.
Business Insider ngày 23/8 bình luận, báo cáo trong tuần này về một cuộc chạm trán cự ly quá gần giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ ở Biển Đông (không phải Hoa Đông như bản tin đầu tiên của Washington Free Beacon ngày hôm qua) đã chứng minh rằng Trung Quốc không ngại hiện thực hóa đường lưỡi bò ở Biển Đông, bất chấp nguy cơ phải đối đầu với quân đội mạnh nhất thế giới - Hoa Kỳ.
1 chiếc J-11B (phiên bản nội địa Trung Quốc của mẫu Su-27 Nga) đã tiếp cận một cách nguy hiểm với chiếc P-8 của Mỹ đang có mặt để giám sát hoạt động tập trận quân sự "chưa từng có" của Trung Quốc gần đây đang tổ chức đồng thời ở Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông (vịnh Bắc Bộ). Địa điểm xảy ra vụ chạm trán cách đảo Hải Nam 200 km về phía Đông hôm 19/8. Động thái này một lần nữa dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, có lúc chiếc J-11B của Trung Quốc cách chiếc P-8 của Mỹ chỉ 6,1 mét. Trong khoảng cách hết sức nguy hiểm đó, chiến đấu cơ Trung Quốc biểu diễn nhào lộn, phơi bụng để lộ những vũ khí nó mang theo hòng uy hiếp chiếc máy bay của Mỹ. Washington đánh giá, đây là một hành động "thiếu chuyên nghiệp và thừa nguy hiểm".
Kirby cho biết, sở dĩ Lầu Năm Góc 3 ngày sau vụ việc mới công bố là vì muốn gửi kháng nghị tới Trung Quốc qua đường ngoại giao xem Trung Quốc giải thích thế nào về hành vi nguy hiểm này, tuy nhiên Bắc Kinh đã không có bất kỳ phản ứng nào về vụ việc.
Nan Li, một chuyên gia về chính sách quốc phòng Trung Quốc tại đại học Chiến tranh hải quân nói với Business Insider, Trung Quốc rất nhạy cảm với máy bay do thám Mỹ, nhưng Bắc Kinh có cách giải thích khá hạn chế về luật pháp quốc tế áp dụng trong khu vực xảy ra vụ chạm trán.
Thời gian gần đây tình hình Biển Đông trở nên đáng lo ngại hơn trên thế giới không chỉ bởi tranh chấp lãnh hải, tài nguyên mà còn là bởi sự lo lắng trong khu vực về sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng với lịch sử cua sự nghi ngờ và thù địch giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Sự cố trong tuần này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để thực hiện một đường lối hung hăng hơn về chủ quyền lãnh thổ trong khu vực. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc đang tìm kiếm chiến tranh với Hoa Kỳ, nhưng đó là sự sẵn sàng để "khẳng định mình" theo những cách có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa 2 cường quốc, hoặc dẫn đến một cuộc đối đầu không lường trước được.

Hồng Thủy
(GDVN)

VTV chơi xỏ ông Trương Tấn Sang?

Nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 45 năm thực hiện "di chúc" của người khai sinh ra chế độ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có một bài viết riêng cho Tạp chí  Cộng sản. Ngày 20.8.2014, Vietnamnet đã đăng lại bài viết này.
Tối 23.8, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) dành một thời lượng dài (hơn 5 phút) với nội dung là “Dư luận đánh giá cao bài viết của Chủ tịch nước”.
Ngoài phần “đánh giá cao” của 4 nhân vật thủ cựu được phỏng vấn (mà chắc chắn nếu họ không “đánh giá cao” những lời lẽ của ông Chủ tịch nước thì đừng mơ phát biểu của họ được công bố), VTV còn phát hình ảnh bài viết của ông Trương Tấn Sang đăng trên Vietnamet.

Tuy nhiên, thật mỉa mai, những thông tin ở cuối bài viết lại cho thấy sự đánh giá của độc giả chẳng khác nào một cái tát vào mặt ông Chủ tịch nước:
  1. Bài viết chỉ được đánh giá chưa đến 2 sao trên mức 5 sao (ngôi sao thứ hai nhạt hơn ngôi sao thứ nhất);
  2. Trong tổng số 573 người chọn thích hoặc không thích thì số người chọn thích bài viết là 80 (chiếm 14%) còn số người không thích là 493 (chiếm đến 86%);
  3. Một độc giả viết lời cảm ơn Chủ tịch nước thì số người thích lời cám ơn của anh ta chỉ là 30 người (29,7%), trong khi số người không thích lại đến 71 người (70,3%).

Một bài viết mà tỷ lệ độc giả không thích áp đảo so với số thích (86% so với 14%) và ai cũng nhìn thấy điều đó mà VTV lại cứ khẳng định xanh rờn là “dư luận đánh giá cao bài viết của Chủ tịch nước” thì phải chăng VTV muốn chơi xỏ ngài Chủ tịch nước đáng kính của chúng ta?!
Lê Anh Hùng
(Blog Lê Anh Hùng)

Khi phụ nữ Việt Nam 'không thỏa mãn'

Nhảy tango (ảnh minh họa)
Đi nhảy là một cách tìm niềm vui ngoài sinh hoạt gia đình ở Việt Nam

Việt Nam đang có hiện tượng một số phụ nữ đứng tuổi tham gia các câu lạc bộ như CLB nhảy, CLB âm nhạc để giải trí và thậm chí để thỏa mãn nhu cầu tình dục vì nhiều lý do khác nhau.

Theo truyền thông trong nước, có người vì phải sống trong cảnh 'chờ chồng' do công việc làm ăn bận rộn hay chồng có thú vui riêng như ăn nhậu hay chơi tennis sau giờ làm thay vì về nhà với vợ con quanh bữa cơm chiều.
Có người vì cô đơn, thiếu thốn tình cảm, cũng có thể tìm đến đây để được sự quan tâm chăm sóc của các nam vũ sư trẻ, những người có thể đáp ứng các nhu cầu tình cảm và thể xác cho các phụ nữ này.

Người ta cũng thấy xuất hiện những nhóm nam giới, thậm chí cả người nước ngoài, sẵn sàng phục vụ các nhu cầu đó của họ.

Liệu hiện tượng này có thể hiện mối quan hệ vợ chồng trong một gia đình tại Việt Nam đang ngày càng lỏng lẻo hay không?

Nói chuyện với BBC, Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học tại Hà Nội, nói "hiện tượng này chỉ xảy ra ở một bộ phận phụ nữ và nam giới đứng tuổi ở các thành phố lớn như TP. HCM hay Hà Nội. Họ chỉ là nhóm rất nhỏ và câu chuyện của họ không thể đại diện cho quan hệ vợ chồng trong gia đình Việt Nam nói chung được."

Vì chỉ là một số ít nên không thể coi đây là một vấn đề xã hội và hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy nó có ảnh hưởng rõ ràng đối với nhiều người, ông giải thích.

"Tuy nhiên trong khoảng 30 năm qua, gia đình Việt Nam có rất nhiều thay đổi quan trọng và diễn ra khá nhanh. Đó là những thay đổi trong cách người ta đi đến hôn nhân, thay đổi trong hôn nhân và đời sống gia đình," ông nói.
Thay đổi xã hội
"Trong những gia đình mà người chồng hoặc người vợ không thỏa mãn nhu cầu về tình cảm hay tình dục, một số người sẽ chọn thỏa mãn nhu cầu đó bên ngoài gia đình hơn là hy sinh nhu cầu cá nhân vì thể diện của gia đình." - Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi
Những thay đổi này bao gồm: tuổi kết hôn tăng cao hơn; nam và nữ đi đến hôn nhân qua tự tìm hiểu, tự lựa chọn, và dựa trên tình yêu nhiều hơn là do cha mẹ quyết định; các cặp vợ chồng có ít con hơn (ở TP HCM trung bình một cặp vợ chồng chỉ có 1,3 con trong suốt cuộc đời họ), sớm tạo lập gia đình riêng (không sống cùng cha mẹ chồng hoặc vợ như trước đây) và ít chịu sự chi phối trực tiếp của cha mẹ và họ hàng hai bên.

Một thực tế tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi nhắc tới là "nhu cầu về vật chất và tinh thần trong cuộc sống gia đình tăng lên mạnh mẽ, khiến cho các cặp vợ chồng phải tìm cách lao động kiếm tiền nhiều hơn để thỏa mãn các nhu cầu đó."

"Phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các việc làm công ăn lương thay vì chỉ ngồi nhà hay lao động sản xuất trong hộ gia đình mình."

"Các cặp vợ chồng ở các vùng đô thị nhìn chung bận kiếm sống ngoài gia đình hơn, ít có thời gian dành cho gia đình như trước đây."

Theo ông Lợi, các quan hệ trong gia đình ngày càng dân chủ hơn và dù phụ nữ vẫn có phần thua thiệt so với chồng họ, song họ có tiếng nói quan trọng trong các quyết định chung của gia đình, và trong nhiều trường hợp người vợ là người có tiếng nói quyết định và đặc biệt các nhu cầu cá nhân ngày càng được tôn trọng hơn.

Trong bối cảnh giao lưu quốc tế và các phương tiện thông tin và truyền thông phát triển mạnh như internet, truyền hình cáp, dẫn tới ảnh hưởng của các ý tưởng sống mới từ khắp nơi trên thế giới tác động đến mọi người dân, đặc biệt ở các vùng đô thị.
"Ngày nay, đề tài tình dục đã trở thành bình thường trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày"
"Một trong những thay đổi nhanh là cách nhìn và thực hành của mọi người đối với vấn đề tình dục. Trước đây đề tài này không phải là điều người ta có thể thảo luận ở nơi công cộng hay trên phương tiện thông tin đại chúng. Ngày nay, đề tài này đã trở thành bình thường trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày.
"Những người lớn tuổi hơn cũng có xu hướng chú ý nhiều hơn đến nhu cầu của cá nhân về tình yêu và tình dục. Trong những gia đình mà người chồng hoặc người vợ không thỏa mãn nhu cầu về tình cảm hay tình dục, một số người sẽ chọn thỏa mãn nhu cầu đó bên ngoài gia đình hơn là hy sinh nhu cầu cá nhân vì thể diện của gia đình," ông Lợi nói.

Chính những thay đổi này đã dẫn tới tình trạng ngoại tình, ly hôn cũng nhiều hơn trước, đặc biệt ở những cặp vợ chồng mà một trong hai người phải đi làm ăn xa nhà lâu ngày (di cư đi tỉnh khác, nông thôn ra đô thị, hoặc đi xuất khẩu lao động, đi học hay làm việc ở nước ngoài) Một số người góa cao tuổi cũng tìm bạn đời mới cho phần đời còn lại hơn là ở vậy thờ người vợ hay người chồng đã khuất như trước đây.
Bình đẳng giới

Điều đáng nói là khi những chia sẻ cả về mặt tâm lý và thể xác trong quan hệ vợ chồng đã không còn được thỏa mãn, dẫn tới việc phụ nữ phải đi tìm kiếm từ bên ngoài, thì dư luận xã hội không lên án nhiều nếu xảy ra ở người chồng, song khi xảy ra ở phụ nữ thì thường người phụ nữ chịu nhiều chê trách.

"Việt Nam tuy có tiến bộ rất nhiều về bình đẳng giới, song tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá nặng," tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi nói.

Trước câu hỏi liệu việc dùng từ ngữ có tính chất chỉ trích, miệt thị như một số báo viết về đề tài này có phải đã phần nào thể hiện tình trạng kỳ thị đối với phụ nữ, tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi cho rằng quả thực vẫn còn tiêu chuẩn kép đối với quan niệm về tình dục, tình yêu, hôn nhân và gia đình tại Việt Nam.

"Nam có nhiều tự do hành động hơn trong khi nữ không được làm nhiều điều mà nam có thể làm, và nếu nữ có làm những điều đó thì bị chê trách mạnh mẽ trong khi nam cũng làm đúng những việc đó thì lại được 'thông cảm' hơn. Tôi nghĩ rằng tác giả các bài này cũng có cách nhìn thiên lệch về giới, vẫn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ."
"Việt Nam tuy có tiến bộ rất nhiều về bình đẳng giới, song tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá nặng." - Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi
Hiện tượng một số phụ nữ tham gia các sinh hoạt giải trí như CLB nhảy và có "trai bao", thậm chí có thể chủ động đi tìm mua vui chốc lát tại nhà nghỉ, khách sạn đang xảy ra tại các thành phố lớn được một số tờ báo đưa tin gần đây, "tuy không phổ biến nhưng nó cho thấy phụ nữ ngày nay đã tự do hơn, không cam chịu như trước đây," ông Lợi nói.

Trong bối cảnh "xã hội Việt Nam đang có nhiều thay đổi về mọi mặt, trong đó có cả những thay đổi về hệ giá trị văn hóa, xã hội", thì "những hiện tượng xã hội mới nảy sinh có hàm ý thách thức hệ thống giá trị hiện có thường gặp phải sự chống đối kịch liệt," nhà xã hội học nhận định.

"Quá trình thay đổi quan niệm sống cần thời gian. Sự thay đổi các quan niệm về giới cũng vậy. Trong lĩnh vực tình dục, hôn nhân và gia đình, sự thay đổi về giá trị khó khăn hơn nhiều nhưng thay đổi vẫn đang diễn ra.

"Trên báo chí bây giờ người ta bắt đầu nói nhiều đến việc nữ thanh niên có thể chủ động tỏ tình, trong hôn nhân người vợ có thể chủ động trong hoạt động tình dục. Những nhu cầu cá nhân chắc sẽ ngày càng được chú ý hơn, và phụ nữ chắc chắn sẽ ngày càng có địa vị so với nam giới và được cải thiện theo hướng bình đẳng hơn."
  (BBC) 

UBND tỉnh Bắc Ninh nợ trùm Minh 'Sâm' hơn 400 tỷ đồng?

(VTC News) - Tới nay, tỉnh Bắc Ninh chưa thanh toán cho Công ty Đại An của Minh 'Sâm' số tiền hơn 400 tỷ để xây dựng đoạn đường 2,2km.
 
Một nguồn tin đáng tin cậy cho VTC News biết, hiện UBND tỉnh Bắc Ninh vẫn nợ Công ty TNHH Đại An do Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh 'Sâm') làm Giám đốc hơn 400 tỷ đồng. Đây là số tiền xây dựng tuyến đường dài 2,2km đoạn từ cầu Tấn Bào đến Khu lưu niệm ở xã Phù Khê (Từ Sơn) để mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. 

Cụ thể, Công trình được xây dựng từ cuối năm 2011, tới giữa năm 2012 thì hoàn thành. Dự án được triển khai theo hình thức doanh nghiệp nào có tiềm lực kinh tế sẽ bỏ tiền ra đầu tư trước, sau đó tỉnh sẽ trích ngân sách trả doanh nghiệp sau.

Thời điểm đó, Công ty Đại An của Minh 'Sâm' đã đã trúng thầu và bỏ ra hơn 400 tỷ đồng để làm tuyến đường này. Tới nay, tỉnh Bắc Ninh chưa trả lại cho công ty của Minh 'Sâm'.
UBND tỉnh Bắc Ninh nợ trùm Minh 'Sâm' hơn 400 tỷ đồng?
 Nguyễn Ngọc Minh - tức Minh Sâm khi chưa bị bắt. (Ảnh: NLĐ)
Được biết, chính vì bỏ vốn xây dựng và hoàn thành tuyến đường nói trên mà Minh 'Sâm' đã được các ngành, các cấp khen ngợi rất nhiều.

Tuy nhiên, sau khi bị bắt giữ, người ta mới phát hiện ra Minh 'Sâm' còn là một "trùm xã hội đen" khét tiếng đằng sau vẻ bề ngoài của một doanh nhân thành đạt. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng, số tiền hơn 400 tỷ mà Minh 'Sâm' bỏ ra xây dựng tuyến đường nói trên có phải xuất phát từ công việc làm ăn chân chính hay không?

Bên cạnh đó, người dân địa phương cho biết, Minh 'Sâm' từng hành xử theo kiểu xã hội đen khi tiến hành giải phóng mặt bằng dự án nói trên. Theo đó, khi tiến hành đàm phán giải tỏa với các hộ dân, Minh 'Sâm' và Hưng Sóc (là tay chân của Minh Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng - Công ty con của Công ty Đại An) luôn dẫn theo một nhóm "đàn em", tay lăm lăm hung khí nên người dân không ai dám trái lệnh, tất cả nhận tiền đền bù răm rắp. 

Vì thế, công tác giải  phóng mặt bằng cho dự án đường dài hơn 2km được Minh 'Sâm' hoàn tất chỉ trong vòng 2 ngày.

Liên quan đến hoạt động của băng nhóm tội phạm Minh 'Sâm', một lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước khi Bộ Công an vây bắt các đối tượng này, UBND tỉnh Bắc Ninh không hề biết các hoạt động trái pháp luật của chúng. Theo đó, từ chính quyền cấp xã đều báo cáo tốt về đối tượng này. Lực lượng công an cũng không có báo cáo gì tớ UBND tỉnh về hoạt động làm ăn ngầm của Minh 'Sâm'. Việc Bộ Công an tiến hành vây bắt băng nhóm Minh 'Sâm' cũng được giữ bí mật, tỉnh Bắc Ninh không hề hay biết. 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét