Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Ngày 25/3/2014 -Vốn ngân hàng là tiền dân - Đường chín đoạn

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Vốn ngân hàng là tiền dân


Với tổng tài sản của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam lên tới gần 5,7 triệu tỷ đồng – tính đến tháng Hai năm nay, có thể nói không quá lời rằng, các ông chủ, nhà quản lý điều hành (CEO) ngân hàng, đang được “ngồi” trên một núi tiền lớn.
Điều đó cũng có nghĩa, đặc thù lĩnh vực kinh doanh đã đặt vào tay các ông chủ, CEO ngân hàng một quyền năng rất lớn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế luôn trong tình trạng đói vốn trong một vài năm trở về trước.
Đặc quyền đó, đôi khi khiến những người làm ngân hàng “quên” rằng, khối tài sản khổng lồ họ được nắm giữ, quản lý, chỉ có một phần nhỏ vốn tư nhân còn lại chủ yếu là tiền của dân bao gồm vốn của Nhà nước và hơn 3 triệu tỷ đồng (chiếm tỷ lệ trên 50%) là đóng góp của khách hàng gửi tiền.
Chính vì vậy, kinh doanh ngân hàng đòi hỏi những điều kiện vô cùng chặt chẽ về tài chính, công nghệ, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo vốn nhàn rỗi được điều phối đến đúng nơi mà nền kinh tế cần. Tuy nhiên, không phải lãnh đạo ngân hàng nào cũng tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu đó. Bằng chứng là đã có hàng trăm vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực này bị phát hiện trong thời gian qua, từ cho vay sai quy định, cho vay nội bộ, đầu tư bừa bãi, lừa đảo, tham ô…, gây thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hậu quả là, một phần vốn của nền kinh tế đã bị hao hụt; một bộ phận doanh nghiệp mất cơ hội tiếp cận vốn để sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng bị kéo lùi; nợ xấu dâng cao; người dân, doanh nghiệp giảm lòng tin vào hệ thống ngân hàng…
Đến nay, hệ thống ngân hàng vẫn được Nhà nước bảo lãnh để không trường hợp nào bị phá sản, nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Chính vì vậy, một số ông chủ ngân hàng đã tìm mọi cách bơm vốn, chuyển lợi nhuận từ ngân hàng vào các công ty con của mình, dù điều này bị pháp luật nghiêm cấm, bởi bám víu hy vọng “có vấn đề gì thì Nhà nước cũng không để ngân hàng “chết”. Các ngân hàng đừng “quên” rằng, trong trường hợp có ngân hàng nào “gặp vấn đề”, Nhà nước phải đứng ra xử lý, cũng có nghĩa, mỗi người đóng thuế phải “gánh” thêm hậu quả!
Bởi vậy, có lẽ, những ông chủ, CEO ngân hàng, ngoài yêu cầu về năng lực quản trị, điều hành, nhất thiết phải rèn luyện được phẩm chất đạo đức và trách nhiệm xã hội để khi ngồi trên một đống tiền của dân vẫn đủ tỉnh táo, nghiêm ngặt, khắt khe với chính mình, để vượt qua được những cám dỗ chỉ cách một lằn ranh mong manh. Đó là lòng tham.
Theo Giao thông vận tải

Đường chín đoạn



Đường màu đỏ: Vùng Lãnh hải China đòi chủ quyền
Đường màu xanh : Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo công ước UCLOS
Dấu chấm xám: các đảo trong vùng tranh chấp
 
Nếu như sự kiện chìm tàu Cheonan gây ra nhiều quan ngại sâu sắc cho khu vực Đông-Bắc Á đối với Trung Quốc, thì tín hiệu đánh động khu vực Đông-Nam Á lại đến từ nơi bình thường hơn: Uỷ ban của Liên Hợp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa.
Năm 2009, cơ quan còn khá xa lạ này của Liên Hợp Quốc đã đặt ra hạn chót mà các nước trong khu vực phải nộp Hồ sơ quốc gia về ranh giới ngoài Thềm lục địa tại biển Nam Trung Hoa cùng rất nhiều bãi đá, đảo nhỏ và bãi cạn của nó. Biển Nam Trung Hoa có một danh sách đồ sộ và phức tạp các nước tuyên bố chủ quyền ở đó. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hầu khắp vùng biển và đảo; Philippines, Brunei và Malaysia đều chỉ tuyên bố chủ quyền đối với một phần nhỏ. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển đem lại một bộ khung cho hoạt động lập pháp quốc tế để phân xử các tranh chấp như vậy, một thủ tục xử theo án lệ với ngôn ngữ luật chính xác nhằm hạ nhiệt những phản ứng đầy cảm tính. Tuy nhiên trong trường hợp biển Nam Trung Hoa thì kết quả hoàn toàn trái lại. Sau khi Việt Nam và Malaysia ra tuyên bố chung, Trung Quốc đã rất giận dữ. Bắc Kinh cũng có thông điệp riêng, khẳng định: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở biển Nam Trung Hoa và các vùng nước liền kề.” Bên cạnh thông điệp ngoại giao bằng ngôn từ, Bắc Kinh còn gắn kèm một bản đồ khu vực này, ở đó tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được đánh dấu bởi một đường gồm 9 đoạn.
Bản đồ “đường 9 đoạn” không phải mới: nó được vẽ lần đầu tiên vào những năm 1920 bởi các nhà bản đồ học Trung Quốc, và được sử dụng như là bản đồ bán chính thức vào năm 1947 dưới thời Tưởng Giới Thạch – nhà lãnh đạo Quốc Dân đảng, trước khi những người Cộng Sản giành được chính quyền. Nhưng đây là lần đầu tiên nó được sử dụng trong một tuyên bố chính thức của Trung Quốc tại một diễn đàn quốc tế. Và đối với nhiều quốc gia Đông-Nam Á, nó là dấu hiệu cho sự ngạo mạn mới của Trung Quốc. Trông giống chữ U lớn, “đường 9 đoạn” bắt đầu từ bờ biển Tây-Nam Trung Quốc, uốn lượn xuống sát theo đường bờ biển Việt Nam, uốn cong qua vùng ven biển Malaysia và Brunei, cuối cùng trở về đại lục Trung Quốc sau khi liếm sát vùng ven biển Phillipines. Về phạm vi, nó chiếm gần như toàn bộ vùng biển Nam Trung Hoa, ngoại trừ một dải hẹp bên cạnh đường bờ biển của các nước khác trong khu vực. Trung Quốc nói bản đồ này là sự phản ánh “các quyền lịch sử” của họ do đã kiêm soát các đảo khác nhau trong vài thế kỷ. Người Trung Quốc đôi khi bảo rằng bản đồ hình chữ U trông giống “lưỡi bò”; một người (tôi) mới gặp đã mô tả nó, ít hoa mỹ hơn một chút, như “dái thòng”.
Sách Trắng mới nhất về quốc phòng của Trung Quốc tuyên bố “chúng tôi sẽ không bao giờ tìm kiếm ngôi vị bá chú” – một câu đã nhàm tai và là một trong những câu cửa miệng trong chính sách của Trung Quốc. Song ở nhiều thủ đô khác của châu Á, nơi mà những tuyên bố về “các quyền lịch sử” tất yếu sẽ nhắc họ nhớ lại vị trí lệ thuộc mà họ đã phải chịu đựng trong suốt những thời đại trước đây của thế lực Trung Quốc, thì cái phạm vi tuyệt đối, gây sốc của bản đồ Trung Quốc khiến họ cảm thấy rõ rệt một nỗ lực giành lấy ngôi vị bá chủ. Một nhà ngoại giao Thái Lan tâm sự khi Trung Quốc đưa ra bản đồ gồm “đường 9 đoạn”: “Chúng ta có lẽ đã không quá kinh ngạc đến vậy. Nhưng hãy nhìn mà xem, họ thật sự đang cố gắng tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết mọi thứ – điều đó thật đáng giật mình.”
Một trong những hệ quả của 500 năm thống trị của hải quân phương Tây ở châu Á là những cái tên được dùng phổ biến cho nhiều khu vực đảo ở biển Nam Trung Hoa – bãi đá Mischief, bãi Macclesfield, đảo Woody, và bãi cạn Scarborough. Khoảng 60 bãi đá ở biển Nam Trung Hoa được chia chủ yếu thành hai nhóm: Quần đảo Hoàng Sa ở phía Bắc và Trường Sa xa hơn về phía Nam. Suốt vài thập kỷ, các tranh chấp xem ai sở hữu những khu vực đảo này chỉ là sự kiện bên lề ít được biết đến, ngay cả khi Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa chiến tranh chớp nhoáng giành nhau một số đảo vào năm 1974, kết quả là Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa, và lại chiến tranh vào năm 1988. Nhưng trong 5 năm gần đây, các tranh chấp ấy nhanh chóng trở thành một cơn bão thật sự của nền địa-chính trị hiện đại. Biển Nam Trung Hoa là nơi mà những lo ngại của Mỹ và Đông-Nam Á, về sự tăng cường quân sự của Trung Quốc, đã bắt đầu có sự tương đồng. Về phía Mỹ, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã rung chuông báo động mối de dọa trong dài hạn đối với trật tự trên biển của Mỹ. Còn về phía các nước châu Á tuyên bố chủ quyền thì tranh chấp còn liên quan tới cả dầu, hải sản và chủ nghĩa dân tộc mãnh liệt.
Bề ngoài có lẽ chỉ là vài miếng đất không đáng kể, nhưng lợi ích kinh tế mà những đảo đang bị tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa đem lại có thể rất lớn. Ở Trung Quốc, biển Nam Trung Hoa đôi khi được gọi là “Đại Khánh trên biển” – Đại Khánh vốn là một mỏ dầu được tìm thấy vào những năm 1950 ở Đông-Bắc Trung Quốc, một cứu cánh cho nền kinh tế theo đường lối Mao Trạch Đông trong thời kỳ đóng cửa kinh tế, và là thành phần chủ đạo trong công tác tuyên truyền của Cộng Sản đảng về tự lực cánh sinh lao động chăm chỉ. Các dự đoán của Trung Quốc ước tính có khoảng 213 tỷ thùng dầu ở biển Nam Trung Hoa, không kém nhiều so với lượng dữ trự của Ả-Rập Xê-Út. Ứơc tính khác của Trung Quốc cho rằng ở đó có đủ khí tự nhiên dùng trong 400 năm, với mức tiêu thụ như hiện nay. (Một số dự đoán cá nhân thì đưa ra con số kém lạc quan hơn nhiều – một phần vì nhiều lượng dầu là gần như không thể tái tạo – cho rằng lượng dữ trữ khoảng 2,5 tỷ thùng). Nếu mỏ dầu tiềm năng là không đủ thì biển vẫn đầy hải sản, làm tăng sức hút của nó đối với những tàu cá Trung Quốc và Việt Nam, vốn đã thấy nguồn cung tại các vùng đánh bắt truyền thống gần bờ của họ ngày càng suy giảm do đánh bắt quá tay, nên họ buộc phải tiến vào những khu vực xa bờ hơn, những vùng nước tranh chấp. Trung Quốc là nhà tiêu thụ hải sản lớn nhất thế giới (và là nhà xuất khẩu), hải sản cũng cung cấp một nửa lượng protein trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Đối với cả hai quốc gia, đánh bắt hải sản là ngành công nghiệp có tầm quan trọng bị đánh giá thấp.
Khi mà những xích mích đã gia tăng trong vài năm gần đây, Trung Quốc quả quyết rằng các quốc gia khác chính là nguyên nhân, và họ đưa ra một chút bằng chứng khẳng định điều ấy. Bắc Kinh phẫn nộ trước việc Malaysia và Việt Nam gửi báo cáo chung tới Liên Hợp Quốc, mà Trung Quốc coi đấy là bằng chứng rằng các nước khác đang kết bè chống lại nó. Các quan chức Trung Quốc lớn tiếng phản đối quan điểm cho rằng Trung Quốc là nước duy nhất không có quyền khai thác tài nguyên dầu ở biển Nam Trung Hoa. “Có tới 700 giếng dầu tại những khu vực mà chúng tôi tin là của chúng tôi, vậy mà người ta lại lên án sự cương quyết của chúng tôi” – một quan chức Trung Quốc nói với tôi như vậy. Họ cũng lưu ý tới sự tăng cường hạ tầng tại các vùng đảo bị kiểm soát bởi các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam tại Trường Sa – nơi Việt Nam kiểm soát 29 vùng đảo. Bắc Kinh cũng khăng khăng rằng nỗ lực của Washington can dự vào tranh chấp đã tiếp thêm động lực cho Việt Nam và Phillipines để đối đầu với Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc chắc chắn rằng Mỹ đang chống lại họ tại biển Nam Trung Hoa. “Trung Quốc không phải nước khơi mào những vấn đề này và còn lâu mới là thủ phạm gây ra tổn hại” – ông Thôi Thiên Khải, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trở thành Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từ năm 2013, nói – “thay vào đó, Trung Quốc là một nạn nhân bị buộc phải chịu những tổn hại.”
Những nước tuyên bố chủ quyền khác lại kể câu chuyện rất khác. Họ nói tới sự hiện diện hải quân của Trung Quốc tuy gia tăng từ từ nhưng có tính quyết định tại khu vực trong suốt một thập kỷ gần đây, tới sự tăng cường có chủ đích các căn cứ quân sự trên một số đảo mà Trung Quốc kiểm soát, là một phần của quá trình ngấm ngầm khẳng định chủ quyền. Các hình ảnh vệ tinh về đảo Woody (tiếng Việt: Phú Lâm, tiếng Trung: Yongxing) thuộc Hoàng Sa đã chứng minh điều ấy. Đảo nhỏ này cách 200 dặm về phía Nam căn cứ tàu ngầm tại Hải Nam. Nó không có dân bản địa cũng như nguồn cấp nước tự nhiên, song chỉ vài năm gần đây nó trở thành một thành trì quân sự được gia cố vững chắc. Một cổng chính vừa được xây dựng tại một khu vực đã được nạo vét. Đồng thời, phần đất liền được mở rộng để làm một đường băng cho các máy bay quân sự: các hình ảnh vệ tinh cho thấy một dải đất hẹp dài gần gấp hai lần so với đảo. Có một dải đất hẹp khác cho thấy con đường dài 1 dặm nối giữa đảo với một bãi nhỏ khác – mà bây giờ được dùng làm trung tâm kiểm soát các hoạt động hải quân trong khu vực. Năm 2012, Bắc Kinh tuyên bố rằng thị trấn chính của đảo, tức Tam Sa, trở thành đơn vị hành chính chính thức. Có một tòa nhà chính quyền địa phương với tường được sơn trắng, với những chiếc cột cao theo phong cách tân-cổ điển và một mái vòm lớn, trông giống phiên bản thu nhỏ của Capitol ở Mỹ. Vào ngày nó được tuyên bố thành đơn vị hành chính chính thức, một quan chức nông nghiệp địa phương, tên là Xiao Jie, đến từ Hải Nam đã được gửi tới thị trấn bằng chuyến tàu 20 giờ để đảm nhiệm cương vị lãnh đạo. “Không có đất trồng trọt ở đây” – ông ấy nói trên cương vị mới – “mục tiêu chủ yếu là bảo vệ chủ quyền trên biển của quốc gia”.
Các chính phủ ở Đông-Nam Á chỉ trích Bắc Kinh vì thực hiện chiến lược “miệng nói tay làm”. Nếu gặp dịp, Việt Nam và Phillipines có thể kể vanh vách những biểu hiện của Trung Quốc mà họ coi là hành động bắt nạt. Việt Nam chỉ ra rằng 2 trong số 9 đoạn ở bản đồ nổi tiếng của Trung Quốc ấy là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật quốc tế, tức là vùng 200 dặm vượt quá đường cơ sở của một quốc gia theo luật quốc tế. Năm 2007, Bắc Kinh gây áp lực buộc Exxon Mobile và vài công ty dầu khí nước ngoài khác phải dừng các hoạt động khoan thăm dò tại vùng ven biển Việt Nam – một sự kiện đôi khi được coi là khởi đầu cho giai đoạn xích mích hiện nay. Năm 2011, các tàu của chính phủ Trung Quốc đã cắt cáp của 2 tàu thăm dò dầu khí cho Petro Việt Nam. Hai tháng sau, một tàu Phillipines đang nghiên cứu địa chấn trong vùng biển tranh chấp đã bị 2 tàu của chính phủ Trung Quốc buộc phải rời đi. Hàng năm, những nhà cầm quyền Trung Quốc đều tạm thời cấm đánh bắt hải sản tại một số vùng ở biển Nam Trung Hoa, mà họ nói là để bảo vệ nguồn cung, song quyết định ấy không được sự đồng thuận của các chính phủ khác. Cứ mỗi năm, Trung Quốc lại bắt giữ hàng tá ngư dân vi phạm lệnh cấm đánh bắt đó.
Thật khó mà không nghĩ rằng đấy là một kế hoạch dài hạn, có tính toán nhằm dần dần khẳng định quyền kiểm soát khu vực. Vậy nhưng, cũng như nhiều biến động mà ở đấy sức mạnh to lớn bên trong Trung Quốc bắt đầu bùng phát, còn một khía cạnh khác trong sự cương quyết mới đây của Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa, đó là áp lực tích tụ từ bên dưới buộc phải họ phải mạnh tay hơn. Hành xử của Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa là một trong những ví dụ rõ ràng nhất cho thấy các nhóm lợi ích đua tranh nhau đã uốn nắn chính sách ngoại giao như thế nào – sự phân chia quyền lực là điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã chứng kiến. Một loạt cơ quan khác nhau của chính phủ phải chịu trách nhiệm chồng chéo nhau đối với những yếu tố góp phần khẳng định sự hiện diện của chính phủ họ tại biển Nam Trung Hoa, và đôi khi họ tranh cãi nhau để chứng tỏ sự hiện diện của mình. Người Trung Quốc nhanh chóng nhận ra điều này, và gọi các nhóm khác nhau ấy là “9 con rồng” – một sự liên hệ với truyền thuyết cổ xưa về một vua rồng có 9 đứa con, có thể bắt gặp ở vô vàn bức tranh tường “khuấy động vùng biển”.
Một trong những áp lực từ bên dưới đó đến từ các chính quyền địa phương. Chính quyền đảo Hải Nam, nơi có căn cứ hải quân mới, chịu trách nhiệm quản lý Trường Sa và Hoàng Sa, suốt 2 thập kỷ vừa qua đã thử tổ chức những chuyến du lịch hạng sang tới các đảo như một phần kế hoạch phát triển của riêng họ. Trong vài năm gần đây, sự ngăn cản của những nhà cầm quyền tại trung ương đối với các hoạt động này đã giảm dần. Các hãng du lịch ở Hải Nam giới thiệu với khách hàng những gói dịch vụ bơi lặn xa hoa tại Hoàng Sa, và hiện nay có một cuộc đua thuyền giữa Hải Nam và Hoàng Sa. Những công ty dầu khí lớn, thuộc các thành phần quyền lực nhất và liên kết chặt chẽ nhất của nền công nghiệp do nhà nước sở hữu, cũng vừa ra sức vận động chính phủ tăng cường tuyên bố chủ quyền tại khu vực. Năm 2012, CNOOC – một trong 3 công ty dầu khí lớn – đã mời các công ty dầu khí nước ngoài cùng khai thác 9 mỏ dầu tại những khu vực còn tranh chấp, mà một số mỏ dầu trong đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngay cả trong những cơ quan trực thuộc chính phủ Trung Quốc đang quản lý các hoạt động tại khu vực, thì cũng có các nhóm lợi ích đua tranh nhau. Cục quản lý Nghề cá chịu trách nhiệm điều phối hoạt động đánh bắt tại những vùng nước của Trung Quốc, nhưng cơ quan Gíam sát Hàng hải Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động thực thi luật pháp trong khu vực. Như bất cứ cơ quan tốt nào khác, họ đều cố thể hiện tầm quan trọng của mình để có thêm ngân sách, vốn đã phình ra nhanh chóng trong vài năm gần đây. Họ thậm chí còn có một câu cửa miệng để biện minh cho những chức năng đôi khi lẫn lộn và chồng chéo của mình: “Hãy chộp lấy những gì bạn có thể chộp được trên biển, rồi sau đó hãy phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan”. Bộ Nông nghiệp, nơi chịu trách nhiệm về nghề cá, quản lý một hệ thống khen thưởng cho các cá nhân, những người “mạnh mẽ và dũng cảm trong việc bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”: còn các quan chức thì được thưởng vì đã đuổi nhiều tàu thuyền nước ngoài ra khỏi những vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Với hàng tá tàu và máy bay trong tay, các cơ quan này cũng có vai trò trong việc mở rộng phạm vi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi việc sử dụng hải quân có thể bị coi là một động thái gây phẫn nộ, thì các tàu thực thi luật pháp lại có thể hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc một cách ít trực diện hơn.
Còn 2 yếu tố khác đằng sau nỗi lo ngại sâu sắc của khu vực Đông-Nam Á. Không chỉ có sự gia tăng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại trong khu vực, mà còn có sự mập mờ của nó. Chẳng ai biết rõ mình đang đối mặt với vấn đề gì. Ngay cả khi bản đồ “đường 9 đoạn” đã tồn tại suốt vài thập kỷ, thì Trung Quốc cũng chưa bao giờ thực sự xác định lãnh thổ theo bản đồ ấy. Có những lúc, các quan chức Bộ Ngoại giao cố làm dịu các lo ngại, bằng cách nói rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chỉ áp dụng với các vùng đảo và vùng đất bên trong đường 9 đoạn thôi. Một tuyên bố như thế sẽ vẫn kéo theo một loạt tranh chấp khó khăn, dù phạm vi ít hơn nhiều so với việc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực trên bản đồ. Thế nhưng có những lúc khác, các quan chức và các nhà phân tích Trung Quốc lại nói rằng “quyền sở hữu” lịch sử đối với biển Nam Trung Hoa đem lại cho họ những độc quyền đối với mọi thứ bên trong đường 9 đoạn. Những người khác lại đề xuất rằng khu vực bên trong đường 9 đoạn là một phần trong “các vùng nước chủ quyền” của Trung Quốc. Bành Quang Khiêm, một tướng lĩnh diều hâu cao cấp của Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa, thì bảo rằng các vùng nước bên trong “đường 9 đoạn” là “vùng đất màu xanh… của Trung Quốc” và là một khu vực “thuộc sở hữu” của Trung Quốc. Nỗ lực của CNOOC thực hiện các hợp đồng dầu khí bên trong các vùng nước tranh chấp và các lệnh cấm đánh bắt mà Trung Quốc áp đặt đã cho thấy quan điểm chính thức là rất khác quan điểm do Bộ Ngoại giao đưa ra. Sự mập mờ ấy có thể bộc lộ vài điều. Có thể là sự linh hoạt trong quan điểm của Trung Quốc, được điều chỉnh sau các cuộc đàm phán. Nhưng cũng có thể là Trung Quốc đang thử theo cả hai con đường: những nhà ngoại giao kiên định với các tuyên bố chủ quyền phạm vi hẹp, trong khi hành động thực tế lại nhắm tới một phạm vi bao quát hơn nhiều.
Còn một vấn đề về tầm vóc nữa. Khi làm việc với Trung Quốc, những quốc gia khác ít cảm thấy sự bình đẳng về chủ quyền, mà phần nhiều thì cứ như là họ buộc phải ngồi cạnh một con voi lớn có thể đập bẹp họ. Sự khác biệt rất lớn về tầm vóc ấy khiến cho những động thái của Trung Quốc dường như nguy hiểm đối với các hàng xóm hơn những gì mà Bắc Kinh nhận thức. Những nước tuyên bố chủ quyền của Đông-Nam Á muốn thảo luận đa phương về các tuyên bố chủ quyền khác nhau, với niềm tin rằng chỉ có thảo luận đa phương mới cho phép họ nói chuyện một cách bình đẳng. Vì sợ hãi các quốc gia khác sẽ liên minh nhờ đó, Trung Quốc kiên quyết rằng từng quốc gia nên làm việc theo cơ chế song phương. Đối với những nước nhỏ hơn, sự kiên quyết đàm phán song phương của Trung Quốc giống như một kiểu bắt nạt. Một chính khách cấp cao tới từ một nước Đông-Nam Á nói: “Quan điểm của Trung Quốc là ‘vấn đề không phải tính đúng đắn trong tuyên bố chủ quyền của chúng tôi; nếu chúng tôi nói đó là của chúng tôi thì có nghĩa rằng đó là của chúng tôi’”.
Để có quan hệ tốt với Trung Quốc, thì những phản ứng dữ dội trong khu vực trước thái độ của Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa dường như vừa được một cú hích nhẹ từ sự xoay trục linh hoạt của Mỹ. Nếu như có một khu vực mà Washington vẫn chiếm ưu thế mang tính quyết định so với Bắc Kinh, thì nó ở trong nghệ thuật hắc ám của truyền thông mật báo. Tháng Ba năm 2009, Jeff Bader – giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, và James Steinberg – Thứ trưởng Ngoại giao, đã tới Bắc Kinh để tham gia một loạt cuộc họp với những người đồng cấp phía Trung Quốc. Biển Nam Trung Hoa là một trong những đề tài được chú trọng trong các cuộc họp. Vài tuần sau, báo New York Times đăng một câu chuyện nói rằng Trung Quốc giờ đây coi biển Nam Trung Hoa là một “lợi ích cốt lõi”.
Trong ngoại giao, những câu chữ ngắn ngủi có thể mang theo sức mạnh to lớn. Trong ngôn ngữ mã hóa của nền ngoại giao Trung Quốc, hai từ này vô cùng quan trọng. Các “lợi ích cốt lõi” khác là Đài Loan và Tây Tạng, những nơi mà đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ dời cả những ngọn núi để giành lấy sự thống trị. Việc mô tả biển Nam Trung Hoa bằng các câu chữ như vậy thật sự đã cho thấy một sự tăng cường căn bản, một dấu hiệu rằng Trung Quốc không bao giờ nhân nhượng hay đàm phán. Các quan chức Trung Quốc thực tế đã thể hiện tâm thế không nhân nhượng trong suốt những cuộc họp, đưa ra vài bài giảng về các quyền của họ tại biển Nam Trung Hoa. Thế mà Jeff Bader và James Steinberg vẫn quả quyết rằng công thức “các lợi ích cốt lõi” dễ gây bùng nổ ấy không bao giờ được sử dụng trong những cuộc họp của họ – dù chính điều này còn gây tranh cãi – cả từ phía các thuộc cấp của ông Dai lẫn từ phía một số thành viên trong đoàn đại biểu Mỹ. (“Hillary dường như vừa dọn dẹp lại bộ nhớ của mình” – một quan chức Mỹ chua cay như vậy). Tuy nhiên, dù nguồn gốc của cụm từ “lợi ích cốt lõi” có là gì thì Trung Quốc cũng đã bị rơi vào thế khó. Chính phủ Trung Quốc không thể xác nhận lời tuyên bố mà lại không gây phẫn nộ cho khu vực Đông-Nam Á. Nhưng chẳng ai trong số họ có thể chính thức phủ nhận câu chuyện, vì sợ vấp phải sự chỉ trích của những người dân tộc chủ nghĩa rằng họ đã yếu đuối. Thay vào đó, Bắc Kinh im lặng gắm nhấm nỗi đau.
Nếu câu chuyện “lợi ích cốt lõi” bị cường điệu hóa, thì đó là loại cường điệu mà cả khu vực đều tin ngay lập tức, vì nó có vẻ ăn khớp với hành xử thực tế của Trung Quốc. Thuật hùng biện của Washington, kể từ năm 2010, thỉnh thoảng dựa vào những khẩu hiệu vụng về cùng với dòng chữ “Mỹ đang quay lại” ở châu Á. Song câu chuyện thực sự lại là cánh cửa mở chờ đón Washington bước vào một khu vực mà ở đó sự lo ngại Trung Quốc đang lên nhanh. Ở Phillipines chẳng hạn, đã có sự phấn khích rộng khắp khi Hải quân Mỹ bị buộc phải rời khỏi căn cứ của nó tại vịnh Subic năm 1992, còn những nhà lãnh đạo kiểu Gloria Arroyo đã chào đón Trung Quốc như một “người anh cả”. Nhưng các tàu chiến của Mỹ giờ đây đang quay lại với tần suất lớn chưa từng thấy, còn tổng thống mới của Phillipines, ông Benito Aquino đã tuyên bố năm 2012: “Chúng ta cần đoàn kết chống lại những hành động tấn công từ phía Trung Quốc”.
Về cơ bản, Trung Quốc đã bắt đầu phải hứng chịu tai hại từ sự bất nhất căn bản trong chiến lược của họ. Vào giai đoạn tốt nhất trong 2 thập kỷ, Bắc Kinh đã theo đuổi hai mục tiêu riêng biệt. Họ có một chiến lược quân sự cố gắng đẩy lui dần Mỹ về phía Thái Bình Dương và giành quyền kiểm soát lớn hơn tại các vùng biển gần Đại lục. Đồng thời, họ có hoạt động ngoại giao dồn dập nhằm ngăn cản các hàng xóm tạo thành một liên minh cô lập nó. Thế nhưng họ điều chỉnh hai mục tiêu không ăn khớp nhịp nhàng. Họ càng chống Mỹ và càng gia tăng tuyên bố về lãnh thổ thì họ càng khiến khu vực thêm chào đón Washington. Trung Quốc đã gặp hết trở ngại này đến trở ngại khác về chiến lược. Rốt cuộc lại làm vững mạnh thêm những đồng minh trụ cột của Mỹ ở Đông-Bắc Á. Đồng thời, hành xử của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa tạo điều kiện cho Mỹ gắn bó hơn với các quốc gia Đông-Nam Á. Shi Yinhong, học giả Trung Quốc và là người hâm mộ Otto von Bismarck, nói một cách buồn bã: “Chúng tôi thu được toàn những kết quả trái với những gì mong đợi”.
Kinh nghiệm của Mỹ trong thế kỷ 19 cho thấy phạm vi mà chiến lược của Trung Quốc nhắm tới là sai lầm. Suốt gần 2 thế kỷ, Mỹ đã tuyên bố sở hữu một khu vực và đã cố gắng ngăn những thế lực lớn khác không thể áp đặt ảnh hưởng mang tính quyết định ở Tây Bán Cầu. Một nhà ngoại giao Trung Quốc từng dè dặt đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta không có học thuyết Monroe của riêng mình?”. Ông ấy nhanh chóng tự kiểm duyệt, vì Trung Quốc không thừa nhận bất kỳ sự tự tin nào như vậy, nhưng không quá khó hiểu tâm trạng chán chường đằng sau câu hỏi ấy. Với một số người Trung Quốc, Mỹ sử dụng tiêu chuẩn kép khi cách ra sức ngăn cản Trung Quốc có được cùng loại ảnh hưởng mà Mỹ đang lợi dụng ở sân sau của mình. Việc so sánh quan điểm hướng tới các vùng biển gần Đại lục của Trung Quốc với học thuyết Monroe đã từng bị coi là một cái gì đó ngạo mạn. Nhưng khi những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thêm phần cứng rắn thì phép so sánh lại bắt đầu tỏ ra hợp lý. Những cái gọi là “đường 9 đoạn” và các tuyên bố về “những quyền lịch sử” là gì nếu không phải lời khẳng định cho một ý thức sở hữu và quyền hành thống trị khu vực nào đó? Thế nhưng một lịch sử rất khác đằng sau học thuyết Monroe đã cho thấy rõ sự bất đồng căn bản giữa cái nhìn của Trung Quốc về chính mình với cái nhìn của nhiều quốc gia châu Á về Trung Quốc. Sức mạnh hải quân Mỹ từ những năm 1890 chắc chắn là một yếu tố cho phép Washington mở rộng quyền lực của mình, song không phải yếu tố duy nhất. Một yếu tố khác quan trọng không kém là sự chào đón hào phóng mà Mỹ có được ở phần lớn khu vực Mỹ La-tinh cũng vào thời gian đó. Học thuyết Monroe không được áp dụng ở bán cầu không chào đón nó: tại nhiều vùng của Mỹ La-tinh, nó được hoan nghênh.
Khi Brazil đăng cai Hội nghị hợp tác xuyên-Mỹ lần thứ ba vào năm 1906, thì nhân vật chủ đạo là Elihu Root, Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Teddy Roosevelt, đang công du khắp khu vực Mỹ La-tinh để giải thích những tác động của học thuyết Monroe. Elihu Root đã được chào đón nồng nhiệt, vì nhiều chính phủ Nam Mỹ thấy rằng học thuyết Monroe không phải sự áp đặt của thế lực Mỹ mà là sự bảo đảm cho họ độc lập khỏi sự cai trị của thực dân châu Âu. Sự tin tưởng vào Washington lớn tới mức những người Brazil đổi tên tòa nhà diễn ra hội nghị thành Palacio Monroe – cái tên vẫn được giữ khi tòa nhà trở thành trụ sở vĩnh viễn của Thượng viện. Joaquim Nabuco, một trong những người Brazil nhiều ảnh hưởng nhất thời đại vì vai trò trong công cuộc xóa bỏ chế độ nô lệ, đã vui mừng công bố rằng mình là một “người theo chủ nghĩa Monroe”. Ông ấy nói: “Đối với tôi, học thuyết Monroe có nghĩ rằng chúng ta tự tách mình khỏi châu Âu một cách hoàn toàn và kiên quyết như mặt trời với mặt trăng vậy”. Tất nhiên, trong vài thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, khi mà Mỹ tham gia lật đổ những chính phủ do dân bầu ra ở Guatemala những năm 1950, ở Brazil những năm 1960, và ở Chile những năm 1970, thì cái nhìn của khu vực về sự cần thiết có Mỹ đã thay đổi chóng mặt. Chủ nghĩa chống-Mỹ nhanh chóng trở thành một phần của DNA chính trị khu vực Mỹ La-tinh. Kể từ đó, nhiều chính phủ cố đẩy lùi Washington theo đúng cách mà các nước châu Á hiện nay đang làm với Trung Quốc. Song thực tế thì tòa nhà Thượng viện Brazil được đặt tên sau khi Monroe nhấn mạnh cái cách mà khu vực đó hiểu học thuyết của ông ấy vào thời gian ấy.
Sự giận dữ tại châu Á, vốn đã bắt đầu thành hình từ năm 2010, sẽ không dễ cho Trung Quốc có thể đảo ngược, ngay cả khi Trung Quốc thử quay về một dạng “ngoại giao nụ cười” khác. Năm 2010 không phải một ngọn lửa bùng lên giây lát trên chảo, mà nó cho thấy một sự thay đổi trật tự chính trị dài hạn ở châu Á, trong đó nhiều chính phủ nhận thức rằng những lợi ích của họ có điểm chung với những lợi ích của Washington. Trở ngại cho Trung Quốc không phải tạm thời nếu nghiên cứu sâu hơn về hai quốc gia trọng yếu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hai quốc gia khác nhau rất nhiều về chính trị, văn hóa và lịch sử, nhưng là hai quốc gia đang bộc lộ bản năng giống nhau trước sự trỗi dậy của Trung Quốc: Australia và Việt Nam.
Trích đoạn, từ cuốn “Cuộc tranh đua của thế kỷ: Kỷ nguyên cạnh tranh mới với Trung Quốc, và cách để Mỹ chiến thắng” (“The Contest of the Century: The New Era of Competition with China–and How America Can Win”) của Geoff A.Dyer.
Đào Anh Dũng dịch, theo: http://www.viet-studies.info/kinhte/LineWithNineDashes_Dyer.htm
THEO VIET-STUDIES

Có phải người Việt thích được thương hại?


Phải chăng cơ chế xin- cho đã khiến cho chính quyền địa phương lẫn người dân chỉ biết trông chờ vào sự “thương hại”?
Như một sự tình cờ, hàng loạt câu chuyện gây ồn ào nổi lên trong suốt tuần qua lại gắn với những hành vi liên quan đến “xin – cho”. Khiến không ít người đặt ra câu hỏi, phải chăng, có một bộ phận người Việt đang ngày càng đánh mất đi tinh thần dấn thân “xắn tay áo hành động” hết sức, hết mình. Thay vào đó là phát sinh tâm lý trông chờ, mong đợi những tác động từ bên ngoài?
Mong chờ?
Thời bao cấp, cơ chế xin- cho bao phủ mọi hoạt động kinh tế – xã hội. Xã xin huyện, huyện xin tỉnh, tỉnh xin Trung ương. Và dĩ nhiên, nơi xin phải quỵ lụy nơi cho để xin được và xin nhiều hơn. Vì thế dân gian mới có bài vè: “Bộ về thì tỉnh giết trâu/ Tỉnh lên bộ hỏi đi đâu chú mày?/ Tỉnh về thì huyện giết cầy/ Huyện lên tỉnh hỏi chú mày đi đâu?…”.
Cũng chính vì tư duy và quan niệm như vậy nên đã hình thành tính ỷ lại trong xã hội. Người ta mong chờ vào sự ban phát từ phía trên, và đẩy trách nhiệm xã hội cho Nhà nước.
Tưởng rằng những việc như thế chỉ có trong thời bao cấp. Thế nhưng nó vẫn còn hiện hữu ở thời điểm này, khi mà đất nước đã đổi mới và ngày một phát triển. Không chỉ những địa phương nghèo, người nghèo mong muốn được hỗ trợ, mà cả địa phương không khó khăn lẫn người giàu cũng thích được sự “thương hại”.
Chẳng hạn trong dịp tết cổ truyền vừa qua, tỉnh Phú Yên đã đề nghị Trung ương cấp gạo cứu đói cho người dân. Mặc dù đây là một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế đạt 10,67% (năm 2013) và sản lượng lương thực đứng đầu khu vực Nam Trung bộ. Nhưng trong số 676 tấn gạo được hỗ trợ, tỉnh này chỉ cấp phát cho người nghèo được 232 tấn(!?).
Hay một vụ việc lùm xùm gần đây liên quan đến một nghệ sỹ có tên tuổi trong làng điện ảnh làm phim thua lỗ, có nguy cơ mất nhà và không còn chỗ ở. Nghệ sỹ này đã kêu ca, than thở với báo chí và viện dẫn những lý do dẫn đến thua lỗ trong lúc cơ thể có nhiều bệnh tật.
Vụ việc trở nên vô cùng “phản cảm” khi sự kêu gọi giúp đỡ là để nghệ sỹ kia có được 10,2 tỷ trả tiền vay cho ngân hàng và giữ lại ngôi biệt thự đã đem đi thế chấp.
Cũng thời gian này, báo chí đưa tin về vụ tự tử của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng L’Wren Scott (Hoa Kỳ) có liên quan đến nợ nần do thua lỗ trong kinh doanh. Có lẽ không ai trong chúng ta muốn thấy nhà thiết kế này chọn một kết cục đáng thương như thế. Nhưng có lẽ, lòng tự trọng của họ không muốn nhận một sự thương hại từ những chủ nợ và những người hâm mộ?
Và mới đây, câu chuyện cô trò Sam Lang vượt sông suối mùa lũ đến trường đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, kịp thời của Bộ GTVT. Với việc Bộ này quyết định đầu tư xây dựng một cây cầu trị giá 3,5 tỷ đồng tại nơi đó.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Giang – Giám đốc Sở GTVT Điện Biên, cả tỉnh hiện có tới 51 điểm qua sông suối cần xây dựng cầu treo dân sinh. Và một tỉnh có tới 98% ngân sách phải trông chờ vào Trung ương thì việc đầu tư xây cầu là bất khả kháng.
Chả lẽ chính quyền và nhân dân tỉnh này mãi ngồi chờ sự “thương hại” của Trung ương? Trong khi còn hàng nghìn, hàng vạn địa phương của các tỉnh thành khác cũng đang khó khăn, và cũng đang trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách.
Chả lẽ họ không huy động được sức dân và nguyên vật liệu tại chỗ của địa phương để làm những cây cầu? Để làm bớt đi những hiểm nguy rình rập đối với con em của họ. Thực sự họ không thể cố gắng vượt qua khó khăn, hay họ thích được “thương hại”?
Còn đó những tấm lòng
Mặc dù xã hội vẫn còn rất nhiều điều khiến những người có lương tri thấy chua xót và đau đáu. Nhưng vẫn còn đó những tấm gương vượt khó, vượt khổ, không ỷ lại vào lòng thương hại của xã hội.
Như cô giáo đã nghỉ hưu Bùi Thị Một đã dùng những đồng lương hưu ít ỏi của mình và vận động đồng nghiệp, người dân xây cầu qua sông Côn (xã Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam). Hay như 03 cụ ông đã ngoài 60 tuổi ở huyện Châu Thành (An Giang) huy động được hàng chục tỷ đồng để xóa cầu khỉ cho dân, có những thời điểm họ phải cầm cả sổ đỏ nhà đất để có vốn làm cầu.
Hay như anh Coor Dếnh ở xã Tà Pơ (Nam Giang, Quảng Nam) đã bỏ tiền xây cầu qua suối để giúp hàng trăm hộ dân đã thoát cảnh bị cô lập trong mùa mưa lũ. Hoặc ông lái đò Chu Văn Thi đã bỏ tiền xây cầu qua sông Kỳ Cùng cho hơn 2.000 người dân xã Nhạc Kỳ (Văn Lãng, Lạng Sơn) đi lại,…
Còn hàng nghìn, hàng vạn người tốt việc tốt trong xã hội mà trong nội dung một bài viết không thể kể ra hết được. Họ thầm lặng cống hiến cho xã hội, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn vượt lên chính mình. Họ kêu gọi cộng đồng chung tay đẩy lùi những khó khăn của địa phương khi chưa có được sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nhưng vẫn còn đó những quan chức quan liêu và xa rời đời sống khó khăn của người dân. Họ chỉ biết kiếm tiền để tạo nên sự giàu có của bản thân, lo giữ cho vững chiếc mũ ô sa mà quên đi những người dân còn nghèo khổ. Và ít nhất, trách nhiệm của người làm quan là phải chăm lo được đời sống của dân, giải quyết những khó khăn của dân.
Chúng ta lâu nay vẫn nói về sự vô cảm, sự thiếu trách nhiệm trong xã hội. Phải chăng mặt trái của sự phát triển là sự vô tâm đối với xã hội, với cộng đồng? Phải chăng sự khốn khó của một thời bao cấp đã khiến con người trở nên ích kỷ, thiếu trách nhiệm với xã hội? Phải chăng cơ chế xin-cho đã khiến cho chính quyền địa phương lẫn người dân chỉ biết trông chờ vào sự “thương hại”?
THEO VIETNAMNET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét