Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Một cách nhìn về chính trị: Địa chiến lược

Một cách nhìn về chính trị: Địa chiến lược

Người biểu tình cầm hình ảnh mô tả ông Putin như Adolf Hilter trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Kiev.Người biểu tình cầm hình ảnh mô tả ông Putin như Adolf Hilter trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Kiev.
Cách suy nghĩ về chính trị của phần lớn người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, cho đến nay, thường bị chi phối bởi ba yếu tố: một, kinh nghiệm; hai, ý thức hệ; và ba, lịch sử.

Yếu tố đầu, kinh nghiệm cá nhân, dễ thấy nhất nhưng cũng chủ quan, nhiều cảm tính nhất, và do đó, ít giá trị nhất. Kinh nghiệm tùy thuộc vào hoàn cảnh và thời điểm: Những người thuộc hoàn cảnh và thời điểm khác nhau sẽ có những kinh nghiệm khác nhau. Sử dụng kinh nghiệm để phán đoán, do đó, rất ít có sức thuyết phục, và càng ít có khả năng đạt đến đồng thuận. Những người sống ở miền Bắc và ở miền Nam trước năm 1975, cho đến nay, vẫn có nhiều xung khắc trong quan điểm về rất nhiều vấn đề liên quan đến chính trị Việt Nam cũng như quốc tế là vì vậy.

So với kinh nghiệm, hai yếu tố ý thức hệ và lịch sử rộng hơn nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Cả hai đều có tính thời gian. Lịch sử có tính thời gian đã đành; ngay cả ý thức hệ, một hệ thống tư tưởng dùng để chỉ đạo và biện chính cho các lựa chọn chính trị của một thể chế, cũng có tính thời gian: Chúng xuất hiện rồi chúng suy tàn, cuối cùng, biến mất. Khăng khăng ôm giữ lấy kinh nghiệm lịch sử hay ý thức hệ để phán đoán, người ta dễ có nguy cơ trở thành tù nhân của quá khứ, từ đó, chỉ nhìn được hiện tại và hiện thực qua kính chiếu hậu.

Có thể thấy cả ba yếu tố trên chi phối một cách rõ rệt cách nhìn của nhiều người Việt về cuộc khủng hoảng chính trị mới đây tại Ukraine. Người đã từng du học ở Nga hoặc có thời xem Nga là một đồng minh gần gũi dễ có khuynh hướng bênh vực cho việc Nga xâm chiếm vùng đất Crimea của Ukraine. Những người không thích Nga, từ Nga thời độc-tài-cộng-sản đến Nga thời độc-tài-hậu-cộng-sản, dễ có khuynh hướng đả kích Nga kịch liệt. Cả việc bênh hay chống đều đậm màu sắc cảm tính, do đó, người ta ít hay không để ý đến nhiều khía cạnh khác, lớn hơn, liên quan đến một số toan tính chiến lược có thể ảnh hưởng đến bàn cờ chính trị của cả thế giới sau này.

Liên quan đến chính trị, đặc biệt chính trị quốc tế, ở Tây phương người ta thực tế hơn. Lord Palmerston (tên thật Henry John Temple, 1784-1865), nguyên thủ tướng Anh, có nói một câu, sau này, trở thành một châm ngôn thường được nhắc đi nhắc lại trong nhiều trường hợp nhằm giải thích các quan hệ đối ngoại của các quốc gia thuộc Âu châu và Bắc Mỹ, đặc biệt, của Mỹ: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh viễn, chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn, chúng ta chỉ có những lợi ích vĩnh viễn (We have no permanent allies, we have no permanent enemies, we only have permanent interests.)

Không nhận ra được sự thật ấy, nhiều người làm chính trị ở miền Nam trước năm 1975 vẫn tưởng là Mỹ, sau khi đã bắt tay với Trung Quốc để phân hóa khối xã hội chủ nghĩa và làm suy yếu Liên Xô, vẫn tiếp tục là đồng minh đắc lực và tận tụy với mình. Cũng vì không nhận ra sự thật ấy, giới lãnh đạo miền Bắc, trước năm 1975, cứ tưởng Trung Quốc vĩnh viễn là đồng minh và đồng chí thân thiết nhất của mình. Thậm chí, ngay cả sau khi bị Trung Quốc, một mặt, xúi Khmer Đỏ tấn công ở biên giới Tây Nam; mặt khác, trực tiếp xua quân qua tấn công ở biên giới phía Bắc, vẫn cứ tưởng Trung Quốc lúc nào cũng là anh em xã hội chủ nghĩa. Rồi, sau đó, khi Trung Quốc lấn biển và chiếm đảo, dùng mọi thủ đoạn để gây khổ cho ngư dân và gây khó cho chính quyền, họ vẫn cứ tưởng Trung Quốc là “láng giềng tốt”, “đối tác tốt” và “đồng chí tốt”.

Nếu với Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam sai lầm ở chỗ vĩnh cửu hóa đồng minh; với Mỹ, họ lại sai lầm ở chỗ đã vĩnh cửu hóa kẻ thù. Trước năm 1975, họ xem Mỹ, vốn đứng đầu phe tư bản chủ nghĩa, là một kẻ thù. Ngay bây giờ, trong khi hầu hết những nhà bình luận chính trị đều xem chỉ có Mỹ may ra mới cứu Việt Nam ra khỏi hiểm họa Trung Quốc, họ vẫn không thoát được cách nghĩ trong quá khứ. Vẫn nghi ngờ. Vẫn lo ngại. Vẫn nhìn thế giới dưới nhãn quan thời Chiến tranh lạnh, ở đó, thế giới bị chia cắt thành hai phe: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Vẫn xem Mỹ như một kẻ đứng đằng sau các âm mưu “diễn tiến hòa bình” để lật đổ họ hoặc để xâm chiếm Việt Nam. Do đó, các trò ngoại giao với Mỹ cứ đong đưa, đong đưa, trong khi đó, gọng kềm của Trung Quốc càng lúc càng chặt trong mọi lãnh vực, từ quân sự đến chính trị, kinh tế, xã hội và cả văn hóa nữa.

Những cách nhìn bị giam hãm trong ý thức hệ và lịch sử như vậy khiến người ta vĩnh viễn thuộc về quá khứ. Ở người dân thường, tác hại của chúng không lớn lắm. Nhưng với giới làm chính trị, với trọng trách lãnh đạo quốc gia, thì khác: Chúng khiến người ta mất đi những tầm nhìn có tính chiến lược.

Trong cái gọi là chiến lược ấy, điều quan trọng nhất là địa chiến lược (geostrategy).Khái niệm địa lý khá rộng, bao gồm không chỉ có cương thổ và đất đai mà còn có địa lý nhân văn (human geography), địa lý kinh tế (economic geography), địa lý văn hóa (cultural geography), địa lý quân sự (military geography) và địa lý chính trị (political geography). Địa chính trị, một thuật ngữ do Frederick L. Schuman đặt ra vào năm 1942, một mặt, là một bộ phận của địa lý chính trị, phần khác, lại có liên hệ chặt chẽ với tất cả các thứ địa lý khác.

Nói một cách vắn tắt, đó là các chiến lược xuất phát từ những điều kiện địa lý nhằm khai triển đến mức tối đa các ưu thế có sẵn để, một mặt, bảo vệ an ninh và độc lập, mặt khác, tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của mình lên các quốc gia khác. Hai vấn đề quan trọng nhất trong địa chiến lược là việc xây dựng quân đội, kể cả các đội quân và vũ khí trên biển, cũng như việc thiết lập các quan hệ đồng minh. Trong ý nghĩa đó, địa chiến lược bao trùm lên cả quân sự lẫn chính trị và ngoại giao.

Ý thức địa chính trị đã manh nha từ lâu. Ngay thời thượng cổ, ở Hy Lạp, Herodotus đã nhận thấy mối tương quan giữa các nền văn minh lớn với các đặc điểm địa lý của các quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, một quan điểm thật rõ ràng về địa chính trị để biến nó thành một ý thức địa chiến lược thì chỉ phát triển trong thời hiện đại khi xu hướng toàn câu hóa đã phát triển mạnh biến thế giới thành một cái làng ở đó mọi quốc gia đều chịu sự tương tác mạnh mẽ của nhau.

Sự tự giác về địa chính trị nổi bật nhất là trước và trong đệ nhị thế chiến. Trong thập niên 1940, Pháp tự hào là có một đội quân hùng mạnh đứng hàng thứ nhì trên thế giới. Tuy nhiên, Pháp lại có hai điều bất hạnh: Một, nước có quân đội hùng mạnh nhất thế giới lại là Đức; và hai, Đức lại là nước láng giềng có chung biên giới với Pháp. Hậu quả là Pháp bị Đức đánh bại một cách dễ dàng. Trong khi đó, Anh và Mỹ lại ở xa, hơn nữa, lại được biển cả bảo vệ, ở đó, sức mạnh của họ lại nằm ở chỗ khác: hải quân. Còn Nga thì may mắn một cách khác: Nó quá rộng và khí hậu lại quá khắc nghiệt để Đức có thể chinh phạt.

Nói chung, từ góc nhìn địa chính trị, hầu như ai cũng đồng ý Mỹ là quốc gia may mắn nhất thế giới. Nhìn lên bản đồ thì thấy ngay: phía bắc là Canada, vốn cùng một văn hóa và có truyền thống hòa hiếu lâu đời, lại nhỏ, yếu và nghèo hơn Mỹ. Phía nam là Mexico, càng nghèo và yếu hơn Mỹ về mọi mặt. Còn nguyên biên giới phía Đông và phía Tây đều là đại dương. Bất cứ lực lượng thù nghịch nào muốn tấn công Mỹ cũng đều phải băng qua cái đại dương bao la ấy. Nhưng trên đại dương ấy, lực lượng hải quân mạnh nhất lại thuộc về Mỹ. Hệ quả là, trong lịch sử, Mỹ có thể thua nước này hoặc nước khác, ở trận chiến này hoặc trận chiến khác, nhưng tất cả đều ở xa, có khi rất xa nước Mỹ. Ngay cả những nước tự hào là đã thắng Mỹ cũng chưa bao giờ đặt được dù một ngón chân lên đất Mỹ.

Được thiên nhiên ưu ái bảo vệ, trong suốt cả thế kỷ 20 và bước sang thế kỷ 21, Mỹ chỉ quan tâm đến địa chiến lược ở tầm toàn cầu. Thời chiến tranh lạnh, họ đẻ ra thuyết domino với quan niệm: nếu cộng sản chiếm được một nước, nó sẽ dần dần lan sang nước khác bên cạnh; bởi vậy, công việc chống cộng sản một cách hiệu quả nhất là bao vây các nước cộng sản và ngăn chận sự phát triển của nó. Xuất phát từ thuyết domino ấy, Mỹ đã quyết định nhảy vào Việt Nam, thay thế vai trò của Pháp.

Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, từ quan điểm địa chiến lược, Mỹ tiếp tục theo đuổi ba chủ trương chính: Một, tiếp tục duy trì lực lượng quân sự cực lớn và cực mạnh ở Bắc Mỹ; hai, tiếp tục duy trì thế thượng phong về hải quân để có thể đương đầu với các thử thách đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt với những siêu cường mới nổi và có khả năng tranh chấp với Mỹ, trong đó, đáng kể nhất là Trung Quốc; và ba, tiếp tục duy trì và xây dựng các quan hệ đồng minh để tạo nên sức mạnh toàn cầu. Trước, trung tâm của cái gọi là đồng minh ấy nằm ở Âu châu với việc mở rộng Liên hiệp Âu châu và khối NATO; sau, từ mấy năm nay, mở rộng sang các đồng minh ở châu Á, chủ yếu với Nhật, Hàn Quốc và Úc để bao vây Trung Quốc.

Trong cách nhìn địa chiến lược như vậy, Việt Nam không những không còn là kẻ thù của Mỹ mà còn có triển vọng trở thành một đồng minh quan trọng của Mỹ trong việc bảo vệ con đường hàng hải qua Biển Đông cũng như trong việc ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc: Trong hai việc này, Việt Nam có ưu thế hơn hẳn các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Việt Nam có khai thác được ưu thế ấy để tìm được một chiến lược tối ưu nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền cũng như sự phát triển của nước mình hay không là tùy vào tầm nhìn của giới lãnh đạo, trong đó, quan trọng nhất, chính là tầm nhìn địa chiến lược.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ

Nguyễn Hưng Quốc

Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.
 

BAUXITE TÂY NGUYÊN (Kỳ I)-KHÔNG CHỈ LÀ THUA LỖ!

(Nhất Nam)- Cách đây hơn 10 năm. Cuộc tranh cãi về Dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên của Việt Nam từng có một khởi đầu khá khoa học: Chính phủ VN từng mở nhiều hội thảo để tham vấn nhiều tổ chức, chuyên gia nước ngoài. Trong đó có thể kể đến nhiều gương mặt của nhiều nước: Nhật, Đức, Đan Mạch, Pháp, Liên Xô..
Cố đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời từng kiến nghị dừng các dự án Bauxite Tây Nguyên.
Trong đó đáng quan tâm nhất là Chương trình Hợp tác Xô - Việt của Tổ chức COMECON. Khi đó, COMECON từng khuyến cáo VN không nên khai thác Bauxite ở Tây Nguyện, họ đã chỉ ra rằng: Dùng tiền đầu tư cho cà phê, tiêu, điều... còn có lời hơn ! Sau vài năm tạm lắng, nhất là sau ý kiến của ông Nguyễn Tấn Dũng lúc đang còn là Phó thủ tướng rằng "không khai thác Bô-xít Tây Nguyên". Những tưởng Chính phủ VN đã lựa chọn được bài toán đúng sai. Không ngờ bất chấp các cảnh báo của các chuyên gia cả trong và ngoài nước, nhằm dọn đường cho khai thác Bauxite, kế hoạch tách, thành lập Tỉnh Đăk Nông ra đời, cùng với đó hàng loạt các quyết định để guồng máy của Dự án hàng chục tỷ dolar khởi động.
Tuyên bố trong thông cáo chung Việt - Trung của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh năm 2008 là phát súng khởi động chính thức quyết định chặn con đường lui của Dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, đánh giá tình hình thực tế dễ dàng nhận ra Chính quyền VN đã đổi lấy gói cứu trợ 20 tỷ USD từ Trung Quốc để đối phó với cuộc khủng khoảng kinh tế đang trên đà xuống dốc với tốc độ siêu âm, bằng những dự án, hiệp định thương mại.. mà trong đó Dự án này là một trong những dự án chính.
Việc khởi động dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên đã thổi bùng một phong trào phản đối trong giới trí thức, chuyên gia, doanh nhân giàu kinh nghiệm và am hiểu kinh tế, quân sự.v.v. Trang mạng Bauxite Việt Nam do nhóm nhân sĩ trí thức ra đời.
Nhiều phong trào phản đối Bauxite Tây Nguyên đươc phát động.
Để đối phó với sự phản đối này, các gương mặt công thần đình đám như Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tường Lê Văn Cương, Tướng Đồng Sĩ Nguyên... lần lượt được "nghỉ hưu" hoàn toàn, rút khỏi những vai trò khả dĩ còn chút ảnh hưởng tới nhà nước. Một số nhân sĩ phản đối Dự án bị trấn áp bằng nhiều hình thức, điển hình là Viện IDS (trong đó có nhiều thành viên nhóm 72 trí thức hàng đầu VN) bị buộc giải thể vì "không thể hoạt động". Nhà giáo Đinh Đăng Định cùng một số người khác bị bắt và xử tù tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước"... Sau mấy năm triển khai, nhà máy Alumin Tân Rai đã đi vào hoạt động năm 2013. Nhà máy Alumin Nhân Cơ đến nay vẫn đang còn xây dựng dang dở.
Thầy giáo Đinh Đăng Định bị kết án 6 năm tù sau khi ông công khai chỉ trích các dự án Bauxite.
Ngay chưa đầy 1 năm vận hành thương mại. Thực tế đã chứng minh: Mọi thông số báo cáo của Dự án khả thi đều sai! Trong đó cái sai nghiêm trọng nhất là tổng mức đầu tư đội lên hàng ngàn tỷ đồng, giá thành Alumine thô xuất khẩu thấp hơn dự kiến gần 50-80 USD/tấn.. Con số lỗ tính tại thời điểm này dự kiến lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng chỉ trong 4-5 năm(!).
Kéo theo nó là hệ lụy hàng trăm ngàn hecta đất rừng của hai tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng "ăn theo" dự án bị triệt hạ trắng hoàn toàn. Việc hình thành Trung tâm hành chính Tỉnh Đăk Nông ở Gia Nghĩa xóa sổ hoàn toàn hàng ngàn hecta đồi thông vốn từng là cảm hứng cho một "Đà lạt thứ 2" của VN.!
Cuộc khủng khoảng kinh tế VN vẫn chưa tới điểm dừng. Món nợ khổng lồ từ khai thác Bauxite Tây Nguyên giờ đây người dân phải gánh. Trong đó có cả máu và nước mắt của người dân. Một thầy giáo Đinh Đăng Định đang trở thành chứng nhân đau đớn nhất khi sau cái án tù đày là cái án tử đang dần đếm từng ngày!
Dưới đây là những hình ảnh ghi lại được của nhà máy Nhân Cơ, sau khi được đầu tư 1000 tỷ đồng nay giống công trường bỏ hoang vì chỉ có vài nhóm công nhân lèo tèo với vài phương tiện cơ giới qua lại. Nhưng xung quanh nó hàng ngàn ha rừng đã thành đồi trọc, trong đó có nhiều trang trại, vườn cà phê của ai đó khá hoành tráng:






Đón đọc kỳ II: Nhà máy Nhân Cơ - Những dấu hiệu cái chết được báo trước.
Facebook Nhất Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét