Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Nên làm gì và chờ đợi điều gì trong năm 2014 - Những tỳ vết của viên ngọc Singapore

Lê Xuân Khoa - Nên làm gì và chờ đợi điều gì trong năm 2014

Sau loạt bài nhận định về diễn văn Shangri-La của TT Nguyễn Tấn Dũng, chuyến đi Bắc Kinh của CT Trương Tấn Sang, và tổng kết hai cuộc hội đàm thượng đỉnh Bình-Sang và Obama-Sang đã đăng trên Bauxite Việt Nam hồi tháng Sáu, tháng Bảy và tháng Tám 2013, tôi quyết định không viết gì thêm về vấn đề Việt Nam nữa. Lý do chính là vì tôi đã nói hết những suy nghĩ của mình, cùng với nhiều anh em trong nước, về "Việt Nam phải làm gì" để có thể thực sự bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc và đem lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc.

Trước đó mấy tháng, trong "Thư gửi bạn bè trong nước", tôi cũng đã đưa ý kiến là đã đến lúc nhân sĩ, trí thức nên ngưng viết kiến nghị và thư ngỏ cho lãnh đạo vì chúng ta đã chứng tỏ đầy đủ thiện chí đóng góp vào những vấn đề hệ trọng của đất nước. Từ nay cần chuyển sang hành động, ôn hoà nhưng cụ thể. Nhưng muốn hoạt động có hiệu quả thì phải có tổ chức mà tổ chức thì cơ khổ thay, lại bị chế độ ngăn cấm, nên tôi đã gợi ý là tìm ra những hình thức tổ chức không chính thức để sinh hoạt và quan hệ với nhau (networking), giữa các cá nhân hay các nhóm công dân, thực hiện những điều mà Chính phủ chỉ nói mà không làm. Có lẽ vì "những đầu óc lớn gặp nhau" nên lần lượt thấy nảy sinh những sáng kiến thành lập các tổ-chức-phi-tổ-chức sinh hoạt với nhau trên Facebook, họp mặt ở quán cà phê hay hội thảo dã ngoại, tiếp xúc vận động với các tổ chức quốc tế, phát tài liệu về nhân quyền cho dân chúng, xác định quyền và vai trò của phụ nữ, v.v. Sự xuất hiện của Diễn đàn Xã hội Dân sự với một số dự án cụ thể đang chuẩn bị thực hiện có lẽ là hình thức thực tế và khả thi nhất để kết hợp hay phối hợp những công dân yêu nước và yêu dân chủ thành một khối áp lực cần thiết nhằm dẫn đến thay đổi xã hội theo hướng dân chủ hóa.

Bây giờ thì tôi chỉ còn chờ xem những nhóm công dân trong xã hội dân sự đang nảy nở sẽ hành động cụ thể như thế nào và chính quyền sẽ xử lý ra sao. Mặc dù không còn viết bài đặt vấn đề với chính quyền, tôi vẫn tiếp tục góp ý với các bạn ở trong nước để được các anh chị xem xét và tuỳ nghi sử dụng.

Trước sự kiện nhân dân đang thức tỉnh và sức mạnh dân tộc đang lớn mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vốn rất bén nhạy về chính trị, đã đón gió kịp thời để trấn an nhân dân bằng thông điệp đầu năm với những xác quyết cụ thể hơn về "đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân".  Trí thức trong nước cũng đã bén nhạy cảm thấy ông Dũng đang chuẩn bị cho tương lai chính trị của mình, thậm chí nhà giáo Phạm Toàn đã đưa giả thuyết ông Dũng là đại biểu quốc hội thứ hai đã không bấm nút thông qua Hiến pháp "mới nhưng cũ" năm 2013. Nhà báo Phạm Chí Dũng, sau khi phân tích những điểm mới "ít nhất là về mặt phát ngôn" trong thông điệp đầu năm của thủ tướng, còn nhận định thêm là ông Nguyễn Tấn Dũng, trong những nỗ lực xây dựng sự nghiệp mới của mình, không chỉ muốn tranh thủ sự ủng hộ của trí thức trong đảng mà cả ngoài đảng, và luôn cả trí thức hải ngoại nữa.

Dù sao, trí thức và nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đang tỉnh táo theo dõi việc làm của Thủ tướng trong những ngày tháng tới xem ông có thể hiện được những lời xác quyết trong thông điệp đầu năm hay không. Trong khi đó, các nhóm công dân vẫn tiếp tục xây dựng sức mạnh dân tộc và sẽ có những đòi hỏi cụ thể nhằm hai mục tiêu then chốt là bảo vệ Tổ quốc và thực thi dân chủ. Trên các diễn đàn XHDS và sci-edu, tôi đã có một số đề nghị được một số anh em tán thành nhưng chưa biết sẽ có được nhóm nào thực hiện hay không. Tôi có thể quả quyết là trí thức, chuyên gia và đa số người Việt ở nước ngoài sẽ hết lòng hỗ trợ.

Năm 2014 sẽ phải là năm quyết định cho vận mệnh tương lai của đất nước và dân tộc. Tình hình vô cùng cấp bách vì lãnh đạo Bắc Kinh đang tiếp tục dùng "sức mạnh mềm" chiếm đoạt chủ quyền đất nước ta, phá hoại đời sống kinh tế và môi trường lành mạnh của nhân dân, và thực hiện âm mưu Hán hoá chủng tộc và văn minh Việt.

Lê Xuân Khoa
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Phan Châu Thành - Những tỳ vết của viên ngọc Singapore (3)

Đầu năm mới 2014, tôi cứ chần chừ mãi việc viết nốt phần cuối về “những tỳ vết của viên ngọc Singapore” như đã tự hứa này. Chần chứ, là vì ai lại thích đi nói về tỳ vết của những người hàng xóm làm chuyện đầu năm cơ chứ. Nhưng đã hứa rồi… Mà tôi thì không thích là “Con ma nhà họ Hứa” như thủ tướng X nổi tiếng trơ trẽn của dân Việt đau khổ chúng ta hôm nay, kẻ lại vừa mới có “lời hứa đầu năm” còn trơ hơn nữa. Trơ, vì với kẻ như X, có hứa lớn có nghĩa là sẽ có hại lớn…

Nhưng với mấy bài này của tôi, các bạn có thể để ý thấy tôi thực chất chỉ mượn chuyện Singapore và người Sing để nói chuyện “đảng ta” mà thôi.

http://media.baotintuc.vn/2013/11/11/21/27/singapore1.jpg

Nhắc lại ý chính hai phần trước

Trong phần đầu trước tôi đã trình bày quan điểm của mình về tính hai mặt trong cách thức và đạo đức kinh doanh của đa số doanh nhân Singapore. Trên ba chục năm làm ăn với họ trên nhiều địa vị tư cách khác nhau, tôi thấy riêng ở Việt nam hôm nay họ chủ yếu kinh doanh bằng mua chuộc các quan tham cộng sản – tức giúp tham nhũng rồi rửa tiền cho bọn “sâu đỏ” trong khi họ làm ăn rất nghiêm túc ở xứ họ. Điều tôi muốn nói là đảng cộng sản VN và các đảng viên “ưu tú” của nó đã làm nghèo VN rất nhiều và cũng góp phần tích cực làm giàu Singapore chút đỉnh, đánh sáng thêm viên ngọc Singapore. Về việc này, chắc đảng PAP của ông Lee Kuan Yew phải thưởng nhiều huy chương cho các lãnh đạo đảng CSVN mới đúng, thay vì sang cố vấn/dạy cách kinh doanh.

Phần hai, tôi nói về chính sách thực dụng của chính phủ Singapore trong mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế. Nó làm họ mâu thuẫn nặng nề với các hàng xóm lân bang trong ASEAN. Trong ví dụ, tôi lấy chuyện họ mua cát lấn biển từ tận đồng bằng Cửu Long của ta từ các quan tham cộng sản, bất chấp việc đó phá hoại môi trường và đời sống dân ta hôm nay và ngày mai thảm thế đến thế nào, miễn là “thuận mua vừa bán”. Mà cộng sản Việt nam hôm nay họ đã và đang sẵn sàng bán cả đất nước, cả dân tộc Việt này cho CS Tầu, thì nhằm nhò gì ba…hạt cát sông, miễn là tiền họ thêm đầy túi.

Và phần này, tôi sẽ nói về hệ thống chính trị Singapore, và những tỳ vết của họ mà cộng sản Việt Nam đã tự học lỏm và nay đã trở thành sư phụ. Đó là, làm thế nào để ổn định chính trị?

Vài nét về hệ thống chính trị Singapore

Singapore được Anh trao cơ chế tự trị (Internal Self-Government) bằng một Hiến pháp Singapore từ năm 1958, nhờ đó đảng PAP (People’s Actions Party, do một nhóm trí thức trung lưu mà ông Lee K.Y. đứng đầu thành lập 4 năm trước, 1954), trong khuôn khổ Hiến pháp Anh quốc đã tham gía ứng cử dân chủ và rồi thành đảng cầm quyền tại Singapore, từ 1959, cho đến nay.

Về chính trị, Singapore thực chất là quốc gia với chế độ độc đảng, vì chưa từng có đảng đối lập nào lên cầm quyền thay PAP được, suốt 54 năm qua. Đây cũng là chế độ toàn trị (totalitarian government), vì họ (PAP) kiểm soát chặt chẽ mọi lĩnh vực sống của hơn bốn triệu dân đảo quốc này.

Có lẽ, đây là quốc gia hiếm hoi mà việc bắt bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào có thể diễn ra nhanh gọn và không ầm ĩ nhất, nếu họ muốn. Có nghĩa là, họ có lực lượng an ninh vô hình nhưng rất hiệu quả và trung thành (liêm khiết).

Khó có thể gọi Singapore là nước dân chủ được, vì họ thực sự không có lực lượng đối lập. Đảng được gọi là đối lập của PAP là WP (Workers’ Party) duy nhất thường được PAP “chia” 3-6 ghế trong 99 ghế Quốc hội, chỉ có vai trò “trang trí” thôi, như đảng Dân chủ và đảng Xã hội của CSVN dựng lên ngày trước và nay đã bị CSVN giải tán. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất - 2011, hệ thống bầu cử “dân chủ” của họ vẫn đảm bảo cho PAP chiếm 81 trong số 87 ghế nghị sĩ được bầu trong khi họ chỉ được tròm trèm 60% phiếu cử tri bầu…

Chính quyền Singapore của PAP cũng kiểm soát hoàn toàn và gắt gao hệ thống báo chí. Ở Singapore, báo chí và hơi thở chính trị -xã hội là “của” PAP 100%, tức là chỉ được phản biện chuyện chính trị-xã hội nước khác mà thôi, muốn nói về chính trị Singapore – hãy bật TV lên xem PAP trình diễn hầu như hàng ngày trên diễn đàn Quốc hội. Tự do ngôn luận cũng bị vi phạm nghiêm trọng ở Singapore, chẳng kém Việt nam.

Tiếp theo là cơ hội thăng tiến của công dân bằng các con đường công chức và quan chức chính phủ bị phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá của các cá nhân lãnh đạo PAP, cụ thể là ông Lee cha và nay là Lee con nữa… Cha con họ có thể chọn và đưa bất kỳ ai từ vô danh lên thành các bộ trưởng chỉ “qua một đêm”, trước sự ngạc nhiên của dân Singapore luôn…

Đấy là vài nét chính: nền tảng dân chủ Anh, đảng phái kiểu cộng sản, hoạt động công an hiệu quả, kiểm soát hoàn toàn báo chí-truyền thông, kiểm soát nhân sự bí mật, pháp luật nghiêm khắc …, còn lại họ “thả lỏng” cho dân tự do: làm kinh tế, xây dựng văn hóa, tổ chức dân sự xã hội và… ra nước ngoài đánh bạc hoặc tham nhũng…

PAP – đảng cai trị Singapore trên nửa thế kỷ nay đó chỉ có khoảng 15,000 đảng viên, tức khoảng 3000 đảng viên trên 1 triệu dân, vậy mà họ cai trị ngon ơ. Nếu áp tỷ lệ này vào Việt Nam thì CSVN chỉ cần 3x90 = 270 ngàn đảng viên, còn đỡ hơn là trên 3 triệu quan tham và quan tham tiềm năng, gấp mười mấy lần Singapore…
Cộng sản Việt nam đã học Singapore được gì?

Nếu chỉ kể những mặt trên của hệ thống chính trị Singapore, mà đó là những điều cốt lõi giúp nó ổn định, thì CSVN đã là thầy của PAP rồi. Này nhé, họ có dân chủ cộng sản hơn gấp vạn lần dân chủ Anh, họ kiểm soát không chỉ báo chí mà cả mọi cái làm ra bao chí-truyền thông như… tư tưởng. Hoạt động của các lực lượng công an CSVN tuy không nhanh gọn nhưng mạnh tay hơn nhiều, còn luật pháp rất nghiêm (ưu tiên với dân trước đã) và nhân sự thì COCC sẵn rồi… Vậy còn gì nữa?

Có đúng là Singapore chỉ có “đối lập ôn hòa” như đảng WP không? Không, dân Singapore cũng không hẳn muốn hệ thống toàn trị của PAP, vì không dân tộc nào muốn mất tự do chọn người lãnh đạo và tự do ngôn luận cả (cái mà PAP giữ chặt cho 15,000 đảng viên thôi!).

Đối thủ chính trị thực sự của PAP chính là đồng sáng lập PAP và đối tác ngày đầu của của PAP để cùng đòi quyền tự trị từ Anh - là MCP (Malaysia Communist Party), và năm 1957 MCP suýt kiểm soát được PAP, thì PAP từ khi cầm quyền đã đặt đảng cộng sản ngoài vòng pháp luật… Có nghĩa là PAP quyết không đội trời chung cùng cộng sản.

Singapore vẫn có đối lập thực sự, nhưng họ tất cả đều bị PAP khống chế, dồn ép và bắt phải sống lưu vong ngay từ khi PAP nhận ra họ có thể tranh chấp ảnh hưởng và quyền lực với họ.

Vậy không ai đang sống ở Singapore dám lên tiếng phản đối hay đòi hỏi từ PAP các quyền đó? Có. Ví dụ như các thành viên SMNO (Singapore Malaysia National Organization, chủ yếu do ngươi Malay tham gia) và một số cá nhân ngưởi Hoa như Dr.Chee…Nhưng họ bị PAP hóa giải bằng hai cách chính: cách ly xã hội (cắt đứt các quan hệ dân sự) và triệt tiêu nguồn sống kinh tế, với từng cá nhân đối lập. Đó chính là hai điều CSVN đã học được từ PAP, nhưng đang áp dụng ở mức độ, phong cách đểu cáng, phi nhân đạo và tàn bạo hơn nhiều nhiều nhiều lần…

Singapore PAP cách ly cách đối thủ chính trị tiềm năng của PAP khỏi xã hội dân sự nói chung của họ hay cản trở kinh doanh của họ một cách kín đáo không ai biết và trên/trong khuôn khổ luật pháp dân chủ của Anh, trong chừng mực cho phép bằng những nhắc nhở và những vụ kiện kinh tế hợp pháp làm họ mệt mỏi thì thôi.

Tôi nhớ, một vài lần những năm 80s, nói chuyện với các bạn người Singapore, tôi rất ngạc nhiên về một số vụ án kinh tế nhỏ nhưng dai dẳng và vô lý của chính phủ Singapore chống lại một số doanh nhân cá lẻ (cả gốc Hoa, Malay và cả India). Tôi càng ngạc nhiên về cách họ làm to chuyện trên báo chí, mà chúng tôi đều biết những chuyện như thế nhan nhản tại Singapore ở mức độ tệ hại hơn nhiều (như mua bán đồ kém chất lượng, lách luật để giảm thuế…). Câu trả lời tôi nhận được là: đó là cách PAP làm khó dễ các thành phần chính trị đối lập, bằng con đường phạt án kinh tế nặng do họ/PAP có thể tùy tiện áp…Nhưng tất cả những chuyện đó diễn ra rất văn hóa và hợp pháp.

Hồi đó, đây là lần đầu tiên tôi nghe đến khái niệm một chính phủ dùng đến các biện pháp pháp lý kinh tế để chống lại một cá nhân vì họ có quan điểm chính trị bất đồng với mình, nhằm đến mục tiêu triệt hạ đối thủ chính trị đó. Một thế võ lạ của ông Lee và Singapore, và tôi cũng quên đi…
Nay thì với “võ kinh tế-pháp lý” trò CSVN đã thành đại ác

Đến nay, tôi đoán, học phương pháp triệt tiêu kinh tế các đối thủ chính trị của Lee Kuan Yew, đảng CSVN đã bịa ra đủ mọi lý do, luật lệ, thuế má để “xử” hòng làm khốn đốn cả gia đình giòng họ của các nhà bất đồng chính kiến, từ Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đến luật sư Nguyễn Quốc Quân, và nay chúng ta thấy cả đương kim tù nhân quản thúc Lê Thăng Long và biết bao, người khác nữa, đẩy cuộc sống của họ đến những bước đường cùng.

Chúng ngang nhiên và rình rập tự biến mình thành côn đồ dạng bẩn thỉu nhất, dùng những thứ bẩn thỉu nhất như như phân, mắm tôm, bao cao su…, dùng những hành vi tàn bạo ác độc du côn nhất… để ngang nhiên hành hung, tra tấn, hãm hại người bất đồng chính kiến với chúng, trước mặt sự canh gác bao che của lực lượng an ninh trong trang phục của chúng…

Chúng theo dõi, bám theo và hù dọa, ngăn cản mọi người có mọi mối quan hệ sinh sống, sinh hoạt hàng ngày với những người đấu tranh cho dân chủ, để họ ép họ phải ngừng những giao tiếp dân sự đơn thuần nhất, con người nhất với nhau…

Phải kết luận rằng đây đang là biện pháp hoạt động chống bất đồng chính kiến chính hay chủ lực, là sách lược chính qui của đảng CSVN hôm nay.

Cứ nghe đến, đọc đến và chứng kiến những hành vi bỉ ổi của chính phủ CSVN hiện nay đối với những người dân chủ, lòng tôi lại dâng lên một cảm giác khinh bỉ căm ghét chúng tột cùng. Đối với tôi, chúng - bọn cộng sản như thế, không phải là người nữa mà là những con thú ác đang xé thịt người mà nếu có súng máy trong tay chắc chắn là tôi sẽ bóp cò diệt thú cứu người không lưỡng lự!
Lời kết:

Tôi không có ý đổ “lỗi này” cho người Singapore vì vô tình gán ghép họ thành “thầy” của CSVN trong việc triệt hạ kinh tế và cuộc sống dân sự của đối thủ chính trị. Tôi chỉ nhân chuyện Singapore để nói chuyện mình: không phải hành vi, mà cái văn hóa và lương tâm của người có hành vi đó là gì quyết định thái độ của ta với họ.

Văn hóa và lương tâm cộng sản VN làm tôi khinh bỉ, căm ghét chúng tột cùng.

Tôi vẫn yêu quí và kính phục ông Lee và PAP, tôi vẫn yêu quí đất nước và dân tộc Singapore, chỉ vì họ đã biết và làm được một điều này cho chính họ: họ quyết không đội trời chung cùng cộng sản, ít ra trên đảo quốc Singapore, điều mà người Việt cũng nên học, nên làm, cứu dải đất hình chữ S tang thương này.

Phan Châu Thành
________________________________________________________
PS: Không đội trời chung với CS không có nghĩa là phải tiêu diệt từng cá nhân cộng sản, đó chỉ là cách nói cương quyết nhất của việc không chấp nhận chế độ cộng sản, tức là mong muốn tiêu diệt cái thể chế cộng sản của họ mà thôi.
  (Dân luận)

Người Buôn gió - Chào đón Dư Luận Viên năm 2014

Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận dư luận viên một cách bao quát hơn. Ngoài góc nhìn họ là những người bảo vệ chế độ ra, cần phải có một cách nhìn khác về họ.

Thứ nhất, sự ra đời của dlv trên các trang mạng khiến cho thông tin được phong phú hơn, đa chiều hơn. Ít nhiều nó sẽ gây ra sự thu hút của dân chúng vào thế giới mạng. Mà thế giới thông tin trên mạng nếu như thế sẽ được gọi là một chiến trường. Thì ít ra những người yêu thích tự do đã có được chiến trường.

Tại sao phải vui khi có chiến trường.?

Bao năm nay, nhà nước CSVN vốn dĩ truyền thông độc quyền. Mọi thông tin đều do họ kiểm soát. Những lời nói đối lập dù chỉ loáng thoáng ở vỉa hè, khu phố, cơ quan, nhà máy đều bị trả giá lập tức bằng án tù hay tập trung cải tạo. Chúng ta chưa bao giờ biết đến một mặt trận truyền thông của hai làn dư luận như hiện nay.

Nhờ có sự phát triển của kỹ thuật, cộng với sự đổi mới của thế giới và quan hệ quốc tế. Những người yêu thích tự do đã có được một khoảng trống nhỏ để phát biểu ý kiến của mình, quan điểm và những bất đồng với chính quyền. Sự ra đời của dlv với nhiệm vụ tuyên truyền cho Đ và đấu tranh chống luận điệu sai trái đã cho thấy nhà nước CSVN đã buộc phải nhìn nhận rằng đã có một chiến trường thông tin trên mạng mà họ khó có thể dập tắt. Cho dù họ đã nỗ lực sử dụng kỹ thuật chặn, bắt bớ, nghị định xử phạt..

Nhưng chiến trường thông tin ấy không hề ngớt tiếng của phe yêu tự do. Một sự thật mà nhà cầm quyền Việt Nam thấy rõ là có sự tồn tại của truyền thông tự do, không thể lờ đi coi như không có được, hoặc bỏ mặc cho các người yêu tự do ngôn luận chiếm lĩnh truyền thông trên các trang mạng.

Buộc lòng họ phải đưa chiến sĩ của họ ra trận. ( hy vọng họ cũng sẽ sớm nhận ra có một chiến trường nữa mà bây lâu họ cũng cố quên đó là chiến trường nóng bỏng ngoài khu vực đảo Hoàng Sa ).

Một hội 258 ra đời, một hội phản bác 258 ra đời. Hội 258 đưa hình đến các cơ quan ngoại giao quốc tế quảng bá hành động của mình. Hội phản bác 258 cũng công khai đưa hình đến bộ ngoại giao VN. Tiếp đến là những bài viết công kích của nhóm phản bác 258 trên mạng. Nhóm này cũng chụp hình sinh hoạt, giao lưu, gặp gỡ...điều đó rất tốt. Tốt vì nó nói ra rằng một mặt trận truyền thông đã được công nhận.

Tuy rằng luận điệu của DLV nhiều khi thật buồn cười, ví dụ họ nói rằng nhóm mạng lưới bloger không đại diện cho tất cả các bloger Việt Nam. Nói thế thì họ cũng phải công nhận nhiều nhóm nhiều tổ chức khác không đại diện cho tất cả những người Việt Nam. Ví dụ cái hội Việt Kiều yêu nước do chính phủ VN thành lập. Cái hội này rõ ràng còn tiếm danh hơn mạng lưới bloger Việt Nam, vì Việt Kiều nào mà không yêu nước, chả lẽ VK nào không có trong hội này là không yêu nước VN sao.?

Nhưng cứ để cho sự tranh cãi được diễn ra. Dù sao có được một mặt trận để diễn ra sự tranh luận này cũng là thành công của những người yêu tự do. Dư luận sẽ phán xét bên nào có lý, sự phán xét có thể còn không đến ngày hôm nay, có thể là còn nhiều ngày sau nữa. Thì sự ra đời của các DLV một cách công khai, chính thức thì cũng có nghĩa sự ra đời của các nhóm đối thủ của nhóm DLV cũng đã được khẳng định.

Dư luận viên - mục đích ra đời và tương lai về đâu.?

Mục đích ra đời của các nhóm DLV như Võ Khánh Linh, Tre Làng, Loa Phường ..ban đầu với mục đích là bảo vệ chế độ, đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc. Nhưng càng ngày người ta càng thấy luận điệu của các nhóm này xa rời mục tiêu ban đầu đó. Nếu như bảo vệ chế độ cần phải có những bài viết nghiêm túc, khách quan, ngôn từ đứng đắn để chinh phục dư luân...thì đằng này các nhóm DLV trên sử dụng ngôn ngữ chợ búa, những lập luận ngô nghê của đám dân chợ để nhục mạ đối thủ của mình.

Nhục mạ đối thủ bằng những câu văn rẻ tiền, lập luận bừa bãi, khiên cưỡng và quy chụp như vậy, có phải là bảo vệ chế độ không.? Tất nhiên không ai đi bảo vệ chế độ một cách vô học như thế, trừ khi muốn lợi dụng vậy để bôi bác thêm chế độ. Một chế độ kiểu gì mà những kẻ bảo vệ nó nói những lời hạ đẳng như vậy.?

Rõ ràng các DLV không bảo vệ chế độ, hoặc trình độ của họ để bảo vệ chế độ là quá thấp. Hoặc mục tiêu chính của họ là nhục mạ, hạ thấp những nhà đấu tranh, những lực lượng tiến bộ trong xã hội. Gây cho nhân dân không tin tưởng vào các phong trào xã hội dân sự tiến bộ đang ra đời.

Không bảo vệ lý tưởng của chế độ, đánh phá uy tín những phong trào dân sự đang xuất hiện, vậy các dlv có mục đích chính là gì.?

Phải chăng ( đám dlv ) là sự chuẩn bị cho một thế lực nào đó sắp ra mắt công chúng. Một thế lực đang cần cho dân chúng thấy rằng chỉ có họ mới nắm vận mệnh, thay đổi được đất nước, chỉ có họ mới thực sự dân chủ, thực sự đem lại tự do và phát triển cho đất nước. Chính vì vậy, thế lực này đẻ ra đám Dư luận viên để cho đám này đi tung tăng đi khắp nơi nhục mạ , hạ thấp uy tín các nhóm khác bằng ngôn ngữ thấp hèn, qua cách sử dụng ngôn ngữ đó cũng hạ thấp hình ảnh ĐCS VN vì mang danh nghĩa bảo vệ.

Bỗng nhiên gần đây, hình ảnh của những nhà lý luận VN trong BCT không được báo chí đề cập đưa tin. Báo chí vắng bặt tin hoạt động của UVBCT Đinh Thế Huynh, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị, Ngô Văn Dụ....những ủy viên từng kinh nghiệm rành rẽ về các hoạt động tuyên truyền, lý luận, truyền thông.

Thay thế vào đó báo chí ca ngợi những gương mặt mới như Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình... khiến cho dân chúng cảm thấy những gương mặt này là nguồn động lực mới , đáng tin tưởng, đáng gánh vác trọng trách quan trọng nay mai.

Ở phía dưới, đám dlv cũng có nhiều bài khen ngợi những gương mặt mới này. Mọi sự chỉ trích những nhân vật mới này đều được các dư luận viên ưu tiên phản pháo hàng đầu.

Đến đây thì có lẽ bản chất sự ra đời của dlv để làm gì, phục vụ ai đã rõ.

Nói gì thì nói, những nhà lý luận như Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh, Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị có muốn dập tắt những dư luận tự do đến mấy đi nữa, có thể bằng nhà tù, gông cùm...nhưng chắc họ không bao giờ sử dụng đám dlv võ biền,dung tục để tranh luận với thiên hạ bảo vệ lý tưởng CS của họ.

Nhìn toàn cục. Sự ra đời của đám dlv cũng là tổn thất của ĐCS về mặt uy tín. Điều rõ ràng nhìn thấy vậy , tại sao ĐCSVN vẫn để đám dlv tung hoành. Đơn giản bởi vì đám dlv đươc nuôi dưỡng bằng nguồn tiền của một thế lực mới đang ngự trị trên đất nước. Nó cho thấy ĐCS VN đã yếu thế trong việc kiểm soát kinh tế, tài nguyên, nguồn lực, lực lượng vũ trang....điểm mạnh nhất của ĐCS là tuyên truyền giờ cũng đang bị phân hóa nặng nề, nguy cơ mất kiểm soát nốt mảng này là điều dễ thấy.

Cuối cùng thì sự ra đời của dlv cũng đáng được chào đón. Nhất là sau bao năm những lời nói của những người yêu nước chỉ bị coi là dạng tin đồn. Giờ qua đám dlv đã chính thức được khẳng định là những kênh thông tin độc lập với nhà nước. Khi đám dlv này càng nỗ lực bao nhiêu thì những người yêu tự do ngôn luận đang ngày đêm hoạt động càng được khẳng định bấy nhiêu.

Vì điều đó, xin chào đón các dư luận viên đến một năm mới hứa hẹn nhiều thông tin bổ ích cho nhân dân.

Người Buôn gió
Blog Người Buôn Gió

Tòa có làm rõ được “người dấu mặt” giúp Dương Chí Dũng chạy trốn?

Tòa có làm rõ được “người dấu mặt” giúp Dương Chí Dũng chạy trốn?

Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng cho biết bị cáo này không nhận tội nhưng cũng không chối tội và luôn bình tĩnh trong quá trình điều tra.
Sáng 7.1, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tự Trọng và 6 bị cáo đồng phạm trong vụ tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài.

Ngày 6.1, trao đổi với Một thế giới, luật sư Nguyễn Đình Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng) cho biết trong quá trình điều tra, thân chủ của mình “luôn giữ được sự bình tĩnh và kiên định”.

“Với kinh nghiệm của một người đã từng làm thủ trưởng cơ quan điều tra của một địa phương lớn và với cá tính của mình, bị cáo Trọng sử dụng đúng những quyền mà pháp luật cho phép. Ông Trọng không nhận tội nhưng cũng không chối tội”, luật sư Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, ông Trọng chỉ muốn được các cơ quan tiến hành tố tụng đối xử công bằng, theo đúng quy định của pháp luật. Các luật sư cũng đã phát hiện một số nội dung trong cáo trạng cáo buộc “chưa công bằng” với thân chủ của mình và sẽ trình bày trước tòa.

Cạnh đó, luật sư Hưng cho rằng việc cơ quan điều tra tách vụ án “có người báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn” ra khỏi vụ án của Dương Tự Trọng để điều tra thành một vụ án khác là chưa hợp lý.

“Tình tiết này mới chính là gốc rễ của vụ án, nó là điểm khởi đầu của việc các bị cáo tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài như cáo buộc của VKS. Cơ quan tiến hành tố tụng chưa chứng minh được ai là người báo tin mà đã khép ông Trọng vào vai trò chủ mưu của vụ án là chưa chặt chẽ”, luật sư Hưng phân tích.

Cũng theo luật sư Hưng, nếu trong phiên tòa, ông Dương Chí Dũng khai ra người báo tin cho mình thì có thể tòa sẽ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

“Trong phiên tòa này, ông Dương Chí Dũng cũng bắt buộc phải có mặt để làm rõ những tình tiết của vụ án. Trong trại giam, ông Trọng cũng đã biết tòa tuyên án tử hình với anh trai mình và nói rằng mức án đó là không hợp lý”, luật sư Hưng nói.

Ngoài luật sư Hưng, bị cáo Dương Tự Trọng còn mời luật sư Vũ Thị Kim Ngọc (đoàn luật sư Hà Nội) bảo vệ quyền lợi cho mình. Bị cáo Trọng bị VKSND Tối cao truy tố theo Khoản 3, Điều 275 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 12-20 năm tù.

Trước đó, trong phiên tòa xét xử mình và các đồng phạm về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trong, bị cáo Dương Chí Dũng đã kiên quyết không khai ra danh tính của người báo tin cho mình. Ông Dũng cho rằng mình đã khai tại cơ quan điều tra và đây là vụ án khác nên "không tiện nói ra" và "nếu bắt buộc thì tôi sẽ nói trong vụ án đó".

Theo quy định của Bộ luật hình sự, tội cố ý làm lộ bí mật công tác có mức án án cao nhất từ 2 đến 7 năm tù và cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; làm mất bí mật công tác có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, vụ án tại Vinalines được coi là “đại án tham nhũng” nên thường chỉ có những cán bộ cấp cao, có nhiệm vụ trực tiếp mới biết trước thông tin Dương Chí Dũng bị khởi tố. Do đó, danh tính của nhân vật bí ẩn này là câu hỏi lớn mà dư luận đang chờ sẽ được làm sáng tỏ trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm.
Các bị cáo trong vụ án gồm Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên Cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an); Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – PC45, Công an Hải Phòng); Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng); Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ PC45 Hải Phòng); Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Hải quan Hải Phòng, đối tượng truy nã của Công an TP Hồ Chí Minh); Trần Văn Dũng (Dũng “Bắc Kạn” là giang hồ có máu mặt tại các tỉnh phía Bắc) và Phạm Minh Tuấn (Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng).
 Thanh Lưu

Người được gọi là 'kiều nữ Hải Dương' nhờ luật sư bảo vệ

(TNO) Sau những thông tin xôn xao dư luận liên quan đến chuyện "kiều nữ Hải Dương", mới đây, chị Phạm Thị Thanh Ngọc (ảnh, Việt kiều Mỹ, người bị gọi là "kiều nữ Hải Dương") đã lên tiếng.

Cụ thể, chị Phạm Thị Thanh Ngọc là Việt kiều Mỹ, người bị gọi là "kiều nữ Hải Dương" đã liên lạc với luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận mình là nhân vật chính trong bài viết và cung cấp thông tin, đề nghị tư vấn pháp lý để khởi kiện, tố giác người đưa tin sai sự thật để bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm.

Trước đó, có tờ báo đăng bài viết thông tin về một nữ Việt kiều đã từng sống trong một căn biệt thự ở trung tâm TP.Hải Dương, có nhan sắc và giọng nói ngọt ngào, thường gọi taxi đến nhà mình rồi cho tài xế uống thuốc kích dục để cưỡng hiếp. Cái được gọi là bài báo đó nhanh chóng lan truyền và tạo nên cơn sốt trên mạng. 

Theo chị Ngọc, những thông tin trong bài viết như: Có những tài xế bị ép quan hệ hơn 30 lần/2 ngày, phải bò lê bò lết ra cổng kêu cứu người quen đưa đi bệnh viện cấp cứu… Thậm chí, người viết còn cho là đã nhập vai xâm nhập để làm rõ sự thật và cũng đã bị kiều nữ ép suýt phải đi bệnh viện, nhưng may có người ứng cứu và chạy thoát thân… là bịa đặt.

Trong một lá thư gửi cho luật sư Sang, bà Ngọc cho biết những thông tin đăng tải trong bài viết về kiều nữ chuyên săn tài xế taxi để cưỡng hiếp là hoàn toàn sai sự thật, đã phỉ báng, sỉ nhục bà làm bà hoàn toàn suy sụp về sức khỏe và tinh thần.

“Tôi đang rất khổ tâm vì những lời lẽ xúc phạm miệt thị của một số người đang nói về tôi! Cho dù tôi hoàn toàn không hề hay biết ngoài việc họ đang vu khống tôi ra, còn mục đích gì nữa không thì tôi không biết. Báo còn cho rằng chồng tôi ngủ ngáy đến nỗi tôi phải uống thuốc ngủ dẫn đến thần kinh thì quá thể”, nội dung lá thư viết.

Luật sư Sang cho biết bà Phạm Thị Thanh Ngọc đã yêu cầu luật sư Sang bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà trong quá trình khởi kiện những tờ báo đã đăng tin sai sự thật và tố giác đối với những cá nhân có hành vi bịa chuyện vu khống bà. Và bà sẽ về nước trong vài hôm nữa để đưa vụ việc ra trước pháp luật nhằm bảo vệ danh dự.

Luật sư Sang cho biết thêm, sau khi bà Ngọc về Việt Nam, bà Ngọc sẽ yêu cầu luật sư Sang hỗ trợ và cùng bà Ngọc gửi đơn khiếu nại, tố giác đến các cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu làm rõ về vụ việc.

“Nếu người viết và đơn vị phát hành không cung cấp được bằng chứng về những thông tin mình đăng tải thì hành vi này đã có dấu hiệu cấu thành tội "làm nhục" và người nhận mình là nạn nhân bị bà Ngọc cưỡng dâm không chứng minh được là chuyện này có thật thì phạm tội "vu khống người khác". Đồng thời, chúng tôi sẽ yêu cầu trang thông tin đăng tải thông tin sai sự thật phải bồi thường danh dự và đăng đính chính”, luật sư Sang cho hay.

Theo luật sư Sang, lẽ ra bà Ngọc đã về nước từ trước tết Dương lịch để trực tiếp làm việc với ông nhưng do bận công việc nên bà phải dời lại. Hiện nay, bà Ngọc đã nhờ ông bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp và bà Ngọc sẽ về nước trong vài ngày tới.

Lê Nga
(Thanh niên)

Sẽ cấm xe máy hoàn toàn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Liên quan đến các phương án thu phí phương tiện được Bộ Giao thông vận tải đưa ra thời gian quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, một quyết định quan trọng mà liên quan đến nhân dân đều phải lấy ý kiến của nhân dân, sẽ quyết định thông qua Quốc hội và Chính phủ.

Sẽ lấy ý kiến người dân

Về lo ngại của nhiều người trước tình trạng phí chồng phí lên phương tiện giao thông, bên lề Hội nghị trực tuyến về công tác an toàn giao thông quý I/2012 với lãnh đạo 63 tỉnh, thành cả nước Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Một chủ trương nào cũng có hai mặt của nó, chúng ta thấy rằng ở một đất nước mà quá nhiều phương tiện trong khi tai nạn giao thông tăng như vậy, chúng ta phải có những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tai nạn, kể cả đó là một thông lệ của quốc tế trong kinh nghiệm quản lý nhà nước”.
e18xe may 1 Sẽ cấm xe máy hoàn toàn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
“Chính vì vậy mà chúng tôi đang lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan, quyết định cuối cùng vẫn là Quốc hội”, ông Phúc khẳng định.

Đưa quan điểm về những ý kiến cho rằng phí lưu hành phương tiện không thích hợp với thu ở các địa phương nhất là vùng sâu vùng xa làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân, ông Phúc cho hay, một quyết định quan trọng mà liên quan đến nhân dân đều phải lấy ý kiến của nhân dân, tất cả những biện pháp đưa ra đều phục vụ nhân dân, lo cho tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, quyết định thế nào sẽ thông qua Quốc hội và Chính phủ.

Đánh giá về thực trạng giao thông của nước ta hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian quan tai nạn giao thông có giảm, mhưng kết quả này chưa bền vững. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông.

Theo ông Phúc, Nhà nước phải có giải pháp tổ chức lại hệ thống giao thông của mình, đặc biệt là khi diện tích mặt đường chưa được tăng lên, thì việc tổ chức lại công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông cần được đặt ra, với các biện pháp như phân luồng, phân làn lòng đường, vỉa hè… Trên tinh thần ai vi phạm phải xử lý nghiêm, cơ sở nào vi phạm phải bị đình chỉ.

“Các địa phương phải có kế hoạch rất cụ thể để xây dựng các công trình giao thông tĩnh ở trên địa bàn của mình, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM và các đô thị lớn, để giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông”, ông Phúc nói.

Ngoài ra, ông Phúc cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để có những quy phạm pháp luật theo hướng tăng chế tài xử phạt, giảm phương tiện cá nhân…

NguyenHoanghiep Sẽ cấm xe máy hoàn toàn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

“Các công việc này rất quan trọng vì ảnh hưởng đến tính mạng của nhân dân, các biện pháp phải đồng bộ và cụ thể mới có hy vọng năm an toàn giao thông quốc gia sẽ thành công, mhư mong mỏi của Đảng, Quốc hội và nhân dân”, ông Phúc kết luận.

Đúng là có nhiều loại phí

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thừa nhận: “Câu chuyện phí và lên phí hiện nay đúng là có rất nhiều loại phí, giá ô tô của Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều lần các nước sản xuất ra xe, vì các loại phí đẩy giá xe cao lên”.

Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, hiện nay cả nước có 37 triệu phương tiện giao thông, và tiếp tục gia tăng qua các năm, nên cần có biện pháp để hạn chế sự gia tăng phương tiện. Trong các giải pháp đưa ra, có việc ban hành Quỹ bảo trì và sắp tới sẽ thu phí hạn chế phương tiện cá nhân.

“Mỗi một phí một mục tiêu khác nhau, như Quỹ bảo trì đường bộ đưa ra vì hiện nay đường bộ đầu tư rất lớn và để duy trì bảo dưỡng đường bộ, đảm vân hành an toàn thì kinh phí bằng 2/3 kinh phí đầu tư xây mới. Hiện nay nhà nước không có tiền, đầu tư cho bảo trì đường bộ có 17 triệu/1km, số này chưa đủ trả lương cho công nhân chứ chưa nói đến vật liệu, rõ ràng người tham gia giao thông phải có trách nhiệm đống phí bảo trì…”, ông Hiệp thẳng thắn thừa nhận.

Còn về phí hạn chế phương tiện cá nhân, ông Hiệp nhận định, là đánh đúng vào khu vực cần hạn chế phương tiện, đó là đối tượng sử dụng ô tô cá nhân.

Ông Hiệp cũng cho rằng, trước mắt phí vào trung tâm thành phố, phí hạn chế phương tiện cá nhân thì ở những chỗ cần thiết vẫn phải làm và phải làm ngay.

“Nếu không tiến hành ngay, với tốc độ hiện nay thì 3 năm nữa Hà Nội và TP. HCM sẽ không còn chỗ để để xe, chứ không nói là để đi, đấy là điều chắc chắn. Đáng nhẽ phải thu cách đây 10 năm rồi, nếu thu cách đây 10 năm thì tình trạng ùn tắc đã không như thế này”, ông Hiệp khẳng định.

Ngoài ra, theo ông Hiệp, các đô thị phải có lộ trình giảm xe máy, riêng Hà Nội và TP. HCM chắc chắn sẽ có lộ trình cấm hẳn xe máy. Một quốc gia phát triển phải vậy và người dân cũng phải chia sẻ. Đồng thời với đó là phát triển đồng bộ hạ tầng vận tải hành khách công cộng, đảm bảo cho người dân có phương tiện đi lại.

“Đây là chiến lược lâu dài, và phải làm từ 10 tới 15 năm nữa phải cấm xe máy. Cái này phải cóp lộ trình và thông báo trước cho người dân”, ông Hiệp khẳng định.
  (Báo Pháp luật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét